Pháp đàm với Achaan Sujin tại Hà nội 05/11/2012, buổi chiều

Pháp đàm ngày 05-11-12, bui chiều

Câu hỏi: Sáng nay, Achaan đã giảng về sự vận hành của các thực tại. Ở khoảnh khắc đầu tiên của cái thấy, cái thấy thấy đối tượng thị giác, và tiếp theo đó, tưởng (sanna) sinh khởi và cho biết đối tượng đó là gì. Câu hỏi của tôi là: Ở khoảnh khắc đầu tiên khi cái thấy kinh nghiệm một đối tượng, khi ấy vẫn có sanna, đúng không ạ?

Achaan: Đúng vậy, sanna sinh khởi với mọi citta. Nếu không có sanna ở khoảnh khắc của cái thấy, làm sao sanna tiếp theo có thể biết được cái gì đã được thấy. Sanna liên tục ghi nhớ, đánh dấu các kinh nghiệm từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.

Câu hỏi: Vậy thì cái sanna ở khoảnh khắc đầu tiên này khác với sanna  ghi nhớ khái niệm ở khoảnh khắc về sau có phải không ạ?

Achaan: Có nhiều citta sinh khởi giữa khoảnh khắc nhận biết và hiểu đối tượng đó là gì. Tuy nhiên, có ai thấy được, bây giờ, khi đang có cái thấy, rằng khoảnh khắc của cái thấy không phải là khoảnh khắc nhận biết đối tượng đó là gì. Dường như nó diễn ra ngay lập tức, cùng một lúc. Ngay khi có cái thấy là lập tức đã có ý niệm về ai đó hay cái gì đó rồi.  Nhưng trên thực tế, có nhiều sát na tâm giữa khoảnh khắc của cái thấy, và khoảnh khắc khi ý niệm về cái được thấy được hình thành. Liệu có thể có nhiều citta giữa khoảnh khắc của cái thấy và khoảnh khắc có ý niệm về cái được thấy? Nếu như chúng ta có thể kinh nghiệm trực tiếp được tất cả các citta đó, chúng ta cũng kinh nghiệm được sự sinh diệt liên tiếp của các citta. Vì các citta sinh và diệt cực kỳ nhanh, sự sinh diệt của các thực tại rất khó được kinh nghiệm trực tiếp. Ví dụ như có ánh sáng ở đầu một cái que, khi ta quay cái que đó thật nhanh, dường như là có cả một vòng tròn ánh sáng, nhưng trên thực tế thì chỉ là một khoảnh khắc ở một thời điểm. Khun Sarah, cô có muốn trình bày về 17 sát na tâm kinh nghiệm rupa không?

Sarah: Ví dụ, trong một tiến trình nhãn môn, sắc (rupa) là đối tượng thị giác duy trì trong khoảng thời gian dài gấp 17 lần sự sinh diệt của một citta, vì thế, một đối tượng thị giác sẽ không chỉ được kinh  nghiệm bởi một khoảnh khắc của cái thấy, mà còn được kinh nghiệm bởi nhiều citta khác trong tiến trình nhãn môn đó, và để cái thấy có thể thấy được đối tượng, thì trước đó đối tượng đã phải sinh khởi rồi. Vì vậy, ta nói rằng đối tượng thị giác là nhân duyên cho cái thấy sinh khởi. Nếu không có đối tượng thị giác, cái thấy sẽ không thể thấy đối tượng thị giác ấy. Và mặc dầu đối tượng thị giác diệt tức thì sau khi sinh khởi, citta sinh và diệt còn nhanh hơn nữa. (Sau bhavanga), có nhãn môn hướng tâm hướng tới đối tượng thị giác, có cái thấy, và rồi có  ba tâm quả nữa, tiếp theo là chặp 7 tốc hành tâm (javana citta) rồi tadaramana citta cùng kinh nghiệm đối tượng. Như vậu, citta sinh và diệt nhanh hơn đối tượng thị giác, và mỗi citta ấy đều được đi kèm với sanna. Sanna sinh khởi với tất cả các citta, đánh dấu và ghi nhớ đối tượng. Sáng nay, có ai đó đã hỏi về việc liệu có thể có tâm tham sinh khởi trước khi ý niệm về cái gì đó xuất hiện. (Quả thực), ngay trong tiến trình nhãn môn, kể cả  khi chưa có suy nghĩ về đối tượng, chưa xuất hiện tiến trình tâm qua ý môn thì tâm tham đã có thể sinh khởi, và trong chính chặp javana của tiến trình nhãn môn đó, tức là trước cả khi tiến trình tâm qua ý môn xuất hiện. Vì tiến trình ấy diễn ra vô cùng nhanh, tham tới cũng vô cùng nhanh, trước cả khi có ý niệm về cái chai hay bức tranh hay bông hoa, ngay trong tiến trình nhãn môn đó.

Câu hỏi: Tôi xin được hỏi, có phải bà nói là ngay cả trước khi có khái niệm về đối tượng, thì tham đã sinh khởi trong tiến trình ngũ môn?

Sarah: Trong tiến trình ấy, đối tượng thị giác là đối tượng của các citta, nhưng khi các chặp javana sinh khởi sau các tâm quả (tức là cái thấy và các tâm quả khác là quả của nghiệp), nếu nó không phải là kusala (thiện), thì nó phải là akusala (bất thiện). Nếu nó là akusala, thì chắc chắn là có moha (tâm si), và thông thường kèm lobha (tâm tham), và điều này xảy ra trước tiến trình ý căn (khi khái niệm được hình thành)

Câu hỏi: Như vậy, cách duy nhất để không có lobah hay dosa sinh khởi là ngay ở khoảnh khắc đầu tiên đã phải có panna rồi?

Sarah: Bất thiện sinh khởi do nhân duyên và không ai có thể chặn nó lại. Bất cứ khi nào cái thấy thấy đối tượng thị giác, thì tâm tham đã kèm theo thật nhanh. Những mô tả trên là để giúp ta thấy nó diễn ra nhanh đến chừng nào. Và sau tiến trình của nhãn môn, có tiến trình ý môn về đối tượng thị giác là đối tượng của tiến trình nhãn môn đó, và có thể lại có tâm tham tiếp, được tiếp nối bởi các tiến trình ý môn khác, và các ý niệm về hoa và chai được hình thành…và lobha lại tiếp tục được tích lũy. Cách duy nhất để các dính mắc ấy có thể được hay biết là phát triển panna để có cái hiểu, không chỉ về sự dính mắc, mà về bất cứ thực tại nào sinh khởi: cái thấy, đối tượng thị giác và tất cả các loại thực tại khác cũng cần được hiểu, chứ không phải bằng cách chặn dính mắc lại, vì điều ấy là không thể. Nhưng dần dần, nhờ việc phát triển tuệ giác, ta có thể thấy thật vô nghĩa khi có nhiều dính mắc đến vậy đối với các đối tượng thị giác chỉ sinh và diệt ngay tức thì.

Achaan: Nếu ta không sử dụng các khái niệm… Hiện giờ đang có cái thấy, liệu ai đó có thể biết là đang có lobha hay không? Chỉ có lobha với ý niệm về cái được thấy, hay cả với đối tượng thị giác nữa? Ai có thể biết được chính xác rằng khoảnh khắc của cái thấy và khoảnh khăc của cái nghe không sinh khởi cùng một thời điểm? Ai biết nào? Không ai biết cả. Vậy làm sao ta có thể biết là có dính mắc vào cái này hay cái kia một cách chính xác đây? Vậy là chúng ta đang nói về những gì chúng ta chưa biết trực tiếp, chúng ta nói về những gì mà ta nghĩ. Chẳng hạn, hãy nói về cái thấy. Ai biết về nó? Những nhân duyên nào khiến nó sinh khởi? Nếu không có nhân duyên, liệu nó có sinh khởi không? Nếu không có nhãn căn, nếu không có đối tượng thị giác, kiệu cái thấy có sinh khởi được không? Từ không có cái thấy đến có cái thấy, bạn thấy không, chỉ hoàn toàn do nhân duyên. Và điều ấy đúng không chỉ với cái thấy, mà với bẩt cứ cái gì sinh khởi, chúng đều sinh khởi bởi có nhân duyên cho chúng sinh khởi. Đó là ý nghĩa của anatta, vô ngã, không có ai ở đó cả. Cái chai này là atta hay anatta? Nó là gì? Là atta (ngã) hay anatta (vô ngã)?

Trả lời: Là anatta.

Achaan: Tại sao nó lại là anatta? Chỉ nói vậy thôi chưa đủ.

Trả lời: Bởi vì nó bằng nhựa.

Achaan: Vậy nếu nó không bằng nhựa thì nó là atta hay anatta?

Trả lời: Nó cũng là anatta.

Achaan: Vậy thì nó là anatta không phải vì nó bằng nhựa.

Trả lời: Vì nếu nó là atta, ta đã không thể tạo ra nó.

Achaan: Tạo ra nó là gì?

Achaan: Vì nó đã sinh khởi rồi, nên nó không phải là atta. Bất cứ cái gì đã sinh khởi thì không thể là atta.

Achaan: Đúng như vậy, nhưng khi bạn coi nó là một cái gì đấy, như là một cái chai chẳng hạn, hay khi có ý niệm về một cái gì đấy, khi đó là atta hay anatta?

Trả lời: Cái ý niệm về cái gì đó cũng là anatta.

Achaan: Ý niệm là gì?

Trả lời: Mọi thứ đều sinh khởi theo nhân duyên. Vậy, cái gì đó đã sinh và diệt rồi mà lại sinh khởi trở lại là tại sao?

Achaan: Đó là ý nghĩa của anatta, không ai có thể kiểm soát, không thuộc về ai, do nhân duyên tạo thành.

Sarah: Khi chúng ta có ý niệm về cái chai nước, thì suy nghĩ ấy là thực tại, nó sinh và diệt. Còn chai nước, con người trong căn phòng này v.v…chỉ là các ý niệm. Ta không thể nói các ý niệm là vô thường, cái vô thường là sự suy nghĩ về ý niệm đó hay các ý niệm khác, vì nó sinh và diệt. Thông thường, chúng ta sống trong thế giới của khái niệm và các giấc mơ, chúng ta cho rằng có các vấn đề ở sở làm, có cái chai hay con cá, và chúng ta đắm chìm trong thế giới của các giấc mơ và khái niệm, nhưng nhờ dân dần làm quen hơn với chánh kiến về các thực tại như là cái thấy và đối tượng thị giác, cái nghe, âm thanh, sự dính mắc, suy nghĩ v.v…, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn sự khác biệt giữa thực tại và đối tượng. Đó là cách để hiểu biết có thể được phát triển, qua việc tìm hiểu thêm về các thực tại, thay cho việc chìm đắm trong thế giới của tưởng cùng với vô minh như thường lệ.

Câu hỏi: Khi panna sinh khởi, nó sẽ hiểu về thực tại (chẳng hạn là cái thấy) hay nó hiểu về khái niệm (chẳng hạn ý niệm cái chai)?

Sarah: Ở khoảnh khắc của cái thấy, cái thấy thấy gì?

Trả lời: Một đối tượng

Sarah: Chỉ là một đối tượng thị giác, đối tượng của cái thấy. Vậy thì vào khoảnh khắc của cái thấy, chưa có ý niệm về cái chai, đúng không? Và ở khoảnh khắc của sự xúc chạm, chỉ có cái cứng, hay cái mát được kinh nghiệm, không có ý niệm về nước hay cái chai, đúng không?

Câu hỏi: Có đúng là ở khoảnh khắc đầu tiên của cái thấy khi cái thấy kinh nghiệm một đối tượng thì đó luôn là thực tại?

Sarah: Cái thấy chỉ có thể thấy một thực tại  là đối tượng thị giác, cái thấy không thể thấy khái niệm. Cái nghe chỉ có thể nghe âm thanh mà không thể nghe khái niệm. Trong bất cứ tiến trình ngũ môn nào, có 17 tâm kinh nghiệm sắc như đối tượng thị giác, âm thanh, cứng, mềm, v.v…khi đó chỉ có thực tại được kinh nghiệm. Nhưng thực tại cũng có thể được kinh nghiệm kèm với dính mắc vào thực tại đó. Đây là lý do vì sao ta luôn quay về với cái thấy và về các thực tại, bởi vì đó là những thứ duy nhất được trực tiếp kinh nghiệm trước khi có suy nghĩ và tưởng tượng về đủ mọi thứ. Mục đích và lý do chúng ta phân biệt cái nghe, đối tượng xúc chạm, cái thấy, âm thanh hay suy nghĩ v.v…với các khái niệm là bởi đó là cách duy nhất để có thể hiểu thực tại chỉ là các yếu tố, không có cái ngã nào ở đằng sau, chúng không phải là con người, là bạn bè, mà chỉ là các thực tại khác nhau sinh và diệt. Nếu không, sẽ luôn có ý niệm về thấy cái chai, con người và mọi thứ.

Câu hỏi: Điều đó phải chăng có nghĩa là khi ta có ý niệm về các đối tượng, chẳng hạn như đây là cái chai, đây là cái túi hay cái gì đó khác, tức là ta không hiểu vể thực tại?

Sarah: Không hẳn như vậy, bởi ngay cả Đức Phật cũng vẫn biết  đây là cái chai, đây là rượu, đây là ai đó…Hiểu biết về thực tại không có nghĩa là không còn khái niệm. Mà nó có nghĩa là không còn hoài nghi, lẫn lộn, hay vô minh về cái gì là thực tại và cái gì không phải là thực tại. Thông thường, ở khoảnh khắc có ý niệm về cái chai hay con người, kèm theo nó là rất nhiều dính mắc và vô minh, nhưng nếu có thêm hiểu biết một cách chi tiết hơn về thực tại , thì sẽ có bớt đi sự lẫn lộn, bớt coi những khái niệm đó là thực.

Achaan: Được chưa? Vậy cái gì được thấy hiện giờ? Vẫn là một câu hỏi đó thôi, để chắc chắn là các bạn hiểu.

Trả lời: Tùy thuộc vào mỗi người.

Achaan: Không, đều như nhau cả

Trả lời: Đối tượng thị giác.

Achaan: Liệu một người có thể được thấy, một cái chai có thể được thấy không?

Trả lời: Không ạ.

Achaan: Thật không?

Trả lời: Chỉ trên lý thuyết thôi ạ.

Achaan: Nhưng điều đó là tốt. Nên có cái hiểu chuẩn xác về cái gì là đúng, cái gì là thực và cái gì không phải là thực. Chúng ta đã sống trong thế giới của khái niệm trong một thời gian rất, rất lâu trước khi ta có thể hiểu thực tại là gì. Nếu không có sự giác ngộ của Đức Phật, liệu ai đó có thể hiểu được điều ấy? Và từ giờ trở đi, từ giờ trở đi, sẽ có nhân duyên cho hiểu biết cái gì là thực, cái gì không là thực. Nếu không có thực tại, liệu có thể có khái niệm về một cái gì đó như là cái chai hay con người không? (Trả lời: Không thể). Và ở thời điểm có suy nghĩ về cái được thấy thì cái gì là thực? (trả lời: suy nghĩ). Cái suy nghĩ là thực, chứ không phải là nội dung, câu chuyện của suy nghĩ đó. Có thực tại hữu vi nào kéo dài không? (trả lời: không ạ)? Chúng diệt đi trong khoảng thời gian vô cùng ngắn ngủi hay là diệt từ từ?

Trả lời: về phương diện lý thuyết, chúng ta biết rằng chúng diệt đi trong từng sát na.

Achaan: Vì đó là thực tại, nó có thể được kinh nghiệm một cách trực tiếp và chính xác không? Trong quá khứ, có nhiều người đã có thể kinh nghiệm tất cả thực tại  như nó là, và từ đó đến giờ, các đặc tính ấy của thực tại vẫn không thay đổi, bạn không thể thay đổi được chúng. Cái thấy là cái thấy không chỉ hôm nay. Hôm qua, kiếp trước, nhiều năm trước, cái thấy vẫn là cái thấy, và nó chỉ có thể thấy, trong một khoảnh khắc, suy nghĩ cũng chỉ trong một khoảnh khắc. Nhưng dường như đang luôn có cái thấy, đan xen với cái nghe và suy nghĩ. Thật là nhanh. Hiện giờ có cái thấy. Khi nào panna sẽ có thể kinh nghiệm nó một cách trực tiếp? Không phải hôm nay. Còn ngày mai thì sao? Liệu trong kiếp này không? Điều ấy cần có thời gian. Và ai biết được? Chỉ có người hiểu tự biết mà thôi. Ngay cả bây giờ đây, liệu có ai biết được những người khác hiểu ở mức độ nào không? Đó là lý do chúng ta thảo luận, đàm đạo để có thể phát triển thêm hiểu biết. Liệu từ ngữ có được nghe không? (trả lời; không ạ). Vậy cái gì được nghe?

Trả lời: Chỉ âm thanh thôi.

Achaan: Rất tốt. Các bạn thấy không, ngay khi có cái nghe, thì dường như ngôn từ đã được hiểu ngay lập tức, nhưng thực tế thì hoàn toàn không phải như vậy. Bạn có thể chạm vào con người và đồ vật không? (Trả lời: không). Cái gì có thể được chạm vào?

Trả lời: cái cứng, cái mềm, cái ấm….

Achaan: rất tốt. Bất cứ khi nào có sự xúc chạm, khi ấy có thể có cái hiểu đúng về cái được chạm. Và panna-trí tuệ được phát triển từ việc nghe đi nghe lại để không còn quên nữa, cho đến khi có thể tạo duyên cho khoảnh khắc của trí tuệ  trực nhận. Các vị al la hán không còn vô minh và dính mắc, không còn thiện và bất thiện, bởi thiện (kusala) sẽ còn tạo ra quả thiện, bất thiện (akusala) còn tạo ra quả bất thiện. Nhưng vì các vị ấy không còn phiền não nữa, sau khi tịch diệt, sẽ không còn cái thấy, cái nghe sinh khởi nữa. Các bạn có muốn như vậy không? Chừng nào còn chưa có kinh nghiệm trực tiếp về sự sinh và diệt của thực tại, rằng không có ta, không có cái ngã nào có, chừng ấy vẫn còn chưa có nhân duyên để thấy cái rất khác biệt với những gì mà bạn vẫn thường mong muốn trong cuộc sống, tức là những cảm thọ dễ chịu, vì khi ấy chưa có cái hiểu rằng cái đó chỉ là một đối tượng kinh nghiệm, và sau khoảnh khắc đó , không còn gì cả.

Câu hỏi: Việc trở thành a la hán là có thể, có phải vậy không?

Achaan: Khi nào? Hôm nay ư?

Trả lời: Không phải hôm nay ạ

Achaan: Vậy khi nào? Ngày mai ư?

Trả lời: Trong tương lai.

Achaan: Ý bạn là chừng nào?

Trả lời: Trong tương lai xa.

Achaan: Một ngày nào đó, khi có thểm hiểu biết. Mỗi khoảnh khắc của hiểu biết là một khoảnh khắc của minh (vija), đối nghịch với vô minh (avija). Khi minh dần được phát triển, nó có thể loại bỏ ý niệm về ngã và tà kiến, và có thể có cái hiểu chính xác về những gì ta được nghe hiện giờ.

Câu hỏi: Ai trở thành vị a la hán?

Achaan: Trí tuệ ở mức độ đó, không phải trí tuệ ở mức độ này.

Câu hỏi: Trí tuệ của ai ạ?

Achaan: Nó ở đâu? Hiện giờ và ở đây có trí tuệ không? Nếu bạn cho tôi biết nó ở đâu tôi có thể cho bạn biết nó của ai.

Câu hỏi: Nếu ta nói muốn trở thành một vị a la hán, làm sao ta biết được mong muốn đó là minh hay là vô minh? Khi có mong muốn, lại dễ mang lại khổ đau nếu ta không đạt được mong muốn ấy.

Achaan: Liệu môt vị a la hán có thể hiểu thực tại hiện giờ không?

Trả lời: Tôi không biết vì tôi không phải là một vị a la hán

Achaan: Đúng vậy, nhưng với cái mà bạn biết về (trí tuệ) của một vị a la hán…

Trả lời: Tôi cũng chỉ nghe người khác nói lại, nhưng tôi không có kinh nghiệm trực tiếp, thì cũng chỉ biết là một vị a la hán là như thế thôi.

Achaan: Đức Phật có phải là một vị a la hán không?

Trả lời: Tôi chỉ biết là Đức Phật là người hiểu biết nhất, trí tuệ nhất mà không có ai bằng được.

Achaan: Đúng là không có ai bằng được, nhưng các vị a la hán khác cũng giống Ngài về phương diện giải thoát, không còn phiền não (kilesa), không còn vô minh (avija). Liệu điều ấy có thể không? Không chỉ có bậc Chánh đẳng giác mới là A la hán, mà Ngài còn dậy cho những nguời khác và nhiều người nghe Ngài giảng đã trở thành A la hán. Ngài Xá lợi phất, ngài Mục Kiền Liên là một vài ví dụ.

Câu hỏi: Chẳng hạn, ai đó nói rằng “tôi đã trở thành một vị a la hán”. Nhưng trên thực tế, có thể người ấy thực sự là một vị a la hán, cũng có thể là không. Vậy, làm thế nào để ta biết được vị ấy có thực sự là a la hán hay không?

Achaan: Bạn phải biết một vị a la hán biết những gì, nếu bạn không biết, bạn sẽ không thể biết được ai là vị a la hán. Chẳng hạn, một vị  a la hán có hiểu cái thấy chỉ là cái thấy, không phải là ta, hay vị ấy cho cái thấy ấy là ta thấy, tôi thấy, hay bạn thấy và không có hiểu biết về sự sinh diệt liên tục của thực tại từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.

Trả lời: Có thể ai đấy cho mình là A la hán, nhưng trên thực tế vị ấy không phải.

Achaan: Một người tội nghiệp, tà kiến, vô minh.

Sarah: Và nếu ai đó bảo với bạn cần phải đi tới một nơi nào đó để phát triển hiểu biết, hay phải đi theo các bước  nào đó, hay phải làm cái gì đó đặc biệt, như ăn thật chậm và chánh niệm để nắm bắt thực tại. liệu người ấy có phải là một vị a la hán không? Vì khi ai đó nói như vậy, điều ấy chỉ làm củng cố thêm ý niệm về một cái tôi có thể làm mọi thứ theo ý chí và kiểm soát cuộc sống, và như vậy thì người ấy không thể là người đã có cái hiểu  đúng về Giáo lý của Đức Phật, bởi cốt lõi của tất cả những gì Đức Phật đã dậy là về tính chất vô ngã của các pháp, không có “ta” hay ai đó có thể tạo nên điều gì bằng  cách tuân theo các bước thực hành hay phương pháp.

Câu hỏi: Vào bữa trưa hôm nay, chúng ta đã có đàm đạo rất thú vị về ý nghĩa của pariyati-pháp học,  patipati-pháp hành và pativeda-pháp thành. Nó rất bổ ích và vì vậy tôi muốn được nghe lại về điều ấy.

Sarah: Câu hỏi đặt ra là: “bhavana là gì?” (ND: bhavana thường được dịch sang tiếng Việt là thiền, tham thiền, tu tập, thực hành v.v…) Vì thế chúng tôi đã nói về điều mà Đức Phật đã dậy về pariyati- patipati và pativeda. Trước hết, hãy nói về pariyati, thế nào là pariyati? Pariyati có nghĩa là cái hiểu đúng về mặt lý thuyết về thực tại. Đó là bước đầu tiên của cái mà Đức Phật đã dậy về bhavana.

Câu hỏi: Tôi muốn nói lại về pariyati. Kể cả khi ta đã đọc kinh sách, các chú giải v.v…nhưng nếu không có cái hiểu đúng đắn về những gì đã được đọc, được nghe thì sẽ không được gọi là pariyati, có phải không ạ?

Sarah: Đúng như vậy. Quả là chúng ta có thể đọc kinh với chánh kiến hoặc tà kiến. Có thể trong khi đọc hay nghe sẽ có hoặc không có chút hiểu biết nào về thực tại. Vì thế hiện giờ, chúng ta đang nói rất nhiều về cái thấy là gì, đối tượng thị giác là gì, suy nghĩ là gì. Cái hiểu đúng ở khoảnh khắc hiện giờ là tất cả những gì được thấy chỉ là đối tượng thị giác, chứ không phải là con người, căn phòng, con cá…Đó chính là pariyati. Và đó là sự  khởi đầu của bhavana, tức là cái hiểu đúng về thực tại về mặt lý thuyết. Vì vậy, nếu bạn muốn biết thực hành là gì, thì thực chất sự khởi đầu của thực hành chính là sự khởi đầu của cái hiểu đúng, rõ ràng về thực tại. Nếu không có pariyati-pháp học, sẽ không thể có patipati-pháp hành, hay nói cách khác là trí tuệ  trực nhận về thực tại. Bây giờ chúng ta đang được nghe về cái được thấy chỉ là đối tượng thị giác, cái được nghe chỉ là âm thanh, đó là cách để hiểu biết được phát triển. Nhờ có việc nghe, và sự suy xét kỹ lưỡng, hiểu biết dần dần được phát triển hiện giờ tại hoảnh khắc này. Và khi có hiểu biết trực nhận về đối tượng thị giác rằng nó chỉ là cái được thấy, rằng âm thanh chỉ là cái được nghe, v.v.. khi đó là patipati-pháp hành, hay ta có thể gọi đó là satipatthana, tứ niệm xứ. Vì vậy, không có sự thực hành, phương pháp, hay tu tập nào khác ngoài các khoảnh khắc của hiểu biết đúng về các thực tại, và đến lúc nào đó, khi hiểu biết phát triển hơn, sẽ có pativeda-pháp thành, hay khoảnh khắc của sự giác ngộ, khi chân lý tột cùng được chứng nghiệm.

Trưa nay, P. có hỏi rằng khi ta ăn một cách từ từ, cẩn thận, chánh niệm và quan sát cái ta đang kinh nghiệm thì khi đó có phải là thực hành, là bhavana, hay patipati không? Achaan đã trả lời là không, không một chút nào, vì khi ấy đang có ý niệm về một cái ta đang cố gắng hay biết và duy trì chánh niệm, và như vậy là không có hiểu biết đúng một chút nào cả.

Câu hỏi: Vậy thì thế nào là thực hành ạ? Khi ta ăn, ta hay biết cảm giác nặng khi  tay đưa thức ăn lên miệng, hay biết cảm giác của vị khi lưỡi tiếp xúc với thức ăn, rồi hay biết tâm mình thích hay không thích . Nếu ta hay biết tất cả những gì đang xảy ra, chẳng phải cái đó gọi là thực hành hay sao?

Achaan: Khi “ta” hay biết, nó khác với khi chánh niệm sinh khởi bởi nhân duyên. Khi “ta” hay biết, khi đó có ý niệm về ta. Nhưng các pháp đều vô ngã (sinh khởi theo nhân duyên). Nếu không có pariyati, liệu có patipati được hay không? Chẳng phải là cũng có thể có patpati sai hay sao? Cái bạn nói tới là patipati đúng hay patipati sai? Khi bạn muốn đi tới đâu đó để hay biết thực tại, đó là chánh kiến hay tà kiến? Vô minh và ngã kiến thì luôn cho rằng không thể phát triển hiểu biết đúng hiện giờ. Nhưng cái thấy thì luôn là cái thấy bất kể khi nào và ở đâu. Vậy bây giờ bạn quan tâm đến cái gì?

Trả lời: Đến pháp đàm ạ.

Achaan: Tức là pariyati, phải không? Chưa phải là patipati.

Câu hỏi: Có phải là patipati sẽ sinh khởi khi pariyati đã được tích lũy đấy đủ, đúng không ạ?

Achaan: Pariyaati tạo duyên cho patipati. Như vậy là bây giờ chưa thể có patipati. Chưa có đủ hiểu biết. Nghĩa của từ patitpati là tiếp cận, đạt tới một thực tại với trí tuệ và chánh niệm, bởi nhân duyên. Từ đầu tiên chúng ta học là dhamma- pháp có nghĩa là vô ngã, anatta. Dhamma không có nghĩa là người này hay người kia, thứ này hay thứ kia, mà có nghĩa là một thực tại hay bất kể thực tại nào, hay tất cả các thực tại đều không thể là cái gì khác  cái nó là : cứng là cứng, mềm là mềm, tất cả chúng đều là dhamma, không phải là ai cả. Khi ai đó hiểu rằng cái thấy bây giờ là thực, không phải là ta, mà chỉ là một khoảnh khắc được tạo duyên bởi nhãn căn, đối tượng thị giác và nhãn thức, tại khoảnh khắc tiếp cận đặc tính của cái thấy với chánh niệm và trí tuệ, đó chính là patipati, và chỉ đó mới là patipati.

Trả lời: Còn cả một chặng đường dài để tới đó.

Achaan: Đó là cả một chặng đường rất, rất dài. Nhưng đó là hiểu biết đúng. Và bạn tự biết điều ấy, bởi bạn nói đó là con đường dài. Không phải là ai nói cho bạn biết, mà là chính cái hiểu của bạn.

Sarah: Không gì có thể được kiểm soát, mọi thứ đều tạo bởi nhân duyên, và vì vậy sự phát triển phải rất tự nhiên.

Achaan: Làm thế nào để ta biết nó là tự nhiên? Như khoảnh khắc này, rất tự nhiên.

Câu hỏi: Mọi khoảnh khắc đều tự nhiên phải không ạ?

Achaan: Bây giờ, như nó là.

Câu hỏi: Và đó chính là ý nghĩa của cụm từ; “thực hành theo pháp”, đúng không ạ?

Achaan: Tôi không biết tại sao bạn lại sử dụng từ “thực hành”. Nên chăng hãy nói sự phát triển hiểu biết, bắt đầu từ việc nghe pháp đến suy xét, từ văn tuệ tới tư tuệ và trí tuệ trực nhận? Khi bạn hiểu sai về bhavana, cũng có nghĩa là không hiểu đúng chút nào, và bạn sẽ chỉ muốn “thực hành”. Nhưng nếu như có cái hiểu về thực tại nào hiện giờ, nó sẽ phát triển, từng chút một. Giữa hôm qua và hôm nay, cái hiểu có tốt hơn không? có tăng thêm một chút không? Và mục đich của sự thực hành là gì?

Trả lời: Là để phát triển thêm hiểu biết về thực tại

Achaan: Như vậy, ta không cần phải dùng từ “thực hành”, vì khi bạn dùng từ “thực hành”, nó hàm ý là bạn phải làm một cái gì đó.

Trả lời: Đúng vậy, nhưng khi nói chuyện với người khác, ta buộc phải dùng ngôn từ.

Achaan: Ngôn từ đúng hay ngôn từ sai? Mọi người sẽ hiểu như thế nào khi bạn sử dụng từ “thực hành”?

Trả lời: Cũng giống như nấu ăn, phải có quy trình: đầu tiên là cho thực phẩm vào, xào nấu, rồi nếm cái mình ăn.

Achaan: Nếu như bạn không có thực phẩm, làm sao bạn có thể nấu ăn. Nếu bạn không có cá, không có rau….

Người phiên dịch: Bởi lẽ từ “thực hành” thời nay đã bị hiểu sai quá nhiều, nếu chúng ta tiếp tục dùng từ ấy, chúng ta sẽ khiến mọi người hiểu sai con đường, đúng không ạ?

Achaan: Đúng vậy.

Câu hỏi: Như vậy có phải là khi chúng ta hay biết về các thực tại là khi ấy chúng ta đang thực hành, có phải không?

Achaan: “chúng ta” hay biết ư? Chánh niệm (sati) là gì? Nếu bạn không biết con cá như thế nào khi đi bắt cá, liệu bạn có tóm được nó không? Cái thấy không phải là sati, phải không? Bây giờ, ta đã biết là cái thấy thấy, nó kinh nghiệm một đối tượng thị giác hiện giờ, và cái được kinh nghiệm là thực, nó là một thực tại không phải do ai tạo ra. Nó sinh khởi bởi các nhân duyên riêng của nó. Vậy, khi bạn nói về chánh niệm, bạn có biết nhân duyên nào khiến nó sinh khởi không?

Có cái nghe, có sự xúc chạm, có cái cứng và mọi thứ hiện giờ. Khi sati sinh khởi, bạn biết rằng nó đã sinh khởi theo nhân duyên, chứ không phải vì bạn muốn có nó, hay bởi bạn nghĩ rằng mình đang hay biết. Chừng nào sati thực sự chưa sinh khởi, bạn có  thể biết sati thực sự là như thế nào hay không? Giống như là cái thấy. Nếu cái thấy không sinh khởi, làm sao ta có thể biết đươc cái thấy đang thấy hiện giờ.

Câu hỏi: Nếu không có cái thấy hiện giờ, và ta nói về cái thấy, thì đó chỉ là suy nghĩ thôi, có đúng không ạ?

Achaan: Và chúng ta sẽ không bao giờ biết được cái thấy là gì, nếu cái thấy không xuất hiện. Tất cả các từ được Đức Phật dạy đều nhằm mang tới cái hiểu đúng về mọi thứ. Đức Phật không dậy ai đừng vội hiểu. Khi bạn chú ý đến cái gì đó hay chú tâm vào một đối tượng, đó không phải là sati, đó chỉ là samadhi (định), không phải là sati. Đó là 2 loại thực tại khác nhau. Nếu không có cái hiểu đúng, liệu có thể có chánh niệm-sama sati không?

Sarah: Khi ta nói về thực hành, hay cố gắng hay biết, hay chú tâm trên đối tượng, đó là “tôi” muốn tìm một con đường tắt, một lối đi tắt để đạt tới kết quả, bởi con đường mô tả kia dường như là quá dài, vì vậy, ta tìm cách để tăng tốc và đạt được kết quả cho “bản thân”. Nhưng con đường tắt này hay ý muốn tăng tốc này cũng chỉ là dính mắc và tà kiến, vì đó có vẻ như là con đường tắt, nhưng thực chất lại là một con đường vòng, bởi vì nó dựa trên dính mắc và tà kiến, và con đường phi đạo.

Achaan: Con đường ngắn đó là gì, lại nữa? Đó là gì? Là, minh (vija) hay vô minh (avija)? Vì đó là con đường không có cái hiểu về thực tại hiện giờ, quay lưng lại với khoảnh khắc hiện giờ với dính mắc. Vậy làm thế nào để có hiểu biết đây? Các bạn có thiện bạn hữu không?

Trả lời: Hôm nay chúng tôi có.

Achaan: Hôm nay hay từ trước? (trả lời: cả từ trước!) Trước khi các bạn nghe Giáo pháp ư?

Trả lời: Phải có chứ, vì vậy hôm nay chúng tôi mới ngồi đây.

Achaan: Vậy là bạn biết ai là thiện bạn hữu, và ai không phải là thiện bạn hữu. Liệu avija (vô minh) có thể là thiện bạn hữu không?

Trả lời: Như vậy là hầu như không thể có thiện bạn hữu, vì tất cả mọi người đều như nhau.

Achaan: Thiện bạn hữu, sẵn sàng giúp đỡ, sẵn sàng chia sẻ hiểu biết.

Câu hỏi: Liệu ta có thể coi khoảnh khắc của cái hiểu là thiện bạn hữu không?

Achaan: saddha (tín), và tất cả các thiện pháp đều là thiện bạn hữu.

Câu hỏi: Chúng ta có thể nói rằng hiểu biết trực nhận về thực tại phụ thuộc vào hiểu biết về thực tại trên lý thuyết hay không?

Achaan: Nếu không có hiểu biết về lý thuyết, liệu có nhân duyên cho hiểu biết trực nhận về thực tại hiện giờ không? Cần phải có pariyati trước khi patipati có thể sinh khởi. Khi pariyati đã trở nên vững chãi, bạn sẽ không bao giờ quên rẳng, giây phút hiện giờ là pháp, và bạn sẽ biết ai đang giảng chân pháp và ai không giảng chân pháp.

Câu hỏi: Achaan, ngoài pariyati, còn có nhân duyên nào khác cho patipati sinh khởi không ạ?

Achaan: Được rồi, pariyati là gì?

Trả lời: Là hiểu biết đúng về mặt lý thuyết

Achaan: một cách thấu đáo và thuần thục, hiểu các ngôn từ trong Giáo lý, từng từ một, VD như dhamma (pháp), anatta (vô ngã), cái thấy…nghe chỉ là nghe, nghĩ chỉ là nghĩ v.v…Nếu không có những hiểu biết ấy, liệu có nhân duyên nào nữa cho sự sinh khởi của của chánh niệm hay không?

Câu hỏi: Khi ta cố gắng suy xét về cái thấy chẳng hạn, trước hết có cái thấy xuất hiện, và ta cần phải suy xét cái thấy để có cái hiểu đúng chỉ về thực tại đó mà thôi. Vào thời điểm đó, chúng ta không thể biết những thứ đang sinh khởi khác, có phải không ạ?

Achaan: Cái bạn vừa nói giống như là một hướng dẫn về các bước phải làm: trước tiên bạn phải làm việc này đã, rồi bạn sẽ sang bước sau. Nhưng thực chất, sự phát triển là hoàn toàn vô ngã, “bạn” không thể làm gì cả. Panna phát triển từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác với sự hỗ trợ của các tâm sở khác nữa, chẳng hạn như yoniso manasikara (chú ý chân chánh, hay suy xét chân chánh) đối với cái đang được nghe để hiểu được thực tại như nó là một cách tự nhiên, bởi vì nó cũng là một thực tại do nhân duyên, không ai có thể thay đổi. Bạn có các tư thế khác nhau, phải không? Cái gì tạo duyên cho điều ấy? Đức Phật đã dậy rất chi tiết về mọi thứ. Liệu bạn có thể kiểm soát suy nghĩ của mình không? Nhưng bây giờ panna chưa đủ mạnh để hiểu rằng suy nghĩ cũng được tạo bởi nhân duyên.

Người phiên dịch: Anh ấy nói hai ý. Trước hết anh ấy muốn phân biệt suy nghĩ và hiểu biết. Hiểu biết có phải là suy nghĩ hay là một dòng suy nghĩ? Tất cả những khái niệm ấy còn chưa rõ ràng đối với anh ấy. Và ý thứ hai là, anh ấy nghĩ là trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể kiểm soát được ý nghĩ của mình.

Achaan: Liệu anh ấy có thể chọn luôn luôn chỉ có các suy nghĩ thiện không?

Người phiên dịch: Anh ấy nghĩ là có thể.

Achaan: Vậy anh ấy có thể luôn có suy nghĩ thiện ư? Thế nào là suy nghĩ thiện?

Người phiên dịch: Bây giờ anh ấy đồng ý là không thể kiểm soát được suy nghĩ, nhưng anh ấy vẫn muốn phân biệt rõ giữa citta (tâm), suy nghĩ và panna(hiểu biết, trí tuệ)

Achaan: Được rồi, nếu ta không dùng những từ đó, hiện giờ có cái thấy không? Cái thấy có thể suy nghĩ  không? (trả lời: không ạ). Cái nghe có thể suy nghĩ không? Tuy nhiên, suy nghĩ thì đi sau cái thấy. Ngay sau khi có cái thấy, lập tức có suy nghĩ về hình dạng của các sắc đang không ngừng  sinh diệt. Tướng của hình dạng xuất hiện và tưởng nhận ra nó. Hiện giờ có suy nghĩ sau cái thấy, vì cái thấy chỉ thấy, cái thấy không thể nghĩ. Cái thấy chỉ kinh nghiệm đối tượng thị giác trong một khoảnh khắc và rồi diệt đi ngay. Sau đó có tưởng đánh dấu các đặc tính của tất cả những gì được thấy, từ các hình dạng mà hình thành ý niệm về cái gì đó, như con người và đồ vật. Đó là suy nghĩ. Như vậy, trên thực tế, suy nghĩ không nhất thiết là một câu, một dòng. Trong phần lớn thời gian trong ngày, suy nghĩ lại lúc lúc xuất hiện, đúng không? Và đó là suy nghĩ, nó khác với cái hiểu, nó chỉ là suy nghĩ sinh khởi sau cái thấý, nếu không có suy nghĩ (tưởng),  đối tượng ấy sẽ không thể được nhận biết thành con người hay đồ vật. Vì ta có thể hiểu suy nghĩ, ta có thể thấy được sự khác biệt giưã suy nghĩ và hiểu biết. Hiện giờ, có cái hiểu rằng có cái thấy và suy nghĩ, phải không? Và đó chính là cái hiểu, panna, cái bắt đầu phân biệt được sự khác biệt giữa cái thấy và suy nghĩ. Như vậy đã rõ chưa?

Trả lời: Chưa được rõ lắm ạ

Achaan: Chưa đủ rõ ư? Được rồi. Cái thấy có thể nghĩ không (trả lời: không ạ). Bạn thấy không, chúng ta phải nghe đi nghe lại, cho đến khi có hiểu biết sáng rõ về những gì được nghe. Vậy là cái thấy không thể nghĩ đúng không? Nhưng sau cái thấy thì xuất hiện suy nghĩ. Nghe và thấy thì nhanh như một tia chớp, nhưng suy nghĩ (tưởng- sanna) thì liên tục ghi nhớ.  Hãy nhắm mắt lại, bạn có thể nghĩ về nhiều thứ như cái chai, đôi giấy, cái áo v.v…mà không cần có cái thấy. Như vậy là suy nghĩ có thể sinh khởi mà không cần có cái thấy hay nghe, như trong các giấc mơ. Trong một giấc mơ, dường như là có cái thấy nhưng trên thực tế không có cái thấy nào cả, mà chỉ là suy nghĩ (tưởng) về cái đã được thấy mà đã (bị vô minh) coi là cái gì đó thường hằng. Như vậy khoảnh khắc hay biết cái được thấy là gì không phải là khoảnh khắc thực sự  của cái thấy, đó là suy nghĩ. Như bây giờ, tại khoảnh khắc có sự nhận biết thế giới xung quanh thì không còn là khoảnh khắc của cái nghe nữa, và đó không phải là cái hiểu đúng, mà chỉ là thấy và nghĩ, nghe và nghĩ mà thôi. Nhưng khi có cái hiểu về sự khác biệt của các thực tại ấy, đó là cái hiểu, hay panna. Còn vô minh thì không thể hiểu gì cả. Tại khoảnh khắc của cái hiểu, cái đang bắt đầu phát triển cho đến khi nó có thể thực sự hiểu các khoảnh khắc này như chúng là. Và đó chính là ý nghĩa của từ bhavana trong tiếng Pali, được đề cập đến trong Tam tạng, chứ không phải  là “thiền” như vẫn được dịch. Nó rất tự nhiên, như cái thấy vậy. Cái thấy rất tự nhiên, và sati cũng vậy khi nó sinh khởi, rất tự nhiên, cùng với trí tuệ.

Câu hỏi: Có đúng là chúng ta hầu như luôn xa rời thực tại. Khi chúng ta nghe cái gì đó, lập tức ta đã hiểu luôn nghĩa của các từ đó, cũng tương tự như vậy với cái thấy hay sự xúc chạm, không biết gì về thực tại cả?

Achaan: Đúng vậy, và đó là hiểu biết đúng. Chúng ta không cần phải đi tìm các khoảnh khắc khác.

Câu hỏi: Như vậy phải chăng ta  có thể nói ta không có panna vì ta không biết thực tại?

Achaan: Khi không hiểu về thực tại hiện giờ thì không có chút panna nào cả. Nhưng được nghe giảng về Chánh Pháp là lúc bắt đầu, và nếu ta trung thực với sự thật và thực tại để thấy rằng vẫn còn rất nhiều vô minh, thì điều ấy sẽ tốt hơn là cho rằng mình đã có nhiều panna rồi. Thực tại vô cùng vi tế, vô cùng sâu xa, đến mức khi Đức Phật giác ngộ, Ngài đã không nghĩ đến chuyện hoằng pháp. Vì panna của Ngài đã được phát triển đến mức độ tột đỉnh của một bậc Chánh đẳng giác,  khoảnh khắc chứng ngộ sự vi tế của pháp đã duyên cho sự lưỡng lự ấy. Nhưng thời đó, có những người đã tích lũy đủ panna để trở thành sotapana (Tu đà hoàn), sakadagami (Tư đà hàm), anagami (A na hàm) và  arahata (a la hán).

Sarah: Tôi nghĩ khó khăn, như qua câu nói của một số bạn, là ở chỗ, khi ta nghe về thực tại, nghe về pariyati, thì lập tức chúng ta lại nghĩ đến việc làm thế nào để có pariyati, hay làm thế nào để có hiểu biết, và cách tư duy ấy cũng tương tự  như đi đến một trường thiền rồi tự hỏi chúng ta phải làm gì để có chánh niệm, đó là bởi ý niệm về ngã thật sâu dầy, và kể cả khi ta nghe về phát triển hiểu biết, ta vẫn cảm thấy cần phải có cái gì thêm vào, cái gì đó mà ta có thể làm. Nhưng thực chất, đó chỉ là những thực tại sinh khởi bởi nhân duyên, trí tuệ chỉ phát triển khi các nhân duyên cho sự sinh khởi của nó có mặt, và ta không có gì để làm cả. Bởi vì theo chân đế, không có “ta”, không “ai” có thể làm hay kiểm soát cái gì cả. Ý niệm về ngã này là sự cản trở. Khi ta nghe nói về pháp và về hiểu biết, tâm lại giở mảnh khóe, cố làm một cái gì đó để nắm bắt, nhưng chính điều ấy lại cản trở trí tuệ phát triển một cách tự nhiên, chánh niệm chỉ hay biết các thực tại đang sinh khởi bây giờ, chứ không bởi cố gắng nắm bắt hay làm một cái gì đó

Câu hỏi: Vậy còn việc nhiều thiền sư vẫn nói: “ hãy thực hành mà không có mong chờ gì hết” thì sao? Các trường thiền luôn nhấn mạnh điều này, nhưng thiến sinh không thực sự chú ý đến lời dậy ấy.

Achaan: Còn Đức Phật đã dậy chúng ta điều gì? Ý nghĩa của sự quy y Tam bảo “ Buddham saranam gacchami”- con xin quy y Phật; Dhamman saranam gacchami, con xin quy y Pháp; Sangham saranam gacchami- con xin quy y Tăng, là gì? Bạn tin vào lời của những người khác hơn là tin vào lời dậy của chính Đức Phật hay sao?

Trả lời: Con không thực sự hiểu điều bà định nói, con không chắc lắm…chẳng phải là các bậc thầy đó cũng rất tôn kính Đức Phật hay sao, và chúng con thì dựa vào các vị ấy.

Achaan: Đừng dựa vào con người, mà hãy dựa vào những lời dậy đúng đắn. Nếu một vị thấy nói: “hãy ngồi thiền đi, và chưa cần hiểu gì bây giờ cả”, bạn có đi theo những lời ấy không và ngồi thiền?

Trả lời: Con đã từng hành thiền và tin rằng nếu ta thực hành mà không có sự mong đợi thì chánh niệm có thể sinh khởi hay biết một cách trực tiếp không thông qua khái niệm.

Achaan: Như vậy là không có chút hiểu biết nào cả. Trí tuệ hiểu cái gì? Chúng ta cứ nói hiểu biết, trí tuệ, nhưng  trí tuệ phải hiểu cái gì? Nếu nó không hiểu cái thấy hiện giờ, ta có thể nói là có trí tuệ không? Đừng đi theo lời nói của bất kỳ ai, hãy chỉ đi theo Giáo lý mà thôi.

Câu hỏi: Thưa Achaan, ngày nay có nhiều người tỏ sự hoài nghi về việc Vi Diệu Pháp là giáo lý do Phật thuyết, vì thế họ nói: “nếu ta đi theo những lời dậy trong VDP, vốn không phải là lời của Đức Phât, vậy là ta đi theo lời dậy của những người khác chứ không phải của Đức Phật”.

Betty: Tôi có trải nghiệm cá nhân với con trai tôi là một vị tỳ kheo xuất gia đã được 18 hạ. Tôi và vị ấy luôn tranh luận với nhau, và tôi nhận ra là, khi vị ấy nói trí tuệ chỉ sinh khởi ở tầng thiền thứ 4, tôi cần phải hỏi vị ấy là bản thân vị ấy tự có hiểu biết ấy, hay vị ấy chỉ tin lời của người khác nói. Rất khó chia xẻ pháp với những người như vậy, vì họ đã học một phiên bản khác về Giáo lý, và họ có rất ít tích lũy để nghe chân Pháp, bởi họ tin rằng họ đã biết chân Pháp. Như Achaan đã nói: Làm sao ta biết Giáo lý là đúng đắn? Ta biết Giáo lý dậy chân lý khi satipatthana sinh khởi, khi ấy nó sẽ khẳng định những gì đã được dậy trong Tam tạng. Điều ấy không có nghĩa là Satipatthana sẽ sinh khởi vào ngày mai, nó cần có đủ nhân duyên để sinh khởi. Các bạn biết không, đôi khi ta có thể có suy nghĩ như:”tôi sẽ không bao giờ có được kinh nghiệm trực tiếp, không bao giờ”, nhưng đó chỉ là suy nghĩ, và nó củng cố ý niệm về một cái tôi cố gắng có được kinh nghiệm trực tiếp. Nhưng kinh nghiệm trực tiếp sẽ xảy ra khi có đủ nhân duyên, và khi nó sinh khởi, nó sẽ khẳng định những lời dậy trong Tam tạng. Nó đã từng sinh khởi ở một số người. Hay nói cách khác, nếu không ai có kinh nghiệm trực tiếp về satipatthana, thì Tam tạng đã bị vứt vào sọt rác từ lâu. Nhưng rõ ràng là đã có những người kinh nghiệm trực tiếp satipatthana, và điều ấy đã khẳng định những gì họ đã học. Và khi satipatthana sinh khởi, nó không chỉ khẳng định mà còn làm sâu sắc hơn trí tuệ của chúng ta. Đó là bài test. Làm sao chúng ta biết? Đó là cách chúng ta biết.

 

Leave a Reply

Translate »