Tìm hiểu mười Ba la mật – Chương 8: Quyết định Ba la mật

Chương 8

Quyết Định Ba La Mật

Chú giải của “Hạnh Tạng” định nghĩa quyết định ba la mật như sau:

Quyết định có đặc tính quyết tâm về các pháp trợ đạo1; chức năng/phận sự của quyết định là vượt qua pháp đối nghịch của các pháp trợ đạo; biểu hiện/thành tựu của quyết định là không lay chuyển trong nhiệm vụ ấy; cận nhân của quyết định là các pháp trợ đạo.

 

Quyết định ba la mật, adiṭṭhāna pāramī, là quyết tâm kiên cố nhằm chứng ngộ Tứ Thánh Đế, dù có phải đi một chặng đường dài và cần một khoảng thời gian vô tận để đạt tới đích. Tuy nhiên, nếu ta vun bồi Đạo với lòng quyết tâm kiên cố, cuối cùng ta sẽ tới đích. Quyết định trong kiếp này có nghĩa là quyết định vun bồi mỗi loại thiện pháp với mục tiêu giác ngộ Tứ Thánh Đế. Chúng ta không nên trệch khỏi mục tiêu này qua việc nhắm tới các đối tượng dễ chịu như lợi dưỡng, danh dự, tiếng thơm hay an lạc, hay đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm. Khi ấy, ta chỉ tích lũy thêm dính mắc thay cho buông bỏ và xả ly.

 

Quyết định ba la mật sẽ dẫn tới xả ly khỏi tham ái vào đối tượng ngũ dục. Nếu chúng ta mê đắm các đối tượng ngũ dục, nếu chúng ta bị mê mờ bởi chúng và dính mắc vào chúng, ta sẽ lại mong có chúng tiếp, và không bao giờ thỏa mãn. Khi ấy ta sẽ không thiên về việc vun bồi ba la mật để tận diệt phiền não.

 

Nhiều loại tâm sinh và diệt: tâm thiện sinh khởi và ngay sau đó là bất thiện. Đôi khi chúng ta có quyết tâm cho thiện pháp, nhưng khi tâm bất thiện sinh khởi và khiến ta buông theo bất thiện, chúng ta dễ dàng từ bỏ thiện và theo đuổi bất thiện. Điều này chỉ ra rằng ta cần quyết tâm vững vàng cho sự tận diệt phiền não.

 

Nếu ta muốn liễu ngộ Tứ Thánh Đế, ta cần thấy được lợi ích của việc không dao động trong vun bồi thiện pháp và từ bỏ phiền não. Nếu ta thiếu quyết định ba la mật, thiện pháp không thể phát triển.

 

Bây giờ tôi muốn nói về một kiếp sống của đức Bồ tát trong đó ngài đã vun bồi mức độ tối thượng nhất của quyết định ba la mật, adiṭṭhāna paramatthapāramī.2

Chúng ta đọc trong Chú giải “Hạnh Tạng” (III.6, Giới hạnh của Hiền trí Temiya)2 rằng đức Phật kể về một trong những tiền kiếp của mình:

Khi ta là hoàng nam của vua Kāsi, ta được đặt tên là Mūga-Pakkha (có nghĩa là điếc và què), nhưng mọi người gọi ta là Temiya3. Cha và mẹ và những người khác gọi ta là Mūga-Pakkha vì họ cho rằng ta bị câm và què quặt. Là đức Bồ tát sinh ra trong kiếp ấy, ta tạo niềm hân hoan và hạnh phúc lớn lao cho vua và các quần thần, và vì vậy ta được nhận tên gọi Temiya.”

Như vậy, ngài có hai tên, Temiya và Mūga-Pakkha, bởi những nguyên do khác nhau. Chúng ta đọc:

Trong kiếp ấy đức vua Kāsirājā trị vì xứ Vārānasī. Ngài có mười sáu ngàn cung tần mỹ nữ, nhưng không ai trong số họ hạ sinh công chúa hay hoàng tử. Các thần dân lo lắng, nói, ‘Đức vua của chúng ta không có hoàng nam để nối dõi’, và họ khẩn xin đức vua cầu tự. Tất cả những cung phi ấy thờ cúng mặt trăng, nhưng họ không có được con. Bấy giờ hoàng hậu Candādevī, con gái của vua Madda, sống một cuộc đời đức hạnh, và vua xin nàng cũng cầu tự hoàng nam. Vào một ngày trăng tròn, nàng đã bát quan trai giới, và khi suy niệm về cuộc đời đức hạnh của mình, nàng đã nói lên lời nguyện “Nếu thực tôi chưa từng phạm giới, vì Lời Thề Sự Thật này, hãy để tôi sinh một hoàng nam.’

Khi ấy, đức Bồ tát được thọ thai trong bụng của hoàng hậu Candādevī. Khi Bồ tát chào đời, cũng có năm trăm tiểu vương tử được sinh ra trong nhà các đại thần. Đức vua ban lệnh cho các vương tử này làm tùy tùng cho hoàng tử. Ngài ban năm trăm vú nuôi và năm trăm bộ trang phục vương giả cho năm trăm tiểu vương tử. Ngoài ra, ngài cắt cử sáu mươi tư vú nuôi chăm sóc đức Bồ tát.

Khi tiểu hoàng tử được một tháng tuổi, người vú nuôi đưa ngài tới gặp đức vua và đức vua bế hoàng tử vào lòng. Lúc bấy giờ bốn tên trộm được đưa tới trước mặt đức vua để bị tuyên án. Một trong số họ bị phạt chịu một ngàn roi quật bởi gậy có gai nhọn, người thứ hai bị tù xích, người thứ ba bị chọc bằng thương và người thứ tư bị nhồi cọc. Khi đức Bồ tát nghe bản án do cha mình tuyên, ngài trở nên chán nản, bởi ngài sợ phạm phải những hành vi trọng ác sẽ cho quả tái sinh nơi địa ngục.

Ngày hôm sau, vú nuôi đặt ngài vào một chiếc giường được che bởi chiếc lọng trắng, và sau khi ngủ thiếp một giấc ngắn, ngài tỉnh dậy và nhìn thấy lọng trắng. Ngài suy nghĩ, “Từ đâu ta tới cung điện này?” Hồi niệm các tiền kiếp, ngài nhớ lại rằng mình từng tới từ một cõi trời, và rồi, khi hồi niệm kiếp trước đó, ngài nhớ lại rằng mình phải chịu đau khổ trong cõi địa ngục Ussada. Khi hồi niệm về kiếp sống trước kiếp đó, ngài nhớ rằng mình đã là vua của chính thành phố này. Những tư duy sau đến với ngài: ‘Ta không cần vương quốc. Làm sao ta có thể thoát khỏi ngôi nhà của bọn trộm này?’

Khi ấy, vị thiên nữ ngự trong chiếc lọng trắng vốn là mẹ của ngài trong một tiền kiếp đang tìm cách giúp ngài, bà đã khuyên ngài nên giả câm, què và điếc, như vậy ngài có thể thoát việc trở thành vua.

Kể từ khi ấy, đức Bồ tát giả bộ câm, què và điếc. Cha mẹ ngài và các vú nuôi, khi xem xét cấu tạo cằm của người câm, cấu trúc tai của người điếc, chân và tay của người què thì thấy rằng những đặc tính ấy không có nơi ngài. Họ nghĩ rằng hẳn có một lý do cho hành động của ngài.Vì vậy, họ bắt đầu thử hoàng tử bằng cách không cho ngài bú sữa cả một ngày. Mặc dầu đói, ngài không kêu lên một tiếng nào để tỏ ý thèm sữa. Mẹ ngài nghĩ, ‘Thằng bé đói lả rồi, các vú nuôi phải cho bú thôi’, và nàng bảo các vú nuôi cho ngài bú sữa. Họ thay nhau cho ngài bú sữa trong cả một năm, nhưng không tìm ra được điểm yếu của ngài.

Các vú nuôi nghĩ rằng thông thường trẻ em thích bánh ngọt, quà ngon, trái cây, đồ chơi và các loại đồ ăn đặc biệt khác nhau. Họ cho ngài tất cả những thứ ấy để kiểm tra xem liệu ngài có thực sự tàn tật không, nhưng qua năm năm thử nghiệm, họ không thể tìm ra một điểm yếu nào. Sau đó, các vú nuôi nghĩ rằng trẻ nhỏ thường sợ lửa, sợ voi dữ, rắn, người khua gươm, và vì thế họ thử hoàng tử với những thứ ấy, nhưng ngài không thấy có gì nguy hiểm trong đó.

Đức Bồ tát không lay chuyển trong quyết định của mình vì ngài nghĩ tới hiểm họa của địa ngục. Ngài nghĩ, ‘hiểm họa của địa ngục còn đáng sợ hơn, một trăm, một ngàn, hoặc cả trăm ngàn lần đáng sợ hơn.’ Các vú nuôi thử thách ngài bằng những cách này không tìm thấy bất cứ điểm yếu nào của Bồ tát. Họ nghĩ rằng trẻ em thường hay thích xem kịch câm và vì vậy, họ mời một đoàn kịch câm, mời những người chơi kèn ốc và trống để tạo ra những tiếng động điếc tai, nhưng họ không khiến đức Bồ tát đổi tâm ý.

Họ thắp đèn trong bóng tối hay dùng lửa chói để làm sáng bóng tối. Họ bôi đầy mật lên người ngài và để ngài nằm ở một chỗ đầy ruồi. Họ không tắm cho ngài và để mặc ngài giữa phân và nước tiểu. Mọi người chế nhạo ngài, họ nhạo báng và mắng mỏ ngài, họ xa lánh ngài vì ngài nằm trong chính phân và nước tiểu của mình. Họ thắp chảo lửa nóng rát rồi đặt vào giường bên dưới ngài, họ sử dụng nhiều mánh khóe để thử ngài, nhưng mặc tất cả những điều ấy, họ không thể làm hoàng tử đổi ý.

Các vú nuôi thử thách ngài cho tới khi ngài mười sáu tuổi. Họ suy xét, ‘Khi trẻ mười sáu tuổi, bất kể chúng què, điếc và câm, chúng mê đắm những gì khả ái, hoặc chúng muốn thấy những thứ đáng thấy. Vậy chúng ta sẽ cho các nữ nhân diễn kịch để quyến rũ hoàng tử.’ Họ tắm ngài trong nước thơm và phục sức cho ngài như một thiên tử, họ rước ngài tới một căn phòng hoàng gia đầy những món đồ khả lạc. Họ chất đầy phòng với hoa, phấn thơm và tràng hoa giống như nơi ở của các chư thiên. Họ để các nữ nhân duyên dáng như những tiên nữ Apassara chờ hoàng tử để quyến rũ ngài và khiến ngài say đắm họ. Tuy nhiên, đức Bồ tát, trong trí tuệ toàn hảo của mình, đã ngừng thở vào và thở ra, hy vọng rằng những nữ nhân ấy sẽ không động vào thân mình.

Khi những người nữ nhân ấy không động được vào thân hoàng tử, họ nghĩ, ‘Cậu bé này có tấm thân khô cứng, như vậy, cậu ấy không phải là người, mà chắc là một dạ xoa.’ Rồi họ bỏ đi.

Cha mẹ ngài không làm cho ngài đổi ý được, mặc dầu đã thử thách ngài trong mười sáu năm trời với những bài thử lớn bài thử nhỏ. Họ cầu xin ngài đổi tâm ý nhiều lần, nói, ‘Hoàng tử Temiya, con yêu, cha mẹ biết rằng con không bị câm, bởi miệng con, tai và chân con không giống như của một người bị câm, điếc và què. Con là người con trai mà cha mẹ mong đợi. Đừng hủy hoại chúng ta bây giờ, hãy giúp chúng ta thoát khỏi lời chê trách của tất cả các vị vua xứ Diêm Phù’. Mặc dầu họ khẩn nài như vậy, cậu bé giả bộ không nghe được họ.

Sau đó, nhà vua triệu tập các thầy bói, họ nói rằng chân v.v của hoàng tử không giống của người bị què. Họ nói, ‘cậu bé này không què, câm và điếc. Nhưng cậu ấy là người mang điềm gở. Nếu một người như vậy ở lại trong cung điện, có ba mối hiểm họa đón chờ: tới mạng sống của ngài, tới vương quyền của ngài và tới hoàng hậu. Nhưng khi hoàng tử mới sinh, chúng tôi không muốn làm đức vua đau buồn nên vì thế mới nói rằng hoàng tử có những hảo tướng.’

Đức vua sợ hãi bởi những hiểm họa này nên đã ra lệnh cho đặt cậu bé vào một chiếc xe đen đủi, đưa ra khỏi thành bằng cổng sau và chôn cậu trong một nghĩa địa. Khi đức Bồ tát nghe vậy, ngài vô cùng hoan hỷ và nghĩ, “Điều ta mong đợi từ lâu nay đã thành tựu.’

Khi hoàng hậu Candādevī biết được rằng nhà vua đã ra lệnh chôn hoàng tử, bà tới thăm vua và xin ngài một ân huệ là ban vương quốc cho hoàng tử.

Đức vua nói, ‘Con trai nàng mang điềm gở, ta không thể cho nó vương quốc.’

Sau đó, hoàng hậu nói, ‘Nếu đức vua không ban vương quốc cho nó cả đời, hãy ban cho nó trong bảy năm.’

Đức vua nói, ‘Ta không thể làm vậy.’

 

Hoàng hậu Candādevī khẩn cầu ngài suốt đêm, ‘Ôi Temiya, ta đã không ngủ trong mười sáu năm, ta đã khóc vì con, con ta, đến nỗi mắt trũng xuống và trái tim xuyên thấu bởi sầu não. Ta biết rằng con không què, điếc và câm, đừng làm ta tan nát.’

Hoàng hậu khẩn cầu hoàng tử ngày này sau ngày khác trong năm ngày. Tới ngày thứ sáu, đức vua triệu người đánh xe Sunanda tới và nói: ‘Sáng sớm mai, ngươi phải đem thằng bé đi trong một chiếc xe đen đủi, và chôn nó ở nghĩa địa, sau đó lấp kỹ bằng đất và quay về đây.’

Khi hoàng hậu nghe vậy, nàng nói với con trai: ‘Con trai ta, vua Kāsi đã ra lệnh chôn con ở nghĩa địa ngày mai. Ngày mai con sẽ chết.’ Khi đức Bồ tát nghe thế, ngài rất hoan hỷ rằng mười sáu năm nhọc công của ngài đã gần chấm dứt. Nhưng trái tim của mẹ ngài thì như bị búa bổ.

Cuối đêm ấy, vào lúc rạng sáng, người đánh xe cột xe và để ở cổng thành. Ông ta tới chỗ hoàng hậu Candādevī và nói, ‘Tâu Hoàng hậu, bà đừng giận con. Con chỉ tuân theo mệnh lệnh của đức vua mà thôi.’ Rồi ông ta đưa hoàng tử đi xuống khỏi cung điện. Hoàng hậu khóc lớn tiếng và sụp xuống. Khi ấy đức Bồ tát nhìn mẹ và nghĩ, ‘nếu ta không cất lời, mẹ sẽ chết vì buồn đau, vậy ta muốn lên tiếng.’ Nhưng ngài kiềm chế với ý nghĩ, ‘nếu ta lên tiếng, bao công sức của mười sáu năm sẽ uổng phí.  Còn nếu ta không nói gì, sẽ lợi lạc cho bản thân ta và cả cha mẹ.’ Rồi người đánh xe nhấc ngài vào trong xe, chiếc xe đi một quãng đường dài ba lý, tới đoạn cuối của khu rừng mà ông ta thấy giống như nghĩa địa. Ông ta nghĩ đó là nơi thích hợp và quay xe, dừng lại bên đường. Ông ta gỡ các phục trang của đức Bồ tát và đặt chúng xuống. Sau đó, ông bắt đầu cầm cuốc và đào một cái hố không xa đó.

Khi người đánh xe Sunanda đang đào hố, đức Bồ tát nghĩ, ‘Đây là thời điểm để ta nỗ lực.’ Ngài đứng dậy, xoa tay và chân, và thấy rằng mình vẫn có sức lực. Ngài nghĩ rằng mình sẽ xuống khỏi xe được, và đã làm vậy. Ngài đi đi lại lại vài lần và nghĩ rằng mình có đủ sức để đi cả hàng trăm lý. Ngài nắm thử phần sau của chiếc xe và nhấc lên như thể đó là một món đồ chơi của trẻ em. Ngài suy nghĩ, ‘Nếu người đánh xe muốn hại ta, ta vẫn đủ sức để tự vệ.’…”

Sau đó ta đọc rằng đức Bồ tát đã thuyết Pháp cho người đánh xe, nói:

“Ngươi phụ thuộc vào ta, hoàng nam của đức vua. Nếu ngươi chôn ta trong rừng, ngươi sẽ phạm một ác nghiệp. Một người ngồi hay nằm dưới bóng một cây xanh sẽ không chặt cành. Bởi một người hại bạn mình là người ác. Đức vua như cây xanh, ta như cành cây, còn ngươi, người đánh xe, như kẻ lữ hành ngồi dưới bóng cây. Nếu ngươi chôn ta trong rừng, ngươi sẽ phạm một ác nghiệp.”

Chúng ta đọc tiếp rằng khi người đánh xe nghe vậy, ông ta cầu xin đức Bồ tát quay về, bởi ông ta biết ngài không bị câm. Đức Bồ tát giải thích lý do vì sao ngài không muốn quay về, và ngài đã nói về ý định trở thành một ẩn sĩ của mình. Ngài giảng về những kiếp trước, và về nỗi sợ hiểm họa của địa ngục. Khi người đánh xe đã nghe đức Bồ tát thuyết Pháp, ông ta muốn áp dụng ngay và cũng trở thành một ẩn sĩ. Về việc đó đức Bồ tát nói:

“Này người đánh xe, hãy đánh xe về và trở lại sau khi ngươi đã trả hết nợ, bởi vì một người ẩn sĩ không được nợ nần, đây là lời huấn thị của mọi ẩn sĩ.’

Sau đó ngài trả người đánh xe về lại cho đức vua. Người đánh xe đánh xe về cùng các phục trang, tới diện kiến vua và tâu lại cho ngài về những gì đã xảy ra. Đức vua rời thành cùng tứ quân, các vú nuôi, thần dân nông thôn và thành thị để tới gặp đức Bồ tát.

Đức Bồ tát trở thành một ẩn sĩ và ngồi trên một tấm tọa cụ làm bằng cành cây. Ngài đã đắc bát thiền và ngũ thông. Ngài ngồi trong một túp lều với niềm hân hoan lớn lao về sa môn hạnh.

Đức vua Kāsi tới gặp đức Bồ tát và khích lệ ngài trị vì vương quốc. Hoàng tử Temiya khước từ. Ngài giảng Pháp cho đức vua theo nhiều cách khác nhau, và đó là duyên để đức vua sinh khởi trạng thái khẩn cấp tu niệm và thấy được sự vô thường cùng hiểm họa của ngũ dục. Ngài thấy được lợi lạc của sự xa lìa ngũ dục và trở thành một ẩn sĩ, cùng với hoàng hậu Candādevī và nhiều cung phi. Hết kiếp đó họ cùng tái sinh ở cõi Phạm Thiên.

Cuối câu chuyện này, đức Phật nói rằng vị thiên nữ ngự trong chiếc lọng trắng khi ấy chính là Uppalavaṇṇā, rằng người đánh xe là Trưởng lão Sāriputta, cha mẹ là hoàng gia, quần thần là các Phật tử, còn Hiền trí Temiya chính là đức Phật, người bảo hộ cho thế giới.

Quyết định ba la mật của đức Bồ tát ở mức độ tối thượng trong kiếp ấy chính là “adiṭṭhāna paramattha pāramī”.

Quyết định ba la mật là quyết định vững vàng vì thiện pháp với mục tiêu vun bồi trí tuệ và tận diệt phiền não. Tuy nhiên, ta có thể chưa tích lũy ba la mật này một cách đầy đủ. Ta có thể thấy rằng thiện pháp là lợi lạc, rằng nó cần được vun bồi và tích lũy, và rằng quyết tâm vì thiện pháp của ta cần mạnh mẽ hơn. Nhưng thật khó để kiên định trong quyết tâm của mình, bởi chúng ta đã tích lũy bất thiện thật nhiều. Bất thiện là một duyên tạo nên sự thiếu nhất quán và kiên định trong quyết tâm vun bồi thiện pháp.

Một người đã tìm hiểu Giáo Pháp suy niệm về vòng sinh tử luân hồi và về mức độ phiền não của mình; anh ta mong chấm dứt vòng sinh tử luân hồi. Tuy nhiên khao khát chấm dứt luân hồi không phải là một với lòng kiên định trong quyết tâm vun bồi trí tuệ. Người này chưa quan tâm đến việc phát triển tứ niệm xứ, mặc dầu anh ta cần nghe Pháp và thấy được lợi ích của tứ niệm xứ. Anh ta không kiên định trong quyết tâm nghe Pháp và vun bồi trí tuệ; anh ta không có duyên cho quyết định ba la mật.

Ta không nên lơ là trong quyết tâm vun bồi thiện pháp của mình. Ngày này qua ngày khác, chúng ta mê đắm các đối tượng xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, và chúng ta bị cuốn vào những suy nghĩ về các đối tượng được kinh nghiệm. Nếu chúng ta thường nghe Pháp, ta tích lũy thiên hướng quán xét về Pháp thay cho nghĩ về những thứ vô bổ. Kể cả khi không phải lúc nào cũng có thời gian để nghe Pháp, chúng ta vẫn có thể suy niệm về Pháp và điều này chỉ cho ta thấy sức mạnh của những thiên hướng đã tích lũy. Nó nhắc nhở ta không nên lơ là với quyết định ba la mật

Giáo Pháp mà đức Phật đã thuyết giảng mang lại lợi ích thật lớn lao cho tất cả chúng ta. Chúng ta cần suy niệm về Giáo Pháp một cách tỉ mỉ. Nếu ta mong vun bồi trí tuệ và tất cả các hình thái thiện pháp khác, chúng ta không nên lơ là việc biết và hiểu những bất thiện riêng của mình. Nếu không, chúng ta không thể tích lũy các ba la mật quyết định và chân thật.

Nếu ta thấy được hiểm họa và bất lợi của bất thiện, nó có thể làm duyên cho quyết tâm kiên định để vun bồi thiện pháp với mục tiêu tận diệt phiền não, và đó là quyết định ba la mật. Nếu một người không biết đúng bản chất của mình và tưởng rằng mình cao thượng hơn người khác, anh ta đang dính mắc vào những phẩm chất mà anh ta tưởng nhầm là có. Chúng ta đầy rẫy mọi loại bất thiện, dù đang ăn uống, hưởng thụ hay làm những công việc của cuộc sống hàng ngày. Nếu ta không tự biết đúng như mình thực là và tưởng mình là người chân chánh không cần vun bồi thêm thiện pháp, ta không nhận ra rằng mình đang bị bất thiện dẫn dắt.

Khi vun bồi quyết định ba la mật, ta sẽ kiên định trong quyết tâm vun bồi trí tuệ bằng việc nghiên cứu và thực hành Pháp với mục tiêu tận diệt mọi phiền não. Chúng ta cũng cần chân thật ba la mật, và điều này có nghĩa là ta cần chân thành và thẳng thắn trong quyết tâm của mình. Nếu không vun bồi chân thật ba la mật, chúng ta sẽ chao đảo và bị bất thiện đánh bại. Có thể thấy rằng ta cần có một hiểu biết chi tiết và tinh tế về các tâm khác nhau của mình để vun bồi thiện pháp. Chúng ta không nên lơ là việc ấy.

Chúng ta đọc trong Chú giải “Hạnh Tạng” về bốn pháp nền móng, adhitthana dhamma, tức là những pháp là cơ sở cho mọi ba la mật. Những pháp này là: chân thật, xả ly, an tịnh và trí tuệ.

Pháp nền móng chân thật là sự kiên định trong chân thật. Chúng ta có thể tự kiểm chứng xem mình ổn định trong trung thực và chân thành tới mức độ nào.  Ta có thể nhận ra rằng mình không kiên định trong chân thật. Ta cần có hiểu biết tinh tế hơn về bản thân và thấy tính bất lợi của những lời nói và hành động không chân thật. Kể cả với những chuyện vặt vãnh, ta cũng nên biết khi mình rời xa sự thật. Ở những khoảnh khắc ấy, ta bị chế ngự bởi sức mạnh của những phiền não đã tích lũy.

Nếu suy xét và nhận ra bất thiện của mình, ta có thể thấy hiểm họa của những bất thiện đã tích lũy, những thứ làm duyên cho hành vi bất thiện. Chúng ta có thể thấy bất lợi của việc thiếu chân thật và vì vậy nên kiên định hơn trong chân thật. Một người không có phiền não sẽ không nói dối và hành động của người ấy sẽ nhất quát với lời nói và suy nghĩ của mình. Chân thật thấm nhuần trong anh một cách vững vàng. Một người không kiên định trong chân thật không hành động nhất quán với lời nói của mình, bởi sức mạnh của phiền não.

Một số người cho rằng không cần thiết phải đúng hẹn. Ở đây ta thấy rằng tích lũy bất thiện pháp khiến chúng ta không chân thật trong việc giữ lời hứa. Khi mọi người không thấy tầm quan trọng của việc trung thực trong lời nói, đó là một duyên để không tìm kiếm sự thật, thứ cũng bao hàm trong thánh đế. Về việc giữ giới nói lời chân thật, kể cả trẻ em cũng nhận ra khi ai đó hành động không đúng với lời nói. Khi chúng lớn lên, chúng càng ghê sợ những lời hay ho dối trá, những lời nói không chân thật, những lời nói không phải của các bậc Thánh.

Khi một người giữ được sự chân thật trong lời nói, lời nói không xa rời sự thật, người ấy sẽ tiếp tục kiên định trong mọi mặt, kể cả khi mạng sống bị đe dọa. Đây là sự kiên định trong chân thật, saccadiṭṭhāna. Chân thật cần thấm nhuần vững vàng để chúng ta có thể đạt được tới bờ bên kia, tức là niết bàn.

Pháp nền móng thứ hai là kiên định trong xả ly, cāga, là sự xả ly các phiền não. Xả ly không chỉ là cho đi vật chất vì lợi ích và hạnh phúc của những người khác, chẳng hạn như bố thí. Nó còn là sự xả ly các phiền não, và điều ấy lợi lạc cho bản thân. Khi chúng ta bố thí vật chất cho những người khác, ta cũng cần tác ý xả bỏ phiền não của mình. Chúng ta cần suy xét xem liệu hành động và lời nói của mình có được thúc đẩy bởi tâm thiện, chúng ta không nên bố thí với mong đợi nhận được sự đền đáp. Tham ái (lobha) là đối nghịch, là kẻ thù của mọi ba la mật. Khi có tham, khi ta mong đạt được cái gì đó, hay khi mong đợi sự đền đáp từ việc làm tốt của mình, điều ấy đối lập với vun bồi ba la mật. Vì vậy, chúng ta chỉ nên bố thí theo cách để sự kiên định trong xả ly phiền não của ta có thể lớn mạnh. Khi bố thí, ta không nên mong đợi đáp trả, và hơn nữa, ta không nên cho việc bố thí là tẻ nhạt, chúng ta không nên bố thí mà không hoan hỉ và với tâm quảng đại, chúng ta nên bố thí hết lòng. Chúng ta cần có hiểu biết tinh tế và tỉ mỉ về tâm mình, nếu không phiền não sẽ không thể được tận diệt. Khi chúng ta thấy sự quảng đại của một người khác, ta có thể tùy hỷ với việc làm của người ấy. Ta cần nhớ rằng tha thứ là một loại bố thí, bởi lẽ ta mong muốn một người khác được thoát khỏi ác cảm hay hiểm nguy. Như vậy, bố thí không chỉ là cho đi của cải vật chất. Có thể có tâm thanh tịnh khi ta tác ý hỗ trợ người khác bằng bố thí cúng dường và giúp người ấy thoát khỏi tổn hại. Ở những thời điểm như vậy, ta có thể tùy hỉ với việc bố thí và đồng thời từ bỏ phiền não của mình.

Ta đọc trong Chú giải “Hạnh Tạng” rằng đức Bồ tát cần có mong ước, khát vọng mạnh mẽ để trở thành đức Phật Chánh đẳng Chánh giác. Chúng ta đọc trong “Tiểu Bộ Kinh”:

“Nhiệt tâm mãnh liệt (chandatā): nhiệt tâm thiện lành, mong mỏi thành tựu. Người có những phẩm chất nói trên phải có khát vọng, mong mỏi, và nguyện ước hành trì các phẩm hạnh đưa đến Phật quả. Chỉ khi ấy ước nguyện của người ấy mới thành tựu, nếu không thì không thể.”

Ẩn dụ sau đây minh họa tầm mức của khát vọng cần có:

Nếu vị ấy nghe rằng: “Vị Bồ-tát muốn thành tựu ước nguyện thành bậc Chánh giác, dù khắp thế gian này toàn là nước, vị ấy phải vượt qua đó bằng chính cánh tay của mình để sang bờ bên kia”. Vị ấy không cho rằng điều ấy là khó, mà còn tràn đầy mong muốn làm được điều đó với ý chí mạnh mẽ, không bị lung lay. Nếu vị ấy nghe rằng: “Vị Bồ-tát muốn thành tựu ước nguyện thành bậc Chánh giác, là người dù phải đi khắp thế gian, toàn là lửa than hồng nóng rực bằng chính đôi chân trần, để đến bờ bên kia”. Vị ấy không cho rằng điều ấy là khó, mà còn tràn đầy mong muốn làm được điều đó với ý chí mạnh mẽ, không bị lung lay. 

Vị ấy không bị nhụt chí, vị ấy không tỏ một chút khó khăn nào khi nghe: Vị Bồ-tát muốn thành tựu ước nguyện thành bậc Chánh giác, dù khắp thế gian này toàn là nước, vị ấy phải vượt qua đó bằng chính cánh tay của mình”. Ngài tràn ngập hoan hỷ và quyết tâm đạt Phật quả. Chúng ta đọc:
Nếu vị ấy nghe rằng: “Vị Bồ-tát muốn thành tựu ước nguyện thành bậc Chánh giác, là người phải đi khắp thế gian này, nơi đã trở thành một khu rừng với những dây leo đầy gai, với bụi cây tre cứng, để vượt qua bờ bên kia”. Vị ấy không cho rằng điều ấy là khó, mà còn tràn đầy mong muốn làm được điều đó với ý chí mạnh mẽ, không bị lung lay.
Nếu vị ấy nghe rằng: “Vị Bồ-tát muốn thành tựu ước nguyện thành bậc Chánh giác, là người phải chịu hành hình trong địa ngục suốt 4 A-tăng-kỳ kiếp và 100.000 kiếp trái đất”. Vị ấy không cho rằng điều ấy là khó, mà còn tràn đầy mong muốn làm được điều đó với ý chí mạnh mẽ, không bị lung lay.
  Đó là tầm mức cần có của khát vọng.”

Đức Bồ tát đã nghĩ rằng mình có thể đạt tới điều ấy, nhưng sự quyết tâm của ngài chưa đủ mạnh; ngài cần tiếp tục tích lũy trí tuệ sâu sắc và tinh tế để các phẩm chất cao thượng của ngài có thể đạt tới độ hoàn mãn. Khi ngài tới gặp đức Phật Chánh đẳng giác và các phẩm chất của ngài đã viên mãn tới độ có thể phát nguyện đạt Phật quả, ngài bắt đầu phát nguyện về tích lũy ba la mật.

Chúng ta có thể thấy rằng thật vô cùng khó để có thể tích lũy các ba la mật đưa tới sự giác ngộ trí tuệ tối thượng của đức Phật. Khi ngài xuyên thấu sự thật về các pháp sinh diệt trong khoảnh khắc hiện tại, ngài đã tận diệt hoàn toàn phiền não và thành tựu Chánh Đẳng Giác.

Người có ước nguyện tối thượng trở thành đức Phật chánh đẳng giác cần có tám điều kiện: phải là người, phải là người nam, phải có nhân, phải gặp được bậc Đạo sư (một vị Phật chánh đẳng giác), phải là người xuất gia, phải đắc pháp thượng nhân (ở đây không đề cập tới pháp siêu thế –ND), phải có tâm tín thành tột đỉnh, phải có nhiệt tâm mãnh liệt (chandatā).

Về điều kiện đầu tiên, phải là người, đây là điều kiện cần thiết cho sự thành tựu ước nguyện của ngài

Về điều kiện thứ hai, phải là người nam; người nữ không thể trở thành một vị Phật.

Về điều kiện thứ ba, phải có nhân, và điều này có nghĩa là trong kiếp ngài phát nguyện Chánh Đẳng giác, ngài phải có những thường cận y duyên.5

Về điều kiện thứ tư, gặp được bậc Đạo sư, ngài cần sự hiện diện của một bậc Chánh đẳng giác. Ước nguyện của ngài chỉ thành tựu khi được phát ra trong sự hiện diện của một đức Phật sống, không phải sau khi ngài đã tịch diệt. Ước nguyện của ngài sẽ không thành tựu khi được phát ra ở dưới cội bồ đề, trước bảo tháp, trước tượng Phật, trong sự hiện diện của một vị Phật độc giác hay các Thanh văn đệ tử của đức Phật. Phát nguyện chỉ thành tựu khi nó được phát ra trong sự hiện diện của một đức Phật chánh đẳng giác. Chừng nào ngài còn chưa trực tiếp diện kiến một vị Phật, năng lực cần có để thọ ký cho tâm nguyện của ngài vẫn còn thiếu.

Về điều kiện thứ năm, phải là người xuất gia, ngài phải là người đã xuất gia, là một ẩn sĩ hay một tỳ kheo tin vào nghiệp và quả của nghiệp. Phát nguyện của ngài sẽ không thành tựu khi là một cư sĩ. Ở thời điểm ngài phát nguyện trở thành một đức Phật chánh đẳng giác, ngài phải trong địa vị xuất gia, bởi quyết tâm của một vị tỳ kheo mãnh liệt hơn nơi người cư sĩ.

Về điều kiện thứ sáu, phải đắc pháp thượng nhân, chúng ta đọc trong Chú giải cho “Hạnh tạng” như sau:

Đắc pháp thượng nhân (gunasampatti): là sự chứng đắc các pháp thượng nhân như là thắng trí (abhiññā) v.v. Bởi ước nguyện sẽ chỉ thành tựu khi được phát ra bởi một người đã xuất gia và chứng được bát thiền và ngũ thông; nó sẽ không thể thành tựu nếu thiếu những chứng đắc này. Vì sao?

Bởi người không có những chứng đắc ấy sẽ không thể thẩm sát các ba la mật. Chính bởi có các thường cận y duyên và thắng trí mà sau khi đã phát nguyện, bậc Vỹ nhân có thể tự mình thẩm sát về các ba la mật.”

Về điều kiện thứ bảy, tâm nguyện tột đỉnh, chúng ta đọc:

Tâm nguyện tột đỉnh (adhikāra): tín thành tột đỉnh. Phát nguyện chỉ có thể thành tựu với người có những phẩm chất đã nói trên và ở thời điểm ấy có lòng tín thành mãnh liệt với các vị Phật tới mức sẵn sàng xả ly cả mạng sống của mình cho các ngài.”

Trong kiếp sống của Bồ tát là ẩn sĩ Sumedha, mọi người dọn đường cho đức Phật Dīpaṅkara, nhưng vì họ chưa sẵn sàng, Sumedha đã lao mình xuống đất để đức Phật có thể bước lên người mình thay cho đi trong bùn đất.

Về điều kiện thứ tám, ta đọc:

“Nhiệt tâm mãnh liệt (chandatā): nhiệt tâm thiện lành, mong mỏi thành tựu. Người có những phẩm chất đã nói trên phải có khát vọng, mong mỏi, nguyện ước thực hành các phẩm hạnh đưa đến Phật quả. Chỉ khi ấy ước nguyện của người ấy mới thành tựu, nếu không thì không thể.”

Điều này cho chúng ta thấy được tâm đại bi của đức Phật. Nhờ tâm đại bi của ngài mà chúng ta vẫn còn cơ hội nghe Pháp hôm nay. Chúng ta đọc tiếp về ước nguyện của đức Bồ tát người hội đủ tám điều kiện này:

“Đặc tính của nó là quyết tâm chân chánh đạt giác ngộ tối thượng.

Chức năng của nó là mong mỏi, ‘Ôi, nguyện cho ta giác ngộ chánh đẳng giác, và đưa tới an lạc hạnh phúc cho mọi chúng sinh.’ Biểu hiện của nó là nhân duyên căn bản cho các pháp trợ đạo. Cận nhân của nó là tâm đại bi, hay sự thành tựu của các thường cận y duyên. Vì đối tượng của nó là lãnh địa bất khả tư lường của các chư Phật và sự an lạc của toàn bộ vô lượng chúng sinh, nó phải được coi là phước lành cao thượng, tuyệt hảo và vĩ đại nhất, chứa chất năng lực vô lượng, nhân duyên căn bản của mọi phẩm hạnh đưa tới Phật quả.  Khi nó khởi sinh cũng là lúc bậc Vỹ nhân bước vào hành trì của cỗ xe đại giác, mahābodhiyānapaṭipatti. Chặng đường của ngài đã được xác định, không thể quay ngược, và vì thế xứng đáng được nhận danh hiệu “Bồ tát” (bodhisattva). Tâm của ngài được hiến dâng trọn vẹn cho sự giác ngộ toàn hảo, và năng lực thành tựu sự vun bồi các pháp trợ đạo đã được xác định.”

Ở đây ta thấy tâm đại bi của đức Phật dành cho tất cả chúng ta. Chúng ta không cần hoàn tất những nhiệm vụ khó khăn, so với những gì trong kinh điển về vượt qua thế giới nóng bỏng cực điểm, hay rừng rậm đầy gai; chúng ta không cần tích lũy các ba la mật trong khoảng thời gian nhiều như một a tăng kỳ kiếp và một trăm ngàn đại kiếp. Đức Phật, người có những phẩm hạnh tuyệt hảo vô song, trải lòng bi mẫn của ngài tới chúng ta. Ngài đã trở thành một đức Phật Chánh đẳng giác để chúng ta có thể hưởng lợi lạc từ Giáo Pháp mà ngài đã thuyết giảng cho tất cả mọi người. Ngài dạy Giáo Pháp cho chúng ta, chúng ta có thể suy xét và thẩm đinh nó, và đó là duyên cho trí tuệ sinh khởi đưa tới sự tận diệt mọi phiền não và chứng ngộ Tứ Thánh Đế.

Khi chúng ta thấy lợi ích lớn lao của Giáo Pháp mà đức Phật đã dạy do lòng từ bi vô lượng của ngài, chúng ta trở nên khiêm nhường và cung kính. Chúng ta trở thành những người “dễ dạy”, tức là mở lòng với Giáo Pháp, và bằng cách ấy phiền não có thể dần được đoạn diệt.

Pháp nền móng xả ly chỉ sự xả ly các phiền não, nó chỉ tới giới, tới hành xử của ta qua thân và khẩu trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta cần thẩm định xem liệu ta đã tận diệt một số những hành vi sai trái của mình qua thân và khẩu hay chưa, mặc dầu đã được nghe Pháp.

Từ bỏ phiền não trong hành xử của mình là một duyên cho cẩn mực trong hành động và lời nói. Chúng ta có thể nhận thấy điều này nơi người có phong thái dễ mến, nhẹ nhàng và không biểu lộ sân hận; anh ta không khiến người khác bất an bởi vẻ mặt dữ tợn và phong thái cục cằn.

Cẩn mực trong hành xử cần được áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Khi tâm thiện sinh khởi, hành vi của chúng ta thay đổi. Cẩn mực trong lời nói có nghĩa là phải từ bỏ tà ngữ. Một số người thẳng thắn, nhưng điều ấy không có nghĩa là họ nên nói những lời khó nghe hay thiếu cẩn trọng. Khi họ vun bồi thiện nghiệp “Chấn chỉnh tri kiến”, họ có chánh kiến biết được khi nào có bất thiện cần phải từ bỏ. “Chấn chỉnh tri kiến” có thể được tích lũy và trở thành bản chất của ta.

Nếu ta muốn xả ly phiền não, nếu ta muốn có sự kiên định trong xả ly với giới – hành xử của chúng ta qua thân và khẩu, chúng ta cần phòng hộ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý trong cuộc sống hàng ngày. Khi tâm bất thiện sinh khởi, ngũ môn và ý môn không được phòng hộ, còn khi tâm thiện sinh khởi, chúng được phòng hộ. Khi căn mắt không được phòng hộ cẩn thận, nó sẽ cho kết quả là thấy sai và hiểu sai, và vì thế sẽ có thêm rắc rối và khó chịu trong cuộc sống của chúng ta. Chúng ta cũng có thể thấy trong cuộc sống hàng ngày hậu quả của việc không cẩn trọng với căn tai. Chúng ta không thể tránh thường xuyên nghe những lời vô nghĩa, nhưng khi ta cẩn trọng với căn tai, ta không chú ý tới những lời ấy. Ta cần tự biết khi chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi và có sự cẩn trọng hoặc khi không có sự cẩn trọng.

Cũng cần có sự cẩn trọng với căn mũi. Khi ấy ta không mê đắm với những mùi hấp dẫn, ta không dính mắc vào chúng, hay cố kinh nghiệm chúng, và không bị chúng chi phối. Một số người dính mắc vào hương thơm của hoa và luôn cố có thêm kinh nghiệm về những mùi ấy, điều ấy dẫn đến tai họa. Khi ta đã vun bồi sự cẩn trọng với các căn, mọi bất an sẽ dần suy giảm.

Khi ta cẩn trọng với thân, ta sẽ không xen ngang, giễu cợt, chế nhạo những người khác và bất cẩn trong hành xử, ta sẽ không lạm dụng hay hãm hại người khác.

Khi ta cẩn trọng với tâm, ta không lo lắng và bận bịu, ta không nghĩ tới những thứ làm ta đau khổ. Một số người có vẻ ngoài hạnh phúc, nhưng thực chất luôn lo lắng. Nếu họ biết rằng ở những lúc như vậy có tâm bất thiện, họ sẽ không buông theo lo lắng và làm cho mình đau khổ. Họ sẽ không nghĩ tới những chuyện sẽ làm mình tức giận với những người khác, khiến mình ghen tỵ hay ngã mạn. Nếu họ có thể coi mình như miếng vải lau chùi6, họ sẽ có thể phòng hộ các căn mắt, tai, mũi, lưỡi, và thân, và họ sẽ có thể từ bỏ phiền não. Đó là kiên định trong xả ly.

Nếu ta cho đi vì lợi ích và hạnh phúc của người khác nhưng dễ duôi với phiền não của mình, quyết tâm tận diệt phiền não vẫn chưa đủ vững vàng. Nếu không có bốn pháp nền móng là quyết định, chân thật, xả ly, an tịnh và trí tuệ, chúng ta không thể đạt tới bờ bên kia.

Nếu một người thấy được lợi ích của kiên định trong xả ly, cāgadiṭṭhāna – sự đoạn tận phiền não, anh ta cũng có kiên định trong an tịnh, upasamadiṭṭhāna; an tịnh là ly bất thiện pháp. Chúng ta chìm đắm và bị chi phối bởi đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm. An tịnh thực sự là tự do khỏi sự mê đắm với các đối tượng ngũ dục. Chúng ta cũng cần vun bồi ba la mật xuất gia, nekkhamma pāramī, để có thể đạt tới tự do ấy. Kể cả một cư sĩ phật tử cũng có thể dần từ bỏ sự dính mắc vào đối tượng ngũ dục và đời sống hôn nhân. Anh ta có thể là một cư sĩ độc thân vì thấy hiểm họa của các mối ràng buộc mạnh mẽ của đời sống gia đình, giống như một ghánh nặng. Như vậy, thấy lợi ích của xuất gia tạo duyên cho kiên định trong an tịnh.

Khi một người an trú vững vàng trong pháp nền móng an tịnh, nó được tạo duyên bởi pháp nền móng trí tuệ. Paññādiṭṭhāna là pháp nền móng thứ tư. Trí tuệ có thể được tích lũy bằng việc nghe Pháp, suy xét về Pháp và kiểm tra ý nghĩa qua việc đặt các câu hỏi. Bằng cách ấy, ta có thể kiểm chứng đâu là thiện, đâu là bất thiện, đâu là sai, đâu là đúng, và chúng ta có thể hiểu nghiệp và quả của nghiệp là gì. Khi chúng ta nghe Pháp, chúng ta có thể thẩm định bản chất của các thực tại là nhân và các thực tại là quả.

Chúng ta nên tận dụng mọi cơ hội để nghe Pháp trong kiếp sống này. Một số người có thể lơ là việc nghe Pháp, và anh ta có thể nghĩ rằng chỉ cần nghe một hay vài lần là có thể thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Khi ấy lòng quyết tâm của anh ta chưa đủ vững vàng. Anh ta cần vun bồi pháp nền móng trí tuệ thêm nữa, và bằng cách ấy quyết định ba la mật sẽ hoàn mãn hơn. Quyết định ba la mật là một duyên chính yếu cho trí tuệ ba la mật dẫn tới sự chứng đạt bờ bên kia, tức là sự chứng ngộ niết bàn.

Chú thích:

1.Chúng là mười ba la mật. Quyết định về các pháp trợ đạo có nghĩa là có quyết tâm kiên cố nhằm vun bồi mười ba la mật

2.Mười ba la mật cũng có thể được sắp xếp thành ba mươi: mười ba la mật bậc hạ, mười ba la mật bậc trung, mười ba la mật bậc thượng (paramatthapāramī)

3.Tiền thân đức Phật số 538- Mūgapakkha Jātaka

4.Temiya có nghĩa là ướt. Vào ngày ngài ra đời, một cơn mưa lớn đổ xuống làm ướt ngài.

5.Theo một số tài liệu, các thường cận y duyên này là nhân trí tuệ đủ mạnh để có thể làm duyên cho đạo quả A la hán trong kiếp hiện tại (VNdhammahome)

6.Chúng ta đọc trong “Tăng Chi Bộ Kinh” Chương Chín Pháp, Phẩm II “Tiếng Rống Con Sư Tử”, I, “Sau Khi An Cư”, rằng một vị tỳ kheo vu oan ngài Sāriputta, nhưng ngài không sân hận. Ngài so mình với một tấm vải lau chùi có thể chùi bất cứ thứ gì, sạch sẽ hay nhơ nhúa, nhưng không bị ghê tởm. Ngài nói với đức Phật: “Cũng vậy, bạch Thế Tôn, con an trú với tâm như miếng vải lau chùi, rộng rãi, rộng lớn, vô lượng, không hận, không sân…”

Leave a Reply

Translate »