Khảo Cứu Pháp Chân Đế- Phụ lục II- Tâm sở

Phụ lục II: Tâm sở (cetasika)

52 loại tâm sở

52 tâm sở có thể phân chia làm ba nhóm:

Các tâm sở tợ tha (aññāsamāna[1] cetasika):                    13 loại

Các tâm sở bất thiện (akusala  cetasika):                       14 loại

Các tâm sở tịnh hảo (sobhana cetasika):                        25 loại

Các tâm sở tợ tha (aññāsamāna cetasika) là các tâm sở có cùng tính chất với các tâm sở đồng sinh. Khi tâm sở tợ tha đồng sinh với các tâm sở bất thiện, nó cũng là bất thiện, và khi nó đồng sinh với các tâm sở tịnh hảo, nó cũng là tịnh hảo .

Mười ba tâm sở tợ tha có thể xếp làm hai nhóm: nhóm bảy tâm sở biến hành  (sabbacitta sādhāraṇā cetasika)[2]sáu tâm sở biệt cảnh (pakiṇṇakā cetasika)[3]. Bảy tâm sở biến hành là các tâm sở sinh khởi với tất cả các tâm. Mỗi tâm sinh khởi phải sinh kèm với ít nhất bảy tâm sở này, đó là các tâm sở biến hành. Ngũ song thức (thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm là quả thiện hoặc bất thiện) chỉ đồng sinh với bảy tâm sở biến hành, không có các tâm sở khác sinh kèm. Như vậy, chúng là các tâm có số tâm sở đồng sinh thấp nhất. Các loại tâm khác được sinh kèm bởi nhiều hơn bảy tâm sở, tùy thuộc từng loại tâm.

 

7 Biến hành tâm sở

Xúc (tâm sở xúc – phassa cetasika ) tiếp xúc đối tượng. Khi tâm sở xúc sinh khởi và tiếp xúc một đối tượng, nó là duyên cho tâm và các tâm sở khác sinh khởi cùng nó và đảm nhận chức năng riêng của chúng đối với đối tượng ấy. Tâm, xúc và các tâm sở khác sinh khởi, mỗi tâm sở đảm nhận chức năng của mình và rồi diệt đi rất nhanh chóng. Khi xúc tiếp xúc đối tượng, nó tạo duyên cho đối tượng ấy xuất hiện để các tâm sở khác có thể đảm nhận các chức năng riêng biệt của chúng, mỗi tâm sở thọ nhận đối tượng theo một cách riêng, chẳng hạn như tham (lobha) hay sân (dosa) đối với đối tượng ấy. Xúc là vật thực (āhāra) nuôi dưỡng, cho quả. Nó là vật thực cho tâm và các tâm sở sinh khởi cùng nhau và thể hiện đặc tính riêng của chúng trong khi đảm nhiệm chức năng của mình. Vì vậy, tâm sở xúc là thực duyên (āhāra paccaya) cho tâm và các tâm sở khác sinh khởi cùng nó[4].

Thọ (vedanā cetasika) là tâm sở làm công việc cảm thọ. Khi tâm sinh khởi và nhận biết một đối tượng, thọ đồng sinh với tâm cảm nhậm đối tượng đó. Thọ có thể là hỷ, ưu, xả, lạc hoặc khổ. Tâm sở thọ sinh khởi với mỗi tâm và nó khác biệt tùy thuộc vào loại tâm đồng sinh với nó. Chẳng hạn, thọ ưu đồng sinh với tâm sân căn, và thọ xả có thể đồng sinh với tâm si căn hoặc tâm tham căn.

Tưởng (sañña cetasika) ghi nhớ hay đánh dấu đối tượng để nó có thể được nhận ra; nó nhớ các đối tượng khác nhau, xuất hiện cái này sau cái kia, theo “khối”, câu chuyện, hay khái niệm về chúng sinh hay con người. Tưởng nhớ thọ hỷ, thọ ưu, thọ lạc và thọ xả cảm nhận về đối tượng đang xuất hiện. Tâm sở tưởng là một duyên quan trọng khơi gợi tham ái và dính mắc trong cuộc sống. Cũng như vậy với tâm sở thọ: chẳng hạn, khi ta cảm thấy vui vẻ hay phấn chấn, ta dính mắc vào đó và mong cảm giác ấy kéo dài mãi. Tâm sở thọ và tưởng đều đứng riêng là một uẩn (khandha) riêng biệt trong năm uẩn. Năm mươi tâm sở còn lại là hành uẩn (saṅkhārakkhandha). Mỗi tâm sở tạo duyên cho tâm theo cách riêng của chúng, tương ứng với đặc tính của chúng.

Tư (cetanā cetasika)  làm công việc tư ý, nó tích cực hoàn thành chức năng riêng của nó và đôn đốc các danh pháp đồng sinh với nó ở khoảnh khắc ấy. Tư tâm sở là duyên nghiệp (kamma paccaya). Tư tâm sở đồng sinh với tâm quả là đồng sinh nghiệp duyên (sahajāta-kamma-paccaya)[5], nó đảm nhận chức năng của tư là quả, sinh khởi cùng với các tâm sở quả[6] và rồi diệt đi. Tư tâm sở là duy tác cũng là đồng sinh nghiệp duyên. Nó đảm nhận chức năng của nó khi sinh khởi cùng tâm duy tác, và rồi diệt đi. Tuy nhiên, tư bất thiện sinh kèm với tâm bất thiện và tạo nghiệp đạo bất thiện, cũng như tư thiện sinh kèm với tâm thiện và tạo nghiệp đạo thiện, sau khi diệt đi, là “duyên nghiệp vận hành từ một thời điểm khác” (nānā-khaṇika-kamma-paccaya)[7]. Loại nghiệp này tạo các tâm và tâm sở quả sẽ sinh khởi về sau. Như vậy, khi tư bất thiện và tư thiện là nhân đã diệt đi, chúng có thể tạo quả dưới dạng  tâm quả và tâm sở quả, ở một thời điểm khác với lúc tạo nghiệp thiện hay bất thiện đó. Vì thế, chúng là “duyên nghiệp vận hành từ một thời điểm khác.”

Nhất tâm (ekaggatā cetasika) tập trung vào đối tượng được kinh nghiệm. Bất cứ đối tượng nào tâm kinh nghiệm, nhất tâm tập trung vào đối tượng ấy. Tuy nhiên, nhất tâm sinh kèm với tâm bất thiện không có cùng sức mạnh với nhất tâm sinh kèm tâm thiện. Trong sự phát triển samatha, khi tâm biết đối tượng lặp đi lặp lại trong một thời gian dài, đặc tính của nhất tâm, cái tập trung vào đối tượng khi nó sinh kèm với mỗi tâm ở những khoảnh khắc ấy, sẽ thể hiện thành định (sāmadhi) và nó có thể ở những mức độ khác nhau. Khi nhất tâm trên đối tượng là thiện, khi đó có chánh định (samma-sāmadhi), và nó có thể phát triển để đạt tới mức độ cao hơn.

Mạng căn (jīvitindriya) là tâm sở duy trì mạng sống của các tâm và tâm sở đồng sinh cho đến khi chúng diệt đi. Các danh pháp sinh khởi và chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi vẫn cần có tâm sở mạng căn làm duyên, tâm sở này đồng sinh với chúng và duy trì mạng sống của chúng ở sát na ấy. Tâm sở mạng căn là căn duyên (indriya-paccaya) cho tâm và các tâm sở đồng sinh; nó “dẫn đầu”[8] trong việc để mắt tới các tâm sở đồng sinh để chúng tồn tại trong khoảng thời gian ngắn ngủi trước khi chúng diệt đi.

Hướng tâm (manasikāra) là tâm sở chú ý đến đối tượng, quan tâm đến đối tượng. Chú ý đến đối tượng là một duyên cho các tâm sở đồng sinh “nghĩ về” hay bận bịu với đối tượng. Mỗi tâm sở nghĩ về các đối tượng khác nhau theo cách riêng của chúng, và tạo duyên cho nhiều hiệu ứng khác nhau trong lĩnh vực khoa học và kiến thức (trí) thế gian vô tận. Loại trí này khác với trí trong lĩnh vực Giáo Pháp.

Bảy biến hành tâm sở (sabbacitta sādhāraṇā cetasikas) có cùng tính chất với tâm đồng sinh. Khi chúng sinh kèm tâm thiện, chúng là thiện; khi chúng sinh kèm tâm bất thiện, chúng là bất thiện; khi chúng sinh kèm tâm duy tác, chúng là duy tác. Chúng cũng ở cùng tầng mức của tâm đồng sinh. Khi chúng sinh kèm tâm dục giới, chúng là dục giới; khi chúng sinh kèm tâm sắc giới, chúng là sắc giới; khi chúng sinh kèm tâm vô sắc giới, chúng là vô sắc giới; khi chúng sinh kèm tâm siêu thế, chúng là siêu thế.

 

6 Tâm sở biệt cảnh

Sáu tâm sở biệt cảnh là những tâm sở có thể sinh khởi với các tâm sở bất thiện hay với các tâm sở tịnh hảo, nhưng chúng không sinh khởi với tất cả các tâm. Sáu tâm sở biệt cảnh là các tâm sở sau:

Tầm  tâm sở (vitakka cetasika) chạm vào đối tượng mà tâm sở xúc tiếp xúc. Tầm sinh kèm năm mươi nhăm tâm dục giới và mười một tâm thiền thuộc sơ thiền[9]. Nó không sinh kèm với các ngũ song thức, cũng không sinh kèm các tâm thiền từ nhị thiền đến ngũ thiền. Tầm chạm vào đối tượng, nó “nghĩ” về đối tượng (theo cách) tương ứng với các tâm và tâm sở đồng sinh với nó[10]. Tầm nghĩ về đối tượng, nó giống như là đôi chân của thế gian, bởi nó sinh kèm tâm nhận biết đối tượng.

Tứ tâm sở (vicāra cetasika) là tâm sở hỗ trợ tâm sở tầm. Bất kể tầm nghĩ về thứ gì, tứ hỗ trợ tầm trong việc suy nghĩ ấy. Tứ sinh kèm sáu mươi sáu loại tâm, bao gồm bốn mươi bốn loại tâm dục giới, mười một tâm sơ thiền, mười một tâm nhị thiền. Tứ không sinh kèm ngũ song thức, cũng không sinh kèm các tâm thiền từ tam thiền đến ngũ thiền. Bất cứ khi nào tâm sinh kèm tầm, cũng có tứ sinh kèm, trừ trường hợp của mười một tâm nhị thiền là những tâm có tứ nhưng không có tầm sinh kèm.

Quyết định tâm sở (adhimokkha cetasika) là tâm sở kiên cố trên đối tượng, tin chắc vào đối tượng và không hoài nghi về đối tượng. Quyết định sinh kèm tám mươi bảy loại tâm. Nó không sinh khởi với loại tâm si căn hợp với hoài nghi. Nó không thể sinh kèm tâm si căn hợp với hoài nghi vì nó tin chắc vào đối tượng và không hoài nghi về đối tượng.

Tinh tấn tâm sở (viriya cetasika) là tâm sở cố gắng, nỗ lực, làm vững mạnh các tâm sở đồng sinh để chúng không thối chuyển. Tinh tấn sinh kèm bảy mươi ba loại tâm. Nó không sinh kèm mười sáu tâm vô nhân (ahetuka citta), bao gồm: ngũ môn hướng tâm, ngũ song thức, hai loại tiếp nhận tâm và ba loại suy đạt tâm. Mười sáu loại tâm vô nhân này đảm nhận chức năng riêng của chúng và chúng không cần có tinh tấn làm duyên.

Phỉ tâm sở (pīti cetasika) là tâm sở hân hoan, thỏa mãn, sung sướng, và vì vậy, nó chỉ có thể sinh kèm với thọ hỷ chứ không sinh kèm với các loại thọ khác. Phỉ sinh kèm năm mươi mốt loại tâm đồng sinh với thọ hỷ, bao gồm: mười tám loại tâm dục giới, mười một loại tâm sơ thiền, mười một loại tâm nhị thiền và tam thiền. Mười một loại tâm tứ thiền sinh kèm với thọ hỷ, nhưng không sinh kèm với phỉ. Tâm thiền ở mức độ này vi tế hơn tâm tam thiền, loại tâm vẫn sinh kèm phỉ. Ở tầng thiền thứ tư (tứ thiền), phỉ được loại bỏ.

Dục tâm sở (chanda cetasika) là tâm sở ước muốn hành động. Tâm sở này sinh kèm sáu mươi chín loại tâm. Nó không sinh kèm hai mươi loại tâm, bao gồm: mười tám tâm vô nhân và hai loại tâm si căn. Khi các tâm vô nhân sinh khởi, không có ước muốn hành động. Tâm si căn sinh kèm với nhân si, nhưng vì không có tham hoặc sân sinh kèm với nó, nó không sinh kèm với dục tâm sở, cái là ước muốn hành động. Dục tâm sở là thực tại ước muốn hành động tương ứng với tâm tham căn, tâm sân căn, hay các tâm khác mà nó sinh kèm.

 

14 Loại tâm sở bất thiện

Các tâm sở bất thiện (akusala  cetasikas) không có tính chất thiện hay tịnh hảo. Khi tâm sinh kèm các tâm sở bất thiện, tâm là bất thiện. Vì vậy, các tâm sở bất thiện chỉ có thể sinh kèm mười hai tâm bất thiện, chúng không thể sinh kèm tâm thiện, tâm quả hay tâm duy tác. Việc các tâm sở bất thiện nào sinh khởi tùy thuộc vào loại tâm mà chúng sinh kèm, nhưng mỗi tâm bất thiện luôn sinh kèm với bốn tâm sở bất thiện là si (moha), vô tàm (ahirika), vô quý (anottappa) và phóng dật (uddhacca). Bốn tâm sở bất thiện này là chung cho tất cả các tâm bất thiện, chúng được gọi trong tiếng Pali là “akusala sādhāraṇā cetasikas” (tâm sở bất thiện biến hành). Ngoài bốn tâm sở bất thiện này, các tâm sở bất thiện khác sinh kèm các tâm bất thiện tùy theo từng trường hợp. Mười bốn loại tâm sở bất thiện bao gồm:

1.      Si tâm sở (Moha cetasika) là tâm sở không biết đặc tính của các thực tại như chúng thực là. Si tâm sở sinh kèm tất cả mười hai tâm bất thiện.

2.      Vô tàm tâm sở (Ahirika cetasika) là tâm sở không hổ thẹn về bất thiện pháp. Nó sinh kèm tất cả mười hai tâm bất thiện.

3.      Vô quý tâm sở (Anottappa cetasika) là tâm sở không ghê sợ bất thiện pháp. Nó sinh kèm tất cả mười hai tâm bất thiện.

4.      Phóng dật (Uddhacca cetasika) là tâm sở không an tịnh, lơ đễnh với đối tượng đang kinh nghiệm. Nó sinh kèm tất cả mười hai tâm bất thiện.

5.      Tham tâm sở (Lobha cetasika) là tâm sở dính mắc, khao khát đối tượng. Nó sinh kèm tám loại tâm tham căn

6.      Tà kiến (Diṭṭhi cetasika) là tà kiến về các thực tại. Nó làm duyên cho sự dính mắc vào các hình thái của giới cấm thủ, cái không phải là nhân đúng dẫn tới quả đúng. Nó khiến cho người ta dính mắc vào các loại mê tín dị đoan và điềm báo. Khi ai đó có tà kiến và cố theo đuổi sự thực hành Pháp sai trái qua thân, khẩu, ý, lúc ấy có tà kiến tâm sở, tâm sở này sinh khởi cùng bốn loại tâm tham căn hợp tà kiến. Khi tâm đạo của vị  Thánh Dự lưu sinh khởi và chứng ngộ Tứ Thánh Đế, tà kiến tâm sở hoàn toàn bị tận diệt và không bao giờ sinh khởi trở lại. Như vậy, vị Thánh Dự lưu không còn có bốn loại tâm tham căn hợp tà kiến.

7.      Mạn tâm sở (Māna cetasika) sinh khởi khi ta thấy mình quan trọng, khi ta thấy tự hào. Nó chỉ có thể sinh khởi với bốn loại tâm tham căn không hợp với tà kiến, nhưng không phải lúc nào tâm tham căn không hợp tà kiến cũng sinh khởi với mạn. Có lúc tâm tham căn không hợp tà kiến sinh khởi với mạn, và có lúc không. Chỉ khi Tứ Thánh Đế được chứng ngộ ở tâm đạo A la hán, mạn mới bị tận diệt hoàn toàn và không còn bao giờ sinh khởi trở lại.

8.       Sân tâm sở (Dosa cetasika) là tâm sở có tính chất thô tháo; đó là thực tại làm tổn thương và tổn hại, bức bối và nóng nảy. Nó sinh kèm hai loại tâm si căn. Khi Tứ Thánh Đế được chứng ngộ ở tầng thứ ba, tức là tâm đạo của vị A na hàm, sân hoàn toàn được tận diệt. Như vậy, vị Thánh Dự lưu vẫn có thể buồn bã, ưu phiền, bởi vì vị ấy vẫn còn hai loại tâm sân căn.

9.      Ghen tỵ tâm sở (Issā cetasika) là tâm sở có tính chất ghen tỵ với sự thành công, tài sản, sự thịnh vượng hay những phẩm chất cao thượng của người khác. Ghen tỵ có thể sinh khởi với hai loại tâm sân căn, nhưng không phải tâm sân căn nào cũng sinh kèm với nó. Khi tâm đạo của vị Thánh Dự lưu đã chứng ngộ Tứ Thành Đế, ghen tỵ hoàn toàn được tận diệt. Như vậy, thánh nhân không còn có ghen tỵ nữa.

10.  Bỏn xẻn tâm sở (Macchariya cetasika) sinh khởi khi một người bỏn xẻn tài vật của mình, khi người ấy không muốn chia sẻ nó với những người khác, và không muốn người khác hưởng lợi từ tài vật ấy. Bỏn xẻn sinh khởi cùng hai loại tâm sân căn, nó không sinh khởi cùng tâm tham căn. Khi bỏn xẻn sinh khởi, có lo lắng và phiền não trong tâm, và vì vậy, nó không thể sinh khởi cùng tâm tham căn luôn sinh kèm thọ hỷ hoặc thọ xả. Bỏn xẻn luôn sinh kèm thọ ưu. Tâm sân căn có lúc sinh kèm bỏn xẻn, có lúc không. Bỏn xẻn hoàn toàn được tận diệt khi tâm đạo Dự lưu sinh khởi và chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Như vậy, các thánh nhân không còn sự bỏn xẻn nữa. Vị cư sĩ đã là thánh nhân nhưng chưa phải là bậc A La Hán[11] vẫn còn của cải tài sản, bởi lẽ vị ấy vẫn còn tâm sở tham. Tuy nhiên, vị ấy không còn bỏn xẻn nữa, vì tâm sở ấy đã bị tận diệt khi giác ngộ Dự lưu. Vị ấy theo Chánh Đạo, và khi có cơ hội thích hợp, vị ấy luôn bố thí một cách quảng đại.

11.  Trạo hối tâm sở (Kukkucca cetasika) là tâm sở lo lắng và nuối tiếc về bất thiện pháp đã tạo và thiện pháp bị bỏ qua. Nó có thể sinh khởi với hai loại tâm sân căn. Tâm sân căn có lúc sinh kèm với trạo hối, có lúc không. Trạo hối được tận diệt hoàn toàn bởi tâm đạo Bất Lai.

12.  Hôn trầm tâm sở (Thīna cetasika) là tâm sở khiến cho tâm lờ đờ, thiếu năng lượng cho thiện pháp. Nó có thể sinh khởi với năm loại tâm bất thiện cần có tác động, tức là với bốn loại tâm tham căn cần có tác động và một loại tâm sân căn cần có tác động. Các tâm bất thiện cần có tác động có lúc sinh kèm hôn trầm, có lúc không.

13. Thụy miên tâm sở (Middha cetasika) là tâm sở khiến cho các tâm sở đồng sinh thụ động và đờ đẫn. Nó có thể sinh khởi với năm loại tâm bất thiện cần có tác động, giống như trường hợp của hôn trầm tâm sở. Hôn trầm và thụy miên luôn sinh khởi cùng nhau, chúng không thể tách rời. Hôn trầm và thụy miên được tận diệt bởi tâm đạo A La Hán.

14.  Hoài nghi  tâm sở (Vicikicchā cetasika) là hoài nghi về các đặc tính của danh và sắc, về Tứ Thánh Đế, về đức Phật, đức Pháp và đức Tăng. Nó sinh khởi với một loại tâm si căn, và loại tâm hợp hoài nghi  (vicikiccha sampayutta). Hoài nghi hoàn toàn được tận diệt bởi tâm đạo Dự lưu.

Để tiện cho việc ghi nhớ, các tâm sở bất thiện có thể được phân chia thành các loại như sau:

Si phần (mocātuka), bộ tứ[12] si phần tâm sở gồm si và ba tâm sở nữa là các tâm sở chung cho tất cả các bất thiện tâm, tức là các biến hành bất thiện. Chúng là: si, vô tàm, vô quý và phóng dật.

Tham phần (lotika), bộ tam[13] tham phần tâm sở gồm tham và hai tâm sở khác có thể đồng sinh với tham. Bộ tam bao gồm: tham, tà kiến và mạn. Tà kiến và mạn đồng sinh với tham tâm sở, nhưng tà kiến và mạn không thể sinh khởi cùng một lúc. Khi có tâm tham căn hợp tà kiến (ditthigata sampayutta), không có mạn sinh kèm. Mạn có thể sinh kèm bốn loại tâm tham căn không hợp với tà kiến, nhưng các tâm này không luôn sinh kèm với nó. Có lúc tâm tham căn không hợp tà kiến sinh kèm với mạn, có lúc không.

Bộ tứ sân (Docātuka), bộ tứ sân phần tâm sở gồm sân tâm sở và ba tâm sở khác có thể sinh kèm sân. Bộ tứ sân phần bao gồm: sân, ghen tỵ, bỏn xẻn, trạo hối. Ghen tỵ, bỏn xẻn và trạo hối có thể sinh kèm hai loại tâm sân căn, nhưng ba tâm sở này không sinh khởi cùng lúc, và tâm sân căn không luôn sinh kèm với chúng. Đôi lúc tâm sân căn sinh kèm với chúng, có lúc không.

Bộ đôi (thīduka), bộ đôi[14] gồm hôn trầm và thụy miên. Hai tâm sở này luôn sinh khởi cùng nhau, chúng không thể tách rời. Chúng có thể sinh kèm năm loại tâm bất thiện cần có tác động, nhưng các tâm này không luôn sinh kèm với chúng.

Hoài nghi (vicikicchā) không được xếp vào một loại cụ thể. Mười ba tâm sở bất thiện được chia làm bốn loại, và cùng với hoài nghi, tổng cộng có tất cả mười bốn tâm sở bất thiện.

 

25 Loại tâm sở tịnh hảo (sobhana cetasika)

Các tâm sở tinh hảo là các tâm sở đẹp, thiện. Khi tâm đồng sinh với các tâm sở tịnh hảo, tâm là tịnh hảo, đẹp đẽ. Các tâm sở bất thiện rất khác với các tâm sở tinh hảo và chúng chỉ có thể sinh kèm mười hai loại tâm bất thiện. Các tâm sở tịnh hảo đồng sinh với tâm thiện, tâm quả hữu nhân hoặc tâm duy tác tịnh hảo. Các tâm sở tịnh hảo đồng sinh với các tâm thiện dục giới (tâm đại thiện dục giới), tâm thiện sắc giới, tâm thiện vô sắc giới, tâm thiện siêu thế; chúng đồng sinh với các tâm quả dục giới hữu nhân (các tâm sinh kèm các nhân tịnh hảo, hay gọi là tâm đại quả), tâm quả sắc giới, tâm quả vô sắc giới, tâm quả siêu thế; chúng đồng sinh với các tâm duy tác hữu nhân dục giới (tâm đại duy tác), tâm duy tác sắc giới và tâm duy tác vô sắc giới.

Có các loại tâm sở tịnh hảo sinh kèm tâm tịnh hảo: mười chín loại sinh kèm với mọi tâm tịnh hảo, và sáu loại thì không. Mười chín tâm sở tịnh hảo là chung cho tất cả các tâm tịnh hảo, chúng được gọi là các tâm sở tịnh hảo biến hành.  Các tâm sở tịnh hảo không sinh kèm mọi tâm tịnh hảo bao gồm sáu loại:

Các tâm sở tiết chế (virati cetasika) gồm ba loại; chúng sinh kèm mười sáu loại tâm: tám tâm đại thiện, và tám tâm siêu thế (hay bốn mươi tâm siêu thế nếu tính đến các chi thiền)[15].

Các tâm sở vô lượng (appamaññā cetasika) gồm hai loại (bi và hỷ), có thể sinh kèm tám loại tâm đại thiện, tám loại tâm đại duy tác, tám loại tâm thiện sắc giới (không bao gồm các tâm ngũ thiền), bốn loại tâm quả sắc giới và bốn tâm duy tác sắc giới[16].

Trí tuệ (paññā cetasika) sinh kèm bốn mươi bảy tâm: mười hai loại tâm dục giới hợp trí (nana sampayutta); hai mươi bảy loại tâm đáo đại (tâm thiền), bao gồm mười lăm loại tâm sắc giới và mười hai loại tâm vô sắc giới; và tám loại tâm siêu thế.

 

19   Loại tâm sở biến hành tịnh hảo (Sobhana Sādhāraṇā Cetasika)

1.      Tín (saddhā cetasika) là tâm sở thanh tịnh. Nó được so sánh với một loại đá tẩy quý có thể làm nước đục trở thành trong và sạch. Khi tín sinh khởi, các pháp bất thiện (được so sánh với bùn) thoái lui, chúng không thể sinh khởi. Như vậy, tín là thực tại có niềm tin vào các thiện pháp.

2.      Niệm (sati cetasika) là tâm sở hay biết, không quên các thiện pháp. Khi bất thiện sinh khởi trong cuộc sống hành ngày, không có chánh niệm nhớ tới bố thí, tri giới hay phát triển tâm trí. Tâm thiện có thể sinh khởi và thực hiện việc bố thí, trì giới hay phát triển tâm trí khi có tâm sở chánh niệm hay biêt, không quên các phương thức thiện pháp ấy.

3.      Tàm (hiri cetasika) là tâm sở xấu hổ và chùn bước trước bất thiện pháp. Khi tâm thiện sinh khởi, có sự xấu hổ về bất thiện pháp. Đặc tính của tàm được so sánh với sự rụt chân trước bùn lầy.

4.      Quý (otappa cetasika) là tâm sở ghê sợ hiểm họa của bất thiện. Bất cứ khi nào bất thiện pháp, dù rất nhẹ, sinh khởi, không có sự ghê sợ hiểm họa của pháp đó. Đặc tính của quý được so sánh với nỗi sợ chạm phải một ngọn đèn hay sắt nung nóng.

5.      Vô tham (alobha cetasika) là tâm sở không dính mắc vào đối tượng, xả ly với đối tượng. Khi có sự vui thú và dính mắc vào một đối tượng, các phương thức thiện pháp của bố thí, trì giới hay phát triển tâm trí không thể sinh khởi. Mỗi loại thiện tâm sinh khởi phải có tâm sở vô tham làm nhân. Đặc tính của vô tham được so sánh với một giọt nước rơi, không dính vào bông hoa hay lá sen.

6.      Vô sân (adosa cetasika) là tâm sở không giận dữ, thô tháo hay cục cằn. Nó có đặc tính thân thiện, và nó cũng được gọi là từ (mettā- mitto có nghĩa là “bạn”), bởi vì nó hướng điều tốt đẹp tới mọi chúng sinh.

7.      Xả (tatramajjhattatā cetasika) là sự cân bằng tinh thần, quân bình, không thiên lệch. Nó có tính chất xả (upekkhā) với đối tượng được kinh nghiệm. Có mười loại xả[17]:

  • Lục xả (chalanga upekkhā), chính là tâm sở tatramajhattatā. Đây là sự quân bình hay xả của vị A La Hán với các đối tượng xuất hiện qua sáu giác quan.
  • Xả vô lượng (brahma-vihāra upekkhā)[18], một trong tứ vô lượng tâm (brahma-vihāra). Đây là tâm sở tatramajhattatā quân bình với tất cả các chúng sinh.
  • Xả bồ đề phần (bhojjhangupekkhā). Đây là tâm sở tatramajhattatā, là một trong bảy yếu tố giác ngộ đưa đến sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế.
  • Xả tấn (viriyupekkhā). Là tâm sở tấn là chánh tinh tấn, không quá sức, cũng không trễ nải trong sự phát triển tâm trí.
  • Hành xả (saṅkhārupekkhā ). Đây là tâm sở trí tuệ bình thản khi nó xuyên thấu ba đặc tính của vô thường, khổ và vô ngã của mọi thực tại hữu vi.
  • Thọ xả (vedanupekkhā). Đây là thọ tâm sở trung tính, không lạc không ưu.
  • Xả minh sát (vipassanupekkhā). Đây là tâm sở trí tuệ, bình thản khi thẩm định đối tượng sinh khởi do duyên tương ứng của nó.
  • Xả tâm sở (tatramajhattatupekkhā). Đó là tâm sở xả, tạo nên sự quân bình tinh thần, không bị thừa cũng không bị thiếu.
  • Xả thiền (jhānupekkhā). Đó là tâm sở xả trong sự phát triển của các tầng thiền, từ bỏ sự quan tâm tới các pháp làm sao nhãng khỏi sự an tịnh và vững vàng của tâm. Loại xả này sinh khởi với tâm thiền của tam thiền (theo hệ thống tứ thiền) và loại bỏ phỉ chi thiền.
  • Tịnh xả (parisudhupekkhā). Đây là tâm sở xả sinh kèm với tâm tứ thiền (theo hệ thống tứ thiền). Đó là duyên cho sự an tịnh và thanh lọc tất cả những gì đối nghịch với an tịnh. Từ tầng thiền này trở đi, không còn có chi thiền nào được loại bỏ.

8.      Thân an tịnh (kāya-passadhi)[19]. Đây là tâm sở an tịnh, không trạo cử, nó làm duyên cho các tâm sở đồng sinh cũng an tịnh và không trạo cử.

9.      Tâm an tịnh (citta-passaddhi). Đây là tâm sở tạo duyên cho tâm đồng sinh được an tịnh. Không có sự an tịnh khi ta dính mắc với việc ở một mình, với sự yên tĩnh, với việc ở rừng, với không bị quấy nhiễu. Khi ấy có tâm tham căn. Không có sự an tinh thực sự, tức là ly bất thiện pháp, khi ta không thực hiện bố thí, trí giới hay phát triển tâm trí. Phát triển tâm trí bao gồm samatha, sự phát triển an tịnh bởi trí tuệ, và vipassanā, sự phát triển của minh sát tuệ biết rõ chân tướng của đặc tính của các thực tại xuất hiện. Tâm khinh an và thân khinh an là các tâm sở đối nghịch với tâm sở trạo cử.

10.  Thân khinh an (kāya-lahutā). Đây là  tâm sở nhẹ, nổi, và nó tạo duyên cho các tâm sở đồng sinh được nhẹ nhàng, không có sự nặng nề của bất thiện.

11.  Tâm khinh an (citta- lahutā). Đây là tâm sở tạo duyên cho tâm đồng sinh nhẹ nhàng, không nặng nề. Tâm khinh an và thân khinh an đối nghịch với hôn trầm và thụy miên.

12.  Thân nhu nhuyến (kāya-mudutā). Đây là tâm sở trơn tru và nhu nhuyến. Nó tạo duyên cho các tâm sở đồng sinh không bị cứng nhắc và thô tháo.

13.  Tâm nhu nhuyến (citta-mudutā) . Tâm sở này tạo duyên cho tâm trơn tru, không cứng nhắc. Thân nhu nhuyến và tâm nhu nhuyến đối nghịch với tà kiến tâm sở và ngã mạn tâm sở.

14.  Thân thích ứng(kāya-kammaññatā). Đây là tâm sở cần thiết để cho các pháp tịnh hảo có thể dễ sử dụng. Nó tạo duyên cho các tâm sở đồng sinh thích hợp với chức năng của chúng với tư cách là các pháp tịnh hảo.

15.  Tâm thích ứng(citta-kammaññatā). Đây là tâm sở tạo duyên cho tâm đồng sinh thích hợp với chức năng của nó với tư cách là pháp tịnh hảo. Thân tịnh hảo và tâm tịnh hảo đối nghịch với các pháp bất thiện khiến cho tâm khó thích ứng với các pháp tịnh hảo[20].

16.  Thân thuần thục(kāya-pāguññatā). Đây là tâm sở khéo léo và nó tạo duyên cho các tâm sở đồng sinh khéo léo và thuận thục với các pháp thiện và tịnh hảo.

17.  Tâm thuần thục(citta- pāguññatā). Đây là tâm sở tạo duyên cho tâm đồng sinh khéo léo với các pháp thiện và tịnh hảo. Thân thuần thục và tâm thuần thục là các tâm sở đối nghịch với sự nhụt nản, thiếu niềm tin nơi thiện pháp.

18. Thân chính trực (kāya-ujukatā). Đây là tâm sở chính trực, và nó tạo duyên cho các tâm sở đồng sinh cả quyết, không cong queo và chân thành trong thực hiện thiện pháp.

19.  Tâm chính trực(citta-ujukatā). Đây là tâm sở tạo duyên cho tâm đồng sinh cả quyết và chân thành trong thực hiện thiện pháp. Thân chánh trực và tâm chánh trực đối nghịch với sự lừa dối và mưu mô, cái khiến cho tâm cong queo, không chân thật.

Mười chín loại tâm sở tịnh hảo nói trên sinh kèm với tất cả các loại tâm tịnh hảo. Chúng không sinh kèm mười hai loại tâm bất thiện và mười tám loại tâm vô nhân, như vậy là ba mươi loại tâm. Các tâm tịnh hảo thì hoặc là nhị nhân (dvi-hetuka, sinh kèm với hai nhân vô tham và vô sân), hoặc là tam nhân (ti-hetuka, sinh kèm với ba nhân vô tham, vô sân và vô si); Không có tâm tịnh hảo với chỉ một nhân. Trong khi ấy, các tâm bất thiện không phải là tam nhân, chúng chỉ có thể là nhất nhân, tức là sinh kèm một nhân (si), hoặc nhị nhân, khi ấy chúng sinh kèm si và tham hoặc si và sân.

Ngoài mười chín tâm sở tịnh hảo biến hành, tức là các tâm sở chung cho tất cả các tâm tịnh hảo, có sáu tâm sở tịnh hảo không sinh kèm với mỗi tâm tịnh hảo. Trong số các tâm sở ấy có ba tâm sở tiết chế, có chức năng tránh xa bất thiện pháp.  Sáu tâm sở tịnh hảo không sinh kèm với mọi tâm tịnh hảo được phân chia như sau:

1.      Chánh ngữ (sammā-vāca) là tâm sở có chức năng tránh xa bốn loại lời nói bất thiện, bao gồm nói dối (musāvādo), nói lời thô ác (pharusavācā), nói lời đâm thọc (pisuṇavācā), nói lời vô ích (samphappalāpo). Khi ta tránh tà ngữ, chính là tâm sở chánh ngữ tránh lời sai trái.

2.      Chánh nghiệp(sammā-kammanta) là tâm sở tránh xa ba loại tà nghiệp là sát sinh, trộm cắp và tà dâm. Khi ta tránh ba loại thân nghiệp bất thiện này, chính là tâm sở chánh nghiệp đảm nhận chức  năng tránh xa thân nghiệp sai trái.

3.      Chánh mạng(sammā-ājīva) là tâm sở tránh xa tà mạng, bao gồm: ba loại thân nghiệp bất thiện và bốn loại khẩu nghiệp bất thiện nhằm mưu sinh. Khi ta tránh xa tà mạng, chính là tâm sở chánh mạng đảm nhận chức năng tránh xa tà mạng.

Hơn nữa, có hai tâm sở vô lượng (appamaññā cetasika)  trong số sáu tâm sở không sinh kèm mọi tâm tịnh hảo. Chúng có chúng sinh và con người là đối tượng, và chúng không sinh khởi với tâm đại quả, tâm sắc giới của ngũ thiền, tâm vô sắc giới và tâm siêu thế. Chúng được liệt kê như sau:

4.      Bi tâm sở (karuṇā cetasika), tâm sở có bi mẫn đối với các chúng sinh khổ đau. Biểu hiện của nó là không tàn hại.

5.      Hỷ tâm sở (muditā cetasika), tâm sở hoan hỷ trong hạnh phúc của chúng sinh khác, nó đối nghịch với ghen tỵ.

Có một tâm sở nữa trong sáu tâm sở không sinh kèm mọi tâm tịnh hảo:

6.      Trí tuệ (paññā), tâm sở là chánh kiến, hiểu biết đúng về các đặc tính của các pháp và về nhân, quả của các thực tại.

Mười chín tâm sở biến hành tịnh hảo sinh kèm với mọi tâm tịnh hảo, bao gồm các tâm thiện, tâm quả và tâm duy tác. Chúng sinh kèm các tâm dục giới, sắc giới, vô sắc giới và tâm siêu thế.

Sáu tâm sở tịnh hảo không sinh kèm mỗi tâm tịnh hảo, và vì vậy cần có sự phân biệt như sau.

Ba tâm sở tiết chế có lúc sinh kèm các tâm đại thiện và chúng luôn sinh kèm tám tâm siêu thế (hay bốn mươi tâm siêu thế nếu tính đến các thiền chi). Các tâm sở tiết chế không sinh kèm mọi tâm đại thiện. Chỉ khi tâm đại thiện đang tránh xa một bất thiện nghiệp cụ thể thì nó mới sinh kèm loại tâm sở tiết chế tương ứng. Cả ba tâm sở tiết chế không thể sinh cùng một lúc khi kèm tâm đại thiện. Tuy nhiên, khi tâm siêu thế sinh khởi, cả ba tâm sở tiết chế đồng sinh cùng một lúc với tâm siêu thế ấy. Khi tâm đạo sinh khởi, ba tâm sở tiết chế đảm nhận chức năng của mình là chi đạo, cắt đứt duyên cho các nghiệp bất thiện tương ứng với mức độ giác ngộ đạt được. Chúng cũng sinh kèm các tâm quả.  Như vậy, cả tám tâm siêu thế (hay bốn mươi) đều phải đồng sinh với cả ba tâm sở tiết chế.

Các tâm sở tiết chế không sinh kèm các tâm đại duy tác, bởi lẽ các vị A la hán đã hoàn toàn tận diệt tất cả các phiền não và không còn cần sự tiết chế bất thiện.

Các tâm sở tiết chế không sinh kèm tâm đại quả. Chúng sinh khởi đơn lẻ với tâm đại thiện ở khoảnh khắc có sự tránh xa bất thiện. Tâm đại quả là kết quả của tâm đại thiện không sinh kèm với các tâm sở tiết chế, nó không đảm nhận chức năng tiết chế bất thiện.

Tâm đại quả (quả thiện dục giới) khác với tâm quả sắc giới, tâm quả vô sắc giới và tâm quả siêu thế, những tâm quả này sinh kèm các tâm sở cùng loại với các tâm đã tạo ra chúng. Tâm thiện sắc giới là duyên nghiệp (kamma-paccaya) cho tâm quả sắc giới, nó có cùng các loại tâm sở, và cũng kinh nghiệm cùng đối tượng với các tâm thiện sắc giới tạo ra nó. Chúng được so sánh với thân và bóng của nó, bởi chúng tương tự nhau. Cũng như vậy với các tâm thiện vô sắc giới và tâm quả của chúng, các tâm thiện siêu thế và tâm quả của chúng. Tuy nhiên, tâm đại thiện và quả của nó, tức là tâm đại quả, lại không có cùng các tâm sở đồng sinh. Vì vậy, các tâm đại quả là quả của các tâm đại thiện tránh xa bất thiện không sinh kèm với các tâm sở tiết chế.

Các tâm sở tiết chế không sinh kèm tâm sắc giới và vô sắc giới, bởi vì ở khoảnh khắc của tâm đáo đại (mahaggata citta – tâm thiền), không có nghiệp qua thân hay khẩu, và vì vậy không cần sự tiết chế.

Hai tâm sở vô lượng bi và hỷ thuộc sáu tâm sở tịnh hảo không sinh kèm mọi tâm tịnh hảo không sinh khởi cùng nhau. Chúng sinh khởi khi tâm có đối tượng là chúng sinh hay con người, kinh nghiệm khổ đau (trong trường hợp chúng sinh đó là đối tượng của bi) hay hạnh phúc (trong trường hợp chúng sinh đó là đối tượng của hỷ). Các tâm sở vô lượng không sinh kèm tâm đại quả, với cùng lý do như với trường hợp của các tâm sở tiết chế. Chúng chỉ có thể sinh khởi đơn lẻ cùng tâm đại thiện hay tâm đại duy tác có chúng sinh hay con người làm đối tượng.

Bi và hỷ nằm trong tứ vô lượng tâm (brahma-vihāra), là những đề mục của an tịnh trong sự phát triển samatha, chúng là: sự phát triển của từ (mettā) là tâm sở vô sân; sự phát triển của bi (karuṇā ) là tâm sở bi; sự phát triển của hỷ (muditā) là tâm sở hỷ; sự phát triển của xả (upekkhā) là tâm sở xả. Khi samatha được phát triển với một trong bốn đề mục vô lượng, tâm đại thiện sinh kèm với từ, bi, hỷ, xả có thể phát triển sự an tịnh khiến nó trở nên mạnh mẽ và vững vàng tới mức độ cận định và an chỉ định sinh kèm với tâm sơ thiền. Nếu sự an tịnh được phát triển thêm nữa, tâm nhị thiền, tam thiền, tứ thiền có thể sinh khởi. Với sự phát triển của từ, bi và hỷ, có thể đắc được bốn tầng thiền đầu tiên (theo hệ thống ngũ thiền), nhưng không đắc được ngũ thiền. Các tâm thiền thuộc bốn tầng thiền đầu sinh kèm thọ hỷ, nhưng tâm ngũ thiền không sinh kèm thọ hỷ và chỉ sinh kèm thọ xả. Vì vậy, chỉ có xả vô lượng mới có thể trở thành đối tượng của tâm được phát triển đến ngũ thiền. Từ, bi, hỷ có thể là đề mục thiền của tâm thiền của bốn tầng thiền thấp hơn, trong khi ấy, xả có thể là đề mục thiền của tâm ngũ thiền.

Hai vô lượng bi và hỷ không sinh kèm tâm vô sắc giới, vì loại tâm này không có chúng sinh và con người là đối tượng. Chúng cũng không sinh kèm tâm siêu thế vì tâm này có niết bàn là đối tượng.

Tâm sở trí tuệ sinh khởi cùng với tất cả các tâm dục giới hợp với trí. Nó cũng sinh kèm các tâm sắc giới, vô sắc giới và siêu thế, là những tâm không thể sinh khởi mà không có trí tuệ.

Như vậy ta thấy rằng, tâm thiện dục giới luôn sinh kèm với các tâm sở biến hành tịnh hảo. Đôi lúc chúng sinh kèm với một trong ba tâm sở tiết chế khi chúng tránh xa bất thiện, đôi lúc chúng sinh kèm bi hoặc hỷ , và đôi lúc sinh kèm tâm sở trí tuệ. Khi ta phát triển samatha hay vipassanā, có tâm đại thiện hợp trí (sinh kèm với tâm sở trí tuệ).



[1] Añña có nghĩa là “khác, tha”, và samāna có nghĩa là “chung, tợ”. Khi đứng ở thiện tâm, bất thiện tâm được coi là “tha, khác”, và ngược lại.

[2] Sabbacitta có nghĩa là “mọi tâm”, và Sādhāraṇa có nghĩa là “chung, biến hành”.

[3] Pakiṇṇaka có nghĩa là “biệt cảnh”.

[4] Có bốn loại thực duyên: vật thực, xúc, tư và thức, trong trường hợp này là thức tái tục. Tư là nghiệp làm duyên cho sự tái sinh, nó là “vật thực” cho tái sinh. Thức (tái tục) nuôi dưỡng các tâm sở và sắc sinh khởi lúc tái sinh.

[5] Saha có nghĩa là “cùng nhau” và sahajāta có nghĩa là “sinh cùng một lúc, đồng sinh”.

[6] Vì vậy nó khác với nghiệp bất thiện và nghiệp thiện sẽ trổ quả về sau. Thông thường, ta cho rằng nghiệp là việc làm thiện hoặc bất thiện, nhưng thực tại của nghiệp chính là tâm sở tư. Tư không chỉ là thiện hay bất thiện, nó cũng còn là quả và duy tác. Tư là quả hoặc duy tác chỉ đơn thuần điều phối nhiệm vụ của tâm và các tâm sở đồng sinh, và như vậy nó là đồng sinh duyên. Tử là thiện hoặc bất thiện có nhiệm vụ kép: nó điều phối nhiệm vụ của các danh pháp đồng sinh, và nó tư ý thiện hay bất thiện.

[7] Nānā có nghĩa là “khác”, và khaṇa có nghĩa là “thời điểm, thời gian”. Nghĩa của nó là sẽ trổ quả về sau.

[8] Một số danh và sắc là căn (indriya), có nghĩa là “năng lực kiểm soát”, hay “lãnh đạo”. Các căn là người lãnh đạo trong lĩnh vực riêng của chúng. Các sắc giác quan (sắc thần kinh) là các căn (indriya), chúng kiểm soát các nhận thức giác quan tương ứng. Các tâm là indriya, manindriya (căn ý), là người lãnh đạo trong việc nhận biết một đối tượng. Các danh như thọ hoặc tuệ là các indriya trong lĩnh vực riêng của chúng.

[9] Các tâm thiền này là: thiện tâm thiền, quả tâm thiền, duy tác tâm thiền của sơ thiền, và tám tâm thiền siêu thế sinh kèm với các chi thiền của sơ thiền.

[10] Chức năng của tầm không giống như ý nghĩa thông thường của “suy nghĩ”. Tầm chạm hay quăng vào đối tượng, nó đưa tâm tới đối tượng.

[11] Vị ấy được gọi là “hữu học” (sekha) bởi vì vị ấy vẫn còn phải tu tập thêm nữa để các phiền não có thể được tận diệt. Vị A la hán là bậc “vô học”.

[12] Cātu có nghĩa là “bốn”.

[13] Ti có nghĩa là “ba”.

[14] Duka có nghĩa là “hai, đôi”.

[15] Điều này sẽ được giải thích thêm về sau.

[16] Hai tâm sở vô lượng không sinh khởi với mọi tâm tịnh hảo là bi tâm sở và hỷ tâm sở. Có tất cả bốn vô lượng tâm. Hai vô lượng còn lại là từ, tức tâm sở vô tham, và xả, tâm sở quân bình, và chúng được xếp trong nhóm các biến hành tịnh hảo. Như sẽ được giải thích thêm về sau, tứ vô lượng có thể được phát triển với tư cách là các đề mục của samatha, brahma-vihāras, là trú xứ của các phạm thiên. Chúng được gọi là vô lượng bởi lẽ, khi tầng thiền tương ứng được chứng đắc, các phẩm chất ấy có thể được trải đến vô lượng chúng sinh.

[17] Upekkhā (xả) không chỉ được dùng để chỉ tâm sở quân bình, mà cũng được dùng để chỉ thọ xả (upekkhā vedanā), chỉ tâm sở trí tuệ hay tâm sở tinh tấn, tùy thuộc vào từng bối cảnh. Xem thêm Thanh Tịnh Đạo (Chương IV, 155-166) về các khía cạnh khác nhau của xả.

[18] Ba vô lượng khác là từ, bi và hỷ.

[19] “Thân- kaya” ở đây là chỉ danh thân, tức là các tâm sở.

[20] Chúng đối nghịch với các triền cái như tham dục và sân.

Leave a Reply

Translate »