Đạo Phật trong đời sống hàng ngày: chương 2

Chương 2 – Chánh kiến trong cuộc sống hàng ngày

Giáo lý của Đức Phật ảnh hưởng tới hành vi của mọi người ra sao? Bằng cách nào Giáo lý của Đức Phật có thể giúp mọi người làm việc thiện một cách hiệu quả? Liệu có thể làm việc thiện bởi một người có quyền năng nói với chúng ta: “Hãy xả ly và làm việc thiện” hay không?

Từ kinh nghiệm, chúng ta biết rằng một tấm gương tốt có thể hỗ trợ ở một mức độ nào đó, nhưng nguồn gốc thực sự của nghiệp thiện là ở bên trong chúng ta: Tâm thức của chúng ta sẽ xác định hành động của chúng ta. Nếu ai đó muốn giúp đỡ người khác hết mình, người ấy trước tiên nên hiểu rõ bản thân. Người ấy nên hiểu những nguyên nhân nào khiến mình hành động theo cách này hay cách kia. Nếu phát triển hiểu biết đúng về các nguyên nhân này, người ấy sẽ có thể có thêm thiện pháp trong cuộc sống và giúp đỡ người khác theo cách hiệu quả nhất.

Tâm là nguồn gốc mà từ đó nghiệp sẽ được tạo; vì vậy không thể xác định mức độ của thiện pháp chỉ bằng vẻ bề ngoại của các việc làm. Có nhiều mức độ thiện pháp tùy thuộc vào loại tâm thức nào thúc đẩy nghiệp thiện.

Một số người cho tiền người nghèo, nhưng điều đó không có nghĩa là không có ngã mạn hay các động cơ vị kỷ khác. Có người cho mà không có ngã mạn, nhưng vẫn có thể có dính mắc: Họ chỉ cho những người mà họ thích. Có những người cho với tâm từ trong sạch, không có bất kỳ suy nghĩ dính mắc nào. Đó là một cách bố thí thiện hơn.

Chúng ta có thể phân vân liệu việc nghiên cứu quá chi tiết như vậy có cần thiết không. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta sẽ thấy rất hữu ích khi biết các loại tâm (citta) khác nhau và biết loại tâm nào thúc đẩy hành động nào. Tâm luôn thay đổi, nối tiếp nhau rất nhanh. Nếu biết phân biệt các loại tâm khác nhau, chúng ta sẽ thấy ngay rằng trong khi làm việc thiện, vẫn có thể có tâm bất thiện sinh khởi ngay sau khi tâm thiện vừa diệt đi.

“Thiện” được dịch từ từ “kusala” trong tiếng Pāli. Một nghiệp thiện, theo nghĩa rộng nhất, là một việc làm không gây hại cho bản thân cũng như người khác tại khoảnh khắc việc ấy được làm hoặc sau đó.

Trong Kinh Bàhitika (Trung bộ kinh Tập II, Mục 88), chúng ta đọc về những việc làm thiện (thiện thân hành), lời nói thiện (thiện khẩu hành) và suy nghĩ thiện (thiện ý hành). Đức vua Pasenadi (Phong Vũ) đã hỏi Đại đức Ānanda  về bản chất của những việc làm thiện và bất thiện. Đối với những việc làm thiện hay thiện thân hành, chúng ta đọc đoạn hội thoại sau:

 “Thưa Thưa Tôn giả, thế nào là thiện thân hành “

“Thưa Đại vương, phàm thân hành nào không có tội”

“Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành không có tội?”

“Thưa Đại vương, phàm thân hành nào không có hại”

“Thưa Tôn giả, thế nào là thân hành không có hại?”

“Thưa Đại vương, phàm thân hành nào có lạc báo”

“Thưa tôn giả, thế nào là thân hành có lạc báo ?”

“Thưa Đại vương, phàm thân hành nào không đưa đến tự hại, không đưa đến hại người, không đưa đến hại cả hai, từ nơi thân hành ấy, các bất thiện pháp thối giảm, các thiện pháp tăng trưởng…”

Đoạn hội thoại tương tự cũng nói về thiện khẩu hành và thiện ý hành. Những từ này để chỉ hàm ý của thiện hay “kusala” theo nghĩa rộng nhất. Có nhiều loại và mức độ thiện. Trong phát triển “chánh kiến” hay trí tuệ, có thể có thiện pháp ở mức độ cao hơn.

Trí tuệ hay hiểu biết được dịch từ từ Pāli là “paññā”. Trí tuệ không chỉ là kiến thức thu được từ nghiên cứu sách vở mà còn bao gồm cả tuệ giác, hiểu biết đúng về các thực tại trong cuộc sống hàng ngày. Trí tuệ có thể được phát triển trong cuộc sống hàng ngày. Khi tâm thiện (kusala citta) đi kèm với trí tuệ, sẽ có mức độ thiện cao hơn. Có nhiều mức độ trí tuệ và mỗi mức độ sẽ mang đến kết quả tương ứng.

Cách tiếp cận tiêu biểu của Phật giáo là suy xét và hay biết các hiện tượng tinh thần và hiện tượng vật chất khác nhau được kinh nghiệm qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Nếu chưa quen với cách tiếp cận này, chúng ta có thể cảm thấy bối rối lúc đầu. Tuy nhiên, khi đã có sự suy xét hơn về các hiện tượng thân và tâm, chúng ta sẽ nhận ra rằng chỉ nhờ như vậy mới có thể hiểu được các cách thức hành xử khác nhau của bản thân mình và người khác, và để biết loại nhân nào sẽ mang đến quả nào trong cuộc sống.  Sẽ không có nghĩa gì khi nói về các thực tại một cách mơ hồ, chung chung, vì hiểu biết thực sự về các kinh nghiệm trong cuộc sống không bao giờ có thể được phát triển theo cách ấy.

Có người nói với tôi về một vị sư có cách giảng pháp rất hữu ích cho mọi người trong cuộc sống hàng ngày. Khi tôi hỏi rằng, vị sư đó đã giảng những gì, câu trả lời là vị ấy giảng về “citcai”. “Citcai” là một từ tiếng Thái để chỉ “trạng thái tâm”, tiếng Pāli là “citta”. Vị sư này đã có cách tiếp cận cuộc sống đúng đắn. Chúng ta nên noi theo tấm gương của Đức Phật; chúng ta không nên chỉ khuyên mọi người làm việc thiện, mà còn nên hướng dẫn cho họ làm việc thiện như thế nào. Để biết làm việc thiện như thế nào, chúng ta nên quay về với nguồn gốc của việc thiện: đó chính là “trạng thái tâm” hay “citta”. Sử dụng từ Pāli “citta” sẽ thích hợp hơn là dịch từ tiếng Pāli sang, vì từ được dịch không thể hiện đủ hàm ý tương ứng. Chẳng hạn, từ “citta” được dịch sang tiếng Anh thành “trạng thái tâm” hay “trạng thái tinh thần” ám chỉ cái gì đó trường tồn, không thay đổi. Nhưng đó không phải là đặc tính của tâm (citta). Khi chúng ta được học thêm về các tâm, chúng ta sẽ nhận thấy rằng không có tâm nào kéo dài, dù chỉ một giây. Mỗi tâm đều sinh rồi diệt ngay, được nối tiếp bới tâm tiếp theo. Các tâm hình thành nên cuộc sống của chúng ta và của những người khác; chúng tạo duyên cho các hành động của chúng ta trong cuộc đời.

Nhiều người không quen cách tiếp cận này; họ quen nhìn vẻ bề ngoài của các hiện tượng. Các nhà khoa học đi đầu trong việc nghiên cứu thế giới bên ngoài, nhưng biết rất ít cái gì đang diễn ra bên trong con người. Mọi người quen chú ý đến mọi thứ họ thấy và nghe, nhưng họ không quen để ý đến nhãn thức và nhĩ thức. Họ không nghĩ đến tâm đang thực hiện chức năng thấy và nghe.

Nhãn thức và nhĩ thức là các thực tại và vì vậy, việc biết hơn về chúng là rất quan trọng. Phần Giáo lý của Đức Phật phân tích và giải thích tường tận về các hiện tượng vật chất và tinh thần được gọi là “Vi diệu pháp” (Abhidhammā).

Vi diệu pháp đề cập đến tất cả những gì là thực. Nghiên cứu Vi diệu pháp có thể làm thay đổi cuộc đời chúng ta.

Nhiều người Thái đã nghe giảng về Vi diệu pháp, không chỉ những người học trung học và đại học, mà còn có cả những người không được học hành nhiều. Tôi đã biết đến những trường hợp mà qua việc nghiên cứu các tâm khác nhau, họ đã có được một cuộc sống thiện hơn. Tôi nghe có người có xu hướng cảm thấy muốn trả thù người khác, nhưng người ấy đã dần vượt qua cảm giác ấy bằng cách hiểu về chúng. Nhiều người Thái biết về các thực tại được dạy trong Vi diệu pháp và học áp dụng hiểu biết của mình trong cuộc sống hàng ngày. Người nước ngoài thường không được nghe về những điều này, vì người ta thường không nói về Vi diệu pháp với họ. Các trạng thái tâm bất thiện  (akusala citta) và trạng thái tâm thiện (kusala citta) là các thực tại trong cuộc sống hàng ngày. Để biết hơn về những thực tại này, chúng ta nên cố gắng hiểu về bản thân mình trước: nếu chúng ta không hiểu mình, ta không thể giúp đỡ những người khác. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa rằng chúng ta phải đợi hết cả cuộc đời mình trước khi có thể bắt đầu giúp đỡ người khác. Ngay cả những người mới bắt đầu hiểu mọi thứ như chúng là vẫn có thể giúp người khác có được hiểu biết đúng đắn.

Trí tuệ – hay hiểu biết- là đối nghịch với vô minh, cái là gốc rễ của mọi phiền não và đau khổ. Trí tuệ rất quan trọng trong phát triển thiện tâm. Có thể làm việc thiện mà không có trí tuệ, nhưng nếu có hiểu biết thế nào là thiện và bất thiện, hiểu nghiệp thiện và nghiệp bất thiện sẽ mang đến kết quả gì, chúng ta có thể sẽ có một cuộc sống thiện hơn. Vì vậy, phát triển trí tuệ mang đến lợi ích lớn lao cho cả bản thân chúng ta và người khác.

Có nhiều mức độ trí tuệ. Khi một vị thầy giải thích cho học trò rằng thiện tâm với lòng biết ơn hay sự chân thành sẽ mang đến kết quả tốt lành và rằng nghiệp bất thiện do tham lam hay sân hận thúc đẩy sẽ mang đến kết quả không tốt lành, cách giải thích như vậy có thể là nhân duyên cho họ có mức độ trí tuệ nào đó. Với trí tuệ, họ có thể phát triển thiện tâm và làm được thêm các thiện nghiệp.

Có mức độ trí tuệ cao hơn khi mọi người nhận ra sự vô thường của tất cả những thứ họ hưởng thụ trong cuộc sống. Khi thấy cuộc đời con người ngắn ngủi như thế nào, họ sẽ cố gắng không dính mắc quá nhiều vào những thứ dễ chịu. Hiểu biết này sẽ khuyến khích họ có thêm lòng quảng đại và sẵn sàng giúp đỡ người khác hơn. Họ sẽ bớt vị kỷ.

Những người có mức độ trí tuệ này có thể thay đổi cách sống và thoải mái với cuộc sống không có bất kỳ sự xa sỉ nào. Những người khác có thể quyết định “xuất gia”, trở thành một vị sư. Cuộc sống của một vị sư là cuộc sống không dễ dàng. Vị ấy phải sống không có gia đình và là người “thiểu dục tri túc-hài lòng với ít ỏi”. Trong Kinh sáu thanh tịnh (Trung bộ kinh Tập III, số 112), chúng ta đọc rằng Đức Phật nói về các tỳ kheo đã tuyên bố về sự từ bỏ đời sống thế gian của mình như sau:

Chư Hiền, một thời gian sau, tôi từ bỏ tài sản nhỏ hay từ bỏ tài sản lớn, từ bỏ Bà con quyến thuộc nhỏ hay từ bỏ Bà con quyến thuộc lớn, cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, và xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình…

Đức Phật đã giải thích rằng con người quá dính mắc vào những gì cảm nhận qua mắt, tai, mũi, lưới và thân. Ngài nói về “Năm dục trưởng dưỡng”. Chúng ta đọc trong Kinh Subha (Trung bộ kinh Tập II, số 99) rằng Đức Phật đã nói với Subha về năm dục trưởng dưỡng:

Này Thanh niên Bà-la-môn, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm? Các sắc do mắt nhận thức, sắc này khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn; tiếng do tai nhận thức… hương do mũi nhận thức… vị do lưỡi nhận thức… xúc do thân nhận thức khả ái, khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Này Thanh niên Bà-la-môn, như vậy là năm dục trưởng dưỡng. Này Thanh niên Bà-la-môn, Bà-la-môn Pokkharachánh niệm thuộc dòng họ Upamanna, trú ở rừng Subhaga bị trói buộc, bị đam mê, bị tham trước bởi năm dục trưởng dưỡng này, thụ hưởng chúng mà không thấy sự nguy hiểm, không soi thấu sự thoát ly khỏi chúng…

Chúng ta muốn có những cảm nhận giác quan dễ chịu và có xu hướng quá coi trọng chúng. Chúng ta bị hấp dẫn bởi những gì mình thấy hay nghe đến nỗi quên rằng, cảm nhận giác quan không phải là hạnh phúc thực sự. Trong Kinh Magandiya (Trung bộ kinh tập II, số 75), Đức Phật đã nói với Magandiya như sau:

Này Magandiya, Ta thuở trước, khi còn là tại gia, Ta sống hưởng thụ một cách đầy đủ, một cách sung mãn năm dục trưởng dưỡng, … Rồi Ta sau một thời gian, sau khi như chơn biết được sự tập khởi, sự đoạn diệt, vị ngọt, sự nguy hiểm và sự xuất ly của các dục vọng, sau khi đoạn tận dục ái, sau khi trừ diệt nhiệt não của các dục, Ta trú với khát ái được đoạn trừ, với nội tâm an tịnh. Rồi Ta thấy các chúng sanh khác, chưa xả ly tham ái đối với các dục đang bị các dục ái nhai nghiến, đang bị dục nhiệt não thiêu đốt, đang chạy theo các dục. Ta không ước vọng được như họ; ở đây, Ta không ham thích…

Những người nhận thấy có hạnh phúc lớn hơn cả vui thú ngũ dục có thể phát triển sự an tịnh hay “Samatha”. Sự an tịnh được phát triển trong Samatha là sự giải phóng tạm thời khỏi tham, sân và các phiền não khác. Có nhiều đề mục thiền của Samatha, như niệm ân Đức Phật, chánh niệm trên hơi thở hay tâm từ. Việc đề mục nào dễ làm duyên cho sự an tịnh thì tùy thuộc vào tích lũy của mỗi người. Samatha không phải là việc cố chú tâm trên một đề mục. Điều quan trọng là hiểu biết đúng về đề mục thiền và về cách đạt được sự an tịnh thực sự, cái là thiện pháp, nhờ vào đề mục thiền. Nếu không biết sự khác biệt giữa tâm thiện và tâm bất thiện, chúng ta dễ coi dính mắc vào sự tĩnh lặng là thiện pháp và khi đó, Samatha không thể được phát triển. Chúng ta phải biết đặc tính của sự an tịnh là thiện pháp thực sự, khác với bất thiện pháp. Khi đó có thể có nhân duyên cho sự an tịnh hơn. An tịnh trong Samatha có thể đạt đến mức độ ta hoàn toàn bị hút chặt vào đề mục thiền. Có những giai đoạn khác nhau của sự an tịnh hay còn gọi là các tầng thiền (jhāna). Trong khi nhập thiền, chúng ta không nhận được các cảm giác qua năm căn và vì vậy, tại thời điểm đó, chúng ta không bị chúng chi phối. Chúng ta hưởng thụ một hạnh phúc cao hơn. Ở những tầng thiền cao hơn, chúng ta đạt được trạng thái tâm càng tĩnh lặng cho đến khi không còn cảm thấy hỷ lạc nữa; chúng ta vượt qua cảm giác hạnh phúc và thay vào đó chỉ có tâm xả. Tuy nhiên, khi tâm không còn là tâm thiền (jhānacitta), lại có các cảm nhận giác quan.

Phát triển sự an tịnh (samatha) là một cách vun bồi thiện pháp. Những người thực hành Samatha có thể trở nên rất an bình và dễ mến. Họ có thể mang đến nhiều cảm giác dễ chịu cho những người luôn bất an. Tuy nhiên, với samatha, phiền não vẫn chưa được tận diệt. Mặc dù không còn bị ngũ dục chi phối trong suốt thời gian nhập thiền, nhưng vẫn còn dính mắc vào ngũ dục khi tâm không còn là tâm thiền nữa. Các thiền chứng không trường tồn; chúng là vô thường. Hơn nữa, có sự dính mắc vi tế hơn, sự dính mắc vào hỷ lạc của thiền. Chúng ta có thể nghĩ rằng mình sẽ không còn dính mắc khi không bị đắm chìm trong ngũ dục. Tuy nhiên, vẫn có thể có dính mắc vào hỷ lạc của các tầng thiền- cái không hề liên quan đến ngũ dục, đó có thể là dính mắc vào cảm thọ lạc hoặc xả đi kèm với tâm thiền.

Để phát triển Samatha, trí tuệ là rất cần thiết, nhưng loại trí tuệ này không tận diệt được phiền não. Có một mức độ trí tuệ cao hơn có thể tận diệt mọi phiền não, kể cả những loại dính mắc vi tế nhất. Trí tuệ này được phát triển trong “thiền minh sát” hay “vipassanā”. Trong vipassanā, trí tuệ sẽ dần dần diệt trừ vô minh, nguồn gốc của mọi phiền não. Chúng ta sẽ học thêm về các loại thực tại xuất hiện thông qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn tại bất kỳ khoảnh khắc nào. Chúng ta biết quá ít về những thứ thông thường nhất trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta hay biết về cử động của thân trong một ngày được bao nhiêu? Chúng ta hay biết được bao nhiêu về các hiện tượng trên thân, như cảm giác cứng, mềm trong khi co duỗi tay hay mấp máy môi để nói? Chúng ta không thực sự biết âm thanh là gì, cái nghe là gì hay cái mình coi là “ta” trong khi đang nghe là gì. Chúng ta không biết về các hiện tượng xuất hiện tại giây phút hiện tại.

Khi bị đắm chìm vào vẻ bề ngoài và chi tiết của mọi thứ, chúng ta không thể hay biết các thực tại ở giây phút hiện giờ. Chừng nào còn bị cuốn theo việc thích  hay không thích những gì chúng ta thấy và nghe, chừng đó chưa thể thấy mọi thứ như chúng là. Đức Phật đã hoàn toàn tỉnh thức, Ngài có tuệ giác hoàn hảo về mọi loại hiện tượng tinh thần và vật chất khác nhau. Vì vậy, Ngài có thể tự gọi mình là “Bậc toàn giác”; Ngài hoàn toàn giác ngộ về sự thật. Chúng ta cũng nên giác ngộ về sự thật.

Trong Vipassanā, trí tuệ sẽ phát triển dần dần và nó sẽ biết mọi thứ như chúng là. Bằng việc hay biết về thực tại đang xuất hiện tại giây phút hiện tại, chúng ta sẽ học rằng có hai loại thực tại: hiện tượng vật chất hay sắc pháp (rūpa) và hiện tượng tinh thần hay danh pháp (nāma). Sắc thì không biết cái gì cả, trong khi danh kinh nghiệm cái gì đó; nó kinh nghiệm một đối tượng. Chẳng hạn, đối tượng thị giác là sắc, nó không biết cái gì cả. Cái thấy là một loại danh; nó kinh nghiệm một đối tượng: đối tượng thị giác. Cái nghe và suy nghĩ là những loại danh khác, khác với cái thấy. Có nhiều loại danh và sắc khác nhau, và trong vipassanā, chúng ta học kinh nghiệm đặc tính của chúng.

Trong phát triển vipassanā, đặc tính vô thường của danh và sắc cần phải được hay biết trực tiếp. Trước kia, chúng ta có thể suy xét về sự vô thường của mọi thứ trong cuộc sống. Suy xét về sự thật là cần thiết, nhưng không giống như hay biết trực tiếp về sự vô thường của mọi thực tại trong và xung quanh bản thân mình. Khi mới bắt đầu, chưa thể nhận biết sự sinh diệt của danh và sắc. Tuy nhiên, nếu học hay biết về các đặc tính khác nhau của danh và sắc xuất hiện một mình tại một thời điểm, và nếu nhận ra rằng mỗi một danh và sắc xuất hiện bây giờ đều khác với danh và sắc trước đó, chúng ta sẽ bớt xu hướng suy nghĩ rằng danh và sắc là trường tồn, và sẽ bớt xu hướng coi chúng là “ta”.

Trong Đại kinh mãn nguyệt (Trung bộ kinh Tập III, số 109), chúng ta đọc rằng Đức Phật, khi ngự tại gần Sāvatthī trong Lộc mẫu Giảng đường ở Đông Viên, đã nói với các tỳ kheo:

 “Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, sắc là thường hay vô thường?”

“Vô thường, bạch Thế Tôn”

“Những gì vô thường là khổ hay lạc?”

“Là khổ, bạch Thế Tôn”

“Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem : “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi ?”

“Thưa không vậy, bạch Thế Tôn”

Đức Phật đã hỏi tương tự như vậy về các hiện tượng tinh thần (danh).

Trong Kinh Thân hành niệm (Trung bộ kinh Tập III, số 119), chúng ta đọc rằng Đức Phật, khi ngự ở gần Sāvatthī, tại Động Jeta, đã nói với các tỳ kheo về chánh niệm trên thân và về những lợi ích của nó. Có đoạn nói như sau:

Vị ấy là người nhiếp phục được lạc và bất lạc, và bất lạc (và lạc) không nhiếp phục vị ấy. Vị ấy là người nhiếp phục được khiếp đảm sợ hãi khi khởi lên, và khiếp đảm sợ hãi không nhiếp phục vị ấy. Vị ấy kham nhẫn được lạnh, nóng, đói, khát, sự xúc chạm của ruồi, muỗi, gió, mặt trời, các loài rắn rết, các cách nói khó chịu, khó chấp nhận; vị ấy có khả năng chịu đựng được những cảm thọ về thân khởi lên, khổ đau, nhói đau, thô bạo, chói đau, bất khả ý, bất khả ái, đưa đến chết điếng…

Chúng ta sẽ dần học để bớt dính mắc, giận dữ hay khó chịu khi nhận ra rằng chỉ có các loại danh khác nhau sinh khởi do duyên và rồi diệt đi ngay lập tức.

Chúng ta không nên đợi đến khi già hay được nghỉ hưu mới phát triển tuệ giác, hay chánh kiến, về các thực tại. Khi phát triển trí tuệ này, chúng ta sẽ biết hơn về bản thân mình, chúng ta sẽ hay biết thường xuyên hơn về các giây phút tâm bất thiện sinh khởi, ngay cả trong khi chúng ta đang làm việc thiện. Ngã mạn về việc thiện của mình có thể sinh khởi và chúng ta có thể mong đợi được đền đáp điều gì đó từ việc thiện ấy, như sự khen ngợi hay danh tiếng. Khi dần thấy rõ hơn chỉ có danh và sắc sinh khởi bởi nhân duyên, sẽ bớt dính mắc vào khái niệm về một cái “tôi” thực hiện những nghiệp thiện hay bất thiện. Khi có bớt dính mắc vào tự ngã, các việc thiện sẽ càng trở nên trong sạch hơn. Trí tuệ (1) được phát triển trong vipassanā là chi “chánh kiến” (sammā-diṭṭhi) của Bát chánh đạo – con đường dẫn tới Niết bàn. Tất cả mọi người đều phải tự mình bước đi trên con đường này. Chúng ta chỉ có thể làm trong sạch bản thân mình. Chúng ta không thể nhờ người khác làm cho trong sạch; người khác cũng chỉ có thể giúp chúng ta tìm kiếm Chánh đạo. Sẽ không có thế giới an bình chừng nào còn có tham, sân và si. Việc tham gia các tổ chức thế giới nhằm thúc đẩy hòa bình và phúc lợi của các quốc gia và cứu trợ cho những người thiếu thốn là cần thiết. Tuy nhiên, nên nhận thấy rằng như thế chưa đủ, điều đó chỉ giúp ích ở mức độ nào đó. Nguyên nhân thực sự của chiến tranh là tham lam, sân hận và si mê. Chỉ bằng phát triển trí tuệ, chúng ta mới có thể tận diệt được tham, sân và si.

Bát chánh đạo dẫn tới Niết bàn. Niết bàn là sự chấm dứt mọi phiền não. Niết bàn có thể được chứng ngộ tại đây và bây giờ, trong kiếp sống này. Khi trí tuệ đã được phát triển theo từng giai đoạn, nó có thể đạt tới mức độ giác ngộ. Tại khoảnh khắc đó, Niết bàn được kinh nghiệm. Khi đã chứng ngộ Niết bàn, chúng ta sẽ hiểu “giác ngộ chân lý” là gì.

********

Chú thích

(1)  Tuệ giác kinh nghiệm danh sắc trong cuộc sống  là “tuệ thế gian” (lokiya paññā), tuệ giác kinh nghiệm Niết bàn là “tuệ siêu thế” (lokuttara paññā)

Comments are closed.

Translate »