Tìm hiểu mười Ba la mật – Chương 5: Tinh Tấn Ba la mật

Chương 5

Tinh Tấn Ba la mật

Chú giải “Hạnh tạng” định nghĩa về tinh tấn như sau:

Tinh tấn có đặc tính nỗ lực, chức năng/phận sự của tinh tấn là củng cố; biểu hiện/thành tựu của tinh tấn là không mệt mỏi; cận nhân của tinh tấn là một cơ hội cho tinh tấn hay trạng thái khẩn cấp tu niệm

Tâm sở tinh tấn sinh kèm với hầu hết các tâm, ngoại trừ mười sáu tâm vô nhân, tức là các tâm không sinh kèm với các nhân thiện hay bất thiện. Như vậy, bất cứ khi nào tâm tham thọ hỷ về một đối tượng sinh khởi, có tâm sở tinh tấn sinh kèm với tâm ấy và đảm nhận chức năng của nó là nỗ lực dính mắc và hoan hỷ với đối tượng ấy. Dù tâm là thiện hay bất thiện, luôn có tâm sở tinh tấn sinh kèm với nó. Khi tâm bất thiện sinh khởi, tâm sở tinh tấn chính là nỗ lực cho bất thiện pháp, còn khi tâm thiện sinh khởi, tâm sở tinh tấn đảm nhận chức năng nỗ lực cho thiện pháp.

Mỗi loại thiện pháp cần có tinh tấn cho sự sinh khởi của nó và khi tinh tấn ấy được vun bồi, nó có thể trở thành tinh tấn ba la mật. Khi chánh niệm sinh khởi hay biết các đặc tính của các pháp chân đế đang xuất hiện, không có mình hay tự ngã nào cố gắng chánh niệm, mà chính là chức năng của chánh tinh tấn, sammā-vāyāma. Chánh tinh tấn hay tâm sở tinh tấn sinh khởi với chánh niệm và nỗ lực tìm hiểu, ghi nhận, chú ý tới thực tại đang xuất hiện. Chánh tinh tấn là tinh tấn hay nhiệt tâm để trí tuệ hiểu rằng cái xuất hiện qua mắt chỉ là một loại sắc không tồn tại kéo dài; hoặc rằng pháp là cái thấy chỉ là một giới (dhatu), một đặc tính của danh pháp kinh nghiệm cái xuất hiện qua mắt. Chính tinh tấn ba la mật là pháp nỗ lực nghiên cứu các đặc tính của các thực tại xuất hiện, từng thứ một. Bất kể tinh tấn ba la mật sinh khởi cùng tứ niệm xứ có mặt thường xuyên hay không, tinh tấn ấy có tính chất không mệt mỏi với nhiệm vụ nghiên cứu và ghi nhận các thực tại hiện khởi. Khi tinh tấn sinh khởi, chúng ta không nản chí; tinh tấn luôn đảm nhận nhiệm vụ của mình kể cả khi tiến trình vun bồi trí tuệ rất chậm chạp và khó khăn.

Tinh tấn ba la mật là vô cùng quan trọng và nó cần được phát triển song song với các ba la mật khác để tích lũy đủ duyên cho việc cập bến giác ngộ, tức là chứng đắc niết bàn. Ngay cả những thiện pháp như bố thí cũng không thể được thực hiện nếu không có tinh tấn. Mọi người có thể có thiện tâm với ý định bố thí, nhưng họ lại khó hành động theo ý định tốt lành đó bởi lười nhác: khi có thứ có thể được cho đi, họ không bố thí. Họ có niềm tin vào thiện pháp và muốn rộng rãi, nhưng do không đủ tinh tấn cần thiết cho việc thực hiện bố thí, họ không làm được các việc bố thí cúng dường.Vì vậy, tinh tấn ba la mật là một trợ duyên không thể thiếu cho các ba la mật khác, chẳng hạn như bố thí hoặc trì giới.

Đôi lúc có thể ta quá biếng nhác để làm thiện pháp, có thể ta nghĩ rằng làm như vậy thật phiền toái, rằng mình quá mệt mỏi, hoặc rằng việc đó chiếm nhiều thời gian. Ở những khoảnh khắc như vậy, ta đang bị chế ngự bởi bất thiện và vì thế thiện không thể sinh khởi. Nếu biết được rằng mình đang khó tạo thiện pháp vì sự thụ động và lười biếng, ngay khi đó ta nên cần mẫn hơn để thực hành thiện pháp. Cuộc sống vô cùng ngắn ngủi, vì nó chỉ tồn tại trong một sát-na tâm, và khoảnh khắc này có thể là thiện tâm hay bất thiện tâm tùy thuộc vào duyên. Vì thế, ta không nên buông theo sự biếng nhác mà lơ là nhiệm vụ làm việc thiện của mình. Nếu lúc nào ta cũng thụ động và lười biếng, chứng tỏ rằng ba la mật tinh tấn còn yếu kém, và rằng vì thế, không có duyên cho sự tận diệt bất thiện. Cách duy nhất để tận diệt bất thiện là chăm chỉ và nhiệt tình thực hành mọi loại thiện pháp mà mình có thể làm.

Môt số người hối tiếc rằng mình đã lãng phí thời gian và bỏ qua cơ hội tạo thiện pháp bởi sự thụ động và lười biếng của mình ở những khoảnh khắc đó. Những người ấy cần suy xét về tinh tấn ba la mật và tích lũy thêm về nó để có thể có đủ duyên cho sự tận diệt mọi loại bất thiện.

Tinh tấn tâm sở được xếp trong nhóm các tâm sở biệt cảnh (pakiṇṇakā). Các tâm sở này sinh khởi cùng nhiều tâm nhưng không phải với tất cả các tâm1.  Sáu tâm sở biệt cảnh là: tầm (vitakka), tứ (vicāra), quyết định (adhimokkha), tinh tấn (viriya), phỉ (pīti), và dục (chanda). Tinh tấn tâm sở sinh khởi thường xuyên, nó sinh kèm với nhiều tâm trong cuộc sống hàng ngày, trừ mười sáu tâm vô nhân (ahetuka citta2), và nó là tâm sở duy nhất trong số các tâm sở biệt cảnh có thể trở thành một ba la mật. Khi tinh tấn là nỗ lực cho thiện pháp đã được vun bồi thêm, nó trở thành tinh tấn ba la mật. Khi ấy, tinh tấn là cận sự cho trí tuệ và là một duyên cho sự chứng ngộ Tứ Thánh đế.

Tinh tấn đang sinh khởi lúc này là thiện hay bất thiện? Nếu là bất thiện thì đó không phải là một ba la mật. Tinh tấn nằm trong số các tâm sở biệt cảnh, vì thế nó có thể sinh kèm cả tâm thiện lẫn tâm bất thiện, nhưng đa phần nó dễ sinh khởi với tâm bất thiện tham căn. Tinh tấn sinh kèm tâm bất thiện vô số lần, nhưng thay vì dành năng lượng cho bất thiện, ta cần phấn đấu để tích lũy ba la mật tinh tấn, ta cần thấy lợi ích của nó.

Chúng ta đọc trong “Chú giải Bộ Pháp Tụ” (Quyển I, phần IV, I, 121) về tinh tấn như sau:

“…tinh tấn có đặc tính là cố gắng, chức năng là củng cố các pháp đồng sinh, biểu hiện là đối nghịch với nhu nhược. Người ta nói rằng: ‘Người rúng động thì nỗ lực đúng đắn’, vì thế tinh tấn có cận nhân là trạng thái khẩn cấp tu niệm.”

Chúng ta có thể thấy rằng tinh tấn sinh khởi ở khoảnh khắc chăm chỉ, và rằng nó đối lập với sự lười nhác. Tuy nhiên, theo lý giải chi tiết về các tâm sở của Vi Diệu Pháp, tinh tấn sinh khởi cùng tâm bất thiện kể cả khi chúng ta lười nhác, và rằng trong trường hợp ấy tinh tấn với lười nhác tích lũy tiếp nữa. Giáo Pháp rất vi tế và ta cần phải cân nhắc tới mọi chi tiết trong đó; chẳng hạn như đặc tính, chức năng, biểu hiện và cận nhân của các thực tại cần được tìm hiểu và thẩm sát.

Theo cuốn “Chú giải Bộ Pháp Tụ”, trong cùng mục, đặc tính của tinh tấn là trạng thái của một người dũng cảm và năng nổ, hay như hành động của người dũng cảm. Khi tinh tấn sinh khởi, ta không thụ động hay buông xuôi.

Một người có thể dũng cảm, trong khi một người khác có thể hèn nhát. Theo Vi Diệu Pháp, kể cả người hèn nhát cũng phải có tinh tấn để hèn nhát. Tuy nhiên, trong trường hợp người dũng cảm, đặc tính của tinh tấn xuất hiện một cách rõ ràng bởi anh ta phải nỗ lực hoàn thành một việc nào đó mặc những rào cản hay hiểm nguy. Sự dũng cảm ấy là đặc tính của tâm sở tinh tấn. Khi tinh tấn đi kèm với sự vun bồi thiện pháp, nó có thể trở thành một năng lực dẫn dắt, là tấn căn (viriya indriya). Tấn căn sinh khởi cùng các năng lực dẫn dắt khác như tín căn, niệm căn, định căn và tuệ căn khi tứ niệm xứ đang được phát triển chính là chánh tinh tấn của bát chánh đạo, sammāvāyāma. Đó là chánh tinh tấn để chánh niệm và hiểu đúng về các đặc tính của pháp khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên ở khoảnh khắc này.

Khi trí tuệ phát triển thêm hơn, tinh tấn trở thành lực (bala), thứ có tính chất không thể lay chuyển, và như vậy có tinh tấn để chánh niệm và hiểu đúng về đặc tính của danh và sắc trong bất kỳ tình huống nào. Ta sẽ không có xu hướng nghĩ rằng không thể có chánh niệm về danh và sắc ở khoảnh khắc này.

Ta có thể thẩm sát đặc tính của tinh tấn khi đọc lời giảng sau trong “Chú giải Bộ Pháp Tụ” về năng lực dẫn dắt (indriya) của tinh tấn:

“Tinh tấn là trạng thái của một người dũng cảm và năng nổ, hay như hành động của người năng nổ, hay là thứ phải được tác động, thực hiện bằng phương pháp hay phương tiện phù hợp. Vượt qua lười nhác, nó là căn (indriya) theo nghĩa vượt trội…Đặc tính của nó là củng cố hay hỗ trợ.”

Khi tinh tấn sinh khởi, người ta có sự dũng cảm để nói ra những gì là đúng, hay hành động theo cách thiện lành, không sợ rắc rối, khó khăn, dù phải mất tài sản và khánh kiệt. Đây là đặc tính của tinh tấn. Hoặc một người có sự dũng cảm để lý giải về Giáo Pháp, về nhân nào dẫn tới quả nào, mà không bận tâm tới việc mình sẽ không được kẻ ngu ưa thích, hoặc rằng những người khác sẽ hiểu sai dụng ý tốt của mình. Một người dũng cảm sẽ làm điều đúng đắn trong những việc thế gian cũng như liên quan đến Giáo Pháp, bởi vì Pháp là Pháp: nó không thể thay đổi, nó là sự thật.

Tất cả mọi người đều có tinh tấn, nhưng nếu như Giáo Pháp không được thuyết giảng thì đặc tính và các khía cạnh khác nhau của tinh tấn sẽ không được biết. Ta đã nói tới tinh tấn là căn, bởi nó nổi trội trong việc củng cố các pháp đồng sinh.

Bất cứ khi nào tâm thiện sinh khởi và một ai đó thực hiện một hành động với kham nhẫn và sự cần cù, có tâm sở tinh tấn đang làm công việc củng cố khi ấy. Ta có thể làm các nhiệm vụ của mình mà không bị nhụt chí. Như cuốn “Chú giải Bộ Pháp tụ” đã giải thích, khả năng dẫn dắt, kiểm soát của tinh tấn (tấn căn) có đặc tính củng cố và hỗ trợ.

Nếu ta phát triển trí tuệ, ta được tinh tấn hỗ trợ để bền bỉ trong sự vun bồi trí tuệ cùng mọi thiện pháp. “Chú giải Bộ Pháp tụ” (120) sử dụng ẩn dụ về một ngôi nhà cũ được gia cố bởi những cây cột mới. Cũng vậy, khi một người được tinh tấn hỗ trợ, thiện pháp sẽ không suy giảm nơi người ấy.

Nếu tại lúc này, một người cảm thấy chán nản, lười biếng, uể oải hay nhụt chí, người ấy cần biết rằng mình giống như một căn nhà cũ ọp ẹp, bởi không kiên định trong thiện pháp và áp dụng nó. Tinh tấn tâm sở có đặc tính củng cố và hỗ trợ hệt như cây cột gia cố cho một ngôi nhà cũ để nó được vững. Như vậy ta có thể thấy được đặc tính hỗ trợ của tinh tấn.

Ta đọc trong “Chú giải Bộ Pháp tụ” (121):

“Như một quân đội nhỏ khi ra trận có thể bị đẩy lui, vì vậy họ phải báo tin cho đức vua. Đức vua sẽ gửi quân mạnh tới tiếp viện. Nhờ được trợ giúp, quân đội của vua đã chiến thắng được kẻ thù. Như vậy, tinh tấn không cho phép các pháp đồng sinh thối lui, thụt lùi; nó thúc đẩy, hỗ trợ chúng. Vì vậy nói rằng tinh tấn có đặc tính hỗ trợ.”

Tinh tấn là cận sự của trí tuệ. Đại đức Sāriputta (Xá lợi phất) giảng về sự vun bồi và tích lũy các ba la mật dẫn tới tận diệt hoàn toàn các phiền não khi đắc A la hán. Chúng ta đọc trong “Kāmasutta Niddesa” (Kinh giảng về ngũ dục, thuộc Đại nghĩa tích, Tiểu Bộ Kinh):

Có ẩn dụ về hai thành: một thành trộm cướp, và một thành hòa bình. Khi ấy, tướng quân khởi lên suy nghĩ sau: ‘chừng nào thành trộm cướp còn tồn tại, thành hòa bình sẽ không thể thoát khỏi hiểm nguy. Ta sẽ phải phá hủy thành trộm cướp.’ Ông mặc giáp, đeo gươm và đi vào thành trộm cướp. Ông dùng gươm đánh vào chốt gác mà chúng đã dựng ở cổng thành. Ông phá tòa nhà và các cửa sổ của cổng thành, đẩy then chắn cửa, phá hủy tường thành và lấp đầy hào. Sau đó ông hạ lá cờ đã được chúng dựng lên như biểu tượng danh dự của bản thành. Rồi ông tiến vào thành hòa bình, đi lên lâu đài, bao bọc bởi các quyến thuộc, thưởng thức các cao lương mỹ vị. Đây là một ẩn dụ.”

Tà kiến (sakkāyadiṭṭhi)3 có thể được so sánh với thành trộm cướp. Niết bàn có thể được so sánh với thành hòa bình. Người phát triển trí tuệ có thể được so với tướng quân. Ông nghĩ, “Tà kiến về ngã là một trói buộc, và chừng nào còn bị trói buộc bởi nó, chừng ấy ta chưa hết hiểm nguy.’”

Ở đây ta thấy rằng bất thiện pháp cần phải được tận diệt đầu tiên chính là tà kiến về ngã chấp các thực tại là ta. Chỉ có trí tuệ mới thấy được sự khác biệt giữa thành trộm cướp và thành hòa bình. Thành hòa bình là sự an tịnh, trong khi thành trộm cướp là rối loạn, lộn xộn và bất an. Chừng nào còn tà kiến chấp các thực tại là ngã, là chúng sinh hay con người, ta không thể được giải thoát khỏi bất an, rối loạn và lo lắng. Vì vậy, ta phải hiểu rằng mọi phiền não và khổ đau đều gắn liền với “bản thân mình”, cái mà thực chất chỉ là các danh pháp và sắc pháp.

Ta chỉ có thể hoàn toàn thoát khỏi khổ khi đã đạt được quả vị a la hán, và các danh pháp cùng sắc pháp sẽ không còn sinh khởi trở lại sau khi chết. Điều này sẽ không thể xảy ra nếu không có lòng quả cảm, không có tinh tấn ba la mật.

Chúng ta đọc trong “Thuyết về vấn hỏi của Jatukaṇṇin” (Đại Nghĩa tích, Tiểu bộ kinh) rằng, Jatukaṇṇin nghe rằng đức Phật đầy quả cảm và rằng vì vậy được gọi là anh hùng, vīra. Đoạn văn trên cắt nghĩa vì sao Ngài lại được gọi là anh hùng. Có sự liên hệ về nghĩa của từ vīra, người anh hùng, và từ viriya, trạng thái của một người mạnh mẽ. Chúng ta đọc:

“Ngài có sự bền bỉ và vì vậy được gọi là anh hùng. Ngài dũng cảm nên được gọi là anh hùng. Ngài khiến người khác bền bỉ nên được gọi là anh hùng.

 

Ngài có khả năng siêu phàm nên được gọi là anh hùng.

 

Ngài dũng cảm và luôn tăng tiến, Ngài không hèn hạ, không sợ hãi, không kinh hoàng, không trốn chạy, Ngài tiêu diệt sợ hãi và hèn nhát, Ngài không còn sự kinh sợ và vì vậy, đức Thế Tôn là bậc quả cảm.

 

Đức Thế tôn không còn các pháp bất thiện của thế giới này, Ngài đã vượt lên trên khổ đau của địa ngục, Ngài chất đầy tinh tấn.

 

Đức Phật có tinh tấn, có tứ chánh cần, Ngài dũng cảm và bền bỉ, và vì thế Ngài được gọi là quả cảm.”

 

Nếu đức Phật không dũng cảm, Ngài đã không thể xuyên thấu Tứ Thánh Đế và trở thành bậc Chánh đẳng giác. Sự vun bồi của mỗi loại thiện pháp và của trí tuệ thông qua việc thẩm sát và suy xét về pháp hiện khởi đều dựa trên nền tảng của tinh tấn và bền bỉ. Tất cả chúng ta cần tới tinh tấn và bền bỉ để có năng lượng cho thiện pháp thay cho bất thiện pháp, nếu không thiện pháp không thể được vun bồi. Những nỗ lực hay năng lượng cho bất thiện từ kiếp này sang kiếp khác thật vô ích. Nếu ta có thể hiểu được đặc tính của tinh tấn áp dụng theo cách thiện, và nếu ta vun bồi loại tinh tấn này, ta sẽ hiểu những lời của trích dẫn chú giải ở trên về tinh tấn: một người với tinh tấn sẽ tiến bộ, người ấy không hèn nhát, không hoảng hốt, người ấy không sợ hãi và trốn chạy.

Trong cuộc sống hàng ngày, tất cả mọi người đều tiếp xúc với các đối tượng bất khả ái: với một số người đối tượng này là cực kỳ bất khả ái, trong khi với người khác thì chỉ một chút mà thôi. Điều này có thể xảy ra khi ta gặp một người khác khiến ta cảm thấy khó chịu hay bất ổn. Nếu chánh niệm- tỉnh giác không có mặt, ta không biết được rằng có bất thiện pháp ở những khoảnh khắc như vậy và vì thế tinh tấn thiện không có cơ hội sinh khởi mà thay vào đó có tinh tấn bất thiện. Sẽ luôn có duyên cho tham ái và dính mắc và vì thế bất thiện tiếp tục sinh khởi.

Tuy nhiên nếu một người nghe Pháp và phát triển tứ niệm xứ, chánh niệm-tỉnh giác có thể sinh khởi và hay biết về bất thiện khi anh ta khó chịu và bực bội. Chúng ta cần suy xét một cách thấu đáo hơn ý nghĩa của từ chánh niệm-tỉnh giác. Khi bất thiện pháp sinh khởi, chánh niệm-tỉnh giác có thể suy xét về Pháp và nhận ra hiểm họa của việc tiếp tục bất thiện. Ở khoảnh khắc ấy, có thể nhận ra rằng bực bội về điều gì đi nữa cũng là không phải, dù nguyên nhân là vì lời nói hay hành động của người khác, hay vì ta nhận ra điều gì đó sai trái. Chẳng hạn, khi tâm bất thiện với sân sinh khởi và chánh niệm-tỉnh giác có thể hay biết đặc tính của nó, chúng ta có thể xem liệu có nỗ lực từ bỏ sân hay không; nếu ta tiếp tục sân thì có nghĩa là tinh tấn bất thiện vẫn còn mạnh mẽ. Khi tinh tấn thiện đã được phát triển hơn lên và chánh niệm có thể sinh khởi, sẽ có các duyên cho việc suy giảm khó chịu và thêm từ tâm. Như vậy, thay cho sân, thứ là bất tịnh pháp, có thể chuyển ngay sang pháp thiện, thứ là tịnh pháp.

Khi sân sinh khởi, chúng ta thấy khó chịu, nhưng chánh niệm- tỉnh giác có thể sinh khởi và hay biết về đặc tính của nó, và khi ấy ta có thể thấy lợi ích của chánh niệm-tỉnh giác. Nếu ai đó đã nghe Pháp và không trây ì, mà lập tức có thể từ bỏ bất thiện, ở khoảnh khắc ấy có tinh tấn thiện đảm nhận chức năng tiết chế sân.

Loại tinh tấn này khác với suy nghĩ rằng mình cần tiết chế sân. Nó sinh khởi ở khoảnh khắc của chánh niệm-tỉnh giác, khi tinh tấn tiết chế sân và có hiểu biết rằng tâm từ là đối nghịch với sân hận. Đó là nỗ lực tha thứ, nỗ lực cho tâm từ. Ở những khoảnh khắc ấy, ta có thể nhớ rằng tất cả mọi người, kể cả chúng ta, đều có lúc phạm phải sai lầm. Vì thế, ta không nên sân hận hay khó chịu bởi một ai đó hay về các pháp sinh khởi và rồi diệt đi. Tuy nhiên, thọ và tưởng là những duyên khiến việc từ bỏ những suy nghĩ về tình huống và sự kiện luôn khó khăn và chậm chạp, và khi ấy bất thiện pháp có cơ hội để sinh khởi.

Khi tinh tấn đã được phát triển hơn, ta có thể hiểu được các khía cạnh và mức độ khác của nó, chẳng hạn như: tinh tấn trưởng duyên (adhipati), tấn như ý túc (cơ sở của thành công, iddhi-pāda)4, tấn căn (năng lực dẫn dắt – indriya) hay tấn lực (bala).

Khi tinh tấn chưa đạt tới những mức độ ấy, ta không thể hiểu được đặc tính của tinh tấn sinh kèm tứ niệm xứ và đã trở nên mạnh mẽ.

Như ta đã thấy, tinh tấn được xếp vào một trong các căn, indriya (là những yếu tố dẫn dắt trong lãnh địa riêng của mình). Chúng bao gồm:

Tín căn (saddhā),

Tấn căn (viriya),

Niệm căn (sati),

Định căn (samādhi),

Tuệ căn (paññā).

Các căn này sinh khởi cùng nhau, và như vậy, tấn căn đồng sinh với tín, niệm, tuệ và định phải là tinh tấn thiện.

Các pháp có thể được xếp theo những cách khác nhau, có thể theo tứ như ý túc (iddhi-pāda hay bốn cơ sở của thành công, đưa tới giác ngộ):

Dục (chanda)

Tấn (viriya)

Tâm (citta – độ vững mạnh của tâm hay sức định)

Trạch pháp (vīmaṃsa)

Như vậy ta thấy rằng có nhiều khía cạnh khác nhau của tinh tấn. Các tâm sở đóng vai trò căn không phải là các tâm sở đóng vai trò như ý túc. Những sự sắp xếp như vậy rất chi tiết, nhưng chúng chỉ ra rằng tinh tấn thiện có những mức độ khác nhau.

Chúng ta đọc trong “Tương Ưng Bộ Kinh” (Thiên Đại Phẩm, Tương ưng Căn, §8 Cần phải quán) về ngũ căn như sau:

“Này các Tỷ-kheo, có năm căn này. Thế nào là năm? Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn, tuệ căn…”

Những pháp này là những pháp dẫn dắt, mỗi pháp trong lãnh địa riêng của mình, và chúng sinh khởi ở khoảnh khắc của tứ niệm xứ, khi chánh niệm-tỉnh giác suy xét các đặc tính của pháp chân đế. Chúng ta đọc trong kinh nói trên về tín căn:

“Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tín căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tín căn trong bốn chánh tín (Phật, Pháp, Tăng, và Giới).”

Khi tâm thiện sinh khởi, nó đồng sinh cùng tín tâm sở (saddhā cetasika). Tâm thiện có nhiều mức độ. Tấn căn là yếu tố dẫn dắt trong lãnh địa riêng của mình khi đảm nhận chức năng cụ thể của nó. Điều này sẽ rõ ràng hơn khi ta suy xét về bốn chi của quả Dự lưu: tín tâm không lay chuyển vào đức Phật, đức Pháp, đức Tăng và những phẩm hạnh (sīla) khả ái với các bậc Thánh

Một người có thể tìm hiểu Giáo Pháp và có niềm tin khi nghe Pháp, nhưng niềm tin ấy có thể không vững vàng mà dễ lay động, không chắc chắn. Nếu người ấy không có hiểu biết đúng về các thực tại và nếu người ấy không biết đâu là sự thực hành đúng để chứng ngộ Tứ Thánh Đế, anh ta có thể dễ bị hoang mang. Niềm tin vững vàng không lay động, không hoang mang là một duyên để không bị rời xa con đường Chánh đạo; đó là niềm tin của bậc Thánh, là một chi của quả dự lưu. Đó là niềm tin không lay chuyển vào đức Phật, đức Pháp, đức Tăng và phẩm hạnh của các bậc Thánh.

Chúng ta đọc tiếp phần sau của bài Kinh nói trên:

Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tấn căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tấn căn trong bốn chánh cần.”

Có tứ chánh cần (sammā-ppadhāna):

Tinh tấn ngăn ngừa bất thiện pháp chưa sinh khởi.

Tinh tấn đoạn trừ bất thiện pháp đã sinh khởi

Tinh tấn làm phát sinh thiện pháp chưa sinh khởi

Tinh tấn làm tăng trưởng thiện pháp đã sinh khởi, không để chúng suy giảm, vun bồi chúng, khiến chúng tăng trưởng và đạt tới độ hoàn mãn.

Để tinh tấn có thể trở thành căn, indriya, và là một “yếu tố dẫn dắt”, nó phải được tích lũy rất từ từ.  Tấn căn phải được xem xét từ góc độ của tứ chánh cần.

Chúng ta có thể tự nhận ra liệu mình mới chỉ có tinh tấn ở mức độ sơ cơ và vẫn còn yếu ớt, hay đã có chánh tinh tấn: tinh tấn ngăn ngừa bất thiện chưa sinh, tinh tấn đoạn trừ bất thiện đã sinh, tinh tấn phát sinh thiện pháp chưa sinh. Thiện pháp chưa sinh khởi là chỉ tới samatha và vipassanā và tới đạo (magga), quả, tới các tâm siêu thế kinh nghiệm niết bàn5. Các thuật ngữ samatha và vipassanā ở đây là nói đến tứ niệm xứ (satipaṭṭhāna). Samatha và vipassanā được phát triển cùng nhau và đạt được sự hoàn mãn bởi Tứ niệm xứ, chúng không nên bị tách rời. Tinh tấn là cần thiết để duy trì các thiện pháp đã sinh khởi, không để chúng suy giảm, khiến chúng tăng trưởng và đạt sự hoàn mãn.

Chúng ta nên suy xét về các loại tinh tấn khác nhau. Nếu chỉ nỗ lực ở mức độ thấp, sẽ chưa có đủ duyên cho sự sinh khởi của niệm căn. Chúng ta đọc trong bài Kinh trích dẫn ở trên về niệm căn:

Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán niệm căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán niệm căn trong bốn niệm xứ.

Tâm thiện không thể sinh khởi mà không kèm với tâm sở chánh niệm, dù là ở khoảnh khắc bố thí hay trì giới. Tuy nhiên, đặc tính của niệm căn, đặc tính của tính dẫn dắt của nó có thể được thấy trong tứ niệm xứ6

Chúng ta đọc tiếp về định căn và tuệ căn:

Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán định căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán định căn trong bốn Thiền.

Và này các Tỷ-kheo, cần phải quán tuệ căn ở chỗ nào? Ở đây, cần phải quán tuệ căn trong bốn Thánh đế.

Trí tuệ ở mức độ tuệ minh sát hiểu thực tại như chúng thực là được phát triển tuần tự từ tầng này sang tầng khác chính là tuệ căn. Hơn nữa nó chỉ có thể đạt được độ hoàn mãn khi nó chứng ngộ Tứ Thánh Đế.

Trong quá khứ, rất nhiều người nghe Pháp, vun bồi trí tuệ cùng chánh tinh tấn và chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Họ là những người hiền trí biết tự nhắc mình về sự thật. Chúng ta cần phải suy xét xem liệu hiện giờ mình có như những bậc hiền trí tiền bối ấy.

Bài Kinh “Kinh Tư Lượng” (Anumāna sutta, Trung Bộ Kinh 15) có bàn về việc giáo huấn các tỳ kheo và việc tự quán xét mình. Chúng ta đọc trong đoạn cuối của Chú giải cho bài kinh này, cuốn Papañcasūdanī như sau:

“Các bậc giáo thọ xưa nói rằng vị tỳ kheo phải tự soi xét mình ba lần mỗi ngày. Tức là, vào buổi sáng, vị ấy phải suy xét xem những phiền não của mình còn ở mức độ nào. Nếu vị ấy thấy rằng vị ấy vẫn còn phiền não, vị ấy cần cố gắng đoạn trừ chúng. Nếu vị ấy thấy rằng mình không còn phiền não, vị ấy biết rằng mình đang sống cuộc đời phạm hạnh một cách đúng đắn.

Trong ngày và vào buổi tối, vị tỳ kheo lại phải soi xét mình tiếp. Nếu vị ấy không làm điều này được ba lần mỗi ngày, vị ấy nên làm như vậy hai lần mỗi ngày, nếu không được như vậy thì vị ấy nên kiểm tra mình một lần mỗi ngày. Nhưng sẽ không phải nếu vị ấy không soi xét mình chút nào.”

Qua đoạn này, chúng ta được nhắc nhở tự soi xét mình để biết liệu những hành động của mình có phù hợp hay không phù hợp. Chúng ta có thể hiểu rằng, cần tinh tấn mới có thể tự xét mình ba lẫn mỗi ngày, hay hai lần mỗi ngày, hoặc nếu không như vậy được thì cũng một lần mỗi ngày. Khi ấy chúng ta được các giáo thọ xưa nhắc nhở kiểm tra mình xem còn những phiền não nào và suy tư về chúng.

Chúng ta đọc trong “Kinh Tư lượng” rằng ngài Mahā-Moggallāna (Đại Mục Kiền Liên) thuyết giảng Pháp cho các vị tỳ kheo là người “dễ nói” (dễ dạy) và huấn thị họ hãy xét mình xem có phải là người như vậy không7. Ngài nói:

Chư Hiền, ở đây, Tỷ-kheo cần phải quán sát tự ngã với tự ngã như sau:

(1) “Không biết ta có ác dục, có bị ác dục chi phối không?” Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta có ác dục và bị ác dục chi phối”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ các ác, bất thiện pháp ấy. Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: “Ta không có ác dục, không bị ác dục chi phối”, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.

Các cụm từ, “Tỳ kheo cần phải quán sát tự ngã với tự ngã” chỉ cho ta thấy rõ rằng, một người khác không thể quán xét bất thiện của ta một cách chi tiết như chính bản thân ta. Chúng ta có thể tự xét mình và biết liệu mình có ác dục và có bị ác dục chi phối hay không, và hơn nữa, ta sẽ phải chân thành, trung thực với bản thân. Nếu ta có ác dục, ta cần nỗ lực đoạn diệt các pháp bất thiện ấy. Một số người không thích nhìn nhận các bất thiện của chính mình, nhưng nếu ai đó thấy việc vun bồi tinh tấn cho thiện pháp là có lợi ích, người ấy cũng phải tập nhận ra những bất thiện nơi mình.

Nếu một người có tinh tấn và cố gắng tự xét mình, người ấy cần phải chân thành và không khoan nhượng với bản thân. Nếu người ấy tự xét mình theo cách ấy và nỗ lực đoạn trừ bất thiện, anh ta là người “dễ nói”, dễ dạy.

Một người khó nói thì ngược lại, người ấy không nỗ lực để từ bỏ bất thiện. Tất cả những thứ này gắn liền với tinh tấn tâm sở.

Chúng ta đọc trong “Saddhammapajjotikā” Chú giải cho Kinh “Con đường mau chóng” (Tuvaṭaka, Đại nghĩa Tích, Tiểu Bộ Kinh), có cắt nghĩa về tấn căn8 như sau:

“Về từ “cetasiko”, nó được dùng để chỉ rằng tinh tấn luôn là danh chứ không phải là sắc. Chỉ có danh tinh tấn…”

Tinh tấn là danh pháp làm duyên cho sự sinh khởi nỗ lực qua thân hoặc qua tâm. Kể cả khi ta cố làm một việc gì đó với thân mình, ta cần biết rằng, nỗ lực ấy có được là bởi tinh tấn tâm sở.

Chú giải nói tới bài Kinh bàn về một người đi dọc lối đi, đi ngược và đi xuôi, để khỏi bị lờ đờ hay buồn ngủ. Nhìn từ bên ngoài thì có vẻ như đó là tinh tấn của thân, nhưng trên thực tế đó là nhờ tâm sở tinh tấn, viriya cetasika, mà tinh tấn qua thân có thể sinh khởi.

Chú giải nói thêm về tinh tấn đã được phát triển tới mức độ của tấn giác chi (sambhijjhanga), một trong bảy yếu tố đưa tới sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Chú giải sử dụng thuật ngữ Pali viriyārambha. Ārambha có thể có nghĩa là khởi sự, thử hay nỗ lực. Viriyārambha là tinh tấn tâm sở, đó là việc nỗ lực, chẳng hạn như nỗ lực áp dụng Giáo Pháp của Đức Phật. Chúng ta đọc tiếp về đặc tính của tinh tấn cần được vun bồi9:

“Tinh tấn được coi là ‘ārambha’ bởi vì nó nỗ lực. Thuật ngữ viriyārambha chỉ ra đặc tính của loại nỗ lực ấy. Loại nỗ lực nào? Nỗ lực bằng việc thoát ly trạng thái vô bổ. Tinh tấn được gọi vậy bởi nó vươn tới những trạng thái ngày càng cao thượng hơn. Ráng sức được gọi vậy bởi nó vươn lên và bền bỉ. Phấn đấu được gọi vậy bởi nó tính chất ráng sức đặc biệt; nhiệt huyết, có tính năng nổ; mãnh liệt, vững vàng; ngoan cường, nâng đỡ (hỗ trợ) tâm và các tâm sở, hoặc nâng đỡ tính liên tục của thiện pháp bởi tiến trình liền mạch.”

Đó là đặc tính của tinh tấn. Đó là sự thoát ly khỏi vô bổ, tăng tiến tới trạng thái cao thượng hơn, nỗ lực liên tục không ngưng nghỉ, năng nổ và ngoan cường trong bước tiến xa hơn tới mục đích. Chúng ta đọc trong Chú giải:

“Một cách cắt nghĩa khác:  – viriyārambha là ‘đấu tranh’ trong xua tan ái dục, ‘nỗ lực tiến tới’ trong cắt đứt trói buộc, ‘ráng sức’ trong thoát bộc lưu10, ‘phấn đấu’ trong chạm tới bến bờ xa, ‘nhiệt huyết’ trong dẫn dắt, ‘nhuệ khí’ trong vượt qua giới hạn, ‘mãnh liệt’ trong tháo then cài (của vô minh), và ‘ngoan cường’ trong tạo ra kiên định. ‘Thật rằng, dù da, máu và xương có phải khô kiệt’11 – tinh tấn không nao núng khi ấy chính là ‘trạng thái của một người với tinh tấn không nao núng.”

Chú giải giải thích thêm rằng tinh tấn không từ bỏ nhiệt tâm (dục hay chanda, cái cần thiết để có thể hoàn tất một thứ gì đó), rằng nó không từ bỏ nhiệm vụ, không ngả theo nhụt tâm không muốn tạo thiện pháp. Chú giải sử dụng ẩn dụ con bò phải chở một ghánh nặng và không bỏ rơi ghánh nặng ấy:

“Như thể họ nói, ‘Dùng một con vật thồ, con bò đực, kéo khỏi vũng lầy một ghánh nặng không quá sức nó,’ và con bò, gối ép xuống đất, kéo ghánh nặng đi, không để nó rơi xuống đất, cũng như vậy với nỗ lực nâng và kéo ghánh nặng  trong những hành động giới hạnh. Vì thế được gọi là ‘đỡ ghánh nặng’.”

Như chúng ta đọc trong Chú giải, các vị Giáo thọ xưa huấn thị các vị tỳ kheo nên quán xét bản thân ba lần mỗi ngày. Nếu không thể làm vậy, ta cũng nên làm như vậy hai hoặc thậm chí một lần mỗi ngày, nhưng không tự quán xét chút nào sẽ là sai. Khi ta suy niệm về “Kinh Tư Lượng” và Chú giải của nó, ta thấy rằng mọi người có các mức độ tuệ giác khác nhau. Một người có nhiều phiền não là một người “khó nói”; người ấy không thấy được phiền não của mình, người ấy chỉ thấy phiền não của những người khác. Chúng ta phải xem xem mình có những phiền não nào. Nếu một người chưa bao giờ suy niệm về điều này hoặc nói về nó với một người khác, trước hết, người ấy phải nghe Pháp và suy ngẫm về những gì được nghe để có thể thấy được hiểm họa của bất thiện. Khi ấy chánh tinh tấn có thể sinh khởi và là duyên cho anh ta tự kiểm tra và suy xét bất thiện pháp của mình trước khi đi ngủ.

Điều này có thể được áp dụng bởi một người “khó nói” và có nhiều phiền não. Nếu ai đó đã có một chút hiểu biết về sự phát triển tứ niệm xứ, anh ta có thể chánh niệm về thực tại xuất hiện. Bất kể bất thiện pháp nào sinh khởi, chánh niệm có thể ngay lập tức hay biết đặc tính của nó. Khi trí tuệ hiểu cách biết và nghiên cứu các đặc tính của thực tại, nó ở mức độ cao hơn.

Sau khi chúng ta nghiên cứu Kinh Tư Lượng, mỗi ngày chúng ta tự kiểm tra được mấy lần? Với một người đã quen phát triển tứ niệm xứ, chánh niệm tỉnh – giác có thể hay biết ngay lập tức khi bất thiện tâm sinh khởi, anh ta không cần đợi cho đến lúc kiểm tra mình. Đó là lúc khởi đầu của sự phát triển tứ niệm xứ, mặc dù ta vẫn chưa biết được rằng các danh pháp và sắc pháp là vô ngã. Khi các đặc tính của bất thiện pháp được biết lúc chúng hiện khởi một cách tự nhiên đã là một mức độ chánh niệm-tỉnh giác.

Như chúng ta đọc trong “Kinh Tư Lượng”:

“Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: ‘Ta có ác dục và bị ác dục chi phối’, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy cần phải tinh tấn đoạn trừ các ác, bất thiện pháp ấy. Chư Hiền, nếu Tỷ-kheo quán sát và biết rằng: ‘Ta không có ác dục, không bị ác dục chi phối’, thì chư Hiền, Tỷ-kheo ấy phải sống với tâm niệm hoan hỷ, ngày đêm tu học các thiện pháp.”

Chúng ta cần tìm hiểu với chánh niệm các đặc tính của thực tại khi chúng xuất hiện tự nhiên. Mức độ nào của chánh niệm-tỉnh giác sinh khởi là tùy thuộc vào duyên, có thể chỉ là mức độ suy tư đơn thuần về bất thiện đã phạm trong ngày, hoặc có thể ở mức độ chánh niệm tức thì về thực tại xuất hiện.

Một số người phát triển tứ niệm xứ mong thấy kết quả của những nỗ lực của mình. Họ ráng sức với tất cả nhiệt tâm, bởi họ tin rằng bằng cách ấy, kết quả của sự thực hành sẽ nhanh chóng được hiện thực hóa. Tuy nhiên, do ráng sức quá nhiều họ trở nên mệt mỏi và họ phải dừng lại. Không thể khiến sự vun bồi tứ niệm xứ trổ kết quả sớm. Phát triển tứ niệm xứ là chánh niệm về các đặc tính của thực tại khi chúng xuất hiện một cách tự nhiên trong cuộc sống hàng ngày, và chỉ bằng cách ấy tính chất vô ngã của chúng mới có thể được hiểu. Nếu ta mong cầu kết quả thực hành và cố thúc sự sinh khởi của nó, đó không phải là sự phát triển tứ niệm xứ.

Một người khoảng tám mươi tuổi, đã nghe giảng Pháp ở nhiều nơi khác nhau suy ngẫm sâu sắc về sự phát triển tứ niệm xứ. Mặc dầu ông là người cao tuổi, ông vẫn đầy năng lượng để nghe Pháp và suy xét những gì đã được nghe. Khi ông nghe một chương trình phát thanh giới thiệu về vipassana, ông đã ghi lại địa chỉ của “Tổ chức Nghiên cứu và Hỗ trợ Giáo Pháp” và cất công tới trụ sở của Tổ chức để tạo thiện pháp cúng dường. Ông rời nhà vào lúc chín giờ sáng và tới trụ sở vào hai giờ chiều. Ở đây ta thấy sự tinh tấn của một người cao tuổi dành thời gian tìm đến Tổ chức, không có thời giờ ăn trưa, và đã phải ráng sức trên nhiều phương diện. Tinh tấn ba la mật cần được phát triển trong đời sống hàng ngày. Tinh tấn là không thể thiếu trong việc tạo thiện pháp; ta phải lội ngược dòng xuôi của bất thiện, ngược dòng xuôi của dính mắc vào tiện nghi và thoải mái, và thiện pháp được hoàn tất theo cách như vậy.

Với một người phát triển tứ niệm xứ trong đời sống hàng ngày để trí tuệ biết tường tận hơn các đặc tính của thực tại, có sự hiện hữu của các duyên đúng đưa tới kết quả đúng, tức là sự liễu ngộ Tứ Thánh Đế. Với người ấy, kết quả sẽ diễn ra một cách tự nhiên và không khó khăn. Tuy nhiên, các duyên đưa tới kết quả ấy rất khó được vun bồi: ta phải suy xét dần dần và tìm hiểu các đặc tính của danh và sắc bằng chánh niệm khi chúng xuất hiện qua ngũ môn và ý môn. Đây là một tiến trình dài lâu, và cần có tinh tấn để chánh niệm đi chánh niệm lại, chánh niệm thường xuyên, bởi đó là cách duy nhất để trí tuệ có thể xuyên thấu sự sinh diệt của danh và sắc. Ở ngay khoảnh khắc này, các thực tại đang sinh và diệt, nhưng nếu ta không nghiên cứu với chánh niệm và bắt đầu hiểu các đặc tính của danh pháp và sắc pháp, sẽ không thể nào chứng ngộ được sự sinh diệt của chúng. Nhân có thể mang tới kết quả ấy phải được vun bồi đi vun bồi lại, kiếp này sau kiếp khác.

Chúng ta đọc trong Chú giải của “Tiền thân Saṃvara” (Số 462, Tiểu Bộ Kinh) như sau:

“Vào thời đức Phật ngự tại Kỳ viên Tịnh xá, Ngài đã kể câu chuyện sau về một vị tỳ kheo từ bỏ tinh tấn. Khi vị ấy còn là một thanh niên, vị ấy sống ở Sāvathī, và sau khi nghe đức Thế tôn thuyết Pháp, phát sinh tín tâm và xuất gia thọ giới tỳ kheo. Thực hiện đúng các nhiệm vụ mà các vị thầy và giáo thọ của mình đặt ra, sư đã thuộc lòng cả hai phần của Giới bổn Patimokkha. Sau năm năm, khi đã nắm được đề mục thiền, sư từ biệt các thầy và giáo thọ vì muốn sống trong rừng. Khi sư tới một ngôi làng biên địa, dân làng sinh tín tâm nơi sư bởi giới hạnh của sư, và dựng một thảo am bằng lá để sư có thể ngụ tại làng đó.

Vào mùa nhập hạ, sư tinh tấn bền bỉ với đề mục thiền trong ba tháng, nhưng khi không đạt được chứng đắc, sư nghĩ mình thuộc nhóm người thấp nhất trong bốn hạng người, tức là những người chỉ có thể hiểu được Giáo lý ở mức độ lý thuyết, ‘pada parama’12. Vì thế, sư đã quay về Kỳ viên Tịnh xá để trực tiếp thấy đức Phật và nghe Diệu Pháp từ Ngài.

Khi đức Phật nghe tin này, Ngài đã nói với vị tỳ kheo, “Quả tối thượng trong Giáo Pháp này, tức A la hán quả không thể được chứng ngộ bởi một người biếng nhác. Trong quá khứ, ông ngập tràn tinh tấn và dễ dạy. Mặc dầu ông là người trẻ nhất trong một trăm hoàng nam của quốc vương Vārānasi, ông đã có được lọng trắng và trở thành quốc vương.’”

Sau đó đức Phật đã kể lại câu chuyện tiền thân khi vị tỳ kheo đó là quốc vương Samavara. Đức Phật nói về những phẩm chất tuyệt hảo của vị ấy, điều đã khiến cho các hoàng huynh cùng thần dân đảnh lễ và tôn chàng làm quốc vương, mặc dầu chàng là người trẻ nhất trong một trăm hoàng nam của quốc vương Vārānasi.

Quốc vương Samavara nói với thái tử Uposatha, là người anh cả và là người trong kiếp cuối sẽ là đại đức Sāriputta (Xá lợi Phất) những lời sau:

Ta chẳng bao giờ miễn cưỡng dâng
Những gì xứng với đại hiền nhân,
Sẵn sàng ban tặng đầy trân trọng,
Ðảnh lễ, ta quỳ xuống dưới chân.

Khi với tâm khiêm cung, hoàng tử đảnh lễ và quỳ dưới chân những người khác, chắc chắn ngài phải có tinh tấn để tận diệt phiền não, chẳng hạn như ngã mạn – dính mắc vào sự quan trọng của bản thân, quan trọng vì là một hoàng tử con trai quốc vương Vārānasi. Ở đây ta thấy rằng không gì có thể được thực hiện nếu không có tinh tấn. Tâm rất đa dạng: một số người ghen tị với những người có kiến thức, nhưng họ không ghen tỵ về những mặt khác. Việc một người ghen tỵ với đối tượng nào tùy thuộc vào tích lũy. Nếu một người có hiểu biết và kiến thức, những người khác cần phải có sự tôn kính với trí tuệ của người ấy, tuy nhiên một số người vẫn có xu hướng ghen tỵ. Ta cần có tinh tấn để nỗ lực thấy được hiểm họa của ghen tỵ và thoát khỏi nó.

Vua Samavara tiếp tục với các lời sau:

Ta chẳng tỵ hiềm, muốn học luôn
Mọi điều đức hạnh hợp công bằng,
Các hiền nhân dạy điều lương thiện
Trong ấy các ngài thấy lạc hoan.

Ta vẫn thường nghe sự bảo ban
Của nhiều bậc trí, đại hiền nhân,
Tâm hồn ta hướng về lương thiện,
Ta chẳng coi thường lời dạy răn.

Voi chiến cùng nhiều đạo mã xa,
Bộ binh và vệ sĩ vương gia,
Ta không hề bớt phần công nhật,
Mà trả tiền lương đủ mọi nhà.

Quý tộc danh gia vẫn đến hầu,
Quân sư tài trí thật là cao,
Họ thường khen ngợi rằng lương thực,
Quả thật Ba-la-nại rất giàu.

Thịnh vượng như vậy, các lái buôn,
Từ nhiều quốc độ tới lui luôn,
Ta che chở chúng – Này vương tử,
Sự thật, hiền huynh đã tỏ tường.

Nhờ những lời này, mọi người thấy được rằng đức vua có những phẩm chất tuyệt hảo và vì vậy xứng đáng làm quốc vương xứ Vārānasi.

Sau khi kết thúc bài Pháp, đức Phật đã nói lên những lời sau: “Này tỳ kheo, trong tiền kiếp, ông đã làm theo lời dạy, vậy tại sao bây giờ ông không nỗ lực?”  Đức Phật đã thuyết bài pháp về Tứ Thánh Đế và khi bài pháp kết thúc, vị tỳ kheo đó đã đắc quả Dự lưu. Đức Phật nhận diện các tiền thân như sau: “Tỳ kheo này chính là hoàng tử Samavara sau trở thành quốc vương, Ngài Sāriputta là thái tử Uposatha, Các vị trưởng lão và cao niên là các hoàng tử khác, các phật tử là tùy tùng của họ và ta là vị đại thần quân sư cho quốc vương.

Khi giác ngộ được đạt tới, đó là kết quả của sự phát triển hiểu biết đúng. Vun bồi nhân đưa tới quả ấy rất khó khăn, nhưng nếu trí tuệ đã được tích lũy đủ, nó sẽ mang tới kết quả không nhọc nhằn. Không có duyên tương ứng, quả không thể khởi sinh, bất kể ta cố công làm nó phát sinh nhanh chóng tới mức nào. Ta cần tiếp tục nỗ lực phát triển hiểu biết đúng, và cần trung thực với quá trình ấy: ta cần xem xem liệu mình có biết các đặc tính của pháp chân đế đang xuất hiện hiện giờ hay chưa. Hiểu biết ấy không phải là tư tuệ tới từ văn tuệ, từ việc nghe Pháp, mà đã là mức độ của tứ niệm xứ. Tứ niệm xứ được phát triển khi trí tuệ (sammajañña hay paññā) sinh khởi cùng chánh niệm và biết đặc tính của pháp xuất hiện tại khoảnh khắc này như chúng là. Trí tuệ phát triển từ từ để một ngày nào đó Tứ Thánh Đế có thể được xuyên thấu. Khi thời điểm chín muồi cho sự giác ngộ đã tới, kết quả ấy là tương tứng với nhân đúng, nó sẽ sinh khởi không khó khăn. Tuy nhiên, ta cần có sự nỗ lực và nhiệt huyết để bền bỉ với sự vun bồi trí tuệ.

Chúng ta đọc trong Kinh “Nhiệt tình tinh tấn” (Tăng Chi Bộ Kinh, Chương Ba Pháp, V. Phẩm nhỏ, §49) rằng đức Phật thuyết:

Có ba trường hợp, này các Tỷ-kheo, nhiệt tình cần phải làm mạnh. Thế nào là ba?

Các ác bất thiện pháp chưa sanh, cần nhiệt tình làm mạnh đừng cho sanh. Các Thiện pháp chưa sanh, cần nhiệt tình làm mạnh để cho sanh. Ðể chịu đựng các thân thọ khổ đã sanh, nhói đau, da diết đau, gay gắt đau, không thích thú, không thích ý, đoạt mạng sống, cần nhiệt tình làm mạnh. Có ba trường hợp, này các Tỷ-kheo, nhiệt tình cần phải làm mạnh.

Khi nào Tỷ-kheo, này các Tỷ-kheo, đối với các pháp ác, bất thiện chưa sanh, nhiệt tình làm mạnh đừng để cho sanh, đối với các pháp thiện chưa sanh, nhiệt tình làm mạnh để cho sanh khởi. Ðể chịu đựng các thân thọ đã sanh, khổ đau, nhói đau, da diết đau, gay gắt đau, không thích thú, không thích ý, đoạt mạng sống, nhiệt tình làm mạnh. Tỷ-kheo ấy, này các Tỷ-kheo, được gọi là vị có nhiệt tình, thận trọng, chánh niệm để chơn chánh đoạn tận khổ đau.”

Kể cả một đoạn kinh ngắn cũng có thể nhắc nhở chúng ta về những cố gắng cần làm trong ba trường hợp, để kham nhẫn và kiên cường có thể vun bồi thêm nữa.

Chú thích

1.Bảy tâm sở biến hành (sabbacitta sādhārana) sinh khởi cùng với mọi tâm.

Sáu tâm sở biệt cảnh sinh kèm với các tâm thiện, tâm bất thiện, tâm quả và tâm duy tác (tâm vô ký, không phải là nhân cũng không phải là quả)

2.Tinh tấn tâm sở không sinh kèm mười sáu tâm vô nhân là: ngũ môn hướng tâm (pañca-dvārāvajjana-citta); ngũ song thức (pañca – viññāṇa); hai loại tiếp nhận tâm (sampaṭichana-citta), ba loại suy đạt tâm (santīraṇa-citta).

3.Có hai mười loại tà kiến về ngã (sakkāya diṭṭhi), là bốn loại tà kiến áp dụng với mỗi    uẩn trong ngũ uẩn: tà kiến cho mình là một với ngũ uẩn, cho mình nằm trong ngũ uẩn, cho mình độc lập với ngũ uẩn, và cho mình là chủ nhân của ngũ uẩn.

4.Có bốn thực tại có thể là trưởng duyên (adhipatipaccaya): dục (chanda), tinh tấn viriya), tâm (citta) – ở đây là sự vững vàng của tâm hay của định, và tuệ (vīmaṃsa). Cả bốn pháp này cũng được xếp thành tứ như ý túc (iddhi-pāda). Chúng thuộc về các phẩm trợ đạo.

5.Tham khảo Chú giải Bộ Phân Tích, cuốn “Xua Tan Si Ám”, II, Chương 8, 292

6.Chánh niệm của Tứ niệm xứ hay biết danh và sắc hiện khởi. Tứ niệm xứ bao gồm Niệm Thân, Niệm Thọ, Niệm Tâm và Niệm Pháp, thực chất là các pháp hữu vi. Chúng được thuyết giảng theo những khía cạnh khác nhau của Tứ niệm xứ. Chánh niệm của tứ niệm xứ là chánh niệm ở mức độ cao hơn chánh niệm ở bố thí hay trì giới, bởi vì khi được phát triển nó sẽ dẫn tới sự tận diệt phiền não.

7.Một vị tỳ kheo “khó nói” không biết lắng nghe và không muốn phải điều chỉnh. Vị tỳ kheo “dễ nói” là người nhu thuận, biết lắng nghe và dễ dạy.

8.Tham khảo “Chú Giải Bộ Pháp tụ” I, Phần IV, chương II, 145.

9.Tham khảo “Chú Giải Bộ Pháp tụ” I, Phần IV, chương II, 145-146

10.Đó là nhóm phiền não bộc lưu (ogha – lụt): dục bộc (lụt của ngũ dục), hữu bộc (lụt của mong muốn tái sinh), kiến bộc (lụt của tà kiến) và vô minh bộc.

11.Đức Phật nói những lời này khi Ngài ngồi dưới cội Bồ đề trước khi chứng đắc Chánh đẳng giác. Ngài sẽ không rời chỗ kể cả khi da, máu và xương bị khô kiệt.

12.Bốn hạng người là: một số người có thể giác ngộ nhanh chóng, ở thời đầu của bài Pháp; một số giác ngộ sau khi nghe giải thích thêm; một số giác ngộ sau khi được nghe nhiều lời thuyết giảng và suy xét về sự thật lần này qua lần khác. Một số chỉ có thể nghe lý thuyết, các ngôn từ và không giác ngộ được trong kiếp sống ấy. Nhóm thứ tư được gọi là “pada parama”, những người mà ngôn từ (pada) là tối thượng (parama). Vị tỳ kheo trong chuyện tiền thân này nghĩ rằng mình là một “pada parama”.

 

 

Leave a Reply

Translate »