Bức thư vipassana 7

Bức thư vipassana 7

Hague, ngày 20 tháng 5 năm 1991

Sarah thân mến!

Cảm ơn về các cuốn băng mà bạn đã thu ở Băng Cốc khi bạn và Jonathan thăm Khun Sujin. Những cuộc thảo luận diễn ra ở những nơi khác nhau: trong công viên Safari, trong xe ô-tô, trong nhà hàng với nhạc nền thật to, trong công viên có vườn Nhật bản và trong nhà của Khun Sujin. Khung cảnh thì luôn thay đổi nhưng chúng chỉ là danh và sắc: các đối tượng thị giác và cái thấy, âm thanh và cái nghe và tất cả các  thực tại khác. Chúng xuất hiện nhưng ta cần phải có những lời nhắc để không quên chánh niệm về chúng. Trong thư, bạn viết là bạn đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho các cuộc Pháp đàm vào các buổi chiều trong ba ngày bạn ở Băng Cốc, nhưng mọi thứ hóa ra lại khác với những gì bạn mong đợi. Một ngày Khun Sujin bị ốm và bà không thể nói  nhiều. Tuy nhiên, bạn cũng đã có một buổi nói chuyện hay với em gái của bà và với Khun Duangduen. Chúng ta định ra các kế hoạch tuyệt vời nhưng ta chẳng bao giờ biết cái gì sẽ xảy ra, bởi vì cái gì xảy ra đều là do nhân duyên. Thư của bạn là một lời nhắc lại về sự thật này. Tôi thích câu nhắc nhở của bà Khun Sujin lắm “Cuộc sống hàng ngày là một phép thử cho sự vun bồi hiểu biết và tuệ giác”. Chúng ta ở các hoàn cảnh khác nhau, có khi thì dễ chịu, lúc thì khó chịu, nhưng ta không nên quên rằng các thực tại đang xuất hiện nơi sáu căn, dù ta ở bất kỳ đâu.

Bạn nói về stress trong cuộc sống hàng ngày, khi bạn làm việc. Bạn thấy khó để nhớ rằng chỉ có danh và sắc, và đây là vấn đề chung của tất cả chúng ta . Khi chúng ta cố loay hoay, vội vã để hoàn thành công việc của mình như lau chùi nhà cửa hay nấu nướng, ta tin rằng ta cần nhiều thời gian thảnh thơi và nhièu thời gian để đọc kinh hơn. Nhưng, như Jonathan đã nhận xét, liệu ta có thực sự dùng thời gian rảnh cho Giáo Pháp, hay ta sẽ làm các hoạt động khác, như chơi với máy tính, hay dùng nó để giải quyết một vấn đề gì đó? Chính các tâm khác nhau thôi thúc các hoạt động của ta, một vài tâm thì là thiện, nhưng các tâm bất thiện thì nhiều hơn nhiều. Chúng sinh khởi do nhân duyên, và thay vì cố gắng kiểm soát chúng, ta nên phát triển hiểu biết của mình về chúng. Tôi thích câu trả lời của Khun Sujin rằng, ta không nên lo lắng, vì lo lắng là tâm bất thiện và rằng chúng ta nên phát triển trí tuệ  một cách thư giãn. Tôi dẫn ra lời của bà:

…Hãy vun bồi một cách thư giãn, đừng vội. Bạn không nên muốn có kết quả nhanh chóng. Ta nên hiểu mức độ trí tuệ của chính mình. Khi có giây phút không hiểu, thì lúc đó không thể chuyển lại thành hiểu được. Nhưng, khi không có cái hiểu về đối tượng thị giác, ta có thể bắt đầu phát triển sự hiểu biết của mình.

Khun Sujin kể về cuộc sống hàng ngày của bà. Bà đi chợ, bà chơi trò xếp chữ và tiếp khách. Không phải lúc nào bà cũng đọc Kinh, nhưng bà nghe Pháp hàng ngày qua đài: Bà theo con đường Trung Đạo. Không nên có một ý tưởng rằng ta nên phát triển tứ niệm xứ (satipatthana). Ta không thể đoán trước được giây phút tới sẽ như thế nào. Khi có dính mắc, ta có thể xem nó chỉ như là một thực tại. Bà Khun Sujin chỉ ra rằng chúng ta cần rất nhiều “nguyên liệu” cho sự phát triển chánh kiến. Các nguyên liệu này là các tâm sở tịnh hảo (sobhana cetasikas) đã được tích lũy và có thể hỗ trợ lẫn nhau để chánh kiến có thể phát triển đến một mức độ nào đó, khi nó có thể thoát khỏi tà kiến về ngã. Một người đầu bếp cần rất nhiều nguyên liệu để làm nên một bữa ăn. Cũng như vậy, rất nhiều nguyên liệu cần có cho một khoảnh khắc hiểu chính xác về  thực tại đang có mặt. Rất cần thiết phải tích lũy nhiều thời gian nghe, đọc, nghiên cứu và nghiền ngẫm. Khi chúng ta học giáo pháp kỹ lưỡng, ta thu thập các nguyên liệu giúp dẫn đến sự hiểu biết trực nhận sau này. Bà Khun Sujin nói:

Ta đọc để hiểu về khoảnh khắc này

Ta nghe để hiểu về khoảnh khắc này

Ta nghiền ngẫm để hiểu về khoảnh khắc này

Khi ta hay biết mà vẫn không có tiến bộ, ta có thể biết lý do: không có hiểu biết trọn vẹn  về các chi tiết của Giáo Pháp.

Bạn băn khoăn tại sao ta nên biết kỹ lưỡng về Tứ Đại, Đất, Nước, Lửa và Gió, vốn là các sắc cơ bản có các đặc tính cứng, dính kết, nhiệt độ và chuyển động sinh khởi với mỗi nhóm sắc. Tôi thích cuộc thảo luận của bạn với Khun Sujin, vì mọi người thường băn khoăn tại sao cần phải biết những chi tiết này. Bạn đã hỏi tại sao nếu chỉ hay biết cảm giác cứng khi nó xuất hiện thì chưa đủ. Khun Sujin đã trả lời rằng khi ta chỉ hay biết về cảm giác cứng thôi thì chưa đủ. Có rất nhiều thực tại xuất hiện và chúng được tạo duyên bởi nhiều yếu tố khác nhau. Đối tượng thị giác là sắc xuất hiện qua nhãn căn, nhưng đối tượng thị giác không sinh khởi một mình, chúng sinh khởi trong một nhóm các sắc khác, mà trong đó có tứ đại. Các đối tượng thị giác đa dạng vì chúng được duyên bởi sự phối hợp của tứ Đại. Các kiến thức chi tiết giúp ta nhận ra rằng những gì mình kinh nghiệm chỉ là các thực tại do duyên tạo. Chúng ta càng hiểu về các nhân duyên, ta càng hiểu rằng không có ngã.  Khun Sujin cũng nói là những gì ta học được ở kiếp này sẽ bị quên khi ta tái sinh trong kiếp sau, nhưng khi ta nghe lại [ở kiếp sau], sẽ có nhân duyên giúp ta hiểu Pháp sâu sắc hơn. Việc học Giáo Pháp không bao giờ mất đi.

Cũng có ích khi ta biết về các loại tâm khác nhau sinh khởi trong các lộ trình vì đây chính là cuộc sống thường nhật của chúng ta. Như Khun Sujin nói, ta học để hiểu về giây phút này. Ta không nên quên mục đích của việc học. Khi có sự tiếp xúc với đối tượng thị giác, âm thanh hay các đối tượng của giác quan khác qua sáu căn, các đối tượng này được kinh nghiệm bởi các tâm sinh và diệt, nối tiếp nhau trong các lộ trình. Trong mỗi một lộ trình, có các tốc hành tâm, có thể là thiện hoặc bất thiện, nhưng hầu như chúng ta toàn không biết về điều này. Từ các đối tượng được kinh nghiệm qua các căn khác nhau, ta tạo dựng các câu chuyện dài, ta bị chìm đắm trong suy nghĩ của mình. Các tâm suy nghĩ sinh khởi trong lộ trình của ý môn, chúng có thể là tâm thiện, nhưng phần lớn là bất thiện. Ta dính mắc với mọi người xung quanh hoặc ta khó chịu về họ và ta quên rằng chẳng có ai cả, chỉ là danh và sắc. Khun Sujin nhấn mạnh trong cuộc thảo luận rằng khi ta đi ngủ, những câu chuyện ta dựng nên trong ngày bị quên lãng. Đúng là khi tôi ngủ, tôi không biết tôi là ai, tôi đã lấy ai hay tôi đang sống ở đâu. Ta quên đi niềm vui, sự sợ hãi và các lo lắng. Khi ta ngủ, và không mơ, không có lộ trình của các tâm kinh nghiệm các đối tượng tiếp xúc qua sáu căn. Khi đó có các tâm hộ kiếp (bhavangacittas), tâm có chức năng duy trì sự tương tục trong kiếp sống, và những tâm này kinh nghiệm cùng một đối tượng với tái sinh thức, là đối tượng được kinh nghiệm ngay trước tử thức của kiếp trước. Biết các chi tiết này sẽ có ích, chúng giúp ta hiểu được những câu chuyện mà ta đang đắm chìm vào bây giờ thực ra chẳng là gì cả. Chúng chỉ tồn tại chừng nào ta còn nghĩ về chúng, nhưng chúng sẽ bị quên ngay khi ta ngủ. Khun Sujin nói rằng ta không nên đợi đến lúc ta đi ngủ để quên đi các câu chuyện mình đã dựng nên, mà ta nên buông chúng từ ngay bây giờ. Dính mắc không mang lại bình an. Hiểu rằng mọi thứ chỉ là tạm bợ tạo duyên cho an tịnh. Ta có thể nhân ra rằng các lộ trình của tâm kinh nghiệm các đối tượng giác quan lướt qua như một nháy sáng, và rồi sau đó là các suy nghĩ về chúng. Ta sống trong thế giới của suy nghĩ từ khi sinh ra đến lúc chết. Ta có các cảm thọ khác nhau vì do các suy nghĩ, nhưng (kỳ thực) mọi thứ qua nhanh như một nháy sáng, rất tạm bợ, vô thường. Sau cái thấy, là suy nghĩ, sau cái nghe, là suy nghĩ. Những gì chúng ta thường cho là trường tồn xuất hiện trong một khoảnh khắc rất ngắn và sau đó hoàn toàn biến mất. Ta đã nghe điều này rồi, nhưng được nghe nhắc lại sự thật này thật là tốt. Khun Sujin đã nhận xét:

Trong ý niệm của bạn, dường như là mọi thứ là trường tồn, nhưng mọi thứ đều rất ngắn ngủi, chẳng có gì cả. Khi ai đó nói, “ Cuộc đời thật ngắn”, ta nên nhớ rằng mỗi khoảnh khắc- sát na còn ngắn hơn nữa. Nó không bao giờ quay lại. Ta nghe chim hót nhưng nó trôi qua trong một tích tắc.

Bạn đã nhận xét rằng mới chỉ có các suy nghĩ về sự vô thường mà thôi, và đó là một hình thức thiền chỉ (samatha) với vô thường làm đối tượng. Bạn đưa ra điểm này rất hay. Chúng ta đều có cảm giác rằng mình hiểu về vô thường trên lý thuyết và rằng ta có thể suy nghĩ về nó, nhưng ta không trực tiếp kinh nghiệm chân đế. Tôi dẫn ra một đoạn trong phần nói chuyện của bạn với Khun Sujin

Khun Sujin: Có thể có những khoảnh khắc của trí tuệ, hiểu về thực tại sinh diệt, nhưng điều này còn phụ thuộc liệu sự phát triển của tuệ giác đã đạt đến mức đó hay chưa. Đây không phải là vấn đề của mong muốn hay cố gắng, mà đó là vấn đề của sự vun bồi tuệ giác.

Sarah: Nói về các tầng tuệ thường làm ta lo lắng. Tại sao ta không chỉ cần chánh niệm về các đặc tính đang sinh khởi?

Khun Sujin: Kể cả khi nói về các tầng tuệ, ta cũng không cần phải lo lắng về chúng. Có thể ở đây có sự vô minh và dính mắc. Ta lo lắng, muốn trải nghiệm các tầng tuệ. Ta phải phát triển sự hiểu biết đã. Sau đó, ta sẽ không còn lo lắng về các tầng tuệ. Ta sẽ biết rằng ta sẽ đạt các tầng tuệ một ngày nào đó, nếu con đường đi của ta là đúng. Mỗi  khoảnh khắc hiểu biết sẽ dẫn đến hiểu biết nhiều hơn. Chỉ có sáu căn mà thôi.

Cái thấy tiếp nối qua các kiếp sống. Nếu một người bây giờ chết và được tái sinh trong cõi thiên chẳng hạn, cái thấy sẽ theo ngay tức thì và nó luôn là như thế từ vô lượng kiếp . Một người có thể thấy rất nhiều và không hiểu về cái thấy cho đến khi nghe Pháp và bắt đầu phát triển trí tuệ. Khi đó sẽ có sự hiểu biết về cái thấy như nó là.

Nếu một người nghĩ rằng việc phát triển trí tuệ là quá khó và rằng nên làm các việc khác để có chánh niệm hơn, người đó đã không thấy được giá trị của chánh niệm về thực tại và hiểu biết về chúng.

Bài kinh sau nhắc chúng ta rằng trí tuệ không phát triển chỉ vì ta mong ước, và rằng nó chỉ tăng trưởng bằng cách vun bồi nó ngay bây giờ. Ta đọc trong Tăng Chi Bộ Kinh (Quyển 3, Chương X, Đoạn 91, Cấp thiết):

Này các Tỷ-kheo, có ba việc cấp thiết này, người nông phu gia chủ cần phải làm. Thế nào là ba? Ở đây, này các Tỷ-kheo, người nông phu gia chủ mau lẹ khéo cày thửa ruộng, khéo bừa thửa ruộng, sau khi mau lẹ khéo cày thửa ruộng, khéo bừa thửa ruộng, liền mau lẹ gieo hạt giống, sau khi mau lẹ gieo hạt giống, liền mau lẹ cho nước vô, cho nước ra. Này các Tỷ-kheo, đây là ba việc cấp thiết mà người nông phu gia chủ cần phải làm.

Người nông phu gia chủ ấy, này các Tỷ-kheo, không có thần lực hay không có uy lực (để ra lệnh): “Hôm nay lúa của ta được mọc lên, ngày mai chúng sẽ trổ hạt, ngày kế tiếp chúng sẽ chín”. Nhưng chính theo thời gian của người nông phu gia chủ, các cây lúa do sự hướng dẫn của thời tiết được mọc lên, được trổ hạt và được chín. Cũng vậy, này các Tỳ-kheo, có ba công việc cấp thiết này Tỷ-kheo cần phải làm. Thế nào là ba?

Chấp hành tăng thượng giới học, chấp hành tăng thượng định học, chấp hành tăng thượng tuệ học. Ba công việc cấp thiết này, này các Tỷ-kheo, một Tỷ-kheo cần phải làm. Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, không có thần lực hay không có uy lực (để ra lệnh): “Hôm nay, tâm ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ, ngày mai cũng vậy, ngày kế tiếp cũng vậy”. Nhưng này các Tỷ-kheo, chính do thời gian Tỷ-kheo ấy sử dụng để học tập tăng thượng giới, để học tập tăng thượng tâm, để học tập tăng thượng tuệ, mà tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ.

Do vậy, này các Tỷ-kheo, cần phải học tập như sau: “Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng giới học. Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng định học. Sắc bén sẽ là ước muốn của ta để chấp hành tăng thượng tuệ học”. Như vậy, này các Tỷ-kheo, các Thầy cần phải học tập.

Việc chấp hành tăng thượng giới, tăng thượng định và tăng thượng tuệ chính là tam học Giới, Định, Tuệ của con đường Bát Chánh Đạo. Ta có thể giữ mãi suy nghĩ rằng việc chứng ngộ chân lý là quá khó. Ta trì hoãn chánh niệm về giây phút hiện tại và ta vẫn mong rằng sẽ có lúc sự giác ngộ sẽ xảy ra. Ta không nên đợi có một phép màu. Nếu không có sự vun bồi trí tuệ ngay từ bây giờ, các phiền não sẽ không thể bị đoạn trừ. Ta không thể rút ngắn quá trình phát triển trí tuệ, nhưng khi ta hiểu rằng phát triển con đường Bát Chánh Đạo là cách duy nhất để diệt trừ vô minh, đó sẽ là nhân duyên cho chánh niệm. Đồng thời, cũng cần phải nhớ rằng không nên có ý niệm về một cái ngã đang cố gắng chánh niệm. Không nên có dính mắc vào chánh niệm, vì nếu vậy, chánh niệm không thể sinh khởi. Chánh niệm sinh khởi vì các nhân duyên riêng của nó, đó là học Giáo Pháp, nghe và nghiền ngẫm. Ta không nên đổ lỗi sự thiếu chánh niệm của mình cho hoàn cảnh. Khun Sujin nói:

Khi ta muốn kiểm soát hoàn cảnh, ta đang tạo thêm các câu chuyện, các khái niệm. Ai thấy được giá trị của chánh niệm sẽ có chánh niệm ngay tức thì và sẽ không mong phải đi tới đâu khác nữa. Người đó biết rằng cần một thời gian lâu dài để phát triển tuệ giác.

Bạn đã có thảo luận [với Khun Sujin] về nhận biết sự khác nhau giữa thiện và bất thiện. Chúng ta biết trên lý thuyết rằng chúng khác nhau, nhưng ta cũng thấy khó mà biết một cáchtrực tiếp khi tâm là thiện hay bất thiện. Khi ta giúp một ai đó, thì lúc đó có các tâm thiện, nhưng cũng có thể có cả tâm bất thiện dính mắc với người ta giúp hoặc dính mắc với “tâm thiện của ta”. Các tâm rất vi tế và chúng thay đổi nhanh chóng.” Khun Sujin nói rằng cần phải biết sự khác nhau giữa thiện và bất thiện, nếu không, ta sẽ không thể phát triển được thiện pháp. Bà giải thích rằng chúng ta chỉ có thể biết được giây phút hiện tại:

Nếu ta không nói về giây phút này, làm sao ta có thể biết liệu tâm là thiện hay bất thiện? Biết điều này trong cuộc sống hàng ngày là rất có ích. Khi bạn nghĩ về lợi ích của người khác mà không có dính mắc, có thể có thiện, ở cấp độ bố thí. Mọi người có thể có nhiều tâm thiện trong một ngày nhưng họ không biết. Chánh kiến thì hiểu rằng đó là các danh khác khác nhau.

Bà Khun Duangduen đã mời Jonathan uống cà phê. Khi bà làm việc này cho Jonathan mà không có dính mắc, tâm đó là thiện. Thông thường, ta lo lắng quá nhiều về việc phát triển thiện pháp. Khun Sujin nhận xét rằng một số người nghĩ và nghĩ và nghĩ mãi xem có thể có thêm nhiều  thiện pháp bằng cách nào, trong khi đó, người khác chỉ cần làm các điều thiện bất kỳ khi nào có thời gian và cơ hội. Ta cứ lo mãi về tâm thiện và cả về tâm bất thiện của ta. Tôi để ý rằng Khun Sujin nhấn mạnh vài lần rằng ta không nên lo lắng và rằng ta nên phát triển chánh kiến một cách thư giãn. Bà lặp lại những gì bà nói ở Ấn Độ về tâm sân của bà. Bà nói rằng khi bà sân, bà không thấy có vấn đề gì với cái sân ấy, vì sân khởi sinh do các nhân duyên của nó. Bà không nghĩ “Ôi, tôi đã học rất nhiều và vì vậy, tôi không nên sân chứ.” Gabi đã nghe các băng của bà nói được thu âm ở Ấn Độ và cô ấy viết cho tôi về những phản ứng của cô liên quan đến chủ đề này:

Tôi rất ngạc nhiên khi nghe Khun Sujin nói , “Cái sân của tôi không làm tôi bận tâm mấy, tôi không muốn kiểm soát chúng”. Tôi bị choáng bởi những lời này và chúng khiến tôi có một cách tiếp cận hoàn toàn mới với sân và vô ngã, annata. Khun Sujin thường nói, “Đó không phải là cái sân của bạn”, nhưng điều này vẫn chưa thuyết phục tôi lắm. Chẳng nhẽ một người không nên cố gắng cải thiện mình, không nên ép mình một chút sao, và nếu người đó có ý chí để làm điều này, họ có thể thành công không? Các buổi hội thảo, tập huấn được tổ chức để giúp những người có vấn đề trong quan hệ và giúp họ thay đổi hành vi, và những hội thảo đó đã thành công.  Vậy mà bây giờ, tôi nghe từ Khun Sujin, “Cái sân không làm tôi bận tâm và tôi chẳng muốn kiểm soát chúng”. Tại sao tôi lại bị bận tâm bởi cái sân của tôi? Bởi vì các cảm giác đi kèm là khó chịu và vì những người bạn của tôi không thích tôi sân, hoặc họ không ngưỡng mộ tôi nữa.

Ta không thể ngăn không nghĩ, nhưng quan trọng là không quên rằng các pháp là vô ngã, ngoài tầm kiểm soát. Tôi nghĩ rằng ta có thể nói rằng Khun Sujin không muốn kiểm soát cái sân “của bà ấy” và vì thế không bị nó làm xao động.

Đó chính là câu trả lời. Khi một người nhận ra rằng những gì xuất hiện “chỉ là một thực tại”, rằng đó là do duyên khởi, chứ không phải là do ngã, người đó sẽ bị xao động ít hơn. Điều này không có nghĩa là ta không nên phát triển các phẩm chất tốt đẹp. Ta nhận thấy rằng ta thường thất bại nhưng thay vì có sự khó chịu, khi đó có thể có hiểu biết về thực tại đang sinh khởi, và nhờ đó, các tâm sẽ là tâm thiện. Sẽ có sân nữa nhưng sau đó lại có các khoảnh khác của hiểu biết tiếp. Khi chúng ta thực sự nghiền ngẫm các thực tại, và có chánh niệm về chúng, sẽ có hiểu biết sắc bén hơn về các đặc tính của chúng. “Một người không lo lắng sẽ tiếp tục phát triển hiểu biết, Khun Sujin nói.

Bạn uống trà và vắt quả chanh và lúc đó Khun Sujin nhắc bạn về giây phút hiện tại. Bà nói: “Khi bạn vắt quả chanh, thay vì suy nghĩ về chánh niệm, có thể có hiểu biết về các đặc tính xuất hiện”. Chúng ta nghĩ và lo lắng về chánh niệm nhưng ta quên để ý các đặc tính mềm hay cứng xuất hiện liên tục. Anh Jonathan nhận xét rằng các đặc tính của vô ngã không xuất hiện. Khun Sujin trả lời:

Bây giờ có một đối tượng thị giác. Có thể có hiểu biết rằng đó chỉ như là một đối tượng thị giác. Ta sẽ học cách bắt đầu phân tách nhãn căn với ý căn. Đối tượng thị giác chỉ là một thực tại. Khi hiểu điều này, ta có thể xóa bỏ ý niệm là có cái gì trong đó. Khi một người bắt đầu quá trình phát triển hiểu biết, sẽ không có sự phân tách giữa danh và sắc, chúng đều trộn vào nhau. Vì vậy, sẽ không thể xóa bỏ ý niệm về ngã ở các thực tại. Bằng việc phát triển hiểu biết về thực tại từng chút một, ta có thể học rằng thực tại đang  kinh nghiệm đối tượng hiện giờ chỉ là một danh, nó là một thực tại khác với các đối tượng thị giác được nhìn thấy. Nếu ta hiểu điều này, ta sẽ hiểu rằng không có ai, hay cái gì trong đó. Để hiểu rõ ràng về đối tượng thị giác, cái thấy, âm thanh, cái nghe, của tất cả các thực tại diễn ra qua sáu căn phải mất thời gian.

Khi ta nhìn thấy ai đó, ta có thể nhớ rằng nó cũng giống như nhìn vào trong gương, vì chỉ có đối tượng thị giác là được kinh nghiệm và chẳng có người nào cả. Chúng ta tự tạo các chuyện về người. Chúng ta bắt đầu hiểu rằng đó là đối tượng thị giác, không phải một vật hay một người. Đây chẳng phải bước đầu của sự hiểu về bản chất vô ngã của đối tượng thị giác hay sao? Khun Sujin đã chỉ ra vài lần trong buổi thảo luận rằng khi một người nhìn thấy giá trị của chánh kiến, điều đó sẽ làm duyên ngay lập tức cho chánh niệm. Ta có thể nói rằng ta hiểu giá trị của chánh kiến, nhưng liệu ta có thực sự nghĩ vậy không ? Đoạn kinh sau nhắc nhở chúng ta về những gì quí giá nhất trong cuộc sống. Chúng ta đọc trong Trường Bộ Kinh (Digha Nikaya III, Kinh Phúng Tụng, Sáu pháp, 18): Sáu vô thượng: Kiến vô thượng, văn vô thượng, lợi đắc vô thượng, học giới vô thượng, hành vô thượng, ức niệm vô thượng

Đoạn Kinh này tuy ngắn nhưng ý nghĩa thật sâu sắc. Các kinh nghiệm tối thượng là các kinh nghiệm tốt đẹp, quý giá nhất. Thuật ngữ Pali được dùng ở đây là “vô thượng – anuttariya. Khun Sujin đã giải thích ý nghĩa của sáu “anuttariya” khi ở Chùa Bovornives Temple và dẫn “Manorathapurani”, chú giải cho Kinh Tăng Chi Bộ (Anguttara Nikaya, Chương Một Pháp, XIII). Chú giải này có liên quan đến sáu vô thượng – anuttariyas.

Kinh nghiệm tối thượng đầu tiên là kiến vô thượng (dassana). Ngài Ananda đã có kinh nghiệm này vì ngài được nhìn thấy Đức Phật cả ngày và Ngài đã phát triển được chánh kiến và đạt được giác ngộ. Nếu một người nhìn thấy Đức Phật nhưng không phát triển chánh kiến, cũng sẽ không có kinh nghiệm tối thượng của cái thấy. Người này không thực sự thấy giá trị của Đức Phật và các lời dạy của Người.  Chú giải có nói rằng các đệ tử đã giác ngộ khác và những “bậc thiện trí”  (kaliyana puggala), là những người đã đi theo con đường Bát Chánh Đạo, có kinh nghiệm tối thượng của cái thấy. Chúng ta ngày nay không còn nhìn thấy Đức Phật nhưng chúng ta có thể áp dụng những gì Người nói với Vakkali, một vị vốn dính mắc vào hình ảnh của Người (Theragatha 205). Đức Phật nói “ Ai thấy Pháp là thấy Như lai”.

Đối với văn vô thượng (savana), Tôn giả Ananda đã nghe Đức Phật giảng dạy và đã phát triển chánh kiến, giúp ngài đạt giác ngộ. Cũng tương tự như vậy đối với các vị đệ tử đã giác ngộ và những người đi theo con đường Bát Chánh Đạo. Họ đã nghe và phát triển tứ niệm xứ, vì thế họ đã đạt được giác ngộ. Bây giờ, khi nghe Giáo Pháp và bắt đầu phát triển tứ niệm xứ, chúng ta có thể có cái nghe tối thượng. Ta có thể nhận ra rằng được nghe giảng về Giáo Pháp là điều quý báu nhất được nghe.

Lợi đắc vô thượng (labha) là gì? Mỗi người ai cũng muốn có các thứ tuyệt nhất, nhưng nếu không có trí tuệ, người ta sẽ không biết liệu cái mình có có thực sự tốt hơn các thứ khác không. Những ai có lòng tin tưởng vào Đức Phật, như ngài Ananda, có các lợi đắc tối thượng nhất. Cũng tương tự như vậy đối với các đệ tử đã giác ngộ và những bậc thánh đã theo con đường Bát Chánh Đạo. Chúng ta cho rằng những thứ cho ta cảm giác dễ chịu là những thứ quý giá nhất trong cuộc sống. Tuy nhiên, Giáo lý nhắc nhở ta rằng các cảm giác dễ chịu chỉ rất tạm thời, rằng dính mắc vào các đối tượng dễ chịu dẫn đến khổ đau. Khi chúng ta có đủ niềm tin vào Giáo lý, chúng ta sẽ tiếp tục phát triển chánh kiến đối với tất cả các thực tại xuất hiện. Ta sẽ thấy điều quý báu nhất là biết được các phiền não của mình, là ít vô minh hơn về các thực tại. Khi đó, ta sẽ có lợi đắc quý báu nhất.

Đối với ba học giới vô thượng (sikkha), đó là tăng thượng giới học, tăng thượng định học và tăng thượng tuệ học trong Bát Chánh Đạo. Tôn giả  Ananda và các vị đệ tử khác của Đức Phật đã coi những thực tập này là tối thượng, vì chúng giúp diệt trì phiền não. Nếu ta coi chúng là tối thượng, ta sẽ không dễ duôi, ta sẽ chánh niệm hơn về mọi thứ xuất hiện, dù dễ chịu hay khó chịu, thiện hay bất thiện.

Hành vô thượng (paricariya) là phụng sự Đức Phật, như Tôn giả Ananda và các vị đệ tử khác đã thực hành. Họ đã phục vụ Đức Phật với chánh kiến về danh và sắc. Thiếu chánh kiến, sự phụng sự đối với Đức Phật sẽ không là kinh nghiệm tối thượng. Đức Phật đã nhập diệt nhưng chúng ta vẫn có thể phục vụ Giáo Pháp. Một người phụng sự Giáo Pháp khi người ấy nghiên cứu Giáo Pháp, luận giảng về Giáo Pháp cho người khác để những người đó cũng có thể phát triển chánh kiến.

Như chú giải nói, ức niệm vô thượng (anussata) là tưởng nhớ đến các phẩm chất của Đức Phật, các phẩm chất mang tính chất thế gian cũng như thuộc về Siêu thế. Thiếu trí tuệ, một người không thể tưởng nhớ đến các phẩm chất của Đức Phật. Khi chúng ta chánh niệm về danh và sắc, lúc đó, chúng ta thấy được giá trị của trí tuệ của Đức Phật. Không có sự chỉ dạy của Người, chúng ta không thể phát triển được tứ niệm xứ. Vì thế, tại thời điểm đó, có kinh nghiệm tối thượng thứ sáu.

Khun Sujin nói rằng giác ngộ không thể đạt được nếu thiếu sáu kinh nghiệm tối thượng này. Nếu chúng ta không coi Giáo Pháp như là điều quý báu nhất trong cuộc đời mình, không thể đạt được giác ngộ. Ta coi trọng Giáo Pháp không chỉ bằng lời nói, mà cả bằng hành động, bằng việc phát triển chánh kiến. Khi ta nghe Giáo Pháp, nghiền ngẫm những gì mình nghe, và bắt đầu có chánh niệm về các thực tại, ta có thể xác nhận lại chân lý của những gì Đức Phật dạy. Khi đó, ta có thể có thêm tự tin để phát triển tất cả các “ba la mật”, các phẩm chất quý báu mà Đức Phật đã  vun bồi cùng với chánh kiến qua nhiều a-tăng-kỳ kiếp. Ngài Ananda và các vị đệ tử khác  cũng đã vun bồi ba la mật trong suốt các a-tăng-kỳ và khi họ gặp được Đức Phật, nghe lời giảng của Người, đó là thời điểm chín muồi để họ đạt được giác ngộ.

Những lời của Khun Sujin ở cuối đoạn băng của bạn là một lời nhắc thật hay:

Để đến được phút giác ngộ, các thực tại phải được hiểu một cách sâu và rộng. Khi đó, sẽ có khoảnh khắc chánh niệm là duyên cho giác ngộ. Nếu bạn vun bồi chưa đủ, thì hãy vun bồi tiếp đi!

 

Với tâm từ,

Nina Van Gorkom

 

(Chuyển ngữ: Trần Hải)

Comments are closed.

Translate »