Chương 7
Chân Thật Ba la mật
Chú giải “Hạnh tạng” định nghĩa chân thật ba la mật như sau:
Chân thật có đặc tính không dối trá trong lời nói; chức năng/phận sự của chân thật là kiểm chứng trung thực với thực tế; biểu hiện/thành tựu của chân thật là cao quý; cận nhân của nó là trung thực.
Chân thật ba la mật, sacca pāramī là sự chân thành và trung thực với các pháp chân đế. Nó có nghĩa là sự chân thực qua thân, khẩu và ý. Để chứng ngộ Tứ Thánh Đế, ta cần trung thực, chân thành với bản thân mình, và điều này có nghĩa là trung thực với các pháp hiện khởi như chúng là.Thiện pháp là thiện pháp, và bất thiện pháp là bất thiện pháp; chúng không thể khác đi, bất kể sinh khởi nơi mình hay người khác.
Nếu ta thấy bất lợi của việc không trung thực và giả dối, ta sẽ vun bồi chân thật ba la mật thêm nữa. Trong Tam tạng, lời nói giả dối được so sánh với cháo đỗ1, bởi khi ta nấu cháo đỗ, một số hạt chín trong khi một số còn bị sượng. Khi ăn, đôi khi ta nhai phải những hạt còn cứng, những hạt bị sượng. Cũng như vậy với lời nói: khi một người nói nhiều thứ khác nhau, một số lời nói giả dối có thể xen vào. Hoặc cũng có thể mọi thứ người ấy nói đều đúng từ đầu đến cuối. Chỉ tự chúng ta mới có thể biết khi nào mình trung thực và khi nào không. Chính trí tuệ là thứ biết được bất thiện là bất thiện. Chúng ta có thể bắt đầu thấy rằng bất thiện là xấu xí, là sai trái. Trí tuệ ở mức độ cao có thể tận diệt bất thiện. Tuy nhiên, nếu ta không thấy được bất lợi và hiểm họa của các pháp bất thiện, bất thiện pháp sẽ càng tăng trưởng. Chứng ngộ Tứ Thánh Đế dẫn đến đoạn diệt các phiền não, nhưng để có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế, ta cần trung thực trong hành động, lời nói và suy nghĩ.
Các pháp bất thiện sinh khởi bởi các duyên tương ứng. Nếu chánh niệm sinh khởi, ở những khoảnh khắc đó, nó có thể hay biết các đặc tính của bất thiện pháp và bằng cách ấy, bất thiện có thể được từ bỏ. Ta không nên trì hoãn hay biết các đặc tính của pháp đang xuất hiện một cách tự nhiên để nó có thể được biết như nó thực là. Khi bất thiện pháp sinh khởi và có chánh niệm về nó, nó có thể được từ bỏ ngay lập tức.
Chúng ta có rất nhiều phiền não, nếu không có sự trợ duyên của các ba la mật, ta sẽ không thể xuyên thấu Tứ Thánh Đế để trở thành bậc Thánh Dự lưu, sotāpanna, người sẽ không còn tái sinh quá bảy lần trước khi đắc A la hán.
Bản thân ngài Sāriputta (Xá Lợi Phất), người có trí tuệ ở mức độ của một Đại Đệ tử, đã phải vun bồi các ba la mật trong một a tăng kỳ kiếp và một trăm ngàn đại kiếp để có thể trở thành một bậc Thánh Dự lưu. Vì đã tích lũy các ba la mật trong một khoảng thời gian thật dài, ngài đã có thể đắc A la hán sau mười lăm ngày kể từ khi đắc Dự lưu. Chân thật Ba la mật là sự trung thực hay chân thành trong vun bồi thiện pháp, với mục đích đoạn diệt phiền não. Nếu không trung thực với vun bồi thiện pháp, phiền não không thể được tận diệt.
Trung thực trong vun bồi thiện pháp với mục tiêu tận diệt phiền não bắt đầu với sự trung thực đối với Tam Bảo. Ta phải thật thà và trung thực với bản thân khi suy xét về cách thức bày tỏ lòng tôn kính, trọng vọng và tín tâm nơi Tam Bảo. Chúng ta có chân thành tôn kính và tín tâm nơi đức Phật khi ta thấy một bức tượng Phật hay không?
Chúng ta có thể kiểm chứng sự chân thành của mình với Tam Bảo, nếu ta hay biết những suy nghĩ của mình khi nhìn thấy một bức tượng Phật. Chúng ta có thành tâm quy y Tam Bảo hay không? Chúng ta có nghĩ đến các ơn đức của đức Phật với lòng tôn kính, trọng vọng và trân quý. Hay là khi thấy một tượng Phật, ta cầu xin được phù hộ, tài sản, tiếng tăm hoặc địa vị?
Chúng ta cần tự biết bản thân mình một cách chân thật. Chúng ta nên trung thực, và không nên cầu xin lợi lộc hay ân huệ. Chúng ta cần tác ý áp dụng Giáo Pháp trong khi đảnh lễ bậc Đạo sư của chúng ta, đấng Thế tôn. Chúng ta có thể trung thực trong việc áp dụng Giáo Pháp như đức Phật đã dạy. Bằng cách ấy ta thực sự quy y Tam Bảo.
Sau khi đức Phật, đấng Thế Tôn, đã nhập diệt, Giáo Pháp trở thành bậc đạo sư thay cho Ngài. Chân thật với Pháp có nghĩa là tìm hiểu nó một cách chân thành, với mục đích có được hiểu biết đúng về nó. Chúng ta không nên nghiên cứu Pháp với mục đích đạt được gì đó, để có danh vọng hay tiếng tăm, mà chỉ để có hiểu biết đúng về nó. Chúng ta cần phát triển hiểu biết đúng về các pháp chân đế hiện khởi để phiền não có thể được tận diệt và vô minh được đoạn trừ.
Chùa chiền là nơi cư ngụ, là chỗ để ta có thể nghe và nghiên cứu Pháp. Chùa chiền không thuộc về các nhà sư, mà thuộc về Tam Bảo. Nhờ có tín tâm nơi ơn đức của Tam Bảo mà người ta đã xây dựng chùa chiền để làm nơi cư ngụ, nơi mọi người có thể tìm hiểu Giáo Pháp. Chúng ta cần luôn suy xét về những cách thức thể hiện lòng tôn kính Tam Bảo một cách hữu ích nhất.
Chúng ta đọc trong “Soi Sáng Chân Đế Nghĩa”, chú giải của Tiểu Tụng thuộc Tiểu Bộ Kinh, trong phần chú giải cho “Hạnh Phúc Kinh” về kỳ kết tập Tam Tạng thứ nhất. Ta đọc rằng đại đức Mahā-Kassapa, đại đức Upāli, đại đức Ānanda và các vị A la hán khác, năm trăm tỳ kheo cả thảy đã tập hợp để kết tập Pháp và Luật lần thứ nhất gần cửa động Sattapaṇṇi, trên sườn ngọn núi Vebhāra, tại Rājagaha (Vương xá). Ta đọc rằng khi một số chư thiên thấy ngài Ānanda ngồi trên ghế tuyên đọc Chánh Pháp, bao quanh bởi các chư vị đã làm chủ Pháp ấy, họ khởi suy nghĩ sau:
“‘Vị đại đức này, ẩn sĩ xứ Videhan, là người thừa tự máu mủ của đức Thế tôn vì là mầm mống của dòng họ Thích ca, và đã năm lần được tán tụng là bậc đa-văn-đệ-nhất, và có Bốn Ý Tuyệt Vời và Vi Diệu khiến ngài khả ái và quý giá với tứ chúng2; chắc chắn là, sau khi đã kế thừa Chân Pháp từ đức Thế Tôn, ngài đã trở thành bậc Giác Ngộ.’ Biết được tâm ý của các vị thiên ấy bằng tâm mình, ngài không để mặc cho những phẩm hạnh không tồn tại được gán cho bản thân. Vì thế, để chỉ ra tư cách đệ tử của mình, ngài nói: ‘Evaṃ me sutaṃ. Ekaṃ samayaṃ bhagavā Sāvatthiyaṃ viharati Jetavane Anāthapiṇḍikassa ārāme…’, có nghĩa là ‘Như vầy tôi nghe. Một thời Thế tôn ngự tại Sāvatthī, Jetavana (Kỳ viên Tịnh xá), vườn của ông Anāthapiṇḍika (Cấp Cô Độc)… ”
Những lời này được nói ra bởi đại đức Ānanda hơn hai ngàn năm trăm năm trước. Hôm nay, chỉ nghe câu, “Như vầy tôi nghe”, chúng ta đã xúc động khi nghĩ về đại đức Ānanda, người vào dịp kết tập Tam Tạng lần thứ nhất đã làm rõ rằng ngài chỉ là một đệ tử. Chính vì vậy ngài nói, “Như vầy tôi nghe.” Ngài không nói những lời của chính mình, bởi ngài không phải là Thế tôn. Ngài chỉ là đệ tử và đã được nghe những lời này từ đức Thế tôn. Khi các Phật tử nghe câu “Như vầy tôi nghe”, mặc dầu hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua, họ vẫn thấy nhiệt huyết và hân hoan sinh khởi, bởi họ lại có dịp được nghe những lời ấy. Nhờ thế họ có thể suy xét về những lời dạy của đức Phật khi ngài ngự ở Kỳ viên tịnh xá hoặc ở các nơi khác.
Chúng ta đọc tiếp:
“Trong lúc năm trăm vị A la hán và nhiều ngàn chư thiên tán thán đại đức Ānanda bằng câu ‘Lành thay, lành thay’, trong khi mặt đất rung động mạnh cùng với một cơn mưa các loài hoa khác nhau rơi xuống từ trên trời và nhiều điều kỳ thú khác xảy ra, một trạng thái khẩn cấp tu niệm sinh khởi nơi các chư thiên với ý nghĩ ‘Những gì chúng ta đã được nghe khi còn sự hiện diện của đức Thế tôn giờ được nhắc lại khi ngài không còn hiện hữu!’”
Đức Phật đã nhập diệt và các vị A la hán hiện diện tại kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất đã được nghe những lời dạy ấy từ trước. Tuy nhiên, mặc dầu những lời được nghe lại đó đã từng được nói ra trong quá khứ, và cũng không còn được nghe trong sự hiện diện của chính đức Thế tôn, tuy nhiên khi ấy vẫn là cơ hội để lại được nghe Pháp. Sự việc này có thể được tất cả người nghe Pháp ngày nay suy niệm với niềm tôn kính Tam Bảo. Mặc dầu những sự kiện ấy đã xảy ra từ rất lâu, mỗi khi nghe Pháp, ta có thể thấy lợi lạc của Pháp và có thể hiểu rằng chính tích lũy của thiện pháp trong quá khứ là duyên cho tâm quả thiện được nghe Pháp trở lại trong kiếp này.
Ngài Ānanda an ủi những người thất vọng vì không được tận mắt thấy đức Thế tôn, bảo đảm với họ rằng đây không phải là lời dạy của một bậc thầy quá cố, mà rằng chính Pháp và Luật (Dhamma Vinaya) là thầy của họ.
Bằng câu ‘Như vầy tôi nghe’, đại đức Ānanda muốn an ủi các Phật tử tương lai, những người có thể buồn bã rằng họ không được tận mắt thấy đức Phật. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng những gì ta nghe không phải là Giáo lý của một vị thầy quá cố, mà chính Pháp và Luật là thầy của chúng ta.
Chúng ta sẽ biết liệu đức Phật có phải là vị thầy thực sự của mình nếu ta nghe, suy xét và theo sự thực hành đúng.
Khi đại đức Ānanda nói câu ‘Evaṃ me sutaṃ’, có nghĩa là ‘Như vầy’, ngài đã chứng tỏ sự tuyệt hảo của Giáo lý, bởi cần có một người giảng và một người nghe. Nếu không có đạo sư sẽ không thể có thính giả.
Chỉ bằng từ ‘evaṃ’- như vầy, ngài đã chứng tỏ sự tuyệt hảo của người đệ tử. Đệ tử này chính là đại đức Ānanda chứ không phải ai khác. Đại đức Ānanda, người đã năm lần được tán tụng là Đa-văn-đệ-nhất, nói, ‘như vầy tôi nghe’.
Khi ngài nói ‘ekaṃ samayaṃ’ – một thời, ngài đã chứng tỏ sự tuyệt hảo của thời điểm, thời điểm ngài được nghe thuyết Pháp.
Chúng ta cần nhớ rằng, thời điểm tuyệt hảo để nghe Pháp là lúc này. Không dễ tìm được cơ hội nghe Pháp. Khi mọi người có những việc quan trọng cần hoàn thành, họ không thể nghe Pháp mà nghe những thứ khác. Với các từ ‘một thời’, đại đức Ānanda đã chỉ ra sự tuyệt hảo của thời điểm nghe Giáo Pháp.
Khi ngài nói từ ‘Bhagavā’ – Thế tôn, ngài đã chỉ ra sự tuyệt hảo của bậc Đạo sư, người không phải là kẻ tầm thường. Thế tôn, bậc A la hán Chánh đẳng giác là người dạy Giáo Pháp.
Với các từ ‘tại Sāvatthī’, ở Kỳ viên tịnh xá, vườn của ông Cấp Cô Độc’, vị đại đức Trưởng lão đã chỉ ra sự hộ độ của các đệ tử cư sĩ của đức Phật khi nhắc đến Sāvatthī, và ngài đã chỉ ra sự hỗ trợ của các vị tỳ kheo khi nhắc tới Kỳ viên Tịnh xá.”
Chúng ta đọc trong “Paramatthadīpanī”, chú giải Kinh “Phật thuyết như vậy” (Itivuttaka), Tiểu Bộ Kinh, chú giải cho Tập Một Pháp, chương 1, §1, “Kinh Tham” (Lobha Sutta), về diễn giải các từ “A la hán” và “Thế tôn”. Chúng ta đọc về bốn pháp quyết định, các pháp là nền móng vững chắc của mọi ba la mật. Chúng ta đọc rằng các pháp quyết định là: chân thật (sacca), xả ly (cāga), an tịnh (upasama) và trí tuệ (paññā)3.
Chân thật (sacca) là chân thật với sự vun bồi trí tuệ với mục đích liễu ngộ Tứ Thánh Đế. Chúng ta đọc trong Chú giải cho “Kinh Tham”:
“Từ A la hán (arahaṃ) có nghĩa là cần có sự chân thật, sacca, với sự phát triển thiện pháp…
Từ thế tôn (bhagavā) nói đến sự hoàn mãn của các quyết định pháp chân thật và xả ly.”
Như vậy, nếu chân thật và xả ly không được thiết lập vững vàng, Tứ Thánh Đế không thể được liễu ngộ. Chúng ta đọc:
“Từ ‘thế tôn’ chỉ đến sự hoàn mãn của các pháp chân thật và xả ly, bằng việc thuyết giảng về sự chân thật của lời phát nguyện (paṭiññā) của đức Thế tôn, sự chân thật trong lời nói của ngài và sự chân thật của trí tuệ của ngài; và bằng việc thuyết giảng về sự xả ly các đối tượng ngũ dục vốn được coi là quan trọng bởi thế gian, chẳng hạn như lợi dưỡng, danh dự và tiếng thơm, và về sự xả ly hoàn toàn các hành (abhisaṅkhāra4), có nghĩa là không còn phiền não dư sót.”
Xả ly (cāga) không chỉ nói đến sự từ bỏ của cải, mà cũng nói đến sự từ bỏ các đối tượng ngũ dục, chẳng hạn như đối tượng vị giác và xúc chạm. Ngoài những thứ ấy, nó cũng ám chỉ sự xả ly những gì được thế gian coi là quan trọng: lợi dưỡng, danh dự và tiếng thơm. Hơn thế nữa, nó chỉ tới sự xả ly khỏi mọi phiền não. Xả ly thực sự là xả ly mọi thứ, kể cả phiền não. Từ ngay điểm đầu, ta cũng cần có chân thật làm nền móng vững chắc để phiền não có thể được tận diệt. Chúng ta nghe Pháp, hiểu Pháp và biết rằng mình vẫn còn có rất nhiều phiền não. Vì vậy, ta cần tiếp tục vun bồi và tích lũy mọi ba la mật để có thể liễu ngộ Tứ Thánh Đế và đạt được sự xả ly thực sự.
Chúng ta đọc tiếp:
“Từ arahattā nói đến sự hoàn mãn của các quyết định pháp (các pháp làm nền móng vững chắc) an tịnh và trí tuệ, bằng việc chỉ ra sự thành tựu trong việc làm an tịnh tất cả các pháp hữu vi, và bằng việc chỉ ra sự thành tựu trí tuệ giác ngộ.”
Chúng ta đọc về tầm quan trọng của chân thật như sau:
“Vì vậy, chân thật quyết định pháp là ba la mật được vun bồi bởi đức Phật khi ngài vẫn còn là một Bồ tát và đã phát nguyện (abhinihāra) thành tựu thiện pháp tối thượng siêu thế.”
Phát nguyện là một nhân trọng yếu của một quả trọng yếu, và đó là sự thành tựu Chánh đẳng giác.
Chúng ta đọc:
“Vì lẽ này, ngài đã tích lũy từng ba la mật tương ứng với phát nguyện của mình, được thúc đẩy bởi tâm đại bi. Ngài đã làm viên mãn xả ly quyết định pháp với tư cách ba la mật, bởi ngài xả ly cái là một kẻ thù.5”
Nghiên cứu Giáo Pháp và áp dụng Pháp, và biết được tầm quan trọng của sự thật là con đường đưa đến sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế.
Trong Kinh “Cảm hứng ngữ” (Udāna), chương I, số 9, Tóc bện (Jaṭila), có thuyết rằng nếu ta không tích lũy chánh niệm-tỉnh giác, ta sẽ trở nên si mờ. Chúng ta đọc:
“Như vầy tôi nghe:
Một thời Thế Tôn trú ở Gayà, tại Gayasisa. Lúc bấy giờ, nhiều kẻ bện tóc, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám6, trong thời tuyết rơi, đang lặn xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: “Với hành động này, được thanh tịnh “.
Thế Tôn thấy nhiều kẻ bện tóc ấy, trong những đêm gió lạnh mùa đông, giữa những ngày mồng tám, trong thời tuyết rơi, đang lặn xuống và nổi lên trong nước, làm việc lặn xuống nổi lên, tưới nước và tế lửa, nghĩ rằng: “Với hành động này, được thanh tịnh “.
Thế Tôn sau khi hiểu biết ý nghĩa này, ngay trong lúc ấy, nói lên lời cảm hứng này:
Thanh tịnh không do nước,
Ở đây nhiều người tắm,
Trong ai có chân thật,
Lại thêm có Chánh pháp,
Người ấy là Thanh tịnh,
Người ấy là Phạm chí.”
Chúng ta đọc trong “Paramatthadīpanī”, chú giải cho “Cảm Ứng Ngữ”, đoạn cắt nghĩa sau về bài kinh này7:
“…Hoặc giả không ai là người thanh tịnh, không chúng sinh nào được coi là thanh tịnh khỏi vết nhơ của ác nghiệp nhờ nước như nói trên. Vì sao? Hoặc nhiều người sẽ tắm ở đó. Vì nếu như thực có cái được gọi là thanh tịnh khỏi ác nghiệp bằng việc ngụp xuống nước v.v…như nói trên, nhiều người sẽ tắm nước ở đây, như thể sẽ có sự thanh tịnh khỏi ác nghiệp cho tất cả bọn họ – cho người tạo nghiệp ác như giết cha mẹ v.v…, cũng như cho tất cả các chúng sinh khác, kể cả con cá hay con rùa, con bò, con trâu v.v…; nhưng không phải vậy. Tại sao? Bởi vì tắm không phải là đối trị của gốc rễ của bất thiện. Bởi chắc chắn (một thứ chỉ có thể được coi là) đối trị với cái phá hủy, như ánh sáng với bóng tối, và trí với si, tắm không phải là đối trị của ác nghiệp. Vì vậy, cần phải rút ra kết luận rằng “Không có thanh tịnh nhờ nước.’ Sau đó ngài nói ‘Trong ai có chân thật’ và v.v cũng chỉ nhằm chỉ ra phương tiện qua đó có sự thanh tịnh. Ở đây, trong ai (yaṃhi): trong người nào. Có chân thật (saccaṃ): cả việc nói sự thật và tránh (nói sai sự thật). Hoặc là có chân lý (saccaṃ): cả chân lý dưới dạng trí và chân lý theo nghĩa tối thượng8. Pháp (dhammo): Pháp dưới dạng các Thánh đạo và Pháp dưới dạng quả của các Thánh đạo ấy; nơi người trong đó tất cả những điều này được tìm thấy – đó là người thanh tịnh và là bà la môn (so suci so ca brāmaṇo): bậc thánh nhân ấy, đặc biệt là các bậc lậu tận, là người trong sạch và là Bà la môn qua sự thanh tịnh vĩnh viễn. Nhưng tại sao, trong mối liên hệ này, chân lý được kể riêng rẽ với Pháp? Là do bởi tính phụng sự lớn lao của chân lý. Chẳng hạn, phẩm hạnh của chân lý được thể hiện trong vô số đoạn kinh.”
Sau đó Chú giải tham chiếu tới các đoạn kinh:
“Chân lý thực sự là từ Bất tử. Chắc chắn, chân lý là vị ngọt nhất trong các vị. Thiện pháp được thiết lập chính trong chân lý, trong mục đích và trong Pháp. Các ẩn sĩ bà la môn an trú trong chân lý và v.v. Lời thuyết của chân lý được làm hiển lộ bằng cách là ‘với người phạm giới, người nói dối, người không làm một điều phải nào’ và ‘người nói điều không thực xảy ra đi địa ngục’ và v.v”
Chân thật ba la mật cần được vun bồi với trí tuệ để Tứ Thánh Đế có thể được tận diệt. Ta cần dũng cảm để có thể cẩn trọng và lập tức quay lưng với bất thiện. Nếu ta quá chậm trễ trong việc quay lưng với bất thiện, về sau sẽ còn khó hơn, thậm chí là quá muộn để làm vậy, điều hẳn đã xảy ra kiếp này sau kiếp khác.
Ta đọc trong Chú giải cho Kinh “Phật thuyết như vậy” (Itivuttaka), Phần I, Chương I, §1, Kinh Tham, bài kinh đã được trích dẫn ở trên:
“Trung tín với đức Phật là trung tín với niềm tin kiên cố. Bởi lẽ một người với niềm tin ấy, dù là một tỳ kheo, một chư thiên, ma vương hay Phạm thiên, sẽ không thể trộm cắp. Một người kiên định trong lòng trung tín của mình sẽ không từ bỏ niềm tin nơi đức Phật hay đức Pháp, kể cả khi mạng sống của vị ấy lâm nguy. Vì vậy, đức Phật nói rằng một người có trí tuệ và tri ân là một người bạn quý kiên định trong trung tín.”
Lòng trung thành với những người không phải đức Phật có thể ở những mức độ khác nhau và có thể hạn chế: nó có thể tồn tại lâu dài hoặc có thể chỉ trong một khoảnh khắc.Tuy nhiên, lòng trung thành của các Phật tử đối với đức Phật là mãi mãi, cho tới cuối cuộc đời. Từ khi còn thơ ấu cho đến khi trưởng thành, có thể từ sáng tới tối ta nghe tụng kinh suy niệm về các ơn đức Tam Bảo. Điều này khiến ta nhận ra sự tuyệt hảo của tính chân thật của đức Phật trong sự vun bồi các ba la mật nhằm xuyên thấu Tứ Thánh Đế và trở thành điểm tựa không thước nào đo được cho mọi chúng sinh, chư thiên và loài người.
Chúng ta đọc trong Chú giải cho Kinh “Phật Thuyết Như Vậy”:
“Đức Phật được gọi là Thế tôn bởi mọi người kiên định trong lòng trung tín của họ với ngài, bởi ngài luôn mong muốn điều lợi lạc cho tất cả chúng sinh trên thế gian, và với lòng từ lớn lao đã quyết định thuyết Pháp. Ngài thuyết Pháp để tất cả chúng sinh có thể có được sự kiên định trong giới, trong định – là sự an tịnh ly bất thiện pháp, và trong tuệ. Các đệ tử Phật, cả tỳ kheo và cư sĩ cần chân thật trong lòng trung tín của họ với đức Phật, và họ có thể thể hiện điều ấy qua việc cúng dường, chẳng hạn như hoa, hương, phấn thơm và những thứ khác giúp họ tôn vinh ngài.”
Chúng ta có thể hiểu rằng đức Phật, người trung thực, chân thành và mong muốn an lạc cho mọi chúng sinh trên thế giới, là người đã tận diệt mọi phiền não. Mọi người có thể thấy lòng từ lớn lao và trí tuệ của ngài, và vì lý do này lòng trung thành của họ với đức Phật, bậc Thế tôn, vượt lên trên sự trung thành của họ với bất kỳ ai.
Chúng ta đọc trong Chú giải cho “Hạnh Tạng”, Tiểu Bộ Kinh như sau:
“Chỉ người có trí mới thuần thục trong việc tạo an lạc cho mọi chúng sinh…
Không lừa dối, hành động trợ giúp người khác và không nói những lời sai sự thật,đó được gọi là hành trì với chân thật.”
Đây là hành trì của bậc Chánh đẳng giác, của đức Thế tôn. Đây là sự thuần thục trong việc đem an lạc tới cho mọi chúng sinh, bằng cách chỉ cho họ con đường tận diệt tham ái. Ngài chỉ ra hiểm họa của bất thiện và giải thích con đường phát triển thiện pháp. Ngài không lừa dối mà cố gắng hỗ trợ người khác và không nói lời sai sự thật. Đây được gọi là hành trì với chân thật.
Nếu một người không trung thực trong sự thực hành đưa đến chứng ngộ Tứ Thánh Đế, người ấy sẽ bị dính mắc vào của cải, danh dự và tiếng tăm; anh ta sẽ khuyến khích những người khác đi theo sự hành trì không dẫn tới tận diệt phiền não. Một số người nói rằng ta chỉ cần thực hành và không cần nghiên cứu, rằng không cần thiết phải có hiểu biết về Giáo lý, trong khi một số người khác nói rằng trước hết ta phải nghiên cứu và có hiểu biết trước khi thực hành. Ta phải tin ai đây? Ta cần tự suy xét đâu là nguyên nhân đúng đưa tới kết quả tương ứng. Nếu tin tưởng ai đó, ta cần biết nguyên do. Bởi đó là một người nổi tiếng, hay là bởi người ấy lý giải nguyên nhân đúng đưa tới kết quả tương ứng và có thể giúp mọi người có hiểu biết đúng về Pháp?
Chân thật là pháp hỗ trợ sự sinh khởi và vun bồi mọi thiện pháp, bởi chân thật là sự chân thành với tận diệt phiền não. Khi thiện pháp không sinh khởi, ta có thể nhận ra rằng mình không chân thành trong việc vun bồi nó, và điều này đến lượt nó có thể là một duyên cho sự sinh khởi của thiện pháp. Khi bất thiện sinh khởi, ta lại cần chân thật và điều ấy có thể tạo duyên cho chánh niệm-tỉnh giác hay biết về đặc tính của bất thiện. Bằng cách này bất thiện có thể được từ bỏ và thiện pháp có thể được vun bồi.
Đức Bồ tát đã vun bồi mọi loại thiện pháp tới một mức độ cao, bao gồm cả những thiện pháp rất vi tế và cao thượng. Những người chưa liễu ngộ Tứ Thánh Đế cần đi theo dấu chân của đức Bồ Tát. Có nghĩa là ta cần vun bồi mọi mức độ của trí tuệ với mục tiêu tận diệt phiền não. Ta cần suy niệm về cuộc sống hàng ngày của đức Bồ tát trước khi ngài chứng đắc Phật quả. Ngài chân thật trong vun bồi thiện pháp với mục tiêu từ bỏ và tận diệt phiền não.
Chúng ta đọc trong Chú giải “Hạnh Tạng”, Tiểu Bộ Kinh, về con đường hành trì của đức Bồ tát khi ngài đang vun bồi các ba la mật. Nếu một người muốn chứng ngộ Tứ Thánh Đế, dù người đó là xuất gia hay cư sĩ, anh ta cần suy xét đâu là hành trì cần theo đuổi để có thể liễu ngộ Tứ Thánh Đế, và anh ta cần chân thành và trung thực trong hành trì của mình. Chúng ta đọc:
“Ngài phải tận lực vì sự an lạc của các chúng sinh, có khả năng kham nhẫn mọi thứ dù khả ái hay bất khả ái, và phải nói không dối trá.”
Đây chỉ là một câu ngắn, nhưng ta có thể nắm bắt được cốt tủy của nó bằng cách suy xét về nó một cách sâu sắc và áp dụng nó. Đề có thể áp dụng những lời ấy, chúng ta cần kham nhẫn với những gì khả ái hoặc bất khả ái. Chúng ta đọc:
“Ngài nên nói không dối trá. Ngài cần trải tâm từ và bi mẫn tới mọi chúng sinh: Bất cứ thứ gì gây khổ đau cho chúng sinh ngài phải sẵn sàng ghánh lấy, ngài phải tùy hỉ với phước thiện của mọi chúng sinh.”
Chúng ta cần suy xét những gì đã nói về việc tinh tấn vì sự an lạc của mọi chúng sinh. Chúng ta không nên có những mục tiêu vị kỷ, không hành động vì mình khi chúng ta trợ giúp người khác. Chúng ta cần tinh tấn, nếu không chúng ta sẽ không thể giúp đỡ những người khác một cách vị tha. Chúng ta nên giúp đỡ những người khác hết khả năng của mình, ví dụ như chia sẻ công việc của họ, làm nhẹ gánh nặng cho họ. Ở những khoảnh khắc ấy ta có thể nhận ra ngay rằng ta cần đến tinh tấn nếu muốn giúp người khác. Chúng ta có thể hiểu rằng, để có thể tận diệt phiền não, ta cần theo tấm gương hành trì của đức Bồ tát. Ta cần tinh tấn vì lợi ích của các chúng sinh bằng mọi cách có thể, tùy thuộc vào mỗi tình huống trong cuộc sống hàng ngày, kể cả bằng lời nói, hay bằng việc chỉ dẫn cho những người khác. Có thể sẽ rắc rối, nhọc công cho bản thân khi ta giúp đỡ người khác, nhưng sự hỗ trợ của ta có thể là một duyên để những người khác cùng vun bồi nhiều thiện pháp trong cuộc sống của ho. Ta có thể trợ giúp cho những người khác nếu ta tinh tấn vì lợi lạc cho họ.
Như ta đọc trong Chú giải: “Ngài phải có khả năng kham nhẫn với tất cả, dù là khả ái hay bất khả ái.” Khi mê đắm một thứ gì đó, ta có thể nhận ra rằng đây không phải là sự dính mắc thông thường, mà là một mức độ tham mạnh mẽ hơn. Chúng ta có thể bị chìm đắm trong đối tượng dính mắc, nhưng khi chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi, ta có thể nhận ra rằng mình cần chịu đựng bất cứ điều gì, dù khả ái hay bất khả ái. Nếu ta dần học để trở nên kham nhẫn, ta sẽ biết đặc tính của kham nhẫn thực sự là gì. Chúng ta có thể tích lũy kham nhẫn trong mọi tình huống, bất kể khi kinh nghiệm đối tượng qua thân căn hay khi nghe lời nói của người khác. Chúng ta có thể học để kham nhẫn và không phàn nàn về lạnh, về nóng hay về các tình huống khó khăn của cuộc sống. Khi ấy chúng ta sẽ hiểu kham nhẫn là gì.
Như ta đã đọc trong Chú giải, “ngài nên nói không dối trá.” Một người chân chánh nói đúng với sự thật, còn một người bất lương nói những lời dối trá. Khi ta không nói đúng với sự thật, ta cần kiểm tra kỹ bản thân để tìm xem liệu ta chân chánh hay bất lương.
Như ta đọc trong Chú giải, “ngài cần trải tâm từ và bi mẫn tới mọi chúng sinh.” Lòng từ của ta cần phải hướng tới tất cả, không phân biệt. Thông thường, mọi người có tâm từ với người thiện, không với người bất thiện. Điều ấy chỉ ra rằng lòng từ bi ấy không được trải tới mọi chúng sinh, rằng từ bi ấy còn giới hạn. Nếu một người đã phát triển tâm từ, người ấy cần trải tới mọi chúng sinh, tới cả người lành cũng như người ác. Khi ấy chánh niệm-tỉnh giác hay biết và hiểu điều gì là nên và điều gì không.
Khi ta giận dữ và khó chịu, khi ta coi thường một người ác hay làm việc xấu, ta có tâm bất thiện; tâm ta cũng tương tự tâm của người ác, vì ta xem thường người ấy. Dù chỉ một câu Pháp ngắn cũng có thể giúp ta phát triển chánh niệm-tỉnh giác và có hiểu biết tăng dần về các thực tại sinh khởi nơi mình để có thể vun bồi thêm thiện pháp.
Chúng ta đọc trong Chú giải: “ngài phải tùy hỷ với phước thiện của mọi chúng sinh.”
Khi nhận ra thiện pháp của một người khác và tùy hỷ với phước thiện ấy, chúng ta chân thật, trung thực trong việc trân quý thiện pháp của họ. Có thể bản thân chúng ta không tự làm được việc tốt, nhưng chúng ta có thể trân quý thiện pháp của người khác. Nếu chúng ta không trân quý, tâm là bất thiện.
Chân thật ba la mật rất căn bản. Chúng ta đọc trong Chú giải “Hạnh Tạng” trong Tiểu Bộ Kinh rằng Chân thật ba la mật cần được xem xét như sau:
“Nếu không có chân thật, thì giới hạnh v.v. là không thể, và không thể có hành trì tương ứng với lời phát nguyện của mình. Mọi trạng thái bất thiện tụ hội nơi dối trá. Người không trọn vẹn với sự thật thì không đáng tin và lời nói của người ấy sẽ không được chấp nhận trong tương lai. Mặt khác, người trọn vẹn với sự thật đảm bảo nền móng cho mọi phẩm chất cao thượng. Với chân thật làm nền tảng, anh ta có khả năng thanh tịnh và viên mãn mọi phẩm trợ đạo. Không bị lừa dối về bản chất thật của các pháp, anh ta đảm nhận chức năng của tất cả các phẩm trợ đạo và hoàn mãn sự hành trì của Bồ tát đạo.”
Như ta đọc, “nếu không có chân thật thì giới hạnh, v.v là không thể.” Điều này có nghĩa rằng nếu không có chân thật, ta không thể nói sự thật, sẽ hành động với dối trá và tất cả mọi việc ta làm đều lươn lẹo. Nếu không có chân thật, ta không thể giữ giới và không có hành trì nhất quán với lời phát nguyện của mình. Phát nguyện (paṭiñña) có nghĩa là kiên định trong chân thật9. Nếu một người không nói sự thật, anh ta không thể hành xử nhất quán với phát nguyện của mình.
Như chúng ta đọc trong Chú giải, “Mọi trạng thái bất thiện tụ hội trong dối trá. Người không trọn vẹn với sự thật thì không đáng tin và lời nói của anh ta sẽ không được chấp nhận trong tương lai.”
Như vậy, ta thấy tầm quan trọng của chân thật ba la mật. Đây là chân thật, chân thành đối với hành trì đúng đưa đến sự tận diệt phiền não, bao gồm sự vun bồi của mọi thiện pháp để Tứ Thánh Đế có thể được chứng ngộ. Chúng ta cần chân thật ba la mật cho sự hành trì chân chánh: mục tiêu duy nhất của chúng ta phải là sự xuyên thấu bản chất thật của các thực tại.
Chúng ta có thể không biết thấu đáo và tỉ mỉ thế nào là hành trì chân chánh. Chúng ta cần suy tư về sự hành trì của đức Bồ tát trước khi ngài đạt quả vị Phật và khi ấy ta sẽ biết rằng ngài đã nêu tấm gương về sự hành trì chân chánh của thiện pháp, loại thiện pháp rất tinh tế và cao thượng. Chúng ta có thể theo gương ngài trong cuộc sống hàng ngày của mình.
Trí tuệ Ba la mật cần được vun bồi với các ba la mật khác. Chúng ta không thể bỏ qua bất kỳ ba la mật nào, bởi mỗi ba la mật là một trợ duyên cho những ba la mật khác. Chẳng hạn, chân thật cần cho việc thực hiện bố thí. Không có chân thật thì bố thí không thể đạt tới viên mãn. Không có chân thật, trì giới không thể đạt tới thành tựu. Như vậy, chân thật là căn bản cho sự hoàn mãn các ba la mật khác. Chúng ta đọc về ý nghĩa của chân thật trong “Soi Sáng Chân Đế Nghĩa” (Paramattha Jotikā), chú giải cho “Kinh Tập” (Sutta Nipāta), Chương I – Phẩm rắn, số 10, Ālavaka:
“Từ sacca có vài nghĩa: nó có thể có nghĩa là ngôn chân thật (chân thật trong lời nói – vācā sacca). Đó là tính kiên định trong sự thật, trong việc tránh xa bất thiện nghiệp. Nó có thể có nghĩa là kiến chân thật (diṭṭhi sacca), chân thật với chánh kiến.
Sacca cũng chỉ tới Bà la môn đế (Brahmana sacca)10, chân đế tối hậu (paramattha sacca) và Thánh Đế (ariya sacca).
Thuật ngữ ‘saccena’ (nhờ chân thật) có nghĩa là một người có được danh tiếng bởi nói sự thật, bởi sự chân thành. Các chư Phật chánh đẳng giác, các chư Phật độc giác và các vị thánh đệ tử có danh tiếng bởi sự thật tối hậu, paramattha sacca.11”
Chỉ trí tuệ mới có thể hiểu được bản chất thật của từng pháp. Tuy nhiên, sự vun bồi trí tuệ được tạo duyên bởi việc nghe Pháp và suy xét cặn kẽ về Pháp. Ta cần vun bồi trí tuệ một cách từ từ, từng bước một.
Ta vẫn còn phiền não, nhưng ta nghe Pháp và đã quy y Pháp trong kiếp này. Điều này chỉ ra rằng chúng ta đang theo con đường vun bồi trí tuệ, để các đặc tính của thực tại xuất hiện hiện giờ có thể được xuyên thấu. Chúng ta cần đi theo bước chân của đức Bồ tát và tích lũy các ba la mật.
Mọi người nói rằng họ muốn thực hành Pháp. Thực hành Pháp có nghĩa là từ bỏ bất thiện: tham, sân và si. Tham cần phải được từ bỏ khi nó sinh khởi, đó là thực hành Pháp.
Nếu một người muốn áp dụng Giáo Pháp, người ấy không nên trì hoãn việc này. Khi sân sinh khởi, ta cần từ bỏ nó để có vô sân, đó là thực hành pháp. Khi ghen tỵ, bỏn xẻn và các loại bất thiện pháp khác sinh khởi, ta cần từ bỏ chúng, đó là thực hành Pháp. Tuy nhiên, phiền não không thể được tận diệt theo ước muốn và mong cầu của chúng ta. Kể cả đức Bồ tát người đã tích lũy các ba la mật trong vô lượng kiếp vẫn còn chịu tác động bởi sức mạnh của bất thiện, bởi ngài vẫn chưa tận diệt được các phiền não.
Chúng ta cần suy xét về đức Bồ tát người đã tích lũy các ba la mật để có thể liễu ngộ Tứ Thánh Đế. Ngài muốn hiểu sự thật của bốn pháp chân đế là tâm, tâm sở, sắc và niết bàn. Chúng ta cần vun bồi trí tuệ để có thể liễu ngộ được sự thật về Pháp, chúng ta cần thấy lợi ích của sự thật, sacca. Các pháp chân đế là các pháp thật có những đặc tính không thể thay đổi. Chúng ta cần tìm ra đặc tính thật của tâm, tâm sở và sắc, đó là vô ngã, không phải là chúng sinh hay con người. Chúng ta cần tìm ra bản chất thực sự của niết bàn là gì, pháp khác biệt với tâm, tâm sở và sắc. Nếu ai đó tìm kiếm chân lý, người ấy muốn xuyên thấu nó và vì thế có thể thấy được lợi ích của sự thật. Anh ta cần vun bồi tất cả các mức độ của chân thật, bắt đầu với chân thật trong lời nói.
Chúng ta đọc trong chú giải cho “Tiền Thân Hārita” (số 431) rằng vua Brahmadatta khi ấy trị vì tại Varānasi. Vua Brahmadatta trong quá khứ chính là đại đức Ānanda ngày nay. Chú giải kể:
“Khi ấy, đức Bồ tát sinh ra trong một gia đình bà la môn có tài sản trị giá tám triệu đồng, và bởi làn da vàng óng, ngài được cha mẹ gọi là Hārita Kumāra (Nam tử da vàng óng). Khi ngài lớn khôn và được giáo dục tại Takkasilā, ngài nghĩ: ‘Tài sản mà cha mẹ ta đã tích cóp vẫn còn đó, nhưng cha mẹ ta là người tạo ra tài sản ấy đã mệnh chung, họ không còn hiện hữu nữa.’ Khi suy xét điều này, ngài hiểu ra rằng rồi tới lúc mình cũng sẽ phải chết, và vì vậy ngài bố thí tài sản lớn của mình và trở thành một ẩn sỹ trong rặng Himālaya, nơi ngài đã vun bồi thiền định tới mức độ đắc bát thiền và ngũ thông.
Khi ngài muốn có muối và đồ ăn chua, ngài rời chốn rừng núi, đi tới thành Varānasī và tới vườn Ngự Uyển. Khi đức vua nhìn thấy ẩn sĩ, ngài bèn khởi tín tâm và xin dâng cho ẩn sĩ nơi cư ngụ dựng trong vườn Ngự Uyển. Ngài giao một người hầu phục vụ ẩn sĩ. Ẩn sĩ nhận vật thực cúng dường từ cung điện và sống ở đó trong mười hai năm. Sau đó, đức vua ra trận để trị an vùng biên địa, và giao việc chăm nom ẩn sĩ cho hoàng hậu, người từ đó sẽ tự tay chăm sóc ngài.
Một hôm, bà sửa soạn thực phẩm cho ngài, và do ngài tới trễ, bà đã tắm trong nước thơm, phủ lên người một tấm y mỏng, mở cửa thượng lầu, nằm trên vương sàng và để gió lùa vào thân thể. Khi ẩn sĩ bay qua cửa sổ từ không trung, hoàng hậu nghe tiếng sột soạt từ tấm y vỏ cây của ngài. Khi bà vội choàng dậy, tấm y mỏng trên người bà rơi xuống. Ngay khi nhìn thấy cảnh ấy, phiền não ngủ ngầm từ vô lượng kiếp đã bừng dậy như một con rắn nằm trong hộp, và vì thế thiền lực của ngài tan biến. Ẩn sĩ không đủ khả năng chánh niệm, bước vào, nắm lấy tay hoàng hậu và rồi cả hai cùng buông vào tà dục.
Tà hạnh của ngài bị đồn đại khắp kinh thành và các vị đại thần đã tâu lại chuyện trong một điệp sớ gửi cho đức vua. Đức vua không thể tin điều được tâu và ngài nghĩ: ‘Họ nói vậy vì mong hạ bệ ẩn sĩ.’ Sau khi đã hoàn thành việc trị an biên địa, ngài quay về thành Varanasī và hỏi hoàng hậu: ‘Có phải lời đồn rằng ẩn sĩ Hārita và nàng đã tà dục là đúng?’ Hoàng hậu trả lời rằng điều ấy là đúng.
Đức vua vẫn không tin, dù hoàng hậu nói rằng điều ấy là đúng. Đức vua đi tới vườn Ngự Uyển, vái chào ẩn sĩ, và kính cẩn ngồi xuống một bên, ngài ngâm câu kệ thứ nhất dưới dạng một câu hỏi:
Hà-ri Hiền hữu, trẫm nghe rằng
Tôn giả nay đang sống lỗi lầm,
Trẫm chẳng tin lời đồn đại ấy,
Ngài không phạm tội ý, thân chăng?
Ẩn sĩ suy nghĩ: “Nếu ta nói rằng ta đã không phạm tà dục, đức vua sẽ tin ta, nhưng trên thế gian này không có nền móng nào vững chắc hơn lời nói chân thật. Một người từ bỏ sự thật sẽ không thể đạt được Phật quả, dù có ngồi trong Bồ đề đạo tràng linh thiêng. Vì vậy ta nên chỉ nói sự thật mà thôi. Trong một số trường hợp, đức Bồ tát có thể sẽ sát sinh, trộm cắp, tà dâm hay uống rượu, nhưng ngài sẽ không nói dối, lời nói xâm phạm sự thật.’
Vì vậy, chỉ nói sự thật, ngài ngâm câu kệ thứ hai:
Ta phạm ác hành, hỡi Ðại vương,
Ðúng như Ngài đã được nghe rằng
Mắc vào tà thuật trong trần thế,
Ta đã đi sai lạc bước đường.
Nghe vậy, vua ngâm vần kệ thứ ba:
Trí tuệ uyên thâm của thế nhân
Hoài công vô ích, chẳng xua tan
Dục tham bùng dậy trong lòng dạ
Của bậc trí nhân đã lạc đường.”
Người ốm thường phụ thuộc vào thuốc. Cũng vậy, trí tuệ sắc bén thì giống như thuốc, nó mong điều lợi lạc và có thể chữa lành chúng ta khỏi ái dục đã sinh khởi. Chúng ta đọc:
“Sau đó Hàrita nêu rõ cho vua thấy uy lực của dục tham qua vần kệ thứ tư:
Bốn ác dục này ở thế gian
Uy quyền lấn áp cứ lan tràn:
Tham, sân, vô độ và si ám,
Tri kiến không sao đứng vững vàng.
Vua nghe liền ngâm vần kệ thứ năm:
Thánh hạnh tràn đầy với trí minh
Hà-ri Hiền giả đáng tôn vinh!
Hiền giả Hàrita ngâm tiếp vần kệ thứ sáu:
Ác tâm, tham dục, do liên kết,
Huỷ hoại trí nhân hướng Thánh hành.”
Những lời này có thể nhắc nhở chúng ta về hiểm họa của phiền não. Một người có thể tưởng đã thoát khỏi hiểm nguy bởi mình đã phát triển một mức độ trí tuệ nhất định, nhưng người ấy không nên lơ là. Bất thiện có thể gây hại cả với người có trí, người quan tâm sâu sắc tới Giáo Pháp và hưởng lợi lạc từ Giáo Pháp.
Chúng ta đọc:
“Sau đó vua ngâm vần kệ thứ bảy khuyến nhủ vị ấy quẳng bỏ mọi tham dục:
Vẻ đẹp12 trong tâm tịnh sáng ngời
Bị hư vì ác dục sinh sôi,
Quẳng ngay, hạnh phúc đang chờ đón,
Quần chúng tuyên dương trí tuệ ngài.”
Khi đức Bồ tát nghe vậy, ngài đã phục hồi chánh niệm và suy xét về hiểm họa của ngũ dục. Sau đó ngài ngâm câu kệ thứ tám:
Vì tham dục trói buộc thân này,
Sinh sản cho ta quả đắng cay,
Ta quyết cắt sâu cho tận gốc
Mọi mầm tham dục khởi lên đây.”
Gốc rễ của tham dục là phi như lý tác ý, ayoniso manasikāra. Sau đó chúng ta đọc rằng ẩn sĩ vun bồi samatha và phục hồi năng lực thiền chứng. Ngài thấy hiểm họa của việc cư ngụ ở một nơi không phù hợp là vườn Ngự Uyển. Vì thế, ngài quay trở về rừng núi để xa lìa ô nhiễm nữ nhân. Khi chấm dứt thọ mạng, ngài đã tái sinh ở cõi Phạm Thiên.
Đức Phật kể câu chuyện này tại Kỳ viên tịnh xá bởi có một vị sư bất mãn. Khi vị sư này thấy một nữ nhân phục sức lộng lẫy, phiền não đã trỗi dậy nơi vị ấy và vị ấy muốn xả y. Khi vị ấy bị thầy tế độ và giáo thọ của mình buộc tới trình đức Phật, và ngài hỏi liệu có đúng rằng vị ấy đã bị sa ngã, vị ấy trả lời là đúng. Sau đó đức Phật nói: “Này tỳ kheo, phiền não không đưa tới hạnh phúc, chúng phá hủy những phẩm chất tốt đẹp, chúng khiến tái sinh nơi địa ngục. Vậy làm sao phiền não của ông lại không hủy hoại ông? Chẳng nhẽ một cơn cuồng phong vùi dập đỉnh núi Sineru lại không cuốn nổi một chiếc lá héo? Bản thân ta, trong kiếp còn là ẩn sĩ Hārita đã đắc ngũ thông và bát thiền, nỗ lực hướng tới trí tuệ giải thoát. Nhưng mặc vậy, ta không thể chánh niệm và đã đánh mất thiền lực.”
Đức Phật dạy câu chuyện này để chúng ta có thể thấy được hiểm họa của bất thiện và năng lực của các tích lũy phiền não.
Ta cần phải suy xét về những gì ta đọc: “Chẳng nhẽ một cơn cuồng phong vùi dập đỉnh núi Sineru lại không cuốn nổi một chiếc lá héo?”
Tất cả chúng ta đều có những phiền não chưa được tận diệt, và vì vậy chúng ta không vững vàng như ngọn núi Sineru, chúng ta chỉ như những chiếc lá héo, nhẹ và có thể bị gió cuốn đi, ngọn gió của tham, sân và si.
Chúng ta đọc:
“Khi đức Phật kể xong chuyện tiền thân Hārita, ngài đã giảng về Tứ Đế và khi ngài chấm dứt, vị tỳ kheo liền chứng quả A la hán.”
Chân thật là sự chân thật trong vun bồi thiện pháp tới mức độ ba la mật. Nếu không có chân thật, chân thành trong hành động của mình, chúng sẽ không thể đạt tới độ hoàn mãn. Chân thật là cần thiết cho mọi loại thiện pháp, dù đó là bố thí, trì giới hay phát triển tâm trí. Ta không nên lơ là với sự vun bồi các thiện pháp dù nhỏ nhất.
Nếu ta vun bồi các ba la mật để từ bỏ phiền não, ta cũng cần nhận ra những phiền não vi tế, chẳng hạn những lời nói dối trá dù với những chuyện nhỏ. Nếu lời nói dối trá trở thành thói quen của một người, người ấy sẽ dễ nói dối và cho rằng làm vậy chẳng có gì sai. Nếu một người tránh xa lời nói dối trá, nếu người ấy chân thật và giữ lời hứa, chân thật sẽ trở thành tự nhiên với người ấy. Khi đó, anh ta sẽ nhận ra hiểm họa của bất thiện ở khoảnh khắc mình nói dối. Kể cả lời dối trá liên quan đến những chuyện vặt vãnh cũng là bất thiện, nhưng nếu ai đó thường tích lũy dối trá, anh ta sẽ không thấy hiểm họa của nó. Như vậy, ta thấy rằng không dễ nhận ra đặc tính của bất thiện.
Chúng ta có thể có cái hiểu về mọi thực tại từ việc nghe Pháp nhưng điều đó không có nghĩa rằng ta đã biết đặc tính của chúng khi chúng xuất hiện. Chúng ta cần phải tiếp tục vun bồi hiểu biết nhất quán với những gì mà chúng ta đã học nhờ nghe và chúng ta cần nhận biết các thực tại. Có thể chúng ta nói xạo, dù chỉ một chút, hoặc có thể ta không giữ lời hứa, nhưng khi chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi, nó có thể nhận ra rằng đó là bất thiện. Có nhiều tâm bất thiện sinh khởi hàng ngày, nhưng chúng ta không biết điều ấy là bởi quên lãng, thất niệm; không có chánh niệm về các đặc tính của các pháp chân đế, không có hiểu biết về chúng đúng như chúng là. Trí tuệ cần rất chi tiết và tinh tế để các đặc tính của thực tại có thể được biết như chúng là. Sự phát triển tứ niệm xứ sẽ đưa đến phân biệt rõ ràng hơn về các thực tại khác nhau và nhờ đó, trí tuệ có thể biết được đặc tính của bất thiện. Khi bất thiện sinh khởi, trí tuệ có thể biết loại bất thiện nào đang hiện hữu, và nó có thể biết được rằng đặc tính của bất thiện khác với thiện. Bằng cách ấy, thiện pháp có thể dần được vun bồi thêm.
Chân thật ba la mật sinh kèm với trí tuệ ba la mật. Ta cần cố gắng để biết chân thật là gì: sự chân thành trong phát triển thiện pháp, không trệch khỏi thiện pháp. Nếu chúng ta xa rời thiện pháp, chúng ta cần biết rằng thiện pháp vẫn chưa đạt tới độ hoàn mãn. Phiền não của chúng ta vẫn còn mạnh mẽ và nếu không có trí tuệ, chúng ta dễ dàng rời xa thiện pháp. Khi chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi, nó có thể nhận ra khi nào ta sai và đó là một duyên cho sự tiết chế bất thiện trong tương lai.
Chân thật tối thượng, thánh đế (ariya sacca) là chân lý được chứng ngộ bởi các bậc thánh. Sự xuyên thấu Tứ Thánh Đế là duyên để trở thành một thánh nhân. Ở khoảnh khắc này, chúng ta cố gắng nghe và hiểu chân Pháp. Không gì trong cuộc sống của chúng ta lợi lạc bằng hiểu về sự thật của các pháp chân đế13. Chúng ta cần nỗ lực hiểu các thực tại đang xuất hiện và vun bồi mọi loại thiện pháp khác. Đặc tính của các thực tại có thể được xuyên thấu tương ứng với hiểu biết có được qua nghe và tìm hiểu Pháp. Ở khoảnh khắc này, các pháp đang sinh và diệt, chúng không phải là một chúng sinh, một con người hay tự ngã. Tuy nhiên, ta không thể thấy được sự sinh và diệt của các thực tại bởi còn nhiều phiền não, và bởi vô minh che lấp sự thật. Chúng ta cần chân thật ba la mật để có thể chân thành trong sự vun bồi mọi mức độ thiện pháp qua thân, khẩu, ý, dù là bố thí, trì giới hay phát triển tâm trí. Nếu không chúng ta sẽ bị chiếm lĩnh bởi sức mạnh của bất thiện. Thấy lợi ích của chân thật là một duyên để tích lũy phẩm chất ấy. Chúng ta có thể quán sát sự chân thật nơi bản thân, nhưng chúng ta cũng nên suy niệm về sự chân thật của đức Phật khi ngài vẫn còn là một Bồ tát và vun bồi chân thật ba la mật.
Chúng ta đọc trong “Hạnh Tạng” III, 11, “Giới hạnh của Kaṇhadīpāyana” 14 về Kaṇhadīpāyana người bất mãn với cuộc đời ẩn sĩ của mình trong hơn năm mươi năm, và chỉ trong bảy ngày cuối đời mới sống đời phạm hạnh với tâm tín thành:
“Vào một thời điểm khác nữa, khi là vị ẩn sĩ Kaṇhadīpāyana15, ta đã sống không được hoan hỷ hơn năm mươi năm.
Không ai biết tâm ý không hoan hỷ này của ta. Ta đã không nói ra với ai cả và sự không hoan hỷ diễn tiến ở trong tâm ý của ta.
Bà-la-môn Maṇḍabya, bạn của ta, là một vị đại ẩn sĩ đã bị thọ lãnh (hành phạt) cắm cọc nhọn do trả quả của nghiệp quá khứ.
Ta đã chăm sóc và đã phục hồi sức khỏe cho vị ấy. Sau khi cáo từ, ta đã trở về lại chốn ẩn cư của mình.
Người bạn Bà-la-môn của ta đã đưa vợ và đứa con trai nhỏ đến. Ba người cùng đi và đã đi đến với tư thế của những người khách.
Trong lúc ta đang ngồi tại chốn ẩn cư của mình chuyện trò với những người ấy, đứa bé trai đã ném trái banh và làm cho làm con rắn có nọc độc giận dữ.
Sau đó, trong lúc dõi theo lộ trình di chuyển của trái banh, đứa bé trai ấy đã chạm bàn tay vào đầu của con rắn độc.
Do sự đụng chạm của đứa bé, con rắn đã trở nên giận dữ. Ỷ lại vào sức mạnh của nọc độc, bị bực bội với sự bực bội cùng tột, con rắn ngay lập tức đã cắn đứa bé.
Khi bị cắn bởi con rắn độc, đứa bé đã ngã xuống ở trên nền đất. Vì điều ấy, ta đã trở nên đau buồn; nỗi buồn đau ấy đã tác động đến ta.
Sau khi an ủi họ (là những người) đang bị đau khổ, đang bị mũi tên sầu muộn, ta đã thể hiện hành động chân thật tột đỉnh cao quý tối thượng lần đầu tiên rằng:
‘Là người mong mỏi phước thiện, ta đã thực hành Phạm hạnh với tâm tín thành chỉ được bảy ngày. Cho tới lúc ấy, ta sống Phạm hạnh không nhiệt tâm trong hơn năm mươi năm.16
Do lời nói chân thật này, hãy có được sự tốt lành, chất độc hãy được tiêu trừ, và Yaññadatta hãy sống.’
Với sự chân thật của ta đã được thể hiện, đứa bé Bà-la-môn bị run rẩy bởi sức mạnh của nọc độc đã được tỉnh lại, đã đứng lên, không tật bệnh. Không có ai bằng (ta) về sự chân thật – đây là chân thật ba la mật của ta”.
Chúng ta đọc trong Chú giải của đoạn này:
“Đức Bồ tát trong kiếp ấy có tên là Dipāyana, tới thăm người bạn là Maṇḍavya. Vị này bị cắm cọc nhọn, và vì Dipāyana toàn hảo về giới, ngài không bỏ mặc ẩn sĩ này. Ngài đứng đó tựa vào một ngọn giáo qua cả ba canh của đêm. Ngài được đặt tên là Kaṇhadīpāyana (Kaṇha có nghĩa là đen), bởi thân của ngài bị đen bởi những giọt máu chảy xuống từ cơ thể của ẩn sĩ Maṇḍavya và bị khô.
Hỏi: Đâu là nguyên do khiến bậc Vỹ nhân trong hàng ngàn kiếp thiên về xuất gia và tìm thấy an vui trong đời sống phạm hạnh lại bất mãn với đời sống ấy trong kiếp này.
Đáp: Đó là bởi tính bất định vốn là đặc tính của kẻ phàm phu.
Hỏi: Tại sao ngài không quay lại với đời sống gia đình?
Đáp: Trước hết vị ấy thấy hiểm họa của ngũ dục và do thiên hướng xuất gia của mình ngài đã thành một ẩn sĩ. Tuy nhiên, bởi thiếu suy xét chân chánh, ngài trở nên bất mãn với đời sống phạm hạnh. Mặc dầu không thể từ bỏ được sự bất mãn đó, ngài không muốn bị mọi người chê trách, nói rằng “Kaṇhadīpāyana nói lảm nhảm, không đáng tin cậy. Ông ta từ bỏ tài sản và xuất gia từ bỏ đời sống tại gia; ông ta từ bỏ của cải và rồi lại muốn quay lại với chúng.’ Bởi ngài e rằng tàm và quý của ngài sẽ bị hủy hoại, bậc Vỹ nhân, đầy khổ đau và ưu não, thậm chí đã khóc và nước mắt dàn dụa trên gương mặt. Ngài đã tiếp tục sống đời phạm hạnh như vậy và không từ bỏ nó.”
Như chúng ta đọc trong “Hạnh Tạng”, đức Bồ tát nêu cao sự chân thật. Ngài nói lên sự thật, rằng ngài chỉ sống đời phạm hạnh với nhiệt tâm trong bảy ngày trong niềm tin trọn vẹn vào thiện pháp. Ngài thể hiện niềm tin của ngài vào thiện pháp và chân thật bằng một câu nói trọng thể, một “Lời Thề Sự Thật”. Đây là duyên để cậu bé bà la môn đã thoát khỏi nọc độc. Một “Lời Thề Sự Thật” là một lời khẳng định niềm tin nơi sự thật, cái có thể tạo hiệu ứng trực tiếp tới tình trạng của một người.17
Một số người có thể hoài nghi về “Lời Thề Sự Thật” được nói tới trong đoạn trích trên. Hoặc có thể họ đã được nghe rằng một Lời Thề Sự Thật có thể đưa tới kết quả như mong muốn. Tuy nhiên, khi một người chịu đau đớn hay khổ não, anh ta không thể thốt ra Lời Thề Sự Thật để vượt qua đau khổ của mình nếu không biết chân thật là gì và không hiểu về giá trị lớn lao của nó. Trước khi tuyên Lời Thề Sự Thật, ta nhất thiết phải thấy được sự tối thượng và lợi ích của chân thật. Hơn nữa, điều ấy cần thiết cho sự vun bồi chân thật ba la mật.
Nếu một người vun bồi thiện pháp và mục tiêu của anh ta là chứng ngộ Tứ Thánh Đế, anh ta nên biết rằng con đường dẫn tới mục tiêu này là sự vun bồi tất cả các ba la mật. Nếu một người tích lũy chân thật ba la mật cùng với các ba la mật khác để chúng có thể có thêm sức mạnh, và nếu anh ta thấy được lợi ích của chân thật, anh ta có thể tuyên một Lời Thề Sự Thật. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể làm vậy, điều này cũng tùy thuộc vào sức mạnh của thiện pháp nơi người ấy và mức độ hiểu biết về chân thật của người ấy.
Mỗi người cần tự biết mức độ và cường độ của thiện pháp mà mình muốn vun bồi. Nếu một người không nghe Pháp và không tích lũy tất cả các loại thiện pháp, có thể anh ta sẽ không muốn phát triển thiện pháp. Anh ta có thể mê đắm với vui thú và tạo rất ít phước thiện. Còn nếu một người trong tiền kiếp đã từng nghe Pháp của các vị Phật quá khứ, nếu anh ta quán xét về Pháp và có thêm hiểu biết, anh ta sẽ thiên về vun bồi thiện pháp. Một số người trong cả cuộc đời không có thiên hướng vun bồi thiện pháp hết mức có thể. Có lẽ họ không tích lũy đủ duyên, dù chỉ là để nghĩ tới thiện pháp, và vì vậy họ không thể tạo thiện pháp. Một số người không muốn giúp đỡ người khác, hoặc có hiểu biết sai về thiện pháp; anh ta có thể thắc mắc tại sao phải nhọc công hay khiến mình phải mệt mỏi để giúp đỡ người khác.
Điều này cho chúng ta thấy tính chất đa dạng của tâm mà ta tích lũy ngày này qua ngày khác. Một số người mặc dù đã được nghe Pháp, có thể vẫn không tha thứ nổi cho những người khác bởi họ không thể áp dụng Pháp. Chúng ta cần tích lũy thiện pháp từ bây giờ để nó có thể được vun bồi thêm nữa. Chúng ta có thể bắt đầu có ý định tha thứ cho những người khác, không xa lánh họ.
Tất cả chúng ta những người trôi nổi trong vòng sinh tử luân hồi đều có nhiều phiền não và vì thế, chúng ta cần vun bồi tất cả các hình thái thiện pháp khác nhau để phiền não có thể được tận diệt. Nếu ta chỉ đơn thuần nghĩ về việc phát triển thiện pháp, thiện pháp sẽ không đủ mạnh mẽ để là một duyên cho chân thành và trung thực, cho sự hành trì nhất quán với quyết tâm của chúng ta. Sự tích lũy các phẩm chất thiện lành là một duyên cho sự chân thật của thân và khẩu. Chúng ta cần tiếp tục tích lũy thiện pháp để không lơ là trong việc áp dụng, thực hành thiện pháp.
Rất khó biết được sự thật, kể cả trong các việc thế gian. Chẳng hạn, khi ta nghe tin qua các phương tiện truyền thông về một sự kiện xảy ra gần hay xa. Cái ta nghe đôi khi không đúng nhưng ta lại tưởng là sự thật. Sự hoang mang, phiền não của chúng ta khiến khó biết được điều gì là đúng.
Để biết các thực tại đúng như chúng là còn khó hơn sự thật của các chuyện thế gian. Chúng ta phải thấy được giá trị của chân thật, bao gồm cả sự chân thật với chính mình. Ta cần vun bồi chân thật trong hành động, lời nói và suy nghĩ, kể cả với những chuyện tưởng như không quan trọng. Đó có nghĩa là sự chân thật trong lời nói, cũng vậy với các lời hứa hay cuộc hẹn. Ta có thể cho rằng những việc này không quan trọng. Ta cần nên biết loại tâm nào sinh khởi khi ta cảm thấy rằng với những việc không quan trọng thì ta không cần phải chân thật để hành xử đúng với lời nói và suy nghĩ của mình. Tâm của mỗi người rất phức hợp, và nếu không có trí tuệ đi kèm, sẽ không thể hiểu được rằng kể cả một mức độ bất thiện nhẹ sinh khởi cũng bị duyên bởi những tích lũy của ta. Phiền não đã được tích lũy không chỉ trong kiếp này, mà từ trong quá khứ. Cuộc sống hôm nay của chúng ta được hình thành bởi các kiếp quá khứ và sự tích lũy các phiền não sẽ tiếp tục từ kiếp này sang kiếp khác. Một người tích cực vun bồi trí tuệ không nên chỉ mong biết chân lý, mà cũng cần nỗ lực tận diệt phiền não để có thể chân thật trong hành động và lời nói. Người ấy cần phải bền bỉ và vững vàng trong sự vun bồi thiện pháp, trong đó bao gồm ba la mật sau: quyết định ba la mật.
Chú thích:
1.Xem thêm Thanh Tịnh Đạo I, 75 về cháo đỗ sượng
2.Tứ chúng là Tỳ Kheo Tăng, Tỳ Kheo Ni, Cư sĩ nam, Cư sĩ nữ. Họ hoan hỷ khi thấy đại đức Ānanda, hoan hỉ khi nghe ngài giảng và ngại ngùng khi ngài im lặng.
3.Chúng ta đọc trong Chú giải “Hạnh Tạng” rằng đây là những pháp tạo nền móng vững chắc. Adiṭṭhāna cũng được dịch là phát nguyện. Chúng ta đọc trong Trường Bộ Kinh số 33 (Kinh Phúng Tụng), Bốn pháp , xxvii): Bốn thắng xứ (Bốn nguyện): Tuệ thắng xứ, đế thắng xứ, xả thắng xứ, chỉ tức thắng xứ. Chú giải cho kinh này, cuốn Sumaṅgala Vilāsinī, nói rằng tuệ thắng xứ (paññadiṭṭhāna) bắt đầu với tuệ minh sát (liễu ngộ về chủ nhân của nghiệp bằng tuệ giác) và có quả tối thượng là A la hán quả. Đế thắng xứ, bắt đầu với sự chân thật trong lời nói, kết thúc với chân đế tối thượng là Niết bàn. Xả thắng xứ bắt đầu với sự viễn ly đối tượng ngũ dục và kết thúc với sự tận diệt mọi phiền não bởi A la hán Đạo. Chỉ tức thắng xứ bắt đầu với sự đè nén phiền não bởi thiền chứng (jhāna) và kết thúc với sự tận diệt mọi phiền não bởi A la hán Đạo
4.Hành là một mắt xích của chuỗi thập nhĩ nhân duyên. Abhisaṅkhāra bao gồm nghiệp thiện, nghiệp bất thiện và nghiệp bất động (các tầng thiền vô sắc giới). Chừng nào còn tạo nghiệp thì sẽ còn có quả (vipāka) của nghiệp, và vòng sinh tử luân hồi sẽ còn tiếp tục. Bậc A la hán đã tận diệt mọi phiền não và với vị ấy sẽ không còn nghiệp được tạo nữa.
5.Phiền não giống như kẻ thù. Ngài đã xả ly mọi phiền não
6.Ngày thứ tám trước và sau trăng tròn của các tháng giêng và tháng hai.
7.Đây là Chú giải của Achāriya Dhammapala. Dhammapala là tác giả của nhiều Chú giải và Phụ chú giải, bao gồm cả các Phụ chú giải cho các Chú giải của Buddhaghosa.
8.Tiếng Pali là ñāṇa saccaṃ và paramattha saccaṃ
9.Đức Bồ tát phát nguyện Chánh đẳng giác
10.Chân thật với cuộc đời phạm hạnh, cuộc đời của người vun bồi Bát Chánh Đạo đưa tới sự tận diệt phiền não.
11.Họ đã chứng ngộ bản chất thật của các pháp chân đế tâm, tâm sở, sắc, niết bàn.
12.Vaṇṇa, tức dáng vẻ hay phẩm chất
13.Bằng sự vun bồi hiểu biết về sự thật của các pháp, paramattha sacca, ta sẽ xuyên thấu Tứ Thánh Đế và đây là lợi ích tối thượng của chân thật.
14.Xem thêm “Tiền thân Kaṇhadīpāyana”, số 444
15.Kaṇha có nghĩa là đen. Thân ngài bị nhuộm đen khi ngài ngồi dưới thân người bạn bị đóng cọc xuyên người và rỉ máu.
16.Bản dịch bài kinh này là của Tỳ kheo Indacanda. Tuy nhiên người dịch Việt ngữ đã chỉnh câu này để tương ứng với bản tiếng Anh. Bản của Tỳ kheo Indacanda như sau: “Từ đó về sau, phạm hạnh của ta là năm mươi năm và thêm nữa.”
17.Tôi (Nina Van Gorkom) đã thêm vào bản gốc khổ giải thích về Lời Thề Sự Thật.