Vòng Sinh Tử Luân Hồi – CHƯƠNG 4: HIỂU VỀ KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI

CHƯƠNG 4: HIỂU VỀ KHOẢNH KHẮC HIỆN TẠI

 

Trong chuyện tiền thân “Mughapakkha” (số 538), chúng ta đọc về cuộc đời của Bồ tát khi còn là hoàng tử Temiya, người đã giả bị què, câm và điếc. Hoàng tử không muốn trở thành vua để sau này có thể đặt mình vào tình huống tạo nghiệp bất thiện. Đức vua muốn tìm hiểu vương tử của mình có thực sự bị què, điếc và câm hay không nên đã để Ngài chịu đựng mọi hình thức thử thách và khổ cực.

Cuối cùng, đức vua được khuyên là nên chôn sống hoàng tử. Khi người quản xa đang đào  hố để chôn hoàng tử, Temiya được vua trời Đế Thích[1] tô điểm bằng trang sức thiên giới. Hoàng tử trở thành một vị tu sĩ và đã thuyết giáo cho cha mẹ mình về sự vô thường: 

Thần chết đánh tan thế giới này,

Tuổi già canh giữ cửa ta đây,

Chính đêm tối vẫn trôi qua mãi,

Ðạt thành mục đích chóng hay chầy.

 

Như khi bà nọ bên khung cửi

Ngồi dệt vải trong suốt cả ngày,

Công việc của bà dần ít lại,

Ðời ta tàn lụi cũng như vầy.

 

Như thể dòng sông cuồn cuộn trôi

Vẫn luôn trôi chảy chẳng hề lui,

Dòng đời thế tục là như vậy,

Cũng cứ luôn đi tới mãi thôi.

 

Như thể dòng sông cuốn thật xa

Những cây bật gốc ở đôi bờ,

Con người cũng chịu lao đầu tới

Hủy hoại do thần chết, tuổi già. 

Ngài đã giải thích cho vua cha rằng Ngài không muốn vương quốc và nói rằng gia tài, tuổi trẻ, vợ con và các thú vui khác đều không thường hằng. Ngài nói:

Hôm nay làm việc bạn cần làm,

Ai chắc ngày mai có ánh quang?

Thần chết chính là viên đại tướng

Không cho ai bảo đảm an toàn. 

Lodewijk và tôi thường nói về người đàn bà bên khung cửi dệt vải cho đến khi công việc của bà hoàn tất. Hồi kết của một kiếp sống đến quá nhanh.

Bài kinh có thể nhắc nhở chúng ta không nên lần lữa trong việc phát triển hiểu biết đúng về bất kể thực tại nào xuất hiện hiện giờ. Đức Bồ tát đã không lay chuyển trong quyết định vun bồi chánh kiến của mình. Khi bị đặt vào những thử thách cam go, Ngài cũng không muốn gì hơn ngoài việc phát triển trí tuệ. Chúng ta thường quên đi điều gì là thực sự đáng giá trong cuộc đời mình. Trí tuệ quý báu hơn bất kể của cải, danh vọng hay sự tán dương nào.

Chúng ta được học rằng cái mà mình vẫn cho là một con người hay tự ngã chỉ là danh và sắc. Chúng ta thường được Achaan nhắc nhở rằng mình có thể nói có danh và sắc nhưng đặc tính của chúng chỉ có thể được biết tại khoảnh khắc mà chúng xuất hiện. Vậy thì chúng ta không cần đến từ “danh và sắc”, chúng ta không phải nghĩ về chúng. Có một thực tại kinh nghiệm và một thực tại được kinh nghiệm. Chúng ta hầu như chỉ chú tâm đến đối tượng được kinh nghiệm nhưng chúng ta nên nhớ rằng nếu không có thực tại kinh nghiệm, sẽ không có gì xuất hiện, sẽ không có thế giới.

Achaan muốn giúp chúng ta hiểu về đặc tính xuất hiện hiện giờ thay vì việc suy nghĩ về nó. Khi chúng ta nghĩ về cái thấy và đối tượng thị giác, chúng ta chỉ biết về các khái niệm chỉ thực tại. Achaan nói:

“Chúng ta không cần phải nói rằng cái thấy là danh, đối tượng thị giác là sắc. Không cần thiết phải nói ra điều này, bởi lẽ đó chỉ là nhớ lại các thuật ngữ mà ta đã nghe nhiều và nghĩ về nó. Nhưng còn khoảnh khắc này của cái thấy thì sao? Nó rất thực bởi vì bất cứ cái gì được thấy sẽ được thấy ngay bây giờ và cái được thấy không phải là cái kinh nghiệm hoặc cái thấy nó. Chúng ta không cần phải nói: Danh là cái thấy và sắc là cái được thấy. Điều này không cần thiết. Đó không phải là cách để hiểu về nó. Con đường để hiểu về nó là biết rằng khi có cái thấy sinh khởi hiện giờ thì đó là cái thấy. Nó thấy gì và cái gì được thấy? Cái được thấy thì không phải là cái thấy. Do vậy, có sự khởi đầu của việc hiểu về bản chất của một thực tại có thể được thấy chỉ là cái có thể được thấy và không phải là cái có thể được nghe”.

Achaan luôn nhắc nhở chúng ta rằng: “Có cái thấy sinh khỏi hiện giờ, cái thấy thấy đối tượng thị giác”. Ngay lập tức, chúng ta nghĩ về hình, dáng của đồ vật và chúng ta không biết phân biệt giữa cái thấy và suy nghĩ về cái được thấy. Các tâm sinh và diệt nối tiếp nhau nhanh đến mức tưởng chừng các tâm như cái thấy và suy nghĩ về hình, dáng xảy ra đồng thời, nhưng trên thực tế các loại tâm khác nhau sinh khởi trong các tiến trình khác nhau. Có nhiều tâm sinh và diệt giữa cái thấy và suy nghĩ về hình, dáng của một cái gì đó, suy nghĩ về đồ vật và con người mà chúng ta tin rằng mình nhìn thấy. Khi sắc là đối tượng thị giác hay màu sắc tiếp xúc với sắc là nhãn căn trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, có duyên cho cái thấy khởi sinh.

Achaan nói:

“Nếu không có thực tại kinh nghiệm, nhận biết đối tượng, không gì có thể xuất hiện. Người ta chỉ chú ý đến cái được kinh nghiệm chứ không chú ý đến cái kinh nghiệm. Yếu tố kinh nghiệm, nhận biết có thể được hiểu chỉ là một thực tại. Nếu không có nó sẽ không có thế giới, không gì có thể xuất hiện. Nhờ hiểu được điều này từng chút một, người ta có thể biết rằng tại khoảnh khắc của cái thấy, cái thấy không phải là đối tượng thị giác mà là cái thấy một thực tại, nó không có hình dạng. Bây giờ, nó đang thấy. Rất khó để hiểu điều này bởi vì chúng ta đã tích lũy thật nhiều vô minh. Chúng ta chỉ học về các khái niệm. Đến một lúc, chúng ta có thể hiểu trí tuệ (paññā) là gì. Phải là hiểu biết đúng về bất cứ cái gì xuất hiện hiện giờ, nếu không sẽ không phải là trí tuệ, nó không hiểu bản chất của thực tại xuất hiện. Sẽ chỉ là suy nghĩ, mơ về những thứ khác nhau. Chúng ta có thể có cái hiểu về lý thuyết khi nói rằng “cái được thấy là đối tượng thị giác và rồi có suy nghĩ về khái niệm”. Vậy còn bây giờ? Chính là thời điểm để hiểu về sự khác biệt giữa cái được thấy và cái là đối tượng của suy nghĩ, cho cái được thấy là cái gì đó. Suy nghĩ về hình và dạng không phải là suy nghĩ bằng ngôn từ. Không phải lúc nào suy nghĩ cũng bằng từ ngữ.”.

Có vẻ như biết rằng cái thấy kinh nghiệm đối tượng thị giác và đối tượng thị giác là cái được thấy thì rất đơn giản. Nhưng đó có thể đơn thuần chỉ là hiểu biết về lý thuyết. Hiểu lý thuyết hoàn toàn khác với hiểu trực tiếp về cái xuất hiện tại khoảnh khắc hiện tại. Achaan nói: “Và bây giờ thì sao?”. Đặc tính khác biệt của từng pháp cần phải được chứng ngộ ở thời điểm mà chúng xuất hiện, ngay hiện giờ. Xuyên thấu đặc tính của các pháp  xuất hiện quan trọng hơn là chỉ nhớ tên của chúng. Bất kể cái gì xuất hiện cần phải được hiểu chỉ là một pháp, để chúng ta thực sự bị thuyết phục bởi thực tế rằng thực sự chỉ có các pháp, không có con người hay đồ vật. Các pháp không tồn tại kéo dài, chúng chỉ hiện diện trong một thời gian vô cùng ngắn ngủi. Không ai có thể làm cho duyên sinh.

Khi chúng tôi từ Korat về Bangkok, chúng tôi đã dừng lại trên đường ghé qua Toscana Village để Pháp đàm và ăn trưa. Phong cảnh đồi núi ở đây tương tự như ở Toscane, miền Bắc nước Ý. Khu vực này được thiết kế địa hình bậc thang và có rất nhiều cây hoa. Sau buổi Pháp đàm, chúng tôi thưởng thức bữa trưa theo phong cách Ý. Khi nhìn ra ngoài vườn, nghe thảo luận Pháp hay nếm vị thức ăn, các đối tượng ngũ quan khác nhau in dấu lên các căn môn và ý môn. Chúng ta không ngừng diễn giải cái mình thấy, nghe hay kinh nghiệm thông qua các căn môn khác. Điều này có thể so sánh với việc đọc. Khi chúng ta đọc một cuốn sách, đối tượng thị giác được thấy, chúng ta thấy màu đen, trắng và rồi chúng ta hiểu các chữ cái và diễn giải ra ý nghĩa của chúng. Cũng vậy, chỉ có cái thấy, cái nghe, ngửi, nếm, xúc chạm và sau đó chúng ta suy nghĩ về cái được kinh nghiệm. Đó là cuộc sống của chúng ta: cái thấy và diễn giải về cái được thấy, cái nghe và diễn giải về cái được nghe.

Chúng ta phải suy xét kỹ lưỡng và hiểu từng từ của Giáo lý, dù chỉ là một từ, ví dụ từ “pháp”. Pháp là thực tại có đặc tính riêng của nó mà không thể bị thay đổi thành một cái gì đó khác. Khi chúng ta dính mắc vào các khái niệm được diễn tả bằng các từ ngữ quy ước như “cái cây” hay “cái ghế”, chúng ta không kinh nghiệm đặc tính của thực tại. Cái gì là thực khi chúng ta nhìn thấy một cái cây? Cái gì có thể được kinh nghiệm trực tiếp? Đối tượng thị giác là một pháp chân đế, một thực tại; nó là một loại sắc có thể được kinh nghiệm trực tiếp qua mắt. Qua xúc chạm, cái cứng có thể được kinh nghiệm; đây là một loại sắc có thể được kinh nghiệm trực tiếp qua thân căn, nó là thật. Đối tượng thị giác và tính cứng là các pháp chân đế, chúng có những đặc tính riêng có thể được kinh nghiệm trực tiếp. Chúng ta có thể đặt cho chúng những cái tên khác nhưng đặc tính của chúng thì không thể thay đổi. Chúng chỉ xuất hiện trong một khoảnh khắc và rồi diệt đi ngay. Chúng không thể kiểm soát được. “Cái cây” là một khái niệm hay một ý niệm mà chúng ta có thể nghĩ về, nhưng nó không phải là một pháp chân đế, không phải là một thực tại có đặc tính riêng không thể thay đổi, sinh và rồi diệt ngay. Các thực tại tối hậu cần phải được phân biệt rõ ràng với các khái niệm hay ý niệm, cái là đối tượng của suy nghĩ.

Hiểu Giáo lý về mặt lý thuyết là cần thiết nhưng như vậy thì chưa đủ. Đó chỉ là sự dẫn dắt đến cái hiểu trực tiếp. Những gì Đức Phật dạy liên quan đến khoảnh khắc hiện tại. Chỉ có thực tại hiện khởi mới có thể được hiểu, không phải cái gì thuộc về quá khứ hay vị lai. Đó là lý do vì sao Achaan luôn nhấn mạnh đến cái thấy hiện giờ, đối tượng thị giác hiện giờ. Những yếu tố này có các đặc tính xuất hiện và có thể được biết đến mà không cần phải nghĩ về tên gọi của chúng. Có thể có sự khởi đầu của việc suy xét về những gì xuất hiện tại khoảnh khắc này cho dù chưa thể chuẩn xác được.

Đối tượng thị giác được kinh nghiệm bởi nhãn thức không diệt đi khi nhãn thức diệt đi bởi vì nó là sắc; sắc không diệt nhanh như danh. Khi một đối tượng được kinh nghiệm qua một trong sáu môn, không chỉ có một tâm kinh nghiệm đối tượng đó mà còn có một chuỗi hay một lộ trình các tâm nối tiếp nhau cùng kinh nghiệm một đối tượng. Khi nhãn thức diệt đi nó được nối tiếp bởi các tâm quả khác và sau khi các tâm này diệt đi sẽ có các tâm thiện hoặc bất thiện sinh khởi. Tâm thiện hoặc bất thiện sinh khởi bởi những duyên riêng: thiện và bất thiện sinh khởi trong quá khứ và đã được tích lũy từ tâm này sang tâm kế tiếp tạo duyên cho sự sinh khởi của thiện và bất thiện pháp trong hiện tại. Chúng ta không thể làm gì cả, các tâm sinh khởi bởi những duyên riêng của chúng, nhưng rồi trí tuệ có thể hiểu bản chất thực sự của các thực tại và duyên sinh của chúng.

Sau khi các tâm của lộ trình ngũ môn diệt đi, lộ trình ý môn nối tiếp sẽ kinh nghiệm đối tượng thị giác qua ý môn. Sau đó sẽ có các lộ trình ý môn khác có thể suy nghĩ về khái niệm. Đức Phật dạy về các tâm sinh khởi trong lộ trình theo một thứ tự nhất định để người ta có thể thấy rằng các tâm nằm ngoài sự kiểm soát, không ai có thể thay đổi trật tự này được.

Achaan nói: “Khi cái thấy sinh khởi, ai biết được rằng đó là tâm quả, và khi suy nghĩ sinh khởi, ai biết được liệu nó là thiện hay bất thiện? Các đặc tính của chúng khác nhau, người ta có thể thấy sự khác biệt không phải từ việc gọi tên chúng. Có thể có hiểu biết rằng cái thấy khác với thiện hay bất thiện. Giống như hiện giờ: cái thấy thấy và suy nghĩ nghĩ. Có thể có sự khởi đầu của hiểu biết rằng hai yếu tố đó thật sự khác nhau. Hiểu biết có thể tăng trưởng từ việc suy xét. Ta có thể biết rằng thiện thì khác với vô minh, rằng sự dính mắc thì khác với xả ly. Không có quy định theo đó “tôi” cần phải làm việc này hay việc kia để có nhiều thiện pháp hơn”.

Trước khi các đặc tính của thiện và bất thiện có thể được biết một cách tường tận, chúng cần phải được hiểu “chỉ là một pháp”. Như Achaan đã chỉ ra, các đặc tính khác nhau của thực tại có thể được biết không phải từ việc gọi tên chúng. Khi định danh chúng, chúng ta chỉ nghĩ về chúng thay vì xuyên thấu các đặc tính thực sự của chúng.

Chúng ta không nên mong đợi sự sinh khởi của thiện pháp và trí tuệ, đó là dính mắc. Khi có hiểu biết rằng tất cả các tâm là do duyên sinh, điều đó sẽ giúp giảm bớt dính mắc vào các thực tại là ngã. Đức Phật đã dạy về các thực tại để chúng ta có thể phát triển hiểu biết riêng của mình thay vì nghe theo những gì Ngài dạy một cách mù quáng.

Khi quay lại Bangkok, chúng tôi đã có cả ngày Pháp đàm trên thuyền. Một người bạn của Pinna đã rất tốt bụng mời chúng tôi chuyến du thuyền này kèm  bữa ăn trưa. Chúng tôi đi qua ngôi chùa có tên là Bình Minh (Wat Arun) và ngắm cảnh quen thuộc của các tòa nhà và những cây cầu, nhưng không phải từ một khoảng cách xa mà từ chính dòng sông. Sau bữa ăn ngon miệng, chúng tôi rời khỏi thuyền đi dạo bộ và ngắm nhìn màu sắc sặc sỡ từ các quầy hàng. Khi nhận biết những màu sắc ấy, chúng ta thực chất đang suy nghĩ, suy nghĩ không dùng đến ngôn từ. Ngay cả khi chúng ta không suy nghĩ thành từ ngữ, đối tượng của tâm có thể vẫn là khái niệm. Một số quầy hàng  trưng bày  sống động những con vật đồ chơi biết đi. Điều ấy đã tạo duyên cho sự tưởng tượng của chúng tôi: có thể có suy nghĩ về cả một câu chuyện, về một con vật thật biết đi. Suy nghĩ đang dẫn dắt chúng tôi xa rời thực tại. Người ta mời chúng tôi dùng thử trà thảo dược trong những cái tách nhỏ và giải thích rằng những loại thảo dược này có thể chữa được một số bệnh ốm đau. Achaan cũng đi bộ qua và rồi đứng lại để thuyết giảng một lúc về các thực tại xuất hiện hiện giờ, bà không bao giờ mệt mỏi.

Một số người chúng tôi phải bắt thuyền nhỏ hơn để trở lại khách sạn Peninsula. Vị thuyền trưởng nhìn với vẻ đồng tình về dòng chữ được viết ở mặt sau áo của chúng tôi: “Làm thiện và nghiên cứu Giáo pháp”. Ông ấy đã từng là một vị sư, thậm chí còn là sư trụ trì trong mười năm, và ông ấy nói về việc hành thiền. Tôi cố gắng giải thích về việc tìm hiểu các thực tại có thể được nhận biết bất kể ở nơi đâu. Không cần thiết phải đến một nơi yên tĩnh, các thực tại để nghiên cứu luôn ở trong và xung quanh chúng ta. Con tàu này rất ồn, không yên tĩnh lắm nhưng chúng tôi vẫn có thể thảo luận Pháp, thảo luận về đối tượng thị giác xuất hiện qua mắt, âm thanh xuất hiện qua tai và nhiều thực tại khác. Thật là một kết thúc tốt đẹp của ngày.

******

[1] King of the Devas. Vua của Chư thiên

Leave a Reply

Translate »