Khảo cứu Pháp chân đế – Phần IV: CHƯƠNG 28: SỰ PHÁT TRIỂN SAMATHA

CHƯƠNG 28. SỰ PHÁT TRIỂN SAMATHA

Samatha hay an tịnh không chỉ được phát triển bởi định (samādhi). Samādhi là pháp tập trung trên một đối tượng, đó là tâm sở nhất tâm (ekaggatā cetasika) sinh kèm với mọi tâm. Khi tâm an trú nơi một đối tượng trong khoảng thời gian dài, đặc tính của tâm sở nhất tâm (ekaggatā) được biểu hiện thành định (samādhi). Nó nhất tâm kiên cố vào chỉ một đối tượng. Tâm sở nhất tâm sinh khởi với tâm bất thiện là tà định, tâm sở nhất tâm sinh khởi với tâm thiện là chánh định (sammā-samādhi).

Nếu ta cố gắng tập trung tâm vào một đối tượng trong một thời gian dài và tâm ấy không sinh kèm với trí tuệ (paññā), khi ấy sẽ là tà định (micchā-samādhi). Ở những khoảnh khắc đó, ta dính mắc vào việc làm cho tâm bám chặt trên một đối tượng. Nếu không có tuệ giác, ta sẽ không thể biết được sự khác biệt giữa tâm tham căn (lobha-mūla-citta) và tâm thiện (kusala citta). Tâm tham căn (là tâm bất thiện) và tâm thiện dục giới có thể sinh kèm với cùng một loại thọ. Trong tám loại tâm tham căn có bốn loại tâm sinh kèm với thọ xả và bốn loại tâm sinh kèm với thọ hỷ. Với tâm thiện dục giới, có bốn loại tâm sinh kèm với thọ xả và bốn loại tâm sinh kèm với thọ hỷ. Trong trường hợp thọ xả, tâm khi ấy không hỷ cũng không ưu, không bị khuấy động. Trong trường hợp của thọ hỷ, tâm vui vẻ và sung sướng. Khi có thọ xả hoặc thọ hỷ sinh khởi, khó biết được đó là tâm tham căn hay tâm thiện.

Tâm tham căn và tâm đại thiện là những loại tâm hoàn toàn khác nhau. Tám loại tâm tham căn đồng sinh với tâm sở bất thiện, còn tám loại tâm đại thiện (mahā-kusala citta) thuộc dục giới thì đồng sinh với các tâm sở tịnh hảo. Tâm sở bất thiện tà kiến (micchā-diṭṭhi) có thể đồng sinh với tâm tham căn, nó sinh kèm với bốn trong tám loại tâm tham căn. Tâm sở tịnh hảo chánh kiến (sammā-diṭṭhi), hay trí tuệ, có thể sinh kèm với tâm đại thiện, nó sinh kèm với bốn trong tám loại tâm đại thiện. Khi đặc tính của tà kiến xuất hiện thì rõ ràng có tâm tham căn, chứ không phải là tâm đại thiện và khi đặc tính của trí tuệ xuất hiện, thì chắc chắn đó là tâm đại thiện chứ không phải là tâm tham căn. Như vậy, đặc tính của tà kiến và đặc tính của trí tuệ chỉ rõ sự khác biệt giữa tâm tham căn và tâm đại thiện. Một người muốn phát triển samatha phải biết sự khác biệt giữa tâm tham căn và tâm thiện, nếu không người ấy sẽ bị dính mắc vào việc có định. Khi đó sẽ có tà định (micchā-samādhi) mà không có trí tuệ.

Thông thường, mọi người cố gắng tập trung vào một đối tượng, muốn tâm không có băn khoăn, lo âu hay vướng bận về những việc khác nhau hay những sự kiện khác nhau trong cuộc sống của họ. Họ hài lòng khi tâm có thể trụ vào một đối tượng và họ không nhận ra rằng vào những khoảnh khắc ấy, họ mong muốn tập trung vào một đối tượng cụ thể và khi đó không có tâm đại thiện sinh kèm với trí.

Sự phát triển của samatha thực chất là sự phát triển của tâm đại thiện sinh kèm với trí. Một người muốn phát triển samatha phải có trí tuệ thấy được hiểm họa của bất thiện, tức là của tham (lobha) và sân (dosa). Người đó không chỉ thấy được sự bất lợi của sân sinh khởi khi có lo lắng hay bất an. Nếu một người không biết được phiền não của mình và không thấy được hiểm họa của tham ái thì người ấy sẽ không thể phát triển được samatha. Người phát triển samatha cần phải rất chân thực. Người ấy phải có tuệ giác thấy được hiểm họa của tham ái. Người ấy phải có chánh niệm tỉnh giác (sati-sampajañña)[1]; người ấy cần phải biết sự khác biệt giữa tâm tham căn và tâm đại thiện hợp trí. Khi đó, người ấy có thể phát triển tâm đại thiện hợp trí, để các tâm bất thiện không còn sinh khởi xen giữa các khoảnh khắc của phát triển an tịnh và người ấy có thể đạt tới mức độ của cận định (upacāra samādhi) hay an chỉ định (appanā samādhi) tại khoảnh khắc của nhập định (jhāna). Tâm thiền của tầng thiền thứ nhất sinh kèm với năm thiền chi là tầm, tứ, phỉ, lạc và nhất tâm.

Không dễ dàng phát triển được tâm đại thiện hợp trí tới mức độ nó trở thành cơ sở cho thiện tâm thiền (kusala jhānacitta) của sơ thiền, là tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta). Một ngưởi muốn đắc thiền không thể có khiếm khuyết, cái ngăn cản người ấy đắc thiền[2]. Người khiếm khuyết không thể đắc thiền hay đạt được giác ngộ dù phát triển samatha hay vipassanā. Những điều kiện sau đây khiến một người có thể phát triển samatha và đắc thiền hoặc phát triển vipassanā và đạt được giác ngộ[3]:

  1. Người này không thể sinh ra với khiếm khuyết, tức là người này phải sinh ra với thức tái tục hợp với trí, tức là phải là bậc tam nhân (sinh kèm với ba nhân tịnh hảo)
  2. Người này không phạm phải trọng nghiệp, tức là năm trọng nghiệp. Những nghiệp này ngăn cản việc tái sinh ở cõi thiên và sự sinh khởi của tâm đạo và tâm quả. Năm trọng nghiệp này là: giết cha, giết mẹ, giết vị A la hán, gây thương tích cho vị Phật và gây chia rẽ Tăng đoàn.
  3. Người này không có trở ngại của các loại tà kiến, trong đó có tà kiến cố định (niyata micchādiṭṭhī). Chúng là các loại tà kiến phủ định nhân (ahetuka-diṭṭhi – vô nhân kiến), tà kiến phủ nhận cả nhân và quả của nghiệp (natthika-diṭṭhi – vô hữu kiến), và tà kiến phủ nhận kết quả của nghiệp (akiriya-diṭṭhi – vô hành kiến)[4]

Một người có thể tái sinh với thức tái tục là tam nhân, tức là hợp với trí, nhưng người ấy có thể dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm và không thấy được hiểm họa của những đối tượng ngũ dục ấy. Khi đó, người ấy sẽ không hướng tới việc từ bỏ sự mê đắm của mình vào đối tượng ngũ dục bằng cách trì giới và phát triển samatha. Khi ấy, sự phát triển samatha tới mức độ cận định (upacāra samādhi) và an chỉ định (appanā samādhi) là không dễ dàng chút nào. Nếu một người cho tâm tham căn là tâm đại thiện, người đó sẽ lầm tưởng, khi tâm đủ duyên thấy cảnh địa ngục, thiên giới, các cảnh giới khác nhau và những sự kiện khác nhau, rằng mình đã đạt được cận định và an chỉ định ở mức độ jhāna.

Phát triển samatha là một việc vô cùng phức hợp, tinh tế và cần phải được nghiên cứu một cách cẩn thận để có thể hiểu đúng về nó.

Trong cuộc sống hàng ngày, khi có cái thấy, nghe, ngửi, nếm, kinh nghiệm đối tượng xúc chạm và suy nghĩ, chúng ta cần phải nhận ra rằng tâm bất thiện sinh khởi thường xuyên hơn là tâm thiện. Trong một ngày hay trong một tháng, chỉ có rất ít khoảnh khắc của tâm thiện, có đối tượng là bố thí hay trì giới. Một người thấy được hiểm họa của bất thiện sẽ sẵn sàng phát triển tâm thiện. Khi không có cơ hội bố thí hay trì giới, ta có thể phát triển sự an tịnh, ly bất thiện pháp, trong đời sống hàng ngày và đó là thiện pháp ở mức độ samatha. Phát triển an tịnh trong đời sống hàng ngày đem lại lợi ích, kể cả khi ta không đạt được mức độ của cận định hay an chỉ định. Tuy nhiên, nếu ta muốn đè nén phiền não để tâm được an tịnh và ly bất thiện pháp, ta phải có trí tuệ biết được tâm có thể trở nên an tịnh và thoát khỏi phiền não theo cách nào khi ta kinh nghiệm đối tượng ngũ dục hay suy nghĩ. Nếu không như vậy, tâm thiện không thể sinh khởi.

Đối với sự phát triển samatha, hay sự phát triển tâm thiện an tịnh, ly bất thiện pháp, có bốn mươi loại đề mục thiền có thể tạo duyên cho sự an tịnh. Các đề mục này là: mười biến xứ (kasina), mười bất tịnh (asubha), mười tưởng niệm (anussati), một quán tưởng sự bất tịnh của thực phẩm (āhare paṭikkūla saññā), một phân tích tứ đại (catudhātu vavaṭṭhāna), bốn vô lượng tâm (brahmavihāra) và bốn đề mục vô sắc giới.

Mười biến xứ Kasina

Mười loại kasina bao gồm[5]:

  1. Kasina đất (paṭhavī kasiṇa), hành giả chỉ suy niệm trên biến xứ đất
  2. Kasina nước (āpo kasiṇa), hành giả chỉ suy niệm trên biến xứ nước
  3. Kasina lửa (tejo kasiṇa), hành giả chỉ trên suy niệm trên biến xứ lửa
  4. Kasina khí (vāyo kasiṇa), hành giả chỉ suy niệm trên biến xứ khí hoặc gió
  5. Kasina xanh (nīla kasiṇa), hành giả chỉ suy niệm trên biến xứ màu xanh
  6. Kasina vàng (pīta kasiṇa), hành giả chỉ suy niệm trên biến xứ màu vàng
  7. Kasina đỏ (lohita kasiṇa), hành giả chỉ suy niệm trên biến xứ màu đỏ
  8. Kasina trắng (odāta kasiṇa), hành giả chỉ suy niệm trên biến xứ màu trắng
  9. Kasina ánh sáng (āloka kasiṇa), hành giả chỉ suy niệm trên biến xứ ánh sáng

10.Kasina không gian (ākāsa kasiṇa), hành giả chỉ suy niệm trên biến xứ không gian.

Tâm chỉ chú ý đến biến xứ đất là thiện hay bất thiện? Nếu trí tuệ không sinh khởi khi có sự chú ý đến đất thì sẽ có tâm bất thiện khi có mong muốn nghĩ về đất hoặc chú tâm trên đất.

Khi trí tuệ sinh khởi, tâm suy niệm về đất là tâm thiện. Nó có thể nhận ra rằng mọi hiện tượng mang tính vật chất xuất hiện không thể thiếu yếu tố địa đại[6] và tất cả những gì mà chúng ta dính mắc vào đều chỉ là đất mà thôi. Khi chúng ta nhận ra rằng tất cả mọi thứ trên thế giới này mà chúng ta đã từng dính mắc vào về bản chất đều chỉ là đất, nó làm duyên cho sự đè nén dính mắc vào chúng.

Khó có thể có tâm thiện khi suy niệm về đất, bởi vì khi có một đối tượng in dấu lên một trong ngũ quan hoặc qua ý môn thì ngay lập tức chúng ta bị cuốn hút vào đối tượng ấy. Vì thế, nếu một người muốn phát triển samatha để tâm thiện được thiết lập mỗi lúc một vững vàng hơn trong sự an tịnh và thoát khỏi tâm bất thiện thì người ấy cần phải ở nơi tĩnh lặng, nơi không bị khuấy động bởi tiếng động của mọi người. Người đó cần phải tạo kasina đất thành một cái đĩa nhẵn không có lỗ và có bất kỳ lỗi nào để phù hợp cho việc suy niệm. Nếu không, tâm sẽ dễ thích thú và dính mắc vào vẻ bên ngoài của nó[7]. Khi người phát triển kasina đất nhìn vào nó và suy niệm với hiểu biết đúng đắn, khi đó có tâm thiện hợp trí và có sự an tịnh thực sự. Người ấy phải nhìn vào kasina đất để nhắc nhở bản thân luôn luôn chỉ chú ý vào đất mà không được chú ý vào những đối tượng khác.

Vô cùng khó khăn để luôn chỉ chú ý đến đất với tâm thiện an tịnh và không có tâm bất thiện. Thanh Tịnh Đạo đã chỉ ra rằng, kasina không nên quá nhỏ, cũng không nên quá lớn, nó cũng không được để quá xa hay quá gần, nó không nên được đặt quá cao hay quá thấp. Tâm sở tầm (vitakka) là một trong các chi thiền[8] không thể thiếu (cho giai đoạn này). Tâm sở tầm sinh khởi với các tâm đại thiện hợp với trí cần phải “chạm” hay “quăng vào” kasina đất. Tâm phải không có bất thiện khi mắt hành giả nhắm lại cũng như khi chúng mở ra, để hình ảnh (uggaha-nimitta hay sơ tướng) về kasina đất có thể xuất hiện trong ý môn. Sơ tướng này cũng phải được thấy rõ khi hành giả phát triển kasina đất mở mắt nhìn vào đĩa đất. Kể cả những người được sinh ra với tam nhân, tức là với nhân trí tuệ, cũng có thể không đạt được sơ tướng này. Nó chỉ có thể xuất hiện khi tâm thiện hợp trí được trụ vững chắc trên kasina đất. Khi sơ tướng này xuất hiện, hành giả thậm chí vẫn chưa đạt được cận định (upacāra samādhi).

Không dễ dàng chút nào để có thể giữ được sơ tướng này và nhờ đó làm tăng trưởng sự an tịnh trong quá trình phát triển tâm đại thiện hợp trí. Theo Thanh Tịnh Đạo (ch.IV, 31), khi năm triền cái (nīvaraṇa dhamma, tức là các pháp bất thiện làm nhiễu và o ép tâm) bị đè nén liên tục, tâm sẽ an trụ vững chắc hơn trong sự an tịnh và khi ấy, tợ tướng (paṭibhāga-nimitta) của kasina đất xuất hiện. Tướng này sẽ rõ hơn và thanh tịnh hơn sơ tướng xuất hiện trước đó. Tại khoảnh khắc đó, tâm đại thiện sinh kèm với trí đã được thiết lập vững chắc trong an tịnh và để có thể đạt tới cận định. Loại định này được gọi là cận định vì nó gần với an chỉ định, là mức độ hoàn toàn trụ vào đối tượng tại khoảnh khắc tâm thiền của tầng thiền thứ nhất (sơ thiền) sinh khởi.

Hành giả cần phải duy trì được tợ tướng này bằng cách phát triển tâm đại thiện hợp trí đã đạt tới mức độ cận định, để cho sự an tịnh luôn được tăng trưởng. Bằng cách ấy, sự an tịnh có thể đạt tới mức độ an chỉ định và tâm thiền của sơ thiền có thể sinh khởi, cái thuộc về tâm sắc giới (rūpāvacara citta). Tuy nhiên, để đạt đến mức độ này, hành giả phải giữ gìn tợ tướng đó như giữ bào thai của “một vị chuyển luân vương”[9]. Hành giả phải tránh những điều kiện không có lợi cho việc phát triển an tịnh[10], bao gồm như sau:

  1. Trú xứ nơi tướng chưa sinh khởi không sinh khởi và nơi tướng đã sinh khởi bị mất đi.
  2. Sống quá xa hoặc quá gần làng mạc nơi khất thực, sống nơi khó kiếm hoặc thiếu thốn đồ khất thực.
  3. Khẩu hành không phù hợp, những loại khẩu hành thuộc về “thú khẩu hành”. Những khẩu hành như vậy không lợi ích cho sự phát triển tuệ giác và dẫn tới việc mất đi tướng đã xuất hiện.
  4. Giao thiệp với những người có nhiều phiền não, những người hay dính dáng đến việc bất thiện, vì điều ấy sẽ khiến hành giả bị khuấy động bởi các tâm bất tịnh.
  5. Thực phẩm không phù hợp, bởi vì thực phẩm ấy sẽ gây ốm đau.
  6. Khí hậu không phù hợp, bởi vì khí hậu như vậy sẽ gây bệnh tật.
  7. Oai nghi không phù hợp, tức là những oai nghi không thuận lợi cho sự định tâm.

Nếu hành giả đã tránh những gì không phù hợp và vun bồi những gì phù hợp mà an chỉ định vẫn chưa sinh khởi, hành giả phải tiếp tục vun bồi mười kỹ năng để đắc thiền, tức các pháp có lợi cho việc sinh khởi tâm thiền[11], như sau:

  1. Làm sạch nội và ngoại xứ (vatthu): nội xứ là thân thể của mình, ngoại xứ là quần áo và nơi ở. Nếu không, tâm không thể trong sáng được.
  2. Cân bằng các căn (indriya)[12]: ví dụ tín và tuệ phải được cân bằng, tấn và định phải được cân bằng. Chúng được cân bằng qua chánh niệm.
  3. Thuần thục trong kỹ năng duy trì tướng.
  4. Nỗ lực tâm khi cần nỗ lực.
  5. Chế ngự tâm khi cần chế ngự
  6. Khích lệ tâm khi cần khích lệ.
  7. Cần suy xét tâm với thái độ xả khi cần suy xét tâm với thái độ xả
  8. Tránh giao thiệp với những người không có định tâm
  9. Gần gũi với những người có định tâm

10.Hướng tâm tới và quyết định đối với những gì đưa đến định tâm.

Nếu hành giả không có được mười kỹ năng để đắc thiền này thì tâm đại thiện hợp trí không thể an trụ vững vàng để đạt tới mức độ làm cơ sở cho an chỉ định, tức là sự sinh khởi của tâm sắc giới là tâm sơ thiền. Nếu hành giả có được những kỹ năng này, tâm thiền có thể được sinh khởi.

Tâm thiền là một cấp độ cao của tâm, nó thuộc cõi thức đã thoát khỏi dục giới (kāmāvacara citta). Trong lộ trình ý môn nơi tâm thiền sinh khởi, có những tâm sau đây sẽ sinh khởi liên tiếp:

  • Tâm hộ kiếp (bhavanga-citta), là tâm quả đại thiện hợp trí (Mahā-vipāka ñāṇa-sampayutta)[13]
  • Tâm hộ kiếp rung động (bhavanga calana), là tâm quả đại thiện hợp trí.
  • Tâm hộ kiếp dứt dòng (bhavangupaccheda), là tâm quả đại thiện hợp trí.
  • Ý môn hướng tâm (manodvārāvajjana-citta), là tâm duy tác vô nhân (ahetuka kiriyacitta)
  • Tâm chuẩn bị (parikamma), là tâm đại thiện hợp trí
  • Tâm cận định (upacāra), là tâm đại thiện hợp trí, cùng loại với tâm chuẩn bị
  • Tâm thuận thứ (anuloma), là tâm đại thiện hợp trí, cùng loại với tâm chuẩn bị
  • Tâm chuyển tánh (gotrabhū), là tâm đại thiện hợp trí, cùng loại với tâm chuẩn bị
  • Tâm thiện sơ thiền, là tâm thiện sắc giới (rūpāvacara kusala citta).
  • Tâm hộ kiếp, là tâm đại quả thiện hợp trí.

Khi đắc thiền lần thứ nhất, chỉ có một khoảnh khắc của tâm thiện sắc giới, nhưng khi kỹ năng trở nên thuần thục, sẽ có nhiều tâm thiền sinh khởi liên tiếp mà không có sự sinh khởi của tâm hộ kiếp xen giữa chúng. Lộ trình của những tâm thiền đó được gọi là nhập định (jhānasamāpatti). Đó là sự đạt tới tâm an tịnh và an trụ vững chắc vào đề mục thiền. Khi ấy tâm thiền sinh khởi liên tiếp trong khoảng thời gian mà hành giả đã quyết định.

Trước khi các thiền tâm lộ (jhāna vīthi-citta) sinh khởi, luôn phải có tâm đại thiện hợp trí. Tốc hành tâm đại thiện đầu tiên chính là chuẩn bị tâm (parikamma), nó chuẩn bị cho nhập định, làm duyên cho an chỉ định (appanā). Nếu tâm đại thiện không sinh khởi thì các loại tâm tiếp theo cùng an chỉ định sinh kèm với tâm thiền sẽ không thể sinh khởi.

Tốc hành tâm đại thiện (Mahā-kusala javana-citta) thứ hai là tâm cận định vì nó gần với an chỉ định.

Tốc hành tâm đại thiện thứ ba là tâm thuận thứ (anuloma), vì nó thuận cho an chỉ định.

Tốc hành tâm đại thiện thứ tư là tâm chuyển tánh (gotrabhū), vì nó chuyển từ dục giới sang sắc giới.

Khi tốc hành tâm đại thiện thứ tư diệt đi thì các tốc hành tâm sau đó là tâm thiện sắc giới của sơ thiền sẽ sinh khởi.

Sự phát triển của năm tâm sở là các thiền chi làm duyên cho sự sinh khởi của tâm thiện sắc giới của sơ thiền. Các chi thiền này sinh khởi với các tâm thiền bao gồm tầm (vitakka), tứ (vicāra), phỉ (pīti), lạc (sukha) và nhất tâm (ekaggatā). Trong các tâm sở tịnh hảo sinh kèm với tâm thiền thì năm yếu tố này đặc biệt đối nghịch với các triền cái. Năm triền cái là các pháp bất thiện làm tâm khuấy động và ngăn cản sự phát triển an tịnh. Chúng là:

  • Tham dục (kāmacchanda) là sự dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm;
  • Sân (vyāpāda);
  • Hôn trầm – thụy miên (thīna-middha), có tính chất hờ hững, chán nản, thụ động và lơ mơ;
  • Phóng dật và trạo hối (uddhacca-kukkucca);
  • Hoài nghi (vicikicchā), về thực tại, về nhân và quả.

Năm chi thiền đối nghịch với năm triền cái trên. Tâm sở tầm (vitakka) đưa tâm đến đối tượng, chạm vào đối tượng để tâm được an tịnh. Tâm sở tứ (vicāra) liên tục bận bịu với đối tượng mà tầm đã chạm đến để tâm không bị trôi nổi, trạo cử và chuyển sang một đối tượng khác. Tâm sở phỉ thì thỏa mãn và vui sướng với đề mục thiền và thọ lạc làm tăng thêm sự thỏa mãn này. Tâm sở nhất tâm hỗ trợ các chi thiền khác thì trụ vững vào đề mục của tâm sơ thiền.

Năm chi thiền này chế ngự và đè nén năm triền cái theo các cách sau (Thanh Tịnh Đạo, ch.IV, 86):

  1. Tầm chế ngự hôn trầm thụy miên. Khi tầm chỉ “nghĩ” đến đề mục thiền, chạm liên tục vào đề mục đó thì hôn trầm thụy miên không thể sinh khởi được.
  2. Tứ chế ngự hoài nghi. Khi tứ liên tục bận bịu với đối tượng mà tầm chạm đến, thì hoài nghi về thực tại và về nhân quả không thể sinh khởi.
  3. Phỉ chế ngự sân. Khi an tịnh với đề mục thiền tăng lên sẽ có thêm nhiều hỷ lạc với sự an tịnh đó và khi ấy, sân và bất mãn không thể sinh khởi.
  4. Lạc (hỷ) chế ngự trạo cử bất an. Khi có hỷ lạc về đề mục thiền, thì trạo cử và bất an không thể sinh khởi chuyển sang đối tượng khác.
  5. Nhất tâm chế ngự tham dục. Khi samādhi trụ vững chắc trên đề mục thiền thì không thể có sự dính mắc vào các đối tượng ngũ dục.

Khi tâm thiện sắc giới sơ thiền sinh kèm với năm thiền chi sinh khởi, an chỉ định (appanā samādhi) sẽ tập trung vững chắc trên đối tượng. Khi tâm thiền này sinh khởi lần đầu tiên, nó không được tiếp nối bởi các tâm thiền khác, nó sinh khởi một lần duy nhất. Sau một vài tâm hộ kiếp xen kẽ sinh rồi diệt, có các tâm thuộc lộ trình ý môn. Ý môn hướng tâm sẽ hướng tới tâm thiền và sau khi tâm thiền này diệt đi, nó được tiếp nối bởi bảy tâm đại thiện hợp trí suy xét các chi thiền và rồi có các tâm hộ kiếp sinh khởi, được tiếp nối bởi lộ trình ý môn khác. Tại một thời điểm, chỉ có một thiền chi được suy xét trong một lộ trình tâm. Các tâm thuộc lộ trình ý môn suy xét từng thiền chi một được gọi là lộ trình hồi quán (pacca-vekkhaṇa vīthi) và những tâm này luôn sinh khởi sau mỗi lần nhập thiền.

Tuệ giác của người đắc thiền sắc giới phải biết được đặc tính khác nhau của năm thiền chi. Như vậy, tuệ giác phải biết được sự khác nhau giữa tâm sở tầm (vitakka) và tâm sở tứ (vicāra), nó phải biết sự khác biệt giữa phỉ (pīti) và lạc (sukha) và nó phải biết được đặc tính của tâm sở nhất tâm (ekaggatā) ở mức độ an chỉ định (appanā samādhi).

Người phát triển samatha cần có chánh niệm tỉnh giác trong đời sống hàng ngày, người ấy cần phải có hiểu biết đúng về đặc tính của tâm thiện và tâm bất thiện, những pháp có thể tiếp nối nhau rất nhanh. Nếu không biết được điều này, người ấy dễ lầm tưởng tâm tham căn đồng sinh với thọ hỷ là an tịnh, là thiện.

Người phát triển samatha không có những kinh nghiệm khác thường. Sự phát triển của samatha là phát triển thiện pháp qua ý môn. Khi tâm trở nên an tịnh, chỉ có tướng của đề mục thiền xuất hiện và tạo duyên cho tâm an trụ vững vàng hơn trong thiện. Chẳng hạn, người phát triển an tịnh qua đề mục là kasina nước sẽ có tợ tướng của biến xứ ấy là đối tượng và hành giả ấy sẽ không thấy địa ngục, thiên giới hay các hiện tượng khác xảy ra. Nếu một người cố tập trung và tin rằng mình kinh nghiệm đủ loại hình ảnh khác nhau, người ấy đang không phát triển samatha.

Trong sự phát triển của samatha, cần phải có tâm đại thiện hợp trí có thể đạt được sự an tịnh nhờ suy niệm trên một trong bốn mươi đề mục của samatha. Tâm tham căn hoặc tâm đại thiện ly trí cũng có thể có đối tượng là một trong bốn mươi đề mục thiền, nhưng khi ấy sẽ không có sự phát triển samatha. Một em bé, hay một người trưởng thành, có thể niệm từ “Phật” mà không hề có sự suy xét về phẩm hạnh của Ngài và khi đó sẽ không thể có tâm đại thiện hợp trí và như vậy, sẽ không có sự phát triển an tịnh thực sự qua việc niệm ân Đức Phật. Một người nào đó có thể thấy xác chết và sợ hãi, khi đó có tâm sân căn mà không có tâm đại thiện hợp trí. Nếu một người cố gắng tập trung vào hơi thở mà không biết được bằng cách nào có thể có sự an tịnh thực sự, ly bất thiện pháp, thì sẽ không có tâm thiện hợp trí. Tất cả các đề mục samatha cần được phát triển bởi tâm đại thiện hợp trí, loại trí hiểu đúng về cách thức vun bồi an tịnh. Các đề mục ấy phải được phát triển với cách thức tương tự như với đề mục kasina đất như đã giải thích trên đây.

Người đắc sơ thiền có thể thấy được khiếm khuyết của tâm sở tầm, tâm sở chạm hay “đập” vào đối tượng. Thông thường, tầm chạm vào đối tượng ngũ dục, như đối tượng thị giác (cảnh sắc), âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm và chúng rất dễ là đối tượng của tâm bất thiện. Tâm thiền có thể trở nên an tịnh hơn và vi tế hơn, nếu nó không còn tầm mà chỉ sinh kèm với tứ, phỉ, lạc và nhất tâm. Vì vậy, người ấy cố gắng suy niệm trên đối tượng của sơ thiền đã đạt được và tập phát triển an tịnh sâu hơn trên đề mục ấy mà không cần có tầm chạm vào đối tượng. Hành giả có thể đạt được điều này nếu có được năm pháp thuần thục (vasī) trong thiền chứng. Chúng bao gồm như sau:

  1. Hướng tâm thuần thục (āvajjana vasī): thuần thục hướng tới sơ thiền bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào hành giả muốn.
  2. Nhập định thuần thục (samāpacchana vasī): thuần thục nhập định, làm sinh khởi tâm thiền bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào hành giả muốn.
  3. Nguyện nhập thuần thục (adiṭṭhāna vasī): thuần thục trong việc quyết định thời gian của chuỗi tâm thiền sinh và diệt liên tục, bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào hành giả muốn.
  4. Nguyện xuất thuần thục (vuṭṭhāna vasī): thuần thục trong việc xuất thiền, bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào hành giả muốn.
  5. Hồi quán thuần thục (pacchavekkhaṇa vasī): thuần thục trong quán xét lại các chi thiền, từng chi một, bất kỳ đâu và bất kỳ lúc nào hành giả muốn.

Nếu một người muốn đắc được các tầng thiền cao hơn, người ấy phải thấy được khiếm khuyết của các chi thiền thuộc các tầng thiền thấp hơn và từ bỏ dần các chi thiền này. Các chi thiền được từ bỏ tại các tầng thiền khác nhau theo cách thức sau:

Khi tâm nhị thiền (dutiya jhāna) sinh khởi, tầm (vitakka) được từ bỏ, khi ấy không có tầm và tâm chỉ sinh kèm với các thiền chi: tứ, phỉ, lạc và nhất tâm.

Tâm tam thiền (tatiya jhāna) không còn tứ (vicāra) và chỉ sinh kèm với ba thiền chi là phỉ, lạc và nhất tâm.

Tâm tứ thiền (catuta jhāna) không còn phỉ (pīti) và chỉ sinh kèm với hai thiền chi là lạc và nhất tâm.

Tâm ngũ thiền (pañcama jhāna) không còn lạc (sukha) và chỉ sinh kèm với hai thiền chi là xả và nhất tâm.

Như đã giải thích ở trên, các thiền chi được loại bỏ theo hệ thống ngũ thiền. Đối với một số người, trí tuệ (paññā) có thể loại bỏ tầm và tứ cùng một lúc và khi ấy, tại nhị thiền đã không còn tầm và tứ rồi. Trong trường hợp ấy, các tầng thiền được xếp theo hệ thống tứ thiền, có nghĩa là nhị, tam, tứ thiền của hệ thống tứ thiền tương đương với tam, tứ và ngũ thiền trong hệ thống ngũ thiền.

Nếu một người thiếu các pháp thuần thục (vasī) trên, thì người ấy không thể từ bỏ được các chi thiền của tầng thiền thấp để có thể đạt được các tầng thiền cao hơn.

Bất cứ khi nào tâm thiền diệt đi thì sẽ có lộ trình các tâm hồi niệm lại các chi thiền.

Qua sự phát triển samatha, các phiền não được đè nén, chúng không được tận diệt hoàn toàn. Vì vậy, có thể rằng tâm thiền bị suy thoái, nó không sinh khởi một cách nhanh chóng và hành giả mất đi kỹ năng đã từng có, hoặc thậm chí tâm thiền không còn sinh khởi nữa. Nếu hành giả muốn duy trì kỹ năng thiền chứng, hành giả phải luyện để trở nên thuần thục mỗi khi đắc các tầng thiền.

Trong số bốn mươi đề mục của samatha, một số đề mục tạo duyên cho sự an tịnh, nhưng không tới được mức độ cận định. Một số đối tượng tạo duyên cho an tịnh ở mức độ cận định. Một số đề mục chỉ tạo duyên cho an tịnh tới mức độ sơ thiền, một số tới mức độ tứ thiền tương ứng với hệ thống ngũ thiền và một số tới mức độ ngũ thiền. Một số đề mục thiền chỉ có thể là đối tượng của ngũ thiền.

Có sáu loại tùy niệm (anussati) có thể tạo duyên cho sự an tịnh, nhưng với những người không phải là bậc thánh nhân, chúng không thể tạo duyên cho an tịnh đến mức độ cận định. Các tùy niệm này là: niệm ân Đức Phật (Buddhānussati), niệm ân Đức Pháp (Dhammānussati), niệm ân Đức Tăng (Sanghānussati), Bố thí tùy niệm (cāgānussati – tùy niệm về bố thí), Trì giới tùy niệm (sīlānussati) và Chư thiên tùy niệm (devatānussati). Với các bậc thánh nhân, những tùy niệm này có thể tạo duyên cho an tịnh đến mức độ cận định, nhưng không đến mức độ an chỉ định.

Tùy niệm về sự chết (maraṇānussati) có thể tạo duyên cho an tịnh đến mức độ cận định. Tùy niệm về tịch tịnh (upasammānussati) là sự suy niệm về niết bàn, chỉ có thể được phát triển bởi các bậc Thánh và đề mục này chỉ có thể tạo duyên cho an tịnh tới mức độ cận định.

Quán vật thực bất tịnh (āhāre paṭikkūla saññā), là đề mục thiền tạo duyên cho an tịnh tới mức độ cận định.

Phân tích tứ đại (catu dhātu vavatthāna) là đề mục thiền trên các yếu tố: Địa đại, Thủy đại, Hỏa đại và Phong đại có mặt trong thân, có thể tạo duyên cho an tịnh tới mức độ cận định.

Mười đề mục bất tịnh (asubha) là mười đề mục quán tử thi có thể tạo duyên cho an tịnh tới mức độ sơ thiền.

Tùy niệm về thân (kāyagatāsati) là sự suy niệm trên tính bất tịnh của thân. Đó là việc quán xét từng thể trược trong ba mươi hai thể trược trên thân, chẳng hạn như tóc trên đầu, lông trên thân, móng, răng và da. Đề mục thiền này có thể tạo duyên cho an tịnh tới mức độ sơ thiền.

Quán niệm hơi thở (ānāpāna sati) có thể tạo duyên cho an tịnh ở mức độ ngũ thiền.

Mười biến xứ kasiṇa có thể tạo duyên cho an tịnh tới mức độ ngũ thiền.

Ba đề mục thiền vô lượng (brahmavihāra) là từ (mettā), bi (karuṇā) và hỷ (muditā) có thể tạo duyên cho an tịnh tới mức độ tứ thiền trong hệ thống ngũ thiền và tương đương với tam thiền trong hệ thống tứ thiền.

Đề mục vô lượng thứ tư là xả (upekkhā). Khi hành giả đạt được sự an tịnh với ba đề mục thiền vô lượng tâm khác tới mức độ của tầng thiền thứ tư, hành giả có thể phát triển xả vô lượng tâm và đề mục này chỉ có thể là đề mục của ngũ thiền mà thôi.

Có bốn giai đoạn của thiền vô sắc giới (arūpa-jhāna). Tâm thiền của các tầng thiền này cùng loại với tâm thiền của tầng thứ năm của thiền sắc giới, nhưng đối tượng của nó không liên quan đến sắc. Người muốn phát triển thiền vô sắc trước hết phải đắc được ngũ thiền của thiền sắc giới. Sau đó, hành giả phải thấy được khiếm khuyết của tầng thiền này. Mặc dù đó là tầng thiền cao nhất của thiền sắc giới, tâm thiền vẫn có đối tượng liên quan đến sắc và vì vậy, hành giả thấy mối hiểm họa của việc dễ dàng chìm đắm trong các đối tượng ngũ dục. Vì vậy, hành giả rút lui khỏi đối tượng là sắc và hướng tới đối tượng không phải là sắc, nó vi tế hơn. Nếu hành giả từ bỏ sắc và lấy đối tượng là vô sắc có tính vô hạn cho đến khi an chỉ định sinh khởi, hành giả đắc được thiện tâm thiền vô sắc giới. Khi ấy, các tâm thiền sinh và diệt liên tiếp trong lộ trình ý môn, giống như việc đắc các tầng thiền sắc giới. Hành giả phải đạt được năm pháp thuần thục để có thể đắc được các tầng thiền cao hơn trong vô sắc giới.

Có bốn tầng thiền vô sắc giới và tâm thiền của cả bốn tầng này đều cùng loại với tâm ngũ thiền của sắc giới, nhưng đối tượng thì khác và ngày càng trở nên vi tế hơn.

Tầng thiền vô sắc giới thứ nhất là tâm thiền có đối tượng là không vô biên xứ, đó là tâm thiền không vô biên xứ Ākāsānañcāyatana jhānacitta[14].

Tầng thiền vô sắc giới thứ hai là tâm thiền có đối tượng là thức vô biên xứ, đó là tâm thiền thức vô biên xứ (Viññāṇañcāyatana jhānacitta)[15]. Tâm này có đối tượng là tâm thiền của nhất thiền vô sắc giới kinh nghiệm không vô biên xứ.

Người đã vun bồi tầng thiền vô sắc giới này thấy rằng đối tượng của không vô biên xứ không được vi tế bằng đối tượng là tâm thiền đang kinh nghiệm không vô biên xứ. Vì vậy, hành giả vượt qua đối tượng của không vô biên xứ và lấy chính tâm thiền không vô biên xứ làm đối tượng cho đến khi an chỉ định sinh khởi và hành giả đắc được nhị thiền của thiền vô sắc giới gọi là thức vô biên xứ.

Tam thiền vô sắc giới là tâm thiền có đối tượng là vô sở hữu xứ (không có gì cả), hay akiñcaññāyatana jhānacitta[16]. Khi hành giả vun bồi tầng thiền này thấy đối tượng của đệ nhị thiền là thức vô biên xứ không được vi tế bằng đối tượng của vô sở hữu xứ, hành giả vượt qua đối tượng của nhị thiền và hướng tới đối tượng là vô sở hữu xứ, cái tạo duyên cho sự an tịnh cao hơn nữa. Hành giả vun bồi đối tượng là vô sở hữu xứ cho đến khi an chỉ định sinh khởi và đạt đến tam thiền của vô sắc giới. Tâm thiền của tầng thiền này lấy đối tượng là vô sở hữu xứ, bởi vì nó không còn lấy đối tượng là tâm của đệ nhị thiền, là thức kinh nghiệm vô biên xứ nữa.

Tứ thiền vô sắc giới là là tâm thiền phi tưởng phi phi tưởng xứ, n’evasaññā-n’āsaññāyatana jhānacitta[17]. Đó là tâm thiền có đối tượng là tâm thiền của tam thiền kinh nghiệm vô sở hữu xứ. Hành giả vun bồi tầng thiền này thấy tâm thiền kinh nghiệm vô sở hữu xứ là vi tế nhất. Vì vậy, hành giả lấy chính tâm thiền ấy làm đối tượng và khi an chỉ định sinh khởi, hành giả đạt được tứ thiền của thiền vô sắc giới. Tưởng (saññā) và các pháp sinh kèm tại tầng thiền này vi tế đến mức không thể nói là chúng tồn tại hay không tồn tại, chúng tồn tại theo cách lắng đọng và không đảm nhiệm được chức năng của chúng[18]. Tứ thiền vô sắc giới được gọi là phi tưởng phi phi tưởng xứ bởi vì không thể nói là có tưởng hay không có tưởng.

Sự phát triển samatha, tức là sự an tịnh ly bất thiện pháp, tới mức độ vô sắc giới chỉ có thể đạt được bởi một tâm có năng lực mạnh mẽ. Khi một hành giả đạt tới mức độ này, vị ấy có thể tự luyện tập để đắc được các thần thông cụ thể mà mình đã đặt ra mục tiêu. Ví dụ như hành giả có thể nhớ được các tiền kiếp, quyết định có thiên nhãn thông thấy được những thứ ở xa hay bị che lấp, quyết định có thiên nhĩ thông nghe được mọi âm thanh xa gần, hay quyết định thực hiện các loại thần thông khác như đi trên mặt nước, độn thổ, bay trên không trung, hay biến tạo những hình thái khác nhau. Tuy nhiên, nếu một hành giả muốn luyện tập để có những năng lực đặc biệt như vậy, người ấy phải thuần thục các kỹ năng thiện xảo nhất trong tất cả các biến xứ kasiṇa và tám tầng thiền, bao gồm bốn tầng thiền sắc giới và bốn tầng thiền vô sắc giới.

Thanh Tịnh Đạo (ch.XII, 2) mô tả về bốn cách để đạt được năng lực thần thông. Hành giả muốn luyện tập để đạt được mục tiêu này phải, ví dụ, có khả năng đắc thiền với các biến xứ theo tuần tự của chúng, nghĩa là trước hết phải bắt đầu với biến xứ đất, sau đó đến biến xứ nước và cứ tiếp tục như vậy. Hoặc là hành giả phải có khả năng đắc thiền với các biến xứ theo chiều ngược lại, hoặc có khả năng bỏ qua một số tầng thiền mà không bỏ qua các biến xứ tiếp nối, hoặc bỏ qua một số biến xứ mà không bỏ qua các tầng thiền tiếp nối. Như vậy, hành giả cần phải biết các duyên tương ứng cho việc kiểm soát hoàn hảo các thiền chứng của mình.

Ta có thể cho rằng người này hay người kia có được khả năng kiểm soát hoàn hảo như vậy và người ấy có thể thị hiện thần thông, nhưng quả tình, nếu một người không vun bồi nhân đúng dẫn tới quả đúng, người ấy không thể có được các phẩm chất đặc biệt là những năng lực thần thông. Thanh Tịnh Đạo (ch.XII, 8) giải thích rằng sự phát triển của các tầng thiền khác nhau và đắc thần thông là vô cùng khó khăn:

Hành giả không thể nào thực hiện biến hóa bằng thần thông nếu chưa hoàn tất sự tu tập điều phục tâm theo 14 cách ấy. Công việc tiên quyết về kasina đối với người sơ cơ rất khó và chỉ một người trong số một trăm hay một ngàn người có thể làm. Sự làm khởi lên sơ tướng là khó khăn cho một người trong việc tiên quyết về kasina và chỉ một người trong trăm người ngàn người làm được. Mở rộng sơ tướng[19] khi nó đã khởi lên và đắc định an chỉ là khó và chỉ một người trong một trăm một ngàn người có thể làm. Ðiều phục tâm theo mười bốn cách sau khi đắc định an chỉ là khó và chỉ một người trong một trăm một ngàn người làm được. Sự biến hóa bằng lực thần thông sau khi luyện tâm theo mười bốn cách là khó và trong một trăm, ngàn người chỉ có một người làm được. Phản ứng mau lẹ sau khi đã biến hóa là điều khó và trong một trăm, một ngàn người chỉ có một người làm được.

Cũng như vậy đối với việc nhớ lại các tiền kiếp của mình, đó là việc rất khó khăn. Ai có thể đạt được mức độ cận định, nếu tâm không phải là tâm đại thiện hợp trí? Ai có thể tuyên bố đã đắc an chỉ định của sơ thiền? Ai có thể tuyên bố đã đắc được nhị thiền, tam thiền, tứ thiền, ngũ thiền và các tầng thiền vô sắc giới? Ai có thể nhớ được các tiền kiếp của mình nếu thậm chí không thể nhớ được những gì vừa xảy ra sáng nay? Liệu người ấy có nhớ được từng khoảnh khắc hay không? Người ấy có thể nhớ lại được các sự kiện tới tối hôm qua, sáng hôm qua, với tâm được an trụ, nhớ từng khoảnh khắc cho tới giây phút của thức tái tục, hay cho tới khoảnh khắc cuối cùng của ngày cuối cùng của kiếp trước và rồi nhớ lại một cách tuần tự các kiếp trước của mình? Điều đó chỉ có thể thực hiện được nếu tâm thiền đã trở nên hùng mạnh và nếu đã luyện tập tất cả các kỹ năng cần thiết cho thần thông. Khi ấy, ta có thể khiến cho tâm đại thiện hợp trí sinh khởi và việc nhớ lại các tiền kiếp trước có thể được thực hiện khi từng bước hồi niệm từ một khoảnh khắc cụ thể về quá khứ.

Nếu ta nghiên cứu một cách chi tiết và hiểu các duyên tương ứng cho các phẩm chất đặc biệt là các năng lực thần thông, ta sẽ biết liệu một số thành tựu có thật sự là do những phẩm chất ấy hay không.

Qua sự phát triển samatha, phiền não không được tận diệt. Trong samatha, không có loại trí tuệ xuyên thấu đặc tính vô thường, khổ và vô ngã, biết được bản chất thật của thực tại. Chỉ có loại trí tuệ này mới tận diệt được phiền não. Nếu thiền chứng không bị suy thoái và tâm thiền có thể sinh khởi trong lộ trình ngay trước tử thức thì tâm thiền sẽ là duyên nghiệp (kamma-paccaya) cho sự sinh khởi của tâm quả sắc giới là thức tái tục tại một trong các cõi Phạm thiên. Tuy nhiên, khi thọ mạng của người đó chấm dứt ở cõi đó, người ấy sẽ quay lại một kiếp sống trong thế giới này với dính mắc vào tà kiến về ngã, vào đối tượng thị giác vào âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm.

Sự phát triển samatha trong nhiều kiếp quá khứ có thể được tích lũy trong vòng luân hồi. Nó có thể tạo duyên khiến một số người có thể có những linh cảm về các sự kiện có thể xảy ra. Một người đã phát triển định tâm có thể có khả năng thấy được điềm báo, hay có được những dự cảm về tương lai. Tuy nhiên, cần phải nhớ rằng, để đắc được các thần thông, samatha cần được phát triển bằng tâm đại thiện hợp trí, để sự an tịnh có thể tăng trưởng và định lực trên đề mục thiền được thiết lập một cách chắn chắn tới mức độ các tầng thiền có thể tuần tự sinh khởi. Cũng cần phải nhớ rằng điều này là vô cùng khó khăn. Một người đã phát triển tâm định có thể có những hình ảnh chớp sáng trong tâm về các sự kiện tương lai, hay một số dự cảm của người ấy có thể trở thành sự thực và một số khác không xảy ra. Những hình ảnh chớp sáng của người ấy có thể là kết quả của việc phát triển định lực, nhưng nó không phải là thần thông, cái là những phẩm chất đặc biệt là thành quả của việc phát triển samatha.

Nếu ta phát triển samatha, chỉ đạt được cận định thôi cũng đã là rất khó. Lý do là khi một đối tượng in dấu lên một trong ngũ môn hoặc ý môn, ta thường hướng về đối tượng ấy với tham, sân và si. Tâm thiện ở mức độ bố thí (dāna), trì giới (sīla) hay phát triển tâm trí sinh khởi một cách hiếm hoi trong cuộc sống hàng ngày của ta. Những khoảnh khắc của tâm thiện thật hiếm so với những khoảnh khắc của tâm bất thiện thường sinh khởi một cách nhanh chóng do bởi các đối tượng in dấu lên ngũ môn và ý môn. Phiền não không thể được tận diệt bởi sự phát triển samatha. Khi phiền não sinh khởi và chiếm lĩnh tâm, kể cả samatha đã được phát triển tới mức độ thần thông cũng có thể bị suy thoái.

Trước khi Đức Phật giác ngộ, có những người đã phát triển samatha tới mức độ cao nhất của các tầng thiền vô sắc giới là phi tưởng phi phi tưởng xứ và họ có thể tự luyện tập để đạt tới những thần thông như là thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, hay thần túc thông (nhớ lại tiền kiếp) cùng các thần thông kỳ diệu khác. Tuy nhiên, mặc dù vậy, họ vẫn không thể xuyên thấu Tứ Thánh Đế, bởi họ chưa gieo trồng các nhân duyên đúng cho kết quả ấy. Nhân duyên đúng chính là sự phát triển vipassanā tới mức độ có thể làm duyên cho sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Một số người ở thời đó có hiểu biết sai lầm về con đường đưa tới sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Họ đi theo những sự thực hành sai lầm. Sau khi Đức Phật đã giác ngộ và hoằng pháp, một số vị thánh đệ tử đã vun bồi thiền chứng và một số không vun bồi thiền chứng. Các bậc thánh nhân đã giác ngộ không qua thiền chứng đông đảo hơn số các vị giác ngộ với tâm siêu thế sinh kèm với các chi thiền của các tầng thiền khác nhau. Điều này một lần nữa lại cho chúng ta thấy rằng sự phát triển samatha một cách đúng đắn là vô cùng khó khăn và vô cùng phức hợp.



[1]Sampajañña thường được dịch là “tỉnh giác”. Trong bối cảnh này, người phát triển samatha cần có không chỉ kiến thức lý thuyết về sự khác biệt giữa tâm tham căn và tâm đại thiện, mà cần có khả năng phân biệt đặc tính của chúng khi chúng xuất hiện.

[2] Abhabba puggala, người không có khả năng tiến bộ. Người này không sinh với thức tái tục có nhân vô si (trí tuệ), hoặc đã phạm trọng nghiệp ānantariya kamma, là những nghiệp đạo bất thiện nghiêm trọng sẽ cho quả ngay ở lần tái sinh tiếp, hoặc có các loại tà kiến ở mức độ của nghiệp đạo bất thiện.

[3] Người đó là bhabba, tức là người có khả năng tiến bộ. Xem thêm trong Tăng Chi Bộ kinh, Phẩm Sáu Pháp, ch. IX, § 2-3.

[4] Xem Phụ lục I: Tâm, mục “tâm bất thiện”.

[5] Kasina là một dụng cụ cụ thể, chẳng hạn như một cái đĩa bằng đất hay có màu, có thể tạo duyên cho sự an tịnh. Nếu ta nhìn vào đó với nhất tâm chân chánh, ta có thể có sơ tướng của nó. Kasina có nghĩa là “toàn bộ”. Nếu kasina đất là đề mục thiền, tất cả sẽ được coi chỉ là “địa đại”, và cũng như vậy với các kasina khác. Tướng có thể được mở rộng vô giới hạn.

[6] Đất là một trong Tứ Đại có trong tất cả vật chất.

[7] Xem thêm chi tiết trong Thanh Tịnh Đạo (Chương IV, 21-31).

[8] Các chi thiền là các tâm sở cụ thể được phát triển trong samatha. Chúng ta sẽ bàn thêm về những điều này ở phần sau.

[9] Là người lãnh đạo thế gian.

[10] Xem thêm trong Thanh Tịnh Đạo (Chương IV, 34-42).

[11] Xem thêm trong Thanh Tịnh Đạo (Chương IV, 42-67).

[12] Có ngũ căn (khả năng tinh thần) cần được phát triển là: tín, tấn, niệm, định, tuệ.

[13] Một người sinh ra không có nhân trí tuệ sẽ không thể đắc thiền. Với một người sinh ra với ba nhân, tức là với nhân trí tuệ, tất cả các tâm hộ kiếp cũng sẽ đi kèm với trí.

[14]Ākāsa có nghĩa là “không gian”, ananta có nghĩa là ‘vô hạn” và ayatana có nghĩa là “cõi”, “xứ”.

[15] Thuật ngữ này bao gồm các từ “viññāna” và “ananta”, vì vậy có nghĩa là “thức vô biên”.

[16] Ākiñcaññā có nghĩa là “không có gì cả” – vô sở hữu.

[17] Saññā có nghĩa là “tưởng”, và āsaññā có nghĩa là “vô tưởng”. Chữ “n” thay thế cho “na” có nghĩa là “không”, “phi”.

[18] Xem thêm Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Phần IV, § 207-209). Có sự lắng đọng vi tế không chỉ của tưởng mà của cả tâm và các tâm sở đồng sinh.

[19] Mở rộng tướng có nghĩa là tướng có thể được mở rộng cho đến khi trở nên vô giới hạn.

Comments are closed.

Translate »