Con đường Đức Phật: Sự Thật về Khổ

Sự Thật về Khổ

=================

 

 

Già, bệnh, chết là điều không thể tránh khỏi. Ly biệt người thân là điều cũng sẽ xảy đến. Chúng ta đọc trong Kinh Tập (Tiểu Bộ Kinh, Chương 3, Kinh mũi tên, vần 574-582):

Sinh mạng của loài Người,
Ở đời không ai biết,
Không tướng, nhiều phiền toái,
Nhỏ nhoi, liên hệ khổ.

 Không có sự gắng nào,
Khiến sống thoát khỏi chết,
Sau khi già là chết,
Pháp hữu tình là vậy.

 Như các trái chín muồi,
Có sợ bị rơi sớm,
Cũng vậy, người được sanh,
Thường có sợ bị chết.

 Như người thợ làm ghè
Làm chén bát đất sét,
Cuối cùng, bể tất cả,
Mạng sống người là vậy.

 Trẻ tuổi và lớn tuổi,
Người ngu và kẻ trí,
Tất cả đi đến chết,
Cuối cùng rồi cũng chết.

 Những ai chết chi phối,
Ði qua đến đời sau,
Cha không cứu được con,
Hay bà con cứu nhau.

 Hãy xem, các bà con
Ðứng nhìn và than khóc,
Từng người, đi đến chết,
Như bò mang đi giết,

 Như vậy, thế giới này
Bị già chết chi phối,
Do vậy, bậc nhiều trí,
Biết đời, nên không sầu

 Ai không biết con đường,
Ðường đến và đuờng đi,
Do không thấy hai ngả,
Than khóc, không lợi ích.

Già hay trẻ, người ngu hay kẻ trí, tất cả đều dừng lại trước sức mạnh của cái chết, tất cả cuối cùng đều chấm dứt bằng cái chết. Sau cái chết, bước sang một cảnh giới khác, một người cha không thể giữ lại con trai hay quyến thuộc của mình. Hãy nhìn xem! Trong khi những người thân đứng nhìn và khóc lóc thì lần lượt từng sinh mạng bị kéo đi như con bò bị lôi vào lò mổ. Theo lối ấy thế gian bị chi phối bởi cái chết và hư hoại. Thế nhưng người trí thì không đau buồn vì đã thấy được bản chất của thế gian là gì.

 

Đức Phật đã an ủi những kẻ đã phải chịu đựng sự mất mát người thân bằng cách giải thích cho họ rằng sự vô thường hiện hữu ở mọi hiện tượng của đời sống. Chúng ta đọc trong chú giải Trưỡng Lão Ni Kệ (Phẩm X, Tập Mười kệ) thì thấy có một người phụ nữ tên là Kisā-gotamī, đã hoàn toàn bị suy sụp vì đau buồn trước mất mát của đứa con trai. Bà ta đã ôm xác con trai gõ cửa hết nhà nọ đến nhà kia để tìm thuốc cứu con. Đức Phật bảo bà ta: “Hãy đi đi, vào trong thị trấn và mang lại cho ta một hạt giống cải lấy từ gia đình nào chưa từng có người chết”. Người đàn bà này đã không tìm thấy bất kỳ nhà nào chưa từng mất người thân, và ngộ ra rằng tất cả mọi thứ là vô thường. Bà đã đi đến chỗ Đức Phật và Ngài nói:

 

Với những kẻ trái tim đặt vào con cái và tài sản

Bám víu vào chúng trong suy nghĩ của mình,

Cái chết đến như một trận lụt lớn trong đêm,

Cuốn đi những ngôi làng đang chìm sâu trong giấc ngủ.

 

Đức Phật có dạy điều gì mới mẻ không? Chúng ta đều biết rằng có sự chia ly và cái chết, rằng tất cả mọi thứ trên đời đều là vô thường. Suy nghĩ về vô thường không giúp ích nhiều khi một người đang chịu đựng sự mất mát. Đức Phật dạy rằng có sự thay đổi trạng thái tâm từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, và rằng các đơn vị vật chất (sắc) cấu thành nên thân thể cũng biến hoại trong từng khoảnh khắc. Ngài dạy phát triển loại tuệ giác kinh nghiệm trực tiếp sự sinh khởi và diệt đi của các hiện tượng danh và sắc. Bà Kisā-gotamī không chỉ đơn thuần đã suy nghĩ về sự vô thường của đời sống mà đã trực nhận được sự hoại diệt từng khoảnh khắc của các hiện tượng danh sắc. Điều này đã thay đổi cách nhìn của bà về cuộc sống và có thể phục hồi từ nỗi mất mát to lớn của mình.

 

 

Mỗi trạng thái tâm sinh khởi và diệt đi trong từng khoảnh khắc (sát-na). Tại khoảnh khắc này chúng ta nói những điều tử tế với với người khác nhưng ở khoảnh khắc tiếp theo thì trạng thái tốt ấy đã biến mất, và chúng ta có thể nổi nóng và giận dữ, thậm chí có thể là la hét. Bỗng chốc chúng ta dường như biến thành một người khác hẳn. Điều này trên thực tế là có thật. Từ ái đã biến mất và sự nóng nảy là một trạng thái tâm khác đã sinh khởi. Cái thấy, cái nghe, suy nghĩ, tất cả là những khoảnh khắc khác nhau của tâm sinh khởi và diệt đi ngay lập tức. Chúng sinh khởi theo duyên riêng của chúng. Ví dụ như cái thấy phụ thuộc vào nhãn căn (mắt) và đối tượng của nó là màu sắc, nếu các yếu tố làm duyên này không tồn tại kéo dài thì cái thấy, được tạo duyên bởi các yếu tố này, cũng không thể tồn tại kéo dài. Mọi thực tại chi phối bởi duyên (các pháp hữu vi) đều phải diệt đi. Do khoảnh khắc tâm vừa diệt đi được tiếp nối ngay bởi một khoảnh khắc tâm mới, nên dường như có một tâm kéo dài mãi. Trên thực tế, cuộc sống của chúng ta là sự tiếp nối của các khoảnh khắc tâm sinh diệt liên tục. Cả các hiện tượng vật chất cũng vậy, sinh khởi rồi diệt đi. Chúng ta biết rằng thân thể cũng bị hoại diệt, có tuổi già và cái chết, nhưng điều này chưa đủ để thấy được một cách trực tiếp sự diệt trong từng khoảnh khắc của các đơn vị vật chất cấu thành nên cơ thể. Chúng ta không thể thấy được sự diệt đi của chúng ngay sau khi chúng sinh khởi, bởi vì các hiện tượng vật chất mới đã thay thế những cái cũ vừa diệt đi. Chúng ta có thể nhận thấy đôi khi có cái nóng, cái lạnh, cái mềm, cái cứng. Điều này cho thấy có sự thay đổi của các hiện tượng thân. Những gì mà chúng ta gọi là chết chóc cũng là các hiện tượng vật chất sinh diệt liên tục. Các hiện tượng vật chất cũng phát sinh do duyên riêng của chúng. Khi chúng ta khóc, cười, giơ nắm đấm giận dữ, đưa tay ra bố thí, thì có những hiện tượng thân khác nhau bị tác động bởi các trạng thái tâm khác nhau. Các hiện tượng thân và cả các hiện tượng vật chất bên ngoài cũng sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng và diệt đi. Khoa học cũng cho thấy sự biến đổi trong từng khoảnh khắc của các hiện tượng vật chất, nhưng mục đích của Giáo lý Đức Phật thì hoàn toàn khác – đó là sự buông bỏ đối với tất cả các hiện tượng . “Con mắt của trí tuệ ” thấy được vô thường khác với cái thấy qua kính hiển vi quan sát sự thay đổi của từng đơn vị vật chất nhỏ nhất. Tuệ giác trực nhận sự vô thường của các hiện tượng trong từng khoảnh khắc cuối cùng sẽ dẫn đến sự buông bỏ hoàn toàn.

 

Cuộc sống của chúng ta có thể được so sánh như sự trôi chảy của một dòng sông. Một dòng sông có vẻ như giữ nguyên được tình trạng của nó, nhưng thực ra, dù là một giọt nước cũng không thể giữ nguyên khi dòng sông đang chảy mãi, chảy mãi như vậy. Cũng tương tự, cái mà chúng ta gọi là một “con người” dường như cũng giữ nguyên một tính chất cá thể, nhưng thực tế thì chỉ đơn thuần là những tiến trình thân và tâm trôi chảy mà thôi. Có thể nhận thấy rằng con người có những tính cách khác nhau, tuy nhiên, cái gọi là “tính cách” ấy cũng là những hiện tượng được quy định hay làm duyên bởi các hiện tượng trong quá khứ mà thôi. Do đời sống của chúng ta là hàng loạt những khoảnh khắc tâm sinh khởi liên tục, các khoảnh khắc quá khứ có thể làm duyên cho các khoảnh khắc hiện tại, và khoảnh khắc hiện tại lại có thể làm duyên cho các khoảnh khắc tương lai. Có những khoảnh khắc thiện và bất thiện trong quá khứ và chúng sẽ làm duyên cho sự sinh khởi của những khoảnh khắc thiện và bất thiện trong hiện tại. Những gì chúng ta học được ngày hôm nay sẽ không bao giờ mất đi, những khoảnh khắc hiểu bây giờ có thể được tích lũy và trí tuệ có thể phát triển bằng cách đó.

 

 

Chúng ta quan niệm cuộc sống tồn tại một thời gian dài, kéo dài từ khoảnh khắc sinh ra đến khi chết đi. Nếu xét ở góc độ khoảnh khắc sinh và diệt của mỗi thực tại (pháp) thì có thể nói rằng có sinh và tử ở từng khoảnh khắc. Cái thấy sinh khởi nhưng không kéo dài mà diệt ngay lập tức. Khoảnh khắc tiếp theo có cái nghe,nhưng cái nghe cũng vậy, không kéo dài. Suy nghĩ cũng thay đổi mỗi khoảnh khắc, luôn có suy nghĩ về nhiều điều khác nhau. Có thể thấy rằng chỉ có thể tồn tại suy nghĩ về một thứ, không thể nhiều hơn một, tại một thời điểm. Có vẻ như suy nghĩ kéo dài nhưng trong thực tế có những khoảnh khắc tâm khác nhau tiếp nối cực nhanh. Cảm thọ thay đổi, có cảm giác dễ chịu tại khoảnh khắc này, lúc khác có cảm giác khó chịu, và tại thời điểm khác nữa lại là cảm giác thờ ơ. Đức Phật dạy rằng những gì vô thường là khổ, trong ngôn ngữ Pāli là dukkha [từ Pāli được ưa dùng hơn vì từ “khổ” không bao hàm hết ý nghĩa của đế đầu tiên trong Tứ Thánh Đế]. Cái đau của thân và tâm do tính chất thay đổi của sự vật là hình thức đau khổ dễ thấy hơn. Khổ đế gắn với tất cả mọi hiện tượng vốn vô thường của thân và tâm. Chúng là bất toại nguyện là vì ngay sau khi sinh khởi, chúng chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi rồi diệt mất hoàn toàn. Sự thật của khổ rất thâm sâu và không dễ để  hiểu.

 

 

Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ kinh (Thiên Đại Phẩm, Tương ưng Sự Thật, II.Phẩm Chuyển Pháp luân, §1 Như Lai Thuyết) rằng Đức Phật ngay sau khi giác ngộ, khi ngài đang ngụ tại vườn nai ở Isapatana gần Vārānasi, đã thuyết pháp cho một nhóm năm tỳ kheo. Ngài giải thích cho họ về Tứ Thánh Đế: Sự thật về Khổ, Sự thật về nguyên nhân Khổ, Sự thật về diệt Khổ, là Niết Bàn, và Sự thật về Con đường dẫn đến sự diệt Khổ. Chúng ta đọc về khổ như sau:

 

“Sanh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, sầu, bi, khổ, ưu, não là khổ, oán gặp nhau là khổ, ái biệt ly là khổ, cầu không được là khổ. Tóm lại, năm thủ uẩn là khổ.”

 

Ngũ Uẩn (tiếng Pāli là khandhas) là tất cả các hiện tượng vật chất và tâm trong cuộc sống của chúng ta được phân loại thành năm nhóm. Đó là: nhóm các hiện tượng vật chất (sắc) và bốn nhóm thuộc tâm (danh) gồm: Thọ, Tưởng, Hành (các hoạt động của tâm, bao gồm cả tính chất thiện và bất thiện) và Thức. Năm tập hợp này bao trùm tất cả các hiện tượng đời sống sinh khởi bởi duyên riêng của chúng và rồi diệt đi. Cái thấy là khổ bởi nó sinh và diệt. Màu sắc là khổ, cảm thọ dễ chịu cũng là khổ, thậm chí cả những trạng thái tâm thiện cũng là khổ vì tất cả chúng đều vô thường.

 

Có thể có hiểu biết lý thuyết về thực tế rằng tất cả những gì có thể được kinh nghiệm đều vô thường và do đó bất toại nguyện và khổ. Tuy nhiên Sự Thật về khổ không thể được chứng ngộ chỉ dựa đơn thuần trên cái hiểu lý thuyết như vậy.  Có thể có suy nghĩ về tính vô thường của vạn pháp trong đời sống, nhưng để có thể trực nhận qua kinh nghiệm của chính mình về sinh và diệt, về sự biến hoại trong từng khoảnh khắc là điều cực kỳ khó khăn. Thông qua phát triển Con đường Bát Chánh Đạo, sẽ có lúc có thể có được hiểu biết trực tiếp về tính vô thường của vạn pháp và bản chất bất toại nguyện của chúng.

 

Tất cả mọi hiện tượng đều vô thường. Cần có cái hiểu chính xác về cụm từ “tất cả” ở đây, nếu không sẽ không thể thấy được vô thường và khổ. Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ kinh (Thiên Sáu Xứ, Năm Mươi Kinh thứ nhất, Chương 3, §23 Tất cả) rằng Đức Phật đã nói với các tỳ kheo khi Ngài ngự tại Xá vệ (Sāvatthī) như sau:

 

Mắt và các sắc; tai và các tiếng ; mũi và các hương; lưỡi và các vị ; thân và các xúc; ý và các pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, gọi là tất cả.

Này các Tỷ-kheo, ai nói như sau: “Sau khi từ bỏ tất cả này, ta sẽ tuyên bố (một) tất cả khác”, thời lời nói người ấy chỉ là khoa ngôn. Và bị hỏi, người ấy không thể chứng minh gì. Và hơn nữa, người ấy có thể rơi vào ách nạn. Vì sao? Này các Tỷ-kheo, như vậy ra ngoài giới vức (avisaya) của người ấy.

 

Từ bài kinh này chúng ta thấy rằng Giáo lý của Đức Phật rất cụ thể và liên quan đến tất cả thực tại trong cuộc sống hàng ngày:

 

– Cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác qua nhãn căn;

– Cái nghe kinh nghiệm âm thanh qua nhĩ căn;

– Cái ngửi kinh nghiệm mùi qua tỷ căn;

– Cái nếm kinh nghiệm vị qua thiệt căn;

– Sự kinh nghiệm các đối tượng xúc chạm qua thân căn;

– Sự kinh nghiệm các đối tượng là pháp trần qua ý môn.

 

Khi bắt đầu tiếp cận với Giáo lý Đạo Phật, người ta có thể ngạc nhiên khi thấy rằng Đức Phật luôn lặp đi lặp lại về các thực tại như cái thấy và cái nghe. Tuy nhiên, cái “tất cả” cần được hay biết và tìm hiểu. Chúng ta rất thiếu hiểu biết về các hiện tượng danh và sắc. Thông thường, người ta hay đắm chìm trong suy nghĩ về những người mình đã thấy hoặc lời nói mình đã nghe; người ta không bao giờ chú ý đến bản thân cái thấy và cái nghe, và thậm chí còn hoài nghi về lợi ích của việc làm này. Bản thân cái nghe và cái thấy không thiện và cũng không bất thiện, nhưng ngay sau cái thấy và cái nghe thì mọi phiền não có thể sinh khởi. Mọi khoảnh khắc của cuộc sống cần phải được tìm hiểu cặn kẽ để có thể loại bỏ ảo tưởng về chúng.

 

Có nhiều mức độ hiểu biết về thực tại. Suy nghĩ về thực tại và sự vô thường của chúng là cái hiểu lý thuyết chứ không phải là hiểu biết trực tiếp về bản chất của các thực tại. Tuy nhiên, hiểu biết về mặt lý thuyết có thể là nền tảng cho hiểu biết trực tiếp các thực tại xuất hiện trong đời sống hàng ngày.

 

Khi chúng ta tìm hiểu kinh điển Phật giáo, chúng ta sẽ học để hiểu về các thực tại. Giáo lý Đức Phật gồm Tam Tạng: Tạng Luật, Tạng Kinh (những bài Phật thuyết), và Tạng Vi Diệu Pháp hay “thắng pháp”. Tạng Luật (Vinaya) là những giới luật dành cho các vị tỳ kheo. Tạng Kinh là những bài Phật thuyết tại các địa điểm khác nhau, cho những người khác nhau. Tạng Vi Diệu Pháp giảng giải chi tiết về tất cả các hiện tượng danh và sắc; các yếu tố làm duyên và các hình thức tương duyên khác nhau (duyên hệ) giữa chúng. Mặc dù khác nhau về mặt hình thức, các Tạng cùng nhằm tới một đích đến: tận diệt phiền não qua sự chứng ngộ chân lý. Khi nghiên cứu các thực tại khác nhau được giải thích chi tiết trong Vi Diệu Pháp, ta không nên quên mục đích, đó là: phát triển hiểu biết trực tiếp về các thực tại khi chúng xuất hiện. Vi Diệu Pháp cũng nằm trong các bài kinh. Bài kinh về “Tất cả” được trích dẫn ở trên là một ví dụ về điều này. Ý nghĩa sâu xa của kinh điển không thể được hiểu mà không có một nghiên cứu cơ bản về Vi Diệu Pháp. Lĩnh vực Vi Diệu Pháp rất rộng lớn và chúng ta không thể nắm được toàn bộ các nội dung. Tuy nhiên, khi bắt đầu nghiên cứu nó, dù là một phần nhỏ, ta sẽ thấy rằng nó có thể hỗ trợ tuyệt vời cho hiểu biết về cuộc sống của chúng ta. Một số người có hoài nghi về tính xác thực của Vi Diệu Pháp, họ nghi ngờ liệu đó có đúng là lời dạy của Đức Phật. Khi một người nghiên cứu Vi Diệu Pháp, anh ta có thể tự thấy được rằng Vi Diệu Pháp dạy về các hiện tượng có thể kinh nghiệm ngay trong khoảnh khắc hiện tại. Vi Diệu Pháp đề cập đến cái thấy, đối tượng thị giác, đến tất cả các kinh nghiệm qua ngũ quan và ý môn, đến tất cả các phẩm chất thiện, đến tất cả các phiền não. Các Tạng khác nhau đều là Giáo lý của Đức Phật.

 

Trong Tương Ưng Bộ kinh (Thiên Sáu Xứ, Tương Ưng Sáu xứ, Năm Mươi kinh thứ hai, §53 Vô Minh) nói tới việc loại bỏ vô minh. Chúng ta thấy có cuộc đối thoại giữa một vị tỳ kheo và Đức Phật về chủ đề này:

Do biết như thế nào, bạch Thế Tôn, do thấy như thế nào, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi?

Do biết, do thấy mắt là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi. Do biết, do thấy các sắc là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi… nhãn thức… nhãn xúc… Do duyên nhãn xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc ; do biết, do thấy cảm thọ ấy là vô thường, vô minh được đoạn tận, minh được sanh khởi.

Cũng tương tự như vậy về các thực tại liên quan đến tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Tất cả các pháp này đều cần được tìm hiểu để có thể biết chúng như chúng là.

 

Có cái thấy, và ngay sau đó có sự dính mắc vào những gì được thấy, nhưng hầu hết mọi lúc chúng ta vô minh về các hiện tượng này. Ngay cả khi không có cảm thọ lạc về những gì được thấy, thì vẫn có thể có sự bám víu. Có sự bám víu hết lần này đến lần khác vào cái thấy, đối tượng thị giác, cái nghe, âm thanh và vào tất cả những gì có thể được kinh nghiệm. Chúng ta không muốn mất đi thị giác hay thính giác, và điều này cho thấy có một sự dính mắc.  Chúng ta muốn tiếp tục thấy, nghe và kinh nghiệm tất cả mọi đối tượng hiện hữu qua các căn. Những gì được thấy và những gì được kinh nghiệm qua các giác quan khác diệt đi ngay lập tức, nhưng chúng ta đã tưởng lầm rằng mọi thứ tồn tại kéo dài, ít nhất là trong một thời gian. Do vô minh mà chúng ta tiếp tục bám víu. Khi không có được những gì mình muốn, khi mất đi những người thân yêu hoặc những thứ mình sở hữu, chúng ta đau buồn hoặc thậm chí là tuyệt vọng. Sự dính mắc đó làm duyên cho giận dữ và buồn khổ. Khi chúng ta không có được những gì mình thích thì sẽ có bất mãn. Tất cả các trạng thái tâm như vậy là các thực tại của cuộc sống hàng ngày, thay vì đè nén thì chúng ta có thể tìm hiểu chúng khi chúng xuất hiện. Nhờ vậy, đặc tính khác nhau của chúng có thể được phân biệt.

 

Mỗi hiện tượng có một đặc tính riêng và sinh khởi do duyên riêng. Ví dụ, khi đang ở bên người thân hoặc bạn bè, chúng ta có thể nhận thấy rằng có những khoảnh khắc tâm khác nhau. Có những khoảnh khắc của của sự dính mắc, khoảnh khắc có sự bám víu vào những cảm thọ dễ chịu bên cạnh người thân yêu. Có vẻ như là chúng ta nghĩ đến hạnh phúc của người khác nhưng chúng ta chỉ đơn thuần bị dính mắc vào hạnh phúc của chính mình. Tuy vậy, cũng có những khoảnh khắc chúng ta thực sự nghĩ đến lợi ích và hạnh phúc của người khác, không có ích kỷ trong đó. Sự dính mắc và lòng vị tha có những đặc tính khác nhau, và sự khác biệt này dần dần được học hỏi khi chúng xuất hiện. Việc phân tích các trạng thái tâm dường như khá phức tạp. Tuy vậy, người ta có thể sống một cách tự nhiên, thụ hưởng những thứ dễ chịu trong cuộc sống và đồng thời phát triển hiểu biết hơn về những khoảnh khắc tâm khác nhau  sinh khởi, bất kể là dính mắc, từ bi, hay rộng lượng. Bằng cách đó, có thể có sự hiểu biết chính xác hơn về đặc tính khác nhau của các pháp.

 

Khi bắt đầu tìm hiểu các hiện tượng khác nhau trong cuộc sống của mình, ta sẽ nhận ra mình có quá ít hiểu biết. Nhận ra được điều này rất lợi ích, bởi vì đó là sự khởi đầu của hiểu biết. Có sự vô minh về các thực tại như cái thấy, cái nghe hay suy nghĩ. Người ta không biết chính xác khi nào có cái thấy và khi nào có sự dính mắc với những gì được thấy. Các pháp sinh khởi và diệt đi rất nhanh chóng. Có sự chấp thủ vào các đối tượng được kinh nghiệm nên sự sinh và diệt của chúng không được nhận biết. Có vô minh về tính chất bất toại nguyện nội tại trong mọi pháp hữu vi. Vô minh và tham ái là duyên cho sự tái sinh vào kiếp sống mới, để rồi tiếp tục trong luân hồi sinh tử. Khi có tái sinh, lại có đau khổ, có già, bệnh và chết.

 

Rất khó có thể hiểu được sự thật của khổ, tuy nhiên, người ta có thể bắt đầu phát triển thêm hiểu biết về các hiện tượng xuất hiện trong cuộc sống của mình. Đức Phật dạy Pháp để mọi người có thể tìm hiểu tất cả các thực tại. Từ “dhamma” có nhiều nghĩa khác nhau, nhưng theo nghĩa rộng nhất thì dhamma – pháp là tất cả những gì có thật, và có đặc tính riêng của nó. Cái thấy là pháp, dính mắc (tham) là pháp, tức giận (sân) là pháp. Chúng là những thực tại có thể được kinh nghiệm bởi tất cả mọi người. Chúng ta đọc về cáithấy, về tham hay sân, nhưng khi các thực tại này sinh khởi chúng ta có thể học cách phân biệt các đặc tính khác nhau của chúng. Kiến thức về thực tại có thể thâu được thông qua việc tìm hiểu Vi Diệu Pháp, tuy nhiên, kiến thức này cần được áp dụng để cuối cùng có được tuệ giác trực nhận các thực tại. Chúng ta chất đầy tham, sân, bủn xỉn, kiêu mạn, ganh tị, chúng ta chất đầy phiền não, nhưng hiểu biết về tất cả những thực tại này có thể được phát triển. Ví dụ, nếu  sự khó chịu bị kìm nén thay vì tìm hiểu đặc tính của nó khi nó xuất hiện, sẽ không có hiểu biết về cách nó hình thành như thế nào. Sẽ không biết được rằng chính sự dính mắc làm duyên cho khó chịu. Trí tuệ có thể được phát triển về vô số khoảnh khắc dính mắc sinh khởi sau khi có cái thấy, cái nghe và các kinh nghiệm khác qua các căn. Tất cả mọi pháp sinh khởi bởi duyên riêng của chúng.

 

Sự phát triển trí tuệ trực nhận các thực tại là con đường dẫn đến sự chấm dứt đau khổ. Con đường này cần được phát triển từ từ và mất một thời gian dài. Các đặc tính của thực tại khác nhau xuất hiện phải được suy xét kỹ lưỡng và hiểu rõ. Nhờ đó, có thể dần thấy được rằng mỗi thực tại sinh khởi do duyên riêng của nó. Những gì sinh khởi do duyên sẽ phải diệt đi và là vô thường. Sự vô thường của các pháp và sự hoại diệt của chúng chỉ có thể được nhận ra ở giai đoạn sau của quá trình phát triển trí tuệ. Cuối cùng sẽ có thể có sự chứng ngộ trực tiếp rằng tất cả các pháp hữu vi sinh diệt là khổ (dukkha). Có nhiều mức độ hiểu biết về Sự thật về khổ (Khổ Đế). Khi một người đạt được giác ngộ là đã xuyên thấu được Sự thật về khổ, nguyên nhân khổ, sự diệt khổ và con đường dẫn đến tận diệt khổ đau.

Việt dịch: Phạm Thu Hằng

Leave a Reply

Translate »