Nương nhờ Giáo Pháp của Đức Phật. Chương 1: Danh và sắc

Chương 1 – Danh và sắc:

Pháp đàm tại Battambang (phần 1)

 

        Khun Sujin: Các bạn đã có những câu hỏi về niệm thân. Niệm thân là một trong bốn phần của Tứ niệm xứ. Không có chút nghi ngờ nào rằng tất cả chúng ta đều có thân, nhưng trước khi chúng ta được nghe Giáo pháp, chúng ta vẫn cho rằng đó là ta và của ta. Sau khi được nghe Pháp thì chúng ta có thể biết rằng tất cả các thực tại, tất cả các pháp đều không phải là ta, đều vô ngã, và rằng chúng ta cần phải có cái hiểu đúng đắn về từ “dhamma”, tức là thực tại có tính chất vô ngã.

Đức Phật không chỉ dạy Tứ niệm xứ (Maha-Satipaṭṭhāna), mà Ngài dạy tất cả những gì đã chứa đựng trong Tam tạng. Giáo lý của Ngài tới với chúng ta hôm nay thông qua Tam tạng, tức là bao gồm Tạng luật – cuốn sách về giới luật dành cho các chư tăng, Tạng kinh- là các bài thuyết giảng, sau cùng là Tạng Vi diệu pháp.

Tất cả các phần khác nhau của Tam tạng đều thống nhất với nhau vì chúng đều chứa đựng chân lý mà Đức Phật đã xuyên thấu khi đạt được quả vị Phật dưới gốc cây Bồ đề.

Khi chúng ta đã được nghe Giáo lý, dù chưa được nghe toàn bộ, và khi chúng ta đã có được sự hiểu biết sâu sắc về ý nghĩa và đăc tính của các thực tại mà Đức Phật đã thuyết giảng, chúng ta sẽ tin tưởng một cách chắc chắn rằng cả Tam tạng phải thống nhất với nhau.

Tam tạng giải thích các thực tại do duyên khởi là tâm, tâm sở và sắc. Vì vậy, nếu không có tâm, tâm sở và sắc, thì cũng sẽ không có Tam tạng. Tam tạng dạy chúng ta rằng, các thực tại mà Đức Phật đã xuyên thấu tại thời điểm giác ngộ Phật quả đều là vô ngã, và khi chúng ta nói về thân thì chúng ta cần phải hiểu rằng thân, một yếu tố vô ngã, thực sự là gì. Bên cạnh đó, thân không thể tự sinh khởi mà không có tâm và tâm sở. Khi có hiểu biết – trí tuệ, thì nó biết sự thực về các thực tại, nó không chỉ hiểu các đặc tính của thực tại mà ta gọi là thân mà cũng còn biết về các đặc tính khác nhau của danh, tức là của tâm và tâm sở đang xuất hiện. Trí tuệ có thể nhận ra rằng cái mà chúng ta tưởng là ta hay của ta hay thế giới chỉ là các loại dhamma – các thực tại khác nhau bao gồm tâm, tâm sở và sắc. Nghiên cứu Giáo lý rất lợi lạc. Khi chúng ta nghiên cứu Giáo lý, chúng ta có thể tự mình kiểm chứng sự thật về những gì mà chúng ta đã học. Chúng ta cần phải tự thẩm xét những thực tại sinh khởi trong cuộc sống hàng ngày. Bằng cách ấy chúng ta sẽ có được hiểu biết sâu sắc hơn về chúng. Vì những lý do ấy, tôi mong người nghe cố gắng suy xét về Giáo lý và thử tự trả lời các câu hỏi của chính mình. Các bạn có câu hỏi về niệm thân, nhưng khi các bạn tự mình thẩm xét về chân lý, bạn sẽ thấy rõ hơn rằng bên cạnh thân thì cũng có cả tâm và tâm sở.

        Buth Sawong: Một số người muốn biết ý nghĩa của cụm từ “quán thân trên thân” được đề cập trong Kinh Tứ niệm xứ, phần Niệm thân.

        Khun Sujin: Chúng ta có thể nói về nhiều thực tại nhưng vì thời gian cho buổi pháp này có hạn nên tôi muốn trước hết đi đến điểm quan trọng, đó là ý nghĩa của từ “dhamma”. Tất cả những gì là thật đều là dhamma. Thân là dhamma. Khi chúng ta chạm vào thân thì cảm giác cứng hoặc mềm xuất hiện. Cứng và mềm là đặc tính của các thực tại, chúng là những yếu tố có đặc tính không thay đổi. Mềm luôn luôn là mềm và cứng luôn luôn là cứng, dù chúng ta chạm vào thân hay chạm vào cái gì đó bên ngoài. Khi trí tuệ hiểu đặc tính của cứng và của mềm, bất kể dù chúng sinh khởi ở trong hay ngoài thân, là cùng một thực tại, cùng một yếu tố (giới, dhatu), khi ấy trí tuệ có thể phát triển. Khi trí tuệ đã trở nên sâu sắc hơn, nó có thể nhận ra rằng những yếu tố này sinh khởi do duyên và diệt đi ngay tức thì. Bằng cách ấy sẽ có sự xả ly đối với ý niệm rằng các yếu tố này là “ta”. Khi ta quán “thân trên thân”, điều ấy có nghĩa là ta hiểu rằng thân không phải là ta, của ta hay là ngã.

        Buth Sawong: Cái mà chúng ta gọi là thân (hay kāyā trong tiếng Pali) được tạo bởi rất nhiều yếu tố kết hợp với nhau. Vậy thân bao gồm những gì?

        Khun Sujin: Cái mà chúng ta gọi là thân được tạo nên bởi các thực tại khác nhau. Bởi vì nó được tạo nên bởi những yếu tố khác nhau nên chúng ta có thể nói rằng chúng ta có mắt, có tai, có mũi, có lưỡi và có thân, hoặc chúng ta có thể phân biệt những bộ phận khác nhau của thân, chẳng hạn tóc trên đầu, lông trên thân, móng tay, răng, da, v.v…

        Buth Sawong: Khi tôi nghe cụm từ “quán thân trên thân” thì tôi không hiểu cái từ “thân” thứ hai trong câu này có nghĩa là gì?

        Khun Sujin: Mọi người vẫn thường có xu hướng chú trọng quá mức đến các thuật ngữ, chẳng hạn “quán thân trên thân”. Họ phân vân liệu họ phải thấy cái thân nào, hay phải làm thế nào để có thể quán thân trên thân. Mọi người biết rằng họ có mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, nhưng khi nào và theo cách nào những cái đó sinh khởi? Họ cần phải biết rằng có đặc tính cứng trên toàn thân, từ đầu tới chân, bất cứ khi nào ta chạm vào thân thì tính cứng hoặc mềm sinh khởi ngay tại điểm đó. Ngay tại giây phút đó có sự in dấu của một đối tượng trên sắc được gọi là thân căn. Thân căn là điều kiện cần thiết để có thể kinh nghiệm được đối tượng xúc chạm, nếu không có thân căn thì đặc tính cứng và mềm không thể được kinh nghiệm.

Các thực tại sinh khởi qua sáu môn, bao gồm ngũ môn và ý môn có thể được coi là sáu thế giới khác nhau và thế giới này thì khác với thế giới kia. Thế giới xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý môn, và được gọi trong kinh điển là “thế giới qua con mắt của bậc thánh nhân”. Điều ấy giúp chúng ta hiểu rằng, sắc chỉ có thể được kinh nghiệm ngay tại nơi có sự xúc chạm và tại khoảnh khắc đó, chỉ có một đặc tính của sắc xuất hiện tại một thời điểm. Toàn bộ thân không thể trực tiếp được kinh nghiệm. Một sắc đã sinh khởi, in dấu. Nó sinh khởi rồi diệt đi ngay tức thì.

Đó chính là ý nghĩa của “quán thân trên thân”. Chúng ta đừng nên nghĩ đến thuật ngữ “quán thân trên thân” và băn khoăn ý nghĩa của từ “thân” đầu tiên là gì và từ “thân” thứ hai là gì. Điều quan trọng phải hiểu rằng có những khoảnh khắc kinh nghiệm khác nhau. Khoảnh khắc thấy khác với khoảnh khắc nghe. Thấy, nghe, ngửi, nếm và kinh nghiệm đặc tính cứng in dấu trên thân căn là những khoảnh khắc khác nhau của tâm. Tại thời điểm này có sự in dấu của tính cứng trên thân căn. Chừng nào vẫn còn có ngã tưởng thì sẽ có sự nhớ tưởng sai lầm về ngã, và chúng ta coi mọi thứ là của ta và ta. Chẳng hạn, ta tin rằng “ngón tay của tôi” đang chạm một cái gì đó cứng. Tuy nhiên, nếu chúng ta hiểu rằng không có ngã mà chỉ có dhamma hay thực tại, và nếu có thể có chánh niệm về tính cứng đang xuất hiện vì có sự in dấu trên thân căn, chúng ta sẽ thấy rằng, sắc là tính cứng là một thực tại sinh khởi do duyên, nếu sắc là tính cứng chưa sinh khởi thì nó không thể xuất hiện. Nếu tính cứng sinh khởi và xuất hiện thì nó sẽ phải diệt đi. Cứng không phải là ngã hay là ta, không có cái ngã nào có thể kiểm soát được điều ấy.

        Buth Sawong: Tôi hiểu rằng chúng ta có mắt, rằng có những thứ sinh khởi qua nhãn căn, và rằng có một thực tại đang kinh nghiệm cái đang xuất hiện qua nhãn môn. Đó có phải được gọi là “quán thân trên thân” hay không?

        Khun Sujin: Tại thời điểm ấy không có “niệm thân”, quán thân trên thân. Chúng ta cần phải nhớ rằng có bốn niệm xứ: niệm thân, niệm thọ, niệm tâm và niệm pháp. Tất cả đều được bao gồm trong “tứ niệm xứ”. Đối tượng của chánh niệm đều là thực tại, là dhamma (pháp). Đức Phật dạy niệm thân bởi vì từ khi sinh ra cho đến khi chết đi, từ cuộc đời này đến cuộc đời khác, chúng ta bám chấp vào thân thể, toàn thân từ đầu tới chân, và coi đó là thân của tôi, là ta. Khi có chánh niệm trên thân thì chánh niệm hay biết thực tại mà chúng ta vẫn cho là thân của ta. Khi đặc tính của tứ đại (mahå-bhúta rúpas) được hay biết như chúng thực là thì sẽ có sự buông xả ý niệm về toàn thân của tôi. Khi chúng ta đã nghiên cứu và hiểu tường tận về tứ niệm xứ, về cả thân, thọ, tâm và pháp thì chúng ta sẽ thấy rằng cả Bốn niệm xứ đều tương hợp với nhau. Thực tại được sắp xếp theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn các giới (dhatu), các uẩn (khanda) hay các xứ (ayatanas), và những cái đó đều thuộc về Tứ niệm xứ. Các sự sắp xếp khác nhau của thực tại chỉ ra những khía cạnh khác nhau, nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng tất cả những gì là thật đều có thể là đối tượng của chánh niệm. “Chánh niệm trên thân” là “xứ” riêng, vì mỗi một người đều có sự dính chấp vào thân và cho đó là của tôi.

        Người hỏi: Tâm là thực tại kinh nghiệm đối tượng. Người ta nói rằng nó nghĩ về đối tượng bởi vì đối tượng ấy được tâm nhận biết. Tôi muốn biết cái gì sinh khởi trước, tâm hay đối tượng? Cái gì làm duyên cho cái gì?

        Khun Sujin: Tâm là một chủ đề rất khó vì nó rất chi tiết. Tất cả chúng ta đều có tâm. Chúng ta thấy và đó là tâm. Tuy nhiên, rất cần thảo luận và suy xét về thực tại của tâm cho đến khi ta có được cái hiểu rõ ràng về nó, dù rằng mọi người nghe về tâm tại thời điểm này nhưng họ không hiểu nó thực sự là gì, và chừng nào chưa hiểu trực tiếp đặc tính của tâm thì vẫn cần nghe đi nghe lại về Giáo lý.

Tâm là thực tại kinh nghiệm đối tượng. Điều ấy chỉ ra rằng tâm và đối tượng không thể tồn tại tách rời. Việc phỏng đoán cái gì sinh khởi trước và cái gì sinh khởi sau là vô ích. Đức Phật, tại thời điểm đắc quả Phật, đã xuyên thấu sự thật về tất cả các thực tại. Ngài dạy rằng, vào thời điểm thấy đối tượng thị giác, vào thời điểm nghe âm thanh, ngửi mùi, nếm vị, hay chạm vào các đối tượng xúc chạm, rằng trong tất cả trường hợp ấy, sắc là đối tượng dục giới sinh khởi trước tâm kinh nghiệm nó. Sắc sinh khởi trước tâm kinh nghiệm nó là tiền sanh duyên (purejata paccaya) đối với tâm ấy. Một sắc là đối tượng dục giới in dấu lên căn phù hợp, nhưng nó không được kinh nghiệm ngay lập tức bởi thức tương ứng, chẳng hạn như thấy (nhãn thức) và nghe (nhĩ thức). Khi một đối tượng dục giới in dấu lên ngũ căn thì trước tiên có tâm hộ kiếp, trước khi lộ trình của ngũ môn bắt đầu và có sự nhận biết (của thức qua căn tương ứng), như là thấy hay nghe có thể sinh khởi và kinh nghiệm về đối tượng đang in dấu.

Khi chúng ta xem xét mối liên quan giữa nhãn thức và đối tượng thị giác xuất hiện qua mắt, và về mối liên hệ giữa nhĩ thức và âm thanh xuất hiện qua tai, chúng ta cũng phải nhớ rằng sắc là đối tượng của tâm sinh khởi trước tâm kinh nghiệm nó. Như vậy sắc làm tiền sanh duyên cho tâm.

Ngoài sắc ra, có các loại đối tượng khác, nhưng khi chúng ta nói về các đối tượng thuộc về tiền sanh duyên thì đó là các sắc là đối tượng dục giới sinh khởi qua năm cửa giác quan (ngũ môn). Chẳng hạn như khi thấy, sắc là đối tượng thị giác đã sinh khởi trước cái thấy và in dấu lên nhãn căn, sau đó nhãn thức có thể sinh khởi theo. Khi chúng ta suy ngẫm về tính chất thực sự của danh và sắc, chúng cần phải được phân biệt. Chúng sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng. Sắc sinh và diệt theo duyên riêng của chúng và có bốn yếu tố làm cho sắc phát sinh, đó là nghiệp, tâm, nhiệt độ và dưỡng chất. Bất kể tâm kinh nghiệm sắc hay không thì sắc sinh và diệt theo duyên riêng của nó.

Khi thảo luận về Giáo pháp, chúng ta phải nói về Giáo pháp một cách chi tiết. Chẳng hạn, sắc do nghiệp sinh (kammaja-sắc) luôn luôn sinh khởi kể từ khoảnh khắc của thức tái tục. Tại thời điểm của thức tái tục, sắc do nghiệp sinh sinh khởi cùng thức tái tục và cũng được tạo bởi nghiệp, và như vậy, sự sinh khởi của sắc đó được duyên bởi thức tái tục. Sau thời điểm đó, suốt cả cuộc đời lại có sự sinh khởi của các sắc được tạo bởi nghiệp nhưng không còn phụ thuộc vào tâm sinh khởi cùng nó như ở giây phút đầu tiên của một kiếp sống.

Cũng có những sắc được duyên bởi tâm. Những sắc này được duyên bởi tâm tại thời điểm nó sinh khởi. Mỗi sát na tâm có thể được chia thành những giai đoạn cực kỳ nhỏ: giai đoạn sinh, giai đoạn trụ, giai đoạn diệt. Mỗi sắc lại có những nguồn gốc khác nhau, chẳng hạn như nghiệp, tâm, dưỡng chất, và nhiệt độ Một đối tượng của ngũ môn là sắc được kinh nghiệm bởi tâm qua tai, mũi, mắt, lưỡi, thân hay ý môn đều có gốc từ một trong bốn yếu tố là nghiệp, tâm, nhiệt độ và dưỡng chất.

Không chỉ có sắc mà danh cũng sinh khởi theo duyên riêng của chúng. Chẳng hạn, mỗi tâm sinh khởi rồi lại diệt đi thì tạo duyên cho sự sinh khởi của tâm tiếp theo. Đó là vô gián duyên (anantara paccaya) cho tâm tiếp theo. Trong suốt cuộc đời, có những chuỗi tâm nối tiếp nhau. Vô gián duyên nằm ở tâm và tâm sở đã diệt đi và là duyên tố cho sự sinh khởi của những tâm và tâm sở tiếp theo. Chỉ tâm mới có thể là vô gián duyên còn sắc thì không. Danh và sắc sinh khởi bởi các duyên tố  khác  nhau,  vì  vậy chúng ta cần  phải phân  biệt danh và sắc.

Comments are closed.

Translate »