Tìm hiểu mười Ba la mật – Chương 9: Tâm từ Ba la mật

Chương 9

Tâm từ Ba la mật

Chú giải Hạnh tạng định nghĩa tâm từ ba la mật như sau:

Tâm từ có đặc tính yểm trợ an sinh (của các chúng sinh); chức năng/phận sự của tâm từ là tạo an sinh, hay loại bỏ hận thù; biểu hiện/thành tựu của tâm từ là lòng bao dung; cận nhân của tâm từ là thấy mặt tốt đẹp của chúng sinh.

Trong mười ba la mật, tâm từ ba la mật đứng sau quyết định ba la mật. Trong Chú giải của Hạnh tạng”, lý do này được giải thích như sau:

“(a) bởi tâm từ làm hoàn thiện quyết tâm thực hiện hành động mang lại lợi ích cho người khác; (b) để đưa ra việc làm cụ thể vì lợi tha sau khi xác quyết làm vậy, bởi một người đã phát nguyện về các pháp trợ đạo sẽ an trú trong tâm từ”; và (c) bởi việc thực hiện (hành động vì ích lợi của người khác) chỉ được tiến hành một cách vững chắc khi quyết tâm trở nên kiên định, không lay chuyển”. 

Đối với những người đã vững vàng kiên định trong phát triển thiện pháp với mục đích diệt trừ phiền não và những người đã tích lũy quyết định ba la mật thì việc thực hành tâm từ là lẽ tự nhiên. Chúng ta có thể tự kiểm chứng xem mình có vững vàng kiên định trong vun bồi thiện pháp và không ngừng phát triển tâm từ hay không. Khi một ai đó không nóng nảy và thường có từ tâm, điều đó cho thấy rằng anh ta thấy được lợi ích của vô sân và của sự vun bồi các ba la mật đưa đến tận diệt phiền não.

Một người có thể tin rằng cuộc sống thuộc về mình nhưng trên thực tế chỉ có các pháp khác nhau sinh và diệt rất nhanh. Người này nên phát triển thêm hiểu biết về cuộc sống của mình, về các tâm thiện và tâm bất thiện. Khi suy niệm về các ba la mật đã được đề cập ở những chương trước, như bố thí và trì giới, ta có thể tưởng rằng mình đã vun bồi đủ các ba la mật đó. Với xuất gia ba la mật, ta tin rằng mình đã thiểu dục tri túc. Với tinh tấn ba la mật, ta nghĩ rằng mình không dễ nản lòng, rằng mình cần mẫn và nỗ lực trong mọi việc. Ta có thể cảm thấy rằng mình có đủ kham nhẫn và bền bỉ. Chúng ta tin rằng mình chân thật: nói những lời nói thật và lời nói đi đôi với việc làm. Chúng ta tin rằng mình có sự kiên quyết, và rằng ta vững vàng kiên định trong những quyết tâm của mình. Tuy nhiên, ta nên tự hỏi bản thân liệu mình đã vun bồi tâm từ ba la mật đầy đủ chưa. Ta có thể thường quên giúp đỡ người khác với tâm từ và quên vun bồi tâm từ theo cách này. Chúng ta nên hỗ trợ người khác với tâm từ ngay cả khi họ là những người xa lạ mà ta không quen biết. Nếu một người chưa tích lũy đầy đủ tất cả các ba la mật, sẽ không có đủ duyên cho sự tận diệt phiền não.

Chúng ta cần nhận ra những ba la mật nào vẫn chưa được vun bổi đầy đủ trong cuộc sống hàng ngày của mình. Khi giúp đỡ người khác, ta nên tìm hiểu xem mình đã phát triển tâm từ đến mức độ nào.  So sự vun bồi ba la mật tâm từ với các ba la mật khác, tâm từ được phát triển nhiều hơn, ít hơn hay bằng? Nếu đã phát triển các ba la mật khác nhưng xu hướng giúp đỡ người khác với từ tâm vẫn còn yếu, ta nên tìm ra nguyên nhân. Liệu có phải vì chúng ta đã hài lòng với thiện pháp của mình hay là do bởi các phiền não, như ngã mạn, tức dính mắc vào tầm quan trọng của bản thân? Ta có thể nghĩ rằng không cần thiết phải giúp đỡ ai đó. Hay, khi đã giúp đỡ một ai đó ta có thể băn khoăn liệu người ta sẽ nghĩ gì về mình. Ta nên tìm hiểu xem những suy nghĩ như vậy là thiện hay bất thiện. Và thay vào đó, ta nên giúp đỡ người khác mà không cần bận tâm tới việc anh ta nghĩ gì về mình, dù người ấy hoan hỷ với việc làm của ta hay sẽ trách móc ta đều không quan trọng, bởi xét về thực tại, người ấy không thể hại chúng ta được. Điều người ấy nghĩ về chúng ta chỉ liên quan tới bản thân họ mà thôi.

Chúng ta nên hiểu rằng cho dù mình đã làm bao nhiêu thiện pháp chăng nữa cũng chưa đủ. Chúng ta có thể tưởng rằng như vậy đã đủ rồi,  nhưng dẫu là chúng ta đã vun bồi thiện pháp và chứng ngộ Tứ Thánh Đế ở mức độ Dự lưu, sotāpanna, như vậy cũng chưa đủ. Tất cả các phiền não cần được tận diệt và điều này được chứng ngộ ở tầng thánh A la hán. Vì vậy, nếu ai đó còn là phàm phu, chưa phải là một vị thánh Dự lưu, người ấy không nên dễ duôi và cho rằng mình đã vun bồi đầy đủ các thiện pháp.  Dù chúng ta đã làm bao nhiêu thiện pháp đi chăng nữa cũng không bao giờ là đủ.

Khi chánh niệm sinh khởi, ta có thể biết loại bất thiện nào là nguyên nhân dẫn đến xu hướng thoái thác việc giúp đỡ người khác. Có thể vì ích kỷ, hay ngã mạn, hay bởi vì chúng ta tin rằng mình lãng phí thời gian, và rằng không ích lợi gì khi giúp đỡ người khác. Một số người nghĩ rằng họ đã làm nhiều thiện pháp rồi và vì vậy họ không muốn giao thiệp với người khác nữa. Người ấy nên tự hỏi mình liệu suy nghĩ như vậy là thiện hay bất thiện. Nếu chúng ta giao thiệp với người khác để giúp đỡ họ thì tâm là thiện. Do vậy, ta nên giao thiệp với người khác để có thể giúp đỡ họ nhiều hơn. Khi có thể thân thiện với tất cả mọi người, chúng ta sẽ không lơ là tâm từ ba la mật, mettā. Tâm từ không nên có giới hạn; và nếu chúng ta đặt ra giới hạn cho từ tâm thì có thể không còn là tâm từ nữa mà là dính mắc, tham ái (lobha), là bất thiện chứ không phải thiện.

Nếu chúng ta chỉ xét về vẻ bề ngoài của những việc mình làm, ái và từ dường như là giống nhau. Khi chúng ta làm việc thiện vì lợi ích của một ai đó là người gần gũi mình, người mà chúng ta kính trọng và yêu thương, điều đó dường như được thúc đẩy bởi thiện pháp, bởi từ tâm. Tuy nhiên, tại sao chúng ta không tốt bụng như vậy với một ai đó khác, không quan trọng anh ta là ai? Nếu thực sự là tâm từ, sẽ phải hệt như nhau cho dù làm thiện pháp với những người gần gũi mình, những người mà ta đã quen hay với một người mà ta không biết. Nếu có tâm từ thực sự, nếu chúng ta muốn vun bồi tâm từ ba la mật, chúng ta không nên giới hạn từ tâm trong một số đối tượng cụ thể. Khi chúng ta giới hạn tâm từ, chúng ta nên thẩm sát đặc tính của tâm tại khoảnh khắc đó, chúng ta nên biết đó là tâm thiện hay bất thiện.

Chúng ta đọc trong Tam tạng kinh điển1 rằng làm việc thiện với từ tâm giống như sự đối đãi của người mẹ với đứa con của mình. Nếu nhìn vẻ ngoài của hành động, chúng ta có thể phân vân liệu một người mẹ có tâm từ thực sự không hay người ấy chỉ có tình cảm ích kỷ với đứa con của mình. Người mẹ ấy phải hi sinh mọi thứ cho đứa con khi nuôi dạy nó. Đôi lúc đứa trẻ trông bẩn thỉu và chạm vào nó cũng không dễ chịu gì nhưng người mẹ ấy vẫn chăm sóc nó. Chúng ta nên suy xét liệu một người mẹ có tâm từ thực sự với con mình hay đó chỉ là tình cảm ích kỷ. Một người mẹ cần phải biết tâm của mình và phải chân thật với thực tại: thiện là thiện và bất thiện là bất thiện.

Đúng là Tam Tạng kinh điển có giải thích tâm từ giống như hành xử của người mẹ đối với con mình. Tuy nhiên, chúng ta nên nhớ rằng sự dính mắc của người mẹ với con mình thì không phải là tâm từ. Nếu một người có cách đối xử với những người khác như những chăm lo yêu thương vị tha của người mẹ đối với con mình, người ấy đang thực hành tâm từ.

Khi thấy ai đó đối xử tốt với một người lạ, một người không gần gũi với anh ta, chúng ta không nên tự hỏi tại sao anh ta lại hành động như vậy, bởi vì tâm từ thực sư không giới hạn trong một cá nhân nào cụ thể. Tất cả mọi người đều bình đẳng cho dù họ có gần gũi ta hay không, không quan trọng ta có quen họ hay không.

Chúng ta, trong cuộc sống hàng ngày của mình, có giúp đỡ người khác với sự rộng lượng không? Nếu mong muốn điều tốt đẹp và hạnh phúc cho họ, chúng ta có tâm từ đối với họ. Khi một ai đó buồn phiền và đau khổ, chúng ta có thể có tâm bi và mong cho người ấy thoát khỏi khổ đau. Khi mong muốn giúp đỡ một người bị bệnh và chịu đựng những cơn đau, khi muốn chăm sóc người ấy, chúng ta có tâm bi: mong muốn người ấy thoát khỏi đau khổ.

Nhờ phát triển tứ niệm xứ, chúng ta sẽ biết sự khác biệt giữa đặc tính của từ và sân. Khi chúng ta nhận ra đặc tính của sân là bất thiện thì trí tuệ, cái thấy được bất lợi và xấu xa của sân và mọi bất thiện pháp, sẽ là duyên cho thiện pháp được vun bồi thêm. Nhờ phát triển tứ niệm xứ, ta sẽ thấy rằng thay vì sân, từ có thể sinh khởi và được vun bồi. Chúng ta cũng cần không ngừng bồi bổ ba la mật kham nhẫn, nhẫn nại trong mọi hoàn cảnh. Một điều có thể xảy ra rằng ai đó vốn thường cảm thấy khó chịu khi đồ ăn không ngon, nhưng khi người ấy nhận biết được đặc tính của tâm tại khoảnh khắc đó và hiểu rằng đó là tâm bất thiện, người ấy sẽ hài lòng với món ăn ngay trước mặt mình và sẽ không cất công kiếm món ăn khác.

Phát triển tứ niệm xứ mang lại ích lợi về mọi mặt. Nó lợi ích cho sự vun bồi bố thí. Có chuyện rằng có người rất dính mắc với những thứ đẹp đẽ và sưu tầm thật nhiều những thứ đó. Tuy nhiên, khi người ấy được học về tứ niệm xứ và phát triển nó, người ấy bắt đầu thấy được  bất lợi của dính mắc, đặc biệt khi anh ta hiểu được đặc tính của xuất gia (nekkhamma). Xuất gia không chỉ có nghĩa là xuất gia ở mức độ cao, tức là đời sống tu hành, mà cũng có thể có xuất gia ngay trong đời sống tại gia, có nghĩa là, hài lòng với những gì mình có, cảm thấy như vậy là đủ. Người ấy cảm thấy rằng mình đã có đủ mọi thứ được kinh nghiệm qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Người ấy hiểu rằng mình có quá nhiều tài sản và rằng mình không muốn từ bỏ chúng. Tuy nhiên, khi nhận ra sự nguy hiểm của việc dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm, người ấy bắt đầu hiểu rằng cái mình có đã là đủ và mình nên tri túc. Người ấy muốn từ bỏ những gì mình không cần và người ấy biết rằng khi cho đi vì lợi ích và hạnh phúc của người khác, mình đang tích lũy thiện pháp. Nếu một người không có thói quen phát triển tứ niệm xứ, anh ta không biết được đặc tính chỉ là các danh pháp và sắc pháp của các thực tại đang xuất hiện từng thứ  một . Trong trường hợp đó, các loại thiện pháp khác không dễ dàng sinh khởi và sẽ lại có duyên cho bất thiện pháp sinh khởi nhanh hơn. Tuy nhiên, nếu một ai đó biết đặc tính của các thực tại đang xuất hiện như chúng là, và anh ta biết đặc tính của danh pháp chỉ là danh, không phải một chúng sinh hay con người, và đặc tính của sắc pháp chỉ là sắc, không phải một chúng sinh hay con người, tính kiên trì và nhẫn nại của anh ấy sẽ tăng trưởng và các thiện pháp khác cũng sẽ được vun bồi.

Một vị sư đã từng sống ở In-đô-nê-si-a kể về một người phụ nữ In-đô-nê-si-a mất chồng do sự lái xe bất cẩn của một chàng thanh niên. Tuy nhiên, người phụ nữ ấy không muốn đưa sự việc ra trước luật pháp bởi vì bà ấy không muốn tạo bất hạnh cho ai đó nữa. Không những thế, bà ấy còn bày tỏ ý định tặng một suất học bổng cho chàng trai trẻ đó. Điều này thật khó khăn đối với bà nhưng bà đã có thể làm được. Một hành động thiện nguyện như vậy có thể được thực hiện bởi một người đã tích lũy tâm từ và tâm bi. Một người có thể tự hỏi liệu hành động của người phụ nữ In-đô-nê-si-a đó có phải là một ba la mật được vun bồi trong cuộc sống hàng ngày không. Mọi người đã tích lũy các mức độ thiện pháp khác nhau. Liệu thiện pháp có phải là một ba la mật hay không còn tùy thuộc vào năng lực của nó. Khi là một ba la mật, nó là một yếu tố trợ duyên đưa đến sự tận diệt tà kiến. Khi pháp bất thiện còn mạnh mẽ, sẽ không thể diệt trừ được tà kiến cho rằng các thực tại là chúng sinh, con người hay tự ngã.

Tâm từ thực sự được trải rộng tới các chúng sinh và loài người bất kể họ là ai và ở đâu. Nếu một ai đó đã tích lũy tâm từ, người ấy sẽ luôn sẵn sàng giúp đỡ người khác. Tâm từ là một trong “tứ vô lượng tâm”, brahmavihāra, nghĩa là một pháp an trú cao thượng.

Chúng ta đọc trong “Hạnh tạng rằng tâm của đức Bồ tát có thể dễ dàng an trú trong định tĩnh bởi ngài có thể nhanh chóng trải tâm từ, kể cả đến những kẻ thù của mình. Ai đó, một đôi lần, có thể tức giận về những người khác, người ấy cho rằng chính những người đó đang ngăn trở mình an vui bằng cách này hay cách khác. Tuy nhiên, nếu người ấy tích lũy thiện pháp và có quyết tâm diệt trừ phiền não, tâm của anh ta sẽ an trú định tĩnh không mấy khó khăn. Người ấy sẽ có thể nhanh chóng trải tâm từ đến cả kẻ thù của mình.

Nếu chúng ta giận dữ với ai đó, chúng ta nên biết rằng sân chỉ sinh khởi trong một khoảnh khắc ngắn ngủi và rồi diệt đi ngay, và rằng thay vào đó, từ tâm có thể sinh khởi. Khi đã tích lũy các ba la mật, chúng ta có thể trở nên giống như đức Bồ tát, người có thể dễ dàng an trú từ tâm và nhanh chóng trải lòng từ ấy đến những kẻ thù của mình. Chúng ta nên tự kiểm tra xem liệu mình có tức giận ai đó trong một thời gian lâu dài hay không. Nếu chúng ta có thể có tâm từ thay vì sân, điều đó cho thấy rằng chúng ta đã tích lũy các xu hướng diệt trừ phiền não.

Tâm từ, mettā, là một trong các vô lượng tâm (brahmavihāra) Có  bốn vô lượng tâm: từ (mettā), bi (karuā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā). Mettā là tâm sở vô sân, thực tại không ghét bỏ hay sân hận. Bi là tâm sở bi (karuṇā), sinh khởi khi một người giúp đỡ người khác, muốn người kia giảm bớt nhọc nhằn và khổ đau. Hỷ là tâm sở muditā, sinh khởi khi một người hoan hỷ với hạnh phúc của người khác. Xả, upekkhā, là tâm sở tatramajjhattatā, sự quân bình khi vắng mặt tham và sân. Nó sinh khởi khi một người hiểu bản chất thực của vô ngã, anattā.

Khi từ – tâm sở vô sân, sinh khởi, tại khoảnh khắc đó chúng ta không sân hận và giận dữ. Khi tâm sở bi sinh khởi, chúng ta quan tâm đến ai đó phải chịu đau khổ và muốn giúp đỡ người ấy. Khi ai đó hạnh phúc vì đạt được thành công, có được danh lợi và tán dương, và chúng ta cũng hoan hỷ trong niềm hạnh phúc của người ấy, có tâm sở hỷ. Khi chúng ta không có tham hay sân và chúng ta quân bình, công bằng với tất cả chúng sinh, có tâm sở xả (tatramajjhattatā) là xả vô lượng tâm.

Nếu ai đó muốn trải tâm từ đến một người đã cư xử với mình theo kiểu chọc giận, khó chịu, anh ta nên bắt đầu với việc phát triển tâm sở vô sân, thực tại ly sân hận.

Tứ vô lượng tâm, brahmavihāras, gồm từ (mettā), bi (karuṇā), hỷ (muditā) và xả (upekkhā) là các pháp hoàn hảo và cao thượng. Một người có từ tâm là hoàn hảo, và khi người ấy trải tâm từ tới một ai đó, anh ta trở nên cao thượng. Rèn luyện tứ vô lượng tâm là sự thực hành đúng đắn hướng tới tất cả mọi chúng sinh. Chúng ta đọc trong bộ “Chú giải bộ Pháp tụ” (Atthasālinī) (Quyền I, Phần V, Chương XIII, Phạm trú, 195):

“Và giống như các Phạm Thiên sống với những tư tưởng không tỳ vết, cũng vậy những người khao khát an trú tứ vô lượng này đều sống giống như các vị Phạm Thiên. Như vậy, do ý nghĩa của từ ‘thiên’ và do bản chất không tỳ vết của chúng, nên tứ vô lượng được gọi là những ‘Phạm trú”. 

Bốn Phạm trú này đưa đến an tịnh, định tĩnh và chúng là hoàn hảo. Chúng là con đường đưa đến thanh tịnh. Có một tuần tự nhất định trong việc vun bồi bốn phạm trú, với từ là phạm trú đầu tiên, bởi vì mỗi phạm trú là trợ duyên cho những phạm trú sau nó2. Ta đọc trong “Chú giải bộ Pháp tụ” (cùng phần, 196) lý giải tại sao tứ vô lượng tâm là vô lượng: 

Và bởi vì tất cả các tâm này đều sinh khởi trong một lãnh địa không thể đo lường được, nên chúng được gọi là “Vô lượng. lãnh địa (đối tượng) của chúng được tạo bởi một lượng vô hạn các chúng sinh”.

Ta không nên nghĩ rằng mình đã vun bồi đủ tâm từ khi ta ít giận dữ hơn hoặc khi ta có tâm từ chỉ với một số người. Điều này là không đủ. Khi gặp gỡ những người khác, ta cần nhớ rằng mình nên trải tâm từ, tâm bi, tâm hỷ hay tâm xả đến họ, tùy từng hoàn cảnh, và rằng không nên có giới hạn về phạm vi. Ta không nên giới hạn việc trải rộng tứ vô lượng tâm trong một số người cụ thể. Ta có thể tự mình kiểm chứng liệu chúng ta có sẵn sàng phát triển tứ vô lượng tâm và luôn trải rộng đến những người khác hay không. Đây là cách để sống như các vị Phạm thiên.

“Chú giải bộ Pháp tụ” (Cuốn I, Phần V, Chương XIII, Phạm trú, đoạn 196) sử dụng phép ẩn dụ để nói về Tứ vô lượng tâm. Tâm từ giống như một đứa con thơ dại, tâm bi giống như một đứa con đau yếu, tâm hỷ giống như một đứa con đang ở tuổi thiếu niên và tâm xả giống như một đứa con biết tự lo cho mình.

Tâm từ giống như một đứa con thơ dại, mọi người đều mong muốn nó lớn lên sẽ khỏe mạnh và thành công, nhưng chúng ta cần có tâm từ không chỉ với trẻ thơ. Tất cả đều giống như một đứa trẻ mà một người nên giúp đỡ, và bằng cách ấy chúng ta có thể cảm nhận được tâm từ thực sự đối với tất cả mọi người. Tuy nhiên, đây chỉ là một phép ẩn dụ để giúp ta hiểu về đặc tính của tâm từ. Tâm từ giống như cách cư xử của người mẹ đối với đứa con còn nhỏ dại và cần sự chăm sóc của người mẹ để lớn khôn. Tương tự như vậy, chúng ta nên giống như một người mẹ hiền từ giúp đỡ người khác.

Tâm bi giống như một đứa con đau yếu. Một người mẹ có đứa con đau yếu cố gắng săn sóc để nó được chữa trị, thoát khỏi khổ đau và bệnh tật. Khi ta thấy những người khác, không chỉ riêng con trẻ, ta mong muốn họ thoát khỏi đau khổ và đó là tâm bi. Chúng ta không nên giới hạn tâm bi trong những con người cụ thể, tâm bi phải là vô hạn.

Tâm hỷ là sự tùy hỷ với hạnh phúc an sinh của người khác. Nó được so sánh với niềm vui của bố mẹ khi có một đứa con đang ở độ tuổi thiếu niên và mong cho đứa trẻ còn được tận hưởng những điều tốt đẹp của thời niên thiếu trong một thời gian dài.

Tâm xả giống như một đứa con có thể biết tự lo cho mình, không còn là gánh nặng đối với cha mẹ, và cha mẹ không phải tác động đến mỗi việc làm của đứa con nữa.

Nếu tứ vô lượng tâm được thực hành theo những cách đã nói ở trên, phiền não có thể được tận diệt và trí tuệ có thể được vun bồi để biết điều gì là lợi ích và điều gì là bất lợi. Tứ vô lượng tâm là vô cùng cao quý, nhưng chúng ta nên kiểm chứng liệu chúng ta thực sự có từ, bi, hỷ và xả hay không. Chúng ta nên nhớ rằng vun bồi trí tuệ và đoạn tận phiền não cần một thời gian dài vô tận.

Như ta đã thấy, bi nghĩa là mong muốn diệt trừ khổ đau nơi chúng sinh. Tuy nhiên, bởi trí tuệ không ở mức độ thành tựu của một vị Phật toàn giác, chúng ta không thấu hiểu đặc tính thực sự của khổ, dukkha. Chúng ta không thấu hiểu trọn vẹn cái khổ của sinh, lão, bệnh, tử, khổ do vô thường biến hoại mà các chúng sinh đều phải chịu đựng. Sự sinh và diệt của các thực tại là Khổ đế, đây mới là khổ thực sự. Tâm bi thực sự dưới góc độ khổ này thuộc một phạm trù khác và chỉ có thể được viên mãn bởi một vị Phật3. Trong cuộc sống hàng ngày của mình, ta thường không nhận ra sự cực khổ của việc tái sinh trong vòng sinh tử luân hồi. Thật khó để chúng ta có được tâm bi thực sự xét từ góc độ này, và vì vậy, có nhiều cơ hội hơn cho tâm từ sinh khởi. Khi thấy các chúng sinh và con người khác, chúng ta có thể trải tâm từ tới họ và giúp đỡ họ với tâm từ. Tuy nhiên, có thể rằng có những người khác nằm ngoài khả năng giúp đỡ của ta. Nếu chúng ta đã phát triển tuệ giác, chúng ta có thể có tâm xả và quân bình. Chúng ta có thể bình thản và đối xử công bằng với người lương cũng như kẻ ác. Đây là ba la mật tâm xả.

Chúng ta đọc trong “Chú giải bộ Pháp tụ”  về Tứ vô lượng tâm (Quyển I, Phần V, Chương XIII, Phạm trú, đoạn 193):

“…tâm từ (mettā) có đặc tính là một chuỗi những hành vi mang lại lợi ích; phận sự hay thuộc tính là mang lại điều tốt lành; biểu hiện hay hiệu quả là loại bỏ sự hận thù; cận nhân là thấy được sự đáng yêu của các chúng sinh. Tuyệt đích (thành tựu) của tâm từ là làm lắng dịu ác ý; thất bại của tâm từ là phát sinh tham ái.”

Chúng ta nên nhớ rằng thiện và bất thiện có thể có biểu hiện tương tự nhau. Do vậy, chúng ta phải thường xuyên nhận rõ các đặc tính của thực tại để biết liệu mình đang vun bồi thiện pháp hay chỉ là bất thiện pháp sinh khởi.

Chúng ta đọc về bi như sau:

Bi (pity) có đặc tính tiến tới cách thức diệt trừ khổ đau; phận sự hay thuộc tính của bi là không chịu đựng được (khi chứng kiến) những người khác đau khổ; biểu hiện/thành tựu của bi là sự ân cần tử tế; cận nhân của bi là thấy được nhu cầu của những người đang gặp khổ đau. Thành tựu của bi là làm lắng dịu bạo tàn; thất bại của bi là phát sinh buồn khổ.”

Chúng ta đọc về hỷ:

H đặc tính vui mừng; phận sự hay thuộc tính của hỷkhông ghen tị; biểu hiện/thành tựu của hỷ là diệt trừ bất mãn; cận nhân của hỷ là thấy trạng thái thành công thịnh vượng của các chúng sinh khác. Thành tựu của hỷ là làm lắng dịu sự chán ghét; thất bại của hỷ là phát sinh chế nhạo).” 

Thật khó để phân biệt giữa hỷ và dính mắc, tham ái. Khi chúng ta xúc động và hoan hỷ với những thành công, danh dự và tiếng tăm của ai đó, có thể có tham chứ không phải là hỷ.

Chúng ta đọc về xả:

“X có đặc tínhtiến tới cách thức trung hòa đối với các chúng sinh; phận sự của xả thấy được sự bình đẳng nơi các chúng sinh; biểu hiện/thành tựu của xả là làm lắng dịu cả sân và tham; cận nhân của xảthấy được tính kế thừa của nghiệp đang tạo tác như sau ‘các chúng sinh là kẻ thừa tự nghiệp của chính mình”. Do ảnh hưởng của nghiệp, họ sẽ được hưởng lạc, hoặc thoát  khổ , hoặc không mất đi thành công mà họ đã đạt được’. Thành tựu của xả lắng dịu sântham; thất bại của xả là phát sinh trạng thái thờ ơ si ám liên hệ đến đời sống tại gia. 

Thờ ơ si ám là sự dửng dưng, thiếu quan tâm đi kèm với căn si, moha. Khi chúng ta vô minh, chúng ta không biết các thực tại như chúng là và khi đó chúng ta không thể hiểu về nghiệp, cái tạo ra các quả tương ứng.

Khi diễn tả về xả “liên hệ đến đời sống tại gia”, điều này có nghĩa là, dựa trên đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm, như vậy đều là các đối tượng ngũ dục. Khi chúng ta thấy cái xuất hiện qua mắt và cảm giác dửng dưng, dường như đang không có tham hay sân, nhưng chúng ta không nên tin rằng nó nhất định là thiện.  Đó là sự thờ ơ “liên hệ đến đời sống tại gia” bởi tại những khoảnh khắc như vậy, chúng ta không biết sự thật. Chúng ta không thể diệt trừ phiền não nếu  không nghe Pháp và không hiểu Pháp; nếu không có trí tuệ biết về đặc tính của các thực tại như chúng là. Sự thờ ơ chính là kẻ thù gần4 của xả vô lượng tâm khi chúng ta không suy xét điều gì là đúng và điều gì là sai, và chúng ta không thẩm sát bản chất thực của các thực tại đang xuất hiện.

Suy nghĩ của chúng ta về những người khác và hành động của họ có thể được thúc đẩy bởi tứ vô lượng tâm từ, bi, hỷ, xả. Khi mọi người thấy ai đó phạm ác nghiệp gây tổn hại cho xã hội, họ phẫn nộ và hi vọng người ấy sẽ phải nhận quả tương ứngvới nghiệp mà mình đã tạo.

Tuy nhiên, một người nên suy xét loại tâm gì thúc đẩy suy nghĩ của mình, liệu người ấy nghĩ với tâm từ, bi, hỷ hay xả. Khi một ai đó phải nhận quả của nghiệp bất thiện, anh ta rối ren và tuyệt vọng, hoặc anh ta phải chịu khổ, mọi người sẽ thấy cảm thông cho anh ta. Nhưng trên thực tế, họ nên có tâm từ và bi cho anh ta tại khoảnh khắc anh ta tạo nghiệp bất thiện, cái là nhân cho quả trong tương lai. Nếu ai đó thông cảm với anh ta khi anh ta phải nhận quả không như ý muốn, sự thông cảm đó là quá muộn rồi.

Nếu chúng ta là một người bạn thực sự, chúng ta có thể giúp đỡ một người thoát khỏi những suy nghĩ và việc làm bất thiện để có được thiện hành thay vì bất thiện hành.

Dưới góc độ tối hậu, không có chúng sinh hay con người, chỉ có các thực tại sinh và diệt, mỗi thực tại có một đặc tính riêng. Chúng ta nghĩ về các tình huống và con người khác nhau với tâm thiện và bất thiện. Chúng ta nên biết về sự khác biệt giữa thiện và bất thiện. Nếu chúng ta sống tùy Pháp, chúng ta sẽ vun bồi trí tuệ và các loại thiện pháp. Chúng ta sẽ ngay lập tức biết được tại khoảnh khắc nào chúng ta không có tâm từ mà thay vao đó là bất thiện. Và rồi, chúng ta sẽ có thể có từ tâm ngay lập tức cho dù đối với một người xử sự như kẻ thù. 

Chú thích

1.Ví dụ, trong “Tiểu bộ Kinh”, IX, “Kinh Lòng từ”

2.Ta đọc trong Chú giải bộ Pháp tụ Atthasālinī (Quyển I, Phần V, Chương XIII, Phạm trú, đoạn 196) rằng một người tu tập vô lượng tâm, sau khi người ấy làm việc thiện vì các chúng sinh khác, nuôi dưỡng bi khi họ bị khổ đau xâm chiếm. Và rồi, sau khi thấy được sự thịnh vượng của những người đã cầu xin an lạc và thoát khỏi khổ đau, anh ta nên trau dồi hỷ bằng việc tùy hỷ với thành công của họ. Cuối cùng, người ấy nên thực hành xả bởi vì sẽ không còn việc gì phải làm nữa (sau khi đã tu tập tam vô lượng tâm đầu tiên) và anh ta nên tiếp tục bằng con đường của trung dung và quân bình.

3.Đức Bồ tát muốn đạt được Phật quả để có thể giúp đỡ các chúng sinh thoát khỏi vòng sinh tử luân hồi. Điều này đã được nói trong Chú giải Hạnh tạng rằng các ba la mật mà ngài đã vun bồi đi kèm với bi và những phương tiện thiện xảo. Chúng ta đọc: “Đặc tính, chức năng, biểu hiện và nhân gần của các ba la mật là gì? Trước tiên, tất cả các ba la mật, không có ngoại lệ, có đặc tính làm lợi cho người khác; chức năng/phận sự của ba la mật là giúp đỡ người khác hoặc không bị chao động; biểu hiện/thành tựu của các ba la mật là mong muốn an sinh cho người khác, hoặc quả vị Phật; và cận nhân của các ba la mật là tâm đại bi, hoặc tâm bi và các phương tiện thiện xảo.

4.Thanh tịnh đạo, chương IX, 98-101 đề cập đến kẻ thù gần và kẻ thù xa của tứ vô lượng tâm. Kẻ thù xa của tứ vô lượng tâm là các pháp đối nghịch và kẻ thù gần của chúng là các phẩm chất tưởng như là tứ vô lượng tâm nhưng thực tế lại là các pháp bất thiện. Các phẩm chất này dường như giống tứ vô lượng tâm và ta dễ nhầm lẫn cho rằng chúng là tứ vô lượng tâm. Như đối với trường hợp của tâm xả, kẻ thù gần chính là vô minh liên hệ đến đời sống tại gia, “vì cả hai đều có đặc tính chung là bỏ qua xấu tốt”. Thanh tịnh đạo giải thích rằng khi thấy đối tượng thị giác, “xả khởi lên nơi kẻ vô văn phàm phu…” Đó không phải xả vô lượng tâm, cái là sự quân bình.

 

Leave a Reply

Translate »