Pháp đàm với Achaan Sujin tại Hà nội 04/11/2012, buổi chiều

Pháp đàm ngày 04/11/12- buổi chiều

Câu hỏi: Trước khi bắt đầu, tôi xin hỏi một câu, thay mặt cho tất cả mọi người, bởi vì ở Việt Nam thường có một quan niệm [sai lầm] về Vi diệu pháp, và mọi người không muốn dành thời gian để nghiên cứu Vi Diệu Pháp, bởi vì thứ nhất, nó rất khó, thứ hai, vì họ cho rằng nó tách rời với việc thực hành. Nhưng Achaan đã dạy Vi diệu pháp trong hơn 50 năm qua, Bà có thể vui lòng giải thích vì sao, và rằng nó thực sự không tách biệt với thực hành như thế nào?

Achaan: Tôi nghĩ rằng để hiểu Giáo pháp, chúng ta nên nghiên cứu từng từ một, chẳng hạn như từ “dhamma”- pháp. Nếu không, chúng ta cứ nghĩ rằng chúng ta có thể hiểu Dhamma, nhưng sự thực, nếu chúng ta không thực sự hiểu dhamma là gì, không thể nghĩ đến việc đọc Tam tạng hay các tài liệu khác. Chẳng hạn, dhamma- pháp là gì? Chúng ta có nên bắt đầu với việc tìm hiểu nó là gì không?, để có thể biết chúng ta đang nói tới cái gì. Vậy pháp-dhamma là gì? Nếu chúng ta muốn nghiên cứu pháp-dhamma, vậy nó là gì, nó ở đâu, để ta có thể biết mình đang nghiên cứu dhamma đó hay không? Có dhamma hiện giờ không?

Trả lời: Có hai ý nghĩa của từ Dhamma. Một ý nói đến giáo lý của Đức Phật, ý khác nói đến bất cứ cái gì có thể được nhận biết bởi tâm.

Achaan: Như vậy, Đức Phật nói về cái gì? Không phải chỉ là từ “Dhamma”. Chẳng phải Ngài đã dạy về bất kỳ thực tại nào là thực bây giờ hay sao? Chẳng phải Ngài đã dạy tất cả mọi người hiểu cái gì đang xuất hiện bây giờ hay sao? Nếu Ngài không dạy cái đang xuất hiện bây giờ, vậy cái gì có thể được hiểu, bởi vì cái đang xuất hiện bây giờ là cái duy nhất có thể được hiểu. Có cái thấy bây giờ. Đức Phật có dạy về nó không?

Câu Trả lời: Về tất cả mọi thứ tồn tại

Achaan: Như vậy Ngài đã dạy về cái thấy bây giờ như một thực tại, hay nói cách khác là về dhamma – cái là thực. Liệu có ai đó có thể làm cho cái thấy sinh khởi không? Ai có thể làm được điều đó? Có cái thấy hiện giờ, nó đã sinh khởi theo nhân duyên và nó đã diệt đi ngay lập tức, liệu đó có thể là bạn, là tôi hay ai đó sinh và diệt ngay trong một khoảnh khắc vô cùng ngắn ngủi không?

Sarah: Bởi vì nếu chúng ta nói rằng dhamma có nghĩa là tất cả mọi thứ hoặc mọi thứ cần được hiểu, chúng ta phải biết tất cả mọi thứ là gì, vì cuộc sống chỉ tồn tại trong khoảnh khắc này, chỉ một khoảnh khắc, như vậy mọi thứ bây giờ có phải chính là cái thấy, cái nghe, suy nghĩ không? Chúng ta cần phải hiểu chính xác hơn, nếu không chúng ta có thể nghĩ cái cốc, cái mi-crô này là tất cả mọi thứ, nhưng trên thực tế, tất cả mọi thứ trong khoảnh khắc này chỉ là cái thấy, cái nghe, sự suy nghĩ về cái đã được thấy và được nghe. Và bằng việc hiểu mọi thực tại mà Achaan Sujin đang nói đến, chúng ta có thể bắt đầu hiểu rằng chúng chỉ là các yếu tố, các dhamma, không có cái ta nào có thể kiểm soát được chúng. Thông thường, chúng ta sống với suy nghĩ rằng chúng ta có thể kiểm soát hay tạo ra mọi thứ, hoặc chúng ta có thể thực hành Giáo lý của Đức Phật. Nhưng qua việc hiểu hơn về Giáo lý của Người, chúng ta sẽ hiểu rằng chỉ có những thực tại khác nhau này, những thực tại có thể kinh nghiệm đối tượng – hay còn gọi là nama, và những thực tại không kinh nghiệm cái gì cả – hay còn gọi là rúpa, nhưng tất cả đều do duyên khởi, không phải tôi hay cái ngã nào có thể kiểm soát được chúng, hay thực hành hoặc làm bất cứ điều gì. Như vậy, Giáo lý giúp hiểu hơn về cuộc sống ngay tại khoảnh khắc này, hiểu hơn về các thực tại hiện giờ. Đó chính là Vi diệu pháp hay dhamma, chỉ là các thực tại hiện giờ.

Betty: Để biết thực tại là gì, chúng ta cũng nên biết về sự khác nhau giữa thực tại và khái niệm mà chúng ta thấy trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta có chai nước, tài liệu, sách, bàn, cốc và mọi người trước mặt. Tất cả những thứ này là khái niệm về một hình khối do tâm tạo ra. Như vậy để bắt đầu hiểu về thực tại, chúng ta cần biết sự khác nhau giữa cái gì là thực và cái gì là khái niệm do tâm tạo ra.

Achaan: Bạn có quan tâm đến cuộc sống không?

Trả lời: Có ạ

Achaan: Nó là gì? Bạn quan tâm đến cái gì? Bạn có thể nói rằng tôi quan tâm đến cuộc sống, nhưng cuộc sống là gì? Nếu không có cái thấy bây giờ, có thể có cuộc sống không? Nếu không có cái nghe, không có suy nghĩ, có thể có cuộc sống không? Vậy bây giờ, liệu bạn có quan tâm muốn biết cuộc sống thực sự là gì theo nghĩa chân đế không? Nếu chúng ta nói rằng chúng ta quan tâm đến cuộc sống nhưng chúng ta không biết cuộc sống là gì, điều ấy có nghĩa là gì? Là không có hiểu biết! Nhưng nếu chúng ta bắt đầu hiểu chỉ một từ tại một thời điểm, khi đó chúng ta có thể hiểu thêm một từ khác và một từ khác nữa, dần dần như vậy, khi đó chúng ta có thể hiểu chúng ta đang nói đến điều gì trong một ngày.

Sarah: Tất cả chúng ta đều biết rằng chúng ta quan tâm đến cuộc sống, như vậy chúng ta nên hiểu hơn cuộc sống tại khoảnh khắc này là gì. Để hiểu cuộc sống bây giờ là gì, chúng ta phải bắt đầu hiểu từng từ một, như “cái thấy” chẳng hạn, bởi vì cái thấy bây giờ là cuộc sống, và cái thấy thấy gì?, nó thấy đối tượng thị giác, đó là cuộc sống, một khoảnh khắc tiếp theo, không còn cái thấy nữa, nhưng có suy nghĩ về cái được thấy, đó cũng là cuộc sống. Như vậy chúng ta bắt đầu nhận ra cuộc sống, trên thực tế, chỉ là các dhamma khác nhau sinh và diệt. Và đó là lý do tại sao chúng ta cần nghiên cứu thêm về Vi diệu pháp, bởi vì đó là cách để hiểu hơn về cuộc sống, ngay tại khoảnh khắc này.

Achaan: Các bạn có câu hỏi nào không?….. Một câu hỏi khác dành cho các bạn: Các bạn có răng không?

Trả lời: Có ạ

Achaan: Nó ở đâu

Trả lời: Ở trong miệng

Achaan: Bạn có thể nhìn thấy nó không?

Trả lời: Không ạ

Achaan: Tại sao bạn biết nó ở đó, khi bạn không nhìn thấy nó?. Như vậy, đó chỉ là suy nghĩ về có cái răng ở trong miệng bạn, nhưng thực ra, bất kỳ cái gì được thấy bây giờ, chúng ta có thể nói nó là thực hay là một thực tại có thể được kinh nghiệm trực tiếp. Nó có thuộc về bạn không?

Trả lời: Không ạ

Achaan: Vậy bây giờ, bạn có răng không?

Trả lời: Tôi hiểu rằng nó chỉ là khái niệm

Achaan: Tại khoảnh khắc của cái nghe, có thể đồng thời có cái thấy không?

Trả lời: Có ạ

Anchaan: Cùng với nhau ư?

Trả lời: Cùng với nhau

Achaan: Cái thấy ở đâu, nó sinh khởi ở đâu?

Trả lời: Cái thấy sinh khởi ở nhãn căn, và cái nghe sinh khởi ở nhĩ căn

Achaan: Chúng có thể sinh khởi đồng thời với nhau tại một thời điểm không?

Trả lời: Không ạ

Achaan: Như vậy, cái thấy sinh khởi tại thời điểm của cái thấy, không có cái nghe, đúng không? Chỉ một cái ở một thời điểm, chỉ một cái thôi. Liệu cái thấy có ở đó hay cái nghe ở đó trong một thời gian dài hay không?

Trả lời: Không ạ

Achaan: Như vậy, liệu cái thấy có thể là bạn vì nó đã diệt rồi không? Liệu cái nghe có thể là bạn vì nó đã diệt rồi không? Ngay khi nó sinh khởi, nó cũng diệt luôn, ngay lập tức. Bạn có sở hữu bất cứ cái gì bây giờ không?

Trả lời: Có chứ

Achaan: Họ sở hữu gì?

Trả lời: Quần áo chẳng hạn

Achaan: Quần áo là cái gì?

Trả lời: Chỉ là về mặt quy ước thôi, theo nghĩa chân đế, không có gì cả.

Achaan: Chúng ta đang nói về các thực tại tuyệt đối – những thứ hoàn toàn không thuộc về ai cả. Nó sinh khởi bởi nhân duyên, và ngay khi nó sinh khởi, nó diệt ngay lập tức, nó đã biến mất, mỗi một thời điểm, nó sinh rồi diệt hoàn toàn. Liệu khoảnh khắc này có phải là khoảnh khắc đã diệt đi không? Liệu cái nghe bây giờ có giống với cái vừa diệt mất không? Không hề. Như vậy, từng khoảnh khắc sinh và diệt trong sát na. Đó là lý do vì sao chúng không được biết chúng, giông như xem một ảo thuật gia vậy. Còn câu hỏi nào nữa không?

Như vậy là không có bạn, không có người nào cả, chỉ có các thực tại từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, phải vậy không?

Sarah: Nếu không có cái thấy hay cái nghe, cũng sẽ không có các ý niệm, không có suy nghĩ về cái áo thun của tôi, của cải của tôi. Đức Phật chỉ dạy về sáu thế giới. Tại khoảnh khắc của cái thấy, không có cái nghe, không có suy nghĩ. Và nếu không có cái gì được thấy, không có cái gì được nghe, cũng sẽ không có suy nghĩ về tôi hay của cải của tôi, về cái cốc, cái bàn hay bất kỳ cái gì khác.

Khi chúng tôi rời sân bay, Tâm đã nói với tôi rằng một số người ở đây có thể phân vân làm sao việc bàn luận về các thực tại và về dhamma có thể giúp họ khi họ gặp vấn đề trong cuộc sống.

Achaan: Được rồi, vậy dhamma là gì? Dhamma không chỉ là từ ngữ, mà nó còn là một thực tại, ngay bây giờ. Khi bạn nghĩ về một vấn đề, vấn đề đó sinh khởi, nếu không sẽ không có vấn đề nào cả, phải vậy không? Như vậy, ai tạo duyên cho vấn đề sinh khởi?

Trả lời: Những người xung quanh chúng ta, những thứ mà chúng ta cảm thấy khó chịu.

 

Achaan: Ngoại trừ bạn ư? Nó đến từ việc không có hiểu biết. Đức Thế tôn có những vấn đề không?

Trả lời: Không, Ngài chỉ có vấn đề trước khi Ngài trở thành Phật.

Achaan: Vấn đề đến từ sự không hiểu biết. Để không có vấn đề, cần phải hiểu về cái gì đang xảy ra bây giờ. Tôi nghĩ là hiện giờ, có một số người đang có những vấn đề.

Trả lời: Tất cả mọi người ạ

Achaan: Thấy không. Vậy vấn đề là gì?

Trả lời: Đó là những đau khổ trong tâm

Achaan: Bây giờ ư?

Trả lời: Tôi không rõ lắm.

Achaan: Tất cả mọi thứ đều không rõ, bởi vì không có sự nghiên cứu tìm hiểu về các thực tại được Đức Phật giảng dạy từ sự giác ngộ của Ngài. Bạn có nghĩ rằng Giáo lý của Đức Thế tôn là dễ hiểu không?

Trả lời: Không ạ, không dễ chút nào.

Achaan: Phải mất thời gian rất, rất dài để hiểu bất kỳ cái gì xuất hiện bây giờ, bởi vì mọi thứ sinh và diệt, luôn không hề được hay biết từ khi chúng ta sinh ra đến giờ. Nhưng có thể bắt đầu hiểu về những gì xuất hiện bây giờ. Chúng ta có cần nghĩ rằng bây giờ chúng ta đang nghiên cứu Dhamma không? Bởi vì nếu chúng ta không biết dhamma là gì, khi đó chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta đang nghiên cứu, nhưng sự thực, nếu không hiểu dhamma là gì, chúng ta đang không nghiên cứu dhamma. Bây giờ, bất cứ cái gì là thực hay đang xuất hiện khi có cái thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và suy nghĩ đều là thực. Như vậy chúng ta có thể nói rằng bất kỳ cái gì xuất hiện đều là dhamma. Không có gì sinh khởi sẽ không có gì xuất hiện. Vậy bây giờ, có cái thấy. Cái thấy có sinh khởi không? Trong khi có cái thấy, bạn có thể nghĩ rằng cũng có cả cái nghe, nhưng trên thực tế, tại khoảnh khắc của cái nghe không hề có cái thấy. Và đó chính là cuộc sống, chỉ trong một khoảnh khắc, từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Sự thực, không hề có người nào cả, không hề có thứ gì cả. Chỉ có các yếu tố khác nhau. Và không ai có thể thay đổi đặc tính của bất kỳ yếu tố nào. Tại khoảnh khắc của cái thấy, nó không thể thay đổi thành cái nghe hay bất kỳ cái nào khác. Như vậy, không có người nào, không có đồ vật nào cả, chỉ là các thực tại khác nhau sinh rồi diệt nối tiếp nhau. Hôm nay không phải hôm qua, và cũng không phải ngày mai. Nếu không hiểu về khoảnh khắc này, liệu ai đó có thể mong hiểu được các khoảnh khắc khác không? Vậy bây giờ, chúng ta đang nói về những gì là thực và bắt đầu hiểu rằng các đặc tính xuất hiện là thực tại. Xin mời đặt câu hỏi!.

Câu hỏi: Làm thế nào chúng ta có thể biết cái gì là thực?

Achaan: Bạn có thấy bây giờ không? Nó chẳng phải là thực ư?

Sarah: Bởi vì khi chúng ta có ý niệm về một loại vấn đề mà chúng ta nghĩ đến, chẳng hạn: ông sếp ở công ty hay lũ trẻ bị ốm hay một số khó khăn trong gia đình. Sự thực, khoảnh khắc đó chỉ là suy nghĩ, bởi vì nếu không có cái thấy đối tượng thị giác, nếu không có cái nghe âm thanh, sẽ không có suy nghĩ về ông sếp ở Công ty hay những khó khăn trong cuộc sống của chúng ta. Vậy bằng việc hiểu hơn về các thực tại, cái thấy là thực bây giờ, cái nghe là thực bây giờ, suy nghĩ là thực, chúng ta nhận ra rằng chúng ta chỉ đang sống trong một thế giới của vô minh, nghĩ rằng có ông sếp, có ngôi nhà hay có con cái. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là cái thấy, cái nghe, thích, không thích. Đối với những ai hiểu về mọi thực tại, như Đức Phật, sẽ không còn vô minh, dính mắc hay sân hận, bởi vì không có cái hiểu sai rằng tất cả những gì được thấy tại khoảnh khắc này chỉ là đối tượng thị giác, sinh rồi diệt. Như vậy mọi vấn đề thực sự chỉ có ở trong tâm trí, bám chấp và vô minh về những gì được thấy, được nghe. Việc hiểu hơn rằng chúng chỉ là các dhamma, hoàn toàn vô ngã, sẽ là cách qua đó các vấn đề trong cuộc sống được giải quyết.

Người phiên dịch: Anh ấy có một câu hỏi: Làm thế nào để có thái độ đúng khi có cái nghe và cái thấy. Đó là câu hỏi thứ nhất. Và câu hỏi thứ hai là làm thế nào để duy trì chánh niệm về tứ oai nghi trong suốt cả ngày.

Achaan: Xin hỏi từng câu một

Trả lời: Vâng, câu hỏi thứ nhất là làm thế nào để có thái độ đúng với cái nghe và cái thấy?

Achaan: Cái nào là tốt hơn, thái độ đúng hay cái hiểu đúng?

Cái hiểu đúng là tốt hơn. Vì bất cứ khi nào có có cái hiểu đúng, sẽ có thái độ đúng. Khi không có cái hiểu đúng, sẽ không có thái độ đúng. Vậy hãy có cái hiểu đúng, dù chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, từng chút một. Khi chúng ta ngủ say, có vấn đề gì không?

Trả lời: Không ạ

Achaan: Như vậy, kể cả vấn đề hay bất cứ điều gì cũng rất tạm bợ. Nếu bạn biết về nhân duyên cho mọi thứ, sẽ có sự phát triển nhân duyên cho cái mà bạn muốn có. Nhưng bạn không thể có cái mà bạn muốn khi bạn không có đủ nhân duyên cho nó.

Câu hỏi: Làm thể nào để thực hành cái hiểu đúng

Achaan: Ai thực hành và thực hành là cái gì?

Trả lời: Tâm hay danh (nama) thực hành

Achaan: Cái thấy có phải là nama không?

Trả lời: Có, nó thuộc về nama

Achaan: Không phải là thuộc về, nó là nama. Cái thấy có phải là nama không? Cái thấy có thể thực hành không?

Trả lời: Không, nó không thể

Achaan: Vậy cái gì có thể? Bạn muốn nói gì khi nói đến chữ “thực hành”?

Trả lời: Tâm (citta)

Achaan: Nó ở đâu?

Trả lời: Tại sáu căn

Achaan: Bây giờ ư? Một cái tại một thời điểm

Trả lời: Cái thấy, cái nghe,…

Achaan: Chúng có thể thực hành không?

Trả lời: Không, không thể

Achaan: Vậy cái gì có thể thực hành?

Trả lời: Trí tuệ (paññå)

Achaan: Đúng vậy. Panna có nghĩa là gì? Nó là cái gì? Một lần nữa, nếu chúng ta bắt đầu một câu hỏi, chúng ta sẽ có câu trả lời. Chúng ta có thể tìm thấy paññå ở đâu? Chúng ta có nó hiện giờ không? Không có sự lắng nghe, suy ngẫm, mà chỉ tự mình suy nghĩ, liệu bạn có thể tự phát triển hiểu biết đúng không?

Trả lời: Không ạ

Achaan: Như vậy, vì chúng ta chỉ là những đệ tử thanh văn (học từ nghe) Giáo lý của Đức Phật, chúng ta nên biết người thường khác xa với Đức Phật đến nhường nào. Điều đó không có nghĩa rằng bất kỳ ai cũng có thể đọc và hiểu Giáo lý một cách trực tiếp mà không có sự suy xét kỹ lưỡng. Đức Phật đã dạy về bất cứ thứ gì xuất hiện bây giờ: thấy, nghe, ngửi, nếm, xúc chạm, suy nghĩ, cứng, đối tượng thị giác và âm thanh. Cái thấy bây giờ có phải là thực không? (Trả lời: Có ạ), liệu chúng ta có phải nói nó là dhamma hay nó vẫn là dhamma ngay cả khi chúng ta không gọi nó là dhamma?

Trả lời: Không, không cần phải đặt tên cho nó.

Achaan: Vậy bây giờ bạn đã hiểu dhamma là gì. Nếu không, chúng ta có thể gọi dhamma là dhamma, nhưng không hiểu nó là gì. Và đó là sự khác biệt giữa việc tự mình suy nghĩ về dhamma và nghiên cứu về nó. Bây giờ, khi ai đó nói về dhamma, bạn sẽ biết rằng người ấy có hiểu về dhamma hay không. Nếu người ấy không nói về bất cứ cái gì là thực và đang xuất hiện bây giờ, người ấy đang không nói về dhamma chút nào cả. Và cái có thể được biết hay được hiểu, không phải là cái đã diệt cũng không phải là cái chưa xảy ra, mà là cái đang xuất hiện bây giờ. Có phải có nhiều người trong phòng này không? (Trả lời: Vâng ạ). Cái gì được thấy bây giờ?

Trả lời: Hiểu về mặt lý thuyết: là đối tượng thị giác!

Achaan: Hiểu về mặt lý thuyết là bước khởi đầu cho cái hiểu trực tiếp. Không có cái hiểu lý thuyết, không thể có cái hiểu trực tiếp về các thực tại như chúng là.

Câu hỏi: Câu hỏi đầu tiên của tôi là: Cái hiểu đúng là gì?

Achaan: Được rồi. Cái gì là thực bây giờ?

Trả lời: Tôi không thấy nó

Achaan: Nếu có cái hiểu rằng cái thấy là vô ngã, nó chỉ là một thực tại – cái có thể kinh nghiệm một đối tượng, không phải là một ai cả, vậy đó là cái hiểu đúng hay hiểu sai?

Trả lời: Hãy để tôi đưa ra câu hỏi thứ hai, nó có thể giúp cho câu hỏi đầu tiên của tôi. Cái mà tôi được nghe từ Bà là thông tin, sau đó nó có thể chuyển thành kiến thức, rồi sau đó nó có thể chuyển đổi thành cái hiểu, phải vậy không?

Achaan: Bạn muốn nói từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác?

Trả lời: Phải tốn nhiều thời gian, ít nhất là đối với tôi!

Sarah: Tôi nghĩ cái mà bạn nói là trước hết, cần phải có cái hiểu lý thuyết trước khi…

Trả lời: Vâng, tôi muốn nói là tôi tiếp nhận thông tin bằng việc nghe từ Bà, hoặc có thể từ việc đọc sách, sau đó tôi sẽ xử lý thông tin thành kiến thức.

Achaan: Xin lỗi, sự khác biệt giữa cái hiểu và kiến thức là gì?

Trả lời: Đó chính là cái mà tôi muốn hỏi Bà

Achaan: Cái hiểu biết đã phát triển…

Trả lời: Và khi đó, từ kiến thức, tôi có thể phát triển tới mức độ của hiểu biết, phải vậy không?

Achaan: Khi bạn càng hiểu hơn, bạn có phải sử dụng từ ngữ để đặt tên cho nó không?

 

Trả lời: Tôi là người mới, tôi không biết gì về nó cả, vì thế tôi mới hỏi Bà

Achaan: Luôn luôn đặt câu hỏi. Hãy để tôi cũng hỏi bạn. Hiện giờ, cái thấy là thực hay không thực?

Trả lời: Cũng còn tùy

Achaan: Ý bạn là gì?

Trả lời: Nó tùy vào cái mà tôi thấy

Achaan: Không tùy vào cái được thấy. Chưa cần nói về nó. Chỉ nói đến cái thấy đã. Tôi không hỏi bạn về cái được thấy, mà chỉ hỏi về cái thấy. Cái thấy có là thực không?

Trả lời: Hãy để tôi đưa ra một ví dụ. Cái mà tôi thấy trên ti vi bây giờ, vâng, tức hình ảnh không phải là thực. Nhưng cái mà tôi thấy được thì là thực. Đó là cái tôi hiểu.

Achaan: Bạn biết rằng cái mà bạn thấy là tôi, đó là cái đến sau cái thấy. Hẳn phải có cái thấy trước, sau đó mới có ý niệm về cái được thấy là cái gì đó. Do bạn trộn lẫn cái thấy và sự suy nghĩ. Nếu chỉ có cái thấy mà không có sự suy nghĩ, không có sự ghi nhớ về hình dạng, sẽ không có ý niệm về cái được thấy.

Trả lời: Vậy, nếu chúng ta thấy mà không có suy nghĩ, đối với tôi, tôi không cần thấy nếu tôi không muốn suy nghĩ.

 

Achaan: Chúng ta thấy bất kể chúng ta muốn hay không, do nhân duyên. Chỉ khi chúng ta bị mù, chúng ta mới không thấy. Ngay cả khi bạn nhắm mắt lại, khi mở mắt ra, bạn lại thấy. Nhưng nếu bạn bị mù, sẽ không còn thấy nữa.

Sarah: Chẳng hạn bây giờ: cái thấy chỉ thấy cái được thấy, và ngay lập tức có một ý niệm về những cái cốc, quyển vở, bút và con người. Nhưng trên thực tế, cái thấy chỉ thấy đối tượng thị giác, đối tượng của cái thấy. Và khi có ý niệm về cái cốc, quyển vở và mọi người là đã có suy nghĩ về cái được thấy. Vậy đó là câu trả lời cho câu hỏi đầu tiên của bạn “cái hiểu là gì?”. Cái hiểu là ….. việc biết hơn về cái gì là thực và cái gì không phải là thực ngay tại khoảnh khắc này .

Câu hỏi: Điều đó dẫn đến câu hỏi tiếp theo của tôi: Khi bạn nói: Khi nhìn, chỉ nhìn, ta có thực sự phân biệt giữa cái cốc và quyển vở, tôi có một câu hỏi khác nữa là…

Sarah: Tại khoảnh khắc của cái thấy, không có ý niệm về cái cốc hay quyển vở chút nào cả. Cái thấy chỉ thấy. Trước tiên, không phải là tôi hay bạn hay bất kỳ người nào thấy, chỉ có cái thấy thấy đối tượng của cái thấy, đối tượng thị giác như nó là. Sau đó, ngay khi có ý niệm về hình khối thì đó là suy nghĩ về hình khối…. Nó rất vi tế….

Người phiên dịch: Hiện nay, anh ấy đang thực hành chánh niệm về tứ oai nghi. Câu hỏi của anh ấy là làm thế nào để duy trì sự thực hành này trong suốt cả ngày. Làm thế nào để hay biết tứ oai nghi một cách liên tục. Liệu họ có nên chỉ hay biết về tứ oai nghi, hay họ phải hay biết bất cứ cái gì xảy ra. Họ muốn biết, làm thế nào để thực hành nhằm có được cái hiểu đúng?

Achaan: Bạn có thể có được cái hiểu đúng từ việc thực hành không?

Trả lời: Ngay bây giờ thì chưa, nhưng có thể có về sau

Achaan: Nếu không có cái hiểu bây giờ, liệu có thể có cái hiểu về sau?

Trả lời: Trong tương lai sẽ có cái hiểu khi hiểu về tam tướng.

Achaan: Tam tướng bây giờ ở đâu?

Trả lời: Nó hiện diện ở mọi thứ trong vũ trụ.

Achaan: Bao gồm cả cái thấy hiện giờ, phải vậy không? Như vậy, thực hành để thấy sinh và diệt, tam tướng của cái thấy hay là cái gì?

Trả lời: Không chỉ là cái thấy, mà là tất cả các hiện tượng.

Achaan: Vâng, tôi đồng ý, nhưng để thực hành mà không có hiểu biết hay phát triển hiểu biết hiện giờ ư?

Trả lời: Có hai điều. Điều thứ nhất là chúng tôi đã già, đối với chúng tôi kiến thức này quá khó, phải mất thời gian dài để nghiên cứu Vi diệu pháp và trước khi có thể hoàn tất việc nghiên cứu, chúng tôi có thể đã đi rồi. Điều thứ hai là khi tôi đọc Tam tạng, tôi thấy rằng thường có những người nghe Đức Phật giảng pháp một lần, sau đó họ đi vào rừng và thực hành trong rừng, họ không cần phải nghe đi nghe lại Vi diệu pháp.

Achaan: Ai dạy Vi diệu pháp?

 

Trả lời: Chính Đức Phật.

Achaan: Vậy bạn không nghe theo Ngài ư?

Trả lời: Đức Phật dạy rất nhiều thứ, và để học tất cả các thứ Ngài đã dạy….

Achaan: Một thứ tại một thời điểm thôi. Nếu bạn không hiểu bất kỳ cái gì đang xuất hiện bây giờ, chỉ một cái thôi, liệu bạn có thể hiểu tất cả hay hiểu mọi thứ không? Bạn muốn đạt được cái gì? Mục tiêu của bạn, đích đến của bạn?

Người phiên dịch: Có các câu trả lời khác nhau: Thực hành đúng để hiểu về các thực tại; hay để giải thoát khỏi khổ đau

Achaan: Ý bạn là gì khi nói đến “thực hành”?

Trả lời: Cách quan sát các hiện tượng

Achaan: Luôn có các hiện tượng hiện giờ, quan sát chúng đi! Bạn có thể tự mình quan sát mà không có chút hiểu biết nào. Vậy bạn sẽ đạt được gì từ việc quan sát đó?

Trả lời: Tất cả đều liên quan đến việc làm thế nào: Làm thế nào để thực hành, làm thế nào để làm đúng?

Achaan: Bạn muốn nói rằng bạn có thể làm? Bạn có thể làm ư? Bởi vì nếu bạn hỏi làm thế nào, có nghĩa là bạn có thể làm. Nhưng Đức Phật nói rằng không ai có thể làm cái gì cả.

Sarah: Điều đó chẳng phải vì chúng ta mong đạt được kết quả ư?

Betty: Chúng ta nghĩ rằng có một cái ngã ở đây có thể đang làm cái gì đó. Nhưng trên thực tế, đó chỉ là các hiện tượng sinh khởi bởi nhân duyên và không có chúng ta – những người có thể kiểm soát hay quyết định nhân duyên này hay nhân duyên kia sẽ sinh khởi, điều đó không thể xảy ra, đúng không? Vậy, chúng ta không thể nói rằng có một người có thể thực hành cái gì, chỉ có nhân duyên cho suy nghĩ sinh khởi để tự bảo “hãy nghe Giáo pháp”, chẳng hạn, đó là sự thực cho tất cả những gì chúng ta làm. Vậy về cơ bản, bạn phải từ bỏ suy nghĩ với ý niệm về sự “thực hành”, bởi vì không có người nào có thể thực hành. Chỉ có cái hiểu rằng do nhân duyên, các hiện tượng sẽ sinh khởi; những nhân duyên nào sẽ khiến các hiện tượng này sinh khởi tại một thời điểm nhất định? Và cái hiểu sẽ giúp chúng ta cố gắng bắt đầu buông bỏ những thứ này, bởi vì nếu chúng ta bắt đầu hiểu rằng nó là vô ngã, sẽ không có gì phải dính mắc.

Người phiên dịch: Cô ấy muốn hỏi về cái hiểu có được từ quán hơi thở. Trước tiên, khi quan sát, cô ấy nhận thấy hơi thở vào và hơi thở ra, và sau đó hơi thở dài hoặc hơi thở ngắn. Cô ấy biết như vậy và khi đó cô ấy nhận thấy sự thay đổi trong hơi thở của mình, và khi cô ấy thấy hơi thở luôn thay đổi, cô ấy có thể hiểu về sự vô thường. Khi cô ấy có thể thấy nó thay đổi rất nhanh rồi như có sự nghẹt lại, khi đó có khổ (dukkha) và khi cô ấy thấy một người hôm nay ngồi thiền, thở nặng nề đến mức có phải đưa tay lên như thế này, không thể kiểm soát được, vậy đó là vô ngã (anatta). Vậy cái hiểu này có phải là cái hiểu về các đặc tính…

Achaan: Mục đích hành thiền của cô ấy là gì?

Trả lời: Để thấy thực tại hiện giờ như chúng là

Achaan: Để thấy hay để hiểu?

Trả lời: Để hiểu bản chất của chúng

Achaan: Như vậy có thể là bây giờ hay ở bất kỳ đâu, đều như nhau. Cái thấy sinh rồi diệt, tam tướng – vô thường, khổ và vô ngã, phải vậy không? Cái thấy ở đó, hay cái thấy ở bất kỳ đâu, cái thấy không thường hằng và nó có thể được kinh nghiệm trực tiếp ngay bây giờ, nhưng không phải từ ai đó, mà từ sự phát triển hiểu biết. Đối nghịch với hiểu biết đúng là gì?

Người phiên dịch: Sau khi quan sát tất cả như vậy, cô ấy có thể hiểu rằng không có người nào thực hành, không có ai cả, chỉ là các hiện tượng.

Achaan: Ngay cả bây giờ, cái thấy đang thấy cho dù ở đây hay ở kia trong trường thiền hay bất kỳ đâu, cái thấy có thể được kinh nghiệm trực tiếp, ngay bây giờ không?

Trả lời: Có ạ

Achaan: Cái thấy bây giờ có khác với cái thấy trong trường thiền không?

Trả lời: Không ạ

Achaan: Ý bạn là gì?

Trả lời: Điều đó có nghĩa là luôn có sự quan sát các thực tại, ghi nhận thực tại

Betty: Cô ấy nghĩ rằng đó chính là sự quan sát thực tại, nhưng bạn phải hỏi, nếu bạn tập trung trên hơi thở, đó là cái mà bạn làm phải không? Nếu vậy, hơi thở có phải là một thực tại không?

Người phiên dịch: Cô ấy nói: Đúng vậy

Achaan: Tại thời điểm bạn cố gắng chú tâm trên hơi thở, đó là bạn hay là vô ngã?

Trả lời: Vô ngã

Achaan: Vô ngã nghĩa là không có ai cả, không có cái ngã nào, không có bạn – người thực hành hay người đang chú tâm trên hơi thở và nó là vô ngã bởi nó sinh khởi do nhân duyên. Có cái thấy hiện giờ, không có ai có thể làm cho nó sinh khởi. Phải vậy không? Có cái nghe hiện giờ, không ai có thể làm duyên cho nó sinh khởi. Phải có nhân duyên thích hơp cho nó sinh khởi. Nếu không có nhĩ căn và âm thanh, sẽ không bao giờ có cái nghe. Như vậy bất kể khi nào và ở đâu, kể cả tại khoảnh khắc đó, chánh niệm cũng được tạo duyên từ cái hiểu đúng về mặt lý thuyết. Nếu không có hiểu biết lý thuyết về các thực tại hiện giờ, làm thế nào có được khoảnh khắc chánh niệm về thực tại mà không hiểu chút nào. Vì vậy, vô ngã có nghĩa là khoảnh khắc hiểu cái thấy là vô ngã, nó được tạo duyên để thấy. Cái nghe là vô ngã bởi vì nó được tạo duyên để nghe, đó là tất cả. Đức Phật có nói “hãy thực hành trước và sau đó bạn sẽ hiểu về các thực tại” không? Ngài đã dạy mọi người trong suốt 45 năm để hiểu thực tại hiện giờ là vô ngã. Tất cả mọi người đều được nghe về vô minh (avija), hay si (moha), có đúng không? . Vô minh (avija) đối nghịch với minh (vija). Nó không chỉ là từ ngữ. Hiện giờ nó ở đâu? Tại khoảnh khắc nào trong ngày có avija? (Trả lời: Cả ngày). Vậy avija không hiểu cái gì? Avija không hiểu bất kỳ cái gì đang xuất hiện. Có sự khác biệt giữa các vị a la hán và những người chưa phải là a la hán. Các vị a la hán không còn có pháp bất thiện (akusala dhamma) nữa, sau cái thấy. Nhưng những người chưa phải là a la hán đều phải có thiện hay bất thiện, tùy thuộc vào tích lũy và nhân duyên. Suy nghĩ về khoảnh khắc này, cái gì tiếp theo cái thấy? Vậy nếu không có hiểu biết, liệu ai đó có thể trở thành a la hán? Ngay cả tại khoảnh khắc này, ai có thể biết rằng có avija hay vija (Trả lời: Chỉ có trí tuệ – panna)… Vậy, ai biết?, panna biết, phải vậy không? Panna ở mức độ nào có thể biết được? (Trả lời: cái hiểu về mặt lý thuyết). Bởi vì chúng ta cứ dùng từ ngữ nói về mọi thứ trong khi dhamma sinh và diệt liên tục, không hề được hay biết, chúng ta cứ gọi cái này hay cái kia. Đức Phật đã giác ngộ về mọi loại thực tại và Ngài dạy mọi người để có hiểu biết giống như Ngài, không khác chút nào. Bởi vì trước khi giác ngộ, Ngài đã phát triển nhiều hiểu biết từ kiếp này đến kiếp khác. Đức Bồ tát có nghĩa là người phát triển hiểu biết hay ba la mật (parami) để có thể hiểu sự thực của các thực tại hiện giờ. Mỗi một từ của Ngài đều đến từ sự giác ngộ. Thật là vô giá. Vậy nếu bạn chỉ hiểu một từ ngay từ khi bắt đầu, bạn có thể dần hiểu thêm các từ khác nữa. Cho dù Ngài nói về hơi thở, về oai nghi hay về bất cứ điều gì, Ngài chỉ dùng ngôn ngữ để giúp mọi người hiểu điều đó. Ngài biết rằng không phải tất cả mọi người có thể hiểu Giáo lý. Giáo lý rất vi tế. Nhưng tất cả mọi người có thể suy ngẫm điều Ngài dạy. Vậy lại nữa, cái gì được thấy hiện giờ? (Trả lời: Cái bàn và mọi người…) Thấy không? Khó khăn đến mức nào. Phải mất thời gian để phát triển hiểu biết rằng cái thấy thì không hề là sự suy nghĩ. Mỗi khoảnh khắc là khác nhau. Trong khi chúng ta đang thấy thì người khác đang nghe, tùy thuộc vào nhân duyên. Suy nghĩ cũng khác nhau từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, ngay cả đối với một người. Vì vậy đừng bận tâm về quá khứ hay tương lai. Thế còn bây giờ? Ngay cả khi chúng ta đang nói về các thực tại, cái thấy, cái nghe, tâm (citta) và tâm sở (cetasika), bạn có thể đã từng nghe về những từ đó, vậy chúng ở đâu? Thấy không, chỉ là nói thôi. Và khi bạn có thể nói về hơi thở, vậy hơi thở có khác với yếu tố phong đại (vayo dhatu) không? (Trả lời: Giống nhau. Achaan: Như thế nào?). Không ai có thể thay đổi đặc tính của vayo dhatu thành các loại dhatu (giới) khác. Nhưng hơi thở được tạo duyên bởi citta. Và tại khoảnh khắc bạn nghĩ rằng bạn đang chú tâm trên hơi thở, đó là hơi thở thực sự hay là cái mà bạn cho là hơi thở? Chính là lời Đức Phật đã dạy trong suốt 45 năm, tất cả đều liên quan đến sự hiểu biết, đừng chỉ đi theo một cách mù quáng hay thiếu hiểu biết… Nếu bạn đi theo một phương pháp, kỹ thuật nào đó mà không có sự hiểu biết, bạn không đi theo lời dạy của Đức Phật, bạn đi theo lời dạy của người khác – những người không phải là Đức Phật. Đức Phật không dạy ai đừng hiểu bất kỳ cái gì đang xuất hiện. Vậy chúng ta có thể biết liệu đó có phải là lời dạy của Đức Phật hay không bằng việc xem liệu đó có phải là lời dạy giúp tạo duyên cho cái hiểu bất kỳ cái gì xuất hiện hiện giờ như nó là hay không.

Câu hỏi: Khi chúng ta hiểu các thực tại, liệu chúng ta có thể nói rằng chúng ta đã chấm dứt được avija (vô minh) không?

Achaan: Tại sao lại không? Bởi vì khi không có cái hiểu, đó là avija. Càng có hiểu biết, sẽ càng bớt avija.

Câu hỏi: Thưa Achaan, Bà có hiểu về các thực tại không?

Achaan: Làm sao bạn biết rằng tôi hiểu hay không? Làm sao bạn biết rằng Đức Phật đã dạy đúng?

Trả lời: Chỉ bằng niềm tin

Achaan: Không phải bằng niềm tin

Trả lời: Chỉ tại khoảnh khắc chúng ta hiểu về các thực tại, chúng ta mới hiểu rằng Đức Phật đã dạy về các thực tại, phải vậy không?

Sarah: Chỉ với hiểu biết bạn mới có thể biết liệu ai đó đang nói đúng hay sai không. Đó là lý do tại sao chúng ta cần nghe và suy ngẫm nhiều và …

Achaan: Nếu bạn được nghe nói rằng người đó biết nhưng nếu người đó không biết, làm thế nào bạn biết người đó biết hay không, nếu bạn không lắng nghe cẩn thận. Chỉ có một cách duy nhất: Lắng nghe từng từ một, liệu điều đó có đúng với thực tại hiện giờ không.

Sarah: Và nếu ai đó nói rằng chúng ta nên chọn một đối tượng mà không phải là cái đang sinh khởi hiện giờ, rằng chúng ta cần đến một nơi khác để có hiểu biết về thực tại hiện tiền, thì chúng ta nên suy xét xem liệu người đó có thực sự hiểu biết hiện tại không, ngay tại khoảnh khắc này hay liệu đó chỉ là sự tìm kiếm cái gì khác ngoài cái thực sự đang sinh khởi hiện giờ.

Câu hỏi: Ai đó có thể hỏi rằng tại sao trong kinh, Đức Phật lại dạy các tì kheo: “Hãy đi vào rừng!”

Achaan:,Vì các tì kheo không sống ở nhà nữa. Vì vậy Ngài nói: Khi các con đã đi vào rừng, không còn ở nhà nữa. Các tì kheo đã ở trong rừng rồi, họ đã rời nhà.

Sarah: Ngài có nói với các cư sĩ hãy đi vào rừng không?

Achaan: Và mục đích của việc vào rừng là gì? Hy vọng, mong ước, không có hiểu biết gì về bất cứ cái gì xuất hiện khi đó ư? Và bạn sẽ làm gì ở trong rừng? (Trả lời: Nghe, thấy, nếm,…). Cũng hệt như ở một nơi khác mà thôi.

 

 

Leave a Reply

Translate »