Tâm Từ – Chương 8: Nhân và quả trong cuộc sống

Chương 8
Nhân và quả trong cuộc sống

Một số người thờ các vị phạm thiên, nhưng họ không biết các vị phạm thiên ở đâu, làm thế nào có thể tái sinh thành phạm thiên và cuộc sống của họ như thế nào. Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ Kinh (I, Thiên có kệ, chương VI, Tương ưng Phạm thiên, III, Phạm thiên) rằng tại thời Đức Phật, mọi người đã thờ cúng phạm thiên. Bài kinh nói như sau:

1) Như vầy tôi nghe.

Một thời Thế Tôn ở Sàvatthi, Jetavana, tại tịnh xá ông Anàthapindika.

2) Lúc bấy giờ con một nữ Bà-la-môn, tên là Brah- madeva đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình với Thế Tôn.

3) Rồi Tôn giả Brahmadeva sống một mình, viễn ly, không phóng dật, nhiệt tâm, tinh cần, không bao lâu chứng được mục đích mà các thiện nam tử chơn chánh xuất gia, từ bỏ gia đình sống không gia đình, chính là vô thượng cứu cánh Phạm hạnh. Vị ấy ngay hiện tại với thắng trí tự mình chứng đắc, chứng đạt và an trú. Vị ấy biết rõ: “Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, việc nên làm đã làm, không còn trở lui trạng thái này nữa». Và Tôn giả Brahmadeva trở thành một vị A-la-hán.

4) Rồi Tôn giả Brahmadeva vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sàvatthi để khất thực. Trong khi bộ hành thứ lớp khất thực ở Sàvatthi, Tôn giả Brahmadeva đi đến nhà người mẹ của mình.

5) Lúc bấy giờ, nữ Bà-la-môn, mẹ Tôn giả Brahmade- va, thường làm lễ cúng dường Phạm thiên.

6) Rồi Phạm thiên Sahampati suy nghĩ: “Nữ Bà-la- môn mẹ Tôn giả Brahmadeva này, thường làm lễ cúng dường Phạm thiên. Vậy ta hãy đến bà ấy và làm cho bà chấn động”.

7) Rồi Phạm thiên Sahampati, như một người lực sĩ duỗi cánh tay đang co lại, hay co lại cánh tay đang duỗi ra; cũng vậy, Phạm thiên biến mất ở Phạm thiên giới và hiện ra trong nhà mẹ Tôn giả Brahmadeva.

8) Rồi Phạm thiên Sahampati đứng giữa hư không, nói lên bài kệ này với nữ Bà-la-môn mẹ Tôn giả Brahmadeva:

Ôi! Nữ Bà-la-môn,
Phạm thiên giới rất xa,
Chính Bà thường cúng dường,

Cho chính Phạm thiên ấy,

Món cúng dường như vậy,

Không món ăn Phạm thiên.

Người bập bẹ làm gì,
Chưa biết Phạm thiên đạo.

Này nữ Bà-la-môn,

Brahmadeva này
Là con trai của bà,
Ngài đoạn mọi sanh y,

Chứng pháp siêu Thiên giới,

Khất sĩ, không sở hữu,

Không nuôi dưỡng một ai.

Vị ấy nay đã đến,

Nhà Bà để khất thực,
Xứng đáng được cúng dường,

Thâm hiểu các Thánh điển,

Các căn khéo tu tập,
Nhơn, Thiên xứng cúng dường.

Vất ngoài mọi tà ác,
Thoát ly mọi nhiễm ô.
Ngài đi, tìm độ thực,
Lắng dịu mọi ưu phiền,
Về sau ngài không có,
Về trước, ngài cũng không. Vắng lặng, không mù quáng,

Não phiền, không đắm say. Ngài bỏ rơi gậy gộc,
Ðối kẻ yếu, người mạnh.

Mong ngài được thọ hưởng,

Món thượng vị Bà dâng,

Không bị ác quân phá,

Tâm tư thuần lắng dịu.

Như voi thuần, ngài đi,

Thoát ly mọi ái dục.
Vị Tỷ-kheo trì giới,
Tâm tư khéo giải thoát,

Hãy mời ngài thọ hưởng

Thượng vị Bà cúng dường.

Bà hãy dâng cúng dường.

Lên ngài, Bà tin tưởng,
Với lòng tin bất động,

Xứng đáng Bà cúng dường.

Hãy làm điều phước đức,

Dành an lạc đời sau.

Này nữ Bà-la-môn,

Nay Bà đã thấy Ngài.

Bậc Thánh nhân ẩn sĩ,

Bậc vượt khỏi bộc lưu.

Bà hãy dâng cúng dường

Lên ngài, Bà tin tưởng,
Với lòng tin bất động,

Xứng đáng Bà cúng dường.

Bà đã làm công đức,

Dành an lạc đời sau,

Này Nữ Bà-la-môn,

Nay bà đã thấy ngài,

Bậc Thánh nhân ẩn sĩ,

Bậc vượt khỏi bộc lưu.

Chúng ta nên cúng dường tới bậc A La Hán hay phạm thiên? Khi có hiểu biết đúng, ta sẽ biết nên cúng dường tới bậc A La Hán – người đã tận diệt mọi phiền não hơn. Vị ấy đã hoàn mãn mọi phật sự cần làm và không còn phải làm gì thêm nữa khi mọi phiền não đã bị tận diệt. Mặc dù người con trai của nữ bà la môn đã đắc quả vị ALa Hán, nữ bà la môn vẫn đảnh lễ và luôn dâng vật thực tới vị phạm thiên. Cõi phạm thiên rất xa cõi người, khoảng cách không thể đo được. Các vị phạm thiên không thể dùng thức ăn do con người dâng cúng. Nữ bà la môn không biết làm sao có thể đạt đến Phạm Thiên giới, nhưng bà vẫn dâng đồ ăn và luôn miệng khấn vị phạm thiên trong mê muội. Cuốn Saratthappakasini, chú giải Tương Ưng Bộ Kinh, kể lại chi tiết về câu chuyện này:

Khi mẹ tôn giả Brahmadeva nhìn thấy con trai mình đi đến nhà, bà bước ra chào đón Ngài, mời Ngài vào trong và ngồi lên ghế đã soạn sẵn. Bà có lệ dâng cúng bánh gạo lên vị Phạm Thiên và thực hiện các nghi lễ cầu cúng vào ngày này. Toàn căn nhà của bà được trang trí với lá cây tươi, bỏng gạo, đá quý và hoa. Bà treo các loại cờ, trướng khác nhau, đặt các chậu nước. Bà thắp nến trên các chân đỡ được trang trí bằng những vòng hoa và nhiều đồ tạo hương thơm. Mọi người đi diễu xung quanh. Bản thân bà phải dậy từ rất sớm. Sau khi tắm gội bằng nước thơm được lấy từ 15 cái hũ, bà diện bộ quần áo thật đẹp và đeo đồ trang sức quý. Bà mời con trai mình, bậc A La Hán, vào nhà nhưng lại không để ý dâng ngài dù chỉ một vá cơm. Bà chỉ mong làm lễ dâng cúng tới vị Phạm Thiên. Bà trút cơm được nấu với bơ, mật ong và đường vào đầy một chiếc khay bằng vàng, rồi bưng chiếc khay ra sân sau, nơi đã được trang trí bằng lá cây tươi. Bà đặt từng nắm cơm vào bốn góc của chiếc khay và nhấc từng nắm một lên trong khi bơ đang tan chảy trong tay. Bà quỳ xuống dưới đất và khấn mời vị Phạm Thiên đến độ thực.

Trong khi ấy vị Phạm Thiên Sahampati ngửi thấy mùi hương giới của vị A La Hán – thứ mùi hương tỏa khắp cõi trời và có thể bay xa đến tận các cõi phạm thiên. Những mùi hương ở cõi người không thể bay đến được cõi phạm thiên. Chỉ có mùi hương những phẩm chất tuyệt hảo của bậc A La Hán mới có thể bay xa đến vậy. Rồi vị phạm thiên Sa- hampati nghĩ ngài nên giải thích cho bà biết nên làm điều gì đúng. Ngài đã nói với: bà vẫn chưa dâng dù chỉ một vá cơm tới con trai mình sau khi Ngài đã ngồi xuống, mặc dù Ngài mới là bậc đáng cúng dường nhất. Thay vì đó bà chỉ nghĩ đến việc dâng cúng thức ăn tới đại phạm thiên. Cũng giống như một người có cân không dùng mà lại cân bằng tay, một người có trống lại không dùng mà lại đánh vào bụng mình, hay một người có lửa không dùng mà chỉ dùng một con đom đóm”.

Vị phạm thiên Sahampati muốn làm bà thay đổi suy nghĩ để dâng thức ăn tới con trai mình thay cho việc dâng tới vị Đại Phạm Thiên.

Ngài tự nhủ: “Ta sẽ làm cho tà kiến của bà biến mất và cứu bà khỏi khổ cảnh. Ta sẽ hướng dẫn bà tới Giáo lý để Bà tích lũy một kho báu vô tận, đó chính là nghiệp thiện sẽ cho quả tái sinh nơi cõi trời”.

Rất khó hình dung được khoảng cách từ đây đến các cõi phạm thiên. Nếu hòn đá to bằng một tòa nhà cao tầng rơi với vận tốc 48.000 yoyanas/ngày (một yoyana bằng 16km), nó sẽ mất bốn tháng để chạm đến mặt đất. Cõi Phạm Thiên thấp nhất còn xa như vậy thì các cõi phạm thiên bậc cao hơn còn xa hơn nữa.

Vị Phạm Thiên Sahampati nói:

“Này nữ bà la môn đang dâng cúng vật thực kia, đối với bà, cõi giới phạm thiên quả thực rất xa. Con đường duy nhất để đạt đến cõi Phạm Thiên là tâm thiền thiện tâm của bốn tầng thiền. Chúng sẽ cho quả là bốn loại tâm quả thiền sinh khởi ở các cõi phạm thiên. Bà không hiểu cách để đạt đến cõi Phạm Thiên, bà chỉ đang lẩm nhẩm vài lời cầu nguyện. Các vị Phạm Thiên sống bằng hỉ lạc của thiền và không ăn cơm hay uống sữa nấu. Bà không nên tự làm khổ mình với những thứ không làm duyên để đạt đến cõi phạm thiên như vậy”.

Khi thốt lên những lời như vậy và từ tốn rời khỏi nữ bà la môn, vị Phạm Thiên Sahampati hướng đến bậc A La Hán và nói lại:

“Này nữ bà là môn kia, con trai bà – Đức Brahmadeva đã tận diệt mọi phiền não, Ngài là vị chư thiên cao thượng nhất, vị Phạm Thiên cao thượng nhất. Ngài không còn bị phiền não nhiễm ô. Ngài ôm bình bát độ thực, không nuôi dưỡng một ai khác nữa. Bậc Brahmadeva vĩ đại đã đến khất thực nhà bà là người đáng cúng dường nhất”.

Đó là câu chuyện được kể lại trong Chú giải. Cần phải có duyên thích hợp để được tái sinh ở cõi Phạm Thiên. Chúng ta phải phát triển samatha tới mức an chỉ định, có thể là tầng thiền sắc giới hay vô sắc giới. Đó là cách để đến các cõi phạm thiên sắc giới và phạm thiên vô sắc giới. Thiện tâm thiền cho quả tái sinh ở cõi phạm thiên, nơi chúng sinh ấy sẽ sống cho đến khi nghiệp thiện của tâm thiền hết hiệu lực và sẽ chấm dứt sự sống nơi cõi đó. Chúng sinh ở phạm thiên giới không cần ăn và hít thở để sống. Chúng sinh ở cõi phạm thiên sắc giới có các sắc vô cùng vi tế, những sắc này không được nuôi dưỡng nhờ những loại thức ăn như của con người. Họ không phải chịu thọ khổ do có hơi thở. Còn chúng sinh ở cõi phạm thiên vô sắc giới thì không có sắc pháp nào.

Như Chú giải đã nói, tỳ khưu Brahmadeva đã tận diệt mọi phiền não, Ngài cao thượng hơn mọi vị thần. Vị A La Hán không còn phiền não cấu uế, không còn nuôi dưỡng đời sống của bất kỳ ai khác nữa. Khi nghe đến điều này, chúng ta sẽ nghĩ rằng vị tỳ khưu không có gia đình, không có tài sản để chăm lo cho người khác. Nhưng điều này sâu sắc hơn thế. Điều này có nghĩa rằng, một vị A La Hán không còn duyên cho sự tái sinh – sự sinh khởi của các uẩn trong tương lai. Chừng nào còn có phiền não, sẽ vẫn còn có kiếp sống mới sau kiếp sống này, do phiền não làm duyên.

Vào thời khắc cuối cùng của kiếp sống, khi tử thức diệt đi sẽ có sự tái sinh, sẽ có các danh uẩn và sắc uẩn tiếp nối các uẩn đang sinh và diệt của kiếp sống này, là những thứ ta vốn cho là “tôi”, “của tôi” hay “cá tính của tôi”. Cuộc sống hiện tại của chúng ta làm duyên cho cuộc sống của một chúng sinh, một người nào khác trong tương lai, thực chất chính là các uẩn sẽ sinh khởi trong tương lai do các uẩn của kiếp sống này làm duyên. Đó chính là ý nghĩa của câu nói, chúng ta đang nuôi dưỡng cuộc sống của người nào đó nữa.

Bài kinh Brahmadeva có thể trả lời câu hỏi về thần linh và phạm thiên đang được thờ phụng ở Thái Lan, cho câu hỏi liệu họ có tồn tại và có thể giúp đỡ chúng ta hay không.

Người hỏi: Tôi tin là có ma quỷ báo oán, họ có thể khiến chúng ta gặp bất hạnh. Nếu làm việc thiện và hồi hướng tới họ thì có lợi ích gì không? Nếu phát triển thiền định, liệu ta có thể nhìn thấy họ không?

Khun Sujin: Đức Phật dạy về nhân quả và chúng ta cần phải suy xét cẩn trọng. Liệu rằng có ai đó có thể trừng phạt và chi phối số mệnh của chúng ta? Chúng ta đọc trong Tăng Chi Bộ Kinh (Chương 10 Pháp, phẩm 21, số 6):

Này các Tỷ-kheo, các chúng sanh là chủ của nghiệp, là thừa tự của nghiệp, là sanh căn của nghiệp, là bà con của nghiệp, là chỗ nương tựa của nghiệp. Phàm họ làm nghiệp gì, thiện hay ác, họ là những kẻ thừa tự của nghiệp ấy.

Do đâu một người được sinh ra làm người trên thế giới này? Đó là do nghiệp mà chính người ấy đã tạo hay do người khác định đoạt?

Do đâu mà một người đạt được lợi dưỡng, vinh quang, tiếng thơm hay hạnh phúc, hay khi người ấy bị mất mát, chê trách, tủi nhục và khổ đau? Là do người khác chi phối hay đó là

quả của những nghiệp mà người ấy ấy đã tạo?

Mọi người tin rằng người bị họ làm hại trong kiếp trước có thể đi theo họ ở kiếp này và làm cho họ bị ốm đau, bệnh tật hoặc gây ra các khó khăn hoạn nạn khác nhau. Hoặc họ nghĩ rằng nên trải tâm từ tới những người chưa có oán thù gì để tránh bị họ làm hại.

Ai có thể nhớ về những kiếp trước và nhớ những nghiệp mà mình đã tạo trong những kiếp ấy? Ai có thể nhớ trong những kiếp quá khứ, mình đã gây hại và làm khổ những ai? Chẳng hạn, nếu ai đó đã giết người và sau đó trải tâm từ tới người ấy, làm thế nào để ngăn việc giết người – một nghiệp bất thiện trổ quả? Chúng ta nên biết ai là chủ nhân thực sự của nghiệp đã được tạo trong suốt vòng luân hồi sinh tử. Nghiệp bất thiện như sát sinh có thể đưa đến tái sinh ở địa ngục. Nếu sinh làm người, nghiệp bất thiện có thể khiến ta bị ốm đau hay mất mát. Nghiệp thiện cho quả tái sinh ở cõi lành, như tái sinh làm người hoặc chư thiên trong các cõi trời. Sự tái sinh tuỳ thuộc vào nghiệp ta đã tạo. Nếu có sự tái sinh không an lành thì không do bất kỳ ai gây nên. Không ai có thể chi phối vận mệnh của người khác.

Nếu tin có người có thể ám hại ta, vậy mối quan hệ của ta với người ấy là thế nào? nếu có người có thể làm hại ta, thì bản thân ta cũng có thể làm hại người khác được. Tuy nhiên, khi không có ác cảm với người khác, liệu ta có thể làm hại và gây mất mát tới họ không? Chúng ta có thể nhớ những việc xấu mình đã làm đối với người khác và những việc xấu người khác đã làm đối với mình trong kiếp này, nhưng chúng ta không thể nhớ những việc đã làm trong các kiếp quá khứ. Chúng ta không thể nhớ mình đã làm việc sai với những ai và người khác cũng vậy. Vì thế cho rằng ai đó có thể trả mối thù tiền kiếp là không có cơ sở. Hồi hướng tới một người như vậy cũng vô ích, nó chẳng đưa đến kết quả nào cả.

Mọi chúng sinh đều tạo rất nhiều nghiệp trong vô lượng kiếp quá khứ. Mọi người sinh ra đều phải chết, rồi lại sinh ra, lại chết đi, vì vậy người là họ hiện giờ không phải là người trước kia trong quá khứ. Không nên nghĩ về một người trong quá khứ có thể làm hại ta, thay vào đó nên nhớ rằng, ta không nên sân hận, không nên có ác ý và muốn làm hại bất kỳ ai. Mọi người có thể tức giận hoặc thậm chí muốn làm đau người khác khi cho rằng người ấy đã làm khổ hay làm hại mình trong kiếp này hoặc kiếp trước. Tuy nhiên chúng ta nên xoá bỏ oán thù, tức giận và không làm điều gì do sân hận gây nên. Thay vào đó nên phát triển tâm từ và làm tâm từ được lớn mạnh.

Leave a Reply

Translate »