Khảo cứu pháp chân đế – CHƯƠNG 3: TRÌNH BÀY VỀ PHÁP CHÂN ĐẾ I (TÂM VÀ TÂM SỞ)- (CITTA VÀ CETASIKA)

Chương 3

Trình bày về pháp chân đế (I) (Tâm và Tâm sở – Citta và Cetasika)

 Tâm (citta) là pháp dẫn đầu trong việc nhận  biết những gì xuất hiện, như cái thấy hoặc cái nghe. Tâm được phân chia thành 89 loại và trong một  cách khác  thì được chia thành 121 loại[1].

Tâm sở (cetasika) là một loại pháp (dhamma)  khác sinh khởi cùng với tâm, kinh nghiệm cùng một đối tượng với tâm, diệt cùng tâm và sinh khởi ở cùng một căn với tâm. Mỗi tâm sở có một đặc tính riêng và đảm nhận một chức năng riêng. Có tất cả 52 loại tâm sở. Sắc (rūpa) là        pháp không biết hay không kinh nghiệm gì cả, như màu sắc, âm thanh, mùi và vị. Có tất cả 28 loại sắc. Niết bàn là một pháp – nơi chấm dứt phiền não và khổ đau. Niết bàn  không có nhân làm cho nó sinh khởi. Niết bàn không sinh  không diệt.

Tâm chân đế pháp – Citta Paramattha

Khi chúng ta thấy màu sắc thì mắt không tự thấy, mắt chỉ là một duyên cho sự sinh khởi của cái thấy. Cái thấy là tâm (citta). Khi âm thanh in dấu (tác động) lên tai thì âm thanh và tai không kinh nghiệm  gì cả, tai không phải là  tâm. Pháp nghe âm thanh, kinh nghiệm âm thanh chính là tâm, vì vậy tâm chân đế pháp (citta paramattha[2]) chính là pháp kinh nghiệm màu sắc, âm thanh hay các đối tượng khác. Các pháp chân đế  (paramatthadhamma) là thực và đều là abhidhamma[3]– pháp vi diệu, đều vô ngã và nằm ngoài sự kiểm soát, phụ thuộc vào các duyên tương ứng. Ngay nếu một vị Phật chưa ra đời và khám phá chân lý thì pháp vẫn sinh và diệt bởi các duyên  riêng và có đặc tính riêng của chúng. Chúng ta đọc trongTăng Chi Bộ Kinh (Chương ba pháp, phẩm 11 – 16, mục 134 – Xuất hiện) như sau:

“Này các Tỳ  kheo, dầu các Như  Lai có xuất hiện   hay không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là: “Tất cả các hành là vô thường”. Vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác ngộ, sau khi chánh giác tri, chánh giác ngộ, Như Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị: “Tất cả các hành là vô thường”.

Này các Tỳ kheo, dầu các Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là: “Tất cả các hành là khổ”. Về vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác ngộ, sau khi chánh giác tri, chánh giác ngộ, Như  Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị: “Tất cả các hành là khổ”.

Này các Tỳ kheo, dầu các Như Lai có xuất hiện hay không xuất hiện, vẫn được an trú là pháp trú tánh của     giới ấy, là pháp quyết định tánh, tức là: “Tất cả các pháp là vô ngã”. Về vấn đề này, Như Lai chánh giác tri, chánh giác ngộ. Sau khi chánh giác tri, chánh giác ngộ, Như     Lai tuyên bố, thuyết giảng, tuyên thuyết, xác nhận, khai thị, phân biệt, hiển thị: “Tất cả các pháp là vôngã”.

Đức Phật Toàn giác là vị thầy tối thượng, bởi Ngài đã tự chứng ngộ bản chất của tất cả các pháp. Ngài chứng ngộ sự thật rằng, các pháp là vô ngã, không phải là chúng sinh, không phải là con người và rằng chúng không thể bị kiểm soát bởi bất cứ ai.

Từ “abhi” có nghĩa là “vi diệu” hay “thù thắng”. Abhidhamma có nghĩa là pháp có sức mạnh, vì nó là vô ngã, nằm ngoài sự kiểm soát của bất kỳ ai. Khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã thuyết giảng tất cả các pháp  (dhamma)  mà Ngài xuyên thấu, Ngài giảng về tính chất của chúng và các duyên hệ khiến chúng sinh khởi. Đức Phật tôn kính Pháp mà Ngài đã xuyên  thấu. Chúng ta đọc trong Tương  Ưng Bộ Kinh (Phần 6, Chương 6, Phẩm thứ nhất, Mục 2 – Cung kính) rằng Đức Phật, ngay sau khi giác ngộ, khi còn ngự lại ở Uruvelā, đã suy xét xem liệu Ngài có thể đảnh lễ ai, nhưng Ngài không thể tìm được ai trên thế gian thành tựu hơn Ngài về giới, định, tuệ, về sự giải thoát hay hiểu biết về sự giải thoát. Sau đó ta đọc:

Với pháp này, Ta đã Chánh đẳng giác, Ta hãy cung kính, tôn trọng và sống y chỉ Pháp này

Đức Phật không dạy rằng Ngài kiểm soát các pháp mà Ngài đã hoàn toàn chứng ngộ. Ngài tuyên bố rằng kể cả Ngài cũng không thể khiến cho ai đó có thể đắc được đạo quả, kinh nghiệm niết bàn và giải thoát khổ đau. Ngài dạy rằng, chỉ có sự thực hành Pháp mới là nhân duyên cho một người có thể chứng nghiệm tâm đạo và tâm quả, kinh nghiệm niết bàn và thoát khổ.

Pháp chân đế (paramatthadhamma) hay vi diệu (abhidhamma) không phải là pháp nằm ngoài khả năng ta  có thể hiểu, bởi lẽ pháp chân đế (paramatthadhamma) là thực tại. Chánh kiến, hay hiểu biết đúng, là biết được các đặc tính của pháp chân đế như chúng là. Tâm là một pháp chân đế sinh khởi và nhận biết những đối tượng khác nhau, chẳng hạn như màu, âm thanh, mùi, vị, đối tượng xúc chạm và những thứ khác, tùy thuộc vào loại tâm nào sinh khởi. Chẳng hạn, tâm sinh khởi và thấy màu sắc qua mắt là một loại tâm. Tâm sinh khởi và nghe âm thanh qua tai là một loại tâm khác. Tâm sinh khởi và kinh nghiệm cái lạnh, nóng, cứng, mềm, căng, chùng qua thân căn là một loại tâm khác. Tâm sinh khởi và suy nghĩ, nhận biết các đối tượng khác nhau qua ý căn lại là một tâm khác nữa. Tất cả những gì xảy ra đều tùy thuộc vào loại tâm sinh khởi  và  vào các yếu tố làm duyên tương ứng tạo nên sự sinh khởi   của các loại tâm khác nhau.

Tại khoảnh khắc tâm nhìn thấy một cái gì  đó,  sẽ không chỉ có tâm thấy, hay chỉ có đối tượng được thấy, mà cần phải có cả đối tượng được thấy (đối tượng thị  giác cũng như tâm thấy (nhãn thức). Bất cứ khi nào có một đối tượng được thấy, tức màu sắc, đương nhiên phải có một thực tại nữa là tâm thấy. Tuy nhiên, nếu ta chỉ quan tâm đến đối tượng được thấy, ta sẽ không thấy được sự thực,  rằng đối tượng được thấy chỉ có thể xuất hiện bởi vì tâm sinh khởi và đảm nhận chức năng thấy đối tượng đó. Khi ta nghĩ về một chủ đề riêng biệt hay câu chuyện nào đó, chính do một tâm đang suy nghĩ về khái niệm hay ngôn từ ở những khoảnh khắc đó. Khi tâm sinh khởi, nó kinh nghiệm một cái gì đó và cái được biết bởi tâm đó được  gọi bằng  tiếng Pāli là ārammaṇa (cảnh).

Thuật ngữ “cảnh” (“ārammaṇa” hay  “ālambana”) trong Giáo pháp của Đức Phật toàn giác (Sammāsambuddha) nói đến cái được biết bởi tâm. Khi tâm sinh khởi  và thấy cái xuất  hiện qua mắt,  nó là đối tượng của tâm tại thời điểm đó. Khi tâm sinh khởi và nghe âm thanh, âm thanh là đối tượng của tâm tại thời điểm đó. Khi tâm sinh khởi và kinh nghiệm mùi, mùi là đối tượng của tâm tại thời điểm đó. Cũng như vậy, tâm nếm,  tâm kinh nghiệm lạnh, nóng, mềm, cứng, căng hay chùng qua thân căn hay tâm suy nghĩ về các chủ đề khác nhau… bất  cứ cái  gì được kinh nghiệm hay nhận biết bởi tâm đều là đối tượng (cảnh) của tâm tại thời điểm đó. Bất cứ khi nào  có tâm thì phải có một đối tượng cùng với tâm. Mỗi khi tâm sinh khởi, nó phải  kinh nghiệm đối  tượng,  sẽ không thể có tâm không biết (không kinh nghiệm) gì cả. Không thể chỉ có một mình tâm  – pháp nhận biết một cái gì đó,  nếu không có đối tượng, tức là cái được nhận biết bởi nó.

Tâm là thực tại nhận biết một đối tượng, nó không chỉ tồn tại trong đạo Phật hay cõi người. Tâm nghe, thấy… là pháp chân đế, nó là phổ quát và không thuộc về ai. Nếu ai  đó có ý niệm về người này thấy hay người kia nghe, thì đó  là do vẻ bề ngoài của hiện tượng và do ký ức của người ấy. Nếu không có vẻ bề ngoài và không có ký ức, chúng ta sẽ không cho rằng tâm thấy là người này thấy hay tâm nghe là người kia nghe. Tâm là một pháp chân đế. Dù ai là người  thấy hay người nghe thì tâm thấy chỉ thấy cái xuất hiện qua mắt, tâm nghe chỉ nghe âm thanh qua tai. Tâm thấy không thể kinh nghiệm âm thanh và tâm nghe không thể kinh nghiệm cái xuất hiện qua mắt. Không ai có thể có khả năng thay đổi đặc tính và bản chất của một pháp chân đế.

Tâm, một pháp chân đế sinh khởi và nhận biết đối tượng bởi những duyên tố tương ứng (yếu tố làm duyên).  Nếu không có các duyên tố, tâm không thể sinh khởi. Chẳng hạn, nếu âm thanh không sinh khởi và in dấu (hay tác động) lên nhĩ  căn thì tâm nghe  (nhĩ thức)  không thể sinh khởi được. Nếu mùi không sinh khởi và in dấu lên tỷ căn (tức là khứu giác) thì tâm kinh nghiệm mùi (tỷ thức) không thể sinh khởi. Các loại tâm khác nhau chỉ có thể sinh khởi bởi những duyên tố thích hợp cho sự  sinh khởi   của những loại tâm đó. Có 89 loại tâm khác nhau và trong một số trường hợp đặc biệt là 121 loại. Để tâm sinh khởi, không phải chỉ có một duyên tố mà cần nhiều duyên tố. Chẳng hạn, tâm thấy sinh khởi cần có những điều kiện như là mắt, hay sắc nhãn căn[4], và sắc là đối tượng thị giác hay màu sắc, cái xuất hiện qua mắt.

Tâm là pháp chân đế khác với sắc (rūpa). Các pháp chân đế không phải là sắc đều là danh (nāma). Tâm, tâm sở và niết bàn đều là danh pháp, còn sắc là sắc pháp[5].

Tâm sở chân đế pháp- Cetasika Paramattha

Khi tâm sinh khởi và nhận biết một đối tượng, một loại danh pháp khác đồng sinh khởi vớitâm và kinh nghiệm  cùng đối tượng với tâm. Danh pháp đó là tâm sở (cetasika). Các ví dụ về tâm sở là sân hận, tham ái, hỷ lạc, ưu sầu, keo kiệt, ghen tuông, từ ái hay bi mẫn. Các pháp ấy là tâm sở chân đế pháp, chứ không phải là tâm chân đế pháp.

Các trạng thái như sân hận, tham ái, hỷ lạc hay ưu sầu đều là các pháp có thật, chúng không phải là tự ngã, là chúng sinh hay con người. Chúng là các pháp luôn sinh khởi cùng tâm. Nếu không có tâm, các tâm sở như sân, tham, ưu không thể sinh khởi. Có tất cả 52 loại tâm sở chân đế pháp. Sân (dosa) là một loại tâm sở với đặc tính thô tháo và hung tợn. Tham ái hay dính mắc (lobha cetasika) là một loại tâm sở khác, với đặc tính dính mắc, không buông bỏ, khao khát đối tượng đang được kinh nghiệm. Như vậy, ta thấy các tâm sở không giống nhau và mỗi loại tâm sở là một pháp khác biệt, với đặc tính riêng của chúng. Chúng không chỉ có đặc tính riêng mà còn có các biểu hiện và cận nhân cho sự sinh khởi của chúng khác nhau.

Tâm chân đế pháp và tâm sở chân đế pháp là các danh pháp đồng sinh và đồng cảnh. Tâm sở đồng sinh đồng diệt với tâm, kinh nghiệm cùng đối tượng và sinh  khởi cùng một căn với tâm (đồng căn). Như vậy, bất cứ khi nào tâm  sinh và diệt, tâm sở cũng sinh và diệt. Tâm chân đế pháp và tâm sở chân đế pháp không thể tách rời, chúng không sinh diệt mà không có nhau.

Tuy nhiên, chúng là hai loại chân đế pháp khác nhau. Tâm đóng vai trò lãnh đạo trong việc nhận biết đối tượng, còn các tâm sở khác nhau sinh khởi cùng với tâm, kinh nghiệm cùng đối tượng với tâm, nhưng mỗi pháp lại có một đặc tính và chức năng khác nhau trong việc kinh nghiệm đối tượng. Bởi lẽ mỗi tâm sinh khởi lại đi kèm với một số lượng tâm sở khác nhau, do những khác biệt ấy mà tâm có tổng cộng 89 loại, hoặc 121 theo cách tính với một  số trường hợp đặc biệt. Mỗi loại tâm lại khác biệt, bởi tâm nhận biết các đối tượng khác nhau, chúng có các chức năng khác nhau và sinh kèm  bởi các tâm sở khác nhau. Chẳng  hạn, một số tâm có đối tượng là cái xuất hiện qua mắt, số khác có đối tượng là âm thanh. Một số tâm đảm nhận chức năng thấy, một số tâm đảm nhận chức năng nghe. Một số   tâm đi kèm với tham tâm sở (lobha cetasika), một số tâm lại đi kèm với sân tâm sở (dosacetasika).

Khi mọi người có thể tiếp nhận Giáo lý, lắng nghe lời giảng về Vi diệu pháp và thẩm sát các pháp chân đế xuất  hiện với trí tuệ (paññā) đã được tích lũy trong quá khứ, tại khoảnh khắc ấy, họ có thể xuyên thấu bản chất thực sự của pháp chân đế. Vì vậy vào thời Đức Phật còn tại thế, khi  Đức Thế Tôn, bậc vô song về khả năng giáo hóa, vừa kết  thúc bài Pháp, đã có nhiều người đã  giác ngộ  và kinh nghiệm niết bàn. Những người ấy nghe Pháp, hiểu và thẩm xét chân lý và thấy được các pháp chân đế xuất hiện tại khoảnh khắc đó như chúng là. Chẳng hạn, khi Đức Phật giảng rằng nhãn thức (tâm đảm nhận chức năng thấy) là vô thường, họ có chánh niệm – tỉnh giác (sati-sampajañña, sati[6]và paññā) và trong khi thấy, họ biết được bản chất thật sự của tâm thấy đó; họ chứng nghiệm rằng đó chỉ là danh pháp, không phải là tự ngã, là chúng sinh hay con người.  Khi nghe, họ có chánh niệm – tỉnh giác và biết được đặc      tính của pháp đang nghe. Khi trí tuệ xuyên thấu đặc tính vô thường, sự sinh diệt và bản chất bất toại nguyện của pháp chân đế xuất hiện tại khoảnh khắc đó, dính mắc và tà kiến cho các pháp chân đế là ngã, là thường, là lạc có thể được loại bỏ.

Vì vậy, ta cần phải hiểu một cách đúng đắn rằng, Giáo pháp mà Đức Phật đã chứng ngộ và thuyết giảng, được kết tập và truyền tụng dưới tiêu đề Tam Tạng (Tipiṭaka), là đề cập tới bản chất thực sự của các pháp. Khi chúng ta đã nghiên cứu pháp chân đế và hiểu chúng là gì, chúng ta cần thẩm xét các pháp chân đế đang xuất hiện để có thể chứng ngộ bản chất thật sự của các đặc tính của chúng. Bằng cách ấy, hoài nghi và vô minh về các đặc tính của các pháp chân đế có thể được loại bỏ.

Khi nghiên cứu các pháp chân đế với mục đích có thêm hiểu biết về chúng, ta cũng phải thẩm sát xem những nhân khác nhau nào dẫn tới quả khác nhau nào. Đó chính  là cách để hiểu thấu đáo bản chất của chúng. Chẳng hạn, ta nên biết liệu cái thấy với cái nghe có là một hay không. Ta cần phải biết chúng giống và khác nhau ở điểm nào. Quả là pháp thấy và pháp nghe cùng là tâm chân đế pháp, hay là thức. Tuy nhiên, chúng là các tâm (thức) khác nhau, vì các duyên tố cho sự khởi sinh của chúng là  khác nhau. Tâm  thấy, hay nhãn thức, phụ thuộc vào đối tượng thị giác xuất hiện qua mắt, đối tượng này in dấu lên nhãn căn (cakkhuppasāda); điều ấy tạo duyên cho sự sinh khởi của nhãn thức. Trong khi ấy, tâm nghe, hay nhĩ thức, phụ thuộc vào âm thanh in dấu lên nhĩ căn (sotappasāda); điều ấy tạo duyên cho sự sinh khởi của nhĩ thức. Như vậy, nhãn thức  và nhĩ thức có các chức năng khác nhau tùy thuộc vào các duyên tố khác nhau.

 


[1] Điều này sẽ được giải thích rõ về sau.

[2] Thuật ngữ Pāli “paramattha” xuất phát từ “parama” (cao nhất, tối thượng) và “attha” có nghĩa là “nghĩa”. Paramattha dhammas có nghĩa là các pháp chân đế, hay thực tại theo nghĩa tối hậu.

[3] Vi Diệu Pháp (Abhidhamma) là tên của phần thứ ba của Tam Tạng (Tipiṭaka), có nghĩa là “Thắng Pháp”, Pháp chi tiết. Nó đề cập tới các thực tại tối hậu, khác với các thực tại chế định. Thực tại tối hậu, hay paramattha dhamma, cũng có thể được gọi là “Vi Diệu Pháp”.

[4] “Cakkhu” có nghĩa là “mắt”, và “pasāda” có nghĩa là độ nhạy, hay “căn”. Sắc nhãn căn (cakkhu pasāda rūpa) có khả năng tiếp nhận sự in dấu của màu.

[5]Bộ Pháp Tụ (Dhammasaṇgani), Quyển III, phần II, §1309-1310.

[6] Sati là tâm sở chánh niệm. Chức năng của nó sẽ được giải thích sau.

Comments are closed.

Translate »