Con đường Đức Phật: Sự Thật về Vô Ngã

Sự Thật về Vô Ngã

===================

 

Tất cả các hiện tượng của đời sống là vô thường và khổ. Cái thấy, đối tượng thị giác, cái nghe, âm thanh, cảm thọ, sân, tham hay quảng đại đều sinh khởi do duyên riêng của chúng và diệt đi ngay lập tức. Không có bản ngã trường tồn hay “tự ngã” có thể tạo ra sinh khởi của các hiện tượng hoặc kiểm soát chúng. Các thực tại vô thường và khổ là vô ngã.

 

Chúng ta đọc thấy trong Tương Ưng Bộ kinh (Thiên Sáu xứ, Tương Ưng Sáu xứ (a), Phần I, Năm mươi kinh thứ Nhất, §1 Vô Thường) rằng Đức Phật khi ngự tại Kỳ Viên Tịnh xá gần thành Xá Vệ đã nói với các Tỳ-kheo:

Mắt, này các Tỷ-kheo, là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Tai là vô thường… Mũi là vô thường… Lưỡi là vô thường…Thân là vô thường…Ý là vô thường. Cái gì vô thường là khổ. Cái gì khổ là vô ngã. Cái gì vô ngã cần phải như thật quán với chánh trí tuệ là: “Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi”.

Sau đó chúng ta đọc thấy rằng qua minh sát tuệ, tất cả mọi chấp thủ vào các giác quan và tâm sẽ được đoạn tận, và kết quả là không có duyên cho sự tái sinh nữa. Các bài kinh tiếp theo cũng đề cập điều tương tự liên quan đến sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp. Chúng đều vô thường, khổ và vô ngã.

 

Chân lý về vô ngã, ngôn ngữ Pāli là anattā, là một yếu tố quan trọng của Giáo lý Đức Phật. Sự thật này đã được thuyết giảng bởi chỉ mình Đức Phật và không thể tìm thấy bên ngoài Giáo lý Phật giáo. Những người tiếp xúc với Phật giáo lần đầu tiên có thể bị bối rối, thậm chí phản ứng bởi sự thật vô ngã. Họ tự hỏi thế giới sẽ ra sao khi không có tự ngã, không có người khác. Chúng ta chẳng đang sống cùng và vì những người khác sao? Rất khó để nắm bắt sự thật vô ngã và ảnh hưởng của nó trong cuộc sống hàng ngày .

 

Những gì được gọi bằng ngôn ngữ thông thường là “người” hay “tự ngã” chỉ đơn thuần là một sự kết hợp tạm thời của các hiện tượng sắc (vật chất) và các hiện tượng danh (tâm) tùy thuộc vào nhau. Chúng được phân loại thành năm tập hợp (ngũ uẩn), trong ngôn ngữ Pāli gọi là khandhas: một nhóm bao gồm tất cả các hiện tượng vật chất (sắc uẩn) và bốn nhóm gồm các hiện tượng tâm (danh uẩn): thọ, tưởng, hành và thức. Ngũ uẩn là một tiến trình trôi chảy, liên tục hình thành và hoại diệt. Không có gì kéo dài, không có gì là trường tồn, không có gì là bất biến trong cuộc sống.

 

Ngũ uẩn sinh khởi, diệt đi và không trở lại. Ngũ uẩn hiện tại không giống với ngũ uẩn quá khứ nhưng chúng được tạo duyên bởi ngũ uẩn quá khứ, và ngũ uẩn hiện tại tạo duyên cho ngũ uẩn tương lai. Chúng ta đọc trong Trường Bộ kinh (Kinh Potthapāda, 52-53), Đức Phật đã giải thích cho Citta về ba hình thức ngã chấp: quá khứ, hiện tại và tương lai. Chúng khác nhau, nhưng cái tôi quá khứ sẽ tạo duyên cho cái tôi hiện tại và cái tôi hiện tại tạo duyên cho cái tôi tương lai. Chúng ta đọc phần Đức Phật giải thích điều này bằng một thí dụ:

 

Này Citta, ví như từ bò cái sanh ra sữa, từ sữa sinh ra lạc, từ lạc sanh ra sanh tô, từ sanh tô sanh ra thục tô, từ thục tô sanh ra đề hồ. Khi thành sữa thời sữa ấy không thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, không thuộc đề hồ, chính khi ấy thuộc sữa; khi thành lạc… khi thành sanh tô… khi thành thục tô… khi thành đề hồ thời đề hồ không thuộc sữa, không thuộc lạc, không thuộc sanh tô, không thuộc thục tô, chính khi ấy thuộc đề hồ.

Như vậy này Citta trong khi có thô phù ngã chấp… Này Citta, trong khi có ý sở thành ngã chấp… Này Citta, trong khi có vô sắc ngã chấp thời ngã chấp ấy không thuộc thô phù ngã chấp, không thuộc ý sở thành ngã chấp, chính khi ấy thuộc vô sắc ngã chấp. Này Citta, chúng chỉ là danh tự thế gian, ngôn ngữ thế gian, danh xưng thế gian, ký pháp thế gian. Như Lai dùng chúng nhưng không chấp trước chúng.

 

Chúng ta gọi cái thực chất chỉ là ngũ uẩn với cái tên này hay cái tên kia. Mọi người không ai giống ai, mỗi người một căn tính. Trong thực tế thì không có gì ngưng đọng trong cái mà chúng ta gọi là một người. Ngũ uẩn hiện tại khác với ngũ uẩn quá khứ nhưng nó bắt nguồn từ ngũ uẩn quá khứ. Chúng ta đọc trong chú giải cho Những Điểm Dị Biệt (Kathāvatthu, Chương I, Con người, 33, 34):

 

Thông thường người ta gắn cho thân tâm ngũ uẩn (danh-sắc) một cái tên, một cái họ. Vì vậy mà danh xưng, danh tự, chế định phổ biến này có nghĩa là: “có người đó”. Chư Phật có hai loại diễn ngôn, loại mang tính phổ cập, chế định và loại mang tính tối hậu. Diễn ngôn liên quan đến một chúng sinh, một người, một vị trời, một “Phạm Thiên” thuộc về thuyết giảng chế định, còn những diễn ngôn liên quan đến vô thường, khổ, vô ngã, ngũ uẩn, các giới, các căn (giác quan) là thuyết giảng về ý nghĩa tột cùng. Một bài thuyết giảng về ý nghĩa tột cùng, như một quy luật, quá khó để tiếp cận; do vậy mà chư Phật thuyết giảng bằng diễn ngôn phổ cập, rồi sau mới đến những bài thuyết về ý nghĩa tối hậu.

 

Đấng Giác Ngộ, nhà diễn thuyết xuất chúng nhất trong các nhà diễn thuyết, đã nói về hai sự thật, đó là sự thật chế định và sự thật tột cùng, không có sự thật thứ ba. Trong đó, phần thuyết giảng phổ biến cho đại chúng là sự thật theo nghĩa chế định. Phần thuyết giảng về thực tại tối hậu là sự thật về bản chất của mọi sự vật hiện tượng.

 

Trước khi học Giáo lý Phật giáo chúng ta chỉ biết đến sự thật chế định: sự thật của thế giới gồm con người và động vật, thế giới của các cá nhân, tự ngã. Thông qua Giáo lý Đức Phật chúng ta học về sự thật tối hậu: các hiện tượng danh và sắc vô thường.

 

Sự thật về vô ngã là chân lý tối hậu. Nó sâu sắc và khó thâm nhập. Chân lý này được dạy bằng những ẩn dụ trong kinh điển Phật giáo và trong chú giải. Luận sư xuất chúng Buddhaghosa , trong cuốn Thanh Tịnh Đạo, đã minh họa sự thật về vô ngã thông qua những ẩn dụ từ kinh điển Phật giáo. Thanh Tịnh Đạo là phần trình bày toàn diện về Giáo lý của Đức Phật dựa trên các chú giải cổ và truyền thống của các tỳ kheo ở Sri Lanka, được trước tác vào thế kỷ thứ năm sau C.N. Ngài Buddhaghosa giải thích rằng khi một người suy nghĩ về một tổng thể tâm và thân thì thường bám vào khái niệm về con người, nhưng khi cái “tổng thể” (khối)  này được xem như các yếu tố khác nhau có tính chất vô thường, thì người ta không còn nhận thức về một “tự ngã” (thực thể/cái tôi) nữa. Chúng ta đọc trong Thanh Tịnh Đạo (XVIII, 25, 26):

 

Như bộ phận quy tụ

Tên “xe” được nói lên

Cũng vậy, uẩn quy tụ

Thông tục gọi “chúng sinh”.

 

Một lần nữa, người ta nói đến điều này: “Cũng như khi một không gian được bao bọc bằng gỗ, dây leo, cỏ và đất sét thì có khái niệm về một ngôi nhà, tương tự như vậy, khi một không gian bao bọc bằng xương và gân, thịt và da thì khái niệm “thân” được hình thành.”  [Xem Trung Bộ Kinh, bài số 28].

 

Ngoài ra trong Thanh Tịnh Đạo (Chương XVIII, 28) có ghi:

 

Vì vậy, trong hàng trăm bài kinh chỉ có danh-sắc được đề cập, không phải một con người, một cái ngã. Vậy nên, như khi các bộ phận cấu thành như: trục, bánh xe, khung, cột, vv. được sắp đặt theo một trình tự nhất định nào đó thì có ra danh từ thông dụng là “xe “, nhưng theo nghĩa cùng tột, khi xem xét đến từng bộ phận thì không có “xe”. Cũng như thế, khi các bộ phận cấu thành của ngôi nhà như keo, vv…được sắp đặt để bao bọc không gian theo một lối nhất định nào đó thì có ra danh từ là “nhà”. Tuy nhiên, theo nghĩa tột cùng thì cũng không có gì gọi là “nhà”. Khi có  năm uẩn làm đối tượng chấp thủ thì có ra danh từ ” chúng sinh”, “con người”, nhưng theo nghĩa tuyệt đối, khi mỗi bộ phận cấu thành được xem xét thì không có tự ngã nào làm cơ sở cho ý niệm “tôi”, “ta”; theo nghĩa tối hậu, chỉ có danh và sắcmà thôi. Cái thấy của một người nhìn nhận theo cách này được gọi là chánh kiến.

 

Nếu cuộc sống được xem như tồn tại chỉ trong một khoảnh khắc thì sẽ dễ dàng hơn để hiểu sự thật về vô ngã. Trong Đại Nghĩa Tích (Mahā-Niddesa, Tiểu Bộ kinh, số 6, Hoại diệt), Đức Phật đã giải thích cuộc sống là cực kỳ ngắn ngủi. Ở nghĩa tột cùng thì nó chỉ kéo dài trong một khoảnh khắc tâm (sát-na tâm). Mỗi khoảnh khắc tâm sinh khởi và diệt đi hoàn toàn và được tiếp nối bởi khoảnh khắc kế tiếp hoàn toàn khác biệt.

 

Chúng ta đọc trong Thanh Tịnh Đạo (XX, 72) có trích dẫn từ Đại Nghĩa Tích về ngũ uẩn là vô thường:

 

 Không có kho chứa các pháp đã hoại diệt

 Cũng không có sự tồn trữ các pháp trong tương lai,

 Các pháp sinh, trụ như hạt cải trên đầu kim

 Sự tan rã của chúng đã được báo trước từ lúc sinh khởi,

 Các pháp hiện hữu hoại diệt không lẫn với các pháp quá khứ,

 Chúng không từ đâu đến, rồi tan rã, không biết đi đâu

 Thoạt đến thoạt đi, như ánh chớp trên bầu trời.

 

 

Người ta quen nghĩ đến một tự ngã (cái tôi) điều phối tất cả những kinh nghiệm khác nhau qua các căn và ý môn; một tự ngã có thể đồng thời thấy, nghe và suy nghĩ, tuy nhiên trên thực tế thì trong một khoảnh khắc chỉ có thể có một tâm (citta) kinh nghiệm một đối tượng. Tại một khoảnh khắc, cuộc sống là cái thấy, ở khoảnh khắc khác, cuộc sống là cái nghe, và tại khoảnh khắc khác nữa, cuộc sống là suy nghĩ. Mỗi khoảnh khắc của đời sống sinh khởi bởi các duyên riêng của chúng, chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian cực ngắn và rồi diệt đi. Cái thấy sinh khởi tùy thuộc vào nhãn căn, vào màu sắc và các nhân tố khác. Nó tồn tại chỉ trong một khoảnh khắc và sau đó biến mất. Cái thấy sinh diệt cực nhanh nhưng sau đó lại có những khoảnh khắc của cái thấy khác và điều này gây sự hiểu lầm rằng cái thấy kéo dài. Tuy nhiên, cái thấy của khoảnh khắc này khác với cái thấy vừa qua. Màu sắc xuất hiện tại thời điểm này khác với màu sắc vừa qua. Làm sao có thể có một tự ngã kiểm soát cái thấy hay bất kỳ thực tại nào khác? Các thực tại như tâm từ hay sân hận sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng, không có tự ngã kiểm soát chúng. Chúng ta muốn nói lời từ ái, nhưng khi có nhân duyên cho sự giận dữ thì nó sẽ sinh khởi. Chúng ta có thể tự nhủ với mình là sẽ giữ yên lặng, nhưng trước khi chúng ta kịp nhận ra, thì những lời giận dữ đã được thốt ra. Đã có sân hận được tích lũy trong quá khứ, và đó là lý do nó có thể sinh khởi bất kỳ lúc nào. Cơn giận không thuộc về ai cả mà là một thực tại. Chúng ta quen đồng hóa mình với các thực tại như sân hận, quảng đại, cái thấy hay suy nghĩ, tuy nhiên, chúng ta có thể học để hiểu rằng chúng là những hiện tượng tâm (danh pháp) sinh khởi do những duyên riêng của chúng. Chúng ta quen đồng hóa mình với thân nhưng thân cũng chỉ bao gồm những hiện tượng vật chất (sắc pháp) sinh khởi do duyên riêng. Các sắc pháp nằm ngoài tầm kiểm soát của chúng ta; già, bệnh và chết cũng không thể ngăn được. Các thực tại đến và đi rất nhanh, có thể ví như một tia chớp. Người ta không thể dùng bất kỳ một sức mạnh nào có thể kiểm soát một tia chớp, vì nó diệt ngay sau khi kịp nhận ra. Không ai có thể kiểm soát được các hiện tượng danh và sắc trong cuộc sống của mình.

 

Bề ngoài của sự vật hiện tượng khiến ta ảo tưởng, mê mờ, không thấy được sự thật là gì; chỉ là những hiện tượng thoáng qua ngoài tầm kiểm soát. Chúng ta đọc trong Chú giải kinh Pháp Cú  về một vị tỳ kheo suy niệm về một ảo ảnh và không thể đạt đến trạng thái giác ngộ. Vị này quyết định đến diện kiến Đức Phật và trên đường đi ông nhìn thấy một ảo ảnh. Ông ta tự nhủ: “Ngay cả như ảo ảnh này trong mùa nóng có vẻ khổng lồ khi nhìn từ xa, nhưng khi lại gần thì biến mất, kể gì đến cuộc sống này, chẳng có giá trị gì do sinh khởi và hoại diệt“.

 

Chúng ta đọc thấy rằng ông ta đã suy niệm về ảo ảnh này. Sau hành trình dài thấm mệt, ông ta xuống sông Aciravatī tắm rồi sau đó ngồi bên một thác nước:

 

Khi ông ngồi đó quan sát những bọt bong bóng lớn phồng lên rồi vỡ tan do sức mạnh của nước dội vào đá, ông ta tự nhủ: “Sự hiện hữu này cũng được tạo ra và rồi vỡ tan“. Rồi ông đã lấy nó làm đề mục thiền định. Bậc Đạo sư (Đức Phật) đang ngồi trong hương thất, thấy Trưởng lão bèn nói, “Này tỳ kheo, là thế đó, cũng giống như bọt bong bóng hay ảo ảnh là cuộc sống này.  Được tạo ra thế nào, chúng ra đi như vậy“. Bậc đạo sư vừa dứt lời thì đọc bài kệ sau:

 

“Kẻ biết rằng thân này như bọt bóng

hiểu thấu rằng  bản chất  nó chỉ là một ảo ảnh.

Người ấy sẽ bẻ cong các mũi tên gắn hoa của Ma vương

và sẽ đi đến nơi Diêm Vươngkhông bao giờ tìm thấy.”

 

 

Chúng ta đọc thấy rằng, ngay sau khi kết thúc bài kệ, vị tỳ kheo liền đắc quả A La Hán. Ma vương đại diện cho tất cả những gì xấu xa, là Diêm Vương, Thần Chết. Người đã tận diệt mọi phiền não sẽ không tái sinh, sẽ không có già, bệnh và chết, do đó, “Diêm Vương” sẽ không nhìn thấy anh ta nữa.

 

Cuộc sống giống như một ảo ảnh, chúng ta hết lần này qua lần khác bị lừa phỉnh bởi bề ngoài của sự vật. Chúng ta tin rằng những gì chúng ta kinh nghiệm có thể kéo dài, ít nhất là trong một thời gian, và rằng có một cái ngã kinh nghiệm mọi thứ, một chủ thể tồn tại kéo dài. Chúng ta cho nhận thức sai lầm của mình là đúng, chúng ta có một cái nhìn méo mó về các pháp. Thông qua việc phát triển hiểu biết chính xác về các thực tại khác nhau xuất hiện một mình tại một thời điểm, cái nhìn méo mó ấy có thể được sửa chữa.

 

Rất khó để hiểu và chấp nhận rằng bất cứ điều gì sinh khởi đều do duyên riêng của nó và ngoài tầm kiểm soát. Mọi người thường muốn kiểm soát cuộc sống của mình, nắm số phận mình trong tay. Tuy nhiên, ngay cả trên mức độ lý thuyết, người ta hiểu được rằng không thể kiểm soát cuộc sống của mình. Người ta không thể kiểm soát cơ thể của mình, người ta không thể kiểm soát những khoảnh khắc khác nhau của tâm sinh khởi. Ví dụ, khi nếm một chiếc kẹo ngon thì ngay lập tức có sự dính mắc vào các vị . Cái nếm phát sinh phụ thuộc vào thiệt căn, vào vị tác động lên thiệt căn và các duyên khác; sự dính mắc vào cái nếm sinh khởi bởi các duyên riêng của nó, bởi sự tích lũy xu hướng dính mắc. Các khoảnh khắc tâm khác nhau nối tiếp quá nhanh đến đỗi chúng dường như xảy ra đồng thời. Chừng nào không có cái hiểu chính xác, thì chúng không thể được phân biệt với nhau. Trong thực tế chỉ có một khoảnh khắc tâm sinh khởi tại một thời điểm. Tôi sẽ đưa ra một ví dụ về những khoảnh khắc khác nhau của tâm, mỗi tâm phát sinh do duyên riêng của chúng. Có người cho tôi một chú gấu bông rất to và tôi đặt trên một chiếc ghế. Rất nhiều lần, khi tôi đi ngang qua nó vào lúc nhập nhoạng tối thì có những khoảnh khắc của sự sợ hãi, trước khi nhận ra rằng đó là một chú gấu bông. Cái thấy kinh nghiệm màu sắc hay đối tượng thị giác tác động lên nhãn căn, và sau đó, trước khi biết rằng có một chú gấu bông, có rất nhiều khoảnh khắc khác của tâm. Có thể có sự sợ hãi đối với những gì được nhìn thấy trước khi biết rằng nó là một đối tượng vô hại. Có những khoảnh khắc nhận biết, rồi xác định và khi nhớ rằng đó chỉ là một món đồ chơi thì nỗi sợ hãi biến mất. Ví dụ này cho thấy, có những duyên khác nhau cho những khoảnh khắc khác nhau của tâm sinh khởi. Chúng sinh lên bởi những duyên riêng của mình và theo một trình tự cụ thể. Chúng sinh và diệt rất nhanh tới mức không có thời gian để kiểm soát hay định hướng chúng. Không có tâm hay linh hồn vĩnh cửu mà chỉ có những khoảnh khắc tâm biến đổi một cách vô cùng nhanh chóng.

 

Không thể tránh được những câu hỏi liên quan đến ý nghĩa của sự thật về vô ngã trong cuộc sống. Người ta thường có những thắc mắc về sự tồn tại của một ý chí tự do. Nếu không có tự ngã, chỉ có những hiện tượng trống rỗng xuất hiện và biến mất, liệu có thể có ý chí tự do, liệu người ta có thể có lựa chọn tự do trong những quyết định trong cuộc sống? Chẳng lẽ ý chí tự do và tự chủ không phải là những yếu tố thiết yếu của đời sống con người hay sao? Sự thật về vô ngã dường như ngụ ý rằng toàn bộ cuộc sống con người ta đã được định đoạt, thậm chí là tiền định bởi các nhân duyên. Câu trả lời là, bản thân ý niệmvề ý chí tự do đã ngụ ý sự tồn tại của một tự ngã có thể dùng sức mạnh để kiểm soát ý chí của mình. Do “tự ngã” không tồn tại, mà chỉ đơn thuần có các hiện tượng vô thường sinh khởi do duyên nên không có ý chí tự do nào tồn tại độc lập với các duyên. Ý chí hoặc mong muốn hành động có thể là thiện tại một thời điểm và bất thiện vào thời điểm khác. Khi có sự tức giận thì có tư ý bất thiện, và nó có thể kích động những lời nói giận dữ. Khi có tâm quảng đại thì có tư ý thiện, và nó có thể thể thúc đẩy hành động bố thí. Có thể có sự quyết định cho những việc cụ thể, chẳng hạn như phát triển tâm từ hay hiểu biết, nhưng không có người quyết định làm điều này. Có những khoảnh khắc khác nhau của quyết định phát sinh do những duyên khác nhau. Việc một người quyết định gì phụ thuộc vào tích lũy thiện hay bất thiện từ quá khứ, vào trình độ học vấn, bạn bè mà người đó kết giao. Người ta có thể có cảm giác rằng, nếu tích lũy thiện hay bất thiện từ quá khứ làm duyên cho các hành động từ thân, khẩu, ý trong hiện tại, chúng ta sẽ hoàn toàn bất lực trước những nhân duyên tích lũy này. Còn gì là ý nghĩa của cuộc sống nếu tất cả mọi thứ được định đoạt trước như vậy. Chừng nào còn dính mắc vào ý niệm cái tôi thì chúng ta sẽ mãi là nô lệ cho nó, không có được tự do. Khi hiểu biết được phát triển, có thể loại bỏ sự dính mắc vào một tự ngã, người ta sẽ tự do thực sự. Việc phát triển trí tuệ cũng là do duyên, nó được tạo duyên bởi những khoảnh khắc của hiểu biết trước đó, bởi sự kết giao với các bậc thiện trí thức có thể giảng giải Giáo pháp, và bởi sự nghiên cứu Giáo lý Đức Phật. Chúng ta nghĩ hay làm gì đều phụ thuộc vào những điều kiện nhân duyên vận hành một cách rất phức hợp. Cuốn sách thứ sáu của Tạng Vi Diệu Pháp chỉ đề cập đến các điều kiện, duyên hệ khác nhau của tất cả các hiện tượng danh và sắc của đời sống, nhằm mục đích giúp mọi người có hiểu biết nhiều hơn về các duyên hệ này. Ngay cả đến tự do cũng còn phụ thuộc vào nhân duyên. Khi hiểu biết về các thực tại càng phát triển thì càng ít sự dính mắc vào tầm quan trọng của cái cái tôi (tự ngã), ít sự bám víu vào nhận thức sai lầm về thực tại. Cuối cùng mọi phiền não có thể được tận diệt bởi hiểu biết đúng và điều này chẳng phải là tự do tối thượng hay sao?

 

Để có thể hiểu được sự thật về vô ngã, cần phải biết sự khác biệt giữa những gì là thực theo nghĩa cùng tột và những gì là thực theo nghĩa chế định. Rất khó nắm rõ sự khác biệt này nên tôi sẽ đề cập vấn đề này một lần nữa trong phần sau. Cái thấy, cái nghe, màu sắc, âm thanh hay suy nghĩ là thực theo nghĩa tột cùng. Như vậy không có nghĩa là chúng là cái gì đó trừu tượng. Mỗi thực tại có đặc tính riêng và có thể được kinh nghiệm trực tiếp. Ví dụ, cái thấy có đặc tính khác với đặc tính của cái nghe. Những đặc tính này không thay đổi, ở người nào cũng vậy. Cái nghe thì luôn là cái nghe, cái thấy thì luôn là cái thấy, dù người ta đặt tên chúng là gì chăng nữa. Các khái niệm hoặc ý niệm như con người, thế giới, động vật… là những thực tại chế định mà con người nghĩ ra nhưng không có thực theo nghĩa tột cùng. Nghĩ đến những khái niệm như con người hoặc động vật thì không nhất thiết là bất thiện; chúng ta có thể nghĩ về chúng theo cách thiện hay bất thiện. Tuy nhiên, chúng ta tự lừa dối mình nếu chúng ta cho những khái niệm là có thực. Học để biết sự khác biệt giữa các thực tại và khái niệm là rất cần thiết, nếu không thì không thể phát triển Con đường Đức Phật.

 

Chừng nào chưa phát triển tuệ giác đến giai đoạn thấy được sinh diệt trong từng khoảnh khắc của các hiện tượng danh sắc thì không thể thấy được mọi thứ như chúng là. Chúng ta tin rằng cái thấy kéo dài trong một khoảng thời gian và những gì được thấy cũng tồn tại  kéo dài như vậy. Thế gian dường như chật kín người, chúng ta cho rằng chúng ta thực sự thấy họ. Thực tế thì cái thấy không kéo dài và màu sắc được thấy cũng không tồn tại lâu. Khi chúng ta “thấy” người thì giống như xem các hình ảnh chiếu lên một màn hình được thay đổi nhanh chóng. Chúng ta “thấy” hình ảnh của một người hay một vật, nhưng vẻ ngoài gây lầm tưởng. Trên thực tế có rất nhiều khoảnh khắc khác nhau sinh khởi và diệt đi, nối tiếp nhau. Có các tiến trình của cái thấy, nhận biết, phân loại, xác định và suy nghĩ. Có vẻ như chúng ta thấy một “khối”, hình ảnh của một người, nhưng đó thực chất là suy nghĩ được duyên bởi cái thấy, bởi kinh nghiệm về những gì được thấy.

 

Đức Phật nói về tất cả những gì có thể được kinh nghiệm qua các căn và ý môn để giúp mọi người phát triển hiểu biết về các thực tại và biết được bản chất của chúng, để nhận ra chúng là vô thường, khổ và vô ngã. Cái thấy là một thực tại nhưng không phải là tự ngã, cái nghe là một thực tại nhưng không phải là tự ngã, suy nghĩ là một thực tại nhưng không phải là tự ngã.

 

Một câu hỏi có thể nảy sinh: nếu con người không tồn tại thì việc phát triển lòng tốt có ý nghĩa gì, mà lòng tốt thì phải hướng tới con người, và việc dấn thân vào công cuộc cải thiện thế giới có ý nghĩa gì? Câu trả lời là biết sự thật về các thực tại không gây trở ngại trong quan hệ với mọi người, trong việc thực hành thiện pháp và công cuộc dấn thân vào việc cải thiện thế giới. Phật giáo không tuyên truyền một thái độ thụ động đối với thế giới mà ngược lại, nó khiến người ta hành động với một thái độ vị tha hơn, thiện lành hơn. Chúng ta thường nghĩ về con người một cách bất thiện, với những tham, sân si. Chúng ta dính mắc vào hình ảnh của mình và của người khác nữa. Chúng ta xây dựngt ý niệm về cách mà mọi người phải đối xử với mình. Khi ai đó không tương ứng với ý niệm mà ta gán cho họ thì chúng ta thất vọng, thậm chí là giận dữ. Dính mắc vào các ý niệm, chúng ta tạo duyên cho nhiều loại phiền não như ngã mạn, ganh tị, tham lam hoặc sở hữu. Qua Giáo lý Đức Phật, chúng có thể học cách suy nghĩ về con người một cách đúng đắn, đó là không dính mắc vào những quan niệm sai lầm. Khi ta đang ở bên và trò chuyện với mọi người, có thể phát triển hiểu biết về thực tại xuất hiện qua các căn và ý môn. Việc nhận ra sự thật là không có con người hay cái tôi trường tồn, mà chỉ đơn thuần là các hiện tượng thoáng qua, không có nghĩa rằng người ta phải trốn tránh công việc xã hội. Đức Phật là người rất quan tâm đến người khác, Ngài luôn nghĩ đến các môn đệ của mình, luôn vì lợi ích của tất cả chúng sinh, nhưng Ngài không có tà kiến về một con người hay cái tôi trường tồn. Ngài là tấm gương về lòng từ bi, nhẫn nại. Ngài đã đi thăm các tỳ kheo ốm bệnh và chăm sóc họ, Ngài đã thuyết Pháp trong suốt 45 năm. Ngài cũng khuyến khích mọi người phát triển lòng từ bi đối với những chúng sinh khác. Ngay cả khi đã nhận ra sự thật về vô ngã, người ta vẫn có thể nghĩ về các chúng sinh, nhưng thay vì suy nghĩ với dính mắc, ích kỷ, sẽ có nhân duyên cho suy nghĩ thiện thường xuyên hơn, và điều này có lợi cho chính mình và người khác.

 

Không có thực thể hay cái ngã trường tồn trong sự cấu thành của các hiện tượng danh sắc thoáng qua mà ta gọi là “con người”. Cũng không có cái “đại ngã” ở bên ngoài. Một số người tin rằng những gì chúng ta có thể gọi là  “tự ngã” sau khi chết sẽ hòa vào một “đại ngã”, vào một “bản thể” hay vũ trụ. Đây không phải là lời dạy của Đức Phật. Thậm chí Niết Bàn, pháp vô vi, cũng không phải là tự ngã. Tất cả các hiện tượng của đời sống do duyên khởi (pháp hữu vi) đều là vô thường, khổ và vô ngã. Thực tại vô vi, Niết Bàn, không có đặc tính vô thường và khổ, nhưng có đặc tính vô ngã. Chúng ta đọc trong Kinh Pháp Cú (câu 277-279) :

 

Tất cả hành vô thường

Với Tuệ, quán thấy vậy

Ðau khổ được nhàm chán:

Chính con đường thanh tịnh.

  

Tất cả hành khổ đau

Với Tuệ, quán thấy vậy,

Ðau khổ được nhàm chán:

Chính con đường thanh tịnh.

  

Tất cả pháp vô ngã,

Với Tuệ, quán thấy vậy,

Ðau khổ được nhàm chán:

Chính con đường thanh tịnh.

 

Đoạn kinh nói rằng tất cả các pháp đều vô ngã. Niết Bàn không phải là một thực tại do duyên khởi, nhưng nó là thực, nó là pháp. Vì vậy, khi đoạn kinh nói rằng tất cả các pháp đều vô ngã là đã bao gồm cả Niết Bàn.

 

Sự phát triển của Bát chánh đạo thực chất là sự phát triển của hiểu biết về các thực tại tối hậu:cái thấy, màu sắc, cái nghe, âm thanh, của tất cả những gì có thể kinh nghiệm qua các căn và ý môn. Người đọc có thể thấy khá buồn tẻ khi đọc các bài kinh nhắc đi nhắc lại về các thực tại này. Tuy nhiên mục đích của lời thuyết giảng về các thực tại tột cùng này là để loại bỏ khái niệm về tự ngã. Trước hết cần phải loại bỏ sự dính mắc vào các khái niệm về tự ngã, rồi mới có thể loại bỏ các phiền não khác. Khi con người được nhìn nhận theo ngũ uẩn, chỉ là các yếu tố sinh diệt, thì sẽ có duyên trở nên ít dính mắc hay sân hận với những thăng trầm của cuộc sống, những khen – chê, được – mất, những thứ vốn đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta đọc bài kinh Ví dụ dấu chân voi (Trung Bộ Kinh, bài kinh số 28) rằng, ngài Xá Lợi Phất, đệ tử của Đức Phật đã giải thích cho các tỳ kheo về các thực tại theo giới (các yếu tố). Ngài giải thích rằng thân thể không nên được xem như “tôi”, “của tôi” hay “tôi là”. Chúng ta đọc đoạn sau:

 

Chư hiền, nếu có những người khác mắng nhiếc, chỉ trích, chọc tức, nhiễu não tỳ kheo, vị ấy biết rõ như sau: “Khổ thọ khởi lên nơi tôi, thọ này thuộc tai xúc chạm, thọ này do nhân duyên, không phải không do nhân duyên, do nhân duyên gì? Do nhân duyên xúc”. Vị ấy thấy xúc là vô thường, thấy thọ là vô thường, thấy tưởng là vô thường, thấy hành là vô thường, thấy thức là vô thường. Tâm của vị này hoan hỷ, thích thú, tịnh chỉ, quyết định, tùy thuộc giới đối tượng.

 

Chúng ta có xu hướng đổ lỗi cho người khác khi họ nói năng khó nghe, thay vì nhận ra rằng đơn thuần chỉ có âm thanh tác động vào nhĩ căn, chỉ là các yếu tố tác động trên các yếu tố. Chừng nào còn có dính mắc vào một cái tôi thì thực tại không thể được xem là các yếu tố đơn thuần. Bài kinh cho thấy rõ lợi ích khi hiểu sự thật về vô ngã. Điều này chỉ có thể được hiểu dần dần trong quá trình phát triển hiểu biết về các thực tại trong ngũ uẩn.

Việt dịch: Phạm Thu Hằng

Leave a Reply

Translate »