2/ Pháp đàm buổi sáng ngày 01.09.2013 tại Sài Gòn.
Achaan Sujin: Xin hỏi các quý vị, hôm qua Đức Phật có phải là nơi nương tựa cho tất cả mọi người hay không? Thế hôm nay Đức Phật có phải là nơi nương tựa cho quý vị không? Đó chính là lý do khiến chúng ta cần phải biết Ngài đã dạy những gì, để hiểu những gì Ngài dạy một cách rõ ràng hơn. Ví dụ như, bây giờ có pháp hay không? Chúng ta có cần phải đi đến một nơi nào khác để có pháp hay không? Vì bây giờ cũng có pháp, nên bất kỳ ai cũng có thể hiểu về pháp giống như là Đức Phật đã giác ngộ về pháp. Như vậy, ngay cả một từ như “pháp” mà thôi, chúng ta cũng cần phải hiểu sâu hơn và sâu hơn nữa. Bởi vì nó rất thực, chẳng hạn như đang có cái thấy hiện giờ. Ở khoảnh khắc của cái thấy thì chỉ có cái thấy. Nếu không hiểu được như vậy, sẽ có ý niệm “tôi thấy”, trong khi giáo lý của Đức Phật là về vô thường, khổ và vô ngã. Cái thấy không hề thường hằng. Ai đã hiểu được điều ấy? Bây giờ chỉ mới là sự bắt đầu của hiểu biết, chứ chưa thể trực tiếp kinh nghiệm điều ấy. Điều ấy có thể được hiểu trên bề mặt lý thuyết trước đã. Nhưng cần phải có thời gian để thực sự hiểu rằng, không phải là một “con người” nào đấy hay “tôi” đang thấy hiện giờ, để có thể hiểu được cái gì là thực trên thế giới này.
Nếu không có duyên để cái thấy sinh khởi thì hiện giờ sẽ không thể có cái thấy; ai có thể ra lệnh cho cái thấy sinh khởi đây? Không có ai cả, và không ai có thể làm gì bởi vì nó đã sinh khởi do duyên rồi. Hãy chỉ cần học để hiểu thêm một cách sâu dần và sâu dần, chỉ vậy thôi, cho đến khi thực sự hiểu về vô ngã. Cho đến khi sẽ có duyên để không chỉ hiểu nghĩa của từ đó mà thôi. Thay cho việc nghĩ đến những thứ khác nhau, sẽ có được khoảnh khắc có thể bắt đầu hiểu được cái thấy đang thấy hiện giờ. Bởi vì hiện giờ ở khoảnh khắc của cái thấy, không có một ai cả, và không có thực tại nào khác. Ở khoảnh khắc của cái thấy, có ý niệm tôi đang ngồi hay không? Ở khoảnh khắc của cái thấy, tay của chúng ta ở đâu? Đó là cách để dẫn đến hiểu biết sâu sắc hơn và cao hơn rằng không phải tôi đang thấy hay đang ngồi. Và như vậy thì ta sẽ biết được ta đang ở đâu hiện giờ. Chúng ta sẽ thấy rằng trí tuệ của Đức Phật và Giáo lý của Đức Phật vô cùng vĩ đại và thâm sâu so với mức độ trí tuệ hiện giờ của chúng ta.
Hiện giờ chúng ta đang ở đâu? Liệu chúng ta có thể hiểu được những lời dạy của Ngài mà không nghiên cứu một cách cẩn trọng hay không? Khi có hiểu biết, sự tôn kính của chúng ta sẽ ở mức độ cao hơn, chứ không phải chỉ nghĩ về Giáo lý với ý niệm riêng và sự suy đoán của mình. Cần phải suy xét từng từ một trong Giáo lý của Đức Phật để thấy được các ơn đức, lòng từ bi, trí tuệ cùng với sự thanh cao của Ngài. Nếu không, sẽ không ai nghĩ đến việc cái thấy hiện giờ cần phải được hiểu một cách đúng đắn, rằng đó chỉ là một thực tại, chỉ là một khoảnh khắc của cái thấy mà thôi. Đây chính là cách thức để dần dần loai bỏ được ý niệm về ngã- qua việc hiểu dần dần các thực tại đang xuất hiện. Những thực tại của ngày hôm qua bây giờ đâu rồi? Cái thấy hôm qua đâu rồi? Cái nghe hôm qua đâu rồi? Tất cả các tình huống của ngày hôm qua không còn chút dư âm ở khoảnh khắc ngủ sâu, và đó chính là cuộc sống của chúng ta. Chúng ta ngủ, thức dậy, có rất nhiều thứ xảy ra, và rồi mọi thứ hoàn toàn qua đi. Đó có thể là sự chấm dứt của một cuộc đời, chứ không phải chỉ là sự trôi đi của ngày hôm qua, Nếu không có ngày hôm qua thì hôm nay có thể có hay không? Và cái gì xảy ra ở ngày hôm qua thì cũng có ở hôm nay. Cái hiểu của ngày hôm qua không bị mất đi, nó vẫn tiếp nối từng khoảnh khắc cho đến tận bây giờ, để được nghe tiếp, suy nghĩ tiếp và hiểu them một chút.
Hiện giờ liệu có ai có thể kinh nghiệm sự sinh diệt của cái nghe, cái thấy, hay của suy nghĩ? Ai biết được điều ấy? Nhưng điều đó là thực. Ai nghĩ rằng điều đó là không thực nào? Hãy lấy những cái từ ngày hôm qua để chỉ ra nó ở đâu? Chúng hoàn toàn đã trôi qua rồi. Và đây cũng chính là sự bắt đầu của một cuộc sống tiếp nối từ khoảnh khắc cuối cùng của kiếp sống trước. Thế còn kiếp sau thì sao? Nó cũng đang tới dù sớm hay muộn. Và chúng ta sẽ là gì? Bởi vì đến hết kiếp này sẽ không còn con người đó nữa. Cái còn lại sẽ là nghiệp tạo duyên cho khoảnh khắc đầu tiên của kiếp tiếp sau, mà không hề có sự chuẩn bị của chúng ta. Ai có thể chuẩn bị được kiếp sau của mình sẽ như thế nào không? Cũng như với kiếp này, không ai trong quá khứ biết được mình sẽ tái sinh là gì trong kiếp này. Ai mang chúng ta đến đây? Nếu ở khoảnh khắc đầu tiên của một kiếp sống không có một thực tại kinh nghiệm một cái gì đó thì hoàn toàn không có thế giới. Điều này phụ thuộc vào nghiệp đã được tạo trong quá khứ. Nếu nghiệp được tạo ra trong quá khứ không phải là nghiệp tốt, ta sẽ không thể được sinh ra trong cõi người và các cõi cao hơn, là cõi chư thiên. Chúng ta có thể thấy có nhiều loại tái sinh khác nhau, ví dụ như con người thì không giống các loài thú. Cái gì đã tạo duyên cho việc tái sinh thành một con người này hay một con thú kia? Cái gì khiến một chúng sinh trở thành như thế này trong kiếp này? Ngày hôm qua, chúng ta đã nghe về thực tại, về pháp, và việc đó có thể là một duyên để tạo cho sự sinh khởi của thức đầu tiên trong một kiếp nào đó. Nếu khoảnh khắc đầu tiên của một kiếp sống sinh khởi cùng với trí, sẽ tốt hơn rất nhiều nếu không có trí. Ngoài ra cũng còn rất nhiều nghiệp khác sẽ tạo duyên cho sự sinh khởi của một kiếp sống mới.
Như vậy chúng ta đừng chỉ tự hài lòng với việc dùng từ nhân và quả. Nếu chúng ta chỉ dùng từ ấy thôi, thì sẽ không đủ đâu. Nhưng nếu chúng ta tìm hiểu về thực tại, chúng ta sẽ biết rõ hơn tiến trình ấy thực sự diễn ra như thế nào? Rằng tái sinh cũng là quả của nghiệp. Và khoảnh khắc của tâm đã tạo ra sự tái sinh đó cũng có năng lực tập hợp các nghiệp và quả của nghiệp sẽ trổ trong kiếp sống tới này. Chính điều đấy khiến cho chúng ta đều rất khác nhau, theo nghĩa chế định. Nhưng về mặt tối hậu, dù nơi con người hay cầm thú, cái thấy vẫn chỉ thấy mà thôi. Nếu không có hình, dạng thì ai có thể thấy được gì đây? Cái thấy có phải là một con cá không? Một con mèo hay là một con chó hay một con rắn? Nếu chúng ta không nghiên cứu Giáo lý, chúng ta sẽ không thể biết được trong kiếp này có bao nhiều khoảnh khắc là kết quả của nghiệp quá khứ. Khoảnh khắc đầu tiên của một kiếp sống là một tâm quả, được gọi là thức tái tục, nó rất ngắn ngủi. Sau khoảnh khắc đó, nó được tiếp nối bởi các tâm hộ kiếp khác, là một loại tâm – citta. Citta là thực tại dẫn đầu trong việc nhận biết một đối tượng. Như hiện giờ, cái gì được thấy? Cái thấy sinh khởi nhưng cái thấy không thể sinh khởi một mình đơn lẻ. Có những tâm sở sẽ được tạo duyên để cùng sinh khởi với tâm. Chúng sinh khởi cùng nhau. Nhưng cái đảm nhiệm chức năng thấy chính là tâm. Tâm làm nhiệm vụ “thấy”, ngoài ra còn có những yếu tố khác, tức là các tâm sở -cetasika. Ít nhất có bảy tâm sở luôn sinh khởi cùng với tâm, kể cả khoảnh khắc đầu tiên của một kiếp sống. Mặc dù các tâm sở đồng sinh với tâm, nhưng cái dẫn đầu nhiệm vụ kinh nghiệm đối tượng vẫn là tâm. Ai có thể lên kế hoạch, ai có thể tạo ra những khoảnh khắc khác nhau ấy Và đây chính là giáo lý của Đức Phật. Đức Phật dạy mọi người về bản chất của những gì mà chúng ta vẫn cho là tôi, là cuộc sống, thế gian. Và ai có thể thực hành mà không hiểu về những gì đang sinh khởi hiện giờ? Bởi lẽ, hiểu biết phải được phát triển từ từ theo từng giai đoạn. Mọi người lại muốn biết mọi điều, nhưng họ không thực sự hiểu, chẳng hạn như, mục đich của Pháp hành (Paṭipatti) là gì? Nếu không phải là việc phát triển hiểu biết theo từng bước một, đó sẽ không phải là Paṭipatti, sự thực hành. Nếu như chỉ là việc làm cái này hay cái kia trong khi không có hiểu biết hoặc hiểu biết rất ít ỏi, đó sẽ không phải là Giáo lý của Đức Phật.
Cái thấy hiện giờ đã xuất hiện một cách rõ ràng, đúng như nó là hay chưa? Khi nó xuất hiện một cách rõ ràng, khi đó sẽ thấy rằng không có một ai cả, chỉ có một thực tại đang thấy mà thôi. Chúng ta không thể làm gì khác vì nó đã sinh khởi và diệt đi rồi. Chúng ta hãy học để hiểu rằng cuộc sống là như vậy, mỗi một khoảnh khắc sinh khởi và diệt đi tiếp nối nhau liên tục. Không có gì thuộc về ai cả. Chẳng hạn như cái thấy, cái thấy chỉ thấy, chỉ thế mà thôi. Nó đã qua rồi. Nó đã qua rồi, vô cùng đơn giản. Tuy nhiên hiểu biết đúng không dễ dàng phát triển như vậy, bởi vì chức năng của hiểu biết đúng (hay trí tuệ) là sự xả ly. Đối nghịch với trí tuệ là dính mắc, tham ái, và chức năng của nó là bám víu. Như vậy, những thực tại đó có chức năng khác nhau. Tuệ giác biết và chính vì vậy nó xả ly. Tham ái hay dính mắc sinh khởi là do bởi vô minh. Bởi vì nó không biết rõ cho nên nó dính mắc. Nếu không có hiểu biết về cái đang xuất hiện hiện giờ,ngay lập tức sẽ có tham muốn làm một cái gì đó để biết. Điều đó không phải là những lời dạy của Đức Phật, Đức Phật không dạy chúng ta dính mắc thêm nữa. Tuy nhiên việc xả ly đó chỉ có thể tới từ sự hiểu biết mà thôi. Nếu không có hiểu biết về cái được nghe thì việc nghe ấy hoàn toàn không có hữu ích gì. Đó là lý do đức Phật đã phải giáo hóa trong 45 năm. Bởi vì Ngài biết rất rõ căn cơ của những người khác nhau, và rằng rất là khó hiểu đúng về cái thấy hiện giờ. Bởi vì, ở khoảnh khắc của cái thấy, không hề có hiểu biết về cái thấy. Chính vì lẽ ấy mà đức Phật đã phải giáo hóa đến 45 năm, để mọi người có thể hiểu được về khoảnh khắc của cái thấy, hiểu được đúng về nó. Dù chúng ta có đọc bao nhiêu trong sách rằng, ở khoảnh khắc của cái thấy có nhãn căn, có nhãn thức, có đối tượng thị giác cùng các tâm sở đồng sinh, điều đó cũng chưa chắc đem lại hiểu biết về cái thấy thực sự như nó là, cho đến thời điểm có thể thực sự nhận ra điều ấy. Nếu không có hiểu biết một chút xíu về cái thấy hiện giờ, sẽ không thể có được khoảnh khắc trực nhận được sự thật về cái thấy. Bởi vì điều vừa nói đến chỉ là một phần rất nhỏ của những gì đang xảy ra, ngoài cái thấy còn có khoảnh khắc của cái nghe, của suy nghĩ, của rất nhiều thực tại diễn ra. Tất cả các thực tại đó đều bị che lấp và không hề được hay biết. Như hiện giờ, chúng ta chỉ đang nói về cái thấy, trong khi có rất nhiều thứ xảy ra, những khoảnh khắc có cái nghe và nhiều thứ khác nữa. Sự vô minh ấy đã được tích lũy từ vô lượng kiếp, chúng ta sống trong bóng tối, không hay biết gì về thực tại cho đến khi chúng ta được nghe lời đức Phật giảng. Vậy làm thế nào để bớt được sự vô minh ấy?
Jonathan: Hôm qua sau buổi pháp đàm, có bạn đã trao đổi rằng: Nếu chúng ta không từng đi đến một nơi nào đấy để thực hành trước đây, thì sẽ không thể nào có được cái hiểu bây giờ về những lời Achaan dạy.
Achaan: Cách suy nghĩ như vậy có phải là những gì Đức Phật dạy hay không? Bởi vì Đức Phật đã dạy về pháp học- pháp hành và pháp thành. Nếu không có việc tìm hiểu giáo lý của Đức Phật, không phải chỉ bằng việc nghe, mà bằng việc thực sự hiểu về những gì đang được nói đến, thì dù ta có đi đâu chăng nữa, liệu có thể có sự thực hành hay không? Cho dù chúng ta có đi đâu hay ở đây, thì thực tại cũng chỉ có từng đấy thứ, vẫn là cái thấy, cái nghe, v.v… Nếu chúng ta không có lời giảng của Đức Phật, sẽ chỉ có vô minh, không thể có trí tuệ. Chúng ta biết, có các lậu hoặc (āsava), những phiền não ngủ ngầm rất sâu dày trong chúng ta. Hiện giờ chúng ta đang không có lậu hoặc hay sao? Chúng ta bị ô nhiễm bởi vô minh. Cái thấy không có hiểu biết, cái nghe không có hiểu biết… cả ngày cả đêm đều như vậy. Chúng ta sinh ra trong thế giới này – thế giới của các kinh nghiệm qua ngũ quan, của cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm. Trong một ngày, chúng ta có các hoạt động khác nhau, ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều, đi ngủ, tất cả các điều đó xảy ra qua ngũ quan. Chúng ta hoàn toàn không có hay biết gì về bản chất cùa những cái gì thực sự diễn ra, và đó gọi là vô minh lậu hoặc (avijjā āsava), và cũng là nghiệp lậu hoặc (Kamma āsava). Nếu chúng ta không hiểu về vô minh thì liệu chúng ta có thể bớt vô minh hay không?
Chính vì vậy chúng ta phải thấy được rằng, điều cốt lõi trong lời dạy của Đức Phật là về các thực tại sinh khởi bình thường trong một ngày, một cách rất tự nhiên. Trí tuệ hoàn toàn có thể hiểu các thực tại sinh khởi một cách tự nhiên trong ngày, nếu có đủ duyên. Nếu không thì đó sẽ không phải là trí tuệ, không phải là hiểu biết đúng. Nếu nó không hiểu được những gì đang xuất hiện hiện giờ thì làm sao có thể gọi đó là trí tuệ. Như vậy thì ta có thể thấy sự khác biết giữa Avijjā (Vô minh) và Paññā (Trí tuệ). Vô minh không thể hiểu các thực tại đang xuất hiện như nó là. Còn trí tuệ mới bắt đầu nghe, suy xét và hiểu một chút về cái đang xuất hiện. Vì vô minh của chúng ta nhiều vô kể, cũng như trong các kiếp trước, làm thế nào có thể bớt vô minh nếu không có sự nghiên cứu giáo lý của Đức Phật một cách cẩn thận. Nếu vẫn chưa hiểu được hiện tại đang diễn ra hiện giờ thì việc nghiên cứu giáo lý của Đức Phật có ích lợi gì đây? Vậy chúng ta đừng coi nhẹ khi nói câu: “con xin quy y Phật” hay “con xin quy y Pháp”. Sau khi Đức Phật nhập diệt, Ngài đã không chỉ định một ai làm người kế tục mình, Đức Phật đã nói Pháp sẽ là đạo sư của các con. Vậy, chúng ta hãy nghiên cứu những lời dạy của Đức Phật. Trong tiếng Pali đó là vāca sacca – những lời chân chánh. Vì đó là những điều chân lý cho nên nó có thể được hiểu bây giờ. Có ai muốn hỏi gì không?
Học viên 7: Achaan có nói lấy giáo pháp làm lời dạy, nhưng con thấy hiểu được giáo pháp, những gì Đức Phật dạy thì rất là khó. Nói về phần thực hành, Đức Phật có dạy Tứ niệm xứ, vậy nên hiểu về Tứ niệm xứ như thế nào cho đúng ạ?
Achaan : Bạn có nói về Tứ niệm xứ Satipaṭṭhāna. Nếu chúng ta muốn nói về Tứ niệm xứ thì trước hết chúng ta cần phải nghiên cứu ý nghĩa của những từ ấy đã. Chẳng hạn từ Chánh niệm- sati có nghĩa là gì? Cái thấy hiện giờ có phải là sati không? Cái nghe hiện giờ có phải là sati ko? Cái cứng hiện giờ có phải là sati không? Vậy sati- chánh niệm là gì?
HV 7: Chánh niệm là có sự hay biết về những gì đang xảy ra.
Achaan: Sự hay biết là gì?
HV 7: Là sự quan sát
Achaan : về cái gì?
HV 7: về những cái được kinh nghiệm bởi Tâm
Achaan: Ở đây có ai biết được sự khác biệt của những khoảnh khắc khi có sati và khoảnh khắc không có sati?
HV 7: Những khoảnh khắc có sati thì mình hay biết về mọi thứ nó đang diễn ra. Còn những khoảnh khắc không có sati thì thường có cảm giác là phóng tâm.
Achaan: Cái gì đang diễn ra?
HV 7: Khoảnh khắc hiện nay mà con đang kinh nghiệm là cảm giác cứng kinh nghiệm qua thân căn và cái nền nhà.
Achaan: Chúng ta cần phải biết rõ là ở khoảnh khắc này có sati hay không?
HV 7: Nếu hiện giờ có sự hay biết về những gì đang diễn ra, nếu như thế là sati, thì có nghĩa là có sati.
Achaan: Cuộc sống chỉ có ở từng khoảnh khắc một, ở mỗi một khoảnh khắc, chỉ có một đối tượng mà thôi. Nên nếu khi ta nói về một tình huống ví dụ như tôi đang ngồi trong phòng, thấy người này người kia, đó không phải là sati.
Cuộc sống không thường hằng, ai mà không biết được sự thực rằng cuộc sống là không thường hằng, nhưng ai biết được thế nào là cuộc sống? Chỉ đơn giản nói rằng cuộc sống không thường hằng thì đã đủ hay chưa? Như vậy thì đã có thể có Trí tuệ để tận diệt được cái hiểu sai về khoảnh khắc hiện tại hay chưa ? Chẳng phải Đức Phật đã dạy chúng ta rằng cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm đều là những khoảnh khắc mà chúng ta gọi là cuộc sống.
Như vậy khi nói rằng cuộc sống không thường hằng, điều đó không chỉ đơn giản có nghĩa rằng chúng ta sinh ra rồi phải chết đi. Mỗi khoảnh khắc của cái thấy cũng sinh và diệt, không thường hằng, khoảnh khắc của cái nghe cũng sinh diệt và không thường hằng, tất cả các khoảnh khắc đều sinh diệt và không có cái gì thường hằng. Điều đó khác với việc chỉ nói cuộc sống là không thường hằng. Đức phật không chỉ nói với chúng ta rằng, cuộc sống không thường hằng. Đức Phật dạy rất cụ thể về tất cả những gì thực sự không tồn tại lâu dài. Chúng ta đã quy y Phật, chúng ta cần phải hiểu thêm, có đúng không? Chính vì thế hôm nay tôi đã đặt câu hỏi, hôm qua các bạn có quy y Phật hay không? Nếu không có hiểu biết thì thực chất, không có ai đang nương tựa, đang quy y Phật cả. Làm sao Đức Phật có thể trở thành nơi nương tựa của các bạn nếu các bạn không thực sự hiểu giáo lý của Ngài? Nếu không có việc nghiên cứu, để tự suy xét và tự hiểu ra, mà chỉ theo một ai đấy nói những lời khác thì liệu đó có phải là nghiên cứu? Món quà vĩ đại nhất mà Đức Phật đã trao tặng chính là hiểu biết đúng, là trí tuệ. Nhưng còn tùy thuộc vào việc các bạn có muốn tiếp nhận trí tuệ ấy hay không? 45 năm giảng dạy chỉ về những gì đang xuất hiện hiện giờ. Các bạn có muốn tiếp nhận món quà đó hay không? Nhưng chỉ có thể có sự tiếp nhận khi có hiểu biết đúng mà thôi. Tôi thấy dường như mọi người đánh giá những gì Đức Phật dạy không sâu sắc bằng mức độ thực sự của nó, chúng ta cho rằng Đức Phật dạy những thứ mà chúng ta có thể dễ dàng hiểu được. Chính vì lẽ ấy, chúng ta đã bắt đầu với từ dhamma (pháp) mà Đức Phật đã dạy một cách rất kỹ lưỡng, là vô thường, khổ, vô ngã. Đó không phải là Tứ niệm xứ hay sao? Chúng ta phải đi vào chi tiết, chứ không phải chỉ nói là mọi thứ đều không thường hằng.
Người phiên dịch: Tôi xin giải thích rõ thêm một chút về lời của Achaan. Vừa nãy bạn có hỏi về Tứ niệm xứ và Achaan trả lời rằng phải biết về từ “pháp” một cách rất chi tiết, khi biết về từ “pháp” một cách chi tiết, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của từ vô thường, khổ, vô ngã. Và trong Tứ niệm xứ, lời dạy về Tứ niệm xứ là về vô thường khổ và vô ngã. Nếu không biết về pháp thì không thể biết về vô thường, khổ và vô ngã.
Sarah: Khi chúng ta nói đến việc hay biết một tình huống, chẳng hạn đang ngồi hay đang cầm một cái ly và chúng ta coi đó là chánh niêm thì sẽ dẫn đến việc là chúng ta sẽ cố gắng chú ý đến những việc làm như vậy và sẽ làm thật chậm, nhưng đó không phải là chánh niệm. Khi Achaan nói về chánh niệm là nói đến hay biết về thực tại, thực tại thì luôn luôn sinh diệt như vậy, cho nên dù chúng ta làm nhanh hay chậm thì thực tại vẫn như cũ. Nếu hay biết những gì đang xảy ra với ý niệm về ngã thì không phải là chánh niệm. Như vậy nếu chúng ta nói về sự hay biết tình huống thì hoàn toàn không phải là cái hiểu đúng về chánh niệm.
Jonathan: Tóm tắt về những điều Achaan nói về việc phát triển hiểu biết và về chánh niệm và trí tuệ, đó là vấn đề hiểu về thực tại hiện giờ chứ không phải là ở một nơi nào khác. Các bạn nếu như có câu hỏi hay ý kiến gì về chủ đề này thì bạn có thể nêu lên.
Học viên 8: Bà có thể chia sẻ quá trình nghiên cứu và tu tập của Bà cho đến khi thấu hiểu đầy đủ giáo lý của Đức Phật? Bởi vì việc học hỏi kinh nghiệm của Bà là một điều hết sức quý giá đối với chúng con.
Achaan: Như vậy có phải bạn muốn tôi nói về sự phát triển của Tứ niệm xứ mà không có cái hiểu về thực tại hiện giờ hay không? Cái thấy hiện giờ có thể là đối tượng của satipaṭṭhāna (tứ niệm xứ) hay không?
HV 8: Như Bà đã chia sẻ, để thấy đúng như thực thì chúng ta cần phải có chánh kiến, nhưng để có chánh kiến thì chúng ta cần phải có trí tuệ. Làm thế nào để có trí tuệ? Xin bà hãy chia sẻ quá trình nghiên cứu của mình, có phải đầu tiên chúng ta cần phải học Vi diệu pháp, chúng ta thực hành Tứ niệm xứ hay như thế nào?
Achaan: Chính vì lý do đó mà chúng ta đang nói về sự phát triển của hiểu biết hiện giờ, hiểu biết hiện giờ được phát triển như thế nào? Nếu chúng ta không hiểu được đối tượng của tứ niệm xứ, và cơ sở để cho chánh niệm sinh khởi thì chúng ta không thể nào biết được câu trả lời. Và câu hỏi bây giờ là: cái thấy có thể là đối tượng của chánh niệm hay không? Và như vậy, nếu một đối tượng có thể là đối tượng của chánh niệm thì sẽ có thể có hiểu biết đúng về đối tượng ấy. Nếu không có hiểu biết đúng, liệu cái thấy hiện giờ có thể là đối tượng của chánh niệm hay không? Hiện giờ có suy nghĩ hay không, nó có thể là đối tượng của chánh niệm hay không? Bất cứ cái gì có thực hiện giờ đều có thể trở thành đối tượng của chánh niệm nếu có hiểu biết đúng.
Và ta tìm hiểu câu hỏi về sự khác biệt giữa chánh niệm và không có chánh niệm, đó là cái sự khởi đầu. Cái cứng có thể làm đối tượng cho Tứ niệm xứ hay không? Tại sao mọi thứ đều có thể là đối tượng của tứ niệm xứ? Bởi vì mọi thứ đều có thực, sinh và diệt mà không có sự hiểu biết. Cái gì đã sinh ra thì cũng sẽ diệt đi, quá khứ đã qua, tương lai thì chưa tới, chỉ có cái bây giờ mới có thể được hiểu, nhưng nó vô cùng khó cho nên Đức Phật đã dạy rất nhiều về những cái đó để có thể phát triển hiểu biết. Và vậy thì tất cả cái gì là thực đều có thể trở thành đối tượng của chánh niệm và trí tuệ trực nhận.
Có thể chúng ta đọc rất nhiều những cuốn sách khác nhau viết về đạo Phật, người ta lấy ra một vài từ trong kinh điển Tam tạng và viết những cuốn sách rất dày theo cách riêng của họ, mà không đề cập đến việc rằng bất cứ đối tượng nào đang xuất hiện hiện giờ đều có thể là đối tượng của hiểu biết như đã được đề cập đến trong Tam tạng. Nếu chúng ta đọc những cuốn sách mà không nói đến hiểu biết về các thực tại hiện giờ, liệu đó có phải là tôi xin quy y Pháp hay không? Vậy thì câu đầu tiên là: cái xuất hiện hiện giờ có thể là đối tượng của chánh niệm và hiểu biết hay không? Câu trả lời là đúng vậy. Tuy nhiên cần phải có thêm hiểu biết mới có thể có được khoảnh khắc thực sự phát triển tứ niệm xứ về đối tượng đang xuất hiện hiện giờ. Bởi vì, bản thân hiểu biết về mặt lý thuyết thôi cũng dần dần loại bỏ ý niệm về ngã. Như vây, các bạn có đủ sự chân thành để có thể hiểu ngay bây giờ về những gì đang xuất hiện, và liệu chúng có thể trờ thành đối tượng của hiểu biết hay không? Thực tại hiện giờ có thể là đối tượng của chánh niệm về trí tuệ, nhưng khi nào? Bây giờ có thể chưa? Chân thật là một trong mười ba la mật, ngoài ra chúng ta cũng có những ba la mật khác như là khanti-kham nhẫn, viriya- tinh tấn.
Ngay từ đầu chúng ta đã nói rằng, tất cả các pháp đều vô ngã, nếu chúng ta cho rằng phải làm cái gì đó đặc biệt, như vậy sẽ hoàn toàn mâu thuẫn với sự thực rằng các pháp sinh khởi do duyên. Bởi lẽ, trí tuệ cũng là một pháp, và phải có duyên để cho nó sinh khởi. Hiểu biết đúng về lý thuyết là một trong những duyên quan trọng để cho trí tuệ trực nhận sinh khởi. Bởi vì kinh nghiệm trực nhận hay pháp hành là giai đoạn sau pháp học. Nếu ai đó nói với các bạn rằng, hãy thực hành đi thì sẽ có được hiểu biết như trong pháp học, các bạn thử kiểm chứng xem điều ấy có đúng với những gì Đức Phật nói trong Tam tạng về trật tự pháp học- pháp hành- pháp thành hay không? Như vậy vẫn có cái ý niệm về một ai đó, muốn làm một cái gì đó, để đạt được một cái gì đố, chứ không hề có sự buông bỏ ý niệm về ngã. Vậy hiện giờ chân thật ba la mật đâu rồi? Chúng ta nghiên cứu để có được cái hiểu biết cho “mình”, hay là nghiên cứu để hiểu rằng không có ai cả?
Người phiên dịch: Có một số người thắc mắc là có rất nhiều người đã thực hành trước khi nghiên cứu về pháp học, nhưng sau khi thực hành rồi thì họ có hiểu biết giống như là pháp học. Xin hỏi Achaan có bình luận gì không?
Achaan: Hãy xem Đức Phật nói gì? Đức Phật nói là cần phải có hiểu biết lý thuyết trước, pháp học (pariyati) rồi mới đến pháp hành (patipati) rồi mới đến pháp thành (pativeda). Khi chúng ta đọc Tam tạng, chúng ta có thấy phần nào nói rằng, pháp hành có trước rồi mới đến pháp học rồi pháp thành hay không? Hay trật tự duy nhất được đề cập đến trong Tam tạng là pháp học, pháp hành, rồi đến pháp thành?
Người phiên dịch: Thế còn những người tự xưng là đã giác ngộ, hoặc được cho là đã giác ngộ thì như thế nào?
Achaan: Thế nào là tự xưng? Thế nào là được cho? Chúng ta cần phải có hiểu biết. Sẽ không thể có sự giác ngộ mà không có con đường dẫn đến sự giác ngộ.
Jonathan: Như chúng ta đã biết, con đường dẫn tới giác ngộ là con đường của sự phát triển trí tuệ. Ở trong kinh, những người đạt được giác ngộ là những người hiểu được bản chất của tất cả thực tại rồi mới giác ngộ, chứ không có ai giác ngộ rồi mới hiểu bản chất của thực tại. Không thể như thế được.
Sarah: Nếu có ai đó nói với tôi, người đó đã giác ngộ hoặc ai đó đã giác ngộ thì tôi không đương nhiên chấp nhận điều ấy, vì Đức Phật có nói rằng chúng ta không nên vội tin, trừ khi ta đã phát triển hiểu biết một cách sâu sắc, thảo luận và tiếp xúc với người đó một thời gian dài, sẽ không có cách nào biết được mức độ tuệ giác của một người khác. Đó là tinh thần của bài Kinh Kalama. Chúng ta nên đặt câu hỏi và suy xét.
Khi chúng ta muốn đề cập đến kinh nghiệm riêng của bản thân và muốn biết xem kinh nghiệm ấy tương ứng với mức độ hiểu biết nào hay việc người đã thực chứng sẽ thấy cái gì, khi đó không có hiểu biết đúng. Vì hiểu biết đúng chỉ hiểu thôi, chứ không có “người” nào hiểu cả, nếu cho rằng có ai đó hiểu, sẽ có ý niệm ngầm về ngã và như vậy nó không thể đưa tới cách tiếp cận đúng đắn về vô ngã. Tôi nghĩ rằng nếu chúng ta thực sự chân thành quan tâm đến Pháp và phát triển hiểu biết về thực tại, cách duy nhất là tiếp tục nghe và thảo luận, suy xét nhiều về tất cả những gì đang xuất hiện để thấy một sự thật rằng không có một ai đằng sau những hiện tượng đó cả. Đó là cách duy nhất mà thôi.
Học viên 7: Vậy thì con muốn hỏi thế nào là pháp học, có phải mình cứ nghiên cứu và học trên sách vở là pháp học hay không?
Achaan: Bạn muốn đọc sách hay bạn muốn nghiên cứu về giáo lý?
HV 7: Đọc ạ
Achaan: Đọc với hiểu biết hay là không có hiểu biết? Nếu có người nói với bạn rằng bạn hãy đi đến một nơi nào đó để thực hành, còn một người khác nói với bạn hãy phát triển hiểu biết về tất cả những gì đang xuất hiện hiện giờ, bạn sẽ tin ai đây? Việc bạn tin ai cũng tùy thuộc vào tích lũy của mỗi người. Ngay ở thời Đức Phật, mặc dù Đức Phật thuyết giảng giáo pháp nhưng không phải ai cũng tin lời Đức Phật và đi theo Đức Phật.
Liệu tôi có cần phải nói về kinh nghiệm của bản thân hay không? Hay là tôi hãy nói từ những hiểu biết của mình? Nếu tôi không hiểu về những điều ấy thì liệu tôi có thể nói về những điều ấy hay không? Điều này cũng cho thấy rằng chúng ta nói như thế này, hành xử như thế kia, theo ai, cũng là do tích lũy của mỗi người và tất cả đều là vô ngã. Sở dĩ mọi người đều có những cách hành xử riêng biêt, có đặc tính riêng nhất quán là vì những thứ ấy đã có sự tích lũy rất lâu dài. Kể cả ngồi trong những tư thế khác nhau, điều ấy cũng là do tích lũy. Chúng ta có thể thấy rằng, tứ đại cùng với các sắc kết hợp với tứ đại có thể tạo ra sự đa dạng trong những vật chất khác nhau và thực tại nhận thức những vật chất đó thì còn đa dạng hơn nữa. Ngay cả cây cối, ví dụ như cây sầu riêng, cũng có những vị rất khác nhau, những người ăn sầu riêng cũng có những sở thích khác nhau, cái đó cho thấy sự đa dạng của tất cả các loại tâm cũng như các loại sắc. Những gì mà chúng ta đã đọc trong Tam tạng đều là về tất cả những sự kết hợp khác nhau của các thực tại. Ở thời của Đức Phật, các vị tỳ kheo có ngồi cùng một kiểu không? đi theo cùng một dáng không? Để có thể hiểu thực tại thì liệu họ có cần phải thay đổi cách họ đi hay không? Điều đấy sẽ rất nực cười đối với những người đã thấy được cái gì là gốc rễ của sự khác biệt trong cuộc sống. Cái gì tạo duyên cho điều đấy? Không phải là hiểu biết đúng mà là gì? Đó chính là vô minh và tham ái tạo duyên cho điều đó. Liệu paññā (trí tuệ) có cần phải thay đổi hay không? Và như vậy ta chỉ cần nghe mỗi từ Tuệ giác và rồi ta thực hành mà không cần biết thực hành là gì hay sao? Hiện giờ có ai đang thực hành hay không? Tại sao không? Nếu như có hiểu sai và vô minh [thì sẽ không có sự thực hành]. Nhưng nếu có hiểu biết đúng, nó có thể hiểu được bất cứ cái gì đang sinh và diệt. Chính vì vậy Đức Phật đã dạy về các thực tại khác nhau. Đức Phật không chỉ dạy về pháp học, pháp hành, pháp thành mà Đức Phật cũng dạy về ba mức độ trí tuệ về Tứ đế, gọi là sacca ñāṇa (Tri kiến về Tứ đế), kicca ñāṇa (Tri kiến về cơ năng của Tứ đế) và kata ñāṇ (Tri kiến về cơ năng của mỗi đế được thành tựu). Đó là ba mức độ hiểu biết khác nhau, để chúng ta không nhầm lẫn về mức độ tuệ giác của mình.
Có ai muốn nói về bài pháp đầu tiên của Đức Phật hay không? Bài Kinh đầu tiên của Đức Phật giảng là bài Kinh về Tứ diệu đế được giảng cho những người đã tích lũy rất nhiều hiểu biết để có thể hiểu được những điều Đức Phật nói ở tại thời điểm ấy. Trong bài kinh Chuyển pháp luân có phần giảng về tứ diệu đế. Kể cả bài Kinh đầu tiên này, từng mục một, chúng ta cần phải nghiên cứu một cách kỹ lưỡng.
Achaan: Đề nghị cô Sarah hãy nói về diệu đế thứ nhất – Khổ đế, chứ chưa nói về những diệu đế còn lại.
Sarah: Mọi người đều biết diệu đế thứ nhất là Khổ đế. Ta có thể cho rằng khổ đế nói về thọ khổ, ví dụ những chuyện đau buồn trong cuộc sống, hay cảm thọ đau đớn trên thân như khi bị đau đầu, đau bụng v.v… đó là một loại khổ, loại khổ này ai cũng biết, gọi là khổ khổ, dukkha-dukkha. Nhưng Khổ để mà Đức Phật nói trong diệu đế thứ nhất có ý nghĩa sâu sắc hơn rất nhiều. Chúng ta đã đề cập đến các thực tại và biết rằng mỗi thực tại đều sinh và diệt. Sự sinh diệt đó của các thực tại không mang đến sự thỏa mãn, toại nguyện, và chính vì thế chúng là dukkha. Đức Phật dạy về ngũ uẩn thủ, ngũ uẩn thủ là khổ. Ngũ uẩn thủ bao gồm: Sắc, Thọ Tưởng, Hành, Thức. Chẳng hạn như: sắc là cứng hiện giờ, đối tượng thị giác hiện giờ, v.v…là những đặc tính ta kinh nghiệm thường xuyên trong cuộc sống, và chúng có thể là đối tượng của dính mắc, sự dính mắc ấy thật là xuẩn ngốc, bởi tất cả các thực tại sinh và diệt, không đáng để bám víu vào
Achaan: Bây giờ để chúng ta có thể hiểu một cách chắc chắn hơn, hiện giờ có dukkha hay không? Nó ở đâu, chúng ta có cần phải đi đến một nơi khác để thấy nó hay không? Vô minh có biết được điều ấy hay không? Vậy cái gì biết? Hiểu biết đúng có được từ việc nghe và suy xét. Khi nào có dukkha đây? Ngay bây giờ. Mọi thứ đều sinh và diệt, khi cái sinh và diệt đã qua rồi thì còn có ai nữa hay không? Có cái gì toại nguyện ở trong đó hay không? Khoảnh khắc có chánh niệm là bước khởi đầu của việc hiểu dần về các thực tại, nhưng bản thân điều đó cũng là do duyên, bởi các thực tại đều là vô ngã. Nếu không thì ngay lập tức vô minh và tham ái sẽ che lấp sự thực ấy. Trong Tam tạng có nói rằng vô minh và tham ái ở khắp nơi cũng giống như các khoảng không tồn tại giữa các tổ hợp sắc. Ở trong này có các khoảng trống hay không? Có cả vô minh và tham ái trong đó khi không có hiểu biết đúng. Lời dạy của Đức Phật là dành cho những người mà không thể tự mình giác ngộ, nhưng nhờ việc nghe pháp thì bắt đầu có sự khởi đầu của việc hay biết rằng chỉ có các thực tại và không có gì khác cả, không có ai cả. Đây có phải là con đường để dẫn đến cái hiểu về các thực tại như nó là hay không? Không có cái ngã nào có thể hiểu được, có thể cố gắng, hay như chúng ta cho rằng có ai đấy, phải làm một cái gì đó, phải nỗ lực.
Trong Tam tạng có đề cập đến con đường Tà đạo và con đường Bát chánh đạo. Tại sao Đức Phật cần phải nói với chúng ta về hai con đường đó? Là để chúng ta không mắc phải sai lầm đi con đường sai. Khi không có hiểu biết đúng thì hiểu biết sai sẽ dẫn chúng ta ra khỏi con đường chánh đạo và sẽ cố gắng làm thế này thế kia, nỗ lực thế này thế kia mà không phải là hiểu về cái hiện giờ đang xuất hiện. Khi ý niệm về ngã đưa chúng ta ra khỏi khoảnh khắc hiện tại, sẽ không có được hiểu biết đúng và sẽ không bao giờ biết được khoảnh khắc hiện giờ là gì. Điều này là quý báu hay là vô ích đây? Bạn muốn những thứ khác ngoài việc hiểu thực tại hiện giờ hay không? Bạn có biết được khoảnh khắc tiếp theo sẽ là gì hay không? Như vậy, chúng ta sẽ tự suy nghĩ theo cái ý niệm riêng của mình mà thôi. Tất cả những gì xuất hiện đều là do duyên, bởi vì mọi thứ là Vô ngã.
Bây giờ chúng ta hãy nói một chút về con đường Bát chánh đạo, toàn bộ con đường Bát chánh đạo được dẫn đầu bởi Chánh kiến, bên cạnh các yếu tố chánh niệm, chánh tinh tấn, chánh định,… Thế bây giờ có Chánh tinh tấn hay không? Khi có chánh tinh tấn, thực chất nó đã sinh khởi do duyên, kể cả trước khi có ý niệm bây giờ tôi phải nỗ lực. Chúng ta không cần phải cố gắng gì nữa bởi vì nó đã có ở đó rồi. Có bao nhiêu tâm sinh khởi không có tinh tấn (cố gắng) đi kèm? Chúng ta được học trong Vi diệu pháp rằng chỉ có 16 tâm trong tổng số 89 tâm. Như vậy thông thường có rất nhiều tâm sinh khởi với tinh tấn, nhưng đi kèm với lobha, dosa và moha (tham –sân –si). Tại sao Đức Phật lại dạy một cách chi tiết như vậy? Là để cho chúng ta bớt đi cái hiểu sai rằng “tôi” có thể nỗ lực làm một cái gì đó.
Sarah: Quay trở về với câu hỏi vừa nãy về việc liệu chúng ta có nên đọc sách, bất cứ khi nào chúng ta có ý niệm rằng tôi nên đọc quyển sách đó, tôi nên nghĩ theo cách này hay cách kia thì lúc đó chúng ta cũng quên mất hiện tại hiện giờ cái gì đang diễn ra. Kể cả khi ta đã biết rằng việc đi đâu đó hoàn toàn không có lợi ích gì, nhưng nếu ta cho rằng, mình cần phải đọc cuốn sách này hay cuốn sách kia, điều ấy cũng không khác với việc nghĩ rằng chúng ta cần phải đi đâu đó, hay cần phải làm cái gì đó, hay tôi nên làm thế này hay nên làm thế kia, tất cả các ý nghĩ như vậy đều được thúc đẩy bởi ý niệm về ngã, và không có hiểu biết. Và tất cả các khoảnh khắc không có hiểu biết về cái đang sinh khởi sẽ không phải là khoảnh khắc của chánh niệm và trí tuệ.
Câu hỏi: Kính thưa Achan, con cũng đã cố gắng tu tập vì con biết sự tu tập rất có lợi ích, và khi càng tu tập, càng tìm hiểu thì con thấy hết vô minh này lại qua vô minh kia. Ví dụ như trước đây con vô minh bằng cách con sống theo người đời là hoạt động, thế rồi khi con tu tập thì con lại rút vào, con muốn tránh né hết mọi người, vì con thấy từng giây từng phút lời nói của mình trong vô minh đều tạo nghiệp, cho đến khi hiểu về chánh niệm thì con thấy chánh niệm là thấy trong hiện tại, rồi con suy nghĩ, tại sao con chánh niệm mà con vẫn có những cái sai đến, con lại suy nghĩ, nhìn là nhìn, thấy là thấy, không suy nghĩ gì nữa, thì con trở thành không nghĩ, không làm, không nói, không tiếp xúc với ai, rồi con bị phê phán như là si. Con thắc mắc không biết tìm hiểu ở đâu, làm thế nào để tu tập cho đúng, con chỉ đọc kinh sách, nhìn bàn thờ Phật. Xin Achaan dạy cho con biết, con nên tu tập như thế nào, để cho có sự hiểu biết đúng, để không còn vô minh nữa?
Achaan: Chúng ta không nên mong đợi một người khác nói mình làm gì cả, mà hãy suy xét về những gì được nghe ,để phát triển hiểu biết để cho sự hiểu biết phát sinh ở chính nơi mình, chứ không thể có một ai đó nói cho mình phải làm cái này hay cái kia. Một người thiện bạn hữu thực sự thì sẽ mong muốn người khác phát triển sự hiểu biết ở chính nơi mình chứ không mong muốn người khác đi theo những lời mình nói. Dù chúng ta sống theo cách này hay cách kia, mỗi người có một cuộc đời riêng và những hoàn cảnh riêng, thì việc quan trọng không phải là cuộc đời đó [như thế nào], mà là sự phát triển hiểu biết đúng, và cần phải tiếp tục nghiên cứu, đọc và tìm hiểu những gì Đức Phật dạy. Chẳng hạn như vừa đây, chúng ta nói về Khổ -dukkha, có đúng không? Như chúng ta đã đề cập, Tứ diệu đế thứ nhất là về dukkha- khổ đế , và bây giờ những gì đang xảy ra, như cái thấy, cái nghe, tất cả những cái đó đều vô thường, sinh và diệt, và cái sinh và diệt không thể mang lại hạnh phúc. Có ai có thể tìm thấy hạnh phúc từ cái sinh và diệt hay không? Cái sinh và diệt, không thể kiểm soát được có phải là tự ngã hay không? Không ai có thể làm thay đổi được điều ấy. Nếu ai đó có khả năng làm thay đổi khiến các thực tại không còn sinh diệt, ví dụ như sau cái thấy thì không có cái nghe, chẳng hạn, thì sẽ không có dukkha. Nhưng thực tế thì không phải như vậy, không ai có thể thay đổi sự thực.
Nếu chúng ta nói rằng cái thấy không thể kiểm soát được, điều đó không sai, nếu chúng ta nói rằng cái thấy không thường hằng, điều đó cũng không sai. Nhưng nếu chúng ta chỉ nói thôi thì không có nghĩa là chúng ta có cái hiểu trực tiếp về điều ấy. Nếu chúng ta có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng ta sẽ biết được rất rõ hiểu biết của mình hiện giờ ở mức độ nào, nó có thấy được sự sinh diệt của thực tại hay chưa? Chúng ta sẽ thấy rằng nếu có hiểu biết đúng đắn một cách vững vàng, sẽ không còn nghĩ đến làm một việc gì khác ngoài hiểu các thực tại như nó ngay bây giờ. Hiểu biết đúng hiểu rằng, tất cả những gì đang sinh khởi hiện giờ là do duyên mà thôi. Chân lý mãi mãi sẽ là chân lý. Hiểu biết trực tiếp không dành cho những người mới nghe lần đầu, nó dành cho những người đã phát triển trí tuệ đến mức độ có thể đạt đến điều đó. Hiện giờ đã có pariyatti savakka – tức là người đệ tử có pháp học – hay chưa? Khi có khoảnh khắc của chánh niệm sinh khởi hay biết một thực tại, ở khoảnh khắc đó được gọi là paṭṭipati savakka tức là người đệ tử có pháp hành. Và ở khoảnh khắc có sự xuyên thấu giác ngộ, khoảnh khắc đó được gọi là pativeda savaka – người đệ tử có pháp thành. Khi đó không còn chỉ là người đệ tử có pháp học.
Sarah: Xin được nói thêm. Khi cố để hay biết, để chánh niệm bằng nhiều cách khác nhau, thực ra ở khoảnh khắc đó, hoàn toàn có ý niệm về ngã, về cái tôi, “tôi” muốn có chánh niệm, “tôi” muốn có cái này hay cái kia, và chính điều này càng làm tăng thêm ý niệm về ngã. Chính điều ấy làm chúng ta càng xa lánh mọi người, và lúc đó không có đệ tử pháp học, càng không có đệ tử pháp hành và đệ tử pháp thành. Con đường đúng đắn sẽ càng phải tăng phẩm chất thiện, càng phải có tâm từ, tâm bi, chứ không thể làm ta xa lánh mọi người.
Học viên 9: Ngoài việc hiểu và làm theo Bát chánh đạo , mình phải hiểu đúng giáo lý của đức Phật. [Theo con], ba điểm chính cần phải làm theo để có bước thực hành cho đúng là: Đầu tiên, con phải hiểu rõ về ngũ uẩn, những gì xảy ra trên thân và tâm của mình, kế tiếp, con phải tin tưởng hoàn toàn vào Tam bảo vào giáo lý của Đức Phật, cái thứ ba, con phải có mục đích, mục đích của con thiền để làm gì, kết hợp ba thứ đó, thì con sẽ có được một pháp hành đúng. Con muốn biết như vậy có đúng không?
Achaan: Vừa rồi bạn có chia sẻ cái hiểu của bạn về cách phát triển con đường Bát chánh đạo. Chúng ta cần phải hiểu từng từ một và hiểu rõ mục đích, chẳng hạn như hiểu về từ “dhamma”- pháp và phát triển hiểu biết về dhamma thì sẽ dẫn tới đâu? Nếu chúng ta không biết con đường dẫn tới đâu thì chúng ta phát triển cái gì đây? Nếu ở khoảnh khắc hiện giờ có cái hiểu thì chẳng phải con đường cũng đang được phát triển rồi, đúng không? Nếu không có cái hiểu đúng hiện giờ thì có sự phát triển nào hay không? Và bây giờ chúng ta đang chia sẻ về bản chất của con đường chánh đạo là gì. Việc chia sẻ cùng với việc nói đến các thực tại sẽ làm duyên cho khoảnh khắc của hiểu biết đúng về thực tại sinh khởi. Con đường sẽ phải dẫn đến hiểu biết về bất cứ cái gì xuất hiện. Nếu như chúng ta không hiểu về cái đang xuất hiện hiện giờ thì làm sao có Chánh Đạo đây? Như vậy thì con đường này không liên quan đến những chủ đề khác mà chỉ liên quan đến những gì đang xuất hiện hiện giờ mà thôi. Theo bạn có con đường nào khác không?
Người phiên dịch: Bây giờ đã hết giờ. Chúng ta sẽ tiếp tục thảo luận vấn đề này vào chiều nay.
Sadhu sadhu sadhu!