Pháp đàm chiều ngày 07-09-2013 tại Vũng tàu

16/      Pháp đàm buổi chiều ngày 07/09/2013 tại Vũng tàu.

 

 

Học viên 21:  Hôm qua Achaan có hỏi một người thế nào là thiền, người đó đã trả  lời rằng thiền là chánh niệm về mọi thứ sinh khởi trong hiện tại. Dường như câu trả lời ấy chưa đủ, chưa thỏa đáng. Vậy mong bà hãy giải thích thêm.

Achaan:         Tôi nghĩ rằng khi hiểu biết chưa đủ, ta không biết chánh niệm và thực tại thực sự là gì. Hiện giờ thực tại đã sinh và diệt do duyên, vì vậy ta không thể làm gì nữa về nó ngoài việc phát triển hiểu biết dần dần. Tham ái luôn muốn biết, nhưng chính ham muốn ấy che lấp sự thật. Tham ái bắt nguồn từ vô minh. Khi còn vô minh, sẽ vẫn còn dính mắc và sẽ không có hiểu biết đúng, vậy hãy tạm quên đi về thiền và kết quả, hãy nghĩ về những gì đang xảy ra trong hiện tại. Bây giờ đang có các thực tại sinh khởi nhưng ta không hiểu về nó. Vậy làm sao có thể hiểu được chúng ngoài việc nghe thêm từng chút, từng chút một. Vì vậy nghe Pháp rất quan trọng. Nếu chúng ta không nghe, không học để dần hiểu thì sẽ chỉ là suy nghĩ của bản thân thôi. Khi chỉ muốn biết, khi ấy không có hiểu.

Học viên 21:  Vậy tại khoảnh khắc của mong muốn được biết, thì có dính mắc và đó là khoảnh khắc của không hiểu biết?

Achaan:         Đó là sự dính mắc với vô minh. Và vô minh thì không hiểu được gì cả.

Học viên 13:   Vậy tôi hiểu rằng thiền là một trạng thái mà ở đó có cái hiểu về các thực tại, chứ bản thân nó cũng là một thực tại, cũng là vô ngã và không ai có thể chủ động “thiền” được?

Achaan:         Ai hiểu được cái thấy bây giờ như nó là? Vô minh và dính mắc thì không thể hiểu được. Tuy nhiên với  việc nghe và suy xét, có sự bắt đầu của hiểu biết, bản thân điều ấy cũng đã do duyên rồi, vậy liệu có thể đặt câu hỏi “làm thế nào?”, vì có ai có thể làm pháp ấy sinh khởi bằng ý chí không? Suy nghĩ của chúng ta bây giờ thì cũng là do duyên, làm sao có cách nào để thay đổi được các pháp ấy? Tất cả mọi thứ đều là do duyên, sinh khởi và diệt đi. Cái gì còn lại? Tất cả đều đã trôi qua rồi. Thường là các pháp trôi qua với rất ít hiểu biết hoặc là không có hiểu biết gì cả. Để phát triển hiểu biết, phải bắt đầu từ chính thời điểm này, từ chỗ không hiểu một chút nào đến hiểu hơn một ít. Mức độ trí tuệ  hiện giờ chưa thể là kinh nghiệm trực tiếp về thực tại được. Nó chỉ có thể đang ở giai đoạn nghe và hiểu kỹ hơn một chút. Trí tuệ không phải là “ta”, không phải là ai cả. Thấy là thấy, nghe là nghe. Mỗi thực tại này đều không phải là ngã, không có ai trong đó cả.

Một khi cái hiểu thực sự đã sinh khởi, nó sẽ rất vững vàng, sẽ không có sự quay lưng với thực tại hiện giờ để tìm kiếm gì khác. Đó chính là sacca ñāṇa (Trí hiểu Thánh đế). Sacca có nghĩa là đế hay sự thực, ñāṇa có nghĩa là hiểu biết hay trí tuệ.  Sacca ñāṇa là hiểu biết một cách đúng đắn và vững vàng về sự thực hiện giờ. Nói đến sacca ñāṇa là nói đến hiểu biết về Tứ thánh  đế: sacca ñāṇa của Thánh đế thứ nhất là hiểu biết về sự sinh khởi và diệt đi của thực tại hiện giờ, và nó phài là bây giờ. Sacca ñāṇa chưa phải là mức độ của kicca ñāṇa (Trí hiểu phận sự của Thánh đế) – cái là khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp về thực tại. Ba thuật ngữ, sacca ñāṇa, kicca ñāṇakata ñāṇa (Trí hiểu sự hoàn tất Thánh đế) là một cách khác để nói về ba cấp độ pháp học, pháp hành, pháp thành. Mọi người dễ nhầm lẫn rằng pháp học thì là học thuộc lòng và không có trí tuệ, chỉ là nắm được những con số, từ ngữ, v.v. Nắm được số lượng tâm, tâm sở không phải là hiểu biết về mặt lý thuyết, nhưng dường như chúng ta nghĩ rằng đó là hiểu biết về mặt lý thuyết. Tuy nhiên, nếu không có cái hiểu thực sự thì không có pháp học ở đó. Pháp học- sacca ñāṇa là hiểu biết về sự thực một cách vững vàng, như vậy pháp học không có nghĩa là đọc mà không có hiểu biết đúng về các thực tại đang sinh khởi hiện giờ, toàn bộ pháp học đều liên quan đến thực tại ở chính ngay khoảnh khắc này. Hiểu biết ở mức độ pháp học phải được thiết lập một cách vững chãi để không còn nghiên cứu gì khác ngoài khoảnh khắc này, là cái mà chúng ta đang nghiên cứu. Nếu không có sự nghiên cứu về khoảnh khắc hiện tại thì chúng ta sẽ nghiên cứu khoảnh khắc nào khác đây? Pháp học là sacca ñāṇa khi nó trở nên rất kiên cố, không còn thay đổi nữa. Sacca ñāṇa sẽ tạo duyên cho kicca ñāṇa hay pháp hành (patipati) sinh khởi, kicca có nghĩa là chức năng, phận sự, và là chức năng của hiểu biết ở mức độ cao hơn. Ở đó, không còn là hiểu biết về ngôn từ hay con số. Ở khoảnh khắc của cái thấy thì có cái hiểu đúng về cái thấy, hoàn toàn không còn ý niệm nào khác. Cũng như vậy với cái nghe ở khoảnh khắc mà cái nghe xuất hiện. Trí tuệ bắt đầu hiểu về khoảnh khắc cái thấy rằng chỉ có cái thấy, về cái nghe rằng chỉ có cái nghe. Và chúng ta bắt đầu hiểu rằng trong một ngày chỉ có các thực tại. Đây chính là con đường phát triển hiểu biết, bắt đầu từ việc nghe và nghiên cứu về thực tại.

Học viên 22:   Con vẫn chưa hiểu rõ về pháp học, nếu như mình đọc những thứ đó thì làm sao mình có được niềm tin chắc chắn rằng những thứ đó là đúng, bởi vì nếu mình không có kinh nghiệm qua thì liệu đó có phải là một niềm tin mù quáng không?

Achaan:         Ở khoảnh khắc nghe Pháp và có sự suy xét về điều được nghe thì không phải là niềm tin mù quáng. Nếu một lời thuyết giảng không tạo duyên cho hiểu biết về thực tại, đó sẽ là niềm tin mù quáng. Ta sẽ biết được đâu là Giáo lý của Đức Phật và đâu không phải là Giáo lý của Đức Phật. Giáo lý của Đức Phật dạy cho chúng ta về những gì xuất hiện hiện giờ. Những gì đang xuất hiện không thuộc về ai và không nằm trong sự kiểm soát của ai cả, hoàn toàn thoát khỏi suy nghĩ “tôi có thể làm”. Kể cả những khoảnh khắc như vậy hay những khoảnh khắc khác thì đều là những khoảnh khắc do duyên tạo ra mà thôi, cũng như thấy, nghe hay bất cứ thực tại nào khác. Vậy hãy học để hiểu về các thực tại là vô ngã. Hiểu biết này sẽ tiếp tục phát triển.và khi nó phát triển như vậy, sẽ bớt sự vô minh về những gì xuất hiện hiện giờ. Vậy hãy quên “thiền” đi, nếu không thực sự hiểu thiền là gì về bản chất. Đó phải là cái hiểu về thực tại hiện giờ, nếu không phải là cái hiểu về thực tại hiện giờ thì liệu “thiền” có hữu ích gì không?

HV 22:           Con thấy học Vi diệu pháp về tâm và tâm sở rất xa vời, để có niềm tin vào nó thì rất là khó. Con muốn hỏi, học Vi diệu pháp có tác dụng là giúp cho chúng ta hiểu rõ hơn rằng thực tại này là vô ngã phải không?

Achaan:         Chỉ nói về tâm mà không có cái hiểu, ý bạn là vậy đúng không? Thế còn về khoảnh khắc của cái thấy? Có thể có cái hiểu là ở khoảnh khắc này đang có cái thấy không? Nếu như không có các duyên tương ứng thì cái thấy có thể sinh khởi không? Khi ta không có nhãn căn, liệu có thể có cái thấy sinh khởi không? Khi ta ngủ say và không có sự tiếp xúc giữa nhãn căn với đối tượng thị giác, liệu có thể có cái thấy sinh khởi không? Ta đang ngủ say và đột nhiên có âm thanh xuất hiện. Nếu có cái hiểu, điều ấy là do duyên. Hiểu biết ấy sẽ tiếp tục làm duyên cho những hiểu biết khác cho đến khi trở thành vipassana ñāṇa (minh sát tuệ) hiểu bất cứ cái gì xuất hiện chỉ là do duyên mà thôi. Hiểu biết sẽ tiến triển như vậy, không có ý niệm về ngã và rồi lại có ý niệm về ngã. Đó là sự khởi đầu của phát triển hiểu biết.

Nếu chúng ta không dùng những từ như “tâm, tâm sở” thì làm thế nào để hiểu cái đang xuất hiện bây giờ? Chính vì vậy Đức Phật đã thuyết giảng bằng tiếng Ma kiệt đà cho những người hiểu ngôn ngữ ấy. Nhưng dù bằng bất cứ ngôn ngữ nào thì điều mà Đức Phật giảng đều có thể được hiểu, chứ không phải rằng nhãn thức chỉ có trong tiếng Pali là cakkhuvinnana. Hiện giờ đang có cái thấy, chúng ta không cần phải dùng đến từ nào cả, nó có thể thấy mọi thứ ở mọi nơi mà không cần đến ai phải nói tên nó ra. Nhưng vì có nhiều loại thực tại kinh nghiệm thế giới, cho nên chúng ta phải dùng từ để phân loại chúng để thuận tiện cho giao tiếp, để cho những thực tại ấy có thể được phân biệt. Cái mà chúng ta đang nói tới là cái thấy, ở khoảnh khắc của cái thấy, ta không nói về cái nghe mà chỉ có cái thấy mà thôi.

Sarah:           Ta nói đến tín, đó là một loại tâm sở sinh khởi với tất cả tâm thiện, vậy ở khoảnh khắc của bố thí cũng có tín (sadha), khoảnh khắc của giữ giới cũng có tín. Hiện giờ chúng ta đang nghe về cái thấy, là thực tại xuất hiện ở khoảnh khắc này, dù hiện giờ mới chỉ là sự suy xét chân chánh chứ chưa phải là kinh nghiệm trực tiếp thì vẫn có tín ở những khoảnh khắc của thiện pháp đó, vì vậy ta không cần nghĩ đến việc là có niềm tin mù quáng bởi vì bất cứ khi nào là thiện thì đã có tín ở đó rồi.

Achaan:        Bạn có muốn kinh nghiệm tín một cách trực tiếp hay không? Nếu như bạn có ý niệm rằng tôi muốn biết hay tôi muốn hiểu cái này cái kia thì là sai, lại quên rằng các thực tại là vô ngã một lần nữa, khi có suy nghĩ hiện giờ thì điều ấy cũng là do duyên rồi, như thế nào và tại sao cái thấy sinh khởi để thấy thì cũng là do duyên. Nếu không có duyên để tín xuất hiện như là đối tượng của chánh niệm, sẽ không thể nào cố để kinh nghiệm nó. Có rất nhiều thực tại hiện giờ chứ không chỉ có cái thấy, nhưng chỉ có thể có một thực tại xuất hiện tại một thời điểm của tâm hay biết mà thôi. Và chúng ta không nhất thiết phải dùng từ tín- bởi vì nó xuất hiện như là một thực tại có đặc tính riêng biệt, không phải là cái thấy, cái nghe, hay trí tuệ. Tuy vậy, nếu không có cái hiểu về các thực tại hiện giờ rằng chúng chỉ là pháp, sẽ không biết được cái gì là cái gì, sẽ vẫn chỉ là nghĩ về tên gọi hay về câu chuyện về các thực tại đó, chứ không phải là khoảnh khắc mà thực tại đó xuất hiện. Chẳng hạn hiện giờ đặc tính cứng đang xuất hiện, cũng giống như bình thường với những người không biết gì về pháp, nhưng có cái hiểu rằng đó là đặc tính của một thực tại, cũng giống như đối tượng thị giác hiện giờ là đặc tính của thực tại; và âm thanh cũng là thực tại khác có đặc tính chỉ có thể nhận biết bởi nhĩ thức mà thôi. Cuộc sống cứ tiếp diễn với những khoảnh khắc kinh nghiệm những thứ khác nhau ở những thời điểm khác nhau, không gì có thể mong đợi.

HV 22:           Nhưng khi con đọc giáo lý và suy xét những cái đó, thì con vẫn có cảm giác là con đang cố gắng làm cái gì đó để hiểu về thực tại. Như vậy vẫn có ý tưởng về ngã ở trong đó, đúng không ạ?

Sarah:          Ở những khoảnh khắc như vậy thì không có tín bởi vì đang có cố gắng để có một cái gì đó cho bản thân, ở khoảnh khắc đó nó là bất thiện, vì vậy không có tín ở đó, nhưng điều đó cũng không phải là một vấn đề bởi vì tham cũng là một thực tại và nó có thể được biết.

Jonathan:     Tuy nhiên nếu biết và hiểu về sự dính mắc đó thì ở khoảnh khắc đó sẽ có thể là thiện, vì khi đó có sự trung thực về những thực tại thực sự đang xảy ra.

Achaan:        Mục đích của việc đến đây để đàm đạo là gì đây? Để có thêm vô minh và dính mắc hay là có thêm hiểu biết và bớt đi sự dính mắc và vô minh? Điều ấy chỉ ra rằng không ai có thể tự mình nghĩ ra lý giải riêng về những gì đang xuất hiện. Như vậy ý nghĩa của nghiên cứu không phải đơn thuần là đọc, mà để suy xét xem hiện giờ có cái được nói đến không, nó có thể được biết hay không? Câu hỏi là liệu sự sinh và diệt của cái thấy hiện giờ có thể được kinh nghiệm một cách trực tiếp không? Nếu như không thể thì Đức Phật đã không trở thành Đức Phật rồi, những gì mà Đức Phật dạy đều là những lời chân lý. Những chân lý đó không bao giờ thay đổi, bởi vì tới từ sự giác ngộ của Đức Phật. Ngài có nói rằng Như Lai là người bạn tốt nhất cho tất cả mọi người, những gì Ngài dạy là món quà quý báu nhất cho tất cả, cái mà tiền bạc hay bất cứ thứ gì khác không thể mua được. Cần phải có sự quan tâm để học về sự thực của khoảnh khắc này.

Sarah:           Đúng như một số bạn nói, nếu sử dụng Giáo lý như một chỉ dẫn về phương pháp, hướng dẫn kỹ thuật thì khi ấy có ý niệm về ngã, và khi ấy thì không có sadha – tín ở đó.

Học viên 23:   Thưa Achaan, Giáo lý rất là nhiều và khó tiếp cận, vậy với kinh nghiệm học và dạy Giáo pháp trong nhiều năm, Achaan có lời khuyên nào cho các bạn trẻ trong việc tiếp cận giáo lý?

Achaan:         Khi bạn nói Giáo lý rất là nhiều và khó tiếp cận thì bạn đang tán thán công đức của Đức Phật đó. Và bạn đang biết ơn những ba la mật mà Đức Phật đã tích lũy để có thể trở thành một bậc Chánh đẳng giác.

Tôi sẽ nói rằng nếu không có sự nghiên cứu thì ai có thể có được hiểu biết ấy, dù ở mức độ nào đi nữa. Hiểu đúng sẽ dẫn tới thêm hiểu biết về những gì đang xuất hiện hiện giờ. Cũng không nên chỉ nghe người khác nói với mình rằng “cái này là đúng”, mà sự tán đồng phải tới từ sự suy xét riêng của bạn. Ví dụ, thực tại đang xuất hiện hiện giờ, liệu nó có thể được kinh nghiệm trực tiếp hay không khi trí tuệ đã phát triển hơn? Cái gì đúng hơn, có thể hay không có thể thì đúng hơn?

Sarah:           Nếu nói có thể thì nó không liên quan tới việc làm cái gì đó, mà liên quan đến hiểu cái đang xuất hiện hiện giờ. Phát triển cái hiểu ở chính khoảnh khắc này là con đường để dẫn tới hiểu biết trong tương lai. Nếu điều ấy là không thể thì Đức Phật đã không dạy chúng ta điều ấy rồi. Nhưng nếu ta nghĩ rằng cần phải sử dụng lời dạy đó như một hướng dẫn, hay đi con đường tắt, hay phải làm cái gì đó… thì lại là một trở ngại, và cái hiểu đúng sẽ không thể được phát triển. Đây là lý do Achaan nói hãy quên việc hành thiền đi và hãy quên việc sử dụng Giáo lý như những hướng dẫn kỹ thuật hay đi con đường tắt, hãy cứ tiếp tục suy xét và nghiên cứu thêm về thực tại hiện giờ, để cho hiểu biết có thể phát triển một cách hoàn toàn tự nhiên, và để bắt đầu hiểu rằng tất cả các pháp đều là thực tại do duyên và là vô ngã.

Achaan:        Bất cứ con đường nào không dẫn tới cái hiểu về thực tại hiện giờ đều là sai. Bởi vì những cách thức không phát triển cái hiểu về những gì xuất hiện trong hiện tại sẽ cố gắng lảng tránh hiện tại, cố gắng biết một điều khác – ta không biết rõ là điều gì. Tại sao lại không hiểu cái đang xuất hiện hiện giờ khi nó đang xuất hiện, mà lại tìm những khoảnh khắc khác? Nếu không có niềm tin ở việc phát triển hiểu biết về những gì đang xuất hiện hiện giờ, ta sẽ tin vào cái gì đây? Khoảnh khắc tiếp theo cũng vẫn là thấy nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, giống hệt như bây giờ thôi. Nếu không có niềm tin rằng cái hiện giờ đang xuất hiện có thể được hiểu, ta nghĩ mình có thể hiểu gì khác đây?

Học viên 19:  Hôm qua chúng ta nói nhiều về thiền và có phân tích về quán sát, và chúng ta đưa ra kết luận rằng quán có nghĩa là suy nghĩ. Mọi người có thể thấy rằng, suy nghĩ dù là suy nghĩ về thực tại thì cũng không thể thấu hiểu về thực tại, cho nên không thể dẫn tới  kết quả được. Nhưng qua kinh điển thì con thấy có một số ví dụ mà người ta quán- suy nghĩ về những điều không phải là thực tại, mà là khái niệm, nhưng vẫn đắc quả Arahan.

Achaan:        Ví dụ như trường hợp nào?

HV 19:           Bà Ambapali, chủ của vườn xoài, con của Bà là một trưởng lão và bà đã dạy cho bà pháp quán vô thường về thân. Sau khi quán thì Bà thấy được sự vô thường và đắc A la hán, sau đó thì bà mới xuất gia. Kệ của Bà được để trong Trưởng lão Ni kệ.

Achaan:        Có ai có thể giác ngộ mà không có hiểu biết về thực tại hiện giờ đang xuất hiện không?

HV 19:           Có khi giác ngộ về vô thường thì rồi sẽ có cái hiểu biết đấy chăng?

Achaan:        Nó phải là bây giờ, cái gì hiện giờ là vô thường?

HV 19:           Tôi không thể trả lời được, vì cái này chỉ là câu chuyện trong kinh sách.

Achaan:        Nhưng khi giác ngộ thì bà đã chứng ngộ sự thực về khổ-dukkha, có đúng không?

HV 19:           Con không biết.

Achaan:        Bất cứ ai được coi là giác ngộ thì đều phải có cái hiểu biết trọn vẹn về Tứ Thánh đế. Nếu không thì sẽ là một loại kinh khác, tức là không phải là lời dạy của Đức Phật. Vì ngay trong bài pháp đầu tiên, Đức Phật đã thuyết về Tứ thánh đế, và Thánh đế thứ ba là Niết bàn. Nhưng sẽ không thể nào kinh nghiệm Niết bàn nếu không có sự liễu ngộ Thánh đế thứ nhất. Và Thánh đế thứ nhất ấy nói đến khi nào và ở đâu?

Người phiên dịch: Tôi xin phép nói một chút, nếu như bạn chỉ đề cập đến câu chuyện, thì vì từ cùng một câu chuyện có thể có nhiều cách hiểu khác nhau, cho nên nó sẽ không đưa đến đâu cả.

HV 19:            Vậy thì tôi sẽ đặt một câu hỏi khác về Giáo lý.

Achaan:         Như vậy đã rõ ràng với bạn chưa?

HV 19:            Rõ ràng là mọi người đang nhìn vấn đề dưới một góc độ khác.

Sarah:            Khi nói đến cái hiểu về sự vô thường của thân, điều ấy cũng đồng nghĩa với việc hiểu sự vô thường của các pháp là các thực tại mà ta gọi là thân, chẳng hạn cứng, mềm, nóng, lạnh, những thực tại ấy cũng được gọi là uẩn, nếu không có hiểu biết đúng về những thứ đó, sẽ không thể gọi là hiểu về vô thường được.

HV 19:             Ở đây tôi muốn nói đến vấn đề phương pháp, đó là suy nghĩ về thân là khái niệm mà vẫn đạt giác ngộ.

Jonathan:       Như vậy anh cho rằng bà Ambapali đã giác ngộ qua việc hiểu biết về thân nhưng không phải với tư cách là các pháp (thực tại) hay sao?

HV 19:             Tôi muốn đề cập đến vấn đề phương pháp của Bà ấy, vì ở đây mọi người đang không thừa nhận vấn đề phương pháp: dù thiền hay quán thì cũng chỉ là suy nghĩ. Nhưng câu chuyện nói rằng khi Bà Ambapali suy nghĩ về thân thì vẫn dẫn đến kết quả giác ngộ như vậy.

Achaan:          Vậy bạn nghĩ rằng Bà không hiểu cái gì về bản chất của thân hay sao?

HV 19:             Chắc là vậy theo nghĩa chân đế vì trong kệ của Bà đề cập toàn khái niệm tục đế như tóc, da, lông, móng….

Achaan:          Bạn nghĩ rằng Bà nói như vậy là không có cái hiểu về thực tại hay sao?

HV 19:             Bà ấy đắc đạo rồi thì chắc phải hiểu

Achaan:          Ý bạn nói là giác ngộ trước rồi hiểu sau, có nghĩa là lúc đầu thì không có cái hiểu nào cả, đúng không?

HV 19:             Có thể là vậy, nhưng chỉ là con đoán thôi.

Achaan:          Vậy thì khi nói đến giác ngộ thì ý nghĩa của từ giác ngộ đó có nghĩa là gì?

HV 19:             Một vị A la hán đã giác ngộ.

Achaan:          Không chỉ một vị A la hán mà một vị Tu đà hoàn cũng được gọi là đã giác ngộ, ở mỗi một tầng giác ngộ thì có các bất thiện tương ứng được diệt trừ,  ví dụ vị Tu đà hoàn đã đoạn trừ hoài nghi. Liệu một người có thể trở thành một vị A la hán mà trước đó không trở thành một vị Tu đà hoàn hay không?

HV 19:             Có thể trong lúc đó nó nhanh, có thể đắc Tu đà hoàn vài phút trước đó.

Achaan:          Việc hai mức giác ngộ xảy ra trong vài khoảnh khắc  hay cách nhau bao lâu không quan trọng, nhưng khi trở thành một vị Tu đà hoàn, vị ấy đã trở thành một vị thánh nhân, và để trở thành thánh nhân thì Trí tuệ về các thực tại phải được phát triển.

Sarah:             Tất cả mọi người, kể cả khi không được đọc Giáo lý của Đức Phật thì cũng biết rằng tóc mình rồi sẽ bạc đi, thân sẽ già đi và cuộc sống không kéo dài mãi. Nhưng nếu chỉ nghĩ về việc tóc sẽ bị bạc đi hay cuộc sống thật ngắn ngủi thì không thể làm cho ai đó giác ngộ.

Khi đọc câu chuyện về bà cư sỹ trở thành vị A la hán nhờ việc biết được sự vô thường trên thân, tôi nghĩ rằng phải có trí tuệ hiểu các thực tại một cách sâu sắc đã được phát triển từ một khoảng thời gian rất dài rồi. Trong chú giải về Trưởng lão Ni kệ này có giải thích rằng, tất cả các Trưởng lão Ni này đã phát triển Tuệ giác nhờ việc nghe Pháp từ nhiều vị Phật khác nhau trong khoảng thời gian nhiều a tăng kỳ kiếp. Như các bạn cũng nói rằng, Giáo lý vô cùng khó tiếp cận và để thực sự hiểu rằng thực tại hiện giờ là vô ngã.  Để có thể hiểu được sự vô thường của thực tại, trước đó cần phải có hiểu biết thực sự là trong thực tại không có ai cả, không có người không có tóc, da, v.v… Điều ấy hoàn toàn không dễ dàng, không thể đạt được bằng việc nghĩ về những khái niệm ấy. Trong Kinh Tứ niệm xứ cũng có nói về quán thân. Trong chú giải của Tứ niệm xứ có nói rằng, đó là cái hiểu đúng về Tứ đại. Vì vậy chúng ta không nên chỉ cứ đọc Kinh như là đọc một cuốn sách bất kỳ nào đó và cho rằng chúng ta có thể hiểu đúng về nó một cách dễ dàng.

HV 19:            Tôi cũng đồng ý với ý kiến là Bà Ambapali đã phát triển tuệ giác từ rất lâu rồi, nhưng cái vấn đề chính vẫn là ở kiếp cuối cùng thì Tuệ giác đó vẫn chưa đạt được mức độ giải thoát. Và phương pháp bà ấy làm theo đã khai phá, tăng trưởng Trí tuệ ngủ ngầm đó lên đến mức giải thoát. Vậy cái tôi muốn nhấn mạnh là phương pháp cũng có tác dụng chứ không phải là không có.

Achaan:         Vậy thì hãy giải thích cho tôi phương pháp mà bạn đang nói tới.

HV 19:            Quán thân và nghĩ là nó vô thường. Có thể suy nghĩ về việc tóc đen rồi bạc vân vân thì nó sẽ dẫn đến cái hiểu.

Achaan:         Dù không có Đức Phật giảng thì ai cũng biết được điều đó mà, vậy không cần có sự ra đời của một vị Phật

HV 19:           Nhưng có thể họ không thực hành, còn Bà Ambapali thì thực hành liên tục.

Achaan:         Tôi vẫn chưa rõ phương pháp đó là gì? Đó là suy nghĩ hay là thế nào?

HV 19:           Đó là suy nghĩ bởi vì hôm qua chúng ta kết luận quán là suy nghĩ.

Achaan:        Suy nghĩ là gì?

HV 19:           Suy nghĩ là khi tâm nó không nhận pháp chân đế như đối tượng được kinh nghiệm.

Achaan:        Như vậy có thể hiểu rằng đó không phải là một người nghĩ mà là tâm nghĩ đúng không?

HV 19:           Nếu Bà ấy đã không có ý niệm về ngã thì là như thế, còn nếu là có thì không biết được.

Jonathan:     Phương pháp mà bạn nghĩ là Bà Ambapali theo đó có được Đức Phật nói đến hay không?

HV 19:           Chắc là thế nào cũng có bởi vì trong Tứ niệm xứ có quán thân, suy nghĩ về vô thường của thân.

Jonathan:     Vậy thì Chú giải nói gì về chuyện này?

HV 19:           Tôi chưa đọc chú giải nên không biết.

Jonathan:     Vậy thì ở đây chúng ta đang nói về hiểu về kinh Tứ niệm xứ, có đúng không?

HV19:            Có thể là như vậy, tôi không chắc lắm.

Jonathan:     Tôi nghĩ bạn đang nói về phần niệm thân trong Tứ niệm xứ, về mặt thực chất thì toàn bộ Tứ niệm xứ là hiểu về các thực tại khác nhau, dù là niệm thân, thọ hay tâm, pháp. Đây là những điều mà Đức Phật đã dạy, nếu ta không có hiểu biết đúng về các thực tại thì sẽ có cái hiểu sai về những điều Đức Phật đã dạy

HV 19:           Thật ra tôi không nghĩ sâu xa như anh, tôi chỉ đọc và thấy trong đó nó có đề cập đến phương pháp Bà ấy áp dụng, chứ tôi không nghĩ đến việc liên hệ đến bài kinh tứ niệm xứ.

NPD:              Vậy những điều mọi người nói vừa rồi có hữu ích gì cho bạn không?

HV 19:           Thật ra có nhiều thông tin mình không thể biết được, nên khó đưa ra một kết luận chính xác. Những điều mọi người nói thì đều hữu ích cả nhưng vẫn chưa thỏa đáng trong trường hợp này.

Sarah:           Như bây giờ tất cả chúng ta ngồi đây đều có thể nhắm mắt lại và nghĩ về sự biến hoại của cơ thể và nghĩ đến việc tóc sẽ bạc đi để giác ngộ. Và nghĩ rằng nếu cứ theo phương pháp như vậy thì sẽ chứng đắc và sau khi chứng đắc sẽ có cái hiểu về thực tại, và cái đó thì hoàn toàn là lời mô tả về con đường Bát tà đạo mà Đức Phật đã nói tới, bởi đó hoàn toàn là ý niệm về một cái ngã đang cố gắng đạt một kết quả nào đó. Bởi vì trong đó có tà kiến, tà định… cho nên, thay cho việc đưa chúng ta đến sự giải thoát, nó lại dẫn chúng ta sâu hơn trong vòng luân hồi, và như vậy, nếu không có cái hiểu đúng từ ngay lúc đầu, chỉ cứ cố để có kết quả và nghĩ rằng sẽ có được hiểu biết sau đó, điều ấy không bao giờ dẫn tới kết quả đúng đắn.

Học viên 24:   Bây giờ có một số vị thiền sư ở các trường thiền, họ sẽ hướng dẫn mình làm như thế này, thế kia, trên mặt lý thuyết và tư duy. Thế phương pháp của bà là hiểu về thực tại, thì cũng chỉ là lý thuyết và tư duy thôi. Cái mà Bà đang nói rất là khó, trí tuệ hiện giờ tạm thời không thể kinh nghiệm được. Con thấy như thế hoàn toàn là lý thuyết và tư duy thôi. Vậy cách của Bà và một số vị thì không khác nhau, cũng là lý thuyết và tư duy.

Achaan:         Hiện giờ cái thấy là lý thuyết hay sao?

HV 24:            Con thấy nó là sự tư duy, nhất là sau khi Bà hỏi thì con không thể thấy hay trí tuệ không thể thấy được cái thấy, mà nó là sự tư duy lại câu hỏi của Bà.

Achaan:         Câu hỏi của tôi chỉ là cái thấy có phải là lý thuyết không?

HV 24:            Hiện tại con thấy nó là lý thuyết

Achaan:         Vậy nó không phải là thực à?

HV 24:            Bởi vì trí tuệ không trực nhận được nên con nghĩ chỉ là tư duy.

Achaan:         Trí tuệ thì luôn luôn có thể. Còn vô minh thì không thể

HV 24:            Với con vô minh rất nhiều nên không thể biết được cái thấy nó thực hay không thực, vì vô minh nhiều  thế nên về mặt tư duy lý thuyết thì con đồng ý nó là thật

Achaan:         Không cần phải lắng nghe lời dạy của Đức Phật cũng biết là cái thấy có thật hay không. Điều đó là hiển nhiên, có cần mức độ trí tuệ nào đâu. Nếu cái thấy hiện giờ không phải là thực thì cái gì là thực đây?

HV 24:            Suy nghĩ ạ

Achaan:         Vậy thì không có thấy, không có nghe mà chỉ có nghĩ suốt cả ngày hay sao?

HV 24:            Cái thấy là thực nhưng cũng chỉ trên mặt lý thuyết của con.

Achaan:         Vậy thì giữa một người mù không thể thấy và một người bình thường có thể thấy thì đâu là sự khác biệt?

HV 24:            Đối tượng của cái thấy sẽ không thể được thấy.

Achaan:         Tại sao?

HV 24:            Vì lúc đó không đủ nhân duyên cho cái thấy sinh khởi.

Achaan:         Vậy chứng tỏ cái thấy là thực mà.

HV 24:            Vâng, về mặt lý thuyết thì con đồng ý nó là thực.

Achaan:         Nếu như nó là thực thì ta có thể hiểu được bản chất của nó hay không?

HV 24:           Hiện tại thì con chưa hiểu được.

Achaan:        Tôi không có ý nói bạn, mà tôi nói đến hiểu biết đúng và những gì mà Đức Phật hiểu. Nếu nó là thực thì nó có thể được hiểu hay không?

HV 24:           Có

Achaan:        Hiểu bằng gì?

HV 24:           Bằng trí tuệ.

Achaan:        Trí tuệ ở mức độ giác ngộ có thể sinh khởi ở ngay tại thời điểm này hay không, hay là nó cần có nhân duyên?

HV 24:           Nó cần nhân duyên

Achaan:        Nhân duyên gì?

HV 24:           Con không biết.

Achaan:         Con xin nương tựa Phật có nghĩa là gì?

HV 24:           Con không có cái hiểu sâu về câu này.

Achaan:        Như vậy có nghĩa rằng bạn đã không chọn Đức Phật làm nơi nương tựa rồi, có thể là bạn đã chọn một ai khác để làm nơi nương tựa cho sự hiểu biết của mình. Không chỉ là “con xin nương tựa Phật” mà còn “con xin nương tựa Pháp”. Nếu chúng ta không hiểu Pháp là gì, thì nương tựa Pháp là nương tựa sao đây? Nếu bây giờ cái thấy là thực,  mà trí tuệ không hiểu  được thì công dụng của trí tuệ sẽ là  gì đây?

HV 24:           Trong Kinh, Đức Phật có đề cập đến Tứ niệm xứ: quán thân, thọ, tâm, pháp. Vậy phải hiểu như thế nào cho đúng về quán thân thọ tâm pháp?

Achaan:        Nếu ai đó có hỏi Đức Phật rằng thế nào là thân thì Đức Phật có giải thích không?

HV 24:           Con không biết

Achaan:        Như vậy nếu chưa có hiểu biết thân là gì mà cứ cố phát triển Tứ niệm xứ, điều đó là không thể. Ta không thể không biết thân là gì mà vẫn lấy thân để làm đối tượng của sự phát triển trí tuệ.

HV 24:           Vì thế con cần sự chia sẻ của bà về cái hiểu như thế nào là thân, thọ , tâm pháp.

Achaan:        Cái gì là thân hiện giờ?

HV 24:           Cơ thể của con

Achaan:        Của bạn ư? Tức là từ đầu đến chân?

HV 24:           Vâng.

Achaan:        Cái gì xuất hiện khi bạn cho rằng đó có thân của tôi?

HV 24:           Cái suy nghĩ

Achaan:        Không phải, bạn đã nói cái thân là thật và đây là cái thân của bạn. Và suy nghĩ thì không phải là thân, suy nghĩ là một loại danh và nó không phải thuộc về phần niệm thân.

NPD:             Ý của Bà hỏi là từ kinh nghiệm gì mà bạn biết là có cái thân của tôi? Tại sao lại có thể nói như vậy?

HV 24:           Vì có sự xúc chạm

Achaan:        Ở khoảnh khắc của sự xúc chạm thì cái gì xuất hiện?

HV 24:           Có thể đó là cái cứng, mềm, nóng, lạnh.

Achaan:        Đặc tính cứng có phải là bạn không?

HV 24:           Nó có một phần thuộc về con.

Achaan:        Bạn cho rằng đặc tính cứng là của bạn đúng không?

HV 24:           Nếu có con thì sẽ là của con ạ.

Achaan:        Nhưng đặc tính cứng thì không thuộc về ai cả, cái cứng chỉ cứng, nó sinh khởi do duyên và rồi diệt đi, cũng như cái thấy cũng vậy: cái thấy không thuộc về ai, nó sinh khởi do duyên và rồi diệt đi, không thuộc về ai

HV 24:           Về mặt lý thuyết thì con đồng ý, không có cái ngã nào cả, vì thế mà yếu tố về thân tâm không có (tôi và của tôi), nhưng hiện giờ nó chỉ là tư duy và suy nghĩ thôi, nên nó vẫn luôn có cái tôi và của tôi.

Achaan:        Lý thuyết tới từ hiểu biết đúng hay hiểu biết sai đây? Có nhiều loại lý thuyết khác nhau nhưng Giáo lý mà ta đang nói tới đây có phải tới từ việc hiểu thực sự thân là gì không?

HV 24:           Có ạ

Achaan:         Vậy thì cái mà bạn cho là thân từ đầu tới chân thì thực chất chỉ là đặc tính cứng đúng không?

HV 24:           Có thể là cứng mềm nóng lạnh

Achaan:        Những thứ đó là pháp chân đế, là sự thực tối hậu. Điều ấy có nghĩa là cứng chỉ là cứng, nóng chỉ là nóng, lạnh chỉ là lạnh, không phải là ai cả

HV 24:           Con đồng ý, nhưng nó vẫn chỉ là lý thuyết thôi chứ chưa phải cái mà ta có thể trực nhận để hiểu trực tiếp về nó cả.

Achaan:        Bạn hãy chờ và xem xem, khi trí tuệ phát triển thêm một chút nữa.

Sarah:          Khi sự xúc chạm chạm tới cái mà chúng ta cho là cái bàn, thực chất đó chỉ là sự kinh nghiệm đặc tính cứng và sau đó thì có khái niệm cái bàn. Cũng như vậy, khi chúng ta chạm vào cứng mà chúng ta cho là cánh tay, hay mềm khi chạm vào tóc, rồi sau đó có suy nghĩ cho rằng đây là tay của tôi, tóc của tôi, nhưng về mặt thực tại thì ở khoảnh khắc của sự xúc chạm chỉ có những thực tại như cứng mềm nóng lạnh hay chuyển động. Khi ta đọc trong kinh Đại niệm xứ về niệm thân, như đã giải thích, những điều mô tả trong đó chỉ là những các sắc mà chúng ta tưởng nhầm là thân mà thôi.

Achaan:         Nhiều người muốn biết liệu tà kiến có thể trở thành đối tượng của trí tuệ hay không? Nếu không có Giáo lý, ở khoảnh khắc của sự xúc chạm ta cho rằng có tay của tôi thì ở đó có tà kiến, chừng nào còn ý niệm thực sự có cái tay của tôi thì chừng đó vẫn có hiểu biết sai lầm. Khi có hiểu biết rằng đặc tính của cái xuất hiện đó chỉ là một thực tại thì tuệ giác sẽ dần dần xả ly với cái mà ta vẫn cho là cái tay của tôi. Khoảnh khắc của sự liễu ngộ rằng đó không phải là tay của tôi có thể xảy ra ở bất cứ lúc nào, và ta không thể lên kế hoạch cho nó bởi vì nó là vô ngã, chúng ta không thể chuẩn bị cho nó sinh khởi. Khi nói đến sự chuẩn bị như vậy, vẫn hoàn toàn là chấp ngã mà thôi, vẫn là sự mong muốn, hi vọng, -kể cả trong lúc đang nghe pháp –  có kinh nghiệm trực tiếp về thực tại ấy. Chưa có cái hiểu rằng mức độ Trí tuệ hiện giờ chưa thể nào kinh nghiệm trực tiếp thực tại. Cần phải có thêm hiểu biết về bất cứ cái gì xuất hiện, để bớt đi sự dính mắc vào những thứ được xúc chạm cho là tôi và của tôi. Nếu không có tiền đề ấy, các thực tại sẽ không thể được hiểu như chúng là.

Suy nghĩ không phải là chánh niệm. Toàn bộ Tứ niệm xứ đều phải đi kèm với chánh niệm về thực tại chứ không phải chỉ là suy nghĩ về chúng. Nói đến chánh niệm, nó hoàn toàn không phải là chỉ biết về cái này hay cái kia như lúc bình thường, chúng ta đang học để nhận biết một thực tại có đặc tính nhớ biết về thực tại một cách đúng đắn (chánh). Nếu không có cái hiểu về mặt tư duy thì sẽ không có duyên để cho trí tuệ cùng với chánh niệm kinh nghiệm trực tiếp hiện tại đang xuất hiện hiện gi. Ai nghĩ rằng Giáo lý rất đơn giản đây? hay là nó rất thâm sâu và vi tế? Đây là lúc khởi đầu của việc nghiên cứu Giáo lý một cách cẩn thận, thay cho chỉ đọc từ chánh niệm (và lập tức thực hành), nếu không có hiểu biết, sẽ không có chánh niệm chút nào cả. Ta có thể cho rằng đang có chánh niệm trong khi thực tế thì không phải như vậy, và chúng ta gọi cái không phải là chánh niệm đó là chánh niệm của tứ niệm xứ, thân thọ tâm pháp.

Học viên 2:    Cái hiểu vô ngã thì có thể lúc xuất hiện, lúc mất đi được hay không?

Achaan:         Chắc chắn là như vậy. Chính vì vậy cần phải nghe và nghe nữa để cái hiểu trở nên càng ngày càng vững chắc hơn.

Sarah:           Điều này cũng tương ứng với điều Achaan vừa nói về sacca nana –hiểu biết vững chắc về thực tại. Chỉ khi có cái hiểu rất vững chãi về mặt lý thuyết này thì mới không còn sinh khởi ý nghĩ về làm công việc thực hành, hay theo phương pháp nọ kia, cái là hiểu sai. Trừ khi có được hiểu biết ở mức độ ấy một cách kiên cố, sẽ không có sự phát triển thực sự của Tứ niệm xứ. Bởi vì nếu không có hiểu biết lý thuyết đúng đắn, chúng ta sẽ bị dẫn dắt sai bởi những khái niệm tay, chân, tóc v.v… mà không hiểu thực chất chúng là gì về mặt thực tại.

Học viên 24:   Như vậy con hiểu Tứ niệm xứ là bốn thứ khác nhau, nhưng đều nói đến hiểu biết về thực tại, đúng không ạ?

Achaan:         Đúng vậy.

HV 24:            Vậy tại sao cần phải có bốn phương pháp khác nhau để chỉ nói về thực tại?

Achaan:         Thực chất thì toàn bộ các niệm xứ khác nhau đều là các thực tại, mỗi niệm xứ đều nói lên về các thực tại.

Jonathan:      Tứ niệm xứ là sự mô tả về các loại thực tại khác nhau. Nếu như chúng ta nghĩ rằng Đức Phật đưa ra một phương pháp ở trong đó, thì bất cứ gì chúng ta đọc thì sẽ đọc dưới góc độ là phương pháp. Nếu như chúng ta nhìn một cách tổng thể về những gì Đức Phật đã dạy, chúng ta sẽ thấy rằng đó chỉ là những lời mô tả thực tại mà thôi chứ không phải những chỉ dẫn về phương pháp. Và sự phát triển của trí tuệ bắt đầu với hiểu biết một cách rõ ràng cái gì có thể là đối tượng của hiểu biết đúng, nếu chưa nắm vững được điều ấy thì cũng chưa thể có sự bắt đầu của sự phát triển Trí tuệ.

HV 24:            Vậy bốn sự thực mà Đức Phật muốn nói đến trong Tứ niệm xứ là gì?

Jonathan:      Về tất cả thực tại nhưng được chia ra làm bốn nhóm khác nhau, được biết dưới tên Thân – Thọ -Tâm – Pháp. Như vậy trong phần niệm thân, về thực chất nói đến các sắc được hiểu nhầm thành thân, trong đó có cả hơi thở nữa. Trong mỗi phần đó đều có nói rằng: Vị tỳ kheo, hay biết (chánh niệm) cùng với Trí tuệ (tỉnh giác- hiểu biết đúng). Trong phần niệm thọ và niệm tâm có nói đến hai loại thực tại danh uẩn khác. Trong phần niệm pháp thì nói về tất cả các pháp, trong đó có cả ngũ uẩn, các triền cái và thất giác chi. Phần niệm tâm có nói đến các tâm thiện và bất thiện, tâm tham và sân.

HV 24:           Con cảm ơn.

Sarah:           Mục đích của việc đọc Kinh là để hiểu về vô ngã. Nhưng thực tế mọi người lại đọc với cách ngược lại là thấy cái ngã ở trong đó. Trong một ngày có rất nhiều khoảnh khắc dính mắc vào cái thân của tôi và cho đó là tôi. Nhưng Đức Phật thì đã chỉ ra rằng đó chỉ là những sắc khác nhau và không thuộc về ai cả, để những người nghe có thể hiểu rằng đó chỉ là những thực tại là vô ngã chứ không phải là tôi hay là ai đấy. Cũng tương tự như vậy đối với thọ: chúng ta dính mắc rất nhiều vào những thọ lạc, nhưng Đức Phật đã chỉ ra rằng đó chỉ là các pháp, không phải là ta. Chúng ta thường rất bận tâm về “phiền não của tôi”, nhưng thực chất đó chỉ là những tâm khác nhau, tham, sân và si, chúng là các thực tại chứ không phải là một người. Phần niệm pháp thì có nói đến tất cả các loại thực tại khác nhau, để có thể chỉ ra rằng những thực tại ấy đều là vô ngã, không có ai ở trong đó.

Học viên 21:   Bà có nói đọc với cái hiểu, vậy khi chúng ta hồi hướng thì thực tại đó là gì?

Achaan:         Đó chính là những tâm thiện nghĩ đến những người khác có thể hoan hỉ với những phước thiện ấy.

HV 21:            Khi con đọc, con thực sự nghĩ về hình ảnh bố mẹ. Như vậy có thế có ý niệm sai hay không khi nghĩ về có cái thân, hay một ai đó như là bố tôi hay mẹ tôi.

Achaan:         Ngay cả bây giờ thì cũng có thể không có cái hiểu về thực tại, có ý niệm về ai đó. Cái mà ta gọi là cha mẹ thì là gì? Khi chúng ta nghĩ về cha mẹ, chúng ta nghĩ về người đã sinh và nuôi dưỡng ta. Khi ta nghĩ về điều này, thực chất là nghĩ về những hành động thiện mà cha mẹ đã làm cho ta. Như vậy ta sẽ nghĩ đến với sự biết ơn. Nếu một người không biết trân quý thiện pháp, liệu có thể làm thiện pháp không? Khi nói lên lời hồi hướng như vậy, ta biết ơn những hành động tốt đã được làm và nó giúp tăng trưởng thiện tâm.

Học viên 2:    Như vậy ý của Bà là cha mẹ cũng chỉ là khái niệm về những hành động thiện?

Achaan:         Kể cả danh từ Đức Phật thì cũng là một khái niệm để chỉ về lòng từ bi và Trí tuệ lớn lao của Ngài.

NPD:              Cho nên ý của Bà là mặc dù chúng ta nói đến cha và mẹ nhưng về thực chất là nói đến những phẩm chất thiện.

HV 2:             Vậy có phải là chúng ta kinh nghiệm thiện pháp của Cha mẹ hay không?

Jonathan:     Không phải chúng ta kinh nghiệm thiện pháp của họ, vì điều ấy là không thể. Nhưng khi có sự biêt ơn thì ở khoảnh khắc đó là tâm thiện, khi ta suy niệm về điều tốt đẹp cha mẹ đã làm, lúc đó tâm là thiện, lúc đó không có tà kiến về ngã. Mặc dù chúng ta dùng ngôn từ như vậy (cha mẹ) nhưng thực chất đó chỉ là khái niệm chế định, ngôn từ để chỉ đến cái mà bản chất chỉ là tâm và tâm sở. Ta không coi những khái niệm ấy thực sự là những con người trường tồn, mà bản chất của chúng chỉ là tâm và tâm sở mà thôi.

Sarah:           Có một vị sư đã hỏi: “hôm qua cô Sarah đã nói khi thực tại được kinh nghiệm, dù chưa có khái niệm nhưng đã có sự dính mắc ở đó rồi, xin vui lòng giải thích thêm”

Vừa rồi chúng ta đã nói về Tứ niệm xứ và tâm. Đức Phật có nói về việc hiểu về tâm tham căn, là một thực tại thuộc niệm tâm. Thông thường, ngay khi chúng ta thức dậy thì đã có tham ở đó rồi. Ngay khi có cái thấy, dù là ở một đứa trẻ sơ sinh, hay là chúng ta, thì đã có sự dính mắc vào cái được thấy ngay lập tức. Kể cả trước khi có ý niệm về con người và mọi thứ, dính mắc vào đối tượng đã được thấy hay âm thanh đã được nghe, dù là chưa có ý nghĩ về bất cứ cái gì ở khoảnh khắc đó. Điều ấy rất thông thường và nó xảy ra vô số lần trong một ngày. Đương nhiên có lúc nó là tâm tham căn, có lúc là tâm sân căn. Nhưng tâm tham căn hàng ngày thường sinh khởi nhiều hơn. Chúng ta đã nói đến thức tái tục và những khoảnh khắc tiếp theo đó là những tâm hộ kiếp, sau chặp hộ kiếp đó sẽ có tiến trình đầu tiên của kiếp sống và ngay trong tiến trình đầu tiên đó thì đã có sự dính mắc với Hữu, gọi là Hữu ái. Khi ở Sài Gòn, chúng ta có nói đến ba phân loại bất thiện: lậu hoặc, lụt, ách (xiềng xích, cùm). Chúng ta có nói đến lậu hoặc là những phiền não vô cùng vi tế sinh khởi ngay sau khi có cái thấy, cái nghe v.v. Có bốn loại lậu hoặc: Dục lậu hoặc, hữu lậu hoặc (là sự dính mắc với sự trở thành); kiến lậu hoặc (là tham hợp với tà kiến); Vô minh lậu hoặc. Tất cả các loại lậu hoặc này vô cùng vi tế nên không ai có ý niệm gì về chúng cả, chúng sinh khởi ngay sau khi có cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm.

Vị sư 1:          Như thế nào để biết được đặc tính của tâm sở dục Chanda và tâm sở tham- Lobha?

Sarah:           Lobha-Tham có nghĩa là sự dính mắc và nó luôn luôn là bất thiện. Chanda- Dục có nghĩa là sự quan tâm hay hào hứng, chẳng hạn quan tâm hay hào hứng học Giáo lý.  Dục sẽ là thiện khi nó quan tâm đến các hoạt động là thiện. Nhưng dục có thể là bất thiện khi nó quan tâm, hào hứng với các việc bất thiện, chẳng hạn như thử các món ăn khác nhau. Ở khoảnh khắc của dục bất thiện, nó sinh khởi cùng tham. Khi dục sinh khởi cùng với tâm thiện, nó sinh khởi cùng với những yếu tố thiện khác như chánh niệm và các tâm sở thiện khác. Chúng ta có thể nói đến dục- sự hào hứng – với việc nghiên cứu, nhưng bản thân dục ấy cũng có thể là thiện hoặc bất thiện: có thể có sự hào hứng nghiên cứu với mong muốn cho bản thân mình, hay đi theo sự thực hành nào để đạt được kết quả nào đấy cho bản thân,  nó khác với dục thiện sinh khởi bởi vì nó thực sự quan tâm đến việc suy xét và hiểu thực tại. Như vậy loại dục – chanda mà Đức Phật khuyến khích là loại chanda thiện chứ không phải chanda là bất thiện.

Học viên 7:    Ngày hôm trước khi con đưa mẹ đi chơi và có trò chơi mạo hiểm, thì mẹ con nói: “cứ tình huống nào nguy hiểm hoặc khó khăn thì cứ niệm Nammo tassa thì sẽ được chư thiên phù hộ”. Bà có thể bình luận về việc này?

Achaan:        Liệu ai biết được tâm người khác đây?

HV 2:             Đức Phật.

Achaan:        Mặc dù có thể chưa có được cái hiểu thực sự sâu sắc về mức độ Trí tuệ của Đức Phật khi nghe Giáo lý, nhưng mẹ của bạn có niềm tin sâu sắc vào ơn đức của Ngài. Những từ ấy (Namo Tassa), ai có biết nghĩa là gì ko? Có thể mọi người chỉ biết được sơ lược nghĩa của những từ Pali ấy. Nhưng tại sao mẹ bạn lại không nói đến những từ khác, chẳng hạn, tại sao không nói “Chúa ơi”?

HV 7:             Bởi vì mẹ con có niềm tin nơi Đức Phật.

Achaan:        Nhưng như thế cũng chưa đủ, nếu có niềm tin, bà ấy cần phải tìm hiểu thêm về Giáo pháp. Nếu như mình có ý nghĩ coi Đức Phật cũng như một vị chúa nào đó thì đó là một cái hiểu sai lầm. Ai biết được tâm của mẹ bạn tại khoảnh khắc đó? Từ Namo Tassa nghĩa là gì? Ai biết được ý nghĩa của nó không?

Học viên 25:  Trí tuệ con thì chưa có, nhưng con thấy khi tâm thất niệm thì mình chỉ cần nhớ một đoạn trong niệm ân đức Phật, đức Pháp hay đức Tăng thì rất tốt. Câu Namo Tassa nghĩa là “con xin hết lòng thành kính đảnh lễ đức Thế tôn”. Khi con quên gì con niệm câu này rất hiệu quả. Ví dụ khi con làm bếp con đánh rơi cái cốc và không tìm thấy, lúc đó con niệm câu này thế là con lại nhìn thấy ngay cái cốc ấy.

Jonathan:     Giống như phép thuật hay sao? Tôi nghĩ là Đức Phật cũng dạy về nhân quả. Người dạy về nhân nào dẫn đến quả nào, cái gì là nhân dẫn đến những kinh nghiệm qua ngũ quan trong cuộc sống hàng ngày, những việc đã làm dẫn đến quả gì; những việc thiện đã làm trong quá khứ cộng với nghiệp thiện hiện tại sẽ dẫn đến quả thiện trong tương lai.

Sarah:          Nghĩa là bạn cũng tin rằng phước thiện hiện tại sẽ đem đến quả thiện trong tương lai, ví dụ như nghiên cứu, bố thí, trì giới. Những quả thiện mà ta nhận hiện nay là do nhân của việc thiện đã làm trong quá khứ. Đó là những lời nhắc nhở làm việc thiện và theo Giáo pháp của Đức Phật.

Jonathan:     Như vậy những lúc gặp khó khăn ta có thể tưởng nhớ đến ân đức Phật, nhất là về Trí tuệ vĩ đại của Ngài, và những khoảnh khắc đó cũng là thiện. Tuy nhiên nếu ta cho rằng chỉ đọc vài câu như vậy sẽ mang lại kết quả tốt thì đó không phải là cái hiểu đúng, không phải là thiện.

HV 25:          Vậy lúc đó là bất thiện ư?

Sarah:          Điều ấy chỉ có bạn mới biết được, nếu chỉ là đọc mà không có sự suy xét chân chánh thì nó sẽ là bất thiện.

Sarah:          Tiếp theo là câu hỏi của quý sư về phần vừa giải thích về tham sinh khởi trong tiến trình của ngũ căn.

Sau khi có nhãn thức, cái là quả của nghiệp, có hai tâm sinh khởi tiếp theo là tiếp nhận tâmsuy đạt tâm cũng là tâm quả, sau đó một tâm nữa sinh khởi là xác định tâm. Tâm này là một tâm duy tác, sau tâm này, sẽ có bảy khoảnh khắc của tốc hành tâm, có thể là thiện hoặc bất thiện. Nếu những tâm này là bất thiện thì chúng sẽ có nhân là tham hoặc sân hoặc si. Nếu những tâm đó là tâm tham căn thì có sự dính mắc ở trong tiến trình của nhãn môn đó. Vì vậy, ta nói trên thực tế có tham sinh khởi ngay sau khi có cái thấy. Điều ấy xảy ra trước khi có suy nghĩ về con người hay vạn vật, cái diễn ra trong tiến trình ý môn chỉ xảy ra sau đó mà thôi.

Achaan:        Bất cứ khi nào có kinh nghiệm cái thấy, cái nghe mà chúng ta vẫn chưa biết cụ thể là gì, là dễ chịu hay khó chịu, thì đã có thích hoặc không thích với đối tượng đó rồi, chẳng hạn: những âm thanh chói tai như tiếng sấm hay tiếng bom nổ, dù chưa biết đó là gì ta đã không thích, hay một âm thanh ngọt ngào, dù chưa biết đó là gì, là tiếng nhạc hay chim hót, đã có sự dính mắc ngay lập tức.

Ở khoảnh khắc nói Namo Tasa, từ ấy có thể được nói ra với sự kính trọng hay dính mắc, và Trí tuệ có thể biết điều ấy. Kể cả khi chúng ta không đọc ra câu Namo Tassa, nhưng khi nghiên cứu Giáo pháp và bắt đầu hiểu về những gì xuất hiện, chính khoảnh khắc của hiểu biết đó cũng tương ứng với sự đảnh lễ hay tôn kính bậc Đạo sư đã dạy sự thực tạo duyên cho hiểu biết đó cho chúng ta. Đức Phật không hề mong đợi những điều đáp trả như đảnh lễ hay cúng dường. Cần sự chân thành để hiểu được những gì Đức Phật đã dạy, đó chính là cách để nói Namo Tassa một cách tốt nhất, không phải với dính mắc vào kết quả, mà với sự tôn kính những phẩm chất của Ngài.

Học viên 7:    Sáng nay có nói về chặp tốc hành tâm cuối cùng trước tử thức sẽ quyết định thức tái tục của kiếp sống mới. Do vậy dẫn đến một số người có thể nghĩ rằng họ tụng kinh thì sẽ hỗ trợ phát triển thiện tâm và giúp họ tái sinh vào cõi an lành về sau.

Achaan:        Điều ấy còn tùy thuộc vào tích lũy và việc nghiệp nào sẽ sinh khởi để tạo quả cho khoảnh khắc đầu tiên của kiếp sống sau. Kể cả hiện giờ, chúng ta đang nói về Giáo lý nhưng có thể có những ý nghĩ xấu xa. Cũng tương tự như vậy, ở khoảnh khắc người đó lâm chung, kể cả khi có lời tụng kinh, vẫn có thể có những bất thiện ở khoảnh khắc đó, thiện hay bất thiện sinh khởi tùy thuộc vào tích lũy của người đó, và vào việc nghiệp nào sẽ trổ quả vào lúc đó để tái sinh ở cõi nào.

Jonathan:     Như vậy có hai yếu tố tác động: một là sự tích lũy của người đó trong quá khứ và hai là nghiệp sẽ làm duyên cho khoảnh khắc của sự tái sinh. Nếu như nghiệp sẽ tạo quả cho tái sinh rất mạnh (là trọng nghiệp) thì dù tích lũy của người đó là gì đi nữa, nó cũng không đủ mạnh để chiến thắng nghiệp đó. Khi ấy nghiệp đó sẽ có vai trò nổi trội trong việc tái sinh kiếp sau như thế nào.

Học viên 2:   Vậy thì tại sao các vị Lạt ma tây tạng có thể đoán biết trước kiếp sau của mình trước thời điểm lâm chung?

Jonathan:     Họ chỉ có thể nghĩ rằng họ biết mà thôi, bởi vì chỉ có một mức dộ tuệ giác rất cao mới biết được điều đó. Có thể chỉ là suy nghĩ của họ mà thôi. Việc biết được điều ấy phụ thuộc vào Tuệ giác chứ không phải vào các Nghi lễ hay các quy trình cần làm.

Sarah:           Achaan có nói sáng nay là cái chết có thể đến ngay bây giờ, chẳng nhẽ điều ấy có nghĩa là chúng ta nên đọc kinh bây giờ hay sao? Bởi vì chúng ta không biết được khi nào cái chết sẽ tới. Liệu chúng ta có biết được tâm tiếp theo là gì không? Nó sẽ là suy nghĩ, cái thấy, hay cái nghe đây? Không thể biết được tâm tiếp theo hay tái sinh của kiếp sau sẽ là gì.

Học viên 22:  Lúc nãy Achaan có nói pháp học là có niềm tin vững chắc và không còn hoài nghi về giáo pháp. Như vậy khi có pariyati thì có phải là đã tận diệt được hoài nghi, tà kiến và giới cấm thủ hay không, lúc đó không có nghi ngờ?

Sarah:          Thực chất thì cái gọi là hoài nghi, tà kiến, giới cấm thủ chỉ có thể được tận diệt khi chứng đạo quả thứ nhất mà thôi. Nhưng khi có cái hiểu biết rất sâu sắc thì nó sẽ không bị hoài nghi dẫn đi sai đường.

Jonathan:     Lúc trước bạn đã nghe về các mức độ của hiểu biết khác nhau, nhưng khi nói vậy, ta không nói đến một người nào đấy, mà chỉ nói đến khoảnh khắc của hiểu biết thôi.

Sarah:          Ở khoảnh khắc có trí tuệ thì sẽ có tín và không hề có hoài nghi ở khoảnh khắc đó.

Achaan:       Ở khoảnh khắc nghĩ đến một phương pháp nào đó cần theo để giác ngộ thì không phải là sacca nana.

Học viên 13: Bây giờ chỉ mới có cái suy nghĩ là không còn nghi ngờ, chứ không phải niềm tin là không còn nghi ngờ?

Achaan:       Chẳng hạn như về cái thấy hiện giờ, liệu đã có cái hiểu hơn về cái thấy so với sáng nay, khi chưa có sự suy xét về cái thấy hay không?

HV 13:          Vẫn chỉ là suy nghĩ mà thôi.

Achaan:       Suy nghĩ ấy là tư duy chân chánh hay không chân chánh?

HV 13:          Dạ, là tư duy chân chánh.

Sadhu sadhu sadhu!

 

Leave a Reply

Translate »