Lời giới thiệu
==========
Tại sao chúng ta có mặt trên đời này? Tại sao chúng ta phải đau khổ? Con người ở mọi thời đại đã hình thành những hệ thống triết học để lý giải sự tồn tại của mình, và đưa ra giải pháp cho vấn đề khổ đau. Tôn giáo cũng cố gắng giải quyết vấn đề khổ đau bằng cách dạy rằng mọi người nên có niềm tin vào Chúa trời, và sống theo rời răn của Chúa; nhờ đó người ta có thể được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu trên thiên đàng sau khi chết. Đức Phật đã đưa ra câu trả lời của riêng Ngài và là duy nhất cho vấn đề của khổ. Ngài dạy rằng nguyên nhân của đau khổ là chính bên trong con người, cụ thể là những lỗi lầm và phiền não của con người, chứ không phải do ngoại cảnh. Ngài giải thích rằng chỉ có hiểu biết sâu sắc về tâm mình và tất cả các hiện tượng của cuộc sống mới có thể dẫn đến sự chấm dứt khổ đau . Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ kinh (Thiên có kệ, chương III, Tương Ưng Kosala, phẩm thứ ba, §3 Thế gian) rằng, vua Pasenadi đã tham vấn Đức Phật tại thành Xá Vệ về nguyên nhân của đau khổ. Chúng ta cùng đọc:
“Bạch Thế Tôn, có bao nhiêu pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú?”
“Thưa Ðại vương, có ba pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.
Thế nào là ba? Thưa Ðại vương, tham là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú. Thưa Ðại vương, sân là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú. Thưa Ðại vương, si là pháp ở đời, khi khởi lên đưa lại bất lợi, đau khổ, bất an trú.”
Chúng ta không thể thay đổi ngoại cảnh, nhưng thái độ bên trong chúng ta đối với những thăng trầm của cuộc sống có thể thay đổi. Trí tuệ có thể được phát triển và cuối cùng có thể tận diệt hoàn toàn tham, sân và si. Trí tuệ này không được phát triển bởi suy đoán về sự thật của đời sống, mà được phát triển thông qua kinh nghiệm trực tiếp các hiện tượng của cuộc sống như chúng thực là, kể cả các trạng thái tâm của chính mình. Đó là Bát Chánh Đạo (con đường) mà Đức Phật đã dạy, nhưng cần có thời gian để hiểu được làm thế nào phát triển con đường ấy. Đức Phật không phải là một vị Chúa trời, không phải là một Đấng cứu thế muốn mọi người tuân theo mình mà không đặt câu hỏi về sự thật của Giáo lý ấy. Ngài đã chỉ dạy con đường dẫn đến sự hiểu biết về sự thật, tuy nhiên, mọi người phải tự mình khám phá sự thật và phát triển con đường ấy. Chúng ta đọc bài kinh (Trường Bộ Kinh, II, 16) mà Phật thuyết cho vị đệ tử là ngài Ānanda:
“Vì vậy, Ānanda, hãy là một hải đảo của chính mình, hãy nương tựa vào chính mình, không tìm nơi nương tựa bên ngoài; lấy Giáo Pháp là hải đảo của mình, là nơi nương tựa của mình, không tìm nơi nương tựa nào khác ”
Đức Phật giải thích rằng bằng việc phát triển Bát Chánh Đạo, ta là nơi nương tựa của chính mình.
Đức Phật đã tự mình tìm ra con đường dẫn đến sự hiểu biết về sự thật mà không cần sự giúp đỡ của một vị thầy nào. Tuy nhiên, Ngài không phải là vị Phật duy nhất. Từ vô lượng kiếp trước, đã có những vị Phật khác cũng tự mình tìm được ra và chỉ dạy cho người khác cách phát triển Bát Chánh Đạo. Vị Phật đã thuyết giảng cho chúng ta Giáo lý chúng ta biết đến thời nay là Đức Phật Gotama. Tên của Ngài là Siddhattha và họ là Gotama. Ngài sống ở thế kỷ thứ VI trước CN ở miền Bắc Ấn Độ. Ngài được sinh ra trong vườn Lâm Tỳ Ni (nay thuộc Nepal – Lumbini ), là con trai của vua Tịnh Phạn (Suddhodana), vua của dòng họ Sākyas. Mẹ Ngài là hoàng hậu Maya. Ngài kết hôn với công chúa Da Du Đà La (Yasodharā) và thụ hưởng một cuộc sống vương giả sung túc. Tuy nhiên, khi chạy xe ngựa rời khỏi khuôn viên hoàng cung với người đánh xe của mình, Ngài đã phải đối mặt với cái khổ. Chúng ta đọc trong Trường Bộ kinh (Kinh Đại bổn) rằng Đức Phật liên tưởng đến câu chuyện của một vị Phật quá khứ, Đức Phật Vipassi, và giải thích rằng tất cả các vị Bồ-tát, các chúng sinh được thọ ký trở thành các chư Phật toàn giác, đều có trải nghiệm như vậy. Chúng ta đọc thấy rằng, vị Bồ-tát của chúng ta sau khi nhìn thấy một người già nua ở trong công viên, liền hỏi người đánh xe ngựa của mình điều đó nghĩa là sao. Người đánh xe giải thích cho Ngài rằng, người mà Ngài nhìn thấy đã về già và rằng, tất cả mọi chúng sinh đều phải chịu cảnh già. Trong một dịp khác, Ngài gặp một người bệnh và người đánh xe ngựa giải thích rằng tất cả chúng sinh đều phải chịu cảnh bệnh tật. Một dịp khác nữa, Bồ-tát thấy một xác chết. Người đánh xe ngựa đã giải thích rằng đó là xác của một người đã kết thúc cuộc đời. Chúng ta cùng đọc :
Khi thấy thây chết, Hoàng tử Vipassi hỏi: “Này khanh, sao người ấy được gọi là người đã chết?” – “Tâu Hoàng tử, người ấy được gọi là người đã chết, vì nay bà mẹ, ông cha hay những bà con ruột thịt khác không thấy người ấy nữa! Và người ấy cũng không thấy bà mẹ, ông cha hay những người bà con ruột thịt khác”. – “Này khanh, vậy Ta chưa chết rồi có bị chết không? Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy Ta chăng? Và Ta sẽ không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác chăng?” – “Tâu Hoàng tử, Hoàng tử và cả con nữa, chúng ta tuy nay chưa chết nhưng rồi cũng sẽ bị chết. Phụ vương, Mẫu hậu hay những người bà con ruột thịt khác sẽ không thấy hoàng tử, và hoàng tử sẽ không thấy Phụ vương, Mẫu hậu hay các người bà con ruột thịt khác” – “Này khanh, thôi nay thăm vườn ngự uyển như vậy vừa rồi. Hãy cho đánh xe trở về cung.”
Hoàng tử về trong cung đau khổ, sầu muộn và suy nghĩ: “Sỉ nhục thay cái gọi là sanh! Và ai sanh ra cũng phải già, cũng phải bệnh, cũng phải chết như vậy!”.
Sau khi đức Bồ-tát đã đối mặt với một người già, một người bệnh và một xác chết, cảnh tượng thứ tư mà Ngài thấy là với một tu sỹ. Bồ-tát hỏi ý nghĩa của việc trở thành một tu sỹ, và người đánh xe ngựa trả lời rằng, điều đó có nghĩa là dấn thân hoàn toàn cho cuộc sống tâm linh, cuộc sống tĩnh lặng, làm việc thiện, sống giới hạnh, bất bạo động, và từ ái với tất cả chúng sinh. Đức Bồ-tát quyết định rời khỏi cuộc sống trần tục của mình và trở thành một tu sỹ.
Khi ngài còn là một vị Bồ-tát, Đức Phật Gotama đã gặp những cảnh tượng giống như Bồ-tát Vipassi. Ngài cũng trở thành một tu sỹ sau khi gặp cảnh tượng thứ tư nhằm tìm kiếm giải pháp cho vấn đề đau khổ. Đầu tiên ngài tu tập khổ hạnh, nhưng thấy rằng đây không phải là cách để tìm ra sự thật. Ngài đã quyết định không tiếp tục thực hành khổ hạnh và ngừng tuyệt thực . Vào ngày Ngài sẽ đạt giác ngộ, Ngài đã dùng cháo do cô gái Sujātā dâng cúng. Ngồi dưới cây Bồ Đề Ngài đã đắc Đạo. Ngài đã chứng Tứ Thánh Đế: chân lý về khổ, về nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ và con đường đưa tới chấm dứt khổ đau. Ngài đạt được giác ngộ ở tuổi ba mươi lăm và đã chỉ dạy con đường Bát Chánh Đạo cho những người khác trong suốt bốn mươi lăm năm. Ở tuổi tám mươi, Ngài nhập diệt tại Câu Thi Na (Kusinārā).
Giáo lý của Ngài đã được gìn giữ trong kinh điển Phật giáo gồm Tạng Luật (giới luật dành cho các tỳ kheo), Tạng Kinh (các bài thuyết pháp), và Tạng Vi Diệu Pháp (“thắng pháp”). Những kinh sách được viết bằng ngôn ngữ Pāli thuộc về truyền thống Theravāda. Thuật ngữ “Theravāda” (Hīnayāna hay Tiểu thừa không còn được sử dụng nữa) có thể được dịch là “Trưởng lão bộ”. Ngoài ra còn có truyền thống Mahāyāna (Đại chúng bộ hay Đại thừa) được phát triển sau này. Hai truyền thống có thống nhất với nhau ở một số điểm của Giáo lý Đức Phật nhưng khác nhau về cách thực hành, tức là sự phát triển Bát Chánh Đạo dẫn đến sự chứng ngộ chân lý. Người dân ở các nước Thái Lan, Sri Lanka, Lào, Campuchia và Bangladesh đi theo Truyền thống Nguyên thủy. Truyền thống Đại thừa thì được truyền vào các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng và Mông Cổ.
Khi giác ngộ, Đức Phật đã hiểu rằng nguyên nhân gây ra đau khổ là tham ái. Ngài thấy rằng, khi có sự chấm dứt của tham ái sẽ có sự kết thúc đau khổ. Những gì Đức Phật dạy đi ngược lại với những gì hầu hết mọi người đang tìm kiếm trong cuộc sống. Mọi chúng sinh đều khát khao kinh nghiệm những đối tượng dễ chịu và do đó, mong muốn tiếp tục có được những đối tượng đó. Đức Phật, sau khi giác ngộ, trong một khoảnh khắc đã không nghĩ tới việc truyền dạy chân lý mà Ngài đã chứng ngộ khi ở dưới cội Bồ Đề. Ngài biết rằng “Pháp”, giáo pháp của ngài về chân lý, sẽ rất khó có thể hiểu được bởi những người đang vui thú, mê đắm trong ngũ dục. Chúng ta đọc trong Trung Bộ kinh (Số 26, Kinh Thánh cầu) rằng, Đức Phật kể lại cho các tỳ kheo hành trình tìm kiếm chân lý của Ngài khi còn là một vị Bồ-tát, sự giác ngộ và ý định không hoằng pháp của Ngài. Chúng ta đọc thấy Đức Phật nói:
Sau đó chúng ta đọc rằng một vị trời là Phạm thiên Sahampati đã năn nỉ, cầu xin Đức Phật thuyết pháp. Đức Phật dùng Phật nhãn quan sát thế gian và Ngài nhìn thấy các chúng sinh với căn cơ khác nhau, một số người trong đó không có khả năng tiếp nhận Giáo lý của ngài và một số người có thể chỉ dạy được. Chúng ta đọc thấy Đức Phật đã sử dụng ví dụ về các loại hoa sen khác nhau trong hồ như sau:
Như trong hồ sen xanh, hồ sen hồng hay hồ sen trắng có một số hoa sen xanh, sen hồng, hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, không vượt lên khỏi mặt nước, được nuôi dưỡng dưới nước. Có một hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, sống vươn lên tới mặt nước. Có một số hoa sen xanh, sen hồng hay sen trắng sanh ra dưới nước, lớn lên dưới nước, vươn lên khỏi mặt nước, không bị nước đẫm ướt. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, với Phật nhãn, Ta thấy có hạng chúng sanh ít nhiễm bụi đời, nhiều nhiễm bụi đời, có hạng lợi căn, độn căn, có hạng thiện tánh, ác tánh, có hạng dễ dạy, khó dạy, và một số ít thấy sự nguy hiểm phải tái sanh thế giới khác và sự nguy hiểm làm những hành động lỗi lầm.
Vì lòng từ bi Đức Phật đã quyết định thuyết Pháp. Giáo lý của Ngài đi “ngược dòng”, thật thâm sâu và chỉ có thể được hiểu được qua nghiên cứu kỹ lưỡng và suy xét cẩn thận. Nhìn chung, mọi người thường mong đợi một cái gì đó khác từ Giáo lý của Đức Phật. Họ tin rằng Đức Phật đã dạy một phương pháp thiền định để đạt được sự tĩnh lặng, hoặc thậm chí những kinh nghiệm phi thường, những khả năng thần bí nào đó. Có thể hiểu rằng người ta luôn tìm cách thoát khỏi một cuộc sống đầy căng thẳng và khó khăn. Tuy nhiên những kinh nghiệm phi thường không thể thực sự giải quyết các vấn đề của chúng ta. Cho rằng đích đến của con đường Đức Phật là những kinh nghiệm thần bí có được bằng thiền định là một quan niệm sai lầm về Phật giáo. Con đường của Đức Phật không có gì liên quan đến thần bí siêu nhiên, nó rất cụ thể và thực tế. Cần phát triển hiểu biết về tất cả những gì là thật, về những xấu xa, sai trái xuất hiện tự nhiên trong các sinh hoạt hàng ngày. Chúng ta cần phải tự biết mình khi cười, khi khóc, khi đang tham lam hay tức giận, chúng ta cần phải biết tất cả các tâm trạng khác nhau của mình. Mọi rắc rối trong cuộc sống đều do phiền não gây ra. Chỉ thông qua hiểu biết mới có thể tận diệt hoàn toàn được các phiền não. Thấu hiểu, biết và thấy được nhấn mạnh nhiều lần trong Giáo lý Đức Phật.
Một số người có cảm nhận rằng, để phát triển hiểu biết về tâm trí, người ta nên giã từ cuộc sống hàng ngày và ngồi yên tại một nơi tĩnh mịch. Có vẻ rằng khi một người độc cư như vậy, sẽ không có giận dữ hay ác ý và vì vậy có thể phân tích các trạng thái tâm một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vào những lúc như vậy, có thể có sự dính mắc với sự tĩnh lặng, và khi có dính mắc, sẽ không có sự phát triển hiểu biết. Kinh điển có nói đến những người có thể phát triển sự an tịnh bằng cách tập trung vào một đề mục thiền. Họ rất thuần thục, họ biết phương pháp đúng để đạt được an tịnh – là một trạng thái tâm thiện. Tuy nhiên, thông qua sự phát triển an tịnh, phiền não không được tận diệt mà chỉ tạm thời bị đè nén. Đức Phật dạy con đường phát triển trí tuệ, dẫn đến việc tận diệt hoàn toàn những gì là ô nhiễm, phiền não. Để đạt được mục tiêu, không có cách nào khác là phát triển hiểu biết tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày.
Chúng ta không thể mong đợi có thể sớm tận diệt được phiền não vì nó đã ăn sâu, bén rễ từ quá lâu rồi. Đức Phật, trong vô lượng kiếp khi còn là một vị Bồ-tát, đã phát triển hiểu biết về các hiện tượng của cuộc sống. Chỉ trong kiếp sống cuối cùng của Ngài, tại thời điểm đạt giác ngộ thì tất cả các phiền não mới được tận diệt. Vậy thì sao chúng ta có thể mong đến được đích chỉ trong một thời gian ngắn?
Đức Phật dạy con đường dẫn tới diệt trừ phiền não. Phiền não không thể được tận diệt bởi các nghi lễ hoặc cầu khấn. Cách diệt trừ chúng nằm ở bên trong chúng ta, cụ thể là sự hiểu biết về tất cả các hiện tượng danh và sắc (tâm và vật chất) của đời sống mỗi người. Đức Phật đã dạy rất rõ phiền não là gì. Nó không hoàn toàn giống với những gì vẫn được gọi là “tội lỗi”. Bởi tội lỗi thường có nghĩa là một hành động, lời nói hay ý nghĩ bất thiện ở mức độ rất thô tháo. Theo Giáo lý Đức Phật thì phiền não có nhiều mức độ, kể cả những mức độ vi tế của bất thiện. Thuật ngữ “bất thiện” chỉ những gì vô ích, không lợi lạc, bao hàm mọi cấp độ phiền não. “Bất thiện” và “Thiện” là những thuật ngữ tương đương với từ “akusala” và “kusala” trong ngôn ngữ Pāli. Nếu ai đó nhìn ở góc độ tội lỗi thì sẽ không hiểu rằng sự vô minh về các hiện tượng của đời sống là bất thiện, và rằng sự si mê, thiếu hiểu biết là có hại, vì nó che lấp không cho ta thấy sự thật. Còn nữa, họ sẽ không hiểu được rằng ngay cả mức độ dính mắc nhẹ cũng là bất thiện, thậm chí là có hại vì nó được tích lũy và sẽ sinh khởi hết lần này đến lần khác.
Khi Đức Phật ngồi dưới cội Bồ Đề, Ngài đã chứng ngộ Tứ Thánh Đế: Sự thật về khổ (Khổ đế), Sự thật về nguyên nhân của khổ (Tập đế), Sự thật về diệt khổ (Diệt đế) và Sự thật về Con đường dẫn đến diệt khổ (Đạo Đế). Về khổ đế, đây không chỉ đơn thuần là đau khổ gây ra bởi nỗi đau thể xác và tinh thần. Chân lý về khổ liên quan đến tất các hiện tượng của đời sống luôn biến đổi, vô thường. Chúng sinh rồi diệt ngay lập tức, và vì vậy không thể là nơi nương tựa của chúng ta. Khổ ở đây là hàm ý sự bất toại nguyện hiện hữu trong tất cả các hiện tượng của đời sống. Chỉ khi sự sinh và diệt của hiện tượng thể xác và tinh thần được trực nhận thì người ta mới có thể bắt đầu hiểu được Khổ đế.
Sự thật về nguyên nhân khổ chính là tham ái. Tham ái ở đây không chỉ là dính mắc hay tham ái ở cấp độ mạnh mà bao hàm nhiều sắc thái và cấp độ khác nhau. Có sự tham ái với màu sắc, âm thanh, mùi, hương vị và các đối tượng xúc chạm khả ái, với tất cả những gì được kinh nghiệm thông qua năm cửa giác quan. Có sự tham ái được tái sinh. Chính tham ái tạo duyên cho sự tái sinh trong những kiếp sống mới, kiếp này qua kiếp khác. Tham ái đẩy chúng sinh vào bánh xe luân hồi sinh tử. Không chỉ có kiếp sống hiện tại này mà đã có những kiếp quá khứ và sẽ có kiếp sống tương lai nữa. Tôi sẽ trở lại chủ đề này trong phần sau. Chừng nào còn si mê và dính mắc thì còn duyên cho vòng luân hồi sinh tử. Chỉ có trí tuệ, hiểu biết mới có sự giải phóng khỏi luân hồi. Khi không còn điều kiện nhân duyên cho sự tái sinh thì sẽ không có già, bệnh, chết, và sẽ chấm dứt hoàn toàn mọi khổ đau.
Chân lý thứ ba trong Tứ Thánh Đế là sự diệt khổ, là Niết Bàn. Đức Phật đã kinh nghiệm được Niết Bàn (Nibbāna) khi Ngài đạt giác ngộ. Rất khó để hiểu Niết Bàn là gì. Niết Bàn (được biết đến trong tiếng Phạn là nirvāṇa) không phải là một nơi chốn như trên trời hay thiên đường, nơi người ta được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu. Theo Giáo lý đức Phật thì có những cảnh giới người ta có thể tái sinh do kết quả của thiện pháp, tuy nhiên đời sống trên các cảnh giới này cũng không trường tồn. Sau khi mãn thọ mạng ở đó thì sẽ có sự tái sinh trong cảnh giới khác, do đó vẫn không thể chấm dứt đau khổ. Niết Bàn vẫn chỉ là một đối tượng của suy tưởng chừng nào chưa được kinh nghiệm trực tiếp. Nó có thể được chứng nghiệm khi có hiểu biết viên mãn về tất cả các hiện tượng của đời sống (các pháp hữu vi) sinh khởi do điều kiện riêng của chúng và sau đó diệt đi. Các pháp hữu vi là vô thường nên là bất toại nguyện và khổ. Niết Bàn là thực tại không bị do duyên tạo (pháp vô vi), không sinh, không diệt và do đó không có khổ, là sự chấm dứt của khổ. Niết Bàn là có thật, là một thực tại có thể được kinh nghiệm, nhưng chúng ta không thể nắm bắt được pháp vô vi là gì khi chưa hiểu được bản chất thật của các pháp hữu vi. Niết Bàn không phải là một vị Chúa Trời, không phải là một người hay một tự ngã nào đó. Do những ngôn từ phủ định thường được dùng miêu tả Niết Bàn, ví dụ như là “chấm dứt tái sinh”, nên người ta có cảm giác là Phật Giáo tuyên truyền một thái độ tiêu cực đối với cuộc sống. Tuy nhiên, thực chất không phải như vậy, mà điều này cần được hiểu rằng tái sinh là đau khổ và Niết Bàn là sự kết thúc khổ đau. Niết Bàn là tự do khỏi mọi phiền não, và do phiền não là nguyên nhân của mọi bất hạnh nên Niết Bàn cần được coi là mục tiêu cao nhất. Chúng ta đọc trong Tương Ưng bộ kinh (Thiên Sáu Xứ, Tương Ưng Sáu Xứ, Chương 38, §1, Niết Bàn), du sĩ Jambukhàdaka đã đến gặp ngài Xá Lợi Phất – đệ tử của Đức Phật và hỏi Ngài Niết Bàn là gì, Ngài trả lời như sau:
“Này Hiền giả, đoạn tận tham, đoạn tận sân, đoạn tận si, đây gọi là Niết-bàn”
“Sự đoạn tận” và “tự do thoát khỏi mọi ham muốn” (viễn ly dục) là ý nghĩa của từ Niết Bàn. Niết Bàn có nghĩa là kết thúc bám víu vào đời sống và do đó, là sự giải thoát khỏi tất cả các hình thức tái sinh trong tương lai, giải thoát khỏi tuổi già, bệnh tật và cái chết, giải thoát khỏi mọi đau khổ hiện hữu trong đời sống hữu vi. Đức Phật đã chứng ngộ pháp vô vi là Niết Bàn khi Ngài đạt được giác ngộ. Sự nhập diệt của Ngài là sự chấm dứt hoàn toàn các điều kiện cho sự tiếp nối của tiến trình sống. Khi Đức Phật còn tại thế, người ta đã hỏi Ngài điều gì sẽ xảy ra sau khi Ngài nhập diệt. Ngài giải thích rằng đó là một trong những câu hỏi không thể trả lời, những câu hỏi có tính chất suy đoán đơn thuần và không dẫn đến đích. Sự nhập diệt của Đức Phật không thể gọi là sự tiêu diệt sự sống, và Ngài cũng không thể tái sinh ở cảnh giới khác nữa. Nếu còn tái sinh thì nghĩa là Ngài đã không đạt được tới sự chấm dứt của mọi khổ đau.
Chân lý thứ tư trong Tứ Thánh Đế, con đường dẫn đến diệt khổ, là sự phát triển của Bát Chánh Đạo như Đức Phật đã chỉ dạy. Tôi sẽ đề cập đến Bát Chánh Đạo một cách sâu rộng hơn trong phần sau của cuốn sách này. Bát Chánh Đạo là sự phát triển của hiểu biết về tất cả các hiện tượng danh và sắc xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Dần dần từng chút một, những hiện tượng này có thể được thấy là vô thường, khổ và vô ngã. Đức Phật dạy rằng, ở nghĩa tuyệt đối, thì không có một con người hay một tự ngã trường tồn nào. Những gì thường được cho là một con người chỉ đơn thuần là sự kết hợp tạm thời của hiện tượng thân và tâm sinh khởi và diệt đi mà thôi. Giáo lý dạy chân lý về “vô ngã” thật thâm diệu và rất khó nắm bắt. Giáo lý này là duy nhất và không thể tìm thấy trong các hệ thống triết học hoặc tôn giáo khác. Chân lý về “vô ngã” sẽ được đề cập ở phần sau của cuốn sách. Trước hết cần phải loại bỏ ngã kiến (tà kiến về ngã) và sau đó dần dần là các phiền não khác.
Đã có rất nhiều tỳ kheo, tỳ kheo ni và cư sĩ phát triển Bát Chánh Đạo và đã đạt được tới đích, mỗi người trong hoàn cảnh riêng của mình. Sự phát triển của Bát Chánh Đạo không có nghĩa là ta nên cố gắng buông bỏ ngay lập tức tất cả các đối tượng dễ chịu, hay từ bỏ sự sống. Tất cả mọi thực tại, bao gồm cả sự dính mắc, cần được hay biết và hiểu rõ. Chừng nào còn có điều kiện nhân duyên cho sự dính mắc thì nó còn sinh khởi. Sự phát triển trí tuệ không thể ép buộc mà phải được thực hiện một cách tự nhiên. Chỉ có như vậy thì trí tuệ, biết và thấy mới dần dần dẫn đến sự buông bỏ. Khi một người còn là cư sĩ, người ấy thọ hưởng những điều dễ chịu của cuộc sống, nhưng có thể phát triển hiểu biết về các thực tại (pháp). Một vị tỳ kheo giữ giới thì có một cuộc sống khác, tuy nhiên, điều này không có nghĩa là vị ấy đã hết dính mắc đối với các đối tượng dễ chịu. Vị ấy cũng cần phải phát triển trí tuệ một cách tự nhiên trong hoàn cảnh của mình và tìm hiểu các phiền não của bản thân.
Sự phát triển của Bát Chánh Đạo phải rất từ từ vì đó là điều khó khăn và lâu dài, có thể mất nhiều kiếp mới có thể đạt tới giác ngộ. Vì sự phát triển của con đường rất khó khăn nên có thể có những hoài nghi rằng liệu có nên bước chân vào con đường này không. Hiểu được tất cả các hiện tượng của đời sống là điều hết sức phức tạp, trong đó có các trạng thái tâm của chúng ta, và dường như việc diệt trừ được hết phiền não là điều không thể. Mong đợi một kết quả sớm là vô ích, tuy nhiên, việc bắt đầu khám phá, tìm hiểu cuộc sống thực sự là gì là một điều thật hữu ích: các pháp là vô thường và vì vậy mà bất toại nguyện. Khi chúng ta bắt đầu đi trên con đường Đức Phật thì chúng ta sẽ thấy ra rất nhiều sai lầm và thói xấu của bản thân, không chỉ ở dạng thô tháo mà ở mức độ vi tế mà có thể trước nay không nhận rõ. Trước khi tìm hiểu Phật pháp, các động cơ ích kỷ khi làm phước thiện thường khó nhận ra. Khi các động cơ không trong sáng nằm sâu xa đằng sau các hành động của chúng ta được phát hiện thì đó chẳng phải là điều lợi lạc sao? Không nên trông mong ai đó có thể chuyển hóa nhanh chóng nhờ Giáo lý, nhưng với việc biết được cái gì là thiện, cái gì là bất thiện, chúng ta sẽ trở nên trung thực, chân thành hơn trong hành động, lời nói và suy nghĩ của mình. Chúng ta sẽ thấy nhiều hơn và rõ ràng hơn sự bất lợi và nguy hại của bất thiện pháp và lợi ích của các thiện pháp.
Đức Phật dạy về tất cả những gì là thật và có thể được kinh nghiệm trong cuộc sống hàng ngày. Ngài dạy về cái thấy và cái nghe, về tất cả những gì có thể được kinh nghiệm qua các giác quan. Ngài dạy rằng, do bởi những gì được kinh nghiệm qua các căn (giác quan) nên có tham, sân và si sinh khởi. Hầu hết thời gian chúng ta không hiểu biết gì về các hiện tượng xảy ra trong cuộc sống hàng ngày. Tuy nhiên, ngay khi chỉ mới bắt đầu phát triển trí tuệ, chúng ta cũng có thể kiểm chứng được những điều Phật dạy. Cái thấy, cái nghe, sự dính mắc, sự giận dữ, lòng quảng đại và từ ái là thực với tất cả mọi người. Không cần phải đặt tên cho cái vốn là thực với tất cả mọi người là “đạo Phật”. Khi chúng ta bước vào tìm hiểu những gì Phật dạy thì dần dần sẽ loại bỏ được vô minh về bản thân và thế giới xung quanh.
Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ kinh (Thiên Sáu Xứ, Tương Ưng Sáu Xứ (d), Năm mươi kinh thứ ba, 111, Tuệ tri) :
Bởi không thấu hiểu, bởi không hiểu biết, không buông bỏ, không thu thúc căn mắt, người ta không thể tận diệt khổ đau. Bởi không thấu hiểu … tai … mũi … lưỡi … thân … ý … người ta không thể tận diệt khổ đau. Nhưng nhờ thấu hiểu, bằng trí tuệ, bằng cách buông bỏ, bằng thu thúc các căn mắt … mũi … lưỡi … thân … ý … người ta có thể tận diệt khổ đau.
Này các Tỷ-kheo, do vì không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ mắt nên không thể đoạn tận khổ đau… tai… mũi… lưỡi… thân… Do vì không thắng tri, không liễu tri, không ly tham, không từ bỏ ý nên không thể đoạn tận khổ đau. Nhưng do thắng tri, liễu tri, ly tham và từ bỏ mắt nên có thể đoạn tận khổ đau… tai… mũi… lưỡi… thân… Do thắng tri, liễu tri, ly tham và từ bỏ ý nên có thể đoạn tận khổ đau.
Trong đoạn kinh tiếp theo,ta đọc rằng rằng, để tận diệt khổ đau thì sắc (đối tượng thị giác), thanh (âm thanh), hương (mùi), vị, xúc (đối tượng xúc chạm), và các trạng thái tâm phải được hiểu rõ. Đây là con đường dẫn tới sự chấm dứt khổ đau. Đức Phật dạy về các thực tại (pháp) vì lợi ích và hạnh phúc của tất cả chúng ta.
Việt dịch: Phạm Thu Hằng