Tâm Từ – Chương 6: Lợi ích của tâm từ

Chương 6
Lợi ích của tâm từ

Chúng ta đọc về mười một lợi ích của tâm từ trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương mười một Pháp, Phẩm II, Mục 5, Lợi ích):

Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích. Thế nào là mười một?

Ngủ an lạc, thức an lạc, không ác mộng, được loài người ái mộ, được phi nhân ái mộ, chư Thiên bảo hộ, không bị lửa, thuốc độc, kiếm xúc chạm, tâm được định mau chóng, sắc mặt trong sáng, mệnh chung không hôn ám; nếu chưa thể nhập thượng pháp (A-la-hán quả), được sanh lên Phạm thiên giới.

Này các Tỷ-kheo, từ tâm giải thoát được thực hành, được tu tập, được làm cho sung mãn, được tác thành cỗ xe, được tác thành căn cứ địa, được tiếp tục an trú, được tích tập, được khéo khởi sự thời được chờ đợi là mười một lợi ích.

Cuốn Đạo Vô Ngại Giải (Phần XVI, Giảng về từ ái) cũng đề cập tương tự về mười một lợi ích của sự phát triển tâm từ. Đạo Vô Ngại Giải liên hệ sự phát triển sung mãn tâm từ với ngũ căn (tín, tấn, niệm, định và tuệ) và ngũ lực. Ngũ căn được phát triển trong tứ niệm xứ có thể trở nên kiên cố và vững chắc để trở thành “lực”. Nếu không phát triển tứ niệm xứ trong đời sống hàng ngày, thật khó để có tâm từ thực sự, vì tâm từ cần sự hỗ trợ của ngũ căn và ngũ lực là các pháp tăng trưởng trong tứ niệm xứ. Khi tâm từ được hỗ trợ bởi các tâm sở này, nó sẽ trở nên vững chắc hơn, sẽ bớt đi sự khó chịu vì phiền não và như vậy sẽ có thêm sự an tịnh. Khi tâm từ được thiết lập vững chắc, nó không suy chuyển, không bị xô đẩy bởi phiền não. Vì vậy để phát triển tâm từ, cần phải có hiểu biết chi tiết về các tâm khác nhau của mình, phải có chánh niệm tỉnh giác biết khi nào tâm bị xáo trộn và khi nào có tâm từ được thiết lập vững chắc. Để biết được điều này, nhất thiết phải có hiểu biết đúng về tâm. Chỉ trí tuệ mới tận diệt được phiền não, trí tuệ biết đặc tính của các thực tại xuất hiện hiện giờ. Nên phát triển hiểu biết về khoảnh khắc hiện tại, vì quá khứ đã qua và tương lai thì chưa đến. Trí tuệ sinh rồi diệt, nhưng vì mỗi tâm diệt đi được tiếp nối bởi tâm tiếp theo nên trí tuệ được tích lũy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, và bằng cách ấy, có duyên cho trí tuệ để trở nên kiên cố hơn.

Khi đọc về những lợi ích của tâm từ, thay cho việc mong muốn có được những lợi ích đó, ta có thể kiểm tra xem mình đã phát triển tâm từ đến đâu. Nếu chưa có được mười một lợi ích đó thì cho thấy, chúng ta vẫn chưa phát triển đủ tâm từ.

Người hỏi: Vị A La Hán luôn có tâm từ, vậy tại sao Ngài Mục Kiền Liên lại bị giết bởi dao kiếm?

Khun Sujin: Đó là quả của nghiệp quá khứ. Tất nhiên, sau khi đã trở thành vị A La Hán, Ngài không còn tạo ra bất cứ nghiệp nào nữa.

Người hỏi: Tôi cứ nghĩ rằng khi trở thành A La Hán thì Ngài không còn nhận quả của nghiệp nữa. Nghiệp bất thiện trong quá khứ có thể thành “ahosi kamma”, tức nghiệp bị vô hiệu.

Khun Sujin: Chừng nào vị A La Hán chưa tịch diệt, vẫn còn có duyên cho nghiệp quá khứ trổ quả. Khi vị A La Hán đã hoàn toàn tịch diệt thì không còn tái sinh nữa, không còn sự sinh khởi của tâm, tâm sở và sắc, và khi ấy không thể nhận quả của nghiệp nữa.

Khi có chánh niệm, chúng ta có thể biết có tâm từ hay không, ta có thể biết là tâm từ đang vững mạnh hay yếu ớt. Chánh niệm có thể hay biết đặc tính của tâm từ, nó có thể nhận ra liệu có tâm từ thực sự hay không. Đặc tính của từ có thể bị nhầm với đặc tính của ái. Ta thường muốn người khác hạnh phúc, nhưng ta muốn vậy vì yêu quý họ với dính mắc hay vì có tâm từ thực sự với họ, không chút vị kỷ? Khi có chánh niệm tỉnh giác, ta sẽ biết liệu đó là tham ái hay tâm từ ở khoảnh khắc ấy. Khi thực sự hiểu sự khác biệt này, tâm từ có thể được phát triển, và dính mắc có thể giảm dần.

Mọi người có thể phân vân liệu đó là tham ái hay tâm từ khi muốn cha mẹ mình được hạnh phúc, vì tham ái và từ tâm dường như giống nhau. Khi nghĩ về phẩm chất tốt của cha mẹ và mong những điều đẹp đẽ đến với họ, khi ấy có tâm thiện cùng với từ. Khi ta yêu mến cha mẹ mình và dính mắc với họ, khi ấy tâm có tham ái. Cũng giống vậy trong mối quan hệ của cha mẹ đối với con cái, khi họ có tình cảm vị kỷ hay mong muốn sở hữu con mình, tâm khi ấy là tham. Nhưng nếu họ được nghe Pháp và phát triển tứ niệm xứ, và nếu họ có thể phân biệt sự khác nhau giữa đặc tính của từ và ái, họ sẽ có thêm từ tâm với con mình và bớt đi dính mắc. Nếu không phát triển tâm từ, sẽ tăng thêm vị kỷ, họ sẽ cho con mình là “con của tôi”. Dính mắc vào con của mình thậm chí có thể làm hại con của người khác. Khi ấy sẽ không có tâm từ mà chỉ là tình cảm ích kỷ mà thôi.

Chúng ta đọc trong Thanh Tịnh Đạo, phần về Tâm từ phạm trú (IX, 11) rằng, nếu một người muốn phát triển tâm từ, trước tiên người ấy nên hướng tâm từ tới một người có phẩm chất tuyệt hảo, một người mà người ấy yêu mến và kính trọng, như người thầy của mình chẳng hạn. Khi nghĩ về phẩm chất của một người như vậy, tâm chúng ta sẽ mềm mại, không có ác ý. Ta mong được giúp đỡ thầy mình, làm mọi thứ vì lợi ích và sự an vui của thầy. Vì vậy tâm nhẹ nhàng, êm dịu khi nghĩ về những phẩm chất tốt của thầy, đó là từ tâm. Khi vui vẻ giúp đỡ ai ta gặp trong cuộc sống hằng ngày giống như cách giúp đỡ thầy mình, rõ ràng ta đã có tâm từ với người ấy.

Đức Phật tán dương sự phát triển tâm từ, dù chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi. Không nên xem thường bất kỳ loại thiện pháp nào mà cần nhớ rằng, kể cả một khoảnh khắc thiện tâm ngắn ngủi cũng lợi ích. Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh (Tập II – Thiên nhân duyên, Chương XX – Tương ưng thí dụ, số 4 – Cái nồi), rằng Đức Phật, khi đang ngự tại Savathi – động Jeta, đã nói với các tỳ khưu:

Này các Tỷ-kheo, ai vào buổi sáng bố thí một trăm cái nồi, ai buổi trưa bố thí một trăm cái nồi, hay ai buổi chiều bố thí một trăm cái nồi, và ai buổi sáng chỉ trong thời gian bóp vú sữa con bò một lần (trong nháy mắt), tu tập từ tâm giải thoát, hay ai buổi trưa chỉ trong thời gian bóp vú sữa con bò một lần (trong nháy mắt), tu tập từ tâm giải thoát, hay ai buổi chiều chỉ trong thời gian bóp vú sữa con bò một lần (trong nháy mắt), tu tập từ tâm giải thoát, sự việc này đối với sự việc trước, quả có lớn hơn.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như sau: “Chúng tôi sẽ tu tập từ tâm giải thoát, làm cho sung mãn, làm thành cỗ xe, làm thành căn cứ địa, an trú, tích lũy và khéo thực hiện”.

 

Đức Phật dạy có thể phát triển dần dần mọi loại thiện pháp. Ngay cả khi thấy thiện pháp phát triển thật khó khăn, nó vẫn có thể được tích lũy và nhờ đó có thể sinh khởi thường xuyên hơn và trở nên mạnh mẽ hơn. Không nên nghĩ rằng có thể phát triển nhiều tâm từ ngay lập tức, mà mỗi khoảnh khắc tâm từ ngắn ngủi đều có thể làm duyên cho tâm từ phát triển. Nếu không Đức Phật đã không dạy rằng, tâm từ dù chỉ trong khoảnh khắc ngắn ngủi như bóp vú sữa một con bò, cũng là lợi ích.

Ta cần biết mục đích của mình khi phát triển tâm từ. Liệu ta phát triển tâm từ để có được sự an tịnh tới mức độ cận định, đạt được tầng thiền, hay ta muốn phát triển tâm từ trong cuộc sống hàng ngày? Tâm từ và các “ba la mật” khác là những duyên tố cần thiết cho sự thực chứng Tứ thánh đế khi giác ngộ. Chúng ta phải sống khoảng thời gian dài vô tận trong phòng luân hồi, không thể biết khi nào sẽ hoàn mãn các ba la mật đến mức độ giác ngộ. Vì vậy cần phát triển mọi loại thiện pháp để dần dần tận diệt phiền não và đạt được quả vị A La Hán. Chỉ khi ấy vòng sinh tử mới kết thúc. Một số người tin rằng có thể tận diệt phiền não mà không cần phát triển tâm từ. Hay có người cho rằng tâm từ quá khó và vì vậy họ không phát triển nữa. Họ không hiểu rằng, cần phát triển để tâm từ có thể sinh khởi đi sinh khởi lại. Chỉ khi sinh khởi đi sinh khởi lại, tâm từ mới có thể được tích lũy dần dần. Ta có thể nghĩ rằng tâm từ rất khó, nhưng nên nhớ rằng, sự sinh khởi của trí tuệ nhận biết Thánh đế còn khó hơn gấp bội. Không nên nản chí, không nên cho phiền não cơ hội lấn át khi sai lầm nghĩ rằng tâm từ rất khó, rằng không thể sinh khởi tâm từ và vì vậy không phát triển nó nữa. Khi chánh niệm sinh khởi, ta có thể hiểu đúng về sự phát triển của tâm từ. Ta có thể thấy tâm từ có thể sinh khởi, rằng nó có thể được phát triển từng chút một. Bằng cách ấy, tâm từ sẽ mạnh mẽ hơn và trở nên vững vàng. Có thể có tâm từ trong hành động, lời nói và suy nghĩ của chúng ta.

Khi mới phát triển tâm từ, trước hết cần nhận thấy hiểm họa của sân. Sân là pháp đối nghịch với tâm từ. Bất cứ khi nào tâm sân sinh khởi đều cho thấy tâm từ vắng mặt. Sân là một pháp thô tháo, gây hại chính mình và người khác. Khi tâm sân sinh khởi, nó chiếm lĩnh tâm, đốt cháy tâm như ngọn lửa. Sức hủy diệt của sân khiến mọi người làm hại nhau qua thân và khẩu, ở nhiều cường độ, tuỳ vào sức mạnh của nó. Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh (I, Thiên có kệ, I, Tương ưng chư thiên, 8, Phẩm Đoạn, §1), rằng một vị trời đến hỏi Đức Phật:

Sát vật gì được lạc?

Sát vật gì không sầu?

Có một pháp loại gì

Ngài tán đồng sát hại

Tôn giả Gotama?

Đức Phật đã trả lời:

Sát phẫn nộ được lạc,

Sát phẫn nộ không sầu,

Phẫn nộ với độc căn,
Với vị ngọt tối thượng,

Pháp ấy, bậc Thánh Hiền

Tán đồng sự sát hại.

Sát pháp ấy không sầu,

Này Hiền giả Thiên nhân.

Như vậy khi sân sinh khởi, tâm trí bị rối loạn, ta không hạnh phúc. Ta sẽ có suy nghĩ không tốt, hay thậm chí độc ác, có thể làm hại người mình bực qua hành động hay lời nói. Ta có thể làm hại họ bằng nhiều cách, như bạo lực chẳng hạn, bằng cách đánh hoặc khiến họ bị đau, hoặc nói ra những lời lẽ thô tháo, gay gắt. Ta có thể hả hê khi làm họ bị tổn thương. Đức Phật nói rằng cơn thịnh nộ có gốc độc và ngọn ngọt. Cảm giác thỏa mãn vì làm hại người khác được ví như cái ngọn ngọt của cơn sân, nhưng gốc của nó thì rất độc. Mỗi người phải nhận lại quả cho hành động của mình. Khi cơn sân tạo duyên cho ai đó làm hại người khác, nghiệp bất thiện có gốc độc sẽ cho quả khổ đối với người đã tạo ra nó, bằng việc phải chịu sự mất mát hay kinh nghiệm bất khả ái. Nó có thể đưa đến sự tái sinh nơi cõi khổ như địa ngục, ngạ quỷ hay súc sinh, tuỳ vào mức độ của nghiệp bất thiện.

Nếu thấy được hiểm họa của tâm bất thiện và nghiệp bất thiện, ta sẽ phát triển tâm từ để bớt tích lũy các bất thiện pháp khác nhau. Chúng ta nên suy xét lợi ích của sự kham nhẫn – kham nhẫn trong phát triển thiện pháp và kiên định với thiện pháp, nhờ vậy, bất thiện pháp có thể bị tận diệt. Chúng ta đọc trong Trung Bộ Kinh (Tập 1, số 21, Kinh ví dụ cái cưa), rằng Đức Phật, khi ngự gần Savathi, tại động Jeta, đã nói với các tỳ khưu:

Chư Tỷ-kheo, có năm loại ngôn ngữ mà các Ngươi có thể dùng khi nói với các người khác: đúng thời hay phi thời, chơn thực hay không chơn thực, nhu nhuyến hay thô bạo, có lợi ích hay không lợi ích, với từ tâm hay với sân tâm. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói đúng thời hay phi thời. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói lời chơn thực hay nói lời không chơn thực. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói lời nhu nhuyến hay nói lời thô bạo. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói lời lợi ích hay nói lời không lợi ích. Chư Tỷ-kheo, khi nói với các người khác, các Ngươi có thể nói với từ tâm hay với sân tâm. Chư Tỷ-kheo, ở tại đây, các Ngươi cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm, chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ, chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng địa vô biên, không hận, không sân”. Chư Tỷ-kheo, như vậy các Ngươi cần phải học tập.

Trong bài kinh này Đức Phật đã sử dụng những hình ảnh ẩn dụ để miêu tả tính vô hại của tâm từ. Chẳng hạn, tâm từ được ví như một chiếc túi da mèo đã được thuộc chín và dẻo dai, mềm mại. Cho dù ai đó dùng gậy để đập, nó cũng không phát ra âm thanh nào. Cũng như vậy khi có tâm từ, không gì có thể làm tâm sân sinh khởi. Đức Phật nói như sau:

Chư Tỷ-kheo, như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta.

Leave a Reply

Translate »