Nương nhờ Giáo Pháp của Đức Phật. Chương 8: Phát triển tuệ giác một cách tự nhiên

Chương 8

Phát triển tuệ giác một cách tự nhiên

Buổi pháp đàm tại Pnompenh (Phần 2)

Khun Sujin: Không có phương pháp cụ thể nào cần được theo đuổi để phát triển tứ niệm xứ. Hiểu biết có được nhờ nghe Pháp đã được tích lũy từ trước làm duyên cho chánh niệm hay biết các đặc tính của thực tại xuất hiện bây giờ. Hiểu biết về các thực tại xuất hiện tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày có thể được phát triển. Không cần thiết phải hỏi nên theo đuổi phương pháp thực hành nào. Nếu tại thời điểm này không có hiểu biết thì vẫn cần tiếp tục lắng nghe Giáo pháp thêm nữa để có thêm hiểu biết. Bằng cách ấy mọi người sẽ biết khoảnh khắc nào có chánh niệm và khoảnh khắc nào không có chánh niệm. Nếu một người nghĩ đến việc thực hành trong tương lai thì có nghĩa là không có chánh niệm. Thực tại đã xuất hiện rồi nhưng người ấy không nhận ra. Thật vô ích khi nghĩ về tương lai vẫn còn chưa tới. Nếu ai đó nghĩ rằng mình sẽ thực hành trong tương lai, người ấy không biết rằng tại khoảnh khắc này có thực tại cần được hiểu. Sẽ không ích lợi gì khi băn khoăn chúng ta phải làm gì, phải thực hành như thế nào. Chánh niệm có thể hay biết cái thấy hiện tại, cái là thực, hoặc hay biết cái nghe hiện tại, cái là thực. Nó có thể hay biết thực tại như tính chất cứng hoặc mềm được kinh nghiệm do sự xúc chạm, như suy nghĩ, cảm giác hạnh phúc, bất hạnh hay cảm thọ trung tính, cảm thọ khổ hoặc lạc trên thân. Tất cả những hiện tượng này đều là thực và đều có thể là đối tượng của chánh niệm.

Chúng ta không cần trì hoãn phát triển hiểu biết, chúng ta không nên tin rằng phải làm cái gì đó đặc biệt trước đã. Tại thời điểm này có cái thấy đang kinh nghiệm cái xuất hiện qua nhãn môn. Có thể có chánh niệm về cái thấy. Đặc tính của cái thấy là danh, yếu tố kinh nghiệm đối tượng. Chúng ta có thể thấy, chúng ta khác với một người chết mặc dù vẫn có mắt nhưng không thể thấy, không thể nhận ra cái bàn hay cái ghế. Chúng ta có thể thấy chừng nào vẫn còn sống và chưa bị mù. Vào thời điểm này có cái thấy và đó chỉ là một sát-na tâm. Không ai có thể tạo ra cái thấy, nó sinh khởi bởi các duyên tướng ứng của nó. Tâm là cái thấy khác với tâm là cái nghe. Chúng ta cần phải nhớ rằng có những thực tại khác nhau. Dần dần chúng ta có thể hiểu được các đặc tính của tâm là cái thấy ở giây phút hiện tại. Trí tuệ chưa thể hiểu rõ ràng lúc khởi đầu. Nếu ai đó băn khoăn liệu có vô minh hay không, câu trả lời là: vô minh không biết cái thấy chỉ là cái thấy khi nó đang xuất hiện, tức là nó không biết bản chất thật của cái đang xuất hiện hiện giờ. Trí tuệ là sự đối nghịch của vô minh; trí tuệ hiểu các thực tại, trong khi ấy vô minh thì không biết gì cả.

Cái thấy sinh khởi bởi những duyên thích hợp của nó. Khi chánh niệm hay biết cái thấy thì tại thời điểm ấy, trí tuệ có thể hiểu bản chất của nó, nó có thể hiểu rằng đó là một loại thực tại. Chánh niệm và trí tuệ sinh và diệt cùng nhau rất nhanh chóng. Chúng chỉ sinh khởi khi có nhân duyên cho chúng sinh khởi. Không ai có thể cố khiến chúng phát sinh, nhưng chúng có thể được phát triển một cách từ từ. Sự phát triển của chánh niệm và trí tuệ cần một thời gian rất dài. Khi chánh niệm mới sinh khởi, không ai có thể có ngay được hiểu biết rõ ràng về thực tại.

Để có thể đạt được quả vị Phật, Đức Phật đã phải bồi bổ “ba la mật” từ khi Đức Phật Nhiên Đăng đã thọ ký cho Ngài trở thành vị Phật tương lai, Ngài đã phải tích lũy những ba la mật ấy trong bốn a tăng tì kiếp và một trăm ngàn đại kiếp. Ngài Ananda cũng đã phải tích lũy các ba la mật trong một trăm ngàn đại kiếp. Vậy, tại sao mọi người lại hỏi họ cần phải thực hành như thế nào? Nếu ai đó hỏi những câu hỏi như vậy, điều ấy chỉ ra rằng người ấy đang muốn hiểu trực tiếp ngay lập tức thực tại xuất hiện ở thời điểm hiện giờ, tuy nhiên điều ấy là không thể.

Người phát triển Bát chánh đạo cần phải tự biết, người ấy cần phải trung thực với chính mình. Tại thời điểm có vô minh, người ấy không hiểu thực tại, và tại thời điểm có chánh niệm sinh khởi, người ấy có thể biết rằng có chánh niệm hay không. Khi chánh niệm sinh khởi, nó hay biết thực tại xuất hiện tự nhiên trong cuộc sống. Tại thời điểm này, cái thấy đang sinh khởi tự nhiên. Chúng ta có thể thẩm sát một cách đúng đắn cái thấy là gì, chúng ta có thể hiểu rằng đó chỉ là một loại thực tại. Ở khoảnh khắc đó có chánh niệm sinh khởi cùng với cái hiểu tư duy. Khi có cái hiểu trực tiếp đặc tính của cái thấy là danh thì được gọi là tứ niệm xứ. Ở những khoảnh khắc ấy, có hiểu biết đặc tính của thực tại như chúng là, nhưng hiểu biết chưa thể thấu đáo và rõ ràng ngay lập tức. Trí tuệ cần phải được phát triển dần dần. Những người phát triển hiểu biết không có chút nghi ngờ về việc nếu chánh niệm không sinh khởi và không hay biết đặc tính của thực tại, trí tuệ sẽ không thể phát triển, và như vậy đặc tính của thực tại không thể được hiểu một cách rõ ràng. Vì thế, người ấy cần phải phát triển tứ niệm xứ một cách tự nhiên trong cuộc sống hằng ngày của mình. Người ấy nhận ra rằng có những khoảnh khắc chánh niệm có thể hay biết thực tại, nhưng cũng có những khoảnh khắc chánh niệm không sinh khởi, tuy thế người ấy không mong muốn cố làm chánh niệm phát sinh. Người ấy biết rằng chánh niệm không sinh khởi bởi ta mong muốn có nó. Mỗi nhân đều mang đến một kết quả tương ứng. Nếu ai đó có tác ý làm thiện pháp thì người ấy cần phải bắt đầu tại giây phút này. Nếu người ấy không muốn sân hận, ngay thời điểm này người ấy cần phải bớt xu hướng giận dữ. Thiện pháp cần phải được phát triển chứ không sinh khởi theo mong muốn của ta. Nếu một người muốn phát triển trí tuệ thì người ấy cần hay biết đặc tính của thực tại một cách tự nhiên, và không thể có ý niệm về “tôi” hay cái ngã đang hay biết. Khi chánh niệm sinh khởi và hay biết các thực tại, chúng ta có thể thấy rằng đã có chánh niệm, và không cần thiết phải làm điều gì đặc biệt để có được chánh niệm. Không có gì khác cần phải làm ngoại trừ dần vun bồi hiểu biết về đặc tính của các thực tại.

Ai đó có thể cảm thấy thỏa mãn với hiểu biết của mình hay với sự sinh khởi của chánh niệm, nhưng khi ấy có sự dính mắc, và người ấy cần từ bỏ sự dính mắc ấy. Chúng ta không nên hy vọng sẽ có chánh niệm sinh khởi trong tương lai, cũng như không nên dính mắc vào chánh niệm đã sinh khởi rồi, đó là sự thực hành sai. Con đường thực hành đúng đắn là phát triển hay biết các thực tại khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên. Khi có thực hành đúng, sẽ không có dính mắc hay sân hận với thực tại xuất hiện, bởi vì thực tại đó không phải là “ta”, của ta hay tự ngã. Không phải chỉ trong cuộc đời này mới có sự dính mắc vào khái niệm về “ta” hay ngã, mà trong vô vàn kiếp sống đã có sự dính mắc ấy. Làm sao hôm nay chúng ta có được ngay lập tức cái hiểu rõ ràng các đặc tính của danh và sắc? Nếu vẫn chưa nghe nhiều và có sự suy xét đầy đủ về Giáo pháp thì không thể có được tuệ giác về sự sinh và diệt của thực tại khi hay biết thực tại ấy. Mỗi khi Đức Phật giảng Pháp, có rất nhiều người xuyên thấu được Tứ Thánh Đế, nhưng điều này không có nghĩa là tất cả những người nghe đều có thể đạt giác ngộ. Những người đã đạt được giác ngộ ở mức độ của vị A la hán ít hơn số người đạt được giác ngộ ở mức độ của vị thánh Bất lai, cũng như vậy, số người trở thành thánh Bất lai thì ít hơn số người đạt được quả vị Nhất lai, tầng thánh thứ hai. Và những vị thánh Nhất lai cũng ít hơn số người đạt được giai đoạn thứ nhất của giác ngộ, vị thánh Dự lưu. Những người đã trở thành vị Thánh Dự lưu thì cũng ít hơn số người không đạt được bất kỳ tầng giác ngộ nào. Nghe và suy xét về Pháp không bao giờ đủ. Tất cả mọi người cần phải tiếp tục nghe Pháp và suy xét về những gì đã được nghe.

Khi đọc những câu chuyện về các tiền kiếp của các vị đệ tử của Đức Phật, chúng ta thấy rằng có những người, mặc dù đã nghiên cứu toàn bộ Tam Tạng và Chú giải, vẫn chưa xuyên thấu được Tứ Thánh Đế. Vì thế, sẽ vô ích nếu tự hỏi khi nào thì mình sẽ hiểu được thực tại. Bên cạnh đó, ta không nên hỏi người khác liệu mình sẽ có được trí tuệ sau một thời gian dài phát triển hay chỉ trong một thời gian ngắn mà thôi. Mỗi người cần phải tự biết tại thời điểm này, chánh niệm có hay biết thực tại đang xuất hiện hay không. Mọi người cần tự mình biết sự thực, và người ấy phải trung thực với quá trình vun bồi trí tuệ của bản thân. Con đường duy nhất cần theo đuổi là phát triển hiểu biết từng chút từng chút một.

        Buth Sawong: Liên quan đến việc thực hành Giáo pháp, mọi người đã nghe Pháp thấy rằng thực tại sinh và diệt quá nhanh. Họ nói rằng, vì vậy họ không thể hiểu chúng một cách rõ ràng. Dường như họ vẫn thấy chúng sinh và con người, chứ không phải là các đối tượng thị giác, vì các thực tại khác nhau sinh và diệt quá nhanh. Họ cảm thấy rằng họ không đủ nhanh để có thể hiểu được các thực tại khác nhau.

        Khun Sujin: Họ không đủ nhanh để hiểu các thực tại hay là họ không hiểu chúng chút nào cả?

        Buth Sawong: Họ biết về các thực tại ấy như là chúng sinh, con người và ngã.

        Khun Sujin: Có phải vấn đề là ở chỗ quá chậm để hiểu thực tại hay đơn giản chỉ là không hiểu các thực tại chút nào?

        Buth Sawong: Quả thực, họ không hiểu các thực tại chút nào chứ không phải là vấn đề quá chậm để bắt được thực tại ấy.

        Khun Sujin: Đúng như vậy. Tại thời điểm này các thực tại đang xuất hiện với tất cả chúng ta vì chúng ta đang thức. Có cái thấy, nhưng liệu có hiểu biết biết rằng cái thấy chỉ là một thực tại kinh nghiệm cái gì đó, rằng không có một cái tôi nào đang thấy hay không? Cái được kinh nghiệm qua mắt là đối tượng thị giác đang xuất hiện. Hiện giờ đã có hiểu biết hay chưa? Chúng ta không nên tìm cái đang xuất hiện qua mắt vì nó đã ở đó rồi. Tại giây phút này thực tại đang xuất hiện nhưng chúng vẫn chưa được biết như chúng là. Tuy nhiên, điều này không phải là do quá chậm để có thể nắm bắt chúng. Vì vậy mọi người không nên nói rằng họ quá chậm để có thể hiểu pháp; họ chỉ có được cái hiểu về mặt lý thuyết rằng sự thực các thực tại đang sinh và diệt rất nhanh. Tại thời điểm này, thực tại đang sinh và diệt, và không có ích gì khi nghĩ rằng ta quá chậm để nhận ra điều ấy. Chỉ trí tuệ đã được phát triển thì mới có thể chứng ngộ được sự thực về vô thường. Cái đã diệt thì đã diệt rồi, không ai có thể thay đổi sự thực ấy. Trong lúc người nào đó nghĩ rằng họ quá chậm để nhận ra được sự diệt đi của thực tại thì thực tại đã sinh và diệt rồi. Cách duy nhất cần theo đuổi là phát triển hiểu biết về các đặc tính của những gì xuất hiện tại thời điểm hiện giờ, và không nên trì hoãn. Đó là cách để kiểm tra hiểu biết nơi mình, để tìm ra rằng liệu đã có hiểu biết đặc tính thực sự của các thực tại hay chưa. Nếu ai đó dần dần có thêm hiểu biết về các thực tại, điều ấy có nghĩa rằng trí tuệ đang phát triển.

Phải chăng chúng ta có đang muốn đạt giác ngộ mà không cần biết đặc tính của các thực tại đang sinh khởi tại giây phút này như chúng là? Điều ấy là không thể. Chừng nào ai đó vẫn chưa xuyên thấu được sự thực về các thực tại đang xuất hiện hiện giờ, người ấy không nên tin rằng mình sẽ chứng ngộ được Tứ Thánh Đế, rằng mình sẽ đạt được niết bàn. Tất cả mọi người đều có thể nhắc lại Giáo lý mà mình đã được nghe, người ấy có thể nhắc đi nhắc lại rằng các thực tại sinh khởi do duyên, rằng các thực tại đã sinh khởi có thể được kinh nghiệm. Tuy nhiên, tại giây phút này thì có cảm giác cứng qua xúc chạm, liệu mọi người có được hiểu biết trực tiếp về sự thực này, tức là về tính cứng đang được kinh nghiệm nhờ sự xúc chạm, xuất hiện bởi vì nó đã sinh khởi hay không? Rằng nếu tính cứng không sinh khởi thì nó sẽ không được kinh nghiệm bởi sự xúc chạm? Tất cả mọi người đều chạm vào cái này hay cái khác và nếu chánh niệm không sinh khởi, mọi người sẽ nghĩ rằng đó là cái bàn hay một cái tay đang kinh nghiệm sự xúc chạm. Nhưng khi chánh niệm sinh khởi, nó có thể hay biết đặc tính cứng, nhưng điều ấy không có nghĩa rằng trí tuệ có thể xuyên thấu được bản chất thực của thực tại ngay lập tức. Chúng ta cần phải nhớ những lời dạy của Đức Phật mà chúng ta đã đọc trong kinh điển, về việc thường xuyên chánh niệm, lặp đi lặp lại. Chỉ khi có chánh niệm thường xuyên thì nó mới có thể hiểu được rằng tính cứng chỉ là một loại sắc, khác với thực tại kinh nghiệm tính cứng là danh. Khi đã thường xuyên có chánh niệm về đặc tính của danh và sắc, trí tuệ có thể trở nên sắc bén hơn và đạt được đến mức độ của tuệ minh sát, và vào thời điểm ấy thì thực tại xuất hiện như chúng thực là. Tuy nhiên điều đấy không có nghĩa là sự sinh và diệt của các thực tại có thể được xuyên thấu một cách ngay lập tức. Trong quá trình phát triển của trí tuệ, có nhiều giai đoạn tuệ giác, và sự sinh diệt của thực tại thì không được liễu ngộ ngay tại tuệ minh sát thứ nhất, mà mãi về sau. Khi một người cho rằng người ấy có thể ngay lập tức thấy được sự sinh diệt của các thực tại thì người ấy đang đi con đường phi đạo. Người ấy không nên nghĩ đến việc có đủ thời gian để “nắm bắt” được sự sinh diệt của thực tại. Người ấy phải bắt đầu hiểu biết các đặc tính của loại thực tại đang kinh nghiệm gì đó, danh và đặc tính của loại thực tại không kinh nghiệm gì cả, sắc. Người ấy phải bắt đầu hay biết các thực tại xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Chỉ có sáu cánh cửa giác quan mà qua đó thực tại xuất hiện, nhưng vô minh thì không thể hiểu được điều ấy.

Đức Phật đã dạy Giáo pháp rất chi tiết trong 45 năm, Người đã dạy Vinaya (Tạng luật), Suttanta (Tạng Kinh) và Abhidhamma (Tạng Vi Diệu Pháp). Ngài đã dạy Giáo pháp một cách rất chi tiết, bởi vì Ngài biết lượng vô minh khổng lồ của chúng ta. Thực tại chỉ có danh và sắc, nhưng Đức Phật đã dạy nhiều khía cạnh của chúng. Ngài dạy tứ niệm xứ để ta có thể hiểu được thực tại chỉ là vô ngã. Chẳng hạn, ngài dạy niệm thọ để ta biết sự thực về các loại cảm thọ khác nhau. Trong đó có thọ hỷ, thọ ưu, thọ xả và thọ khổ, thọ lạc trên thân, tất cả đều không phải là “ta”, là ngã. Bây giờ, chúng ta có thể nhận thấy rằng có nhiều loại danh và sắc, các thực tại xuất hiện qua mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và ý. Cảm thọ sinh khởi mỗi lúc có cái thấy, cái nghe, cái nếm, cái ngửi hay kinh nghiệm đối tượng xúc chạm hay suy nghĩ.

Khi chúng ta xem xét thực tại của cảm thọ, chúng ta thấy chúng có nhiều loại khác nhau. Nhưng ngoài cảm thọ ra cũng có những thực tại khác, chẳng hạn như tham, sân, sự ghen tỵ, bủn xỉn, và nhiều loại tâm sở bất thiện khác. Bên cạnh ấy cũng có nhiều loại tâm sở thiện (tâm sở tịnh hảo). Tất cả những thực tại này đều sinh diệt theo nhân duyên tương ứng. Trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta có nhiều sự thất niệm và vô minh khi không có chánh niệm hay biết đặc tính của các thực tại đang xuất hiện.

        Buth Sawong: Tôi nhận được một câu hỏi từ ai đó hỏi rằng một người thực hành tứ niệm xứ cần phải làm gì khi người ấy kề cận cái chết?

        Khun Sujin: Không có ai cả, không có cái ngã nào có thể làm gì. Chỉ có tâm, tâm sở và sắc sinh khởi liên tục theo duyên riêng của chúng.

        Buth Sawong: Ở thời điểm lâm chung và sắc đã diệt đi, danh cũng diệt đi. Vậy cái gì sẽ sinh?

        Khun Sujin: Sẽ lại có sự sinh khởi của danh và sắc. Có phải rằng chỉ một khoảnh khắc trước thì danh và sắc đã diệt đi không?

        Buth Sawong: Đúng là như vậy

        Khun Sujin: Và như vậy lại có sự sinh khởi của danh và sắc?

        Buth Sawong: Đúng vậy

        Khun Sujin: Danh và sắc sinh khởi và diệt đi hoàn toàn do duyên, luôn như vậy. Nếu danh và sắc không sinh khởi thì chúng ta đã không ngồi ở đây.

        Buth Sawong: Khi tôi và những người thân của mình tới gặp bà tại sân bay, bạn đã nói với chúng tôi rằng chúng tôi có trí tuệ. Trí tuệ bà nói đến đó là ở khía cạnh nào?

        Khun Sujin: Những người thân của bạn đã nghe Pháp mà bạn giải thích trong các bài giảng của bạn trước khi đến gặp tôi, có đúng ko?

        Buth Sawong: Đúng là họ cũng có nghe

        Khun Sujin: Nếu họ không có chút hiểu biêt nào từ cái nghe, liệu họ có nghe tiếp hay không?

        Buth Sawong: Họ đã nghe và có được cái hiểu từ cái đã được nghe.

        Khun Sujin: Đó chính là trí tuệ, trí tuệ là cái hiểu!

Comments are closed.

Translate »