Con đường Đức Phật: Nghiệp và Quả của Nghiệp

Nghiệp và quả của nghiệp

=======================

 

Có rất nhiều loại tâm. Tâm có thể là thiện, bất thiện hoặc không thiện cũng không bất thiện. Các kinh nghiệm ngũ quan như cái thấy hoặc cái nghe thì không thiện cũng không bất thiện, nhưng ngay sau khi chúng sinh khởi và diệt đi, có các tâm phản ứng với đối tượng được kinh nghiệm theo cách thiện hoặc bất thiện. Thường có nhiều bất thiện tâm với nhân tham, sân và si hơn là những thiện tâm  có nhân vô tham, vô sân, hoặc cũng có thể có nhân trí tuệ. Các bất thiện tâm có thể thúc đẩy những hành động xấu (nghiệp bất thiện) còn thiện tâm có thể thúc đẩy những hành động tốt đẹp (nghiệp thiện). Chúng ta đọc trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương Mười Pháp, Phẩm Janussoni XVII, §8 Do tham sân si), Đức Phật đã nói với các tỳ kheo:

Này các Tỷ-kheo, Ta nói sát sanh có ba: do nhân tham, do nhân sân, do nhân si. Lấy của không cho, tà hạnh trong các dục, nói láo, nói hai lưỡi, nói lời độc ác, nói lời phù phiếm, tham dục, sân, tà kiến có ba: do nhân tham, do nhân sân, do nhân si.

Như vậy, này các Tỷ-kheo, tham là nhân duyên cho nghiệp sanh khởi, sân là nhân duyên cho nghiệp sanh khởi, si là nhân duyên cho nghiệp sanh khởi, do tham đoạn diệt, là nhân duyên cho nghiệp đoạn diệt, do si đoạn diệt, là nhân duyên cho nghiệp đoạn diệt, do si đoạn diệt, là nhân duyên cho nghiệp đoạn diệt.

Chúng ta đọc về “nghiệp”. Thuật ngữ Pāli gọi là nghiệp, trong tiếng Phạn là karma, có nghĩa là hành động hoặc tạo tác. Một nghiệp tốt mang lại kết quả dễ chịu và nghiệp xấu mang lại một kết quả khó chịu. Quả của nghiệp sớm muộn cũng sẽ đến với chúng ta, đây là luật nhân quả, không ai có thể làm thay đổi sự vận hành của luật này. Giáo lý Đức Phật về nghiệp và quả khó nắm bắt. Nó không phải là một giáo điều mà người ta phải chấp nhận. Có thể có cái hiểu lý thuyết về nghiệp và quả nhưng chỉ bằng lý thuyết thôi thì chưa đủ. Chỉ có hiểu biết trực tiếp về các hiện tượng danh và sắc của đời sống thì duyên cho nghiệp tạo quả mới có thể được thấy một cách sâu sắc hơn. Do đó chúng ta không nên mong đợi rằng nghiệp và quả có thể được hiểu đầy đủ khi mới bắt đầu tìm hiểu về chủ đề này trong Giáo lý Đức Phật.

 

Một hành động được thực hiện trong quá khứ có thể trổ quả sau này. Nghiệp có thể được so sánh với một hạt giống phát triển thành một cây sẽ cho quả trong tương lai. Cũng vậy, một nghiệp bất thiện, ví dụ như giết hại, có thể cho một kết quả khó chịu như bệnh tật hoặc đau đớn. Một nghiệp thiện, ví dụ như hành động bố thí, có thể cho kết quả dễ chịu, như thọ hưởng những điều tốt đẹp. Khi nghĩ về một việc làm và kết quả của nó, chúng ta thường nghĩ đến một hành vi có tác động đến người khác. Để hiểu được nghiệp và quả của nghiệp, chúng ta không nên suy nghĩ về thực tại chế định, về con người và các tình huống, mà cần hiểu về các thực tại tối hậu, các tâm , tâm sở và các sắc, những thực tại sinh khởi và diệt đi ngay lập tức. Chúng ta không thể chắc chắn liệu người khác thực hiện nghiệp thiện hay không nếu chỉ nhìn từ bề ngoài của sự việc. Chúng ta có thể nhìn thấy người khác cho đi đồ đạc, nhưng đó chưa chắc đã là thiện pháp bố thí. Việc cho đi đó có thể được thúc đẩy bởi động cơ ích kỷ, và vì thế hành động đó không phải là nghiệp thiện. Chính tính chất thiện hay bất thiện trong tư ý (cetana) quyết định một nghiệp là thiện hay bất thiện. Thuật ngữ nghiệp thiện và nghiệp bất thiện có thể sử dụng với ý nghĩa là những việc làm tốt và việc làm xấu, nhưng nói một cách chính xác hơn thì nghiệp chính là tư ý thúc đẩy việc thực hiện hành động qua thân, khẩu, ý. Khi chúng ta nói về các loại nghiệp thiện và nghiệp bất thiện khác nhau thì nên nhớ rằng nghiệp là ý muốn hoặc tư ý, một thực tại thuộc danh. Nghiệp là một tâm sở sinh kèm với tâm, nó sinh và diệt cùng với tâm.

 

Tại sao một hành động được thực hiện trong quá khứ lại cho quả trong tương lai? Nghiệp hay tư ý, sinh kèm với tâm khi một hành động tốt hoặc xấu được thực hiện, sẽ diệt đi ngay lập tức cùng với tâm . Tuy nhiên, vì mỗi tâm diệt đi được tiếp nối bởi tâm kế tiếp, nghiệp có thể được tích lũy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Năng lực của nghiệp được chuyển tiếp và khi thời điểm chín muồi nó sẽ trổ quả. Đó là tiến trình nhân quả mà chúng ta đọc trong đoạn kinh trích dẫn ở trên. Bài kinh cũng đề cập đến các loại bất thiện nghiệp được thực hiện qua thân, khẩu và ý. Không phải tâm bất thiện nào cũng có cường độ của nghiệp bất thiện có khả năng trổ quả. Khi có dính mắc vào hình sắc hay âm thanh dễ chịu thì có tâm bất thiện, nhưng không phải là nghiệp bất thiện có thể cho quả. Tuy nhiên, dính mắc có nhiều mức độ. Nó có thể vi tế hơn hoặc ở mức độ thô tháo như tham lam, khát khao tài sản của người khác. Khi ai đó có âm mưu chiếm đoạt những gì thuộc về người khác, thì có cường độ của nghiệp bất thiện. Nghiệp thiện là tránh làm điều ác (giữ giới), là làm điều lành, như bố thí và phát triển tâm trí, ví dụ như tìm hiểu Giáo lý Đức Phật và phát triển hiểu biết về các thực tại của cuộc sống chúng ta.

 

Những khoảnh khắc hạnh phúc và khổ đau đan xen lẫn nhau trong cuộc sống của chúng ta. Các kinh nghiệm đối tượng dễ chịu và khó chịu qua các căn không diễn ra ngẫu nhiên mà chúng đều có nguyên nhân: nghiệp chính là nhân. Chúng ta đọc trong Tăng Chi Bộ kinh (Chương Tám Pháp, Phẩm Từ, §V Tùy Chuyển Thế Giới), Đức Phật đã nói với các tỳ kheo như sau:

 

“Tám thế gian pháp này, này các Tỷ-Kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này. Thế nào là tám? Lợi dưỡng và không lợi dưỡng, danh vọng và không danh vọng, chỉ trích và tán thán, an lạc và đau khổ. Tám pháp thế gian này, này các Tỷ-Kheo, tùy chuyển thế giới. Thế giới tùy chuyển theo tám pháp thế gian này.”

 

Lợi dưỡng, không lợi dưỡng,

Danh vọng, không danh vọng,

Chỉ trích và tán thán,

An lạc và đau khổ,

Những pháp này vô thường,

Không thường hằng, biến diệt,

 

Biết đúng, giữ chánh niệm,

Bậc trí quán biến diệt.

Pháp khả ái, không động,

Không khả ái, không sân,

Các pháp thuận hay nghịch,

Ðược tiêu tan không còn.

 

Sau khi biết con đường,

Không trần cấu, không sầu,

Chơn chánh biết sanh hữu,

Ði đến bờ bên kia.

 

Bậc giác ngộ hoàn toàn có tâm quân bình, an nhiên tự tại trước mọi thăng trầm của cuộc sống. Ngài hoàn toàn giải thoát khỏi chuỗi nhân quả, không còn tái sinh nữa. Chừng nào một người còn nhiều tham, sân và si, người ấy còn ham muốn những đối tượng dễ chịu và chối bỏ những đối tượng khó chịu. Tuy nhiên, việc kinh nghiệm những đối tượng dễ chịu hay khó chịu không thuộc quyền lực của ai mà tùy thuộc vào nghiệptạo quả. Hôm nay còn, ngày mai mất; hôm nay vinh, ngày mai nhục. Lúc này chúng ta khỏe mạnh, lúc khác ốm đau, bệnh tật. Việc kinh nghiệm các đối tượng dễ chịu hay khó chịu qua các căn không phải là một sự thưởng phạt. Khái niệm thưởng phạt bắt nguồn từ ý niệm về một đấng tối cao, một vị Chúa Trời có thể phán xét hành động của con người. Cội nguồn của việc kinh nghiệm các đối tượng dễ chịu hay khó chịu qua các căn nằm trong chính chúng ta: đó là nghiệp. Thường xuyên có cái thấy và cái nghe, các đối tượng dễ chịu và khó chịu. Cái thấy và cái nghe là quả của thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp. Các quả này sinh khởi chỉ trong khoảnh khắc và sau đó diệt đi. Khi chúng ta định nghĩa những gì được thấy hoặc nghe hoặc suy nghĩ về bản chất của đối tượng, thì khoảnh khắc của quả đã diệt đi mất rồi. Khó có thể nói liệu cái thấy và cái nghe là quả của  nghiệp thiện hay nghiệp bất thiện. Nghĩ về những gì được thấy hoặc nghe thì không phải là quả; khi có suy nghĩ thì có tâm thiện, hoặc bất thiện, nhưng hầu hết là bất thiện. Để có thể hiểu được các thực tại tối hậu của nghiệp và quả của nghiệp, chúng ta cần phải thật chính xác. Cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, cái kinh nghiệm đối tượng xúc chạm qua thân căn là các tâm quả. Phản ứng thiện hay bất thiện của chúng ta với đối tượng được kinh nghiệm không phải là quả của nghiệp, mà là tâm thiện hoặc tâm bất thiện. Thiện tâm  hoặc bất thiện tâm  có thể được gọi là phần chủ động của cuộc sống, bởi chúng có thể tạo nghiệp thiện hoặc bất thiện, sẽ dẫn đến kết quả tương ứng sau này. Các tâm là quả của nghiệp có thể được gọi là phần bị động của cuộc sống. Chúng ta đều phải nhận quả dù muốn dù không.

 

Tâm  sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng, ngoài tầm kiểm soát. Đôi khi có vẻ như tự bản thân chúng ta có thể tạo ra sự thụ hưởng các đối tượng dễ chịu. Tuy nhiên, cần phải có những duyên tố thích hợp cho sự thụ hưởng các đối tượng dễ chịu, và sự thụ hưởng không thể kéo dài như chúng ta muốn. Chúng ta có thể thưởng thức bản nhạc dễ chịu bằng cách mở radio, nhưng nghiệp chính là nhân của cái nghe, không phải là một tự ngã, cái tôi nào cả.  Liệu chúng ta có khả năng có một chiếc radio hay không cũng phụ thuộc vào duyên. Người ta có thể sống trong nghèo đói và không thể đủ tiền mua radio. Do nghiệp mà một người phải sinh vào một gia đình nghèo khó và sống trong hoàn cảnh không dễ chịu. Cũng do nghiệp mà một người được sinh vào một gia đình khá giả và sống thoải mái sung túc.

 

Để có thể hiểu được việc sinh vào nhàn cảnh hay khổ cảnh là quả của nghiệp, chúng ta quay trở lại với khoảnh khắc đầu tiên của một kiếp sống. Tâm sinh khởi vào khoảnh khắc đầu tiên của cuộc sống chúng ta là tâm tục sinh, hay còn gọi là thức tái tục. Tâm  này có nhân làm nó sinh khởi, và nhân này thuộc về quá khứ, đó là nghiệp. Sự ra đời là quả, chúng ta không thể lựa chọn cha mẹ cũng như thời điểm hay nơi chốn được sinh ra. Khoảnh khắc đầu tiên của cuộc sống được gọi là tâm tục sinh bởi vì không chỉ có kiếp hiện tại mà đã có vô lượng kiếp sống trong quá khứ. Khó có thể hiểu rằng nghiệp của quá khứ tạo ra sự ra đời của một chúng sinh. Tuy nhiên, chúng ta có thể nhận thấy con người sinh ra trong các hoàn cảnh khác nhau, với đặc điểm hình dáng khác nhau và năng lực trí tuệ cũng khác nhau. Điều này không phải là ngẫu nhiên, mà chắc chắn có các nhân duyên cho những khác biệt này. Các nghiệp khác nhau cho quả ra đời khác nhau. Trong Tiểu kinh Nghiệp phân biệt (Trung Bộ Kinh, số 135) chúng ra đọc thấy Subha hỏi Đức Phật rằng cái gì là nhân của những quả dị thục mà con người kinh nghiệm từ khi ra đời:

Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu?

Thưa Tôn giả Gotama, chúng tôi thấy có người đoản thọ, có người trường thọ; chúng tôi thấy có người nhiều bệnh, có người ít bệnh; chúng tôi thấy có người xấu sắc, có người đẹp sắc; chúng tôi thấy có người quyền thế nhỏ, có người quyền thế lớn; chúng tôi thấy có người tài sản nhỏ, có người tài sản lớn; chúng tôi thấy có người thuộc gia đình hạ liệt, có người thuộc gia đình cao quý; chúng tôi thấy có người trí tuệ yếu kém, có người có đầy đủ trí tuệ.

Thưa Tôn giả Gotama, do nhân gì, do duyên gì, giữa loài Người với nhau, khi họ là loài Người, lại thấy có người liệt, có người ưu?

Này Thanh niên, các loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, nghiệp là quyến thuộc, nghiệp là điểm tựa, nghiệp phân chia các loài hữu tình; nghĩa là có liệt, có ưu.

Một số người sinh ra ở các quốc độ có chiến tranh và đói nghèo, những người khác thì ở các nước hòa bình và thịnh vượng. Điều này không phải ngẫu nhiên; nghiệp đã được thực hiện trong quá khứ, là nhân. Nếu nghiệp là nhân của sự tái sinh, vậy thì vai trò của cha mẹ là gì? Cha mẹ cũng là một duyên cho sự ra đời của một đứa trẻ, nhưng họ không chỉ là duyên duy nhất. Vào khoảnh khắc đầu tiên của đời sống, Nghiệp tạo ra tâm  gọi là tâm tục sinh. Một con người mới vào đời bao gồm các hiện tượng tâm (danh pháp) và hiện tượng thân/vật chất (sắc pháp). Các hiện tượng sắc sinh khởi ngay khoảnh khắc đầu tiên của đời sống cũng có nguyên nhân: nghiệp  là nhân. Do đó, tại khoảnh khắc đầu tiên của đời sống, có quả danh và quả sắc của nghiệp. Nghiệp không phải là nhân tố duy nhất mà sắc pháp bắt nguồn. Có bốn yếu tố tất cả: nghiệp, tâm, nhiệt độ và dưỡng chất. Sau khi nghiệp đã tạo ra hiện tượng thân vào khoảnh khắc đầu tiên của đời sống, các nhân tố khác cũng tạo các hiện tượng thân. Về yếu tố nhiệt độ, cần phải có nhiệt độ thích hợp cho chúng sinh trong bào thai phát triển. Khi người mẹ dùng thức ăn, dinh dưỡng sẽ thẩm thấu vào cơ thể và sau đó tạo ra các hiện tượng thân cho chúng sinh trong bào thai. Tâm cũng là một duyên cho các hiện tượng thân sinh khởi trong suốt cuộc đời chúng ta. Nếu không có tâm thì chúng ta không thể tồn tại, không thể cử động, không thể làm bất kỳ việc gì. Nếu chúng ta nhớ được bốn yếu tố tạo ra các hiện tượng thân/vật chất, đó là nghiệp, tâm , nhiệt độ và dưỡng chất thì sẽ giúp chúng ta hiểu được rằng thân thể không thuộc về một tự ngã nào cả. Cái mà chúng ta gọi là “thân tôi” bao gồm các hiện tượng sắc sinh khởi do duyên rồi sau đó diệt đi.

 

Nghiệp tạo ra các hiện tượng thân vào thời khắc đầu tiên của đời sống cũng như trong suốt cuộc đời. Chính nghiệp tạo ra các giác quan như thị giác, thính giác, khưu giác, vị giác và xúc giác. Các giác quan là quả sắc của nghiệp là phương tiện cho các kinh nghiệm là quả danh của nghiệp như: cái thấy, cái nghe và các kinh nghiệm ngũ quan khác. Như vậy, nghiệp trổ quả ngay thời khắc đầu tiên của đời sống, nó tạo ra sự ra đời của chúng sinh, trong suốt cuộc đời, nó tạo ra quả khả ái và bất khả ái dưới hình thức những kinh nghiệm qua ngũ quan.

 

Nghiệp có thể dẫn đến sự tái sinh trong các cảnh giới khổ đau hay hạnh phúc. Ngoài cảnh giới của con người còn có những cảnh giới khác. Sự ra đời trong khổ cảnh là quả của nghiệp bất thiện, và sinh ra trong nhàn cảnh là quả của nghiệp thiện. Ví dụ, các cảnh giới như địa ngục và súc sinh là những khổ cảnh. Cảnh người và cảnh trời là những cảnh giới an vui. Một số người có thể cảm giác rằng sự tồn tại của các cảnh giới địa ngục hay thiên đường chỉ là hoang đường. Nên nhớ rằng các thuật ngữ chế định được sử dụng để chỉ các mức độ của quả khả ái và quả bất khả ái của nghiệp. Sinh vào địa ngục là một tái sinh khổ, bởi vì tại cảnh giới đó có những duyên cho kinh nghiệm khổ đau cùng cực. Sinh lên cảnh trời là một sự tái sinh an lành, bởi vì có các duyên cho kinh nghiệm những đối tượng dễ chịu. Cuộc sống ở địa ngục hay thiên đường không vĩnh cửu. Sẽ lại có tái sinh, tâm tục sinh sẽ sinh khởi trong cảnh giới nào tùy thuộc vào nghiệp. Sinh vào cảnh người là kết quả của nghiệp thiện, nhưng trong suốt hành trình của cuộc sống, có những duyên cho kinh nghiệm cả đối tượng khả ái và đối tượng bất khả ái qua các căn, tùy thuộc vào các nghiệp khác nhau tạo ra chúng.

 

Có những trường hợp là kẻ được giàu có bằng những thủ đoạn gian dối vẫn sống trong sung túc, dễ chịu. Tại sao việc làm xấu lại có quả tốt lành như vậy? Chúng ta không thể biết được những hành động nào trong quá khứ dẫn đến quả tương ứng ở hiện tại. Một tên tội phạm có thể nhận những kết quả dễ chịu, nhưng những quả này có nhân là những việc làm tốt. Hành động xấu của anh ta sẽ cho quả xấu nhưng chúng ta không thể biết khi nào sẽ trổ. Trong suốt các kiếp sống, có biết bao nhiêu việc làm tốt và xấu, và chúng ta không thể biết khi nào là thời điểm chín muồi cho một nghiệp cụ thể nào đó trổ quả. Một việc làm tốt hay xấu có thể không trổ quả trong suốt kiếp sống nó được thực hiện, nhưng có thể trổ quả trong kiếp kế tiếp hay thậm chí sau vô lượng kiếp. Trong kinh điển có nói rằng khi nghiệp chín muồi, quả sẽ được kinh nghiệm. Chúng ta đọc trong Kinh Pháp Cú (câu 119 và 120) như sau:

 

Người ác thấy là hiền,

khi ác chưa chín muồi;

khi ác nghiệp chín muồi,

người ác mới thấy ác.

Người hiền thấy là ác,

khi thiện chưa chín muồi;

khi thiện nghiệp chín muồi,

người hiền thấy là thiện.

 

Có một số duyên khác nữa cần cho nghiệp bất thiện hay nghiệp thiện trổ quả tương ứng. Thời điểm hay nơi chốn một người ra đời có thể là một thuận duyên hay nghịch duyên cho thiện nghiệp hay bất thiện nghiệp trổ quả. Ví dụ, khi người ta sống trong thời chiến, có nhiều duyên hơn cho bất thiện nghiệp và ít duyên hơn cho thiện nghiệp trổ quả. Một nghiệp cụ thể nào đó có thể bị ngăn không cho trổ quả khi xuất hiện một nghiệp nghịch chiều, mạnh và trội hơn (nghiệp bổ đồng và nghiệp trợ duyên). Ví dụ, khi ai đó sống giàu sang và thoải mái, có quả dễ chịu do thiện nghiệp. Tuy nhiên anh ta có thể bỗng dưng mất hết sản nghiệp và bị đẩy vào hoàn cảnh khốn khó. Sự mất mát đó do bất thiện nghiệp đã chín muồi nên trổ quả xấu. Đây là một ví dụ cho thấy rằng cách vận hành của các loại nghiệp trong cuộc sống chúng ta vô cùng phức tạp.

 

Thường xuyên có quả dưới dạng kinh nghiệm các đối tượng dễ chịu và khó chịu qua các căn và sau những kinh nghiệm đó thì có các thiện tâm hoặc bất thiện tâm, nhưng hầu hết là các bất thiện tâm. Có thể có tham với đối tượng dễ chịu và sân với đối tượng khó chịu. Thích và không thích đan xen trong cuộc sống của chúng ta. Tham và sân có nhiều mức độ, chúng không phải lúc nào cũng mạnh đến mức thúc đẩy các hành động xấu. Khi ấy, không có sự tích lũy của nghiệp, nhưng có tích lũy phiền não. Tham và sân sinh khởi và diệt đi, tuy nhiên các duyên cho các phiền não này được tích lũy để chúng lại tiếp tục sinh khởi. Có nhiều loại duyên khác nhau vận hành trong cuộc sống của chúng ta. Nghiệp chỉ là một loại duyên, nó có thể tạo quả dưới hình thức tái sinh, hoặc trong suốt cuộc đời, dưới hình thức kinh nghiệm các đối tượng dễ chịu hoặc khó chịu qua các căn. Phiền não là một loại duyên khác, là duyên cho sự tái sinh khởi của các phiền não. Do quả khả ái hay bất khả ái của nghiệp mà các phiền não có thể sinh khởi mạnh đến mức thúc đẩy hành động hay việc làm xấu. Chính vì vậy, quả của nghiệp có thể làm duyên cho phiền não, và phiền não có thể làm duyên cho việc tạo nghiệp bất thiện, rồi đến lượt nghiệp bất thiện trổ quả. Tiến trình này như bánh xe quay không bao giờ dừng lại.

 

Giáo lý của Đức Phật về các kiếp quá khứ, tương lai, về luân hồi sinh tử khó có thể nắm bắt. Chúng ta có thể có hiểu biết hơn về Giáo lý nếu như chúng ta có thể thấy được rằng, ở nghĩa tột cùng thì đời sống chỉ đơn thuần kéo dài trong một khoảnh khoắc sinh diệt của tâm. Chúng ta quen với suy nghĩ theo ngôn từ chế định về con người, hoàn cảnh, cuộc sống và cái chết. Theo nghĩa chế định, cuộc đời bắt đầu từ thời điểm thụ thai và kết thúc vào lúc chết. Theo nghĩa tột cùng, có sinh và chết vào mỗi khoảnh khắc một tâm sinh khởi và diệt đi. Tâm diệt đi tạo duyên cho sự sinh khởi của tâm tiếp theo. Phải có tâm  sinh khởi tại mỗi khoảnh khắc, không có khoảnh khắc nào mà không có tâm . Tâm sinh khởi liên tục trong suốt dòng đời. Khi thời điểm kết thúc thọ mạng đến thì tâm cuối cùng là tử tâm diệt đi, nhưng được tiếp nối bằng tâm  kế tiếp. Tâm này là tâm  đầu tiên của một kiếp sống mới, gọi là tâm tục sinh. Có thể có cái hiểu lý thuyết về cái chết và sự tái sinh, tuy nhiên chỉ có thể xóa bỏ mọi hoài nghi khi có hiểu biết trực tiếp về các hiện tượng danh và sắc sinh diệt. Nếu trực nhận được các duyên tố cho tâm sinh khởi tại thời điểm hiện tại thì hoài nghi về tái sinh mới được loại bỏ. Cũng giống như tâm của thời điểm này được tiếp nối bởi tâm tiếp theo, tâm cuối cùng của đời sống này sẽ được tiếp nối bởi tâm kế tiếp là tâm tục sinh.

 

Còn trong vòng luần hồi sinh tử thì còn khổ đau. Tại sao chúng ta lại phải nhận một kết quả không dễ chịu của một hành động từ kiếp trước? Trong kiếp quá khứ, ta là một chúng sinh khác, không giống với chúng sinh hiện tại. Nhưng tại sao ta lại phải nhận quả của một hành động do một chúng sinh khác tạo ra trong quá khứ chứ? Việc làm trong quá khứ tạo quả hiện tại đã được thực hiện bởi một chúng sinh từ đó ta bắt nguồn. Thật đau buồn khi phải nhận những quả khó chịu do hành động xấu mà chúng ta đã phạm phải từ bao nhiêu kiếp trước. Đó là nghiệp luật và quả của nghiệp, nó vận hành như vậy dù ta muốn hay không. Một người ở kiếp hiện tại khác với anh ta ở kiếp quá khứ, nhưng tất cả những gì tích lũy từ quá khứ, các nghiệp thiện và nghiệp bất thiện, các phiền não và những phẩm chất tốt, tất cả các tích lũy đều được chuyển tiếp từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, và chúng tạo duyên cho những gì gọi là cái tôi hiện tại.

 

Trong dòng chảy liên tục, không có tính giống nhau cũng không có tính khác biệt. Vì nếu có sự giống nhau hoàn toàn trong một dòng liên tục thì sẽ không có sự hình thành pho mát từ sữa. Còn nếu có sự khác biệt hoàn toàn thì pho mát sẽ không thể bắt nguồn từ sữa được. Do đó, không nên giả định một sự giống nhau hay khác biệt hoàn toàn ở đây.

 

Tâm tục sinh không được chuyển dịch từ kiếp quá khứ sang kiếp hiện tại, nó là hoàn toàn mới. Tuy vậy, nhân duyên cho sự sinh khởi của nó thì bắt nguồn từ quá khứ. Thanh Tinh Đạo (166) có minh họa điều này qua một số ví dụ. Một tiếng vang không giống với âm thanh nhưng bắt nguồn từ âm thanh. Dấu mực của con dấu trên sáp thì không giống với chính con dấu ấy, nhưng nó bắt nguồn từ con dấu. Ví dụ này cho thấy rõ rằng kiếp hiện tại khác với kiếp quá khứ nhưng nó được tạo duyên bởi quá khứ. Không có luân hồi hay tái sinh của một tự ngã. Người được tái sinh bao gồm năm nhóm (ngũ uẩn-khandhas), tức là các hiện tượng sắc và danh sinh khởi và diệt đi. Không có một thực thể nào trường tồn, bất biến đi từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc kế tiếp, từ thời khắc cuối cùng của đời sống này sang thời khắc đầu tiên của kiếp sống mới. Chúng ta đọc trong kinh điển về các tiền kiếp của Đức Phật và các môn đệ của Ngài. “Những câu chuyện tiền thân” kể về các tiền kiếp của Đức Phật khi ngài còn là một vị Bồ-tát đang tích lũy trí tuệ và tất cả các phẩm hạnh cao thượng khác, hay còn gọi là các “ba-la-mật” – là những nhân duyên chín muồi để trở thành một vị Phật trong kiếp sống cuối cùng. Có sự tích lũy trí tuệ và các ba-la-mật nhưng không có một người, một tự ngã nào tích lũy những phẩm chất đó. Chỉ có ngũ uẩn sinh khởi và diệt đi. Do mỗi tâm được tiếp nối bởi tâm tiếp theo trong dòng chảy vô lượng kiếp, nên những tích lũy được tiếp tục từ kiếp này sang kiếp khác.

 

Liệu có thể nói rằng có sự tiến hóa trong dòng chảy của các kiếp sống, một sự phát triển từ đời sống động vật lên đời sống con người và sau đó lên các cảnh trời? Không có thứ tự cụ thể trong các thể loại tái sinh, không nhất thiết có sự phát triển từ đời sống ở cảnh giới thấp lên các cảnh giới cao. Trên thực tế, tái sinh phụ thuộc vào nghiệp tạo ra nó. Nghiệp thiện có thể dẫn đến tái sinh ở cảnh trời, và sau đó có thể là thời điểm chín muồi cho nghiệp bất thiện trổ quả tái sinh nơi địa ngục. Chỉ có người đã đạt tới giác ngộ mới không còn nhân duyên cho tái sinh nơi khổ cảnh. Khi một người đạt tới trạng thái giải thoát hoàn toàn, thì mọi phiền não được tận diệt, và do đó không còn điều kiện nhân duyên cho bất kỳ loại tái sinh nào. Đó có nghĩa là chấm dứt khổ đau.

 

Đức Phật, trong đêm đạt được giác ngộ, đã xuyên thấu các duyên hệ cho sự luân hồi trong vòng sinh tử, và cả nhân duyên cho sự thoát khỏi vòng sinh tử này. Nghiệp đưa đến tái sinh là một phần trong toàn bộ chuỗi các duyên cho các hiện tượng cấu thành nên vòng sinh tử. Nó giống như một vòng luẩn quẩn của các hiện tượng sinh khởi tùy thuộc lẫn nhau, tạo thành một chuỗi mười hai liên kết, khởi đầu là vô minh và cuối cùng là cái chết. Chuỗi này gọi là “Lý duyên khởi” hay “Thập nhị nhân duyên” . “Lý duyên khởi” là một phần thiết yếu của Giáo lý Đức Phật. Vô minh được nhắc đến như là mắt xích đầu tiên của các hiện tượng phát sinh tùy thuộc lẫn nhau trong vòng sinh tử. Chừng nào vô minh chưa được loại trừ thì còn nhân duyên cho sự vận hành của nghiệp đưa đến tái sinh. Vào lúc tái sinh, có sự sinh khởi của các hiện tượng danh và sắc. Có sự kinh nghiệm các đối tượng qua các căn và ý môn. Do các đối tượng được kinh nghiệm nên cảm thọ khác nhau phát sinh và đến lượt cảm thọ tạo duyên cho tham ái. Do tham ái mà có chấp thủ, tạo duyên cho sự vận hành của nghiệp và dẫn đến tái sinh. Chừng nào có sinh thì có già và chết, do đó, sẽ không có sự chấm dứt đau khổ, dukkha. Chính “Lý Duyên Khởi” cho thấy các nhân duyên bắt nguồn từ kiếp quá khứ tạo nên các hiện tượng trong kiếp hiện tiền và nhân duyên của kiếp hiện tiền thì tạo nên các hiện tượng trong tương lai.

 

Vô minh được nhắc đến như là yếu tố đầu tiên của vòng Thập Nhị Nhân Duyên nhưng sự khởi đầu của vòng sinh tử không được tiết lộ. Trong Thanh Tịnh Đạo (XIX, 20) có giải thích rằng:

 

Không có kẻ tạo nghiệp

Không có kẻ gặt quả;

Chỉ các pháp trôi chảy

Không chánh kiến nào khác.

Do vậy, nghiệp và quả

Duy trì vòng nhân duyên,

Như hạt và cây tiếp nối,

Không thấy điểm khởi đầu.

 

Việc suy đoán về điểm khởi đầu của vòng luân hồi là điều vô ích. Đức Phật dạy rằng khi vô minh được loại trừ bởi trí tuệ thì không còn nhân duyên cho việc tạo nghiệp, và do đó không còn duyên cho tái sinh. Thông qua trí tuệ mới có thể chấm dứt vòng luẩn quẩn tạo nên bởi các liên kết mười hai nhân duyên. Điều này có nghĩa là kết thúc vòng luân hồi, chấm dứt đau khổ. Chú giải cho cuốn Vi Diệu Pháp đầu tiên, Cuốn Chú giải Bộ Pháp tụ (I, Phần I, Chương I, 44) giải thích bằng một ví dụ về các nhân duyên cho sự tiếp diễn của vòng luân hồi, và các nhân duyên dẫn đến sự chấm dứt vòng luân hồi như sau:

 

“Dẫn tới sự tích lũy”là những trạng thái riêng biệt lặp lại, sinh và tử trong vòng luân hồi như một người xếp gạch xếp lớp này sau lớp khác tạo nên một bức tường. “Dẫn tới sự ly tán” là những pháp dẫn đến chấm dứt vòng luân hồi, giống như một người liên tục loại bỏ những viên gạch được đặt lên bởi người thợ xây.

 

Khi trí tuệ đã được phát triển đến tầm giác ngộ sẽ có sự “ly tán”, sự đoạn tận các nhân duyên cho sự tiếp diễn của vòng luân hồi.

 

Lý Duyên Khởi giải thích lý do chúng ta có mặt trên cõi đời này, tại sao chúng ta phải chịu cảnh già, bệnh và chết. Nó còn giải thích về các duyên cho cuộc sống chúng ta, cho cái mà ta gọi là thân ta và tâm ta. Chúng ta có thể biết một cách chung chung là tâm và thân tồn tại phụ thuộc vào duyên, nhưng qua nghiên cứu Giáo lý Đức Phật, chúng ta sẽ biết sâu hơn và chi tiết hơn những duyên đó là gì và chúng vận hành thế nào, từ khi ta sinh ra cho đến khi chết đi. Chính nghiệp tạo nên sắc vào khoảnh khắc đầu tiên của đời sống, cũng như trong suốt cuộc đời. Ngoài nghiệp ra thì có tâm , nhiệt độ và dưỡng chất cũng tạo ra sắc. Trong suốt cuộc đời, nghiệp tạo các giác quan, các sắc duyên cho các kinh nghiệm dễ chịu hay khó chịu vốn là tâm quả của nghiệp. Chúng ta là kẻ thừa tự nghiệp nên không thể tránh khỏi những mất mát, đau đớn và những điều ngang trái trong đời. Có rất nhiều loại nghiệp đã được tạo ra trong quá khứ, và việc đã làm thì không thể rút lại. Khi thời điểm chín muồi, nghiệp sẽ trổ quả tương ứng. Vô minh về nhân quả trong cuộc sống sẽ tạo duyên cho sân hận và thất vọng bởi những kinh nghiệm khó chịu, và điều này có nghĩa là sẽ khổ đau nhiều hơn. Hiểu biết về nguyên nhân của khổ không có nghĩa là sẽ loại bỏ được tức thì đau khổ và chán chường. Tuy nhiên, hiểu biết sẽ giúp người ta đỡ bị chi phối bởi tuyệt vọng về những gì không tránh khỏi, ngoài tầm kiểm soát. Hiểu biết càng nhiều thì càng ít đau khổ. Đức Phật không những dạy rằng cuộc sống là khổ đau, mà còn chỉ cách thoát khổ bằng cách phát triển trí tuệ, loại bỏ vô minh và mọi phiền não.

Việt dịch: Phạm Thu Hằng

Leave a Reply

Translate »