Tâm Từ – Chương 3: Thực hành trong cuộc sống hàng ngày

Chương 3
Thực hành trong cuộc sống hàng ngày

Tâm từ (mettā-citta) có thể sinh khởi mà không cần phải tụng kinh tâm từ. Chúng ta thấy ví dụ này trong “Tiền thân Tuṇḍi- la” (III, số 388). Theo Chú giải về câu chuyện tiền thân này, Đức Phật đã kể lại khi Ngài ngự tại Jetavana (Kỳ viên tịnh xá). Có một tỳ khưu rất sợ chết. Vị này sợ hãi ngay cả khi nghe tiếng bụi cây lay động, tiếng cành khô rơi hay tiếng chim thú gọi đàn. Các vị tỳ kheo khác tụ tập về chánh điện và kể về vị tỳ kheo sợ chết này. Họ bàn nhau: “giờ đây đối với mọi loài trên thế gian, cái chết là tất nhiên, đời sống không có gì chắc chắn, điều này chẳng nên sáng suốt ghi nhớ trong tâm sao?”. Đức Phật đã hỏi các vị tỳ kheo về đề tài đang bàn luận và Ngài nói, vị tỳ kheo ấy không chỉ sợ chết trong kiếp này mà cả ở một kiếp trước. Chúng ta đọc trong Chuyện tiền thân Tuṇḍila rằng ngày xưa ở thành Varānasí, Đức Bồ Tát nhập thai một heo rừng. Khi đến kỳ, heo mẹ sinh hai con heo đực. Một ngày, heo mẹ đặt hai con nằm trong một cái hố. Một bà lão từ ruộng bông trở về nhà với giỏ đầy bông vải, gõ cây gậy xuống đất kêu lóc cóc. Heo mẹ nghe tiếng động và sợ hãi, bỏ hai con chạy mất. Bà lão đưa hai heo con về nhà để chăm sóc, bà gọi heo lớn (đức Bồ Tát) là Mahātuṇḍila (Heo lớn mõm dài) và heo nhỏ là Cullatuṇḍila (Heo bé mõm dài). Bà nuôi nấng chúng và coi chúng như con mình, nhưng bà thương Mahātuṇḍila nhiều hơn Cullatuṇḍila. Chúng lớn dần và mập mạp.

Một ngày, một đám thanh niên đi tìm thịt heo, nhưng không biết kiếm ở đâu. Họ muốn mua heo của bà lão, nhưng bà trả lời, bà không thể bán vì bà thương chúng như con mình. Đám thanh niên không từ bỏ ý định và trả giá cao hơn, nhưng bà vẫn không muốn bán. Sau đó, họ cho bà uống rượu, đến khi bà say, họ lại thuyết phục lần nữa. Lần này bà đã đồng ý, nhưng chỉ bán heo nhỏ mà không bán heo lớn. Bà lấy thức ăn và gọi heo nhỏ Cullatuṇḍila đến. Lâu nay bà luôn gọi Mahātuṇḍila trước, vì thế Mahātuṇḍila đã nghi ngờ có điều dữ xảy ra. Cullatuṇḍila nhìn thấy cái máng đầy thức ăn và bà lão đang đứng cùng đám người với thòng lọng trên tay. Nó hoảng sợ không muốn ăn, rồi chạy tới bên anh trai run rẩy. Mahātuṇḍila đã an ủi heo nhỏ, khuyên nó tới ăn và không nên sợ hãi. Ngài giải thích rằng chúng được nuôi béo để lấy thịt. Ngài nói mọi loài sinh ra trên thế gian này đều phải chết, không ai có thể thoát được. Mọi chúng sinh, dù để lấy thịt hay không, đều phải chết. Ngài nói rằng ngày trước chúng nương tựa vào mẹ của mình nhưng giờ đây không còn chỗ nào để nương tựa nữa. Chúng không nên sợ hãi và hãy tắm mình trong nước sạch để tẩy rửa mồ hôi, rồi họ sẽ tìm thấy một loại dầu thơm mới không bao giờ bị hủy hoại. Chúng ta đọc rằng Mahātuṇḍila đã suy xét đến mười ba la mật và lấy tâm từ ba la mật soi rọi. Mọi người chứng kiến Mahātuṇḍila khuyên nhủ em mình đã rất ấn tượng và sinh khởi tâm từ. Bà lão hết say rượu và đám thanh niên thì vứt bỏ thòng lọng, đứng nghe Ngài thuyết Pháp.

Những người này đã không tụng kinh tâm từ trước để có tâm từ, mà tâm từ sinh khởi nhờ duyên riêng của nó.

Chúng ta đọc rằng Cullatuṇḍila đã hỏi anh trai:

Gì là ao nước pha lê
Mồ hôi cấu uế nói về điều chi?
Dầu xoa kỳ diệu là gì?
Mùi hương ngào ngạt chẳng khi nào tàn?

Mahātuṇḍila đáp:

Pháp là ao nước trong ngần,
Mồ hôi cấu uế lỗi lầm mê si
Dầu thơm đức hạnh tẩm đi,
Mùi hương mãi mãi chẳng hề tàn phai.

Thiện pháp cũng như nguồn nước trong ngần, vì nó có thể gột rửa ta khỏi bất thiện pháp – thứ chính là mồ hôi bẩn thỉu. Giới như dầu thơm không bao giờ bị hủy hoại, vì khi có giới, ta không làm hại hay làm phiền lòng người khác.

Chúng ta đọc rằng, Mahātuṇḍila đã nói, những kẻ ngu ngốc thì thỏa thích với bất thiện, trong khi người tinh cần sẽ không bén mảng tới bất thiện. Ngài động viên chúng sinh không nên buồn rầu khi phải chết.

Khi kể câu chuyện tiền kiếp này, Đức Phật nói rằng Mahātuṇḍila chính là tiền kiếp của Ngài khi còn là Bồ Tát và Cullatuṇḍila là vị tỳ khưu sợ chết nọ.

Như vậy ta thấy rằng tâm từ có thể sinh khởi mà không cần phải tụng. Nghĩ về những từ được tụng cũng do duyên. Mọi người cho rằng mình nên tụng bởi vì họ đã quen thuộc với việc ấy. Ý niệm ấy sẽ làm duyên cho việc nghĩ đến các chữ thường tụng. Tuy nhiên, nếu ai đó phát triển tâm từ, sẽ có chánh niệm – tỉnh giác suy xét đến đặc tính của tâm từ, và nó đối ngược với bất thiện. Khi tâm từ được phát triển đi phát triển lại, sẽ dần dần có thêm tâm từ hơn.

Vì vậy ta nên suy xét và tìm hiểu với chánh niệm về đặc tính của tâm từ, như Đức Phật đã giảng bằng nhiều cách. Cần nhớ rằng tâm từ sẽ mạnh hơn nếu nó được phát triển thực sự, bất cứ khi nào có cơ hội. Tâm từ có thể trưởng mạnh và sinh khởi thường xuyên hơn nếu hiểu về lợi ích của nó. Nó không sinh khởi do việc tụng kinh trong một thời gian dài.

Người hỏi: Tôi nhớ khi còn nhỏ, cha tôi dạy tôi tụng kinh. Tôi có thể tụng nhiều bài kinh nhưng không hiểu nghĩa của những bài ấy. Cũng vậy với việc tụng kinh tâm từ. Các vị sư tụng kinh hàng ngày vào buổi sáng và chiều, giờ tôi băn khoăn về lợi ích của việc tụng kinh.

Khun Sujin: Họ có thể tụng ngũ uẩn là vô thường và vô ngã. Nhưng mục đích của việc tụng những từ đó là để nhắc nhở sự suy xét về đặc tính của ngũ uẩn – cái đang xuất hiện hiện giờ và nhận biết chúng là vô thường.

Người hỏi: Đúng vậy, tụng kinh là một sự nhắc nhở. Tôi tụng “mong cho Ông X được hạnh phúc” là để có thể có tâm từ đối với Ông X về sau.

Khun Sujin: Thanh Tịnh Đạo (Chương IX, 1, 2) nói về phát triển tâm từ khi mới bắt đầu như sau:

Để bắt đầu, vị ấy nên quán xét và cố gắng nhận ra hiểm họa của oán giận và lợi ích của nhẫn nại. Vì sao? Vì trong phát triển đề mục thiền tâm từ, oán giận phải bị từ bỏ và nhẫn nại cần phải đạt được và vì vị ấy không thể từ bỏ hiểm họa chưa được thấy và đạt lợi ích chưa biết đến.

Chúng ta không nói rằng mọi người không nên tụng kinh, mà cần phải hiểu nhân đúng sẽ cho kết quả đúng. Thanh Tịnh Đạo (IX, 4) chỉ ra hiểm họa của oán giận và lợi ích của sự nhẫn nại. Nếu thực sự hiểu điều này, sẽ có duyên cho chánh niệm-tỉnh giác lập tức hay biết và thấy hiểm họa của sân ngay khi sân sinh khởi. Thanh Tịnh Đạo giải thích, với người mới bắt đầu phát triển an tịnh với đề mục tâm từ, không nên bắt đầu với bốn nhóm đối tượng: người mà họ không ưa, người họ yêu mến, người dưng và người họ thù ghét. Ngoài ra, không nên trải tâm từ đến người khác phái và người đã chết. Rất khó trải tâm từ đến những người này. Khi mới bắt đầu, ta chưa sẵn sàng làm vậy; phiền não như sân hay dính mắc rất dễ xảy ra với những đối tượng này. Không thể hướng tâm từ đến người đã chết, vì đó không còn là người ấy trước kia nữa. Tiếp nối ngay sau tử thức của kiếp sống này là tâm tái tục của kiếp sống sau, và khi đó sẽ là một chúng sinh khác.

Thanh Tịnh Đạo giải thích, để làm tâm từ lớn mạnh, trước hết cần hướng tâm từ đến người ta kính trọng, người có giới, có tuệ và có phẩm hạnh, như người thầy mà ta yêu mến và cung kính. Vì khi mới bắt đầu, tâm từ chưa phát triển tới mức có thể trải tới bất kỳ ai ta gặp. Để đạt đến điều này, tâm từ cần được phát triển bền bỉ và vượt trội.

Người hỏi: Nhân đúng cho tâm từ sinh khởi là gì?

Khun Sujin: Thấy hiểm họa của sân.

Người hỏi: Có thể có tâm từ đối với những thứ không có mạng sống không?

Khun Sujin: Không thể! Từ (mettā), bi (karuṇā), hỷ (mu- ditā) và xả (upekkhā) là “tứ vô lượng tâm” hay phạm trú, phải có đối tượng là chúng sinh hay con người. Vì vậy không thể có tâm từ đối với những thứ không phải là chúng sinh. Tuy nhiên, với sân, vẫn có thể sân với những thứ không phải là chúng sinh, mà có thể với đồ vật hay hoàn cảnh.

Người hỏi: Tâm từ có thể sinh khởi ngay sau khi thấy đối tượng thị giác không?

Khun Sujin: Đối tượng của tâm từ là chúng sinh. Có thể có tâm từ khi thấy một đứa trẻ không? Bạn sẽ làm gì khi có tâm từ? Bạn sẽ nói một cách khả ái, giúp đứa trẻ qua đường hay cho nó kẹo bánh. Đó là cách phát triển tâm từ. Chúng ta có thể tự nhận ra tâm từ đã được phát triển ở mức độ nào. Không thể mong tâm từ sinh khởi nếu không biết về đặc tính của nó.

Người hỏi: Sự khác biệt giữa tâm từ sinh khởi ngay sau cái thấy và tâm từ sinh khởi khi ta đang suy nghĩ là gì ạ?

Khun Sujin: Bạn có thể hay biết lúc mình khó chịu khi nhìn thấy chúng sinh và con người nào đó. Có thể có bất thiện tâm hay tâm từ ngay sau cái thấy. Khi có tâm từ, bạn coi người khác như bè bạn, mong họ được hạnh phúc và muốn làm điều có lợi cho họ. Bạn thấy vui và tuỳ hỷ khi nghĩ về sự an vui của họ, bạn có thể mỉm cười và không cư xử khiến người ấy phải phiền lòng. Kể cả khi cho người ấy thứ gì, bạn sẽ cho theo cách họ thật sự hoan hỷ. Có nhiều cách cho tặng người khác. Có người cho theo cách khiến người nhận không được dễ chịu. Khi tâm từ đã phát triển hơn, trở nên vững mạnh hơn, nó sẽ tạo duyên cho hành động qua thân và khẩu, kể cả cách suy nghĩ của ta về người khác. Kể cả khi không gặp họ, ta vẫn có thể nghĩ về họ với lòng tốt. Ta có thể nghĩ cách khiến họ được an vui, hạnh phúc, có thể cân nhắc việc giúp người nào đó cụ thể, hỗ trợ họ bằng những cách khác nhau. Khi ấy sẽ có tâm từ mà không cần phải tụng kinh.

Tụng kinh tâm từ không khó, nhưng phát triển tâm từ thật sự thì rất khó. Tâm từ được phát triển không phải nhờ việc tụng. Như tôi đã đề cập, cần có chánh niệm – tỉnh giác trong cuộc sống hàng ngày để nhận biết đặc tính của tâm từ một cách sâu sắc. Cần biết tường tận khi nào tâm là thiện và khi nào tâm là bất thiện.

Người hỏi: Khi mới bắt đầu, tôi nghĩ, chúng ta nên tụng kinh.

Khun Sujin: Bạn cũng đã nói như vậy với phát triển tứ niệm xứ, rằng chúng ta nên suy nghĩ trước khi có thể có chánh niệm. Bạn biết cái thấy là thực tại kinh nghiệm, là yếu tố có thể kinh nghiệm, và đối tượng xuất hiện – đối tượng thị giác chỉ là thực tại vật chất có thể được kinh nghiệm qua mắt. Đôi khi bạn cho rằng mình cần phải nhắc đi nhắc lại rằng cái thấy là thực tại, là yếu tố kinh nghiệm qua mắt, rằng đối tượng xuất hiện là thực tại vật chất – hay sắc pháp được kinh nghiệm qua mắt. Cũng vậy khi có cái nghe âm thanh, bạn cho rằng trước tiên cần tự nhắc mình như thế, vì bạn nghĩ việc tụng những từ ấy là có ích. Điều cần hiểu đúng trước tiên là mỗi thực tại đều sinh khởi do duyên thích hợp của chúng. Duyên cho suy nghĩ sinh khởi thường xuyên hơn là duyên cho chánh niệm (sammā-sati). Khi chánh niệm sinh khởi, nó có thể trực nhận thực tại đang xuất hiện; nó có thể suy xét về những thực tại này một cách đúng đắn, nhờ đó thực tại có thể được hiểu là vô ngã.

Trong từ “sammā-sati”, “sammā” có nghĩa là “chánh” [đúng đắn], “sati” là hay biết, hay niệm. Sammā-sati nghĩa là hay biết một cách đúng đắn. Hay biết một cách đúng đắn là như thế nào? Khi cái thấy sinh khởi, có thể có hay biết đúng về đặc tính của sắc pháp đang xuất hiện qua mắt – cái khác với danh pháp; cũng có thể có hay biết đúng về danh pháp, là thực tại kinh nghiệm hay yếu tố có khả năng kinh nghiệm, là cái thấy. Khi ấy có chánh niệm hay biết trực tiếp đặc tính của thực tại đang xuất hiện một cách đúng đắn. Nếu ai đó cho rằng mình nên tụng đọc thì người ấy sẽ còn tiếp tục làm vậy, thay vì hay biết trực tiếp đặc tính của danh pháp hoặc sắc pháp. Nếu thấy thực tại như chúng là, là vô ngã, chúng ta sẽ biết, ngay cả suy nghĩ về tụng đọc, về các từ ngữ được nhắc đi nhắc lại cũng là thực tại do duyên sinh. Ở khoảnh khắc đó, chưa có chánh niệm hay biết trực tiếp đặc tính của danh pháp và sắc pháp, và vì vậy chưa thể có hiểu biết thấu đáo về chúng. Suy nghĩ về đặc tính của thực tại xuất hiện mới chỉ là hiểu về lý thuyết. Nếu trí tuệ nhận ra điều này thì có thể có sự phát triển chánh niệm, thay cho việc nghĩ đến việc “niệm” hay dán nhãn cho các thực tại là “danh” và “sắc”, và nhẩm đi nhẩm lại. Chánh niệm là hay biết trực tiếp về thực tại, suy xét một cách đúng đắn về đặc tính của danh và sắc.

 

Không có quy tắc nào cho phát triển tứ niệm xứ. Khi ai đó nghĩ đến tên gọi của các thực tại, hay cho rằng mình nên tụng đọc để nhắc nhở bản thân thì cần nhớ rằng, chính suy nghĩ như vậy cũng sinh khởi do duyên. Người ấy không thể ép mình không nghĩ như vậy. Tuy nhiên, suy nghĩ không phải là chánh niệm của Bát chánh đạo. Khi chánh niệm của Bát chánh đạo sinh khởi, nó hay biết đặc tính của danh và sắc một cách chính xác, và tại khoảnh khắc có chánh niệm, chánh kiến có thể thẩm sát bản chất thực của danh và sắc. Nhờ vậy trí tuệ có thể tăng trưởng và nhận ra danh và sắc như chúng là: là không phải chúng sinh, con người, không phải tự ngã.

Thường ngày chúng ta thấy các chúng sinh, thấy mọi người thuộc các gia đình khác nhau, với màu da, địa vị khác nhau trong xã hội, nói ngôn ngữ khác nhau và có cách hành xử không giống nhau. Khi nghĩ đến những người rất khác nhau ở nhiều khía cạnh như vậy và khi có hiểu biết đúng về đặc tính của tâm từ, chánh niệm-tỉnh giác có thể sinh khởi và hay biết đặc tính của tâm đang suy nghĩ. Khi ấy có thể nhận biết loại tâm nào đang suy nghĩ, là tâm từ hay tâm bất thiện. Suy nghĩ về mọi người với tâm bất thiện cũng có thể được nhận ra. Chẳng hạn, tâm bất thiện căn tham có thể sinh kèm với ngã mạn hay không với ngã mạn. Đôi khi ta nghĩ đến người khác với ngã mạn, và đôi khi với dính mắc mà không có ngã mạn; hay có tâm bất thiện căn sân. Tâm sân căn có thể sinh kèm với bủn xỉn hay ghen tị. Như vậy, có các loại tâm bất thiện khác nhau khi nghĩ về người khác. Hiểu biết về các tâm khác nhau của bản thân có thể sinh khởi đi sinh khởi lại, nhờ đó nó có thể tăng trưởng vào tạo duyên cho tâm từ sinh khởi khi ta gặp gỡ mọi người hay nghĩ về họ trong cuộc sống hàng ngày. Bằng cách ấy, tâm từ có thể phát triển hơn nữa, và cuối cùng có thể có tâm từ đối với mọi chúng sinh. Nếu muốn phát triển an tịnh với tâm từ làm đề mục, không thể không hiểu biết thấu đáo các tâm khác nhau đang sinh khởi. Phải có chánh kiến biết chính xác đặc tính của sự an tịnh sinh khởi cùng tâm từ khi chúng xuất hiện tại một khoảnh khắc cụ thể trong cuộc sống hàng ngày. Tại khoảnh khắc có sự an tịnh thì không có phiền não.

Người hỏi: Việc tụng kinh, tụng thành tiếng và lặp đi lặp lại là hữu ích. Khi có cái thấy, tôi tự nói với mình, đó chỉ là màu sắc, là thực tại xuất hiện qua mắt hay cái thấy là danh pháp.

Khun Sujin: Tôi không nói nó là vô ích, nhưng đó không phải là chánh niệm của Bát chánh đạo, hơn nữa, không có quy định nào phải tụng niệm. Một số người tin đó là quy tắc và họ dính mắc vào ý niệm đó. Có dính mắc thay cho chánh niệm suy xét đặc tính của danh và sắc một cách đúng đắn. Khi cho rằng việc tụng là cần thiết, họ sẽ còn lặp lại. Tuy nhiên họ không nên quên rằng, việc tụng niệm hay nhắc đi nhắc lại một số từ xảy ra bởi duyên, và nó chưa phải là chánh niệm. Mọi người nên tự nhận ra, cái gì hữu ích hơn, tụng đọc hay chánh niệm trong Bát chánh đạo – cái suy xét về đặc tính của danh pháp và sắc pháp tại khoảnh khắc mà ta không tụng đọc.

Người hỏi: Chắc chắn chánh niệm thì tốt hơn, nhưng trí tuệ của tôi chưa phát triển tới mức đó.

Khun Sujin: Điều ấy cho thấy suy nghĩ về các thực tại cần có duyên để sinh khởi. Nhưng trí tuệ cũng nên nhận ra rằng tại khoảnh khắc ấy vẫn chưa có chánh niệm của Bát chánh đạo. Tại một khoảnh khắc cụ thể, khi có duyên cho chánh niệm hay biết trực tiếp danh pháp và sắc pháp, bạn có thể nhận ra chánh kiến phát triển khi ấy không giống với việc tụng các câu chữ.

Người hỏi: Nếu tôi tụng đi tụng lại trong một thời gian dài, chánh niệm có thể sinh khởi thường xuyên và lúc ấy tôi có thể thẩm sát thực tại với trí tuệ.

Khun Sujin: Đó là hiểu biết ở mức độ tư duy, là hiểu biết lý thuyết. Vẫn chưa có chánh niệm trực tiếp về đặc tính của danh và sắc. Bạn dành nhiều thời gian để tụng kinh, nhưng sẽ tốt hơn nếu có chánh niệm bắt đầu hay biết đúng đặc tính của một số danh pháp và sắc pháp, từng chút một. Bạn vẫn có thể bắt đầu hay biết về đặc tính của danh và sắc kể cả khi chưa có kiến thức tường tận và chưa nhận biết rõ ràng về bản chất thật sự của chúng. Qua đó mà dần dần, ta sẽ có xu hướng hay biết thực tại đang xuất hiện. Chánh niệm sinh khởi phụ thuộc vào duyên, nhưng khi nó sinh khởi, sẽ có hay biết trực tiếp về danh và sắc, và điều này thì có ích hơn là tụng đọc các câu chữ.

Người hỏi: Điều ấy đúng. Nhưng để có chánh niệm và chánh kiến về thực tại xuất hiện là danh hay sắc, hẳn phải có trí tuệ đã được phát triển ở mức độ nhất định. Với người mới bắt đầu thực hành thì trí tuệ chưa thể đạt đến đó.

Khun Sujin: Mọi người bắt đầu với những tích lũy khác nhau. Nếu có hiểu biết đúng về đặc tính của chánh niệm, chánh niệm có thể sinh khởi. Có thể chúng ta chưa có trí tuệ phát triển, nhưng chúng ta biết đặc tính của chánh niệm là thực tại hay biết và kinh nghiệm trực tiếp danh pháp, như cái thấy, cái nghe, hay sắc pháp đang xuất hiện qua một trong năm môn và ý môn. Khi có chánh niệm, đặc tính của thực tại đang xuất hiện sẽ được suy xét và thẩm sát. Đúng là chúng ta không thể ngăn suy nghĩ sinh khởi, nhưng không nên chấp thủ và tin rằng, quy tắc là phải nghĩ về các câu chữ và tụng đọc chúng trong khoảng thời gian dài để chánh niệm có thể sinh khởi về sau.

Leave a Reply

Translate »