Pháp đàm sáng 03-09-2013 tại Sài gòn

8/ Pháp đàm sáng ngày 03.09.2013 tại SG

 

Học viên 5:  Hôm qua Achaan có nói là Bà không ngồi thiền trong quá trình tu tập. Vậy trong những năm qua Achaan đã tu tập như thế nào? Trí tuệ phát sinh từ đâu, học hỏi từ đâu? Con có một sự mâu thuẫn nơi tâm, vì Đức Phật dạy rằng nếu mình không ngồi thiền, không có định tâm thì không thể gom tâm và sự hiểu biết được phát sinh từ Thiền, lâu nay mọi người vẫn nghĩ như vậy và bản thân con cũng nghĩ như vậy. Bây giờ nghe một cái mới quá cho nên con có sự thắc mắc. Xin Achaan giải sự hoài nghi cho con ạ.

Achaan:  Tôi không thể tự nghĩ ra, nhưng có một người vô cùng cao quý, hơn tất cả mọi người khác trên thế gian này, đó là Đức Phật, người có hiểu biết thực sự chân chánh. Bây giờ Đức Phật không còn tại thế, nhưng những lời dậy từ kim khẩu của Ngài vẫn được để lại trong Tam tạng.

Chúng ta thử nghĩ xem, ở thời của Đức Phật, phải chăng mọi người cứ ngồi thiền rồi sau đó đến hỏi Đức Phật về việc ngồi thiền như thế nào? Thay vào đó, bất cứ ai đến gặp Đức Phật đều lắng nghe những gì Ngài thuyết giảng. Khi Đức Phật kết thúc bài thuyết giảng thì những người đó hay một số người trong họ đã nói gì nào? Họ nói rằng, từ giờ trở đi chúng con xin nương tựa Phật. Không chỉ nương tựa riêng Đức Phật, mà cả Đức Pháp và toàn bộ Tăng đoàn bao gồm những đệ tử đã giác ngộ – Tam bảo  trở thành nơi quy y của các vị ấy.  Đức Phật không chỉ định ra một người cụ thể kế tục sau khi Ngài nhập diệt, bởi vì tất cả những gì là chân lý đã được dạy một cách chi tiết, thấu đáo và đầy đủ.

Liệu ai đó có thể đọc toàn bộ Tam tạng, hoặc chỉ một cuốn trong đó và hiểu được hết ngay lập tức không? Có rất nhiều cuốn trong Giáo lý Đức Phật nhưng không ai hiểu được hết từng từ ở trong đó. Nhưng một khi có hiểu biết đúng về cốt lõi những gì Đức Phật đã dạy, ta có thể thấy rằng chân lý ấy nằm ở đó, trong bất cứ cuốn sách nào, và đó là về khoảnh khắc hiện tại, ngay lúc này. Nếu không có hiểu biết đúng ở khoảnh khắc này thì khi nào sẽ có đây? Như vậy sự khởi đầu là lắng nghe và thảo luận về pháp. Chẳng hạn, cái gì đang xuất hiện hiện giờ, đó là gì? Hiện giờ đang có cái thấy, Đức Phật có dạy gì về cái thấy  hay không? Điều Đức Phật đã dạy là, dù là cái thấy hay bất cứ thực tại nào, chúng đều là vô ngã, không phải là một thứ trường tồn. Hiểu biết ấy bắt đầu từ bây giờ, và sẽ dần được phát triển, cho đến khi ta thực sự hiểu Đức Phật đã dạy cái gì. Bây giờ là thời điểm để chuyển Tà Kiến về ngã thành Chánh kiến về vô ngã, từ vô minh thành minh.

Khi Đức Phật giảng kinh Chuyển Pháp luân cho năm vị đệ tử đầu tiên, pháp đó có phải là mới đối với các vị ấy không? Cũng như vậy, những gì được nói ở đây khác với những lời dạy của những người khác. Nó không thể được nói nếu Vô minh hiểu sai về nó. Trước ngày hôm qua, trước khi các bạn được nghe thêm về Giáo lý thì đã có hiểu biết đúng chưa? Đối với một số người – đó có thể là lần đầu tiên. Trước đó, trong cả một ngày, có thể chỉ toàn là vô minh, không biết sự vật với đúng bản chất của nó. Nhưng sau khi được nghe Pháp, đã bắt đầu có một chút hiểu biết, nó khác với sự vô minh trước đó. Nếu ta tiếp tục nghe thêm thì hiểu biết sẽ tăng trưởng, phát triển hơn thêm. Nhưng tiến trình ấy không thể diễn ra nhanh chóng như mong muốn chứng đạt ngay bây giờ của ta. Nếu ta đi tìm những phương thức khác thay cho việc hiểu cái hiện giờ đang xuất hiện, liệu đó có thể là con đường dẫn tới sự liễu ngộ giáo lý của Đức Phật hay không? Sự liễu ngộ ấy phải là về tất cả những gì đang có thực hiện giờ.

Sarah:        Tôi nghĩ rằng chúng ta luôn luôn có sự liên hệ với những vị thầy khác nhau và những cách lý giải về Giáo lý khác nhau. Xét cho cùng, vấn đề không phải là cần phải tin vị thầy này hay vị thầy kia vì vị thầy ấy được cho là có thẩm quyền hoặc được tin là đã giác ngộ. Ngược lại, Đức Phật đã dạy chúng ta cần phải kiểm chứng cái gì là đúng, cái gì là sự thật. Chúng ta được nghe về cái thấy là một cái thực tại kinh nghiệm, và về đối tượng của cái thấy-đối tượng thị giác là thực tại không kinh nghiệm gì cả. Chúng ta có thể kiểm tra xem liệu hiện giờ điều ấy có thực hay không? Hiện giờ có cái thấy hay không? Liệu cái thấy chỉ thấy cái gọi là đối tượng của cái thấy – đối tượng thị giác hay là vẫn thấy bông hoa hay con người? Liệu chúng ta có thể dùng ý chí để làm cho cái thấy sinh khởi hoặc bắt nó phải thấy một đối tượng cụ thể nào đó không? Hay về thực chất đó là một pháp hữu vi, nó sinh khởi do duyên và ngay sau khi sinh khởi thì nó diệt đi. Như vậy phép thử ở đây không phải là việc các vị thầy nói chúng ta cần phải tin ở điều gì, mà là liệu điều họ nói có thể được kiểm chứng ở trong khoảnh khắc này hay không?

 Nếu chúng ta nghĩ rằng sẽ tốt hơn nếu như mình đi đến một nơi khác, hay là ngồi trong một tư thế đặc biệt, hay ở một nơi cô tịch vắng vẻ trong một khu rừng, điều đó chứng tỏ chưa có hiểu biết đúng về thực tại hiện giờ. Đức Phật dạy rằng cuộc sống chỉ tồn tại trong một khoảnh khắc mà thôi. Và khoảnh khắc đó chính là khoảnh khắc hiện tại bây giờ. Những gì đã từng xảy ra, những kinh nghiệm đặc biệt, những gì đã từng tới thì đều đã qua một cách hoàn toàn rồi, còn kinh nghiệm trong tương lai thì vẫn chưa tới, chúng ta hoàn toàn chưa biết gì về chúng.

Bây giờ chúng ta đang được nghe Giáo lý của Đức Phật. Đó là một cơ hội vô cùng quý báu để suy xét về các thực tại đang xuất hiện hiện giờ. Trước khi được gặp Achaan, tôi cũng đã đi theo phương pháp hành thiền của nhiều vị thầy khác nhau. Nhưng khi được nghe giảng rằng chỉ có âm thanh được nghe ở khoảnh khắc này, những thứ như con người và các ý niệm khác nhau chỉ nằm trong suy nghĩ mà thôi, đó là khoảnh khắc của sự khởi đầu hiểu rằng pháp là vô ngã, không có ai có thể tạo ra cái gì do ý chí của mình. Đối với tôi, đó chính là điều mà Đức Phật đã dạy, bất kể hôm nay là ai là người nhắc lại điều ấy. Nếu chúng ta hiểu rằng không có cái ngã nào để kiểm soát mọi thứ, sẽ không còn mối quan tâm hay mong muốn đi theo một sự thực hành nào đó để đạt được tới một kết quả.

Achaan:     Bởi vì kết quả đúng cũng là cái hiểu đúng về những gì đang xuất hiện hiện giờ, nếu không phải như vậy thì cái ta cho là kết quả đó sẽ không phải là kết quả đúng.

Jonathan:   Con đường mà Đức Phật đã dạy là con đường Bát chánh đạo bao gồm có tám chi. Con đường đó sinh khởi khi cả tám chi đó cùng sinh khởi một lúc. Đó là khoảnh khắc nhập lưu, khoảnh khắc chứng đạo quả lần thứ nhất. Nhưng nói đến chứng đắc đạo quả Dự lưu là nói đến một mức độ phát triển tuệ giác rất cao rồi. Hiểu biết cần phải được phát triển từ mức độ hiện giờ ta đang có. Phải có sự tích lũy của hiểu biết và mối quan tâm đến hiểu biết từ trong quá khứ thì hiện giờ ta mới tiếp tục quan tâm đến việc tìm hiểu Giáo pháp. Khi chúng ta nghe và tiếp tục suy xét về Giáo pháp, sẽ có thể có duyên cho những hiểu biết đã được tích lũy trong quá khứ sinh khởi và tiếp tục được phát triển. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta đã được nghe về pháp và về chánh niệm về pháp. Một số chi của Bát chánh đạo luôn luôn sinh khởi cùng nhau ở bất cứ khoảnh khắc nào xuất hiện chánh niệm. Trong đó có các chi như: chánh niệm, chánh tinh tấn và chánh định, và tất nhiên là chánh kiến nữa. Vậy ở bất cứ khoảnh khắc nào có chánh niệm thì đã có chánh định ở đó rồi. Chánh định nằm trong Bát chánh đạo hiệp thế  khác với định trong sự vun bồi samatha, sự vun bồi an tịnh. Chức năng của định giống nhau trong hai trường hợp phát triển Samatha và trong Bát chánh đạo, nhưng mức độ hiểu biết đi kèm là khác nhau. Mặc dù định dẫn đến thiền chứng (jhana) trong sự phát triển Samatha cũng là một loại thiện pháp rất cao, nhưng nó không cao quý  bằng  thiện pháp của định trong Bát chánh đạo. Vì vậy chúng ta không nên nhầm lẫn giữa hai loại định này: Chánh định của Bát chánh đạo và định trong samatha. Mặc dù tất cả các loại thiện pháp đều cần được phát triển nhưng  không phải thiện pháp nào cũng là chi đạo. Chánh niệm tỉnh giác – hay chánh niệm cùng với chánh kiến của satipatthana – sẽ chỉ sinh khởi khi đã được nghe Giáo lý của Đức Phật.

Sarah:        Nếu chúng ta cố gắng tập trung vào một đối tượng nào đó để có thể có định thì khi ấy vẫn có ý niệm về ngã, một ai đấy đang cố gắng đạt được cái gì đó, khi ấy đã bị thúc đẩy bởi tham ái chứ không phải bởi sự xả ly. Cũng cần nói thêm rằng, định là tâm sở nhất tâm (ekagata) – một trong bảy biến hành tâm sở, nó luôn luôn luôn sinh khởi, kể cả khi chúng ta đang ngồi nói chuyện như thế này, khi đi lại hoặc làm bất cứ điều gì, bản thân định lúc nào cũng có đó rồi, nhưng tùy thuộc vào các tâm sở sinh khởi cùng nó, nó có thể là chánh, là thiện hay ngược lại. Khi chúng ta cố gắng tập trung vào công việc gì đó, khi ấy dường như có định, nhưng định đó là micha Samadhi (tà định), bởi vì nó không sinh khởi cùng tâm thiện.

Jonathan:   Nếu chúng ta nói về sự phát triển an tịnh thì nó là một chuyện khác. Một số người cho rằng tập trung vào một đối tượng nào đó thì là đang phát triển định nhưng không phải như vậy. Đó không phải là cách mà sự an tịnh được phát triển ở giai đoạn sơ khai. Nếu ta lựa chọn một đối tượng ngay từ đầu để cố gắng tập trung vào, thì rất dễ ngay từ đầu đã không phải là thiện, không phải là chánh định. Bởi vẫn chưa có hiểu biết thực sự về sự khác biệt giữa khoảnh khắc của tâm thiện và khoảnh khắc của tâm bất thiện khi chúng sinh khởi thường xuyên trong hoạt động hàng ngày. Nếu chưa có được hiểu biết về sự khác biệt  giữa khoảnh khắc của thiện và bất thiện vi tế khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên trong ngày,  sẽ không thể nào có được sự phát triển của samatha.

Sarah:        Chúng ta thường nhầm lẫn samatha là định (ekagatā), nhưng về mặt bản chất, samatha là sự phát triển của tâm sở an tịnh (passaddhi cetasika). Tâm sở này là một loại tâm sở thiện và nó cần phải bắt đầu được nhận biết từ những khoảnh khắc nó xuất hiện trong cuộc sống hàng ngày. Ở khoảnh khắc của bố thí, hay ở khoảnh khắc có thân thiện (tâm từ) với người khác, khi đó tâm rất an và có samatha ở đó rồi. Khi có những lời nói hành động xuất phát từ  thiện tâm, khi đó tâm là thiện và khoảnh khắc đó cũng có samatha vì lúc ấy tâm cũng có sự an tịnh. Hiện giờ chúng ta đang lắng nghe pháp, nếu như có sự chú ý chân chánh vào những gì được nghe, khi đó tâm cũng có sự an tịnh (samatha) chính ở khoảnh khắc đó. Khi có hiểu biết về thực tại thì song song với nó, samatha cũng đang được phát triển. Chúng ta không cần phải đi đến một nơi nào đấy hay nghĩ đến việc tập trung vào đối tượng nào đấy để phát triển samatha. Bất cứ khi nào có sự phát triển về các thiện pháp trong cuộc sống hàng ngày cùng với hiểu biết, như bây giờ chẳng hạn thì đó là sự phát triển samatha rồi. Nếu không có hiểu biết kỹ, chúng ta sẽ nhầm tưởng sự dính mắc của mình vào việc tập trung vào một đối tượng là sự an tịnh. Nhưng thực tế, đó không phải là sự an tịnh mà chỉ là tâm tham cùng với thọ hỉ, có sự yêu thích ở trong đó và đó không phải là thiện pháp.

Jonathan:   Khi chúng ta đang nghe pháp và có sự suy xét về những gì được nghe, có thể có những khoảnh khắc của thiện sinh khởi trong đó, song nó lại xen kẽ giữa những khoảnh khắc của cái thấy và dính mắc với cái được thấy. Như vậy ta không thể nào hồ đồ giả định  rằng cái đang xuất hiện là thiện hay bất thiện. Đặc tính của thiện tâm và đặc tính của bất thiện tâm rất khác nhau. Hiểu biết về đặc tính của thực tại đang xuất hiện hiện giờ là thiện hay bất thiện chính là chìa khóa trong sự phát triển của samatha. Như vậy dù cái đang xuất hiện là thiện hay bất thiện cũng không thực sự quan trọng, bởi nếu có hiểu biết một cách rõ ràng về các đặc tính của chúng thay cho chỉ giả định rằng đó là thế này hay thế kia, thì đó đã là sự phát triển dần dần của samatha.

HV 5:       Như vậy ở các trung tâm thiền chỉ chuyên về pháp hành, những người vào đó hành thiền sẽ không mang được sự lợi ích gì hay sao?

Sarah:      Tất cả những điều này còn tùy thuộc vào từng khoảnh khắc, vì tất cả chỉ là các khoảnh khắc mà thôi. Nhưng chắc chắn ở khoảnh khắc có ý niệm “tôi đang thực hành”, “tôi đang có chánh niệm”, “tôi đang có thiện pháp”,  ở khoảnh khắc đó chắc chắn có tà kiến, và đó là con đường tà đạo như Achaan đã nói. Như vậy, mỗi người phải tự xem xét xem, với những điều  mình  được học, thì liệu cái gì đã được phát triển (khi ấy)? Một điều Achaan đã nhấn mạnh rất nhiều, đó là cần phải có hiểu biết đúng, nếu không có hiểu biết đúng thì chứng tỏ một điều là chỉ có vô minh mà thôi.

Jonathan:  Chúng ta đã nói rất nhiều trong những ngày qua về những duyên để phát triển chánh niệm tỉnh giác. Chúng ta có thể thấy rằng muốn có chánh niệm tỉnh giác  không phải là duyên để cho chánh niệm tỉnh giác sinh khởi, mà ngược lại nó là một vật cản cho sự sinh khởi và phát triển của chánh niệm tỉnh giác. Bởi vì, thay cho suy xét về Giáo lý và để cho chánh niệm sinh khởi một cách tự nhiên, chúng ta lại cố gắng tìm kiếm đối tượng hay là cố ý quan sát, ghi nhận, đặt tên (niệm). Điều đó chứng tỏ là chưa có suy xét kỹ lưỡng về những gì Đức Phật đã dạy. Việc đó luôn đưa chúng ta ra khỏi khoảnh khắc hiện tại.

Học viên 12: Con nghĩ hầu hết mọi người ở đây đều đồng ý là chánh kiến hay hiểu biết rất cần thiết, phải là yếu tố đi đầu trước khi có bất cứ sự thực hành nào. Đồng ý rằng việc hành thiền đó cũng là công việc của tâm chứ không phải là một ai đó làm và cũng hiểu được cái tâm đó không phải là tôi mà chỉ là pháp vô ngã mà thôi.

Achaan:     Nhưng làm thế nào để có thể hiểu được rằng tâm không phải là tâm tôi?

HV 12:        Nhờ đọc Giáo pháp của Đức Phật.

Achaan:     Lời dạy của Đức Phật là vậy, nhưng với người đọc và học, làm thế nào để có thể hiểu được như Đức Phật dậy rằng  không  có cái ngã nào, không có gì  là của tôi?

HV 12:       Để có được sự hiểu biết về mặt lý thuyết cho đến hiểu biết về mặt thực hành thì đó là một con đường cần phải phát triển rất dài và trong đó thì có phát triển về trạch pháp. Vậy con hiểu điều Bà mà bà thường nói rằng phải sự suy xét từng pháp một thì có phải là trạch pháp hay không?

Achaan:     Nếu không có cái hiểu về cái đang xuất hiện hiện giờ thì có thể có cái thuộc về Thất giác chi không? (Khi bạn nói về trạch pháp, đó là một yếu tố của Thất giác chi).

HV 12:       Đồng ý là chúng ta cần phải hiểu về các pháp là các thực tại sinh khởi và diệt đi ngay tại khoảnh khắc hiện tại thế nhưng tại khoảnh khắc hiện tại chỉ có một pháp kinh nghiệm thôi, trong khi nó sinh khởi thì không chỉ mình nó mà sinh khởi cùng nhiều tâm sở và sắc pháp khác mà không được kinh nghiệm. Ở mức độ ngủ ngầm thì ngay khoảnh khắc đó thì nó chưa sinh khởi nhưng nó có tiềm năng sẽ sinh khởi. Thứ ba, các cái sinh khởi và diệt đi tại khoảnh khắc hiện tại nhưng nó có mối quan hệ rất phức tạp liên quan đến Thập nhị nhân duyên. Ý nữa, trong Thất giác chi thì niệm giác chi là yếu tố đi đầu.

Achaan:     Có phải bạn muốn nói rằng hiểu đúng hay Trí tuệ thì không đủ không?

HV 12:       Nếu sự hiểu biết những giáo pháp của Đức Phật thì nguyên nhân của khổ không chỉ là vô minh mà còn là tham ái.

Achaan:     Thực tại hiện giờ thường hay và vô thường?

HV 12:       Vô thường.

Achaan:     Đó là ý nghĩa của từ Dukkha- khổ

HV 12:       Khi nói mọi thứ sinh và diệt bây giờ là Khổ thì dường như đó là một suy nghĩ logic vì Đức Phật đã dạy là mọi thứ sinh và diệt là Khổ.

Achaan:     Chắc chắn rồi, đó chỉ mới là suy nghĩ thôi và nó không phải là hiểu biết trực tiếp về thực tại. Hiện giờ có thể nói “cái thấy không phải là ta”, “cái nghe không phải là ta”, nhưng đó chỉ là suy nghĩ. Hiểu biết cần được phát triển một cách từ từ để có thể xả ly khỏi ý niệm về ngã. Hiện giờ các thực tại đang sinh khởi và diệt đi, nhưng nếu không có cái hiểu ngay từ lúc ban đầu rằng thực tại sinh khởi là vô ngã và hiểu biết ấy dần dần  được phát triển, sẽ không thể có khoảnh khắc hiểu được thực tại sinh và diệt, tức là hiểu về vô thường. Ta có thể nhận ra rằng hiểu biết hiện giờ chưa đủ bởi vẫn chưa có khoảnh khắc hiểu trực tiếp về thực tại, chưa có khoảnh khắc hiểu về sự sinh diệt của thực tại và càng chưa thể ở mức độ của các vị Thánh nhân đã hiểu xuyên thấu bản chất của các pháp, những người thực sự hiểu ý nghĩa của từ Dukkha- Khổ trong Tứ Thánh Đế.

HV 12:       Đấy là điều mà nhiều người hành thiền quan tâm, làm sao để phát triển từ mức độ hiểu biết về mặt lý thuyết đến mức độ hiểu biết về mặt thực hành?

Achaan:     Hiểu biết rằng tất cả mọi thứ hiện giờ đều là vô thường đã ở mức độ đủ để tạo duyên cho trí tuệ trực tiếp kinh nghiệm sự sinh diệt của các pháp hay chưa? Như vậy sẽ chẳng có tác dụng gì khi dùng từ “chánh niệm” chừng nào vẫn có ý niệm rằng “tôi có thể làm”, chứ  không phải là chánh niệm sinh khởi do có các nhân duyên đầy đủ của nó.

HV 12:       Mặc dù nói là chánh niệm nhưng mà thực ra không phải là tôi chánh niệm mà là tâm chánh niệm.

Achaan:     Tâm không phải là chánh niệm, xúc không phải là chánh niệm, thọ không phải là chánh niệm. Chỉ duy nhất có một tâm sở là tâm sở sati -chánh niệm. Nó làm nhiệm vụ hay biết về thiện và bất thiện ở các mức độ khác nhau. Hiện giờ  hiểu biết về vô ngã vẫn chưa đủ vững mạnh vì vẫn chưa được nghe và suy xét đủ về Giáo pháp. Bởi vì vẫn chưa thấy rõ rằng, tất cả các thực tại đều sinh khởi do duyên, chứ không phải là do  mong muốn nào đó.

HV 12:       Có thể có nhiều người hiểu rằng Đức Phật đã dạy sắc không phải là tôi, sắc không phải là của tôi, không có tự ngã, và không có tự ngã ở trong ngã, tương tự như vậy với các uẩn còn lại.

Achaan:     Sắc nào không phải là tôi? Khi chánh niệm thực sự sinh khởi và hay biết thì chỉ có một thực tại xuất hiện ở một thời điểm, nếu không như vậy thì chỉ là sự suy nghĩ về nó mà thôi.

HV 12:       Tại một khoảnh khắc thì chỉ có một pháp được kinh nghiệm bởi cái tâm, nhưng vấn đề ở chỗ là tại khoảnh khắc đó có rất nhiều tâm sở hay các sắc pháp cùng sinh khởi với thứ được kinh nghiệm ấy. Vì vậy rất dễ bị chấp vào những cái đấy coi là ai đó hay cái thân này hay ngũ uẩn này.

Achaan:     Khi đó cũng chỉ là suy nghĩ mà thôi, suy nghĩ về sắc, tâm và tâm sở. Suy nghĩ như vậy về những yếu tố ấy cũng giống  như suy nghĩ về ngôi nhà, về đồ ăn hay những chủ đề khác, cũng chỉ là các suy nghĩ mà thôi. Bởi vì hiện giờ các thực tại đang sinh và diệt, nó sinh và diệt cực kỳ nhanh mà không hề có hiểu biết về nó, khi nó diệt đi rồi, cái còn lại chỉ và vô minh, và tiếp tục là các suy nghĩ về nó mà thôi, không phải là chánh niệm thực sự của Bát Chánh đạo.

HV 12:       Có thể nhiều người đã có kinh nghiệm về đặc tính của nóng lạnh cứng mềm, sự chuyển động hay đặc tính của những tâm khác hoặc có thể hiểu được sự khác biệt giữa nội xứ và ngoại xứ.

Achaan:     Ý bạn nói là tất cả mọi người đều biết cái cứng đúng không?

HV 12:       Con không nói là bất kỳ ai.

Achaan:     Ai biết điều ấy? Một đứa trẻ cũng có thể biết rằng đây là cứng, cái cứng rất thông thường, nó được kinh nghiệm qua thân thức, bất cứ khi nào có sự xúc chạm thì sẽ có cái cứng. Cái cứng thì không thể được thấy mà chỉ có thể được kinh nghiệm qua sự xúc chạm bởi thân thức, các loại tâm khác không thể kinh nghiệm cái cứng. Nhưng đó cũng chỉ là sự kinh nghiệm cái cứng thông thường. Một con chó có kinh nghiệm cái cứng không?

HV 12:       Con hiểu rằng nóng lạnh cứng mềm chỉ được kinh nghiệm qua thân căn.

Achaan:     Ở khoảnh khắc của kinh nghiệm cái cứng thì có tồn tại con chó, con mèo, con người hay gì đó không?

HV 12:        Tại khoảnh khắc kinh nghiệm cái cứng thì không có khái niệm về ai đó.

Achaan:     Nếu không có hình dạng và thân thể, liệu ai đó có thể nói rằng, một con chó hay là con chim hay con người đang kinh nghiệm cái cứng hay không?

HV 12:       Không thể nói rằng con chó hay ai đó kinh nghiệm cái cứng mà về mặt bản chất chỉ có cái thân căn kinh nghiệm đối tượng xúc chạm và khi đấy thì thân thức  sẽ sinh khởi.

Achaan:     Đây chính là sự khởi đầu để hiểu các pháp đều là vô ngã, kể cả pháp kinh nghiệm cũng không thuộc về ai, tất cả các pháp sinh khởi khi có duyên tương ứng của chúng, hiểu về cái cứng và sự xúc chạm là vô ngã, vì nếu không có thân thức sinh khởi cùng với cái được xúc chạm qua thân căn, không thể có sự xuất hiện của cái cứng dù là đối với ai, ở đâu, khi nào. Đó là các pháp sinh khởi do duyên chứ không phải do ai tạo ra

HV 12:       Con đồng ý đó là sự khởi đầu của sự phát triển hiểu biết.

Achaan:     Cái cứng có phải là ta không?

HV 12:       Không

Achaan:     Cái kinh nghiệm cái cứng có phải là ta không?

HV 12:       Không phải là ta

Achaan:     Nếu không gọi nó là thân thức thì có được không? Hay phải đặt tên cho nó là thân thức? Ở khoảnh khắc cái cứng xuất hiện, buộc phải có yếu tố kinh nghiệm cái cứng, bất kể là với ai, ở đâu. Khi không có hiểu biết sinh khởi, họ cho cái cứng đó là ngã, là một cái gì đó, chứ không phải là vô ngã; và cho thực tại kinh nghiệm đó là ngã, là “tôi”, chứ không phải là vô ngã.

Khi cho cái cứng là ngã thì đó là Thánh đế hay không phải là Thánh đế?

HV 12:        Cái cứng thì nó thuộc về sắc pháp và sắc là khổ.

Achaan:     Hiện giờ cái cứng đang sinh khởi, đó là Thánh đế hay không phải là Thánh đế? Đức Phật đã dạy về điều đó hay không dạy về điều đó?

HV 12:       Khi cái cứng có thể được hiểu theo nhiều góc độ rằng cái cứng là ngoại xứ hoặc cái cứng là sắc, dù có phân tích khác nhau thì nó cũng chỉ là khổ và vô ngã mà thôi.

Achaan:     Tại sao cái cứng là Khổ?

HV 12:       Cái cứng là khổ vì theo giáo pháp Đức Phật nói rằng cái cứng sinh và diệt ngay lập tức vì thế mà nó là Khổ.

Achaan:     Vậy ai hiểu cái cứng là khổ đây?

HV 12:       Đức Phật hiểu cái cứng là Khổ và Ngài có để lại Giáo pháp nói rằng đó là Khổ

Achaan:     Liệu đệ tử của Đức Phật có thể biết được điều ấy không? Nếu không thì Giáo lý ấy hoàn toàn vô ích hay sao?

HV 12:        Đức Phật dạy chúng ta như thế và chúng ta tin lời dạy của Ngài.

Achaan:     Đức Phật cũng chỉ ra con đường để kinh nghiệm trực tiếp về cái cứng là Khổ, đúng không? Chúng ta có thể cứ nói về “con đường” nhưng thực chất con đường đó là gì? Bởi vì con đường Bát chánh đạo bắt đầu với chánh kiến, Nếu không có chánh kiến là yếu tố dẫn đầu, sẽ có thể có rất nhiều con đường khác nhau và nó có thể bắt đầu với tà kiến đúng không?

HV 12:        Ở đây chúng ta đều hiểu rằng, Bát chánh đạo bắt đầu với chánh kiến, và chánh kiến là hiểu biết về Tứ Thánh đế, rằng các mọi thứ là vô thường, khổ, vô ngã

Achaan:      Đức Phật đã dạy giáo lý của Ngài để cho mọi người cùng có thể hiểu, hay chỉ để tin mà thôi? Ta biết rằng nghe Pháp một lần thôi thì chưa đủ. Chẳng hạn Đức Phật dạy về cái cứng là vô ngã, thì điều đó không phải chỉ để tin, mà đặc tính của nó là có thể được kinh nghiệm,  sau khi sinh khởi nó diệt đi, nó là pháp sinh khởi do duyên. Nhưng đặc tính thực của nó không thể xuất hiện với vô minh.

HV 12:       Đức Phật dạy chúng ta về con đường Bát chánh đạo. Tất cả mọi người đều có thể hành theo và có được sự hiểu biết.

Sarah:        Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng Đức Phật đã dạy về vô thường, khổ, vô ngã, và rằng Đức Phật đã dạy con đường chứng ngộ trực tiếp về sự thực của tất cả các thực tại. Tất cả chúng ta đều đồng ý rằng chánh kiến hay Trí tuệ là yếu tố quan trọng nhất để dẫn đến khoảnh khắc kinh nghiệm trực tiếp về thực tại. Chúng ta cũng đồng ý về bảy chi còn lại của Bát chánh đạo. Hôm qua chúng ta có nói về giới (sila) và về ba chi là các tâm sở tiết chế- chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng. Tôi nghĩ có vẻ là bạn đang muốn thảo luận chi thứ hai là Chánh tư duy, cái mà thực chất là tâm sở tầm và về chánh tinh tấn là tâm sở tinh tấn viriya. Vậy bạn có thể chia sẻ hiểu biết của bạn về những chi này bởi vì tôi nghĩ rằng bạn cho rằng chúng tôi đang không nhấn mạnh đủ về những yếu tố ấy. Bạn có nói đến Chánh tinh tấn và nói đến việc có tác ý để có chánh niệm, có đúng như vậy không?

HV 12:       Con nghĩ là con muốn hỏi Achaan một câu hỏi khác.  Chúng ta đã được nghe rằng không có con người nào cả, không có Achaan mà chỉ có ngũ uẩn thôi. Lại có một sự hiểu biết rằng có một Bộ ngũ uẩn là Achaan thì sự hiểu biết đó có đúng không? Hay tất cả sắc ở đây hay ở kia, quá khứ hay tương lai đều thuộc về sắc uẩn và tương tự như thế về bốn uẩn còn lại?

Achaan:     Có thể nói rằng tất cả các pháp hữu vi đều là uẩn không?

HV 12:        Đấy là điều con muốn thảo luận, rằng mọi thứ đều chỉ được chia về một trong năm cái uẩn đấy thôi có phải không?

Achaan:     Không phải là vấn đề là chia một cách ngẫu nhiên, tất cả các pháp sinh và diệt đều là uẩn, nhưng Đức Phật lại phân nhóm là ngũ uẩn. Vậy tại sao lại là năm?

HV 12:       Vì không còn cái gì khác ngoài năm cái đó.

Achaan:     Ngũ uẩn có khác với pháp không?

HV 12:       Ngũ uẩn là pháp nên không khác với bây giờ.

Achaan:     Tất cả các pháp hữu vi sinh và diệt thì đều là uẩn nhưng tại sao Đức Phật lại xếp thành năm uẩn?

HV 12:        Bởi vì mỗi loại pháp thực hiện một chức năng khác nhau.

Sarah:        Tại sao lại là năm? Có rất nhiều pháp khác nhau trong ngũ uẩn này mà tại sao lại chia cụ thể thành Sắc uẩn, hành uẩn, Tưởng uẩn mà không chia  thành 20 hay nhiều hơn.

HV 12:        Mặc dù thế giới bên ngoài tưởng như rất phong phú nhưng Đức Phật đã dạy rằng những thứ ấy chỉ gom về từng nhóm uẩn đấy thôi bởi vì các chức năng khác nhau trong các uẩn này.

Achaan:     Pháp bao trùm tất cả. Tất cả những gì là thực là pháp. Các pháp đều rất vi tế và có nhiều khía cạnh khác nhau, chính vì vậy Đức Phật có cách chia nhóm khác nhau về thực tại, có lúc là ngũ uẩn, có lúc là sáu xứ, mười hai xứ, có lúc là mười tám giới, thật ra tất cả các thực tại đều là giới (dhatu) nhưng Đức Phật lại chỉ chia thành mười tám thôi. Bởi vì những cách phân chia nhóm như vậy đều có thể tạo duyên cho Trí tuệ sinh khởi theo những cách khác nhau để thấy chúng là vô ngã.

HV 12:       Những yếu tố gió như ở trong bụng, hơi thở hay chuyển động cái tay, cơ thể thì thuộc về Phong giới và Phong giới đó không phải là tôi, nó chỉ là vô ngã. Với con thì hiểu như thế dễ hơn việc hiểu là toàn bộ sắc này chỉ là sắc uẩn thôi hoặc kinh nghiệm cái thọ này chỉ là thọ uẩn thôi. Điều này hơi mới và khó nên con muốn hỏi lại bà để cho chắc chắn về sự hiểu biết đúng về những điều đó.

Achaan:     Thọ có thuộc về Đức Phật hay không thuộc về ai cả?

HV 12:       Lúc trước con hiểu ngũ uẩn là vô ngã theo ý rằng là tâm sở thọ nơi con hay bất cứ ai khác kinh nghiệm các cảm thọ thì đều giống nhau. Chứ con không hiểu theo nghĩa rằng tất cả cái mà kinh nghiệm cái cảm thọ ấy đều chỉ là thọ uẩn mà thôi.

Achaan:     Thọ sinh khởi do duyên và rồi diệt đi, chứ không thuộc về ai cả, đúng không?

HV 12:       Trước đây con nghĩ là mọi cảm thọ là kết quả của Nghiệp nhưng sau biết Đức Phật dạy rằng nghiệp chỉ là một nguyên nhân của thọ thôi, ngoài nghiệp ra còn có những nguyên nhân khác.

Sarah:        Venada- Thọ sinh khởi với tất cả tâm, đúng không?

HV 12:         Đúng thế

Sarah:        Một số tâm là kết quả của Nghiệp – như cái thấy (nhãn thức), cái nghe (nhĩ thức), cái ngửi (tỷ thức). Thọ sinh khởi cùng với những tâm là quả của Nghiệp cũng là quả của nghiệp. Một số tâm không phải là kết quả của nghiệp, chẳng hạn tâm thiện và bất thiện. Chính vì vậy thì thọ cùng các tâm sở đi kèm với những tâm như thế đều không phải là quả của nghiệp. Chính vì vậy những tâm nào là quả của Nghiệp, thọ đi kèm cũng là quả của Nghiệp, Những tâm nào không phải là quả của Nghiệp thì thọ đi kèm cũng không phải là quả của Nghiệp.

HV 12:        Con được biết rằng thọ sinh khởi tại khoảnh khắc cùng với tâm khi kinh nghiệm đối tượng qua ngũ quan thì đều chỉ là thọ trung tính?

Sarah:        Khi nhãn thức sinh khởi thì khoảnh khắc của nhãn thức là quả của Nghiệp và thọ sinh khởi kèm nhãn thức luôn là trung tính, bất kể đó là quả của nghiệp thiện hay bất thiện, cũng tương tự như vậy với nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức. Trong trường hợp của thân thức thì khác, ở khoảnh khắc thân thức sinh khởi kinh nghiệm đối tượng như nóng lạnh, cứng, mềm, thọ sẽ là thọ lạc hoặc thọ khổ. Ngày hôm qua, khi chúng ta nói đến đói chẳng hạn, đói được kinh nghiệm khi thân thức sinh khởi kinh nghiệm một đối tượng là đối tượng xúc chạm và thọ kèm theo là thọ khổ. Tất cả những tâm và tâm sở vừa kể trên tức là Ngũ song thức cùng với các tâm sở đi kèm đều là quả của Nghiệp.

Học viên 2:      Xin hãy cho thêm giải thích về sự khác biệt giữa tâm và tâm sở?

Jonathan:        Vừa rồi chúng ta nói đến hai loại thực tại là danh và sắc, trong danh cũng có hai loại thực tại là tâm và tâm sở. Ở mỗi khoảnh khắc, tâm sinh khởi bao giờ cũng đi kèm theo các tâm sở. Citta- Tâm làm nhiệm vụ dẫn đầu trong việc kinh nghiệm đối tượng. Nhưng mỗi tâm lại cần một số tâm sở khác nhau sinh khởi cùng, mỗi tâm sở đảm nhận một chức năng riêng biệt khác nhau trong việc kinh nghiệm đối tượng ấy. Chẳng hạn tưởng (sanna) làm nhiệm vụ đánh dấu và ghi nhớ về đối tượng, ekagata (tâm sở nhất tâm) làm nhiệm vụ hướng tâm vào đối tượng đó, xúc (phassa) làm nhiệm vụ tiếp xúc với đối tượng đó. Tâm và các tâm sở cùng nhau kinh nghiệm một đối tượng. Chẳng hạn bây giờ đang có thọ dễ chịu -thọ hỷ – khi thú vị với lời bình luận của bạn thì thọ hỷ này chính là một tâm sở, nó đi kèm với tâm kinh nghiệm đối tượng. Ví dụ khác: khi chúng ta nhìn vào một người và chúng ta nhận ra người đó là ai thì ở khoảnh khắc đó chính là tâm sở tưởng-sanna đang đảm nhận chức năng của mình.

HV 2:          Tâm sở có kinh nghiệm cái gì không?

Jonathan:   Các tâm sở sinh khởi cùng tâm, tâm thì dẫn đầu trong việc kinh nghiệm đối tượng, đó là chức năng của tâm, và các tâm sở cũng kinh nghiệm đối tượng ấy. Chúng ta đang nói về các pháp sinh khởi trong từng khoảnh khắc. Ở khoảnh khắc hiện giờ, nhãn thức đang kinh nghiệm đối tượng thị giác. Cái nghe hay nhĩ thức thì kinh nghiệm âm thanh. Những tâm này sinh khởi tiếp nối lẫn nhau, xen kẽ lẫn nhau. Xen kẽ giữa những khoảnh khắc của các thức đó, có các loại tâm sinh khởi suy nghĩ về cái được thấy, được nghe, v.v…. Trong tiến trình khi có một ý niệm về  đối tượng đã được kinh nghiệm thì ý niệm đó là khái niệm về đối tượng đã được kinh nghiệm trong tiến trình trước đó. Nếu có một giả thiết là không có các tâm sở thì sẽ không có ý nghĩa gì nữa cả, bởi vì không ai có thể biết được gì đã được thấy.

HV 2:          Khi ông nói Tâm dẫn đầu kinh nghiệm đối tượng thì điều ông muốn nói tới là gì?

Jonathan:  Tâm thì chỉ làm công việc kinh nghiệm đối tượng ấy thôi, các tâm sở cũng kinh nghiệm đối tượng ấy nhưng chúng có chức năng riêng biệt.

Sarah:        Để rõ hơn thì chẳng hạn hiện giờ đang có cái thấy. Nhãn thức thì chỉ kinh nghiệm đối tượng thị giác, nó không thể cảm thọ đối tượng thị giác đó, nó không thể tiếp xúc hay ghi nhớ đối tượng thị giác đó. Nó chỉ làm một công việc duy nhất là kinh nghiệm đối tượng mà thôi. Chính vì vậy cần phải có các tâm sở khác hỗ trợ, ví dụ cần xúc (phassa) để tiếp xúc đối tượng, nhất tâm (ekagata) để trụ trên đối tượng, tưởng (sanna) ghi nhớ và đánh dấu đối tượng, v.v…. Tâm và tâm sở phải luôn sinh khởi cùng nhau để có được sự kinh nghiệm như chúng ta có hiện giờ.

HV 2:          Vậy sự khác biệt giữa tâm và thức?

Sarah:        Tâm và thức là hai từ để chỉ về cùng một thực tại. Thức là vinnana, tâm là citta, nhưng về thực tại thì chúng là một, tùy từng hoàn cảnh mà mỗi từ được sử dụng.

Jonathan:   Các tâm sở thuộc về hành uẩn, trừ hai tâm sở được tách riêng biệt là tưởng và thọ. Tất cả những cái đó đều là các thực tại, có đặc tính riêng biệt có thể được kinh nghiệm và hiểu bởi Trí tuệ.

Sarah:        Mục đích của việc nghiên cứu và xem xét kỹ lưỡng về tất cả thực tại này là để chúng ta có thể thấy rõ được rằng tất cả các pháp thực sự là vô ngã, nếu không, ta sẽ luôn có ý niệm “tôi thấy”, “tôi nghe”, “tôi tác ý”, v. v… Đó chính là con đườn dẫn tới sự xả ly với ý niệm về ngã. Chẳng hạn khi chúng ta nghe rằng thọ sinh khởi với tất cả các tâm,  chúng ta sẽ có thể biết được rằng không có khoảnh khắc nào không có thọ. Có những người có thể đọc Thập nhị nhân duyên, trong đó có nói thọ được làm duyên bởi xúc, nhưng họ có thể không thấy được rằng bản thân thọ và xúc là hai tâm sở cùng sinh khởi với tất cả các tâm. Họ có thể có ý tưởng rằng có thể ngăn vedana- thọ để không có sự dính mắc vào thọ. Nhưng khi ta thực sự thấy được rằng tất cả những thực tại như thọ, xúc, ái đều là những thực tại do duyên thì chúng ta có thể hiểu rằng là không ai có thể ngăn những thực tại ấy sinh khởi.

Học viên 12:    Tại một khoảnh khắc thì tâm chỉ nhận một đối tượng. Khi tâm đã nhận một đối tượng danh hoặc sắc pháp nào đó thì nó sẽ không nhận đối tượng là thọ lúc đó.

Achaan:          Tại sao lại không?

HV 12:             Theo tích lũy sự huân tập của mỗi người thì tại khoảnh khắc đó, thọ sẽ là yếu tố được kinh nghiệm hay là sắc được kinh nghiệm hay là thức được kinh nghiệm.

Achaan:           Ở khoảnh khắc kinh nghiệm thọ đau chẳng hạn, khi ấy thọ là đối tượng của tâm, phải không?

HV 12:              Vâng.

Achaan:            Vậy thì thọ có thể là đối tượng của tâm, tâm có thể kinh nghiệm bất cứ thực tại nào.

HV 12:              Khi cảm thọ là thọ khổ hay thọ lạc thì cái nguy cơ, mối nguy hiểm của cảm thọ đấy là có thể mang đến sự tham ái dính mắc ở khoảnh khắc về sau. Khi có sự hiểu biết đúng về sự nguy hiểm đó thì sẽ có tác ý  hướng đến đối tượng khác. Khi ấy nó sẽ không tiếp tục hay biết trên cái đối tượng là thọ và nó có thể là duyên dẫn đến chấm dứt sự tham ái về sau.

Achaan:           Bây giờ chúng ta đang nói về câu chuyện về các thực tại giống như ta đang nói về một người mà ta chưa bao giờ gặp cả. Chúng ta nói về thọ trong khi thọ đang sinh khởi và diệt đi trong vô số khoảnh khắc mà ta không thể đếm được. Ta vẫn chưa bao giờ gặp mà chỉ nói về chúng mà thôi. Vậy bạn cứ nói về người đấy mãi hay bạn muốn thực sự gặp người đó? Thọ có phải là uẩn không?

HV 12:              Thọ là Uẩn.

Achaan:           Đừng chỉ nghe, đừng chỉ nói về nó mà hãy biết thật rõ thế nào là thọ uẩn. Khanda- Uẩn nghĩa là gì?

HV 12:              Đó là sinh và diệt.

Achaan:           Đó chính là câu trả lời, nó là lời nhắc nhở rằng dù là thọ lạc thọ khổ, hỷ hay ưu, thọ cũng là thực tại sinh và diệt luôn luôn. Chúng không thuộc về ai cả. Khi có duyên cho chúng sinh khởi, chúng sinh khởi. Thọ sinh khởi và cảm nhận. Thọ không phải là tâm, tâm không thể cảm nhận. Kể cả khi ta nói như vậy thì không có nghĩa là ta đã gặp được thọ. Tại sao? Bởi vì chúng sinh và diệt luôn luôn kể cả bây giờ cũng vậy. Làm thế nào để biết được Thọ là vô ngã? Chúng ta đang nói về Thọ uẩn là thứ sinh và diệt và nó là vô ngã, làm sao ta biết được điều ấy đây?

Để thực sự biết về Thọ thì không thể chỉ nói về nó. Chính vì vậy không chỉ dừng lại ở hiểu về mặt lý thuyết mà thôi. Có những khoảnh khắc có thể biết được thọ một cách gần gũi hơn và kinh nghiệm nó một cách rõ ràng hơn. Không ai có thể cố tạo ra điều ấy. Có vẻ như có sự mong mỏi để có được kinh nghiệm ấy trong khi không có duyên để cho kinh nghiệm ấy sinh khởi. Có một số người hỏi, làm thế nào để đến gặp “người ấy” đây, điều đó không thể xảy ra chỉ bằng suy nghĩ và mong muốn gặp người ấy. Phải có đủ duyên để có thể biết được rằng  thực tại đó hoàn toàn khác với những thực tại khác, để có thể thực sự biết được rằng chúng ta đang nói về cái gì, Chúng ta cần phải bắt đầu ở chính khoảnh khắc này còn nếu không thì không còn lúc nào khác nữa cả. Và hiện giờ thì những thực tại đó ở đâu? Đó không phải gì khác mà chính là những thực tại hiện giờ đang có mặt ở đây để có thể nhận biết, chúng là gì hiện giờ?

HV 12:            Là pháp

Achaan:         Có rất nhiều pháp hiện giờ nhưng không thể có nhiều pháp sinh khởi cùng một lúc, chỉ có một pháp ở một thời điểm, vậy thì pháp đang xuất hiện hiện giờ là gì đây?

HV 12:            Sinh và diệt.

Achaan:         Chưa thể. Nếu không hiểu chúng hiện giờ là gì, sẽ vẫn chỉ là nghĩ và nói về chúng. Chúng hiện giờ đang có mặt ở đây nhưng không có cách nào biết chúng bởi vì hiện giờ chưa có đủ trí tuệ, và vô minh thì không thể nào biết được. Hiện giờ cái thấy đang sinh khởi để thấy, đó là một thực tại kinh nghiệm, khác với thực tai không kinh nghiệm gì cả. Chưa thể nào tiếp cận được trực tiếp với nó ngay lập tức, nhưng nếu có việc nghe pháp và hiểu rằng cái đang nói đến chính là cái đang sinh khởi hiện giờ, thì dần dần có thể biết được cái đang sinh khởi hiện giờ một cách cụ thể hơn. Hiện giờ có cái thấy không?

Học viên 2:     Hiện giờ đang có cái thấy…

Achaan:         Cứ từng thứ ở một thời điểm thôi. Hiện giờ có cái thấy thì nó thấy cái gì?

HV 2:              Thấy đối tượng thị giác.

Achaan:         Cái thấy có phải là ai không?

HV 2:              Không phải là ai cả.

Achaan:          Nếu như có cái hiểu như thế ở thời điểm ấy thì đó sẽ là sự khởi đầu, còn nếu không thì chúng ta sẽ tiếp tục nhắc đi nhắc lại các ngôn từ “ thấy, nghe, uẩn, thánh đế, v.v…”, mà không có sự hay biết về đặc tính của thực tại xuất hiện trong lúc này đây.

Sadhu sadhu sadhu !

 

Comments are closed.

Translate »