Bức thư Vipassana I
Thân gửi các đạo hữu
Sarah và Jonathan đã từ Hồng Kông đến Băng Cốc để gặp Khun Sujin (Achaan Sujin Boriharnwanaket) và trao đổi về các vấn đề nảy sinh trong việc thực hành tứ niệm xứ. Tôi đã nhận được các cuốn băng ghi âm buổi thảo luận và muốn chia sẻ với các bạn những gì tôi đã học được từ cuốn băng đó.
Cuộc trao đổi xung quanh mục tiêu thực hành và cách phát triển tứ niệm xứ. Mục tiêu là hiểu biết đúng về các thực tại sinh khởi qua sáu căn. Khun Sujin đã giải thích rằng, thật vô ích nếu có những giây phút hay biết mà không có chút hiểu biết nào, không có hiểu biết về thực tại sinh khởi qua một trong sáu căn. Chúng ta nên nhớ rằng bất kỳ đối tượng tứ niệm xứ nào đều là pháp chân đế, là thực tại tuyệt đối, tức là danh – yếu tố tinh thần và sắc – yếu tố vật chất, sinh khởi một mình tại một thời điểm. Trước khi chúng ta học Giáo Pháp, chúng ta chỉ biết về thực tại tục đế (hay quy ước, chế định) như con người, nhà cửa và cây cối. Qua Giáo pháp, chúng ta học về các pháp chân đế, danh và sắc. Tâm (hay thức) là danh, nó kinh nghiệm mọi thứ. Sắc là thực tại không kinh nghiệm gì cả. Cái thấy là một tâm, nó kinh nghiệm đối tượng, tức đối tượng thị giác. Đối tượng thị giác là sắc, nó không kinh nghiệm gì cả. Khun Sujin lưu ý rằng, cần kết hợp giữa nghiên cứu Tạng Kinh với nghiên cứu Tạng Vi diệu pháp, bởi nó sẽ giúp chúng ta hiểu biết về bản chất của cuộc sống, chỉ là những thực tại khác nhau, là danh và sắc.
Chúng ta nên suy ngẫm nhiều hơn về bản chất của tâm – cái kinh nghiệm đối tượng. Khi chúng ta biết hơn về các duyên để tâm sinh khởi, chúng ta sẽ có hiểu biết hơn về đặc tính vô ngã của chúng. Khun Sujin đã nhắc nhở Sarah và Jonathan rằng các đối tượng khác nhau xuất hiện bởi có các tâm sinh khởi trong lộ trình kinh nghiệm đối tượng qua các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Khi chúng ta ngủ sâu, không có đối tượng xuất hiện qua các căn. Chỉ có tâm hộ kiếp, duy trì mạng sống, sinh và diệt liên tục, tâm đó có chức năng bảo tồn sự sống của một cá nhân trong kiếp sống đó. Nếu không có tâm, chúng ta sẽ không tồn tại. Khi chúng ta ngủ sâu, chúng ta không biết bất kỳ đối tượng nào trên thế giới này, chúng ta không biết cha mẹ chúng ta là ai, chúng ta có tài sản gì và chúng ta liên quan tới mọi thứ trên thế giới này ra sao. Khi chúng ta thức dậy, chúng ta lại kinh nghiệm các đối tượng qua ngũ căn. Đối tượng thị giác tiếp xúc với nhãn căn và được kinh nghiệm bởi nhãn thức và các tâm khác trong lộ trình nhãn môn. Có âm thanh tiếp xúc với nhĩ căn và có các đối tượng khác tiếp xúc với các căn tương ứng. Từ các đối tượng được kinh nghiệm, các tâm sinh khởi [tiếp theo] hầu hết là bất thiện, thích hoặc không thích đối tượng. Chúng ta tiếp tục suy nghĩ về đối tượng được kinh nghiệm qua ngũ quan và chúng ta tạo nên các câu chuyện dài về người hay vật. Chúng ta xem thường việc các đối tượng khác nhau xuất hiện suốt cả ngày, nhưng chúng ta nên nhớ rằng, chúng sinh khởi chỉ nhờ có các tâm sinh khởi trong lộ trình tâm (vithi citta – tâm lộ). Khi có cái thấy, cần có mặt một vài duyên tố để cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác. Nhãn thức (cái thấy) là tâm quả, là quả của nghiệp, một việc đã được làm trong quá khứ. Nhãn căn cũng là một duyên tố cho cái thấy; mắt do nghiệp tạo nên. Đối tượng thị giác là một duyên tố khác cho cái thấy; nếu nó không tác động lên mắt, sẽ không có cái thấy. Nhãn thức tiếp nhận đối tượng thị giác, và sau đó sẽ có sự chú ý tới hình dạng, kích thước và khi đó không phải là cái thấy nữa. Rất quan trọng cần nhận biết sự khác biệt giữa cái thấy và suy nghĩ về các khái niệm như người hay vật.
Khi ấy, có thể thấy rõ hơn rằng, các thực tại tối hậu như nhãn thức và đối tượng thị giác có thể là đối tượng của chánh niệm và trí tuệ, trong khi ấy, các thực tại quy ước, tức các khái niệm, là đối tượng của suy nghĩ chứ không phải là đối tượng của chánh niệm. Tuy nhiên, suy nghĩ về khái niệm là một loại danh và vì vậy nó có thể trở thành đối tượng của chánh niệm. Khun Sujin đã nói rằng khi có hiểu biết sâu sắc hơn nhờ nghiên cứu và suy ngẫm, sẽ có chánh niệm sinh khởi, và khi đó có thể phát triển hiểu biết trực nhận về các đặc tính của thực tại. Tôi xin trích dẫn từ bức thư gửi từ Anh của Alan Weller chia sẻ kinh nghiệm học Giáo Pháp của mình nhằm sách tấn chồng tôi.
Tôi nhớ lại về những khó khăn của mình khi nghe cuốn băng của Khun Sujin, tôi đã phải nghe đi nghe lại các cuốn băng đó nhiều lần. Những cuốn sách như Thanh tịnh đạo thường làm tôi buồn ngủ. Tôi không thể nắm bắt được các phân loại trong đó. Tuy nhiên, tôi dần dần tiếp bước. Giờ đây tôi không gặp vấn đề với Thanh tịnh đạo và tôi hào hứng trước sự chuẩn xác của nó. Giáo lý rất rộng lớn, có các cuốn sách, băng, hay pháp đàm với mọi người. Tôi muốn nghiên cứu những thứ mình thích, và nếu tôi thấy chán hay khó khăn, tôi lại chuyển sang cái mà mình hứng thú. Những câu chuyện tiền thân Đức Phật (Jakata) rất dễ đọc và hữu ích cho cuộc sống hàng ngày. Đọc nhiều là duyên để trân trọng hơn những lời Khun Sujin nói trong cuốn băng. Nếu không có những cuốn băng đó, tôi không thể hiểu được sự sâu sắc của Giáo Pháp hay có được sự tự tin như bây giờ. Đây là lời khuyên của tôi dành cho Lodewijk: Hãy tiếp bước.
Alan đã dẫn lại lời Khun Sujin nói ở Ấn Độ: Hãy tiếp bước, dù cho đó chỉ là những bước đi lẫm chẫm. Chúng ta cần tin tưởng hơn vào giá trị của việc nghe Pháp, nghiên cứu kinh điển và nghiền ngẫm nhiều về Giáo pháp. Điều đó sẽ tạo duyên cho hiểu biết đúng về danh và sắc, hiểu biết này sẽ dần được tích lũy. Chắc chắn rằng cách này sẽ tạo duyên cho chánh niệm và chánh kiến sinh khởi, thứ hoàn toàn khác biệt với sự suy nghĩ về các thực tại.
Theo kinh điển (Tăng Chi Bộ Kinh, Quyển 7, Chương VII, phần 7), phát triển hiểu biết một cách từ từ được ví như là việc làm hao mòn chuôi dao do cầm nó hàng ngày
Tuy nhiên, chuôi dao bị hao mòn chậm đến mức chúng ta không thể nhìn thấy từng ngày. Jonathan đã lưu ý rằng, nếu chúng ta thực hành đúng chúng ta sẽ nhìn thấy sự tiến bộ. Anh ấy thấy rằng không có chánh niệm trong khi làm việc ở văn phòng. Thế giới của công việc dường như khác với thế giới của Giáo Pháp. Anh ấy nghĩ làm việc căng thẳng không phải là điều kiện tốt để có chánh niệm. Chúng ta nên có hoàn cảnh thuận lợi và thời gian thư thái.
Khun Sujin đã trả lời rằng đó chỉ là suy nghĩ. Chúng ta nên biết sự khác biệt giữa khoảnh khắc kinh nghiệm thực tại và suy nghĩ. Chỉ qua tứ niệm xứ, chúng ta mới có thể biết sự khác biệt này. Đó là lời nhắc nhở tốt. Chúng ta bị vướng mắc vào suy nghĩ phải có chánh niệm, tìm cách để có thêm chánh niệm, thế còn cái gì đang sinh khởi hiện giờ? Chỉ có một danh đang suy nghĩ. Khi nhận ra điều này, sự ham muốn sẽ biến mất, không còn lo lắng về chánh niệm nữa. Khun Sujin đã nói:
Đừng nghĩ về quá khứ hay tương lai, hãy chánh niệm. Thực tại đang sinh khởi, tại sao bạn lại bỏ qua chúng?. Đó không phải là cách hiểu đúng khoảnh khắc này. Luôn có cái thấy, nghe, nếm, ngửi, xúc chạm hay suy nghĩ, cho dù chúng ta làm việc hay không. Nếu chánh niệm không sinh khởi thường xuyên, đó là vì không có đủ duyên cho nó sinh khởi. Chỉ mong có chánh niệm là đủ hay sao? Hãy vun bồi nó!
Nếu không có hiểu biết về các tâm đang kinh nghiệm đối tượng qua sáu căn, chúng ta sẽ không biết làm thế nào để thực hiện những điều Khun Sujin nói, “bây giờ hãy vun bồi chánh niệm”. Các đối tượng thị giác, âm thanh hay xúc chạm sinh khởi liên tục. Chúng chỉ có thể xuất hiện nhờ có tâm kinh nghiệm chúng. Bạn đã suy nghẫm đủ về điều này chưa? Có thể có âm thanh nhưng nếu không có nhĩ thức, âm thanh sẽ không trở thành đối tượng được kinh nghiệm, âm thanh sẽ không hiện diện. Chúng ta tin rằng chúng ta nhìn thấy thế giới với con người và cảnh vật, nhưng thực chất chỉ có tâm suy nghĩ về những gì được thấy. Cái thấy không còn hiện diện vào thời điểm có suy nghĩ. Nhãn thức kinh nghiệm đối tượng thị giác – đối tượng xuất hiện qua nhãn căn, cái thấy không chú tâm định dạng đối tượng. Tuy nhiên, cái thấy tạo duyên cho suy nghĩ định dạng, định danh đối tượng là người hay đồ vật khác nhau. Khun Sujin đã viết trong cuốn sách “Khảo cứu về Pháp Chân đề” của bà như sau:
Vì tâm sinh diệt rất nhanh, nên dường như thế giới không tan rã mà thường hằng, trong đó có nhiều thứ và nhiều người. Sự thực, thế giới chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc và rồi diệt đi ngay.
Nếu có một đĩa hoa quả trên bàn, chúng ta có thể nhìn thấy chúng và chúng dường như không diệt mất. Rất hữu ích khi biết được lý do tại sao như vậy. Các pháp chân đế, như đối tượng thị giác, là một loại sắc, luôn sinh diệt. Tuy nhiên, chúng ta cứ nghĩ mãi về câu chuyện do chúng ta dựng nên. Các khái niệm như “hoa quả” mà chúng ta nghĩ đến không phải là pháp chân đế, chúng không phải là thực tại, vì vậy chúng không sinh diệt. Chúng hoàn toàn do suy nghĩ tạo nên.
Khun Sujin nói với Jonathan:
Khi chúng ta bận bịu với công việc, chỉ cần nhớ rằng chánh niệm có thể hay biết bất kỳ khoảnh khắc nào. Khi không bị thất niệm mà có chánh niệm, chúng ta có thể bắt đầu có một số biểu biết, dù cho rất nhỏ, về thực tại là gì. Tâm là một thực tại kinh nghiệm đối tượng. Một người chết, kể cả vẫn còn mắt và tai, cũng không thể kinh nghiệm được gì. Tâm kinh nghiệm. Kinh nghiệm là một thực tại. Chúng ta không nên dính mắc vào ý niệm “làm thế nào để tôi có nhiều chánh niệm hơn”. Chánh niệm có thể phát triển trong vài kiếp. Chúng ta hãy bàn về cái thấy và đối tượng thị giác, nhờ đó có thể tạo duyên cho chánh niệm về chúng. Nếu không có hiểu biết về thực tại này, làm sao hiểu biết có thể được tăng trưởng? Xem xét đối tượng thị giác tại văn phòng không khác với việc xem xét đối tượng thị giác lúc này. Không cần phải thay đổi hoàn cảnh hay làm bất cứ điều gì khác nhằm phát triển hiểu biết đúng. Khi không bị các ý niệm sai lầm về chánh niệm che lấp, chánh niệm có thể sinh khởi một cách tự nhiên và biểu lộ đặc tính vô ngã của nó, không phải tôi hay của tôi. Kể cả khi chúng ta nói về những thứ bình thường tại văn phòng, vẫn có thể có chánh niệm về danh và sắc.
Jonathan nói rằng anh ấy muốn tiếp tục suy xét về đối tượng thị giác, vì nó luôn có. Khun Sujin đã nhấn mạnh rằng một ít khoảnh khắc chánh niệm bây giờ còn tốt hơn suy nghĩ về nhiều khoảnh khắc chánh niệm trong tương lai khi có thời gian. Có phải chúng ta có xu hướng muốn thiện hơn vào thời gian sau? Khun Sujin đã nói về một người phụ nữ nào đó đã trì hoãn bố thí, bà ấy muốn bán được đồ của mình trước rồi sau đó mới có nhiều tiền để bố thí. Tại sao bà ấy không cho ngay bây giờ, dù chỉ chút ít? Cũng như vậy với chánh niệm. Chúng ta đọc trong Tăng Chi Bộ Kinh (Quyển IV, Chương I, Phần 6) về bốn hạng người: Người nghe ít, điều đã được nghe không khởi lên; Người nghe ít, điều đã được nghe được khởi lên; Người nghe nhiều, điều đã được nghe không khởi lên; Người nghe nhiều, điều đã được nghe có khởi lên. Chúng ta đọc như sau:
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được nghe ít về Kinh (Sutta), Ứng Tụng (Geyya), Biện Giải (Veyyākaraṇa), Kệ Tụng (Gāthā), Cảm Hứng Ngữ (hay Tự Thuyết) (Udāna), Phật Thuyết Như Vậy (Như Thị Ngữ) (Itivuttaka), Tiền Thân Đức Phật (Bổn Sanh) (Jātaka), Vị Tằng Hữu (Abbhuta) và Phương Quảng (Vedalla). Người ấy, với điều đã được nghe ít ỏi này, không biết nghĩa, không biết pháp, không thực hành pháp, tùy pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người nghe ít, điều đã được nghe không khởi lên.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào là người nghe ít, điều đã được nghe có khởi lên?
Ở đây, này các Tỷ-kheo, có hạng người được nghe ít về Kinh…. Nhưng người ấy, với điều đã được nghe ít ỏi này, biết nghĩa, biết pháp, thực hành pháp đúng pháp. Như vậy, này các Tỷ-kheo, là người nghe ít, điều đã được nghe có khởi lên.
Tương tự như vậy đối với người nghe nhiều nhưng điều đã được nghe không khởi lên và người nghe nhiều, điều đã được nghe có khởi lên. Theo Chú giải Tăng Chi Bộ Kinh (Manorathapurani), người nghe ít nhưng sống và thực hành theo giáo pháp có thể đoạn trừ được các lậu hoặc. Điều này cũng đúng đối với người nghe nhiều và điều được nghe có khởi lên. Vì vậy, khi chúng ta nghiên cứu Giáo Pháp và phát triển tứ niệm xứ, chúng ta có thể giác ngộ và cuối cùng trở thành bậc A la hán. AlanWeller đã viết:
Một vài tuần gần đây tôi rất bận và có ít thời gian để đọc và viết. Đoạn kinh về những lợi lạc kể cả với người nghe ít rất hữu ích. Tôi thường thấy mình muốn đọc hay nghiên cứu và quên đi thực tại hiện tiền. Tất cả chúng ta đều cần hiểu biết tường tận, vì phiền não rất xảo quyệt trong việc lôi chúng ta ra khỏi thực tại. Người ta thường thiếu hiểu biết về tứ niệm xứ, họ nghi ngờ liệu có thể phát triển tứ niệm xứ trong cả quá trình làm việc. Hiểu nhầm ấy sinh khởi bởi họ tin rằng nên tập trung vào danh và sắc. Họ nghĩ rằng họ nên nắm bắt thực tại để chánh niệm về chúng. Chúng ta nên biết rằng có thể có tà định, được sinh khởi cùng với tâm bất thiện. Nhất tâm là một biến hành tâm sở, sinh khởi cùng với tất cả các loại tâm. Chức năng của nhất tâm là tập trung trên một đối tượng tại một thời điểm. Không thể duy trì nhất tâm mãi được, nó diệt ngay tức thì cùng với tâm. Nếu chúng ta nghĩ rằng cần phải chú tâm trên danh và sắc, đó là một suy nghĩ kèm với dính mắc. Chúng ta cố gắng kiểm soát chánh niệm nhưng điều đó là không thể. Khi có đủ duyên cho chánh niệm và trí tuệ sinh khởi, cũng có cả chánh định mà không cần nghĩ đến việc định tâm.
Tâm và tâm sở là các danh uẩn thuộc pháp hữu vi. Có một tâm sinh khởi tại một thời điểm, và kèm theo mỗi tâm có một số tâm sở thực hiện chức năng riêng nhằm hỗ trợ tâm nhận biết đối tượng. Nếu chúng ta không biết rằng chánh kiến (trí tuệ), chánh niệm và chánh định là các tâm sở sinh khởi cùng thiện tâm, chúng ta sẽ dính mắc vào chúng và nhìn nhận sai về chúng. Chúng ta cần biết thấu đáo vì phiền não bám rễ rất sâu.
Khun Sujin đã nói rằng, những ai phát triển tứ niệm xứ một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày sẽ ít dính mắc hơn những người không phát triển tứ niệm xứ một cách tự nhiên. Nếu chúng ta phát triển tứ niệm xứ một cách tự nhiên, chúng ta sẽ không cố gắng kiểm soát chánh niệm hay đối tượng của chánh niệm. Có thể có khoảnh khắc chánh niệm và sau đó tiếp nối bởi khoảnh khắc thất niệm. Chúng ta có thể học để hay biết sự khác biệt giữa các khoảnh khắc đó. Tại khoảnh khắc đó, pháp chân đế sinh khởi hay chỉ là suy nghĩ về khái niệm? Có thể có chánh niệm về khoảnh khắc vô minh xuất hiện và rồi có thể nhận ra đó chỉ là một thực tại do duyên khởi.
Jonathan nói rằng đối tượng thị giác khác với những gì chúng ta nghĩ về nó. Chúng ta có xu hướng suy đoán về nó, chúng ta phân vân đối tượng thị giác mà chúng ta thấy tại khoảnh khắc này sẽ diễn tiến ra sao. Chúng ta biến chúng trở thành cái gì đó trừu tượng, nhưng trên thực tế, nó chỉ là cái được thấy. Tất cả những gì sinh khởi qua nhãn căn đều là đối tượng thị giác. Nếu chúng ta bị mù, chúng không thể xuất hiện. Khun Sujin hỏi liệu đối tượng thị giác có thể di chuyển? Khi chúng ta thấy sự thay đổi về vị trí của những gì chúng ta thấy, đó chỉ là suy nghĩ. Do các kinh nghiệm quá khứ còn được lưu giữ nên chúng ta tin rằng chúng ta thấy có người di chuyển. Nếu có một khoảnh khắc chánh niệm về một thực tại, sẽ không còn dính mắc vào khái niệm về một “khối”, vào hình ảnh một người đang đi.
Khi chúng ta nghe tiếng chó sủa, có các khoảnh khắc kinh nghiệm khác nhau. Có cái nghe đang nghe âm thanh đó và sau đó chúng ta nhớ rằng đó là tiếng chó sủa. Chúng ta có thể tự nhắc mình đó không phải là “tôi” ghi nhớ mà là tưởng (sanna), một loại tâm sở [có chức năng] ghi nhớ một đối tượng hay “đánh dấu” đối tượng để sau đó có thể nhận ra nó. Tưởng đi kèm với tất cả các tâm, có thể là cái thấy, cái nghe hay tâm suy nghĩ về các khái niệm. Chúng ta nhận ra con người hay sự vật nhờ tưởng. Các kinh nghiệm đã có được tích lũy và ghi nhớ. Ngoài ra, trong quá khứ chúng ta đã nghe tiếng chó sủa, chúng ta đã biết được con chó là gì và nó sủa ra sao. Nhờ có tưởng, chúng ta có thể bắt chước tiếng chó sủa, hoặc, khi người khác bắt chước, chúng ta có thể biết đó không phải là tiếng của con chó. “Âm thanh không biết bạn đang nghĩ về nó”, Khun Sujin nói, bà nhắc nhở chúng ta rằng không có người đang nghe, không có con chó trong âm thanh. Đó chỉ là sắc được nhận biết qua nhĩ căn; khi có đủ duyên, một âm thanh cụ thể, dễ chịu hay khó chịu, có thể được nghe thấy. Âm thanh chỉ xuất hiện khi có các tâm lộ sinh khởi trong lộ trình nhĩ môn. Khi chúng ta ngủ sâu, có thể có âm thanh, nhưng không hề được nghe thấy.
Nhãn thức, nhĩ thức hay các thức khác trong ngũ song thức luôn được tiếp nối bởi suy nghĩ tạo ra những câu chuyện dài về cái được kinh nghiệm. Chúng ta bị đắm chìm vào những khái niệm mà chúng ta nghĩ đến. Khun Sujin nói, phải mất thời gian mới nhận ra rằng chúng ta sống với suy nghĩ của riêng mình, trong thế giới suy nghĩ của riêng mình. Thật ích lợi khi biết các chức năng của tâm sở tầm (cetasika vitakka) – cái cũng được dịch là “tư duy”. Nó sinh kèm với nhiều loại tâm, mặc dù không phải tất cả các tâm. Nó “chạm” vào đối tượng được kinh nghiệm, hay nó “dẫn” tâm đến đối tượng, nhờ đó tâm có thể kinh nghiệm đối tượng. Chúng ta đọc trong kinh về “tầm” bất thiện: suy nghĩ với tham, với sân và với bạo lực. Chúng ta cũng đọc về tầm tịnh hảo (sobhana): suy nghĩ với xuất ly (nekkhamma), với vô sân, với phi bạo lực. Có chánh tư duy (samma-sankappa) trong Bát chánh đạo. Nó “chạm” vào đối tượng của chánh niệm, một danh hay một sắc, nhờ đó trí tuệ có thể nhận biết nó như nó là.
Nếu chúng ta không biết suy nghĩ là do hoạt động của tầm (vitakka), chúng ta sẽ đồng hóa nó với ngã. Hầu hết thời gian chúng ta suy nghĩ với tâm bất thiện, chúng ta phiền não với chính những câu chuyện do mình tạo ra.
Một người đã viết thư cho tôi nói rằng, anh ta bị mê đắm trong trí tưởng tượng của mình trong một thời gian dài. Vì thế anh ta thấy mình là người xấu. Nếu chúng ta nghĩ về bản thân mình là người xấu, chúng ta đang chấp tâm bất thiện là “ta”. Chúng ta có thể học từ những kinh nghiệm như vậy, rằng suy nghĩ nằm ngoài tầm kiểm soát, nó là vô ngã. Phiền não sinh khởi vì có đủ duyên cho nó sinh khởi. Người viết bức thư ấy nghĩ rằng, sự tưởng tượng của anh ta là kết quả của quá trình giáo dục mà anh ta đã có. Tuy nhiên, đây chỉ là một “câu chuyện” mà người ta có thể nghĩ đến nhưng không giải thích được nguyên nhân sâu xa nhất. Một điều có thể xảy ra với tất cả chúng ta là: không có lý do rõ ràng, đột nhiên chúng ta có những suy nghĩ rất tồi tệ, những ý nghĩ ghen tuông hay thậm chí là những tư tưởng hận thù, và chúng ta có thể băn khoăn, những suy nghĩ này từ đâu đến?
Chúng ta đã tích lũy phiền não từ vô số kiếp trước kiếp sống này. Chúng ta không biết các kiếp sống trước của mình ra sao, nhưng trong vòng luân hồi này, hẳn chúng ta đã từng là một con thú. Những phiền não trong tất cả các kiếp quá khứ được tích lũy từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác và chúng có thể được sinh khởi bất kỳ lúc nào với tâm bất thiện, thậm chí chúng còn thúc đẩy những hành động xấu xa. Chúng ta thường kinh nghiệm các đối tượng giác quan với tâm bất thiện vì chúng ta đã tích lũy nhiều tâm bất thiện như vậy. Khi chúng ta nhận ra các phiền não của mình thì không cần tiếp tục suy nghĩ về chúng với sân, khi đó chúng ta sẽ chỉ tích lũy thêm bất thiện tâm. Chúng ta có thể học cách phát triển hiểu biết đúng về tâm bất thiện hiện sinh khởi, nhằm nhận ra chúng không phải là ngã, chỉ là một thực tại do duyên khởi. Khun Sujin đã giải thích như sau:
Chúng ta nên dũng cảm đối mặt với thực tại ở khoảnh khắc này với hiểu biết đúng, khi đó sẽ có chánh tinh tấn. Rất khó để theo đúng Trung đạo, tức là theo sát các thực tại một cách tự nhiên. Thông qua hiểu biết đúng, chúng ta sẽ thấy rõ hơn các tâm bất thiện của mình, kể cả những dính mắc vi tế hơn đối với ngũ dục.
Nghiên cứu Vi diệu pháp có thể nhắc nhở chúng ta rằng, các tâm khác nhau cùng các tâm sở đồng sinh sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng và diệt ngay lập tức. Ví dụ, khi chúng ta muốn giữ giới nhưng lại không thể làm được trong một số hoàn cảnh cụ thể, chúng ta nên nhớ rằng đó không phải là “ta” – một cái ngã nào đó có thể giữ giới mà là những tâm sở giới phần (virati cetasika) thực hiện chức năng tránh làm điều bất thiện. Chúng là: Tránh tà ngữ, tránh tà nghiệp và tà mạng. Khi tâm sở giới phần không sinh khởi, không thể có sự giữ giới. Chỉ thông qua phát triển tứ niệm xứ mới có thể tạo duyên để giữ giới. Chúng ta đọc trong Thiên cung sự ( , Thiên cung sự, V, Đại Xa, 53, Lâu đài của Chatta) rằng: nam tử Bà La Môn tên là Chatta đi đường mang tiền trả cho thầy giáo. Bọn cướp nghe tin rình đợi để giết và cướp tiền của chàng. Đức Phật ngồi dưới cội cây trên đường Chatta đi qua và đã dạy chàng về tam quy và ngũ giới. Chatta tiếp tục đi, ghi nhớ những lời dạy của Đức Phật, và sau đó chàng bị bọn cướp giết. Chàng được tái sinh làm chư thiên và cùng một lâu đài nguy nga. Để cho nhiều người biết về những nghiệp thiện mà Chatta đã làm, Đức Phật đã yêu cầu chàng giáng trần. Chatta đã giải thích rằng đầu tiên chàng không muốn thọ tam quy nhưng sau đó lại thực hiện. Cũng vậy, chàng đã không muốn giữ năm giới nhưng sau đó đã giữ. Chúng ta đọc như sau
Con đến gần người Chiến thắng huy hoàng; Ðể quy y Giáo pháp với Tăng đoàn; Bạch Thế Tôn, con nói ‘không’ trước nhất; Sau đó con hành trì theo giới luật.
Không sống theo tà hạnh tạo đau thương; Vì các trí nhân không thể tán dương; Sự buông thả đối với loài sinh vật; Bạch Thế Tôn, con nói ‘không’ trước nhất; Rồi về sau con giữ đúng luật Ngài
Chúng ta đọc thấy chàng nói “không” đối với năm giới điều, nhưng sau đó chàng đều thực hiện cả. Chúng ta tiếp tục đọc:
Theo Giáo pháp Như lai, việc thực hành; Dù ít, quả vẫn được nhiều lợi lớn; Nhìn Chat-ta nhờ thiện hành, chiếu sáng; Cõi đất này chẳng khác mặt trời kia.
Điều này có thể xảy ra với tất cả chúng ta, đầu tiên chúng ta sẽ nói “không” khi chúng ta nghĩ rằng chúng ta không thể giữ giới. Nhưng khi thiện tâm sinh khởi, điều này có thể thực hiện được. Dù một khoảnh khoắc thiện tâm ngắn ngủi cũng rất ích lợi. Khi chúng ta học rằng tứ niệm xứ nên được phát triển một cách tự nhiên, trong cuộc sống hàng ngày, kể cả trong công việc, đầu tiên chúng ta có thể nói “Không, tôi không thể”. Nhưng khi có duyên cho thiện tâm sinh khởi với hiểu biết đúng, chúng ta sẽ nhận thấy điều ấy có thể làm được. Hoặc chúng ta có thể nghĩ, “không, tôi không thể chánh niệm trên tâm bất thiện, tôi phải ngăn chặn chúng trước tiên”. Khi có hiểu biết đúng hơn về tâm và tâm sở do duyên khởi, chúng ta có thể biết rằng nó không phải là ngã, nhưng chánh niệm có thể hay biết đặc tính của bất thiện tâm.
Sarah cứ phân vân tại sao cần phải học tường tận về các tâm, tâm sở và sắc? Liệu chỉ đọc một trang trong kinh điển trong suốt cuộc đời là không đủ hay sao? Khun Sujin trả lời rằng, với những người có đủ nhân duyên để giác ngộ sớm, Đức Phật đã không phải dạy bảo một thời gian dài. Tuy nhiên, đối với chúng ta thì khác. Chúng ta có thể đọc, “Cái thấy là vô thường”, nhưng từng ấy không đủ với chúng ta. Chúng ta cần nghe nhiều, đọc, nghiên cứu nhiều và suy nghĩ về Giáo pháp thường xuyên. Chúng ta phải học để nhận biết đi nhận biết lại với hiểu biết đúng về các đặc tính của thực tại sinh khởi hiện giờ. Tâm thiện và bất thiện có thể sinh khởi rất nhanh kế tiếp nhau, và để biết đặc tính khác nhau của chúng, cần phải có chánh niệm và hiểu biết tinh tế. Có thể có tâm thiện với cảm thọ lạc và sau đó có tâm bất thiện với cảm thọ lạc và sự dính mắc vào ý niệm “thiện tâm của tôi”.
Chúng ta có biết sự khác nhau giữa những khoảnh khắc như vậy không?
Sarah nói rằng cô ấy thích kiếm tiền bằng công việc của mình, công việc giúp cô có cơ hội đi lại tới Băng Cốc hay Anh. Nhưng cô nhận thấy rằng Giáo pháp làm cho ta cảm thấy xấu hổ khi thích kiếm tiền. Khun Sujin nói: “Bạn không hoàn toàn hiểu về bản thân mình, bạn không trung thực với chính mình. Nếu chúng ta không hiểu về những tích lũy thực sự của chúng ta, chúng ta có tham vọng phải sống mẫu mực như Chánh Pháp.” Những người đã đạt giác ngộ là “các bậc thực hành ngay thẳng, đúng đắn” (Bậc Trực hạnh – Ujupatipanno). Họ biết sự tích lũy của mình, họ rất trung thực với bản thân mình. Đôi khi tôi cảm thấy xấu hổ khi thích đọc tạp chí hay tiểu thuyết. Tuy nhiên, tứ niệm xứ nên được phát triển một cách tự nhiên, nhờ đó chúng ta nhận thấy được rằng các cá tính tích lũy của mình là vô ngã. Đầu giường của tôi có kinh sách cũng như tạp chí và tiểu thuyết. Có lúc tôi đọc kinh sách, lúc lại đọc tạp chí hay tiểu thuyết. Tôi không thể nói trước tôi sẽ làm gì, nó phụ thuộc vào nhân duyên. Kể cả trong khi đọc tạp chí, có thể có chút ít khoảnh khắc ghi nhận đối tượng thị giác và sau đó lại bị cuốn vào các câu chuyện, cái sinh khởi trong khoảnh khắc khác.
Khi chúng ta nhìn người khác, tứ niệm xứ có thể phát triển một cách tự nhiên. Khi chúng ta thấy màu tóc, môi, mắt và làn da, chúng ta nghĩ về chúng như những phần khác nhau thuộc cơ thể, nhưng chúng ta nên nhớ rằng tất cả mọi màu sắc chỉ là đối tượng thị giác, chúng xuất hiện qua nhãn căn. Chúng không thể xuất hiện nếu chúng ta nhắm mắt. Màu sắc không xuất hiện như một mảng màu đồng nhất, nó không phải toàn là màu xám hay màu đen. Có nhiều màu khác nhau nhưng chúng chỉ là đối tượng thị giác, chúng được kinh nghiệm bởi cái thấy. Trong khi chúng ta ăn, có nhiều vị giác khác nhau xuất hiện, như vị ngọt, vị chua và vị mặn. Thiệt thức kinh nghiệm tất cả các vị khác nhau được tiếp xúc với cơ quan vị giác. Có vô số các đối tượng màu sắc, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm xuất hiện và được hay biết bởi các thức qua các căn tương ứng. Nếu chúng ta nhớ điều này, chúng ta sẽ không hình dung đối tượng của cái thấy, cái nghe và của các thức còn lại khác với bản chất thật của chúng. Khi đó tứ niệm xứ có thể được phát triển một cách tự nhiên. Sau khi lộ trình ngũ môn kết thúc, đối tượng được kinh nghiệm qua ý môn và sau đó sẽ có các tâm thuộc lộ trình ý môn định danh và suy nghĩ về đối tượng.
Chúng ta không nên lo lắng khi tứ niệm xứ không sinh khởi thường xuyên. Khi Khun Sujin ở Anh, bà đã nói rằng chúng ta không nên bị dính mắc vào các tầng tuệ minh sát – tuệ vipassana:
“Chúng ta không nên bận tâm về tuệ vipassana, chỉ nên có hiểu biết đúng về thực tại sinh khởi tại giây phút hiện tại. Nó là vô ngã, không nên có bất kỳ sự mong đợi nào. Chừng nào còn có mong đợi, chừng đó tuệ vipassana sẽ không thể sinh khởi. Khun Sujin nhắc nhở chúng ta nhiều lần rằng, chúng ta nên luôn khiêm tốn, chẳng là ai cả, thay vì là ai đó. Một người khôn ngoan có hiểu biết rằng các thực tại sinh khởi do duyên sẽ bớt dính mắc vào những lời khen ngợi, danh dự và thành công. Chúng ta có nghĩ về “sự phát triển của tôi” không? có ý niệm về “tôi đã làm điều đó” không? Khi chúng ta muốn trở thành ai đó thì đó không phải là cách đúng đắn”
Sarah nói với Khun Sujin rằng thật khó khăn để thấy được hiểm họa của sự sinh khởi của danh và sắc, để thấy được lợi ích không còn có chúng nữa. Khun Sujin đã trả lời: Đó là lý do tại sao có nhiều tầng tuệ vipassana khác nhau. Ngay cả khi kinh nghiệm được các thực tại sinh và diệt cũng vẫn chưa đủ. Sự dính mắc và các phiền não khác bén rễ rất sâu dày. Cần có hiểu biết sâu sắc hơn nữa để nhìn thấy hiểm họa của sự sinh và diệt của danh và sắc. Chúng xuất hiện và biết mất ngay lập tức, nhưng thực tại tiếp theo sinh khởi liền theo và lại có dính mắc. Dính mắc bám chặt vào bất kỳ đối tượng nào sinh khởi. Chúng ta có thể nói nhiều về sự vô thường của các thực tại, nhưng điều này chẳng có nghĩa gì nếu thực tại của giây phút này không được kinh nghiệm trực tiếp là vô thường. Sarah đã hỏi: “Chẳng nhẽ nghĩ về đặc tính vô thường của các thực tại không hữu ích chút nào nếu không kinh nghiệm trực tiếp về sự vô thường ư?” Khun Sujin đã trả lời: “Đó là suy nghĩ đúng và lành mạnh, nhưng nó không thể tiêu diệt được bất thiện pháp. Đó là lý do vì sao Đức Phật dạy chúng ta phát triển trí tuệ hơn nữa. Ngài nói về các đối tượng cần chánh niệm, nhờ đó chánh kiến có thể tăng trưởng. Hiểu biết tường tận bằng tư duy có thể tạo duyên để trí tuệ thấy được đặc tính vô ngã của tất cả các thực tại. Chúng ta có thể đọc kinh điển, nhưng nếu không có chánh niệm về giây phút hiện tại, chúng ta sẽ không hiểu những điều được dạy trong kinh điển.
Với tâm từ,
Nina Van Gorkom