Khảo cứu Pháp chân đế – CHƯƠNG 33: BA LOẠI NHẬP ĐỊNH

CHƯƠNG 33. BA LOẠI NHẬP ĐỊNH

Có ba loại nhập định (samāpatti)[1]: nhập thiền định (jhāna-samāpatti), nhập thánh quả định (phala-samāpatti) và nhập diệt thọ tưởng định (nirodha-samāpatti).

Một người phàm phu có thể đắc thiền và có được các kỹ năng thuần thục trong thiền chứng, chẳng hạn như kỹ năng nhập thiền và xuất thiền theo tuần tự các tầng thiền. Một người thuần thục trong thiền chứng[2] có thể có nhập thiền (jhāna-samāpatti), là trạng thái của sự sinh khởi liên tiếp của các tâm thiền mà không có các tâm hộ kiếp xen giữa chúng trong khoảng thời gian đã quyết định trước. Trong khoảng thời gian đó, người ấy hoàn toàn không kinh nghiệm đau đớn hay bất hạnh. Lý do là bởi người ấy đã thoát khỏi các đối tượng ngũ dục (ly dục) và chỉ kinh nghiệm đề mục thiền, cái tạo duyên cho loại phúc lạc của sự an tịnh thực sự.

Các bậc thánh “tâm giải thoát” (ceto-vimutta) có thể nhập thánh quả định. Người ấy đã phát triển samatha tới mức độ đắc thiền và đã đạt giác ngộ với tâm thiền siêu thế (lokuttara jhānacitta). Trong lộ trình giác ngộ, tâm đạo và các tâm quả tiếp nối kinh nghiệm niết bàn. Với vị ấy, về sau có thể có các lộ trình tâm quả sinh kèm bởi các thiền chi của sơ thiền, nhị thiền, tam thiền lại kinh nghiệm niết bàn. Khi nhập thánh quả định (phala-samāpatti), các tâm quả có thể sinh khởi liên tiếp mà không có các tâm hộ kiếp xen giữa trong khoảng thời gian đã quyết định trước. Loại tâm quả nào sẽ sinh kèm với các thiền chi của một trong các tầng thiền là tùy thuộc vào mức độ giác ngộ mà vị ấy đã đạt được.

Trong lộ trình ý môn của các tâm nhập quả định, không có tâm chuẩn bị, tâm cận định như trong trường hợp của đạo lộ, nơi tâm đạo sinh khởi và các phiền não được tận diệt. Trước khi nhập quả định, có ba sát na tâm thuận thứ, bởi các tâm ấy tích hợp với tâm quả (phalacitta) là tâm thiền siêu thế sinh khởi trở lại và kinh nghiệm niết bàn lần nữa trong thời gian đã quyết định trước.

Các bậc Thánh Bất lai và A la hán đã đắc đệ tứ thiền vô sắc giới (tầng thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ)[3] có thể nhập diệt thọ tưởng định (nirodha-samāpatti). Đó là trạng thái ngưng lại tạm thời của tâm và các tâm sở. Chúng không sinh khởi trong suốt thời gian nhập định, nhưng trạng thái ấy không thể kéo dài quá bảy ngày. Lý do là thực phẩm đã thọ dụng không thể nuôi cơ thể nhiều hơn bảy ngày. Sự ngưng đọng tạm thời của tâm và tâm sở được tạo duyên bởi hai năng lực: bởi samatha và vipassanā đã được phát triển viên mãn và có sức mạnh lớn lao. Các vị Thánh Bất lai và A la hán chưa chứng đắc đệ tứ thiền vô sắc giới không thể nhập định này. Các vị Thánh Dự lưu và Thánh Nhất lai cũng không thể nhập định này, kể cả khi họ đã đắc đệ tứ thiền vô sắc giới[4].

Những người có khả năng nhập định này trước hết phải nhập tuần tự các tầng thiền sắc giới. Họ phải xuất khỏi mỗi tầng thiền và rồi thẩm sát với tuệ giác tính chất vô thường, khổ, vô ngã của các pháp hữu vi trước khi nhập tầng thiền tiếp theo. Tuy nhiên, khi họ đã xuất khỏi tầng thiền thứ ba của vô sắc giới – tầng vô sở hữu xứ, họ phải hướng tới bốn công việc chuẩn bị, mà theo Thanh Tịnh Đạo (Chương XXIII, 34) là: (1) Không tổn hại tới tài sản của người khác; (2) Tăng đoàn chờ đợi;(3) Bậc đạo sư triệu tập; (4) Giới hạn thời gian nhập định.

Không tổn hại tới tài sản người khác là nói đến những gì mà vị tỳ kheo đang sử dụng hoặc cất giữ nhưng không thuộc sở hữu của vị ấy mà của người khác, chẳng hạn như bình bát, y áo, giường ngủ và cốc liêu. Vị ấy cần phải quyết định (nguyện) rằng các tứ vật dụng ấy sẽ không bị hư hại, rằng chúng sẽ không bị hủy hoại bởi lửa, bởi nước, bởi gió, bởi kẻ trộm v.v… trong suốt thời gian nhập định và thời gian này là không quá bảy ngày. Vị ấy không cần phải nguyện như vậy đối với tài sản của vị ấy, chẳng hạn như nội y, ngoại y và tọa cụ. Những tài sản ấy sẽ được bảo hộ khỏi hư hại hay mất mát bởi bản thân sự nhập định.

Bậc đạo sư triệu tập là việc vị ấy nguyện sẽ xuất định khi Đức Phật triệu tập vị ấy

Giới hạn thời gian nhập định là việc vị ấy phải biết thọ mạng của mình sẽ kéo dài hơn bảy ngày hay không. Trong thời gian nhập định, tử thức sẽ không thể sinh khởi. Vì vậy, nếu thọ mạng của vị ấy còn kéo dài quá bảy ngày thì vị ấy có thể nhập định.

Khi một vị tỳ kheo đã hoàn tất bốn công việc chuẩn bị, vị ấy có thể nhập đệ tứ thiền vô sắc giới. Sau hai sát na của tâm thiền vô sắc giới của tầng thiền ấy, vị ấy nhập diệt tâm và tâm sở. Chúng không sinh khởi nữa và trạng thái ấy có thể kéo dài trong vòng bảy ngày. Khi vị ấy xuất định, một sát na của tâm quả sinh khởi được tiếp nối bởi các tâm hộ kiếp. Việc nhập diệt thọ tưởng định chỉ xảy ra ở các cõi có ngũ uẩn. Nó không thể xảy ra ở các tầng phạm thiên vô sắc giới nơi các tâm thiền sắc giới không sinh khởi[5].



[1] Samāpajjati có nghĩa là “đi vào”, “nhập vào”.

[2] Trong tiếng Pāli là “jhāna – lābhī”. Lābha có nghĩa là “có được”, “tậu được”, và lābhī có nghĩa là “người tậu được cái gì đó”.

[3] Xem thêm phần IV về sự phát triển Samatha. Ở tầng thiền này, vẫn còn có các tâm và tâm sở, nhưng chúng rất vi tế, chúng tồn tại dưới dạng tàn dư.

[4] Cần có cả năng lực của samatha và vipassanā. Bậc Dự lưu và Nhất lai, kể cả khi đã đắc các tầng thiền vô sắc giới cao nhất cúng không có cùng mức độ trí tuệ với các vị Bất lai và A la hán; vì vậy, trong trường hợp của họ, tuệ giác chưa đủ mạnh để tạo duyên cho diệt thọ tưởng định.

[5] Như ta đã thấy, người nhập diệt thọ tưởng định phải nhập tất cả các tầng thiền sắc giới và vô sắc giới. Trong cõi phạm thiên vô sắc giới không có duyên cho thiền sắc giới. Tái sinh ở những cõi ấy là quả của thiền vô sắc giới.

Comments are closed.

Translate »