Tìm hiểu mười Ba la mật- Chương 6: Kham Nhẫn Ba la mật

Chương 6

Kham nhẫn Ba la mật

Chú giải cuốn “Hạnh Tạng” định nghĩa kham nhẫn ba la mật như sau:

“Kham nhẫn có đặc tính chấp nhận; chức năng/phận sự của kham nhẫn là chịu đựng đối tượng khả ái và bất khả ái; biểu hiện/thành tựu của kham nhẫn là độ lượng hay không đối kháng; cận nhân của kham nhẫn là thấy mọi thứ như chúng thực là.”

Kham nhẫn ba la mật có ý nghĩa rất rộng. Kham nhẫn cần được vun bồi, không chỉ với đối tượng bất khả ái mà cả với đối tượng khả ái. Chúng ta cần có kham nhẫn với đối tượng khả ái để tham ái không sinh khởi, để không có dính mắc và vui thú trong đối tượng thị giác cũng như các đối tượng ngũ căn hiện khởi khác.

Khanti hay kham nhẫn là thiện, đó là một pháp tịnh hảo (sobhana) không sinh khởi cùng tâm bất thiện, với tâm tham căn, mà sinh khởi với tâm thiện. Tuy nhiên, mọi người cũng có thể có sự kiên trì theo cách bất thiện, và đó là kiên trì kèm với tham khi muốn đạt được một cái gì đó. Một số người có thể có khả năng chịu đựng bất cứ điều gì để có thể đạt cái mình mong muốn, kể cả phải thức khuya hay trắng đêm. Tuy nhiên, liệu ta có thể nhẫn nại như vậy để vun bồi thiện pháp hay không? Nhẫn nại với sự vun bồi thiện pháp là kham nhẫn ba la mật, khanti pāramī. Với kham nhẫn ba la mật, ta có thể chịu đựng nóng hoặc lạnh. Điều đó có nghĩa là, mặc thời tiết nóng hay lạnh, tâm bất thiện không sinh khởi, rằng ta không thấy khó chịu hay bất an. Ta cần biết đặc tính của tâm sinh khởi ở những khoảnh khắc ấy, ta cần biết liệu đó là thiện hay bất thiện. Có tham hay sân với thời tiết không? Nếu ta thích, đó là tham và nếu ta không thích thì đó là sân, và trong cả hai trường hợp kham nhẫn ba la mật không sinh khởi. Kham nhẫn ba la mật là sự nhẫn nại kèm với an tịnh thực sự ở khoảnh khắc ấy, không thích thú hay khó chịu.

Khi đối tượng thị giác xuất hiện, nhãn thức nhận biết nó, và có thể có hiểu biết rằng không có chúng sinh, con người hay tự ngã nào. Nếu ta không có kham nhẫn để hay biết đặc tính của pháp chân đế hiện khởi, ta không thể đạt tới bến bờ giác ngộ, tức niết bàn.

Nếu ta không có nhẫn nại đối với tham và sân, các phiền não không thể được tận diệt. Nếu ta thiếu kham nhẫn, ta không thể đạt tới bờ giác ngộ, tới niết bàn, ta không thể xuyên thấu Tứ Thánh Đế. Học về mười ba la mật sẽ giúp chúng ta kiểm tra xem liệu mình có đang vun bồi các ba la mật còn thiếu, và nếu ta thấy được giá trị và ý nghĩa của chúng, sẽ có duyên cho chúng lớn mạnh và phát triển.

Ta cần kiên nhẫn khi thẩm sát và suy xét các thực tại một cách kỹ lưỡng để có được hiểu biết đúng về chúng và thực hành theo cách đúng đắn. Nếu không có hiểu biết đúng, không có duyên cho sự sinh khởi của chánh niệm hay biết về các đặc tính của các pháp chân đế hiện khởi.

Khanti là sự nhẫn nại và tiết chế đối với tâm bất thiện sinh khởi. Nếu chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi, kham nhẫn ba la mật sẽ càng tinh tế hơn. Chúng ta cần nhẫn nại và kiên trì, bởi tâm bất thiện thường xuyên sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày. Kham nhẫn trong cuộc sống hàng ngày của ta là “adhivāsanā khanti”. Từ Pali adhivasati có nghĩa là cư trú (vāso có nghĩa là ở), và adhivāsanā khanti có nghĩa là chấp nhận và nhẫn nại với điều kiện sống, môi trường, nơi cư ngụ, tức là với pháp ở mỗi khoảnh khắc. Thay đổi nhiệt độ nóng hoặc lạnh là môt ví dụ. Nếu chánh niệm-tỉnh giác không sinh khởi, ta có thể nói, “nóng quá”, và khi ấy tâm bất thiện có lẽ đã sinh khởi rồi. Nếu chánh niệm-tỉnh giác đã tinh tế hơn, ta có thể thấy được liệu lòng nhẫn nại của mình với môi trường sống còn thiếu hay nó đã lớn mạnh và phát triển.

Kham nhẫn ba la mật có thể được vun bồi khi chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi và biết đặc tính của tâm ở khoảnh khắc ấy. Nếu chánh niệm-tỉnh giác hay biết tâm bất thiện, khi ấy có duyên cho sự sinh khởi của tâm thiện thay cho tâm bất thiện. Một người có thể có thói quen phàn nàn, nóng nẩy, nhưng nếu chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi, anh ta có thể tiết chế bất thiện và như vậy, kham nhẫn ba la mật có thể được vun bồi thêm. Trong cuộc sống đời thường ta cần rất nhiều kham nhẫn, bởi ngoài sự nhẫn nại với môi trường hay điều kiện sống, ta cần nhẫn nại và độ lượng với những người có các tính cách và thói quen khác nhau. Những người có thói quen làm mọi việc rất nhanh phải kiên nhẫn với những người chậm chạp trong hành động. Chúng ta có thể gặp ai đó có hành vi ngang ngược, nhưng ta cần nhẫn nại và độ lượng với anh ta và không cằn nhằn về anh ta. Nếu chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi, sẽ có duyên cho sự tiết chế với việc chỉ trích hay trách móc người ấy, để có từ tâm và có thể dẫn dắt, hỗ trợ và khuyên bảo người ấy một cách đúng lúc. Như vậy ta thấy rằng kham nhẫn ba la mật không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày.

Chúng ta phải có kham nhẫn và kiên trì trong hành vi và cách đối nhân xử thế. Chẳng hạn, khi mọi người du hành cùng nhau, sẽ phải có những khó khăn liên quan tới ghế ngồi, chỗ ngủ, xe cộ và giờ hẹn. Khi một người không cằn nhằn và chỉ trích, khi người ấy có sự cảm thông và giúp đỡ những người khác, các bạn đồng hành sẽ cảm mến và khen ngợi anh ta. Khi các pháp bất thiện, trong đó có tham và sân sinh khởi thì không có kham nhẫn, còn khi tâm thiện sinh khởi ta có thể nhẫn nại với các tình huống khó khăn.

Một người có được tính kham nhẫn là bởi các tâm sở tịnh hảo (các phẩm chất thiện sinh kèm với tâm thiện) của người ấy đã được vun bồi. Không có con người, chúng sinh hay tự ngã nào kham nhẫn.

Chúng ta cũng có thể có kham nhẫn với chính lời nói của mình. Trước khi bắt đầu nói, ta cần suy xét liệu những gì mình định nói có lợi ích hay không. Nếu đó là lời nói vô ích ta cần có kham nhẫn và tránh việc nói ra. Chánh niệm-tỉnh giác đảm nhận chức năng của mình ở những tình huống ấy và ta cần thẩm sát xem nó đã được vun bồi thêm hay chưa.

Chúng ta đọc trong “Chú giải Hạnh tạng “(Tiểu Bộ Kinh):

“Kham nhẫn ba la mật phải được suy xét như sau: Kham nhẫn là vũ khí vô đối của chánh nhân trong sự vun bồi các phẩm chất cao thượng, bởi nó làm tan biến giận dữ, cái là đối nghịch với những phẩm chất ấy, không dư sót. Đó là phục sức của những người có năng lực chiến thắng kẻ thù; là sức mạnh của các sa môn và bà la môn; là dòng nước dập tắt lửa hận; là căn bản để có được tiếng tăm; là thần chú để dẹp yên lời nói độc ác của kẻ xấu; là thượng nguồn của sự nhất quán nơi bậc giới hạnh. Kham nhẫn là một đại dương bởi độ thâm sâu của nó; một bến bờ ngăn chặn đại dương của thù hận; một tấm chắn bịt cửa xuống cõi khổ; một chiếc thang dẫn lên cõi giới của các chư thiên và phạm thiên; là mảnh đất cư ngụ của tất cả các phẩm chất cao thượng; là sự thanh lọc tối thượng của thân, khẩu, ý.”

Như chúng ta đọc, kham nhẫn là “vũ khí vô đối của chánh nhân”: bất thiện có thể bị tiêu diệt khi ta chánh nghĩa. Khi kham nhẫn sinh khởi, ta không bị bất an, bởi lẽ kham nhẫn không thể hãm hại người chánh nghĩa. “Kham nhẫn là vũ khí vô đối của chánh nhân trong sự vun bồi các phẩm chất cao thượng, bởi nó làm tan biến giận dữ, cái là đối nghịch với những phẩm chất ấy, không dư sót.”

Nếu ta có thể kham nhẫn, sân hận sẽ không thể sinh khởi, sẽ không có tà ngữ, dù chỉ một chút. Ta sẽ không nói ra những lời giận dữ. Như ta đã đọc, kham nhẫn là “phục sức của những người có năng lực chiến thắng kẻ thù.” Có thể ta phục sức ngập ngụa với những thứ làm đẹp, nhưng nếu hành động và lời nói của ta xấu xa, ta không phải là người đẹp. Không sân hận hay kham nhẫn là phục sức của những người có thể chinh phục kẻ khác; với loại phục sức này, ta đẹp và không cần tới các loại phục sức khác. Tuy nhiên, nếu thiếu kham nhẫn, hành động và lời nói của ta sẽ xấu xí.

Kham nhẫn là “sức mạnh của các sa môn và bà la môn.” Đó là đắc lực (bala sampadā) của một người điềm tĩnh.  Một người điềm tĩnh không bị phiền nhiễu hay rắc rối với bất kỳ ai, và vì vậy, sự an tịnh ly bất thiện pháp là sức mạnh của các sa môn và bà la môn.

Kham nhẫn là “dòng nước dập tắt ngọn lửa hận.” Nếu ta giận dữ, giận dữ có thể được chế ngự bởi kham nhẫn ba la mật. Ở những khoảnh khắc ấy, ta tích lũy các duyên để việc tiết chế khỏi bất thiện sẽ dễ dàng hơn.

Kham nhẫn là “căn bản để có được tiếng tăm, là thần chú để dẹp yên lời nói độc ác của kẻ xấu.”

Khi ta giận dữ và nói những lời độc ác, bản thân ta là kẻ xấu. Bất cứ ai nói ra những lời độc ác đều là kẻ xấu. Kham nhẫn là một thần chú, một liều thuốc giải độc, tức là lời nói của kẻ xấu.

Kham nhẫn là “thượng nguồn của sự nhất quán nơi các bậc giới hạnh.”

Kham nhẫn là bản chất của những người với trí tuệ tối thượng. Để có thể vun bồi trí tuệ, cần phải có lòng kiên nhẫn vô hạn: kiên nhẫn để nghe Pháp và suy xét về pháp thật chi tiết để có thể hiểu ý nghĩa sâu xa của Giáo lý và lợi ích của nó. Nhờ vậy ta sẽ biết rằng chỉ nghe thôi chưa đủ mà còn cần áp dụng Giáo lý. Nếu ai đó muốn có trí tuệ, trước hết anh ta phải kiên trì và tích lũy kham nhẫn ba la mật.

Như ta đọc: “Kham nhẫn là một đại dương bởi sự thâm sâu của nó.”

Kham nhẫn rất thâm sâu. Bất thiện sinh khởi thường xuyên hơn thiện. Khi chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi, người ta nhận ra bất lợi của tâm bất thiện và có sự kham nhẫn để xa lìa bất thiện ấy, dù đó là tham, sân, ghen tỵ, bủn xỉn hay ngã mạn. Điều ấy chỉ ra rằng kham nhẫn thật sâu xa. Nếu một người không có hiểu biết, người ấy không thể phát triển kham nhẫn ba la mật. Kham nhẫn ba la mật và chánh niệm-tỉnh giác rất vi tế và tinh xảo, chúng là duyên cho sự tiết chế bất thiện pháp.

Kham nhẫn là “bến bờ ngăn chặn đại dương của thù hận; tấm chắn bịt cửa xuống cõi khổ.”

Nhiều người sợ hãi các cõi khổ và họ tạo thiện pháp để không bị tái sinh ở đó. Tuy nhiên, nếu ta không muốn bị tái sinh ở một cõi ác, ta cần kham nhẫn và tránh xa bất thiện, bởi kham nhẫn là “tấm chắn bịt cửa xuống địa ngục”.

Kham nhẫn là “bậc thang dẫn lên cõi giới của các chư thiên và phạm thiên; là mảnh đất cư ngụ của tất cả các phẩm chất cao thượng; là sự thanh lọc tối thượng của thân, khẩu, ý.”

Ta cần suy xét đi suy xét lại liệu chúng ta đã có thêm kham nhẫn trong mỗi tình huống của cuộc sống. Khi ta rèn luyện thường xuyên các phẩm chất tốt – các tâm sở tịnh hảo, vun bồi chúng, chúng sẽ trở thành bản chất tự nhiên của chúng ta. Một số người bản chất kham nhẫn hơn những người khác, và điều này chỉ ra rằng họ đã phát triển mọi loại phẩm chất thiện.

Chúng ta đọc tiếp trong Chú giải:

“Kham nhẫn cần tiếp tục được củng cố bằng suy tư: ‘Người thiếu kham nhẫn trên thế giới này thường đau khổ và làm những hành động đưa tới khổ đau trong kiếp sau.’ Và: ‘Mặc dầu khổ đau này sinh khởi qua việc làm sai trái của người khác, nhưng thân ta chính là mảnh ruộng cho khổ đau ấy, và hành động tạo mầm cho nó đã bị chính ta gieo.’ Và ‘Khổ đau này sẽ trả món nợ nghiệp ấy của ta.’ Và ‘Nếu không có người làm sai trái, làm sao ta có thể vun bồi kham nhẫn ba la mật?’”

Nếu ai đó làm ta buồn hay tổn hại, ta không nên tức giận, mà cần nhận ra rằng đó lại là một cơ hội vun bồi kham nhẫn ba la mật để nó trở nên hoàn mãn.

Ta đọc:

“Mặc dầu bây giờ anh ta làm điều sai, trong quá khứ anh ta đã là ân nhân của mình.” Và: “Người làm điều sai cũng là ân nhân, vì người ấy là cơ sở để vun bồi kham nhẫn.”

“Mọi chúng sinh đều như con cái của ta. Có ai giận dữ về những lầm lỗi của con cái mình không?”

Nếu ta coi người ta đang giận như con của mình, liệu ta có còn tiếp tục giận dữ với anh ta hay không? Nếu suy niệm về điều này, ta có thể thấy rằng những gì đã nói trong Chú giải là đúng.

Chúng ta đọc:

Tất cả những pháp qua đó điều sai trái được tạo, và những pháp là đối tượng của những sai trái đó, tất cả, ở ngay khoảnh khắc này, đã diệt.”

Bất kỳ ai làm điều gì sai với ta hoặc làm ta tổn hại, việc làm của người ấy đã diệt đi rồi ngay khi đó, và vì thế ta không nên tiếp tục giận dữ. Ở khoảnh khắc này, người đó không làm điều sai với ta nữa; chúng ta không nên nghĩ về những thứ đã qua đi và tiếp tục giận dữ. Nếu ta suy tư về sự thật theo cách đúng đắn, ta sẽ hiểu rằng những pháp qua đó điều sai trái được tạo, và những pháp là đối tượng của những sai trái đó đã diệt ở ngay khoảnh khắc này.

Chúng ta đọc:

“Vậy, với ai, bây giờ bạn nên giận dữ, và ai là người làm giận dữ khởi sinh? Khi các pháp là vô ngã, ai là người có thể làm điều không phải với ai?”

Nếu một người đã nghe Pháp, người ấy có hiểu biết hơn người chưa nghe Pháp. Vì thế, anh ta cần nhận ra rằng, sẽ không đúng khi nổi giận chỉ vì một người thiếu hiểu biết đã làm điều sai trái. Tại sao anh ta lại phải giận dữ với người thiếu hiểu biết? Nếu anh ta nhớ được điều này, anh ta sẽ tích lũy kham nhẫn ba la mật, anh ta không giận và có thể tha thứ cho người đó.

Chúng ta đọc:

“Khi người làm điều sai có những phẩm chất cao thượng, ta không nên giận dữ với anh ta. Khi anh ta không có những phẩm chất cao thượng, ta nên khởi bi mẫn với anh ta. Do tức giận, danh tiếng và các phấm chất cao thượng trong ta suy giảm, và kẻ thù sẽ thích thú khi ta trở nên xấu xí, ngủ không yên, v.v…”

Khi một người giận dữ, tiếng tốt về anh ta và các phẩm chất cao thượng sẽ biến mất. Khi anh ta bộc lộ hành vi không đúng đắn do giận dữ, ta có thể thấy bất lợi của nóng nảy và lợi ích của kham nhẫn.

Ta đọc:

“Sân là kẻ thù thực sự duy nhất, vì nó là tác nhân của mọi tổn hại và kẻ hủy diệt của mọi tốt lành.” Và: “Khi một người có kham nhẫn người ấy không có kẻ thù.”

Chúng ta vẫn có bất thiện, chúng ta có phiền não và những thứ ấy làm duyên cho sự sinh khởi của những điều bất khả ái. Tuy nhiên, chúng ta nên biết liệu người mà ta đang giận có những phẩm chất tốt hay không. Nếu người ấy có thì ta không nên giận nữa.

Nếu người ấy hành xử không đúng, ta nên có bi mẫn với người ấy. Nếu tâm thiện sinh khởi cùng chánh niệm-tỉnh giác, đó là duyên cho kham nhẫn lớn mạnh.

Chúng ta đọc trong “Hạnh tạng” (Tiểu Bộ Kinh), II, 5, “Hạnh của ngưu ma vương” rằng đức Bồ tát tái sinh thành một con trâu1. Một con khỉ tiểu tiện bốn lần lên vai, trán và lông mày của Bồ tát. Một Dạ xoa khuyên ngài giết chết con khỉ đó, nhưng đức Bồ tát không vì giận mất khôn. Ngài muốn giữ giới thanh tịnh và không giết con khỉ đó.

Ngài ước nguyện có được chánh biến tri. Ngài nói:

“Ðây là điều khôn ngoan, tha thứ sự bất kính giữa những người ở bậc hạ, trung, thượng, như vậy tâm Như Lai thành đạt, phù hợp với hạnh nguyện của Như Lai.” 

Một người hiền trí sẽ có kham nhẫn và có thể chịu đựng được các lời nói khinh bỉ, dù những lời ấy được nói ra bởi một người ở địa vị cao hơn, thấp hơn hay bởi một kẻ xấu, bởi lẽ ta phải phát triển kham nhẫn với tất cả mọi người.

Ta đọc trong Chú giải của “Hạnh Tạng”, về “Giới hạnh của Devaputta2 về kiếp đức Bồ tát tái sinh là Dhamma (Chánh Pháp), một Thiên tử (con trai của một chư thiên), và Devadatta là Adhamma (Tà Pháp).

Vào ngày Bố tát (Uposatha), Dhamma hiện lên trước con người và truyền bá về những điều đúng đắn, tức là mười phước thiện (thập thiện), còn Adhamma truyền bá về thập ác. Một ngày, thiên xa của hai vị gặp nhau trong không trung, và người nào cũng tuyên bố con đường của mình là đúng.

Chúng ta đọc trong “Tiền Thân Dhamma” (số 457) về cùng một câu chuyện, rằng Adhamma nói với Dhamma, so sánh mình với sắt còn thiên tử Dhamma với vàng:

Nhờ sắt, mà vàng được đập ra,
Lấy vàng đập sắt, thấy bao giờ?
Nếu Tà đánh Chánh mà Tà thắng,
Sắt đẹp như vàng chẳng kém thua.

Chúng ta đọc trong chuyện Tiền Thân rằng Dhamma đã trả lời với bài kệ sau:

Nếu ngài chiến đấu thật hùng cường,
Lời nói ngài dẫu chẳng thiện chơn,
Ta sẽ thứ tha lời ác ấy,
Và dù không muốn, phải nhường đường.”

Dhamma không muốn nổi nóng, và theo Chú giải, ngài sinh khởi kham nhẫn, từ tâm và bi mẫn. Ngài nhường đường cho Adhamma, nhưng mặt đất đã nứt ra và nuốt Adhamma vào lòng.

Như ta đọc, Adhamma có thể giết chết Dhamma, giống như sắt có thể đập vàng, trong khi vàng không thể đập sắt. Những người đứng về phía Adhamma, những người tà nghĩa, cho rằng mình giống sắt và có thể khiến sắt đẹp như vàng, và vì vậy, họ khiến bất thiện trông như một điều tốt.

Khi một người làm điều sai trái, người ấy dễ bị xã hội lên án. Nếu ta tin rằng mình cũng cần tham gia vào việc phán xét và lên án người ấy thì tâm lại là bất thiện, và như vậy, ta đã đứng về phía Adhamma chứ không về phía Dhamma. Nếu chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi, ta có thể có tâm từ và kham nhẫn; ta có thể tránh việc lên án người khác, và như vậy sân hận và các loại bất thiện khác không sinh khởi.

Như ta đọc, Dhamma đã trả lời rằng mình sẽ kham nhẫn và chịu đựng những lời thô ác của Adhamma. Chúng ta đọc trong Chú giải cho “Hạnh Tạng”:

“Lại nữa, chỉ bậc hiền trí mới có thể kham nhẫn độ lượng với những sai trái của người khác, không phải kẻ độn trí. Với người thiểu trí, những sai trái của người khác chỉ làm dấy lên sự nóng nảy, còn đối với người trí, họ dùng tới lòng nhẫn nại của mình và làm nó càng lớn mạnh hơn.”

Từ giờ chúng ta sẽ sống như thế nào? Nếu có hiểu biết đúng, ta có thể độ lượng với những sai trái của người khác, nhưng nếu ta thiếu hiểu biết, nóng nảy sẽ tăng trưởng. Chúng ta đọc tiếp:

“Chỉ bậc hiền trí mới thuần thục trong việc mang tới an lạc cho mọi chúng sinh, không phân biệt người thân, người dưng và kẻ thù.”

Mọi lời dạy của Giáo lý đều lợi lạc. Chúng ta có thể thấy rằng, đức Phật giúp các đệ tử bằng việc thuyết giảng Giáo Pháp và liên tục sách tấn họ suy xét về lợi ích của thiện pháp. Chúng ta đọc trong kinh điển: “Chỉ bậc hiền trí mới thuần thục trong việc mang tới an lạc cho mọi chúng sinh, không phân biệt người thân, người dưng và kẻ thù.” Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, chúng ta cần thuần thục trong việc mang tới an lạc cho mọi chúng sinh, rằng chúng ta không nên thiên vị trong việc trợ giúp người khác, không chỉ giúp đỡ các thân hữu của mình.

Khi một người thực sự thuần thục, anh ta có đủ kham nhẫn để tác ý những gì lợi lạc. Khi sốt ruột, điều ấy không có lợi ích gì cho anh ta.

Chúng ta đọc trong Chú giải cho “Hạnh tạng”, “Hạnh của Akitti”:

Giới (sīla) được gọi là khổ hạnh (tapa) bởi vì nó đốt cháy3 ô nhiễm của bất thiện. Bởi sự lộng lẫy và năng lực của kham nhẫn ba la mật và tinh tấn ba la mật, các ba la mật này cũng được gọi là khổ hạnh, tapa: chúng đốt cháy ô nhiễm của tham ái và lười nhác. Đức Bồ tát vun bồi các ba la mật này tới mức độ tột đỉnh khi ngài ở trong kiếp này. Cần phải nói rằng ngài vun bồi chúng nhờ năng lực của tinh tấn ba la mật (khanti pāramittānubhāvena), bởi lẽ sự tiết chế nhờ kham nhẫn dẫn tới những gì tối thượng.

Thế tôn nói: “kham nhẫn là khổ hạnh tối thượng” (khanti paramaṃ tapo).”

Những từ đầu tiên trong “Tụng đọc Giới bổn” là “Kham nhẫn là khổ hạnh tối thượng.” Nếu thiếu kham nhẫn và bền bỉ, các ba la mật sẽ không thể đưa tới sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Chúng ta cần nghĩ về sự kham nhẫn của những con người thời đức Phật còn tại thế. Khi ta đọc Kinh và suy ngẫm chi tiết, chúng ta có thể thấy sự kham nhẫn và bền bỉ của những con người ở thời đó, họ áp dụng Giáo Pháp trong cư xử và thực hành.

Chúng ta đọc trong “Kinh Giới Phân Biệt” (Trung Bộ Kinh số 140):

“Như vầy tôi nghe.

Một thời, Thế Tôn du hành ở xứ Magadha (Ma- kiệt-đà), đi đến Rajagaha (Vương xá), đến nhà thợ gốm Bhaggava; sau khi đến nói với thợ gốm Bhaggava:

— Này Bhaggava, nếu không gì phiền phức cho Ông, Ta muốn ở tại chỗ này một đêm.

Bạch Thế Tôn không có gì phiền phức cho con. Ở đây đã có một vị xuất gia đến ở từ trước rồi. Nếu vị ấy thỏa thuận, bạch Thế Tôn, hãy ở lại tùy theo sở thích”.

Chúng ta có thể thấy sự kham nhẫn của đức Phật, ngài đã rong ruổi hoằng Pháp vì lợi ích của những người khác, giúp họ có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Ngài đã đi du hành Magadha (Ma kiệt đà), dừng lại ở thành Rājagaha (Vương Xá) và tới gặp người thợ gốm. Ngài không tới nơi tiện nghi và thoải mái. Ngài tới xin ngủ chỉ một đêm trong nhà người thợ gốm.

Ta đọc trong Chú giải của bài kinh này, cuốn “Papañcasūdanī” rằng người thợ gốm Bhaggava nghĩ:

Các bậc xuất gia có tâm tính khác nhau: một số ưa gần đạo hữu, một số khác thích độc cư.  Nếu vị tỳ kheo đầu tiên là người thích độc cứ, vị ấy sẽ nói: ‘Bạch ngài, xin ngài đừng vào đây, bởi lẽ tôi đã ở trong trú xứ này rồi’, và như vậy người tới sau sẽ bỏ đi. Nếu điều này xảy ra, hai người sẽ cãi cọ nhau. Như vậy, thứ đã được bố thí phải được suy xét như thế, và những gì đã làm không thể bị thay đổi.”

Chú giải nêu:

Vì thế, ông ta đáp: Bạch Thế Tôn không có gì phiền phức cho con. Ở đây đã có một vị xuất gia đến ở từ trước rồi. Nếu vị ấy thỏa thuận, bạch Thế Tôn, hãy ở lại tùy theo sở thích”.

Chúng ta đọc tiếp bài Kinh:

“Lúc bấy giờ, Thiện gia nam tử Pukkusati, do lòng tin, y cứ Thế Tôn đã xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình. Vị ấy đã đến ở trước tại trú xứ của thợ gốm. Rồi Thế Tôn đi đến Tôn giả Pukkusati; sau khi đến nói với Pukkusati:

— Này Tỷ-kheo, nếu không gì phiền phức cho Ông, Ta muốn ở lại trú xứ này một đêm.

— Rộng rãi, thưa Hiền giả, là trú xứ của thợ gốm. Tôn giả có thể ở, tùy theo sở thích.”

Chúng ta đọc trong Chú giải của bài Kinh:

“Đức vua Pukkusāti trị vì vương quốc của mình ở thành Takkasilā và đức vua Bimbisāra trị vì vương quốc của mình ở thành Rajagāha, cả hai cùng tuổi với nhau. Giữa họ có một mối thương mến sâu đậm, mặc dầu họ chưa từng gặp nhau. Tình đạo hữu của họ được thiết lập thông qua những lái buôn đi lại giữa hai nước để giao thương.

Đức vua Bimbisāra nhận được một món quà từ đức vua Pukkusāti là tám tấm vải quý, trong đó bốn tấm vua đem dâng cho Thế Tôn, và bốn tấm còn lại để sử dụng trong cung điện. Vua đã khởi lên ý nghĩ sau: ‘Khi ta gửi quà đáp, món quà ấy phải  hơn món quà mà vua Pukkusāti đã tặng ta trước đó. Bạn ta đã tặng ta một món quà vô giá, vậy ta phải gửi tặng gì cho ông ấy đây? Trong thành Rājagaha này không thấy có món quà nào quý hơn thế.’ Đức vua Bimbisāra có những phẩm chất cao thượng, và từ khi ngài trở thành một vị thánh Dự lưu, không gì khác ngoài Tam Bảo có thể làm ngài hoan hỷ. Ngài thốt lên mong ước lựa chọn “Bảo vật” để làm quà tặng cho đức vua Pukkusāti.

Thông thường có hai loại bảo vật4. Bảo vật vô tri như vàng, bạc v.v…Bảo vật hữu tri gắn liền với các căn (năng lực)5. Bảo vật vô tri được dùng để tô điểm cho bảo vật hữu tri. Trong hai loại bảo vật này, bảo vật hữu tri được coi là tối thượng.

Bảo vật hữu tri có hai loại: thú bảo vật và người bảo vật. Thú bảo vật bao gồm Voi-Báu và Ngựa-Báu được sử dụng để chuyên chở con người. Vì thế, Người bảo vật được coi là loại bảo vật tối thượng nhất.

Người bảo vật bao gồm hai loại: nữ bảo vật và nam bảo vật. Nữ bảo vật phục vụ cho bậc Chuyển Luân Vương6. Vì thế, nam bảo vật được coi là tối thượng trong hai bảo vật.

Nam bảo vật bao gồm hai loại:  tại gia bảo vật và xuất gia bảo vật. Bậc Chuyển Luân Vương là tối thượng trong các tại gia bảo vật, nhưng bởi vị ấy vẫn đảnh lễ năm vóc sát đất với cả một sa-di xuất gia trong ngày, xuất gia bảo vật được coi là tối thượng nhất.

Xuất gia bảo vật bao gồm hai loại “hữu học” và “vô học”7. Trong hai loại bảo vật xuất gia này, giá trị của cả một trăm ngàn bậc hữu học không bằng giá trị của một bậc vô học, và vì thế, bậc vô học được coi là bảo vật tối thượng nhất.”

Bậc hữu học (sekha), là các bậc thánh nhân từ mức độ Dự lưu tới Bất lai. Các bậc vô học (asekha) không còn cần tu học thêm và theo sự thực hành tận diệt mọi phiền não. Bậc vô học là vị A la hán.

Ta đọc trong Chú giải:

“Bảo vật vô học gồm hai loại: Phật bảo vật và đệ tử bảo vật. Trong số các loại bảo vật vô học, giá trị của hàng trăm ngàn đệ tử không bằng được giá trị của đức Phật. Vì thế, Phật bảo vật là tối thượng nhất. Phật bảo vật bao gồm hai loại: Phật Độc giác và Phật Toàn giác. Trong các Phật bảo vật, giá trị của một trăm ngàn Độc giác Phật không bằng được giá trị của một Toàn giác Phật. Vì thế, Toàn giác Phật bảo vật là tối thượng nhất.

Như vậy, như ai cũng biết, không có bảo vật nào so được với Phật bảo vật, trên thế giới này cũng như trên thế giới chư thiên.

Vua Bimbisāra, người là một vị thánh Dự lưu, nghĩ, ‘không gì quý báu hơn Tam Bảo’. Vì vậy, ngài đã hỏi các vị lái buôn dân thành Takkasilā, ‘trong nước các khanh có biết tới Phật Bảo, Pháp bảo và Tăng Bảo không?’

Các vị lái buôn từ Takkasilā nói, ‘Trong nước chúng thần, chưa ai từng được nghe về Tam Bảo. Tam Bảo có thể được thấy ở đâu ạ?’

Chính vì lẽ này mà đức vua Bimbisāra đã ra lệnh đúc một lá vàng dài bốn cubit (182cm), chiều ngang một gang tay và bề dày vừa đủ, không quá dày, không quá mỏng. Ngài gội đầu vào sáng sớm, thọ bát quan trai giới, ăn bữa sáng, và rồi cho khắc chữ lên tấm vàng lá. Các dòng chữ thuật lại các phẩm chất tuyệt hảo (ơn đức) của Đức Phật, về sự vun bồi ba la mật, về các phẩm chất tuyệt hảo của đức Pháp, ba mươi bảy phẩm trợ đạo, tứ niệm xứ, bát chánh đạo, các phẩm chất tuyệt hảo của đức Tăng và Quán niệm hơi thở.”

Ơn đức Tăng tại thời điểm đó là các phẩm chất của các bậc Thánh hài lòng với tứ vật dụng8, chế ngự các triền cái, chứng thiền, đắc thần thông, và trở thành “vĩ nhân” (mahā-purisa9). Vua Bimbisāra suy xét rằng mình đã tạo được món quà cao thượng hơn tất cả: khắc được các ơn đức Tam Bảo trên tấm vàng lá.

Chúng ta đọc trong Chú giải:

“Sau đó Ngài viết như sau: “Giáo Pháp của Đức Phật khéo thuyết, giải thoát chúng sinh khỏi khổ đau. Này bạn mến, nếu ngài có thể thực sự nắm bắt được Giáo lý ấy, mong ngài sẽ xuất gia!’

Đức vua cuốn xung quanh tấm lá vàng một tấm chăn lông thú mềm mại và đặt nó vào trong một chiếc hộp chắc. Chiếc hộp này lại được đặt vào một hộp khác bằng vàng, rồi hộp vàng lại được đặt vào một hộp bạc, và mỗi hộp lại được đặt tuần tự vào một hộp quý khác: bằng bạc, bằng ngọc trai, san hô, ngọc lục, pha lê, ngà voi, bằng mọi loại châu báu, và rồi đặt vào một hộp tre đan. Ngài cho hộp này vào một cái rương chắc, rồi đặt rương chắc vào một rương vàng, và rồi tuần tự vào các rương khác giống như với các hộp. Rương làm bằng mọi loại châu báu được đặt vào một chiếc rương bằng tre đan, và chiếc này được đặt vào một chiếc rương gỗ cứng. Như vậy, mỗi chiếc rương được đặt trong nhau theo cùng môt cách.

Chiếc hộp làm bằng mọi loại châu báu được đặt trong một chiếc hộp bằng tre đan được bọc bởi một tấm vải và niêm phong với con dấu hoàng gia. Đức vua ra lệnh cho các cận thần trang hoàng tượng báu, đặt ngai vua lên trên tượng, phủ lên đó chiếc lọng trắng nhiều tầng của hoàng gia, trang hoàng lộng lẫy đường phố cùng cờ xí, đảnh lễ với phấn thơm, hương và hoa suốt dọc đường mà lễ vật hoàng gia sẽ đi qua. Bản thân đức vua cũng phục sức công phu, bao quanh bởi quân đội mang theo nhạc cụ. Đức Vua tính rằng mình sẽ hộ tống lễ vật cho tới biên giới, và rằng mình sẽ trao chứng thư cho những người cận vệ để họ dâng nó lên đức vua Pukkusāti. Nội dung của bức thư đó như sau:

‘Khi ngài nhận được lễ vật này, xin đừng tiếp nhận nó trong hậu cung, mà hãy đi tới chánh điện hoàng gia và tiếp nhận ở đó.’

Khi đức vua đã trao bức chứng thư, ngài nghĩ, ‘bây giờ bậc Đạo sư đi tới nước láng giềng’, và đảnh lễ năm vóc sát đất, quỳ gối, áp tay và trán lên sàn và rồi trở về.”

Lễ vật thượng đẳng là Tam Bảo. Chúng ta đã gặp nhau kiếp này sau kiếp khác trong vòng sinh tử luân hồi, có kiếp là bạn, có kiếp là thù, cha mẹ hoặc quyến thuộc của nhau. Tuy nhiên, sinh ra làm những thiện bạn hữu cùng hợp tác để chia sẻ Giáo Pháp là lợi lạc nhất. Mỗi kiếp sống như vậy đáng quý hơn các kiếp sống khác trong vòng luân hồi, khi ta sinh ra ở một nơi khác không có cơ hội ấy.

Chúng ta đọc tiếp trong Chú giải:

“Về phía đức vua Pukkusāti, ngài đã sắp xếp trang hoàng bắt đầu từ khu vực biên giới. Ngài ra lệnh trang hoàng kinh thành để đón tiếp lễ vật của vua Bimbisāra. Khi lễ vật hoàng gia tới thành Takkasilā, đó là ngày bố tát. Các cận thần nhận lễ vật hoàng gia thông báo nội dung bức chứng thư tới đức vua. Sau khi đức vua nghe xong, ngài tính tới những bổn phận phải làm đối với các cận thần tới dâng lễ vật hoàng gia.

Ngài truyền cho lễ vật được mang tới chánh điện và nói, ‘Hãy đừng để ai vào đây.’ Ngài yêu cầu mọi người canh cổng, tự mở cửa sổ (sử dụng cho các dịp khánh tiết), rồi cho đặt lễ vật hoàng gia lên một sàng cao, còn mình ngồi trên một chiến ghế thấp. Ngài mở ấn hoàng gia, và giở lớp vải bọc. Khi ngài mở tuần tự các hộp và nhìn thấy chiếc hộp làm bằng tre đan, ngài suy xét, ‘Ta tin rằng các Bảo vật khác không được tháp tùng như vậy, do đó, ta cần nghe Bảo vật này. Chắc chắn bảo vật này sinh ra tại Trung Ấn’

Khi ngài mở những hộp này và bóc ấn hoàng gia, nhấc tấm chăn bằng lông thú từ hai phía, ngài nhìn thấy tấm lá vàng và bèn trải ra. Ngài suy xét:

‘Những chữ này được khắc thật đẹp về mọi mặt: đều đặn, sắc nét và vuông vắn. Ta sẽ khởi đọc từ đầu.’ Một cảm giác hỷ lạc dâng lên trong đức vua khi ngài đọc đi đọc lại về các ơn đức của Phật đã xuất hiện trên thế gian. Chín mươi chín ngàn sợi lông trên thân ngài dựng đứng. Vì sự hân hoan và phỉ lạc tột đỉnh, đức vua không biết mình nên đứng hay nên ngồi.

Khi phỉ lạc mãnh liệt sinh khởi trong đức vua, ngài nói: “Chúng ta đã nghe những lời dạy không dễ được gặp, kể cả trong một trăm ngàn đại kiếp, và điều này đã xảy ra được nhờ một người bạn.’ Khi đức vua không thể đọc tiếp, ngài ngồi xuống cho đến khi phỉ lạc của ngài lắng lại. Sau đó, ngài bắt đầu đọc tiếp về ơn đức Pháp: ‘Giáo Pháp được đức Phật khéo thuyết…’ Đức vua kinh nghiệm phỉ lạc mãnh liệt và ngài lại ngồi xuống cho đến khi sức mạnh của phỉ lạc lắng xuống. Sau đó ngài đọc về ơn đức Tăng, ‘Các vị thánh đệ tử thực hành chánh đạo…’ và ngài lại kinh nghiệm phỉ lạc mãnh liệt như trước.

Rồi ngài đọc về các đề mục Quán niệm hơi thở, và cuối cùng ngài đã đắc tứ thiền và ngũ thiền. Đức vua dành thời gian hưởng hạnh phúc của thiền chứng. Những người khác không được gặp ngài, ngoài người hầu. Một tháng trôi đi như vậy. Thần dân tụ họp tại sân triều đình và đồng thanh phát biểu: “Từ ngày đức vua nhận lễ vật, ngài không còn để mắt tới kinh thành hay tới các vũ nữ, ngài cũng không còn xét xử nữa. Mong đức vua trả lại lễ vật cho bạn ngài.’

Các thần dân nói tiếp: “Các vị vua thường đánh lừa với các lễ vật. Họ tìm cách chiếm đoạt vương quốc của các vị vua khác. Đức vua của chúng ta nên làm gì đây?’

Đức vua nghe được âm thanh của những lời phát biểu ấy, liền suy tính: ‘Chúng ta sẽ gìn giữ vương quốc hay gìn giữ Giáo lý?’ Sau đó, ngài nghĩ, ‘Chúng ta sẽ gìn giữ Giáo lý của bậc Đạo sư này.’

Ngài cầm gươm vẫn để trên giường và cắt tóc. Ngài ra lệnh cho người hầu mua hai bộ y vàng và một bình bát bằng đất nung ở chợ. Ngài quy phục bậc Đạo sư bằng các lời sau, ‘Hỡi các vị A la hán trên thế gian, ta quy phục bằng sự xuất gia.’ Ngài bận y vàng, rồi khoác một tấm y nữa. Ngài đeo bình bát lên vai rồi rời cung điện.

Dân chúng thấy ba vũ nữ đứng ở ba cửa, nhưng không nhận ra đức vua đang ra khỏi cung điện. Họ nghĩ rằng ngài là một vị Độc Giác Phật tới giảng Pháp cho đức vua.”

Đức vua Pukkusāti từ bỏ cung điện và tài sản của mình để xuất gia. Hẳn ngài phải có lòng kham nhẫn tột cùng để thay đổi lối sống và địa vị quen thuộc của mình, để có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Nếu ta không tích lũy lòng kham nhẫn như vậy, ta không thể hành động như đức vua Pukkusāti.

Chúng ta đọc tiếp:

“Thiện gia nam tử (đức vua đã xuất gia thành tỳ kheo10) nghĩ, ‘Đạo sư của chúng ta đã từ bỏ đời sống tại gia và ra đi xuất gia một mình, ngài đã lên đường một mình. Ta cảm thấy hổ thẹn và nể phục bậc Đạo sư. Ta nghe rằng sau khi Đạo sư xuất gia, ngài không dùng xa giá và cũng không đi giày dép, dù chỉ một lớp, và ngài cũng không dùng ô lọng bằng giấy để che nắng.’

Thiện gia nam tử nghĩ, ‘Ta sẽ du hành dài và vì thế không nên đi một mình. Ta sẽ đi theo một nhóm lái buôn.’ Khi thiện gia nam tử vốn mỏng manh thanh cao dẫm chân lên mặt đất nóng, cả hai gan bàn chân của ngài bị mưng mủ và lở loét, và vì vậy, ngài kinh nghiệm cảm thọ khổ.

Khi các lái buôn dựng lều trại và ngồi nghỉ, thiện gia nam tử đi tới ngồi dưới một gốc cây. Không có ai ở đó để chăm sóc cho chân ngài hay xoa bóp lưng ngài. Thiện gia nam tử đắc tứ thiền với Quán niệm Hơi Thở và nhờ vậy ngài đã chế ngự được những gian khó của chuyến đi, cả những mệt nhọc và xúc động. Ngài vui hưởng lạc thú của thiền định.

Ngày hôm sau vào lúc rạng đông, ngài vệ sinh sửa soạn bản thân và lại đi theo đoàn lái buôn. Tới giờ ăn điểm tâm, các lái buôn lấy bình bát của thiện gia nam tử và đặt vào đó vật thực cúng dường đồ cứng đồ mềm. Vật thực này bao gồm gạo sát thô không được ngon, món cà-ri tựa như đống sỏi, canh nêm gia vị mặn đót. Thiện gia nam tử suy niệm về nơi nghỉ của mình, và các vật thực đồ cứng đồ mềm ấy ngon như thể rượu tiên khi ngài nuốt tất cả với thật nhiều nước.

Ngài đã đi tổng cộng một trăm chín mươi hai lý11, và mặc dầu ngài đi ngang qua cổng của Kỳ viên Tịnh xá, ngài không hỏi đức Bổn sư đang ở đâu.

Tại sao ngài không hỏi?

Câu trả lời là vì ngài kính trọng đức Bổn sư, và cũng bởi vì bức chứng thư do vua gửi có vẻ như hàm ý rằng đức Bổn sư đã xuất hiện ở Rājagaha, vì trong đó nói, ‘Như lai đã xuất hiện trên thế gian này.’ Vì vậy, ngài đã hiểu rằng đức Phật đang ngự tại thành Rājagaha. Mặc dầu ngài đi ngang qua cổng Kỳ viên Tịnh xá, ngài lại tiếp tục đi tiếp bốn mươi lăm lý nữa. Tới lúc mặt trời lặn, thiện gia nam tử đã tới Rājagaha và tại đó đã hỏi nơi đức Bổn sư đang cư ngụ.

Khi một dân làng nghe được rằng ngài tới từ bắc quốc (Uttara Pradesh), anh ta đã cho ngài biết tin như sau, ‘Ông đã đi quá thành Sāvatthī, và đi tiếp bốn mươi lăm lý tới Rājagaha, nhưng đức Bổn sư đang ngụ tại Sāvatthī.’

Thiện gia nam tử, Pukkusāti, suy nghĩ, ‘Bây giờ không phải đúng thời để quay lại thành Sāvatthī, và hôm nay ta sẽ ở lại đây đã. Ngày mai ta sẽ đi tới nơi ở của đức Bổn sư.’ Ngài hỏi người dân làng đâu là nơi các sa môn tới lúc phi thời có thể tìm được nơi trú ngụ.

Dân làng trả lời rằng ngài có thể ở trong xưởng của người thợ gốm.

Rồi thiện gia nam tử hỏi người thợ gốm liệu mình có thể ở lại đó. Ngài đi vào và ngồi xuống, để có thể sử dụng nơi ở trong xưởng của người thợ gốm ấy.

Vào buổi sáng trước khi Pukkusāti đi tới xưởng của người thợ gốm, đức Phật quán chiếu thế gian và thấy thiện gia nam tử Pukkusāti. Ngài suy xét, ‘Thiện gia nam tử này rời vương quốc của mình ngay sau khi đọc bức chứng thư mà bạn mình đã gửi. Ông ta đã xuất gia và quy phục ta, và ông ta đã đi cả một trăm hai mươi mốt lý tới thành Rājagaha.

Nếu ta không tới đó, ông ta sẽ không chứng ngộ được sa môn quả (ông ta sẽ không chứng ngộ Tứ Thánh Đế); ông ta sẽ không chứng ngộ tam quả của một sa môn, tức là ông ta sẽ không giác ngộ được bậc thánh thứ ba, bậc A-na-hàm. Ông ta sẽ chết mà không có nơi trú sau khi ngụ ở đó chỉ một đêm. Một khi ta tới đó, ông ta sẽ chứng ngộ được tam quả của bậc sa-môn. Vì ta đã vun bồi mọi ba la mật trong bốn a-tăng-kỳ kiếp và một trăm ngàn đại kiếp để cứu độ chúng sinh, ta sẽ giúp người thiện gia nam tử Pukkusāti.’

Vào sáng sớm, đức Phật vệ sinh sửa soạn thân thể và cùng các tỳ kheo đi khất thực trong thành Sāvatthī. Sau khi đã nhận đồ ăn khất thực, ngài quay trở về và đi vào Hương Thất. Ngài chỉ nghỉ ngơi một chút sau khi đã đi kinh hành và không nói gì với các trưởng lão. Đại đức Sāriputta, đại đức Moggallāna và các tỳ kheo khác đều hiện diện. Thế tôn cầm y bát và ra ngoài một mình. Trên đường đi ngài không bay trên không trung, cũng không làm đoạn đường ngài đi bộ ngắn lại12. Ngài lại suy xét: “Thiện gia nam tử này có tàm và nể phục ta, ông ta thậm chí không ngồi trên xa giá, trên ngựa, voi, chiến xa hay kiệu vàng v.v…và cuối cùng, ông ta thậm chí còn không dùng đến một lớp giày dép, cũng không mang ô lọng che nắng. Vì thế ta nên đi bộ.’  Như thế, đức Phật đã đi bộ quãng đường này. Ngài che dấu sự lộng lẫy của Phật quả: tám mươi hảo tướng phụ, hào quang dày sáu tấc và ba mươi hai hảo tướng chính của một Vỹ Nhân13. Ngài đã đi dưới hình dạng của một tỳ kheo thường, giống như trăng rằm đang bị lấp bởi một đám mây mù.

Chưa đầy một ngày (sau bữa ăn), ngài đã đi hết quãng đường bốn mươi nhăm lý và vào lúc mặt trời lặn đã tới xưởng của người thợ gốm.

Khi đức Phật đi bộ như vậy, ngài không thị uy mọi người, nói ‘Ta là đức Phật Chánh đẳng giác.’ Như thế ngài chỉ đi tới xưởng của người thợ gốm và đứng tại cửa. Để cho thiện gia nam tử một cơ hội14, ngài nói: Này Tỷ-kheo, nếu không gì phiền phức cho Ông, Ta muốn ở lại trú xứ này một đêm.’

Pukkusāti trả lời:Rộng rãi, thưa Hiền giả, là trú xứ của thợ gốm. Tôn giả có thể ở, tùy theo sở thích’.

Đức Giáo chủ Thế gian, người có ngọc thể thanh cao bậc nhất đã rời Hương Thất- trú xứ như chốn thiên giới của ngài, trải một lớp cỏ phủ trong xưởng của người thợ gốm, nơi tro bụi vương khắp, dơ bẩn bởi dụng cụ hỏng, cỏ khô v.v…trông như một đống rác. Ngài trải tấm dẻ y của mình và ngồi xuống như thể đã vào trong Hương thất đượm mùi thơm thiên giới, như thể đó là trú xứ thần tiên. Ngài ngồi xuống như vậy.”

Nếu ta muốn phát triển ba la mật kham nhẫn, ta không nên quên tích lũy tính nhẫn nại trong mỗi tình huống, dù là với chỗ ngồi, giường nằm hay bất cứ gì khác trong môi trường của mình. Chúng ta đọc tiếp:

“Đức Phật sinh ra trong một gia đình cao quý và Pukkusāti cũng thọ thai trong bụng của mẫu thân từ một gia đình cao quý, gia đình Sát đế lỵ15. Đức Phật đã đạt được điều mà mình mong ước, và thiện gia nam tử cũng vậy. Mỗi người trong họ đều từ bỏ vương quốc của mình để trở thành một tỳ kheo. Đức Phật có làn da vàng óng, và thiện gia nam tử cũng vậy. Cả hai cùng đắc những thiền chứng (samāpatti) nhất định. Cả hai cùng là vua…cả hai cùng từ bỏ địa vị hoàng gia của mình để xuất gia…Họ vào xưởng người thợ gốm và ngồi như vậy. Vì lẽ đó, xưởng của người thợ gốm trở nên cực kỳ đẹp đẽ và kỳ thú.

Với đức Phật, ngài không khởi suy nghĩ rằng mình ngọc thể thanh cao, rằng mình đã đi suốt chặng đường bốn mươi nhăm lý trong một ngày, và rằng trước hết mình sẽ ở trong oai nghi sư tử16 một chút để có thể lại sức từ những mệt mỏi của chuyến đi. Vì vậy, đức Phật ngồi xuống và nhập thánh quả định (phala samāpatti)17. Còn Pukkasāti, ngài không nghĩ rằng mình đã đi suốt chặng đường một trăm hai mươi chín lý và rằng trước hết mình cần nghỉ ngơi chỉ trong một giây lát để xua tan mệt mỏi do chuyến đi. Ngài ngồi xuống và nhập tứ thiền với Quán niệm Hơi thở.

Câu hỏi: Chẳng phải đức Phật tới đây để định thuyết Pháp cho thiện gia nam tử hay sao? Tại sao ngài không thuyết?

Trả lời: Ngài không thuyết bởi vì thiện gia nam tử còn mệt mỏi sau chuyến đi, và vì thế sẽ không đủ an tịnh để tiếp nhận Giáo Pháp. Trước tiên, ngài cần phải vượt qua sự mệt mỏi của chuyến đi và trở nên an tịnh…”

Ta đọc tiếp:

“Khi đức Phật xuất khỏi thánh quả định, ngài thấy rằng Pukkusāti trông suy tư bởi tư thế tay và chân, rằng đầu ông ngay ngắn, ông ngồi vững vàng như móng của một đập nước xây thật chắc. Ông bất động như một bức tượng bằng vàng.

Thiện gia nam tử có một oai nghi tạo niềm tin. Nếu một oai nghi nào tạo được niềm tin thì chính là oai nghi này.

Trong bốn oai nghi thì ba oai nghi không được đẹp. Khi một người đi, tay anh ta vung đi vung lại, chân cử động và đầu lắc lư. Khi một người đứng, thân anh ta thô và cứng, khi nằm, thân thể anh ta không đẹp.

Tuy nhiên, khi một vị tỳ kheo đã quét dọn nơi nghỉ ban ngày, sau bữa ăn trải tọa cụ ngồi lên, rửa sạch tay và chân và ngồi chéo chân trong tư thế hoa sen, khi ấy oai nghi của vị ấy thật đẹp. Thiện gia nam tử ngồi khoanh chân và nhập tứ thiền với Quán niệm Hơi thở theo cách ấy.”

Ta đọc trong Kinh “Giới phân biệt”, rằng khi ấy đức Phật hỏi Pukkusāti:

“Này Tỷ-kheo, Ông xuất gia, y cứ vào ai? Ai là Ðạo sư của Ông? Ông chấp nhận pháp của ai?”

Pukkusāti đáp: “Thưa Hiền giả, có Sa môn Gotama là Thích tử, xuất gia từ dòng họ Thích Ca. Tiếng đồn tốt đẹp sau đây được truyền đi về Thế Tôn Gotama ấy: “Ngài là bậc Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn”. Tôi đã xuất gia, y cứ bậc Thế Tôn ấy. Ngài là bậc Ðạo sư của tôi. Và tôi chấp thuận pháp của bậc Thế Tôn ấy.

— Này Tỷ-kheo, nay Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác ấy ở đâu?

— Thưa Hiền giả, có một thành phố tên là Savatthi giữa các quốc độ phía Bắc. Tại đấy, Thế Tôn, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác hiện nay đang ở.

— Này Tỷ-kheo, trước đây Ông đã thấy bậc Thế Tôn ấy chưa? Và nếu thấy, Ông có nhận ra được không?

— Thưa Hiền giả, trước đây tôi chưa từng thấy bậc Thế Tôn ấy. Và nếu thấy, tôi không nhận ra được.”

Chúng ta đọc tiếp trong Kinh:

“Rồi Thế Tôn suy nghĩ: ‘Thiện gia nam tử này xuất gia y cứ nơi Ta. Vậy Ta hãy thuyết pháp cho Thiện gia nam tử ấy’. Rồi Thế Tôn nói với Tôn giả Pukkusati:

— Hãy nghe và suy nghiệm kỹ, Ta sẽ giảng.

— Thưa Hiền giả, vâng.

Tôn giả Pukkusati vâng đáp Thế Tôn…”

Sau đó đức Phật thuyết bài kinh “Giới phân biệt”18 cho ông.

Chúng ta đọc tiếp trong Kinh:

“Rồi Tôn giả Pukkusati nghĩ như sau: “Thật sự bậc Ðạo sư đã đến với ta! Thật sự bậc Thiện Thệ đã đến với ta! Thật sự bậc Chánh Ðẳng Giác đã đến với ta!” Rồi Tôn giả từ chỗ ngồi đứng dậy, đắp y vào một bên vai, cúi đầu đảnh lễ chân Thế Tôn, và bạch Thế Tôn:

— Con đã rơi vào một lỗi lầm, bạch Thế Tôn, vì rằng, ngu đần, si mê và không khéo léo như con, đã nghĩ rằng con có thể xưng hô với Thế Tôn với danh từ Hiền giả. Bạch Thế Tôn, mong Thế Tôn chấp nhận cho con lỗi lầm ấy là một lỗi lầm để con có thể ngăn ngừa trong tương lai.

— Này Tỷ-kheo, thật vậy, Ông đã rơi vào một lỗi lầm, vì rằng ngu đần, si mê và không khéo léo vì Ông đã nghĩ rằng Ông có thể xưng hô với Ta với danh từ Hiền giả. Nhưng này Tỷ-kheo, nếu Ông thấy một lỗi lầm là một lỗi lầm, và như Pháp phát lộ, thời Ta chấp nhận lỗi lầm ấy cho Ông. Vì rằng, này Tỷ-kheo, đây là sự tăng ích trong giới luật của bậc Thánh, khi nào một ai thấy lỗi lầm là một lỗi lầm, như Pháp phát lộ, để ngăn ngừa trong tương lai.

— Bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy cho con được thọ cụ túc giới trước mặt Thế Tôn.

— Này Tỷ-kheo, Ông có đủ y bát không?

Rồi Tôn giả Pukkusati sau khi hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, đảnh lễ Thế Tôn, thân phía hữu hướng về Ngài rồi ra đi tìm y bát. Trong khi Tôn giả Pukkusati đi tìm y bát, một con bò cuồng chạy, đoạt mất mạng sống của Tôn giả.

Rồi một số đông Tỷ-kheo đi đến Thế Tôn, sau khi đến đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Ngồi xuống một bên, các vị Tỷ-kheo ấy bạch Thế Tôn:

— Bạch Thế Tôn, Thiện gia nam tử Pukkusati được Thế Tôn thuyết giảng một cách vắn tắt đã mệnh chung. Sanh thú của vị ấy như thế nào, đời sống tương lai như thế nào?

— Này Tỷ-kheo, thật là bậc Hiền giả, Thiện gia nam tử Pukkusati, đã chấp hành Chánh pháp và tùy pháp. Và không có phiền nhiễu Ta với những kiện tụng về Chánh pháp. Này các Tỷ-kheo, Thiện gia nam tử Pukkusati, sau khi đoạn trừ năm hạ phần kiết sử, được hóa sanh và từ chỗ ấy nhập Niết-bàn, không phải trở lui đời ấy nữa.19

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Các Tỷ-kheo ấy hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.”

Chúng ta đọc thêm trong Chú giải cho bài kinh này:

“Người ta hỏi: Tại sao y áo và bình bát không được làm cho xuất hiện bằng thần thông tới Pukkusāti?

Trả lời: Bởi vì thiện gia nam tử đã không cúng dường tám vật dụng20 trong quá khứ. Tuy nhiên, thiện gia nam tử Pukkusāti đã bố thí cúng dường và ước nguyện, và vì vậy ta không nên nói rằng lý do (không có được vật dụng) là vì thiếu bố thí trong quá khứ…

Y áo và bình bát chỉ có thể được làm cho xuất hiện bởi thần thông bởi các đệ tử ở trong kiếp cuối cùng, tức là bởi những người đắc A la hán. Bởi lẽ thiện gia nam tử này vẫn còn tái sinh, vì ngài mới đắc đạo quả Bất lai chứ chưa phải A la hán.

Hơn nữa, tuổi thọ của thiện gia nam tử này sắp chấm dứt.

Về phần Pukkusāti, (có thể nói là như thể) Đại Phạm thiên (của cõi Phạm thiên), thánh Bất lai của cõi Tịnh Quang thiên (suddhavāsa21) đã tới xưởng của người thợ gốm và ngồi ở đó.” Sau đó, ngài tái sinh thành một phạm thiên ở cõi trời Avihā, tức là tầng đầu tiên của cõi Tịnh Quang Thiên. Chỉ những ai đã đắc quả Bất lai và đã chứng ngũ thiền mới có thể tái sinh vào cõi Tịnh Quang Thiên.”

Trước khi thọ mạng của mình chấm dứt, Pukkusāti rất gần với việc trở thành một phạm thiên sắc giới trong cõi Tịnh Quang Thiên, và vì vậy Chú giải nói: “đức Đại Phạm Thiên (của cõi Phạm Thiên) tới xưởng của người thợ gốm và ngồi xuống đó.” Cuộc đời của Pukkusāti sắp trở thành cuộc đời của một phạm thiên sắc giới của cõi “Tịnh Quang Thiên”.

Cuốn “Paramatthadīpanī”, Chú giải cho Tiểu Bộ Kinh, phần chú giải cho “Trưởng lão tăng kệ” (Theragāthā) nêu:

“Trí tuệ ba la mật hỗ trợ và làm viên mãn tất cả các ba la mật: bố thí ba la mật và các ba la mật khác, của mọi  Bồ tát, dần dần đưa tới chín muồi và làm viên mãn hoàn toàn trí tuệ giác ngộ của đức Phật, thứ khiến Ngài đã đạt được Phật quả. Cũng như vậy một cách tương ứng với trường hợp của các vị Phật Độc giác và các đệ tử: nó dần đưa tới sự chín muồi và làm viên mãn hoàn toàn trí tuệ giải thoát của các vị Phật Độc giác và các đệ tử…

Kham nhẫn tối thượng trong việc vun bồi các thiện pháp, bố thí v.v…để đi tới trí tuệ giác ngộ của các vị Phật Độc giác và của các đệ tử được coi là tinh tấn (viriya).

Nhẫn nại khi tiết chế sân hận được coi là kham nhẫn.

Bố thí, trì giới v.v…và tránh những lời sai lệch với sự thật được coi là chân thật.

Quả quyết không thể lay chuyển, vững vàng, và hoàn thành những gì lợi lạc về mọi mặt được coi là quyết định (adiṭṭhāna – hay phát nguyện).

Mong muốn sự lợi lạc cho các chúng sinh khác, thứ làm nền tảng cho việc bố thí, trì giới v.v…, được coi là tâm từ (mettā).

Bình thản với những việc làm sai trái của các chúng sinh khác được coi là tâm xả (upekkhā).

Vì thế, khi bố thí, trì giới và phát triển tâm trí, hoặc khi giới, định, tuệ đang hiện hữu thì các ba la mật như tinh tấn v.v…có thể được coi là đầy đủ.”

Chú giải cho “Hạnh Tạng” nhắc chúng ta suy xét về sự kham nhẫn của mình:

“Lại nữa, chỉ một bậc trí mới có thể kham nhẫn độ lượng với những sai trái của những người khác, người thiểu trí không thể. Nơi một người thiếu trí tuệ, những sai trái của người khác chỉ làm khơi dậy sự nóng nảy; nhưng với bậc trí, chúng khơi dậy lòng kham nhẫn của vị ấy và làm cho kham nhẫn ấy lớn mạnh thêm nữa.”

Có sự khác biệt giữa một người có trí và một người không có trí. Với một người có trí, bất kể một người khác làm điều sai trái với mình tới đâu, điều ấy khiến kham nhẫn của vị ấy trở nên vững vàng và hoàn mãn hơn. Với người thiếu trí tuệ, việc làm sai trái của người khác khiến nóng nảy tăng lên, ngược lại với kham nhẫn.

Kham nhẫn rất cần thiết trong môi trường của chúng ta, trong các tình huống khác nhau của đời sống hàng ngày. Cuộc sống hàng ngày có thể là một phép thử cho lòng kham nhẫn và tính kiên trì của chúng ta.

Chúng ta đọc trong “Tăng Chi Bộ Kinh”, Chương Năm Pháp, Phẩm Trưởng Lão (IX), §5 “Không Kham Nhẫn” rằng đức Phật nói:

“Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh không được ái mộ, không được ưa thích, không được tôn trọng, không được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

Vị ấy không kham nhẫn đối với các sắc, không kham nhẫn đối với các tiếng, không kham nhẫn đối với các hương, không kham nhẫn đối với các vị, không kham nhẫn đối với các xúc

Thành tựu năm pháp này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo Trưởng lão đối với các vị đồng Phạm hạnh được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập. Thế nào là năm?

Vị ấy kham nhẫn đối với các sắc, kham nhẫn đối với các tiếng, kham nhẫn đối với các hương, kham nhẫn đối với các vị, kham nhẫn đối với các xúc

Đức Phật không chỉ dạy Giáo Pháp cho các nhà sư mà cho tất cả các đệ tử vun bồi trí tuệ. Ngài dạy Giáo Pháp để ta có thể thấy rằng chân lý là chân lý: người được ái mộ, được ưa thích, được tôn trọng, được làm gương để tu tập là người có thể kham nhẫn đối với các sắc, các tiếng, các hương, các vị và các xúc.

Một số người không suy xét và nghĩ về kham nhẫn và bền bỉ, họ không có tích lũy kham nhẫn. Ta có thể thấy hiểm họa của thiếu kham nhẫn khi một người hạnh phúc và không gặp khó khăn không thể chịu đựng được việc người khác hạnh phúc. Ta đọc trong Chú giải cho Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Năm Pháp, Phẩm Adhakavinda (XII), §5, “Xan lẫn22:

Với xan tham về chỗ ở (āvāsa), người ấy không chịu đựng nổi khi thấy kẻ khác tại nơi ở đó,

Với xan tham về sự giúp đỡ các gia đình, người ấy không thể chịu đựng khi thấy một người khác thăm hỏi gia đình đó,

Với xan tham về các vật dụng được cúng dường, người ấy không chịu được ai khác nhận được thứ gì đó,

Với xan tham tán thán, người ấy không thể chịu đựng được việc mọi người tán thán các phẩm chất tốt đẹp của người khác,

Với xan tham về pháp, người ấy không muốn cắt nghĩa Giáo Pháp cho người khác.”

Điều này chỉ ra tầm quan trọng của kham nhẫn. Nếu chánh niệm sinh khởi không quên thiện pháp, ta có thể kham nhẫn. Chúng ta cần biết Kinh điển nói gì về sự tuyệt hảo của kham nhẫn và bất lợi của nóng nảy.

“Chúng ta đọc trong “Tăng Chi Bộ Kinh”, Chương Năm Pháp, Phẩm Mắng Nhiếc (XXII), § 5 “Không Kham Nhẫn”, rằng đức Phật nói:

Có năm nguy hại này cho người không kham nhẫn. Thế nào là năm?

Quần chúng không ái mộ, không ưa thích; nhiều người hận thù; nhiều người tránh né; khi mạng chung, tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung; sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ-kheo, có năm nguy hại này cho người không kham nhẫn.”

Đúng là một người nóng nảy không được nhiều người ái mộ và ưa thích, anh ta đầy ác ý và có thể gây nên cãi cọ, đánh lộn, tổn thương, hãm hại và chết chóc. Khi anh ta nổi nóng và bực bội bởi một kinh nghiệm khó chịu, anh ta cần biết rằng chính những xu hướng tích lũy đã khiến anh ta nóng tính và thiếu kham nhẫn, và rằng, mình sẽ nhận phải kết quả xấu bởi bất thiện pháp của mình. Một người khác không thể làm hại anh ta, chỉ có phiền não của chính mình mới làm anh ta tổn hại, và hơn nữa, anh ta sẽ chết trong trạng thái tâm trí rối loạn. Nếu một người thường nóng nảy và bị sân hận xâm chiếm, anh ta có thể sẽ như vậy khi cận kề cái chết. Mọi người đều phải từ bỏ thế giới này, và nếu tâm trước khi chết không trong sạch, bất thiện tâm ấy sẽ là duyên cho tái sinh ở cõi khổ, chẳng hạn như địa ngục. Đây là mối hiểm họa đáng sợ hơn các hiểm họa của thế giới này.

Như vậy, ta phải rèn tính kham nhẫn, chấp nhận và kiên trì với điều kiện sống, với môi trường, kham nhẫn với mọi hoàn cảnh (adhivāsanā khanti). Kham nhẫn có nhiều mức độ. Ta cần kham nhẫn để nghe Pháp, nghiên cứu và suy xét về nó để có thể có hiểu biết đúng về những gì được học. Chúng ta không nên chỉ nghe mà cũng cần suy xét với hướng tâm chân chánh về những gì được nghe. Giáo Pháp rất vi tế và thâm sâu và nếu ta không suy xét thấu đáo những gì được nghe và tìm hiểu, ta có thể dễ dàng hoang mang và hiểu sai, khi ấy sẽ có duyên cho việc làm sai và thực hành sai.

Khi kham nhẫn với việc nghe Pháp tăng trưởng, ta sẽ thấy lợi ích của mọi loại thiện pháp và tiếp tục vun bồi chúng. Điều này có nghĩa là ta sẽ hiểu rõ hơn nhân đúng đưa tới quả đúng tương ứng.

Ta đọc trong “Tương Ưng Bộ Kinh” (Thiên Đại Phẩm, Tương Ưng Dự Lưu, Chương II, Phẩm Một Ngàn, § 2, “Các Bà la môn”), rằng khi đức Phật còn ngự tại Sāvatthī, ngài đã nhắc nhở các vị tỳ kheo về sự thực hành kham nhẫn đúng đắn và kham nhẫn sai lầm:

Này các Tỷ-kheo, các Bà-la-môn trình bày một đạo lộ hướng thượng (udayagàminim). Họ khuyến khích các đệ tử như sau: “Hãy đến, này các Ông! Sáng sớm dậy, hãy đi hướng mặt về phía Ðông. Chớ có tránh những lỗ hổng, lỗ trũng, khúc cây, chỗ có gai, hố nước nhớp, chớ có tránh đường mương. Nếu có rơi vào các chỗ ấy và đi đến chết, như vậy, này các Ông, sau khi thân hoại mạng chung, các Ông sẽ sanh lên thiện thú, thiên giới, cõi đời này”.

Những người bà la môn ấy dạy kham nhẫn và chịu đựng, nhưng nếu kham nhẫn không đi kèm với trí tuệ, nó sẽ không có lợi ích. Giáo lý này của các bà la môn không chứa đựng trí tuệ, phi lý và không lợi lạc. Ta đọc tiếp rằng đức Phật nói:

“Nhưng này các Tỷ-kheo, con đường ấy của các Bà-la-môn là con đường của kẻ ngu, con đường của kẻ si, không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.”

Này các Tỷ-kheo, nay Ta trình bày một đạo lộ hướng thượng trong luật của bậc Thánh, và con đường ấy nhứt hướng đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn. Và này các Tỷ-kheo, đạo lộ hướng thượng ấy là gì, đạo lộ đưa đến nhứt hướng yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết-bàn.

Những người bà la môn ấy cùng sử dụng cụm từ “đạo lộ hướng thượng”, nhưng ý nghĩa thì khác, và nó chỉ tới một pháp hành khác. Chúng ta đọc rằng đức Phật nói:

Ở đây, này các Tỷ-kheo, vị Thánh đệ tử thành tựu lòng tin bất động đối với đức Phật: ‘Ðây bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðiều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn’.

Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với Pháp: ‘Pháp do Thế Tôn khéo thuyết, thiết thực hiện tại, có hiệu quả tức thời, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí tự mình giác hiểu.

Vị ấy thành tựu lòng tin bất động đối với chúng Tăng: “Diệu hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Trực hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Ứng lý hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Chơn chánh hạnh là chúng đệ tử của Thế Tôn. Tức là bốn đôi tám chúng. Chúng đệ tử của Thế Tôn là đáng cung kính, đáng cúng dường, đáng tôn trọng, đáng được chấp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.

Vị ấy thành tựu các giới được các bậc Thánh ái kính, không bị phá hoại, không bị đâm cắt, không bị nhiễm ô, không bị uế nhiễm, đem lại giải thoát, được người trí tán thán, không bị chấp thủ, đưa đến Thiền định.

 Ðây là đạo lộ đưa đến hướng thượng, này các Tỷ-kheo,nhứt hướng yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, đưa đến Niết-bàn.”

Đây làm một đoạn kinh ngắn, nhưng nó bàn về các pháp hiện khởi tự nhiên như chúng thực là, ở khoảnh khắc này. Đây là con đường đưa tới yếm ly, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.

Chúng ta đọc trong Chú giải cho “Hạnh Tạng” về các phiền não có thể sinh khởi trong quá trình vun bồi các ba la mật. Khi ta vun bồi kham nhẫn ba la mật, phiền não có thể sinh khởi từ các “suy nghĩ phân biệt mình và người khác.”

Với một số người, kham nhẫn của họ có giới hạn, họ chỉ kham nhẫn với một số người và ở một số thời điểm. Họ so sánh người khác với mình và đây là duyên cho nóng nảy. Ta cần biết rằng ô nhiễm của những suy nghĩ sai lầm về mình và người khác cản trở sự vun bồi kham nhẫn. Ta đọc trong cùng phần đó của Chú giải rằng mọi người có thể bị dẫn lạc lối bởi phiền não tham ái, và rằng điều này cản trở sự vun bồi của mọi ba la mật.

Trong Giải thoát Giáo (Ovāda-Pāṭimokkha), đức Phật sách tấn các tỳ kheo nên có kham nhẫn. Có hai loại Pāṭimokkha: Giải thoát giáoĐiều học Giới (Āṇā- Pāṭimokkha)23. Giải thoát giáo, những sách tấn về Giới luật, là một nguyên tắc dạy dỗ hay huấn luyện quan trọng. Āṇā- Pāṭimokkha là các quy định của Giới luật, là nền tảng quan trọng để các tỳ kheo áp dụng trong hành xử của mình. Trong “Giải thoát giáo”, đức Phật dạy về ý nghĩa của kham nhẫn ba la mật trong ba bài kệ và hai vần.

Chúng ta đọc trong “Tụng Phẩm Ba” (Kinh Đại Bổn – Mahāpadāna Sutta):

Kệ 1

“Nhẫn nhục, khổ hạnh, kham nhẫn, là đệ nhất.

(khantī paramaṃ tapo titikkhā24)

“Chư Phật dạy Niết-bàn là đệ nhất.

(nibbānaṃ paramaṃ vadanti Buddhā)

“Người xuất gia hại người xuất gia khác.

(samaṇo hoti paraṃ viheṭhayanto)

“Hại người khác như vậy không xứng gọi là Sa-môn.

(na hi pabbajito parūpaghāti)

 

Kệ 2:

“Mọi điều ác không làm, hướng tâm các thiện nghiệp.

(sabba-pāpassā akaranaṃ, kusalassa upasampadā)

“Giữ tâm trí thanh tịnh, chính lời chư Phật dạy.

sacitta-pariyodapanaṃ, etaṃ Buddhānasāsanaṃ

 

Kệ 3:

“Không chỉ trích, không đánh đập, giữ mình trong giới bổn.

(anupavādo anupaghāto, pāṭimokkhe saṃvaro)

“Ăn uống có tiết độ, ngủ nghỉ riêng một mình.

(mattaññutā ca bhattasmiṃ, pantañca sayan’ āsanaṃ)

Hướng tâm đến cao khiết, chính lời chư Phật dạy”.

(adhicitte ca āyogo etaṃ, Buddhānasāsanaṃ)

Chú giải cho bài Kinh này cuốn “Sumaṇgalavilāsinī” giải thích về bài kệ thứ nhất, vần đầu tiên ‘khantī paramaṃ tapo titikkhā’ -‘Nhẫn nhục, khổ hạnh, kham nhẫn, là đệ nhất’, rằng kham nhẫn là adhivāsana-khanti.

Kham nhẫn là một duyên cho sự vun bồi của mọi thiện pháp, còn nóng nảy là duyên cho sự sinh khởi của mọi bất thiện qua tâm, qua thân và qua khẩu. Adhivāsana-khanti là sự kham nhẫn với mọi tình huống của cuộc sống đời thường, với môi trường xung quanh, và đó là khổ hạnh tối thượng.

Chú giải giải thích:

“Các từ ‘nibbānaṃ paramaṃ vadanti Buddhā’ –‘Chư Phật dạy Niết-bàn là đệ nhất’, có nghĩa là tất cả các vị Phật đều nói rằng Niết bàn là pháp tối thượng trên mọi khía cạnh.”

Không có pháp nào khác cao quý hơn niết bàn, bởi vì các pháp khác sinh khởi do duyên, chúng chỉ hiện hữu trong một khoảnh khắc rất ngắn ngủi và rồi diệt đi hoàn toàn. Danh pháp và sắc pháp sinh khởi bởi các duyên tương ứng trong một khoảnh khắc và rồi diệt đi. Đức Phật nói rằng Niết bàn là pháp tối thượng, là pháp qua đó các phiền não được tận diệt hoàn toàn không bao giờ sinh khởi trở lại. Chúng ta đọc:

“Còn về cụm từ ‘na hi pabbajito parūpaghāti’- ‘hại người khác như vậy không xứng gọi là Sa-môn’, điều ấy có nghĩa là một người làm hại, làm tổn thương và đau đớn tới người khác là bởi anh ta thiếu adhivāsana khanti, không thể được gọi là Sa-môn.

Còn từ ‘parūpaghāti’,’hại người khác’ điều ấy có nghĩa rằng anh ta phạm giới, bởi vì giới được gọi là paramaṃ, có nghĩa là tối thượng. Trong đó giải thích rằng một Sa-môn làm phật ý người khác, làm hại người khác là hủy hoại giới của mình. Điều này có nghĩa là anh ta không thể được gọi là Sa-môn.”

Khi một vị tỳ kheo, người phải nghiêm trì giới luật phạm giới, khi người ấy hủy hoại giới của mình, vị ấy không thể được coi là một tỳ kheo.

Với người cư sĩ, nếu anh ta áp dụng Giáo lý, phiền não của anh ta có thể được tận diệt. Anh ta nên suy xét một cách cụ thể, tỉ mỉ về hành động và lời nói của mình, anh ta cần biết liệu chúng có tác động hay làm tổn hại tới ai đó hay không. Kể cả khi người ấy không nói lời thô ác, anh ta cần biết liệu mình có làm người khác tổn thương. Anh ta cần có hiểu biết tinh tế về tâm của mình.

Chúng ta đọc tiếp trong Chú giải:

“Một người hại người khác bởi không có kham nhẫn, adhivāsana25. Nếu người ấy giết chúng sinh khác, dù chỉ là con mòng hay con muỗi, người ấy không thể được coi là một Sa-môn. Vì lẽ nào? Bởi vì người ấy không từ bỏ được bất tịnh. Một người được coi là Sa-môn bởi vì người ấy từ bỏ được bất tịnh nơi bản thân. Đó là đặc tính của một sa môn.”

Chúng ta đọc trong Chú giải:

“Kệ thứ hai: các từ’ sabba-pāpassa’ có nghĩa là: mọi loại bất thiện.

Nếu ta biết một thứ gì đó là bất thiện, bất kể nhẹ tới đâu, ta cần tránh xa nó nếu có thể.

Chúng ta đọc:

“Từ ‘akaraṇam’ có nghĩa là ‘không làm sinh khởi’. Từ ‘kusalassa’ có nghĩa là ‘thiện pháp của bốn cõi’.26

Từ ‘upasampadā’ có nghĩa là ‘chứng đắc’ (paṭilābho), chứng đắc cụ thể.

Từ ‘sacitta-pariyodapanaÿ’ có nghĩa là thanh lọc tâm, và điều này xảy ra qua đạo quả A la hán.

Như vậy, khi các Sa-môn đã tận diệt mọi bất thiện qua việc trì giới và làm viên mãn thiện pháp bởi samatha và vipassanā, tâm được thanh lọc bởi đạo quả A la hán. Đây là Giáo lý, là sự sách tấn, lời huấn thị của các chư Phật.”

Tất cả những điều này bắt đầu với kham nhẫn, là khổ hạnh đệ nhất.

Chúng ta đọc tiếp:

Kệ thứ ba:

Từ ‘anupavādo’ (không sỉ nhục) có nghĩa là ‘không sỉ nhục ai bằng lời nói’.

Từ ‘anupaghāto’(không làm hại) có nghĩa là ‘không làm hại qua thân’.

Từ pāṭimokkhe (theo pāṭimokkha) có nghĩa là ‘giải thoát hoàn toàn’, tức là giới tối thượng nhất; giải thoát khỏi hiểm họa, hiểm họa tái sinh nơi khổ cảnh. Hay bảo vệ trạng thái an vui và giải thoát khỏi trạng thái đau khổ. Vì thế giới này được gọi là pāṭimokkha27

Nếu một người giữ gìn giới luật tỳ kheo, vị ấy sẽ được giải thoát khỏi khổ cảnh và có thể đi tới cõi an lành.

Chúng ta đọc:

“Từ ‘mattaññutā’ (tiết chế) có nghĩa là tiết chế trong thọ nhận và ăn uống.

Các từ ‘pantañca sayan āsanaṃ’ (giường và chỗ ngồi độc cư) có nghĩa là giường và chỗ ngồi tách biệt đám đông. Nhắc đến hai vật dụng28 này là để giải thích rằng vị ấy hài lòng với tứ vật dụng.”

Tứ vật dụng là cốc liêu, y áo, vật thực và thuốc men.

Ta đọc:

“Từ ‘etaṃ Buddhānasāsanaṃ’, đây là Giáo lý của các chư Phật, có nghĩa là không làm hại người khác, chế ngự theo Giới bổn, tiết chế trong thọ nhận và ăn uống, sống ở nơi cô tịch, bởi vị ấy là người thuần thục về bát thiền29.

Đây là giáo lý, lời sách tấn, lời huấn thị của các chư Phật.”

Mọi người có thể cho rằng rất khó có kham nhẫn để nghe và đọc Tam Tạng, nhưng kham nhẫn và bền bỉ là cần thiết trong mọi phương diện và tình huống. Khi ta nghĩ về những kiếp trước của các đệ tử Phật, ta thấy rằng trước khi vun bồi kham nhẫn tới mức độ cao, họ có tham (lobha), sân (dosa) và si (moha). Họ có rất nhiều bất thiện, cũng như mọi người ngày nay. Tuy nhiên, họ đã vun bồi trí tuệ và hiểu được lợi ích của kham nhẫn và của các phẩm chất thiện. Vì vậy, họ có thể kiên trì vun bồi mọi loại thiện pháp để cuối cùng các ba la mật có thể đạt tới độ hoàn mãn qua sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Trước khi chúng ta có thể đạt tới sự viên mãn của các ba la mật, ta cần tiếp tục vun bồi chúng với kham nhẫn và bền bỉ, kiếp này sau kiếp khác, và đó là ‘cira kāla bhāvana’, sự vun bồi dài lâu. Cần một thời gian dài để vun bồi trí tuệ tới mức độ có thể tận diệt phiền não. Nhìn vào lượng phiền não mà chúng ta vẫn còn, hiển nhiên rằng sự vun bồi trí tuệ cần một khoảng thời gian dài. Phiền não không thể được diệt tận nếu ta không nghe Pháp và không suy xét về nó. Mọi Giáo lý mà chúng ta nghe đều bàn về sự vun bồi trí tuệ và tận diệt phiền não.

Nếu ta có kham nhẫn với sự vun bồi các ba la mật, chúng sẽ đạt tới độ hoàn mãn, chúng ta không vun bồi chúng uổng công: cuối cùng chúng sẽ đạt tới độ chín muồi và điều đó có nghĩa là Tứ Thánh Đế có thể được chứng ngộ. Các ba la mật của đức Phật Chánh đẳng giác đã đạt tới độ chín muồi và hoàn mãn để ngài có thể chứng Phật quả dưới cội Bồ đề tại Bodhgaya (Bồ đề Đạo Tràng).

Các phật tử đầy đủ tín tâm nơi đức Phật mong ước được đảnh lễ tại các thánh tích nơi các sự kiện quan trọng nhất trong vòng sinh tử luân hồi đã diễn ra. Tuy nhiên, khi ta đảnh lễ tại các thánh tích, ta cũng cần suy xét chân chánh Giáo lý của đức Phật. Suy niệm về sự kham nhẫn của các đệ tử Phật trong các kiếp khác nhau có thể khiến ta muốn vun bồi kham nhẫn và kiên trì cả với những sự kiện thông thường của đời sống hàng ngày.

Chúng ta đọc trong “Tiền thân Kassapamandiya” (số 312):

Chuyện này do bậc Ðạo Sư kể khi Ngài trú tại Kỳ Viên về một Tỷ-kheo lớn tuổi.

Tương truyền một nhà quí phái trẻ tuổi ở Xá-vệ thấy hậu quả xấu xa của các tham vọng tội lỗi,được bậc Ðạo Sư cho nhập Giáo đoàn, và do tinh tấn tu tập pháp môn thiền quán, chẳng bao lâuđạt Thánh quả. Về sau, khi mẹ mất, ông đưa cha và em trai vào Giáo hội và cả ba người cùng trú tại Kỳ Viên.

Khi mùa mưa bắt đầu; nghe nói tại một trú xứ trong làng kia họ có thể được cúng dường pháp y dễ dàng, cả ba người đều đến đó nhập hạ và sau khi mùa kiết hạ chấm dứt, họ về thẳng Kỳ Viên, vị Tỷ-kheo trẻ bảo chú tiểu yên lặng đưa vị Tỷ-kheo già đi, còn chính ông đi nhanh trước để đến Kỳ Viên sửa soạn phòng xá. Vị Tỷ-kheo già đi thực chậm, chú tiểu cứ thúc đầu vào, dùng sức kéo thầy đi và la lên:

– Nhanh lên thầy!

Tỷ-kheo già nói:

– Người cứ ép ta mà kéo ta đi tới trong khi ta không muốn đi như thế.

Rồi ông quay lại, bắt đầu đi từ khởi điểm. Họ cứ cãi nhau như thế. Mặt trời đã lặn và bóng tối đã kéo tới. Vị Tỷ-kheo trẻ sau khi quét tước lều, đổ nước đầy các bình vẫn chưa thấy họ đến, liền cầm đuốc đi tìm. Khi gặp họ, ông hỏi vì sao họ chậm trễ như vậy. Vị Tỷ-kheo già cho biết lý do. Ông bảo họ nghỉ rồi chậm rãi đưa họ đi tiếp. Thế là hôm ấy, ông không có thì giờ để đến tham bái đức Phật. Vì thế, hôm sau, khi ông đến tham bái đức Phật, đảnh lễ Ngài và ngồi vào chỗ xong, bậc Ðạo Sư hỏi:

– Ông về đến lúc nào?

– Bạch Ngài, hôm qua.

– Ông về đến từ hôm qua mà hôm nay mới đến tham bái Ta ư?

– Bạch Ngài, vâng.

Trả lời như thế xong, ông kể lại lý do. Bậc Ðạo Sư quở trách vị Tỷ-kheo lớn tuổi kia:

– Không phải chỉ bây giờ ông ấy mới làm như thế. Ngày xưa ông ấy cũng đã làm thế rồi. Giờ đây chính ông bị ông ấy làm phiền. Ngày xưa ông ấy đã làm phiền các trí giả.

Chúng ta có thể thắc mắc tại sao vì tỳ kheo già là cha lại là người đáng khiển trách, chứ không phải là vị sadi là con. Ai là người cần kham nhẫn?

Chúng ta đọc một câu chuyện về tiền kiếp:

Ngày xưa, khi đức Phật còn là Bồ-tát. Ngài trở thành một ẩn sĩ tại vùng Tuyết Sơn. Vị sư già khi đó là cha của đức Bồ tát. Thói quen hành xử của họ cũng gần giống như trong kiếp này.Vào mùa mưa, họ rời về ở dìa đô thị, và khi vùng Tuyết Sơn bắt đầu ra hoa, kết trái trở lại thì họ quay về chỗ ẩn dật của mình trong dãy Tuyết Sơn.30

Khi đó, Bồ tát để hai người cất chứa các vật dụng cần thiết của người tu sĩ, ngài đưa cha đi tắm, rửa và xức dầu thơm vào hai bàn chân cha, chà tẩy lưng cha. Rồi ngài đem ra một chảo than hồng và khi cha ngài khỏe khoắn trở lại, ngài ngồi bên cạnh cha và bảo:

– Thưa cha, bọn trẻ cũng giống như cái bình lọ bằng đất, chẳng mấy chốc là vỡ ngay và khi đã vỡ thì không thể nào chắp gắn lại được. Người già nên kiên nhẫn chịu đựng chúng khi chúng có điều sai quấy.

Và để khuyến dụ cha ngài tên là Kassapa, ngài đọc hai bài kệ sau đây:

Nếu trẻ dại nói làm sai trái,
Phần người khôn nhẫn nại bền lòng
Người hiền tranh cãi chóng xong,
Kẻ rồ tan vỡ như hòn đất khô.

Kẻ cầu học biết cho mình lỗi,
Chẳng hề phai, tỏ mối thân tình,
Như mang gánh của em anh,
Và làm nhẹ bớt xung quanh láng giềng.

Nếu ta muốnh chứng ngộ sự sinh diệt của danh và sắc, nếu ta muốn tận diệt phiền não và xuyên thấu Tứ Thánh Đế, ta cần suy xét cần thận Giáo Pháp trong các câu kệ này. Chúng bàn về sự tận diệt phiền não và khích lệ lòng kiên trì nhẫn nại.

Ta đọc:

Người hiền tranh cãi chóng xong,

Kể cả những bậc trí cũng có thể buồn và giận, nhưng họ có thể chỉnh sửa điều này nhanh chóng và hòa hợp gần gũi trở lại. Đó là bởi trí tuệ của họ. Khi chúng ta chết đi, tất cả các sự kiện của kiếp sống này qua đi, nhưng chừng nào ta vẫn còn sống thì ta vẫn nhớ những gì xảy ra trong cuộc đời mình. Có thể ta nhớ những sai trái mà người khác đã làm, nhưng nếu có trí, ta có thể tha thứ. Mặc dù bậc trí có thể cãi cọ, họ có khả năng tha thứ cho nhau. Họ có thể thân thiết trở lại và từ đó có thể tương trợ lẫn nhau. Đó là bởi hiểu biết của họ về Pháp. Còn người không có trí có thể bị tan vỡ như những món đồ đất chưa nung. Họ không có khả năng làm dịu cơn giận.

Chúng ta đọc rằng đức Bồ tát nói:

“Nếu một người nhìn ra những sai trái khiến mình xúc phạm tới một người khác, và anh ta nói ra lời rằng mình đã sai, cả hai có thể sống trong sự hòa hợp sâu sắc hơn, tình bạn của họ không thể bị hủy hoại.”

Ta không nên chỉ nhìn ra những sai trái khiến mình xúc phạm người khác, mà cũng phải nói ra được điều ấy. Nếu ta không biểu lộ sự tiếc nuối của mình, ta vẫn ủ ê về điều đã xảy ra và có thể bực tức. Nếu một người xúc phạm người khác nói ra bằng lời rằng mình đã sai, cả hai có thể sống trong hòa hợp nhiều hơn; họ sẽ hiểu rõ nhau hơn, và tình bạn thân thiết của họ không thể bị phá hủy.

Chúng ta đọc:

“Nếu một người, khi bị người khác xúc phạm, có thể khiến cả hai hòa hợp trở lại, người ấy được coi là một người ghánh trên mình trách nhiệm lớn lao và cao cả.”

Điều này có nghĩa là nếu một người đã tha thứ cho một người khác và người kia, mặc cho điều ấy, vẫn xúc phạm anh ta, anh ta vẫn có thể khiến cho cả hai người hòa giải và sống trong sự hòa hợp. Như vậy, anh ta là người cao thượng, hoàn thành một nhiệm vụ lớn lao. Một người có trí biết hành xử như thế nào để mang lại lợi lạc cho những người khác. Nếu anh ta thiếu trí tuệ, anh ta sẽ không theo lời khuyên của đức Phật về cách hành xử mang lại lợi lạc.

Chúng ta đọc tiếp trong Chú giải:

“Một người có thể bị xúc phạm bởi một người khác do người ấy quá tức giận, làm điều sai trái nhưng thậm chí không xin lỗi. Tuy nhiên, người bị đối xử tồi có thể khiến cho người kia và mình hòa giải và trở thành bạn bè bằng việc nói những lời sau, ‘Bạn nên tới, nghe kinh, nghe giảng Pháp, và chịu khó phát triển tâm trí. Vì lý do gì bạn trở nên lạ vậy?’ Đó là tri kiến của vị ấy, từ tâm là bản tính của vị ấy. Vị ấy cao thượng, có thể được coi là một người hoàn thành nhiệm vụ lớn lao bởi vị ấy thực hiện nhiệm vụ gây dựng tình bạn.

Đức Phật khích lệ vị Sa-môn cha như vậy. Từ đó, vị sa môn cha rèn luyện mình và tu tập hạnh đầu đà.”

Tuy nhiên, đó là ở kiếp cuối của vị ấy, còn trong kiếp hiện tại, vị ấy hành xử như những gì vẫn quen làm. Khi con trai thúc đầu vào lưng vị ấy, vị ấy trở nên giận dữ và nóng nảy. Vị ấy quay lại và bắt đầu đi lại từ khởi điểm và cuốc bộ lại từ đó, để khi họ tới Kỳ viên Tịnh xá thì trời đã sập tối.

Điều ấy chỉ ra rằng không ai có thể kiểm soát các pháp, bất kể chúng là bất thiện hay là thiện. Đôi khi có những duyên cho sự sinh khởi của thiện pháp và đôi khi có duyên cho sự sinh khởi của bất thiện pháp, thứ vẫn chưa được tận diệt. Trong một kiếp sống, ai đó có thể đã tu tập để tận diệt phiền não, nhưng nếu phiền não vẫn chưa được tận diệt, vị ấy còn những phiền não ngủ ngầm trong tâm và có thể làm duyên cho sự sinh khởi của tâm bất thiện bất cứ lúc nào. Sức mạnh của các phiền não đã tích lũy tạo duyên cho hành xử của mỗi người.

Nếu một người đã nghe Pháp nhiều lần, anh ta sẽ thấy rằng Giáo Pháp của đức Phật rất thâm sâu, rằng rất khó để hiểu và xuyên thấu đặc tính của các thực tại mà các bậc thánh đã chứng ngộ. Ta cần áp dụng tính kham nhẫn trong sự vun bồi hiểu biết về các thực tại, và rồi ta có thể thấy rằng hiểu biết phát triển rất từ từ, rằng nó luôn lớn mạnh. Một ngày nào đó trong tương lai ta sẽ nhận được kết quả của kham nhẫn là khổ hạnh tối thượng, tức là sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế.

Một người có trí tuệ sẽ thấy rằng hết sức kham nhẫn là vô cùng thiết yếu trong mỗi hoàn cảnh của cuộc sống. Ta phải có kham nhẫn để kiềm chế giận dữ, khó chịu, tiếc nuối, hay cảm thấy bị coi thường bởi hành động và lời nói của một người khác, kiên nhẫn trong mọi tình huống, cả với vấn đề sự sống và cái chết. Khi một người hiểu Pháp, anh ta sẽ thấy ý nghĩa của kham nhẫn, kham nhẫn để cần mẫn trong việc nghiên cứu Giáo Pháp, nghe Pháp, suy xét và thẩm sát về Pháp. Ta cần nghiên cứu và thực hành Pháp với sự chân thật, sự chân thật đưa tới chân thật ba la mật sẽ được bàn tới trong chương sau.

 

Chú thích

1.Tôi (Nina Van Gorkom) đưa thêm phần nội dung câu chuyện như được kể trong “Hạnh Tạng

2.Xem thêm chuyện Tiền thân số 457, Thiền Thân Dhamma. Tôi (Nina Van Gorkom) đã thêm nội dung câu chuyện như trong câu chuyện Tiền thân này cùng các bài kệ. Trong Chú giải “Hạnh Tạng”, từ “bạc” được sử dụng thay cho vàng. Trong đó nói: “Nhờ sắt mà vàng được đập ra”.

3.Tappati là thể bị động của tapati. Tapati có nghĩa là thiêu đốt, chiếu sáng

4.Xem thêm Chú giải của “Tiểu Tụng” (Khuddakapatha), cuốn “Paramatthajotika” (Soi Sáng Chân Đế Nghĩa). Chương VI, Ratana Sutta.

5.Chúng sinh với các căn (indriya) như nhãn căn, v.v…

6.Một vị vua cai trị bốn châu lục, sở hữu các bảo vật luân xa, tượng, ngựa, châu báu, phụ nữ, quản khố và quân sư.

7.Bậc hữu học, sekkha, đã giác ngộ nhưng chưa tới mức độ A la hán, còn bậc vô học, asekkha đã giác ngộ A la hán.

8.Tứ vật dụng của vị tỳ kheo: y áo, vật thực, cốc liêu và thuốc men.

9.Vỹ nhân hay anh hùng: với những phẩm chất nổi bật

10.“Thiện gia nam tử” thường được dùng để chỉ những vị tỳ kheo mà thực chất là con Phật.

11.Một lý tương đương 7.3km.

12.Bằng thần thông

13.Đây là những đặc điểm thân thể cụ thể của đức Phật

14.Cơ hội chung nơi cư ngụ với đức Phật

15.Sát đế lị là tầng lớp cao quý

16.Oai nghi của đức Phật khi ngủ, thân nằm nghiêng về bên phải

17.Những vị thánh Bất lai và A la hán có bát thiền (jhānna) có thể khiến tâm quả siêu thế kinh nghiệm Niết bàn sinh khởi trở lại nhiều lần sau khoảnh khắc giác ngộ.

18.Trong bài kinh này, đức Phật thuyết cho Pukkusāti về sáu giới (yếu tố) là địa giới, thủy giới, hỏa giới, phong giới, không giới và thức giới. Ngài dạy rằng không nên cho những giới ấy là tôi, của tôi hay tự ngã của tôi. Ngài dạy về thọ và về các duyên của chúng, về các tầng thiền vô sắc giới, và về sự thật rằng đây là các pháp hữu vi do duyên sinh. Ngài nói về sự tận diệt của tái sinh và về pháp vô vi.

19.Ngài đã đạt được tầng thánh thứ ba, tầng thánh Bất lai (anāgāmī)

20.Tám vật dụng (parikkhāra) bao gồm: tam y, một bình bát, một dao cạo, một cái kim, một đai lưng và một dụng cụ lọc nước.

21.Có năm cõi Tịnh Quang Thiên (Sudhāvāsa) của các bậc Thánh Bất lai, là quả của tứ thiền (hay ngũ thiền trong hệ ngũ thiền), Pukkusāti tái sinh ở cõi thứ nhất trong năm cõi này, cõi Aviha.

22.Machariya là xan tham. Có năm loại xan tham được giải thích trong Kinh điển: xan tham về chỗ ở (āvāsa), gia đình (kula) – là gia đình thí chủ hộ độ tứ vật dụng cho một tỳ kheo, lợi dưỡng (lābha), vật dụng cúng dường, danh tiếng (vaṇṇa) và Pháp (Dhamma)

23.Pāṭimokkha có nghĩa là bổn phận. Ovāda có nghĩa là huấn thị hoặc sách tấn. Āṇā có nghĩa là mệnh lệnh, điều học.

24.Titikkhā có nghĩa là kiên trì, bền bỉ

25.Chú giải giải thích rằng kham nhẫn (khanti) là adhivāsana-khanti: kham nhẫn với môi trường sống của mình

26.Thiện pháp bốn cõi: thiện pháp dục giới (kāmāvacara), thiện pháp sắc giới, thiện pháp vô sắc giới, và thiện pháp siêu thế.

27.Pāti có nghĩa là gìn giữ, bảo vệ, và mokkheti có nghĩa là giải phóng, giải thoát.

28.Ở đây nói đến cốc liêu và vật thực.

29.Sự chứng đắc các tầng thiền sắc giới và vô sắc giới.

30.Ở đây là bản tóm tắt. Tham khảo đầy đủ nội dung trong chuyện Tiền Thân này.

 

 

Leave a Reply

Translate »