Pháp đàm với Achaan Sujin tại Hà nội ngày 07/11/12, buổi sáng

Pháp đàm ngày 07/11/12, buổi sáng

Câu hỏi (dành cho một học viên): Bạn có thích các buổi thảo luận không? Bây giờ, bạn có thấy đã hiểu hơn về Giáo lý của Đức Phật chưa?

Trả lời: Bây giờ tôi hiểu hơn về bản thân mình.

Achaan: Nhưng bạn thấy đấy, không có Giáo lý của Đức Phật, bạn không thể hiểu hơn về bản thân mình.

Trả lời: Vâng, giờ thì tôi hiểu rằng, mọi vấn đề đều đến từ cái “tôi”. Không có cái “tôi”, chúng ta sẽ không có vấn đề nào cả. Nhưng con người sinh ra và tồn tại bởi đã có cái “tôi”, chỉ có Đức Phật mới có thể đến với thế giới mà không có cái “tôi”. Đó là vấn đề chung của tất cả mọi người. Chúng ta không thể từ bỏ cái “tôi” chừng nào chưa trở thành bậc a la hán…

Achaan: Không phải vậy, vị Thánh Dự Lưu đã không còn có ý niệm về “tôi”.

Trả lời: Vị thánh dự lưu là gì ạ?

Sarah: Đó là giai đoạn đầu tiên của sự giác ngộ.

Achaan: Ngay cả chính Đức Phật cũng phải đạt giác ngộ qua từng giai đoạn.

Trả lời: Tất cả mọi người đều có một cái “tôi” ở trong tâm

Achaan: Đó là lý do vì sao chúng ta nghe Giáo lý, để tận diệt cái “tôi” nhờ việc hiểu về nó. Nếu không, sẽ luôn có cái “tôi” mọi lúc.

Trả lời: Về cơ bản, tôi đồng ý với Achaan rằng tất cả mọi người đều đã có ý niệm về “tôi” khi chúng ta sinh ra. Rằng cái “Tôi” mới tạo ra những vấn đề cho chúng ta. Trong thực tại thuần túy, không hề có “tôi”. Nhưng…

Achaan: Khi không có ý niệm về “tôi”, sẽ không hề có vấn đề, có đúng không?

Người phiên dịch: Tôi đã hỏi anh ấy xem anh ấy có thể tìm thấy ý niệm về “tôi” ở đâu. Anh ấy trả lời rằng, nó đến khi chúng ta nói, chúng ta làm mọi việc, tất cả mọi thứ.

Achaan: Ai thấy hiện giờ?

Trả lời: Tôi thấy

Achaan: Vậy bất cứ khi nào không có hiểu biết, sẽ có ý niệm về “tôi”.

Người phiên dịch: Cũng tương tự với cái nghe, cái ngửi,… bất cứ cái gì đang xảy ra qua sáu môn, có đúng không ạ?

Achaan: Nếu không có “cái thấy”, liệu có thể có ý niệm “tôi thấy” không? Nếu cái thấy không sinh khởi hiện giờ, liệu có thể có ý niệm  “tôi thấy” không? Khi không có cái thấy, làm sao có thể có ý niệm “tôi thấy”? Nhưng bất cứ khi nào có cái thấy mà không có cái hiểu về nó, chúng ta sẽ cho cái thấy là “tôi”, chúng ta cho mọi thứ đang xuất hiện là “tôi” và “của tôi”. Hiện giờ, có cái thấy và đó là “tôi thấy”, có đúng không? Và khi có “cái nghe”, đó lại là “tôi nghe”. Nếu không có cái thấy, cái nghe, sẽ không có “tôi thấy”, “tôi nghe”, không có “tôi nghĩ”, “tôi thích”, “tôi không thích”, không hề có ai cả, chỉ là các thực tại khác nhau sinh khởi hết lần này đến lần khác. Bạn có thể tìm thấy cái “tôi” nào đó khi không có tất cả các thực tại này không?

 

Cái gì không phải là “tôi” hiện giờ? (Không có trả lời) Có “tôi đang ngồi”, “tôi nghe”, “tôi nghĩ”…. Vậy cái gì không phải là “tôi”?

Trả lời: Đối tượng không phải là “tôi”.

Achaan: Được rồi, đối tượng của không phải là “tôi”, nhưng “tôi” có ý niệm rằng đó không phải là “tôi”. Vẫn là “tôi” có ý niệm rằng đó không phải là “tôi”. Ai nghĩ rằng đối tượng không phải là “tôi”? Bạn hay ai? Không có suy nghĩ, sẽ không có “tôi nghĩ”. Không có suy nghĩ, liệu có thể có “tôi” không?

Trả lời: Tôi hiểu rằng không có “tôi”, nhưng loại bỏ ý niệm về “tôi” này vô cùng khó khăn. Cũng giống như việc đi đến Paris, chúng ta có thể nghe nói về Paris, về tháp Eiffel, nhưng không giống như khi ta tới đó.

Achaan: Đó là lý do vì sao có những mức độ hiểu biết khác nhau: Hiểu biết về mặt lý thuyết; hiểu biết trực nhận; và sự chứng đắc đạo quả là thành tựu của sự phát triển tuệ giác.

Câu hỏi: Cái gì xảy ra với ý niệm về “tôi” khi chúng ta chết?

Achaan: Ta chết trong từng khoảnh khắc.

Người phiên dịch: Anh ấy nói rằng về mặt lý thuyết thì là vậy. Nhưng trên thực tế, hiện giờ chúng ta vẫn đang sống và đến lúc nào đó, chúng ta sẽ chết. Nhưng tôi nói không phải vậy, trên thực tế, chúng ta chết trong từng khoảnh khắc.

Về mặt lý thuyết, anh ấy có thể hiểu rằng có cái chết trong từng khoảnh khắc, cũng giống như tất cả mọi thứ khác trong vũ trụ. Anh ấy nói rằng mọi thứ trong vũ trụ đều có đặc tính riêng, chẳng hạn: lửa có đặc tính nóng. Khi chúng ta thắp ngọn nến, ánh lửa diệt đi trong một khoảnh khắc rồi lại sinh khởi lại, sinh và diệt liên tục. Nhưng anh ấy hiểu rằng, chừng nào nó vẫn còn đó thì vẫn còn có đặc tính nóng. Nhưng ngay khi không còn nhân duyên cho ngọn lửa tồn tại nữa, nó đã diệt mất thì đặc tính nóng cũng diệt theo. Anh ấy nghĩ rằng đối với cuộc sống cũng vậy, phải có một đặc tính tồn tại, khi chúng ta chết thì không thể tìm thấy đặc tính ấy ở đâu được nữa.

Achaan: Bạn muốn nói gì với từ “đặc tính tồn tại”?

Người phiên dịch: Anh ấy hiểu cuộc sống cũng giống như ngọn lửa, đều giống nhau. Anh ấy cho rằng ngọn lửa được tạo duyên bởi nhiều yếu tố như ô xi, cái nóng,… và tất cả các yếu tố ấy tạo duyên cho ngọn lửa tồn tại. Cũng giống như cuộc sống, phải có những nhân duyên cho cuộc sống tồn tại và để  có một đặc trưng tồn tại của cuộc sống. Vậy tại khoảnh khắc không còn những nhân duyên này nữa sẽ không còn có cuộc sống nữa. Anh ấy cho rằng cuộc sống chấm dứt khi nó chấm dứt, không có gì còn lại.

Achaan: Cũng giống như Đức Phật ư?

Người phiên dịch: Anh ấy không ghĩ là sau kiếp sống này sẽ có các kiếp sống khác.

Achaan: Lúc đầu bạn đã nói đúng: mọi thứ sinh khởi nhờ có nhân duyên, phải vậy không? Chừng nào còn có nhân duyên, chừng đó phải có nhân duyên cho một thực tại sinh khởi. Như hiện giờ, cái thấy sinh khởi nhờ nhân duyên, không có mắt, không có đối tượng thị giác, sẽ không bao giờ có cái thấy. Chừng nào còn có nhân duyên, chừng đó phải có cái gì đó hay thực tại nào đó sinh khởi, cho dù bạn gọi nó là kiếp sống này hay kiếp sống sau. Chẳng hạn, ngày hôm qua và hôm nay, có nhân duyên cho thực tại sinh khởi từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, bạn không thể ngăn sự sinh khởi của bất cứ cái gì cả.

Người phiên dịch: Tôi nghĩ rằng đó là vì chúng ta bị dính mắc vào ý niệm về ai đó. Nếu chúng ta thực sự hiểu rằng cuộc sống chỉ là cái thấy, cái nghe,… một khoảnh khắc, khi đó kiếp sống sau hay kiếp sống này, tất cả đều như nhau, không hề khác biệt, có đúng không ạ?

Achaan: Có cái thấy ngày hôm qua, phải không? Bạn không tạo ra nó. Không ai có thể có nó bằng ý chí. Giống như hôm nay, có cái thấy hiện giờ, nhờ nhân duyên, bất kể chúng ta thích hay không thích. Vậy cứ từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, sau khi chết cũng vậy, phải có nhân duyên cho khoảnh khắc kế tiếp sinh khởi. Chúng ta có thể gọi nó là cái chết, nhưng trên thực tế, nó chỉ là sự tiếp nối của các thực tại, bởi nhân duyên mà thôi.

Jon: Có cuộc sống hiện giờ, phải vậy không? Tại sao lại có cuộc sống hiện giờ? Bởi vì có nhân duyên trong quá khứ để có cuộc sống hiện giờ. Đúng không ? Vậy những nhân duyên đó là gì? Những nhân duyên nào trong quá khứ là nguyên nhân cho cuộc sống hiện giờ? (Không có trả lời). Theo Đức Phật, chừng nào còn có vô minh và tham ái, chừng đó còn có nhân duyên cho cuộc sống. Vậy nếu chúng ta hiểu về nhân duyên tạo duyên cho cuộc hiện giờ, chúng ta cũng sẽ biết liệu còn có cuộc sống trong tương lai hay không.

Achaan: Và khoảnh khắc này là tương lai của khoảnh khắc đã qua. Bất kể là bạn nghĩ gì hay người khác nghĩ gì, thực tại là thực tại, nó sinh và diệt, từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác, không thể ngăn cản được. Phải có cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, sự xúc chạm và suy nghĩ và sau đó thì ngủ. Vậy cuộc sống chỉ là ngủ, ăn, dính mắc và suy nghĩ… Liệu bạn có thể thay đổi những điều ấy không? và trước khi chìm vào giấc ngủ hay khi ăn, có cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, sự xúc chạm và suy nghĩ. Không có gì còn lại, nhưng không phải là “tôi”. Cái thấy chỉ thấy, cái nghe chỉ nghe, suy nghĩ chỉ là suy nghĩ, hiện giờ. Và rồi lại đến lúc phải ăn.

Câu hỏi: Tôi xin hỏi Achaan, không thể hiểu các thực tại bằng suy nghĩ, có đúng không ạ?

Achaan: Ở mức độ của cái hiểu lý thuyết thì có thể. Không có cái hiểu lý thuyết, không thể có cái hiểu trực tiếp.

Sarah: Chúng ta có thể thấy rằng chúng ta chỉ kinh nghiệm thông qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và suy nghĩ, và khi không phải là khoảnh khắc của cái thấy, cái nghe, cái ngửi, cái nếm, sự kinh nghiệm thông qua thân căn, khi đó là suy nghĩ. Vậy khi có ý niệm về “tôi” hay “đặc tính tồn tại”, cái chết, các nguyên tử hay Việt Nam, đó chỉ là suy nghĩ về các ý niệm hay khái niệm khác nhau mà thôi. Cái thấy là thực, đối tượng thị giác là thực và suy nghĩ là thực. Ý niệm về bản ngã, đặc tính tồn tại và cái chết vĩnh viễn chỉ là các ý niệm tại khoảnh khắc đó. Tại khoảnh khắc đó, chỉ là suy nghĩ, suy nghĩ là thực, cho dù nó nghĩ về cái gì.

Achaan: Làm thế nào mà bạn biết rằng đây là Việt Nam? Một con ruồi có thể biết đây là Việt Nam không? Nó có biết không? Con rắn hay con chim có thể biết không?

Nó có thể thấy không? Mặc dù nó có thể thấy, nó vẫn không biết đây là Việt Nam. Nó thấy, nhưng nó không có chút ý niệm nào rằng đây là Việt Nam. Như vậy “Việt nam”  chỉ là một suy nghĩ.

Câu hỏi: Chúng ta có thể kiểm soát tâm được không?

Achaan: Hãy thử kiểm soát đi!…. Hãy biết tâm là gì, và xem bạn có thể kiểm soát được nó không?

Người phiên dịch: Anh ấy nói rằng khi người ta hành thiền, dường như họ có thể ngăn chặn được suy nghĩ, điều đó có nghĩa là họ có thể kiểm soát được tâm.

Achaan: Ngăn chặn suy nghĩ để làm gì?

Trả lời: Những người đạt được trạng thái thiền định sâu có thể ngăn chặn suy nghĩ. Thông qua đó, họ có thể kiểm soát suy nghĩ. Chắc chắn là tôi không thể kiểm soát được suy nghĩ của mình nhưng có những người có thể làm được như vậy.

Achaan: Ngừng suy nghĩ có nghĩa là ngừng hiểu biết. Không có hiểu biết khi không còn có suy nghĩ.

Sarah: Mục đích của việc ngăn chặn suy nghĩ là gì?

Tả lời: Tối đồng ý, không phải là ngăn chặn suy nghĩ, nhưng chúng ta có thể định hướng được suy nghĩ, chẳng hạn, tại khoảnh khắc này tôi đột nhiên nghĩ về cánh đồng lúa nhưng muốn chuyển nó sang hướng khác, về biển chẳng hạn và tôi đưa suy nghĩ của mình tới biển hay cái gì đó tương tự. Đó là cách đơn giản để có thể điều chỉnh suy nghĩ.

Achaan: Tới cái gì? Đổi hướng suy nghĩ tới cái gì?

Trả lời: Tới đối tượng.

Achaan: Tới đối tượng nào?

Trả lời: Tôi muốn nói là đổi hướng suy nghĩ từ đối tượng này sang đối tượng khác.

Sarah: Đối tượng nào mà bạn muốn đổi hướng suy nghĩ tới?

Trả lời: Chẳng hạn như tôi đang suy nghĩ về cánh đồng, sau đó thấy chán, tôi lại hướng suy nghĩ về biển. Tôi chỉ định hướng suy nghĩ thôi.

Achaan:  Như bây giờ… từ cái thấy đến cái nghe, bạn có đổi hướng được không? Bạn không cần phải định hướng, nó tự vận hành. Một khoảnh khắc của cái thấy, rồi lại một khoảnh khắc của cái nghe, và sau đó là một khoảnh khắc của suy nghĩ. Tại sao bạn lại muốn điều khiển chúng?

Sarah: Như hiện giờ, có khoảnh khắc của cái thấy thông qua mắt, rồi một khoảnh khắc của cái nghe, suy nghĩ về cái được thấy và cái được nghe. Nó luôn thay đổi cực kỳ nhanh. Vậy tại sao chúng ta lại cần thay đổi nó hay làm  gì về nó ? Chẳng phải do sự dính mắc hay sao? Bởi vì có sự dính mắc rất mạnh vào ý niệm về bản ngã –  người có thể kiểm soát và muốn thay đổi cái đang xảy ra. Chánh đạo của Đức Phật không phải để làm thay đổi hay điều khiển mà là hiểu và phát triển sự xả ly với những gì đang xuất hiện bây giờ. Khi có ý niệm cố gắng thay đổi hay điều khiển cái gì đó, đó là sự dính mắc với ý niệm về ngã – người có thể kiểm soát. Đó không phải là hiểu biết. Đó không phải là sự xả ly với những gì đang sinh khởi hiện giờ, bởi nhân duyên.

Trả lời: Vâng, đúng vậy.

Achaan: Và sự thực là vô ngã, anatta.

Sarah: Trong cuộc sống, chúng ta luôn tìm cách thay đổi mọi thứ, cho rằng chúng ta có thể điều khiển cuộc sống. Nhưng Đức Phật đã dạy điều đó là không thể, bởi vì bất cứ cái gì là thực trong cuộc sống, như cái thấy, cái nghe, suy nghĩ, thích, không thích… đều sinh khởi bởi nhân duyên, không có người nào cả, không có tôi, không có Achaan Sujin, không có ai có thể tạo ra cái thấy, cái nghe… hay thay đổi những thứ ấy theo ý muốn. Tất nhiên, mọi người đều muốn luôn có cảm thọ hỷ và mọi thứ dễ chịu, nhưng điều đó là không thể, bởi vì các thực tại luôn thay đổi: cái thấy, cái nghe, thích, không thích, cảm thọ khổ, cảm thọ lạc,… không thể làm cho thực tại sinh khởi theo như ta muốn. Vậy điều quan trọng không phải là cố gắng thay đổi thực tại mà là hiểu thực tại như nó là, bởi nó đã được sinh khởi bởi nhân duyên, không có cái ngã hay người nào có thể thay đổi hay làm cho  khác đi. Thay vì cố gắng ngăn chặn suy nghĩ, cố gắng có cái thấy khác đi, hay cố gắng không thấy những cánh đồng lúa,… hãy chấp nhận thực tại như nó đang là và phát triển thêm hiểu biết. Khi đó chúng ta có thể sống rất dễ dàng mà không cần cố gắng thay đổi hay ép buộc điều gì, chỉ hiểu dhamma như chúng là ngay tại khoảnh khắc này. Chúng ta luôn sống với ý niệm về bản ngã – người có thể kiểm soát hay điều khiển thực tại, và cuộc sống như vậy vô cùng khó khăn, không chút dễ dàng. Bởi vì chúng ta luôn nghĩ những gì xảy ra tại khoảnh khắc này phải khác đi, nhưng cái xảy ra đã sinh khởi  rồi, bởi nhân duyên. Có đúng không ?

Trả lời: Vâng

Achaan: Vậy bây giờ, cần phải hiểu rằng không hề có bản ngã hay cái “tôi”,  hiểu điều ấy ngày một rõ hơn, ngày một sâu sắc hơn, cho đến khi có cái hiểu trực tiếp về từng thực tại hiện giờ hoàn toàn là vô ngã.

Câu hỏi: Khi chúng ta đọc sách để có cái hiểu lý thuyết, khi đó chúng ta cũng cần phải có tác ý suy xét những điều chúng ta đọc?

Achaan: Đó là thực tại tuyệt đối, hay là nama, không phải là bạn. Chỉ có citta, cetasika và rupa, phải không? Và ngay cả tại khoảnh khắc của cái hiểu, cái hiểu cũng không phải là ai cả. Những cetasika khác sinh khởi với chánh kiến thực hiện chức năng của chúng, kể cả ngay bây giờ.

Câu hỏi: Sự suy xét không sinh khởi bởi ý chí, có đúng không ạ?

Achaan: Không có gì có thể sinh khởi bởi ý chí.

Câu hỏi: Vậy khi được nghe Bà chia sẻ về Giáo pháp hay đọc lời giảng của Bà, sẽ tự động có citta suy xét ư?

Achaan: Có citta và các cetasika. Ngay cả tại khoảnh khắc của cái nghe cũng có thể có tác ý chân chánh và tác ý không chân chánh.

rả lời:  Thật giải phóng !, vì không có gì để làm cả…

 

Câu hỏi: Nhưng nếu chỉ nghe hay đọc sách…

Achaan: Giống như được nghe Đức Phật giảng vậy, vì chính Ngài đã giảng cho các tì kheo. Trong khi bạn đọc Giáo lý, cũng giống như những người được nghe Đức Phật giảng. Sau cái thấy và cái nghe sẽ có suy nghĩ về âm thanh, về từ được nghe…

Bây giờ bạn có đang đọc không, tại khoảnh khắc này?

Trả lời: Có cái thấy, sự xúc chạm… hiện giờ.

Achaan: Cái thấy thì thấy, nó thấy hình khối, chính xác cũng giống như khi bạn đọc thì thấy các chữ, cũng chỉ là hình khối. Nhưng vì có suy nghĩ sau cái thấy, cho dù đó là đọc hay suy nghĩ về hình khối, khi đó không còn là cái thấy nữa, nó là những khoảnh khắc khác.

Sarah:  Có suy nghĩ và ghi nhớ rồi diễn giải về cái vừa được thấy, điều ấy diễn ra hoàn toàn tự nhiên, không có gì phải làm thêm vào cả. Sau cái thấy. Có thể có sự suy xét chân chánh , hoặc không chân chánh , không ai có thể thay đổi hay khiến nó phải theo cách này hay cách kia. Không có gì để làm cả. Việc nghe và suy xét hơn về các thực tại sẽ tạo nhân duyên để có thêm sự suy xét chân chánh, thêm hiểu biết, chứ không phải bằng việc cố gắng tạo ra nó hay mong muốn có sự suy xét chân chánh hay hiểu biết hiện giờ. Nếu không, sẽ chỉ có thêm dính mắc, cố gắng tạo ra chúng, đó là một trở ngại.

Câu hỏi: Dính mắc được nhận biết bởi trí tuệ đúng không ạ?

Achaan: Ý bạn là ở mức độ tư duy ư?

Trả lời: Đôi khi, khi đối diện với nhiều tình huống, có thể thấy rằng có dính mắc và khi đó…

Achaan: Bạn đặt tên cho nó hay bạn suy nghĩ về nó, nhưng đó không phải là chính  khoảnh khắc của cái biết hay cái hiểu về thực tại sinh và diệt đó.

Trả lời: Tôi muốn nói rằng vào lúc đó, một cách tự nhiên sẽ biết về sự dính mắc.

Achaan: Panna có thể biết sự khác biệt giữa việc chỉ có kinh nghiệm mà không có cái hiểu, không có chánh niệm về thực tại với việc kinh nghiệm có chánh niệm và cái hiểu về một đặc tính của thực tại, chứ không chỉ là từ ngữ hay suy nghĩ. Chẳng hạn về cái thấy hiện giờ, có cái thấy, nhưng chưa có đủ chánh kiến để hiểu về nó, chỉ về nó thôi. Không hình dạng, rất tối nhưng nó có thể thấy hiện giờ. Đến lúc ấy, bạn hiểu danh- thực tại kinh nghiệm một đối tượng là gì, một yếu tố, nó không phải là âm thanh, không phải là ánh sáng, nhưng bất cứ khi nào nó sinh khởi, nó kinh nghiệm và rồi diệt đi trong một khoảnh khắc cực kỳ ngắn ngủi.

Câu hỏi: Vậy dính mắc là một cetasika?

Achaan: Nó không phải là citta, nó là một cetasika. Bởi vì đôi khi có dính mắc, đôi khi không. Thay vì dính mắc lại có thể có sân đi kèm với citta. Tại khoảnh khắc đó không có sự dính mắc.

Câu hỏi: Các mức độ hiểu biết khác nhau sẽ nhận biết các mức độ dính mắc khác nhau, phải không ạ?

 

Achaan: Rất chậm chạp, rất ít ỏi so với tích lũy vô minh và dính mắc từ trước, từ kiếp này đến kiếp khác.

Câu hỏi: Để hiểu rõ ràng hơn, tôi xin hỏi, nếu tôi ngồi như thế này, có phải có rất nhiều tác ý liên tục để duy trì tư thế ngồi này hay chỉ cần một tác ý trong cả quá trình mà vẫn có thể ngồi cho đến khi chúng ta có tác ý khác để đứng lên hay nằm xuống?

Achaan: Tác ý sinh khởi với từng khoảnh khắc của citta. Citta sinh và diệt từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Vì vậy tác ý sinh khởi cùng với citta cũng khác nhau từ khoảnh khắc này đến khoảnh khắc khác. Tại khoảnh khắc này, bạn nghĩ rằng mình đang ngồi, nhưng còn tác ý sinh khởi cùng cái thấy thì sao? Đó không phải là tác ý ngồi. Tác ý ngồi có sinh khởi cùng với cái thấy không?

Trả lời: Đó là lý do vì sao tôi nghĩ chỉ có một tác ý ngồi, bởi vì sau đó, sẽ có các thực tại khác như cái nghe, cái thấy, sự xúc chạm hay bất kỳ cái gì đó…

Achaan: Những khoảnh khắc đó cũng cần có tác ý, tại khoảnh khắc của cái thấy chẳng hạn, nhưng đó không phải là tác ý để ngồi.

Sarah: Có 7 citesika sinh khởi với tất cả các citta. Một trong số đó là cetana – hay tâm sở tác ý. Mỗi một khoảnh khắc, với tất cả các citta, đều có cetana hay tác ý. Khoảnh khắc của cái thấy, khoảnh khắc của cái nghe, tất cả các khoảnh khắc suy nghĩ đều có cetana và nó tùy thuộc vào citta. Chẳng hạn, tại khoảnh khắc của suy nghĩ, suy nghĩ nghĩ về cái gì, loại tác ý nào sinh khởi tại khoảnh khắc đó?

Trả lời: Ý tôi là, tôi đang ngồi như thế này, trong tư thế này. Tôi không đứng lên để nghe hay là…

Sarah: Nhưng có tác ý nói, tác ý cử động tay, có tác ý trong từng khoảnh khắc.

Trả lời: Và kể cả như vậy, trong khi có tác ý nói hay tác ý cử động tay vẫn có tác ý giữ nguyên tư thế ngồi, đúng không ạ?

Sarah: Có các đối tượng khác nhau tại các khoảnh khắc các nhau, như khi bạn cử động tay hay…. Bạn không thể biết có bao nhiêu khoảnh khắc tác ý, bởi nó sinh khởi trong từng khoảnh khắc. Mỗi khi tôi cử động tay hay chớp mắt, có tác ý trong từng khoảnh khắc ấy. Ai có thể biết người khác có bao nhiêu khoảnh khắc suy nghĩ về việc ngồi…

Achaan: Việc ngồi đã được xảy ra, không cần có tác ý khác để tiếp tục giữ nó.

Trả lời: Tôi cũng hiểu như vậy, nhưng có người nói rằng trong khi chúng ta ngồi một giờ hay nửa giờ chẳng hạn, luôn có tác ý ngồi.

Achaan: Giờ bạn hãy tự mình chứng minh, liệu có tác ý ngồi bây giờ không?

Trả lời: Đó là lý do vì sao tôi không thấy có tác ý ngồi khi tôi…

Sarah: Khi bạn đang ngồi như hiện giờ, bạn không đang suy nghĩ về nó chút nào, bạn suy nghĩ về những thứ khác…

Trả lời: Đó cũng là cách tôi hiểu.

Câu hỏi: Để duy trì cơ thể trong một tư thế nhất định nào đó, cái gì giữ cho cơ thể ở tư thế đó mà không bị đổ xuống?

 

Sarah: Cũng giống như hôm qua trong buổi thảo luận, có người ngủ gật, sau đó họ nghĩ về việc ngồi dậy, như thế này, khi đó có những suy nghĩ đặc biệt về việc đó. Tôi cho rằng bạn có thể tự kiểm tra hay tìm ra xem liệu có suy nghĩ về việc đó không.

Tất nhiên, chính tác ý tạo duyên cho sự cử động.

Achaan: Hãy tìm hiểu xem đặc tính của tác ý và chức năng của tác ý là gì. Vì nó sinh khởi với tất cả các citta nên chúng ta phải hiểu các khía cạnh khác nhau của tác ý. Chẳng hạn, trong khi chúng ta ngủ sâu, có citta không? (Trả lời: Có ạ, có bhavanga citta – tâm hộ kiếp) Và, có tác ý khi đó không? (Trả lời: Có ạ). Vậy chúng ta không biết chức năng của citta, chúng ta chỉ biết  citta ở khoảnh khắc của tác ý làm việc gì đó, nhưng trên thực tế không phải vậy.

Câu hỏi: Có nhiều khoảnh khắc chúng ta không hề có chánh niệm về tác ý, có đúng không ạ?

Achaan: Nếu nó không phải là đối tượng của chánh niệm, làm sao chúng ta có thể biết một cách chính xác? Nhưng hãy nghĩ xem: tại khoảnh khắc ngủ sâu, có citta không? Có tác ý hay cetana trong từng citta không? Nó làm cái gì vậy?

Trả lời: Nó điều phối các cetasika khác tại khoảnh khắc đó.

Achaan: Chức năng của nó là đốc thúc, như người lớp trưởng giúp các học sinh khác làm nhiệm vụ khi thầy giáo đến, hay cái gì đó tương tự. Vậy khi đó là tâm hộ kiếp (bhavanga), nó không có tác ý là thiện hay là ngồi hay làm cái gì cả, nhưng nó sinh khởi cùng với bhavanga, nó đốc thúc các cetasika khác sinh khởi cùng với citta để thực hiện chức năng riêng của chúng. Đó là chức năng của cetana. Nhưng ai biết các khía cạnh này của cetana? Không ai biết cả. Nhưng khi nó là tác ý thiện hay bất thiện, chúng ta có thể nhìn thấy tại lúc đó có tác ý sát sinh hay tác ý nói một cách sai trái hay đúng đắn. Tại khoảnh khắc này không có suy nghĩ về rupa ngồi chút nào. Tại khoảnh khắc của cái thấy, nó kinh nghiệm đối tượng thị giác. Tại khoảnh khắc của suy nghĩ,…. là đối tượng của suy nghĩ, như vậy đó! Không có lúc nào nghĩ về rupa đang ngồi. Có bao nhiêu citta có thể tạo duyên cho tư thế đó? Như ở trong tâm thiền (jhanna citta), tại khoảnh khắc đó không hề có cử động chút nào, nhưng có thể giữ cho cơ thể ngồi nguyên ở tư thế đó. Chức năng của nó là như vậy. Khi chúng ta nghiên cứu Giáo pháp,chúng ta cần có sự suy ngẫm. Khi tìm hiểu về citta hay cetasika, chúng ta phải suy xét thật kỹ lưỡng để thực sự hiểu mọi khía cạnh của từng thực tại, dù cho cái đang sinh khởi là gì, dù đó là tâm siêu thế kinh nghiệm Niết bàn, tâm thiền (jhanna), tâm bất thiện hay bất kỳ cái nào. Chức năng của nó là thực hiện việc kinh nghiệm, nó không thể thích hay không thích, nó không thể nghĩ, nó chỉ kinh nghiệm, như hiện giờ. Cái thấy – chúng ta bắt đầu hiểu về cái thấy nhưng không thực sự kinh nghiệm trực tiếp đặc tính của nó. Khi mới bắt đầu, đó chỉ là cái hiểu lý thuyết. Rồi dần dần sau đó, khi ngày càng có thêm hiểu biết về sự khác biệt giữa cái hiểu mang tính lý thuyết ấy, và sự tiếp cận trực tiếp đặc tính của cái thấy, trí tuệ được phát triển nhờ việc học, suy xét sẽ có thể bắt đầu hiểu bản chất của cái thấy là vô ngã, không có ai cả.  Và đó là ý nghĩa của pháp hành (patipati) –tiếp cận thực tại với chánh niệm và chánh kiến về đặc tính của thực tại, không phải chỉ bằng suy nghĩ. Điều này sẽ đưa đến pháp thành (pativedha), sự chứng ngộ sự thực của thực tại như nó là tại khoảnh khắc đó, một đặc tính tại một thời điểm. Trí tuệ, sự phát triển trí tuệ là cốt lõi. Giáo lý của Đức Phật sẽ ngày càng mang đến trí tuệ, hay hiểu biết đúng. Đừng dính mắc vào…  hay mong muốn có cái gì đó, mà không chịu phát triển chánh kiến. Chánh kiến hay minh thì rất khác với vô minh. Trong suốt 45 năm, Đức Phật đã giảng về điều ấy.

Câu hỏi: Vô minh (avija) thì còn vi tế hơn tà kiến rất nhiều, có đúng không ạ? Vậy ngay bây giờ, đối với chúng tôi, tà kiến có thể dễ dàng được nhận biết và thẩm sát hơn chăng?

Achaan: Vô minh (avija) sinh khởi với mọi loại bất thiện tâm. Các thực tại như sự dính mắc, sân hận khi xuất hiện đều có avija là gốc rễ, nó luôn có đó…

Câu hỏi: Tại khoảnh khắc không có avija, không hẳn đã có panna, đúng không ạ?

Sarah: Đúng vậy, bởi vì ngay cả khi citta là thiện tâm, hầu hết trong mọi trường hợp đều không có panna. Chỉ trong sự phát triển tâm trí (bhavana), panna mới sinh khởi. Còn tại khoảnh khắc của bố thí hay trì giới hay từ tâm, có thể có hay không hề có panna sinh khởi. Với tâm quả, panna cũng không sinh khởi. Vậy khi không phải là bất thiện tâm thì cũng không có nghĩa là có panna.

Achaan: Thuật ngữ “bhavana” có nghĩa là sự phát triển. Cũng có cả các thuật ngữ khác như “kusala bhavana”, điều đó không có nghĩa rằng phải có panna, chỉ là sự phát triển thiện pháp từ việc bố thí và trì giới. Đó là lý do vì sao mọi người có những cá tính khác nhau, người thích bố thí, người khác lại thích trì giới, là do sự tích lũy.

Câu hỏi: Và panna có thể có nhiều mức độ khác nhau: panna nhìn thấy sự khác biệt giữa thiện và bất thiện thì khác với panna hay biết thực tại như nó là, có đúng không ạ?

Achaan: Và cái hiểu trực tiếp ấy, với sự giác ngộ là những mức độ khác nhau.

Sarah: Lúc trước, khi chúng ta bàn về các tư thế hay oai nghi, bạn đã nói về trường hợp bạn đang ngồi khoanh chân chẳng hạn, khi đó có suy nghĩ về oai nghi và có người khác nói rằng cô ấy không suy nghĩ về điều đó. Trên thực tế, nếu bạn đang ngồi bắt chéo hai chân và bạn bị đau, có thể có nhiều suy nghĩ về việc ngồi cho ngay ngắn, điều đó tùy thuộc vào nhân duyên của mỗi thời điểm. Như hiện giờ, không có suy nghĩ về việc ngồi, nhưng có thể có vào lúc khác…

Achaan: Ngay khi nói đến việc ngồi là đã nghĩ đến việc ngồi rồi. Nếu không, bạn sẽ không nghĩ về nó.

Bạn đã học Vi diệu pháp chưa?

Trả lời: Rất ít ạ. Tôi đã đọc cuốn “Tổng quan Vi diệu pháp” của Boddhi Bikkhu

Sarah: Vi diệu pháp toát yếu (Abhidhammattha Sangaha) giống như một bản tóm lược khái quát về Vi diệu pháp, rất tốt.

Câu hỏi: Tác ý đến từ đâu ạ?

Achaan: Nó là thực tại hữu vi, không có nhân duyên, nó không thể sinh khởi.

Câu hỏi tôi đưa ra là: Có sự khác biệt nào giữa pháp (dhamma), vi diệu pháp (Abhidhamma) và pháp chân đế (paramattha dhamma) không? Không khác chút nào. Nhiều người nghĩ rằng họ không cần phải học Vi diệu pháp mà chỉ học về Pháp (dhamma) thôi.

 

Trả lời: Đó thật là một hiểu nhầm lớn. Nhưng tôi thấy rằng cách mà Achaan dạy hoàn toàn khác với cách của các vị thầy khác cũng giảng về Vi diệu pháp. Bởi vì điều họ dạy dường như chỉ toàn là các khái niệm, còn Bà dạy về cái gì đang là thực hiện giờ.

Sarah: Khi mọi người không thích nghe rằng thực tại là vô ngã, khi đó họ tìm lý do rằng Vi diệu pháp không phải là lời dạy của Đức Phật, họ không thích và từ chối Vi diệu pháp.

Achaan: Hãy nghĩ về Đức Phật. Một bậc Giác ngộ như ngày không thể chỉ dạy về dhamma mà không dậy Abhidhamma.

Câu hỏi: Tôi có đọc về một thiền sư, ngài S. Trước kia, Ngài chưa từng  học Vi diệu pháp, nhưng sau khi đạt giác ngộ, điều Ngài dạy cũng giống như trong Vi diệu pháp.

Achaan: Không bao giờ như vậy…. Ngài ấy có dạy về sự giác ngộ của mình không?

Trả lời: Ngài ấy là một thiền sư đương đại rất nổi tiếng. Ngài đã quá cố.

Achaan: Ngài dạy về cái gì?

Trả lời: Người ta nói rằng sau khi Ngài giác ngộ, Ngài dạy về thiền và cũng cả về Vi diệu pháp nữa.

Achaan: Không bao giờ giống nhau cả. Vi diệu pháp mà Ngài dạy là gì?

Trả lời: Tôi không biết nhiều về điều đó. Tôi chỉ nghe nói như vậy thôi.

Achaan: Như vậy là không có sự giải thích. Làm sao ta có thể nói rằng đó chính xác là Abhidhamma? Hãy tìm hiểu lời dạy của Ngài, khi đó bạn sẽ biết.

Câu hỏi: Hiểu về Vi diệu pháp có phải là kết quả của việc hành thiền, của Tứ niệm xứ không?

Achaan: Nếu bạn nghiên cứu sai, sẽ có ý niệm về ngã – người có thể làm.

Câu hỏi: Nhưng giả sử là ai đó không thực hành sai…

Achaan: Đó là hành thiền sai, đó là hiểu sai.

Trả lời: Nhưng theo tôi hiểu, có một số người đã thực hành đúng và sau đó họ đã đạt được…

Người khác: Cái gì tạo duyên cho sự thực hành đúng? Thực hành là gì? Ai thực hành?

Achaan: Điều ấy rất quan trọng. Thực hành là gì?

Trả lời: Cách họ thực hành có thể không mâu thuẫn với những gì Bà đang giảng hiện nay…

Sarah: Ngay khi có ý niệm về sự thực hành là đã có ý niệm về ai đó làm việc gì đó. Đó không phải là cái hiểu về các thực tại. Đó là ý niệm về việc hành tứ niệm xứ, chú tâm vào các oai nghi hay chánh niệm trên hơi thở…

Trả lời: Trước tiên họ có thể bắt đầu với một số đối tượng, sau đó có thể đến với các thực tại.

Sarah: Nếu khi bắt đầu, họ thực hành với một số đối tượng, điều ấy có nghĩa là…

Trả lời: Có thể sau đó họ nhận ra có gì không đúng trong sự thực hành của mình và rồi sau đó…

 

Người khác: Nguyên nhân đúng sẽ mang đến kết quả đúng, nguyên nhân sai sẽ mang đến kết quả sai, có đúng không? (Trả lời: Tôi đồng ý). Vậy cái gì là nguyên nhân đúng cho kết quả đúng? Liệu tà kiến có thể là nguyên nhân đúng không?

Sarah: Liệu sự thực hành sai có thể dẫn đến sự thực hành đúng không? Liệu tà kiến có dẫn đến chánh kiến không?

Trả lời: Đầu tiên họ có thể thực hành với một số đối tượng, sau đó…

Người khác: Cái gì là nguyên nhân và cái gì là kết quả?

Trả lời: Nhưng sau đó, họ…

Người khác: Không phải là họ. Đức Phật đã dạy về nhân và quả. Chỉ có nguyên nhân và kết quả. Để có được kết quả đúng, phải có nguyên nhân đúng (Trả lời: Đúng vậy). Vậy nếu tà kiến là nguyên nhân, cố thể có chánh kiến là kết quả được không? (Trả lời: Không) Vậy nếu có ý niệm về sự thực hành, có ý niệm về bản ngã – người có thể làm cái gì đó, đó là tà kiến hay chánh kiến?

Trả lời: Nhưng trước tiên, bạn nên biết rằng, họ có thể thực hành với một số đối tượng như phồng-xẹp, các cảm thọ hay những gì sinh khởi trong tâm, nhưng sau đó họ có thể thấy như vậy là sai và họ có thể thay đổi…

Achaan: Có nghĩa là họ có thể làm được việc ấy? Đó là tà kiến ngay từ ban đầu. Cho rằng “anh ấy có thể làm” có phải là chánh kiến không?

Sarah: Hay “anh ấy có thể làm mà không có đối tượng hiện giờ”?

Nếu chúng ta đồng ý rằng hãy quên giai đoạn đầu đi, vì tất cả đều sai, và sau đó, giai đoạn tiếp theo, ý niệm về cái hiểu và sự thực hành khi đó là gì?

Trả lời: Cũng là việc kinh nghiệm những thứ sinh khởi tại giây phút hiện tại.

Achaan: Sau đó, người ấy có nói cái gì là khởi đầu sai và cái gì là khởi đầu đúng  không?

Trả lời: Sau đó, tất cả mọi người đều nói về thực tại. Và cái hiểu có thể đến từ sự thực hành của họ.

Sarah: Với điều kiện sau đó họ có hiểu biết về các thực tại. Chúng ta trước kia đều có thể đã đi theo những phương pháp hành thiền nào đó, nhưng bây giờ có thể có chút hiểu biết về các thực tại, nhưng việc có được cái hiểu đúng về thực tại- mặc dầu đã tích lũy thực hành sai, không phải là kết quả của việc thực hành sai. Có nghĩa rằng mặc dù có tà kiến và thực hành sai, vẫn có những khoảnh khắc hiểu biết được tích lũy đủ để có cái hiểu về các thực tại hiện giờ. Việc thực hành sai không bao giờ có thể đưa đến việc thực hành đúng.

Trả lời: Tôi không nói rằng họ cứ thực hành sai ở mãi, sau đó họ có thể không thực hành sai nữa.

Người khác: Cái gì là nguyên nhân cho họ không còn thực hành sai nữa?

Trả lời: Họ cũng…. Đó là thực tế.

Người khác: Cần có một nguyên nhân cho một kết quả, có đúng không? Vậy nếu tại một khoảnh khắc, họ bắt đầu có cái hiểu đúng, vậy cái gì là nguyên nhân cho điều đó?

 

Trả lời: Tôi cho rằng không bao giờ có sự thực hành sai. Khi họ nhận ra đó là thực hành sai thì nó đã đúng.

Sarah: Nếu họ hiểu đó là sự thực hành sai, khi đó, đó là sự hiểu biết.

Trả lời: Cái hiểu đúng đến từ kinh nghiệm, không phải là từ việc đọc sách.

Achaan: Chánh kiến sẽ biết cái gì là thực hành đúng, cái gì là thực hành sai. Người ấy nên nói rõ cái gì là sự thực hành đúng, cái gì là thực hành sai.

Sarah: Ban nãy bạn nói rằng chánh kiến đến từ kinh nghiệm, không phải từ việc đọc sách, nhưng trên thực tế, nếu không được nghe lời giảng đúng, không có sự suy xét, sẽ không thể có hiểu biết. Chẳng hạn, nếu chúng ta không nghe về các thực tại như cái thấy, đối tượng thị giác, âm thanh… chúng ta có thể cho rằng có chánh niệm về hiện tại, nhưng như ai đó đã nói trong buổi thảo luận hôm qua, đó chỉ là những ý niệm mơ hồ về việc hay biết tình huống mà không phải là chánh kiến về thực tại, bởi vì chúng ta chưa từng được nghe về các thực tại, về cái kinh nghiệm, cái được kinh nghiệm, bởi vì có rất nhiều dính mắc, vô minh và tà kiến. Tất cả mọi người đều cần được nghe Giáo lý.

Trả lời: Những thứ sinh khởi trong giây phút hiện tại có nghĩa là thực tại, vậy đó là sự kinh nghiệm về các thực tại.

Sarah: Ngay cả những người chưa từng được nghe Giáo lý, như tôi đã trao đổi với T ngày hôm qua, họ vẫn kinh nghiệm các thực tại, vẫn thấy đối tượng thị giác nhưng…..

Trả lời: Họ đã từng đọc về Giáo lý, nhưng có thể không phải là Vi diệu pháp.

Achaan: Nếu không phải là Vi diệu pháp thì là gì?

Người khác: Tôi nhớ trong buổi pháp đàm của Bà tại Campuchia, ngay khi bắt đầu Bà đã nói rằng, khi chúng ta hiểu sâu sắc Giáo lý, khi đó chúng ta sẽ thấy toàn bộ Tam tạng phải hoàn toàn thống nhất với nhau, vậy cái được giảng trong Kinh cũng giống với trong Vi diệu pháp, có đúng không ạ? Không hề khác nhau.

Achaan: Như vậy người ấy không phải là đệ tử Phật, bởi vì người ấy nghĩ rằng người ấy có thể tự mình thành tựu.

Người phiên dịch: Cô ấy nói rằng trên thực tế, hiện giờ họ đã giác ngộ. Làm thế nào mà bạn biết họ đã giác ngộ?

Trả lời: Chúng ta có thể nói như vậy bằng niềm tin, chẳng hạn đó là Achaan M, Achaan  B,…

Achaan: Họ đã dạy những gì? Achaan M đã dạy những gì?

(Không có trả lời)

Sarah: Chúng ta không cần gọi đó là Vi diệu pháp, chúng ta không phải dùng từ ngữ, nhưng càng hiểu hơn về các thực tại trong Giáo lý của Đức Phật sẽ càng đánh giá cao những gì chúng ta được dạy về bất kỳ phần nào thuộc Tam tạng, chúng hoàn toàn thống nhất với nhau, mà chúng ta không cần phải sử dụng ngôn từ cụ thể nào. Không hề nghi ngờ rằng, khi chúng ta đọc về các thực tại khác nhau, bất kể đó là gì, thì đó chính là Giáo lý của Đức Phật.

Leave a Reply

Translate »