Pháp đàm chiều 08-09-2013 tại Vũng tàu

18/      Pháp đàm buổi chiều ngày 08.09.2013 tại Vũng tàu.

 

Học viên 26: Thưa Achaan, xin Bà giải thích cho chúng con cách phân biệt tâm từ và dính mắc, ví dụ tình yêu thương giữa người mẹ và con mình, làm thế nào để phân biệt giữa tâm từ và dính mắc trong đó

Achaan:         Tâm từ không bao giờ tạo ra buồn đau, chỉ có dính mắc mới làm duyên cho đau khổ. Khi ta không có được cái mình muốn do dính mắc thì có duyên cho khổ đau. Tại sao ta lại khóc khi có chuyện không hay xảy ra với con cái? Thế khi chuyện tương tự xảy ra với con cái của những người khác, liệu bạn có khóc không? Có từ tâm với con cái sẽ tốt hơn hay dính mắc với chúng? Khi dính mắc với con cái, sẽ có sân sinh khởi khi mọi chuyện xảy ra không như mình mong muốn. Tâm từ thì hoàn toàn khác.

Sarah: Vâng, và trong câu hỏi của bạn cũng có đề cập đến việc làm thế nào để  biết được tình thương yêu mà người mẹ biểu lộ với con trong sự chăm sóc của mình với con cái là tâm từ hay dính mắc, về vấn đề này, thực tế là ta chỉ có thể biết được tâm chính mình mà thôi. Thông thường ta hay tốn nhiều thời gian vào việc để ý đến người khác, băn khoăn liệu người ta nghĩ gì, thay cho hiểu hơn về tâm hiện giờ đang có những suy nghĩ như vậy. Vậy thì vào khoảnh khắc bận tâm về việc một ai đó liệu đang có tâm từ hay dính mắc, ta quên mất tâm bất thiện khi đó. Khi có tâm từ với người khác, ta không bận tâm đến việc tâm của người đó là loại gì, mà chỉ đơn thuần có sự thân thiện, sẵn sàng giúp đỡ người kia.

Achaan:         Metta- Tâm từ có nghĩa là sự thân thiện, bất cứ khoảnh khắc nào chúng ta có sự thân thiện, muốn giúp đỡ mọi người thì ở khoảnh khắc đó có tâm từ. Chẳng hạn như bây giờ thì có thể có sự thân thiện với những người khác. Ở khoảnh khắc có sự thân thiện như vậy thì không phải là thực tại nào khác mà chính là metta –tâm từ, là thực tại khi ấy. Ở khoảnh khắc của sân thì không phải tâm từ. Ở khoảnh khắc của dính mắc- tham thì cũng không có tâm từ. Kẻ thù gần của tâm từ chính là lobha- tham. Chính vì lẽ ấy mà chúng ta cần phải nghiên cứu các thực tại một cách kỹ lưỡng. Người mẹ có tâm từ với các con của mình hay không hay đó là dính mắc, là tham đây?

Ngay cả bây giờ có thể có cái hiểu rằng tâm từ và tham là những khoảnh khắc khác nhau. Chúng ta có tâm từ đối với bao nhiêu người? Tất cả hay là chỉ với một ít người thôi? Kể cả khi có tất cả mọi người ở trong một ngôi nhà, có lúc thì có tâm sân có lúc thì có tâm từ. Mỗi khoảnh khắc đều có những duyên riêng cho chúng sinh khởi. Như vậy thì có thể có hiểu biết ở ngay khoảnh khắc này, liệu nó là tâm từ hay tâm tham. Và khi tâm từ được hướng tới không phải chỉ một số người  mà là cho tất cả thì nó có thể phát triển thêm, do duyên. Khi có thêm hiểu biết đúng đắn thì tâm từ tăng trưởng. Nhưng ở bất cứ khoảnh khắc nào có tâm sân với những người khác thì hiểu biết đúng ở khoảnh khắc kế đó biết rằng khi ấy không có tâm từ. Và ở khoảnh khắc ấy, nếu Trí tuệ có mặt thì nó có thể hiểu rằng sân cũng là một thực tại và tâm từ cũng là một thực tại, không phải là ai cả. Dù chúng ta có nói về những gì đi nữa thì tất cả đều là những thực tại khác nhau.

HV 26:           Thường thì sau buổi pháp đàm thường đọc hồi hướng chia phước, hôm qua Bà có nói rằng đó là nhớ đến những ân đức, công lao dưỡng dục của cha mẹ đã làm cho chúng ta. Nhưng như thế con cảm giác nó giống như một phương pháp nào đấy?

Achaan:         Câu trả lời tùy thuộc vào việc có nghĩ rằng bố mẹ thực sự tồn tại hay là có cái hiểu rằng đó chỉ là các pháp mà thôi.

HV 26:           Về mặt chân đế thì không có cha mẹ, nhưng thực tế thì con cảm thấy là vẫn có một cái ngã cho rằng tôi làm thế để nhớ đến ân đức cha mẹ.

Achaan:         Chính vì vậy, hiểu biết về vô ngã phải được phát triển một cách từ từ.

Sarah:            Khi bạn đặt những câu hỏi như vậy và được Achaan đưa ra câu trả lời , điều ấy có lợi ích cho tất cả mọi người. Cũng như vậy, chúng ta chia phước để cho những người khác có cơ hội tùy hỷ với phước thiện mình đã làm. Thế nhưng tất cả đều tùy thuộc vào cái hiểu, chẳng hạn cần phải hiểu rằng không có người nào nhận phước cũng không có người nào chia phước, tùy thuộc vào mức độ hiểu biết sinh khởi vào lúc đó. Tương tự, khi chúng ta đọc những lời hồi hướng chia phước đó thì cũng có thể có hiểu biết sai lầm cho rằng có một ai đấy có thể nhận được phước và mình có thể chia phước cho người khác, đấy là một hiểu biết sai lầm, về thực chất thì không phải như vậy.

HV 26:           Con hiểu điều cô nói về mặt lý thuyết, nhưng mỗi khi hồi hướng chia phước thì luôn luôn có câu hỏi như vậy.

Achaan:         Thế bây giờ thì sao?

HV 26:           Để thỏa mãn cho tâm tham của mình mà con có câu hỏi đấy.

Achaan:         Có phải ý bạn rằng khi chúng ta chia phước cho những người khác mà nghĩ đến con người và mọi thứ thì cũng hệt như bây giờ, chúng ta thấy mọi người ngồi ở xung quanh, có đúng không?

HV 26:           Achaan có dạy về bốn yếu tố để phát triển Trí tuệ: Gần gũi bậc thiện trí thức, được nghe chánh pháp, suy xét chân chánh về điều được nghe và thực hành tùy pháp. Con không hiểu rõ về yếu tố cuối cùng. Xin Achaan giải thích thêm.

Achaan:         Nếu như không có cái hiểu hiện giờ về các thực tại thì nó có thể dẫn tới hiểu thêm và hiểu thêm nữa về các thực tại hay không?

HV 26:           Không thể.

Sarah:            Như vậy, nghĩa của thực hành tùy pháp chỉ có nghĩa là cái hiểu biết đúng và đúng tương ứng với pháp mà thôi.

Học viên 27: Xin Achaan giải thích rõ hơn sự phân biệt giữa tâm từ và dính mắc vì nó liên quan tới áp dụng trong cuộc sống hàng ngày. Ai cũng có mỗi quan hệ gia đình,cụ thể Achaan có ví dụ về sự yêu thương của mẹ và con cái thì có thể là tâm từ hoặc là sự dính mắc. Nhưng nếu mình là đối tượng thụ hưởng của sự yêu thương đó thì mình phải hiểu như thế nào? Đó là sự yêu thương hay dính mắc, mình phải làm như thế nào?

Achaan:         Một số người mẹ thì không thích con mình xăm người chẳng hạn, nhưng con thì lại rất muốn, vậy khi ấy thì là tham hay tâm từ đây? Khi có tâm từ thì ta nghĩ đến người khác chứ không nghĩ đến bản thân mình, muốn con mình phải theo cách này hay cách kia. Khi con của chúng ta muốn mặc quần áo theo cách này hay cách kia và chúng ta lại không thích cách ăn mặc như vây, khi đó có tâm từ hay không, hay là có sự dính mắc muốn theo ý của mình? Với Trí tuệ, ta sẽ trở thành một người đồng cảm hơn. Hiểu biết đúng sẽ tạo duyên nhiều thêm cho tâm từ thực sự sinh khởi cùng với Trí tuệ và khi ấy con cái sẽ cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều.

Học viên 2:    Xin Achaan chỉ dẫn thêm về cơ cấu sinh và diệt của sắc. Bởi vì con đọc sách Vi diệu pháp thấy rất phức tạp, có quá nhiều loại sắc pháp và còn cả thông tin rằng một số citta cũng sinh ra được sắc. Cái này nó quá khó hiểu đối với con.

Achaan:         Bạn muốn nói gì về cơ cấu?

HV 2:             Đó là làm thế nào mà sắc có thể sinh và diệt?

Achaan:         Nếu như không có những cái duyên để sắc sinh khởi thì sắc sẽ không thể sinh khởi. Chẳng hạn về những sắc do nhiệt sinh, chỉ có nhiệt độ tương ứng mới có thể tạo duyên cho những sắc như thế, ta thấy có nhiều loại trái cây khác nhau và loại cây khác nhau, đó là những loại sắc chỉ được tạo duyên do nhiệt độ mà thôi. Kể cả núi, mưa hay sấm sét, nước v.v… tất cả những cái đó đều được tạo duyên bởi nhiệt độ. Chúng ta thấy cỏ ở khắp mọi nơi. Nhiệt độ tạo duyên cho sự sinh khởi của những loại sắc ấy thì khác với nhiệt độ tạo duyên cho những bông hoa hồng hay hoa lan. Vì vậy ta học về những loại nhiệt độ nào có thể tạo duyên cho những sắc như thế. Nếu ta đi ra ngoài trời nắng, phơi nắng trong hai tuần thì điều gì xảy ra đây? Khi ấy sẽ bị rám nắng, cháy người, hoặc có thể có những bệnh sẽ sinh khởi.

Sarah:            Có bốn duyên làm cho sắc sinh khởi: nhiệt độ, nghiệp, tâm, dưỡng chất. Thứ nhất về nhiệt độ, tất cả những sắc ở ngoài thân thì đều được tạo duyên bởi nhiệt độ. Đối với con người thì còn thêm ba nguyên nhân nữa tạo ra sắc, ngoài nhiệt độ: nghiệp, tâm và dưỡng chất. Về Nghiệp-kamma, ở khoảnh khắc đầu tiên của một kiếp sống, sắc được tạo ra là do nghiệp. Nghiệp không chỉ tạo ra quả là khoảnh khắc của cái thấy cái nghe mà cả các loại sắc như tâm cơ hay sắc tính nam, sắc tính nữ, hay nhãn căn, nhĩ căn… Nhiệt độ thì cũng tạo duyên cho sắc trên thân, chẳng hạn khi nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến cho người bị run.

Một nguyên nhân sinh sắc nữa là tâm -citta, chẳng hạn khi ta nói một điều gì đó sai thì ta thấy ngại và đỏ mặt, những cái sắc như vậy được tạo duyên tâm. Dưỡng chất cũng tạo duyên cho sắc trên thân. Nếu chúng ta không ăn gì cả thì sẽ không có dưỡng chất nào để có thể hỗ trợ cho sắc trên thân. Mỗi khi sắc được tạo duyên để sinh khởi, nó tồn tại trong thời gian bằng 17 satna tâm và diệt đi ngay lập tức.

HV 2:             Tâm cũng là một duyên để sinh ra sắc. Rõ ràng trong các ví dụ khi tâm vận hành thì sắc nó vận hành theo nhưng con lại vẫn nghĩ rằng các sắc tương tác với nhau để tạo thành sắc khác nhau do cái duyên của tâm, chứ không thể tự nhiên tâm lại tự sinh ra sắc được, nghe có vẻ rất khó hiểu.

Jonathan:     Thực chất thì sắc không hề có sự tương tác lẫn nhau, nhưng sắc thì có nhiều nguyên nhân để được tạo ra, chứ không phải chỉ một nguyên nhân. Những sắc ở trên thân có thể được tạo duyên bởi nghiệp hoặc nhiệt độ hoặc tâm hoặc dưỡng chất ở những thời điểm khác nhau, chứ không phải một số sắc tương tác với nhau tạo thành sắc khác do tâm tạo duyên như là bạn đã nói.

Sarah:            Không có một sắc nào có thể sinh khởi một mình, chúng sinh khởi nhờ sự hỗ trợ của những sắc khác, ít nhất luôn luôn có 8 sắc sinh khởi cùng nhau, tạo thành tổ hợp sắc gọi là kalapa. Đó là lý do mà trước đó Achaan có nói rằng nếu như không có tứ đại thì đối tượng thị giác sẽ không thể sinh khởi để được thấy. Mặc dù có ít nhất là 8 loại sắc sinh khởi trong một tổ hợp sắc như vậy, nhưng chỉ có một đặc tính của một sắc xuất hiện (được kinh nghiệm) tại một thời điểm mà thôi. Chẳng hạn đối tượng thị giác được hỗ trợ bởi những loại sắc khác như địa, thủy, phong đại, mùi hay vị, nhưng duy nhất chỉ có đặc tính được thấy xuất hiện ở thời điểm có cái thấy. Như vậy cho thấy những duyên cho các sắc sinh khởi rất phức hợp.

HV 2:             Khi đọc sẽ thấy những câu như là tâm sinh sắc thì mình không nên hiểu một cách hẹp rằng là tâm nó tạo ra một sắc, mà phải hiểu rằng tâm nó tạo duyên cho sắc sinh khởi và sắc sinh khởi đó còn nhiều yếu tố khác nữa đúng không?

Sarah:            Khi một sắc sinh khởi thì nó không sinh khởi một mình. Cho nên mặc dù sắc ấy được tạo duyên chính bởi tâm nhưng nó cũng cần những sắc khác để hỗ trợ cho nó sinh khởi. Trong ví dụ về trường hợp sắc được sinh bởi tâm, nếu ta không nghĩ đến lỗi lầm mà ta đã làm thì ta sẽ không đỏ mặt, sẽ không có sắc mà thể hiện ra là sự đỏ mặt ấy, vì như vậy nó được duyên bởi tâm nhưng cũng cần có những yếu tố khác nhau cho nó sinh khởi.

Mục đích của việc thảo luận về những chủ đề như thế này, chẳng hạn như sáng nay ta nói về đối tượng thị giác và cái cứng, là để chỉ ra rằng tất cả thực tại ấy không sinh khởi do một ý muốn của ai đó, mà chỉ sinh khởi do duyên mà thôi. Nếu như ta nói về đối tượng thị giác, dù đó là đối tượng thị giác ở bên ngoài thân và được tạo duyên bởi nhiệt độ, hay những đối tượng thị giác mà được cho là thân và do duyên của nghiệp tạo thì chúng chỉ là những thực tại hữu vi do duyên tạo mà thôi. Nếu như có một nghiệp khiến cho nhãn thức có thể sinh khởi cùng sắc ấy, thì cái thấy đó cũng lại là một thực tại được tạo duyên khác chứ không phải là ai đó đang thấy.

Khi sắc sinh khởi, mặc dù tuổi thọ của sắc cũng rất ngắn, nó sinh và diệt ngay lập tức, nhưng tuổi thọ của nó vẫn dài hơn tuổi thọ của tâm, thời gian tồn tại của nó kéo dài 17 lần so với tuổi thọ của tâm. Đây chính là lý do mà ta nói rằng, khi một sắc sinh khởi, nó không chỉ được kinh nghiệm bởi nhãn thức mà nó cũng được kinh nghiệm bởi các cái thức khác sinh khởi trong cùng lộ trình đó, bởi vì khi đối tượng thị giác được kinh nghiệm bởi nhãn thức, nó vẫn chưa diệt đi, cho nên lại có những tâm khác sinh khởi để kinh nghiệm cũng vẫn sắc đó cho đến khi nó diệt đi hoàn toàn.

Cũng vì vậy mà hôm qua Achaan có đưa ra ví dụ về một đứa trẻ sơ sinh, hay khi ta nghe âm thanh như tiếng sấm, thì kể cả khi ta chưa biết âm thanh đó là gì thì đã có sân sinh khởi với âm thanh là tiếng sấm ấy, còn khi nghe được âm thanh du dương, kể cả khi ta vẫn chưa biết âm thanh đó là gì thì đã có sự dính mắc vào âm thanh ấy. Lý do là bởi vì sắc vẫn chưa diệt, cho nên vẫn có cái tâm khác đang kinh nghiệm sắc đó sau khi nó diệt di.

HV 2:             Nếu một khoảnh khắc sinh và diệt của sắc dài bằng 17 lần khoảnh khắc sinh và diệt của tâm, liệu có thể hiểu máy móc là chỉ có cao nhất 17 tâm sinh khởi khi sắc sinh và diệt hay không? Tại sao nó không phải là 24 hay 30, rất có thể có khả năng đó.

Jonathan:     Những tâm sinh khởi trong cõi này sinh khởi theo từng chuỗi. Những tâm kinh nghiệm sắc là những tâm sinh khởi liên tiếp trong một chuỗi tâm kinh nghiệm sắc ấy. Lộ trình ấy sẽ chấm dứt khi sắc đó diệt đi. Theo kinh điển, chúng ta được biết rằng tuổi thọ của sắc làcố định, nó không thay đổi, nên nó chỉ được kinh nghiệm bởi 17 tâm chứ không thể hơn thế. Nếu như sắc đó đã sinh khởi trước khi các tâm lộ sinh khởi kinh nghiệm sắc đó, thì số lượng tâm kinh nghiệm sắc đó sẽ ít hơn là 17.

HV 2:             Vừa rồi chúng ta nói đến vấn đề là danh hay sắc sinh khởi nhanh như vậy, khi mình luyện tập một hiểu biết đúng thì tâm của mình có đủ sắc bén để nhận ra, để hiểu biết khoảnh khắc nhanh như vậy hay không? Hiểu biết đúng dường như chưa đủ vì tâm của ta phải giống như một máy vi tính phi thường thì may ra nó mới có thể kinh nghiệm những khoảnh khắc đó, có phải như vậy không?

Jonathan:     Trong sự phát triển của trí tuệ thì khi khởi đầu, trí tuệ còn rất yếu ớt. Trong khi những chi tiết về tâm và sắc mà chúng ta nói đến thì chỉ có thể được biết bởi trí tuệ của một Vị Phật mà thôi. Như vậy sự thực ấy không nhất thiết phải được chứng ngộ bởi một ai đấy trước khi thời điểm có trí tuệ phát triển đến mức độ giác ngộ. Tuy nhiên trí tuệ ở mức độ cao sẽ mạnh mẽ hùng hậu hơn rất nhiều bất cứ loại siêu máy tính nào mà ta có thể nghĩ đến trong tương lai.

HV 2:             Câu hỏi cuối cùng trong chuỗi này là, vậy có lời lý giải khoa học nào về nghiên cứu não bộ cũng như là các cơ quan thần kinh có thể liên quan đến vấn đề này hay không?

Sarah:          Nhưng não bộ hay hệ thống thần kinh chỉ là những khái niệm.

HV 2:             Bạn nói não bộ chỉ là khái niệm, nhưng trên thực tế các chức năng của não bộ quan sát và ghi nhận tất cả các hoạt động của thực tại.

Sarah:            Nếu là thực tại thì nó có thể được kinh nghiệm qua căn nào? Nhãn thức có thể thấy não bộ và hệ thống thần kinh không? Não bộ và hệ thống thần kinh là thực tại hay khái niệm?

HV 2:             Nó là cả hai

Sarah:          Nếu nó là thực tại thì nó được kinh nghiệm qua căn nào? Qua mắt, tai, mũi, lưỡi hay thân.

HV 2:             Thông qua thân căn cũng như cơ quan khác như trái tim chẳng hạn, khi chúng ta để tâm lắng nghe thì chúng ta có thể thấy được sự rung động của trái tim.

Sarah:           Sáng nay chúng ta có nói rằng, chúng ta cứ tưởng là chúng ta chạm vào cái bàn, nhưng về mặt thực tại thì cái được kinh nghiệm chỉ là đặc tính cứng, nhiệt độ nóng lạnh hay tính căng trùng. Khi chúng ta nói rằng chúng ta chạm vào cái bàn hay cái cốc thì thực ra đó chỉ là những ý niệm mà thôi, chứ không phải là bản chất của thực tại khi ấy. Khi ta nói về cái được kinh nghiệm qua thân căn, ví dụ phổi hay gì đó, thì có thực sự  phổi là cái được xúc chạm hay không? Như vậy cái được chạm thì không phải là phổi mà chỉ có cứng mềm nóng lạnh được xúc chạm và sau đó có suy nghĩ rằng đó là phổi đang được chạm. Giống hệt như bây giờ đang có sự xúc chạm, thực chất cái được kinh nghiệm là cái cứng, nhưng sau đó có ý niệm là cái được chạm là cái bàn.

Cũng vậy, dường như chúng ta có thể nghĩ rằng có sự xúc chạm với cả bộ não hay hệ thống thần kinh nhưng về mặt thực tại thì chúng chỉ được biết qua suy nghĩ mà thôi. Bởi vì cái thấy chỉ thấy đối tượng thị giác, cái nghe thì chỉ nghe âm thanh, sự xúc chạm thì chỉ chạm vào cái cứng, mềm nóng lạnh hay sự chuyển động. Như vậy, phải có suy nghĩ tiếp theo nghĩ đến não bộ hay hệ thống thần kinh. Giáo lý của Đức Phật vẫn luôn phải quay về với khoảnh khắc hiện tại. Khi chúng ta nghĩ đến bộ não và hệ thống thần kinh thì thực tại lúc đó là suy nghĩ. Não bộ hay hệ thống thần kinh chỉ là những khái niệm mà thôi, cũng giống như khái niệm cái bàn.

Achaan:         Vậy bạn có muốn biết về não bộ hay không? Hay là chúng ta chỉ nói mà không biết não bộ thực sự là gì? Vậy não bộ là gì trong suy nghĩ của bạn?

HV 2:             Não bộ là trung tâm của các quá trình xử lý thông tin.

Achaan:         Nhưng thực tại của cái mà ta cho là não bộ là gì? Não bộ có khả năng kinh nghiệm cái gì không?

HV 2:             Nó có thể kinh nghiệm đối tượng qua thân căn.

Achaan:         Nếu nó có thể kinh nghiệm thì hẳn nó phải là tâm hoặc tâm sở

HV 2:             Nó là sắc.

Achaan:         Vậy thì nó không thể kinh nghiệm cái gì cả, nó không có khả năng kinh nghiệm. Ở khoảnh khắc đầu tiên của kiếp sống thì có não bộ hay không?

HV 2:             Không. Nó là một tế bào.

Achaan:         Một tế bào là gì?

HV 2:             Rupa (sắc).

Achaan:         Tại sao?

HV 2:             Vì nó gồm những yếu tố như phong đại, địa đại v.v

Achaan:        Bởi vì nó là một thực tại không kinh nghiệm gì cả nên nó là sắc. Phân loại của các thực tại là như vậy, những đặc tính ấy không bao giờ thay đổi. Có một loại thực tại không bao giờ có khả năng kinh nghiệm gì cả, dù ta có thấy nó hay không. Và một loại thực tại khác kinh nghiệm một cái gì đó, nhưng ta không thể nhìn thấy nó bằng mắt được, nó không phải là sắc. Vậy ở khoảnh khắc đầu tiên của kiếp sống, thực tại kinh nghiệm có thể kinh nghiệm mà không có não bộ, phải không? Bởi vì khi ấy chưa có não bộ, đúng không? Ở khoảnh khắc đầu tiên của một kiếp sống chỉ có mặt ba loại sắc được tạo duyên bởi nghiệp mà thôi. Bạn có muốn biết thêm về điều đó không? Mời cô Sarah nói tiếp.

Sarah:            Thức tái tục mà ta đang nói tới là khoảnh khắc đầu tiên của một kiếp sống, mà về thực chất là khoảnh khắc của sự thụ thai. Nghiệp tạo duyên cho thức đó sinh khởi cũng tạo duyên cho sự sinh khởi của các nhóm sắc khác nhau. Loại sắc thứ nhất là tâm cơ, thứ hai là sắc tính nam hoặc sắc tính nữ xác định giới tính của đứa trẻ, và loại sắc thứ ba là thân căn.

Achaan:         Những sắc đó nhỏ vô cùng và không thể được thấy. Nhưng có những  duyên để làm cho các sắc đó tăng trưởng, lớn mạnh. Dù chúng ta có nghĩ đến những thứ như não bộ hay hệ thống thần kinh, chúng vẫn chỉ là sắc mà thôi. Kể cả khi không có sắc thì ở một số cõi khác, vẫn có sự sinh khởi của tâm và tâm sở.

Học viên 13: Câu hỏi về vai trò của não bộ trong thực tại vừa rồi, con bổ sung thêm vài ý là não bộ là một cơ sở để cho tâm sinh khởi. Nó là khái niệm nhưng nó là cơ sở cho tâm sinh khởi. Sắc làm cơ sở cho nó sinh khởi là tâm cơ.

Achaan:         Tâm cơ thì là sắc hay là danh? Nó có thể kinh nghiệm gì không?

HV 13:           Nó là sắc.

Achaan:         Chỉ vậy thôi sao? Dù chúng ta có đặt tên những cái đó là não bộ hay cái gì khác thì cần phải hiểu đó chỉ là sắc mà thôi, và rằng những sắc đó phải luôn sinh khởi cùng tứ đại và cùng với những sắc khác không thể tách rời bao gồm màu, mùi, vị, dưỡng chất. Đó là những thực tại không kinh nghiệm gì cả, chỉ có tâm mới có thể kinh nghiệm mà thôi. Tại khoảnh khắc của cái thấy thì não bộ ở đâu?

HV 13:           Xét về thực tại thì chúng ta không thể thấy não bộ.

Achaan:         Chính vì vậy trong các sắc có 5 loại sắc thần kinh và được gọi là nội sắc, đó là những sắc có thể tiếp xúc được vào những đối tượng như đối tượng thị giác, âm thanh mùi vị và xúc chạm.

Sarah:           Có phải bạn nói đến tâm cơ theo ý tâm cơ nghĩa là não phải không?

HV 13:            Tôi không biết tâm cơ có phải là não hay không, hay là não là một phần của tâm cơ, hệ thống thần kinh. Tóm lại nó ở trong cơ thể.

Học viên 2:     Khi não mất chức năng không hoạt động, thì lúc đó tâm như thế nào, chuyện gì sẽ xảy ra?

Jonathan:       Theo quan điểm của chế định, của khoa học thì người ta cho rằng tâm phụ thuộc vào não bộ và hệ thống thần kinh để có thể hoạt động. Nhưng theo Giáo lý của Đức Phật thì trên thực tế sự thực hoàn toàn khác như vậy. Cuộc sống của tâm phụ thuộc vào nghiệp. Những khoảnh khắc kinh nghiệm các đối tượng qua ngũ quan là khoảnh khắc của tâm quả. Ở khoảnh khắc của cái thấy chẳng hạn, nhãn căn được tạo duyên bởi nghiệp và là một trong năm nội sắc mà Achaan nói tới, và nghiệp cũng tạo duyên cho thức sinh khởi. Một duyên cần thiết nữa là phải có đối tượng thị giác sinh khởi để có thể được kinh nghiệm. Trong sự mô tả về thực tại, không hề có vai trò của não bộ hay hệ thống thần kinh. Chừng nào có các duyên để những yếu tố như vậy sinh khởi cùng một lúc thì sẽ có khoảnh khắc kinh nghiệm cái thấy. Nhưng theo chế định, ta nói não bộ thì có sự tham gia vào đó. Có thể có nghiệp sinh khởi ngăn chặn việc có kinh nghiệm một số đối tượng qua một số căn cụ thể nào đó, chứ không phải do có vấn đề của não bộ. Nguyên nhân sâu xa chính yếu của việc không có chức năng hoạt động bình thường là nghiệp quá khứ.

HV 2:               Theo ông nói thì nếu một người bị hỏng não và tâm nó không hoạt động, nguyên nhân sâu xa là do nghiệp, chứ không phải là nguyên nhân do sự hỏng não đó. Tôi chưa hiểu rõ lắm.

Jonathan:        Cái mà chúng ta gọi là tổn thương não bộ thì về mặt thực chất là có một số kinh nghiệm qua một số giác quan cụ thể không thể sinh khởi.

Người phiên dịch:    Chẳng hạn khi bị liệt, tức là khi không có kinh nghiệm về sự xúc chạm thì có nghĩa là khi ấy nghiệp tạo duyên cho sắc là thân căn không sinh khởi hoặc là không có sự trổ quả của nghiệp tạo duyên cho thân thức sinh khởi khi ấy.

Sarah:            Chẳng hạn một người bị hôn mê thì khi đó tâm không dừng lại, tâm vẫn tiếp tục hoạt động. Tùy thuộc vào nhiều yếu tố như nghiệp, nhiệt độ v.v… mà loại tâm nào sinh khởi và kinh nghiệm đối tượng gì. Chúng ta có thể nghĩ đến não bộ bị tổn thương hay thần kinh như thế này thế kia, nhưng trên thực tế, Đức Phật chỉ dạy chúng ta về 28 loại sắc. Những cái mà chúng ta gọi là não bộ, phổi, hệ thống thần kinh…chỉ là những ý niệm được hình thành từ những thực tại ấy. Như vậy một người không còn thấy được nữa sâu xa là kết quả của nghiệp chứ không phải do não bộ có vấn đề.

Achaan:          Hiện giờ tâm có sinh khởi hay không? Nó sinh khởi ở đâu? Nó sinh khởi bên ngoài hay bên trong của thân đây?

HV 13:            Bên trong

Achaan:          Ở cõi có ngũ uẩn, nếu không có thân (sắc) thì liệu tâm có thể sinh khởi hay không? Vậy thì nó phải ở đâu đó trong thân, tùy thuộc vào loại tâm đó là tâm gì. Vì vậy mới nói rằng có sáu cơ sở hay gọi là căn cho sự sinh khởi của tâm. Liệu suy nghĩ có thể sinh khởi ở nhãn căn không?

HV 13:            Không

Achaan:           Vậy sáu căn cho tâm nương vào để sinh khởi đó là gì? Nhãn thức sinh khởi ở nhãn căn. Nhãn căn nằm ở đâu? Nó nằm ở giữa con mắt, chúng ta không thể thấy nó được. Cái có thể được thấy thì chỉ là màu, tức là một phần của cái mà chúng ta gọi là tổ hợp sắc. Nó có sinh và diệt hay không? Ở khoảnh khắc của cái thấy, nhãn căn đã diệt đi chưa hay vẫn còn? Nếu không có nhãn căn thì có thể có cái thấy không? Như vậy nhãn căn sinh khởi trước đó, và ở khoảnh khắc thấy, nó vẫn còn chưa diệt đi. Còn đối tượng thị giác thì sao?  Nó có sinh khởi tại khi đó không? Đối tượng thị giác đã sinh khởi ở khoảnh khắc trước khi có cái thấy, để có thể tạo duyên cho cái thấy sinh khởi. Ở khoảnh khắc thấy, cái thấy (nhãn thức) sinh khởi nơi nhãn căn. Ngoài ngũ song thức – bao gồm mỗi thứ hai cái là nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức – thì tất cả những tâm khác đều sinh khởi nơi ý căn- hay tâm cơ. Tâm cơ có là thực không? Tâm cơ có cứng không?

Achaan:          Đúng vậy. Đặc tính cứng thì không phải là tâm cơ, nó là địa đại, nhưng nếu không có địa đại thì không thể có tâm cơ sinh khởi. Cũng như vậy với tất cả những căn khác, chúng đều phải sinh khởi với sự hỗ trợ của tứ đại. Tứ đại thì làm duyên cho bốn sắc phụ khác. Trong một tổ hợp sắc vô cùng nhỏ cũng có thể có một sắc thần kinh tương ứng, ví dụ như là tâm cơ và nhãn căn – nhưng chỉ một trong các sắc thần kinh mà thôi. Chẳng hạn nếu có nhãn căn trong một tổ hợp sắc thì sẽ không có nhĩ căn ở đó. Nhĩ căn có nóng không?

Ai đó trả lời:  Có

Achaan:          Không thể nào. Nhĩ căn và đặc tính nóng là những sắc khác nhau. Mặc dù nhĩ căn sinh khởi cùng tứ đại, và tứ đại có đặc tính nóng lạnh…, nhưng bản thân nhĩ căn thì có đặc tính khác, nó không nóng nhưng nó sinh khởi cùng với đặc tính nóng. Đặc tính nóng hoàn toàn không phải là nhãn căn hay nhĩ căn. Đó là một loại thực tại khác, nó không thể tạo duyên cho cái thấy, cái nghe sinh khởi. Nó có ở đó – nóng ở đó, lạnh ở đó, sự căng, trùng ở đó, sự kết dính ở đó, nhưng bản thân chúng thì không phải là nhãn căn hay ý căn. Bên cạnh các sắc trong một tổ hợp sắc gồm 8 sắc bất ly có thể có một sắc là sắc nhãn căn hoặc nhĩ căn, và còn một loại sắc khác, đó là sắc mạng căn.

Ta có thể thấy được tại sao có sự khác biệt giữa con mắt có thể thấy và con mắt trong bức tranh, chúng không giống nhau. Có rất nhiều điều cần phải được học và biết ở trong cái thân này. Cái mà chúng ta coi là bộ não hay phổi hay máu thực chất là sự tổng hợp của rất nhiều loại sắc khác nhau. Nhưng về mặt chân đế chỉ có bốn loại sắc gọi là tứ đại mà thôi. Nếu không có tứ đại thì tất cả sắc khác không thể sinh khởi. Chính vì vậy, có lúc Đức Phật nói về sáu giới (dhatu), bao gồm tứ đại, sắc không gian và thức giới. Chúng là những thực tại căn bản. Mặc dù có các tâm sở sinh khởi cùng với tâm nhưng tâm vẫn là yếu tố dẫn đầu. Kể cả khi có nhiều sắc khác cùng sinh khởi thì vẫn cần phải có tứ đại làm cơ sở để cho chúng sinh khởi. Sắc sinh diệt rất nhanh, tuổi thọ nó chỉ lâu hơn tâm và tâm sở mà thôi. Có sáu cửa giác quan kinh nghiệm đối tượng. Liệu cái thấy thì có thể suy nghĩ không? Liệu suy nghĩ có thể thấy không? Cần phải có cả sáu giác quan thì mới có thể tạo ra được các kinh nghiệm khác nhau đó. Nếu chúng ta nói ngắn gọn thì có cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và rồi suy nghĩ. Nếu như không có suy nghĩ thì liệu có thể có ý niệm về bộ não, máu hay phổi hay không? Không thể có được. Những ý niệm đó chỉ là đối tượng của suy nghĩ mà thôi, chúng có phải là tự ngã không? Chúng là những thực tại sinh khởi do duyên và rồi diệt đi. Liệu một vị Phật hay ai đó có thể thay đổi tuổi thọ của sắc để khiến nó dài hơn hoặc ngắn hơn 17 satna tâm sinh và diệt hay không? Đây chính là sự giác ngộ của Đức Phật. Không phải là Đức Phật thay đổi thực tại mà là Đức Phật đã giác ngộ bản chất tối hậu của tất cả các thực tại.

Học viên 27:   Con muốn hỏi Achaan kinh nghiệm về danh và sắc khi chúng ta nói, giao tiếp trong cuộc sống hàng ngày. Với con dường như tâm thay đổi nhanh hơn khi giao tiếp với mọi người so với khi ở nơi vắng lặng.

Achaan:           Rupa –sắc có thể nói được không? Nếu không có suy nghĩ liệu có thể nói được không? Có những khoảnh khắc có suy nghĩ nhưng không nói ra thành lời. Nếu như không có tâm thì sắc không thể tự cử động, miệng không thể tự mở ra được. Như vậy mỗi một cử động của thân đều được tạo duyên bởi tâm. Nếu không có ý định nói thì không thể có việc nói xảy ra, nếu chỉ có suy nghĩ mà thôi thì sẽ không có việc nói. Nhưng do bởi có một tâm có ý định nói nên tạo duyên cho khoảnh khắc phát ra lời nói thông qua thân, vì nếu không có thân thì tâm sẽ không thể nói ra được. Mọi người có thể hiểu được người khác nhờ việc nói ấy, bởi vì tâm tạo duyên cho điều ấy. Người ấy đang nói với tâm từ hay tâm sân, với hiểu biết đúng hay tà kiến.

HV 27:             Khi Achaan giải thích là khi nói thì phải có ý định nói, cái tâm suy nghĩ về việc nói đó phải được thể hiện qua thân. Như Đức Phật dạy phải có chánh ngữ, không nói những lời vô nghĩa, vì thế một số bạn đã hạn chế giao tiếp xã hội đi và cho rằng mình đã bớt cái khẩu nghiệp là nói những lời không cần thiết.

Achaan:           Liệu các đệ tử của Phật có nói chuyện với Đức Phật không? Liệu họ có thăm hỏi những người đến thăm hay không hay họ không chào hỏi gì nhau? Tuy nhiên sau khi nghe Pháp thì mỗi người có những tích lũy khác nhau, không phải tất cả đệ tử của Đức Phật đều thành tỳ kheo. Lấy trường hợp của vị đại cư sỹ Visakha, bà đã giác ngộ khi bảy tuổi nhưng đã không xuất gia. Bất cứ ai hiểu được đúng Giáo lý của Đức Phật thì cũng tự biết được những tích lũy riêng của bản thân – liệu nên tiếp tục tích lũy của mình để sống đời cư sỹ hay tích lũy ấy thích hợp với cuộc sống của người xuất gia. Giáo lý của Đức Phật không chỉ dành riêng cho các vị tỳ kheo mà dành cho tất cả mọi người, cho bất cứ ai có thể hiểu đúng.

Trước khi bạn được nghe Giáo lý thì tích lũy của bạn là gì? Nói nhiều hay ít nói? Trí tuệ biết điều ấy. Nếu không chúng ta sẽ không thể biết được những tích lũy mà mình có từ rất lâu rồi và vẫn còn thể hiện ở bây giờ.

Jonathan:       Quay trở lại câu hỏi đầu của bạn rằng trong hoàn cảnh có nhiều giao tiếp xã hội thì dường như tâm thay đổi nhanh hơn so với khi ta ở nơi vắng lặng một mình. Nhưng trên thực tế chúng ta biết rằng tâm luôn sinh diệt như nhau dù là ta đang ở đâu và làm gì, chứ không phải lúc này thì nó chậm và lúc kia thì nhanh. Vậy cái gì là cái khiến cho chúng ta có cảm giác là trong một số trường hợp thì tâm thay đổi nhanh hơn trong một số trường hợp khác?

HV 27:             Khi sáu căn đều mở ra và phải bắt nhiều đối tượng khác nhau cùng một lúc.

Jonathan:       Dù chúng ta ở đâu đi nữa, ở một mình hay với nhiều người thì về thực chất, lúc nào sáu căn cũng mở ra và hoạt động như vậy thôi. Câu này tương tự như câu hỏi về chánh niệm ở nơi làm việc. Dù ở nơi làm việc hay ở đâu thì sáu căn vẫn luôn hoạt động. Dù ở đâu chăng nữa thì luôn có ngũ căn và ý căn hoạt động. Đương nhiên khi ở trong những hoàn cảnh như thế này (đàm luận về Pháp –ND) thì dễ có thêm duyên để suy xét về thực tại? Nếu như Trí tuệ vẫn còn yếu ớt thì khi ở trong những hoàn cảnh khác sẽ không đủ duyên để cho những suy xét về thực tại như vậy sinh khởi. Ở một nơi riêng biệt một mình không nhất thiết là một duyên cho những kinh nghiệm về thực tại sinh khởi. Bởi vì khi ấy có thể có tà kiến hoặc có mong đợi tâm thiện sinh khởi trong thời điểm đó. Vậy thì điều chính yếu tùy thuộc vào sự phát triển của hiểu biết đúng.

Học viên 19:    Con có vài câu hỏi không liên quan đến thực tại, nhưng con nghĩ nó cũng quan trọng. Con người đã sống rất nhiều kiếp, hàng a tăng kỳ kiếp. Có những vị Phật quá khứ trước Đức Phật Thích-ca, có nghĩa là loài người đã sống trên quả đất này rất lâu rồi. Tuy nhiên khảo cổ học ngày nay chưa thể phát hiện được bằng chứng nào chứng tỏ loài người hiện tại sống cách đây khoảng vài chục ngàn năm về trước, nhưng người ta có tìm thấy bằng chứng động vật thân mềm, thân cứng đã tồn tại hàng trăm triệu năm. Bên cạnh đó người ta lại tìm thấy bằng chứng về loài người chưa phát triển. Vậy thì có sự mâu thuẫn gì trong Giáo lý hoặc có việc gì đấy chưa ổn trong nền khoa học?

Sarah:              Cái mà ta biết là dù ở thời đó hay là bây giờ thì vẫn chỉ có danh và sắc mà thôi. Chúng ta cũng biết rằng Đức Phật có nói về những điều bất khả tư nghì, trong đó có sự khởi đầu của thế giới. Chẳng hạn chúng ta có thể biết được về cuộc sống ở trong cõi này, những liệu chúng ta có biết được những kiếp sống ở những cõi khác trong vô lượng kiếp trước không? Liệu các nhà khoa học có thể biết gì về những cõi như chư thiên hay cõi khác không? Đối với tôi thì chúng ta có thể phỏng đoán không bao giờ ngừng về tất cả những câu hỏi này, nhưng điều ấy không giúp cho chúng ta phát triển hiểu biết một chút nào cả.

Achaan:            Cái thấy có phải là con người, chư thiên hay động vật hay không?

HV 19:               Không phải

Achaan:            Tại sao?

HV 19:               Cái thấy là pháp sinh khởi, các chư thiên và loài người là khái niệm.

Achaan:             Thế còn từ “cái thấy”, nó không phải là khái niệm hay sao?

HV 19:               Ngôn từ thì là khái niệm.

Achaan:            Vậy thì từ “cái thấy” đó cũng là khái niệm giống như chư thiên, nhưng thực tại là cái thấy thì nó có thể là chư thiên hay động vật hay không? Nếu như không có hình, dạng thì liệu ai có thể nói rằng đây là một chư thiên đang thấy, một con vật đang thấy hay một con người đang thấy hay không? Thực tại là cái thấy không phải là sắc, nó là một thực tại mà khi sinh khởi thì kinh nghiệm đối tượng và rồi diệt đi, nó không có hình dạng. Nếu như không có cái hiểu về những gì đang xuất hiện hiện giờ thì liệu có thể có cái hiểu về những thứ khác hay không? Bởi vì những thứ mà bạn mong muốn hiểu biết thì chưa tới. Cái đã qua đi rồi thì cũng không thể là đối tượng của hiểu biết.

Câu hỏi online: Trong cuộc sống hàng ngày nên luôn có ý thức là có vô minh che lấp cái thấy cái nghe, cộng với ghi nhận trên thân và tâm diễn ra liên tục trong các khoảnh khắc. Sự thực hành như vậy sẽ làm duyên cho các thiện pháp sinh khởi như chánh niệm hay tinh tấn, phải không ạ?

Achaan:              Nếu như ta nói đến chánh niệm của Bát Chánh Đạo, cũng phải nói đến hiểu biết đúng ở cùng khoảnh khắc đó, bởi vì nếu không có hiểu biết đúng, sẽ có ý niệm là tôi chánh niệm hay tôi đang biết. Khi nói tôi đang có cử  động và hay biết cử động ấy v.v, đó hoàn toàn không phải là chánh niệm của Bát chánh đạo. Chẳng hạn ai đó nói rằng tôi đang chánh niệm, thì phải hỏi xem đối tượng của chánh niệm ở khoảnh khắc đó là gì. Chỉ có một thực tại ở một thời điểm, và chính vì vậy mà không thể nào nói một người có chánh niệm suốt cả ngày. Nếu như không có hiểu biết vững chãi về các thực tại hiện giờ đang xuất hiện, sẽ không thể nào có duyên cho chánh niệm sinh khởi cùng hiểu biết đúng về thực tại là vô ngã. Chẳng hạn có chánh niệm về đối tượng thị giác ở khoảnh khắc này hay không? Nếu ai đó thấy rằng ta đang có chánh niệm thì phải hỏi đối tượng của chánh niệm khi ấy là gì?

Học viên 2:         Đối tượng thị giác, âm thanh, cái cứng, cái mềm..

Achaan:               Đúng đó là những thực tại có thể là đối tượng của chánh niệm, nhưng có thực sự có chánh niệm sinh khởi về các thực tại đó hay không? Cái thấy có thể sinh khởi mà không có duyên tạo ra nó hay không? Cũng như vậy Trí tuệ không thể sinh khởi nếu như không có duyên cho nó sinh khởi.

Vị sư 1:               Những khoảnh khắc thông thường ta luôn có ý niệm là đang xảy ra cái biết, cái thấy, cái nghe nhưng có những khoảnh khắc ở đó không có thấy, không có nghe gì nữa. Lúc đó dường như có một chút sợ hãi, nó muốn níu lại để được thấy và nghe. Đó có phải là những ý tưởng về ngã?

Sarah:                Câu hỏi này liên quan đến việc dính mắc vào kết quả, vì ta rất muốn có chánh niệm, thì ta có thể tưởng tượng rằng mình có thể chánh niệm một cách liên tục, nhưng thực ra vẫn luôn luôn có ý niệm tôi đang biết hay tôi đang chánh niệm, hoặc tôi có chánh niệm về một số thực tại nào đó, và tôi thấy buồn khi không có chánh niệm.  Đây chính là con đường của sự dính mắc và của ý niệm về ngã muốn làm cho chánh niệm sinh khởi, chứ không phải là cái hiểu cùng với sự xả ly. Hiểu biết không nghĩ hay không bận tâm đến cái việc liệu ta đã có bao nhiêu chánh niệm rồi. Nó không hề có ý niệm về chánh niệm liên tục, và không bận tâm về việc vẫn chưa có hiểu biết hay vẫn chưa có chánh niệm. Chúng ta quay về với việc là thực tại nào đang ở đó hiện giờ, dù đó là tham, sân hay bất cứ cái gì đang xuất hiện. Mong muốn hay cố gắng để có chánh niệm cũng có thể được biết là chỉ là một thực tại mà thôi. Đó cũng là những thực tại sinh và diệt, không đáng để bám víu vào, dù chỉ là một khoảnh khắc mà thôi. Kể cả chánh niệm và Trí tuệ cũng là khổ và không đáng bám víu vào. Như vậy thì không nên suy nghĩ về việc có nhiều hay ít chánh niệm, bởi vì ở khoảnh khắc như vậy, luôn có mong muốn đạt được kết quả cho bản thân.

Vị sư 1:               Những khoảnh khắc hiện tại này về những phiền não xảy ra che lấp những sự thật và nó tạo những suy nghĩ mà ta nghĩ là nó là đúng đắn nhưng kỳ thực nó lại không đúng đắn.

Sarah:                 Phiền não lớn nhất và nguy hiểm nhất là tà kiến. Chẳng hạn ở khoảnh khắc cố gắng có chánh niệm liên tục với ý niệm về ngã hay cố gắng nắm bắt thực tại. Ở khoảnh khắc đó là sự thực hành sai lầm đi kèm với tà kiến. Chính cái đó là bước cản, nó che lấp con đường phát triển hiểu biết đúng đắn, cái phải xảy ra một cách tự nhiên. Cũng như những gì Achaan đã nói với bạn trẻ kia, rằng, nếu trước đây khi chưa biết Giáo pháp một người vốn hay nói, và bây giờ khi biết tới Giáo pháp cho rằng cần phải nói ít hơn để phát triển chánh niệm thì đó là một cái hiểu sai lầm, bởi vì đã không có hiểu biết về những gì tích lũy vốn rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày. Trong suy nghĩ ấy vẫn có ý niệm về một nơi chốn đặc biệt, một thời điểm đặc biệt,  chính ý niệm như vậy sẽ cản trở hiểu biết đúng sinh khởi ngay hiện giờ.

Jonathan:          Chúng ta vẫn có xu hướng cho rằng sự dính mắc vào ngũ dục là một cản trở cho chánh niệm. Tất nhiên là chánh niệm thì nó không thể sinh khởi cùng một lúc ở những khoảnh khắc mà có những phiền não như vậy. Nhưng nếu chúng ta hiểu rằng sự phát triển của Trí tuệ là sự phát triển hiểu biết về bất cứ loại danh và sắc nào thì không có lý do nào để những thực tại ấy không trở thành đối tượng của chánh niệm và Trí tuệ. Nếu như ta có một ý niệm sai lầm về một sự thực hành sai trái thì khi ấy chúng ta sẽ có suy nghĩ sai lầm tưởng rằng cái mình đang làm đây là đúng. Khi ấy thì rất là khó để cho cái thực tại khi đó là tà kiến có thể được hiểu đúng như nó là.

Học viên 20:     Xin Achaan giải thích nghĩa của từ Trung Đạo.

Achaan:            Cái gì là Trung và cái gì là Đạo, và Đạo đó thì dẫn tới đâu?

HV 20:               Là con đường dẫn tới sự giải thoát.

Achaan:            Con đường ấy có bao nhiêu chi

HV 20:             Tám chi

Achaan:            Chi đầu tiên và quan trọng nhất là gì?

HV 20:               Chánh kiến.

Achaan:            Nó bắt đầu vào khoảnh khắc hiểu về pháp. Bất cứ cái gì đang xuất hiện hiện giờ đều rất thực, nếu chúng ta không được nghe Pháp, liệu ai biết được rằng không phải là ta đang kinh nghiệm đây? Chánh kiến sẽ tạo duyên cho việc hiểu hơn nữa rằng các thực tại là vô ngã. Khi có ý niệm về một cái ngã thì khi đó không có hiểu biết đúng, và không phải là con đường Trung đạo, chỉ đơn giản là như vậy. Khi không có cái hiểu, không có Trí tuệ thì không thể là con đường Trung đạo. Nếu như không có chánh niệm thì có thể có cái hiểu đúng về những gì đang xuất hiện hiện giờ hay không?

Chánh niệm của Bát chánh đạo là gì đây? Hiện giờ có tham hay không?

HV 20:            Có.

Achaan:           Khi trả lời “tham”, thì nó là thực tại xuất hiện với chánh niệm hay là chỉ là suy nghĩ về nó?

HV 20:             Chỉ là suy nghĩ

Achaan:           Vậy thì khi đó không phải chánh niệm về thực tại ấy mà là suy nghĩ về nó mà thôi. Cũng giống khi ta nói về thiền, nếu như không có cái hiểu thì thực ra vẫn chỉ là vô minh. Khi ta nói rằng hiện giờ đang có tham thì như vậy vẫn chưa đủ chi tiết, cần phải biết được tham ấy có đối tượng là gì và thời điểm nào. Tham ái và vô minh không thể hiểu được thực tại hiện giờ. Thế còn chánh niệm, và về cái chúng ta nói nhiều lần – về tham. Chúng ta thường xuyên nói “tham, tham, tham” hay “chánh niệm chánh niệm” mà không có cái hiểu về nó khi nó đang sinh và diệt. Mấu chốt không phải là vấn đề biết được ngôn từ để chỉ các khái niệm trong Giáo lý, mà cần phải có cái hiểu chi tiết hơn về những thực tại ấy. Chẳng hạn hiện giờ đặc tính cứng đang xuất hiện, rất bình thường đúng không? Có ai mà không biết đặc tính cứng, nhưng ai hiểu được tính cứng ấy là vô ngã? Ở khoảnh khắc chánh niệm thực sự, không có cái gì khác xuất hiện mà chỉ có thực tại đó xuất hiện mà thôi. Khi chánh niệm chưa sinh khởi, sẽ không thể hiểu cái mà chánh niệm hay biết. Nếu chỉ nghĩ “nó là đặc tính cứng”, “nó không phải là ngã” thì không đủ, vì vẫn chưa phải là khoảnh khắc hiểu một cách trực tiếp đó là một thực tại, và khác với các thực tại khác.

Trong tứ niệm xứ có nói đến chánh niệm, nhưng chừng nào không có duyên để cho chánh niệm sinh khởi thì nó không thể sinh khởi, trong khi chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta có chánh niệm nhưng thực chất là không phải. Ở khoảnh khắc đặc tính cứng được kinh nghiệm và chánh niệm hay biết về thực tại ấy, nó không biết về bất cứ thực tại nào khác, không hề suy nghĩ về những cái khác. Đó chính là khoảnh khắc để biết được chánh niệm là gì, vì thông thường thì không hề có chánh niệm về đặc tính cứng trong cả ngày. Mặc dù đặc tính cứng luôn sinh khởi rất nhiều lần trong ngày, nhưng do không có đủ hiểu biết, và vì chánh niệm là vô ngã, nó chỉ có thể sinh khởi khi có duyên cho nó sinh khởi mà thôi (và vì thế, đặc tính cứng mặc dù được kinh nghiệm nhưng không được chánh niệm trực tiếp hay biết về nó cùng hiểu biết đúng -ND). Khi đến thời điểm để cho chánh niệm sinh khởi, khi ấy nó sinh khởi và trí tuệ sẽ hiểu được chánh niệm chỉ là một thực tại, và rằng chánh niệm không phải là ai cả, không phải là tự ngã. Sẽ không thể có ý niệm “tôi chuẩn bị cho chánh niệm sinh khởi”, hay “cái gì sẽ làm đối tượng cho chánh niệm”. Nếu cố gắng để chánh niệm về một cái gì cụ thể thì đó không phải là chánh niệm. Bởi vì khi có hiểu biết về cái xuất hiện thì bản thân hiểu biết ấy cũng sinh khởi do duyên, không phải do sự chuẩn bị mà là do duyên. Đây là lúc để hiểu rằng tất cả thực tại đều là vô ngã. Có cái thấy, cái nghe, có suy nghĩ, có sự dính mắc, có rất nhiều thực tại hiện giờ, nhưng không hề có chánh niệm về những thực tại ấy, và chúng ta cần rất trung thực để thấy rằng thực sự là đang không có chánh niệm về các thực tại ấy. Khi nào chánh niệm thực sự sinh khởi thì trí tuệ sinh khởi cùng với nó sẽ hiểu được đặc tính của chánh niệm. Nó hoàn toàn khác biệt với khoảnh khắc không có chánh niệm. Có chánh niệm ở đó, có chánh kiến ở đó, có chánh tư duy ở đó, đó là những chi của Bát chánh đạo. Không có một tự ngã nào, không có ai ở đấy cả. Khi ấy cũng có cả chánh định nữa. Chúng ta không cần cố đạt một loại định nào khác để hiểu được điều ấy, và cũng như vậy đối với chánh tinh tấn. Con đường Bát chánh đạo sinh khởi do duyên.

Liệu sợ hãi có thể là đối tượng của chánh niệm hay không? Chỉ khi có đủ duyên cho điều ấy xảy ra mà thôi. Nhưng thông thường khi hiểu biết vẫn chưa đủ, thì điều gì xảy ra khi sợ hãi sinh khởi? Khi ấy sẽ có ý niệm “tôi sợ”, muốn không sợ, và không có cái hiểu rằng sợ hãi chỉ là một thực tại mà thôi. Vậy bản chất của con đường Bát chánh đạo là những khoảnh khắc của cái hiểu đúng về bất cứ cái thực tại nào sinh khởi. Khi không có cái hiểu về đối tượng xuất hiện rằng đó chỉ là một thực tại thì khi đó không có Bát chánh đạo. Con đường phát triển Trí tuệ phải bắt đầu từ cái hiểu đúng về mặt lý thuyết, suy xét cho đến khi khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp thực tại sinh khởi. Nếu không có hiểu biết đúng thì liệu có thể có chánh niệm đơn thuần vì ai đó bảo chúng ta làm một cái gì đó để có chánh niệm không? Khi đó có ý niệm về ngã cho rằng “tôi” có thể làm, không hề có cái hiểu về cái đang xuất hiện hiện giờ chỉ là một thực tại do duyên mà thôi. Các chi của Bát chánh đạo đều phải là Chánh: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Chánh niệm phải hay biết về đặc tính của một thực tại cùng với cái hiểu rằng đặc tính của nó là vô ngã. Ngay tại khoảnh khắc ấy, cùng một lúc có các chi chánh kiến, chánh tư duy, chánh niệm và chánh định. Trí tuệ bắt đầu phát triển để sang một giai đoạn khác của sự hiểu biết, không còn là việc suy nghĩ: hiện giờ đang có tham, hiện giờ đang có cái thấy, cái đó chỉ là suy nghĩ mà thôi.

HV 20:           Con phân vân tại sao Đức Phật dùng từ Trung đạo thay cho đơn thuần chỉ là Bát chánh đạo mà thôi?

Achaan:         Bởi khoảnh khắc đó không có tham, không có sân, và khi có hiểu biết đúng thì không có si. Khi sân sinh khởi, lúc đó sẽ có ý niệm là tôi không muốn có sân, cố gắng để không có sân thì không phải là con đường chánh đạo, bởi vì khi ấy không có cái hiểu rằng cái thực tại đó không phải là ta. Hiểu biết ở mức độ trực tiếp sẽ chi tiết hơn hiểu biết về mặt lý thuyết rất nhiều.

Học viên 21:  Xin Achaan giải thích về ngã mạn –mana?

Achaan:         Ai quan trọng hơn Tôi lúc này đây?

Kể cả khi không có tà kiến về ngã thì vẫn có sự dính mắc vào cái thuộc về “mình”

Ngã mạn chưa thể nào được tận diệt trước khi tà kiến được tận diệt, và tà kiến được tận diệt từ từ khi trí tuệ ngày càng phát triển hiểu rằng mọi thứ không phải là ngã, cho đến mức sự xả ly đủ mạnh để có thể kinh nghiệm Niết bàn. Và chỉ khi đó tà kiến về ngã mới được tận diệt.

Jonathan:       Kể cả khi đã tận diệt tà kiến về ngã thì vẫn còn ngã mạn, ngã mạn chỉ có thể tận diệt khi đạt giác ngộ trở thành vị A-la-hán mà thôi,

Achaan:          Đặc tính của ngã mạn vi tế hơn rất nhiều cái mà chúng ta vẫn thường nghĩ về.

Học viên 13:   Ngã mạn chỉ là một khái niệm thôi, chứ không phải là thực tại

Achaan:           Chẳng hạn có suy nghĩ là tôi quan trọng hơn người khác thì khi ấy có ngã mạn ở đó

HV 13:             Không. Nó là đối tượng của suy nghĩ, do đó nó là khái niệm, suy nghĩ mới là thực tại.

Achaan:           Không phải như vậy, mà là thực tại mana tạo duyên cho suy nghĩ thành lời như vậy sinh khởi,

Sarah:             Thực tại này sinh khởi cùng với tham. Ngoài việc dính mắc vào đối tượng, khi ấy cũng có cả ý niệm về sự quan trọng của bản thân. Không nhất thiết là cần phải có suy nghĩ bằng lời về điều ấy, chỉ đơn thuần là ý niệm về sự quan trọng của bản thân mà thôi.

Người phiên dịch:    Có lần Achaan có nói rằng khi ta đến một nơi và thốt lên “nơi này đẹp quá” với ý niệm “tôi đang ở một nơi đẹp” thì khi đó cũng có ngã mạn.

Achaan:          Tùy thuộc vào thực tại khi đó.

Sarah:             Chẳng hạn bây giờ có ý niệm là trang trí ở đây không đẹp như đáng nhẽ cần phải, đằng sau đã có ý niệm “tôi đã có thể làm tốt hơn thế”.

HV 13:             Ngã mạn là thực tại?

Achaan:          Tham cũng là một thực tại, nhưng tham thì không phải là ngã mạn. Tà kiến cũng là một thực tại sinh khởi cùng tham

Người phiên dịch: Tôi nghĩ có thể do cách dịch của từ mana sang tiếng Việt là ngã mạn có thể gây hiểu lầm vì có từ “ngã” trong đó.

Jonathan:       Tương tự như vậy trong tiếng anh có cụm từ “tự tôn”- self esteem, tự thấy quan trọng – nó cũng khiến chúng ta tưởng rằng có ý niệm về ngã ở trong đấy, nhưng kể cả khi ý niệm về ngã đã được tận diệt thì ngã mạn vẫn còn ở đó.

HV 13:             Ngã mạn vẫn có tà kiến ở trong đó?

Sarah:             Chúng ta có thể suy nghĩ về bản thân với các loại thực tại khác nhau, chẳng hạn nghĩ về bản thân với tà kiến cho rằng mình là cái gì đó thực sự tồn tại, hay có thể có suy nghĩ với sự dính mắc, hay suy nghĩ với ngã mạn. Kể cả khi không còn ý niệm về tà kiến nữa thì không nhất thiết là không còn ngã mạn, bởi vì ngã mạn không có nghĩa cho rằng có một cái tôi trường tồn, mặc dù không còn tà kiến đó, nhưng vẫn có ý niệm nào đấy về tầm quan trọng của bản thân mình, hay so sánh mình với người khác. Một vị Thánh Dự lưu đã tận diệt tà kiến nhưng vẫn còn ngã mạn, vẫn còn sự so sánh giữa mình và người khác. Bản thân Đức Phật mặc dù tận diệt hoàn toàn phiền não bao gồm cả ngã mạn, nhưng vẫn có khái niệm đây là Đức Phật, hay đây là những người khác. Khi sử dụng ngôn từ như vậy không có nghĩa là cho rằng có ai đó trường tồn. Tà kiến và ngã mạn là hai loại thực tại khác nhau.

Học viên 27:    Cô giải thích rõ lại, có phải mana là tâm sở dẫn đến suy nghĩ thông thường của mọi người như không ai hiểu tôi, tôi làm thế để giúp cho người này, hay là có tâm sở khác nữa.

Sarah:             Những suy nghĩ như bạn vừa nói thì rất thông thường, ở bất cứ lúc nào cũng có thể có suy nghĩ như vậy, như “không ai hiểu tôi”, “không biết từ mình dùng có ổn không”, “nếu đặt câu hỏi tôi sẽ làm rối tất cả lên”, hay “không biết mọi người nghĩ về mình như thế nào”, v.v… Tất cả những khoảnh khắc như vậy đều có thể có ngã mạn xen vào rồi.

Sadhu sadhu sadhu!

Leave a Reply

Translate »