Tâm Từ – Chương 5: Tâm từ trong thân hành và khẩu hành

Chương 5
Tâm từ trong thân hành và khẩu hành

Tâm từ hỗ trợ các thiện pháp khác, nó cũng tạo duyên cho sự kham nhẫn. Chúng ta đọc trong Bộ Pháp Tụ:

§1341: Thế nào là kham nhẫn (khanti)?

Kham nhẫn là sự nhẫn chịu, sự chấp nhận, sự không thô lỗ và phản ứng, là sự nhún nhường của tâm.

§1342: Thế nào là sự nghiêm tịnh?

Nghiêm tịnh là không vi phạm thuộc về thân, không vi phạm thuộc về khẩu, không vi phạm thuộc về thân khẩu. Tất cả giới thu thúc gọi là nghiêm tịnh.

§1343: Thế nào là ái ngữ:

Khi những lời nói xấc xược, khó chấp nhận, châm chích, lỗ mãng với người khác, lăng mạ người khác, gần như bực tức, không dẫn đến định tâm, được từ bỏ; những lời nói không lỗi lầm, êm tai, trìu mến, thông cảm, đi vào lòng người, lịch thiệp, ngọt ngào và vừa lòng nhiều người; khi những lời này được nói ra một cách thân thiện và khả ái, thì được gọi là ái ngữ.

Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Quyển II, Phần II, Chương II, 396) giải thích về đoạn “ái ngữ” trên:

Trong phần diễn giải từ “ái ngữ””, xấc xược có nghĩa là, như những cái bướu lòi ra từ một thân cây đang hư rữa, không khoẻ mạnh. Cũng vậy, do thiếu sót, ‘gút mắc’ được tạo ra từ lời nói do mắng nhiếc và vu khống, v. v. . . “Châm chích”, có nghĩa xù xì, giống như một cây đang bị phân hoá. Như một cây đang phân hủy thì xù xì và có chảy ra các chất nhựa, cũng vậy lời nói ấy có tính châm chích, như chọc lỗ tai. “Nặng lời với người khác” có nghĩa là không thuận tai, khó nghe và tạo ra sân hận… “Lăng mạ người khác” có nghĩa là, giống như một cành cây có gai chùm bám lấy bằng cách thâm nhập vào da, cũng vậy, lời nói ấy dính vào người khác, bám vào đó, cản trở những người muốn ra đi. “Gần như nổi giận” có nghĩa là gần mức tức giận. “Không dẫn đến định tâm” có nghĩa là không dẫn đến toàn định hay cận định. Tất cả các từ này đều đồng nghĩa với từ “với sân hận”…

Êm tai” có nghĩa là từ những lời nói ngọt ngào làm cho êm tai, không làm đau lỗ tai, như bị kim đâm. Và ý nghĩa dịu ngọt không tạo ra tính bẳn gắt nơi thân, nó tạo ra tình thương mến và vì vậy được gọi là “âu yếm”. Lời nói lôi cuốn lòng người, đi vào tâm trí một cách dễ dàng, không trở ngại đó, ta nói rằng “đi vào lòng người”. Lời nói “lịch thiệp” vì lời nói đó chất lượng, vì nó tinh tế như một người có giáo dục, và bởi vì nó thuộc “lời nói của những người ở tỉnh thành”, có nghĩa là lời nói của người sống ở những nơi thành phố phù hoa. Những người này sử dụng những lời nói thích hợp và xưng hô với những người đáng tuổi bố mẹ là bố mẹ, và với những người đáng tuổi anh em là anh em. “Vừa lòng nhiều người” có nghĩa là ăn nói ngọt ngào với nhiều người. “Dễ thương với nhiều người” có nghĩa là tỏ ra dễ thương với nhiều người và giúp cho tâm an vui.

Lời nói như thế” có nghĩa là, nơi con người đó thì hiền lành, lịch sự,. . “thân thiện” có nghĩa là tế nhị, “hoà nhã” có nghĩa là không lỗ mãng.

Trong phần “ái ngữ” còn có một thuật ngữ khác gọi là “đối đãi, chu đáo”. Chúng ta không chỉ đơn thuần nói điều không lỗi lầm, dễ nghe, thông cảm, đi vào lòng người và lịch thiệp, điều quan trọng là cần có sự cư xử, đối đãi với lòng từ. Khi thực sự phát triển tâm từ thì không thể thiếu đi sự chu đáo. Ta đọc trong Bộ Pháp Tụ:

§1344: Thế nào là sự chu đáo?

Có hai loại đối đãi – chu đáo: sự chu đáo-đối đãi vật chất, và sự chu đáo-đối đãi trong Pháp sự. Khi có ai đó thể hiện sự chu đáo, là rơi vào một trong hai loại này.

Không thể có sự chu đáo thực sự nếu thiếu tâm từ. Khi có sự chu đáo chân thành trong cuộc sống hàng ngày, điều ấy cho thấy có từ tâm. Nếu chưa có sự chu đáo trong cuộc sống hàng ngày của mình, ta nên phát triển tâm từ và nhờ đó có thể giúp người khác một cách chu đáo qua lời nói và hành động của mình.

Chú Giải Bộ Pháp Tụ (397) giải thích về “chu đáo” như sau:

Trong phần diễn giải về “chu đáo”, “chu đáo tài vật” chính là sự thu hẹp, lấp đầy khoảng giữa mình và những người có nhu cầu bị thiếu thốn. Bằng cách chăm lo tới những nhu cầu ấy.

Điều này chỉ đến sự giúp đỡ người khác thông qua việc mang cho những thứ họ cần, quan tâm đến họ. Luôn có khoảng cách và sự khác biệt giữa mọi người với nhau, giữa những người có của cải và người thiếu thốn. Nhưng có một cách để thu hẹp khoảng cách ấy, đó chính là sự tiếp đãi bằng vật chất, bằng việc mang cho tài vật và hỗ trợ, giúp đỡ người khác một cách chân thành. Khi ấy sẽ không còn sự khác biệt và khoảng cách giữa mọi người với nhau.

“Đối đãi Pháp” (dhamma patisanthāro) là sự thu hẹp khoảng cách giữa mình với người chưa học Giáo pháp. Khi nhận ra lợi ích của Giáo pháp, ta sẽ thấy cần giúp đỡ người khác bằng việc giảng giải Giáo pháp cho họ. Đấy là sự đối đãi Pháp. Khi ấy, Pháp hoàn toàn lấp đầy khoảng cách và sự khác biệt giữa mọi người với nhau.

Ta đọc tiếp trong Chú Giải Bộ Pháp Tụ (398) về việc đối đãi tài vật của một vị tỳ khưu:

Một vị Tỳ-khưu chu đáo, khi nhìn thấy một vị khách đang đến thăm chùa, nên ra gặp vị đó và đỡ lấy bát khất thực và áo cà sa cho người đó, dẫn đến chỗ ngồi tử tế, quạt cho vị đó với cây quạt làm bằng lá thốt nốt, rửa chân và sức dầu cho vị khách. Nếu có bơ và nước trái cây, vị Tỳ-khưu nên đưa cho vị khách sử dụng, đưa thuốc cho vị đó cùng với nước, kỳ cọ nhà chùa sạch sẽ — như vậy cho thấy một phần của sự đối đãi tài vật.

Người tại gia nên xem có thể làm gì trong hoàn cảnh của mình để thực hiện sự đối đãi tài vật. Chú Giải Bộ Pháp Tụ nói về sự đối đãi Pháp mà mọi người có thể giúp đỡ nhau như sau:

Hơn thế nữa vào ban chiều nếu không có vị trưởng lão nào đến tỏ lòng cung kính, vị Tỳ-khưu này cần đến trước vị khách, ngồi đó và không hỏi người đó những lời lẽ vu vơ, chỉ hỏi vị khách những điều có liên quan, ý nghĩa. Vị Tỳ- khưu không nên hỏi “Ngài đang tụng bài kinh nào” mà nên hỏi “Đạo sư và Giáo thọ sư của Ngài sử dụng bản kinh điển nào?”, và nên hỏi vị khách những điểm thuộc khả năng của vị ấy. Nếu vị khách có thể trả lời thì tốt, nếu không chính vị Tỳ-khưu đó phải đưa ra câu trả lời. Như vậy cho thấy một phần của sự đối đãi Pháp.

Điều này cho thấy ta sẽ nói chuyện cẩn mực khi có tâm từ. Khi muốn giúp người khác về Giáo pháp, ta không nên đề cập đến những điều vượt quá mức độ hiểu và khả năng tiếp nhận của họ, ta nên cân nhắc đến tích lũy và hoàn cảnh của người nghe để chia sẻ Pháp theo cách mà họ có thể hiểu được.

Tâm từ hỗ trợ các thiện pháp khác và mang đến nhiều lợi ích. Khi biết về những lợi ích đó, ta có thể tự kiểm chứng xem mình đã có tâm từ đến mức đạt được những lợi ích đó chưa. Đọc về những lợi ích của tâm từ có thể nhắc nhở chúng ta cần phát triển tâm từ hơn nữa.

Chúng ta đọc trong “Kinh Tâm Từ” (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương VIII, Phẩm I, 1):

Như vầy tôi nghe:

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvavatthì, tại Jetavanna, khu vườn Ông Anàthapindika. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ- kheo: “Này các Tỷ-kheo”.

“Thưa vâng, bạch Thế Tôn”.

Các Tỷ-kheo ấy vâng đáp Thế Tôn. Thế Tôn nói như sau:

Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích. Thế nào là tám?

Ngủ được an lạc, dậy được an lạc, không thấy ác mộng, được người ái mộ, được phi nhân ái mộ, được chư

 

– 68 – Tâm từ trong thân hành và khẩu hành
Thiên hộ trì, lửa hay thuốc độc hay kiếm không gia hại, nếu

chưa thể nhập thượng pháp, đạt được Phạm Thiên giới.

Với từ tâm giải thoát, này các Tỷ-kheo, được sử dụng, được tu tập, được làm cho sung mãn, được làm như cỗ xe, được làm như căn cứ địa, được tùy trú, được tích tập, được khéo tác thành, thời chờ đợi là có tám lợi ích này.

Ai tu tập từ tâm
Vô lượng thường ức niệm Các kiết sử yếu dần
Thấy được sanh y diệt Với tâm không ác độc
Từ mẫn mọi chúng sanh Do vậy, vị ấy thành
Bậc thuần nhất chí thiện Với tâm ý từ mẫn
Ðối với mọi chúng sanh Bậc Thánh khéo thực hiện Nhiều công đức tốt lành Sau khi đã chinh phục Rất đông đảo loài người Các ẩn sĩ vua chúa
Theo nghi lễ tế tự

Lễ tế ngựa tế người
Lễ uống nước thắng trận
Lễ ném cầu may rủi
Lễ rút lui khóa cửa
Không được phần mười sáu Bậc khéo tu từ tâm
Như ánh sáng mặt trăng
Ðối với các quần sao
Không giết, không bảo giết Không thắng, không bảo thắng Từ tâm mọi chúng sanh
Không hận thù với ai.

Một trong những lợi ích của phát triển tâm từ là có được giấc ngủ an lạc. Nếu tức giận với ai đó, liệu sau đó ta có thể ngủ ngon? Nếu không bực dọc, không ghét bỏ ai và có thể tha thứ những gì không đúng mà người khác đã làm với mình, ta chắc chắn sẽ được ngủ ngon. Khi sắp chìm vào giấc ngủ, nếu có chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi, ta có thể biết loại tâm nào diễn ra trước khi ngủ say. Ta có thể nhận ra ngay khoảnh khắc ấy có tham, sân, tứ niệm xứ hay tâm từ. Nếu phát triển tứ niệm xứ, có thể có trí tuệ biết đặc tính của thực tại như chúng là. Tại một khoảnh khắc cụ thể, khi thực tại xuất hiện là bất thiện pháp, chánh niệm-tỉnh giác (là trí tuệ sinh khởi cùng chánh niệm) có thể nhận ra bất thiện là bất thiện. Trí tuệ có thể phân biệt sự khác biệt giữa thiện pháp và bất thiện pháp và nhờ đó có thể diệt trừ bất thiện hơn nữa. Phát triển thiện pháp là cách duy nhất để có được lợi ích là giấc ngủ an lạc.

Thức dậy được an lạc là một lợi ích khác. Khi thức dậy vào buổi sáng, ta có thể xem liệu tâm từ đã được phát triển mạnh mẽ để có được lợi ích này chưa. Nếu còn có sân trong lòng, tâm sẽ bị bấn loạn khi thức giấc; tâm trí ta lại bị những câu chuyện chưa thể quên xâm chiếm. Trên thực tế, không có tự ngã, chúng sinh hay con người, nhưng có duyên khiến tâm bị bất an. Ngay khi thức giấc, tưởng (saññā) nhớ về sự kiện đã khiến ta khó chịu. Hay khi làm gì sai, ta bị lo lắng và không thể dừng nghĩ về điều ấy sau khi thức giấc. Với việc làm sai, ta bị lo lắng, buồn rầu khi đi ngủ, và sau đó thức dậy không thoải mái. Nếu có tâm bất thiện trước khi ngủ, sẽ có tâm bất thiện khi thức giấc. Khi có tâm bất thiện căn tham và không hay biết về nó, ta sẽ không nhận ra có dính mắc ngay khi tỉnh dậy. Có dính mắc vào đối tượng xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Ta thường không nhận ra dính mắc vào các đối tượng xuất hiện qua các căn khi ở mức độ nhẹ và không thấy được sự bất lợi, hiểm họa của nó.

Sân là một thực tại thô tháo hơn và vì vậy dễ nhận ra nó là bất thiện hơn so với tham. Khi có sân, tâm bị bất an và khó chịu. Tham thì không thô và bức xúc như sân, rất khó nhận ra nó là bất thiện. Nếu phát triển tứ niệm xứ một cách tự nhiên, trong đời sống hàng ngày, ta sẽ biết đặc tính của thực tại như chúng là, ta sẽ biết khi nào có tham và khi nào có sân.

Một trong những lợi ích của sự phát triển tâm từ là không có ác mộng. Bất thiện pháp, hay những suy nghĩ tiêu cực có thể sinh khởi cả trong mơ mà không thể ngăn được. Những xu hướng tích lũy của chúng ta làm duyên cho tâm sinh khởi trong tiến trình ý môn, nó nghĩ về những đối tượng đã được kinh nghiệm trước đó qua sáu căn. Chúng ta nhớ mọi đối tượng và đeo bám suy nghĩ mãi về chúng. Các phiền não được tích lũy tạo duyên cho những giấc mơ khác nhau. Đôi khi ta có thể biết có tâm thiện hay tâm bất thiện trong giấc mơ. Khi ấy ta có thể xem xét tích lũy của mình, có thể hiểu mình đã tích lũy thiện hay bất thiện. Nếu đã tích lũy nhiều tâm từ, ta sẽ không có ác mộng, vì vậy, sẽ không mơ với tâm bất thiện.

Được người ái mộ” là một ích lợi khác của phát triển tâm từ. Liệu chúng ta có biết mình thường được người khác quý mến hay không? Khi thẩm sát đặc tính của tâm, ta có thể hiểu vì sao mình được người khác quý hoặc không quý. Một số người đổ tại nghiệp quá khứ và cho rằng, dù đã làm đúng mọi việc, họ vẫn bị người khác ghét. Họ cảm thấy bất mãn và thất vọng. Người khác có thể làm tổn thương hay làm hại ta bằng thân và khẩu. Khi họ nói điều khó nghe, sắc nhĩ căn là một duyên tố để nghe các âm thanh khác nhau khiến ta khó chịu. Tuy nhiên, trên thực tế, tâm của ta không thể bị ai khác làm tổn hại, trừ chính ta. Người khác chỉ có thể làm đau ta về thân, còn chính tâm bất thiện của ta mới khiến ta khổ não. Vì vậy, thay vì nghĩ đến những thứ khiến mình buồn phiền, ta nên vun bồi tâm từ và tha thứ cho người khác. Khi ấy tâm sẽ không còn bực dọc và điều đó chứng tỏ không ai có thể làm hại tâm của chính ta.

Chúng ta muốn người khác yêu quý mình nhưng lại dễ quên rằng mình cũng nên bày tỏ tình thương với người khác. Không nên mong người khác thể hiện lòng tốt và tình cảm trước, không nên trì hoãn sự tốt bụng và nhiệt tình với người khác. Ở khoảnh khắc ấy, ta không có buồn đau hay lo lắng. Tâm đi cùng với tâm từ là thiện, khi ấy không có tham, không mong đợi được người khác đáp lại tình cảm với mình.

Nếu biết đặc tính của tâm thiện và phân biệt sự khác nhau giữa tâm thiện và tâm bất thiện, sẽ có duyên để phát triển nhiều thiện pháp mà không phải bận tâm xem mình có được người khác quý hay không. Khi có từ tâm và lòng quảng đại, khi giúp đỡ người khác, có “dục tâm sở” (cetasika chanda), là “nhiệt tâm”, tạo duyên cho tâm thiện sinh khởi. Tầm cầu thiện pháp thì khác với tham. Khi tham sinh khởi, ta muốn được người khác quý mến. Ngược lại, khi có dục là thiện, ta muốn phát triển tâm từ với người khác, kể cả khi không được đáp lại.

Nếu tứ niệm xứ không phát triển, ta không thể phân biệt rõ đặc tính khác nhau của tham và tâm sở dục là thiện – cái mong muốn phát triển thiện pháp. Có thể có dính mắc vào phát triển thiện pháp hay vào lợi ích của thiện pháp, vì dính mắc chưa bị tận diệt. Chúng ta biết nghiệp thiện mang đến kết quả tương ứng, nhưng khi có sự mong đợi, hy vọng nghiệp thiện của mình sẽ cho quả tốt lành, khi ấy có tham. Khi có dục tâm sở là thiện, là mong muốn được phát triển thiện pháp, thì không có dính mắc, không có sự mong cầu được quả tốt lành. Khi ấy ta có thể phát triển thiện pháp một cách chân thành và tự nhiên.

Được phi nhân ái mộ” là một lợi ích khác của phát triển tâm từ. Khi có dục mong muốn phát triển thiện pháp, chúng ta không mong được mọi người và các chúng sinh khác yêu mến, vì chúng ta không chờ đợi kết quả của nghiệp thiện, không hy vọng bất kỳ lợi ích nào. Khi có thiện tâm trong sạch, chúng ta cũng sẽ được phi nhân yêu mến.

Được chư thiên hộ trì” là một lợi ích khác. Khi phát triển tâm từ, tâm thiện khiến ta được cả người và phi nhân yêu mến, và chư thiên sẽ hộ trì chúng ta với tâm từ. Nhân đúng sẽ mang đến kết quả đúng, mà không cần phải mong đợi.

Lửa hay thuốc độc hay kiếm không gia hại” là một lợi ích khác. Thiện tâm trong sạch cùng tâm từ có thể bảo hộ ta khỏi hiểm nguy, kể cả khi ta chưa đắc được cận định hay toàn định. Khi ai đó phát triển sự an tịnh với tâm từ làm đề mục thiền, và thiện tâm của người ấy vững chắc đến mức đạt được tâm thiền, người ấy sẽ không bị lửa, thuốc độc hay dao kiếm làm hại.

 

“Nếu chưa thể nhập thượng pháp, đạt được Phạm Thiên giới” là một lợi ích khác. Như tôi đã giải thích, tứ niệm xứ cần phải phát triển cùng với các loại thiện pháp khác. Khi ai đó phát triển an tịnh với tâm từ làm đề mục, và đạt được sự an tịnh kiên cố tới mức độ sơ thiền, sẽ cho quả tái sinh ở cõi trời phạm thiên của cảnh giới sơ thiền. Khi đạt đến những tầng thiền cao hơn, tâm thiền sẽ cho quả tái sinh ở các cảnh giới cao tương ứng. Tuy nhiên, lợi ích tối thượng nhất có thể đạt được, sau khi đã giác ngộ Tứ Thánh Đế, là quả vị A La Hán, trở thành bậc toàn hảo. Khi ấy sẽ chấm dứt tái sinh. Bài kinh chỉ ra rằng khi chưa xuyên thấu pháp vị cao thượng nhất, là quả vị A La Hán, người ấy sẽ tái sinh ở cõi Phạm thiên. Điều cao cả nhất là giác ngộ Thánh đế. Đó nên là mục tiêu của chúng ta. Vì vậy, tâm từ cần được phát triển cùng tứ niệm xứ và không chỉ để đạt được sự an tịnh ở mức độ cận định hay toàn định. Ta nên phát triển tứ niệm xứ thường xuyên trong cuộc sống hàng ngày và khi ấy các loại thiện pháp khác cũng sẽ tăng trưởng.

Đọc trong bài kinh, Đức Phật còn nói rằng những người, với niệm được thiết lập, phát triển tâm từ vô biên, sẽ chứng ngộ diệt tận dính mắc và mọi loại “xiềng xích” khác. Khi phát triển tâm từ, vị ấy không làm hại chúng sinh nào, vị ấy chỉ quan tâm đến những gì là thiện. Vị ấy có lòng từ mẫn đối với mọi chúng sinh, là một người tuyệt hảo có dồi dào công đức.

Leave a Reply

Translate »