Tuyển Tập Pháp Đàm với Achaan Sujin 2013-2016 – Tập I – Chương III: Pháp chân đế và Pháp chế định ( Thực tại và Khái niệm)

Chương III:

Pháp chân đế và Pháp chế định (Thực tại và khái niệm)

Pháp đàm tại Sài Gòn, tháng 9/2013

Người hỏi: Buổi sáng Achaan có hỏi con về hiểu đúng. Theo con nghĩ, hiểu đúng có nghĩa là hiểu làm sao để không bị mê, không bị sai lầm và phải có cả sự tư duy trong đó mới được gọi là hiểu đúng.

Achaan Sujin: Khi nói đến hiểu biết đúng, chúng ta phải nói rõ hiểu biết ấy hiểu cái gì. Nếu không chỉ là chung chung. Chúng ta cần đặt câu hỏi, hiểu biết đúng hiểu cái gì?

Người hỏi: Hiểu đúng là hiểu về đối tượng.

Achaan Sujin: Hiện giờ đối tượng là gì? Bạn hey kể từng đối tượng một mà thôi.

Người hỏi: Đối tượng mà chúng ta đang nói chuyện ở đây là về bài pháp.

Achaan Sujin: Nếu không có suy nghĩ thì có thể có bài pháp không? Sẽ không thể có, đúng không? Cái gì làm duyên cho việc nói về pháp? Kể cả từ “pháp” cũng là một âm thanh cần có duyên để sinh khởi. Và cái gì làm duyên cho sự sinh khởi của từ “pháp”? Nếu không có suy nghĩ về pháp thì liệu có thể làm duyên cho việc phát ra âm thanh “pháp” không? Như vậy, tâm nghĩ đến từ này cùng với tưởng và rồi phát ra từ “pháp”. Âm thanh ấy do tâm sinh. Mỗi từ đều được làm duyên bởi tâm, từng khoảnh khắc một. Tâm suy nghĩ nhưng không phải lúc nào cũng tạo ra âm thanh. Nếu tâm luôn tạo ra âm thanh thì thế giới này sẽ vô cùng ầm ĩ.

Vậy thực tại của cái chúng ta gọi là bài pháp là gì? Để hiểu về thực tại, có thể thấy rằng, nếu không có suy nghĩ, không thể có ý niệm về “pháp đàm”. Hiện giờ đang có cái thấy, cái nghe và suy nghĩ. Đó là những thực tại khác nhau. Từng thực tại đều có thể là đối tượng của hiểu biết, riêng biệt từng thực tại một. Nếu không sẽ chỉ là sự phỏng đoán chứ không phải là hiểu biết trực tiếp về cái xuất hiện như nó là. Có rất nhiều mức độ hiểu biết khác nhau.

Sarah: Achaan muốn giúp bạn hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa thực tại và khái niệm. Những thứ như hoa, bàn hoặc pháp đàm là khái niệm. Nhưng sự phát tuệ giác không phải là phát triển hiểu biết về khái niệm mà là về thực tại, và thực tại tạo nên những khái niệm đó. Những thực tại tạo nên “pháp đàm” chính là âm thanh, đối tượng thị giác, suy nghĩ,…. Sự phát triển hiểu biết phải dựa trên những thực tại có thể được kinh nghiệm trực tiếp, nếu không sẽ chỉ là suy nghĩ mà thôi.

Chính vì vậy Đức Phật đã dạy cho chúng ta về hai loại thực tại khác nhau. Loại thứ nhất là thực tại chế định – là những khái niệm được quy ước, và loại thứ hai là những thực tại chân đế. Không cần một Đức Phật ra đời để thuyết giảng về các khái niệm chế định. Ai cũng biết đây là bông hoa, đây là pháp đàm… Nhưng phải có sự ra đời của một Đức Phật toàn giác thì chúng ta mới biết bản chất của những cái đó là gì. Chẳng hạn, giờ đây, cái được xúc chạm không phải là một bông hoa. Về bản chất, cái được xúc chạm là cứng, nóng, lạnh, mềm,… Đó là điều mà Đức Phật đã giác ngộ và chỉ dạy cho chúng ta.

Pháp đàm tại Hội An, sáng ngày 19/05/2014

Sarah: Cuối buổi hôm qua, chúng ta đã bàn đến chủ đề sati – chánh niệm. Khi đó, sư đã đặt một câu hỏi liệu khái niệm có thể là đối tượng của chánh niệm không? Và tôi đã trả lời rằng, như chúng ta đã đề cập, ở bất kỳ khoảnh khắc nào của thiện pháp – như bố thí, trì giới, khi đó tâm là thiện và cũng có chánh niệm nhớ được thiện pháp. Vì chánh niệm sinh khởi với bất cứ tâm thiện nào, nhưng ở những khoảnh khắc của bố thí hay tâm từ thì khái niệm mà tâm nghĩ tới là con người. Chẳng hạn, ở khoảnh khắc của tâm từ, tâm từ hướng tới chúng sinh, con người. Nên tôi nghĩ rằng điều mà sư muốn đề cập tới là: khi có khái niệm là đối tượng như vậy liệu có tà kiến về ngã hay không. Sư có thể đặt câu hỏi lại cho rõ hơn?

Vị sư: Vấn đề này hôm qua sư có chia sẻ và bây giờ sư đặt lại câu hỏi để mọi người được nghe. Trong phần sở hữu tịnh hảo, có hai phẩm chất của bi và hỷ sinh cùng với chánh niệm để biết về một đề mục chế định. Điều sư muốn hỏi là: Các đề mục của samatha như quán sự khổ của chúng sinh, quán sự già chết hay tùy hỷ với cái được của người khác… cũng đều giúp cho thiện tâm sinh khởi. Vậy, trong lúc đó chánh niệm biết về những đề mục có ý niệm về con người hay là hình khối hay không? Nếu có thì điểm khác nhau giữa chánh niệm và tà kiến về con người và hình khối là gì? Hai phẩm chất của chánh niệm và tà kiến khác nhau như thế nào?

Sarah: Khi có hiểu biết sâu sắc về thực tại, cuộc sống vẫn tiếp tục như trước. Những người đã giác ngộ, như một vị Thánh Dự lưu, vẫn tiếp tục cuộc sống của họ như trước đây, vẫn có ý niệm về con người hay cái ly,… Có lúc chúng ta nghĩ đến con người hay cảnh vật với sự dính mắc thông thường mà chưa hẳn đã có tà kiến sinh khởi cùng. Dù đã được học về các pháp tối hậu, nhưng điều ấy không có nghĩa chúng ta không còn nghĩ đến khái niệm nữa. Xen kẽ với những khoảnh khắc của hiểu biết vẫn luôn có khoảnh khắc nghĩ về con người, cảnh vật, và những khoảnh khắc đó có thể sinh khởi với dính mắc. Những khoảnh khắc của bố thí, tâm từ… là những khoảnh khắc của tâm thiện. Ở những khoảnh khắc của tâm từ và bố thí, đối tượng của tâm phải là khái niệm. Chẳng hạn, một vật ta muốn cho đi hay một con muỗi mà ta có từ tâm không muốn giết,… là những đối tượng là khái niệm. Đối với bậc thiện trí, dù có khái niệm ấy, họ không hề có tà kiến hay hiểu biết sai lầm cho rằng đó thực sự là con người hay cảnh vật. Họ hiểu rằng về mặt bản chất, cái được thấy chỉ là đối tượng thị giác và cái được nghe chỉ là âm thanh. Đối với bậc trí thì không có sự lẫn lộn. Với Đức Phật, Ngài vẫn luôn biết được Ngài nói chuyện với ai, với các vị tỳ kheo hay người nào cụ thể. Như vậy, phát triển trí tuệ không có nghĩa là quên mất tên của các cảnh vật hay những người mà ta quen biết. Cũng vậy, ở những khoảnh khắc của bố thí hay tâm từ, như vừa nói tới, đối tượng là khái niệm nhưng không có tà kiến cho những khái niệm đó thực sự là những gì trường tồn. Tâm sinh và diệt rất nhanh, vì vậy có thể ngay sau khoảnh khắc của tâm từ hay bố thí, nghĩ đến người khác với lòng từ ái, lại có thể có tà kiến xen kẽ cho rằng có người đó thực sự hiện hữu, nhưng đó là những khoảnh khắc khác nhau, chúng không sinh khởi cùng một lúc.

Jonothan: Khi nghe Giáo lý của Đức Phật giảng về thực tại tối hậu và các khái niệm, chúng ta dễ cho rằng khái niệm không quan trọng. Chúng ta học rằng không có con người và cảnh vật, và rằng về mặt bản chất, chúng chỉ là những thực tại tối hậu. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng, việc có những khái niệm là sai, là tà kiến. Suy nghĩ về các đối tượng được kinh nghiệm, biết được những khái niệm đó là một phần không thể tách rời của cuộc sống trong vòng luân hồi này. Ngay cả những bậc đã giác ngộ cũng biết về các khái niệm. Như vậy, câu hỏi ở đây là: Liệu khi khái niệm là đối tượng của tâm thì có là tà kiến không? Những khoảnh khắc có khái niệm thông thường trong cuộc sống hàng ngày không luôn sinh kèm với tà kiến. Những khoảnh khắc như vậy chỉ là những khoảnh khắc thông thường trong vòng luân hồi mà thôi.

Pháp đàm tại Sài Gòn, sáng ngày 06/01/2015

Người hỏi: Bà không đề cập và không quan trọng về tứ oai nghi đi đứng nằm ngồi. Có phải Bà muốn cho mọi người biết, khi thực tại xảy ra thì trong đó không có “oai nghi” nào cả, không có ai trong đó cả. Phải vậy không ạ?

Achaan Sujin: Đúng vậy, chẳng hạn ở khoảnh khắc này, cái thấy đang ở oai nghi nào? Nó có đang ngồi không? Cái thấy không liên quan gì đến oai nghi. Nếu không có tứ đại cùng các thực tại khác, liệu có thể có oai nghi không? Vậy tại khoảnh khắc nghĩ hay hay biết về oai nghi thì thực tại khi đó là gì? Chẳng hạn ở khoảnh khắc này, khi ta cho rằng mình đang ngồi, thực tại sinh khởi khi đó là gì?

Người hỏi: Nếu hay biết rằng tôi đang ngồi thì cái đó vẫn là cái tôi.

Achaan Sujin: Tôi đang muốn hỏi về thực tại nhận biết oai nghi, nó là thực tại nào? Ở khoảnh khắc của cái thấy, có cái gì khác ngoài cái thấy không?

Người hỏi: Sẽ không có cái gì cả, không có ai trong đó cả, không có cái ngồi và cũng không có cái oai nghi.

Achaan Sujin: Vậy tại khoảnh khắc của cái thấy không có ý niệm về ngồi, cũng tương tự như vậy qua các căn môn khác. Vậy ý niệm về “ngồi” thì nằm ở đâu? Có thực tại nào ở nơi thân gọi là “ngồi” không? Cái thấy là thực, thế còn oai nghi có là thực không? Cái gọi là oai nghi thực chất là gì?

Người hỏi: Là khái niệm.

Achaan Sujin: Đúng vậy.

Người hỏi: Tùy theo mức độ tu tập của mỗi người, chúng ta có thể lấy tứ oai nghi làm một phương tiện để tu tập được không?

Achaan Sujin: Khi lấy oai nghi làm đối tượng, khi đó có ý niệm về “tôi”, “tôi” đang ngồi, và không có cái hiểu đúng về những gì đang xuất hiện. Vì vậy ý niệm về tự ngã sẽ không thể được tận diệt, bởi nó luôn gắn liền với ý niệm về oai nghi đó. Do vậy trước tiên cần kiểm tra xem, liệu có thực tại nào gọi là “oai nghi” không? Bản thân oai nghi không phải là thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ. Vậy oai nghi là gì? Có thực tại nào là “oai nghi” không? Trước tiên cần phải hiểu rằng, về mặt thực chất thì không hề có oai nghi mà chỉ có những pháp chân đế là những thứ có thể suy xét và hiểu.

Người hỏi: Đức Phật có giảng về tứ oai nghi, ta phải hiểu như thế nào đây, theo như sự diễn giải của Bà?

Achaan Sujin: Ở những khoảnh khắc có ý niệm về đi, đứng, nằm, ngồi thì ở khoảnh khắc ấy có thực tại nào không? Có phải là Đức Phật luôn dạy về các pháp, các pháp chân đế, dù ở bất kỳ oai nghi nào, đúng không?

Người dịch: Cô ấy [người hỏi] nói ở khoảnh khắc của oai nghi thì thực chất cái mà có ý niệm về oai nghi là một suy nghĩ.

Achaan Sujin: Nhưng bản thân oai nghi thì không phải là một suy nghĩ1.

Jonothan: Tôi muốn hỏi, Đức Phật đã nói chính xác điều gì về tứ oai nghi? Liệu Đức Phật nói “hãy hay biết về đi”, hay Đức Phật nói “hãy hay biết trong khi đi? Nếu nhìn nhận dưới góc độ đó thì ở đây có thể hiểu rằng, “hãy có chánh niệm cùng tỉnh giác ở bất cứ oai nghi nào, dù là đang đi, đứng, nằm hay đang ngồi.”

Sarah: Tôi nghĩ rằng, có người đọc thấy “oai nghi che lấp khổ” trong kinh điển và họ cố ngồi thật lâu để có thể hiểu về khổ. Đây chính là điều chúng tôi trao đổi ban nãy – chúng ta nên đọc ít một và hiểu một cách đúng đắn, còn hơn là đọc nhiều mà không có cái hiểu kỹ lưỡng hay hiểu sai. Chẳng hạn, từ dukkha theo nghĩa tối hậu là gì? “Khổ” theo nghĩa Đức Phật đã dạy không chỉ là những cảm thọ khổ, ưu phiền hay những kinh nghiệm đau trong thân. Những thứ đó thuộc về loại khổ đầu tiên – gọi là khổ khổ. Loại khổ này ai cũng có thể nhận biết được, bất kể người đó có từng nghe Giáo lý về khổ (dukkha) hay chưa. Khi Đức Phật nói câu “tất cả các Pháp hữu vi đều là khổ” là Ngài đang nói đến bản chất khổ nội tại trong tất cả các pháp sinh và diệt, vì tất cả các pháp hữu vi – hay các pháp do duyên sinh – đều sinh và diệt. Vậy chỉ bằng cách hiểu về các thực tại thì mới hiểu được cái khổ của các pháp hữu vi theo nghĩa tối hậu về khổ. Ý nghĩa thực sự của “oai nghi che lấp khổ” là: việc có ý niệm về một cái thân che lấp sự thực rằng, cái gọi là thân thực chất chỉ là các sắc sinh và diệt, và các sắc đó là khổ. Chính vì vậy oai nghi che lấp khổ. Thông thường, khi có ý niệm về một “cái gì đó”, hay về “oai nghi”, khi đó không có cái hiểu về các thực tại. Vì vậy mới dẫn đến cái hiểu sai rằng oai nghi là một thứ có thực và cần phải chánh niệm về oai nghi.

Hôm qua khi nói đến niệm thân, chúng ta biết rằng thực chất niệm thân là nói đến các sắc vẫn bị lầm tưởng là thân. Tương tự, các sắc khác nhau thường bị lầm tưởng với các oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi. Nhưng theo nghĩa tối hậu, chỉ có các pháp khác nhau sinh và diệt chứ không có oai nghi nào cả.

Jonothan: Vì vậy khi nghiên cứu các bài kinh, chúng ta phải đặt bài kinh đó trong toàn bộ Giáo lý, chứ không nên diễn giải nó một cách riêng rẽ. Chẳng hạn khi đọc đoạn kinh nói rằng “vị tỳ kheo đi hay biết tôi đang đi”, ta phải suy xét ý nghĩa thực sự của câu đó là gì, vì ai cũng có thể biết mình đang đi khi đi. Trong những đoạn sau – những phần nói về tỉnh giác có nói rõ rằng, vị tỳ kheo có chánh niệmtỉnh giác trong mọi hoạt động của mình, dù là đi, đứng, nằm, ngồi hay trong những hoạt động khác trong cuộc sống của vị ấy. Khi nói đến tỉnh giác là nói đến hiểu biết hiểu về các pháp sinh khởi trong khoảnh khắc hiện tại, chứ không phải là sự hay biết về một hoạt động cụ thể nào đó, hay là một oai nghi nào đó. Và bức thông điệp xuyên suốt của Giáo lý phải là một, rằng chánh niệm hiểu biết đúng về các thực tại phải diễn ra bất kể trong hoàn cảnh nào.

Pháp đàm tại Đà Lạt, chiều ngày 12/05/2015

Người dịch: Sáng nay, khi chúng ta kết thúc pháp đàm, Achaan có đặt câu hỏi: Quý vị nghĩ thế nào? Bông hoa này có đứng hay không?

Ai đó nói: Nó không đứng, nó nằm.

Achaan Sujin: Thế còn bông hoa này, nó ngồi hay nó nằm?

Ai đó nói: Nó cũng nằm.

Ai khác nói: Tôi nghĩ đó chỉ là những khái niệm quy ước.

Achaan Sujin: Đúng như vậy. Thế còn tôi hiện giờ thì sao?

Ai đó nói: Bà đang ngồi.

Achaan Sujin: Thế cái ghế thì đang ngồi hay đứng?

Người dịch: Người thì nói nó ngồi, người thì nói nó đứng.

Achaan Sujin: Nếu nó có hai chân thì sẽ gọi là nó đứng?

Ai đó nói: Cái ghế đang bò, vì nó có bốn chân.

Người hỏi: Xin Bà giải thích ý nghĩa của “thực hành tùy pháp”. Bà có thể cho ví dụ.

Sarah: Như chúng ta đã nói, khi bắt đầu tìm hiểu nghĩa của từ “dhamma” là bắt đầu của thực hành tùy pháp, dhammanudhamma-paṭipadā. Vừa rồi Achaan đặt câu hỏi bông hoa đang đứng, ngồi hay nằm, thế còn chúng ta thì đang đứng ngồi hay nằm? Câu hỏi được đặt ra vì đó là cách suy nghĩ thông thường của chúng ta. Chúng ta được học rằng có hai loại sự thật: sự thật chế định (hay sự thật quy ước, tục đế) và sự thật tối hậu (hay chân đế). Như vậy, về mặt chế định, có con người, bông hoa, người đang đứng, đang ngồi hay đang đi,… và đó là những cách suy nghĩ rất thông thường có tính chất quy ước. Dù chúng ta biết đó không phải là sự thật tối hậu nhưng nhận biết ấy vẫn diễn ra, và điều đó rất tự nhiên. Tuy nhiên, Đức Phật đã dạy chúng ta về thực tại tối hậu – parāmaṭṭha dhamma (pháp chân đế). “Parāmaṭṭha” là tối hậu, hay chân đế, còn “dhamma” là pháp. Về chế định, chúng ta có thể nói có Achaan đang ngồi trên cái ghế này, nhưng về mặt tối hậu thì không có Achaan, không có ghế, không có việc ngồi, mà chỉ có các thực tại cứng-mềm nóng-lạnh, đối tượng thị giác… Bước khởi đầu quan trọng là phân biệt giữa hai sự thật đó – cái gì là sự thật chế định và cái gì là sự thật tối hậu? Khi chúng ta ngủ và có những giấc mơ, những hình ảnh trong giấc mơ là sự thật chế định chứ không phải là tối hậu. Không chỉ khi ngủ mơ mà trong cuộc sống bình thường cũng vậy, khi chúng ta thức dậy, xen kẽ khoảnh khắc của thấy đối tượng thị giác, nghe âm thanh,… có suy nghĩ về những ý niệm khác nhau, về con người, cảnh vật, tiếng nói… suốt cả ngày. Nhưng dần dần, chúng ta bắt đầu học về sự khác biệt và phân biệt được thế nào là sự thật chế định (pháp tục đế) và thế nào là sự thật tối hậu (pháp chân đế), chẳng hạn như đặc tính cứng-mềm, nóng-lạnh, hay đối tượng thị giác, âm thanh… Học dần về đâu là pháp chân đế sẽ cho chúng ta tiệm cận gần hơn với bản chất của các pháp. Khi kinh nghiệm trực tiếp về các thực tại xảy ra, khi đó chính là paṭipadā, đôi khi nó được dịch là “thực hành”, nhưng bản chất của nó là khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp pháp chân đế.

1. Oai nghi không có thực mà chỉ là một khái niệm mà suy nghĩ nghĩ về.

 

Leave a Reply

Translate »