Chương 6 – Đức Phật
Trong các ngôi chùa Thái lan, chúng ta thấy mọi người đảnh lễ tượng Phật bằng việc quỳ gối và chạm tay và đầu xuống sàn ba lần. Những người mới tới Thái Lan có thể băn khoăn kiểu đảnh lễ như vậy là một cách cầu nguyện hay có ý nghĩa nào khác. Thực ra đó là cách các Phật tử ở Thái Lan bày tỏ niềm tin của họ vào “Tam Bảo”: Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng. Họ quy y Tam Bảo.
Ngôi Tam Bảo đầu tiên là Đức Phật. Khi mọi người quy y Đức Phật, họ nói câu tiếng Pāli như sau: “Buddhaṃ saraṇaṃ gacchāmi”, có nghĩa là “Con xin quy Phật”. Như vậy ý nghĩa của từ “Phật” là gì?. Trong Phần Ý nghĩa tối thượng (“Paramatthajotikā”, chú giải “Tiểu tụng”, Khuddaka Nikāya), phần chú giải “Tam quy y”, đã giải thích ý nghĩa của từ “Đức Phật” như sau:
… và lại có người hỏi, “Buddha”: Hiểu theo nghĩa nào đây? Ngài là người khai phá (bujjhitā) ra chân đế, chính vì thế Ngài đã được giác ngộ (buddha). Ngài là đấng giác ngộ (bodhetā) qua mọi thời đại, chính vì vậy Ngài đã được giác ngộ. Ngài được giác ngộ thông qua khả năng toàn tri, giác ngộ thông qua toàn kiến, được giác ngộ mà không do người nào chỉ đường dẫn lối, ….Ngài đã không vướng mắc những điều phiền não, chính vì thế Ngài đã được giác ngộ. Ngài đã bước đi trên thánh đạo (một con đường duy nhất), chính vì vậy Ngài đã được giác ngộ; chỉ mình Ngài đã khám phá ra toàn giác, chính vì vậy Ngài đã được giác ngộ;… Đức Phật: đây chẳng phải là tên do cha mẹ đặt cho…hồng danh “Buddha” Phật này chỉ mang ý nghĩa việc giải thoát chung cuộc, lại chính là cách mô tả thực tiễn nhất về những người đã đạt đến giác ngộ, Thế Tôn, cùng với chứng đắc của các Ngài về trí toàn giác, ngay tại gốc [thân cây] giác ngộ.
Đức Phật là người khám phá ra chân lý. Chân lý mà Đức Phật đã tự mình khám phá ra là gì? Chú giải Kinh Tiểu bộ đã viết “Ngài được giác ngộ thông qua khả năng toàn tri, thông qua toàn kiến….”. Ngài đã phát triển trí tuệ để thấy và kinh nghiệm sự thật của tất cả mọi thứ. Tất cả mọi thứ trong cuộc đời đều vô thường và vì vậy là bất toại nguyện. Mọi người đều khổ vì tuổi già, bệnh tật và cái chết. Mặc dù sự thật như vậy, mọi người vẫn tiếp tục bám víu vào mọi thứ ở trong và xung quanh mình. Vì vậy họ không thể nhìn thấy thực tại. Đức Phật đã hiểu thông qua kinh nghiệm trực tiếp rằng, mọi hiện tượng đều sinh và diệt ngay lập tức. Người không dính mắc vào bất cứ thứ gì.
Đối với chúng ta thì rất khó kinh nghiệm về sự thật vô thường. Danh và sắc luôn sinh và diệt, nhưng chúng ta không thể có hiểu biết trực tiếp về vô thường nếu trí tuệ của chúng ta chưa được phát triển. Rất khó hay biết thường xuyên về thực tại khi chúng xuất hiện và nhận ra bản chất thật của chúng: chỉ là danh và sắc, các hiện tượng vô thường và vô ngã. Càng nhận ra việc thấy đúng bản chất của mọi thứ là khó khăn, chúng ta càng hiểu rằng mức độ trí tuệ của Đức Phật phải ở mức độ cao nhất.
Đức Phật dạy rằng mọi thứ trong cuộc sống đều là dukkha. Dukkha, theo nghĩa đen, là đau khổ hay bất hạnh. Tuy nhiên, kinh nghiệm sự thực về dukkha còn sâu sắc hơn nhiều cảm giác buồn hay sự quán chiếu về khổ. Đó là hiểu biết trực tiếp về tính chất vô thường của danh và sắc trong cuộc sống và nhận ra không có gì trong những hiện tượng này là hạnh phúc thực sự. Một số người có thể cho rằng, suy ngẫm về sự thật này đã là kinh nghiệm về khổ đế (chân lý về khổ). Tuy nhiên, chúng ta không có hiểu biết thực sự về chân lý này nếu chỉ đơn thuần nghĩ về nó. Khi Trí tuệ (paññā) đã phát triển đến mức độ thấy trực tiếp được sự sinh diệt của danh và sắc, chúng ta sẽ có thể chứng ngộ sự thực về khổ – dukkha. Khi ấy, chúng ta sẽ dần bớt dính mắc vào danh và sắc.
Trong Đại kinh mãn nguyệt (Trung bộ kinh Tập III, số 109), chúng ta đọc rằng Đức Phật, khi Ngài ngự gần Sāvatthī, ở Lộc Mẫu Giảng đường tại Đông viên, đã hỏi các tỳ kheo:
“Các Ông nghĩ thế nào, này các Tỳ kheo, sắc là thường hay vô thường?”
“Vô thường, bạch Thế Tôn”
“Những gì vô thường là khổ hay lạc?”
“Là khổ, bạch Thế Tôn”
“Những gì vô thường, khổ, bị biến hoại, có hợp lý chăng khi xem: “Cái này của tôi, cái này là tôi, cái này là tự ngã của tôi?”
“Thưa không vậy, bạch Thế Tôn”
Đức Phật đã hỏi câu hỏi tượng tự đối với danh. Tất cả mọi thứ trong cuộc đời đều vô thường. Cả những gì ta gọi là hạnh phúc cũng vô thường, nó cũng chỉ là một hiện tượng danh sinh rồi diệt ngay lập tức. Làm sao cái sinh và diệt ngay khi nó sinh khởi lại có thể là hạnh phúc thực sự? Vì thế, tất cả mọi thứ trong cuộc sống, kể cả hạnh phúc, đều là dukkha – khổ hay bất toại nguyện. Cái gì sinh và diệt đều không nên cho là “ta”; tất cả mọi thứ đều vô ngã (anattā). Vô thường, khổ và vô ngã là ba đặc tính của thực tại, sự thực của tất cả các thực tại ở trong và xung quanh chúng ta. Chúng ta có thể sẽ cần thời gian rất lâu để có thể kinh nghiệm mọi thứ như chúng là. Cách duy nhất để phát triển hiểu biết trực tiếp về sự thực là hay biết về danh và sắc đang sinh khởi, chẳng hạn như thấy, nghe hay suy nghĩ tại thời điểm này.
Đức Phật luôn chánh niệm và hoàn toàn tỉnh thức. Ngài không có chút vô minh về bất kỳ thực tại nào. Khi nhận ra việc chánh niệm khó khăn đến mức nào, chúng ta sẽ kính trọng sâu sắc tuệ giác vĩ đại của Đức Phật. Đức Phật được gọi là “Bậc giác ngộ”, vì Ngài đã hoàn toàn giác ngộ chân lý. Chúng ta đọc trong Kinh Sela (Trung bộ kinh Tập II, số 92) rằng Đức Phật đã nói với Sela:
“Cái gì cần biết, Ta đã biết; cần tu, Ta đã tu; cần bỏ, Ta đã bỏ; Ôi tôn giả Phạm chí, do vậy Ta là Phật”
Bằng sự giác ngộ, Đức Phật đã đạt được sự thanh tịnh lớn nhất. Ngài đã hoàn toàn tận diệt mọi phiền não. Đức Phật đã đạt được giác ngộ trong cuộc sống của mình tại thế giới này. Ngài đã dạy người khác phát triển trí tuệ trong đời sống hàng ngày, trí tuệ ấy có thể hoàn toàn tận diệt được phiền não và mọi phiền não ngủ ngầm. Càng biết hơn về phiền não của mình, kể cả những phiền não vi tế, và càng thấy rõ sự dính mắc vào ý niệm về “ta” bám rễ sâu đến nhường nào, chúng ta sẽ càng thấy được mức độ thanh cao của Đức Phật.
Đức Phật có lòng từ bi vô lượng đối với tất cả mọi người. Việc Đức Phật đã hoàn toàn thoát khỏi phiền não không có nghĩa là Ngài muốn tách mình khỏi thế giới. Ngược lại, Ngài muốn giúp đỡ tất cả chúng sinh vẫn còn phiền não tìm thấy chánh đạo đưa đến trí tuệ thực sự. Nhiều người thường có xu hướng nghĩ rằng Đức Phật làm cho mọi người trở nên lơ là nhiệm vụ của mình đối với người khác và khiến họ vị kỷ. Không phải vậy, Đạo Phật cho phép chúng ta có thể thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình và phục vụ người khác một cách bớt vị kỷ hơn.
Đức Phật đạt giác ngộ vì hạnh phúc của thế giới. Trong Tăng Chi Bộ Kinh (Phẩm một người, Phần XIII), chúng ta đọc rằng Đức Phật đã nói với các tỳ kheo:
Một người, này các tỳ kheo, khi xuất hiện ở đời, sự xuất hiện ấy đem lại hạnh phúc cho đa số, an lạc cho đa số, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người. Một người ấy là ai? Chính là Thế tôn, bậc A la hán, Chánh đẳng giác. Chính một người này, này các tỳ kheo.
Càng hiểu về Giáo lý của Đức Phật, chúng ta càng ấn tượng trước lòng từ bi của Ngài đối với tất cả mọi người. Đức Phật biết như thế nào là hoàn toàn thoát khỏi khổ đau. Vì vậy Ngài đã giúp các chúng sinh cũng đạt được sự giải thoát đó. Một người có thể giúp người khác bằng lòng tốt, sự quảng đại và nhiều cách khác. Nhưng cái quý giá nhất mà một người có thể giúp người khác là chỉ cho họ tới bình an thực sự. Đức Phật đã thể hiện sự từ bi lớn lao của mình bằng cách dạy cho họ Giáo lý.
Khi các Phật tử đảnh lễ tượng Phật, họ không cầu xin một vị Phật ở trên trời, bởi vì Đức Phật đã tịch diệt. Những người Phật tử đảnh lễ tượng Phật bởi vì, với lòng tôn kính và biết ơn sâu sắc, họ nghĩ tới các phẩm chất của Đức Phật: đó là trí tuệ, sự thanh cao và lòng từ bi của Ngài. Khi nói đến phẩm chất, chúng ta thường nghĩ đến các phẩm chất thiện trong tính cách của ai đó. Tuy nhiên có nhiều mức độ phẩm chất thiện. Khi trí tuệ của ai đó đi theo con đường Bát chánh đạo được phát triển tới mức độ có thể đạt được giác ngộ, khi ấy cuộc đời của người ấy sẽ trở nên trong sạch hơn và sự từ bi của người ấy đối với người khác sẽ sâu sắc hơn. Trí tuệ không chỉ là kiến thức lý thuyết về chân lý, mà còn là việc liễu ngộ chân lý trong chính cuộc đời của mình. Các phẩm chất cao quý của Đức Phật được phát triển tới mức độ Ngài không chỉ tự mình đạt giác ngộ mà không có đạo sư, mà còn có thể dạy chân lý cho những người khác, nhờ đó họ có thể đi theo chánh đạo và đạt được giác ngộ.
Có nhiều vị Phật trước Đức Phật Gotama. Tất cả các vị Phật đều tự mình tìm ra chân lý mà không cần thầy chỉ dạy. Tuy nhiên, có hai loại Phật: đó là “Sammā-sambuddha” hay là “Phật Chánh đẳng giác” và “Pacceka-Buddha” hay là “Phật độc giác”. Vị Phật Chánh đẳng giác đã tìm thấy chân lý và có thể dạy người khác con đường tới giác ngộ. Vị Phật độc giác chưa tích lũy đủ ba la mật đến mức độ thành Phật Chánh đẳng giác, vì vậy ngài không có khả năng dạy người khác như Phật Chánh Đẳng giác. Đức Phật Gotama là Đức Phật Chánh đẳng giác. Không thể có hơn một vị Phật Chánh đẳng giác, cũng như không thể có vị Phật độc giác nào trong một thời kỳ tồn tại Giáo pháp của Đức Phật. Thời kỳ tồn tại Giáo lý Đức Phật mà chúng ta đang sống sẽ kết thúc khi Giáo lý của Đức Phật biến mất hoàn toàn. Đức Phật đã tiên đoán rằng càng về sau, Giáo lý của Người sẽ càng bị hiểu lầm và biến chất. Giáo lý của Người sẽ hoàn toàn biến mất, sau đó sẽ xuất hiện một vị Phật khác, vì vậy sẽ là thời kỳ giáo huấn của vị Phật khác. Vị Phật tiếp theo cũng sẽ lại phát hiện ra chân lý và Ngài cũng sẽ dạy các chúng sinh khác con đường dẫn tới giác ngộ.
Các Phật tử quy y Phật. Từ “quy y” có nghĩa là gì?. Chú giải Paramatthajotikā đã nói về ý nghĩa của từ “quy y” như sau:
… khi người ta Quy Y để tìm kiếm nơi cậy nhờ, việc Quy Y chỗ nương nhờ chính là chiến đấu, thế nên chính hành vi Quy Y chỗ nương nhờ lại là chiến đấu, đẩy lùi, loại bỏ, và dừng lại nỗi sợ hãi, nỗi lo lắng, nỗi đau khổ, tái sanh [nơi khổ cảnh] và phiền não… Việc Quy Y chính là làm nổi lên nhận thức với lòng tin tưởng và tạo điều ưu thế hơn thêm vào đó. Từ đó phiền não được diệt trừ và nhổ sạch đến tận gốc rễ và điều này xuất hiện nơi hiện trạng coi điều đó như là giá trị cao nhất…
Quy y Đức Phật không có nghĩa là Đức Phật có thể xóa bỏ phiền não của mọi người. Chúng ta đọc trong Kinh đại bát niết bàn (Phật thoại II, số 73) rằng, trước khi tịch diệt, Đức Phật đã nói với Ānanda:
Này Ānanda, Ta nay đã già, đã thành bậc trưởng thượng, đã đến tuổi lâm chung, đã đến tám mươi tuổi…này Ānanda, hãy tự mình là ngọn đèn cho chính mình, hãy tự mình nương tựa chính mình, chớ nương tựa một gì khác. Dùng Chánh pháp làm ngọn đèn, dùng Chánh pháp làm chỗ nương tựa, chớ nương tựa một gì khác
Sau đó Đức Phật đã giải thích rằng chúng ta quy y Pháp bằng phát triển Tứ niệm xứ, tức là hay biết về danh và sắc để phát triển hiểu biết đúng về chúng. Đó chính là con đường Bát chánh đạo dẫn tới giác ngộ. Chúng ta chỉ có thể dựa vào bản thân mình khi đi theo con đường này, chứ không vào bất kỳ ai khác.
Đức Phật nói rằng Giáo pháp và Giới luật sẽ là thừa tự của Ngài. Ngày nay Đức Phật không còn nữa, nhưng chúng ta quy y Đức Phật khi chúng ta có niềm tin vào Giáo lý của Ngài và chúng ta coi việc thực hành Giáo lý là thứ quý giá nhất trong cuộc đời.