Bức thư vipassana 2

Bức thư vipassana 2

Các đạo hữu thân mến,

Khi Khun Sujin (Achaan Sujin Boriharnwanaket) ghé thăm Anh, Alan Weller đã ghi âm lại các buổi đàm đạo giữa anh ấy và bà. Các cuốn băng này chứa đựng nhiều lời nhắc nhở quý báu về [sự phát triển] tứ niệm xứ trong cuộc sống đời thường và vì vậy, tôi muốn chia sẻ với tất cả các bạn. Họ đã thảo luận về tâm (citta), tâm sở (cetasika) và sắc (rupa). Họ đã nói về tâm kinh nghiệm các đối tượng qua sáu môn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý.

Có nhiều loại tâm sinh khởi trong cuộc sống thường ngày. Có đối tượng thị giác và có sự diễn giải về cái đã được thấy và khi đó không còn là cái thấy (nhãn thức) nữa mà là suy nghĩ. Khi có nhân duyên cho chánh niệm sinh khởi, nó sẽ ghi nhận bất cứ đối tượng nào xuất hiện, đó có thể là đối tượng thị giác, nhãn thức, cảm thọ hay suy nghĩ. Khi chánh niệm sinh khởi, ta không cần đặt tên dán nhãn cho bất cứ thực tại nào, mà sẽ có kinh nghiệm trực tiếp về đặc tính của thực tại. Cái thấy chỉ là kinh nghiệm về đối tượng thị giác, nó có đặc tính riêng của nó, ta không cần phải đặt tên cho nó. Suy nghĩ cũng chỉ là suy nghĩ, nó có đặc tính riêng và không cần phải đặt tên.

Cái thấy thấy đối tượng thị giác nhưng chỉ trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi và rồi diệt đi. Đối tượng thị giác cũng vậy, nó không tồn tại lâu mà diệt đi ngay. Cái thấy chỉ có thể thấy, nó không thể suy nghĩ về đối tượng thị giác. Nếu ta muốn chú tâm vào cái thấy hay đối tượng thị giác, nếu có bất cứ ý muốn tập trung vào để biết chúng, điều ấy sẽ ngăn trở sự sinh khởi của tuệ giác về thực tại. Ta không thể nhìn chằm chằm vào đối tượng thị giác, vì thực tế là nó chỉ được thấy trong một sát na, rồi lại diệt đi. Chúng ta có thể nghĩ về nó, nhưng đó không phải là sự trực nhận bằng chánh niệm về đặc tính của nó.

Tôi xin viết lại dưới đây cuộc đối thoại giữa Khun Sujin (K.S) và Alan (A) về chủ đề này:

K.S: Khi ta càng hiểu rõ tính chất của suy nghĩ, ta sẽ càng thấy rõ hơn rằng đối tượng thị giác chỉ là đối tượng thị giác. Việc có suy nghĩ hoàn toàn không phải là một vấn đề, bởi hầu như lúc nào cũng có nhân duyên cho suy nghĩ khởi sinh. Khi có kinh nghiệm về một đối tượng qua một trong ngũ môn, lập tức có suy nghĩ sinh khởi.

A: Chúng ta cần phải nhận biết bằng kinh nghiệm trực tiếp chứ không nên thông qua suy nghĩ.

K.S: Chính vì vậy cần phải có chánh niệm trên suy nghĩ và hiểu biết rằng đó chỉ là một thực tại.

A: Chính vậy đấy, đối tượng thị giác cần phải được tách khỏi suy nghĩ [về nó].

K.S: Đó là lý do vì sao ta cần hay biết về suy nghĩ, để có thể hiểu được thực tại. Nhiều người không muốn có suy nghĩ, họ cố gắng ngăn chặn suy nghĩ. Họ cho rằng bằng cách ấy họ có thể hiểu được thực tại

A: Suy nghĩ xảy ra rất nhanh. Mắt vừa thấy một đối tượng thị giác là lập tức có ngay suy nghĩ.

K.S: Sự phát triển chánh niệm là cần thiết để có thể hiểu được suy nghĩ. Đối tượng thị giác xuất hiện chớp nhoáng và rồi có suy nghĩ. Suy nghĩ về một cái gì đó.

A: Suy nghĩ ấy chỉ lấy ra một thứ trong đối tượng thị giác kia. Chỉ một ý tưởng [về nó] thôi.

K.S: Và lập tức [ý niệm về] “cái gì đó” đã ở đó, ngay cả khi chúng ta không gọi tên nó. Khi chúng ta tập trung vào cái gì đó thì chỉ có suy nghĩ chứ không có cái thấy. Để có kinh nghiệm về cái thấy, bạn không cần tập trung vào một điểm.

A: Khi tôi nhìn vào một cái ri-đô nhưng không nhận ra những họa tiết hình quả dứa, bởi khi đó tôi chưa nghĩ về chúng. Chỉ khi ai đó nói rằng có hình quả dứa, tôi mới nhận ra chúng.

K.S: Bởi vì khi đó bạn nghĩ về chúng. Cái ta thấy bây giờ chỉ là một thực tại và rồi tưởng suy nghĩ rất nhiều. Điều này luôn luôn diễn ra, khi bạn đọc sách, xem T.V, ngắm tranh hay nhìn ngó khi đi bộ trên phố. Có thể có hiểu biết về bản chất của thực tại vào những thời điểm đó.

A: Khi ta lựa ra một vài thứ từ đối tượng thị giác, đó  chỉ là các loại suy nghĩ khác nhau.

K.S: Ta bắt đầu hiểu ra rằng không có ai cả, suy nghĩ chỉ là suy nghĩ mà thôi.

A: Suy nghĩ chỉ là hoạt động của tưởng uẩn. Không có người nào trong đó cả, mà chỉ có các thực tại. Đó là nghĩa thực của “một mình”

K.S: Đó chính là cách thức để bớt dính chấp vào ý niệm về một cái “tôi” mà chúng ta gán cho thực tại. Luôn luôn có ý niệm “tôi nghĩ”; “tôi thấy”; luôn luôn là “Tôi, tôi, tôi”. Tại thời điểm chưa có sự chú ý tới hình dạng, chánh niệm trên thực tại chân đế có thể được vun bồi. Không chỉ với đối tượng thị giác, mà với đối tượng âm thanh nữa. Chánh niệm có thể hay biết bất cứ thực tại nào mà không cần tới suy nghĩ. Có âm thanh sinh khởi, rồi đối tượng thị giác, rồi lại âm thanh, những sát na ấy vô cùng ngắn ngủi. Chánh niệm có thể theo sát mọi loại thực tại chân đế.

A: Khi ta chú ý đến hình dạng [của một đối tượng], thường có tham sinh khởi có phải không?

K.S: Khi cảm thọ không phải là khổ, tức là  là lạc hay trung tính (xả), thì thường có tham. Tham sinh khởi khi ta đọc báo hay xem tranh ảnh, tuy nhiên, chánh niệm có thể hay biết được các thực tại chân đế trong đời sống hàng ngày. Chánh niệm cần phải rất “thường nhật”.

A: Tôi nghĩ rằng không có sự khác biệt giữa các bối cảnh khác nhau.

KS: Không có chút khác biệt nào cả. Sáu căn luôn là vậy dù ở bất kỳ nơi đâu. Chúng ta cần bớt dính mắc. Điều ấy không thể được đạt tới bằng cái ngã, mà bằng trí tuệ. Thông qua [sự phát triển] tứ niệm xứ, ta thấy rõ hơn căn cơ của mình, tứ niệm xứ cần được phát triển một cách tự nhiên. Dù chúng ta đi lại hay nhìn ngó cái gì đó, chánh niệm đều có thể ghi nhận và trí tuệ có thể hiểu. Mỗi thực tại sinh và diệt nhanh chóng, nhưng chánh niệm có thể theo sát các thực tại khác nhau đang xuất hiện. Thay cho việc suy nghĩ quá nhiều về những người khác, chánh niệm có thể ghi nhận các thực tại. Chúng ta có thể nghĩ về những người khác và băn khoăn tại sao họ lại cư xử như vậy, thế còn tâm của ta thì sao? Chánh niệm đưa ta trở lại với “thực tại của chính mình”.

Quả là, đôi khi chúng ta sân với cách cư xử của một ai đó. Thay cho việc suy nghĩ mãi về điều ấy, ta có thể có chánh niệm ghi nhận bất cứ danh và sắc nào đang xuất hiện. Chúng ta không bám vào bất cứ cái gì khi chánh niệm sinh khởi, lại có các thực tại khác xuất hiện và chánh niệm có thể theo sát chúng.

Một số người khi nghe về tâm, tâm sở và sắc, nói rằng họ không thích tạng Vi diệu pháp mà thích tạng Kinh hơn. Họ cho rằng VDP mang nặng tính lý thuyết. Tùy vào căn cơ mà mỗi người sẽ tìm hiểu VDP đến mức nào, tuy nhiên, nếu không có chút kiến thức nào về danh, về thực tại hay biết đối tượng, và về sắc, thực tại không hay biết gì cả, ta không thể phát triển con đường Bát Chánh Đạo. Ta không biết cái gì là đối tượng của chánh niệm. Ta không biết rằng các khái niệm như là toàn thân hay con người không thể là đối tượng của chánh niệm, mà chỉ có thể là đối tượng của suy nghĩ. Một danh hoặc sắc tại thời điểm xuất hiện qua một trong sáu môn có thể là đối tượng của chánh niệm. Nếu ta bắt đầu ghi nhận được đặc tính của cái thấy đang xuất hiện, hay đặc tính của đối tượng thị giác, hay đặc tính của bất cứ thực tại nào khác đang sinh khởi, ta sẽ hiểu rằng VDP giải thích bản chất của thực tại của cuộc sống đời thường của chúng ta. Trong tạng Kinh cũng ngập tràn Vi diệu pháp, chúng ta không thể thực sự nắm bắt ý nghĩa của các bài kinh mà không có kiến thức về thực tại chân đế (paramatha dhammas). Trong kinh, chúng ta đọc rất nhiều những đoạn nói về các đối tượng sinh khởi qua sáu căn, ta đọc về thấy, nghe, ngửi, xúc chạm, về sự nhận biết sự xúc chạm và về sự nhận biết các đối tượng qua ý môn. Nếu ta không biết rằng, sự nhận biết, kinh nghiệm các đối tượng qua sáu môn là các tâm khác nhau, chúng ta sẽ chấp các kinh nghiệm là ta và của ta.

Chúng ta học qua VDP và cũng qua các bài kinh rằng tâm luôn đi kèm với các tâm sở khác nhau. Không phải ai cũng có thiên hướng nghiên cứu kỹ lưỡng các tâm sở, nhưng nếu ta không biết chút gì về chúng, ta sẽ không thấy được rằng tâm bất thiện khác với tâm thiện đến thế vì chúng đi kèm với các loại tâm sở khác nhau. Các phiền não cũng như các thiện tâm thực chất là các tâm sở đi kèm với tâm. Các chi của Bát Chánh Đạo, như chánh kiến và chánh niệm đều là các tâm sở. Khi các tâm sở này sinh kèm với các tâm thiện thì con đường Bát Chánh Đạo đang được bồi đắp, chỉ trong một khoảnh khắc, và rồi tâm và các tâm sở đồng sinh diệt đi. Chánh niệm (sati) và trí tuệ (panna) có thể được tích lũy và rồi tạo duyên cho các khoảnh khắc vun đắp con đường Bát Chánh Đạo về sau. Trí tuệ được vun bồi trong từng khoảnh khắc. Nếu chúng ta hiểu được rằng, cuộc sống chỉ tồn tại trong một sát-na, chúng ta sẽ bớt dễ dàng tin rằng có một cái ngã, một ai đó có thể vun đắp con đường Bát Chánh Đạo một cách liên tục. Điều ấy là không đúng, bởi khoảnh khắc tiếp theo có thể lại là bất thiện. Nếu ta biết rằng chánh tinh tấn là một tâm sở sinh khởi chỉ trong một sát-na, chúng ta sẽ bớt bám chấp vào ý niệm một cái tôi đang cố gắng phát triển con đường Bát Chánh Đạo.

Chúng ta nghĩ rằng chúng ta phải phát triển trí tuệ, nhưng thực chất là chính trí tuệ là chủ thể phát triển. Không có người nào vun bồi trí tuệ cả. Khun Sujin  nhận xét:

Thoạt đầu có vẻ như là “tôi” đang vun bồi, nhưng dần dà, ta nhận ra rằng đó chính là chánh kiến, là tuệ giác đang làm công việc ấy. Ta đi tới kết luận rằng không ai có thể làm được gì cả. Alan nói:

Vì mỗi một sát na đều do duyên khởi, ta không thể làm gì, hay kiểm soát cái gì, ngay cả việc vun bồi trí tuệ. Việc ấy được tạo duyên bởi những gì đã được học và suy ngẫm. Khun Sujin nhận xét:

Ngay cả khi ta tự coi mình là một Phật tử, điều ấy còn tùy thuộc vào việc ta có đọc và suy ngẫm một cách sáng suốt  hay không. Hay ta chỉ muốn làm một “ai đó” thay cho việc phát triển chánh kiến?

Khá khó khăn để phát triển hiểu biết về đối tượng thị giác trong khoảnh khắc hiện tại, để nhận ra không có bất kỳ người nào trong đối tượng thị giác được thấy. Phải mất thời gian nghe đi nghe lại, hay biết đi hay biết lại. Nếu thiếu chánh niệm và hiểu biết về giây phút hiện tại, sẽ không có cách nào loại bỏ được tham ái. Luôn có tham ái khi chúng ta muốn có một kinh nghiệm đặc biệt thay vì phát triển hiểu biết. Tôi không bảo mọi người trước tiên cần làm thế này hay thế kia để có chánh niệm, vì không có kỹ thuật nào để áp dụng. Chúng ta nghĩ quá nhiều và cố gắng quá nhiều. Khi nào có thể có tứ niệm xứ? Khi có đủ hiểu biết để tạo duyên cho nó

Chúng ta có thể rất mong đạt được các tầng tuệ khác nhau, nhưng nếu có mong ước như vậy, liệu có ý niệm về ngã không? Chúng ta không nên ép bản thân đạt được cái gì đó mà chúng ta chưa thực sự sẵn sàng. Khun Sujin nói:

Giây phút này đang có một chút hiểu biết đã là đủ cho hiện giờ, như vậy sự phát triển sẽ có thể tiếp tục một cách tự nhiên. Nên biết chấp nhận năng lực của bản thân. Chúng ta nên biết ơn Đức Phật về những hiểu biết mà chúng ta đã có được, dù còn chưa sâu sắc. Nếu bây giờ chưa có nhiều trí tuệ đó là vì nó chưa được phát triển nhiều trong quá khứ. Phải mất vô lượng kiếp để phát triển trí tuệ. Chúng ta nên nhớ rằng chánh kiến, trí tuệ là một thực tại do duyên khởi, chúng ta không thể thúc nó phát triển. Nếu chúng ta cố tình làm vậy, chúng ta đang bị dính mắc vào ý niệm về ngã. Tuy nhiên, phát triển hiểu biết sẽ loại bỏ ý niệm về ngã.

Một người bạn đã viết thư cho tôi nói về kỹ thuật hành thiền mà anh ta áp dụng nhằm kinh nghiệm đặc tính vô thường của các sắc trên thân. Thông qua tập trung vào các sắc trên thân, anh ta nghĩ rằng anh ta có thể kinh nghiệm sự thay đổi của các sắc, chẳng hạn như cái nóng trên thân. Anh ta thấy rằng, thật là một thách thức trí óc để nắm bắt được sự thật về vô ngã và thông qua kinh nghiệm đặc tính vô thường, anh ta tin rằng anh ta có thể nhận biết sự thật về vô ngã dễ dàng hơn. Anh ta nghĩ rằng bằng phương pháp này, có thể đạt được tất cả các tầng tuệ vipassana.

Khi sắc pháp là cái nóng xuất hiện, chắc chắn phải có danh kinh nghiệm đặc tính nóng. Để biết sự thật, không nên chỉ có chánh niệm về sắc mà còn cả về danh nữa- cái nhận biết đối tượng. Nếu không có chánh niệm và chánh kiến để nhận biết danh là danh và sắc là sắc, sẽ có ý niệm về ngã, người cảm thấy nóng hay “cơ thể của tôi” bị nóng. Có “ai đó” hay “cái gì đó” ở đó, vì vậy, có sự dính mắc vào ngã. Ý niệm về ngã bám rễ rất sâu, ngay cả khi chúng ta không nghĩ “tôi cảm thấy” hay “đây là cơ thể của tôi”.

Không dễ gì hiểu được ý nghĩa của vô ngã, như tác giả của bức thư đã nhấn mạnh. Chúng ta nên suy ngẫm những điều Đức Phật dạy về vô ngã. Ngài đã chỉ rõ các duyên tố cho từng thực tại sinh khởi. Vì danh và sắc sinh khởi do duyên nên chúng ta không thể kiểm soát sự sinh khởi của chúng. “Ngoài tầm kiểm soát” là một cách để miêu tả bản chất của vô ngã. Khi có đủ duyên, một sắc như đặc tính nóng có thể tác động lên thân. Thân căn là một loại sắc do nghiệp sinh. Không có ai có thể tạo ra thân căn của mình. Thân căn nằm trải khắp cơ thể, có thể ở bên trong hay bên ngoài. Khi đặc tính nóng tác động lên thân căn, nó tạo duyên để sinh khởi thân thức kinh nghiệm nóng trong một khoảnh khắc rất ngắn rồi diệt ngay. Nó chỉ hoàn toàn kinh nghiệm cái nóng và không biết bất cứ cái gì khác. Có cả cảm thọ đi cùng với thân thức, nó là một tâm sở cảm nhận do kinh nghiệm đối tượng xúc chạm. Khi đối tượng xúc chạm khả ái, có thọ lạc đi kèm với thân thức, và khi đối tượng xúc chạm bất khả ái, có thọ khổ đi kèm với thân thức. Ngay sau đó dễ có các tâm bất thiện – có thể là các tâm tham căn đi kèm với thọ lạc hay thọ trung tính, hoặc tâm bất thiện căn sân đi kèm với thọ khổ, hoặc tâm bất thiện căn si đi kèm với thọ trung tính. Đôi khi có thể có tâm thiện đi kèm với thọ lạc hay thọ trung tính. Thông qua chánh niệm, chúng ta có thể học được rằng khi không phải là thọ khổ, thường có sự dính mắc vào đối tượng.

Thoạt đầu, dường như  chỉ chánh niệm về các sắc pháp trên thân có vẻ dễ dàng. Khi chúng ta học thêm về các loại danh và sắc khác nhau, chúng ta có thể thấy không dễ chút nào để có hiểu biết chính xác về bất kỳ loại danh hay sắc nào.

Khi có chánh niệm về danh hay sắc, hiểu biết đúng về các đặc tính của chúng có thể phát triển . Khi cái nóng xuất hiện, có thể biết đặc tính của nó chỉ là một sắc. Chúng ta không phải nghĩ liệu đó là cái nóng bên ngoài hay bên trong, hay cái nóng xuất hiện ở điểm nào trên thân. Nó chỉ là một sắc xuất hiện tại một thời điểm, nó không thuộc về “thân của tôi”, nó nằm ngoài sự kiểm soát. Hiểu biết về các loại danh sắc sinh khởi qua các căn tương ứng sẽ được phát triển rất từ từ. Chỉ sau đó, trí tuệ có thể nhận ra ba đặc tính chung của danh và sắc, đó là vô thường, khổ và vô ngã.

Chúng ta có thể tin rằng mình có thể lựa chọn đối tượng cho chánh niệm, nhưng thực ra chánh niệm tự chọn đối tượng của nó. Chánh niệm là một tâm sở, và hiểu biết, trí tuệ là một tâm sở khác. Khi có đủ duyên, thiện tâm đi kèm với chánh niệm và trí tuệ có thể sinh khởi. Chúng ta không thể lựa chọn đối tượng cho chánh niệm như đối tượng thị giác, vì có cả các thực tại khác đang sinh khởi. Đối tượng thị giác, cái thấy, âm thanh hay cái nghe xuất hiện mọi lúc trong cuộc sống hàng ngày. Phải chăng không nên phát triển hiểu biết đúng về các thực tại này? Tất cả các thực tại xuất hiện đều nằm ngoài tầm kiểm soát. Đức Phật đã nói về sáu môn nhằm nhắc nhở mọi người rằng, nên hay biết tất cả các thực tại trong cuộc sống hàng ngày như chúng là.

Không dễ chút nào để biết một cách chính xác, thông qua trực nhận, cái gì là danh và cái gì là sắc. Khi trí tuệ còn yếu, chúng ta không chắc chắn liệu đây là đặc tính của danh hay của sắc đang xuất hiện. Trí tuệ phải được phát triển dần dần. Khi có kinh nghiệm trực tiếp về đặc tính cứng hay đặc tính nóng, chúng ta có thể phân vân liệu đó có phải là chánh niệm hay không. Việc có thể kinh nghiệm trực tiếp về tính cứng hay tính nóng mà không cần nghĩ về chúng cũng không đảm bảo rằng có chánh niệm. Chúng được kinh nghiệm trực tiếp bằng thân thức – một loại tâm quả, và tâm này không đi kèm với chánh niệm. Sau đó có thể có tâm bất thiện với sự dính mắc vi tế với tính cứng hay tính nóng, mà chúng ta lại tưởng là chánh niệm. Khi chúng ta cố gắng tập trung vào thực tại để nhận biết chúng thì có tâm bất thiện với sự dính mắc, khi đó có mong muốn được biết, không phải là chánh niệm.

Không có vấn đề gì nếu chánh niệm chưa sinh khởi. Nó được tạo duyên nhờ việc nghe Pháp, đọc và suy ngẫm, tức là, nhờ chánh kiến. Mục tiêu của chúng ta không nên là có chánh niệm để có chánh niệm. Có niệm mà không phát triển hiểu biết về danh và sắc đang xuất hiện thì sẽ không thể dẫn đến xóa bỏ ý niệm về “ngã”. Bài kinh sau có thể nhắc nhở chúng ta nên phát triển tuệ giác phân biệt danh và sắc, hiểu chúng là những pháp vô ngã. Chúng ta đọc trong “Tương Ưng Bộ kinh” (II, Thiên nhân duyên, Chương XIV, Tương ứng Giới, phần I) rằng Đức Phật khi ngự ở Savatthi đã nói với các tì kheo rằng:

Này các tì kheo, thế nào là giới sai biệt? Nhãn giới, sắc giới, nhãn thức giới; nhĩ giới, thanh giới, nhĩ thức giới; tỷ giới, hương giới, tỷ thức giới; thiệt giới, vị giới, thiệt thức giới; thân giới, xúc giới, thân thức giới; ý giới, pháp giới, ý thức giới. Này các tì kheo, đây gọi là giới sai biệt.

Chúng ta nên suy ngẫm nhiều hơn về bài kinh này. Cái thấy chỉ có thể sinh khởi khi có đối tượng thị giác và nhãn căn, vì vậy, nó chỉ có thể sinh khởi khi có đủ duyên. Các danh pháp và sắc pháp trong cuộc sống của chúng ta sinh khởi do duyên, chúng không phải là ngã, ngoài sự kiểm soát. Khi cái nóng xuất hiện, có thể có sự phát triển [hiểu biết về] đặc tính của nó là một sắc pháp trong khoảnh khắc ngắn ngủi đó. Đó là sắc, không phải là phần thuộc “cơ thể tôi”, không phải là ngã. Nó không biết bất cứ điều gì, nó khác với danh. Khi cảm thọ xuất hiện, có thể có sự phát triển hiểu biết về đặc tính của nó là một danh pháp. Nó là danh, nó kinh nghiệm đối tượng, khác với sắc. Không có ngã – người kinh nghiệm.

Khi có hiểu biết được phát triển trong khoảnh khắc chánh niệm, sẽ bớt hoài nghi liệu đã có chánh niệm hay chưa. Chánh niệm có thể sinh khởi tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, trong khi thấy, nghe hay kinh nghiệm đối tượng qua các căn khác. Chắc chắn hoài nghi về chánh niệm có thể sinh khởi, nhưng khi đó chúng ta có thể nhận biết hoài nghi chỉ là một loại danh do duyên khởi. Khun Sujin đã nhắc nhở chúng ta: “Bắt đầu lại, chánh niệm lại”. Chánh niệm có thể theo sát tất cả các loại thực tại nào xuất hiện qua sáu căn. Chúng ta không nên cố nắm bắt bất kỳ thực tại nào, khi đó chúng ta sẽ quên những gì đang sinh khởi trong giây phút hiện tại. Chúng ta không nên cố gắng lựa chọn bất kỳ đối tượng nào để chánh niệm. Vì chánh niệm và trí tuệ là vô ngã, không thể có nguyên tắc nên chánh niệm về sắc trên thân trước, rồi mới đến thọ, tâm và pháp. Tầng tuệ đầu tiên là tuệ phân biệt danh sắc dường như còn xa vời, nhưng rất hữu ích biết được rằng đó là tầng tuệ đầu tiên. Khi chúng ta kinh nghiệm những thay đổi về thân nhiệt hay ghi nhận sự  xuất hiện và biến mất của âm thanh, chúng ta có thể tin rằng chúng ta đang kinh nghiệm tính vô thường của sắc. Tuy nhiên, thấy sự sinh diệt liên tục của danh và sắc là tầng tuệ thứ tư hay tầng tuệ thứ nhất của “tám tầng đại minh sát tuệ” – maha-vipassana, chỉ có thể đạt được khi đã đạt tầng tuệ thứ nhất của “các tuệ sơ cơ” (taruna vipassana).

Chúng ta có xu hướng đặt tên hay dán nhãn cho những đối tượng xuất hiện và nghĩ về chúng suốt thay vì chánh niệm về chúng nhằm nhận biết chúng là danh hay là sắc. Khun Sujin đã nhắc nhở Alan rằng:

Cuộc sống chỉ là dòng chảy của các thực tại. Không nghiên cứu tường tận về các thực tại, sẽ rất khó bớt dính chấp vào các đối tượng được kinh nghiệm. Xả ly là điều hữu ích nhất. Không dán nhãn đối tượng là một bước ngoặt khác cần phải đạt đến và khó khăn. Cuộc sống chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc. Khi chúng ta suy xét điều này kỹ hơn, chúng ta sẽ bớt xu hướng dính mắc vào khái niệm về con người. Khi chúng ta dính mắc hay ghét ai đó, đó chỉ là suy nghĩ. Chúng ta luôn nghĩ về mọi người, nhưng khi có chánh niệm, chúng ta biết chúng ta nghĩ với tâm thiện hay tâm bất thiện, với tình yêu thương hay sân hận. Khun Sujin nói:

Khi chúng ta sân, chúng ta nên tìm hiểu xem đối tượng của tâm sân là một cái tên hay là một thực tại. Một cái tên đại diện cho một con người. Khi bạn nghĩ về một cái tên, bạn nghĩ đến ai đó. Chánh kiến có thể nhận ra đó cũng lại là suy nghĩ. Chúng ta sống với suy nghĩ của chính mình. Hãy phát triển tình yêu thương thay vì sân hận đối với cái chỉ là một cái tên.

Khi chúng ta hiểu rằng một người, theo nghĩa tuyệt đối, chỉ tồn tại trong suy nghĩ của chúng ta, chúng ta có thể đánh giá cao lời nhắc nhở sau:

Cái chúng ta coi là một người bạn trong thực tại chế định thực chất chỉ là một ý niệm. Khi bạn có một người bạn, điều đó có nghĩa gì? Bạn nói về cái gì? “Chúng ta nên làm gì vào ngày mai, chúng ta sẽ đi đâu và ăn gì?”. Điều này có nghĩa rằng bạn giao du với một quan điểm mà bạn gọi là một người bạn. Đó là những giây phút của suy nghĩ. Bạn có thế giao du với những quan điểm sai hay đúng và điều này ảnh hưởng tới hướng đi của cuộc đời bạn.

Khun Sujin cũng nói với Alan về cuộc sống hôn nhân:

Chúng ta bị dính mắc vào nhiều thứ trong cuộc sống nhưng chúng ta biết rằng nó rất ngắn ngủi. Bạn có thể thay đổi suy nghĩ của mình. Chúng ta sẽ lập gia đình hay sống độc thân  tùy thuộc vào sự tích lũy của mỗi người. Nhưng đừng quên phát triển trí tuệ. Bạn không nên nghĩ rằng sự dính mắc của bạn với một người sẽ kéo dài cả cuộc đời. Mọi khoảnh khắc đều do duyên sinh khởi. Mối quan hệ có thể thay đổi vì những tích lũy riêng của bạn hay tích lũy của người kia. Dính mắc tạo ra đau khổ, dù cho nó kéo dài hay ngắn ngủi. Nếu chúng ta thực sự nghiên cứu tâm của mình, chúng ta có thể hiểu rằng có nhiều mức độ dính mắc. Đôi khi chúng ta rất muốn điều gì đó cho bản thân, kể cả khi ta thích người kia. Bạn bị dính mắc vào người đó nhưng bạn lại vẫn muốn điều gì đó cho bản thân. Nếu chúng ta suy ngẫm thấu đáo về cuộc đời mình, sẽ thấy rằng chúng ta chỉ yêu bản thân mình. Tất cả mọi thứ đều chỉ nhằm thỏa mãn cảm giác, sự yêu thích của riêng bạn. Không có gì là thường hằng. Điều này giúp chúng ta nhìn thấy bản chất thật của thực tại. Chúng ta học được từ mọi thứ trong từng khoảnh khắc, ngay cả khi có sự mất mát. Dù cho sự mất mát không đem lại nhiều khổ đau cho tôi, tôi vẫn học được từ nó. Thật tốt nếu chúng ta được chuẩn bị, sẵn sàng để đối mặt với bất kỳ hoàn cảnh đau khổ nào. Hiểu biết về Giáo pháp có thể giúp chúng ta trong nhiều hoàn cảnh  mà nếu không có những hiểu biết ấy, ta sẽ cảm thấy bất hạnh.

Alan đã hỏi Khun Sujin:

Trong cuộc sống hàng ngày, có phải chúng ta nên cẩn trọng để không bị vướng vào những thú vui, những thứ phi Pháp (adhamma)?

Khun Sujin đã trả lời:

Tôi nghĩ chúng ta không thể sống mà không có vui thú, và chúng ta không thể sống thiếu Giáo pháp. Chúng ta không thể sống với vô minh, chỉ có vui thú. Người khôn ngoan không thể sống chỉ để vui thú. Người ấy sẽ sống với vui thú và với sự hiểu biết.

Đó là Trung đạo. Nếu chúng ta thành thật, chúng ta biết rằng chúng ta có những tích lũy cho vui thú, tại sao lại phủ nhận nó? Nhưng hiểu biết có thể phát triển một cách tự nhiên, về tất cả các thực tại sinh khởi, kể cả vui thú. Chúng ta không phải đợi hay thay đổi hoàn cảnh. Trung đạo là con đường đúng, nhưng rất khó. Chắc chắn tiến bộ sẽ chậm chạp, và bởi mong muốn [tiến bộ nhanh] chúng ta có thể cố chạy trốn khỏi cuộc sống hàng ngày, cố gắng nỗ lực và tập trung vào các thực tại. Khun Sujn đã nói đi nói lại về chánh niệm tự nhiên. Bà nói: “Khi chúng ta rất say mê cái gì đó, chúng ta không thể ngừng điều đó được, nhưng bằng chánh niệm, có thể có hiểu biết đúng.” Đó là Bát chánh đạo. Chúng ta nên hiểu biết mọi thực tại do duyên khởi diễn ra trong cuộc sống của chúng ta. Cái thấy là do duyên khởi, cảm thọ lạc và cảm thọ khổ là do duyên khởi. Chúng có nhân duyên riêng của chúng. Chúng ta không nên “tạo” ra các nhân duyên cho bất kỳ điều gì để sinh khởi. Khi chúng ta vun đắp Bát chánh đạo nhiều hơn, chúng ta có thể thấy sự phát triển của nó phức tạp và tinh tế đến thế nào. Chánh niệm và trí tuệ có thể theo sát các thực tại sinh khởi qua bất kỳ căn nào, cho đến khi không còn nghi ngờ gì về các thực tại là do duyên khởi. Không ai có thể tạo duyên cho bất kỳ thực tại nào. Khi có chánh niệm với mức độ hiểu biết thấp, hãy bắt đầu lại, bắt đầu lại. Khi chúng ta có hiểu biết sâu sắc về Trung đạo, chúng ta sẽ không đi lệch khỏi nó. Chúng ta dễ dàng đi lệch do tâm tham. Khi chúng ta nghe về chánh niệm tự nhiên giữa lúc đang hưởng thụ, chúng ta có thể băn khoăn chánh tinh tấn trong Bát chánh đạo nằm ở đâu? Nó nằm chính tại thời điểm khi chúng ta bắt đầu lại, bắt đầu lại. Khi chúng ta không chán nản về mức độ tuệ giác ít ỏi của mình, sẽ có sự can đảm cho chánh niệm và trí tuệ bây giờ, sẽ có chánh tinh tấn đi cùng với chánh kiến, mặc dù chúng ta còn trong giai đoạn sơ cơ của sự vun đắp Bát chánh đạo. Chúng ta không phải nghĩ đến việc nỗ lực, khi đó sẽ có ý niệm về môt cái ngã nỗ lực. Chúng ta sẽ không quên rằng, có chánh  niệm mà không có hiểu biết thì không ích lợi là bao. Hiểu biết về các thực tại – cuộc sống của chúng ta- chính là mục đích.

 

Với tâm từ,

Nina Van Gorkom

 

(Chuyển ngữ: Thanh Mai)

Comments are closed.

Translate »