Khảo Cứu Pháp Chân Đế- Phụ lục II- Sắc

Phụ lục III: Sắc (Rūpa)

28 loại sắc

Sắc là pháp chân đế không biết gì cả. Sắc là pháp hữu vi, là pháp sinh và diệt. Cần có duyên phù hợp cho sự sinh khởi của sắc. Các sắc y sinh (upādāya rūpa) nương vào Tứ đại (mahā-bhūta rūpa) để sinh khởi. Tuy nhiên, phải có các nguyên nhân cho sự sinh khởi của các sắc y sinh và Tứ đại, chúng là các yếu tố nền tảng cho tất cả các sắc sinh khởi. Có bốn nguyên nhân hay yếu tố làm duyên (samuṭṭhāna) cho sự sinh khởi của sắc, đó là: nghiệp (kamma), tâm (citta), nhiệt độ (utu) và dưỡng chất (āhāra)

  • Sắc bắt nguồn từ nghiệp được gọi là sắc do nghiệp sinh (kammajarūpa)[1].
  • Sắc bắt nguồn từ tâm được gọi là sắc do tâm sinh (cittajarūpa)
  • Sắc bắt nguồn từ nhiệt độ được gọi là sắc do nhiệt sinh (utujarūpa )
  • Sắc bắt nguồn từ dưỡng chất được gọi là sắc do dưỡng chất sinh (āhārajarūpa)

Sắc do nghiệp sinh (kammajarūpa)

Sắc bắt nguồn từ nghiệp không bắt nguồn từ ba yếu tố còn lại. Có chín loại sắc do nghiệp sinh:

  1. Nhãn căn (cakkhuppasāda rūpa)
  2. Nhĩ căn (sotappasāda rūpa)
  3. Tỷ căn (ghānappasāda rūpa)
  4. Thiệt căn (jivhāppasāda rūpa)
  5. Thân căn (kāyappasāda rūpa)
  6. Sắc tính nữ (itthibhāva rūpa)
  7. Sắc tính nam (purisabhāva rūpa)
  8. Sắc ý vật (ý căn) (hadaya rūpa)
  9. Sắc mạng căn (jīvitindriya rūpa)

Những thứ có vẻ có sự sống nhưng không bắt nguồn từ nghiệp thiện hoặc bất thiện, chẳng hạn như các loại thực vật khác nhau, không có sắc do nghiệp sinh.

Một số người không có tất cả các sắc do nghiệp sinh. Họ thiếu nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn, thiệt căn, thân căn, sắc tính nam hay sắc tính nữ. Tuy nhiên, với chúng sinh ở các cõi có ngũ uẩn (danh và sắc), phải có sắc ý vật làm căn cho tâm sinh khởi, và phải có sắc mạng căn . Sắc mạng căn sinh khởi với mỗi tổ hợp sắc (kalāpa) bắt nguồn từ nghiệp.

Với các chúng sinh thuộc cõi phạm thiên vô tưởng (asañña satta)[2], chỉ có sắc mà không có danh. Chừng nào họ là các phạm thiên vô tưởng, tâm và các tâm sở không sinh khởi. Họ chỉ có các tổ hợp sắc cùng mạng căn. Họ không có các sắc là các căn (sắc thần kinh), giới tính hay ý căn.

Chín loại sắc do nghiệp sinh là các sắc y sinh (upādāya rūpa), chúng phải sinh khởi cùng tám sắc bất ly (avinibbhoga rūpa)[3]. Có các tổ hợp sắc bắt nguồn từ nghiệp như sau:

  1. Nhóm thập sắc nhãn căn (cakkhudasaka[4] kalāpa) bao gồm tám sắc bất ly, nhãn căn và mạng căn.
  2. Nhóm thập sắc nhĩ căn (sotadasaka kalāpa) bao gồm tám sắc bất ly, nhĩ căn và mạng căn.
  3. Nhóm thập sắc tỷ căn (ghānadasaka kalāpa) bao gồm tám sắc bất ly, tỷ căn và mạng căn.
  4. Nhóm thập sắc thiệt căn (jivhādasaka kalāpa) bao gồm tám sắc bất ly, thiệt căn và mạng căn.
  5. Nhóm thập sắc thân căn (kāyadasaka kalāpa) bao gồm tám sắc bất ly, thân căn và mạng căn.
  6. Nhóm thập sắc sắc tính nữ (itthibhāvadasaka kalāpa) bao gồm tám sắc bất ly, sắc tính nam và mạng căn.
  7. Nhóm thập sắc sắc tính nam (purisabhāvadasaka kalāpa) bao gồm tám sắc bất ly, sắc tính nữ và mạng căn.
  8. Nhóm thập sắc sắc ý vật (hadayadasaka kalāpa) bao gồm tám sắc bất ly, sắc ý vật và mạng căn.
  9. Nhóm cửu sắc mạng căn (jīvitanavaka[5] kalāpa), bao gồm tám sắc bất ly và mạng căn

 

Các nhóm sắc do nghiệp sinh sinh khởi ở sát na sinh của thức tái tục tương ứng với cõi giới nơi ta tái sinh. Nghiệp tạo sắc ở cả ba tiểu sát na tâm, đó là: sát na sinh (uppāda khaṇa), sát na trụ (tiṭṭhi khaṇa), sát na diệt (bhanga khaṇa)[6]. Nghiệp ngừng tạo ra sắc ngay trước khi chết, tức là từ sát na thứ mười bảy tính ngược lại từ tử thức. Như vậy tất cả các sắc do nghiệp sinh diệt cùng tử thức khi  thọ mạng chấm dứt[7].

Đối với những chúng sinh tái sinh theo hình thức thai sinh ở cõi người, có ba tổ hợp sắc do nghiệp sinh sinh khởi cùng với thứcc tái tục. Ba tổ hợp sắc này là: nhóm thập sắc mạng căn, nhóm thập sắc thân căn, và nhóm thập sắc sắc tính. Khi bào thai phát triển, các sắc là các nhóm thập sắc nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn và thiệt căn sinh khởi ở thời điểm chín muồi.

Đối với những chúng sinh tái sinh theo hình thức hóa sinh (opapātika), không cần qua bố mẹ[8], như các chư thiên (deva), ngạ quỷ (peta), a tu la (asurakāya) và các chúng sinh tái sinh nơi địa ngục, sẽ có ngay tám nhóm sắc do nghiệp sinh. Do đó, họ có ngay toàn thân với các nhóm thập sắc sắc ý vật, thân căn và sắc tính, ngoài ra còn có nhóm thập sắc nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn và thiệt căn. Tuy nhiên, có thể rằng nghiệp không tạo duyên cho sự sinh khởi một số loại sắc cụ thể nào đó, và khi ấy, những sắc ấy sẽ thiếu ngay tại thời điểm tái sinh (paṭisandhi kāla) cũng như trong suốt kiếp sống ấy (pavatti  kāla).

Với những chúng sinh tái sinh theo hóa sinh ở các cõi phạm thiên sắc giới, chỉ có bốn nhóm sắc do nghiệp sinh: nhóm thập sắc ý vật, nhãn căn, nhĩ căn và mạng căn. Không có tỷ căn, thiệt căn và thân căn. Đây là kết quả của việc đè nén dính mắc với các đối tượng dục giới bằng sức mạnh của tâm thiền, tạo duyên cho  sự tái sinh ở cõi phạm thiên sắc giới.

Với các chúng sinh ở cõi phạm thiên vô tưởng (asañña satta), chỉ có sắc, không có danh, sẽ chỉ có  một tổ hợp sắc do nghiệp sinh là nhóm cửu sắc mạng căn. Một người tái sinh ở cõi phạm thiên vô tưởng đã phát triển ngũ thiền và từ bỏ dính mắc với danh. Vị ấy đã thấy hiểm họa của danh, vì chừng nào còn danh, ta vẫn có thể còn vướng vào phiền não; vì vậy vị ấy mong không có danh. Nếu kỹ năng chứng ngũ thiền của người ấy không bị suy thoái và thiện tâm ngũ thiền sinh khởi ngay trước tử thức, và vị ấy quay lưng lại với danh, tâm thiền sẽ tạo duyên cho tái sinh chỉ với sắc mà thôi (rūpa paṭisandhi) trong cõi phạm thiên vô tưởng, nơi vị ấy sẽ sống trong năm trăm đại kiếp. Vì danh pháp không sinh khởi, vị ấy không thể cử động. Bất kể chết ở tư thế nào trước khi tái sinh ở cõi vô tưởng, vị ấy sẽ tái sinh như vậy khi rời khỏi cõi ấy. Khi ấy nghiệp thiện có thể tạo duyên cho thức tái tục và sắc do nghiệp sinh ở một cõi dục giới an lành. Chừng nào phiền não chưa được tận diệt, ta sẽ tiếp tục lăn lộn trong vòng tam luân của phiền não, nghiệp và quả.

Sắc do tâm sinh (cittaja rūpa)

Có sáu tổ hợp sắc bắt nguồn từ tâm:

  1. Nhóm bát thuần sắc bất ly (suddhatthaka[9] kalāpa), một nhóm tám sắc chỉ bao gồm tám sắc bất ly (avinibbhoga rūpa). Khi sắc tái tục diệt đi, nó được tiếp nối bởi tâm hộ kiếp. Sắc do tâm sinh là bát thuần sắc bất ly được tạo ra ở sát na sinh (uppāda khaṇa) của tâm hộ kiếp đầu tiên, và sau đó, trong suốt kiếp sống, nó được tạo ra ở sát na sinh của mỗi tâm. Tuy nhiên, ngũ song thức không tạo ra sắc nào, chúng quá yếu để tạo ra sắc.
  2. Nhóm cửu sắc thân biểu tri (kāya-viññatti), một tổ hợp gồm chín sắc, bao gồm tám sắc bất ly và thân biểu tri. Tâm hàm một ý nghĩa cụ thể tạo ra tổ hợp sắc này tại sát na sinh của nó.
  3. Nhóm  thập sắc khẩu biểu tri (vāci-viññatti), một tổ hợp gồm mười sắc, bao gồm tám sắc bất ly, khẩu biểu tri và âm thanh. Tâm là nguồn gốc cho âm thanh phát ra tạo nên tổ hợp sắc này tại sát na sinh.
  4. Nhóm thập nhất sắc nhẹ (lahutā), một tổ hợp sắc gồm mười một sắc, bao gồm tám sắc bất ly và ba sắc thích ứng là sắc nhẹ, sắc nhu nhuyến (mudutā) và sắc thích ứng (kammaññatā). Tâm muốn thay đổi oai nghi tạo ra tổ hợp sắc này tại sát na sinh.
  5. Nhóm thập nhị sắc thân biểu tri và nhẹ, một tổ hợp sắc gồm mười hai sắc, bao gồm tám sắc bất ly, ba sắc thích ứng, và thân biểu tri. Tâm muốn biểu lộ  ý nghĩa bằng các cử chỉ trên thân khác nhau tạo ra tổ hợp sắc này tại sát na sinh.
  6. Nhóm thập tam sắc khẩu biểu tri, âm thanh và nhẹ, một tổ hợp sắc gồm mười ba sắc, bao gồm tám sắc bất ly, ba sắc thích ứng, khẩu biểu tri và âm thanh. Tâm muốn phát ra một âm thanh cụ thể tạo ra tổ hợp sắc này ở sát na sinh. Âm thanh ấy sinh khởi phụ thuộc vào các sắc thích ứng tại nhĩ căn[10].

Mỗi tổ hợp sắc do tâm sinh được tạo bởi tâm ở sát na sinh của nó, không ở sát na trụ, cũng không ở sát na diệt. Khi thức tái tục đã diệt đi, nó được tiếp nối bởi tâm hộ kiếp.

Tổng cộng có mười sáu tâm không tạo ra sắc. Chúng là: bốn tâm quả vô sắc giới, thức tái tục, ngũ song thức và tử thức của vị A La Hán.

Bốn loại tâm quả vô sắc giới không tạo ra sắc nào vì chúng là kết quả của thiện tâm thiền vô sắc thấy sự bất lợi của sắc, pháp bao vây bởi các phiền não. Người thấy hiểm họa và bất lợi của sắc phát triển thiện pháp vô sắc giới, pháp không có đối tượng liên hệ với sắc. Khi tâm quả vô sắc giới đảm nhận chức năng tái tục trong một trong các cõi vô sắc giới, không có duyên cho sự sinh khởi của bất cứ sắc nào.

Thức tái tục không tạo ra sắc do tâm sinh, vì nó là tâm đầu tiên trong một cõi giới và vì vậy, nó không có đủ sức mạnh để tạo nên sắc do tâm sinh.

Tử thức của vị A La Hán không tạo ra sắc vì đó là tâm cuối cùng của vòng sinh tử luân hồi, và do vậy, không còn duyên cho sự sinh khởi của sắc nữa

Sắc do nhiệt sinh (utujarūpa)

Có bốn tổ hợp sắc bắt nguồn từ nhiệt độ (utu), tức là hỏa đại.

  1. Nhóm thuần bát sắc bất ly, là tổ hợp sắc bao gồm tám sắc bất ly. Như ta đã thấy, nghiệp tạo ra sắc nơi chúng sinh từ khoảnh khắc thức tái tục sinh khởi; nó tạo ra sắc ở cả ba sát na tâm: ở sát na sinh, ở sát na trụ và ở sát na diệt. Ở sát na trụ của thức tái tục, nhiệt hay hỏa đại hiện hữu trong tổ hợp sắc tạo duyên bởi nghiệp ở sát na sinh của thức tái tục đến lượt nó tạo ra các sắc mới. Nhiệt đang trụ, sau khi sinh khởi, tạo ra nhóm thuần bát bất ly, và kể từ đó, nhiệt tạo ra các sắc mới ở khoảnh khắc trụ của nó[11].
  2. Nhóm cửu sắc âm thanh, là tổ hợp sắc gồm chín sắc, bao gồm tám sắc bất ly và âm thanh. Nếu âm thanh không phát khởi từ tâm như trong trường hợp khẩu biểu tri, nó bắt nguồn từ nhiệt, chẳng hạn như âm thanh của xe cộ, hay của thác nước.
  3. Nhóm thập nhất sắc nhẹ, là tổ hợp sắc gồm mười một sắc, bao gồm tám sắc bất ly và ba sắc thích ứng. Nhiệt độ là một trong các nhân tố khiến sắc nhẹ, mềm và dễ sử dụng. Nếu nhiệt độ không cân bằng, tức là không phải nhiệt độ phù hợp, sẽ tạo ra bệnh tật. Ngay cả nếu tâm muốn tạo ra sắc để có thể cử động chân tay, nó không thể làm được điều ấy nếu không có các sắc thích ứng được tạo duyên bởi nhiệt độ phù hợp.
  4. Nhóm thập nhị sắc âm thanh và nhẹ, là tổ hợp sắc gồm mười hai sắc, bao gồm tám sắc bất ly, ba sắc thích ứng và âm thanh. Khi có âm thanh do các ngón chạm nhau hay vỗ tay, có các sắc thích ứng sinh khởi cùng âm thanh.

Sắc do dưỡng chất sinh (āhārajarūpa)

Sắc do dưỡng chất sinh bắt nguồn từ sắc dưỡng chất (āhāra), là tinh túy hiện hữu trong thực phẩm  bao gồm các vật thực có thể được nuốt (kabalinkāra[12] āhāra). Các tổ hợp sắc do dưỡng chất sinh chỉ sinh khởi trong thân của chúng sinh hữu tình. Có hai loại tổ hợp sắc do dưỡng chất sinh:

  1. Nhóm thuần bát sắc bất ly, bao gồm chỉ tám sắc bất ly.
  2. Nhóm thập nhất sắc nhẹ, là một tổ hợp sắc gồm mười một sắc, bao gồm tám sắc bất ly và ba sắc thích ứng. Ngoài tâm và nhiệt độ có thể tạo ra ba sắc thích ứng, dưỡng chất cũng tạo ra những sắc này. Kể cả khi nhiệt độ, cái làm phát khởi các sắc thích ứng, ở mức nhiệt phù hợp, nhưng nếu thiếu dưỡng chất, các sắc thích ứng sẽ không có đủ sức mạnh để khiến một người cử động chân tay dễ dàng và nhanh nhẹn.

Sắc do dưỡng chất sinh có thể sinh khởi khi dưỡng chất trong vật thực đã được thẩm thấu, và, ở sát na trụ, sắc dưỡng chất có thể tạo ra các sắc khác[13].

Tóm tắt các sắc có nguồn gốc từ một trong bốn yếu tố

Tám sắc bất ly có nguồn gốc từ cả bốn yếu tố. Một số tổ hợp sắc bắt nguồn từ nghiệp, một số từ tâm, một số từ nhiệt độ, một số từ dưỡng chất, như sau:

  • Năm sắc thần kinh do nghiệp sinh.
  • Hai sắc giới tính do nghiệp sinh.
  • Sắc ý vật do nghiệp sinh.
  • Mạng căn do nghiệp sinh.
  • Ba sắc thích ứng do cả ba yếu tố, một số tổ hợp sắc do tâm sinh, một số do nhiệt độ sinh, và một số do dưỡng chất sinh.
  • Hai sắc biểu tri (viññatti rūpa) chỉ do nghiệp sinh.
  • Âm thanh có thể do hai yếu tố, một số tổ hợp do tâm sinh, và một số do nhiệt độ.
  • Sắc không gian (akāsa) ngăn cách các tổ hợp sắc do cả bốn yếu tố. Nó do nghiệp sinh khi ngăn cách các tổ hợp sắc do nghiệp sinh. Cũng như vậy, nó do tâm, nhiệt độ hay dưỡng chất sinh khi nó ngăn cách các tổ hợp sắc do tâm, nhiệt độ hay dưỡng chất sinh.
  • Bốn sắc tướng trạng (lakkhaṇa) (sinh, trụ, hoại, diệt) không do bất cứ yếu tố nào trong bốn yếu tố này, vì chúng chỉ là các đặc tính của mười tám sắc có đặc tính (sabhāva rūpa)[14].

Phân loại các sắc

28 loại sắc có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau.

Chúng có thể được phân chia thành sắc có đặc tính và sắc không có đặc tính:

Sắc có đặc tính (sabhāva rūpa), 18 sắc với đặc tính riêng của chúng: 8 sắc bất ly, 5 sắc thần kinh, 2 sắc giới tính, sắc ý vật, mạng căn và âm thanh

Sắc không có đặc tính (asabhāva rūpa), 10 sắc không có đặc tính riêng: 3 sắc thích ứng, 2 sắc biểu tri, sắc không gian và 4 sắc tướng trạng.

 

Sắc có thể được phân chia thành nội (ajjhattika) và ngoại (bāhira):

Sắc nội (ajjhattika rūpa), là 5 sắc thần kinh

Sắc ngoại (bāhira rūpa) là 23 loại sắc còn lại

 

Sắc có thể được phân chia thành vật (vatthu) và phi vật (avatthu):

Sắc vật (vatthu rūpa), là 6 sắc nơi tâm sinh khởi, tức là 5 sắc thần kinh và sắc ý vật.

Sắc phi vật (avatthu rūpa), là 22 sắc còn lại

 

Sắc có thể được phân chia thành môn (dvāra ) hoặc phi (advāra) môn, tức là làm môn hoặc không làm môn cho đối tượng được kinh nghiệm:

Sắc môn (dvāra rūpa), là 5 sắc thần kinh, là môn qua đó một đối tượng dục giới được tiếp nhận, và hai sắc có thể làm môn cho nghiệp là thân biểu tri và khẩu biểu tri.

Sắc phi môn (advāra rūpa), là 21 sắc còn lại.

 

Sắc có thể được chia thành căn (indriya) và phi căn (anindriya):

Sắc căn (indriya rūpa), 8 sắc làm lãnh đạo, mỗi sắc có khả năng riêng trong nhiệm vụ, lãnh địa của chúng. Đó là 5 sắc thần kinh, 2 sắc giới tính, và sắc mạng căn.

Sắc phi căn (anindriya rūpa), là 20 sắc còn lại.

 

Sắc có thể được phân chia thành thô (oḷārika) và tế (sukhuma):

Sắc thô (oḷārika rūpa), là 12 sắc bao gồm 7 sắc cảnh giới (visaya rūpa) (các sắc là đối tượng được kinh nghiệm qua ngũ căn)[15] và 5 sắc thần kinh

Sắc tế (sukhuma rūpa), là 16 sắc còn lại.

 

Sắc có thể được phân chia thành gần (santike) hay xa (dūre):

Sắc gần (santike rūpa), là các sắc có thể được suy xét, hiểu và xuyên thấu, đó là 5 sắc thần kinh và 7 sắc visaya.

Sắc xa (dūre rūpa), là các sắc khó xuyên thấu, đó là mười sáu sắc còn lại.

 

Sắc có thể được phân chia thành các sắc có thể in dấu (sappaṭigha) hoặc không (asappaṭigha):

Sắc in dấu (sappaṭigha rūpa)[16], là 12 sắc, đó là 5 sắc thần kinh có thể được in dấu bởi đối tượng, và 7 sắc visaya là các đối tượng có thể in dấu.

Sắc không in dấu (asappaṭigha rūpa), là 16 sắc còn lại không thể in dấu hoặc được in dấu.

 

Sắc có thể được phân chia thành bắt đối tượng bên ngoài (gocāraggāhika rūpa) và không bắt đối tượng bên ngoài (agocāraggāhika rūpa)[17]:

Sắc bắt đối tượng (gocāraggāhika rūpa), là 5 sắc có thể được in dấu bởi các đối tượng bên ngoài, đó là 5 sắc thần kinh.

Sắc không bắt đối tượng (agocāraggāhika rūpa), là 23 sắc còn lại không thể được in dấu bởi bất cứ đối tượng nào.

 

Sắc có thể được phân chia thành có thể tách rời (avinibbhoga) và không thể tách rời (sinibbhoga rūpa).

Sắc bất ly ( avinibbhoga), là 8 sắc không thể tách rời.

Sắc khả ly (sinibbhoga rūpa), là 20 sắc có thể tách rời, đó là 20 sắc còn lại.

 


[1] Ja có nghĩa là “đã sinh khởi”, xuất phát từ “Janati” có nghĩa là “tạo ra”. Kammaja có nghĩa là “xuất phát từ nghiệp” hay “do nghiệp sinh”.

[2] Asañña theo nghĩa đen là “không tưởng, không trí nhớ”, satta có nghĩa là “chúng sinh”.

[3] Trong mỗi tổ hợp sắc đều có Tứ đại: địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại, và ngoài ra các sắc màu, mùi, vị và dưỡng chất. Các sắc này là các sắc bất ly.

[4] Dasaka có nghĩa là “mười, thập”.

[5] Navaka có nghĩa là “chín, cửu”.

[6] Mỗi sát na tâm có thể được chia thành 3 tiểu sát na cực nhỏ: sát na sinh, sát na trụ và sát na diệt.

[7] Sắc tồn tại trong mười bảy sát na tâm.

[8] Chúng sinh có thể tái sinh bằng một trong bốn phương thức: noãn sinh, thai sinh, thấp sinh và hóa sinh.

[9] Suddha có nghĩa là “tịnh, thuần”, attha có nghĩa là “tám, bát”.

[10] Sắc nhĩ căn được tạo bởi nghiệp. Khẩu biểu tri là một sắc không đặc tính (asabhāva rūpa), tức là loại sắc không có đặc tính riêng biệt. Một sự thay đổi nào đó trong các sắc do tâm sinh tạo duyên cho sự tác động giữa nhĩ căn và địa đại do tâm sinh.

[11] Nhiệt độ (utu) và dưỡng chất (āhāra) có thể tạo ra các sắc khác chỉ ở sát na trụ của chúng, chứ không ở sát na sinh. Sắc quá yếu ở sát na sinh để có thể tạo ra sắc khác. So với tuổi thọ của tâm, sắc có thời gian thời gian tồn tại bằng 17 sát na tâm. Sau sát na sinh, nó tồn tại trong 15 sát na, và rồi tới sát na diệt.

[12] Kabala có nghĩa là “vật thực, mẩu”.

[13] Như vậy, không ở sát na trụ của nó, vì khi ấy nó còn yếu. Nó phải sinh khởi rồi thì mới có thể tạo ra các sắc khác.

[14] Sabhāva rūpa là các có đặc tính riêng biệt của mình

[15] Có 7 đối tượng ngũ dục, bởi qua thân căn có 3 đối tượng là địa đại, hỏa đại và phong đại có thể được kinh nghiệm. Visaya có nghĩa là “đối tượng”.

[16] Sa có nghĩa là “với”, và paṭigha có nghĩa là “in dấu, tác động”

[17] Gocara có nghĩa là “cảnh, đối tượng” và gāhī có nghĩa là “bắt, lấy”

Leave a Reply

Translate »