Pháp đàm chiều ngày 01- 09 – 2013 tại Sài Gòn

3/ Pháp đàm buổi chiều ngày 01.09.2013 tại Sài Gòn

 

Học viên 9:   Hồi sáng Achaan có hỏi con về hiểu đúng. Theo con nghĩ rằng hiểu đúng có nghĩa là hiểu làm sao để không bị mê, không bị sai lầm và phải có cả sự tư duy trong đó mới được gọi là hiểu đúng.

Achaan:        Khi chúng ta nói đến hiểu biết đúng, chúng ta phải nói rõ hiểu biết ấy hiểu cái gì. Nếu không sẽ chỉ là chung chung. Vì vậy, chúng ta cần phải đặt câu hỏi, hiểu biết đúng hiểu cái gì?

HV 9:            Hiểu đúng là hiểu về đối tượng

Achaan:        Hiện giờ đối tượng là gì? Một cái một lúc thôi, bạn hãy nói từng đối tượng một mà thôi.

HV 9:                        Đối tượng mà chúng ta đang nói chuyện ở đây là về bài pháp.

Achaan:        Nếu không có suy nghĩ thì có thể có bài pháp hay không? Sẽ không thể có, đúng không? Cái gì tạo duyên cho việc nói về pháp? Kể cả từ pháp cũng là một âm thanh cần có duyên để sinh khởi. Và cái gì tạo duyên cho sự sinh khởi của từ dhamma- pháp? Nếu không có suy nghĩ về pháp thì liệu có thể làm duyên cho việc phát ra cái âm thanh “pháp” hay không? Và như vậy tâm nghĩ đến từ này cùng với tưởng và rồi phát ra từ “pháp”.Như vậy âm thanh đó được tạo duyên bởi tâm. Mỗi từ đều được tạo duyên bởi tâm, mỗi cái ở một thời điểm. Tâm suy nghĩ nhưng không phải lúc nào cũng tạo ra âm thanh. Nếu tâm luôn tạo duyên cho âm thanh thì thế giới này sẽ vô cùng ầm ĩ.

Vậy thực tại của cái mà chúng ta gọi là bài pháp là gì đây? Để hiểu về thực tại, chúng ta có thể thấy rằng, nếu không có suy nghĩ, không thể có ý niệm về pháp đàm. Hiện giờ đang có cái thấy, cái nghe và suy nghĩ. Đó là những thực tại khác nhau.  Từng thực tại đó đều có thể là đối tượng của hiểu biết, riêng biệt từng thực tại một. Nếu không sẽ chỉ là sự phỏng đoán chứ không phải là hiểu biết trực tiếp về cái xuất hiện như nó là. Có rất là nhiều mức độ hiểu biết khác nhau.

Sarah:           Achaan muốn cho bạn hiểu rõ hơn về sự phân biệt giữa thực tại và khái niệm. Khi chúng ta nói đến những thứ như hoa, bàn, hoặc pháp đàm thì đó là khái niệm. Tuy nhiên, sự phát triển tuệ giác không phải là phát triển hiểu biết về khái niệm mà là về thực tại. Và thực tại tạo nên những khái niệm đó.  Những thực tại tạo nên pháp đàm chính là âm thanh, đối tượng thị giác, suy nghĩ, v.v.. và sự phát triển hiểu biết phải dựa trên những thực tại có thể được kinh nghiệm trực tiếp. Nếu không, sẽ chỉ là suy nghĩ mà thôi.

Chính vì vậy Đức Phật đã dạy cho chúng ta về hai loại thực tại khác nhau. Loại thứ nhất là thực tại chế định, là những khái niệm được quy ước, và loại thứ hai là những thực tại chân đế. Các khái niệm chế định không cần một Đức Phật ra đời để thuyết giảng, ai cũng biết đây là bông hoa, đây là pháp đàm. Nhưng phải có sự ra đời của một Đức Phật toàn giác thì chúng ta mới biết bản chất của những cái đó là gì. Chẳng hạn, bây giờ đây, cái được xúc chạm không phải là vào một bông hoa, về mặt bản chất cái được xúc chạm là cứng, nóng, lạnh, mềm, v.v. Đó là điều mà Đức Phật đã giác ngộ và chỉ dạy cho chúng ta.

Hôm qua một bạn đã hỏi câu hỏi về đối tượng thị giác về cái được thấy, ở khoảnh khắc nhãn thức sinh khởi về màu sắc. Achaan hỏi bạn có muốn đặt thêm câu hỏi về điều này không?

Học viên 5:   Hôm qua con hỏi, cái khoảnh khắc đầu tiên khi mình bắt đầu mở mắt, nhìn thấy hình và màu, chưa có ý thức sinh khởi, chưa có khái niệm chen vào. Cái đó có phải là thực tại không, hay là do cái thức nó chưa kịp hoạt động nên mình mới thấy như vậy?

Achaan:        Khi bạn nói thức chưa hoạt động, thì bạn hàm ý nói đến cái gì?

HV 5:                        Cái đó là do con kinh nghiệm, sau giấc ngủ hoặc sau nhắm mắt, thì lần mở mắt đầu tiên, ở khoảnh khắc đầu tiên, nhanh hơn cả cái nháy mắt, nó chỉ là hình với màu thôi. Sau khoảnh khắc đó thì nó bắt đầu thấy cái bàn, cái ghế và nó bắt đầu phân tích.

Achaan:        Ai thấy cái đó? Ai thấy sắc và màu?

HV 5:                        Tâm- citta

Achaan:        Hiện giờ, hay đã qua rồi? Khoảnh khắc mà bạn nói đến đã qua rồi, thế còn bây giờ, cái tâm hiện giờ? Bây giờ chúng ta hãy nói về cái hiểu đúng, về cái tâm hiện giờ, để có thể hiểu hơn về cái đã qua đi.

HV 5  :           Con chưa có học Vi diệu pháp, nên con rất lờ mờ. Mong Achaan giảng thêm.

Achaan:        Có thể có cái hiểu về tâm hiện giờ hay không? Bởi vì hiện giờ đang có tâm, đúng vậy không? Nếu như có cái hiểu đúng về cái tâm hiện giờ, thì nó sẽ là câu trả lời cho tâm ở bất cứ khoảnh khắc nào. Tâm chỉ là tâm, dù là nó sinh khởi lúc nào và nó kinh nghiệm cái gì.

Sarah:           Chúng ta có thể có những kinh nghiệm đặc biệt, và chúng ta có thể nghĩ đó có thể là những khoảnh khắc không có thức, và có thể có suy nghĩ về khoảnh khắc đó, mỗi người có một cách diễn giải riêng, Nhưng phép thử về mức độ trí tuệ luôn luôn là bây giờ. Nếu ở khoảnh khắc hiện giờ không có hiểu biết đúng về cái đang xuất hiện, điều đó cho thấy rằng những gì đã xảy ra trước đây chưa phải là hiểu biết thực sự. Chính vì thế, chúng ta luôn nói về cái hiện giờ. Bây giờ đang có cái thấy, liệu có sự hiểu đúng về cái thấy như nó là hay không, nếu như có hiểu đúng về cái thấy như nó là thì mới có thể cho phép biết cái trong quá khứ có đúng hay không, còn nếu không thì đó chỉ là suy nghĩ của chúng ta mà thôi.

HV 5:                        Achaan có giảng về chánh niệm. Khi con học các vị có dạy là đi, đứng, ngồi nằm, mở cửa mà hay biết là chánh niệm, nhưng Achaan nói là chưa đúng. Thực tại trong từng khoảnh khắc thì nó sanh diệt rất nhanh. Học chánh niệm trong khoảnh khắc đó thì rất trừu tượng và khó. Như vậy nếu thiền sinh chánh niệm theo cách tới lui này nọ là không đúng, thì cách nào mới là đúng? Thưa Achaan.

Achaan:        Bạn muốn điều gì hơn? Bạn muốn hiểu đúng hay là bạn muốn có chánh niệm?

HV 5:               Con muốn hiểu đúng và chánh niệm như thế nào cho đúng.

Achaan:        Khi bạn nói vừa muốn phát triển hiểu biết vừa muốn có chánh niệm, như vậy có ý niệm về muốn ở đó rồi. Nếu có ý muốn, điều đó không thể là duyên cho chánh niệm sinh khởi vì chánh niệm cần phải có duyên riêng để nó sinh khởi. Vì mọi pháp đều là vô ngã, nên không ai có thể, bằng ý muốn của mình, làm cho chánh niệm sinh khởi – nó cần phải có duyên đầy đủ. Nếu không từng được nghe pháp, thì trong một ngày chúng ta có thể có ý niệm nào về chánh niệm hay không? Sau khi nghe pháp, chúng ta bắt đầu quan tâm đến việc có chánh niệm. Như vậy lúc đó vẫn là có một cái “tôi” muốn có chánh niệm. Thực tế nó [sự phát triển chánh niệm] không diễn ra như vậy, chỉ cái hiểu đúng về cái đang xuát hiện hiện giờ mới làm duyên cho khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp và khoảnh khắc đó chính là chánh niệm –sati mà tôi đang nói tới.

Chẳng hạn như, nếu có hiểu biết đúng về cái hiện giờ xuất hiện, khi ấy có sati. Từ “sati” là từ bằng tiếng Pali nhưng thực chất là tiếng Magadhi (Ma kiệt đà) ở thời Đức Phật. Đó là thứ tiếng mà người dân bình thường dùng ở thời kỳ đó. Cái gì thú vị hơn: cố gắng để hiểu từ “pháp”, hay chỉ đơn giản hiểu cái gì đang xuất hiện hiện giờ? Nếu chúng ta chỉ cố muốn hiểu pháp mà không hiểu về cái đang xuất hiện hiện giờ, điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chưa biết pháp là gì. Ở khoảnh khắc của hiểu biết, đó có phải là tôi, là một ai đấy hay đó chỉ là thực tại hiểu mà thôi? Và liệu trí tuệ có thể sinh khởi mà không có chánh niệm hay không? Điều ấy là không thể, chính vì vậy, bất cứ khoảnh khắc nào có hiểu biết đúng, ở khoảnh khắc đó đã có chánh niệm rồi, nếu không thì đó sẽ không phải là hiểu biết. Nhưng chánh niệm khi được nghe pháp không ở cùng mức độ với chánh niệm ở khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp thực tại. Nếu bây giờ không có hiểu biết rằng cái thấy là một thực tại và nó sinh khởi do duyên, không có một ai ở đó, liệu có thể có được khoảnh khắc sinh khởi hiểu biết về cái thấy, rằng không có một ai ở đó cả hay không? Lobha- tham có thể dính mắc với bất cứ cái gì, trừ thực tại là Niết bàn. Bởi vì con đường để chứng ngộ Niết bàn cũng là con đường của sự xả ly, suốt dọc con đường ấy là như vậy. Vậy ở khoảnh khắc muốn bất cứ một cái gì đó thì đều là khoảnh khắc của sự dính mắc, không phải là sự xả ly, không phải là Chánh đạo. Sati cũng sinh và diệt, vậy tại sao ta lại muốn có nó? Nếu ta muốn có chánh niệm, ta cũng sẽ muốn có những thứ khác nữa. Bởi vì khi đó tham có đối tượng là chánh niệm. Nhưng nhờ có việc hiểu rằng không có một thực tại nào, kể cả chánh niệm, có thể được tạo ra do ý chí của mình, hiểu biết ấy dần tăng trưởng có thể làm duyên cho chánh niệm trực tiếp sinh khởi. Vậy thì tại sao không phát triển các duyên để cho chánh niệm sinh khởi thay vì việc muốn có chánh niệm mà không có duyên tương ứng cho chánh niệm sinh khởi.

Sarah:           Bạn có nói đến khái niệm về hay biết khi ta đang mở cửa, hay làm những việc khác nhau. Những sự hay biết đó, một người chưa biết gì về giáo pháp, hay một đứa trẻ cũng có thể biết được nó đang làm gì, không cần tới một Đức Phật ra đời để biết về những việc đó. Như vậy thì chánh niệm mà Đức Phật nói tới không phải là những việc bình thường đó.

Achaan:       Có hai cách, cách nào là đúng đây: một là cố gắng để có chánh niệm; và cách thứ hai là hiểu rằng chánh niệm là một thực tại, không phải là “ta”, nó sinh khởi do duyên khi có đủ điều kiện cho nó sinh khởi. Nếu không hiểu rõ điều ấy, bản thân chánh niệm cũng sẽ trở thành đối tượng của tham.

HV 5:             Achaan có nói các pháp tự vận hành, phải để cho nó vận hành tự nhiên. Ở đó chỉ có Tâm sinh khởi để hiểu và cái sự hiểu chỉ mang bản chất là pháp, chứ không định đặt, không đúng và không sai, có phải như vậy không ạ?

Achaan:         Khi bạn nói là để các pháp, thì ai là người để các pháp? Có ai là người có cái quyền năng “để” các pháp vận hành không?

HV 5:             “Để các pháp vận hành là ngôn từ để hiểu. Nếu con dùng ngôn từ [như vậy] thì là để Achaan hiểu điều con nói. Ngôn từ cũng chỉ là ngôn từ thôi ạ.

Achaan:        Nhưng thực tại thì nó đã diệt đi trước khi ta để cho nó diệt đi. Và đấy thực ra chỉ là một ý niệm là tôi buông bỏ hay tôi để cho nó, chứ thực ra thì thực tại đã diệt đi trước khi ta có ý niệm đó rồi.

HV 5:                Nếu chánh niệm nghĩa là chánh niệm về thực tại, cái sinh diệt liên tục. Vậy hành động đi tới đi lui để mình có chánh niệm thì trong lúc đó có rất nhiều thực tại sanh diệt liên tục mà không có hiểu biết. Điều này có nghĩa rằng trong lúc đó mình đang sống ở trong tâm si, phải không ạ?

Achaan:        Chánh niệm sinh khởi trước khi ta nghĩ về nó, hay là sau khi ta “để” cho nó sinh khởi? Cái thấy sinh khởi trước khi ta để cho cái thấy thấy. Điều ấy cho thấy rằng những gì mà chúng ta có chỉ là toàn những ý niệm về “tôi”, “tôi” có thể làm cái này hay cái kia. Nhưng ai có thể làm cho chúng sinh khởi theo  ý chí đây, bạn có thể thay đổi ý nghĩ của bạn không? Có ai có thể thay đổi suy nghĩ của mình ở khoảnh khắc của suy nghĩ hay không? Không thể bởi vì nó đã sinh khởi rồi.

HV 5:                                                   Nếu nó nhanh như vậy, thì việc học để cho có sự hiểu biết đúng, thì cũng vẫn là suy nghĩ thôi. Chúng ta học là để hiểu các pháp nó sinh khởi như vậy, nhưng mình không làm được, vẫn chưa phải là kinh nghiệm trực tiếp. Vậy có thể nói việc học này cũng đã là chánh kiến, chánh tư duy không ?

Sarah:           Như bạn nói, phần lớn thời gian trong ngày, hay việc mở cửa trong sự hay biết, nhưng vẫn là trong vô minh, thì đúng là như vậy. Nhưng không chỉ có vô minh, trong đó còn có sự dính mắc vì “muốn”, và thêm vào đó là ý niệm về ngã tức là tà kiến cho rằng “tôi” đang cố gắng giữ chánh niệm. Và đó không phải là con đường phát triển đúng. Mặt khác, tuy nhiên nếu chúng ta bắt đầu hiểu biết đúng về mặt lý thuyết về cái gì là thực và có sự suy xét dần dần thì những hiểu biết đúng đó sẽ tiếp tục được tích lũy và dần dần có thể làm duyên cho chánh niệm thực sự sinh khởi về thực tại một cách trực tiếp, một cách tự nhiên chứ không phải bằng việc cố.

HV 5:               Con rất tri ân Achaan và cô.

Học viên 10: Tại thời điểm ta biết rằng nếu không có đối tượng sinh khởi thì cũng không có thực tại sinh khởi để chánh niệm về đối tượng đó. Lúc đó ta hiểu được như vậy thì có phải là chánh niệm hay không?

Sarah:            Về lý thuyết chúng ta biết chắc chắn rằng nếu không có đối tượng, sẽ không thể có tâm biết đối tượng đó. Chẳng hạn phải có đối tượng thị giác thì mới có nhãn thức sinh khởi hay biết đối tượng đó. Tâm luôn kinh nghiệm một đối tượng. Nhưng khi đặt câu hỏi, như vậy có phải là chánh niệm hay không, [thì câu trả lời là] chánh niệm bản thân nó sẽ hay biết một cách rõ ràng, nên khi có sự hoài nghi rằng khi đó có chánh niệm hay không, điều đó chứng tỏ đó chưa thực sự có chánh niệm. Khi chánh niệm thực sự sinh khởi, sẽ không phải là chánh niệm của ai cả, không phải là chánh niệm của tôi, mà nó chỉ là chánh niệm mà thôi. Thay cho việc hoài nghi về những gì đã qua rồi, thì ngay tại thời điểm này, cái gì đang xuất hiện đều có thể là đối tượng của hiểu biết và chỉ có cái đang xuất hiện hiện giờ [mới có thể được hiểu] mà thôi.

HV 10:           Chẳng hạn bây giờ tâm đang có sự hồi hộp, vậy sự ghi nhận trạng thái tâm như vậy có phải là chánh niệm không?

Sarah:            Khi ta có ý niệm rằng tôi đang có cảm xúc như thế này, tôi đang cảm thấy hồi hộp, thì lúc đấy ý niệm về tôi đã có ở đó rồi. Đó không phải là chánh niệm mà chỉ là suy nghĩ về cái đã xảy ra rồi thôi.  Khi bạn nói đến những cảm xúc, thì bạn muốn nói đến cái gì, nó ở đâu?

Khi có chánh niệm về cảm xúc, thực tại của cảm xúc đó là gì?

HV 10:           Lúc đó cái tâm nó nói là hãy quay về nhìn tâm đi, đừng để đối tượng chi phối. Sự hồi hộp nó sẽ từ từ xuống. Cái tâm nó ghi nhận cái tâm khác nó đang hồi hộp như vậy.

Sarah:            Như Achaan đã nói, chánh niệm bao giờ cũng rất chính xác và chi tiết. Thông thường mọi người hay nói “tôi hay biết về cảm xúc, về cái này hay cái kia” một cách rất chung chung. Bởi vì khi mà chúng ta nói về cái việc hay biết một cái cảm xúc nào đấy, nó cũng tương tự như việc hay biết ta đang mở cửa, nó cũng không khác gì với cái cách người thông thường biết về cảm xúc của họ hay những việc họ đang làm, Nhưng khi ta nói về chánh niệm mà Đức Phật đã dạy, chánh niệm đó hay biết về thực tại, và chỉ có một thực tại ở một thời điểm mà thôi. Nếu không biết rõ chánh niệm hay biết cái gì một cách chuẩn xác, sự hay biết ấy sẽ không phải là chánh niệm.

Học viên 2:   Lúc nãy Achaan có nói là, tại sao chúng ta phải đi tìm chánh niệm mà không tạo cái duyên để cho chánh niệm sinh khởi, bởi vì mọi pháp đều do duyên sinh khởi. Vậy những cái duyên để cho chánh niệm sinh khởi là gì ? Làm sao để tạo được những duyên này và nếu chúng ta nói là không có cái tôi, cái ta ở đây, thì ai là người tạo ra những cái duyên này để cho chánh niệm sinh khởi?

Achaan:         Tạm hoãn lại câu hỏi của bạn. Tôi muốn nói tiếp về những gì đang diễn ra ở đây.

Dường như chúng ta đi tìm ngôn từ cho những cái gì mà mình kinh nghiệm, nhưng việc tìm ngôn từ cho những gì đã được kinh nghiệm như vậy có cần thiết hay không? Dù cho ta gọi nó là gì đi nữa thì đó vẫn là thực tại và nó là thực. Nó có thể được hiểu, cho nên gọi nó là gì không quan trọng, không cần phải biết nó có phải là sati hay không? Bởi vì, dù ta gọi cái thấy là cái thấy hay không, thì đặc tính của cái thấy vẫn là thấy, bất kể ta gọi nó là gì, tất cả những gì sinh khởi đều là đối tượng của hiểu biết, không cần phải đặt tên. Ta cần nói đến tên khi cần phân biệt điều đang nói tới, là về cái thấy, cái nghe hay là những thực tại khác, khi đó ta cần dùng tên. Nhưng cái đã qua rồi, sinh khởi rồi thì chúng ta không cần đặt tên cho nó nữa.

Như cái thấy hiện giờ, cái thấy thấy, nó không phải là Việt nam, Thái lan hay là một quốc tịch nào khác, đặc tính của cái thấy là một, và cái thấy sinh khởi do những duyên của nó, và nó là vô ngã, nó sinh và diệt đi để cho thực tại khác sinh khởi, chẳng hạn như cái nghe. Không có ai ở trong đó cả. Điều mấu chốt ở đây là hiểu được  những gì Đức Phật dạy, và suy xét xem nó có thực hay không? Những gì Đức Phật nói tới hiện giờ có thể được kiểm chứng hay không? Nếu chúng ta thấy được một phần những gì Đức Phật nói tới là đúng, chẳng hạn rằng cái thấy thì sinh và diệt và chúng ta không thể kiểm soát được nó, thì điều ấy có thể làm duyên cho việc tiếp tục phát triển hiểu biết, đến mức độ có thể kinh nghiệm trực tiếp về điều đó, để biết rằng Đức Phật đã nói hoàn toàn sự thực về bản chất của thế giới chứ không phải là nghĩ là một chủ thuyết nào đó. Hiện giờ, trí tuệ chưa đủ mức để hiểu tất cả những gì mà Đức Phật đã dạy. Như vậy chúng ta cần phải nghiên cứu một cách rất cẩn thận để biết được Đức Phật thực sự nói những gì. Phải đi từng từ một, tức là nói đến một thực tại này, rồi mới chuyển sang một từ khác hay là một thực tại khác. Như là từ sati –chánh niệm, chúng ta có thể nói rất nhiều về từ đó, nhưng thực sự nó là gì? Liệu bây giờ có sati hay không? Chúng ta cần phải tìm hiểu để biết được ý nghĩa thực sự của từ sati. Ở khoảnh khắc của cái nghe, chỉ nghe thôi, liệu có chánh niệm ở ngay khoảnh khắc ấy hay không? Câu trả lời của các bạn là gì nào? Có chánh niệm sinh khởi cùng với cái nghe không?

Ai đó Trả lời:            Có.

Achaan:         Đức Phật không dạy như vậy, ở khoảnh khắc của cái nghe, nó chỉ sinh khởi để kinh nghiệm âm thanh mà thôi; rồi cái nghe diệt đi và có các tâm khác tiếp nối. Có rất nhiều loại tâm khác nhau, những tâm đó có đặc tính khác nhau và Đức Phật dạy về tất cả các tâm đó. Nếu không có giáo lý của Đức Phật, mỗi người sẽ tự nghĩ ra những ý niệm khác nhau. Có người có thể nói rằng có chánh niệm với cái nghe, và có người nói rằng không có chánh niệm với cái nghe, Nhưng khi chánh niệm thực sự sinh khởi thì nó tự biết điều ấy. Vậy thực chất sati là gì?

Người phiên dịch: Có ai muốn trả lời không ạ?

Trả lời:          Ghi nhận

Achaan:         Chẳng hạn như bây giờ chúng ta nhận biết rằng bông hoa này khác với bông hoa kia, cái đó có phải là sati không?

Trả lời:          Không

Achaan:         Vậy thì sati là gì?

Trả lời:          Ghi nhận và hiểu.

Achaan:         Sati là một thực tại hay biết thiện pháp, ở những khoảnh khắc chúng ta hay biết về việc mở cửa hay làm gì đó thì không phải là sati. Khi có sati, khoảnh khắc đó là khoảnh khắc của tâm thiện. Trong một ngày có rất ít thiện pháp bởi không có sati sinh khởi để biết cái gì là thiện. Ở những khoảnh khắc của thiện pháp, chẳng hạn như bố thí, ở khoảnh khắc đó có chánh niệm, có thiện pháp. Nhưng đó không phải là “tôi” làm việc thiện, mà chính là sati làm nhiệm vụ biết cái gì là thiện. Ở khoảnh khắc của bố thí, có sati hay biết về thiện pháp là bố thí cho người khác. Ở khoảnh khắc của giữ giới, có sati hay biết về thiện pháp không làm tổn hại đến người khác. Ở khoảnh khắc có từ tâm, có sati hay biết việc không thù hận, không thù địch với những người khác. Ở khoảnh khắc có hiểu biết rằng chưa có cái hiểu về cái đang xuất hiện hiện giờ, có sati cùng với hiểu biết rằng cần phải phát triển hiểu biết. Như vậy, sati – chánh niệm sinh khởi chỉ với tất cả những khoảnh khắc của tâm thiện. Nhưng có nhiều mức độ khác nhau. Ta có thể thấy rằng có những người có thể bố thí một cách dễ dàng và nhanh chóng, đó là bởi họ đã có tích lũy bố thí. Có những người bố thí với những từ không phải là ái ngữ, đó là bởi người đó không có tích lũy để bố thí cùng với ái ngữ. Những khoảnh khắc nói những lời từ ái khác với những khoảnh khắc nói những lời không từ ái. Tất cả những cái đó đều là do duyên, đều vô ngã. Khi có cái hiểu về vô ngã như vậy, ở khoảnh khắc đó cũng có sati nhưng không phải ở mức độ bố thí, trì giới mà có ở mức độ bhavana- phát triển tâm trí. Bất cứ ở khoảnh khắc nào có hiểu biết đúng thì ở khoảnh khắc đó cũng có chánh niệm đi kèm, chúng ta không cần phải muốn có nó. Bởi vì hiểu biết đúng luôn sinh khởi cùng với chánh niệm, cho nên bất cứ khi nào có trí tuệ thì đã có chánh niệm ở đó rồi, vì vậy không cần phải nghĩ làm thế nào để có chánh niệm. Tuy nhiên khi không có hiểu biết, sati vẫn có thể sinh khởi, nhưng chỉ với tâm thiện bình thường mà thôi. Điều ấy cho chúng ta hiểu về tích lũy khác nhau của những người khác nhau. Trong tiếng Pali có từ dana upanissaya- nghĩa là người có tích lũy về bố thí, do họ có tích lũy để bố thí một cách rất thường xuyên. Có người có sila upanissaya, người có tích lũy về trì giới – những người có những việc làm và lời nói chân chánh nhưng lại không có nhiều tích lũy về bố thí. Có người có bhavana upanissaya, người có tích lũy về phát triển tâm trí. Bhavana bao gồm phát triển sự an tịnh – xa rời bất thiện pháp, và sự phát triển hiểu biết đúng về thực tại. Đức Phật dạy chúng ta hiểu đúng về mọi thứ và mọi người ở bất cứ thời điểm nào. Chúng ta không thể bắt người khác quan tâm đến việc nghiên cứu Giáo pháp, có những người có tích lũy về tà kiến. Trong các bất thiện pháp thì tà kiến là bất thiện pháp nguy hiểm nhất. Bởi vì nó sẽ dẫn tới tất cả các bất thiện pháp khác. Nào bây giờ hãy quay lại với câu hỏi ban nãy của bạn.

HV 2:             Nghe Achaan giải thích, con nảy sinh ra một câu hỏi khác là: lúc nãy Achaan nói chánh niệm luôn luôn đi kèm với những thiện tâm, có đúng vậy không?

Achaan:         Hiện giờ chúng ta mới chỉ đang học để hiểu về sati, nhưng đặc tính của sati chưa xuất hiện đúng không? Tức là chánh niệm đang không xuất hiện để cho trí tuệ hiểu về nó. Như vậy là vấn đề không phải là tôi có thể phát triển chánh niệm hay không, bởi cái “tôi” ấy không có, mà là liệu đã có duyên cho sati sinh khởi hay chưa. Không giống như cái thấy và cái nghe hiện giờ, cái thấy và cái nghe xuất hiện đối với tất cả mọi người. Cho nên ta có nói về chánh niệm thì nó vẫn chưa phải là đối tượng của cái hiểu hiện giờ.

HV 2:             Vậy khi các thiền sư dạy chúng ta phải giữ chánh niệm, phải hay biết trên phiền não của mình, biết tham, biết sân, biết si. Vậy ý nghĩa chánh niệm đó theo như lời chỉ bảo của Achaan thì có phải khi chúng ta có hiểu biết đúng thì chúng ta chánh niệm trên phiền não hay không? Bởi vì nếu cả ngày chúng ta chỉ toàn phiền não thì đồng nghĩa với việc chúng ta chẳng có một tí chánh niệm nào thì làm sao chúng ta hay biết ghi nhận và đoạn trừ được phiền não?

Achaan:         Khi bạn nói rằng, “chúng ta hay biết phiền não”, ý bạn là gì? Chúng ta dùng từ “phiền não”, nhưng thực chất có phiền não xuất hiện trước trí tuệ hay không? Có một hôm chúng tôi đi đến một nơi rất đẹp, rất dễ chịu, có một  người trong nhóm đã nói là “lobha, lobha”  tức là “tham, tham”. Cứ như thể người đó đang thực sự hiểu được là có lobha, nhưng thực ra đó chỉ là nhớ lại từ đó mà thôi. Vì đã được nghe rằng khi kinh nghiệm những thứ dễ chịu, sẽ có lohba sinh khởi, cho nên lập tức có ngay ý niệm “ôi đây là lobha”, nhưng như vậy hoàn toàn không có nghĩa rằng ở khoảnh khắc đó có chánh niệm về thực tại lobha, hiểu đúng và rõ ràng đặc tính của nó. Đó chỉ là tưởng nhớ lại tên gọi của tình huống ấy, như chức năng thong thường của nó. Mỗi khoảnh khắc của cuộc sống đều sinh khởi do duyên, chẳng hạn như khoảnh khắc của cái thấy, cái nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, những thực tại ấy không thể sinh khởi một mình, mà luôn đi kèm với bảy biến hành tâm sở. Ở những khoảnh khắc ngoài thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, ngoài bảy tâm sở đó, sẽ có thêm nhiều tâm sở khác sinh khởi cùng với nó. Những khoảnh khắc đó đều sinh và diệt rất nhiều lần trong ngày mà chúng ta hoàn toàn không hay biết gì về chúng. Còn đức Phật đã xuyên thấu sự thật ấy và dậy cho chúng ta một cách chi tiết sự thật của từng khoảnh khắc một.

Jonathan:     Tôi muốn làm rõ thêm câu hỏi của bạn về việc là, nếu sati chỉ sinh khởi với thiện tâm thôi vậy, nếu cả ngày chỉ toàn phiền não thì sẽ không có một chút sati nào, có phải vậy không? Khi mô tả về sati, Achaan có nói đến những mức độ sati khác nhau và có nói đến mức độ của sila- giới, dana- bố thí, bhavana- phát triển tâm trí. Khi ở mức độ của phát triển tâm trí, bất cứ thực tại nào – kể cả là bất thiện pháp cũng đều có thể là đối tượng của chánh niệm. Như vậy, chánh niệm có thể lấy đối tượng là bất thiện pháp cũng như là thiện pháp, còn ở mức độ của sila (trì giới) và dana (bố thí) thì chánh niệm sinh khởi với tâm thiện.

Tôi muốn trả lời vào câu hỏi vừa nãy, đâu là các duyên cho chánh niệm sinh khởi? Những duyên này đã được Đức Phật thuyết giảng: thứ nhất, gần gũi thiện trí thức, thứ hai, được nghe Chánh pháp, thứ ba, suy xét chân chánh và thứ tư, thực hành tùy pháp. Với câu hỏi làm thế nào để tạo duyên, điều kiện để phát triển chánh niệm? Chúng ta có nói về nghiên cứu pháp, việc nghiên cứu pháp phải bắt đầu từ nghe pháp, nếu không nghe pháp thì chúng ta sẽ không thể phát triển hiểu đúng về pháp. Khi nghe pháp, cũng cần có cái hiểu rằng pháp được nói đến là liên quan đến những gì đang sinh khởi.Việc nghe pháp và suy xét về cái được nghe là một phần của việc tạo nhân duyên cho chánh niệm sinh khởi. Tuy nhiên, khi ta nói đến việc nghiên cứu pháp, thì chúng ta cũng cần phải hiểu rất rõ rằng không có một cái ngã nào, không có một tình huống nào được lựa chọn bởi một cái ngã cả.  Bởi vì chúng ta có thể nghe pháp nhưng chưa chắc đã là chánh pháp. Chúng ta có thể gặp ai đấy và đàm luận về pháp, nhưng liệu đó có chắc là chánh pháp hay không? Cho nên cũng tùy vào duyên mà  chúng ta được nghe loại pháp nào và như vậy bản thân yếu tố “được nghe chánh pháp” cũng sinh khởi do duyên. Việc chúng ta gặp được một bậc thiện trí thức giảng giải cho chúng ta chánh pháp là quả của nghiệp quá khứ. Đó là do những tích lũy trong quá khứ đã tạo ra quả đó, chứ không phải là một thứ mà chúng ta có thể lựa chọn. Theo hiểu biết của tôi, thì mấu chốt ở đây không phải là “thực hành”, mà là “nghiên cứu giáo pháp” theo nghĩa mà chúng ta đã trao đổi từ hai ngày nay.

Điều này cũng liên quan đến lời bình luận hôm qua của bạn, rằng trong Tứ niệm xứ có đề cập tới nhiều cách thức khác nhau, tùy căn cơ khác nhau, người thì ngồi, người thì giữ giới, v.v. Nhưng theo tôi, đó không phải là những cách thức khác nhau mà là lời mô tả các loại căn cơ khác nhau, những tích lũy khác nhau. Điểm chung cốt lõi trong tất cả các lời dậy của đức Phật là sự phát triển hiểu biết, nhưng có sự khác biệt về tích lũy. Chẳng hạn chúng ta đọc phần nói về quán niệm hơi thở: bản thân việc phát triển quán niệm hơi thở không thể tách biệt với hiểu biết đúng. Và luôn luôn phải nhớ một điều là, không một ai phát triển cả mà chỉ có các duyên đang diễn ra và các duyên được phát triển. Cho nên vấn đề ở đây không phải là nói về “ai” phát triển, mà là khi nào, những duyên nào có điều kiện để phát triển.

HV 2:             Lúc nãy ông có nói rằng không có ai ở đấy để tạo duyên cho chánh niệm sinh khởi. Vậy nếu nói như ông thì chúng ta tinh tấn để làm gì? Chúng ta phải tinh tấn nỗ lực vun bồi chánh niệm của mình, để tăng trưởng trong pháp hành chứ?

Jonathan:     Tinh tấn mà Đức Phật nói đến là tâm sở tinh tấn, chánh tinh tấn. Chánh tinh tấn là tâm sở sinh khởi với tất cả các tâm thiện. Khi chúng ta có sự quan tâm tới Giáo pháp, chúng ta ngồi nghe Pháp với sự quan tâm và có hiểu biết thì ở khoảnh khắc đó đã có tinh tấn rồi, không cần ai phải làm một cái gì cả thì mới được gọi là tinh tấn. Thông thường chúng ta cứ nghĩ mình phải nỗ lực, nghĩa là phải làm một cái gì đó đặc biệt. Nhưng khi hiểu đúng về thực tại như Đức Phật đã giảng, thì kể cả những lúc bình thường như thế này – đang lắng nghe – thì đã có chánh tinh tấn ở đấy rồi, nếu như có sự hiểu biết.

Sarah:            Khi có ý niệm rằng phải cố gắng đặc biệt để chánh niệm hoặc hiểu, đó chính là con đường sai- tà đạo – mà Achaan đã nói tới hôm qua, bởi vì nó bị thúc đẩy bởi ý niệm về một cái ngã. Tôi muốn gợi lại nhận xét của bạn hôm qua rằng có nhiều phương pháp khác nhau, có nhiều cách thức khác nhau để tiếp cận. Những cách thức khác nhau đó chỉ đến con đường đúng và các con đường sai, vì Đức Phật chỉ dạy duy nhất một con đường thôi. Con đường đó là phát triển hiểu biết đúng. Đức Phật có nói trong kinh Tứ niệm xứ ba yếu tố, đó là Tinh tấn- Chánh niệm – Tỉnh giác, nhưng những cái đó phải là chánh. Nếu có hiểu biết đúng thì cũng có tinh tấn và chánh niệm ở đó rồi.

Achaan:         Tinh tấn có thể sinh khởi với tham hay không? Dù chúng ta nói đến gì đi nữa, chúng ta cũng phải biết rõ về nó, chẳng hạn khi chúng ta nói về tinh tấn,  chúng ta cần phải hiểu tinh tấn có thể sinh khởi với tham hay không?

Trả lời:          Không

Achaan:         Câu trả lời đúng là Có. Các bạn thấy không, chúng ta cần phải nghe lời dạy của Đức Phật, nếu không chúng ta sẽ không thể biết được bản chất của mọi thứ. Kể cả tâm tham cũng cần phải có tinh tấn để tạo duyên cho nó sinh khởi. Tham không thể sinh khởi một mình, nên bất cứ khoảnh khắc nào của tâm tham, tinh tấn cũng có ở đó. Vậy, chúng ta hãy quy y Pháp chứ đừng quy y ý niệm riêng của mình. Kể cả ở những khoảnh khắc không có tham hoặc sân, ở những khoảnh khắc của tâm si, vẫn phải có viriya- tinh tấn sinh khởi để giúp moha (si) đảm nhận chức năng “không hiểu” của nó; và chúng ta không thể tự nghĩ ra những điều này được. Trên thưc tế thì chẳng có ai cố tình nghĩ “tôi sẽ cố gắng”. Nhưng bất cứ khi nào vô minh và tà kiến vẫn chưa được tận diệt, sẽ vẫn có cái ý niệm là “tôi đang cố gắng”. Nếu quả thật ai đó có thể làm một cái gì đấy để đạt được [trí tuệ] thì sẽ chẳng cần phải nghiên cứu giáo lý làm gì cả.

Mọi người: sadhu sadhu sadhu!

 

Comments are closed.

Translate »