Chương 4
Đặc tính của tâm từ
Phát triển tứ niệm xứ không phải là tụng niệm hay đặt tên thực tại là “danh pháp” và “sắc pháp” mà không thẩm sát đặc tính của thực tại đang xuất hiện. Điều này được làm rõ hơn qua bài kinh Velamà (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương IX – Chín pháp, Phẩm II, số X). Khi ngự tại Động Jeta, gần Sāvatthī, Đức Phật đã nói với ông Cấp Cô Độc về sự bố thí của Ngài trong một kiếp quá khứ, khi là vị Bà la môn Velāma. Ngài đã so sánh giá trị của các nghiệp thiện khác nhau như sau:
... và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp và Tăng, và có ai với tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu. . .
… Và có ai với tâm tịnh tín, chấp nhận học pháp. . . từ bỏ không đắm say rượu men, rượu nấu, và ai tu tập từ tâm giải thoát,
… và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm, và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng vô thường, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.
Như vậy chúng ta thấy rằng, phát triển tứ niệm xứ là ích lợi nhất, vì thông qua tứ niệm xứ, đặc tính của thực tại được thấy như chúng là.
Tâm từ là một trong bốn phạm trú3 hay còn gọi là tứ vô lượng tâm. Phát triển tâm từ không hề đơn giản mà cần được tìm hiểu một cách tường tận. Đức Phật đã giảng rằng, tâm từ cần được phát triển đi phát triển lại để có thể tăng trưởng. Khi tâm từ đã lớn mạnh, nó cũng sẽ hỗ trợ cho ba vô lượng tâm còn lại, là tâm bi, tâm hỷ và tâm xả. Khi một người phát triển tâm từ, người ấy sẽ có tâm bi: người ấy sẽ không làm tổn thương những chúng sinh khác. Người ấy cũng sẽ có tâm hỷ: như tùy hỷ với niềm hạnh phúc của người khác. Ngược lại, nếu một người thiếu từ tâm, người đó hoàn toàn có thể làm đau chúng sinh khác và không tùy hỷ với niềm vui của người khác. Đức Phật đã nhấn mạnh rằng, phát triển tâm từ là vô cùng ích lợi, vì tâm từ sẽ làm duyên cho các thiện pháp khác sinh khởi. Vì vậy mà sự suy xét cẩn trọng về phát triển tâm từ là rất quan trọng.
Nếu ai đó nghĩ rằng họ có thể phát triển tâm từ bằng việc tụng kinh tâm từ, người ấy nên tìm hiểu xem đó có phải là cách đúng hay không.
Người hỏi: Tôi có đọc rằng, chúng ta nên tụng câu “mong cho mọi chúng sinh thoát khỏi khổ đau và bất hạnh, mong cho họ được sống trong hạnh phúc”.
Khun Sujin: Là bạn mong điều đó cho tất cả chúng sinh, phải vậy không?
Người hỏi: Đúng vậy. Thực ra đó là sự trải rộng tâm từ. Tôi học câu đó bằng tiếng Pāli, nhưng vì không hiểu nghĩa nên tôi dùng bản dịch tiếng Thái để tụng, bằng cách đó tôi có thể hiểu được câu mình tụng.
Tôi nghĩ là có chánh niệm trong khi tôi tụng. Thỉnh thoảng trong lúc đang tụng, một cách vô thức, tôi ngưng lại. Tôi bị sao lãng và nghĩ về thứ gì đó. Nhưng những lúc khác, tôi ý thức rằng mình đang tụng kinh và không nên nghĩ linh tinh. Liệu nhận ra mình đã ngưng lại là có chánh niệm? Và khi có niệm, tôi có thể bắt đầu tụng lại từ đầu.
Khun Sujin: Bạn trải tâm từ đến mọi chúng sinh, nhưng bạn đã đắc thiền chưa? Nếu chưa, làm sao bạn có thể trải tâm từ đến mọi chúng sinh? Khi có tâm từ, tâm ở trạng thái an tịnh. Khi nghĩ về người bạn không ưa, người bạn thương yêu hoặc một người dưng mà không có sự an tịnh, làm sao bạn có thể trải tâm từ đến mọi chúng sinh? Như Thanh Tịnh Đạo giải thích, khi mới bắt đầu, rất khó có tâm từ đối với người mình không ưa, người mình yêu thương hoặc người không thương không ghét. Khi tụng rằng mong cho mọi chúng sinh được an vui, bạn có thể thực sự trải được tâm từ tới tất cả? Bạn chỉ có thể trải được tâm từ vô hạn, tới mọi chúng sinh, ở bất kỳ đâu, khi đã đắc thiền.
Không nên tin rằng khi bắt đầu phát triển tâm từ, với sự nhiệt thành, ai đó có thể thật lòng mong hạnh phúc đến cho mọi chúng sinh. Khi hiểu hơn về bản thân, họ sẽ thấy rằng điều đó là không thể. Khi nghĩ về người họ không ưa, tâm từ không thể sinh khởi. Liệu có thực sự thành thật khi tụng rằng, mong cho mọi chúng sinh được an vui? Như chúng ta đã biết, cần phải đắc định mới có thể trải tâm từ tới mọi chúng sinh.
Khi nghĩ đến người mà ta thương mến, hầu như dính mắc sẽ sinh khởi chứ không phải tâm từ. Khi nghĩ về người mình ghét hoặc người khó ưa thì tâm không an tịnh. Đơn giản là chúng ta đã không chân thực khi tụng: “mong cho mọi chúng sinh được an vui”. Người muốn phát triển sự an tịnh cần nhớ rằng, an tịnh là phẩm chất tịnh hảo sinh khởi cùng thiện tâm. Khi tâm thiện sinh khởi thì không có phiền não mà có sự an tịnh. Nếu đặc tính của sự an tịnh được nhận ra, nó có thể tăng trưởng, từng chút một. Tâm từ là một đề mục samatha (phát triển an tịnh) có thể tạo duyên cho sự an tịnh tăng trưởng, và nó cũng có thể tạo duyên cho những khoảnh khắc an tịnh trong đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, để phát triển từ tâm một cách đúng đắn thì nghĩ về tâm từ thôi không đủ, mà trước hết là cần biết về đặc tính của tâm từ. Tương tự như phát triển tứ niệm xứ. Không thể phát triển tứ niệm xứ khi không biết đặc tính của chánh niệm (sati). Chánh niệm của tứ niệm xứ là không quên mà hay biết trực tiếp thực tại xuất hiện ở khoảnh khắc hiện tại, nó suy xét đặc tính của thực tại. Cần có chánh niệm để phát triển tâm từ. Nếu có chánh niệm về tâm từ khi nó xuất hiện, đặc tính của tâm từ có thể được nhận biết một cách trực tiếp.
Atthasālinī (Chú Giải Bộ Pháp Tụ – bộ đầu của Tạng Vi Diệu Pháp) (Cuốn II, Phần II, Tóm lược, II, 362) giải thích về những thuật ngữ liên quan đến mô tả thực tại vô sân trong Bộ Pháp Tụ như sau:
… “có tâm từ” là đang thực hành từ tâm, “yêu thương” là phương pháp thực hành từ tâm; “thân ái” là tính chất của tâm có tình thương, tạo ra tình thương. “Chăm sóc dịu dàng” là để tâm, nghĩa là bảo vệ. “Chăm sóc chu đáo dịu dàng” là phương pháp chăm sóc đó. “Cẩn thận dịu dàng” là trạng thái chăm sóc chu đáo. “Từ thiện” chính là tìm kiếm làm điều tốt. “từ mẫn” (bi) chính là có lòng xót thương…
Cần làm quen về đặc tính của tâm từ trước khi tâm từ có thể được phát triển. Cần suy xét kỹ tính chất tâm của mình ngay tại khoảnh khắc này: tâm có sinh kèm với từ hay không? Bằng cách đó, chúng ta có thể bắt đầu phát triển tâm từ một cách rất từ từ, thông qua việc thể hiện lòng tốt tới người khác, và khi ấy tâm từ có thể được tăng trưởng.
Chúng ta nên suy xét đoạn giải thích về tình bằng hữu và thái độ thân thiện, gần gũi trong cuốn Atthasālinī. Khi ngồi với người khác, liệu chúng ta có thiện ý, có tình bằng hữu chân thành với họ? Nếu có, chúng ta có thể học hiểu về đặc tính của tâm từ.
Dù gặp bất kỳ ai, trong nhà, ngoài đường, trên phố hay trên xe buýt, ta có coi tất cả mọi người là bạn? Nếu chưa được như thế thì không nên tụng trải tâm từ tới mọi chúng sinh, vì chẳng hữu ích gì cả. Nếu bây giờ, ngay tại khoảnh khắc này, chúng ta gặp ai đó và cảm thấy hồ nghi về họ thì không nên cố trải tâm từ tới tất cả chúng sinh. Chỉ những vị đắc định mới có thể làm điều đó. Khi thiền định có đề mục tâm từ phạm trú (brahma-vihāra) đã được phát triển, thì tâm từ có thể biến mãn không giới hạn. Còn chúng ta chỉ nên bắt đầu áp dụng tâm từ chân thành, một cách đơn giản, trong cuộc sống hàng ngày.
Người hỏi: Mục tiêu của tôi không phải là tâm thiền, tôi không mong đắc định.
Khun Sujin: Vì vậy chưa thể trải tâm từ tới tất cả chúng sinh.
Người hỏi: Tôi niệm câu trải tâm từ tới mọi chúng sinh là để có thiện tâm.
Khun Sujin: Nhưng khi bạn gặp hoặc nghĩ về người mình oán ghét thì thường là sự khó chịu sinh khởi.
Người hỏi: Vâng, có thể là vậy.
Khun Sujin: Vậy thì không nên trải tâm từ tới mọi chúng sinh, vì bạn chưa thực sự như vậy.
Người hỏi: Tôi vẫn nghĩ việc đó có ích, vì khi tụng thì tôi có thiện tâm.
Khun Sujin: Sẽ không thể nếu bạn không bắt đầu đúng, tức là biết đặc tính thực sự của tâm từ.
Người hỏi: Thanh Tịnh Đạo nói rằng khi bắt đầu, chúng ta nên trải tâm từ tới bản thân mình trước?
Khun Sujin: Khi mới bắt đầu, người ta chưa sẵn sàng trải tâm từ tới người khác và vì vậy người ta lấy bản thân mình làm ví dụ, để tự nhắc nhở nên đối xử với người khác như với chính mình. Đó là ý nghĩa của việc trải tâm từ cho bản thân.
Người hỏi: Vậy mục đích là để có sự cảm thông?
Khun Sujin: Cảm thông với người khác.
Người hỏi: Vậy chúng ta phải trải tâm từ đến cho mình, đến người mình không ưa, người yêu mến và người bình thường – không ưa và không ghét.
Khun Sujin: Nếu chưa có tâm từ đối với người mình không ưa, bạn chưa thể trải tâm từ tới mọi chúng sinh. Nếu cố gắng trải tâm từ đến người mình yêu thương, thường là dính mắc sẽ sinh khởi và dính mắc thì có đặc tính khác với tâm từ. Vì vậy cả hai trường hợp này đều không thể thực hiện được. Vậy ta nên trải tâm từ đến ai trước đây?
Người hỏi: Tôi nghĩ là đến bản thân mình.
Khun Sujin: Đó chỉ là cách để nhắc nhở bản thân, như đã nói. Với người mới bắt đầu và chưa thuần thục thì nên nghĩ đến người có giới đức, có phẩm hạnh làm khơi gợi lòng thương mến và kính ngưỡng. Đó có thể là thầy của mình hay ai đó như thầy mình, người tràn đầy từ tâm và thiện pháp. Khi nghĩ về những người như vậy, tâm chúng ta sẽ trở nên mềm dịu và nhu nhuyến, và khi ấy chúng ta đang hướng đến đạo lộ của thiện tâm. Chúng ta sẽ làm mọi việc để mang đến lợi ích và sự an vui cho họ. Đó là cách mà tâm từ được bắt đầu phát triển như thế nào.
Thanh Tịnh Đạo – Visuddhimagga (IX, 93) giải thích về đặc tính, chức năng, biểu hiện, nhân gần của tâm từ như sau:
… từ có đặc tính xiển dương sự an lạc. Chức năng của nó là lựa chọn an lạc. Biểu hiện của nó là xóa bỏ ưu phiền. Nhân gần của nó là thấy khía cạnh dễ mến ở chúng sinh. Nó thành tựu khi làm cho ác tâm (sân) lắng dịu, và thất bại khi phát sinh lòng yêu thích vị kỷ.
Rất khó canh chừng tâm mình, vì chúng ta vốn toàn tâm bất thiện. Tham, sân và si sinh khởi liên tục. Để phát triển thiện pháp, cần có trí tuệ hay hiểu biết đúng về thực tại. Cần phải có chánh niệm tỉnh giác để biết đặc tính của tâm từ trong một khoảnh khắc cụ thể, để nhận ra tâm khi ấy là thiện hay bất thiện. Khi thực sự mong muốn làm điều gì đó cho người khác mà không bởi dính mắc, bởi người ấy là bạn hay thân quyến của mình, bởi mong được đền đáp, thì sẽ có đặc tính của tâm từ khi ấy.
Để phát triển tâm từ, cần biết chi tiết về tâm của mình, cần suy xét kỹ lưỡng các tâm khác nhau sinh khởi. Thực sự có thể phát triển tâm từ trong cuộc sống hàng ngày, khi có chánh niệm hay biết đặc tính của tâm từ khi nó xuất hiện. Khi gặp ai đó trông khác thường, gặp người nước ngoài hay người nói ngôn ngữ khác, ta cảm thấy sao? Thấy họ như bạn bè hay khó gần? Nếu ta coi người ấy, bất kể là ai, như một người bạn thì điều đó cho thấy có tâm từ. Như đã đọc về định nghĩa của tâm từ trong Thanh Tịnh Đạo, biểu hiện của tâm từ là xóa bỏ hiềm hận, ưu phiền.
Khi có hai người cáu giận hay đôi co với nhau và ta thiên về một ai trong đó, khi ấy không có tâm từ mà là dính mắc (lobha). Như thấy trong định nghĩa, tâm từ thất bại khi phát sinh lòng yêu thích vị kỷ. Ta đều có thể coi cả hai người như bạn, dù ai đúng ai sai. Với người đối xử tệ với mình, ta vẫn có thể có tâm từ với họ, có thể giúp đỡ họ và nghĩ cho sự an lạc của họ. Khi ấy có tâm từ thực sự. Không có tâm từ khi khó chịu với người đối xử tệ với mình, khi trách cứ họ và làm họ phải bực bội hơn mình.
Người có tâm từ coi tất cả mọi người là bạn. Nếu cảm thấy chân thành hữu hảo với người khác, sẽ có lòng bi mẫn khi thấy ai đó bị khổ đau, bất hạnh. Cũng sẽ có cả hỷ (muditā) khi thấy người khác được hạnh phúc, thịnh vượng và thành đạt. Khi đã cố giúp mà ai đó vẫn không thể thoát khỏi đau khổ, ta có thể phát triển tâm xả vô lượng (upekkhā), ta sẽ không sân với nỗi khổ của người ấy. Ta có thể hiểu rằng, mọi pháp đều do duyên riêng của chúng. Người phải đau khổ là do nhận quả của chính nghiệp họ đã làm trong quá khứ.
Bốn phạm trú (brahma-vihāras) hay tứ vô lượng tâm là những phẩm chất tuyệt hảo hỗ trợ cho tất cả các thiện pháp được phát triển và đạt đến mức độ toàn hảo. Chẳng hạn, tứ vô lượng tâm có thể hỗ trợ cho lòng quảng đại. Khi có cơ hội bố thí, ta có thể cho mà không thiên vị, còn nếu không phát triển tứ vô lượng tâm, ta có xu hướng chỉ cho một nhóm người nhất định. Tứ vô lượng tâm là một duyên tố làm cho giới được trọn vẹn. Ta có thể thực hiện nghiệp thiện mà không mong được đền đáp. Ta có thể tha thứ cho người khác dù họ có làm hại ta ra sao. Tâm từ thực sự hỗ trợ cho các vô lượng tâm khác, là bi, hỷ và xả, nếu hiện hữu nhân đúng và duyên thích hợp cho các vô lượng tâm ấy.
Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương Năm pháp, Mục XVII, §1 Trừ khử hiềm hận), Đức Phật dạy cần phát triển tất cả tứ vô lượng tâm. Không nên nghĩ rằng cần phát triển tâm từ lớn mạnh trước, rồi mới phát triển ba vô lượng tâm còn lại. Đoạn kinh nói như sau:
Có năm trừ khử hiềm hận này, này các Tỷ-kheo, ở đây, vị Tỷ-kheo có hiềm hận khởi lên cần phải được trừ khử một cách hoàn toàn. Thế nào là năm?
Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, từ cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.
Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy, bi cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy, hiềm hận cần phải trừ khử.
Trong người nào, hiềm hận được sanh, trong người ấy xả cần phải tu tập. Như vậy trong người ấy hiềm hận cần phải trừ khử.
Trong người nào, này các Tỷ-kheo, hiềm hận được sanh, trong người ấy, sự kiện nghiệp do mình tạo cần phải an lập là: “Tôn giả là chủ của nghiệp, là thừa tự của ng- hiệp, là khởi nguyên của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm nghiệp thiện hay ác được làm, Tôn giả sẽ là người thừa tự nghiệp ấy”. Như vậy, trong người ấy, hiềm hận cần phải được trừ khử
Này các Tỷ-kheo, có năm trừ khử hiềm hận này, ở đây, hiềm hận khởi lên cho Tỷ-kheo cần phải trừ khử một cách hoàn toàn.
Việc thấy khó chịu, bực bội hay bất mãn với ai đó là thường xảy ra. Sân có thể rất mạnh và kéo dài, hoặc có thể dịu bớt và tan biến nhanh. Cần nhớ rằng, ngay cả khi sân ở mức độ thô tháo, như hận thù hay ác ý, cũng có thể bị tứ vô lượng tâm trấn áp.
Chúng ta đọc tiếp đoạn kinh (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương năm pháp, phần số XVII, §2), Ngài Sāriputta đã nói với các tỳ kheo rằng, khi sân sinh khởi, cần có sự suy xét chân chánh về người mà ta sân. Mọi người khác nhau qua cách hành xử nơi thân, khẩu và ý. Có người có thân hành thanh tịnh, nhưng khẩu hành và ý hành bất tịnh. Có người có thân hành, ý hành bất tịnh nhưng khẩu hành thanh tịnh. Số khác lại có thân hành và khẩu hành bất tịnh, nhưng ý hành thanh tịnh, họ biết nghe Pháp và quan tâm đến Giáo pháp. Dù có sự trong lành nơi tâm, nhưng thân hành và khẩu hành của họ lại không hợp lẽ. Ta có thể nghĩ đến họ mà không sân, nhờ phát triển tâm từ mà có thể trừ khử sự khó chịu. Sẽ có tâm từ khi chỉ nghĩ đến phẩm chất tốt đẹp của người khác, không nên để ý đến điều họ làm sai, vì khi ấy sẽ có tâm sân. Có những người có hành vi lịch thiệp, nói năng dễ nghe nhưng cách nghĩ thì không như vậy. Khi hiểu điều này, ta chỉ để tâm đến mặt tốt của họ, những điểm tốt mà họ làm qua hành động và lời nói, khi ấy tâm từ có thể sinh khởi. Một số người có thể có tâm bi khi nghĩ về người khác, họ nghĩ về những phẩm chất tốt, như những việc làm hay lời nói tốt đẹp của người khác, hoặc nghĩ về phẩm chất điềm đạm nơi người có hành vi và lời nói không hay. Họ sinh khởi lòng thương và muốn giúp đỡ người khác. Điều ấy cho thấy họ đang trên con đường phát triển vô lượng tâm. Chúng ta có thể không sân với người khác nhưng liệu ta có thể có tâm bi, ta có thực sự muốn giúp đỡ người đang gặp khó khăn? Liệu ta có hỷ sinh khởi khi người mà ta ghét đạt được thành tựu, được tiếng thơm, lời khen hay hạnh phúc? Nếu ai có thể hoan hỷ trong trường hợp như vậy, điều ấy cho thấy họ đang trên con đường phát triển vô lượng tâm.
Trong bài kinh Tâm Từ – “Mettā-sutta” (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương bốn pháp, Phần XIII, §5), chúng ta đọc về quả của sự phát triển tứ vô lượng tâm (brahma-vihāras). Khi một người phát triển an tịnh và đắc định với tâm từ làm đề mục và tâm thiền không bị thối giảm, vị ấy sẽ tái sinh ở cõi “Phạm chúng thiên” có tuổi thọ khoảng một kappa4. Khi một vị phát triển thiền định với tâm bi làm đề mục và tâm thiền không bị thối giảm, vị đó sẽ tái sinh ở cõi “Quang âm thiên” với tuổi thọ khoảng hai kappa. Khi một vị phát triển thiền định với tâm hỷ làm đề mục và tâm thiền không bị thối giảm, vị đó sẽ tái sinh ở cõi “Biến tịnh thiên” với tuổi thọ khoảng bốn kappa. Khi một vị phát triển thiền định với tâm xả làm đề mục và tâm thiền không bị thối giảm, vị đó sẽ tái sinh ở cõi “Quảng quả thiên” với tuổi thọ khoảng năm kappa.
Phát triển tâm từ đưa đến nhiều lợi ích. Tâm từ hỗ trợ cho các thiện pháp khác, như “bày tỏ sự đồng cảm” qua nhiều cách, đó là: sự khoan dung, lời ái ngữ, các việc mang đến lợi ích và công bằng,… như được giải thích trong kinh điển. Tâm từ tạo duyên cho sự quảng đại khi bố thí, nói những lời hợp lẽ và khả ái. Tâm từ ngăn ta khỏi các hành vi khiếm nhã, thô lỗ và làm điều không phải với người khác. Ta có thể giúp đỡ người khác với tình thương và coi họ là đồng loại, là bè bạn. Ta có thể học không nghĩ về họ với ngã mạn, xem họ như người lạ và khác biệt với ta. Ta sẽ học không nghĩ theo góc độ “anh” và “tôi”, so sánh mình với họ và đặt họ cao hơn hay thấp kém hơn mình, vì đó là ngã mạn. Khi thẩm sát đặc tính của tâm, chúng ta sẽ biết từ chính kinh nghiệm của bản thân rằng, tâm thiện thì hoàn toàn khác với tâm bất thiện.
Bộ Pháp Tụ (hay Tâm lý Đạo đức học Phật Giáo, bộ đầu tiên của Tạng Vi Diệu Pháp, §l340) đề cập đến các tính chất thiện, như sự mềm mại, hài hòa, nhu nhuyến, dễ dạy và khiêm nhường. Chú giải (Atthasālinī II, Book III, 395) giải thích đức tính khiêm nhường như sau:
Do sự vắng mặt của ngã mạn, trái tim người này có sự nhún nhường; trạng thái của một người này là trái tim khiêm tốn.
Sự mềm mại, hiền hòa, nhu nhuyến và khiêm nhường là những đặc tính của tâm từ. Ngài Sāriputta là một ví dụ cho sự khiêm nhường. Ngài tự ví mình như tấm giẻ lau cũ không còn giá trị. Ngài đã không tự đắc, ngã mạn vì là một vị thượng thủ đệ tử. Kể cả khi có người đối xử tệ bằng hành động và lời nói với Ngài, Ngài cũng không mảy may chao động vì Ngài là bậc A La Hán. Ngài đã tận diệt ngã mạn cũng như mọi phiền não khác, Ngài đã đạt được sự toàn hảo về đức hiền hòa và khiêm cung.
Chúng ta có thực sự khiêm nhường không? Khi có nghiệp bất thiện qua thân và khẩu, ta nên hay biết đặc tính của tâm khi ấy. Ta có thể nhận ra mình đầy phiền não và những phiền não ấy tạo duyên cho hành vi và lời nói của ta. Khi có sự khiêm nhường thực sự, sẽ không nói lời bất thiện. Hành vi và lời nói phản ánh tâm của ta: tâm thiện hay bất thiện. Ta có tâm từ hay ngã mạn? Nếu thực sự tha thiết muốn diệt trừ phiền não thì cần phải hay biết về các loại tâm khác nhau. Khi ấy ta sẽ biết hành vi và lời nói của mình ra sao trong cuộc sống hàng ngày, biết khi nào chúng bị thúc đẩy bởi tâm bất thiện và khi nào bởi tâm thiện.
Chú thích
3 Chỗ trú xứ hay phẩm chất cao thượng của bậc phạm thiên.
4 Trong Tương Ưng Bộ Kinh, Đức Phật đã cho ví dụ khi giải thích vấn đề này: “ Ví như, này Tỷ-kheo, có một hòn núi đá lớn, một do tuần bề dài, một do tuần bề rộng, một do tuần bề cao, không có khe hở, không có lỗ hổng, một tảng đá thuần đặc. Rồi một người đến, cứ sau một trăm năm lại lau hòn đá ấy một lần với tấm vải kàsi. Này Tỷ-kheo, hòn núi đá lớn ấy được làm như vậy có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn là một kiếp.” Hoặc “Ví như, này Tỷ-kheo, có một thành bằng sắt, dài một do tuần, rộng một do tuần, cao một do tuần, chứa đầy hột cải cao như chóp khăn đầu. Một người từ nơi chỗ ấy, sau mỗi trăm năm lấy ra một hột cải. Này Tỷ-kheo, đống hột cải ấy được làm như vậy, có thể đi đến đoạn tận, đoạn diệt mau hơn là một kiếp.” Như vậy là khoảng thời gian kéo dài của một kiếp.)