Tâm Từ – Chương 9: Tâm từ- Nền tảng của thế giới

Chương 9
Tâm từ – Nền tảng của thế giới

Đức Phật đã dạy, các chúng sanh là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là sanh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm họ làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy.

Mọi người đều là chủ nhân của nghiệp, sở hữu nghiệp do chính mình tạo ra. Mọi người không thể hoán đổi nghiệp cho nhau. Mọi loại tài sản khác đều không thực sự thuộc về ta, chúng có thể bị hủy hoại hay trộm cắp. Còn nghiệp mà ta đã tạo, thiện hay bất thiện, không thể bị lấy cắp hay hủy hoại bởi lửa, gió và mặt trời. Không có sự sở hữu nào được bảo toàn chắc chắn như nghiệp, vì nghiệp được tích lũy từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác, do tâm sinh và diệt nối tiếp nhau.

Khi nghiệp đã được tạo tác, nó có thể cho quả đối với người đã tạo ra nó, khi có duyên thích hợp để nghiệp trổ quả. Người đã tạo ra nghiệp sẽ phải nhận quả tương ứng. Vì nghiệp là sanh căn, nó có thể tạo duyên cho sự tái sinh ở cảnh khổ hay cõi lạc. Khi chúng ta sinh ra, nghiệp là thân quyến của ta, ta nương tựa vào nghiệp của mình. Khi có duyên cho nghiệp bất thiện trổ quả, nghiệp bất thiện khi ấy là “thân quyến”: sẽ có kinh nghiệm bất khả ái hay mất mát, và thậm chí có thể liên đới tới cả người thân, bạn bè và người quen của ta. Còn khi nghiệp thiện cho quả thì ngược lại. Vì vậy có thể nói rằng, nghiệp là thân quyến, là nơi nương tựa của mỗi người.

Khi kinh nghiệm đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm ưa thích hay khó chịu, dường như những người khác chính là nguyên do. Như khi ta bị đau hay bị làm tổn thương, có vẻ như một ai đó chính là thủ phạm. Tuy nhiên, liệu điều ấy có thể thực sự xảy ra nếu không có nghiệp bất thiện do chính ta đã tạo từ trước cho quả như vậy? Khi nghiệp bất thiện có cơ hội cho quả, chúng ta phải nhận lãnh, kể cả khi không có ai làm đau chúng ta. Ví dụ như chúng ta có thể tự làm thương mình bằng dao, bị ngã, bị ốm, bị nạn do lụt lội hay lửa. Một số người cho rằng ai đó có thể báo oán và làm cho họ bị ốm đau, bất hạnh. Họ trải tâm từ tới người ấy vì sợ bị trả thù. Nhưng tất cả là mê tín dị đoan.

Khi làm việc thiện, chúng ta có thể hồi hướng tới những người có thể tùy hỉ với việc thiện ấy của chúng ta, và đó là một hình thức bố thí – dana. Điều này có ích, bởi ở những khoảnh khắc ấy, có từ tâm sinh khởi. Ta nghĩ tới sự an vui của người khác, ta trao cho họ cơ hội có thiện tâm khi tuỳ hỷ với việc tốt của ta. Khi ai đó “tuỳ hỷ”, là hoan hỷ với nghiệp thiện của người khác, thì đó cũng là nghiệp thiện của người ấy. Chúng ta có thể vui với việc làm tốt của người khác, bằng phước tuỳ hỷ, và đó là cách để có được ích lợi từ nghiệp thiện mà người khác đã làm. Mặt khác, không nên trải tâm từ vì sợ ai đó sẽ trả thù và mang đến bất hạnh. Phát triển tâm từ đối với người ta gặp trong kiếp này lợi ích hơn việc hồi hướng tới người báo oán mà ta chưa từng gặp và không hề biết đến.

Chúng ta đọc trong Chú giải Kinh Pháp Cú, Đức Phật đã kể cho các vị tỳ khưu về một câu chuyện quá khứ, trong thời kỳ Đức Phật Kassapa. Vị chưởng khố Sumangala xây một tinh thất cúng dường Đức Phật Kassapa. Một ngày, trên đường đến đảnh lễ bậc Đạo sư, ông nhìn thấy một tên trộm đang nấp trong nhà trú chân bên cửa thành, chân bê bết bùn, trùm áo lên đầu. Ông Sumangala nói: “Hẳn là một kẻ kiếm đêm đang ẩn nấp!”. Sau đó tên trộm đem lòng căm thù ông. Hắn đốt ruộng ông bảy lần, chặt chân bò của ông bảy lần, đốt nhà ông bảy lần. Chưa hả tức, hắn phát hiện ông rất quý hương thất của Đức Phật và liền châm lửa đốt. Khi nhìn thấy hương thất bị lửa thiêu rụi, chưởng khố không mảy may buồn tiếc mà còn hân hoan vỗ tay vì sẽ có thêm dịp được xây hương thất cúng dường Đức Phật. Ông đã xây lại hương thất và dâng lên Đức Phật cùng 20.000 chư tăng. Nhìn thấy vậy, tên trộm quyết định giết chết ông. Hắn mang theo dao và đi quanh Tinh xá suốt bảy ngày. Trong những ngày này, Su- mangala cúng dường Tăng chúng dưới sự chứng giám của Đức Phật. Ông thuật lại với Đức Phật những gì xảy ra và nói muốn hồi hướng phước báu của sự cúng dường này đến người ấy đầu tiên. Khi tên trộm nghe được, hắn nhận ra mình đã đem lòng thù hận người không hề căm ghét, thậm chí còn hồi hướng phước báu cho mình. Tên trộm xin vị chưởng khố tha thứ. Chưởng khố hỏi chuyện hắn về từng vụ việc mà hắn đã làm, hắn nhận hết tội và giải thích lý do. Hắn đã đem lòng hận thù ông khi nghe ông nói như vậy trong lúc đang nấp dưới bùn ở cổng thành. Vị chưởng khố cũng xin lỗi hắn vì lỡ thốt ra lời nghi kỵ khi ấy. Tên trộm còn muốn làm người hầu trong nhà vị chưởng khố, nhưng ông đã từ chối vì không biết chắc hắn sẽ lại sinh lòng thù hận hay không. Mặc dù Sumangala đã tha thứ cho tên trộm, nhưng nghiệp bất thiện do hắn tạo ra đã khiến hắn bị tái sinh cõi địa ngục Avici. Sau một thời gian dài chịu khổ, hắn được tái sinh làm ngạ quỷ ở đỉnh núi Linh Thứu trong thời kỳ Đức Phật Thích Ca.

Vị chưởng khố không mảy may có ý định trả thù người muốn sát hại mình mà còn có từ tâm với anh ta. Vị ấy đã hồi hướng phước báu cho tên trộm – kẻ đã thực hiện những nghiệp bất thiện rất nặng, để nhờ đó, hắn có thể có thiện tâm khi tùy hỷ với phước thiện của ông. Nếu Sumangala tức giận và muốn trả thù, ông đã tự mình nhận lấy quả của sự tức giận và nghiệp do ý muốn trả thù tạo ra. Nếu kinh hãi oán thù, chúng ta nên ngăn mình tránh khỏi năm nghiệp bất thiện – chính là nhân cho năm nỗi sợ hãi, hận thù, đó là: sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối và dùng các chất say. Cần giữ mình tránh xa những nghiệp bất thiện này. Đức Phật nói rằng, những người biết sợ những điều đáng sợ không phải là người ngu, chính người không biết sợ những điều đáng sợ mới là kẻ ngu. Người thực hành Giáo pháp nên sợ nghiệp bất thiện, chứ không sợ người báo oán hay chi phối số mệnh của mình.

Có người hỏi, nếu phát triển thiền định có thể thấy được người muốn báo thù mình hay không. Có sự hiểu lầm về phát triển định (samādhi) và bây giờ tôi sẽ giải thích thêm. Có hai loại định, là chánh định (sammā-samādhi) và tà định (micchā-samādhi). Có chánh định trong phát triển an tịnh (samatha). Đó là sự phát triển thiện tâm được thiết lập trên nền tảng sự an tịnh, và nhờ đó ngày càng có sự thoát ly khỏi tham, sân và si. Trong samatha, bắt buộc phải là thiện tâm sinh khởi cùng chánh niệm tỉnh giác, hay tuệ sinh khởi cùng niệm, hay biết lặp đi lặp lại các pháp làm duyên cho tâm thoát ly khỏi bất thiện và đạt được sự an tịnh thực sự. Sự an tịnh được phát triển với những đề mục thiền, ví dụ như tuỳ niệm về các phẩm chất tuyệt hảo của Đức Phật, Đức Pháp và Đức Tăng. Hoặc chúng ta có thể nghĩ về người khác với tâm từ, tâm bi, tâm hỷ và tâm xả. Chúng ta có thể hồi niệm về giới, về thí mà mình đã thực hiện, hay tuỳ niệm về sự chết. Khi tâm thiện đã tăng tiến, nó sẽ được thiết lập vững chắc hơn trong an tịnh, vắng bóng phiền não. Khi ấy, đặc tính của sự an tịnh sinh kèm với định (samādhi) sẽ xuất hiện rõ nét hơn. Sự an tịnh sẽ kiên cố hơn khi chánh niệm tỉnh giác thực hiện chức năng của nó, và điều này không liên quan gì tới việc thấy những thứ huyền bí hay có những kinh nghiệm kỳ lạ.

Khi sự an tịnh được phát triển nhờ đề mục thiền, nó sẽ trở nên kiên cố hơn, chúng ta có thể kinh nghiệm một hình ảnh (nimitta – tướng), nhưng điều này không xảy ra với tất cả các đề mục thiền. Quá trình phát triển an tịnh có phụ thuộc vào nimitta xảy ra với các đề mục thiền sau: các biến xứ (kasina), quán tử thi, quán niệm hơi thở và quán thể trược.

Khi một người phát triển an tịnh dựa trên biến xứ đất, vị ấy quán tưởng đất để tâm trở nên an tịnh, ly bất thiện pháp; vị ấy dựa vào một sơ tướng hình tròn để đè nén tâm bất thiện. Với người dựa vào các biến xứ (kasina) khác, cụ thể là kasina lửa và gió, các màu xanh, vàng, đỏ và trắng, ánh sáng và hư không, cũng thực hiện các trình tự tương tự.

Thiền với đề mục bất tịnh là quán tử thi qua các giai đoạn tan hoại khác nhau.

Quán niệm hơi thở (ānāpāna sati) là chánh niệm về hơi thở nơi nó xuất hiện trên đầu mũi hay bờ trên của môi.

Quán thể trược là quán tưởng sự nhờm gớm của các bộ phận trên thân, như tóc, lông, móng, răng, da.

Chỉ khi phát triển sự an tịnh với các đề mục nêu trên mới cần phải dựa vào sơ tướng, tợ tướng. Với những đề mục này, tướng có thể xuất hiện. Tâm quán tưởng hình ảnh [hay tướng] này để đạt tới mức độ an tịnh cao. Tâm quán tưởng một tướng cụ thể thuộc các đề mục đó chứ không “thấy” các hình ảnh khác, như địa ngục, cõi trời, chư thiên, ma quỷ hay ai đó mà ta gọi là người báo oán hoặc chi phối cuộc sống của ta.

Phát triển an chỉ định và phát triển tuệ minh sát đều rất công phu và khó khăn. Cần trí tuệ cho cả hai con đường phát triển này, nhưng trí tuệ trong samatha và trí tuệ trong vipassana có các mức độ khác nhau. Trí tuệ trong samatha có thể tạm thời đè nén phiền não nhưng không thể tận diệt phiền não. Trong vipassana, trí tuệ phát triển biết thực tại xuất hiện như nó là, là vô ngã, đó là loại trí tuệ có thể tận diệt phiền não hoàn toàn. Không nên sai lầm cho rằng, phát triển samatha hay vipassana được thực hiện bằng cách chú tâm, cố gắng tập trung trên một đối tượng trong thời gian thật lâu.

Nếu ai đó cố gắng chú tâm với hy vọng thấy điều gì đặc biệt, người ấy đang chú tâm với tham. Đó không phải là sự phát triển an tịnh thực sự – cái thoát ly tham, sân và si. Không có chánh niệm tỉnh giác – thứ biết rõ tâm có thể an tịnh và thoát khỏi phiền não ra sao. Chánh niệm tỉnh giác sẽ biết chính xác tâm nên quán tưởng một đề mục cụ thể như thế nào để đạt được sự an tịnh thực sự. Không phải chánh định (sammā-samādhi) mà là tà định (micchā-samādhi) khi không hiểu đúng về phát triển an tịnh và chỉ chú tâm để có kinh nghiệm đặc biệt hay để thấy điều gì kỳ lạ. Có tham khi ta chỉ muốn chú tâm, tập trung trên một đề mục thật lâu. Những hình ảnh khác lạ có thể xuất hiện khi có tà định, vì tâm nghĩ về chúng mà không biết rằng đó chỉ là suy nghĩ mà thôi. Cũng giống như khi mơ, người ta không nhận ra hình ảnh xuất hiện trong giấc mơ chỉ là suy nghĩ về chúng. Khi có tà định và ai đó thấy những hình ảnh được cho là người đến báo oán hay chi phối số mệnh của mình, thì đó chỉ là suy nghĩ, một sự tưởng tượng, không phải là trí tuệ nhận rõ ràng cái gì là thật. Đức Phật nói rằng, trong vòng sinh tử luân hồi vô tận, tất cả chúng ta đều là thân quyến, bạn bè, vợ chồng, cha mẹ, con cái hay kẻ thù của nhau. Kể cả Đề Bà Đạt Đa – người đã cố gắng giết hại Đức Phật cũng đã là cha của Ngài trong một kiếp trước. Không nên chỉ trải tâm từ tới người muốn báo oán mình, người mà mình thậm chí không hề biết, vì chúng ta không thể nhớ đã làm những nghiệp bất thiện nào với người khác. Thay vào đó, từ bây giờ ta nên phát triển tâm từ tới mỗi chúng sinh, tới mỗi người mà ta gặp trong cuộc sống, để đè nén xu hướng làm các nghiệp bất thiện. Khi thiếu đi tâm từ, mọi người sẽ phải chịu khổ đau. Đức Phật nói rằng tâm từ là pháp nền tảng cho thế gian, là pháp thiện giúp cho mọi chúng sinh trên thế gian được sống không có hiểm nguy, được thoát khỏi khổ đau bởi tâm bất thiện thiếu vắng từ tâm.

Leave a Reply

Translate »