Chương 1
Bố thí Ba la mật
Bố thí ba la mật được kể tới đầu tiên trong mười ba la mật. Như chúng ta đã đọc về định nghĩa về bố thí ba la mật trong cuốn Chú giải cho “Hạnh tạng”:
“Bố thí (dana) có đặc tính xả ly; chức năng/phận sự của bố thí là đẩy lui lòng tham với những thứ có thể cho đi; biểu hiện/thành tựu của bố thí là không dính mắc, hay đạt được phú quý và tái sinh an lành; cận nhân của bố thí là một đối tượng có thể được xả ly.”
Đa số mọi người đều biết rằng bố thí là sự cho đi vì lợi ích và hạnh phúc của những người khác. Những người tại gia cư sĩ không thể cho đi tất cả sản nghiệp của mình bởi họ vẫn còn dính mắc vào các đối tượng ngũ dục, nhưng mỗi khi có cơ hội bố thí, họ nên thực hành điều đó. Nếu ta không thể cho đi vì lợi ích của người khác những thứ lớn nhỏ mà mình sở hữu, sẽ còn khó khăn hơn biết bao để từ bỏ sự dính mắc vào danh pháp và sắc pháp mà ta chấp thủ là tự ngã, là chúng sinh và con người. Vì thế, ta cần tập bố thí hết sức có thể, vì lợi ích và an sinh của người khác, để có thể tận diệt các phiền não, trong đó có sự bám víu vào của cải cũng như vào danh pháp và sắc pháp mà ta chấp tưởng là chúng sinh, con người và tự ngã. Do vậy, trong cuộc sống thường nhật, ta không nên lơ là việc vun bồi bố thí ba la mật. Ta cần phải biết liệu sự bố thí của mình có phải là ba la mật hay không. Bất kể ta bố thí nhiều tới bao nhiêu, sự bố thí ấy không phải là một ba la mật nếu ta không thấy được tính thiết yếu của việc tận diệt phiền não.
Những người hiểu Pháp và thực hành bố thí cần suy xét xem sự bố thí của mình có phải là ba la mật hay không. Nếu một người bố thí mà không mong đợi kết quả nào, dù là sự tái sinh nơi thiên giới, khi ấy sự bố thí của người ấy có thể là ba la mật. Tuy nhiên, nếu một người muốn nhận được phần thưởng khi mong mỏi tái sinh giàu sang hay tái sinh ở các cõi trời, hoặc nếu người ấy muốn nhận được lợi dưỡng, tôn vinh hay tán dương, cuộc sống của người ấy chất chứa mong cầu, và mục tiêu của người ấy không phải là sự tận diệt phiền não. Nếu ta suy niệm về điều này, ta có thể biết được liệu sự bố thí của mình ở một thời điểm cụ thể có phải là ba la mật hay không.
Bố thí ba la mật là một duyên để vượt sang bờ bên kia, hay nói cách khác là sự tận diệt các phiền não, đó là bến bờ đối nghịch với xứ sở của phiền não. Cần một thời gian cực kỳ dài để có thể tới được bến bờ nơi phiền não tận diệt; đạt tới đó thật chẳng dễ dàng. Chúng ta cần phải hiểu rõ ràng tận diệt phiền não có nghĩa là gì. Vì thế, chúng ta cần phải biết liệu ở khoảnh khắc bố thí mình có mong đợi điều gì hay không. Bố thí tận diệt tham ái là sự bố thí với mục đích tận diệt phiền não, và điều ấy có nghĩa rằng ta không nên mong đợi bất cứ kết quả nào.
Ngoài việc bố thí của cải vật chất, có sự bố thí cao thượng hơn, đó là bố thí Pháp. Đó thực chất là món quà trí tuệ thật lợi lạc cho kiếp này cũng như trong những kiếp vị lai. Khi chúng ta bố thí của cải vật chất cho những người nghèo khó, sự giúp đỡ ấy chỉ có hiệu ứng tạm thời. Có thể ta không cân nhắc tới nguyên nhân gốc rễ của sự nghèo túng ấy. Nghèo túng là quả của nghiệp bất thiện, và chừng nào ta tạo nghiệp bất thiện, chừng ấy vẫn còn duyên cho sự tái sinh trong cảnh nghèo.
Bên cạnh sự trợ giúp bằng vật chất, ta cần giúp mọi người đi tới gốc rễ sự nghèo túng của họ, tức là giúp họ có được hiểu biết đúng về sự thật của Giáo Pháp. Vậy là ta sẽ thấy rằng, mình thực sự có thể giúp đỡ lẫn nhau trong đời sống thường nhật, bằng tài thí cũng như Pháp thí. Với Pháp thí, chúng ta giúp đỡ những người khác có được hiểu biết đúng về Giáo pháp cũng như cách áp dụng Giáo Pháp ấy. Hơn nữa, giúp đỡ mọi người có được hiểu biết đúng về Pháp có thể là một duyên khiến họ tăng trưởng thiện pháp: bố thí, trì giới và phát triển tâm trí.
Vì vậy, khi một người giúp đỡ những người khác hiểu Pháp bằng nhiều cách khác nhau – thông qua việc phát thanh, in sách, đàm đạo hay thuyết Pháp – mà không nhằm thu được gì cho bản thân, người ấy đang thực hành từ tâm. Khi ấy, những hành động bố thí của người ấy là ba la mật dẫn đến sự tận diệt phiền não. Người ấy có hiểu biết kiên cố rằng sự phát triển thiện pháp không bị ô nhiễm bởi phiền não chính là vun bồi các ba la mật. Một số người ưa hoằng pháp muốn đánh giá kết quả những việc tốt của mình. Tuy nhiên, kết quả thực sự của những nỗ lực của một người không liên quan đến số lượng người nghe Pháp mà người ấy thuyết hay số lượng thiện nghiệp mà người ấy đã tạo cho mục đích này. Kết quả của những cố gắng ấy được thể hiện trong tâm của người nghe giờ đã có thể phát triển trí tuệ và áp dụng Giáo pháp tốt hơn.
Khi một người nghe Pháp có được hiểu biết đúng, người ấy tích lũy sự chân thật, và đó là chân thật ba la mật. Người ấy cũng tích lũy cả quyết định ba la mật khi có niềm tin kiên cố vào mục tiêu của mình là tận diệt phiền não. Chúng ta có thể đánh giá lợi ích của việc nghe Pháp tại ngay thời điểm ấy: liệu chúng ta có tích lũy thêm thiện pháp và suy giảm bớt bất thiện pháp hay không?
Có một hình thái bố thí khác là vô úy thí (abhayadāna), đó là sự bố thí cảm giác an toàn khỏi hiểm nguy và sợ hãi.
Ta đọc trong cuốn “Tăng chi bộ kinh”, Chương Tám Pháp, Phẩm Bố thí, IX (39), Nguồn nước Công đức, về tám nguồn nước công đức: quy y Tam bảo và năm bố thí1. Ta đọc về năm bố thí này như sau:
“Ở đây, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận sát sanh, từ bỏ sát sanh. Này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử từ bỏ sát sanh, đem cho không sợ hãi cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hận thù cho vô lượng chúng sanh, đem cho không hại cho vô lượng chúng sanh; sau khi cho vô lượng chúng sanh, không sợ hãi, không hận thù, không hại, vị ấy sẽ được san sẻ vô lượng không sợ hãi, không hận thù, không hại…”
Lời dạy tương tự được thuyết về sự từ bỏ trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng các chất say. Như vậy, giới có thể được suy xét dưới khía cạnh bố thí. Từ bỏ những việc làm tổn hại người khác, cũng như trao tặng sự bảo vệ khỏi hiểm nguy đều nằm trong vô úy thí. Hơn nữa, tha thứ cũng được coi là một dạng của bố thí2. Khi ta tha thứ cho người khác, ta không trôi theo ác cảm và hận thù.
Nếu một người không biết được rằng tha thứ là một ba la mật, người ấy sẽ không tha thứ được cho người đã làm ác với mình. Nếu ta không tha thứ cho những người khác, làm sao ta có thể đạt được giác ngộ và tận diệt phiền não? Nếu ta suy xét về điều này, đó có thể là duyên cho vô úy thí. Hình thái bố thí này cao thượng hơn sự bố thí của cải vật chất (āmisa dāna). Nếu ta không thể tha thứ cho người mình không ưa, điều ấy cũng có nghĩa là ta không thể vun bồi các hình thái thiện pháp khác đối với người ấy. Nếu ta không tha thứ cho một người hoặc vẫn còn giận dữ với người ấy, ta sẽ không thể hào hiệp với anh ta, ta thậm chí không thể cho anh ấy vật chất. Ta cũng không thể tặng anh ấy món quà Pháp thí bằng cách giúp đỡ anh ấy qua việc đàm đạo, hay khuyên nhủ anh ấy về những gì có lợi và có hại của cuộc đời.
Vô úy thí là một duyên cho sự vun bồi trì giới ba la mật (sīla paramī); đó là duyên cho sự từ bỏ tà nghiệp và tà ngữ. Nếu ta không tha thứ cho người khác, chúng ta sẽ không cư xử như một người bạn và vì thế thiện pháp không thể phát triển. Vậy làm sao ta có thể vượt được sang bờ bên kia, bờ của sự tận diệt phiền não?
Điều này cho ta thấy rằng sự suy xét của chúng ta về bản chất của thiện pháp trong đời sống hàng ngày phải rất tinh tế. Một người phát triển loại trí tuệ có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế cần biết được tính chất của tâm mình; người ấy cần phải biết được khi nào tâm mình ô nhiễm và không có sức mạnh. Trong trường hợp như vậy, làm sao người ấy có thể du hành trên con đường Bát Chánh Đạo dài vô tận? Người ấy cần phải biết tính chất của tâm mình để có thể có được sức mạnh tâm trí nhờ các ba la mật. Người ấy có thể biết rằng Đạo chính là tứ niệm xứ, là sự phát triển hiểu biết về các thực tại; nhưng chánh niệm sẽ không sinh khởi nếu các ba la mật không đủ mạnh để có thể liễu ngộ Tứ Thánh Đế. Tất cả chúng ta cần vun bồi mười ba la mật với trí tuệ, cả khi chúng ta bố thí trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta cần biết sự thật, chúng ta cần biết sự khác biệt giữa bố thí không có trí tuệ và bố thí với trí tuệ, như trường hợp bố thí với trí tuệ của Đức Bồ tát. Bằng cách ấy, chúng ta có thể suy xét và hiểu được chân thật ba la mật, sự chân thật vì thiện pháp, để có thể đi theo bước chân của Đức Bồ tát, người đã phát triển các ba la mật trong từng kiếp sống. Ngài không phát triển riêng rẽ một ba la mật trì giới trong kiếp này, và xuất gia trong một kiếp khác, mà phát triển cả mười ba la mật trong mỗi kiếp, luôn luôn như vậy.
Bây giờ tôi sẽ bàn về pháp bố thí đi kèm với chân thật, với chân thật ba la mật, và ở đây chúng ta cần suy niệm về sự bố thí của Đức Bồ tát.
Cuốn “Paramattha Dipani”, là cuốn Chú giải cho Hạnh Tạng giải thích về ba loại bố thí ba la mật: tài thí (āmisadāna), vô úy thí (abhayadāna) và Pháp thí (dhammadāna). Chúng ta đọc về sự bố thí vật ngoại thân như sau:
“ Khi bậc Vĩ nhân bố thí vật ngoại thân, vị ấy bố thí bất cứ thứ gì bất cứ ai cần; và khi được biết ai đó cần thứ gì, vị ấy bố thí mà không cần đợi người ấy hỏi xin, huống gì khi được hỏi xin.”
Một người sẵn sàng bố thí thứ hữu dụng cho người khác khi người ấy cần là người có hiểu biết tinh tế về sự thực hành thiện pháp. Ngay khi thấy rằng một người đang có nhu cầu về một thứ, tâm bi liền sinh khởi, người ấy không đợi đến khi bị hỏi xin.
Chúng ta đọc tiếp trong Chú giải:
“Ngài chỉ bố thí khi có thứ để bố thí.”
Ngài không bận tâm hay cảm thấy phiền lòng khi muốn bố thí nhưng lại không có gì để bố thí. Đức Bồ tát chỉ bố thí khi ngài có thứ để bố thí.
Chúng ta đọc:
“Khi có những thứ để bố thí, đức Bồ tát bố thí thứ người ta muốn có chứ không bố thí thứ họ không muốn”.
Khi những người khác đang cần thứ gì đó, ngài cho đi thứ ấy nếu có.
Chúng ta đọc:
“Ngài không bố thí bởi mong đợi được đáp trả. Và khi không có vừa để chia đủ hết cho tất cả, ngài phân phối đều tất cả những gì có thể sẻ chia. Nhưng ngài không bố thí những thứ đưa tới phiền não cho người khác, chẳng hạn như vũ khí, thuốc độc hay chất say. Ngài cũng không cho những thứ làm vui có tác hại và dẫn tới dễ duôi. Ngài không bố thí thực phẩm hay thức uống không phù hợp cho người ốm bệnh, kể cả khi người ấy đòi hỏi, và ngài không bố thí những gì phù hợp một cách vượt quá phạm vi hợp lý”
Nếu ta thực sự muốn giúp ai đó, chẳng hạn như một người ốm bệnh, ta cần phải suy xét với từ bi về cách thức hỗ trợ người ấy. Chúng ta không nên cứ bố thí không suy xét, mà cần biết thứ mình cho có phù hợp và hữu ích cho một người bệnh hay không. Ta cần phải biết tỉ mỉ cái gì là thiện pháp, ta cần biết phân biệt, không bỏ qua thiện pháp. Giống như một người thấy thuốc cần biết rõ tình trạng bệnh nhân và liều lượng thuốc phù hợp với từng người bệnh, cũng vậy ta phải bố thí với suy xét.
Chú giải nêu:
“Lại nữa, khi được hỏi xin, ngài bố thí cho các gia chủ những thứ phù hợp cho gia chủ; cho các bậc xuất gia những thứ phù hợp cho xuất gia. Ngài bố thí cho cha, mẹ, thân bằng quyến thuộc, bạn hữu và đồng môn, cho con cái, cho vợ, cho nô lệ và người làm công, mà không làm đau lòng ai. Nếu đã hứa bố thí thứ cao thượng, ngài không bố thí thứ hạ liệt. Ngài không bố thí bởi mong muốn lợi dưỡng, danh dự hoặc tiếng thơm, hay bởi mong đợi được đền đáp, hoặc một kết quả nào khác ngoài sự Toàn Giác (trong trường hợp của đức Bồ tát). Ngài không bố thí vì ghét bỏ món đồ bố thí, hay ghét bỏ người hỏi xin. Ngài không bố thí món đồ bỏ đi, kể cả cho những kẻ hành khất thiếu kiềm chế sỉ vả, nhục mạ ngài.”
Mỗi khi bố thí, ta cần thẩm định kỹ tâm mình. Tâm cần thực sự mềm mại và hiền dịu. Ta không nên coi thường những người hỏi xin hay bất mãn với những gì ta cho họ; ta không nên bố thí những món đồ bỏ đi, kể cả cho những người hành khất thiếu kiềm chế sỉ vả và nhục mạ ta.
Liệu chúng ta có theo được điều này không? Người nhận quà có thể tỏ vẻ khó chịu, hoặc có lúc hành xử một cách khiếm nhã. Dù thế, tâm của người bố thí có thể mềm mại và hiền dịu. Người ấy có thể bố thí mà không ác cảm với người nhận. Có thể rằng người nhận bố thí thiếu kiềm chế trong hành xử, có những hành động không đúng, hoặc giả người ấy có thể nhục mạ người bố thí; người ấy có thể giận dữ, nói rằng người kia cho quá ít, hoặc rằng mình không muốn có những thứ được cho. Tuy nhiên, mặc vậy, tâm của người bố thí cần kiên cố trong thiện pháp.
Chúng ta đọc trong Chú giải:
“Vị ấy luôn bố thí với tín tâm, với từ bi và cung kính.”
Bằng cách này ta có thể tận diệt những phiền não của mình kể cả khi bố thí. Chú giải nói:
“Ngài không bố thí vì tin vào điềm báo dị đoan: mà ngài bố thí với niềm tin vào nghiệp và quả của nghiệp. Khi bố thí ngài không làm người xin khổ sở bằng cách bắt người ấy phải đảnh lễ mình, v.v…; Ngài bố thí mà không làm khó người khác. Ngài không bố thí với ý định lừa dối những người khác, hay với ý định làm tổn thương; Ngài chỉ bố thí với một tâm vô nhiễm. Ngài không bố thí với những lời thô tháo hay cái chau mày, mà với những lời khả ái, thân hữu, cùng nụ cười trên môi.
Bất kỳ khi nào một món đồ trở nên thái quá bởi giá trị và vẻ đẹp, bởi sự cổ quý, bởi sự gắn bó đã tích lũy từ lâu, đức Bồ tát nhận ra sự luyến ái ấy, nhanh chóng từ bỏ luyến ái ấy, tìm người tiếp nhận và cho đi.”
Một người hiểu rõ mình biết dính mắc của mình ở mức nào, người ấy biết khi nào mình có thể từ bỏ thứ gì và khi nào thì không. Có lúc, người ấy có thể nghĩ đến việc bố thí, nhưng lại không thể bố thí. Tuy nhiên, như ta đã đọc, với đức Bồ tát thì khác.
Đoạn trích dẫn trên là bàn về tài thí – sự bố thí vật chất. Chú giải đưa ra nhiều ví dụ về sự thực hành của đức Bồ tát khi ngài vun bồi các ba la mật để có thể đạt tới sự giác ngộ của một vị Phật Chánh Đẳng Giác. Tuy nhiên, bây giờ chỉ có một ít chi tiết được bàn tới ở đây để mọi người có thể thẩm xét tâm mình một cách kỹ càng hơn để có thể phát triển thêm thiện pháp.
Chú giải nói về vô úy thí (abhayadāna) – bố thí cảm giác không sợ hãi – như sau:
“Vô úy thí là bố thí sự bảo hộ cho chúng sinh khi họ trở nên sợ hãi bởi vua, bởi kẻ trộm, bởi lửa, bởi nước, bởi kẻ thù, bởi sư tử, bởi hổ, bởi gấu hoang, bởi rồng, bởi chằn tinh, bởi quỷ, bởi yêu tinh, v.v…
Pháp thí là lời Pháp đúng đắn được thuyết bởi tâm vô nhiễm; tức là những pháp môn đưa tới thiện lành cho kiếp này, kiếp sau và tới sự giải thoát tột cùng. Bằng những lời Pháp ấy, những người chưa bước vào Giáo Pháp bước vào Giáo Pháp, còn những người đã bước vào Giáo Pháp đạt tới chín muồi. Và đây là pháp môn ấy: Tóm tắt là, vị ấy nói về bố thí, về trí giới, về thiên giới, về bất toại nguyện và nhiễm ô nơi lạc thú ngũ dục, và về sự lợi ích của việc từ bỏ những dục lạc ấy.”
Mọi người có thể hiểu về bố thí, về hiểm họa của ngũ dục và của lợi ích của việc từ bỏ những dục lạc ấy, nhưng nếu ta thất niệm và không nghe Pháp, ta sẽ dễ bị xâm chiếm bởi phiền não. Khi ta thường xuyên nghe Pháp, dù nghe lại những gì đã nói trước đó, hoặc khi ta nghe những gì đã được giảng về cuộc sống thường nhật, ta được nhắc nhở hãy suy niệm và hay biết thực tại, và nhờ thế sẽ có duyên cho sự tích lũy thiện pháp nhiều hơn. Chúng ta đọc tiếp trong Chú giải:
“Với những ai có tâm thiên về sự giác ngộ của bậc thanh văn (sāvakabodhiyam adhimuttacittānam), Ngài cho họ nền móng và tịnh hóa họ (trong tiến trình hướng về đích) bằng cách thuyết các bài Pháp chi tiết, giảng giải về các tính chất cao thượng của bất kỳ đề mục nào phù hợp trong các đề mục sau: quy y, trì giới, thu thúc lục căn, thiểu dục, chánh niệm-tỉnh giác…”
Ta cần biết được mức độ của hiểu biết của mình. Như đã đọc, đức Phật thuyết Pháp chi tiết cho những người tâm thiên về sự giác ngộ của bậc thanh văn, Ngài thuyết Pháp đặt nền móng và tịnh hóa họ (trong tiến trình hướng về đích) bằng cách thuyết các bài Pháp giảng giải về các pháp cao thượng phù hợp với họ.
Những người muốn phát triển tứ niệm xứ, phát triển hiểu biết đúng về các đặc tính của các pháp hiện tiền và vun bồi các ba la mật trong đời sống thường nhật là những người thiên về sự giác ngộ của bậc thanh văn, và điều ấy có nghĩa là họ quy y Tam Bảo, họ trì giới, họ thu thúc lục căn, họ thiểu dục và thực hành tinh tấn -chánh niệm-tỉnh giác.
Chúng ta cần vun bồi các ba la mật song song với tứ niệm xứ, kiếp này sau kiếp khác. Đức Bồ tát đã vun bồi các ba la mật trong nhiều a tăng tỳ kiếp tới mức độ vô song. Ngài đã tích lũy ba la mật bố thí cùng với trí tuệ và tất cả các phẩm chất thiện khác để tạo duyên (dưới dạng hành uẩn, saṅkhārakhandha3) cho sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế đưa đến quả vị Phật. Chúng ta đọc trong Chú giải về sự tích lũy bố thí ba la mật của đức Bồ tát:
“Khi bố thí vật chất, bậc Vĩ nhân bố thí vật thực, suy tư: “Bằng sự bố thí này, nguyện cho tôi giúp các chúng sinh có được tuổi thọ, sắc đẹp, hạnh phúc, sức mạnh, trí tuệ, và quả tối thượng của tịnh lạc”. Ngài bố thí thức uống, mong mỏi làm dịu cơn khát của dục lạc; bố thí y áo để được phục sức bằng tàm và quý cùng nước da óng vàng (của một vị Phật); bố thí phương tiện để có thể có được các năng lực thần thông và hưởng lạc niết bàn; bố thí hương thơm để tạo ra sự tỏa ngát của giới; bố thí vòng hoa và phấn để tạo ra vẻ đẹp của Phật tính; bố thí chỗ ngồi để tạo ra sàng tọa của đài giác ngộ; bố thí giường nệm để tạo ra nơi nghỉ cho đấng Như Lai; bố thí trú xá để có thể trở thành nơi nương tựa cho chúng sinh; bố trí đèn đuốc để có thể có được ngũ nhãn4. Ngài bố thí hình sắc để có được hào quang (xung quanh đức Phật); bố thí âm thanh để tạo ra giọng nói như Phạm Thiên (của đức Phật); bố thí vị ngọt để khả ái với thế gian; bố thí vật xúc để có được Phật tướng trang nhã. Ngài bố thí thuốc men để sau này có thể trao tặng hương vị bất tử và vô thủy của niết bàn. Ngài bố thí tự do cho nô lệ để có thể giải thoát chúng sinh khỏi sự nô dịch của phiền não. Ngài bố thí lạc thú cao thượng để tạo nên sự hân hoan trong Chánh Pháp. Ngài bố thí con đẻ để có thể nhận mọi chúng sinh là con bằng sự chào đời của các bậc Thánh. Ngài bố thí vợ để có thể trở thành bậc Chuyển luân vương. Ngài bố thí vàng, ngọc, san hô, châu báu, v.v… để có thể có được 32 Phật tướng, và bố thí mỹ phẩm để đạt được các nét phụ hoàn mỹ. Ngài bố thí các kho bạc để có được kho báu của Chánh Pháp; bố thí vương quốc để có thể trở thành Pháp Vương; bố thí tu viện, công viên, hồ, uyển để có thể đắc thiền, v.v…; bố thí chân để có thể bước tới đài giác ngộ với bàn chân in dấu các bánh xe hảo tướng; bố thí tay để có thể dang cánh tay Pháp giúp chúng sinh vượt qua tứ lũ5; bố thí tai, mũi, v.v…để có thể đạt được các căn tín, v.v….bố thí mắt để có thể có được nhãn giới; bố thí thịt và máu với ý nghĩ: “Nguyện thân ta làm phương tiện sự sống cho toàn thế gian! Nguyện thân ấy mang tới an sinh và hạnh phúc cho mọi chúng sinh mọi thời đại, dù họ chỉ thấy, nghe, tưởng nhớ hay phục vụ ta!” Và Ngài bố thí đầu để có thể trở thành bậc Giáo chủ của thế gian.”
Tất cả các hạnh bố thí của Ngài đã góp phần đưa tới sự giác ngộ Tứ Thánh Đế khi Ngài trở thành đức Phật Chánh đẳng giác. Chúng ta đọc tiếp về các bố thí của đức Bồ tát:
“Bố thí âm thanh (sadda dāna) cần được hiểu theo nghĩa âm thanh của trống, v.v…Chắc chắn không thể bố thí âm thanh khi dâng hoa sen, tách hoa khỏi rễ và củ và nâng nó trên tay. Ta phải bố thí âm thanh qua vật thể tạo âm thanh. Do vậy, Ngài bố thí âm thanh bằng việc dâng cúng một nhạc cụ, chẳng hạn như trống, cồng cho Tam Bảo.”
Ta có thể cúng dường trống cho chùa như là sự bố thí âm thanh, vì nó được sử dụng để báo giờ hoặc canh (của ngày và đêm) và những thứ khác. Ta có thể chơi nhạc để cúng dường Tam Bảo bằng cách sử dụng các nhạc cụ như trống, cồng… Ta có thể thu xếp để tự mình hoặc một người khác chơi một nhạc cụ, chẳng hạn trống, với tác ý cúng dường âm thanh.
Chú giải giảng thêm về các phương thức bố thí âm thanh như sau:
“…bằng sự bố thí chất trợ thanh, chẳng hạn như dầu và mật cho người thuyết Pháp; bằng việc báo tin thuyết Pháp; bằng việc tụng kinh điển, bằng việc thuyết Pháp, bằng việc chủ trì đàm đạo, hoặc bằng lời tùy hỷ phước thiện của những người khác.”
Ta có thể mời mọi người ngồi đàm đạo hoặc nhờ người khác mời đạo hữu tham gia. Hoặc khi nói lên những lời tùy hỷ công đức, ta cũng đang bố thí âm thanh. Khi những lời ấy phát ra thành tiếng hoặc khi ta mời mọi người cùng tùy hỷ, ta đang bố thí âm thanh. Đó là duyên để những người khác cùng bố thí âm thanh bằng việc nói lên những lời tùy hỷ.
Chúng ta đọc trong Chú giải:
“Bố thí thế ấy, bậc Vĩ nhân bố thí không miễn cưỡng, không làm khó người khác, không vì sợ hãi, xấu hổ, hay vì lời mắng mỏ của người cần được bố thí. Khi có những thứ cao thượng, Ngài không bố thí thứ hạ liệt. Ngài không khen mình chê người. Ngài không bố thí vì mong đợi kết quả, hay vì ghét bỏ người hỏi xin, hay một cách thiếu cân nhắc. Ngược lại, Ngài bố thí một cách cẩn mực, bằng chính tay mình, đúng thời, với sự quan tâm, không phân biệt, tràn đầy hỷ lạc ở cả ba thời (trước, trong và sau bố thí). Một khi đã bố thí, Ngài không hối tiếc. Ngài không kiêu mạn hay quỵ lụy với người nhận, Ngài hành xử thân thiện với họ. Rộng rãi và phóng khoáng, Ngài bố thí mọi thứ kèm theo phần thưởng (saparivā). Bởi khi bố thí thực phẩm, suy nghĩ: “Ta sẽ bố thí cái này và thêm phần thưởng nữa”, Ngài cho thêm y áo v.v…kèm vào. Và khi bố thí y áo, suy nghĩ: Ta sẽ bố thí cái này và thêm phần thưởng nữa”, Ngài cho thêm thực phẩm v.v…kèm vào…”
Sự quảng đại của Ngài không có giới hạn, và Ngài còn cho thêm phần thưởng phụ vào phần quà bố thí. Trong đời sống hàng ngày, tất cả chúng ta cần thẩm xét và kiểm tra các thực tại sinh khởi nơi mình như chúng thực là. Mặc dầu chúng ta đã nghe những mô tả kinh điển về sự bố thí của đức Bồ tát, cách thức bố thí của mỗi chúng ta phụ thuộc vào nhiều duyên, và chúng ta không thể sánh ngang với đức Bồ tát về hạnh bố thí.
Trong phần sau của Chú giải, ta đọc rằng đức Bồ tát suy tư khi ngài có một đồ vật có thể bố thí, nhưng tâm ngài chưa sẵn sàng bố thí:
“Khi đức Bồ tát có những thứ có thể được bố thí và có mặt người nhận bố thí, nhưng tâm Ngài không hoan hỷ với ý nghĩ bố thí và Ngài không muốn cho đi, Ngài phải kết luận như sau: “Chắc chắn ta đã không quen bố thí trong quá khứ, vì thế nhiệt tâm bố thí bây giờ không phát khởi trong ta. Để tâm ta hoan hỷ với bố thí trong tương lai, nay ta sẽ bố thí. Với nhãn quan cho tương lai, giờ hãy để ta từ bỏ cái ta có cho những người cần đến thứ ấy.”
Như vậy, ta thấy rằng ta không thể thúc ép sự bố thí. Một người đã tích lũy xu hướng bố thí thường xuyên, liên tục sẽ dễ dàng bố thí ngay, không lưỡng lữ, không cần phải suy đi tính lại. Vì vậy, khi tâm một người không hoan hỷ với ý nghĩ bố thí ngay lập tức, hoặc do dự, có thể biết rằng anh ta đã không tích lũy bố thí nhiều trong quá khứ.
Ta đọc tiếp:
“Ngài bố thí như thế, quảng đại, dang tay, hoan hỷ trong xả ly; bố thí khi được hỏi xin, hoan hỷ trong bố thí và sẻ chia. Bằng cách ấy, Vĩ nhân hủy hoại, đập tan và tận diệt gông cùm đầu tiên kìm giữ bố thí.”
Ở đây ta thấy rằng chúng ta cần kiểm tra tâm mình khi chúng ta không sẵn sàng bố thí.
Chúng ta đọc:
“Lại nữa, khi đồ bố thí hạ liệt hay khiếm khuyết, Vĩ Nhân suy xét: “Bởi lẽ ta đã không sẵn sàng bố thí trong quá khứ nên hiện giờ vật dụng của ta có khiếm khuyết. Vì vậy, dầu ngại ngùng, hãy để ta bố thí bất cứ thứ gì ta có, mặc cho thứ đồ ấy có hạ liệt và hèn kèm. Bằng cách ấy, trong tương lai, ta sẽ đạt được tột đỉnh của bố thí ba la mật.” Ngài bố thí như vậy, bất cứ thứ gì ngài có, quảng đại, dang tay, hân hoan trong xả ly, bố thí khi được hỏi xin, hoan hỷ trong bố thí và sẻ chia. Bằng cách ấy Vĩ nhân hủy hoại, đập tan và tận diệt gông cùm thứ hai kìm giữ bố thí.”
Khi một người không bố thí, người ấy có thể suy tư về điều ấy, người ấy có thể nhận ra rằng, mình chưa tích lũy đủ lòng quảng đại và rằng, mình sẽ nỗ lực tích lũy nó. Hoặc giả, người ấy nhận ra rằng những thứ mình có thể bố thí đều khiếm khuyết hoặc ít ỏi bởi lẽ mình đã không bố thí trong quá khứ, và rằng từ giờ trở đi, dù có ít ỏi, mình nên bố thí.
Chúng ta đọc tiếp:
“Khi có sự do dự bố thí sinh khởi bởi vẻ tuyệt hảo hay tuyệt mỹ của món đồ có thể cho đi, Vĩ nhân huấn thị mình: ‘Hiền giả, chẳng phải ngươi đã có phát nguyện đạt tới sự giác ngộ tối thượng, tới trạng thái cao quý nhất của mọi trạng thái? Vậy, hãy vì sự giác ngộ, thật phù hợp là ngươi hãy bố thí những món đồ tuyệt hảo và tuyệt mỹ.’ Như thế, Ngài bố thí những thứ tuyệt hảo và tuyệt mỹ, quảng đại, dang tay, hân hoan trong xả ly, bố thí khi được hỏi xin, hân hoan trong bố thí và sẻ chia. Bằng cách ấy, vĩ nhân hủy hoại, đập tan và tận diệt gông cùm thứ ba kìm giữ bố thí.”
Khi một người hối tiếc vì đã cho đi thứ gì đó, người ấy cần suy xét xem mình mong muốn thực sự điều gì: giữ món đồ đó hay giác ngộ Tứ Thánh Đế? Suy niệm theo cách này có thể là duyên cho sự sinh khởi của lòng quảng đại, và tại khoảnh khắc ấy, một gông cùm của bố thí được phá tan.
Chúng ta đọc:
“Khi Vĩ nhân bố thí, Ngài nhận thấy sự mất đi của món đồ bố thí, Ngài liền suy tư: ‘Đây là bản chất của tài sản, chúng chịu sự mất mát, biến hoại. Hơn nữa, do bởi ta không bố thí như vậy trong quá khứ nên giờ đây tài sản của ta bị khánh kiệt. Vậy hãy để ta bố thí thứ mình có, dù là ít ỏi hay dồi dào. Bằng cách ấy, trong vị lai, ta sẽ đạt tới tột đỉnh của bố thí ba la mật.’ Như thế, Ngài bố thí bất cứ thứ gì mình có, quảng đại, dang tay, hân hoan trong xả ly, luôn bố thí khi được hỏi xin, hân hoan trong bố thí và sẻ chia. Bằng cách ấy, vĩ nhân hủy hoại, đập tan và tận diệt gông cùm thứ tứ kìm giữ bố thí.”
Một số người cho rằng khi họ bố thí, tài sản của họ sẽ suy kiệt, nhưng trên thực tế, suy kiệt đã nằm trong của bản chất của tài sản. Bất kể ta có bố thí hay không bố thí, đến đúng thời tài sản của chúng ta phải suy kiệt, nó sẽ biến mất. Một số người sở hữu nhiều tài sản e rằng nếu họ không chia sẻ tài sản của mình nó sẽ suy kiệt, và vì vậy, họ tin rằng mình nên bố thí. Khi các thảm họa xảy ra do hỏa hoạn, lụt lội hay trộm cướp, hoặc khi tài sản bị vua chúa tịch thu, ta có thể hối tiếc rằng mình đã không bố thí trước đó. Ta có thể thấy rằng tài sản không bị biến mất bởi bố thí, mà do tùy thuộc vào nghiệp mà liệu ta còn tài sản hay phá sản.
Phát triển các ba la mật là vô cùng khó khăn, dầu rằng ta đã nghe Pháp và học nhiều về các ba la mật. Tùy thuộc khả năng mà mỗi cá nhân có thể phát triển thiện pháp tới mức độ nào. Các ba la mật cần được phát triển rất từ từ và song song với trí tuệ, lặp đi lặp lại. Chúng ta biết rằng cần phải nhận ra rằng mình có nhiều phiền não, và rằng rất khó phát triển loại trí tuệ có thể tận diệt được các phiền não ấy. Vì vậy, trong mỗi kiếp sống, các phiền não cần được dần loại bỏ để Tứ Thánh Đế có thể được chứng ngộ khi ta trở thành bậc Dự lưu. Khi ấy, ta đạt tới tầng giác ngộ đầu tiên, và sẽ không còn tái sinh nhiều hơn bảy lần.
Chúng ta cần biết loại trí tuệ nào đi kèm với bố thí ba la mật. Cuốn Bộ Phân Tích (Vibhanga – bộ thứ hai của Tạng Vi Diệu Pháp), chương 16, Luận về trí, 325) giải thích về các loại trí tuệ khác nhau, chẳng hạn như là trí nhờ tư duy, trí nhờ nghe, trí nhờ bố thí, trí nhờ trì giới.
Cuốn “Xua tan si ám” (Chú giải của Bộ Phân Tích, Chương 16, 412) lý giải rằng trí tuệ gắn với tác ý bố thí (danā cetanā) là “trí dựa trên bố thí” hay “trí nhờ bố thí” (dānamayā pannā).
Khi đọc điều này ta cần xem xét kỹ về trí tuệ sinh kèm với tác ý bố thí (dānacetanā). Trí tuệ không thể sinh khởi với tâm bất thiện, nó không thể sinh khởi khi một người mong đợi kết quả.
Chúng ta đọc trong “Xua tan si ám”:
“…trí gắn với tác ý bố thí theo cách này được gọi là “trí dựa trên bố thí) (dānamayā pannā). Nhưng nó thể hiện ở ba thời, trước, trong và sau khi bố thí, tương ứng với người suy nghĩ: “ta sẽ bố thí”, khi người ấy đang bố thí, và khi người ấy hồi quán sau khi đã bố thí.”
Cuốn “Xua tan si ám” nói chi tiết về tuệ sinh kèm với các tâm thiện tác ý bố thí. Tâm thiện có thể hợp trí hoặc không hợp với trí. Tâm thiện dục giới sinh kèm với tâm sở trí tuệ (mahā-kusala citta nānasampayutta6) có thể là tâm thiện ở mức độ bố thí, trì giới, hoặc phát triển tâm trí (bhāvanā), bao gồm cả samatha và satipaṭṭhanā (hay sự phát triển của minh sát tuệ (vipassanā)). Khi vun bồi bố thí ba la mật, mục tiêu cần phải là hiểu biết đúng về các pháp như chúng thực là, chứ không vì mong đợi kết quả cho bản thân. Đây là điều kiện cho trí tuệ dựa trên bố thí (dānamayā paññā).
Chúng ta đọc trong “Hạnh Tạng”, Phần II, Xuất gia Ba la mật, số 1, “Giới của Yudhañjaya”, về đức Bồ tát Thái tứ Yudhañjaya. Ngài nhìn thấy một giọt sương tan do hơi ấm mặt trời, và điều ấy nhắc nhở Ngài về vô thường, khiến Ngài khởi tâm xuất gia. Chú giải cho phần này nói:
“Trí tuệ của giai đoạn khởi đầu suy niệm về tính chất vô thường của các pháp biết pháp nào lợi lạc cho bố thí v.v. và pháp nào không. Đó là trí tuệ ba la mật.”
Bố thí là sự cho đi vì lợi ích và an sinh của những người khác. Khi bố thí, chúng ta không vị kỷ. Trí tuệ ở giai đọan khởi đầu suy niệm tính chất vô thường của các pháp. Chúng ta có bao giờ suy niệm ở khoảnh khắc bố thí rằng không có gì trường tồn không? Kể cả tài sản mà ta có hôm nay và chưa từ bỏ cũng có thể biến mất trước khi chúng ta có thể bố thí chúng, bởi vì chúng là vô thường. Bản thân chúng ta, người chưa hành bố thí, cũng vô thường, chúng ta có thể chết trước khi có cơ hội tỏ lòng quảng đại. Khi ta suy niệm về sự vô thường của cả người cho và người nhận, tâm thiện có thể thúc đẩy ta giúp đỡ người khác. Khi chúng ta trao tặng những thứ hữu ích cho người khác với hiểu biết về tính vô thường của vạn pháp, trí tuệ ba la mật có thể phát triển. Chỉ chúng ta mới có thể tự biết liệu có suy xét ấy ở những khoảnh khắc đó hay không. Khi chúng ta gặp người nghèo, chúng ta có thể suy niệm về tính chất bất toại nguyện và vô thường của cuộc sống trước, trong, và sau khi bố thí, như vậy, có tác ý thiện (kusala cetanā) với bố thí ở cả ba thời điểm.
Một số người cảm thấy hoan hỷ với một số loại bố thí chứ không với tất cả các bố thí, và khi hồi tưởng lại việc bố thí của mình, họ cảm thấy hân hoan và dính mắc với sự bố thí ấy. Điều này chỉ ra rằng, có thể có tác ý thiện trước và trong khi bố thí, nhưng sau đó, có thể lại không có tâm thiện.
Ta cần phải kiểm tra xem khi mình nhớ lại việc bố thí đã làm thì tâm là thiện hay bất thiện. Ta có thể vui sướng khi thấy rằng mình đã làm việc có ích, rằng mình đã trợ giúp được cho ai đó để họ bớt khổ đau. Những người khác có thể đã không giúp đỡ vì không biết đến nhu cầu của họ. Khi ta giúp đỡ người khác và nhớ về thiện pháp đã tạo, ta có thể cảm thấy hoan hỷ, nhưng đó là vô ngã, anattā; việc hoan hỷ sinh khởi hay không là nằm ngoài kiểm soát. Thọ hỷ có thể khởi sinh bởi ta đã có cơ hội giúp đỡ người khó khăn và cần ta trợ giúp. Tuy nhiên, nếu ta muốn hồi niệm thiện pháp của mình để mình được lợi lạc, đó không phải là bố thí ba la mật. Sự khác biệt giữa pháp bố thí là ba la mật và pháp bố thí không phải là ba la mật rất mong manh và tinh tế.
Chú thích
- Tôi thêm bài kinh này cùng những nhận xét của mình vào. Tôi đang sử dụng bản dịch của Đại Đức Nyanaponika, Wheel no. 238-240, B.P.S Kandy, Sri Lanka.
- Trong tiếng Thái, từ tha thứ nghĩa là vô úy thí –abhāya. Bhaya có nghĩa là sợ hãi, hiểm nguy- úy, còn tiết đầu ngữ a là chỉ sự phủ định
- Pháp hữu vi có thể được xếp thành năm uẩn: sắc uẩn (rūpakkhandha), thọ uẩn (vedanākkhandha), tưởng uẩn (saññākkhandha), hành uẩn (saṅkhārakkhandha), thức uẩn (viññāṇakkhandha). Hành uẩn bao gồm tất cả các tâm sở ngoài thọ (vedanā) và tưởng (saññā). Nó bao gồm tất cả các tâm sở bất thiện và các tâm sở tịnh hảo. Bố thí (vô tham) cùng các tâm sở tịnh hảo khác như chánh niệm (sati) và trí tuệ (paññā) tích lũy cùng nhau và trợ duyên cho nhau để cuối cùng có thể đạt tới giác ngộ
- Ngũ nhãn (năm mắt) bao gồm: thiên nhãn thấy sự sinh tử của chúng sinh; tuệ nhãn thấy đặc tính và duyên hệ của mọi pháp, phật nhãn thấy căn cơ chúng sinh, và chánh biến tri nhãn
- Lũ (bộc -ogha) bao gồm ngũ dục bộc, hữu bộc, kiến bộc và vô minh bộc.
- Mahā-kusala citta, tâm đại thiện dục giới có thể hợp với trí (ñāna sampayutta), hoặc ly trí (ñāna vippayutta), ñāna có nghĩa là trí, trí tuệ.