Tìm hiểu mười Ba la mật – Chương 3: Xuất gia Ba la mật

 

Chương 3.

Xuất gia Ba la mật

 

Chú giải “Hạnh Tạng” định nghĩa về xuất gia ba la mật như sau:

“Xuất gia (nekkhamma) có đặc tính xa lìa lạc thú ngũ dục và cõi dục; chức năng/phận sự của xuất gia là kiểm chứng tính bất toại nguyện của dục; biểu hiện/thành tựu của xuất gia là sự rời xa dục lạc; cận nhân của xuất gia là trạng thái khẩn cấp tu niệm (saṃvega)”

Xuất gia ba la mật là sự từ bỏ lạc thú, dính mắc và những loại tà tư duy như: dục tầm (kāma vitakka), sân tầm (vyāpāda vitakka) và hại tầm (vihimsā). Những tà tư duy này có thể được từ bỏ bằng việc trở thành một nhà sư hay phát triển tứ niệm xứ. Khi một người từ bỏ những suy nghĩ về dục, những suy nghĩ với sân hận hay làm hại kẻ khác, người ấy đang phát triển xuất gia ba la mật.

Thông thường mọi người tưởng rằng ta chỉ có thể thực hành xuất gia bằng cách trở thành nhà sư, nhưng để có thể hiểu được ý nghĩa thực sự của xuất gia ta cần suy xét các loại tâm suy nghĩ khác nhau, dù chúng là thiện hay bất thiện. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta thường nghĩ về các đối tượng ngũ quan (đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm) theo cách bất thiện, đó chính là dục tầm. Liệu chúng ta có thể tránh suy nghĩ về các đối tượng ngũ quan với lạc thú, mê đắm và dính mắc hay không?

Đối nghịch với dục tầm là vô dục tầm hay xuất gia tầm (nekkhamma vitakka). Xuất gia hay xa lìa ngũ dục được thực hành không chỉ qua việc trở thành người xuất gia, một trạng thái cao thượng, mà cũng có thể được thực hành bởi những người tại gia trong cuộc sống đời thường. Đã có lúc nào chúng ta nghĩ tới sự từ bỏ lạc thú? Chúng ta có nhàm chán với các đối tượng ngũ quan hay không? Chúng ta dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh và các đối tượng ngũ quan khác; chúng ta không nhất thiết phải từ bỏ chúng, nhưng chúng ta có muốn có thêm nữa hay không? Nếu không biết đủ, chứng tỏ chúng ta đang chạy theo dục tầm, còn nếu biết đủ, chúng ta đã có xuất gia tầm.

Khi tiếp tục khao khát có thêm lạc thú nữa, điều ấy chỉ ra rằng chúng ta có phiền não. Chúng ta cần tự hỏi liệu mình có mong có thêm phiền não hay không. Mỗi khi chúng ta dính mắc vào đối tượng thị giác và các đối tượng ngũ quan khác là đang có sự sinh khởi của phiền não. Nếu không nhận ra rằng mình đã có rất nhiều phiền não, xuất gia tầm sẽ không sinh khởi. Có thể ta muốn có thêm các đối tượng ngũ quan khả ái, và không bao giờ hài lòng với những gì mình có. Chúng ta không nhất thiết phải trở thành nhà sư để có thể phát triển xuất gia, nhưng chúng ta có thể tự vấn liệu mình đã đủ lạc thú hay chưa. Chẳng hạn, có thể chúng ta không muốn mua thêm áo quần, thứ chỉ để làm đẹp cho tấm thân, và ta có thể suy xét rằng những gì mình có đã nhiều hơn mức cần thiết rồi. Những khi ấy chúng ta có xuất gia trong cuộc sống đời thường.

Chúng ta cần bắt đầu xem xét liệu tài sản của mình đã đủ chưa; chúng ta nên hài lòng với những gì mình có. Nếu ta có nhiều hơn những gì mình cần, ta nên cho đi những thứ có thể lợi ích cho người khác. Bằng cách ấy xuất gia ba la mật được vun bồi. Thay cho dục tầm có thể có vô dục tầm.

Nếu ta muốn tận diệt phiền não, nhất thiết phải suy xét các ba la mật trong cuộc sống thường nhật của mình. Ta cần suy niệm về các tiền kiếp của Đức Phật, về giới đức đã đưa ngài tới quả vị Phật. Chúng ta có thể nghĩ rằng những câu chuyện về các tiền kiếp của ngài rất bình dị, nhưng thực chất, những câu chuyện ấy bàn về các ba la mật mà đức Bồ tát đã vun bồi trong nhiều kiếp sống.

Chúng ta đọc trong cuốn Chú giải cho “Hạnh Tạng”, “Chuyện hai hiền giả Sona -Nanda1:

Khi ấy, đức Bồ tát hết thọ mạng tại cõi Phạm thiên và đã tái sinh làm con trai của một đại phú bà la môn có tài sản lên đến tám trăm triệu đồng tại thành Brahmavaddhana. Cha mẹ gọi cậu bé là nam tử Sona. Khi Sona biết đi, một chúng sinh khác cũng hết thọ mạng ở cõi Phạm thiên và cũng được thọ thai bởi mẹ của đức Bồ tát. Khi ra đời, cậu bé được gọi là nam tử Nanda. Đại đức Ānanda khi ấy chính là Nanda.

Khi cha mẹ của hai cậu bé nhận thấy cả hai anh em có dung nhan đẹp đẽ, họ cho hai anh em đi học đủ các môn học thuật, và muốn họ kết hôn. Tuy nhiên, đức Bồ tát không muốn kết hôn. Ngài muốn chăm sóc cha mẹ chừng nào họ còn sống, và sau khi họ chết sẽ rút lui khỏi đời sống thế tục. Cha mẹ ngài cố thuyết phục ngài lập gia đình, nhưng đức Bồ tát quả quyết rằng mình muốn là một ẩn sĩ. Do vậy, cha mẹ ngài muốn truyền giao tài sản cho nam tử Nanda, nhưng Nanda nói, ‘Vì sư huynh Sona của con không muốn nhận tài sản của cha mẹ, con cũng sẽ không nhận đâu, con cũng muốn trở thành ẩn sĩ.’ Hai ông bà rất ngạc nhiên vì các con trai mình đã sớm mong muốn từ bỏ sản nghiệp để rút khỏi đời sống thế tục khi vẫn còn tuổi thanh niên. Họ nhận thấy quyết tâm mạnh mẽ của các con mình, và họ cũng muốn từ bỏ đời sống tại gia. Họ bèn dựng một thảo am trong rừng và hai anh em săn sóc cha mẹ mình. Hiền giả Nanda nghĩ, ‘Chúng ta sẽ lượm quả để làm thực phẩm cho phụ mẫu.’  Chàng mang những trái cây còn lại từ hôm trước, hoặc những trái cây chàng lượm được từ hôm trước để dâng cho cha mẹ ăn vào sáng hôm sau. Sau khi thọ thực xong, ông bà súc miệng rồi trai giới. Nhưng hiền giả Sona đã đi xa hơn để lượm quả chín thơm ngọt và dâng cho ông bà.

Ông bà nói với Sona, ‘Cha mẹ đã ăn rồi và bây giờ đang trai giới, vì vậy không cần đến chỗ quả này nữa.’ Tuy nhiên, đôi khi những trái cây mà hiền giả Sona lượm trước cho cha mẹ ăn lại bị hỏng.

 Do đó, đức Bồ tát nghĩ, ‘Cha mẹ ta rất mỏng manh, thuộc về giai cấp cao sang, vì vậy không nên ăn những trái cây không ngon bổ. Đôi lúc quả bị hư hoặc còn xanh. Nanda mang cả quả xanh và quả còn ương tới cho cha mẹ ăn và như vậy ông bà sẽ không thể sống thọ được. Ngài muốn ngăn Nanda làm vậy, và đã nói với Nanda những lời sau: “Từ giờ trở đi, khi lượm quả cho cha mẹ, em phải đợi tới khi anh về, rồi chúng ta sẽ cùng dâng thực phẩm cho cha mẹ. Không nên để cha mẹ chỉ dùng trái cây của Nanda.’

 Khi hiền giả Sona nói vậy, hiền giả Nanda không vâng lời, vì chàng muốn có phước báu cho bản thân. Chàng mong cha mẹ chỉ ăn những trái mà chàng mang tới. Khi đức Bồ tát nhận thấy Nanda không để tâm đến lời nói của mình, ngài đã bảo em trai đi nơi khác, và rằng ngài sẽ tự tay chăm sóc cha mẹ.

Bị anh trai đuổi đi, hiền giả Nanda bèn từ giã đức Bồ tát và cha mẹ. Chàng đã phát triển bát thiền cùng ngũ thông2 và rồi tới xin anh trai thứ tội.”

Đây là những suy nghĩ của người đã tích lũy các ba la mật và biết điều phải quấy. Chúng ta đọc tiếp về suy nghĩ của hiền giả Nanda:

Chàng nghĩ, ‘Nếu ta muốn xin anh trai thứ tội, ta nên làm việc ấy theo cách trọng thể nhất.’ Chàng phân vân nên làm như thế nào. Chàng nghĩ rằng để xin anh mình thứ tội, chàng nên thỉnh vua trời Đế Thích tới từ tầng trời thứ ba mươi ba, nhưng rồi chàng thấy không nên. Vì cả hai anh em vẫn còn đang sống ở cõi này, sẽ thích hợp hơn nếu thỉnh đại vương Manoja người đang ngự tại thành Brahmavaddhana, là vị vua hùng mạnh hơn cả. Chàng sẽ thưa quốc vương Manoja rằng mình muốn xin anh trai xá tội.

 Nghĩ vậy chàng bèn đi tới cung điện của quốc vương Manoja và nói, ‘Ta sẽ đoạt chủ quyền của toàn nước Ấn độ và trao tặng cho ngài, nhưng ta muốn xin ngài tới gặp anh trai ta để anh ấy có thể thứ tội cho ta.’ Cuối cùng, Nanda đã xin xá tội với anh trai và được anh tha thứ. Đức Bồ tát đã để hiền giả Nanda chăm sóc cha mẹ cho tới khi họ qua đời. Đức Bồ tát đã thuyết Pháp với phong thái uy nghi của một vị Phật với quốc vương Manoja:

86. An vui nhàn nhã, với cười đùa,
Giải trí, là tài sản tại gia
Của kẻ chăm lo đầy tận tụy
Phụ thân khi tuổi tác già nua.

87. Quà tặng cùng lời nói dễ thương,
Ân cần phục vụ cạnh song 
đường,
Nhiệt tình tâm trí luôn bình 
đẳng
Bày tỏ 
đúng thời, đúng chốn luôn.

88. Những đức tính này đối thế nhân,
Giống như mấu trục bánh xe lăn,
Nếu không có chúng, thì tên mẹ
Sẽ phải cầu xin với các con.

Như vậy nếu một người không phụng dưỡng cha mẹ được như vậy, người ấy không trọng vọng cha mẹ. Chúng ta đọc tiếp:

89. Từ mẫu cũng như nghiêm phụ ta
Phải đều được kính trọng tôn thờ,
Hiền nhân tán thán người nào có
Những đức tính này tỏ lộ ra.

90. Song thân như vậy đáng tuyên dương,
Giữ 
địa vị cao cả khác thường,
Được gọi “Phạm thiên” do cổ 
đức,
Uy danh hai vị lớn khôn lường
.

Ta cần xem xét cả những ba la mật khác nữa. Đức Bồ tát là người không màng tới các thú vui ngũ dục, ngài có sự tôn kính tột đỉnh với cha mẹ và phụng dưỡng họ không mệt mỏi. Mặc dầu ngài phải chăm sóc cha mẹ, ngài vẫn tận dụng mọi cơ hội để dành thời gian phát triển các thiền chứng.

Một ba la mật khác cần vun bồi trong cuộc sống hàng ngày là tinh tấn ba la mật. Khi đức Bồ tát đi kiếm trái ngọt để dâng cha mẹ, ngài cần có nỗ lực và bền bỉ. Khi ta nghĩ về các ba la mật trong trường hợp của mình, ta cần suy xét rằng hành xử của chúng ta trong kiếp này là sự tiếp nối của những kiếp trước và được duyên bởi những tích lũy từ quá khứ. Một kiếp sống này được tiếp nối bởi kiếp kế tiếp không gián đoạn, và chúng ta tái sinh trong những kiếp khác nhau thành người này người kia, ở chốn này chốn kia.

Xuất gia ba la mật là sự loại trừ, từ bỏ và chế ngự dính mắc vào các đối tượng ngũ dục, xa lìa chúng. Chúng ta chỉ nhận ra trong khuôn khổ của kiếp này là chúng ta dính mắc vào đối tượng thị giác, vào âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm. Chúng ta có thể dần xả ly khỏi những đối tượng ấy tới chừng mực nào? Chúng ta có thể thấy được lợi ích của việc vun bồi xuất gia ba la mật. Ai đó có thể từ bỏ đời sống tại gia và trở thành một tỳ kheo, nhưng nếu người ấy vẫn còn dính mắc vào các đối tượng ngũ dục như một người tại gia thì sẽ không có sự khác biệt giữa là một người xuất gia và tại gia. Vì thế xuất gia ba la mật không chỉ có nghĩa là từ bỏ đời sống gia đình và thành một nhà sư. Xuất gia có nghĩa là có sự tinh tấn và dũng cảm để loại bỏ thứ dính mắc mà tất cả chúng ta cùng có: dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh và các đối tượng ngũ dục khác. Chừng nào ta vẫn chưa đạt được chứng đạt cao thượng của bậc Thánh Bất lai, chúng ta vẫn chưa tận diệt được dính mắc vào ngũ dục. Chúng ta cần biết mình một cách chân thực, chúng ta cần biết liệu mình có sự chân thành và quyết tâm vững vàng để loại bỏ dính mắc vào ngũ dục hay không  Chẳng hạn, chúng ta dính mắc vào màu sắc khi chúng ta xem tranh ảnh, thấy những gì mình xem thật đẹp đẽ huy hoàng. Thông thường, khi chúng ta thấy cảnh sắc đẹp, chúng ta dễ có vui thú và dính mắc. Nếu lưu tâm, chúng ta có thể biết được rằng ở khoảnh khắc ấy, đó chỉ là một thực tại, một pháp xuất hiện mà thôi. Tham ái có thể suy giảm nhờ việc ta không cố có được đối tượng khả ái và do đó, ta không tích lũy thêm dính mắc nữa. Vậy, khi có một đối tượng khả ái, ta có thể ngắm nhìn, nhưng khi không có đối tượng ấy và chúng ta không thể thấy nó, chúng ta không cố kiếm tìm.

Có thể chúng ta thường được ăn đồ ăn ngon, nhưng ăn quá nhiều thì có hại cho  cơ thể. Tuy nhiên tâm dính mắc với vị ngon khiến ta ăn kể cả khi không đói. Nếu chúng ta có thể loại bỏ dính mắc, chúng ta có xuất gia với vị, chúng ta sẽ chỉ ăn đủ để chấm dứt cơn đói, và có thể, ta thậm chí không quá thích thú. Ai đó có thể không thấy đói, và biết rằng nếu ăn thêm thì sẽ cảm thấy khó chịu. Tuy nhiên, vì thức ăn quá ngon, anh ta sẽ nhấm thêm một miếng. Điều đó chứng tỏ đã không có xuất gia. Trong khi ấy, nếu ai đó có xuất gia, anh ta có thể bắt đầu rèn mình, và vì vậy, anh ta cũng cần có kham nhẫn ba la mật để có thể ăn vừa đủ để hết đói; anh ta biết lượng thức ăn nào là vừa đủ để nuôi cơ thể.

Chúng ta có thể hiểu rằng rất khó thoát khỏi dính mắc vào các đối tượng ngũ quan, bởi lẽ chỉ việc rèn mình để giảm bớt tham ái cũng đã khó rồi. Vì vậy chúng ta cần vun bồi tâm lực để tất cả các ba la mật có thể trợ duyên cho tứ niệm xứ sinh khởi hay biết thường xuyên hơn về các đặc tính của thực tại trong cuộc sống hàng ngày.

Nếu có kham nhẫn, ta có thể chịu đựng các kinh nghiệm nóng lạnh. Khi thời tiết nóng, ta không cần cố để tắm mát, hoặc khi trời lạnh, ta không cần đến nước ấm để tắm. Một số người có thể cần nhiệt độ nước tắm thích hợp cho thân vì sức khỏe. Tuy nhiên, nếu không nằm trong trường hợp ấy, có thể là ta dính mắc vào nhiệt độ của nước. Một số người cảm thấy thoải mái và dễ chịu khi tắm nước ấm; mặc dầu cơ thể họ khỏe mạnh và không cần đến nước ấm, nhưng họ thích cảm giác dễ chịu ấy. Hoặc có lúc họ thấy thích thú khi tắm nước lạnh. Khi một người hiểu được xuất gia ba la mật, anh ta có thể chịu đựng tốt hơn, dù đang bị nóng hay lạnh. Anh ta cũng cần tới các ba la mật kham nhẫn và tinh tấn.

Không ai có thể bảo người khác phải từ bỏ dính mắc vào các lạc thú ngũ dục, cũng không ai có thể bắt mình làm như thế, hiểu ý nghĩa thực sự của xuất gia ba la mật là công việc của trí tuệ.

Chúng ta đọc trong cuốn “Những câu hỏi của Jatukaṇṇī” thuộc Tiểu nghĩa tích (Cūlaniddesa), Tiểu Bộ Kinh như sau:

“Có xuất gia (nekkhamma) khi có thấy, thấy rõ, so sánh, suy xét, vun bồi, để hiểu được rõ hành trì đúng, hành trì thích hợp, hành trì là kẻ thù [của tham ái]3, hành trì lợi ích, hành trì Pháp tùy Pháp đưa tới thanh tịnh giới. Có xuất gia khi có thu thúc lục căn, thiểu dục, tinh tấn- chánh niệm – tỉnh giác. Có xuất gia khi có tứ niệm xứ, tứ chánh cần, tứ như ý túc, ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, bát chánh đạo4, niết bàn và con đường dẫn tới niết bàn.

Khi có  xuất gia với an vui, sẽ có sự kiên cường, an trú, bảo hộ, không hiểm họa, không lay chuyển, bất tử, pháp xa lìa dính mắc, giống như một sợi chỉ được thắt lại. Thấy rõ như vậy, có xuất gia với an vui.”

Không dễ thấy được rằng xuất gia có nghĩa là an vui. Chúng ta cần phải hiểu rằng, thấy được lợi ích của xuất gia là công việc của trí tuệ, nó so sánh và suy xét sự thực hành, để ta theo được sự hành trì chân chánh và phù hợp, thứ đối nghịch với tham ái và những dính mắc vào đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm. Ta cần thấy được lợi ích của sự thực hành Pháp tùy Pháp, và phát triển ba mươi bảy phẩm trợ đạo.

Vì vậy, trí tuệ hiểu và biết rằng sự xuất gia xa lìa ngũ dục sẽ có được nhờ chánh niệm tỉnh giác, ba mươi bảy phẩm trợ đạo (những yếu tố trợ duyên cho giác ngộ), sự chứng ngộ niết bàn và con đường dẫn tới niết bàn, như đã nói trong kinh Tiểu Nghĩa Tích. Tất cả đều được hành trì với an vui, điều này có nghĩa là: ta cần thấy được bất lợi và hiểm họa của phiền não.Ta phải có quyết tâm không lung lay để phát triển trí tuệ hoàn toàn tận diệt dính mắc vào các đối tượng ngũ dục. Điều này bắt đầu từ việc nghe và suy xét về Pháp để thấy được lợi ích của thực hành. Ta cần nhận ra rằng xuất gia có nghĩa là an vui và đó là loại hạnh phúc tách rời với một tự ngã đi tìm vui thú. Ta cần hiểu rằng từ bỏ ngũ dục đưa tới an tịnh và hạnh phúc tối cao.

Mỗi ba la mật cần được vun bồi cùng với trí tuệ, nếu không thiện pháp ấy sẽ không ở mức độ của ba la mật. Nếu ta không thấy hiểm họa của bất thiện, và nếu ta không nhận ra lợi ích của ba la mật, chúng không thể được vun bồi. Đó là trường hợp mà trí tuệ quá yếu ớt để thấy được lợi ích của việc vun bồi các ba la mật.

Nếu mục tiêu của chúng ta là sự liễu ngộ Tứ Thánh đế, ta không nên chỉ phát triển trí tuệ mà cũng cần phát triển các ba la mật. Mỗi ba la mật đều quan trọng và là trợ duyên cho sự chứng ngộ Tứ Thánh Đế. Một số người băn khoăn tại sao cần vun bồi bền bỉ các ba la mật cùng với tứ niệm xứ. Người có hiểu biết về sự phát triển của con đường Bát Chánh Đạo biết rằng chánh niệm cần hay biết đặc tính của các pháp xuất hiện, và rằng trí tuệ dần dần suy xét, nhận thấy và hiểu đặc tính của các pháp là vô ngã, là danh – pháp kinh nghiệm, hoặc sắc – pháp không kinh nghiệm gì cả.

Tứ niệm xứ không thể sinh khởi liên tục, nhưng dẫu thế, do đã được nghe pháp và nhờ những tích lũy hiểu biết về sự phát triển tứ niệm xứ, tất cả những yếu tố ấy sẽ là duyên cho sự sinh khởi của các mức độ chánh niệm khác nhau. Có thể có chánh niệm ở mức độ của các phẩm chất tuyệt hảo gọi là ba la mật5. Mỗi ba la mật đều bao hàm một mức độ tinh tế của chánh niệm.

Chúng ta cần phát triển tứ niệm xứ song song với tất cả các ba la mật, và điều này diễn ra trong một thời gian dài vô tận. Chúng ta sẽ biết rằng tứ niệm xứ có thể lớn mạnh từ từ cùng với các ba la mật mà chúng ta đã vun bồi và tích lũy.

Để có thể chứng ngộ Tứ Thánh Đế, tất cả các ba la mật đều phải được vun bồi, không chỉ bố thí và trì giới, mà cả xuất gia – từ bỏ dính mắc vào ngũ dục. Chúng ta cần phải bền bỉ và không nên bị lung lay bởi các đối tượng ngũ quan, dù khả ái hay bất khả ái.

Chúng ta đọc rằng trong một trong các tiền kiếp, đức Bồ tát đã suy xét về bản chất của các bất thiện pháp của mình, ngài biết rằng chúng thường xuyên sinh khởi. Ngài nhận thấy từ bỏ dính mắc vào ngũ dục thật khó khăn. Chúng ta đọc trong Chú giải chuyện “Tiền thân Susīma” (số 411), rằng đức Bồ tát xem xét tâm phải nỗ lực sau khi từ bỏ dính mắc với các đối tượng thị giác, âm thanh, mùi, vị và đối tượng xúc chạm:

“Đức Bồ tát suy xét: một người ốm bệnh không thể tự trở mình. Người hộ lý phải buộc một sợi dây để anh ta có thể tự ngồi dậy, và anh ta cổ vũ mình với những lời sau, ‘nào, hãy kéo dây này để có thể trở mình.’ Nhờ kéo dây, anh ta có thể trở mình và cảm thấy thân thể thoải mái hơn, nhưng tâm vẫn không được thoải mái, dù chỉ chút ít. Đây cũng là tình cảnh của các chúng sinh bị đốt cháy bởi phiền não: họ không thể tự nâng mình và quay lưng lại với phiền não nhờ hạnh phúc khởi sinh từ sự cô tịch.’

Nếu không có dính mắc vào ngũ dục, ta sẽ có sự an tịnh thực sự, sẽ có hạnh phúc phát khởi từ sự cô tịch; ta an tịnh và xa lìa dính mắc vào ngũ dục. Tuy nhiên, để cảm thấy hoan hỷ và quay lưng với phiền não, để xa lìa dính mắc  và giã từ lạc thú ngũ dục, ta cần sự hỗ trợ của các ba la mật mà mình đã tích lũy. Chỉ như vậy ta mới có thể từ bỏ lạc thú ngũ dục. Chúng ta đọc trong Chú giải của “Tiền thân Susīma”:

“Suy nghĩ ấy sinh khởi trong tâm đức Bồ tát vào kiếp có vị vua Brahmadatta trị vì  ở Vārānasi.  Đức Bồ tát khi đó là con trai vị tế sư của đức vua, và tên của ngài là nam tử Susīma. Hoàng nam của vua là nam tử Brahmadatta. Hai thiếu niên đã lớn lên cùng nhau, cùng học tất cả các môn học thuật tại Takkasīla, và sau khi hoàn tất, họ trở về nhà. Hoàng nam Brahmadatta trở thành tể tướng, và sau khi phụ thân mất,  chàng đã nối ngôi vua và cử Susīma làm tế sư và quân sư của mình.

Một hôm, nhà vua đi rước quanh thành, ngồi trên vai vương tượng, còn tế sư ngồi trên lưng tượng. Khi hoàng thái hậu đứng nhìn qua cửa sổ cung điện, bà thấy tế sư ngồi sau đức vua. Bà liền phải lòng ngài và không còn thiết đến ăn uống. Đức vua tới thăm mẹ và hỏi điều gì khiến bà lâm bệnh, nhưng bà không muốn thổ lộ với đức vua vì xấu hổ. Vua bèn cử hoàng hậu tới, và hoàng thái hậu đã kể cho hoàng hậu nghe chuyện xảy ra. Đức vua tôn vị tế sư lên thành vua, hoàng thái hậu thành hoàng hậu còn ngài trở thành tể tướng.

Từ đó trở đi, đức Bồ tát trở nên nhàm chán với cuộc sống tại gia. Hoàng hậu tìm nhiều cách nói chuyện với ngài và sử dụng những chiêu trò nhằm khiến ngài vui thú với việc trị vì, nhưng đức Bồ tát đã giảng Pháp, chỉ ra ưu khuyết của lạc thú ngũ dục, và ngài đã trả lại vương quốc cho tể tướng. Ngài trở thành một ẩn sĩ và chứng đắc các thiền chứng và thần thông, để rồi sẽ tái sinh ở cõi Phạm Thiên.”

Ở phần cuối của câu chuyện tiền thân này, đức Phật giải thích rằng hoàng thái hậu là thân mẫu của La Hầu La (Rāhula), vua là Ānanda, còn vua Susima chính là Đức  Phật.

Khi kể về các tiền kiếp của mình, đức Phật giải thích rằng không ai có thể biết được sức mạnh của tham ái cũng như cách thức nó sinh khởi trong mỗi kiếp sống. Từ bỏ lạc thú ngũ dục là vô cùng khó khăn, và giã từ đời sống tại gia để trở thành một vị tỳ kheo lại càng khó hơn nữa, vì vị tỳ kheo phải xem xét cẩn mực và nghiêm trì giới luật tỳ kheo. Nhưng dẫu thế nào đi nữa, nếu ta mong từ bỏ lạc thú ngũ dục, dính mắc vào các đối tượng ngũ quan, thì nhất thiết cần từ bỏ bằng trí tuệ. Ta cần biết đặc tính của các pháp là vô ngã, không phải là chúng sinh hay con người. Có thể có tham, sân, si, thấy, nghe, ghen tuông, ngã mạn…, tất cả các pháp ấy là các thực tại chân đế mà ta gọi là tâm và tâm sở, các duyên khác nhau, các pháp sinh khởi do liên quan tương sinh. Tất cả những thứ này rất phức hợp và mang ý nghĩa sâu xa. Trí tuệ cần phải có đủ khả năng xuyên thấu bản chất của các pháp vào ngay lúc này và nhận ra chúng không phải là tự ngã hay chúng sinh.

Chú Thích

1.Tham khảo chuyện tiền thân “ Chuyện hai hiền giả Sona –Nanda”, số  532

2.Bát thiền là các tầng thiền được chứng đắc qua sự vun bồi an tịnh (samatha). Có bốn tầng thiền sắc giới và bốn tầng thiền vô sắc giới. Ngũ thông là các thắng trí (abhiññā) hiệp thế (thần thông của các bậc phàm, đó là thần thông biến hóa, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông và túc mạng thông (năng lực nhớ được các tiền kiếp)

3.Kẻ thù , tức là đối nghịch với dính mắc

4.Tứ như ý túc (iddhipāda) là: dục (chanda) như ý túc, tinh tấn  (viriya) như ý túc, tâm (citta) như ý túc và trạch pháp (vīmaṃsa) như ý túc. Tứ chánh cần bao gồm: tinh tấn đoạn trừ ác pháp đã sinh, tinh tấn ngăn ngừa ác pháp chưa sinh, tinh tấn tăng trưởng thiện pháp đã sinh, tinh tấn làm phát sinh thiện pháp chưa sinh. Ngũ căn (indriya) là: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Căn là những yếu tố dẫn dắt, mỗi yếu tố trong lãnh địa riêng của chúng. Ngũ lực (bala) cũng bao gồm cùng các thực tại như ngũ căn, nhưng khi các căn được phát triển tới mức độ không thể bị lay chuyển bởi các pháp đối nghịch, chúng sẽ trở thành lực. Thất giác chi bao gồm: chánh niệm, trạch pháp, tinh tấn, phỉ, an tịnh, định và xả. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo (bodhipakkhiyadhamma) là các pháp đưa tới giác ngộ; nếu được phát triển, chúng sẽ đưa tới giác ngộ.

5.Mỗi tâm thiện đều sinh kèm với chánh niệm lưu tâm, không bỏ qua thiện pháp. Như vậy, có nhiều mức độ của chánh niệm: chánh niệm của bố thí, của trì giới, của samatha và satipaṭṭhāna (tứ niệm xứ). Chánh niệm của tứ niệm xứ không  bỏ qua đặc tính của các thực tại xuất hiện.

Leave a Reply

Translate »