Tâm Từ – Chương 1: Duyên tố và Trở ngại

Chương 1 Duyên tố và trở ngại

Tâm từ (mettā) sẽ được vun bồi khi ta biết đặc tính của nó. Khi có tâm từ thực sự, mọi người đều là bạn: có sự thân thiện và cảm thông, ta thương yêu quan tâm đến người khác và muốn làm những gì lợi ích, mang đến cho họ hạnh phúc. Tại khoảnh khắc ấy, tâm mềm dịu và không có ngã mạn (māna) – cái làm duyên cho việc thể hiện bản thân, làm mình quan trọng và xem thường người khác.

Nếu thực sự muốn phát triển tâm từ, chúng ta cần tận diệt bất thiện pháp, kể cả những bất thiện mà ta thường không để ý. Chúng ta không nhận ra mức độ ngã mạn, ghen tị, keo kiệt, bực dọc và các phiền não khác trong mình nhiều tới đâu. Khi phát triển tâm từ, chúng ta sẽ bắt đầu để ý đến nhiều loại phiền não, khi tâm từ được vun bồi hơn sẽ ít cơ hội cho bất thiện pháp sinh khởi hơn.

Ngã mạn là một phiền não trở ngại cho tâm từ. Khi có tâm từ, chúng ta nghĩ về sự an vui của người khác, còn khi có ngã mạn, ta thấy mình quan trọng. Nếu muốn tận diệt ngã mạn và phát triển tâm từ, cần phải biết đặc tính của ngã mạn. Chú Giải Bộ Pháp Tụ – Atthasālinī (Quyển II, Phần II, Chương 2, 372) nói về ngã mạn như sau:

“Ngã mạn”, “kiêu hãnh” và “tự phụ” chỉ về cách thức và hiện trạng. “Tính kiêu căng”nghĩa là đưa mình lên hay làm nổi bật hơn người khác. “Tính tự cao” sinh khởi nơi một người nâng người đó lên, giữ người ấy trên cao.

“Kiêu kỳ” nghĩa là nổi lên cao như ngọn cờ. “Ngạo mạn” nghĩa là cao ngạo, trạng thái tâm nâng mình lên; Trong nhiều lá cờ, cờ nào nổi lên cao hơn những lá cờ khác được gọi là cờ tiên phong, biểu ngữ. Ngã mạn sinh khởi liên tục và nổi bật vì nương vào các ngã mạn nối tiếp nhau thì cũng giống như cờ tiên phong. Tâm muốn lên cao như cờ tiên phong thì được gọc là thích phô trương. Trạng thái đó được gọi là thích phô trương. Và đó là tính chất của tâm chứ không phải là của một tự ngã; vì thế đó là “tâm thích phô trương”. Thực vậy, tâm kèm với mạn muốn trưng biểu ngữ, và trạng thái ấy được gọi là phô trương – ngã mạn.

Khi học về đặc tính của ngã mạn, ta có thể thấy sự khác biệt giữa khoảnh khắc của tâm bất thiện với tâm từ. Tâm bất thiện thì không êm ái và dịu dàng, tại khoảnh khắc đó không có sự thân thiện và hữu hảo với người khác. Nếu muốn phát triển tâm từ, cần phải có “sati-sampajañña” – chánh niệm và trí tuệ, để biết khi nào có tâm thiện và khi nào có tâm bất thiện. Không thể có tâm từ tại khoảnh khắc của ngã mạn.

Ghen tị là một phiền não khác là trở ngại của tâm từ. Khi ghen tị với ai đó, ta chắc chắn không muốn hành xử với người ấy như bạn. Nếu thực sự muốn phát triển tâm từ trong cuộc sống, cần phải biết đặc tính của sự thông cảm và dịu dàng, và ta sẽ nhận ra tâm từ không thể đi cùng với ghen tị.

Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Quyển II, Phần II, Chương 2, 373) nói về ghen tị như sau:

Trong phần thuyết giảng về tính ganh tỵ, “ganh tỵ với lợi lộc, danh dự, kính trọng, thương mến, đảnh lễ, cúng dường được dành cho người khác” là thứ ganh tỵ có trạng thái không thể chịu đựng, hay bất mãn về sự thịnh vượng của người khác; hay nói về những lợi lộc người khác có được, v. v. . . “Đối với những người này thì điều đó có ích gì đâu?” v. v. . .

Người đạt đến bậc giác ngộ đầu tiên, bậc Thánh Nhập Lưu (sotāpanna), đã hoàn toàn tận diệt ghen tị, vì vị ấy nhận ra bản chất thực tại như chúng là: là các danh pháp và sắc pháp sinh khởi do duyên riêng tương ứng. Vị ấy nhận ra, không ai có thể giành được gì cho bản thân hay có thể khiến người khác ái mộ, kính trọng và đảnh lễ mình. Trên thực tế, việc có được lợi dưỡng, tiếng thơm và sự cung kính của người khác là tùy thuộc vào nhân duyên. Vì vậy không nên ghen tị. Khi có ghen tị thì không có từ tâm. Tất cả các pháp, thiện hay bất thiện đều vô ngã; chúng sinh khởi do duyên tương ứng. Chừng nào chưa phải là một “bậc thánh”, bậc đã giác ngộ, thì sẽ vẫn còn duyên cho ghen tị. Chúng ta không chỉ ghen tị với người ngoài hay bạn bè, mà còn cả với những người gần gũi và thân yêu mình.

Bỏn sẻn là một phiền não khác là trở ngại của tâm từ. Chú Giải Bộ Pháp Tụ (cùng chương trên, 373) nói về năm loại bỏn sẻn:

Về chỗ ở (nơi cư ngụ)

Về gia tộc (đối với vị sư, có thể là những người công quả trong Chùa hay thân quyến)

Về lợi lộc (đối với vị sư: là có được tứ vật dụng)

Về sắc đẹp và tiếng thơm (không muốn người khác được khen ngợi bởi sắc đẹp hay thành tựu)

Về Giáo pháp (không muốn chia sẻ hiểu biết về Giáo pháp)

Chúng ta đọc thêm (số 375, 376):

‘Tính keo kiệt’ là biểu hiện của bỏn sẻn. ‘Hà tiện’ chính là hành vi hay trạng thái của bỏn sẻn. Tâm bỏn sẻn là trạng thái của người có tính keo kiệt. ‘Cái này chỉ dành cho tôi thôi, không dành cho người khác. ’ – như vậy mong muốn không tiêu tán những gì mình có ta đóng lại… Trạng thái của người ấy là hà tiện, đồng nghĩa với mức độ bỏn sẻn nhẹ. Một người ti tiện là một con người hạ đẳng. Trạng thái ‘ti tiện’ là chỉ sự keo kiệt mức độ nặng. Thực vậy, một người ti tiện sẽ ngăn cản người khác không bố thí. Và người ta nói như sau:

Tai ác, keo kiệt, ti tiện, sai trái.

Những người ấy cản trở sự bố thí cho người nghèo.

Khi một người ‘bón rít’ nhìn thấy kẻ ăn xin, tâm trí người ấy co dúm lại như thể nếm vị chua. Hiện trạng của người đó là ‘bón rít. ’ Nói cách khác: – ‘tính bón rít’ giống như một chiếc ‘muỗng ăn cơm. ’ Vì khi chiếc bình đựng đồ ăn đầy tới miệng, người ta dùng chiếc thìa bị cong vòng vào trong từ mọi phía để múc đồ ăn; không thể mức được gì cả. Tâm trí của một người bỏn xẻn cũng cong vòng như vậy. Khi đã bị cong vòng, thì thân cũng cong vòng, co lại, không tỏa ra – như vậy người keo kiệt thường được cho là người ‘bón rít”

‘Thiếu quảng đại trong lòng’ là một hiện trạng tâm đóng lại và co dúm, thế nên tấm lòng không thể trải rộng ra để thực hiện bố thí, v. v. . . , phục vụ người khác. Nhưng bởi vì người bỏn sẻn ước ao không cho người khác những gì thuộc về mình, và chỉ muốn lấy đi cái thuộc về người khác, chính vì thế bỏn sẻn này nên được hiểu có trạng thái là giấu đi và giữ lại tài sản của chính mình, như sau: mong là tài sản này chỉ dành cho tôi, không dành cho người khác.

Ở đây nhà Chú giải nói về tâm của kẻ phàm phu chưa tận diệt được keo kiệt. Chỉ có bậc thánh mới hoàn toàn tận diệt được keo kiệt. Khi sân, ngã mạn, ghen tị và bủn xỉn sinh khởi, tâm không có từ tâm. Nếu muốn phát triển tâm từ, ta cần hiểu chi tiết về các tâm khác nhau của mình. Nên thẩm sát đặc tính của tâm khi nghĩ về ai đó. Không nên chỉ có tâm từ đối với một số người cụ thể. Chúng ta cần tiếp tục phát triển tâm từ hơn nữa, không bao giờ là đủ.

Trong nhiều bài kinh khác nhau, Đức Phật đã chỉ ra lợi ích của phát triển tâm từ. Chúng ta đọc trong Tương Ưng Bộ kinh(Tập I – Thiên có kệ, Chương X – Tương ưng Dạ xoa, IV. Man- ibhadda):

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Magadha, tại điện thờ Manimàlaka, tại một trú xứ của Dạ-xoa Man- ibhadda. Rồi Dạ-xoa Manibhadda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, nói lên bài kệ này trước mặt Thế Tôn:

Lành thay, thường chánh niệm, Nhờ niệm, lạc tăng trưởng.
Có niệm, mai đẹp hơn,
Hận thù được giải thoát.

Thế Tôn đáp:

… Với ai trọn ngày đêm, Tâm ý lạc, bất hại,
Từ tâm mọi hữu tình,
Vị ấy không thù hận.

Qua đó ta thấy được lợi ích của việc phát triển tâm từ.

Tâm từ có thể được phát triển thành một đề mục thiền (samatha). Nếu hiểu đúng về phát triển an tịnh với đề mục này, có thể đạt được một mức độ an tịnh cao, kể cả tầng thiền. Tâm thiền (jhānacittas) là tâm ở cảnh giới cao hơn. Tại khoảnh khắc của tâm thiền, không có kinh nghiệm qua ngũ quan và chúng ta tạm thời thoát khỏi phiền não. Tuy nhiên ngay sau khi tâm thiền diệt đi, phiền não sẽ sinh khởi trở lại. Phát triển an tịnh với đề mục tâm từ không đưa đến tận diệt sân (dosa). Chỉ có phát triển tứ niệm xứ – hiểu biết đúng về các thực tại mới dẫn đến tận diệt phiền não. Phiền não được tận diệt từng bước qua bốn tầng giác ngộ. Chỉ ở tầng giác ngộ thứ tư, tầng giác ngộ của bậc A La Hán, mọi phiền não mới hoàn toàn bị tận diệt. Tại tầng giác ngộ thứ ba, tầng giác ngộ của bậc “Thánh Bất Lai” (Anāgāmī), sân bị diệt trừ. Bậc Thánh Bất Lai không còn sân nữa và tràn đầy từ tâm.

Phát triển hiểu biết đúng về thực tại – tứ niệm xứ có thể làm duyên cho nhiều tâm từ hơn. Trí tuệ (paññā), hay chánh kiến, biết cái được cho là chúng sinh, con người hay tự ngã chỉ là các danh pháp và sắc pháp. Chúng ta dùng các thuật ngữ chế định để đặt tên cho các chúng sinh, đồ vật khác nhau đang hiện diện, nhưng sự thực, chúng chỉ là danh và sắc, sinh khởi do duyên và diệt đi. Mỗi tâm diệt đi được tiếp nối bởi tâm tiếp theo, và cả sắc diệt đi cũng sẽ được thay thế chừng nào còn có duyên tạo ra chúng.

Có người nói rằng, nếu không làm một việc gì thì anh ta bị phân tán và có tâm bất thiện. Để có thiện tâm, anh ấy cần tụng kinh tâm từ thật lâu. Tuy nhiên khi phát triển tứ niệm xứ, chúng ta cần nhớ rằng, kể cả cảm giác phân tán hay rã rượi đều có thể là đối tượng của chánh niệm. Chánh niệm có thể lập tức hay biết đặc tính đang xuất hiện và khi đó có thiện tâm. Không dễ nhận ra đặc tính của thực tại đang xuất hiện; trí tuệ cần thực sự phát triển để nhận biết sâu sắc những đặc tính khác biệt của danh và sắc. Cần chánh niệm về đặc tính của thực tại kinh nghiệm, là danh pháp, và đặc tính của thực tại không kinh nghiệm gì cả, là sắc pháp. Cần phân biệt rõ đặc tính khác nhau của danh và sắc. Khi có chánh niệm về thực tại – cái xuất hiện một mình tại một khoảnh khắc qua ngũ quan và ý môn, đặc tính của thực tại phải được suy xét và thẩm sát thật kỹ lưỡng. Bằng cách ấy, danh và sắc mới có thể được hiểu như chúng là: là vô ngã.

Người tin rằng mình cứ tụng kinh tâm từ là được có thể không biết tâm khi ấy là thiện hay bất thiện. Người ấy có thể không biết cần có chánh niệm (sati) để phát triển trí tuệ – thứ hiểu rõ thực tại đang xuất hiện tại khoảnh khắc hiện tại. Thậm chí người ấy còn không biết mục đích của việc tụng kinh. Nếu thực sự muốn vun bồi tâm từ, ta cần thấy hiểm họa của mọi loại bất thiện, như sân, ngã mạn, ghen tị và bỏn xẻn.

Để phát triển tâm từ, cần biết chi tiết, tinh tế về những tâm khác nhau của mình. Cần biết về tâm như chúng thực là. Tâm thiện và tâm bất thiện có những đặc tính riêng. Ngay cả khi tâm thiện ở mức độ non nớt thì vẫn hoàn toàn khác với khoảnh khắc của dính mắc. Nếu chánh niệm và trí tuệ không sinh khởi, chúng ta không thể biết khi nào có tham ái và khi nào có tâm từ. Nếu không rõ các đặc tính khác nhau giữa chúng, ta có thể đang phát triển bất thiện thay vì tâm từ mà không hề hay biết, khi ấy ta sẽ cho nó là thiện mà thực chất, nó là bất thiện. Vì thế hiểu biết chi tiết về các đặc tính khác nhau của tham ái và tâm từ là cần thiết. Chú Giải Bộ Pháp Tụ (Quyển II, Phần II, Chương 2) giải thích các khía cạnh của tham ái được đề cập trong cuốn Dhamma- sangani. Chúng ta đọc về “say mê” như sau:

“Say mê” ở đây có nghĩa là do tham mà chúng sinh ở các cõi cảm thấy “say mê”, hay bản thân tham có nghĩa là say mê. Trong khái niệm “say đắm”, từ “đắm” được kết hợp với say mê. Khao khát sinh khởi một lần tới một đối tượng thì là “say mê”, sinh khởi lặp đi lặp lại liên tục chính là say đắm…

Cuộc sống hàng ngày chính là thứ cần được thẩm sát. Khi không có tâm từ, tâm luôn bị cuốn vào đối tượng, say mê đối tượng. Nếu không có chánh niệm, ta không thể biết khi nào có tham ái. Dính mắc vào các đối tượng khác nhau được kinh nghiệm làm duyên cho hành vi qua thân và khẩu, khi ấy ta mới nhận ra là không hề có từ tâm. Bằng việc học qua kinh nghiệm đặc tính của tham ái và tâm từ, ta có thể so sánh và biết rõ sự khác biệt giữa chúng.

Không nên chỉ cố gắng phát triển tâm từ khi đang có sân, mà còn cần cả khi dính mắc. Chúng ta nên suy xét loại tâm gì hiện diện khi nghĩ về người thân, bạn bè – những người gần gũi và thương yêu của mình. Cần nhận ra ngay khoảnh khắc đó là tâm từ hay dính mắc, cần học bằng chính kinh nghiệm của bản thân về sự khác biệt giữa những khoảnh khắc ấy. Nếu thực sự muốn phát triển tâm từ, không nên uổng phí bất kỳ cơ hội nào để học về các đặc tính khác nhau của tâm, nhờ đó sẽ có thêm duyên cho tâm từ phát triển. Thật vô ích nếu cho rằng chỉ nên phát triển tâm từ khi ta bị bực tức.

Bây giờ tôi sẽ đề cập một số câu hỏi liên quan đến việc phát triển tâm từ.

Người hỏi: Đặc tính của tâm tham là luyến ái và dính mắc. Nếu nói rằng dính mắc vào gia quyến và bạn bè là tham, là không đúng thì tôi thấy điều này không phù hợp với cuộc sống thông thường của chúng ta trong thế giới này.

Khun Sujin: Nếu muốn phát triển tâm từ, bạn cần phải biết sâu sắc về các tâm khác nhau của mình. Chỉ tụng kinh thôi thì không đủ. Cần phải biết chi tiết về đặc tính của tâm từ. Khi có tâm từ thì không có sân. Tuy nhiên, khi yêu mến ai đó và dính mắc vào người ấy, khi đó có tham ái, không phải tâm từ, và tham ái làm duyên cho sân. Chúng ta nên suy xét thực tại nào thì tốt hơn, tâm từ hay tình yêu ích kỷ – cái thực chất là tham ái (lobha). Có thể có tâm từ khi ở cùng gia đình và bạn bè, và khi ấy ta có thể hiểu về đặc tính của nó. Khi có tâm từ, chúng ta nghĩ đến lợi ích của người khác, không dính mắc, không luyến ái vị kỷ. Tâm từ thực sự vì người khác thì không thể làm duyên cho việc khó chịu với người ấy. Vì vậy khi ta có tâm từ thay vì tham ái, người khác cũng sẽ được lợi. Cả người có tâm từ và người là đối tượng của tâm từ đều được hưởng lợi. Nếu chỉ có tham ái trong cuộc sống hàng ngày thì sẽ có nhiều duyên cho việc khó chịu và cảm thọ ưu. Tuy nhiên, khi tâm từ phát triển sẽ bớt cơ hội cho tâm sân. Chúng ta sẽ nghĩ và suy xét thường xuyên hơn đến lợi ích của người khác.

Người hỏi: Bà nói rằng cần có chánh niệm và trí tuệ (chánh niệm-tỉnh giác) để phát triển tâm từ và vì thế chúng ta nên biết đặc tính của chánh niệm và trí tuệ, nếu không tâm từ không thể được phát triển. Phải không ạ?

Khun Sujin: Có hai loại phát triển tâm trí, samatha – phát triển sự an tịnh và vipassanā – phát triển hiểu biết đúng về các thực tại. Cả hai loại phát triển tâm trí này đều cần chánh niệm- tỉnh giác. Tuy nhiên, tuệ trong samatha khác với tuệ trong vipas- sanā. Tuệ trong samatha biết cách để phát triển sự an tịnh, là sự giải phóng tạm thời khỏi phiền não. Tuệ trong vipassanā biết đặc tính của các hiện tượng tinh thần và vật chất, của các thực tại xuất hiện từng thứ một tại một thời điểm, qua sáu môn.

Người hỏi: Đôi khi có tâm từ khi lo lắng cho ai đó đang gặp khó khăn. Ở khoảnh khắc đó có chánh niệm nhưng có thể không có trí tuệ biết đặc tính của chánh niệm. Vậy có tâm từ thực sự khi đó không?

Khun Sujin: Khi tâm từ sinh khởi, tâm là thiện và nó sinh kèm với niệm – là một thiện pháp (sobhana dhamma)2. Chúng ta có thể không có chánh niệm-tỉnh giác để phát triển an tịnh ở mức độ cao, nhưng khi có tâm từ, phải có niệm sinh kèm, duyên là vậy. Chánh niệm không quên thiện pháp, nó sinh khởi với mỗi tâm thiện. Do thiện pháp được tích lũy nên có thể có duyên cho các loại thiện pháp khác nhau, như bố thí – lòng quảng đại, giữ giới – sự tiết chế khỏi các hành động bất thiện hay tâm từ. Những thiện pháp này sinh kèm với chánh niệm, nhưng không nhất thiết với trí tuệ. Tuy nhiên nếu muốn phát triển tâm từ như một đề mục thiền và đạt được mức độ an tịnh cao thì cần có chánh niệm-tỉnh giác. Với chánh niệm-tỉnh giác, sự khác biệt giữa đặc tính của tâm từ và tham ái sẽ được nhận biết một cách chính xác.

Người hỏi: Tôi muốn nói về những sự kiện xảy ra trong cuộc sống thường ngày. Thỉnh thoảng khi lái xe, tôi tụng “mong cho mọi chúng sinh được hạnh phúc, mong họ không phải chịu đau đớn hay mất mát”. Nhưng khi bất ngờ gặp phải sự cố trên đường thì thoạt đầu, tôi không thể nghĩ đến người khác. Sau đó tôi mới nhận ra là mình đã không như lời kinh tâm từ vừa tụng. Tôi bắt đầu suy xét hơn đến những lời kinh ấy và tôi học áp dụng tâm từ trong những tình huống đi đường. Đó chính là tác dụng của việc nghĩ đến và suy xét.

Khun Sujin: Khi mới gặp sự cố, bạn có nghĩ đến câu “mong cho mọi chúng sinh được hạnh phúc” không?

Người hỏi: Không, khi ấy thì tôi không nghĩ đến những từ đó.

Khun Sujin: Phát triển tâm từ không phải là nghĩ đến những từ ngữ mà cần biết thực tại của tâm từ. Khoảnh khắc của tâm từ khác với khoảnh khắc của bực bội, cáu giận hay thù hận.

Người hỏi: Nếu không tụng kinh tâm từ thì tôi đã không suy xét trong những tình huống như vậy, tôi sẽ chỉ nghĩ đến bản thân thôi.

Khun Sujin: Bạn cần hiểu chi tiết về các thực tại, cần hiểu tại khoảnh khắc tụng kinh có tâm từ thực sự hay chỉ là suy nghĩ về các câu chữ đó. Có tâm từ thực sự khi suy xét cho người khác, không phải lúc bạn chỉ tụng mà thôi.

Người hỏi: Việc tụng kinh có tác dụng chứ. Nếu không tôi đã không tự hỏi liệu mình có thật sự muốn chúng sinh khác được an vui hay không. Thực sự tôi đã suy xét như vậy nhờ việc tụng kinh.

Khun Sujin: Khi tự hỏi mình như vậy, bạn đã nhận ra rằng tâm từ không phải là việc tụng câu chữ mà nó cần phải được thực hành.

Người hỏi: Vâng, đúng thế. Khi thực hành tâm từ trong tình huống đó thì tôi không tụng.

Khun Sujin: Một số người chỉ nghĩ đến việc tụng kinh tâm từ, nhưng khi vừa tụng xong, họ có thể nổi sân nếu gặp điều không như ý. Chúng ta có thể tụng các câu chữ về tâm từ, nhưng rồi tâm từ lại không sinh khởi khi có chúng sinh hay con người hiện diện. Chúng ta có thể tụng rất lâu, nhưng nếu gặp điều nghịch ý thì tâm từ ở đâu? Ta cần tụng bao lâu để tâm từ có thể sinh khởi?

Người hỏi khác: Sẽ không đi đến đâu nếu cho rằng chỉ cần tụng kinh để phát triển tâm từ, vì ta đã hiểu sai về phát triển tâm từ. Tâm từ chỉ có thể phát triển khi được vun bồi trong tình huống hàng ngày. Một hai năm trở lại đây, tôi cảm thấy mình có tâm từ hơn, chính là nhờ việc được nghe Khun Sujin giảng Pháp. Giờ thì tôi thường nghĩ đến làm điều gì có lợi và mang đến hạnh phúc cho người khác, dù là việc nhỏ hay lớn. Tôi thấy khi chánh niệm sinh khởi, tâm rất hiền hòa. Có tâm từ khi tránh giết muỗi hay giúp chúng sinh khác đang gặp khó khăn. Trước kia tôi không muốn nỗ lực để giúp người khác, nhưng sau này thì có, vì tôi suy xét đến lợi ích và hạnh phúc của họ. Đôi khi gặp những người rao bán những thứ mà tôi không cần, nhưng tôi vẫn mua, nhờ có tâm từ. Tôi mua không phải vì cần tới món đồ đó. Tôi nghĩ đến câu nói của Khun Sujin: “Giúp được người khác nhiều hay ít không quan trọng, cốt yếu là nghĩ đến lợi ích và sự an vui của họ”. Mỗi khi tôi nghĩ đến những lời ấy, tâm thiện với từ có thể sinh khởi.

Khun Sujin: Anumodhanā! Đó chính là sự thực hành Giáo pháp, là sự phát triển tâm từ thực sự. Trong tiếng Pāli, sự phát triển gọi là “bhāvanā”, nghĩa đen là: làm cho cái gì đó tăng trưởng, làm cho sinh khởi thường xuyên, lặp đi lặp lại. Phát triển không phải là việc tụng câu chữ với hy vọng đạt tới một mức độ an tịnh cao, tới an chỉ định. Cần có tâm từ trong cuộc sống thường ngày. Khi ở một mình, có thể ta tụng rất nhiều, nhưng trong đời sống thường nhật, tâm từ lại không sinh khởi. Tâm từ thực sự được phát triển qua thực hành, qua hành vi của chúng ta trong các tình huống khác nhau trong cuộc sống, khi ở cùng người khác.

Người hỏi: Tôi vẫn nghĩ rằng việc tụng kinh tâm từ mang lại lợi ích. Tụng kinh không hề dễ. Tôi có thể nghĩ về những người mình không ưa, như Ông X – người trong quá khứ đã làm nhiều điều không phải với tôi, nhưng bây giờ khi phát triển tâm từ, tôi nghĩ “mong cho ông X được hạnh phúc, không phải chịu khổ đau mất mát”. Với việc tụng, tôi không mất đồng nào hay phải nỗ lực gì để giúp ai đó. Tôi vẫn chưa sẵn lòng làm những việc ấy.

Khun Sujin: Do bạn chưa dần phát triển tâm từ trong cuộc sống hàng ngày. Hôm nay bạn không gặp ông X, nhưng bạn gặp những người khác. Liệu bạn có thấy mình có tâm từ hiện giờ không, khi đang ở cùng với người khác đây? Khi thực sự phát triển tâm từ, chúng ta sẽ biết rằng khi có tâm từ, tâm thoát khỏi mọi loại bất thiện, khi ấy không có ngã mạn, không có ý niệm tỏ vẻ ta đây. Kể cả khi nhìn thấy hay nghĩ về người khác, ta không xem thường họ, không có ngã mạn. Cho dù ở với ai, chánh niệm- tỉnh giác có thể sinh khởi và tại một khoảnh khắc cụ thể, ta có thể nhận biết tâm có sinh kèm với từ hay không. Ta có thể phát triển tâm từ bất cứ lúc nào và không nên lựa chọn người để hướng tâm từ đến, như ông X chẳng hạn.

Người hỏi: Tôi sẽ bắt đầu phát triển tâm từ mọi lúc. Khi thấy người khác, tôi sẽ nghĩ “mong cho tất cả đều được hạnh phúc, mong cho họ không bị mất mát khổ đau”

Khun Sujin: Sao bạn lại nghĩ về tất cả?

Người hỏi: Khi thấy mọi người, tôi thấy đó là một tổng thể.

Khun Sujin: Hiện giờ bạn biết về lý thuyết rằng, chỉ có danh và sắc, không có chúng sinh, con người hay tự ngã nào. Tuy nhiên bạn chưa biết đặc tính của danh và sắc. Không có chánh niệm-tỉnh giác suy xét từng loại thực tại đang xuất hiện. Tâm từ sẽ lớn mạnh hơn khi đặc tính của danh và sắc được xuyên thấu, từng thực tại xuất hiện tại một thời điểm. Vì vậy, cần có chánh niệm-tỉnh giác để thấy đặc tính của tâm khi có lòng từ với người này hay người kia. Nếu không, chúng ta không thể biết đó chỉ là việc tụng, việc nghĩ về tâm từ hay có tâm từ thực sự đối với từng người mà ta gặp.

Người hỏi: Khi tôi tụng kinh tâm từ, đôi lúc không có trí tuệ nhưng có chánh niệm. Tôi mong muốn trải tâm từ tới tất cả chúng sinh.

Khun Sujin: Cần hiểu nghĩa của câu “phát triển tâm từ” và “trải tâm từ đến mọi chúng sinh”. Nếu tâm từ chưa thực sự phát triển, tâm sẽ không mong hạnh phúc đến cho mọi người ta gặp. Ta chưa cảm thấy thân thiện với tất cả, và vì vậy chưa thể trải tâm từ tới mọi chúng sinh. Chúng ta bắt đầu phát triển tâm từ tới người khác bằng hành vi, lời nói và suy nghĩ, nhờ đó tâm từ sẽ được tăng trưởng dần dần. Khi nghĩ về hay gặp gỡ người khác, dù là ai hay khi nào, có thể có tâm từ thực sự qua thân, khẩu và ý. Với việc tụng kinh, sẽ không có thể hiện nào qua nét mặt hay lời nói; tâm từ không phát triển nhờ việc tụng đọc. Có thể suy xét tâm mình khi gặp gỡ ai đó, xem mình có đang xem thường họ không, dù chẳng biểu lộ gì ra ngoài. Ta có thường không thích sự xuất hiện, cách cư xử hay nói năng của ai không? Có thực sự coi người ta đang nói chuyện như một người bạn? Thực sự chân thành tìm kiếm lợi ích và muốn giúp đỡ họ? Không có quy định phải tụng những bài kinh cụ thể nào về tâm từ. Không phải theo bất kỳ nguyên tắc tụng đọc nào để phát triển tâm từ. Ta có thể nghĩ về người khác với thiện tâm có từ sinh kèm: như nghĩ đến việc làm gì cho sự an vui và hạnh phúc của họ, giúp họ khỏi mất mát hay khó khăn. Còn khi tụng, ta phải nghĩ đến câu chữ, xem mình phải tụng câu nào trước, câu “mong mọi chúng sinh được hạnh phúc” hay câu “mong mọi chúng sinh được thoát khỏi khổ đau” trước. Thực tại tâm từ không phải là việc tụng câu chữ. Tâm từ sinh khởi khi ta giúp đỡ người khác qua hành động và lời nói, tùy theo hoàn cảnh mỗi thời điểm. 

Chú thích

2 Hay pháp tịnh hảo

Leave a Reply

Translate »