Pháp đàm sáng 06-09-2013 tại Vũng tàu

13/      Pháp đàm buổi sáng ngày 06.09.2013 tại Vũng Tàu.

 

Vị sư 1:          Kính thưa Achaan, sau  pháp đàm bốn ngày tại Sài Gòn vừa qua, có vài đạo hữu có hỏi, thường các vị đó có đi hành thiền ở Miến điện, các trường thiền dạy các vị là tu tập làm sao để giảm bớt tâm bất thiện, tăng trưởng tâm thiện và thấy nó có giá trị thiết thực, rât có ích trong đời sống, Vậy sao Achaan chỉ nói về cái thấy,cái nghe, sự xúc chạm, thì nó có lợi ích gì trong cuộc sống hàng ngày? Mong  Achaan hãy chia sẻ thêm điểm này để mọi người có thêm đức tin.

Achaan:         Hiện giờ có ai không thấy không? Vậy việc nói về điều ấy chẳng có ích gì hay sao? Hay là cần phải hiểu về điều khác? Chúng ta có cần nói về những gì khác ngoài những thứ đang xuất hiện hiện giờ hay không? Nếu chúng ta không nói về những thực tại đang sinh khởi, liệu có thể có cái hiểu rằng chúng là vô ngã hay không? Toàn bộ Giáo lý của Đức Phật đều nói về vô ngã. Không phải chỉ đơn giản nói rằng bây giờ tôi đã hiểu về vô ngã rồi. Thế còn cái thấy thì sao, cái thấy có phải là tôi không? Nếu không thẩm sát tất cả các kinh nghiệm hiện hữu thì ý nghĩa của việc nghiên cứu Giáo lý là gì? Thay cho việc hiểu cái đang xuất hiện hiện giờ, ta cứ hi vọng hiểu những thứ đang không xuất hiện. Nếu như bạn cứ cố gắng hiểu những thứ khác với cái đang xuất hiện thì điều ấy là không thể, bởi vì điều đó vẫn chưa xảy ra. Khi đọc giáo lý, chúng ta thấy rằng toàn bộ Giáo lý đều nói đến cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, và toàn bộ những thứ đó chính là cuộc sống. Nếu không thì cuộc sống là gì đây? Chúng ta có thể biết những thứ ngoài những gì mà chúng ta gọi là cuộc sống hay không? Nếu chúng ta không nghiên cứu Giáo lý từng từ một, một cách rất kính trọng và cẩn mực, thì làm sao có thể hiểu ai là Đức Phật đây? Chẳng phải Đức Phật biết về sự thực ở khoảnh khắc này hay sao? Đức Phật biết về tất cả, kể cả cái đang có thực xuất hiện hiện giờ và chỉ hiện giờ mà thôi. Đó là câu trả lời của tôi.

Vị sư 1:          Cảm ơn Achaan

Achaan:         Hiểu được cái thấy, suy nghĩ, cái nghe hiện giờ có dễ không? Chính vì thật không dễ có thể hiểu được các thực tại ấy, nên cần đến nhiều kiếp , thậm chí nhiều a tăng kỳ kiếp để có thể hiểu rằng cái thấy, cái nghe chỉ là các thực tại, sinh và diệt, không trường tồn. Dù chúng ta nghiên cứu gì đi nữa, toàn bộ Giáo lý vẫn là về hiện giờ, về khoảnh khắc hiện tại, mỗi một từ đều là như vậy. Vậy hiện giờ bạn muốn hiểu gì đây? mỗi từ đều liên quan đến chính bây giờ. Chúng ta được nghe nhiều – ở Thái lan, Miến điện, khắp thế giới – về từ thực hành, nó có nghĩa là gì và nó là gì? Hiểu biết đúng phải hiểu nghĩa của từ đó là gì, nếu không chỉ là suy nghĩ rằng mình đã hiểu nó mà thôi. Vậy thực chất nó là gì đây? Thực hành chính là sự hiểu biết đúng về bất cứ những gì xuất hiện ở bất cứ thời điểm nào. Nếu không phải như vậy thì đó sẽ không còn là Giáo lý của Đức Phật, bởi vì vào khoảnh khắc của cái thấy sẽ có vô minh.

Nếu Đức Phật ngồi ở đây thì Đức Phật sẽ nói gì đây? Liệu có ai đó sẽ hỏi Đức Phật nên thực hành như thế nào mà không có hiểu biết về mục đích của thực hành hay không? Chúng ta tới đây và có buổi pháp đàm này để có được hiểu biết về cái đang xuất hiện, chứ không phải về cái chưa xuất hiện. Vậy thì thực hành là gì? Có phải đó là tập một số bài tập nào đó, viết, đọc hay một cái gì đó chăng? Làm gì đó hay là thế nào? Vậy thế nào là sự thực hành?

Học viên 16: Chúng ta phải điều phục tâm và để điều phục tâm chúng ta phải ngồi thiền. Cái cuối cùng mà chúng ta đến là cái rỗng lặng.

Achaan:         Vậy thì chúng ta sẽ chỉ nói từng từ một thôi để có thế hiểu được rõ. Liệu chúng ta có thể kiểm soát hay điều phục bất cứ cái gì hay không?

HV 16:           Con thấy rằng, con đã thực hành trong một năm qua, con đã bắt đầu kiểm soát được phần nào tâm con bằng chính sự điều phục, không để nó khởi lên những diễn biến xấu.

Achaan:         Khi không có hiểu biết về cái đang xuất hiện hiện giờ, khi ấy có phiền não không?

HV 16:           Con hiện nay không còn thù hận ghét với ai và yêu thương mọi người.

Achaan:         Trước hết tôi muốn biết, tâm là gì đã?

HV 16:           Con hiểu tâm là mọi cái ý nghiệp mà mọi vọng tưởng do suy nghĩ.

Achaan:         Khi không suy nghĩ thì có tâm không?

HV 16:           Có ạ.

Achaan:         Vậy ở khoảnh khắc không có suy nghĩ thì tâm khi ấy là gì?

HV 16:           Chính là tâm chân như, tâm rỗng không.

Achaan:         Nó ở đâu?

HV 16:           Nó nằm ngay trong chính mình. Mình được hòa tan vào vũ trụ, lúc đó giữa ta và vũ trụ không còn phân hai.

Achaan:         Vũ trụ là gì?

HV 16:           Bằng những khoảnh khắc ngồi thiền con cảm thấy quanh ta là vũ trụ, chứ con không nghĩ cái gì xa xôi.

Achaan:         Vũ trụ cứng hay mềm?

HV 16:           Thực sự nó là mềm như không khí.

 Achaan:        Cái này mềm thì có là vũ trụ không?

HV 16:           Không phải. Mỗi cái này chỉ là một thành phần của vũ trụ.

Achaan:         Thế còn những thành phần khác của vũ trụ là gì?

HV 16:           Đất, nước, gió lửa, không khí.

Achaan:         Hiện giờ có đất không?

HV 16:           Có

Achaan:         Đất có thuộc về bạn không?

HV 16:           Có

Achaan:         Nó có sinh khởi không?

HV 16:           Nó sinh và diệt.

Achaan:         Làm thế nào để kinh nghiệm được cái đó?

HV 16:           Mỗi một con người tự mình chứng thực điều đó, rất khó diễn giải

Achaan:         Đất có thể được kinh nghiệm không?

HV 16:           Có

Achaan:         Vậy thì hiện giờ cái mà bạn gọi là đất mà đang được kinh nghiệm thì đó là gì?

HV 16:           Chính là tâm của ta

Achaan:         Ý của bạn là tâm có tính chất cứng hay sao? (Vì đất có tính chất cứng, mềm –ND)

HV 16:           Tâm nó mềm.

Achaan:         Cái mà ta gọi là mềm thì về bản chất cũng là ít cứng mà thôi.

HV 16:           Tâm nó uyển chuyển và nó phù hợp với mọi hoàn cảnh.

Achaan:         Hiện giờ đang có đặc tính cứng xuất hiện không?

HV 16:           Có

Achaan:         Cái gì đang kinh nghiệm đặc tính cứng?

HV 16:           Cái cứng của con bây giờ là những chướng ngại đang đến với con. Nó mới chính là cái cứng và con lại phải dùng nó để chuyển hóa nó thành mềm.

Achaan:         Hiện giờ ở khoảnh khắc của sự xúc chạm có hai loại thực tại, có đúng không?

HV 16:           Đúng ạ.

Achaan:         Thứ nhất là đặc tính cứng và thứ hai là cái kinh nghiệm đặc tính cứng. Nếu không có đặc tính cứng thì cái kinh nghiệm đặc tính cứng sẽ không thể sinh khởi. Vậy thì, không có ai cả ở khoảnh khắc kinh nghiệm đặc tính cứng, chỉ có hai thực tại: thực tại là đặc tính cứng và thực tại khác là cái kinh nghiệm đặc tính cứng. Cái cứng thì không biết gi cả, phải có một thực tại khác có tính chất là khi sinh khởi nó kinh nghiệm một cái gì đó kinh nghiệm nó. Khi xuất hiện đặc tính cứng thì đặc tính cứng là cái được kinh nghiệm. Đặc tính cứng chỉ xuất hiện ở khoảnh khắc có sự xúc chạm. Có phải là bạn chạm hay bạn cứng không? Có phải cái cứng hay sự xúc chạm đó là bạn hay không?

HV 16:           Chỉ là xúc chạm

Achaan:         Nhưng đặc tính cứng thì xuất hiện ở khoảnh khắc của sự xúc chạm. Vậy khi ấy có cái kinh nghiệm đặc tính cứng. Vậy bạn là người kinh nghiệm đặc tính cứng hay là đặc tính cứng được kinh nghiệm là bạn?

HV 16:           Cả hai.

Achaan:         Vậy thì cái cứng là bạn có phải không?

HV 16:           Phải

Achaan:         Vậy cái bàn (có đặc tính cứng) có phải là bạn không?

HV 16:           Không

Achaan:         Tại sao cái micro thì là bạn (HV 16 đang cầm micro) mà cái bàn thì không phải là bạn?

HV 16:           Cái micro cũng không phải là con.

Achaan:         Không có cái gì có thể gọi là mình, nhưng kinh nghiệm đang xuất hiện thì rất thực, đúng không? Vậy, ở khoảnh khắc có kinh nghiệm cái cứng đó, đó không phải là bạn.  Dù là ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, cái thấy, cái nghe hay suy nghĩ cũng vậy. Và đó chính là Giáo lý của Đức Phật: không có một ai cả, chỉ có cái kinh nghiệm và cái được kinh nghiệm, dù ở bất cứ thời điểm nào. Và bây giờ, cái thấy thì không phải là cái nghe, cũng không phải là suy nghĩ. Không có ai ở trong căn phòng này đúng không? Chỉ có cái kinh nghiệm và cái được kinh nghiệm đang xảy ra từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác. Và đó chính là lời dạy của Đức Phật về giây phút hiện tại. Đó có phải là sự thực hành của giáo lý Đức Phật không?

Chỉ nghe thôi có đủ không? Nếu không có cái hiểu hiện giờ, liệu có thể có cái hiểu thêm về sau được hay không? Mức độ hiểu biết xuất phát từ việc nghe, suy xét và hiểu được gọi là pariyati- pháp học trong tiếng Pali, và chỉ có Giáo lý của Đức Phật mới được gọi là pariyati. Khi chúng ta nghe những lời giải thích, chẳng hạn về cấu tạo của cái bàn này, đó  không phải là giáo lý của Đức Phật. Đức Phật dạy về cái có thực hiện giờ, chỉ là cái kinh nghiệm và cái được kinh nghiệm mà thôi. Suốt cả ngày và suốt cả cuộc đời vẫn chỉ là vậy. Nhưng khi không có hiểu biết đúng, ngay lập tức sẽ có ý niệm “tôi thấy”, “tôi nghe”, “tôi suy nghĩ”. Nếu không có Giáo lý của Đức Phật, ai biết được rằng không có tôi? Luôn vẫn là tôi nghĩ, tôi thấy. Nhưng trên thực tế chỉ có cái kinh nghiệm và cái được kinh nghiệm mà thôi.

Trong cuộc sống hàng ngày thì cái gì được kinh nghiệm đây? Nếu không có trí tuệ hiểu biết đúng thì sẽ luôn luôn là một cái gì đấy, chẳng hạn, ở khoảnh khắc này của cái thấy, cái gì được thấy nào? Bất cứ khi nào có cái thấy thì phải có cái được thấy. Bản thân cái thấy thì không có hình dạng, không mùi, không vị, không cứng, cũng không mềm. Không ai có thể thấy được hình dạng của cái đang kinh nghiệm đối tượng hiện giờ. Nó chỉ sinh khởi để kinh nghiệm đối tượng được kinh nghiệm mà thôi. Liệu chúng ta có nên dùng thuật ngữ dài là “cái kinh nghiệm” hay không? Bây giờ trở đi, ta có thể thay thuật ngữ đó bằng một từ khác: tâm-citta. Ở Thái- lan, chúng tôi sử dụng rất nhiều thuật ngữ đến từ tiếng Pali, chúng tôi cũng dùng từ citta, nhưng nếu không dựa vào Giáo lý, cũng sẽ không thể biết được nó là gì, nó ở đâu và khi nào, mà chỉ có một ý niệm rất mù mờ về nó mà thôi, chỉ ở mức độ nghĩ là tôi có tâm, cái mà kinh nghiệm bất cứ thứ gì từ khi sinh ra đến khi chết đi. Nhưng khi được hỏi tâm là gì thì không ai có thể nói thêm gì hơn. Nhưng Đức Phật đã dạy chúng ta về mọi loại tâm. Cái thấy có sinh và diệt không? Chúng ta có thể nói rằng cái thấy là một loại tâm không? Nó khác với cái nghe, cái nghe thì lại là một loại tâm khác. Bất cứ cái gì sinh khởi cũng cần những duyên tương ứng để cho chúng sinh khởi. Cái thấy thì không thể sinh khởi nếu không có nhãn căn, mà chúng ta vẫn gọi là mắt. Nhưng ngay cả như vậy, mắt có khác với cái thấy không? bởi vì bản thân mắt không thể thấy. Nhưng nếu không có mắt thì cái thấy sẽ không thể sinh khởi. Mắt có thuộc về ai không? Câu trả lời là gì?

Jonathan:     Tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ nghĩ mắt của tôi.

Achaan:         Chúng ta có mắt hay không? Tất cả mọi người sẽ nói là tôi có mắt, nhưng không ai biết được mắt sinh khởi như thế nào cả. Cái xuất hiện hiện giờ sinh khởi là bởi do duyên. Để có thể hiểu cuộc sống là gì thì cần phải rất nhiều thời gian. Chính vì thế Đức Phật đã phải thuyết giảng trong 45 năm. Nếu trí tuệ dễ phát triển như là đơn giản chỉ thực hành thôi thì Đức Phật đã không cần nhiều thời gian đến như vậy để dạy, Đức Phật biết được căn cơ của tất cả chúng sinh. Như bây giờ đang có việc nói về cái thấy, đó cũng vẫn chưa phải là khoảnh khắc kinh nghiệm cái thấy chỉ là một thực tại sinh khởi để kinh nghiệm. Sau khi chúng ta đã nghe rất nhiều về cái thấy, hầu hết trong ngày chúng ta quên mất sự thực cái thấy là gì ở khoảnh khắc của cái thấy. Vì vậy chỉ mới nghe về cái thấy có một lần, hai lần, hay 100 lần thì vẫn chưa đủ đâu, mà cần nghe cho đến khi hiểu biết trở thành sacca nana, để có trí tuệ trực nhân sinh khởi thực sự hiểu rằng cái thấy không phải là tự ngã. Khi hiểu biết nhờ việc nghe được thiết lập một cách chắc chắn, nó có thể tạo duyên cho khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp cái thấy hiện giờ là vô ngã, và đây chính là sự phát triển Tuệ giác.

Khi hiểu biết về giáo lý được thiết lập một cách chắc chắn thì pariyati – pháp học có thể tạo duyên cho khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp thực tại, và khoảnh khắc đó được gọi là patipati- pháp hành, chính vì vậy, từ patipati có nghĩa là pháp hành hay là bhavana (sự phát triển tâm trí), nó khác với nghĩa mà chúng ta vẫn thường hiểu về từ “thực hành”. Hiểu biết về con đường phát triển ở mức độ lý thuyết được gọi là sacca nana. Chừng nào chưa có hiểu biết được thiết lập vững chãi, chưa thể có được patipati, khoảnh khắc của pháp hành. Cái chưa sinh khởi sẽ sinh khởi từ hiểu biết đúng. Vậy thì câu hỏi đúng không phải là làm thế nào để tôi hiểu cái thấy, vì sẽ không có cách nào để phát triển hiểu biết mà không có việc nghe và suy xét về Giáo lý. Chính vì vậy, người không nghiên cứu Giáo lý một cách kỹ lưỡng nghĩ rằng mình có thể thiền để có thể thấy được cái thấy như nó là. Họ không biết rõ là cái gì có thể là đối tượng của hiểu biết đúng. Và họ tránh không hiểu cái đang xuất hiện hiện giờ. Họ mong muốn và hi vọng hiểu một cái gì đó khác, đó chính là cái hiểu biết sai- tà kiến, với tà kiến sẽ có sự thực hành sai hay nói cách khác là Tà đạo.

Trong Tam tạng có nói đến Bát chánh đạo và Bát tà đạo, và việc đi theo con đường nào sẽ tùy thuộc vào tích lũy của mỗi người. Ở thời của Đức Phật, mặc dù Ngài còn tại thế nhưng rất nhiều người đã không đến thăm và nghe Ngài giảng pháp. Chúng ta có tích lũy là chỉ muốn đạt được cái gì đó, muốn biết, muốn kinh nghiệm, muốn giác ngộ. Nhưng Giáo lý này thì lại chỉ ra con đường của sự xả ly, không thể có sự dính mắc trong đó. Đây chính là sự khác biệt giữa những lời dạy chân chánh và những lời dạy không chân chánh, bất cứ lời dạy chân chánh nào cũng chính là những lời của Đức Phật. Còn nếu những lời dạy làm duyên cho sự dính mắc nhiều hơn, đó sẽ không phải là lời của Đức Phật. Kể cả khi chúng ta đang nghe về Giáo lý hiện giờ, ở bất cứ khoảnh khắc hiểu biết nhỏ nào thì sự vô minh cũng giảm đi. Và hiểu biết sẽ dần xả ly với những dính mắc với tà kiến, với con đường sai. Điều ấy tùy thuộc vào nơi bạn quy y hay nương tựa. Bạn quy y Tam bảo hay là quy y ai đó? Chính vì vậy chúng ta cần phải rất chân thực trong việc hiểu Giáo lý, nếu không thì Đức Phật dạy một đằng ta lại nghĩ một nẻo. Bất cứ ai quy y Phật thì cần phải nghiên cứu Giáo lý và lấy Giáo lý làm nơi nương tựa, tức là quy y Pháp. Hoặc ai đó nói rằng, tôi xin nương tựa vào Đức Phật, nhưng nếu không có sự nghiên cứu, làm sao có thể gọi là quy y Phật được đây? Điều quý báu nhất trong cuộc đời của mỗi người là hiểu biết đúng.  Chúng ta sẽ không thể hiểu được cuộc sống và tất cả những gì trong cuộc sống nếu như chúng ta không nghiên cứu Giáo lý của Đức Phật. chẳng hạn bây giờ cái thấy đang sinh và diệt luôn luôn, ai biết được điều ấy nào?

Pariyati- pháp học sẽ làm duyên cho patipati-pháp hành, bởi vì nghĩa của từ patipatitiếp cận thực tại với hiểu biết đúng cùng chánh niệm. Chánh niệm sẽ không thể sinh khởi nếu không có duyên tương ứng để cho nó sinh khởi, đó chính là sự nghiên cứu về Giáo lý một cách đúng đắn, kiên cố.  Có ba mức độ của việc nghiên cứu giáo lý, thứ nhất là việc nghe giáo lý rất cẩn thận để cái hiểu về những lời dạy ấy được thiết lập một cách vững vàng. Bất cứ khi nào chánh niệm thực sự sinh khởi, nó đều đến từ sự hiểu biết được thiết lập một cách đúng đắn từ pháp học, pháp học thì làm duyên cho pháp hành, pháp hành thì làm duyên cho pháp thành. Pháp thành là sự liễu ngộ tất cả những gì xuất hiện đúng như là đã được dạy, ở bất cứ thời điểm nào, kể cả ngay bây giờ đây. Nếu không rõ điều ấy, chúng ta sẽ đánh giá thấp mức độ của Trí tuệ có thể kinh nghiệm sự sinh diệt kể cả ngay bây giờ của thực tại, và khi ấy thì chưa phải là hiểu về Giáo lý một cách đúng đắn, chưa hiểu rằng vô minh và trí tuệ là hai thực tại hoàn toàn đối nghịch với nhau. Thông thường thì bất cứ khi nào không có Trí tuệ thì sẽ có vô minh và tham ái. Nếu bây giờ đang có hiểu biết sinh khởi, thì đó không phải là bạn hay bất kỳ ai, nó được tạo duyên từ việc nghe và suy xét một cách chân chánh. Nếu ai đó muốn có được hiểu biết đúng sinh khởi mà không có duyên cho điều ấy thì sẽ không thể, không gì có thể được kiểm soát, bởi vì tất cả các pháp đều do duyên.

Học viên 17: Làm thế nào để áp dụng hiểu biết này ở nơi làm việc?

Achaan:         Làm thế nào ư? Phải bằng việc nghe và suy xét thêm nữa đã, khi có câu hỏi làm thế nào thì chẳng phải đang có tham ở đó hay sao? Kể cả khi chúng ta có những hành động nhỏ bé, như giơ tay để lấy cái gì đó. rất dễ có tham ở đó rồi. Vậy hàng ngày chúng ta đừng nghĩ đến việc làm thế nào để có thêm cái này hay bớt cái kia, mà hãy nhận ra rằng chúng ta đã có nhiều vô minh đến mức nào, từ kiếp này sang kiếp khác. Chỉ có cách là được nghe và suy xét thì dần dần  hiểu biết được tích lũy sẽ làm giảm bớt đi sự vô minh.

Giáo lý của Đức Phật giống như ánh sáng bừng lên từ bóng tối.  Mặc dầu giờ đây đang có ánh sáng, và chúng ta có thể thấy mọi thứ, nhưng nếu không có hiểu biết thì vẫn là bóng tối. Ánh sáng của hiểu biết hiện giờ vẫn còn rất mờ nhạt đúng không? Nó sẽ sáng dần và sáng dần thêm khi có thêm hiểu biết đúng, và nó sẽ hiểu hơn và hiểu hơn nữa về bất cứ cái gì đang xuất hiện, hiểu về thực tại đúng như nó là. Chẳng hạn hiện giờ đang có cái thấy đúng không? Nếu như không có cái thấy, sẽ không có cái gì xuất hiện như hiện giờ đúng không? Đã có bao nhiêu hiểu biết về cái đang xuất hiện hiện nay đây? Một câu hỏi đơn giản thôi, về mặt thực tại thì cái gì thực sự xuất hiện đây? Hiện giờ có cái thấy và cái xuất hiện là thực tại có thể được thấy, được kinh nghiệm bởi cái thấy. Nhưng thực tại được kinh nghiệm đó là gì đây? Đó là gì nào? Hiện giờ nó đang xuất hiện nhưng mà đó là gì?

Học viên 16: Hơi thở.

Achaan:         Có ai có thể nhìn thấy được hơi thở không?

HV 16:           Chúng ta không thể nhìn thấy hơi thở bằng mắt nhưng có thể cảm nhận hơi thở.

Achaan:         Nhưng chúng ta đang nói về cái được thấy, bởi vì hiện giờ đang có cái thấy.

Học viên 18: Với cái nhìn thì mình sẽ thấy được đối tượng khác nhau, tùy thuộc vào mình đang chú ý vào đối tượng nào. Ví dụ con đang thấy Bà.

Achaan:         Bạn nhắm mắt lại, bạn có nhìn thấy tôi nữa không? Vậy thì trên thực tế thì không phải thấy một người. Cái được thấy hiện giờ có thực không?

HV 18:           Có

Achaan:         Nó không phải là ai cả mà nó chỉ là một thực tại có thể được thấy mà thôi. Nếu như không có cái hiểu đó thì sẽ luôn có ý niệm là tôi thấy và cái được thấy đó sẽ là một cái gì đấy, một ai đó, ý niệm như vậy thì không còn là giáo lý của Đức Phật nữa. Bất cứ cái gì sinh thì đều diệt trong khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi, một cách rất nhanh chóng. Nhưng khi nó sinh diệt như vậy, nó tạo nên ý niệm về hình dạng và những thứ khác nhau. Bởi vì sự sinh diệt của thực tại thì vô cùng vi tế nên bất cứ khi nào thực tại được thấy, sẽ có ý niệm về hình và dạng của cái được thấy. Nhưng nếu không có thực tại ấy thì cũng không có hình, dạng, và không có ý niệm về một ai đó xuất hiện, và nếu nó không xuất hiện nhanh như vậy thì cũng không thể có ý niệm về một người nào đó. Các thực tại sinh và diệt tiếp nối nhau rất nhanh nên mới có ý niệm về hình dạng như thế – điều này được nói trong Tam tạng. Nhưng thực tại có thể được thấy không phải là ai cả, nó chỉ là một yếu tố có tính chất được thấy, chẳng hạn âm thanh thì không thể được thấy, vị không thể được thấy, cảm thọ không thể được thấy, tất cả các thực tại khác không thể được thấy. Cái là thật hiện giờ thì chỉ là cái được thấy mà thôi, không có ai ở trong đó, không có một cái gì ở trong đó. Hiểu như vậy có thể bớt được sự dính mắc vào ý niệm về một ai đó, về ngã. Để có hiểu biết đúng về vô ngã thì phải có hiểu biết đúng về từng thực tại như nó là, đó là ý nghĩa của từ phát triển tâm trí, bhavana, nhưng mọi người lại hiểu nhầm bhavana thành sự thực hành. Khi có ý niệm về sự thực hành là làm một cái gì đó, đó cũng là ý niệm về tôi, do không có hiểu biết đúng về các thực tại xuất hiện từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.

Học viên 17: Trong kinh nghiệm của tôi thì không có ai kinh nghiệm cả

Achaan:         Mọi lúc ư?

HV 17:           Vâng

Achaan:         Không có sự lãng quên chút nào hay sao? Cái thấy sinh và diệt, vậy “ai đó” là ai đây? Khoảnh khắc có cái thấy mà không thấy được sự sinh và diệt của cái thấy thì lúc đó lại có ý niệm về tôi thấy, vậy khi coi cái thấy đó là tôi là lúc không có hiểu biết. Nhưng cái sinh khởi đã diệt đi rồi, vậy thì “ai đó” có ở đâu đây? Nhờ có việc nghe và hiểu được đúng đắn về mặt lý thuyết, điều ấy có thể làm duyên cho khoảnh khắc hiểu được rõ hơn về sự vô ngã của thực tại được kinh nghiệm, và dính mắc giảm dần. Nói rằng tôi có bớt dính mắc rồi mà không hề có hiểu biết về cái đang xuất hiện hiện giờ là rất không hợp lý.

Vị sư 1:          Có phải bất cứ lúc nào không có cái hiểu về sinh và diệt thì vẫn luôn luôn có cái tôi hiện hữu trong đó, không thể nào thoát ra được?

Achaan:         Chắc chắn rồi.

HV 17:           Mặc dù không có cái hiểu nhưng cũng không nhất thiết là có tà kiến về ngã ở thời điểm đó.

Achaan:         Đúng vậy. Có sự dính mắc với cái cốc này không?

HV 17:           Không nhiều

Achaan:         Đó có phải là tôi không?

HV 17:           Không.

Achaan:         Khi chỉ có sự dính mắc vào cái được xúc chạm mà không có ý niệm về tôi ở trong đó, thì không phải là có tà kiến ở khoảnh khắc ấy, mà chỉ có tham hay dính mắc trong đó mà thôi. Có tám loại tâm tham, trong đó có bốn tâm tham hợp với tà kiến và bốn tâm tham không hợp với tà kiến.  Nhưng ở ngay khoảnh khắc kinh nghiệm, không có thời gian để nghĩ xem loại tâm đó là gì. Không cần thiết nhớ về tên của tâm đó vì cái mà ta nhớ chỉ là ngôn từ mà thôi. Khoảnh khắc có sự dính mắc với một cái gì đó chính là thời điểm để biết rằng đó chỉ là sự dính mắc, là tham mà thôi chứ không phải là tôi. Như vậy để có thể hiểu các thực tại mà chúng ta đang nói về thì không phải chỉ nghe mà thôi. Chẳng hạn như, ở khoảnh khắc của cái thấy, hiểu về cái thấy không phải là suy nghĩ về câu chuyện của cái thấy, rằng có bao nhiêu tâm sở sinh khởi với cái thấy đây. Ngược lại, đó chính là thời điểm để bắt đầu hiểu rằng đó chỉ là tính chất thấy mà thôi, điều này hoàn toàn không dễ dàng chút nào. Chẳng hạn như bây giờ cái thấy thấy nhưng chúng ta lại nghĩ đến những thứ khác. Và khi có cái hiểu đúng thì trí tuệ sẽ hiểu rằng bây giờ mới là sự khởi đầu mà thôi, vẫn chưa có kinh nghiệm trực tiếp về sự sinh diệt của cái thấy. Như vậy, câu hỏi  “làm thế nào để tôi có thể” thế này hay thế kia là sự dính mắc vào ý niệm về ngã, nhưng tham ái sẽ luôn luôn ở đằng trước, đằng sau, bên cạnh mà không hề được biết.

Sarah:            Theo hiểu biết đúng, ở khoảnh khắc kinh nghiệm cái thấy thì chỉ có thực tại là cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác- cái được thấy. Chúng ta bắt đầu hiểu rằng không có tự ngã nào cả mà chỉ có các pháp, và các pháp này đều là do duyên tạo và không thể có sự kiểm soát về các pháp ấy bởi một cái ngã nào hết. Khi chúng ta cố gắng kiểm soát, ta có thể có cảm tưởng rằng mình không có phiền não. Giống như một bạn đã nói ở đầu pháp đàm hôm nay là bạn  không còn thấy có tham và sân, nhưng  thực chất, khi ấy bạn có ý niệm về một cái tôi có thể kiểm soát được, thì đó lại là bước cản lớn nhất, mối nguy hiểm lớn nhất. Triền cái này dẫn ta trên con đường tà đạo. Cái mà chúng ta đang quan tâm ở đây là sự phát triển của con đường chánh đạo để tà kiến không sinh khởi. Đức Phật đã nói rằng, đối với sự phát triển tứ niệm xứ và Bát chánh đạo, triền cái duy nhất chính là tà kiến và vô minh.

Achaan:         Và ai là người có thể diệt được tà kiến một cách tuyệt đối đây?

Ai đó trả lời: Đức Phật.

Achaan:         Và các vị thánh đệ tử của Đức Phật

Ai đó hỏi:     Đức Phật là ai?

Achaan:       Là người hiểu biết hơn tất cả mọi người ngồi đây và toàn bộ tam giới

HV 13:           Liệu có ai đạt tới điều đó không?

Achaan:         Sẽ không thể nhanh chóng như vậy, phải cần đến rất nhiều a tăng kỳ kiếp để có thể phát triển các ba la mật để đạt được mức độ trí tuệ của một vị Phật, có được sự thanh cao tối thượng, lòng từ bi tối tượng và trí tuệ tối tượng để có thể dẫn dắt những người khác cũng đi đến giác ngộ. Ở khoảnh khắc có cái hiểu về sự thực của cái thấy, liệu có ý nghĩ nào về người đã dạy cho ta về điều ấy hay không? Nếu không có người đã dạy cho ta sự thực ấy thì liệu ta có thể hiểu được hay không? Đây chính là cách để hiểu Đức Phật là gì, nếu không hiểu được những điều Ngài dạy trong Giáo lý thì sẽ không thể biết được Đức Phật là ai.

HV 13:           Trên thực tế vì không có một ai cả cho nên cũng không có Đức Phật, chỉ có Trí tuệ ở mức độ cao thượng đó như Achaan vừa mô tả.

Achaan:         Đúng, nhưng thực tại là mức độ trí tuệ, mức độ thanh cao và từ bi đó là có thực.

Sarah:            Mặc dù Achaan nói đến Đức Phật cũng như các vị đệ tử của Đức Phật nhưng đó chỉ là ngôn ngữ để giao tiếp, để giải thích cái mình đang nói tới, theo chế định, chứ không phải là về mặt tuyệt đối. Trên bình diện tuyệt đối thì không có ai cả.

Achaan:         Có thể có cái hiểu sâu hơn hiểu biết ở khoảnh khắc này không? Vậy chúng ta đến đây nghe Pháp, đàm luận về Pháp để làm gì nếu như ngày mai hiểu biết cũng vẫn thế, và có cần thiết nói về những điều chúng ta chưa thể hiểu được hay không? Rất cần thiết, để có thể thấy rằng có mức độ hiểu biết  nhiều hơn mức độ mà chúng ta có thể hiểu hiện giờ. Chỉ để hiểu rằng có một mức độ tuệ giác siêu việt đủ để tạo duyên cho mức độ thanh cao và mức độ từ bi vô hạn mà chúng ta gọi với ngôn từ là Đức Phật. Để biết rằng đó là thiện pháp cao nhất, tối thượng nhất. Vậy những khi nào chúng ta dùng từ Đức Phật, cái mà thực sự được nói đến chính là điều đó mà thôi. Ngay cả các vị đệ tử lớn của Đức Phật cũng không có mức độ hiểu biết tương đương. Chính vì vậy mới phân ra Tam bảo. Nếu không có Đức Phật thì không có ai có thể giác ngộ được hết. Nếu không, sẽ không có ích gì khi phát triển các ba la mật để trở thành một vị Phật, nếu Đức Phật không có khả năng thuyết giảng và hoằng pháp để những người khác có thể có được cùng mức độ giác ngộ – cùng mức độ giác ngộ nhưng mà không cùng mức độ Trí tuệ như Ngài. Những gì Ngài chỉ dạy đủ để giúp cho những người nghe Pháp có tích lũy đầy đủ có thể giác ngộ.

Học viên 19: Chỉ có tà kiến mới là chướng ngại lớn nhất, vậy thì phải đắc được Thánh quả thứ nhất thì mới nên thực hành hay sao?

Sarah:            Việc tận diệt tà kiến là một tiến trình vô cùng dài lâu, vô cùng từ từ, và như Achaan đã nói, sự phát triển hiểu biết cần phải trải qua nhiêu a tăng kỳ kiếp, vì thế có thể có rất nhiều tà kiến trong thời gian dài nữa. Chúng ta đã nói đến tà kiến lậu hoặc, là loại tà kiến về cái được kinh nghiệm sinh khởi ngay sau cái thấy và cái nghe. Khi có tà kiến sinh khởi, nó sẽ làm duyên cho sự thực hành sai lầm. Nhưng tại khoảnh khắc hiểu biết đúng như hiện giờ, khi chúng ta đang suy xét về những thực tại khác nhau thì ở những thời điểm ấy là sự thực hành đúng đắn. Như vậy, có thể có những khoảnh khắc sinh khởi cái hiểu sai và sự thực hành sai rồi lại xen kẽ với những khoảnh khắc của hiểu biết đúng và thực hành đúng. Dù ở đâu đi nữa, khi chúng ta được nghe về những thực tại kinh nghiệm một cái gì đó và những thực tại không kinh nghiệm gì cả, điều ấy có thể làm giảm dần ý niệm về một cái ngã có thể kiểm soát và có thể làm công việc thực hành. Đây là sự phát triển đúng đắn và trí tuệ có thể lớn mạnh dần. Vì vậy, không phải là đợi cho đến khi tà kiến hoàn toàn tận diệt mới bắt đầu thực hành đúng đắn như bạn nói.

HV 19:           Thực hành mà con muốn nói tới là hành thiền, bởi vì các đệ tử của Đức Phật như ngài Xá lợi phất, Mục kiều liên trước khi đắc đạo cũng hành thiền, mặc dù các Ngài ấy đã được coi là có chánh kiến rồi nhưng định cũng không có, ví dụ ngài Mục Kiều Liên phải vất vả chiến đấu với hôn trầm, khi mà còn hôn trầm thì chưa thể có định được. Vậy thì có gì mâu thuẫn không khi mà bảo là có chánh kiến rồi thì cũng có chánh định luôn?

Achaan:         Khi tà kiến đã được tận diệt, vẫn không có nghĩa là không còn bất thiện pháp nữa. Chính vì vậy chúng ta cần phải có hiểu biết rất kỹ càng về thiền, đó là gì nào?

HV 19:           Thiền như ngài Ananda thì chắc là theo Tứ niệm xứ bởi vì khi Ngài đắc quả trong lúc ngài nằm xuống.

Achaan:         Nằm xuống là một việc rất tự nhiên.

Người phiên dịch: Thế theo ý của anh, thiền là gì?

HV 19:           Thiền có nghĩa là làm cái gì đấy.

Achaan:         Làm cái gì đấy thì đó là gì?

HV 19:           Ví dụ quan sát hơi thở, thân hành niệm tức là quán thân chuyển động.

Achaan:         Đức Phật dạy những ai quán niệm hơi thở?

HV 19:           Đức Phật và con trai ngài –La hầu la

Achaan:         Có rất nhiều người muốn làm như Đức Phật đã làm, ngồi thiền dưới gốc cây bồ đề, ngồi cả đêm. Nhưng liệu việc làm như thế có thể làm sinh khởi hiểu biết gì không, hay là vẫn có thể có hiểu biết dù không làm như thế? Nếu việc bắt chước theo Đức Phật có thể đưa đến giác ngộ thật thì Ngài đã bảo tất cả mọi người hãy ngồi hệt như Ngài. Thế còn về ngài Cấp cô độc thì sao? Ngài là một cư sỹ, khi giác ngộ, ngài đang làm gì? Và vua Tịnh phạm – cha Đức Bồ tát giác ngộ trong hoàn cảnh nào?

HV 19:           Họ giác ngộ thì là Niết bàn

Achaan:         Bạn có nghĩ Trí tuệ bị giới hạn hay không? Nó chẳng phải là vô ngã hay sao?

HV 19 :           Nó vô ngã

Achaan:         Vậy thì nó là vô hạn, và không ai có thể kiểm soát được.

HV 19:           Không có ai nên không có ai có thể kiểm soát.

Achaan:        Tất cả các thực tại hữu vi đều sinh và diệt

Học viên 13: Hiểu biết đúng thì vẫn sinh và diệt, ta hiểu biết đúng xong nó sinh diệt thì lại có những khoảnh khắc của vô minh.

Achaan:         Đúng là như vậy, nhưng ngày hôm qua khi nghe pháp đàm bạn có hiểu một chút nào không?

HV 13:           Có, có hiểu một số từ, ở một vài khoảnh khắc.

Achaan:         Thế những hiểu biết ấy sau đó hoàn toàn mất đi hay sao?

HV 13:           Có vài từ có thể nhớ được, một số từ khác đã quên mất.

Achaan:         Các tâm sở có chức năng khác nhau, chẳng hạn tưởng (sanna) thì chỉ nhớ thôi chứ không làm nhiệm vụ suy nghĩ, như vậy suy nghĩ không phải là tưởng. Khi bạn nói “ôi tôi không thể nghĩ đến điều này”, đó là vì tầm (vitakka) đang chạm đến đối tượng khác, nhưng khi bạn nói rằng “tôi không thể nhớ được”, điều ấy có nghĩa là ở khoảnh khắc đó tâm và tâm sở nhớ đến thứ khác chứ không phải cái mà bạn muốn nhớ về. Chính vì vậy chúng ta phải nghiên cứu rất kỹ lưỡng, Đức Phật đã phải dạy 45 năm, các bạn đừng quên điều ấy, nếu những gì Ngài dậy có thể dễ dàng hiểu được thì Đức Phật có cần phải dạy đi dạy lại lâu đến vậy hay không? Nếu chúng ta không làm rõ ý nghĩa của từ “thiền” thì làm sao có thể có thêm cái hiểu? Khi bạn thiền thì bạn làm gì?

HV 19:           Trong kinh có vài kỹ thuật, ví dụ quan sát cái cảm thọ.

Achaan:         Và có cái hiểu về cái được quan sát không?

HV 19:           Ở một mức độ thấp thì có.

Achaan:         Hiểu về mức độ thấp là như thế nào?

HV 19:           Mức độ hiểu đó là vô thường, mọi thứ đang thay đổi luôn luôn.

Achaan:         Hiện giờ cái gì đang thay đổi?

HV 19:           Bây giờ cái quan sát về hiện tại nó không được sắc bén như khi ngồi thiền.

Achaan:         Khi  sắc bén thì nó có thể hiểu được điều gì?

HV 19:           Sắc bén thì nó thấy được có sự thay đổi, còn khi bị cuốn đi như đang nói chuyện thì không thể thấy được.

Achaan:         Khi bạn thấy được sự thay đổi thì đó là sự thay đổi của cái gì?

HV 19:           Về cảm thọ

Achaan:         Loại cảm thọ nào?

HV19:            Nó có nhiều loại, đôi khi thọ lạc, đôi lúc thọ khổ.

Achaan:         Vẫn có  ý niệm là tôi đang quan sát?

HV 19:           Vâng, cái đó thì con không có ý kiến. Nhưng vẫn phải quay lại câu hỏi là khi nào thì có hành thiền? Bởi vì trong kinh thì các đệ tử của Đức Phật đều hành thiền, có phải là các vị đó đều đắc được quả thứ nhất rồi mới hành thiền sao?

Achaan:         Tôi không hiểu tại sao thiền lại phải khác biệt với hiểu biết, bởi vì nếu như không có hiểu biết thì thiền là cái gì đây? Đối với tôi, hiểu biết với thiền (với nghĩa làm một cái gì đó -ND) không phải là một, bởi vì khi có ý niệm phải đi thiền, ngay khi ấy đã ý niệm về một cái ngã là ai đấy có thể khiến cho một số thực tại cụ thể sinh khởi, và điều đó không thể khiến hiểu biết đúng sinh khởi,  vì ai có thể lựa chọn được đối tượng của trí tuệ đây?

HV 19:           Con không thể trả lời được câu hỏi của Bà, cho nên con muốn hỏi câu hỏi khác. Đức Phật có dạy “Hãy tu chỉ và quán” thì nó là cái gì?

Achaan:         Chúng ta hãy chỉ nói về từng thứ một để cho thứ ấy trở nên rõ ràng đã.

HV 19:           Vâng.

Robert:          Khi bạn nói ngồi thiền thì nó sắc nét hơn, vậy thì lúc bình thường thì dễ xao lãng hoặc ko tập trung hay sao?

HV 19:           Lúc bình thường thì khó tập trung hơn vì ở đây liên quan đến yếu tố định.

Robert:          Kể cả ngay bây giờ thì cũng vẫn có cái gọi là định bởi vì đó là một tâm sở sinh khởi cùng với tất cả các tâm, dù nhắm mắt hay mở mắt thì vẫn có định

HV 19:           Đó là câu hỏi tiếp theo: định mà là ekaggata (tâm sở nhất tâm) đó thì nó phải khác với định của các tầng thiền?

Robert:          Bạn có nghĩ rằng chúng ta cần có đắc thiền để có tuệ hay không?

HV 19:           Đây sẽ lại là một câu hỏi khác

Sarah:            Vậy thì bạn hãy trả lời câu hỏi của Achaan đi đã.

Robert:          Mỗi tâm luôn sinh khởi cùng với tâm sở nhất tâm, nhưng tùy thuộc vào việc nó sinh khởi với tâm thiện hay bất thiện mà tâm sở nhất tâm thành thiện hay bất thiện. Không khó để tập trung vào một đối tượng nào đó nhưng khi ta cố tập trung vào một đối tượng cụ thể,  rất dễ sẽ là tà định. Đó là cái bẫy rất lớn, do vậy không nên nghĩ rằng định là nền tảng cho Trí tuệ.

Achaan:         Vậy thì bây giờ nó sẽ tùy thuộc vào quyết định của bạn, hiểu về cái đang xuất hiện hiện giờ hay là không?

HV 19:           Con làm sao quyết định được.

Achaan:         Hãy chỉ cần nghĩ xem là điều ấy có thể hay không? Nếu như điều ấy không thể thì Đức Phật đã không dạy mọi người phát triển hiểu biết  về thực tại trong hiện tại, nhưng điều ấy không dễ dàng, nó không dễ như việc cứ ngồi và nghĩ về nó nhưng lại hoàn toàn không hiểu về cái đang xuất hiện. Nếu như bây giờ chúng ta đang ngồi đây mà không có hiểu biết đúng về những thứ đang xuất hiện thì làm thế nào có hiểu biết đúng khi chúng ta ngồi ở nơi khác đây? Bất cứ khi nào có ý niệm về ngã ở đằng sau thì lại có ý niệm “tôi có thể làm”, nhưng cái “tôi có thể” đó là gì? “Tôi” có thể làm cho cái thấy, cái nghe  sinh khởi không? và có phải “tôi” tạo ra ý niệm về sự thực hành?

HV 19:           Mọi người nhấn mạnh về ý niệm về ngã. Nếu có ý định phát triển ba la mật thì cũng là có ý niệm về ngã, vậy cũng là không đúng hay sao?

Achaan:         Nếu như không có hiểu biết vì sao cần phải phát triển ba la mật thì phát triển ba la mật để làm gì đây? Bởi vì phải có hiểu biết thì mới hiểu được tại sao cần phải phát triển ba la mật, là bởi nếu không có các ba la mật thì sẽ không thể hiểu về các thực tại đang xuất hiện hiện giờ, do vô minh đã tích lũy trong thời gian rất dài rồi. Nhưng khi có sự vị kỷ, có ý niệm về ai đấy, có mối quan tâm về bản thân tôi thì khi đó sẽ không thể sinh khởi trí tuệ. Chính vì vậy, việc bố thí  giúp giảm đi ham muốn giữ mọi thứ cho bản thân. Nếu ta không thể cho những người khác những gì mình có thì làm sao có thể từ bỏ ý niệm về ngã đây? Bởi vì sự dính mắc vào tự ngã còn mạnh hơn nhiều sự dính mắc vào đồ đạc, chính vì thế dana cũng là một ba la mật.

HV 19:           Cái này thì con hiểu. Nhưng ý của con là nếu  tất cả mọi thứ đằng sau có ngã thì mọi cái đó sẽ là hành động tà. Thì ngay trong tiền thân Đức Phật không muốn bố thí, nhưng sau đó Đức Phật nói tôi phải bố thì để cho thành thói quen. Hành động đó là ý niệm về ngã rất rõ ràng.

Achaan:         Nhưng khi ấy Đức Phật – Bồ tát vẫn chưa giác ngộ và những phiền não ngủ ngầm vẫn còn

HV 19:           Đúng vậy. Nhưng trước khi Đức Phật giác ngộ thì Ngài cũng thực hành thiền định rất là nhiều, vậy những thực hành thiền đó cũng là tà định hay sao?

Achaan:         Sau khi Đức Phật đã giác ngộ rồi thì Ngài chỉ dạy về những gì đang xuất hiện hiện giờ, còn trước khi đức Bồ tát trở thành một vị Phật thì không phải là Ngài thực hành tà định, nhưng khi đó có suy nghĩ là cần phải có sự kiên nhẫn lớn lao để tích lũy các ba la mật tới một mức độ cao. Còn khi giác ngộ rồi thì Ngài chỉ dạy Bát Chánh đạo

HV 19:           Vậy Đức Phật là trường hợp đặc biệt, nhưng sau khi giác ngộ, Đức Phật dạy cho ngài A-na-luật quán thiền ánh sáng, vì ngài đắc thiên nhãn thông.

Achaan:         Khi nói đối tượng là ánh sáng thì nghĩa là gì?

HV 19:           Ánh sáng bên trong.

Achaan:         Nó là gì?

HV 19:           Trong kinh Đức Phật miêu tả là ánh sáng, thấy các màu sắc bên trong.

Achaan:         Đức Phật dạy những thứ đó là một thực tại, không phải là tự ngã, hay là dạy ngài A-na-luật dính mắc vào những thứ đó?

HV 19:           Cái đó thì không thấy nói đến.

Achaan:         Vậy thì bạn nên đọc thêm kinh để biết về điều ấy, chỉ một vài đoạn thôi thì không đủ.

HV 19:           Vâng. Vậy con hỏi thêm một chút về Vi diệu pháp, vì nếu nó là tinh hoa của Giáo lý Phật thì tại sao lần kết tập thứ ba mới xuất hiện? Tại sao hai lần đầu lại không xuất hiện?

Achaan:         Ở thời Đức Phật thì không nhất thiết phải gọi một cách riêng rẽ rằng cái này là Vi diệu pháp, bởi vì tất cả các Pháp đều là Vi diệu pháp.

HV 19:           Nhưng hai lần kết tập đầu không hề được nói đến.

Achaan:         Thời đó, Giáo lý được gọi là Pháp và Luật.Vậy thì Luật-Vinaya là gì? Và Pháp – Dhamma là gì nào? Nếu chúng ta không biết thì đấy vẫn chỉ là ngôn từ mà thôi. Nhưng có hai từ Pháp và Luật, và nghĩa của chúng là gì nào?

HV 19:           Luật là những giới luật, Pháp là những lời dạy về pháp. Trong Kinh viết cả những tích Phật đã nói gì, đệ tử của Ngài đã nói gì.

Achaan:         Luật không phải là Pháp hay sao? Hay Pháp không phải là Luật hay sao?

HV 19:           Nếu mà Pháp hiểu theo nghĩa thực tại thì Luật chỉ là khái niệm, còn nếu hiểu pháp theo kiểu giáo lý thì pháp là luật.

Achaan:         Nếu như không có các thực tại thì có thể có Luật không?

HV 19:           Không thể. Bởi vì không có cuộc sống nếu không có thực tại.

Achaan:         Vậy có thể giữ được giới luật mà không có hiểu biết về thực tại hay không?

HV 19:           Các vị tỳ kheo thì con không biết, nhưng con có đọc bài kinh, các vị tỳ kheo nói về giới luật phi thời, các vị nói “sao phải giữ giới này, con thấy ăn tối cũng rất vui vẻ.”

Achaan:         Nếu như ai đấy không có chút hiểu biết nào thì có thể giữ giới được không?

HV 19:           Giữ được do bởi thói quen.

Achaan:         Theo bạn thì không cần phải có hiểu biết đúng không?

HV 19:           Hiểu biết thì sẽ tốt hơn.

Achaan:         Sự khác biệt giữa những người làm việc thiện không có hiểu biết và có hiểu biết là như thế nào?

HV 19 :           Tâm thiện hợp trí và tâm thiện không hợp trí.

Achaan:         Có những người chỉ là cư sỹ thôi nhưng họ vẫn có thể phát triển hiểu biết đến mức độ giác ngộ, có những người có tích lũy trở thành tỳ kheo và họ giác ngộ khi là một vị tỳ kheo. Như vậy kể cả là cư sỹ hay vị tỳ kheo thì đều có thể có tích lũy để giác ngộ.

HV 19:           Con nghe nói là cư sỹ thì chỉ có thể đắc đến quả thứ ba thôi, có phải không?

Achaan:         Và sau khi người đó đạt được quả vị A la hán thì người đó thế nào?

HV 19 :           Thì người đó sẽ xuất gia.

Achaan:         Vậy thì mục đích để trở thành một vị Tỳ kheo là để đạt mức giác ngộ cao nhất, không giống như các cư sỹ, họ có thể tiếp tục sống ở cuộc đời tại gia và đắc quả vị thứ ba. Nhưng Giáo lý của Đức Phật thì luôn dẫn tới sự xả ly, dù đó là người xuất gia hay người cư sĩ. Vậy sự xả ly là với cái gì đây?

HV 19 :           Với cái Tà kiến

Achaan:         Và với vô minh và những dính mắc ở mức độ ấy.

Vị sư 1:          Achaan vừa nói xả ly tà kiến, vậy thì tà kiến trong khoảnh khắc đó có thể được hiểu như là một thực tại không?

Sarah:            Chắc chắn rồi, bởi vì tất cả các pháp đều cần phải được biết và được hiểu. Bất cứ thực tại nào, như tà kiến hay trí tuệ, cũng cần phải được hiểu như nó là khi chúng xuất hiện, nếu không chúng không thể được tận diệt. Như vậy, cái hiểu luôn hiểu cái gì sinh khởi ở hiện tại. Như hôm trước sư có nói sư đến để nghe pháp, thì trong việc đó cũng có ngầm mong muốn có gì đó cho bản thân, thì ngay ở khoảnh khắc đó cũng có thể có cái hiểu rằng cái sinh khởi đó là một thực tại chứ không phải là ai cả. Nó cần phải được hiểu khi nó sinh khởi còn nếu không thì sẽ không có cách nào tận diệt được.

Jonathan:     Nó cần phải được biết nhưng nó không thể nào được biết bằng việc muốn biết.

Người phiên dịch: Lúc đầu sư có nói đến một số người bạn, khi họ thực hành và họ có giảm phiền não trong cuộc sống, con thấy có phiền não rất vi tế ở đằng sau bởi vì ở sau đó ngầm có một ý niệm về ngã: tôi giảm bớt phiền não cho bản thân, làm cái gì đấy cho bản thân.

Sarah:            Sẽ có thêm cái ý niệm là “tôi phải chánh niệm cho bản thân”, thêm tâm từ cho bản thân, “tôi” phải hiểu biết ở đằng sau cái đó

Jonathan:     Nếu như có cái ý niệm phải bớt đi phiền não, cũng đồng thời có ý niệm là “tôi” phải làm cái gì đó về nó

Sadhu sadhu sadhu!

 

Leave a Reply

Translate »