Bức thư vipassana 4
Thân gửi các đạo hữu toàn thế giới,
Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh (I, Thiên có kệ – Sagatha Vagga, Chương IV, Tương ưng Ác ma, 2, phần 7, Xứ) rằng Đức Phật đã dạy các tì kheo về sáu xúc xứ. Ác Ma đã muốn làm rối trí các tì kheo, vì vậy Ác Ma đã hét lên một tiếng dễ sợ khiến các tì kheo tưởng rằng đất bị nứt vỡ. Đức Phật đã nói với các tì kheo rằng đó là Ác Ma. Ngài đã nói bài kệ cho Ác Ma:
Sắc, thanh, vị và hương,
Cùng toàn bộ xúc, pháp,
Là thế vật rùng rợn,
Làm mê loạn ở đời.
Ðệ tử bậc Chánh Giác,
Chánh niệm, vượt khỏi chúng,
Vượt thế lực Ác ma,
Như mặt trời sáng chói.
Sau đó chúng ta đọc thấy Ác Ma đã thất vọng và biến mất.
Xúc, tâm sở xúc, tiếp xúc đối tượng qua sáu căn. Không bao giờ vắng xúc cả, vì xúc đi kèm với mỗi tâm. Mỗi tâm sinh rồi diệt đều có tâm khác kế tiếp. Các ngũ căn là duyên để xúc tiếp xúc với đối tượng giác quan là ngũ trần để chúng được tâm kinh nghiệm. Chúng ta bị hút vào các đối tượng giác quan, nhưng thông qua phát triển hiểu biết đúng, chúng ta có thể vượt ra khỏi thế lực của Ác Ma. Theo Chú giải bộ kinh này – cuốn Saratthappakaisini (Bản tiếng Thái, trang 329), thế lực của Ác ma nằm trong tam giới mà chúng ta có thể tái sinh: dục giới, sắc giới và vô sắc giới. Khi không còn tái sinh nữa, chúng ta thoát khỏi thế lực của Ác Ma.
Chúng ta sinh ra trong cõi người là cõi thuộc về dục giới. Việc sinh ra ở cõi người được tạo duyên bởi nghiệp thiện, do các tâm dục giới (kamavacara citta) tạo thành. Ở cảnh giới con người, luôn có cơ hội để kinh nghiệm các đối tượng giác quan. Chúng ta bị đắm chìm vào tất cả các đối tượng giác quan và chúng ta luôn suy nghĩ về chúng. Tất cả các đối tượng này chỉ có thể xuất hiện nhờ có tâm sinh khởi theo lộ trình tâm kinh nghiệm đối tượng qua sáu môn. Chúng ta đã học điều này qua nghiên cứu Vi Diệu Pháp, nhưng do chúng ta bị hút vào bản thân đối tượng quá mạnh mà quên đi việc hay biết các tâm – thực tại kinh nghiệm chúng. Vi diệu pháp dạy chúng ta về cuộc sống thường ngày, vì vậy việc nghiên cứu VDP có thể thúc đẩy chúng ta hiểu hơn mọi thực tại diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Vi diệu pháp có thể làm duyên hỗ trợ cho sự khởi sinh của chánh niệm, thứ có thể trực nhận các thực tại sinh khởi.
Khi đối tượng thị giác tác động lên nhãn căn, có duyên cho cái thấy, nhưng đối tượng thị giác chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi. Nó cũng giống như âm thanh và các đối tượng giác quan khác, tất cả chúng đều là pháp tạm bợ, chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc ngắn rồi diệt đi ngay. Các tâm sinh khởi trong các lộ trình ngũ căn khác kinh nghiệm đối tượng rồi cũng diệt rất nhanh. Tâm sinh và diệt nhưng mỗi tâm đều được tâm khác tiếp nối, vì vậy dường như là tâm vẫn ở đó. Sau khi kinh nghiệm đối tượng thị giác, âm thanh và các đối tượng giác quan khác, chúng ta hình thành nên các khái niệm từ các đối tượng này. Dường như thế giới của chúng ta toàn người và đồ vật, và chúng ta cứ nghĩ về chúng. Chúng ta bị dính vào suy nghĩ và chúng ta coi những thứ mình nghĩ tới rất quan trọng. Tuy nhiên, suy nghĩ chỉ xảy ra do tâm sinh khởi, suy nghĩ về điều gì đó rồi lại diệt đi ngay.
Mỗi tâm kinh nghiệm một đối tượng, và đối tượng có thể là một thực tại tuyệt đối, một danh hay một sắc, hay một khái niệm. Chúng ta không thể đoán trước đối tượng nào tiếp theo sẽ tác động đến căn môn nào. Đối tượng thị giác, âm thanh hay các đối tượng giác quan khác có thể là dễ chịu hay khó chịu. Kinh nghiệm đối tượng giác quan dễ chịu hay khó chịu là tâm quả (vipakacitta) do nghiệp thiện hay bất thiện đã làm trong quá khứ tạo duyên. Các tâm quả chỉ kinh nghiệm đối tượng dễ chịu hay khó chịu, chúng không thích hay ghét đối tượng. Khi có thích hay không thích là đã có tâm bất thiện sinh khởi. Sau khoảnh khắc có tâm quả, trong trường hợp những người không phải là A la hán, bảy tâm bất thiện hoặc tâm thiện sẽ kinh nghiệm đối tượng. Khi có tâm bất thiện là có tác ý không chân chánh (ayoniso manasikara) tới đối tượng và khi có tâm thiện, là có tác ý chân chánh tới đối tượng.
Chúng ta có thể thấy, chúng ta có những thiên hướng khác nhau và điều đó được tạo duyên bởi các tích lũy trong quá khứ. Tâm thiện và tâm bất thiện sinh khởi rồi diệt ngay, nhưng tâm tiếp theo mang theo xu hướng thiện hay bất thiện ấy và vì vậy tạo duyên cho tâm thiện hay tâm bất thiện sinh khởi sau đó. Tâm thiện và tâm bất thiện trong quá khứ tạo duyên cho tâm thiện và tâm bất thiện sinh khởi ở hiện tại, và tâm thiện và tâm bất thiện sinh khởi ở hiện tại lại tạo duyên cho các tâm sinh khởi trong tương lai.
Nếu những phản ứng của chúng ta ngày hôm này do tích lũy quá khứ tạo duyên, dường như số phận cuộc đời chúng ta đã được định đoạt. Ai đó đã băn khoăn, phải chăng không thể kiểm soát thiên hướng của mình, không thể nỗ lực phát triển thiện tâm. Những thiên hướng được tích lũy trong quá khứ tạo duyên cho các tâm sinh khởi ngày hôm nay, nhưng điều này không có nghĩa không thể thay đổi được các thiên hướng ấy. Nếu chúng ta được nghe giảng Pháp bởi các bậc thiện trí, nghiên cứu và suy ngẫm về Giáo Pháp một cách tường tận, điều ấy sẽ tạo duyên để sinh khởi chánh niệm. Chánh niệm có thể hay biết trực tiếp thực tại khi chúng sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày và khi đó chánh kiến có thể được phát triển. Phải phát triển chánh kiến từ kiếp này đến kiếp khác, nhưng không có ngã – người phát triển chánh kiến. Sự vun bồi trí tuệ tùy thuộc vào nhân duyên. Nếu không có nhân duyên, làm sao trí tuệ có thể sinh khởi và phát triển? Chúng ta đã quen với ý niệm về ngã – người cố gắng nỗ lực nhưng [trên thực tế là] không có ai cả. Chúng ta đọc trong Thanh tịnh đạo – Visuddhimagga (Chương XVI, 90):
Có khổ song không có người khổ
Có sở tác song không có người tạo tác
Có tịch diệt song không người chứng diệt
Có đạo lộ song không thực có người đi.
Đó là đạo lộ và có thể được phát triển nhưng không có người phát triển nó. Nếu không phát triển hiểu biết đúng, chúng ta bị trói buộc trong vòng luân hồi sinh tử. Chúng ta đọc trong Tương ưng Bộ kinh (III, Thiên Uẩn, Phẩm Hoa, Chương V, phần 99, Dây buộc) rằng Đức Phật đã nói tại Savatthi (Xá vệ thành):
Này các Tỷ-kheo, có con chó bị dây thằng trói chặt vào một cây cột hay cột trụ vững trắc, chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh cây cột ấy hay cột trụ ấy. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, kẻ vô văn phàm phu… quán sắc, thọ, tưởng, hành, thức như là tự ngã… Người ấy chạy vòng theo, chạy tròn xung quanh sắc, thọ, tưởng, hành, thức,… người ấy không giải thoát khỏi nơi đó, không giải thoát khỏi sanh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não. Ta tuyên bố rằng: “Vị ấy không giải thoát khỏi khổ đau”.
Sau đó chúng ta đọc rằng bậc thánh đệ tử không coi thực tại là tự ngã, đã được giải thoát khỏi đau khổ. Trong đoạn kinh kế tiếp “Dây buộc II”, chúng ta lại đọc về sự so sánh với con chó bị trói buộc như sau:
Ví như, này các Tỷ-kheo, có con chó bị dây thằng trói chặt vào một cây cột trụ vững chắc.
Nếu nó có đi, nó chỉ đi tới cây cột hay cột trụ ấy.
Nếu nó đứng, nó chỉ đứng gần cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó ngồi, nó chỉ ngồi gần cây cột hay cột trụ ấy. Nếu nó nằm, nó chỉ nằm gần cây cột hay cột trụ ấy.
Những người chấp thủ vào năm uẩn là ta và của ta cũng giống như con chó bị trói buộc. Người ấy luôn ở gần năm uẩn và bị trói buộc ở đó. Con chó bị buộc vào cái cột và cứ chạy vòng quanh đó, luôn phải ở gần đó và thật đáng thương. Chừng nào chúng ta còn coi năm thủ uẩn là ngã, chúng ta còn không được tự do. Qua phát triển tứ niệm xứ, ý niệm về ngã có thể bị loại trừ.
Đức Phật đã dạy về bốn “thực hành chánh niệm” (tứ niệm xứ): chánh niệm trên thân, thọ, tâm và pháp. Một số người nghĩ rằng họ nên lựa chọn một trong những đối tượng như thân hay thọ và chỉ phát triển nó. Tuy nhiên, nên có chánh niệm trên bất kỳ đối tượng nào sinh khởi. Nếu chúng ta cố gắng lựa chọn một đối tượng, đã có ý niệm về một tự ngã có thể kiểm soát sự hiện diện của đối tượng cụ thể nào đó. Việc đối tượng thị giác, âm thanh, tâm bất thiện hay đối tượng nào khác sinh khởi là tùy thuộc vào nhân duyên. Niệm có thể hay biết bất kỳ đối tượng nào khi nó sinh khởi một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta không phải phân loại đối tượng chánh niệm theo một trong bốn niệm xứ trên. Tại một khoảnh khắc, có chánh niệm trên sắc, khoảnh khắc tiếp theo có chánh niệm trên tâm hay cảm thọ, không có ai có thể dự đoán trước đối tượng tiếp theo của chánh niệm là gì. Chúng ta nên biết rằng, mọi thực tại đều vô ngã, chúng không thể bị ngã chi phối.
Đức Phật dạy tứ niệm xứ nhằm nhắc nhở chúng ta hay biết các loại danh và sắc khác nhau khi chúng xuất hiện tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta đọc trong Tương ưng bộ kinh (V, Thiên đại phẩm, Chương III, Tương ưng niệm xứ, Phẩm V, phần 9, Các cảm thọ) rằng Đức Phật đã nói khi Ngài ngự ở Savatthi như sau:
Này các Tỷ-kheo, có ba thọ này. Thế nào là ba? Lạc thọ, khổ thọ, phi khổ phi lạc thọ. Này các Tỷ-kheo, đây là ba thọ. Vì muốn liễu tri ba thọ này, này các Tỷ-kheo, bốn niệm xứ cần phải tu tập.
Cảm thọ là danh, nó cảm nhận, vì vậy nó khác với sắc – cái không biết gì cả. Sự khác biệt giữa danh và sắc phải được hiểu tường tận trước khi trí tuệ có thể nhận biết các thực tại là vô thường, khổ và vô ngã. Để hiểu biết đầy đủ về cảm thọ, phải có chánh niệm về các đặc tính của các loại danh và sắc xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Khi đó hiểu biết đúng về các thực tại có thể tăng trưởng. Đó chính là sự phát triển Tứ niệm xứ hay Satipatthana, đó là cách phát triển Bát chánh đạo. Chúng ta không phải nghĩ đến phân loại khi phát triển Bát chánh đạo bằng cách hay biết bất kỳ đối tượng nào sinh khởi.
Chúng ta có biết cảm thọ như nó là không? Cảm thọ thay đổi liên tiếp do chúng sinh khởi và hoại diệt ngay cùng với tâm đi kèm. Chúng ta có thể hay biết cảm thọ lạc hay khổ, nhưng chúng ta nên biết cả đặc tính của cảm thọ trung tính. Khi có cái thấy, cảm thọ đi kèm là cảm thọ trung tính, không thể có cảm thọ lạc hay thọ khổ. Với chánh niệm, chúng ta không nên chờ đợi và trì hoãn nó, khi đó thì “đã đánh mất giây phút hiện tại” rồi, như lời Khun Sujin đã nói. Khi chúng ta cảm nhận cái đau, chúng ta có xu hướng nghĩ rằng cái đau vẫn ở đó. Chúng ta nghĩ như vậy vì chúng ta không nhận ra đặc tính khác nhau của các thực tại khi chúng sinh khởi. Khi có đối tượng xúc chạm tác động trên thân, như đặc tính cứng, sẽ tạo duyên cho cảm thọ đau sinh khởi. Cảm thọ khổ kèm theo thân thức – một tâm quả chỉ sinh khởi trong một khoảnh khắc và sau đó diệt ngay với tâm. Đối tượng xúc chạm tác động lên thân căn diệt đi ngay và sắc trên thân căn tiếp xúc đối tượng cũng diệt ngay. Chúng ta dễ quên rằng, thân căn – nơi tiếp xúc đối tượng chỉ là là một điểm vô cùng nhỏ trên cơ thể, một sắc sinh và diệt ngay tức thì. Chúng ta luôn suy nghĩ về “cơ thể nhạy cảm của tôi”. Hiểu biết đúng sẽ làm giảm tầm quan trọng của cái “cơ thể của tôi” hay cái “tôi”. Chúng ta nên “thu nhỏ bản thân mình từ đầu tới chân”. Khi chúng ta nhớ điều này, chúng ta có thể hiểu hơn những gì viết trong kinh liên quan đến sự kham nhẫn. Ví dụ, chúng ta đọc trong “Kinh đoạn trừ tất cả các lậu hoặc” (Trung Bộ Kinh I, số 2) rằng Đức Phật đã nói về những cách để diệt trừ phiền não. Chúng ta đọc về sự kham nhẫn như sau:
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây, có Tỷ-kheo như lý giác sát, kham nhẫn lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, sức nóng mặt trời, các loài bò sát; kham nhẫn những cách nói mạ lị phỉ báng. Vị ấy có tánh kham nhẫn các cảm thọ về thân, những cảm thọ thống khổ, khốc liệt, đau nhói, nhức nhối, không sung sướng, không thích thú, chết điếng người….
Khi chúng ta suy ngẫm một cách khôn ngoan, chúng ta sẽ thấy kinh nghiệm khó chịu chỉ là danh do duyên sinh khởi. Pháp chân đế, danh và sắc, diệt ngay lập tức, chúng là pháp tạm bợ, hầu như không có nghĩa lý gì. Nếu chúng ta hiểu điều này thông qua chánh niệm về danh và sắc, sẽ bớt tham và sân. Chúng ta hình thành ngay các khái niệm từ các pháp chân đế được kinh nghiệm và chúng ta cứ suy nghĩ về các khái niệm trong thời gian dài. Nếu chúng ta hay biết khi suy nghĩ về các khái niệm, chúng ta sẽ không coi trọng chúng như trước nữa.
Khi chúng ta chú ý vào hình dạng của đồ vật, có suy nghĩ về khái niệm, nhưng không thể có suy nghĩ về hình dạng nếu không có cái thấy. Cái thấy thấy màu sắc hay đối tượng thị giác nhưng đa phần ta không hề hay biết gì về các thực tại ấy. Chúng sinh rồi diệt ngay mà không hề được biết đến. Khi chúng ta suy ngẫm về các thực tại thường xuyên hơn, sẽ tạo duyên cho chánh niệm về chúng. Ai đó đã nói rằng từ chỉ màu sắc có thể đánh lạc hướng, vì khi chúng ta nhận ra màu đỏ hay màu xanh là đã có suy nghĩ rồi. Tuy nhiên, màu đỏ hay màu xanh vẫn được thấy mà không cần dán nhãn chúng là đỏ hay xanh. Những màu này không giống nhau và chúng xuất hiện qua nhãn môn. Nếu không có nhãn căn, tất cả các màu khác nhau sẽ không xuất hiện. Bộ Pháp tụ – Dhammasangani (Quyển II, Chương II, 617) giải thích chi tiết về màu sắc. Màu sắc có thể là xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, tím, xanh lá mạ, xanh lá cây, xanh xoài sống, bóng, ánh nắng, sáng, tối, mây, sương, khói, bụi, ánh sắc mặt trăng, ánh sắc mặt trời, ánh sắc tinh tú, ánh sắc mắt mèo, ánh sắc ngọc ước, ngọc xà cừ, ngọc trai, ngọc bích, ánh sắc vàng hay bạc. Mục tiêu của việc liệt kê chi tiết này là để nhắc nhở chúng ta hay biết về màu sắc, dù cho nó là màu ánh mặt trăng, màu ngọc ước hay bất cứ màu gì. Tứ niệm xứ có thể phát triển một cách tự nhiên. Cả khi chúng ta nhìn vào mặt trăng hay viên ngọc, có màu sắc [xuất hiện] và nó có thể được nhận biết như một thực tại có thể thấy bằng mắt. Chúng ta không phải cố gắng tìm kiếm màu gì đặc biệt để chánh niệm về nó.
Trong cùng chương (621) của Bộ Pháp tụ có đưa ra ví dụ về các loại âm thanh khác nhau:
Thinh nào nương bốn đại hiển, không thể được thấy, có thể nghe bằng tai như là tiếng trống chầu, tiếng trống cơm, tiếng tù và, tiếng chập chỏa, tiếng hát, tiếng nhạc, tiếng chiêng, tiếng vỗ tay, tiếng kêu la của chúng sanh, tiếng va chạm của các chất, tiếng gió, tiếng nước, tiếng người, tiếng phi nhơn, hoặc là có tiếng nào khác…
Đoạn văn này nhắc chúng ta có chánh niệm về âm thanh, dù là âm thanh gì. Âm thanh không giống nhau, trầm hay bổng, to hay nhỏ, chúng có tính chất khác nhau. Chúng ta đã quen với tiếng bước chân, tiếng lật trang sách hay tiếng bút viết trên giấy. Chúng ta thường để những khoảnh khắc như vậy trôi qua mà không hề chánh niệm. Khun Sujin đã nói: “Đừng để âm thanh đi mất mà không hay biết về nó”. Chúng ta luôn bị cuốn vào ý nghĩa của âm thanh, do đó bị cuốn vào các khái niệm, nhưng chúng ta có thể bắt đầu chánh niệm về đặc tính của âm thanh. Đó là cách biết nó như thực tại được nghe thấy. Hiểu biết đúng sẽ làm giảm tầm quan trọng về ý nghĩa của cái gì đó, của các khái niệm. Cũng cần cả sự kham nhẫn và bền bỉ để phát triển hiểu biết đúng. Cuộc sống trôi qua rất nhanh, chúng ta già đi và chúng ta không biết kiếp sống sau sẽ ra sao. Chúng ta không biết liệu còn có cơ hội để phát triển trí tuệ và vì thế, phải chăng chúng ta nên tăng tốc sự thực hành của mình? Tất cả chúng ta đều có xu hướng nghĩ như vậy, nhưng bạn có chánh niệm về khoảnh khắc suy nghĩ đó không?. Nếu chúng ta không hay biết nó như một thực tại do duyên khởi, chúng ta sẽ bỏ bê học Giáo Pháp, không thu được lợi ích quý báu từ những lời dạy một cách đầy đủ. Chúng ta bị cuốn vào các câu chuyện mà chúng ta suy nghĩ và quên đi thực tại là tâm suy nghĩ. Điều này xảy ra mọi lúc, khi chúng ta dự tính đi đâu đó để có thêm chánh niệm. Nó tùy thuộc vào duyên mà chúng ta đang có, bất cứ điều gì đều có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nếu chúng ta cố gắng kiểm soát cuộc đời mình, chúng ta sẽ không thể thấy mọi khoảnh khắc khác nhau đều vô ngã.
Tâm siêu thế (Lokittara citta) không thể đột nhiên sinh khởi, trí tuệ phải được phát triển từng bước, từng bước một. Nó phải được phát triển ngay bây giờ, không phải lúc nào khác. Phiền não là vô ngã, không thể nhanh chóng thoát khỏi chúng, chúng sinh khởi do đã được tích lũy từ nhiều kiếp, chúng do duyên khởi. Chúng có thể được nhận biết là danh khi chúng xuất hiện. Nếu chúng ta biết về chúng như chúng là, đã bắt đầu chuyển hóa, trí tuệ sẽ tự vận hành. Trí tuệ là yếu tố quan trọng nhất vì chính trí tuệ là cái có thể diệt trừ vô minh và tà kiến. Không cần nghĩ nhiều đến nỗ lực, mong muốn và chú tâm. Không phải bạn luôn nghĩ đến nỗ lực, mong muốn và chú tâm với ý niệm về ngã, người muốn kiểm soát hay sao? Chúng ta nên xem xét bản thân một cách cẩn thận về điểm này, vì ý niệm này cản trở sự phát triển hiểu biết đúng. Chúng ta có thể chưa được giác ngộ trong kiếp sống này, nhưng những gì đã được học không bao giờ mất đi. Nó được tích lũy và có thể xuất hiện trong kiếp sống khác. Một khoảnh khắc hiểu biết đúng bây giờ, về cuộc sống tự nhiên, là một khoảnh khắc quý báu. Điều này giá trị hơn việc suy nghĩ về tương lai.
Chúng ta đọc trong đoạn kinh “Tương ưng Xứ” (Tương ưng bộ kinh I) theo nguồn trích dẫn nêu trên, rằng Đức Phật đã “thuyết pháp cho các Tỷ-kheo về sáu xúc xứ, khích lệ, làm cho phấn khởi, làm cho hoan hỷ”. Những lời này cũng được dẫn trong đoạn kinh “Bình bát” trước đó, và cuốn chú giải cho Tương ưng bộ kinh (Saratthapakisini, bản tiếng Thái, trang 328) đã giải thích rõ. Đức phật đã khích lệ các tì kheo thực hành Giáo pháp. Từ Pali “samadana” được sử dụng trong câu có nghĩa là thực hiện những gì mà người ta coi là có giá trị. Đức Phật đã thuyết giảng cho các tì kheo, nhờ đó họ sẽ suy ngẫm về Giáo Pháp và có hiểu biết đúng. Ngài đã hướng dẫn họ để họ có nghị lực (ussaha) và kiên trì thực hành Giáo pháp. Đức Phật đã dạy về tất cả các thực tại của cuộc sống hàng ngày và những điều này có thể được kiểm chứng. Chú giải giải thích rằng các tì kheo đã được khích lệ, hoan hỉ và thanh tịnh hóa nhờ lợi ích mà họ đã thu được từ Giáo pháp. Khun Sujin đã viết trong cuốn “Khảo cứu pháp chân đế” (Tâm, Chương 16) về đoạn viết trong Chú giải này như sau:
Chúng ta có thể đau khổ và lo lắng rằng chúng ta đang già đi và niệm rất hiếm khi sinh khởi. Khi chúng ta lo lắng, đó là tâm bất thiện. Chúng ta không nên vì Giáo Pháp mà có tâm bất thiện, chúng ta không nên lo lắng. Đức Phật dạy Giáo pháp để khuyến khích mọi người áp dụng, phát triển nó với sự kiên trì và hứng thú. Tất cả bất thiện tâm sinh khởi do duyên, không có ngã – người có thể ngăn cản nó sinh khởi. Khi bất thiện tâm đã sinh khởi, chúng ta không nên nản lòng, mà nên can đảm hay biết về đặc tính của tâm bất thiện khi chúng sinh khởi. Chúng ta không nên bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để chánh niệm. Khi đó chúng ta sẽ hiểu rằng, kể cả pháp bất thiện xuất hiện tại khoảnh khắc đó cũng chẳng phải là ai cả, không phải là một người hay bản ngã. Chúng ta sẽ nhìn thấy rõ tại khoảnh khắc chánh niệm, không có bất thiện tâm, không có sự nản lòng. Chúng ta sẽ không buồn phiền vì tâm bất thiện nếu chúng ta không coi nó là ngã…
Các vị tì kheo đã được khích lệ, hoan hỉ nhờ lợi ích mà họ đã thu được từ những lời dạy. Chú giải bổ sung:
“Tất cả chúng ta đều có thể thu được lợi ích này”
Chúng ta có thể thực sự được lợi từ những lời dạy khi phát triển tứ niệm xứ. Phát triển tứ niệm xứ sẽ không làm chúng ta thối chí. Những thực tại xuất hiện đều có thể được hiểu rõ và nhận biết như chúng là. Chúng sinh rồi diệt ngay, chúng không phải là ngã, không có ai hay người nào cả. Khi chúng ta suy ngẫm giá trị lớn lao của sự thật và biết rằng một ngày nào đó chúng ta có thể nhận ra nó, dù cho không phải là hôm nay, chúng ta sẽ không nản lòng. Chúng ta không nên lo lắng rằng chúng ta không thể biết các thực tại như chúng là hiện giờ. Niệm có thể sinh khởi và bắt đầu hay biết, và rồi một ngày chắc chắn đặc tính của các thực tại sẽ được xuyên thấu hoàn toàn và hay biết như chân như thật..
Khi chúng ta thấy rằng sự thực của Giáo Pháp mang đến lợi lạc cho chúng ta và nó có thể được chứng ngộ, chúng ta sẽ không nản lòng. Chúng ta sẽ tiếp tục nghe, nghiên cứu những thực tại mà Đức Phật đã giảng giải chi tiết, khi đó sẽ không còn sao nhãng thực tại, sẽ có duyên để niệm sinh khởi.
Với tâm từ
Nina Van Gorkom
(Chuyển ngữ: Thanh Mai)