Pháp đàm sáng ngày 02-09-2013 tại Sài gòn

5/ Pháp đàm buổi sáng ngày 02.09.2013 tại Sài Gòn

 

Học viên 5:   Hôm qua Achaan có chia sẻ về ý nghĩa thực sự của chánh niệm. Như vậy thì chánh niệm giống như lâu nay là ảo kiến, bị sai lầm nghĩ rằng mình thực tập có chánh niệm; chánh niệm đó không đúng vì nó thiếu chánh kiến, thiếu sự hiểu biết.

Khi về nhà con có thực tập thế này không biết là đúng hay sai? Khi nào có chánh kiến là khi mình làm việc thiện lúc đó mình có chánh niệm. Bố thí là có chánh niệm, trì giới là có chánh niệm, tác ý thuộc về thiện là có chánh niệm, tinh tấn trong lúc nghe pháp là có chánh niệm. Nếu trong một ngày cứ để cho tâm thoải mái nổi sân nổi si và nói là tôi đang chánh niệm về tâm tham tâm sân. Khi đó nếu có suy nghĩ đúng sẽ có hành động đúng, thì cái đó có phải là thuộc về sati? Khi đó nếu có suy nghĩ sai sẽ hành động sai, thì nó thuộc về tà kiến, vậy có đúng không?

Sarah:            Trước hết sẽ chia sẻ từng ý một: việc bạn nghe và suy xét về những điều Achaan nói là rất tốt, vì nghe pháp và suy xét là điều nên làm. Tuy nhiên khi nói đến việc trở về thực hành, bản thân ý nghĩ là mình thực hành cái gì đó đã hàm chứa một ý niệm về một cái ngã có thể tạo ra chánh niệm, Liệu đó có phải là chánh niệm hay không? Bất cứ khi nào chúng ta có cái ý niệm cố gắng thực hành, hay mong muốn có chánh niệm, hay nghĩ đến việc bây giờ sẽ chánh niệm, sẽ không thể có được chánh niệm, bởi vì có sự dính mắc ở trong đó, dính mắc để có chánh niệm thay cho một sự phát triển tự nhiên, đó sẽ không phải là duyên để cho chánh niệm hay trí tuệ sinh khởi.

HV 5:             Bà có thể nhắc lại những duyên để chánh niệm sinh khởi?

Sarah:            Hiện giờ chúng ta đến đây nghe Achaan giảng pháp, nói về những gì đang sinh khởi hiện giờ, về cái thấy, cái nghe… Thông thường chúng ta có ý niệm rằng chúng ta đến đây và đang ngồi nghe pháp với những người bạn đạo. Nhưng về mặt chân đế, đó chỉ là những khoảnh khắc của cái nghe, những khoảnh khắc của cái thấy, rồi được tiếp nối bởi các suy nghĩ,… và tất cả những cái đó đều là thực tại. Khi được chỉ ra rằng đó là những khoảnh khắc của các thực tại sinh khởi và diệt đi tiếp nối lẫn nhau, nếu có sự suy xét chân chánh ở khoảnh khắc nghe, ở chính khoảnh khắc ấy đã có chánh niệm. Còn nếu không có hiểu biết ở khoảnh khắc được nghe nói về giây phút hiện tại như vậy, sẽ chưa thể hiểu đúng chánh niệm là gì. Nếu chưa có hiểu biết đúng thế nào là chánh niệm, sẽ chưa có đủ duyên để chánh niệm sinh khởi.

Cần phân biệt thêm các mức độ khác nhau của chánh niệm: chánh niệm sinh khởi với tất cả các tâm thiện, vì vậy chánh niệm có nhiều mức độ khác nhau: có chánh niệm ở mức độ khi làm các việc thiện như bố thí, trì giới, khi chúng ta có những lời ái ngữ – ở những khoảnh khắc đó là có chánh niệm. Nhưng  loại chánh niệm mà ta đang bàn tới đây – loại chánh niệm hợp với trí (hiểu biết), loại chánh niệm hay biết các thực tại – thì chỉ sinh khởi với sự phát triển của Tứ niệm xứ . Lại nhắc lại một chút về các duyên để có chánh niệm, như hôm qua chúng ta có nói, đó là: được gần gũi bậc thiện trí thức và được nghe Chánh Pháp. Giải thích cụ thể hơn, khi chúng ta được nghe pháp về các loại thực tại khác nhau, chẳng hạn về cái thấy – cái thấy là một thực tại kinh nghiệm đối tượng thị giác, còn đối tượng thị giác là thực tại không kinh nghiệm  gì cả; về tâm từ, tâm bi là các thực tại sinh khởi kinh nghiệm đối tượng là chúng sinh, đối nghịch với tâm sân v.v… điều đó có thể tạo duyên cho chánh niệm sinh khởi  hiểu về những thực tại đó khi chúng xuất hiện. Khi đó sẽ có hiểu biết rõ dần hơn về sự khác biệt giữa khoảnh khắc có chánh niệm và khoảnh khắc không có chánh niệm. Nếu không có hiểu biết đó sinh khởi thì chúng ta sẽ bị nhầm lần, chúng ta sẽ tưởng cái không phải chánh niệm là chánh niệm, chẳng hạn như việc hay biết khi chúng ta đi ra mở cửa, hoặc thực hành chánh niệm, chúng ta tưởng đó là chánh niệm, nhưng một khi chánh niệm sinh khởi để hay biết cùng với hiểu biết đúng, lúc đó sẽ biết rằng đâu là chánh niệm thực sự và đâu không phải là chánh niệm thực sự.

HV 5:             Như vậy những khoảnh khắc của phiền não mà được phát hiện và ghi nhận thì lúc đó có được gọi là chánh niệm hay không?

Sarah:            Tất cả những khoảnh khắc của thiện tâm đều có chánh niệm, chẳng hạn khoảnh khắc có tâm từ sinh khởi với một người khác thì ở khoảnh khắc đó có sati (chánh niệm). Nhưng nếu khoảnh khắc đó không đi kèm với hiểu biết đúng thì nó chỉ đơn thuần là chánh niệm sinh khởi cùng với tâm thiện mà thôi và không có trí tuệ đi kèm. Nhưng khi có hiểu biết sinh khởi đồng thời thì ở khoảnh khắc đó có chánh niệm ở một mức độ cao hơn. Đối với tâm bất thiện, khi có sự dính mắc, chẳng hạn dính mắc vào việc thực hành hay dính mắc vào việc có chánh niệm, chắc chắn ở khoảnh khắc dính mắc thì không có sati. Nhưng khoảnh khắc thấy được tính chất của sự dính mắc và hiểu đúng về nó thì khoảnh khắc đó lại là có sati.

HV 5:              Theo như lời Achaan dạy là hoàn toàn triệt để phá ngã không còn một chút dính mắc nào, ngay cả thiện và bất thiện cũng đều là vô ngã. Nói đến khoảnh khắc thực tại thì không thể nào dùng ngôn từ để mà diễn đạt. Đó là một sự cảm nhận. Sau khi học Achaan thì có cái tâm sinh khởi ý muốn thực hành có sự tinh tấn nhưng ngay cái tâm đó nó lại nghĩ là không biết có dính vào ngã hay không? Nên muốn diễn đạt ra, muốn nói lên thì lại kẹt vào cái ngã. Vậy những hành động thiện như bố thí thì cái chánh niệm chỉ là thầm cảm nhận hay sao. Làm thế nào có thể hoàn toàn sống với tinh thần vô ngã khi mà ý niệm về ngã luôn ở đó?

Achaan:         Hiểu biết không thể diễn ra một cách nhanh chóng được. Ví dụ việc tôi học Tiếng Việt. Vì không phải là người Việt nên tôi phải học từ từ, cần có thời gian. Ngay một từ như  Xin chào,  ngay lập tức tôi không thể nhớ ngay được, mà đầu tiên phải nghe rồi nhắc lại một lần, hai lần, rồi sau đó dần dần mới nhớ được. Sau đó mới học đến từ Cảm ơn, và để học được tôi phải nghe đi nghe lại. Ngay vừa rồi thôi, tôi phải nghĩ mới nhớ được từ Cảm ơn và không chắc, tối nay còn nhớ hay không? Đó mới chỉ là vấn đề ngôn ngữ thôi, vậy mà đã không dễ dàng rồi, nói chi đến giáo lý của Đức Phật. Giáo lý của Đức Phật khó hơn rất nhiều, bởi vì chúng ta chưa nghe được là bao, kể cả chỉ trong kiếp này. Chính vì vậy chúng ta cần phải nghiên cứu từng từ một, một cách rõ ràng từng từ từ một, nếu không ta sẽ cho là mình đã hiểu, nhưng thực chất hiểu biết của chúng ta  rất hời hợt. Trong 45 năm, Đức Phật đã dạy rất nhiều từ, không đếm được, nhưng mỗi lần chúng ta chỉ học được một từ mà thôi, và đã cần phải rất nhiều thời gian. Những gì Đức Phật giảng đều tới từ sự giác ngộ của Ngài và rất khác với những gi mà chúng ta vẫn quen nghĩ tới. Chúng ta luôn thấy con người và vạn vật, điều này đã xảy ra từ rất lâu rồi, từ nhiều a tăng kỳ kiếp, luôn luôn có ý niệm về con người và vạn vật. Bây giờ chúng ta nói đến vô ngã, vậy ý nghĩa của nó thực sự là gì? Nó có nghĩa là không có những con người thường hằng, không có những thứ thường hằng, không có một cái gì xuất hiện mà thường hằng. Thế giới của thực tại chân đế rất khác với thế giới mà chúng ta quen nghĩ về cho tới giờ. Hiện giờ, nếu có hiểu biết đúng thì ở cùng thời điểm đó, có rất nhiều tâm sở thiện xuất hiện cùng nhau. Ai biết được điều đó ? Nó xảy ra chỉ trong một khoảnh khắc mà thôi. Nếu chưa có hiểu biết vững vàng ở mức độ tư duy về những những gì được nghe, sẽ không thể đi xa hơn như nói đến việc thực hành, phát triển… Như vậy, thái độ đúng khi nghe pháp là hãy chỉ hiểu mà thôi, chứ không để làm cái gì cả,.. Nếu không thì người đó sẽ thông thái hơn cả chính Đức Phật. Bởi vì trước khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã phải tích lũy các Ba la mật trong một thời gian rất dài và phát triển hiểu biết về các thực tại sinh khởi trong khoảnh khắc hiện giờ. Cách mà tốt nhất để thể hiện sự tôn kính tới Tam bảo là nghiên cứu Giáo lý của Đức Phật, các từ mà Ngài dậy. Đừng nghĩ rằng mình có thể hiểu ngay lập tức được. Mặc dù Đức Phật nói rằng tất cả các pháp là vô ngã nhưng khi chúng ta nghe điều ấy thì chúng ta lại có ý niệm, ôi “tôi” có thể làm được điều ấy, có thể chứng ngộ, nhưng điều đó hoàn toàn đi ngược với Giáo lý của Ngài. Nếu như ai đó nói rằng tôi quy y Phật, Pháp, Tăng nhưng không có hiểu biết thực sự thì người đó chưa thực sự chân thành. Vậy đừng vội nghĩ chúng ta có thể hiểu ngay được những từ này. Kể cả những từ như là Ngã và Vô ngã cũng hoàn toàn không đơn giản. Hiện giờ cái gì được thấy và ai thấy đây? Vẫn có cái ý niệm rằng tôi đang thấy và cái được thấy là một cái gì đấy tồn tại kéo dài. Đừng vội vàng làm một cái gì đó, hay cố thực hành mà hãy chỉ hiểu và hiểu biết sẽ tự phát triển. Nếu như có ý nghĩ “tôi” sẽ thực hành hoặc “tôi” có thể làm điều ấy, khoảnh khắc đó là có [ý niệm về] ngã, chứ không phải vô ngã. Trong Tam tạng có nói, những lời dạy của các Giáo lý khác không thể phá bỏ được cái ý niệm về ngã, mà chỉ giáo lý của Đức Phật mà thôi mới làm được điều ấy mà thôi. Những ý niệm có hàm ý về ngã ấy được giảng dạy bởi những người chưa nghiên cứu giáo lý của Đức Phật một cách kỹ lưỡng, vậy chúng ta không nên là một trong số đó. Kể cả những từ đơn giản như ngã, vô ngã, cái thấy, cái nghe, cái ngửi v.v… là những thực tại hàng ngày nhưng có ai biết được sự thực về chúng nếu như không có Giáo lý của đức Phật. Khi Đức Phật nói  tất cả các pháp đều là vô ngã, Ngài không chỉ dừng lại ở đó. Ngài đã dạy cho bất kỳ ai, ở bất kỳ nơi nào có được hiểu biết thực sự về điều ấy. Những ý niệm khác không đề cập đến hiểu biết đúng thì không thể tận diệt được các bất thiện pháp, nếu đi ra khỏi hiểu biết đúng thì không phải là lời dạy của Đức Phật. Chẳng hạn như bây giờ, cái gì là thực? Sự thực tuyệt đối và sự thực chế định rất khác nhau. Dường như phải lộn thế giới bên trong ra ngoài để thấy được sự thực. Cái đang kinh nghiệm cái được thấy hiện giờ không phải là tự ngã.

Đêm qua tất cả mọi người đều ngủ đúng không? Có ai mơ không? Ồ, tất cả mọi người. Chúng ta mơ về cái gì? Chúng ta mơ về những  gì đã thấy, đã nghe, có thể là những thứ đã diễn ra trong ngày hôm qua. Nhưng tại sao chúng ta lại nói là đó chỉ là một giấc mơ thôi? Tất cả mọi người đều biết được sự khác biệt giữa mơ và không mơ, nhưng lại không chỉ ra được sự thực về điều ấy. Vậy sự khác biệt giữa giấc mơ và khi không mơ, như bây giờ là gì nào? Điều này không thể được biết chỉ bằng việc cứ cố thực hành. Đức Phật đã không cần phải dạy đến 45 năm nếu chỉ cần bảo mọi người đi thực hành mà thôi. Lời dạy của Đức Phật không làm tăng sự vô minh và dính mắc. Ngược lại, lời dạy của Đức Phật dẫn tới thêm trí tuệ, ở những mức độ khác nhau. Trong tiếng Pali, chúng ta biết đến các từ Pariyatti- pháp học, Patipatti – pháp hành, Pativeda- pháp thành.

Sarah:            Pariyati là pháp học, chẳng hạn chúng ta đang được nghe về các thực tại khác nhau, các thực tại sinh và diệt. Việc nghiên cứu về các thực tại ấy không phải là việc chỉ đơn thuần đọc sách mà không có hiểu biết đúng. Việc chúng ta tiếp tục nghe,  nghiên cứu và suy xét về các thực tại sinh khởi trong một ngày, ví dụ như cái thấy, cái nghe, xúc chạm, chánh niệm, hiểu biết, chánh tinh tấn v.v…sẽ khiến hiểu biết phát triển dần dần, hiểu rõ hơn và rõ hơn nữa về các thực tại ấy, và tới một lúc, nó sẽ dẫn đến những khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp về thực tại, khoảnh khắc đó chính là khoảnh khắc của patipati– pháp hành. Khi những khoảnh khắc của kinh nghiệm trực tiếp hay pháp hành diễn ra ngày càng nhiều hơn và sâu sắc hơn, đó cũng chính là Tứ niệm xứ. Tuy nhiên, nếu không có pháp học làm nền tảng- hiểu biết rõ ràng hiện giờ đâu là các thực tại như cái thấy, tham, sân, v.v…, sẽ không thể có sự sinh khởi của pháp hành, của tứ niệm xứ, sẽ không dần dần  dẫn tới  pativeda– pháp thành. Khi sự phát triển của pháp hành đã diễn ra một cách thường xuyên hơn và nhiều lần hơn, dần dần nó sẽ dẫn tới pháp thành, tức là những khoảnh khắc của các vipassanā ñāṇa- tuệ minh sát, và khoảnh khắc của sự chứng ngộ Tứ diệu đế. Nhưng để khoảnh khắc của pháp hành và pháp thành  sinh khởi thì cần phải có pháp học ở bước ban đầu. Pariyati – tức là nghiên cứu các thực tại đã được giảng được nghe là những bước rất sơ khởi để dần đặt nền tảng cho Bát chánh đạo hiệp thế. Bát chánh đạo hiệp thế sinh khởi khi có hiểu biết về các thực tại sinh khởi hiện giờ. Khi Bát chánh đạo hiệp thế được phát triển viên mãn, nó sẽ dẫn đến Bát chánh đạo siêu thế.

Học viên 2:    Bát chánh đạo tôi thường hiểu khá đơn giản, chúng ta đang hành việc là mỗi ngày chúng ta làm cho cái tâm tốt hơn bằng việc thực hiện các yếu tố trong Bát chánh đạo. Đơn giản rằng chúng ta cố gắng nói lời chân chánh khi thấy ta nói lời không chân chánh. Trong hành động cũng vậy. Đấy là việc chúng ta cho là chúng ta giữ giới. Trong các khóa tu thiền chúng ta đạt được một sự an ổn trong tâm, biết được vài phương pháp quán thân, quán thọ, quán pháp. Khi nghe pháp chúng ta cũng biết quan sát các pháp vận hành và chúng ta từ từ có một chút hiểu biết đúng đắn, có nghĩa là chúng ta đi vào phần tuệ trong con đường bát chánh đạo, cứ như vậy, mỗi ngày chúng ta góp nhặt một chút, chúng ta chịu khó đọc kinh sách, nghe pháp. Vậy có phải là đang hành trên con đường của Đức Phật hay không? Đến khi đẩy đủ nhân duyên thì tuệ giác của chúng ta sinh khởi. Hôm qua Sarah có nói với tôi rằng, Bát chánh đạo như vậy chỉ là Bát chánh đạo hiệp thế. Chỉ khi đạt đến những tầng tuệ giác cao thì chúng ta mới thực sự kinh nghiệm được Bát chánh đạo. Đấy không phải là con đường chúng ta bước đi như chúng ta vẫn thường hiểu, mà phải là những gì chúng ta trực nghiệm. Điều đó làm tôi khó hiểu. Hôm nay tôi muốn được nghe Achaan giải thích thêm về điều này.

Người phiên dịch: Vừa rồi Sarah có tóm tắt lại câu hỏi cho đơn giản hơn, có nói ý cơ bản nhất trong những gì bạn trình bày, đó là cái hiểu của bạn về Bát chánh đạo, bao gồm Giới- Định -Tuệ, và rằng Giới – Định phải được thực hành trước khi Tuệ có thể sinh khởi.

Achaan:         Đó vẫn là ý niệm riêng của bạn về Bát chánh đạo mà thôi. Như vừa rồi đã chia sẻ, tôi mới học được hai từ tiếng Việt, và hi vọng là hôm nay sẽ học thêm được một từ nữa. Nhưng khi quay về Thái lan tôi không chắc có thể nhớ được những từ đã học hay không. Tương tự, khi chúng ta nghe pháp, có thể có những khoảnh khắc hiểu biết có vẻ rõ ràng, nhưng sau đó lại có những, khoảnh khắc của tâm bất thiện, những tình huống khác, những thông tin khác, v.v…, tất cả những cái đó che lấp cái hiểu đã sinh khởi và đã diệt đi rồi, khiến cho nó trở nên mờ nhạt. Chính vì lẽ đó, mỗi từ mà chúng ta tìm hiểu cần phải bám rễ thật sâu. Cũng như cái cây phải có rễ để không bị đổ ngã, cái hiểu của ta về từng từ phải thật sâu thì mới không bị che lấp bởi bóng tối, khi hiểu biết chưa thực sự chắc chắn. Và cũng tương tự  việc chỉ học được mỗi lúc một hai từ Tiếng Việt mà thôi, nếu ai đó đọc rất nhiều từ trong Tam tạng mà không có hiểu biết thực sự thì điều đó cũng không có ích lợi gì. Sẽ giống như tôi nghe nhiều từ tiếng Việt mà không hiểu gi cả. Như vậy chúng ta nghe về những từ như Định, Niệm và Bát chánh đạo, chúng ta hiểu những từ đó như thế nào đây? Học về những gì mà Đức Phật đã dạy từ sự giác ngộ của Ngài cũng giống như việc học ngôn ngữ? Nó cũng như vậy nhưng khó khăn hơn rất nhiều. Chúng ta có thể nghe đi nghe lại một thứ, nhưng học được hay không còn tùy thuộc vào hiểu biết và trí nhớ. Chẳng hạn như từ Anatta –Vô ngã. Có bao nhiều lần chúng ta hiểu đúng nó như  chúng ta cần phải hiểu? Cho đến khi nó được hiểu một cách rất thấu đáo và được ghi nhớ vững chắc bởi tưởng để không bao giờ quên được ý nghĩa thực sự của nó nữa. Ở bất cứ khoảnh khắc nào có ý nghĩ “tôi” có thể làm, ở khoảnh khắc đó không có cái hiểu đúng về anatta hay là về từ thực hành. Cái ngã thực hành hay là vô ngã thực hành đây? Chính vì vậy chúng ta cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng, cụ thể, chẳng hạn như  bây giờ liệu đã có cái hiểu rõ về anatta chưa? Sati (chánh niệm) là có thực, đó là một thực tại, sati có vô ngã hay không? Samadhi– định là một thực tại, nó có vô ngã hay không? Cần hiểu thực sự rằng tất cả các thực tại đều không thường hằng và đều là vô ngã. Hiện giờ có rất nhiều thực tại để nghiên cứu mà vẫn chưa được biết, cũng giống như đối với tôi, nhiều từ tiếng Việt hoàn toàn chưa được biết. Tôi không thể nào học tất cả những từ ấy cùng một lúc. Hiện giờ đang có rất nhiều thực tại, các thực tại kinh nghiệm và những thực tại được kinh nghiệm, và những thực tại này cần phải được nghiên cứu để bản chất vô ngã của chúng được hiểu đúng. Nếu chúng ta hiểu đúng cách Tuệ giác phát triển, thì chẳng phải giây phút này cũng là thực hành hay sao? Nhiều người nghĩ rằng cần phải ở một nơi nào đó đặc biệt khác với bây giờ. Nhưng ở bất cứ nơi nào cũng có cái thấy, cái nghe, sự suy nghĩ … cũng hệt như bây giờ mà thôi. Nếu hiện giờ đang có cái nghe nhưng không có hiểu biết về cái nghe đang xuất hiện, liệu thực tại đó có thể được biết ở những nơi khác, ở những thời điểm khác  hay không? Hiểu biết hiện giờ sẽ dần dần là duyên cho những khoảnh khắc hiểu về sau và sẽ dẫn tới khoảnh khắc trực nhận về thực tại. Quá trình đó được gọi là bhavana – là sự phát triển hiểu biết về thực tại hay sự phát triển tâm trí. Mỗi từ trong giáo lý của Đức Phật đều là chân lý và đều có thể dẫn chúng ta đến việc hiểu đúng về những gì đang xuất hiện hiện giờ, đó chẳng phải là điều tốt đẹp nhất trong vòng luân hồi này hay sao? Hiểu về cái xuất hiện  đã sinh khởi bởi duyên. Dù chúng ta nghĩ về cái gì đi nữa, đó cũng là do duyên. Nếu các bạn nghĩ rằng có những cách thức khác để hiểu đúng thì hãy nói cho tôi biết đi. Để hiểu được đúng cái gì đang xuất hiện hiện giờ, ví dụ như cái thấy cái nghe hay suy nghĩ. Đối với tôi, khi nói “con xin quy y Pháp” chính là “pariyati, patipati và pativeda” (Pháp học- pháp hành- pháp thành). Nếu ai đó nói rằng pháp hành sẽ dẫn đến pháp học và pháp thành thì điều ấy liệu có thể đúng không? Kể cả nghĩa của từ pháp hành cũng đã bị hiểu sai rồi.

 

Hiện giờ chúng ta đang nghe về tất cả những thực tại thấy – ngửi -nếm -xúc chạm đang xuất hiện, và điều ấy sẽ dẫn tới sự xả ly hay bớt vô minh về những gì đang xuất hiện hiện giờ, ở ngay chính khoảnh khắc  này. Nếu như vô minh dầy đặc thì làm sao có thể thấy được cái đang xuất hiện hiện giờ? Chính vì vậy vô minh cần phải được loại bỏ một cách từ từ qua việc nghe Pháp, cho đến khi hiểu biết đúng lý thuyết có thể đủ để làm duyên cho hiểu biết trực nhận. Đó chính là điều mà Đức Phật đã làm trước khi giác ngộ. Ai có thể thông minh hơn Đức Phật đây? Hiểu biết đúng là quan trọng hay thực hành là quan trọng đây? Bởi vì hiểu biết đúng thì không bao giờ sai cả. Còn thực hành mà không có hiểu biết đúng thì chắc chắn là sai. Nó không thể hiểu được đúng các thực tại hiện giờ. Còn trí tuệ đã được phát triển thì có thể hiểu bất cứ thứ gì.

Sarah:            Trong buổi nói chuyện hôm qua, quan điểm cụ thể của bạn về Định như thế nào?

HV 2:             Lúc nãy Achaan nói việc học giáo lý Đức Phật như học một ngôn ngữ rất khó. Lấy ví dụ ngôn ngữ khó như tiếng Hoa tôi đang học. Mình là người lớn thì sẽ học kỹ ngữ pháp, từ vựng, cách kết hợp, cuối cùng thành khả năng tiếng Hoa. Nhưng một đứa trẻ thì nó lại được dạy theo cách khác thông qua các trò chơi, các bài hát, các đoạn phim, nhưng cuối cùng thì nó cũng nói được tiếng Hoa như mình, có khi còn nói hay hơn mình. Cho nên chưa chắc là mình cứ cố chấp vào việc tìm hiểu hiểu biết mình cho là đúng thì mình sẽ đi nhanh hơn con đường khác. Trên con đường Bát chánh đạo, có người có thể tìm Định là yếu tố để phát triển trước, khi có Định rồi họ dễ dàng học giáo pháp hơn. Khi tâm chúng ta định hơn thì chúng ta sẽ kiên nhẫn hơn, chúng ta sẽ lắng nghe giáo pháp hơn, chúng ta sẽ rèn luyện chánh ngữ của mình. Như thế có phải chăng chúng ta rèn luyện Giới Định Tuệ theo cách mà chúng ta hiểu thông thường thì vẫn là con đường đi đúng hay không?

Achaan:         Tất cả chúng ta đều khác nhau và sự khác nhau đó là do tích lũy. Khi tôi nghe Giáo lý và gặp một từ không hiểu, tôi sẽ không đi tìm ai đó để hỏi, vì đó không phải là nơi mà tôi đã quy y, mà tôi phải đi đến cội nguồn của Giáo lý để hiểu rõ từ đó. Bởi tôi biết rằng không ai có thể giảng về Giáo lý đúng đắn hơn chính Đức Phật, Ngài đã dậy rất chi tiết. Cho nên tôi đi vào kinh điển để tìm câu trả lời, chứ không bỏ qua từ đó để chuyển sang từ khác. Chẳng hạn như từ  Sila – Giới. Tất cả chúng ta đều biết từ Giới, nhưng trong kinh điển có nói đến rất nhiều nghĩa khác nhau của Giới. Một bông hoa có thể giữ giới không, một cái bàn có giới không? Về mặt thực tại thì giới là gì? Nó phải là một thực tại có thể kinh nghiệm một đối tượng.

Trước hết chúng ta cần phải biết phân biệt hai yếu tố thuộc về danh, đó là tâm – yếu tố dẫn đầu trong việc kinh nghiệm một đối tượng và tâm sở –  cũng là yếu tố kinh nghiệm một đối tượng, nhưng nó khác với tâm- yếu tố dẫn đầu. Ví dụ ở khoảnh khắc của cái thấy thì cũng có cảm thọ, nhưng yếu tố cảm nhận đối tượng ấy rất khác với thực tại kinh nghiệm đối tượng ấy. Thực tại làm nhiệm vụ thấy, có khả năng kinh nghiệm một đối tượng thị giác đó trong tiếng Pali gọi là Citta – Tâm hoặc Tâm Vương. Ở mỗi khoảnh khắc có một tâm kinh nghiệm một đối tượng, ở mỗi cũng cần phải có một đối tượng được kinh nghiệm. Chẳng hạn, ở khoảnh khắc của cái thấy phải có đối tượng của cái thấy (hay còn gọi là đối tượng thị giác). Đó chính là cuộc sống, nó tiếp nối từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, từ khi sinh ra đến khi chết đi nhưng với vô minh và ý niệm về tự ngã, về một cái gì đó trường tồn, từ vô thủy. Vậy làm sao vô minh có thể được tận diệt một cách dễ dàng đây? Như hiện giờ ai biết được mức độ của bất thiện nào đã sinh khởi? Chính vì vậy chúng ta hãy “Con xin quy y Pháp”  để học để hiểu về những thứ luôn luôn bị che lấp. Như hiện giờ cái đang được kinh nghiệm đang bị che lấp. Cái xuất hiện là thế giới bên ngoài, thế giới của con người và đồ vật. Nhưng nếu không có những thực tại như cái thấy và suy nghĩ thì sẽ không có gì cả.

Một từ nữa dùng để chỉ tất cả các thực tại hữu vi là từ loka – thế gian hay là hiệp thế. Người Thái dùng rất nhiều tiếng Pali trong ngôn ngữ cho nên đối với họ việc sử dụng từ Pali rất dễ dàng, chẳng hạn như từ loka, tuy nhiên họ lại không có hiểu biết đúng về nghĩa của từ Loka, cho đến khi họ nghiên cứu Giáo lý. Tôi vẫn chưa biết từ loka trong tiếng Việt. Có ai có thể nói cho tôi biết về từ loka không?

Học viên 11: Ý nghĩa trong tiếng việt là Đời hay thế gian.

Achaan:         Nhưng nó là gì?

HV 11:           Có ba loại: đời bản chất, đời thế gian và hay đời vũ trụ. Đời bản chất là tâm và tâm sở; đời vũ trụ là toàn bộ chúng sinh; đời thế gian thì con không nhớ.

Achaan:         Nghĩa tối hậu của tâm và tâm sở là gì, khiến nó có thể trở thành Thế giới hay thế gian? Điều bạn nói là đúng nhưng chưa được đầy đủ, bạn có thể nói thêm được không?

HV 11:           Trong tất cả các pháp vận hành đều gồm danh và sắc, danh gồm tâm và tâm sở, sắc là vật chất nó biến đổi hoại diệt. Tâm là sự biết thì chỉ biết thôi, tâm sở là nó phải phụ thuộc vào tâm. Không có chúng sinh gì cả mà chỉ có danh và sắc thôi, cho nên mới hình thành được thế giới. Do những danh sắc đó.

Achaan:         Khi không có gì sinh khởi thì có thế gian không?

HV 11:           Không bao giờ không có cái gì sinh khởi cả. Luôn luôn nó sinh rồi diệt không bao giờ chấm dứt cả.

Achaan:         Có phải bạn muốn nói rằng nếu như không có gì sinh khởi thì không có thế giới, đúng không?

HV 11:           Con chưa được chứng kiến cho nên không thể khẳng định, nhưng mà chắc là như vậy.

Achaan:         Bây giờ chúng ta mới chỉ đang thảo luận ở mức độ lý thuyết thôi. Chúng ta chỉ đang tìm hiểu về mặt lý thuyết về những gì mà trí tuệ có thể kinh nghiệm, và trí tuệ thì không phải là tôi, là bạn, hay là một người nào đó. Nhưng hiểu biết về mặt lý thuyết sẽ dẫn tới hiểu biết rằng, cái đang xuất hiện hiện giờ là thế gian – thế giới, và rằng nó không trường tồn, nó sinh và diệt một cách rất tự nhiên. Nếu không, sẽ vẫn có ý niệm về một ai đó thực hành, và vậy thì có thể có trí tuệ thực sự được không? Nhưng ở khoảnh khắc của sự thực hành thực sự, sẽ có hiểu biết rằng bất cứ cái gì sinh khởi đều có thể được hiểu, và sẽ thấy rằng không có ai cả, không có thế giới. Điều này sẽ dẫn đến hiểu biết về ý nghĩa thực sự của sila- giới, bởi vì cái không kinh nghiệm gì cả thì không thể có giới. Hiện giờ chúng ta đang ngồi đây có giới hay không? Bởi yếu tố kinh nghiệm có lúc là thiện, có lúc là bất thiện, đúng không? Hiện giờ chúng ta chỉ biết có thiện và bất thiện, nhưng cần phải biết thêm nữa. Chẳng hạn như, tâm của một vị A la hán đã hoàn toàn hết sạch ô nhiễm, không còn tâm thiện và tâm bất thiện mà chỉ còn tâm duy tác – kiriya citta mà thôi. Thế giới ở bên trong bây giờ đang sinh và diệt trong từng khoảnh khắc. Ở khoảnh khắc của tâm bất thiện, thân và khẩu đi kèm và khi ấy sẽ có giới bất thiện. Như vậy có cả giới thiện cũng như giới bất thiện. Ta không biết rằng trong một ngày bình thường, có nhiều giới bất thiện hơn là giới thiện

Sarah:            Đối với người bình thường, ngay khi tâm sinh khởi sẽ được kèm theo thiện hoặc bất thiện, khi đó được gọi là giới thiện và giới bất thiện. Nhưng với một vị Arahan thì sẽ có các pháp gọi là avyakata pháp vô ký – tức là không phải là thiện, cũng không phải là bất thiện.

Achaan:         Tất cả các thực tại này đều đang có mặt hiện giờ – giới thiện và giới bất thiện. Có nên biết về điều này không? Nếu ta hiểu càng chi tiết thì sẽ càng bớt dính mắc vào ý niệm về ngã. Sau đây tôi sẽ mời cô Sarah giải thích cho các bạn những mức độ phiền não rất vi tế hầu như không được biết tới trong cuộc sống hàng ngày, đó là asava – ogha –yoga. Có thể ta không biết rõ vì sao ta thực hành, và liệu điều mình biết có tận diệt được phiền não hay không. Nhưng nếu có sự nghiên cứu, chúng ta sẽ thấy rằng là chúng ta đang rất may mắn có được một cơ hội quý báu trong cuộc đời là được nghe Giáo pháp, vì việc nghe Pháp chính là duyên cho sự tích lũy hiểu biết có thể dẫn tới những khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp.

Sarah:            Có nhiều loại và mức độ khác nhau của tham ái và vô minh, tà kiến. Ở những khoảnh khắc có ý niệm rằng có ai đó thực hành, hay rằng phải cố chánh niệm, phải luyện định, hay phải trở thành “người” giữ giới trong sạch chẳng hạn, đó là những khoảnh khắc có tham đi kèm với tà kiến về ngã – tức là tâm tham hợp với tà kiến. Hôm trước chúng ta có nói đến các asava – các lậu hoặc, chúng được ví như thuốc độc bởi chúng rất độc hại và vi tế. Chẳng hạn, khi chúng ta thức dậy, ngay lập tức có sự dính mắc vào những đối tượng được kinh nghiệm ở khoảnh khắc đó mà không hề được biết, đó gọi là kama asava – dục lậu hoặc.  Chỉ  ở tầng thánh thứ ba- thánh Bất lai, loại lậu hoặc này mới được tận diệt. Loại lậu hoặc thứ hai là bhava asava hữu lậu hoặc, đây là sự dính mắc vào hữu – là sự trở thành, loại lậu hoặc này chỉ được tận diệt ở tầng thánh A a hán. Loại lậu hoặc thứ ba là ditthi asava – kiến lậu hoặc.  Đó là sự dính mắc vào những ý niệm về ngã, có những loại tà kiến về ngã rất thô, chẳng hạn như cố nhấc cái ly một cách chậm rãi để có chánh niệm, khi đó có ý niệm về một ai đấy có thể làm một cái gì đấy để có chánh niệm, đó là tà kiến rất thô. Nhưng có những loại tà kiến vi tế hơn, như khi chúng ta nghĩ về cái tay và cảm nhận đây là tay mình, khi đó cũng là một loại tà kiến nhưng nó vi tế hơn. Một vị Tu đà hoàn–Sotapana đã hoàn toàn diệt mọi loại ditthi- tà kiến kể cả  vi tế nhất. Với vị ấy, sẽ không bao giờ có những ý niệm như “có ai đó có định”, hay “đây là tay của tôi”. Điều đó sẽ không bao giờ xuất hiện trong tâm vị ấy, vì nó đã hoàn toàn bị tận diệt. Loại lậu hoặc thứ tư là avijja asavavô minh lậu hoặc, avija là một từ đồng nghĩa với si-moha, và có nghĩa là “không hiểu đúng thực tại như nó là”, và điều đó xảy ra thường xuyên hàng ngày. Trong một ngày, ngoại trừ những khoảnh khắc của bố thí, trì giới và phát triển tâm trí (bhavana), sẽ luôn có vô minh lậu hoặc, chỉ duy nhất  vị A la hán mới hoàn toàn tận diệt được loại lậu hoặc này.

Một từ nữa mà Achaan có nhắc đến là từ ogha có nghĩa là lụt (bộc). Khi các phiền não lớn mạnh thì chúng giống như trận lụt, một khi sinh khởi chúng sẽ như một dòng nước lớn cuốn đi tất cả. Dù có hiểu biết sinh khởi, nhưng khi có nhiều bất thiện pháp nó vẫn sẽ cuốn đi mọi thứ. Về mặt bản chất, ogha cùng là một loại thực tại với các lậu hoặc đã kể trước nhưng ở mức độ mạnh mẽ hơn, thô tháo hơn và dễ được nhận thấy hơn trong cuộc sống, còn mức độ của asava thì rất vi tế.

Từ thứ ba là Yoke, có nghĩa là như sự trói buộc, xiềng xích. Một con thú bị yoke là một con thú bị giam hãm, bị cột trong một cái chuồng. Giống như vậy, chúng ta bị trói buộc, bị cầm tù bởi phiền não. Đây là mức độ rất mạnh của phiền não.

Achaan:         Có ai trong chúng ta có suy nghĩ rằng nếu  Đức Phật đã thuyết giảnh những điều này thì điều ấy hẳn phải có ý nghĩa và hữu ích? Nếu điều ấy không hữu ích thì Đức Phật đã không cần phải dậy về nó. Đó là lời dậy của Ngài, vì vậy, hẳn việc học hiểu về nó là rất thiết yếu. Hiểu biết đúng khi được phát triển có thể tận diệt được mọi loại tà kiến, bất kể là ở mức độ nào. Khi nghiên cứu thêm, ta có thể thấy được nhiều hơn các loại phiền não sinh khởi trong một ngày, tất nhiên điều đó tùy thuộc vào mức độ của hiểu biết.

Cần phải tích lũy những gì để có thể tạo duyên cho sự tận diệt Tà kiến? Chúng ta đã nói có 3 loại sila: kusala sila (giới thiện), akusala sila (giới ác), và loại thứ ba thì khó hiểu hơn vì nó rất vi tế, nhưng nó có đó. Có rất nhiều người không sát sinh, đúng không? Chúng ta không sát sinh hàng ngày, một số người sát sinh những con nhỏ như kiến hay côn trùng, động vật và sâu bọ, nhưng không sát sinh người chẳng hạn. Khi có sát sinh xảy ra, cái đó được gọi là akusala sila – giới ác, khi không có sát sinh, đó được gọi là kusala sila- giới thiện. Tuy nhiên giới thiện có thể được thực hiện mà không đi kèm chút hiểu biết nào. Hiểu biết hiểu rằng, cả khoảnh khắc có sát sinh hoặc không có sát sinh đều là vô ngã. Yếu tố làm duyên quan trọng nhất vẫn là hiểu biết đúng. Nếu không, sẽ không có cách nào để thấy rằng không có cái ngã nào cả, dù ta cử động, nói hay suy nghĩ.

Ngay cả cách ngồi hiện giờ của mọi người ở đây đều rất khác nhau, mỗi người trong một tư thế. Đó là do tích lũy của chúng ta từ vô lượng kiếp. Nhưng tà kiến có thể được tận diệt khi có thêm hiểu biết đúng. Tà kiến là một thực tại, cũng như Chánh kiến là một thực tại. Chính vì vậy Đức Phật có chỉ ra rằng Bát chánh đạo khác với Tà đạo. Khi không có hiểu biết thì các yếu tố trở thành tà, và như vậy sẽ có Bát tà đạo. Vậy làm sao ta có thể biết được con đường đạo này là chánh hay tà đây? Nếu không có hiểu biết đúng về thực tại hiện giờ, sẽ có ý niệm về ngã.  Bản thân hiểu biết đúng hoặc vô minh cũng là vô ngã, tất cả các thực tại đều là vô ngã, đều không phải là “tôi”. Và khi không cho các thực tại là tôi hay ta, sẽ có Con xin quy y Pháp thực sự. Đó là cách duy nhất để phát triển hiểu biết và loại trừ Tà kiến.

Trong một ngày, khi không có sự xao lãng, sẽ có thể có sự suy xét liệu cái này có phải là sila hay không? Mặc dù có suy xét như vậy, nhưng khoảnh khắc đó vẫn chỉ là suy nghĩ chứ không phải là kinh nghiệm trực tiếp về thực tại đó ở khoảnh khắc nó sinh khởi. Nhưng bản thân việc suy nghĩ ấy cũng có thể dẫn tới  hiểu biết kỹ càng hơn về thực tại. Cái thấy hiện giờ đã được hiểu là vô ngã một cách trực tiếp hay chưa? Những khoảnh khắc như vậy chính là quá trình phát triển hiểu biết mà chúng ta gọi là bhavana. Bhavana không phải là việc “làm” một cái gì đó mà chúng ta vẫn coi là thực hành. Hiện giờ liệu có thể có bhavana hay không? Liệu có thể có thực hành hiện giờ hay không? Liệu có cần đi đến một nơi nào đó để thực hành khi vẫn chưa có hiểu biết về mặt lý thuyết về cái đang xuất hiện hiện giờ?

Jonathan:     Như vậy sự thực hành đúng nhất chính là khoảnh khắc chánh niệm về thực tại. Khi Đức Phật nói đến sự thực hành, ý nghĩa thực sự mà Ngài muốn nói đến không phải là ai đó có thể làm một cái gì đấy để chánh niệm, mà là nói đến sự sinh khởi của khoảnh khắc thực sự có chánh niệm về thực tại. Nếu chúng ta vẫn chưa hiểu được sự khác biệt giữa “ý nghĩa thực sự của sự thực hành” (là những khoảnh khắc có chánh niệm thực sự sinh khởi) với việc cho rằng “thực hành là ai đó làm một cái gì đó”, sẽ không thể nào hiểu được những phần còn lại của giáo lý. Điều này sẽ đưa chúng ta quay về câu hỏi ban nãy rằng “làm những việc thiện tách rời với hiểu biết thì có phải là phát triển Bát chánh đạo hay không?” Mặc dù Giới, Định hay Bố thí là những thiện pháp sẽ hỗ trợ cho việc phát triển hiểu biết, nhưng bản thân chúng không phải là những bước để đi tới con đường phát triển Tuệ giác. Bởi lẽ, lời dạy về Vô ngã và về các thực tại là lời dạy duy nhất chỉ có Đức Phật mới thuyết giảng, không một ai khác có thể thuyết giảng về những điều ấy. Mặc dù chúng ta cần phát triển mọi loại thiện pháp nhưng chúng ta không nên nhầm lẫn cho rằng tất cả các loại thiện pháp đều là sự phát triển tuệ giác. Tất cả các thiện pháp đều cần được phát triển, nhưng cái mà chúng ta cần phải phát triển nhất chính là chánh niệm và hiểu biết về các thực tại.

Achaan:         Có ai muốn hỏi gì về hai loại kusala sila và akusala sila hay không? Và kusala sila- giới thiện thì có tôn giáo hay quốc tịch không? Nó có phải là Việt nam hay Thái lan hay không? Giới không thuộc về quốc tịch nào cả, cả giới bất thiện cũng không thuộc về quốc tịch nào cả. Tất cả đều là pháp, không phải là ai, không phải là chúng sinh nào cả. Chúng chỉ là pháp thiện hoặc pháp bất thiện mà thôi. Hiểu như vậy mới có thể tận diệt được các ý niệm về “tôi”, về “người ấy” hay “cô ấy”. Nếu các bạn không có câu hỏi gì về sila thì chúng ta có thể chuyển sang nói về Định- samadhi.

Bất cứ ai cũng có thể giữ giới mà không có trí tuệ, nhưng nếu có hiểu biết, hiểu biết sẽ thấy được lợi ích của giữ giới và tác hại của bất thiện pháp. Chính vì vậy trí tuệ hay hiểu biết đúng sẽ dẫn tới càng nhiều thiện pháp hơn, bởi vì trí tuệ thì thấy được hiểm họa của bất thiện pháp và ích lợi của thiện pháp. Chính vì vậy thực tại tốt đẹp nhất trong tất cả các thực tại hữu vi chính là Trí tuệ – panna, không phải chỉ là Giới và Định.  Có câu hỏi gì về sila nữa không?

Học viên 3:   Xin bà nhắc lại về akusala sila- ác giới, nó có nghĩa là gì?

Achaan:         Không phải chỉ có tâm và tâm sở đúng không? Cũng có cả thân nữa. Thân là gì, thân là một thực tại không kinh nghiệm gì cả. Bản thân cái thân thì không có giới. Bất cứ khi nào có khẩu và thân thì về mặt thực chất, đó là do tâm cùng với các tâm sở đã tạo duyên để cho thân cử động và khẩu được phát ra. Bản thân cái thân không thể có tác ý làm gì cả, nó không thể tự cử động hay có bất cứ hành động nào hết. Như vậy chỉ ở trong tâm mới có ý niệm làm việc tốt hay là làm việc xấu. Khi có tâm thiện, nó sẽ tạo duyên để thân cử động theo cách thiện. Lời giải thích này sẽ tạo duyên cho hiểu biết rằng chỉ có các tâm, tâm sở và sắc (hay than). Khi tâm là bất thiện, chẳng hạn như tâm tham, nó sẽ tạo duyên cho thân cử động theo cách biểu hiện của cái tham đó. Như vậy ở khoảnh khắc của giới bất thiện, tâm sẽ tạo duyên cho thân cử động làm việc sát sinh hay trộm cắp. Ngược lại khi tâm là thiện, nó sẽ tạo duyên cho thân cử động theo cách là thiện, chẳng hạn như giúp đỡ người khác, hay là đảnh lễ người đáng đảnh lễ. Đó là giới thiện. Tuy nhiên giới thiện có thể được thực hiện với hiểu biết đúng hoặc không với hiểu biết đúng. Khi không có hiểu biết đúng về thực tại ở khoảnh khắc của giữ giới, đó không phải là adhi sila – thượng giới – tức là giới ở mức độ cao hơn. Chỉ có Đức Phật mới có được hiểu biết cụ thể, chi tiết về mọi thứ. Mức độ cao thượng của Giới Định Tuệ là adhi silathượng giới, adhi citta/adhi samadhi – thượng định, và  adhi panna –  thượng tuệ

Sarah:            Khi nói đến con đường Bát chánh đạo là nói đến Giới- Định- Tuệ ở mức độ cao thượng hơn tức là adhi sila -adhi citta- adhi panna. Nó khác với những gì mà chúng ta vẫn nghĩ đến Giới- Định- Tuệ theo cách thông thường. Trong một ngày ở những khoảnh khắc của ác giới hoặc thiện giới, nếu không có hiểu biết đúng thì khoảnh khắc đó đều không phải là adhi sila. Nó không thể dẫn đến sự sinh khởi của ahi sila,  tức là Giới thuộc về Bát chánh đạo. Xin nhắc lại, adhi có nghĩa là cao hơn, cao thượng hơn. Adhi sila – adhi samadhi – adhi panna chính là con đường dẫn tới giác ngộ. Định cũng vậy, nếu Định bình thường không kèm với trí tuệ thì cũng không phải là chánh định của Bát chánh đạo.

Achaan:         Nói rằng nếu không có giới thì ta không thể thực hành là đúng hay sai? Chẳng hạn bây giờ chúng ta đang ngồi đây, không sát sinh không trộm cắp, không làm việc bất thiện thì có thể gọi là đang thực hành không ? Vì vậy để có hiểu biết đúng hơn về các thực tại là vô ngã thì cần phải nghiên cứu rõ hơn. Để thấy được rằng chỉ ở những khoảnh khắc của hiểu biết trực tiếp về thực tại, khi đó mới có adhi sila – adhi samadhi – adhi panna. Nếu vẫn chưa có khoảnh khắc đó sinh khởi thì vẫn chưa phải là adhi sila – adhi samadhi – adhi panna. Nếu nói rằng không có giới thì ta không thể thực hành thì điều đó có nghĩa như thế nào?

HV 3:             Do trong quá khứ nhiều đời mình huân tập các hành động bất thiện nên nó thành thói quen. Chẳng hạn khi con muỗi cắn thì liền theo phản xạ tự nhiên là muốn đập con muối, nhưng khi giơ tay lên thì nhớ tới là giữ giới không sát sinh và mình dừng cái hành động đó lại hoặc rải tâm từ. Vậy lúc đó cái ý niệm biết cái tác ý muốn đập con muỗi và tiếp theo cái ý niệm khởi lên biết đây là hành động bất thiện và dừng lại thì đó có phải là thiện giới, kusala sila không?

Achaan:         Khi đó là bạn hay biết hay là chánh niệm hay biết?

HV 3:             Đó không phải là con mà là pháp sinh khởi.

Achaan:         Về mặt bản chất thì đó không phải là một ai đó, mà đúng là một thực tại. Nó chỉ sinh khởi do duyên và thực hiện chức năng của mình. Nhưng do tích lũy vô minh của chúng ta nên thông thường, vẫn có sự chấp vào “đây là giới của tôi”, đây là sự giữ giới của tôi. Cho đến khi có hiểu biết đúng cùng với chánh niệm sinh khởi để hiểu rằng thực tại đang sinh khởi này là vô ngã không phải là ai cả.

Để chúng ta có thể hiểu rõ hơn về sila. Tôi lại đặt câu hỏi lần nữa. Hiện giờ có sila không? Hiện giờ chúng ta đang ngồi, không sát sinh, không trộm cắp mà chỉ chú ý lắng nghe, nếu có hiểu biết, khi đó có thiện và cũng được coi là có sila, có giới. Tất cả các thiện pháp (kusala) đều là sila. Nhưng đó mới chỉ là sila thôi, chưa phải là adhi sila. Chỉ đến khi có chánh niệm cùng hiểu biết sinh khởi và hiểu được đúng thực tại hiện giờ như nó là, khi ấy sẽ không còn hoài nghi về sự khác biệt giữa Giới và Giới cao thượng. Đó là những mức độ khác nhau của thiện pháp.

Sadhu sadhu sadhu!

 

Comments are closed.

Translate »