Khảo cứu Pháp chân đế – CHƯƠNG 18: CÁC CÕI TRÚ XỨ

CHƯƠNG 18. CÁC CÕI TRÚ XỨ

Thuật ngữ “bhūmi” có nghĩa là cõi theo nghĩa “cõi thức” của tâm và cũng có nghĩa là “cõi trú xứ”. Bhūmi theo nghĩa cõi trú xứ là thế giới hay nơi chốn tái sinh của các chúng sinh. Có 31 cõi khác nhau và các cõi này đều tương thích với thứ cấp của các tâm đã tạo duyên cho sự tái sinh ở các cõi ấy. Các cõi trú xứ bao gồm:

  • 11 cõi dục giới (kāmabhūmi);
  • 16 cõi trời sắc giới (rūpa-brahma-bhūmi)
  • 4 cõi vô sắc giới (arūpa-brahma-bhūmi).

Đây là sự phân chia thành 31 cõi theo những cấp độ khác nhau. Thực ra trong mỗi cõi này lại có nhiều cảnh giới tái sinh khác nhau. Ngay cả cõi người này cũng không phải là cõi người duy nhất, mà bên cạnh đó còn có các cõi người khác nữa.

11 cõi dục giới bao gồm:

  • 4 cõi khổ
  • Cõi người
  • 6 cõi trời.

Bốn cõi khổ có thể được tóm tắt như sau: Các cõi địa ngục, cõi súc sinh, cõi ngạ quỷ, cõi Atula.

Không phải chỉ có một tầng địa ngục. Có một tầng địa ngục lớn và trong đó có nhiều tầng địa ngục khác nhau, chẳng hạn như địa ngục Sañjīva (địa ngục chết đi sống lại), địa ngục Kalasuta (địa ngục sợi chỉ đen), địa ngục Sanghāta (địa ngục nghiền nát), địa ngục Roruva (địa ngục kêu rống), địa ngục Mahā-Roruva (địa ngục kêu rống dữ dội), địa ngục Tāpana (địa ngục xiên nướng) và địa ngục Avīci (a tỳ địa ngục – địa ngục vô gián). Ngoài những địa ngục lớn này, còn có những loại địa ngục nhỏ hơn nữa nhưng trong kinh điển không có nhiều chi tiết về những nơi ấy. Đức Phật đã thuyết giảng về các cõi khác nhau nhằm chỉ ra nguyên nhân và kết quả. Nghiệp thiện (kusala kamma) và nghiệp bất thiện (akusala kamma) là nhân mang đến kết quả tương ứng. Cái mà ta không thể thấy qua kinh nghiệm trực tiếp thì không được giải thích chi tiết như các thực tại có thể được kiểm chứng trực tiếp qua sự phát triển tuệ giác.

Có bốn cõi khổ nơi chúng sinh có thể tái sinh vào. Nếu sự tái sinh là quả của các trọng nghiệp bất thiện, thì sẽ sinh vào Đại địa ngục, tức là A tỳ địa ngục, nơi ta sẽ phải chịu đựng những sự tra tấn tột đỉnh. Khi đã thoát khỏi Đại địa ngục nhưng nghiệp xấu vẫn chưa cạn, ta sẽ tiếp tục tái sinh ở một tầng địa ngục nhỏ hơn. Khi một người tạo trọng nghiệp bất thiện, người ấy không nhận ra rằng địa ngục đang chờ đợi mình phía trước bởi vì người ấy vẫn chưa tới đó. Chừng nào ta vẫn còn là một con người sống trong thế giới này, ta vẫn chưa sang một cõi khác, mặc dù nhân cho sự tái sinh ở cõi khổ là nghiệp bất thiện đã được tạo rồi. Khi một người đã tạo nghiệp bất thiện, đó sẽ là duyên cho sự tái sinh ở một cõi ác đạo sau khi người ấy chết.

Kết quả của nghiệp bất thiện ở mức độ nhẹ hơn sẽ tạo ra sự tái sinh ở các cõi khổ khác, chẳng hạn như cõi súc sinh. Chúng ta có thể nhận ra rằng có sự đa dạng vô cùng lớn về hình thức của các loài cầm thú. Một số có nhiều chân, một số chỉ có vài chân, một số không chân. Một số có cánh, một số không có cánh. Một số sống ở dưới nước, một số ở trên cạn. Sở dĩ hình thức của các muông thú đa dạng như vậy là do tính chất đa dạng của tâm. Sự đa dạng về hình thức nơi loài người không lớn như nơi cầm thú. Tất cả mọi người đều có thân và đa phần cùng có mắt, tai, mũi và lưỡi. Đúng là có rất nhiều màu da khác nhau, cơ thể dài ngắn khác nhau và cũng có sự đa dạng về hình thức bên ngoài. Tuy nhiên nếu ta tính đến sự khác biệt về hình thức của tất cả loài người trên thế giới, kể cả trong quá khứ, hiện tại và tương lai, thì sự đa dạng không lớn như sự đa dạng của loài cầm thú. Sự đa dạng của động vật, bao gồm cả những con ở dưới nước, những con trên mặt đất và những con biết bay là lớn hơn rất nhiều. Nghiệp chính là yếu tố tạo nên sự đa dạng ấy.

Quả của nghiệp bất thiện ở mức độ nhẹ hơn nghiệp làm duyên cho sự tái sinh ở cõi súc sinh sẽ làm duyên cho sự tái sinh ở cõi ngạ quỷ. Một ngạ quỷ luôn luôn bị tra tấn bởi đói khát và mệt mỏi. Có nhiều cõi ngạ quỷ khác nhau.

Mỗi chúng sinh đều có bệnh định kỳ trong ngày mà ta gọi là đói, đó là lý do vì sao ta có thể nói rằng không bệnh tật là điều không thể. Đói là căn bệnh nặng, chúng ta có thể nhận thấy điều ấy khi đang chịu khổ vì đói. Nếu chỉ hơi có cảm giác đói và ăn ngay một miếng ngon, ta sẽ quên rằng đói là một loại khổ, một căn bệnh cần được chữa trị. Cũng có lúc ai đó rất đói nhưng không thể ăn được bởi hoàn cảnh, khi ấy người đó sẽ hiểu được bản chất nỗi khổ do đói mang lại.

Một hôm, một người nhiều bạn nhận nhiều cuộc điện thoại gọi tới từ sáng đến tối và vì vậy anh ta không có thời gian để ăn. Khi tối muộn, người ấy nhận ra rằng đói đúng là một sự tra tấn và anh ta hiểu được ý nghĩa của thành ngữ “đói cồn cào”, cái chỉ cảm giác cồn cào ở trong dạ dầy hay trong ruột tạo ra bởi cơn đói. Anh ta thực sự trải nghiệm sự cồn cào ấy. Cuối cùng, tới lúc được ăn, anh ta không thể nào ăn thật nhiều ngay lập tức để có thể thoát khỏi cơn đói ấy. Làm vậy có thể có hại cho anh ta, khiến anh ta ngất đi. Anh ta phải ăn từ từ, vậy mà vẫn bị ngất. Điều này chỉ ra rằng đói là trọng bệnh, căn bệnh định kỳ hàng ngày. Ngạ quỷ phải chịu đựng cái đói khủng khiếp, bởi trong cõi ngã quỷ không có cách nào để chữa đói. Ở đó không thể phát triển nông nghiệp, không thể trồng lúa hay các loại hoa màu khác. Ở cõi ấy không thể nấu ăn, không có thương mại thực phẩm. Như vậy, tái sinh ở cõi ngạ quỷ là kết quả của nghiệp bất thiện. Tuy nhiên, ngạ quỷ có thể tùy hỷ với những thiện nghiệp của con người khi ta chia phước với họ. Khi ngạ quỷ tùy hỷ với các phước thiện đã tạo của những người khác, điều ấy sẽ làm duyên cho họ nhận được đồ ăn phù hợp với cõi ấy. Hoặc họ có thể thoát khỏi kiếp sống trong cõi đó. Họ có thể thoát khỏi kiếp ấy và tái sinh vào một cõi khác. Điều này xảy ra khi nghiệp tạo duyên cho sự tái sinh của chúng sinh ấy ở cõi ngạ quỷ đã cạn kiệt.

Một cõi khổ khác là cõi Atula, tái sinh ở cõi này cũng là kết quả của nghiệp bất thiện nhẹ hơn nghiệp bất thiện tạo ra sự tái sinh ở các cõi ác đạo khác. Nếu một người tái sinh ở cõi Atula, người ấy không có gì giải trí, không có cách nào vui vẻ với những đối tượng dễ chịu như ở cõi người hay cõi trời. Ở cõi người, ta có thể đọc sách, xem kịch hay đi nghe ca nhạc. Ở cõi Atula, không có những cách giải trí bằng các đối tượng dễ chịu như vậy. Do các nghiệp bất thiện rất đa dạng và có các mức độ khác nhau, các cõi ta tái sinh vào cũng khác biệt, tùy thuộc vào nghiệp tương ứng với sự tái sinh ở cõi ấy.

Có bảy cõi trú xứ an lành là kết quả của nghiệp thiện dục giới (kāmāvacara kusala kamma), bao gồm: một cõi người và sáu cõi trời. Trong Tam Tạng (Tipiṭaka) (xem Thanh Tịnh Đạo, chương VII, 43) có giải thích rằng có bốn cõi người nơi ta có thể tái sinh:

  • Cõi Pubbavideha (Đông thắng thần châu) nằm ở phía Đông của núi Sineru (Tu di);
  • Cõi Aparagoyāna (Tây ngưu xa châu) nằm ở phía Tây của núi Tu di;
  • Cõi Jambudīpa (Nam thiên bộ châu) nằm ở phía Nam của núi Tu di, đây chính là cõi mà chúng ta sống.
  • Cõi Uttarakurū (Bắc câu lưu châu) nằm ở phía Bắc của núi Tu di[1].

Các chúng sinh sống ở cõi này, cõi Nam thiên bộ châu, chỉ có thể nhận biết thế giới này, dù đi đâu chăng nữa, họ cũng chỉ thấy được đối tượng của cõi này, họ không thể đi tới ba cõi người khác.

Có sáu cõi trời và những cõi này có các mức độ tuyệt diệu khác nhau. Cõi thứ nhất là cõi của Tứ đại thiên vương (Cātu-Mahārājika)[2].Tứ đại thiên vương này bao gồm:

  • Dhataraṭṭha (Đông phương trì quốc thiên vương), đôi khi được gọi là “Inda”, là thiên vương cai trị phía Đông, cai trị các vị chư thiên Càn thát Bà (Gandhabba).
  • Virūḷhaka (Nam phương tăng trưởng thiên vương), đôi khi được gọi là “Yama”, là thiên vương cai trị phía Nam, cai trị các vị chư thiên Cưu bàn trà (Khumbhaṇḍa).
  • Virūpaka (Quản Mục Thiên vương), đôi khi được gọi là “Varuṇa”, thiên vương cai trị phía Tây, cai trị các vị chư thiên Rồng Nagas.
  • Kuvera (Bắc phương đa văn thiên vương), đôi khi được gọi là “Vessavaṇa”, thiên vương cai trị phía Bắc, cai trị các vị chư thiên Dạ xoa (Yakkas).

Cõi trời Tứ đại thiên vương là cõi trời thấp nhất, nó không xa cõi người như các cõi trời cao hơn.

Có những cõi trời cao hơn và những cõi này có mức độ tuyệt diệu tương ứng với thứ cấp của các cõi trời ấy.

Cõi trời thứ hai là cõi Tāvatimsa (Đao lợi), là cõi trời cao hơn cõi trời của Tứ đại thiên vương. Thiên vương Inda là chủ của cõi này. Trong cõi trời Đao lợi (còn gọi là Tam thập tam thiên – cõi trời Ba mươi ba) có bốn thiên viên là:

  • Vườn Nandana (Hoan lạc viên) ở phía Đông[3]
  • Vườn Cittalatā (Dục lạc viên) ở phía Tây
  • Vườn Missaka ở phía Bắc
  • Vườn Phārusaka ở phía Nam

Cõi trời thứ ba là cõi Yama (Dạ ma), là cõi trời cao hơn cõi Tam thập tam thiên.

Cõi trời thứ tư là cõi trời Tusita (Đâu suất) cao hơn cõi trời thứ ba.

Cõi trời thứ năm là cõi trời Nimmānarati (Hóa lạc thiên) là cõi trời của các vị chư thiên vui thích với sự sáng tạo, cao hơn cõi trời thứ tư.

Cõi trời thứ sáu là cõi trời Paranimittavasavatti (Tha hóa tự tại), là cõi trời của các vị chư thiên ngự trị trên sự khai tạo của các vị chư thiên khác, đây là cõi trời cao nhất trong các cõi trời dục giới.

Chúng ta muốn sinh ra vào cõi trời nào? Một người chưa phải thành A la hán sẽ vẫn còn tái sinh, nhưng chúng ta sẽ tái sinh ở đâu? Chắc là không ở cõi Phạm thiên vì đây là quả của tâm thiền (kusala jhānacitta) nếu nó sinh khởi trước khi chết, như đã nói từ trước. Như vậy, khả năng tái sinh vào các cõi dục giới là cao hơn. Việc ta sẽ tái sinh ở một cõi khổ hay cõi an lành tùy thuộc vào nhân của sự tái sinh, tức là nghiệp, một hành động đã tạo trong vòng sinh tử luân hồi.

Các cõi sắc giới là nơi các vị Phạm thiên sắc giới sinh ra. Việc tái sinh ở các cõi này là quả của các tầng thiền sắc giới (rūpa-jhāna). Có 16 tầng trời Phạm thiên sắc giới[4]

Quả của sơ thiền có thể là tái sinh ở ba cõi sau:

  • Pārisajjā (cõi Phạm chúng thiên) là kết quả của tâm thiền mức độ thấp;
  • Purohitā (cõi Phạm phụ thiên) là kết quả của tâm thiền ở mức độ trung bình;
  • Mahābrahmā (cõi Đại chúng thiên) là kết quả của tâm thiền mức độ cao.

Quả của nhị thiền (theo hệ thống tứ thiền, hay tam thiền theo hệ thống ngũ thiền[5]) có thể là sự tái sinh ở ba cõi. Điều này phụ thuộc vào mức độ của tầng thiền, có thể là thấp, trung bình hay cao. Các cõi này bao gồm:

  • Cõi Parittābhā (Thiểu quang thiên)
  • Cõi Appamāṇasubhā (Vô lượng quang thiên)
  • Cõi Ābhassarā (Quang Âm thiên)

Quả của tam thiền (theo hệ thống tứ thiền, hay tứ thiền theo hệ thống ngũ thiền) là tái sinh ở trong một trong ba cõi dưới đây, tùy thuộc vào mức độ của các tầng thiền:

  • Cõi Parittasubhā (Thiểu tịnh thiên)
  • Cõi Appamāṇasubhā (Vô lượng tịnh thiên)
  • Cõi Subhakiṇṇā (Biến tịnh thiên)

Kết quả của tứ thiền (theo hệ thống tứ thiền, hay ngũ thiền theo hệ thống ngũ thiền) là tái sinh ở cõi Vehapphala (Quảng quả).

Hơn nữa, quả của ngũ thiền này cũng có thể là sự tái sinh ở cõi Asaññāsatta (Vô tưởng). Các chúng sinh ở cõi này chỉ sinh ra với sắc, không có tâm và tâm sở[6].

Có năm cõi Suddhāvāsā (Tịnh quang hay Tịnh cư) của các vị Thánh Bất lai (Anāgāmī) và tái sinh ở đây là quả của sự chứng đắc tứ thiền (theo hệ thống tứ thiền hay ngũ thiền theo hệ thống ngũ thiền). Chúng bao gồm:

  • Cõi Aviha (Vô phiền)
  • Cõi Atappa (Vô nhiệt)
  • Cõi Sudassa (Thiện kiến)
  • Cõi Sudassi (Thiện hiện)
  • Cõi Akaṇittha (Sắc cứu cánh)

Có bốn cõi phạm thiên sắc giới. Tái sinh ở các cõi này là quả của các tầng thiền vô sắc giới. Đối tượng của các tầng thiền vô sắc giới không lệ thuộc vào sắc. Tương ứng với bốn tầng thiền vô sắc giới có các cõi sau:

  • Cõi Ākāsānañcāyatana (Không vô biên xứ)
  • Cõi Viññāṇañcāyatana (Thức vô biên xứ)
  • Cõi Ākiñcaññāyatana (Vô sở hữu xứ)
  • Cõi N’evasaññā-n’āsaññāyatana (Phi tưởng phi phi tưởng xứ).

Trong bốn cõi Phạm thiên vô sắc này chỉ có danh uẩn (nāma-khandha), các tâm (citta) và các tâm sở (cetasika) mà thôi; không có sắc nào sinh khởi ở đây.

Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương ba pháp, Phẩm VIII-Ananda, mục §80 – Abhibhu) chúng ta đọc rằng Đức Phật đã giải thích cho ngài Ānanda về các thế giới. Trong “tiểu thiên thế giới” có bao gồm cả ngàn thế giới của bốn cõi người, cõi trời và của các cõi Phạm thiên. Chúng ta đọc như sau:

“Xa cho đến mặt trăng, mặt trời chạy trong quỹ đạo của chúng và chói sáng khắp bốn phương với ánh sáng của chúng, xa như vậy là một ngàn thế giới. Trong ấy có một ngàn mặt trăng, một ngàn mặt trời, một ngàn núi Sineru (Tu-di), một ngàn Jambudìta (Diêm-phù-đề), một ngàn Aparagoyāna (Tây ngưu hóa châu), một ngàn Uttarakurṇ (Bắc-cu-vô châu), một ngàn Pubbavideha (Ðông thắng thần châu), bốn ngàn biển lớn, bốn ngàn đại vương, 1000 cõi trời Bốn thiên vương, 1000 cõi trời ba mươi ba, 1000 Dạ-ma thiên, 1000 Tusita (Ðâu – suất thiên), 1000 Hóa Lạc thiên, 1000 Tha Hóa Tự tại thiên, 1000 Phạm Thiên. Này Ānanda, đây gọi là một tiểu thiên thế giới. Này Ānanda, cho đến 1000 lần một tiểu thiên thế giới, được gọi là, này Ānanda, ba Ðại thiên thế giới. Này Ānanda, Như Lai có thể làm cho tiếng mình nghe xa cho đến ba ngàn Ðại thiên thế giới hay xa hơn nữa nếu muốn.”

Lời thuyết giảng về các cõi có thể không chi tiết như một số người hoài nghi mong muốn, nhưng nó chỉ ra mức độ tuệ giác toàn hảo của một vị Phật, người được coi là “bậc thế gian giải” (lokavidū), tức người có hiểu biết rõ ràng về tất cả các thế giới.

Như chúng ta đã thấy, khía cạnh thứ tư của tâm trong Chú Giải Bộ Pháp Tụ là muôn màu muôn vẻ bởi các pháp tương hợp – các tâm sở đồng sinh. Vì vậy, tâm có thể đươc phân loại theo nhiều cách khác nhau. Tâm có thể được phân loại theo bốn tính chất (chủng loại): thiện (kusala), bất thiện (akusala), quả (vipāka) và duy tác (kiriya). Tâm cũng có thể được phân loại theo bốn cõi thức: tâm dục giới (kāmāvacara citta), tâm sắc giới (rūpāvacara citta), tâm vô sắc giới (arūpāvacara citta) và tâm siêu thế (lokuttara citta).

Các tâm dục giới có thể nằm trong một trong bốn chủng loại – thiện, bất thiện, quả và duy tác. Tâm của các cõi cao hơn, tức là của các cõi sắc giới, vô sắc giới và siêu thế không thể nằm trong chủng loại bất thiện. Tâm siêu thế thì không thể nằm trong chủng loại duy tác.

Như vậy, các tâm sắc giới thì có thể nằm trong ba chủng loại thiện, quả và duy tác. Tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta) có thể tạo nên sự sinh khởi của tâm quả sắc giới (rūpāvacara vipākacitta) đảm nhận chức năng tái sinh ở các cõi phạm thiên sắc giới. Tâm thiện sắc giới của ngũ thiền thì có thể làm duyên cho sự tái sinh thành chúng sinh vô tưởng (asaññāsatta), là chúng sinh chỉ có sắc (rūpa) mà thôi, ở cõi vô tưởng. Như chúng ta đã thấy, có 16 cõi phạm thiên sắc giới tất cả. Các vị A la hán đã đắc các tầng thiền sắc giới (rūpa-jhāna) sẽ có tâm duy tác sắc giới (rūpāvacara kiriyacitta).

Tâm thiện vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta) có thể tạo nên sự sinh khởi của tâm quả vô sắc giới (arūpāvacara kusala citta) đảm nhận chức năng tái sinh ở một trong bốn cõi phạm thiên vô sắc giới (arūpa-brahma). Các vị A la hán đã đắc các tầng thiền vô sắc giới (arūpa-jhāna) sẽ có tâm duy tác vô sắc giới (arūpāvacara kiriyacitta).

Tâm sắc giới (rūpāvacara citta) và những tâm vô sắc giới (arūpāvacara citta) được gọi là “tâm cao thượng” hay “tâm đáo đại” (mahaggatā citta). Cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Quyển I, Phần I, Chương I, Mẫu đề Tam, §44) có nói:

“…Đáo đại” (mahaggatā) có nghĩa là đạt được điều vĩ đại[7], từ khả năng xua tan cấu uế, từ sự dồi dào thiền quả, từ độ dài thời gian…”

Rất khó để loại bỏ phiền não. Ngay khi thấy một đối tượng, thích và không thích đã sinh khởi. Nhưng, khi tâm thiền sinh khởi, tâm an tịnh và nhất tâm an trú vào đối tượng được kinh nghiệm qua ý môn. Ở những khoảnh khắc ấy, không có cái thấy, nghe, ngửi, nếm hay kinh nghiệm đối tượng xúc chạm. Khi đang có tâm thiền, dù kéo dài bao lâu chăng nữa, cũng không thể nào có tâm hộ kiếp (bhavanga-citta) ở giữa những tâm thiền ấy như trong trường hợp của các tâm dục giới[8]. Các tâm dục giới kinh nghiệm đối tượng trong một khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi, chúng là các pháp tiểu tốt (paritta dhamma). Các tâm dục giới của thấy, nghe hay suy nghĩ sinh khởi trong các lộ trình kéo dài chẳng là bao, chúng kinh nghiệm đối tượng chỉ trong một khoảnh khắc. Khi tâm của lộ trình nhãn môn sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng thị giác xuất hiện qua nhãn môn và rồi diệt đi, sẽ phải có các tâm hộ kiếp (bhavanga-citta) ngay sau đó. Các tâm hộ kiếp sinh khởi trước khi có các tâm của lộ trình ý môn nhận biết đối tượng thị giác được kinh nghiệm trong lộ trình của nhãn môn trước đó. Các pháp dục giới như đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm, cũng như các tâm kinh nghiệm đối tượng ấy được gọi là các pháp tiểu tốt.

Các tâm đáo đại (mahaggatā citta), tức là các tâm sắc giới và vô sắc giới, là các tâm đã đạt được mức độ tuyệt hảo bởi vì chúng có thể đè nén được phiền não. Khi đắc thiền, tức là khi các tâm thiền sinh và diệt tiếp nối nhau, sẽ không có cái thấy hay nghe, không có kinh nghiệm qua một trong các ngũ quan, cũng như không có suy nghĩ về các đối tượng ấy. Đó là lý do khiến các tâm đáo đại được cho là có thể xua tan phiền não. Tuy nhiên, khi tâm thiền đã diệt đi thì các tâm dục giới lại xuất hiện trở lại. Khi có các tâm sinh khởi trong lộ trình kinh nghiệm đối tượng qua các môn khác nhau, các tốc hành tâm bất thiện có cơ hội sinh khởi nếu ta đang không tạo thiện pháp. Chừng nào các phiền não chưa được tận diệt hoàn toàn, các tâm bất thiện có thể sinh khởi sau cái thấy, nghe, ngửi, nếm và kinh nghiệm đối tượng xúc chạm. Chúng ta có nhận ra rằng các tâm bất thiện thường sinh khởi đi sinh khởi lại không? Chừng nào chưa nhận ra điều này thì ta chưa thể đè nén được phiền não, cũng chưa thể phát triển con đường dẫn tới sự tận diệt phiền não.

Trước khi Đức Phật giác ngộ, có những người có thể thấy được sự bất lợi và hiểm họa của các tâm bất thiện sinh khởi ngay sau cái thấy, cái nghe và các giác quan khác. Vì vậy, họ cố gắng tìm một cách thức để có thể tạm thời đè nén phiền não. Họ đã tìm ra rằng cách duy nhất để có thể đạt được mục tiêu ấy là không thấy, không nghe hay không kinh nghiệm các đối tượng ngũ quan khác. Khi kinh nghiệm các đối tượng ngũ quan, ta không thể nào ngăn cản được sự sinh khởi của phiền não. Những người hiểu được điều ấy có thể vun bồi các thiện pháp để đưa tới được sự an tịnh thực sự, tạm thời ly tham, sân và si và điều này được chứng đạt tại khoảnh khắc đắc thiền (appanā samādhi).

Tại khoảnh khắc của tâm thiền không có dấu ấn của ngũ quan. Sẽ chỉ có kinh nghiệm đối tượng của đề mục thiền qua ý môn và đó là duyên để tâm được thiết lập vững chãi trong sự an tịnh và trụ trên đối tượng ấy. Việc đắc thiền đạt được khi các tâm thiền sinh khởi không dẫn tới sự tận diệt hoàn toàn phiền não. Khi tâm thiền diệt đi, các phiền não lại có cơ hội sinh khởi. Chỉ tại những khoảnh khắc của tâm sắc giới và vô sắc giới, tâm mới đạt được sự tuyệt hảo, đó là tâm đáo đại (mahaggatā citta) bởi chúng đè nén được các phiền não do không thấy, nghe, ngửi, nếm hay kinh nghiệm đối tượng xúc chạm.

Điều này khác với trường hợp của vị Thánh Bất lai (Anāgāmī), người đã đạt được tầng giác ngộ thứ ba. Vị ấy vẫn thấy nhưng không bị dính mắc vào đối tượng thị giác, bởi vị ấy đã tận diệt được sự dính mắc vào ngũ dục. Vị ấy nghe, ngửi, nếm và xúc chạm qua thân căn các đối tượng nóng, lạnh, cứng, mềm, chuyển động và co dãn nhưng vị ấy không hề có dính mắc, vị ấy đã hoàn toàn diệt trừ được dính mắc với những đối tượng ấy. Tâm thiện siêu thế, hay còn gọi là tâm đạo, có thể diệt trừ phiền não một cách hoàn toàn. Như vậy, ta thấy rằng tâm rất đa dạng vì có bốn cõi tâm thức tương ứng với bốn mức độ: dục giới, sắc giới, vô sắc giới và siêu thế.

Tâm sắc giới và tâm vô sắc giới có thể thuộc ba loại chủng loại: thiện, quả và duy tác.

Tâm siêu thế có thể có hai loại chủng loại là thiện và quả. Không có tâm siêu thế duy tác (lokuttara kiriyacitta).

Có tám loại tâm siêu thế tương ứng với bốn giai đoạn giác ngộ. Với mỗi giai đoạn giác ngộ có một tâm đạo (magga-citta), là tâm thiện siêu thế (lokuttara kusala citta) và tâm quả (phala-citta) là tâm quả siêu thế (lokuttara vipākacitta). Tám loại tâm siêu thế là những loại sau:

  • Tâm đạo Dự lưu (Sotāpatti magga-citta) là tâm thiện siêu thế
  • Tâm quả Dự lưu (Sotāpatti phala-citta) là tâm quả siêu thế
  • Tâm đạo Nhất lai (Sakadāgāmīmagga-citta) là tâm thiện siêu thế
  • Tâm quả Nhất lai (Sakadāgāmī phala-citta) là tâm quả siêu thế
  • Tâm đạo Bất lai (Anāgāmīmagga-citta) là tâm thiện siêu thế;
  • Tâm quả Bất lai (Anāgāmīphala-citta) là tâm quả siêu thế;
  • Tâm đạo A la hán (Arahatta magga-citta) là tâm thiện siêu thế;
  • Tâm quả A la hán (Arahatta phala-citta) là tâm quả siêu thế.

Các tâm thiện siêu thế là duyên để tâm quả siêu thế tiếp nối ngay lập tức. Không có loại tâm nào khác sinh khởi giữa tâm thiện siêu thế là nhân và tâm đạo siêu thế là quả. Ngoài tâm thiện siêu thế thì không có bất cứ tâm thiện nào có thể làm khởi sinh tâm quả sau lập tức sau đó.

Ngay sau khi tâm đạo của vị thánh Dự lưu – tức tâm thiện siêu thế – diệt đi, nó được tiếp nối bởi tâm quả là tâm quả siêu thế. Cũng như vậy với các tâm đạo và tâm quả của các vị Thánh Nhất lai, Bất lai và A la hán.

Bốn loại tâm quả siêu thế không thể đảm nhận chức năng tái sinh, hộ kiếp (bhavanga) và chức năng tử. Chúng khác với các tâm quả hiệp thế[9]. Các loại tâm quả siêu thế tiếp nối ngay sau tâm thiện siêu thế cũng có đối tượng là niết bàn. Tâm quả siêu thế đảm nhận chức năng tốc hành (javana) trong cùng một lộ trình với tâm thiện siêu thế trước nó. Tâm quả là loại tâm quả duy nhất đảm nhận chức năng tốc hành trong lộ trình. Nó đảm nhận chức năng tốc hành vì nó có niết bàn làm đối tượng. Mỗi loại tâm thiện siêu thế sinh khởi chỉ một lần trong vòng sinh tử luân hồi và tận diệt hoàn toàn phiền não, tương ứng với mức độ giác ngộ đã đạt được. Tuy nhiên, có hai hoặc ba tâm quả siêu thế sinh khởi sau tâm thiện siêu thế; chúng nối tiếp nhau và có niết bàn làm đối tượng. Tâm quả này sẽ sinh khởi hai hay ba lần tùy thuộc vào loại người đạt giác ngộ.

Vị Dự lưu không còn tái sinh nhiều hơn bảy lần nữa. Như chúng ta đã thấy, tâm quả Dự lưu không thể đảm nhận chức năng tái sinh. Loại tâm quả nào thuộc cõi thức nào của vị Dự lưu sẽ đảm nhận chức năng tái sinh tùy thuộc vào cõi mà vị ấy sẽ tái sinh. Nếu một vị Dự lưu sẽ tái sinh ở cõi trời dục giới, các tâm quả dục giới sẽ đảm nhận chức năng tái sinh. Nếu vị Dự lưu sẽ tái sinh ở cõi Phạm thiên thì tâm quả sắc giới hay tâm quả vô sắc giới sẽ đảm nhận chức năng tái sinh tương ứng với cõi ấy.

Như chúng ta đã thấy, từ “bhūmi” – cõi có thể đề cập đến các cấp độ của tâm cũng như các cõi trú xứ của chúng sinh. Tóm lại, khi bhūmi được sử dụng theo nghĩa là các cấp độ của tâm thì sẽ có bốn cõi (bhūmi): dục giới, sắc giới, vô sắc giới và siêu thế. Khi bhūmi được sử dụng theo nghĩa trú xứ cho các chúng sinh tái sinh hay thế giới nơi họ sống, thì có 31 cõi, tương ứng với các cấp độ khác nhau của tâm, bao gồm: 11 cõi dục, 16 cõi Phạm thiên sắc giới và 4 cõi Phạm thiên vô sắc giới.

 

********

Câu hỏi

  1. Cõi Tịnh cư Thiên (Suddhāvāsā) là gì và ai có thể sinh ra ở đó?
  2. Tâm sắc giới và tâm vô sắc giới có thể thuộc bao nhiêu chủng loại?
  3. Tâm duy tác có thể thuộc bao nhiêu chủng loại?
  4. Những loại tâm nào là mahaggatā (tâm đáo đại)?

Tâm lộ (là những tâm sinh khởi trong lộ trình) nào là tâm siêu thế?



[1] Xem Thanh Tịnh Đạo (Chương VII, 42, chú thích 15). Có một vòng lớp núi bao bọc đại dương. Ở giữa đại dương có ngọn núi Tu di. Nam thiện bộ châu (Jambudīpa), hay còn gọi là xứ cây Diêm phù (cây mận, cây roi), là thế giới của loài người được biết đến. Đôi khi Jambudīpa được dùng để chỉ Ấn độ.

[2] Xem Thanh Tịnh Đạo (Chương VII, 40, chú thích 14) và Những Pháp Thoại Của Đức Phật, hay Trường Bộ Kinh  – Dīgha Nikāya  (Phần I, chương 13, Kinh Tam Minh, §§ 24-25).

[3]Xem “Chuyện tiền thân Đức Phật” (Jātakas) (Quyển VI, No 545).

[4] Xem cuốn sách thứ hai của Tạng Vi Diệu Pháp, Bộ Phân Tích (Chương 18, Phần 6, Giới Hạn Tuổi).

[5] Đối với một số người, các tầng thiền sắc giới diễn tiến theo bốn giai đoạn, và với một số khác là năm giai đoạn. Các chi thiền dần được từ bỏ mỗi khi chứng đắc các tầng thiền cao hơn. Đối với những người từ bỏ một lúc cả hai chi thiền tầm và tứ ở giai đoạn thứ hai, sẽ chỉ có bốn tầng thiền. Đối với những người chỉ từ bỏ chi thiền tầm mà không từ bỏ chi thiền tứ ở giai đoạn thứ hai, sẽ có năm tầng thiền.

[6] Họ đã thấy được hiểm họa của danh và đó là duyên cho họ tái sinh mà không có danh.

[7] “Mahā” có nghĩa là “lớn”, “vĩ đại”, và gata có nghĩa là “đã qua”, “đã đạt tới”.

[8] Những người đã thuần thục trong việc đắc thiền có thể có các tâm thiền sinh khởi liên tiếp trong một thời gian dài. Chính vì vậy tâm thiền được gọi là “tâm đáo đại” bởi độ dài thời gian. Trong lúc đắc thiền không có thọ khổ. Tâm thiền là “đáo đại” bởi thiền quả vì nó có thể tạo ra tái sinh ở cõi phạm thiên sắc giới và phạm thiên vô sắc giới.

[9] Tâm đạo không dẫn tới tái sinh; nó tận diệt phiền não, là duyên cho sự tái sinh.

Comments are closed.

Translate »