Đạo Phật trong đời sống hàng ngày: chương 4

 Chương 4 – Các việc thiện

Đức Phật giúp mọi người hiểu biết đúng về thiện pháp và bất thiện pháp; Ngài đã giúp họ bằng cách dạy họ Giáo pháp; Giáo pháp vượt lên trên tất cả các món quà khác, vì món quà ích lợi nhất mà ta có thể tặng người khác là giúp họ phát triển hiểu biết đúng để họ có được cuộc sống thiện hơn. Bằng cách ấy họ sẽ có thêm hạnh phúc.

Trong Tăng chi bộ kinh (Quyển II, Chương IV, Số 2) chúng ta đọc rằng không dễ gì trả ơn cha mẹ vì những gì họ đã làm cho chúng ta:

Có hai hạng người, này các Tỳ kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỳ kheo, một bên vai cõng cha, làm vậy suốt một trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỳ kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỳ kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỳ kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, đưa chúng vào cuộc đời này.

Nhưng này các Tỳ kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, an trú, hướng dẫn các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới ; đối với mẹ cha tham lam, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỳ kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.

Trong bài kinh này, Đức Phật đã chỉ ra tầm quan trọng của việc giúp người khác có hiểu biết đúng về sự phát triển thiện pháp; Ngài giải thích rằng đó là cách để trả ơn cha mẹ. Việc giúp cha mẹ có lòng tin được nói đến trước. Tuy nhiên “lòng tin” không có nghĩa là “tin ở một người”. Đức Phật không muốn mọi người làm việc thiện vì vâng lời Ngài hay tuân theo một luật lệ nhất định nào đó. Tin có nghĩa là tin vào thiện pháp, tin việc tích lũy thiện pháp là lợi lạc. Vì thế, mỗi khi có thiện pháp thì sẽ có lòng tin. Sau lòng tin, bài kinh nói trên đề cập đến “giới” và tiếp theo là “bố thí”. Trí tuệ hay chánh kiến được nói đến sau cùng.

Nghiệp thiện (kusala kamma) được giải thích theo các cách khác nhau trong bài kinh đó, bố thí (dāna) luôn được nhắc đến trước tiên, trì giới (sīla) được đề cập tiếp theo và cuối cùng là sự phát triển tâm trí (bhāvanā). Có nhiều cách phát triển thiện pháp và hiểu về những cách thức này tạo duyên cho việc thực hiện chúng. Trí tuệ (paññā) là yếu tố hàng đầu tạo duyên cho việc loại trừ bất thiện pháp và phát triển thiện pháp. Có thể có bố thí, trì giới mà không có trí tuệ, nhưng khi có trí tuệ, bố thí và trì giới sẽ ở mức độ thiện cao hơn. Sẽ không thể có sự phát triển tâm trí (bhåvanå) mà không có trí tuệ. Trí tuệ là yếu tố tiên quyết cho sự phát triển tâm trí, mặt khác trí tuệ được phát triển thông qua sự phát triển tâm trí.

Trí tuệ hiểu mọi thứ như chúng là, sẽ giúp mọi người có được một cuộc sống tốt đẹp hơn. Có nhiều mức độ trí tuệ. Khi trí tuệ được phát triển, phiền não sẽ được loại bỏ tương ứng và mọi người sẽ tìm thấy sự bình an trong tâm. Thật lợi lạc khi phát triển hiểu biết đúng về thiện là thiện và bất thiện là bất thiện, cũng như giúp người khác cùng phát triển hiểu biết này.

Tất cả những tâm bất thiện (akusala citta) đều được tạo bởi vô minh hay si (moha). Có những loại tâm bất thiện khác nhau. Một số tâm bất thiện chỉ bắt rễ từ si. Nhưng có cả tâm bất thiện bắt rễ từ si và tham (lobha). Tham là sự dính mắc, vị kỷ hay tham lam. Ngoài ra có cả tâm bất thiện bắt rễ từ si và sân (dosa). Sân là khó chịu, ác ý hay giận dữ. Các việc làm bất thiện được thúc đẩy bởi các tâm bất thiện.

Khi có tâm thiện (kusala citta) thì không có tham, sân hay si sinh khởi cùng với tâm. Các việc làm thiện được bắt nguồn từ tâm thiện. Khi chúng ta bố thí, trì giới hay phát triển tâm trí thì không có tham, sân hay si sinh khởi cùng tâm thiện, tâm tạo nên các việc làm thiện. Rất lợi ích khi biết thêm về bố thí, trì giới hay phát triển tâm trí để có một cuộc sống thiện hơn.

Một cách phát triển thiện pháp là bố thí (dāna). Bố thí là cho những thứ cần thiết cho người khác, chẳng hạn, cho thức ăn, quần áo hay tiền bạc cho những người thiếu thốn. Bố thí thực sự là một cách để xóa bỏ phiền não: ở những giây phút ấy, ta nghĩ về người khác, ta không có suy nghĩ vị kỷ. Khi có sự đại lượng, sẽ không có tham, sân hay si.

Bố thí với hiểu biết đúng rằng bố thí là nghiệp thiện thì có nhiều thiện pháp hơn là bố thí mà không có hiểu biết như vậy. Những người bố thí với hiểu biết rằng hành động thiện ấy là một cách làm giảm bớt tính vị kỷ, sẽ có thêm động lực để tiếp tục phát triển thiện pháp. Chúng ta có thể cho rằng suy xét về sự tích lũy thiện pháp cho bản thân mình là một thái độ vị kỷ. Tuy nhiên đó không phải là vị kỷ. Hiểu biết đúng về cách phát triển thiện pháp sẽ tạo duyên cho tâm thiện sinh khởi thường xuyên hơn, và điều này mang lại ích lợi cho tất cả mọi người. Tham, sân, si bị diệt trừ cũng mang lại lợi ích cho người khác. Sống với những người không có tính vị kỷ và không hay giận dữ sẽ dễ chịu hơn là với những người ích kỷ hoặc cáu kỉnh.

Có nhiều mức độ trí tuệ. Khi trí tuệ được phát triển cao hơn, chúng ta hiểu rằng không phải là “ta” đang làm việc thiện, mà chỉ là những tâm (citta) được tạo duyên bởi các tích lũy thiện pháp trong quá khứ. Vì vậy không có lý do để tự hào hay ngã mạn. Thiện pháp sẽ được tiếp tục tích lũy qua sự phát triển trí tuệ – một hiện tượng tinh thần (danh) và không phải là “ta”.

Trẻ em ở Thái Lan thường được dạy cúng dường đặt bát cho chư tăng và vì vậy chúng tích lũy thiện pháp. Người Thái gọi việc làm việc thiện là “tham bun”. Việc trẻ em được học làm việc thiện từ tuổi còn rất nhỏ sẽ làm duyên cho chúng tiếp tục phát triển lòng đại lượng khi lớn lên.

Khi ai đó cúng dường vật thực cho chư tăng, trước hết người cúng dường (thí chủ) sẽ được hưởng lợi từ thiện nghiệp đó; các nhà sư đã cho người ấy cơ hội để phát triển thiện pháp. Các nhà sư không cần phải cảm ơn thí chủ về món cúng dường; họ nói những lời chúc phúc để bày tỏ sự hoan hỷ trước việc làm thiện của thí chủ. Ban đầu chúng ta có thể thấy lạ khi các nhà sư không cảm ơn mọi người, nhưng nếu hiểu rõ hơn về cách thiện pháp được phát triển, chúng ta sẽ nhìn nhận các nét văn hóa này dưới một ánh sáng khác.

Ngay cả khi không cho đi cái gì đó, chúng ta vẫn có cơ hội phát triển thiện pháp bằng cách tán thưởng việc làm thiện của người khác: ở thời điểm đó không có tham, sân hay si. Tán thưởng việc thiện của người khác là một nghiệp thiện, cũng thuộc về bố thí. Tán thưởng việc làm tốt của một người khác sẽ mang lại lợi ích cho tất cả mọi người. Nó mang lại sự chung sống hòa hợp trong xã hội.

Phương thức thứ ba của nghiệp thiện thuộc bố thí là cho người khác- dù họ ở trên thế giới này hay cõi khác- cơ hội để tán thưởng những việc làm thiện của chúng ta, để nhờ đó họ cũng có thiện tâm. Bằng cách thực hiện thiện pháp, chúng ta cũng có thể giúp người khác thực hiện thiện pháp. Chúng ta thường xúc động và hứng khởi khi thấy người khác chăm sóc cha mẹ già hay thấy mọi người nghiên cứu và giảng pháp. Chúng ta cần noi gương Đức Phật. Chúng ta nên luôn suy nghĩ tìm cách có thể giúp người khác phát triển thiện pháp. Nghiệp thiện là một phương tiện để tiêu diệt phiền não. Ở mỗi khoảnh khắc, luôn có cơ hội để phát triển thiện pháp. Khi phát triển trí tuệ hơn, chúng ta sẽ không bỏ lỡ cơ hội cho thiện pháp, bởi vì kiếp người rất ngắn ngủi.

Có ba phương thức thực hiện nghiệp thiện thuộc về giới (sīla). Phương thức thứ nhất là trì giới. Người cư sĩ tại gia có năm giới phải giữ. Đó là:

Tránh xa sự sát sinh

Tránh xa sự trộm cắp

Tránh xa sự tà dâm

Tránh xa sự nói dối

Tránh xa sự uống rượu và dùng các chất say

Chúng ta có thể giữ giới chỉ vì phải tuân theo các quy tắc mà không nghĩ đến lý do vì sao cần giữ giới. Giữ giới là nghiệp thiện, nhưng mức độ của thiện pháp sẽ không cao nếu không có hiểu biết đúng. Chúng ta giữ giới với trí tuệ khi hiểu rằng ta đang thanh lọc mình khỏi những bất thiện pháp khi giữ giới.

Việc giết một chúng sinh là nghiệp bất thiện. Chúng ta có thể băn khoăn liệu đôi khi vẫn cần thiết phải sát sinh không. Liệu ta có nên sát sinh khi gặp chiến tranh hay giết sâu bọ để bảo vệ mùa màng, giết muỗi để bảo vệ sức khỏe? Đức Phật biết rằng chừng nào mọi người vẫn sống trên thế giới này, họ vẫn có nhiều lý do để phạm giới. Ngài biết rằng rất khó để giữ tất cả các giới và chúng ta không thể học giữ tất cả các giới chỉ trong một ngày. Tuy nhiên, thông qua hiểu biết đúng, chúng ta có thể dần dần học giữ giới. Giới điều không nói rằng “bạn không được giết”. Các giới không được thể hiện như những lời răn, mà chúng được diễn đạt như sau: “Con xin cố ý tránh xa sự sát sinh”.

Đức Phật chỉ ra điều gì là thiện và điều gì là bất thiện để mọi người có thể tìm được con đường tới sự an bình thực sự. Chính trí tuệ hay chánh kiến (paññā) có thể giúp mọi người giữ giới. Nếu không có trí tuệ, họ sẽ dễ dàng phạm giới khi sự quyến rũ trở nên mạnh mẽ hay ở trong tình huống khó giữ giới. Khi trí tuệ phát triển hơn, trí tuệ sẽ tạo duyên cho việc giữ giới thường xuyên hơn. Có thể thấy từ kinh nghiệm bản thân rằng, phạm giới thường do tham, sân và si. Khi hiểu việc giữ giới là cách để loại bỏ phiền não, chúng ta sẽ tránh ngay cả việc giết con muỗi và con kiến. Chúng ta luôn tích lũy sự sân hận khi có ý định sát sinh, dù chỉ là một con côn trùng rất nhỏ. Cần phải thấy rằng, chúng ta tích lũy bất thiện pháp khi giết chúng sinh khác, cho dù đó là con người hay con vật. Song không thể bắt những người khác cũng giữ giới không sát sinh.

Cố ý tránh xa sự sát sinh là một dạng bố thí, đó là món quà cuộc sống, loại bố thí cao nhất mà chúng ta có thể làm. Việc phân loại thiện pháp thuộc bố thí và trì giới không cứng nhắc. Các thực tại được phân chia theo các khía cạnh khác nhau. Đối với việc dùng các chất gây nghiện, mọi người cần phải tự tìm hiểu xem có bao nhiêu nghiệp bất thiện đã được tích lũy theo cách này. Dù chỉ có một chút dính mắc nhẹ thì chúng ta vẫn đang tích lũy bất thiện pháp, và nó sẽ có hại trong tương lai. Khi sự dính mắc đủ mạnh, nó sẽ xuất hiện dưới dạng thân nghiệp và khẩu nghiệp. Kể cả khi chỉ dùng một chút rượu vẫn có thể khiến chúng ta có thêm tham lam, giận dữ và vô minh. Nó có thể tạo ra hiệu ứng khiến mọi người thường không nhận ra những gì họ đang làm và không thể hay biết về các thực tại của giây phút hiện tại. Trí tuệ sẽ khiến chúng ta uống ít hơn, dần dẫn đến việc ngừng uống hoàn toàn. Chúng ta không phải ép mình không uống mà chỉ mất đi thú vị đối với việc uống rượu vì ta thấy ra sự bất lợi của nó. Bằng cách ấy, việc giữ giới không uống rượu sẽ trở thành bản chất tự nhiên của chúng ta. Người phát triển trí tuệ tới giai đoạn giác ngộ thứ nhất, tức vị thánh Tu đà hoàn (Sotāpanna), sẽ không bao giờ phạm năm giới nữa, đối với vị ấy việc giữ giới đã trở thành tự nhiên.

Phương thức thứ hai của nghiệp thiện thuộc về giới là tỏ lòng kính trọng tới những người đáng kính trọng. Không cần phải thể hiện sự kính trọng theo một văn hóa cụ thể nào; lòng tôn kính mà ta có đối với ai đó là quan trọng hơn. Điều này giúp chúng ta có thái độ khiêm nhường đối với người đáng được kính trọng. Cách mọi người thể hiện sự kính trọng tùy thuộc vào tập tục của đất nước mà họ sinh sống hay thói quen đã tích lũy. Ở Thái lan, mọi người thể hiện sự kính trọng tới các vị tỳ kheo, người thầy và người già theo cách khác với người phương Tây. Ở một số nước, sự tôn trọng đối với người khác được thể hiện đơn thuần qua cách xưng hô lịch thiệp với những người ấy.

Sự lịch thiệp tới từ trong tâm là nghiệp thiện; tại giây phút đó không có tham, sân và si. Việc thể hiện sự kính trọng tới các vị sư, các vị thầy và người già là nghiệp thiện. Ở Thái Lan, mọi người thể hiện sự kính trọng của mình đối với tổ tiên; họ thể hiện lòng biết ơn đối với những phẩm chất tốt đẹp của tổ tiên. Đó là nghiệp thiện, dù cho tổ tiên của họ có thể thấy được mọi người đang thể hiện sự kính trọng tới họ hay không. Chúng ta không thể biết tổ tiên của mình đã tái sinh ở cõi nào, ở cõi người hay cõi khác, nơi họ có thể nhìn thấy mọi người đang bày tỏ sự tôn kính tới họ. Nghĩ về tổ tiên với lòng biết ơn là thiện pháp.

Cần luôn tìm hiểu xem liệu có tâm thiện và tâm bất thiện đang thúc đẩy các việc làm của chúng ta, để hiểu được ý nghĩa của việc làm ấy. Khi đó chúng ta sẽ hiểu và tán thưởng nhiều tập tục của người Thái và sẽ không dễ dàng phán xét sai lầm rằng đó là mê tín dị đoan. Cũng cần hiểu hơn việc đảnh lễ tượng Phật theo cách tương tự như vậy. Đó không phải là tôn kính một hình ảnh nào đó; thực chất, đó là một nghiệp thiện khi chúng ta nghĩ về những phẩm chất tuyệt vời của Đức Phật: Trí tuệ, sự thanh cao và lòng từ bi của Ngài. Chúng ta không đảnh lễ Đức Phật ở trên trời, bởi vì Đức Phật không ở trên trời hay ở bất kỳ cõi nào; Ngài đã tịch diệt hoàn toàn. Biết ơn Đức Phật và đi theo con đường Ngài đã tìm ra là thiện pháp. Chúng ta sẽ bày tỏ sự tôn kính đối với Đức Phật như thế nào còn tùy thuộc vào xu hướng mà mình đã tích lũy.

Phương thức thứ ba thực hiện nghiệp thiện thuộc về giới là giúp đỡ người khác bằng lời nói và việc làm. Việc giúp đỡ người khác sẽ ở mức độ thiện pháp cao hơn nếu hiểu rằng giúp đỡ là thiện nghiệp, đó là cách để giảm bớt lòng vị kỷ và các phiền não khác. Điều ấy sẽ khuyến khích chúng ta làm thêm nhiều việc thiện; ta sẽ thiết lập giới hơn nữa. Như thế sẽ có thêm thiện pháp nhờ việc giữ giới với hiểu biết.

Thực hiện các nghĩa vụ của mình thì không phải luôn luôn là nghiệp thiện: mọi người có thể thực hiện trách nhiệm của mình bởi vì họ đã được trả tiền cho công việc ấy. Chẳng hạn, một người thầy giáo dạy học trò của mình và bác sĩ thì chăm sóc bệnh nhân bởi vì đó là công việc của họ. Tuy nhiên, họ có thể phát triển thiện pháp nếu họ thực hiện trách nhiệm của mình với từ tâm.

Trí tuệ tạo duyên để chúng ta thực hiện các nghiệp thiện, không kể nghĩa vụ của mình là gì. Thiện pháp có thể được phát triển bất cứ khi nào chúng ta ở cùng người khác, khi chúng ta nói hay lắng nghe họ.

Giúp người khác chỉ với lời nói và việc làm tốt đẹp thì chưa đủ. Khi đúng lúc, chúng ta cần giúp người khác theo cách hiệu quả và sâu sắc hơn, đó là giúp họ hiểu họ là ai, tại sao họ lại ở trên thế giới này và mục đích cuộc sống của họ trên thế giới này là gì. Cách giúp đỡ như vậy nằm trong bhāvanā hay sự phát triển tâm trí.

Comments are closed.

Translate »