Khảo Cứu Pháp Chân Đế – Phụ lục I – Tâm

Phụ lục I: Tâm (Citta)

Các tâm có thể được phân thành 89 hoặc 121 loại tâm.

 

89 Tâm:

Tâm dục giới (kāmāvacara citta):                54 tâm

Tâm sắc giới (rūpāvacara citta):                   15 tâm

Tâm vô sắc giới (arūpāvacara citta):           12 tâm

Tâm siêu thế (lokuttara citta):                      8 tâm

121 Tâm:

Tâm dục giới (kāmāvacara citta):                54 tâm

Tâm sắc giới (rūpāvacara citta):                   15 tâm

Tâm vô sắc giới (arūpāvacara citta):           12 tâm

Tâm siêu thế (lokuttara citta):                      40 tâm

 

Tâm dục giới là các tâm ở cấp độ thấp nhất. Thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày, chúng sinh và diệt từng khoảnh khắc cho dù chúng ta ngủ hay thức. Các đối tượng dục giới, sắc chân đế pháp, được kinh nghiệm bởi các tâm dục giới. Trong số hai mươi tám sắc chân đế pháp, có bảy loại sắc xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn. Các sắc này, đối tượng thường được tâm kinh nghiệm, được gọi là sắc cảnh giới, trong tiếng Pāli là “gocara visaya rūpa”. Gocara có nghĩa là ‘trần cảnh’ và visaya có nghĩa là ‘cõi giới, đối tượng’. Các sắc cảnh giới gồm có:

–     Đối tượng thị giác hay màu sắc (rūpārammaṇa hay vaṇṇa) xuất hiện khi nó in dấu lên nhãn căn;

–     Âm thanh (saddhārammaṇa) xuất hiện khi nó in dấu lên nhĩ căn;

–     Mùi (gandhāramaṇa) xuất hiện khi nó in dấu lên tỷ căn;

–     Vị (rasānammaṇa) xuất hiện khi nó in dấu lên thiệt căn;

–     Đối tượng xúc chạm (phoṭṭhabbārammaṇa) gồm ba sắc địa đại (mềm hay cứng), hỏa đại (lạnh hay nóng) và phong đại (co giãn hay chuyển động) xuất hiện khi chúng in dấu lên thân căn.

Các tâm sinh và diệt liên tục trong cuộc sống hàng ngày thường là tâm thuộc dục giới. Chúng gắn kết với bảy loại đối tượng dục giới; chúng kinh nghiệm các sắc này thông qua các môn tương ứng hoặc nghĩ về chúng.

54 Tâm dục giới (kāmāvacara citta):

–     Tâm bất thiện (akusala  citta):                           12 tâm

–     Tâm vô nhân (ahetuka citta):                             18 tâm

–     Tâm dục giới tịnh hảo (kāma-sobhana citta): 24 tâm

12 Tâm bất thiện (akusala  citta):

Akusala  citta là tâm bất thiện, bất tịnh hảo bởi nó sinh kèm với các tâm sở bất thiện. 12 tâm bất thiện gồm có:

–     tâm tham căn (lobha-mūla-citta):                      8 tâm

–     tâm sân căn (dosa-mūla-citta):                          2 tâm

–     tâm si căn (moha-múla-citta):                            2 tâm

Mūla nghĩa là ‘căn, gốc’. Có ba tâm sở là nhân hay gốc của các pháp bất thiện: tâm sở tham (lobha cetasika), tâm sở sân (dosa cetasika) và tâm sở si (moha cetasika). Ba tâm sở này là căn (mūla hay hetu). Các phân loại tâm theo gốc, căn được quyết định bởi loại cảm thọ, có hay không có tà kiến, và cần có tác động hay không cần tác động.

Tâm tham căn: tâm sinh kèm với tâm sở tham, cái tạo duyên cho sự vui thú và dính mắc vào đối tượng sinh khởi. Tâm tham căn được chia thành 8 loại:

  1. Đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà kiến, không cần tác động (somanassa-sahagataṃ, diṭṭhigata-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ). Loại này sinh kèm với thọ hỷ, một cảm giác hỷ lạc, và nó hợp với tâm sở tà kiến (diṭṭhi cetasika), quan kiến sai lầm về các thực tại. Nó không cần tác động, asaṅkhārika, nghĩa là nó đủ mạnh để sinh khởi mà không phụ thuộc vào sự tác động thêm.
  2. Đồng sinh với thọ hỷ, hợp với tà kiến, cần có tác động (somanassa-sahagataṃ, diṭṭhigata-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ). Loại này sinh kèm với thọ hỷ và hợp với tà kiến. Nó bị tác động, saṅkhārika, nghĩa là nó yếu và sinh khởi phụ thuộc vào sự tác động thêm.
  3. Đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà kiến, không cần tác động (somanassa-sahagataṃ, diṭṭhigata-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ). Loại này sinh kèm với thọ hỷ và không hợp với tà kiến; nó không sinh kèm với tâm sở tà kiến. Nó đủ mạnh để sinh khởi mà không phụ thuộc vào sự tác động thêm.
  4. Đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với tà kiến, cần có tác động (somanassa-sahagataṃ, diṭṭhigata- vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ). Loại này sinh kèm với thọ hỷ và không hợp với tà kiến. Nó yếu và sinh khởi phụ thuộc vào sự tác động thêm.
  5. Đồng sinh với thọ xả, hợp với tà kiến, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, diṭṭhigata-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ). Loại này sinh kèm với thọ xả, cảm thọ không dễ chịu cũng không bất khả ái. Nó hợp với tà kiến. Nó đủ mạnh để sinh khởi mà không phụ thuộc vào sự tác động thêm.
  6. Đồng sinh với thọ xả, hợp với tà kiến, cần có tác động (upekkhā-sahagataṃ, diṭṭhigata-sampayuttaṃ, saṅkhārikam ekaṃ). Loại này sinh kèm với thọ xả và hợp với tà kiến. Nó yếu và sinh khởi phụ thuộc vào sự tác động thêm.
  7. Đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà kiến, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, diṭṭhigata-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ). Loại này sinh kèm với thọ xả và không hợp với tà kiến. Nó đủ mạnh để sinh khởi mà không phụ thuộc vào sự tác động thêm.
  8. Đồng sinh với thọ xả, không hợp với tà kiến, cần có tác động (upekkhā-sahagataṃ, diṭṭhigata-vippayuttaṃ, saṅkhārikam ekaṃ). Loại này sinh kèm với thọ xả và không hợp với tà kiến. Nó yếu và sinh khởi phụ thuộc vào sự tác động thêm

 

Tâm sân căn: tâm sinh kèm với tâm sở sân là pháp thô tháo, cộc cằn không thích đối tượng mà nó kinh nghiệm. Có hai loại tâm sân căn:

  1. Đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, không cần tác động (domanassa- sahagataṃ, paṭigha-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ). Loại này sinh kèm với thọ ưu, không hỷ lạc. Nó sinh khởi với paṭigha (tâm sở sân) là pháp thô tháo và cộc cằn. Nó đủ mạnh để sinh khởi mà không phụ thuộc vào sự tác động thêm.
  2. Đồng sinh với thọ ưu, hợp với hận, cần có tác động (domanassa- sahagataṃ, paṭigha-sampayuttaṃ, saṅkhārikam ekaṃ). Loại này khác với tâm thứ nhất ở điểm là nó yếu hơn: sinh khởi phụ thuộc vào sự tác động thêm

Tâm si căn: tâm sinh kèm với tâm sở si là pháp bị mê mờ, không biết sự thật về các thực tại. Có hai loại tâm si căn:

  1. Đồng sinh với thọ xả, hợp với hoài nghi (upekkhā-sahagataṃ, vicikicchā-sampayuttaṃ). Tâm si căn đồng sinh với thọ xả và loại này sinh kèm với tâm sở hoài nghi (vicikicchā cetasika), hoài nghi tính chất của các thực tại.
  2. Đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng dật (upekkhā-sahagataṃ, uddhacca-sampayuttaṃ). Loại này cũng đồng sinh với thọ xả và sinh kèm với tâm sở phóng dật hay loạn động (uddhacca cetasika).

Mỗi tâm sinh kèm với nhiều loại tâm sở. Các tâm sinh kèm với số lượng tâm sở khác nhau tùy thuộc vào từng loại tâm. Mỗi tâm đều sinh kèm với tâm sở thọ (vedanā cetasika), loại thọ khác nhau tùy thuộc vào tâm mà nó sinh kèm.

Mỗi loại tâm bất thiện đều sinh kèm với bốn loại tâm sở bất thiện biến hành (akusala  sādhāraṇa [1] cetasikas), gồm có:

–     Tâm sở si;

–     Tâm sở vô tàm (ahāraja cetasika), nghĩa là không hổ thẹn cái xấu ác;

–     Tâm sở vô quý (anottappa cetasika), nghĩa là không ghê sợ hiểm họa của bất thiện;

–     Tâm sở phóng dật (uddhacca cetasika), liên đới với các pháp bất thiện.

Mười hai tâm bất thiện có thể được phân biệt dựa vào căn đế của chúng (mūla, ba nhân của bất thiện là tham, sân và si)  và chúng được phân loại như sau:

–     Tâm si căn (moha-mūla-citta) không sinh kèm với tâm sở tham hay tâm sở sân;

–     Tâm sân căn (dosa-mūla-citta) không sinh kèm với tâm sở tham;

–     Tâm tham căn (lobha-mūla-citta) không sinh kèm với tâm sở sân.

Mười hai tâm bất thiện có thể được phân biệt theo ba loại cảm thọ mà nó sinh kèm, gồm thọ xả, thọ hỷ và thọ ưu:

–     Thọ xả (upekkhā vedanā cetasika) sinh kèm với tâm tham căn và tâm si căn.  Nó không sinh kèm với tâm sân căn.

–     Thọ hỷ (somanassa vedanā cetasika) sinh kèm với tâm tham căn. Nó không sinh kèm với tâm sân căn hay tâm si căn.

–     Thọ ưu (domanassa vedanā cetasika) chỉ sinh kèm với hai loại tâm sân căn. Nó không sinh kèm với các loại tâm khác.

Loại tâm si căn thứ hai đồng sinh với thọ xả, hợp với phóng dật (upekkhā-sahagataṃ, uddhacca-sampayuttaṃ) không sinh kèm với hoài nghi (vicikicchā) nhưng nó là tâm bất thiện bởi nó sinh khởi với các tâm sở bất thiện. Khi tâm bất thiện sinh khởi không thuộc một trong tám loại tâm tham căn hay một trong hai loại tâm sân căn và tâm si căn hợp với hoài nghi, nó sẽ là tâm si căn hợp với phóng dật.

Khi tâm bất thiện đủ mạnh nó sẽ là duyên cho tâm sở tư (cetanā) sinh kèm  tạo ra một trong mười bất thiện nghiệp đạo (kamma-patha). Mười bất thiện nghiệp đạo như sau:

–     Ba loại qua thân (kāyakamma): sát sinh (pāṇātipāto), trộm cắp, lấy của không cho (adinnādānaṃ), và tà dâm (kāmesu micchācāro).

–     Bốn loại qua khẩu (vacīkamma): nói dối (musā-vādo), nói lời thô ác (pharusavācā), nói lời đâm thọc (pisuṇavācā) và nói lời vô ích (samphappalāpo).

–     Ba loại qua ý (manokamma): ham muốn, toan tính lấy tài vật của người khác (abhijjhā), ác ý, muốn làm tổn thương, làm hại người khác (vyāpādo) và tà kiến (micchādiṭṭhi).

Không phải tất cả các loại tà kiến đều là bất thiện nghiệp đạo. Tà kiến là bất thiện nghiệp đạo gồm có ba loại tà kiến như sau:

–     Vô hữu kiến (Natthika[2] diṭṭhi): phủ nhận quả của nghiệp; bất kể quả nào sinh khởi đều không có nguồn gốc từ nghiệp[3].

–     Vô nhân kiến (Ahetuka diṭṭhi): phủ nhận cả nghiệp và quả của nghiệp. Nghiệp không tạo ra quả, bất kể cái gì sinh khởi đều không do duyên, không có nhân[4].

–     Vô hành kiến (Akiriya diṭṭhi): phụ nhận sự vận hành của nghiệp. Nghiệp (hành động tạo tác) đơn thuần chỉ là một hành vi do thân cử động, không có nghiệp thiện hay bất thiện tạo quả [5]

Khi tâm bất thiện thúc đẩy bất thiện nghiệp đạo đã diệt đi, tâm sở tác ý, cái sinh và diệt cùng với tâm bất thiện là duyên nghiệp (kamma-paccaya) cho sự sinh khởi của tâm quả bất thiện (akusala  vipākacitta). Có bảy loại tâm quả bất thiện là kết quả của nghiệp, chúng sinh và diệt khi có thời điểm thích hợp.

18 Loại tâm vô nhân (ahetuka citta)

Tâm vô nhân  là các tâm không có các tâm sở là nhân (hetus). Có sáu loại nhân: ba là bất thiện và ba là tịnh hảo (sobhana). Ba nhân bất thiện là các tâm sở tham, sân và si. Tùy từng trường hợp, các nhân này sinh khởi với mười hai tâm bất thiện, chúng không sinh kèm với các loại tâm khác. Ba nhân tịnh hảo là các tâm sở vô tham, vô sân và vô si hay trí tuệ. Tâm sinh kèm với nhân tịnh hảo là tâm tịnh hảo,nghĩa là tâm đẹp hay tâm thiện.

Có mười tám tâm không sinh kèm với sáu loại nhân này, chúng là các tâm vô nhân, cũng gọi là các tâm bất tịnh hảo. Còn bảy mươi mốt loại tâm khác, trong tổng số tám mươi chín tâm, sinh kèm với nhân, được gọi là tâm hữu nhân (sahetuka cittas, ‘sa’ có nghĩa là với, sinh kèm).

Trong số mười tám tâm vô nhân, có bảy loại là tâm quả bất thiện (akusala  vipākacitta), tám loại là tâm quả thiện vô nhân (ahetuka kusala vipākacitta) và 3 loại là tâm duy tác vô nhân (ahetuka kiriyacitta). Các loại tâm vô nhân này được phân loại một cách chi tiết hơn như trình bày dưới đây (trong đó, các tiêu mục nhỏ hơn là về ngũ thức).

7 Loại tâm quả bất thiện (akusala  vipākacitta)

Trong số bảy loại tâm này, có năm thức là tâm quả bất thiện kinh nghiệm các đối tượng bất khả ái. Chúng gồm:

  1. Nhãn thức, kinh nghiệm màu sắc, kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ cakkhuviññāṇaṃ);
  2. Nhĩ thức, kinh nghiệm âm thanh, kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ sotaviññānaṃ);
  3. Tỷ thức, kinh nghiệm mùi, kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ ghāṇaviññāṇaṃ);
  4. Thiệt thức, kinh nghiệm vị, kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ jivhāviññāṇaṃ);
  5. Thân thức, kinh nghiệm đối tượng xúc chạm, kèm với thọ khổ (dukkha sahagataṃ kāyaviññānaṃ).

Ngoài ra còn có:

  1. Tiếp nhận tâm kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ sampaṭicchanaṃ);
  2. Suy đạt tâm kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ santīraṇaṃ).

Tiếp nhận tâm sinh khởi sau ngũ thức là các tâm quả bất thiện và nó tiếp nhận đối tượng tương ứng. Suy đạt tâm sinh khởi sau tiếp nhận tâm là tâm quả bất thiện và nó suy xét về đối tượng.

 8 Loại tâm quả thiện vô nhân (ahetuka kusala vipākacitta)

Các loại tâm này là quả của tám loại tâm thiện dục giới (kāmāvacara kusala citta) sinh kèm với tư tâm sở (cetanā)  đảm nhận chức năng thực hiện một trong mười nghiệp thiện (puñña kiriya vatthu). Thập thiện nghiệp bao gồm bố thí (dāna), trì giới (sīla), và phát triển tâm trí (bhāvanā). Khi tư tâm sở thiện sinh khởi và đảm nhận chức năng tạo nghiệp thiện, nó là duyên nghiệp (kamma-paccaya) cho sự tạo quả sau này. Quả có thể là mười sáu loại tâm quả thiện dục giới (kāmāvacara kusala vipākacitta) bao gồm: tám loại tâm quả thiện dục giới hữu nhân và tám loại tâm quả thiện vô nhân.

Trong số tám loại tâm quả thiện vô nhân có ngũ thức là các tâm quả thiện, kinh nghiệm các đối tượng tương ứng và các đối tượng này là dễ chịu, bao gồm:

  1. Nhãn thức, kinh nghiệm màu sắc, kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ cakkhuviññāṇaṃ);
  2. Nhĩ thức, kinh nghiệm âm thanh, kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ sotaviññānaṃ);
  3. Tỷ thức, kinh nghiệm mùi, kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ ghāṇaviññāṇaṃ);
  4. Thiệt thức, kinh nghiệm vị, kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ jivhāviññāṇaṃ);
  5. Thân thức, kinh nghiệm đối tượng xúc chạm, kèm với thọ lạc trên thân (sukha sahagataṃ kāyaviññānaṃ).

Ngoài ra còn có:

  1. Tiếp nhận tâm sinh kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ sampaṭicchanaṃ);
  2. Suy đạt tâm sinh kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ santīraṇaṃ);
  3. Suy đạt tâm sinh kèm với thọ hỷ (somanassa sahagataṃ santīraṇaṃ).

Tiếp nhận tâm sinh khởi sau mỗi ngũ thức là tâm quả thiện và nó tiếp nhận đối tượng tương ứng. Suy đạt tâm sinh khởi sau tiếp nhận tâm và suy xét về đối tượng, có thể sinh kèm với thọ xả hoặc thọ hỷ. Khi nó sinh kèm với thọ hỷ, đối tượng là cực kỳ dễ chịu.

Một đối tượng khả ái (iṭṭhārammaṇa) có thể có các mức độ dễ chịu khác nhau. Nó có thể chỉ là một đối tượng khả ái hoặc cực kỳ dễ chịu (adiṭṭhārammaṇa). Nếu tâm quả thiện là kết quả của nghiệp thiện là vô cṇng thanh tịnh và sinh kèm với thọ hỷ, nó sẽ kinh nghiệm một đối tượng cực kỳ dễ chịu, và trong trường hợp đó, suy đạt tâm, sinh khởi trong tiến trình ngũ môn và suy xét về đối tượng đó, sẽ sinh kèm với thọ hỷ. Nếu đối tượng được kinh nghiệm bởi tâm quả thiện trong lộ trình ngũ môn là một đối tượng khả ái nhưng không phải là cực kỳ dễ chịu, suy đạt tâm sẽ sinh kèm với thọ xả.

 

3 Loại tâm duy tác vô nhân (ahetuka kiriyacitta)

Tâm duy tác (kiriyacitta) là loại tâm không phải thiện cũng không phải bất thiện (các loại tâm là nhân, nghiệp), và nó cũng không phải là tâm quả, là kết quả của nghiệp. Tâm duy tác vô nhân là tâm duy tác không sinh kèm với các tâm sở là nhân. Có ba loại tâm duy tác vô nhân (ahetuka kiriyacitta):

  1. Ngũ môn hướng tâm sinh kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ pañcadvārā-vajjana cittaṃ);
  2. Ý môn hướng tâm sinh kèm với thọ xả (upekkhā sahagataṃ manodvārā-vajjana cittaṃ);
  3. Tiếu sinh tâm sinh kèm với thọ hỷ (somanassa sahagataṃ hasituppā da cittaṃ).

Ngũ môn hướng tâm, (pañcadvārā-vajjana-citta) [6] là tâm lộ đầu tiên (tâm sinh khởi trong một tiến trình) kinh nghiệm đối tượng in dấu lên nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn và thân căn. Tâm duy tác khác với tâm quả bởi vì nó có thể kinh nghiệm cả đối tượng khả ái và bất khả ái. Đối với tâm quả, tâm quả thiện chỉ kinh nghiệm đối tượng khả ái và tâm quả bất thiện chỉ kinh nghiệm đối tượng bất khả ái.

Khi ngũ môn hướng tâm sinh khởi, nó biết rằng có một đối tượng in dấu lên nhãn căn, hoặc lên một trong ngũ căn, và rồi diệt đi. Nó được tiếp nối bởi ngũ thức (hoặc một trong các thức khác), kinh nghiệm cṇng một đối tượng trong suốt lộ trình tương ứng và rồi diệt đi. Nhãn thức hoặc một trong ngũ thức được tiếp nối bởi tiếp nhận tâm, tiếp nhận đối tượng và rồi diệt đi. Tiếp nhận tâm được tiếp nối bởi suy đạt tâm, suy xét về đối tượng và rồi diệt đi.

Trước khi nhãn thức hoặc một trong ngũ thức sinh khởi và nhận quả của nghiệp qua môn tương ứng, phải có một tâm lộ biết rằng có đối tượng in dấu lên một trong ngũ quan, và đó là ngũ môn hướng tâm. Chức năng của tâm này được gọi là hướng đến, āvajjana, bởi vì tâm này tiếp nối ngay sau các tâm hộ kiếp (bhavanga-citta) và hướng đến đối tượng in dấu lên một trong các môn.Khi diệt đi, nó sẽ được tiếp nối bởi nhãn thức hoặc một trong ngũ thức sinh khởi để thấy, nghe, ngửi, nếm hay kinh nghiệm sự xúc chạm qua môn tương ứng.

Ý môn hướng tâm [7] (mano-dvārā-vajjana-citta) là tâm lộ đầu tiên sinh khởi và kinh nghiệm một đối tượng qua ý môn. Nó là tâm sinh khởi trước tâm bất thiện, tâm thiện dục giới, hoặc tâm duy tác dục giới trong trường hợp của các vị A la hán. Ý môn hướng tâm cũng sinh khởi trong lộ trình qua ngũ môn nhưng khi đó nó không đảm nhận chức năng hướng tâm mà thực hiện chức năng xác định đối tượng (votthapana) và nó được đặt tên dựa vào chức năng đó là “xác định tâm” (votthapana-citta) [8]. Trong trường hợp đó, nó nối tiếp suy đạt tâm và không kinh nghiệm đối tượng qua ý môn mà qua một trong ngũ môn.

Cho dù ý môn hướng tâm sinh khởi trong lộ trình ngũ môn, nối tiếp suy đạt tâm và thực hiện chức năng xác định, hay khi là tâm lộ đầu tiên trong một lộ trình ý môn kinh nghiệm đối tượng qua ý môn, rồi được tiếp nối bởi tâm bất thiện, tâm thiện dục giới hay tâm duy tác dục giới ở trường hợp của các vị A la hán, ý môn hướng tâm dọn đường cho tâm tiếp theo: là tâm bất thiện nếu là trường hợp tác ý không chân chánh, và là tâm thiện (hoặc tâm duy tác ở các vị A la hán) nếu là trường hợp tác ý chân chánh, và điều này phụ thuộc vào các xu hướng đã được tích lũy. Do vậy, ý môn hướng tâm sinh khởi trước tâm bất thiện, tâm thiện hay tâm duy tác trong các lộ trình tâm kinh nghiệm một đối tượng qua một trong sáu môn.

Tiếu sinh tâm (hasituppāda-citta) là một tâm duy tác vô nhân tạo duyên cho sự mỉm cười chỉ trong trường hợp của các vị A la hán đối với sáu loại đối tượng được kinh nghiệm qua sáu môn. Các đối tượng tạo duyên cho sự mỉm cười đó thường không được người khác biết đến.

24 Loại tâm tịnh hảo dục giới (kāmāvacara sobhana citta)

Hai mươi tư loại tâm dục giới tịnh hảo là các tâm tịnh hảo thuộc dục giới, vì chúng sinh kèm các tâm sở tịnh hảo.

Hai mươi tư loại tâm tịnh hảo bao gồm tám loại tâm thiện dục giới (tâm đại thiện), tám tâm quả dục giới (tâm đại quả) và tám loại tâm duy tác dục giới (tâm đại duy tác). Chúng được phân chia như sau:

 

8 Loại tâm thiện dục giới (kāmāvacara kusala citta)

  1. Đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí, không cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ). Loại tâm này sinh kèm với tâm sở trí tuệ (vô si – amoha) và nó đủ mạnh để sinh khởi mà không có sự tác động thêm.
  2. Đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí, cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ). Loại tâm này yếu, nó sinh khởi phụ thuộc vào sự tác động thêm.
  3. Đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí, không cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ). Loại tâm này không sinh kèm với tâm sở trí tuệ (vô si – amoha) và nó đủ mạnh để sinh khởi mà không có sự tác động thêm.
  4. Đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí, cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ). Loại tâm này không hợp với trí và yếu, nó sinh khởi phụ thuộc vào sự tác động thêm.
  5. Đồng sinh với thọ xả, hợp với trí, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ).
  6. Đồng sinh với thọ xả, hợp với trí, cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ).
  7. Đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ).
  8. Đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí, cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ)

Tư tâm sở sinh kèm tám loại tâm thiện này thực hiện thiện nghiệp nằm trong mười cơ sở (căn bản) của phước thiện (puñña kiriya vatthu)[9]. Chúng là:

Bố thí (dāna), là thiện pháp được thực hiện bởi sự bố thí, chia sẻ những thứ hữu ích với những người khác;

Trì giới (sīla), là thiện pháp được thực hiện bởi sự giữ giới, tránh xa nghiệp bất thiện;

Phát triển tâm trí (bhāvanā), là thiện pháp được thực hiện qua sự phát triển samatha hoặc vipassanā;

Cung kính (apacāyana), là thiện pháp được thực hiện qua việc bày tỏ sự cung kính với những người đáng kính;

Phục vụ (veyyāvaca), là thiện pháp thực hiện qua việc dùng công sức giúp đỡ người khác hoàn thành việc cần làm;

Hồi hướng (pattidāna), là thiện pháp được thực hiện bằng việc chia sẻ thiện pháp mình đã tạo với người khác để người ấy có thể hoan hỷ với thiện pháp ấy;

Tùy hỷ (pattanumodana), là thiện pháp được thực hiện bằng việc hoan hỷ với thiện pháp của người khác;

Nghe Pháp (savanna), là thiện pháp được thực hiện bằng việc nghe Pháp;

Thuyết Pháp (desanā), là thiện pháp được thực hiện bằng việc hoằng Pháp

Chuyển tà kiến thành chánh kiến (diṭṭhujukamma), là thiện pháp được thực hiện bằng sự thể nhập chánh kiến về các thực tại.

Bất cứ khi nào tâm không thực hiện một trong mười loại thiện nghiệp này, đó không phải là tâm thiện.

Tâm thiện dục giới thực hiện việc bố thí (bao gồm bố thí, hồi hướng và tùy hỷ), trì giới (bao gồm giữ giới, cung kính và phục vụ), hay phát triển tâm trí (bao gồm phát triển tâm trí, nghe Pháp, thuyết Pháp và chuyển tà kiến thành chánh kiến). Tâm thiện dục giới sinh khởi trong các tiến trình ngũ môn và ý môn, và vì vậy nó được gọi là tâm đại thiện (mahā-kusala).

Khi tám loại tâm thiện dục giới sinh khởi và thực hiện thiện nghiệp, tư tâm sở đồng sinh là duyên nghiệp (kamma-paccaya) cho sự sinh khởi của tâm quả thiện dục giới. Có mười sáu loại quả tương tứng với nghiệp tạo ra chúng ở thời điểm chín muồi. Mười sáu loại tâm quả này là: tám tâm quả thiện vô nhân (ahetuka kusala vipākacitta) và tám tâm quả thiện dục giới hữu nhân (kāmāvacara sahetuka kusala vipākacitta) (tâm đại quả – mahā-vipākacitta)

8 Loại tâm quả thiện dục giới hữu nhân (kāmāvacara sahetuka kusala vipākacitta) hay tâm đại thiện (mahā-vipākacitta)

  1. Đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí, không cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ).
  2. Đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí, cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ).
  3. Đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí, không cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ).
  4. Đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí, cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ).
  5. Đồng sinh với thọ xả, hợp với trí, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ).
  6. Đồng sinh với thọ xả, hợp với trí, cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ).
  7. Đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ).
  8. Đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí, cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ).

Tám loại tâm đại thiện sinh kèm với các tâm sở tịnh hảo; chúng là các tâm quả thiện hữu nhân, với nhân tịnh hảo. Như vậy, chúng khác với tám loại tâm quả thiện vô nhân không sinh kèm các tâm sở tịnh hảo.

Tám loại tâm duy tác dục giới tịnh hảo (kāmāvacara sobhana kiriyacitta) hay tâm đại duy tác (mahā-kiriyacitta) là tâm của các vị A la hán đã tận diệt mọi phiền não. Tâm thiện hoặc bất thiện là nhân cho sự sinh khởi của tâm quả trong tương lai sẽ không còn sinh khởi nơi vị ấy nữa. Sau khi đã đắc đạo quả A la hán, thay cho các tâm tịnh hảo thuộc chủng loại (jati) thiện, vị ấy sẽ có tâm duy tác tịnh hảo. Các tâm duy tác không còn tạo nên sự sinh khởi của các tâm quả trong tương lai. Như vậy, vị A la hán chỉ có các tâm quả là quả của nghiệp đã tạo trước khi đắc quả A la hán và tâm duy tác, không phải là tâm thiện vốn là nhân cho sự sinh khởi của tâm quả trong tương lai.

8 Loại tâm duy tác dục giới tịnh hảo (Kāmāvacara Sobhana Kiriyacitta)

  1. Đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí, không cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ).
  2. Đồng sinh với thọ hỷ, hợp với trí, cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ).
  3. Đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí, không cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ).
  4. Đồng sinh với thọ hỷ, không hợp với trí, cần tác động (somanassa-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ).
  5. Đồng sinh với thọ xả, hợp với trí, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ).
  6. Đồng sinh với thọ xả, hợp với trí, cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-sampayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ).
  7. Đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí, không cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, asaṅkhārikam ekaṃ).
  8. Đồng sinh với thọ xả, không hợp với trí, cần tác động (upekkhā-sahagataṃ, ñāṇa-vippayuttaṃ, sasaṅkhārikam ekaṃ).

15 Loại tâm sắc giới  (rūpāvacara citta)

Mười lăm loại tâm sắc giới là năm loại tâm thiện sắc giới, năm loại tâm quả sắc giới và năm loại tâm duy tác sắc giới. Tâm sắc giới là tâm ở cấp độ cao hơn tâm dục giới, bởi vì đó là tâm đã thoát ly khỏi đối tượng ngũ dục qua sự phát triển thiện pháp dục giới an tịnh (samatha). Khi an tịnh đã được vững vàng hơn, các mức độ định (samādhi) khác nhau có thể được chứng đắc. Khi định an trụ vững chắc trên đề mục thiền và đã đạt tới mức độ an chỉ định (appanā samādhi), tâm là tâm thiện sắc giới, nó thoát khỏi tâm cõi dục.

5 Loại tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta)

  1. Thiện tâm sơ thiền, đồng sinh với các thiền chi tầm, tứ, phỉ, lạc và nhất tâm (vitakka vicāra pīti sukh’ekaggatā sahitaṃ paṭhamajjhāna kusalacittaṃ)[10]
  2. Thiện tâm nhị thiền, đồng sinh với các thiền chi tứ, phỉ, lạc và nhất tâm (vicāra pīti sukh’ekaggatā sahitaṃ dutiyajjhāna kusalacittaṃ).
  3. Thiện tâm tam thiền, đồng sinh với các thiền chi phỉ, lạc và nhất tâm (pīti sukh’ekaggatā sahitaṃ tatiyajjhāna kusalacittaṃ).
  4. Thiện tâm tứ thiền, đồng sinh với các thiền chi lạc và nhất tâm (sukh’ekaggatā sahitaṃ catutthajjhāna kusalacittaṃ).
  5. Thiện tâm ngũ thiền, đồng sinh với các thiền chi xả và nhất tâm (upekkh’ekaggatā sahitaṃ pañcamajjhāna kusala cittaṃ).

Tâm sơ thiền sinh kèm năm chi thiền, và ở các tầng thiền cao hơn, các chi thiền tuần tự được từ bỏ. Tuy nhiên, một số người có thể từ bỏ hai chi thiền tâm và tứ ở nhị thiền, và như vậy với họ sẽ chỉ có bốn tầng thiền. Chính vì thế có hệ ngũ thiền và hệ tứ thiền. Ngũ thiền của hệ ngũ thiền và tứ thiền của hệ tứ thiền là một.

5 Loại tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipākacitta)

  1. Tâm quả sơ thiền, đồng sinh với các chi thiền tầm, tứ, phỉ, lạc và nhất tâm (vitakka vicāra pīti sukh’ekaggatā sahitaṃ paṭhamajjhāna vipākacittaṃ).
  2. Tâm quả nhị thiền, đồng sinh với các chi thiền tứ, phỉ, lạc và nhất tâm (vicāra pīti sukh’ekaggatā sahitaṃ dutiyajjhāna vipākacittaṃ).
  3. Tâm quả tam thiền, đồng sinh với các chi thiền phỉ, lạc và nhất tâm (pīti sukh’ekaggatā sahitaṃ tatiyajjhāna vipākacittaṃ).
  4. Tâm quả tứ thiền, đồng sinh với các chi thiền lạc và nhất tâm (sukh’ekaggatā sahitaṃ catutthajjhāna vipākacittaṃ)
  5. Tâm quả ngũ thiền, đồng sinh với các chi thiền xả và nhất tâm (upekkh’ekaggatā sahitaṃ pañcamajjhāna vipākacittaṃ).

Khi tâm thiện sắc giới trở nên hùng mạnh, người đắc thiền có thể trở nên thuần thục (vasī)[11]. Một người thuần thục sẽ có thể quyết định thời điểm nhập thiền, thời gian nhập thiền, có nghĩa là thời gian mà các tâm thiền sinh và diệt liên tiếp không gián đoạn, và thời điểm xuất thiền, tức là chấm dứt sự tiếp nối của các tâm thiền. Nếu kỹ năng thiền chứng của người ấy không bị suy thoái, đó sẽ là duyên cho sự sinh khởi của thiện tâm thiền trước khi tử thức sinh khởi. Tâm thiền đó là duyên cho sự sinh khởi của tâm quả thiền là thức tái tục trong kiếp sau trong cõi phạm thiên sắc giới, tương ứng với tầng thiền đã đắc.

5 Loại tâm duy tác sắc giới (rūpāvacara kiriyacitta)

  1. Tâm duy tác sơ thiền, đồng sinh với tầm, tứ, phỉ, lạc và nhất tâm (vitakka vicāra pīti sukh’ekaggatā sahitaṃ paṭhamajjhāna kiriyacittaṃ).
  2. Tâm duy tác nhị thiền, đồng sinh với tứ, phỉ, lạc và nhất tâm (vicāra pīti sukh’ekaggatā sahitaṃ dutiyajjhāna kiriyacittaṃ).
  3. Tâm duy tác tam thiền, đồng sinh với phỉ, lạc và nhất tâm (pīti sukh’ekaggatā sahitaṃ tatiyajjhāna kiriyacittaṃ).
  4. Tâm duy tác tứ thiền, đồng sinh với lạc và nhất tâm (sukh’ekaggatā sahitaṃ catutthajjhāna kiriyacittaṃ).
  5. Tâm duy tác ngũ thiền, đồng sinh với xả và nhất tâm (upekkh’ekaggatā sahitaṃ pañcamajjhāna kiriyacittaṃ).

Tâm duy tác sắc giới là tâm của các vị A la hán ở thời điểm đắc an chỉ định. Tâm duy tác sắc giới không tạo duyên cho sự sinh khởi của tâm quả sắc giới

12 Loại tâm vô sắc giới (arūpāvacara citta)

Các tâm thiền vô sắc giới là cùng loại với tâm ngũ thiền, sinh kèm với cùng các loại thiền chi, nhưng đối tượng của chúng không lệ thuộc vào sắc. Một người đã đắc ngũ thiền sắc giới mong muốn từ bỏ các đề mục thiền sắc giới vẫn còn lệ thuộc vào sắc và do vậy vẫn gần với các đối tượng dục giới. Người ấy hướng tới thiền trên đề mục vô sắc và vô tận. Mười hai loại tâm vô sắc giới là: bốn loại tâm thiện vô sắc giới, bốn loại tâm quả vô sắc giới và bốn loại tâm duy tác vô sắc giới.

4 Loại tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta)

  1. Thiện tâm thiền “Không vô biên xứ” (Ākāsānañcāyatana[12] kusalacittaṃ).
  2. Thiện tâm thiền “Thức vô biên xứ” (Viññāṇañcāyatana[13] kusalacittaṃ).
  3. Thiện tâm thiền “Vô sở hữu xứ” (Ākiñcaññāyatana[14] kusalacittaṃ).
  4. Thiện tâm thiền “Phi tưởng phi phi tưởng xứ” (N’eva-saññā-n’āsaññāyatana[15] kusalacittaṃ)

Tâm thiền vô sắc giới là cùng loại với tâm ngũ thiền và vì thế, chúng còn được gọi là tâm ngũ thiền vô sắc giới (arūpa pañcama[16] jhānacitta).

Loại thiện tâm thiền sắc giới thứ nhất lấy đề mục là “không vô biên” tức là không gian vô hạn.

Loại thiện tâm thiền vô sắc giới thứ hai lấy đề mục là “thức vô biên”; đối tượng của nó là tâm thiền vô sắc kinh nghiệm không vô biên.

Loại thiện tâm thiền vô sắc giới thứ ba lấy đề mục là “vô sở hữu”. Người tới giai đoạn này biết rằng đối tượng này còn vi tế hơn cả tầng thiền sắc giới thứ hai, tức tâm kinh nghiệm thức vô biên.

Loại thiện tâm thiền vô sắc giới thứ tư lấy đề mục là tâm thiền vô sắc giới thứ ba, tức là tâm lấy “vô sở hữu” làm đề mục. Một người tới giai đoạn này biết rằng kể cả khi đề mục là “vô sở hữu”, vẫn có tâm kinh nghiệm đề mục ấy. Tâm thiền của tầng thiền “phi tưởng phi phi tưởng xứ” có đề mục là tâm kinh nghiệm “vô sở hữu” là tầng thiền vô sắc giới cao nhất. Khi ấy không thể nói là có tưởng hay không có tưởng.

Nếu một người có được sự thuần thục trong thiền chứng vô sắc giới, và kỹ năng đắc thiền ấy không suy thoái,  sẽ có duyên cho sự sinh khởi của thiện tâm thiền vô sắc giới trước tử thức. Tâm thiền ấy là duyên cho sự sinh khởi của tâm quả vô sắc giới là thức tái tục của kiếp tiếp theo trong cõi phạm thiên vô sắc, tương ứng với mức độ của tầng thiền đã đắc.

4 Loại tâm quả vô sắc giới (arūpāvacara vipākacittaṃ)

  1. Tâm quả thiền “Không vô biên xứ” (Ākāsānañcāyatana vipākacittaṃ).
  2. Tâm quả thiền “Thức vô biên xứ” (Viññāṇañcāyatana vipākacittaṃ).
  3. Tâm quả thiền “Vô sở hữu xứ” (Ākiñcaññāyatana vipākacittaṃ).
  4. Tâm quả thiền “Phi tưởng phi phi tưởng xứ (N’eva-saññā-n’āsaññāyatana vipākacittaṃ).

Khi một trong các tâm quả thiền vô sắc giới đảm nhận chức năng tái tục cho một người tái sinh ở một trong các cõi phạm thiên vô sắc, tương ứng với cấp độ của tâm quả thiền vô sắc, người ấy sống kiếp sống của một vị phạm thiên tại cõi phạm thiên vô sắc đó cho đến khi chết, khi thọ mạng tại cõi đó chấm dứt. Trong thời gian là phạm thiên tại cõi phạm thiên vô sắc, vị ấy không có sắc uẩn mà chỉ có năm danh uẩn. Vì thế, vị ấy là một chúng sinh không có sắc.

4 Loại tâm duy tác vô sắc giới (Arūpāvacara Kiriyacitta)

  1. Duy tác tâm “Không vô biên xứ” (Ākāsānañcāyatana kiriyacittaṃ).
  2. Duy tác tâm “Thức vô biên xứ” (Viññāṇañcāyatana kiriyacittaṃ).
  3. Duy tác tâm “Vô sở hữu xứ” (Ākiñcaññāyatana kiriyacittaṃ).
  4. Duy tác tâm “Phi tưởng phi phi tưởng xứ” (N’eva-saññā-n’āsaññāyatana kiriyacittaṃ).

Tâm duy tác vô sắc giới là tâm của các vị A la hán đã phát triển samatha tới mức độ đắc các tầng thiền vô sắc giới.

Sau khi vị ấy đã chứng ngộ Tứ Thánh Đế khi đắc đạo quả A la hán, tâm vô sắc giới sinh khởi là tâm duy tác, không còn là tâm thiện vô sắc giới nữa.

8 Loại tâm siêu thế (Lokuttara Citta)

Các tâm siêu thế đã trực tiếp chứng ngộ đặc tính của Niết bàn. Bốn loại là tâm thiện siêu thế tận diệt phiền não và bốn loại là tâm quả siêu thế sinh khởi sau khi phiền não đã được tận diệt.

Tám loại tâm siêu thế  là:

 

  1. Tâm đạo Dự lưu là tâm thiện siêu thế (sotāpatti magga-citta).
  2. Tâm quả Dự lưu là tâm quả siêu thế (sotāpatti phala-citta).
  3. Tâm đạo Nhất lai là tâm thiện siêu thế (sakadāgāmī magga-citta).
  4. Tâm quả Nhất lai là tâm quả siêu thế ((sakadāgāmī phala-citta).
  5. Tâm đạo Bất lai là tâm thiện siêu thế (anāgāmī magga-citta) .
  6. Tâm quả Bất lai là tâm quả siêu thế (anāgāmī phala-citta).
  7. Tâm đạo A la hán là tâm thiện siêu thế (arahatta magga-citta).
  8. Tâm quả A la hán là tâm quả siêu thế (arahatta phala-citta).

Khi tâm thiện dục giới hợp với trí sinh khởi và thẩm sát đặc tính của danh và sắc, đặc tính của chúng có thể được liễu ngộ như chúng là, và dính mắc vào tà kiến về các thực tại có thể được tận diệt. Khi các tầng  tuệ minh sát (vipassanā ñāṇa)[17]được tuần tự chứng ngộ, tâm siêu thế có thể sinh khởi. Tâm đạo siêu thế trực tiếp chứng ngộ đặc tính của niết bàn và tận diệt các phiền não tương ứng với mức độ giác ngộ đạt được.

Tâm thiện siêu thế là tâm đạo Dự lưu chỉ sinh khởi một lần trong vòng sinh tử luân hồi. Nó đảm nhận chức năng tận diệt các loại phiền não tà kiến, hoài nghi, bỏn xẻn và ghen tỵ. Hơn nữa, nó tận diệt các duyên cho các nghiệp bất thiện ở mức độ có thể dẫn tới tái sinh nơi khổ cảnh.

Khi tâm đạo (magga-citta) của vị Dự lưu đã diệt đi, nó được tiếp nối ngay lập tức bởi tâm quả (phala citta) là tâm quả siêu thế. Tâm đạo Dự lưu là nghiệp thiện tạo quả ngay tức thì; nó tạo duyên cho sự sinh khởi của tâm quả là tâm quả siêu thế, không có tâm khác sinh khởi xen giữa. Tâm quả cũng kinh nghiệm niết bàn, nhưng nó khác với tâm đạo: tâm đạo kinh nghiệm niết bàn và tận diệt phiền não, trong khi đó, tâm quả tiếp nhận quả, nó kinh nghiệm niết bàn sau khi phiền não đã được tận diệt.

Tâm đạo Nhất lai chỉ sinh khởi duy nhất một lần trong vòng sinh tử luân hồi. Nó đảm nhận chức năng tận diệt các phiền não thô đối với đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm. Khi tâm đạo đã diệt đi, nó được tiếp nối ngay lập tức bởi tâm quả, tâm cũng kinh nghiệm niết bàn sau khi phiền não đã được tận diệt.

Tâm đạo Bất lai chỉ sinh khởi duy nhất một lần trong vòng sinh tử luân hồi. Nó đảm nhận chức năng tận diệt những dính mắc vi tế với các đối tượng ngũ dục. Khi tâm đạo đã diệt đi, nó được tiếp nối ngay lập tức bởi tâm quả, tâm cũng kinh nghiệm niết bàn sau khi phiền não đã được tận diệt.

Tâm đạo A la hán chỉ sinh khởi duy nhất một lần trong vòng sinh tử luân hồi. Nó đảm nhận chức năng tận diệt hoàn toàn các phiền não còn lại. Khi tâm đạo đã diệt đi, nó được tiếp nối ngay lập tức bởi tâm quả, tâm cũng kinh nghiệm niết bàn sau khi phiền não đã được tận diệt.

40 Loại tâm siêu thế (Lokuttara Citta)

Những người đã phát triển samatha và có sự thuần thục trong thiền chứng, những người được gọi là  “jhāna lābhī,”[18] (đắc thiền) có thể có tâm dục giới hợp trí sinh khởi giữa các tâm thiền ở bất cứ tầng thiền nào; trong trường hợp ấy trí tuệ có thể thẩm xét đặc tính của danh và sắc xuất hiện khi đó. Khi trí tuệ suy xét đặc tính của danh và sắc nhiều thêm và biết chúng rõ ràng hơn, dính mắc vào tà kiến về ngã có thể được tận diệt. Khi tâm siêu thế của một trong các mức độ giác ngộ sinh khởi, nó có thể có một trong các tầng thiền làm cơ sở, tức là tâm thiền là đối tượng của tứ niệm xứ. Trong trường hợp ấy, tâm đạo và tâm quả là tâm thiền siêu thế (lokuttara jhānacitta) đồng sinh với các chi thiền của tâm thiền đã làm cơ sở cho chúng, do vậy có bốn mươi tâm siêu thế được liệt kê như sau:

  • Tâm đạo Dự lưu của sơ, nhị, tam, tứ, ngũ thiền[19]
  • Tâm quả Dự lưu của sơ, nhị, tam, tứ, ngũ thiền
  • Tâm đạo Nhất lai của sơ, nhị, tam, tứ, ngũ thiền
  • Tâm quả Nhất lai của sơ, nhị, tam, tứ, ngũ thiền
  • Tâm đạo Bất lai của sơ, nhị, tam, tứ, ngũ thiền
  • Tâm quả Bất lai của sơ, nhị, tam, tứ, ngũ thiền
  • Tâm đạo A la hán của sơ, nhị, tam, tứ, ngũ thiền
  • Tâm quả A la hán của sơ, nhị, tam, tứ, ngũ thiền

Tâm đạo của bốn giai đoạn giác ngộ chỉ có thể sinh khởi một lần duy nhất trong vòng sinh tử luân hồi. Tuy nhiên, tâm quả là các tâm quả thiền siêu thế có thể sinh khởi trở lại, với điều kiện người đắc thiền siêu thế phải thuần thục trong thiền chứng tới mức có đủ duyên cho sự sinh khởi của các tâm quả thiền siêu thế trong các tiến trình khác. Tâm thiền siêu thế sinh khởi trong một tiến trình khác với tiến trình tâm đạo tận diệt phiền não là tâm quả thiền siêu thế, được gọi là thánh quả định (phala – samāpatti). Trong thánh quả định, tâm quả thiền siêu thế sinh và diệt liên tiếp không gián đoạn bởi các loại tâm khác.



[1] Sādhāraṇa nghĩa là ‘phổ biến’ hoặc ‘thông thường’. Các tâm sở luôn đi kèm với tất cả các tâm bất thiện.

[2] Natthi nghĩa là “không có”

[3] Như chủ thuyết của ngài Ajita Kesakambali (Trường Bộ Kinh tập I [Đối Thuyết Của Đức Phật I], bài kinh số 2, Kinh Sa-môn Quả §55). Vị đó dạy rằng không có kiếp sống khác sau khi chết, chỉ có sự đoạn diệt.

[4] Ahetuka nghĩa là “không có nhân”. Makkhaili Gosāla dạy rằng không có duyên hay nhân cho sự lầm lạc hay thanh tịnh của các chúng sinh, rằng mọi thứ đều được định trước bởi số phận (Trường Bộ Kinh tập I [Đối Thuyết Của Đức Phật I], bài kinh số 2, Kinh Sa-môn quả §53).

[5] Như chủ thuyết của ngài Pūraṇa Kassapa (Trường Bộ Kinh tập I [Đối Thuyết Của Đức Phật I], bài kinh số 2, Kinh Sa-môn quả §53) Nghiệp, kamma, nghĩa là “hành động”, nó xuất phát từ thuật ngữ “karoti” nghĩa là “làm, tạo tác”.

[6] Pañca có nghĩa là năm, dvåra có nghĩa là môn/cửa và āvajjana nghĩa là hướng đến.

[7] Mano nghĩa là ý

[8] Xác định tâm cùng loại với ý môn hướng tâm, các tâm sở đi kèm cũng cùng loại nhưng khác chức năng

[9] Như được luận giải trong Bộ Phân tích ( Quyển I, Phần IV, Chương VIII, §157)

[10] Sahita có nghĩa là “sinh kèm với”. Paṭhama có nghĩa là “đầu tiên”. Các chi thiền được giải thích trong phần IV, Samatha của cuốn sách này.

[11] Xem thêm Thanh Tịnh đạo (Chương XXIII, 27).

[12] Akāsa có nghĩa là “không gian”, ananta có nghĩa là “vô tận”, và āyatana có nghĩa là “xứ”

[13] Viññāṇa ananta, có nghĩa là “thức vô tận”.

[14] Ākiñcañña có nghĩa là “không có gì”.

[15] Sañña có nghĩa là “tưởng” và āsañña có nghĩa là “phi tưởng”. Tiếp đầu ngữ “n” biểu trưng cho “na”, có nghĩa là “phi, không”

[16] Pañcama có nghĩa là “thứ năm”.

[17] Xem thêm phần Phát triển Vipassanā của cuốn sách này (Phần V)

[18] Lābha có nghĩa là “có được, đắc”.

[19] Điều này có nghĩa rằng tâm ấy được sinh kèm với các chi thiền của các tầng thiền khác nhau. Đối tượng của tâm thiền siêu thế không phải là một đề mục thiền mà là niết bàn.

Leave a Reply

Translate »