Khảo cứu pháp chân đế – CHƯƠNG 4: TRÌNH BÀY VỀ PHÁP CHÂN ĐẾ II – SẮC PHÁP (Rūpa)

Chương 4

Trình bày về pháp chân đế (II) (Sắc pháp – Rūpa)

Sắc chân đế pháp (rūpaparamatthadhamma) là thực tại không biết gì cả[1]. Nó sinh và diệt do duyên giống như tâm (citta) và tâm sở (cetasika).

Sắc pháp bao gồm 28 loại. Ý nghĩa của từ sắc (rūpa) khác với  ý nghĩa của từ  “vật chất” trong ngôn  ngữ chế  định, chẳng hạn cái bàn, cái ghế hay quyển sách. Trong 28 loại sắc, có một loại sắc là đối tượng thị giác (cảnh sắc), hay nói cách khác là màu sắc, là thứ có thể được tâm kinh nghiệm qua mắt. Cái xuất hiện qua mắt chỉ là một loại sắc  có thể được thấy bởi tâm thấy (nhãn thức). Còn 27 loại sắc khác thì không thể được thấy bởi tâm là nhãn thức, nhưng   có thể được kinh  nghiệm qua các môn  (cửa giác quan)   tương ứng. Chẳng hạn, âm thanh có thể được kinh nghiệm bởi tâm qua tai.

Cũng như 27 loại sắc là những thực tại không nhìn thấy được, tâm (citta) và tâm sở (cetasika) cũng là những  thực tại không nhìn thấy được, nhưng có một  điểm khác biệt lớn giữa sắc pháp  và danh pháp. Tâm và tâm sở là những pháp chân đế có thể kinh nghiệm được đối tượng, trong khi sắc là pháp chân đế không kinh nghiệm đối tượng nào cả. Sắc chân đế pháp là pháp hữu vi, nó có những  duyên tố khiến nó sinh khởi. Sắc phụ thuộc vào những loại sắc khác để sinh khởi, nó không thể sinh khởi mà không có các sắc khác. Phải  có một vài sắc sinh khởi  cùng nhau trong một nhóm và phụ thuộc lẫn nhau. Các sắc trong một nhóm như vậy được gọi bằng tiếng Pāli là “kalāpa” hay tổ hợp sắc, các sắc trong một tổ hợp sắc (kalāpa) không thể  tách rời khỏi nhau.

Sắc là một pháp vô cùng nhỏ và rất phức hợp. Nó luôn luôn sinh và diệt rất nhanh. Nếu so sánh thời gian tồn tại của một sắc pháp với thời gian tồn tại của một tâm, thì một sắc pháp sinh và diệt trong khoảng thời gian 17 tâm sinh và diệt tiếp nối nhau, và như vậy có nghĩa là cực kỳ nhanh. Chẳng hạn ở khoảnh khắc này, dường như tâm thấy (nhãn thức) và tâm nghe (nhĩ thức) xuất hiện cùng  một lúc, nhưng trên thực tế nó sinh và diệt tách rời nhau, với hơn 17 sát na tâm giữa chúng. Vì vậy, sắc sinh khởi cùng nhãn thức phải sinh và diệt trước khi nhĩ thức sinh khởi. Mỗi sắc là vô cùng nhỏ. Nếu mỗi khối  sắc sinh và diệt cùng nhau có thể chia ra làm các đơn vị hạt nhỏ nhất, những hạt không thể chia ra được nữa thì những hạt ấy là một tổ hợp sắc vô cùng nhỏ gọi là kalāpa, mỗi nhóm bao gồm ít nhất  tám loại sắc không thể tách rời. Tám sắc này được gọi là tám sắc bất ly (avinibbhoga rūpa). Trong tám sắc này có bốn sắc cơ bản gọi là tứ đại (mahā bhūta rūpa), bao gồm những sắc sau:

  • Địa đại (paṭhavi dhātu) là sắc có tính chất cứng hoặc mềm;
  • Thủy đại (āpo dhātu) là sắc có tính chất kết dính;
  • Hỏa đại (tejo dhātu) là sắc có tính chất nóng hoặc lạnh;
  • Phong đại (vāyo dhātu) là sắc có tính chất căng hoặc chùng.

Bốn loại sắc cơ bản hay tứ đại này sinh  khởi phụ thuộc lẫn nhau và không thể tách rời.  Hơn nữa chúng là  duyên tố cho bốn loại sắc khác sinh khởi. Bốn loại sắc này phụ thuộc vào tứ đại, chúng sinh khởi cùng với tứ đại trong cùng một tổ hợp sắc. Đó là các loại sắc sau:

  • Màu sắc (vaṇṇo) hay đối tượng thị giác – cảnh sắc, tức sắc xuất hiện qua mắt – nhãn căn;
  • Mùi (gandho) là sắc xuất hiện qua mũi – tỷ căn;
  • Vị (raso) là sắc xuất hiện qua lưỡi – thiệt căn;
  • Dưỡng chất (ojā), sắc là một duyên tố cho sự sinh khởi của những sắc khác[2].

Bốn loại sắc này và tứ đại cùng nằm trong tám sắc bất ly. Tám sắc này tạo nên đơn vị sắc nhỏ nhất tức tổ hợp sắc (kalāpa), chúng sinh và diệt cùng nhau rất nhanh. Tứ đại không thể sinh khởi nếu không có bốn sắc y sinh này (upādāyarūpa[3]), bốn sắc y sinh này thì phụ thuộc vào tứ đại.

Tứ đại là duyên tố cho các sắc y sinh (sắc phụ thuộc) sinh khởi cùng với nhau trong cùng một nhóm. Tuy nhiên, mặc dù các sắc y sinh đồng sinh với tứ đại trong cùng một nhóm, chúng không phải là duyên tố cho sự sinh khởi của tứ đại.

Có 28 loại sắc, trong đó có 4 sắc chính là tứ đại và 24 sắc còn lại là sắc y đại sinh (hay sắc y sinh). Nếu tứ đại không sinh khởi thì cả 24 sắc phụ này không sinh khởi. 28 sắc có thể được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau, nhưng ở đây chúng sẽ được giảng trên cơ sở mối quan hệ phụ thuộc giữa chúng để có thể giúp ta hiểu hơn và dễ nhớ hơn.

Các tổ hợp sắc (kalāpa) khác nhau sinh và không diệt ngay lập tức. Một sắc có đặc tính (sabhāva rūpa – thực tính pháp), tức sắc với tính chất riêng của mình[4], có tuổi thọ 17 sát na tâm. Về sự sinh và diệt của sắc, có 4 khía cạnh có thể được hiểu, được gọi là 4 loại sắc tướng trạng (lakkhaṇa[5]rūpa):

  • Upacaya rūpa là giai đoạn sinh của sắc[6].
  • Santati[7]rūpa là giai đoạn trụ của sắc;
  • Jaratārūpa là giai đoạn hoại của sắc
  • Aniccatārūpa là giai đoạn diệt của sắc.

Bốn sắc tướng trạng này là những sắc không có  tính chất riêng, hay asabhāva rūpa, chúng là những tướng trạng nội tại của tất cả các sắc. Tất cả các sắc có đặc tính riêng (tức sabhāva rūpa) [8]đều có bốn tướng trạng này. Sinh, trụ, hoại, diệt là bốn tướng trạng khác nhau của sắc. Nói cách khác, sắc sinh và sắc trụ là những tướng trạng thể hiện những khoảnh khắc mà sắc đã sinh khởi nhưng chưa diệt đi, còn sắc hoại là khoảnh khắc nó chuẩn bị diệt và sắc diệt là khoảnh khắc diệt đi của sắc.

 

Sắc không gian (ākāsa rūpa) có chức năng giới hạn,  phân tách tất cả những nhóm tổ hợp sắc khác nhau. Không gian ở đây không phải là không gian vũ trụ mà là những  đơn vị không gian rất nhỏ bao quanh mỗi tổ hợp sắc. Theo chức năng, nó được gọi là “pariccheda rūpa” (hay phân tách, giới hạn). Cái ta gọi là vật chất bao gồm những tổ hợp sắc, tức là những sắc sinh và diệt. Các sắc trong một tổ hợp sắc bám chặt vào nhau và không thể chia chẻ được. Vật  chất, dù lớn hay nhỏ, chỉ có thể chia chẻ nhờ có sắc không gian nằm giữa các tổ hợp sắc khác nhau cho phép chúng có thể được chia tách khỏi nhau. Nếu không có sắc không gian hay còn gọi là pariccheda rūpa thì các sắc sẽ dính liền với nhau và không thể tách rời. Nhờ có sắc không gian bao quanh mỗi tổ hợp sắc,  ngay cả những vật chất lớn cũng  được chia chẻ ra thành những hạt rất nhỏ; nó chỉ có thể  được tách ra ở những điểm có không gian. Sắc không gian  là một loại sắc không đặc tính  (asabhāva rūpa), tức sắc không có đặc tính riêng và không sinh khởi một cách riêng rẽ, nó sinh và diệt cùng với các tổ hợp sắc khác và ở giữa chúng.

Dù sắc sinh khởi ở đâu, trong cõi nào, trong chúng sinh có sự sống hay là trong vật chất vô tri, thì luôn có tám loại sắc bất ly (avinibbhoga rūpa), bốn sắc không đặc tính riêng (lakkhaṇa rūpa) và sắc không gian (pariccheda rūpa). Như vậy, mười ba loại sắc này không bao giờ vắng mặt.

Đối với sắc thân của con người hay các chúng sinh khác ở các  cõi có ngũ uẩn  (danh và sắc) thì có các sắc pāsada rūpa (sắc thần kinh, sắc thanh triệt, hay sắc giác quan). Những sắc này được tạo ra bởi nghiệp (kamma). Đó là năm loại sắc sau:

  • Nhãn căn (cakkhuppasāda rūpa) có thể được in dấu (tác động) bởi đối tượng thị giác (cảnh sắc).
  • Nhĩ căn(sotappasādarūpa) có thể được in dấu (tác động) bởi âm thanh;
  • Tỷ căn (ghānappasāda rūpa) có thể được in dấu(tác động) bởi mùi;
  • Thiệt căn (jivhāppasāda rūpa) có thể được  in dấu(tác động) bởi vị;
  • Thân căn (kāyappasāda rūpa)  có thể được in dấu (tác động) bởi đối tượng xúc chạm như nóng và lạnh (yếu tố hỏa đại), cứng và mềm (yếu tố địa đại) và căng, chùng (yếu tố phong đại).

Sắc thân không thể sinh khởi mà không có tâm. Trong các cõi có danh và sắc (nāma và rūpa) thì tâm phụ thuộc vào sắc thân. Mỗi tâm cần phải có một loại sắc riêng trên  thân làm căn (cơ sở) thích hợp cho nó sinh khởi. Nhãn thức (cakkhu-viññāṇa), cái đảm nhận chức năng thấy, sinh khởi tại sắc nhãn căn (cakkhuppasāda rūpa). Nhĩ thức (sota- viññāṇa), cái đảm nhận chức năng nghe, sinh khởi tại sắc   nhĩ căn (sotappasāda rūpa). Cũng như vậy đối với tỷ thức, thiệt thức và  thân thức,  mỗi thức đều sinh khởi  tại sắc ở  căn tương ứng.

Các loại tâm khác ngoài ngũ song thức này đều sinh  khởi ở sắc căn được gọi là ý căn (hadaya rūpa).

Một số loại sắc được tạo bởi nghiệp  và trong mỗi tổ  hợp sắc do nghiệp sinh thì luôn có sắc  mạng căn  (jīvitindriya rūpa). Sắc này bảo tồn, duy trì sự sống của các sắc đi kèm trong một tổ hợp sắc. Vì vậy, sắc thân của con người và các chúng sinh hữu tình khác biệt với sắc trong     vật chất vô tri.

Sự khác biệt về giới tính  giữa đàn  ông và đàn bà  thường có ở loài người và các chúng sinh khác  được tạo bởi một sắc được  gọi là sắc tính  (bhāvarūpa) bao gồm hai loại là:

  • Sắc tính nữ (itthibhāva rūpa) là sắc bao trùm toàn thân, được thể hiện ở vẻ bên ngoài, cung cách, cử chỉ, cư xử mang tính chất của ngườinữ.
  • Sắc tính nam (purisabhāva rūpa) bao trùm ở toàn thân, được thể hiện ở vẻ bên ngoài, cung cách, cử chỉ, cư xử mang tính chất của người

Mỗi  cá nhân với  sắc tính riêng, sắc giới  tính, sẽ có hoặc là sắc tính nam hoặc là sắc tính nữ. Trong một vài trường hợp, có thiếu sắc tính. Ngoài ra, những người sống trong các cõi Phạm thiên (là các cõi cao, nơi mà sự tái sinh là quả của sự chứng đắc các tầng thiền) thì không có duyên để có sắc tính.

Có thể có sự chuyển động của toàn thân hay từng phần ở loài người và các chúng sinh khác, nhưng cũng phải có một loại sắc cụ thể do tâm tạo ra. Nếu như chỉ có sắc được tạo bởi nghiệp mà thôi thì ta không thể cử động và làm những việc khác nhau. Để có được cử động của thân và  thực hiện được các chức năng của nó,  cần có  3 loại sắc thích ứng (vikāra[9]rūpa), bao gồm:

  • Sắc nhẹ (lahūtarūpa) như thể hiện ở những người có sức khỏe.
  • Sắc mềm (mudutārūpa) sự vắng mặt của cứng  nhắc, như thể hiện ở da được mài bóng.
  • Sắc nhu nhuyến (kammaññatā rūpa) như thể hiện ở vàng khi nung nóng chảy ra. 

Ba loại sắc thích ứng này cũng là sắc không có đặc tính riêng (asabhāva rūpa). Chúng tạo nên tính thích nghi của bốn loại sắc chính – tứ đại, chúng khiến cho tứ đại nhẹ nhàng, mềm mại và nhu nhuyến. Ba sắc thích ứng này chỉ sinh khởi ở thân của những chúng sinh hữu tình chứ không ở vật chất vô tri. Ba sắc thích ứng này không thể tách rời  nhau. Nếu trong một tổ hợp sắc có sắc nhẹ thì cũng phải có sắc mềm và sắc nhu nhuyến. Các sắc thích ứng được tạo duyên bởi tâm, bởi nhiệt độ và dưỡng chất. Khi tâm tạo nên sự chuyển động ở  một phần bất kỳ của thân cũng sẽ phải có các sắc thích ứng, tạo bởi nhiệt độ (nhiệt độ thích  hợp  không lạnh quá cũng không nóng quá), bởi  dưỡng chất. Nếu không, sắc thân không thể cử động, ngay cả khi tâm muốn làm như vậy.  Chẳng hạn như khi người bị liệt  hoặc bong gân, trẹo mắt cá hay các bệnh khác.

Khi tâm muốn thể hiện ý mình bằng sắc trên thân, tâm tạo ra một loại sắc gọi là thân biểu tri (kāyaviññattirūpa), thể hiện bằng vẻ mặt, bằng cử chỉ của thân. Chẳng hạn, tâm thể hiện  ý của nó bằng cách nhìn nghiêm khắc hay bằng cái nhăn mặt thể hiện sự không hài lòng hay coi thường. Nếu tâm không muốn thể hiện ý muốn của nó thì  sắc biểu tri không sinh khởi.

Khi tâm là duyên tố cho âm thanh, chẳng hạn như lời nói hay những âm thanh khác mang ý nghĩa nhất định, tâm tạo ra sắc gọi là khẩu biểu tri  (vaciviññattirūpa). Khi sắc  này sinh khởi, nó sẽ là duyên tố để các sắc là phương tiện  tạo âm, chẳng hạn như môi, sẽ tạo ra âm thanh. Nếu không có sự sinh khởi của khẩu biểu tri, sẽ không thể nói hay phát ra những âm thanh mang ý nghĩa nhất định.

Thân biểu tri và khẩu biểu tri cũng là các sắc không có đặc tính riêng (asabhāva rūpa),  sinh và diệt cùng với các  tâm tạo ra chúng.

Một số nguồn gộp 3 sắc thích ứng và 2 sắc biểu tri thành 5 sắc thích ứng (kỳ dị, đặc biệt).

Một sắc khác là âm thanh (sadda rūpa). Âm thanh khác với khẩu biểu tri. Âm thanh là sắc có thể tiếp xúc với nhĩ căn và là duyên tố cho sự sinh khởi của nhĩ thức. Một số âm thanh sinh khởi được tạo duyên bởi tâm và một  số thì không – chẳng hạn như là âm thanh do sét, do bão, do  tiếng máy hay là trống, từ đài hoặc từ tivi. Tóm lại, 28 loại sắc là bao gồm:

8 sắc bất ly (avinibbhoga rūpa), trong đó bao gồm tứ đại (mahā-bhūta rūpa), gồm có:

  • Thủyđại
  • Hỏa đại
  • Địa đại
  • Phong đại

4 sắc y sinh (upādāya rūpa), gồm có:

  • Màusắc
  • Mùi
  • Vị
  • Dưỡngchất.

Các sắc y sinh khác bao gồm tất cả những sắc sau:

  • 5 sắc giác quan (pasādarūpa),
  • 1 sắc ý căn(hadayavatthu),
  • 1 sắc mạng căn (jīvitindriyarūpa),
  • 2 sắc tính(bhāva-rūpa),
  • 1 sắc âm thanh (saddarūpa)

Mười sắc y sinh sau là các sắc không có đặc tính riêng

(asabhāva rūpa):

  • 1 sắc không gian (pariccheda rūpa) chia chẻ các tổng hợpsắc
  • 3 sắc thích ứng (vikārarūpa) – sắc nhẹ, sắc mềm và sắc nhunhuyến
  • 2 sắc biểu tri – thân biểu tri (kāyaviññatti) và khẩu biểu tri(vaciviññatti)
  • 4 sắc tướng trạng (lakkhaṇa rūpa) – sinh, trụ, hoại, diệt nằm trong tất cả các sắc, nhưng là sắc không có đặc tínhriêng.

Tổng cộng có 28 loại sắc bao gồm 4 sắc tứ đại và 24 sắc y sinh, trong đó có 10 sắc không có đặc tính riêng (asabhāva rūpa). Trong một số nguồn tài liệu, số lượng sắc được tính có sự khác biệt. Chẳng hạn trong cuốn Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Atthasālinī) (Quyển II, Sắc pháp, phần  I,  chương 3, 339 – 340), ta thấy sắc lại được xếp thành 26 loại, bởi trong đó, địa đại, hỏa đại và phong đại được xếp  vào một loại sắc là đối tượng xúc chạm (photthabbāyatana), tác động lên thân căn (kāyappasāda rūpa).

Luôn có nhiều sắc sinh khởi trong một tổ hợp sắc. Số lượng sắc sinh  khởi cùng nhau có sự khác biệt tùy thuộc  vào các loại sắc liên quan. Có vài cách sắp xếp 28 loại sắc, điều này sẽ được nói đến trong phần phụ lục.

 


[1]Bộ Pháp Tụ, quyển II, chương I,§ 595.

[2] Sắc có thể được tạo bởi một trong bốn yếu tố là nghiệp, tâm, nhiệt độ và dưỡng chất.

[3] Tất cả các sắc khác ngoài tứ đại đều là các sắc y sinh vì chúng không thể sinh khởi mà không có tứ đại.

[4] “Sa” tiếng Pāli có nghĩa là “với” và “bhāva” có nghĩa là “tính chất”. Cũng có các sắc không có đặc tính (asabhāva rūpa) được tính trong 28 loại sắc nhưng không phải là các sắc riêng biệt với tính chất riêng của mình, chúng có các phẩm chất đặc biệt gắn liền với các sắc khác. Chúng sẽ được giải thích thêm về sau.

[5] “Lakkhaṇa” có nghĩa là “tính chất”.

[6] “Upa” có nghĩa là “đầu tiên”, và “caya” có nghĩa là “chất đống, tích lũy”.

[7] “Santati” có nghĩa là tương tục.

[8] “A” trong tiếng Pāli có nghĩa là “không”. Asabhāva có nghĩa là “không có đặc tính riêng.

[9] “Vikāra” có nghĩa là “thay đổi”

 

Comments are closed.

Translate »