Pháp đàm với các vị sư buổi chiều ngày 02-09-2013

6/ Pháp đàm phụ với các vị sư buổi chiều ngày 02.09.2013

 

Achaan:         Hiện giờ đang có cái thấy. Đức Phật biết rõ thực tại này bởi vì lúc nào cũng có cái thấy: nhiều năm trước, nhiều kiếp trước và trong tương lai vẫn vậy. Bây giờ chúng ta có thể nghĩ về cái thấy, tất cả mọi người đều có thể nghĩ về cái thấy, nhưng nó là gì? Có cái thấy nhưng ai tạo ra cái thấy? Nó không thể sinh khởi do ý chí, phải có duyên để cho chúng sinh khởi. Nếu không có nhãn căn, không có đối tượng được thấy thì không thể có nhãn thức sinh khởi bây giờ. Bất cứ khi nào ta mở mắt thì cái được thấy đã ở đó rồi. Ta luôn có ý niệm về cái được thấy, nhưng trước khi có suy nghĩ hay ý niệm về cái được thấy thì nó đã có ở đó rồi. Khi ta mở mắt, ở khoảnh khắc ấy không thể nói là không có gì cả. Cái xuất hiện lúc đó chỉ là một thực tại, dù ta không đặt tên hay gọi nó là một cái gì đó. Nó khác với cái thấy, nó là cái được thấy hiện giờ. Vậy hãy hiểu thực tại ngay chính lúc này đây. Nhưng cần phải có thời gian để thấy được rằng tất cả những gì xuất hiện không phải là gì khác ngoài các thực tại khác nhau. Nhưng nếu không dùng ngôn từ, người khác sẽ không thấy được sự khác biệt giữa các thực tại ấy. Chính vì vậy ta có từ  “cái thấy”, nhưng dù chúng ta dùng từ trong ngôn ngữ nào đi nữa thì vẫn để chỉ tới thực tại đó mà thôi. Ngôn từ của bất cứ ngôn ngữ nào không thể thay đổi đặc tính của cái thấy hiện giờ, cũng như không thể thay đổi đặc tính của cái được thấy. Khi ta mở mắt, trong tích tắc đã có ý niệm về cái được thấy là gì. Tuy nhiên, khoảnh khắc của cái thấy không giống với khoảnh khắc có suy nghĩ về cái được thấy. Hiểu vậy chính là hiểu biết đúng về vô ngã, rằng không có ai ở đó cả. Nếu không sẽ không có cách nào hiểu được bản chất của cuộc sống, hay của thế giới, hay bất cứ thứ gì theo nghĩa tối hậu.

Vị sư 2:          Sư muốn nói về kinh nghiệm khi sư thực hành thiền, có khoảnh khắc dường như sư có thể kinh nghiệm sự tiếp nối của thực tại nhưng không có hiểu biết ở đó, như vậy có phải là thực hành đúng không?

Achaan:         Hãy quên những gì không có hiểu biết trong đó. Vì ngoài hiểu biết, cái còn lại đó thật ra là sự dính mắc vào kinh nghiệm và vào cái gọi là “tôi”. Bởi vì hiện giờ  kinh nghiệm đó đã qua rồi. Cái có thể được hiểu là những gì đang xuất hiện trong hiện tại. Hiện giờ ai đang suy nghĩ về kinh nghiệm trước đây đã qua? Và hiện giờ đang không có hiểu biết rằng cái đó đã qua rồi. Cũng giống như khoảnh khắc trước đây thôi, nó đã diệt đi rồi không còn nữa. Đây chính là cách để có được sự  xả ly với những dính mắc vào đủ loại đối tượng. Bất cứ khi nào có vô minh và dính mắc, sẽ không có sự xả ly. Bất cứ lúc nào có trí tuệ, khi ấy cũng có sự xả ly. Chúng ta phải luôn nhớ điều này, nếu không dính mắc sẽ lại luôn có mặt. Bất cứ khi nào có sự dính mắc nhưng ngay sau đó có trí tuệ sinh khởi, trí tuệ sẽ hiểu rằng dính mắc đó là không đúng đắn.

Vị sư 2:          Trong sự thực tập có những câu thường được nghe nhắc nhở như “đây không phải là tôi”, “không có ai cả”, “đó chỉ là cái thấy”, khi đó nên thực hành như thế nào cho đúng?

Achaan:         Khi sư nói đến thực hành cho đúng, thì hàm ý của sư với từ “thực hành” là gì?

Vị sư 2:          Đó chỉ là cái tâm nó tự động suy nghĩ như vậy.

Achaan:         Chừng nào chưa có hiểu biết ở khoảnh khắc này thì hiểu biết chưa thể được phát triển. Không ai có thể vội vã hiểu nhiều hơn là cái mà ta đang hiểu hiện giờ. Nó cần phải được bắt đầu từ khoảnh khắc này rồi mới đến khoảnh khắc khác. Từng chút một, một cách rất từ từ, ở bất cứ lúc nào. Không phải chỉ riêng cái thấy, mà cả khoảnh khắc sư nói đến, suy nghĩ đó cũng không phải là ta. Chính vì thế nghiên cứu giáo lý là vô cùng cần thiết. Nếu không mỗi người sẽ lại có những ý niệm riêng của mình.

Vị sư 2:          Việc học và nghe pháp sẽ dẫn đến có chánh niệm. Vậy thì việc có chánh niệm thì chỉ phụ thuộc vào việc nghe và học pháp hay sao?

Achaan:         Nếu không phải là như vậy thì ta đi theo cái gì đây? Chúng ta đã nghe rất nhiều về vô minh; theo thập nhị nhân duyên, vô minh sẽ tạo duyên cho hành, nhưng chúng ta lại không hề hiểu gì về vô minh trong khi bây giờ đang có vô minh. Chúng ta vẫn tiếp tục nói về vô minh, nhưng nó có mặt ở bất cứ thời điểm nào không có hiểu biết và có bất thiện pháp. Bây giờ có thể có cái hiểu về vô minh. Còn khi có hoài nghi về vô minh là gì và nó ở đâu, ở khoảnh khắc đó không có hiểu biết đúng. Hiểu thế nào là vô minh cũng là bắt đầu của hiểu biết. Nếu chúng ta không biết rõ về vô minh thì làm sao chúng ta có thể thoát khỏi vô minh đây? Để có thể tận diệt được các bất thiện pháp thì cần phải có hiểu biết đúng về cái đang có mặt. Với sự khởi đầu của hiểu biết về vô minh, trí tuệ sẽ dần dần biết được sự khác biệt (giữa khoảnh khắc có vô minh và khoảnh khắc không có vô minh).

Vị sư 2:          Như bà thường dạy, phải biết khoảnh khắc hiện tại là vô ngã. Vậy còn về vô thường và khổ?

Achaan:         Hiện giờ chỉ có cái thấy hay có cả những thực tại khác? Ở khoảnh khắc của cái nghe, sẽ không có cái thấy, đúng không ? Điều đó có nghĩa rằng cái thấy sinh và diệt trước khi cái nghe sinh khởi, và rồi lại không có cái nghe nữa. Đây chính là sự vô thường của các thực tại, và tuệ giác hiểu rằng cần phải có một thực tại sinh và diệt đi để rồi các thực tại khác lại sinh khởi, và hiểu biết ấy sinh ra là bởi do duyên chứ không phải do cái gì khác. Bình thường mọi khoảnh khắc đều như vậy, nhưng nếu không có giáo lý thì ai biết được những điều ấy đây?

Vị sư 2:          Vậy còn về Khổ?

Achaan:         Tương tự, chúng ta hãy suy xét về các thực tại, chẳng hạn như cái thấy, nó sinh khởi trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi và rồi lại diệt đi. Vậy có hữu ích gì đây khi một thứ chỉ sinh khởi trong thời gian vô cùng ngắn ngủi, rồi lại diệt đi, không bao giờ quay trở lại?

Vị sư 2:          Ý bà nói về sự bất toại nguyện, về Khổ?

Achaan:         Đó chính là Tứ diệu đế thứ nhất – Khổ đế. Tứ diệu đế là để nói đến tất cả các thực tại hữu vi sinh và diệt. Thực tại kinh nghiệm Niết bàn hiện giờ chưa sinh khởi. Vậy chưa ai hiểu được kinh nghiệm của khoảnh khắc đó. Bất kể đối tượng là gì thì thực tại sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng  ấy đều diệt đi, chính vì vậy không phải lúc nào cũng có tâm siêu thế.

Vị sư 2:          Ngoài việc nghe pháp, còn có nguyên nhân nào khác để chánh niệm sinh khởi không?

Achaan:         Ngoài việc nghe, cần phải suy xét về những gì được nghe một cách rất thường xuyên cho đến khi sinh khởi cái hiểu thực sự về cái được nghe. Chính vì vậy trong kinh điển có nói đến 3 mức độ khác nhau của Trí tuệ , tức là Văn tuệ – Sutta mayapanna , Tư tuệ- Citta mayapanna , Bhavana mayapanna – Tu tuệ. Như đại đức Ananda, ngài đã nghe Đức Phật giảng pháp, nhưng không chỉ nghe mà còn suy xét rất nhiều về những gì được nghe và sau đó, nói lại cho những người khác về những gì được nghe. Vì vậy, Ngài được gọi là Pahu Sutta, người đã nghe nhiều, và Pahu Sacca là người đã nghe đúng.

Chỉ nghe pháp thôi thì chưa đủ. Nếu chỉ nghe một hay hai từ thôi cũng chưa đủ. Hiểu biết cần phải rộng hơn và sâu hơn. Chỉ một từ Dhamma- Pháp thôi đã bao trùm tất cả. Bởi vì dhamma – pháp là bất cứ cái gì là thực, cho nên bất cứ cái gì là thực cũng là dhamma – pháp. Hiện giờ có ai có thể nói là mình đã hiểu dhamma một cách sâu sắc và rõ ràng hay không? Chính vì vậy chúng ta vẫn cần phải tiếp tục nghe, nghiên cứu. Kể cả các vị A la hán vẫn còn tiếp tục nghe Đức Phật thuyết giảng, các Ngài vẫn tới gặp Đức Phật. Bởi vì các vị biết rằng Tuệ giác của các vị không lớn, không vĩ đại như Đức Phật.

Vị sư 2:          Sư muốn biết thêm ý nghĩa của Tu tuệ.

Achaan:         Từ Bhavana ở đây có nghĩa là sự phát triển, đó là phát triển hiểu biết đúng, nếu nói đến phát triển, có nghĩa là nó phải phát triển một cách từ từ, nó lớn mạnh một cách từ từ, từ kiếp này sang kiếp khác.

Người phiên dịch: Như vậy Bhavana- Tu tập có phải là ai đấy đang làm cái gì đấy không ạ?

Achaan:         Nếu cho rằng đó là “ai đấy làm một cái gì đấy” là sai, nó có nghĩa là chỉ hiểu đúng mà thôi. Hiện giờ tất cả mọi người đang làm một cái gì đấy, đúng không? Nếu theo nghĩa chế định, tất cả mọi người đều đang thấy, mặc dù không cần phải cố để thấy. Bây giờ đang có cái nghe mặc dù chẳng ai phải cố gắng để nghe. Như vậy chẳng ai có thể làm cái gì cả, nhưng tất cả những thực tại ấy đều có thể được hiểu. Đây chính là con đường đúng, con đường Chánh đạo.

Chi thứ hai của Bát chánh đạo là vitaka- tâm sở tầm, vẫn được dịch là Chánh tư duy. Bản thân vitakka –tâm sở tầm cũng có nhiều giai đoạn khác nhau, thông thường ta mới chỉ hiểu được một khía cạnh nhỏ của tâm sở tầm. Nhưng tính chất của vitaka đã sinh khởi trước khi có cái mà chúng ta vẫn gọi là suy nghĩ – tư duy.  Chánh tư duy và Tư duy khác nhau. Vitakka không sinh khởi với các tâm quả như thấy- nghe- ngửi -nếm- xúc chạm. Thông thường vitakka sinh khởi ngay sau khi các tâm quả thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm đó diệt đi. Bây giờ có lúc có âm thanh, rồi không có âm thanh, rồi lại có âm thanh, vitakka đã sinh khởi trước khi âm thanh diệt đi rồi. Tại sao Đức Phật lại dạy về tất cả những điều này? Đức Phật dậy điều ấy để những ai có tà kiến suy xét và hiểu được rằng không có ai cả mà tất cả chỉ là các thực tại sinh khởi, đảm nhận chức năng của mình rồi lại diệt đi. Ở khoảnh khắc của suy nghĩ, thực tại khi đó là gì? Vẫn không có ai cả, từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, từ kiếp này sang kiếp khác. Nếu không phải vậy, chúng ta có thể nói Đức Phật đã giác ngộ gì đây? Nếu Đức Phật không biết về tất cả những thực tại hiện giờ thì Đức Phật biết về cái gì đây? Vậy sự giác ngộ đó là về cái gì? Nhưng Đức Phật đã giác ngộ bởi vì Ngài biết về tất cả những cái gì là thực hiện giờ.

Vị sư 2:          Khi đã hiểu rằng tất cả các thực tại đều là vô ngã thì tại sao Đức Phật lại chế ra giới sám hối cho các chư tăng. Bởi vì sám hối nghĩa là về những việc đã làm trong quá khứ.

Achaan:         Không phải chỉ có các vị tỳ kheo mà tất cả các chúng sinh đều có  những khoảnh khắc thấy, nghe, của thiện và bất thiện. Là một vị tỳ kheo không có nghĩa rằng  không còn phiền não nữa. Nhưng sau khi nghe Đức Phật thuyết pháp, ta bắt đầu biết được những tích lũy riêng của mình, để xác định việc sẽ tiếp tục phát triển hiểu biết dưới hình thức của một vị tỳ kheo hay là một người cư sỹ. Khi quyết định trở thành một vị tỳ kheo, ta phải biết rõ sự khác biệt của việc sống cuộc đời của một vị tỳ kheo và của một cư sỹ tại gia. Lúc khởi đầu (khi đức Phật mới thành lập Tăng đoàn), không hề có các giới luật của các vị tỳ kheo. Khi một số vị tỳ kheo không giữ được cuộc sống phạm hạnh thì Đức Phật mới bắt đầu chế ra các giới. Trước khi thiết lập một giới luật, Đức Phật tập hợp các vị tỳ kheo và hỏi ý kiến các vị là liệu có lợi ích không, có phù hợp không để chế ra các giới đó. Và mỗi giới luật đều được sự tán đồng của tất cả các vị tỳ kheo ở thời điểm ấy. Như vậy bất cứ ai muốn trở thành một vị tỳ kheo cần phải biết rằng liệu mình có giữ được giới hay không? Vì vậy các vị tỳ kheo sẽ tự biết khi những gì mình làm là phạm giới. Nhưng Đức Phật có rất nhiều bi mẫn, Ngài biết rằng mọi người vẫn còn nhiều phiền não, chính vì vậy có những mức độ khác nhau trong cuộc đời của một vị sư. Điều ấy cho phép các vị tỳ kheo có thể sám hối với mục đích không còn tái phạm nữa. Như vậy cuộc đời của các vị tỳ kheo thật sự rất thanh cao và đáng được kính trọng trong quyết định trở thành một vị tỳ kheo của mình. Nếu như  một vị sư nào đó phạm trọng giới thì Đức Phật gọi là ác Tỳ kheo. Nghĩa tương ứng của nó là “người ăn trộm” bởi khi họ không xứng đáng với phạm hạnh của một vị tỳ kheo thì cũng giống như là đã ăn trộm vật thực cúng dường của các thí chủ. Ngài dùng từ đó để giúp cho các vị tỳ kheo thực sự hay biết về ý nghĩa của việc trở thành một vị tỳ kheo.

Bây giờ chúng ta quay về với Vitakka, ở mỗi khoảnh khắc sau cái thấy, cái nghe v.v… đã có Vitaka- Chánh tư duy, một trong các chi của Bát chánh đạo. Và như vậy thì không có ai làm gì, không có ai thực hành Bát chánh đạo. Chỉ có các tâm và các tâm sở sinh khởi và đảm nhận chức năng của chúng mà thôi. Ở khoảnh khắc ta nghĩ “tôi đang làm cái này”, về mặt bản chất chỉ có tâm sinh khởi và suy nghĩ. Kể cả ở khoảnh khắc này, thân đang ngồi, nhưng sẽ đứng dậy chỉ khi tâm muốn như vậy. Thân không thể biết gì cả, nó không thể kinh nghiệm gì cả, nó thậm chí cũng không biết tâm suy nghĩ cái gì. Thân không thể cử động hay làm bất cứ gì trừ phi có tâm sinh khởi muốn cử động, muốn làm việc này việc kia. Chính vì vậy thân là một thực tại không kinh nghiệm gì cả, còn tâm là thực tại có khả năng kinh nghiệm. Bất cứ khi nào tâm sinh khởi thì nhiệm vụ của nó là kinh nghiệm một cái gì đó, còn thân thì không thể kinh nghiệm một cái gì cả và chúng khác nhau. Chúng ta dùng hai từ khác nhau “danh” và “sắc” bởi đặc tính của chúng khác nhau. Hiện giờ đang có danh và sắc. Sắc là thực tại không kinh nghiệm gì cả, dù nó là cứng hay mềm hay một tính chất nào đó, thì nó cũng không kinh nghiệm gì cả. Chúng ta gọi đó là sắc. Danh – thực tại có khả năng kinh nghiệm đối tượng bao gồm hai loại: Thực tại dẫn đầu trong việc kinh nghiệm một đối tượng gọi là tâm; những thực tại làm nhiệm vụ nhớ lại, thích hay là không thích v.v… được gọi là tâm sở. Hiện giờ về thực chất, chỉ có các thực tại đang sinh khởi và diệt đi rất nhanh do những duyên riêng của chúng. Ở khoảnh khắc không có hiểu biết, lúc đó là vô minh. Nếu không chúng ta sẽ không thể thấy được vô minh trong một ngày là rất nhiều, ở bất cứ khoảnh khắc nào không có thiện pháp. Khi chúng ta lắng nghe Giáo pháp của bậc giác ngộ và có hiểu biết thì ở khoảnh khắc đó thì không có vô minh, bởi vì với hiểu biết không sinh khởi cùng với vô minh. Càng có thêm hiểu biết thì càng bớt vô minh. Đó chính là quá trình phát triển hiểu biết đúng. Trí tuệ là thực tại tốt nhất trong tất cả các thực tại hữu vi. Nó có thể hiểu được bất kỳ những gì xuất hiện trong hiện tại, một khi nó được phát triển tới mức độ đó. Nhưng khi trí tuệ vẫn chưa đạt được tới mức độ đó thì khoảnh khắc hiện giờ vẫn chỉ là khoảnh khắc của phát triển trí tuệ để dần dần nó có thể đạt được mức độ ấy. Tiến trình ấy diễn ra từ từ, cũng giống như việc ta cầm chuôi một con dao vậy. Kể cả khi dấu ấn tay của ta không thể hiện trên cán dao nhưng một ngày nào đấy cán dao sẽ bị mòn đi. Chính vì lý do đó, các vị tỳ kheo đi theo Đức Phật bất cứ khi nào Ngài di chuyển để họ có thể được nghe Pháp từ Ngài. Sau khi nghe, mỗi một người lại có những suy xét khác nhau. Chính vì vậy mỗi người lại có thiên hướng hay năng lực ở những khía cạnh khác nhau. Chẳng hạn có vị là đệ nhất (thượng thủ) thần thông, có vị là đệ nhất trí tuệ, v.v….

Vị sư 1:          Khi có ý nghĩ kiểm tra xem trong hiện tại có chánh niệm không hay nó đang chánh niệm về đối tượng gì, phải chăng ngay khi nghĩ như vậy là đã rời khỏi chánh niệm?

Achaan:          Bất cứ khoảnh khắc nào không có hiểu biết, khoảnh khắc ấy đều là không có chánh niệm. Đức Phật dạy chúng ta về bản chất của chánh niệm, chánh niệm là gì? Cũng như là Đức Phật đã dạy về những thực tại như cái nghe, tàm, quý v.v… Chánh niệm là một thực tại thiện và nó sinh khởi với tất cả những tâm thiện. Khi nghe pháp nếu ở khoảnh khắc có cái hiểu đúng thì ngay tại khoảnh khắc đó đã có chánh niệm rồi.  Ở khoảnh khắc của bố thí, ở đó có chánh niệm, nó biết về thiện pháp. Chính nhờ đó mới có việc bố thí cho người khác vì lợi ích của họ. Ở khoảnh khắc của trì giới cũng có chánh niệm. Chánh niệm này không giống như chánh niệm ở khoảnh khắc bố thí cho những người khác. Khi đó chánh niệm biết về thiện pháp không làm tổn hại đến người khác. Ở khoảnh khắc nghe pháp và có hiểu biết đúng cũng có chánh niệm, nhưng nó cũng khác với chánh niệm ở khoảnh khắc bố thí và trì giới. Hiện giờ tất cả các tâm sở đều đang phát triển để đến một lúc nào đó, có khoảnh khắc chánh niệm sinh khởi hay biết về thực tại hiện giờ một cách trực tiếp, về những thực tại đã được nghe rất nhiều lần, ví dụ như cái thấy chẳng hạn, rằng không có ai trong đó cả. Khoảnh khắc đólà khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp chỉ cái đang xuất hiện. Khoảnh khắc đó không giống như những khoảnh khắc khác, nó là khoảnh khắc sinh khởi với hiểu biết về thực tại đó. Như vậy ta có thể xem xét xem liệu hiện giờ hiểu biết mới chỉ ở mức độ hiểu lý thuyết về những gì được nghe, hay đã là hiểu biết về đặc tính cụ thể của thực tại đó, chẳng hạn đặc tính của thực tại sinh khởi để thấy. Vô minh không thể là duyên cho chánh niệm. Vô minh không phải là một chi của Bát chánh đạo.

Vị sư 1:          Khi Achaan nói chánh niệm kinh nghiệm thực tại thì liệu lúc đó có chánh niệm thực sự hay không hay là ý niệm về thực tại?

Achaan:         Chánh niệm chỉ có thể sinh khởi do duyên. Giống như là cái thấy và cái nghe sinh khởi do duyên, cũng hệt như vậy, chánh niệm cũng chỉ sinh khởi do duyên. Cetana hay tư tâm sở là một thực tại sinh khởi với tất cả các tâm thiện cũng như tâm bất thiện. Có cetana- tư với hành động bất thiện như sát sinh hoặc với hành động thiện như nghe pháp, bố thí,  v.v… Ở mọi khoảnh khắc đều có cetana, nhưng cetana có thể là thiện hoặc bất thiện.

Đức Phật chưa bao giờ nói rằng cetana là một chi của Bát chánh đạo. Đức Phật chỉ nói đến tám tâm sở- tám chi như ta đã biết.

Bất cứ khi nào có sự cố ý để làm cái gì đó, lúc đó cũng đồng nghĩa với việc có ý niệm về ngã bởi khoảnh khắc đó không có cái hiểu về vô ngã. Việc cố ý làm thế này hay làm thế kia cũng là một thực tại, không phải là ngã, không phải là “ta” cố. Bất cứ ai đọc Tam tạng nhưng không có hiểu biết đúng sẽ nghĩ rằng có một “ai” đấy cần phải đi theo lời dạy của Giáo lý, thay cho hiểu đúng rằng không có một ai cả. Chẳng hạn như giữ giới tránh xa sự sát sinh. Nếu không có hiểu biết đúng thì ta sẽ đọc giới đó như là Đừng sát sinh, như là một lời ra lệnh. Nhưng thực chất Đức Phật không trình bày như vậy. Điều gì xảy ra tùy thuộc vào sự hiểu biết. Nếu ở khoảnh khắc đó có hiểu biết rằng sát sinh là làm tổn hại chúng sinh khác, nó sẽ làm duyên cho việc giữ được giới không sát sinh, chứ không có “người” nào làm việc đó cả. Chính vì vậy có những từ như là thiện pháp và bất thiện pháp. Nếu chúng ta nói với một ai đó rằng người này là một người tốt thì thực chất, điều ấy chỉ có nghĩa là ở người này có sự sinh khởi của tâm thiện một cách thường xuyên. Nhưng ở những khoảnh khắc khác, khi có những bất thiện tâm sinh khởi, liệu ta có thể nói rằng người ấy là người tốt nữa hay không? Nên cần phải hiểu về mặt tối hậu là không có người tốt hay người xấu, mà thực chất chỉ là các pháp bất thiện hay pháp thiện đã sinh khởi. Vậy cái thấy là thiện hay không? Hiện giờ có cái thấy, nó có thiện hay không?

Vị sư 1:          Nếu nói là thiện thì có thể trong khái niệm chứ trong thực tại thì cái thấy nó chỉ thấy, không có thiện và bất thiện?

Achaan:         Sư đã trả lời chính xác. Những lời dạy của Đức Phật rất chi tiết, chính vì vậy được gọi là những lời chân lý. Cái thấy thì là một tâm quả, nó có thể là quả của nghiệp thiện hoặc bất thiện. Nếu là quả của nghiệp bất thiện, cái thấy sẽ thấy đối tượng không khả ái. Nếu là quả của nghiệp thiện, cái thấy sẽ thấy đối tượng khả ái. Nhưng về mặt bản chất,  cái thấy chỉ thấy mà thôi. Bây giờ ta sẽ biết thêm một từ khác, không phải thiện mà cũng không phải bất thiện. Từ đó là avyakata- vô ký,  nó để chỉ tất cả các thực tại không phải là thiện hay bất thiện. Tất cả các thực tại không phải là thiện và bất thiện thì đều là avyakata -thực tại vô ký.

Vậy cái thấy không phải là thiện cũng không phải là bất thiện mà là avyakata- vô ký. Thiện không thể là bất thiện, bất thiện không thể là thiện và hai thứ đó không thể là vô ký.

Sadhu sadhu sadhu!

 

Comments are closed.

Translate »