Tìm hiểu mười Ba la mật – Phần kết: Ô nhiễm của các Ba la mật

Phần kết

Ô nhiễm của các Ba la mật

Khi tham sinh khởi, khi chúng ta vui thú và dính mắc, mười ba la mật bị ô nhiễm. Ô nhiễm của mỗi ba la mật được giảng như sau:

“Nói riêng rẽ, suy nghĩ sai lầm (vikappa) về vật thí và đối tượng thọ thí là ô nhiễm của bố thí ba la mật.”

Đôi khi trong lúc bố thí, ta phân biệt đối tượng thọ thí, hoặc ta có những suy nghĩ phân biệt về vật thí, bởi dính mắc, bởi ác cảm, sợ hãi hay si mờ. Khi ấy bố thí ba la mật bị ô nhiễm, không thanh tịnh. Bố thí ba la mật phải được vun bồi tới mọi chúng sinh, không phân biệt. Nếu ta có những suy nghĩ sai lầm về vật thí và đối tượng thọ thí, ta cần thẩm xét đặc tính của bố thí ba la mật. Ở những khoảnh khắc ấy, nó bị ô nhiễm, không thanh tịnh. Chúng ta cần có hiểu biết tinh tế về các ba la mật trong đời sống hàng ngày. Chúng cần được vun bồi kiếp này sau kiếp khác trong vòng sinh tử luân hồi để có thể đạt tới độ hoàn mãn.

Chúng ta đọc về trì giới ba la mật:

“Suy nghĩ sai lầm về chúng sinh (đối tượng) và thời điểm là ô nhiễm của trì giới.”

Có lúc chúng ta có thể giữ giới với một số người cụ thể, những người ta tôn kính chẳng hạn như cha mẹ. Chúng ta có thể giữ giới bằng cách bày tỏ sự kính trọng của ta với họ bằng các cử chỉ và lời nói, nhưng chúng ta không làm được vậy với những người khác. Hoặc chúng ta có những suy nghĩ sai lầm về thời điểm giữ giới, chỉ vào ngày Bố tát (Uposatha)1 hoặc một ngày ta chọn để giữ giới, và rồi ta có thể cho rằng mình đã toàn hảo về giới, mặc dầu những ngày khác ta không giữ giới. Đó là ô nhiễm của trì giới ba la mật. Chúng ta đọc tiếp trong Chú giải của “Hạnh Tạng” về ô nhiễm của các ba la mật khác như sau:

“Suy nghĩ sai lầm về dục ái và hữu ái, và bất mãn với sự suy giảm của chúng là ô nhiễm của xuất gia ba la mật. Suy nghĩ sai lầm về “tôi” và “của tôi” là ô nhiễm của trí tuệ ba la mật…”

Ngay khi ta nghĩ về trí tuệ theo cách như vậy, nó đã bị ô nhiễm rồi, chúng ta dính mắc với ý nghĩ “trí tuệ của tôi”. Chúng ta đọc tiếp về ô nhiễm của các ba la mật:

“Suy nghĩ sai lầm thiên về thụ động hay tăng động là ô nhiễm của tinh tấn ba la mật. Suy nghĩ sai lầm về mình và người khác là ô nhiễm của kham nhẫn ba la mật; Suy nghĩ sai lầm khi thừa nhận đã thấy cái thực chất không được thấy v.v là ô nhiễm của chân thật ba la mật; Suy nghĩ sai lầm khi thấy khiếm khuyết nơi các phẩm trợ đạo và ưu điểm trong các pháp đối nghịch của chúng (là ô nhiễm) của quyết định ba la mật; suy nghĩ nhầm lẫn cái có hại với cái có lợi (là ô nhiễm) của tâm từ ba la mật; Suy nghĩ sai lầm về khả ái và bất khả ái (là ô nhiễm) của tâm xả ba la mật. Các ô nhiễm cần được hiểu như vậy.”

Có lúc ta có thể có tâm xả với thứ bất khả ái nhưng lại không có với thứ khả ái.

Càng hiểu Pháp một cách tỉ mỉ, ta càng muốn thực hành pháp. Trước đây có thể ta nghĩ rằng mình không thể thực hành các ba la mật, rằng chúng ngoài tầm với của mình. Tuy nhiên nếu chúng ta thấy được lợi ích của mỗi ba la mật, và nếu ta vun bồi chúng dần dần, cuối cùng chúng sẽ trở nên hoàn mãn. Chúng ta có thể tự kiểm chứng cho bản thân rằng nghe Pháp và nghiên cứu Giáo Pháp mang lại lợi ích tối thượng. Nó giúp chúng ta áp dụng Giáo Pháp trong cuộc đời mình để vun bồi tứ niệm xứ song hành với tất cả mười ba la mật.

Chú Thích

1.Ngày Bố tát là ngày trai giới, là các ngày trăng tròn, mồng một và hai ngày giữa của hai chu kỳ trên. Vào những ngày này, các cư sĩ Phật tử thường tới chùa và thọ bát quan trai giới.

 

Leave a Reply

Translate »